Người nghe chuyện trong Nghìn lẻ một đêm và Mười ngày

 (Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, Chuyên san Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 4 - 2015)

 

https://katongboyreads.files.wordpress.com/2012/05/dsc03443.jpg

             Trong tiến trình văn học thế giới, nghệ thuật tự sự luôn có những vận động và những thành tựu. Hai tác phẩm Nghìn lẻ một đêmMười ngày đã trở thành những điển hình quan trọng của văn học phương Đông và văn học phương Tây trong tiến trình đó. Thường được nêu cạnh nhau như là những đại diện cho các tác phẩm thuộc kiểu truyện khung, Nghìn lẻ một đêmMười ngày hấp dẫn người nghiên cứu văn học ở nhiều phương diện. Trong nghiên cứu về nghệ thuật tự sự của Nghìn lẻ một đêmMười ngày, kiểu truyện, kết cấu truyện lồng truyện, hành động kể chuyện, hình tượng người kể chuyện, v.v. vốn là những vấn đề hấp dẫn cần nhiều lý giải. Ở bài viết này, chúng tôi trình bày về hình tượng người nghe chuyện trong Nghìn lẻ một đêmMười ngày như một cách để tìm hiểu kỹ càng hơn về giá trị của hai tác phẩm trong nghệ thuật tự sự.

             Nhà nghiên cứu R. S. Gwynn đã nhận định: “Tuyển tập những truyện kể văn xuôi hiện thực nổi tiếng hơn cả là Mười ngày của Giovanni Boccaccio (1313-1375). Mười ngày bao gồm những truyện kể riêng biệt do các chàng trai, cô gái trẻ tuổi kể lại khi họ đi về vùng nông thôn lánh nạn dịch hạch, là một ví dụ về kiểu truyện khung, kiểu truyện có những câu chuyện được “đóng khung” trong một truyện kể lớn hơn. Tuyển tập truyện Arab nổi tiếng Nghìn lẻ một đêm là một trong những ví dụ sớm nhất của kiểu loại này. Thông qua các bản dịch, các truyện này đã được phổ biến và được mô phỏng một cách rộng rãi ở nhiều quốc gia khác” (1).

Nghệ thuật tự sự độc đáo và lôi cuốn của Nghìn lẻ một đêmMười ngày thể hiện rõ nét qua hình thức kiểu truyện khung với kết cấu tạo liên tưởng đến một mô hình xã hội và đời sống trong chiều hướng sinh sôi, nảy nở. Thông thường, khi nói về nghệ thuật kể chuyện trong hai tác phẩm, chúng ta thường chú ý tới các câu chuyện, người kể chuyện và hành động kể chuyện mà ít chú ý tới một hình tượng quan trọng không kém trong nghệ thuật tự sự là người nghe chuyện. Có thể dễ dàng nhận thấy, với tinh thần nhân văn và ngợi ca đời sống trong Nghìn lẻ một đêmMười ngày, sự tồn tại của người kể chuyện cùng với các truyện kể có giá trị rất đặc biệt. Khi câu chuyện được kể nghĩa là nhân vật được sống và khi hành động kể chuyện diễn tiến nghĩa là đời sống được sinh sôi. Tuy nhiên, trong cấu trúc tự sự của Nghìn lẻ một đêmMười ngày, người nghe chuyện có một quyền năng tuy ngầm ẩn nhưng rất lớn, đó là, khi câu chuyện có người nghe chuyện, câu chuyện mới được kể, và khi câu chuyện không có người nghe của nó, mọi chuyện phải dừng lại.

1. Người nghe là nhân vật

             Theo Gerald Prince “Mọi dạng tự sự, dù là nói hay viết, dù là kể lại một sự kiện có thực hay huyền thoại, dù là kể lại một câu chuyện mang tính hoàn chỉnh hay đơn giản chỉ kể lại một loạt những hành động kế tiếp nhau theo trật tự thời gian, ta đều giả định không chỉ có (ít nhất) một người kể chuyện mà còn có (ít nhất) một người nghe chuyện” (2). Đối với các tác phẩm thuộc dạng thức truyện kể như Nghìn lẻ một đêmMười ngày, nếu người kể chuyện là yếu tố không thể thiếu thì người nghe chuyện cũng là một yếu tố có vị trí quan trọng không kém. Người nghe chuyện xuất hiện như một nhân vật cụ thể, tham gia vào diễn tiến của tác phẩm để nghe các câu chuyện được kể ra. Những nhân vật người nghe như thế này thường được gọi là người nghe chuyện trực tiếp, giữ vị trí như là đích đến của các câu chuyện và mục đích kể chuyện.

             Người nghe chuyện trong Nghìn lẻ một đêmMười ngày đầu tiên được xác định là một hay các nhân vật xuất hiện trong tác phẩm, đóng vai trò là người sẽ nghe / thưởng thức các câu chuyện. Đây là cách hiểu đầu tiên và đơn giản nhất. Người nghe theo đó có thể là người được người kể chuyện hướng đến khi kể ra các câu chuyện, hoặc chỉ là người tình cờ tham dự và được nghe kể chuyện. Ở đây, chúng tôi chủ yếu nói đến người nghe chuyện đảm nhận vai trò chủ thể tiếp nhận các câu chuyện trong cấu trúc tự sự. Từ đó, các câu chuyện luôn hướng về phía người nghe chuyện, vừa phục vụ ý muốn vừa tác động đến tâm trí của anh ta.

             Với cấu trúc tự sự độc đáo là kiểu truyện khung, Nghìn lẻ một đêmMười ngày có năng lực bao chứa rất nhiều truyện kể khác vào bên trong nó. Các nhân vật người kể chuyện liên tục xuất hiện cùng với các câu chuyện, nắm giữ và kể ra chúng, cứ thế Nghìn lẻ một đêm hay Mười ngày từng lúc trải rộng ra thế giới truyện kể của nó. Điều cần nhắc đến đầu tiên khi nói đến kiểu truyện khung chính là truyện nền, tức truyện trung tâm của tác phẩm. Ở Nghìn lẻ một đêm là chuyện vua Shahryar bị phản bội, đem lòng căm ghét phụ nữ và nàng Shahrazad tự nguyện tiến cung với mong ước dùng các câu chuyện để thức tỉnh nhà vua và cứu chuộc bản thân mình. Ở Mười ngày là việc mười thanh niên (gồm 7 cô gái và 3 chàng trai) cùng đi lánh nạn dịch hạch, rời thành phố chết chóc để về thôn quê thanh bình, họ chọn cách kể chuyện cho nhau nghe nhằm rời xa những buồn chán và làm đẹp đời sống tâm hồn của mình.

             Ở Nghìn lẻ một đêm, người nghe chuyện trực tiếp trong truyện nền là vua Shahryar, người đang mù quáng và điên cuồng lún sâu vào tàn bạo. Ngoài ra còn có một nhân vật người nghe khác là Dunyazad, cô em gái kiều diễm của Shahrazad. Cuộc kể chuyện trong Nghìn lẻ một đêm được khơi gợi từ những lời đẩy đưa giữa Shahrazad và Dunyazad. Dunyazad đóng vai trò người nghe chuyện có nhiệm vụ mỗi trước khi trời rạng gọi chị và đề nghị được kể cho nghe một câu chuyện nào đó. Đây chính là cái cớ để các câu chuyện có thể bắt đầu. Từ đó, các câu chuyện được kể ra nhằm thanh tẩy tâm hồn Shahryar, chuộc mạng cho Shahrazad và đồng thời rèn luyện để Dunyazad trưởng thành. Đến kết cục của Nghìn lẻ một đêm, Dunyazad không còn là cô em bé bỏng mà trở thành người vợ của vua Shah Zaman (em trai vua Shahryar, người cũng chịu đựng bi kịch tương tự anh trai mình).

             Ở Mười ngày, người nghe chuyện xuất hiện ngay khi mười nhân vật chính tổ chức cuộc kể chuyện. Khi một trong mười người là người kể chuyện, thì chín người còn lại là người nghe chuyện, trong ý thức rằng, người nghe chuyện sẽ trở thành một người kể chuyện ở một thời điểm khác. Kết cấu vòng tròn của nhóm nhân vật trong Mười ngày là sự hoán chuyển hài hòa giữa người nghe chuyện và người kể chuyện, để qua đó, các nhân vật có thể nghe và kể, nhận xét về câu chuyện của người khác và dùng câu chuyện của mình để tương tác, phản ứng với những người trong nhóm.

             Trong Nghìn lẻ một đêm, có nhiều mô tả về cách thức các câu chuyện được kể ra và lưu giữ. Từ đó có thể thấy, nguyên nhân sự xuất hiện và tồn tại của các câu chuyện liên quan rất nhiều đến người nghe chuyện. Thường là khi một vị vua muốn được nghe kể chuyện, sau khi thỏa mãn vì câu chuyện hay, ông ban thưởng cho người kể chuyện, rồi cho chép lại cẩn thận câu chuyện đó, bảo quản và gìn giữ như báu vật trong kho tàng hoàng gia. Câu chuyện của nàng Shahrazad cũng được lưu truyền như thế khi vua Shahryar triệu tập những người viết sử biên niên, những người sao chép đến chép lại bộ sách Những truyện kể trong Nghìn lẻ một đêm.

             Người nghe chuyện không chỉ quyết định nghe hay không nghe kể chuyện mà có khi còn đảm nhận việc hối thúc quá trình hình thành câu chuyện. Một đêm nọ, Shahrazad kể về một vị vua đặc biệt thích nghe kể chuyện. Nhưng rồi đến lúc không còn câu chuyện nào mà ông chưa từng được nghe. Nhà vua truyền gọi ông Abu Ali – người kể chuyện tài giỏi nhất đất nước – ra thời hạn một năm không được ra khỏi nhà nhưng phải tìm cho ra một câu chuyện hay hoặc là sẽ phải chết. Ông Abu Ali cho năm người nô lệ đi khắp mọi vùng đất để tìm về câu chuyện hay nhất. May mắn, người nô lệ thứ năm gặp được người kể chuyện tài tình nhất thành Damas, và được đọc cho chép lại trong suốt bảy ngày bảy đêm liên tiếp một câu chuyện. Câu chuyện đem về, ông Abu Ali chẳng những không chết mà còn được ban thưởng trọng hậu, còn câu chuyện quý giá đó thì được nhà vua lưu giữ trong tủ quý. Đó chính là câu chuyện Cuộc phiêu lưu của chàng Hasan xứ Bassorah.

             Trong một bối cảnh văn học khác, ở bình minh của thời Phục hưng của văn học phương Tây, khi cái tôi sáng tác của tác giả được thể hiện rõ nét hơn thì người nghe chuyện trong truyện nền của Mười ngày không chỉ có nhóm mười nhân vật chính. Bằng một ý thức cá nhân rất rõ nét về hoạt động sáng tác của mình, Boccaccio nêu rõ các câu chuyện của mình hướng đến ai, và có nghĩa là gì. Nhà văn hướng đến “các độc giả của tôi”, “các quý bà”, “các phu nhân”, những người sẽ đọc các tác phẩm của ông để tìm thấy trong đó những chia sẻ và nhận thức. Các độc giả ở đây vừa đóng vai người đọc chờ đợi cũng chính là người nghe lý tưởng mà người cầm bút hướng tới. Các độc giả mà nhà văn “trò chuyện”, “nhắn nhủ” như thế này có thể được xem là người nghe chuyện cấp hai.

             Thêm một điều nữa là các nhân vật trong Mười ngày có sự lặp lại và liên kết với các sáng tác của chính Boccaccio trước đó. Có bảy trong số mười nhân vật chính của tác phẩm Mười ngày từng xuất hiện trong các tác phẩm trước đó của ông (Fiammetta, Filomena, Emilia, Pampinea, Dioneo, Filostrato, Panfilo). Riêng nàng Fiammetta đã xuất hiện trong tác phẩm Filocolo (1336-1338), chính nàng đã yêu cầu người kể chuyện ghi chép lại câu chuyện về mối tình của chàng Florio – hay còn gọi là Filocolo – và nàng Biancifiore (một truyện romance nổi tiếng của Pháp thời trung đại) trong một cuốn sách nhỏ, sử dụng tiếng mẹ đẻ. Như vậy Fiammetta từ một nhân vật tiếp nhận trở thành một nhân vật kể chuyện đồng thời là người nghe chuyện mới trong Mười ngày. Hơn nữa, ngay cả câu chuyện về vị vua già Carlo (X,6) mà Fiammetta kể trong Mười ngày cũng có nét phảng phất với câu chuyện xảy ra với Florio trong Filocolo. Phải chăng sự tương tác giữa các câu chuyện càng làm rõ nét hơn vị trí của người nghe chuyện trong việc làm cho các câu chuyện tiếp tục được duy trì, được kể lại ở những bối cảnh khác.

2. Người nghe chuyện là người kể chuyện tiềm ẩn

             Tương tự như trong Mười ngày, các nhân vật của Nghìn lẻ một đêm có thể là người nghe ở câu chuyện trước và rồi trở thành người kể câu chuyện tiếp sau. Hoặc anh ta đã là người kể chuyện rồi sau đó đóng vai người nghe để nghe câu chuyện người khác kể. Lúc đó người nghe còn đóng vai trò của người đánh giá, và nhận xét các câu chuyện, không loại trừ việc có sự so sánh giữa câu chuyện của mình và câu chuyện của người khác. Với kết cấu truyện lồng truyện phức tạp khi có các truyện này lồng trong truyện kia theo nhiều cấp độ, thành phần người nghe chuyện trong Nghìn lẻ một đêm cũng được mở rộng dần ra theo các câu chuyện được bao hàm vào đó.

Những truyện kể Nghìn lẻ một đêm có kết cấu phức tạp với các nhân vật lúc là người nghe chuyện lúc lại là người kể chuyện có khá nhiều. Chẳng hạn như trong Truyện người khuân vác và ba thiếu phụ thành Baghdad, ba nàng thiếu phụ xinh đẹp và ba chàng khất sĩ kỳ lạ lần lượt đảm nhận vai trò là người nghe chuyện rồi là người kể chuyện để kể các câu chuyện của chính mình và tạo nên tổng thế một câu chuyện ly kỳ. Câu chuyện bắt đầu từ chỗ một anh khuân vác thuê được nàng Aminah xinh đẹp thuê khuân hàng hóa về nhà. Anh khuân vác thuê tò mò về đời sống của các thiếu phụ (Aminah, Fahimah và Zubaidah) nên xin ở lại tham dự. Sau đó các khất sĩ kỳ lạ xuất hiện, rồi đến caliph al-Rashid, tể tướng Ja'afar và các tùy tùng trong vai các nhà buôn. Để xoa dịu cơn thịnh nộ của Zubaidah, các khất sĩ vốn là người chứng kiến sự kiện lần lượt trở thành những người kể chuyện để kể lại cuộc phiêu lưu của mình. Sau đó họ giải tán, nhưng caliph Haroun al-Rashid vẫn chưa hài lòng với câu chuyện mình đã nghe, ông còn muốn biết nhiều hơn. Thế là nàng Zubaidah và Aminah trước đó là người nghe chuyện giờ đến lúc trở thành người kể chuyện để tạo nên một câu chuyện hoàn chỉnh cho người nghe chuyện đầy quyền lực và ưa đòi hỏi là al-Rashid. Còn al-Rashid lúc đầu là một người nghe tình cờ, sau đó trở thành người nghe yêu cầu và đến cuối cùng trở thành người giải quyết các xung đột và tạo dựng nên kết thúc hài hòa cho toàn bộ câu chuyện về cuộc đời của các thiếu phụ và các chàng khất sĩ.

Trong các chuyện Người lái buôn và hung thần, Tể tướng Yunan và thầy thuốc Ruyan, Truyện chú gù của nhà vua,... và nhiều câu chuyện khác của Nghìn lẻ một đêm, các nhân vật đã đảm nhận cả vai trò người nghe chuyện lẫn người kể chuyện để dẫn dắt câu chuyện đến kết thúc của nó. Độc giả của Nghìn lẻ một đêm ắt hẳn không quên rằng, trước khi bắt đầu các câu chuyện của mình, chính nàng Shahrazad đã đóng vai là người nghe chuyện để nghe câu chuyện do cha mình kể. Đó là khi Shahrazad xin cha đưa mình vào cung, tể tướng đã dùng Truyện con bò và con lừa để thuyết phục nàng đổi ý. Nhưng Shahrazad không phải là một người nghe chuyện dễ thuyết phục, nàng tự chọn lấy vai trò là người kể chuyện để thuyết phục người nghe chuyện là cha mình và sau đó cải hóa vua Shahryar – một người nghe chuyện đầy quyền lực nhưng đang mang tâm hồn bị thương tổn và đầy thù hận.

             Trong Mười ngày, mô hình tạo lập hành động kể của nhóm nhân vật kể chuyện dẫn tới việc tạo nên nhân vật người nghe chuyện đồng thời với việc kể chuyện. Vì thế, sự tương tác giữa người nghe chuyện và người kể chuyện có thể nói là chặt chẽ hơn, sự đánh giá, nhận xét, tung hứng cho các câu chuyện lại càng rõ nét hơn. Trong nhiều trường hợp các nhân vật khi nghe chuyện nảy sinh ra ý tưởng cho các câu chuyện khác của mình. Hoặc các nhân vật kể chuyện ý thức về việc mình sẽ dùng câu chuyện của mình để đáp lại câu chuyện đã được nghe như thế nào

             Với kết cấu phức tạp và chồng chéo nhiều tầng, truyện kể trong Nghìn lẻ một đêm có thể tồn tại ở nhiều cấp độ khác nhau trong khi đó các truyện kể Mười ngày đều ở cùng một cấp độ. Tuy vậy kết cấu truyện lồng truyện của Mười ngày cũng không hề đơn giản. Từ một truyện nền về dịch hạch các câu chuyện với đề tài phong phú đã có cơ hội xuất hiện và kết nối vào nhau. Cuộc kể chuyện được xây dựng từ quy tắc về chủ đề của mỗi ngày mà truyện kể sau phải hay hơn truyện kể trước. Với các truyện kể tương đối ngắn và được sắp xếp ngang hàng, kết cấu truyện lồng truyện của Mười ngày trở nên chặt chẽ và đặc sắc nhờ sự tương tác khéo léo giữa các nhân vật. Ngoài các truyện kể là những lời bàn luận, chuyện trò và sự trao đối ý tưởng ngầm ẩn qua các truyện kể giữa các nhân vật.

             Ngày thứ hai, Filomena làm hoàng hậu và là người thứ chín kể chuyện. Nàng kể chuyện ông Bernabò da Genova khoe khoang rằng vợ mình là người cực kỳ chung thuỷ và đoan chính (II,9). Ambrogiuolo vì muốn lấy được tiền nên đã ngụy tạo bằng cớ để Bernabò tin rằng vợ mình đã phản bội. Ngay sau đó, Dioneo (người kể chuyện không theo chủ đề) đã dùng câu chuyện của mình để phản bác. Anh cho rằng, Bernabò quả là người ngu ngốc mới tạo cơ hội cho người khác tiếp cận vợ mình. Và anh kể, nàng Bartolomea dù hiền lành nhưng khi bị một người quyến rũ hơn chồng mình bắt cóc nàng đã xiêu lòng và kết luận rằng nếu khôn ngoan thì tốt nhất đừng tạo điều kiện cho bất cứ cái gì mình không mong muốn có cơ hội xảy ra (II,10).

             Hai nhân vật đặc biệt trong Mười ngày là nàng Fiammetta và chàng Filostrato vốn được xem là hóa thân của chính Boccaccio và người yêu của ông. Những câu chuyện của họ thường hướng về nhau trong mạch ngầm văn bản. Filostrato làm vua vào ngày thứ tư, đã chọn chủ đề những cuộc tình có kết thúc bi thảm. Fiammetta là người mở đầu và Filostrato kể thứ chín. Truyện của Fiammetta là khởi đầu cho hình ảnh trái tim bị bứt khỏi lồng ngực thì truyện của Filostrato đã hoàn thành motif trái tim tình nhân bị ăn – một motif có thể tìm thấy trong nhiều tác phẩm ra đời trước đó.

             Hết ngày thứ tư, Filostrato trao lại vương miện cho Fiammetta. Nàng đã chọn chủ đề những cuộc tình có kết thúc hạnh phúc cho ngày thứ năm, trái ngược với chủ đề mà Filostrato đã chọn. Trong khi đó, để xóa bỏ cảm giác bi thảm từ câu chuyện của ngày hôm trước, Filostrato đã cố tình kể lại câu chuyện của chính Fiammetta, nhại lại một số tình tiết, nhưng với một tinh thần khác, chọn một kết thúc khác cho đôi tình nhân Ricciardo và Caterina (V,4). Khi bị cha của Caterina phát hiện, Ricciardo đã “cảm thấy như tim mình đã bị lấy ra khỏi cơ thể rồi (3). Filostrato ám chỉ đến bi kịch về trái tim tình nhân được kể ngày hôm qua nhưng trái tim tàn bạo của ngày thứ tư được thay thế bằng bài ca bóng bẩy của chim họa mi trong ngày thứ năm.

             Có thể nói sự tương tác trong thế giới của các câu chuyện, giữa người kể chuyện và người nghe chuyện tạo nên sự chặt chẽ trong thế giới truyện kể của Nghìn lẻ một đêmMười ngày, cũng như tạo nên sự sinh động của các câu chuyện.

             Người ta sẽ không quên đoạn kết của Nghìn lẻ một đêm khi cuối cùng, vua Shahryar được thức tỉnh và cưới nàng Shahrazad thông tuệ và kiều diễm làm vợ. Đám cưới được tổ chức, người dân của vương quốc sung sướng trang hoàng, vui mừng nhảy múa, ăn uống, hát ca. Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó, “nhà vua gặp gỡ em trai của mình và kể lại cho chàng nghe những gì đã xảy ra suốt ba năm qua giữa ông và con gái quan Tể tướng – nàng Shahrazad, kể cho chàng biết nhà vua đã được nghe từ nàng những câu tục ngữ, các chuyện ngụ ngôn, sử biên niên và cả những chuyện đùa cợt, câu châm biếm hay lời chế nhạo, những chuyện vặt và những giai thoại, những cuộc đối thoại và những chuyện lịch sử, những khúc bi ca và các thể thơ khác”. Và thế là vua Shahryar sau bao năm là người nghe chuyện quyền uy và tàn nhẫn đã tự nguyện trở thành người kể chuyện cho người em trai của mình.

Nghe thế, vua Shah Zaman kinh ngạc hết mức và nói:

- Xin hãy thuận lòng cho em được cưới em gái nàng làm vợ! Như vậy chúng ta sẽ là những cặp anh em ruột cưới chị em ruột, vì những tai họa đã xảy ra với em cũng là nguyên nhân chúng ta phát hiện ra những gì đã xảy ra với anh. ... Nhưng giờ đây em mong ước được kết hôn với em vợ của anh, nàng Dunyazad” (4).

             Và người đọc có quyền tưởng tượng rằng, Shah Zaman và Dunyazad ở một nơi nào đó, một thời gian nào đó, sẽ đảm nhận vị trí là người nghe chuyện và người kể chuyện để có thể tiếp nối các câu chuyện của Nghìn lẻ một đêm.

3. Quyền năng của người nghe chuyện

             Toàn bộ thế giới của truyện kể Nghìn lẻ một đêmMười ngày cùng với kết cục của nó khiến cho người nghe chuyện, tuy không hiện diện rõ nét bằng người kể chuyện nhưng lại nắm giữ một quyền năng rất lớn. Đó là quyền quyết định số phận của người kể chuyện. Ngay khi, Shahrazad đề nghị được kể chuyện cho em gái nhỏ của mình (thực chất là cho vua Shahryar như mục đích của nàng), có thể thấy rằng thế giới Nghìn lẻ một đêm sẽ hoàn toàn không hiện ra nếu nhà vua từ chối nghe (như đã từ chối niềm tin và những điều đẹp đẽ khác của đời sống). Ngay khi, nàng Pampinea đề xuất rằng cả nhóm sẽ thay phiên nhau kể chuyện cho nhau nghe để giữ gìn một đời sống tinh thần lành mạnh nhằm vượt qua thời gian bị bệnh dịch phong tỏa, nếu các nhân vật khác không đồng tình mà lựa chọn những hình thức giải trí khác thì phải chăng là xã hội của Mười ngày đã không thể được tạo dựng. Điều này có nghĩa là trong câu chuyện, người nghe chuyện tiếp tục nghe thì câu chuyện ấy mới tiếp tục được diễn ra. Sự chọn lựa này còn có ý nghĩa sâu xa hơn sự tương tác để phát triển câu chuyện, bởi vì phải có người nghe thì câu chuyện mới được kể.

Nói về mối quan hệ giữa người nghe chuyện và người kể chuyện, Seymour Chatman cho rằng: “Những nhận định và giải thích trực tiếp được người kể chuyện nêu ra có thể được củng cố bởi sự tán đồng (dù là ngầm ngầm) của người nghe chuyện (5). Người nghe chuyện trong kho tàng truyện kể Nghìn lẻ một đêmMười ngày không phải là những người thụ động chỉ tiếp nhận một chiều mà còn tương tác với người kể chuyện và chính là những yếu tố để tạo nên sự hoàn thiện trong kết cấu tự sự của truyện kể. Hay nói cách khác, người nghe chuyện chính là sự tự ý thức cao hơn của diễn trình tự sự, ở đó các câu chuyện và hành động kể chuyện hướng đến một đối tượng, một mục tiêu cụ thể. Trong các câu chuyện của Nghìn lẻ một đêmMười ngày, người nghe chuyện thể hiện một ý thức rõ nét hơn về chính bản thân các câu chuyện được xếp đặt vào trong tác phẩm. Đó là cần có một trường tương thích để các câu chuyện có thể tồn tại.

Trong Nghìn lẻ một đêm, có rất nhiều câu chuyện đồng dạng với truyện nền về cấu trúc truyện kể, về hành động kể chuyện, mục đích kể chuyện cũng như ý nghĩa của truyện kể. Chẳng hạn như chuyện ba ông lão kể chuyện cho vị hung thần nghe, mỗi người với câu chuyện của mình xin chuộc một phần ba số máu của một thương gia (Người lái buôn và hung thần). Ở một truyện khác, ông Abu Ali tìm kiếm và có được truyện Cuộc phiêu lưu của chàng Hasan xứ Bassorah để cứu mạng sống của chính mình. Hay trong truyện Vua Shah Bakht và tể tướng al-Rahwan, tể tướng Al-Rahwan kể chuyện trong 28 đêm, thời hạn 1 tháng để tể tưởng bảo vệ mạng sống của mình cũng như thức tỉnh nhà vua khỏi nỗi ám ảnh vô cơ vì một giấc mơ. Câu chuyện này kết thúc ở đêm thứ 930 của nàng Shahrazad, như vậy, chính Shahrazad đã kể lại tình thế và nhiệm vụ cũng như kết thúc của mình. Rõ ràng, người nghe dưới tác động của các câu chuyện đã thay đổi quyết định, tâm tính, nhận thức của mình để từ đó tạo nên kết thúc cho toàn bộ các câu chuyện đã được kể. Ở một góc độ nào đấy, chính sự thay đổi của người nghe chuyện đã góp phần làm hoàn chỉnh thế giới truyện kể của Nghìn lẻ một đêm.

             Shahrazad kể các câu chuyện của mình trên ranh giới giữa sự sống và cái chết. Mỗi khi Shahrazad bắt đầu câu: Nếu nhà vua cho phép, thiếp sẽ kể câu chuyện... là mỗi lần câu chuyện nằm trong sự định đoạt của người nghe chuyện (là vua Shahryar). Kết cục của các câu chuyện Nghìn lẻ một đêm là sự thức tỉnh của vua Shahryar khỏi nỗi đau thương, oán hận, tội lỗi. Vậy rõ ràng là người nghe chuyện giữ vai trò vô cùng quan trọng trong toàn bộ kết cấu tự sự của bộ truyện. Thành tựu của bộ truyện nằm ở chính sự thay đổi của người nghe chuyện. Người nghe chuyện có nhiệm vụ hoàn kết toàn bộ quá trình kể chuyện để đi đến một kết thúc viên mãn.

             Trong các câu chuyện của Mười ngày, hành động kể chuyện là nhằm hướng đến việc giải trí, gìn giữ sức mạnh tinh thần và sự trong sáng của tâm hồn trước tai họa mà xã hội đang phải gánh chịu. Thời gian của hoạt động kể chuyện là thời gian tách rời con người ra khỏi những đau thương của đời sống hiện tại, để khi các câu chuyện được kể xong, người ta có thể bước vào một thời gian mới của đời sống, với tai họa đã lui vào quá khứ, và một sự sống mới mẻ và sinh động đang chờ đợi. Kết cục của các câu chuyện Mười ngày là sự quay trở về với đời sống. Những người nghe chuyện, có nhận thức tươi mới và mạnh mẽ hơn về đời sống mà họ sẽ bước vào. Và những người nghe chuyện mà tác giả hướng đến cũng có những nhận thức mạnh mẽ, trong sáng, công bằng hơn về đời sống văn hóa, con người, xã hội và những vẻ đẹp của nó.

Các truyện kể của Mười ngày đã tạo ra một tác động mạnh mẽ đối với tâm hồn người nghe chuyện, nhằm hướng đến sự nhận thức mới mẻ và tích cực. Ý định dùng những truyện kể để giải buồn hay để xóa tan ưu phiền được Giovanni Boccaccio đề cập rất rõ trong phần lời tựa dành cho tác phẩm:

Những phu nhân đọc những câu chuyện này sẽ tìm thấy sự thích thú trong những truyện tuyệt vời được trình bày; và họ cũng sẽ có được những lời khuyên hữu ích, từ đó có thể nhận biết được những gì phải tránh và những gì nên truy cầu. Mà cũng không phải rằng trong số tất cả những điều đã xảy ra không có những điều có thể làm dịu nỗi sầu muộn của họ. Nếu điều đó xảy ra (và Chúa khiến nó xảy ra !) hãy để họ cảm tạ Ái tình, người đã giải phóng tôi khỏi xiềng xích yêu đương và ban cho tôi sức mạnh để làm họ vui thích” (6).

             Như vậy, người nghe chuyện trong tác phẩm Mười ngày, dù là người nghe trực tiếp, hay người nghe ở cấp độ hai, đều giữ một vai trò quan trọng trong việc hoàn thành trọn vẹn ý tưởng và quan điểm của tác giả bộ truyện.

Nếu như truyện kể trong Nghìn lẻ một đêm nghĩa là sinh mạng, thì trong Mười ngày các truyện kể là sức mạnh. Các truyện kể của Đêm là phương cách để người kể chuyện duy trì sự tồn tại hoặc giải thoát bản thân trước một thế lực đe dọa. Các truyện kể của Ngày nhằm giúp con người có thêm sức mạnh và nghị lực để vượt qua những gánh nặng trong tâm hồn cũng như những thảm họa trong đời sống. Và người nghe chuyện, bằng sự biến chuyển, bằng nhận thức trong tâm trí mình đã làm hoàn chỉnh ý nghĩa quan trọng đó của các câu chuyện của Nghìn lẻ một đêmMười ngày.

*

             Cấu trúc tự sự thông thường của Nghìn lẻ một đêmMười ngày chính là câu chuyện nếu được kể, người kể chuyện sẽ được sống và câu chuyện sẽ được tiếp tục; nếu câu chuyện không được kể, người kể chuyện sẽ không được sống và câu chuyện sẽ dừng lại. Ở đây, chúng ta có thể nói thêm rằng, nếu có người nghe, câu chuyện mới được kể; nếu không có người nghe thì dòng tự sự sẽ chấm dứt. Toàn bộ thế giới của truyện kể phụ thuộc vào sự lựa chọn và quyết định của người nghe chuyện. Ở góc độ ý nghĩa của dạng thức truyện kể, người nghe chuyện góp phần hoàn thiện mô hình tự sự của Nghìn lẻ một đêmMười ngày với thiên đường trần thế của nó, nơi đời sống được cứu chuộc, sự sống được duy trì và sinh sôi.

 

Chú thích:

(1) R.S. Gwynn: Fiction A Pocket Anthology, Longman Publishing, NY, US, 2002, tr.3.

(2) Gerald Prince: “Giới thiệu hướng nghiên cứu về người nghe chuyện” (Nguyễn Thị Hải Phương lược dịch), tr.153-168 trong sách Trần Đình Sử (ch.b): Tự sự học, Một số vấn đề lí luận và lịch sử, Phần 2, Nxb ĐH Sư phạm, HN, 2008, tr.153.

(3), (6) Giovanni Boccaccio: The Decameron of Giovanni Boccaccio (translated by Richard Aldington), Dell Publishing Co. Inc, NY, US, 1968, tr.331 và tr.26-27

(4) Richard F. Burton: The Book of the Thousand Nights and a Night, vol.10, printed by the Burton Club for Private Subscribers Only, US, digitized for Microsoft Corporation by the Internet Archive, from University of California Libraries, US, 2007, tr.56

(5) Seymour Benjamin Chatman:  “The Narratee” tr.253-262, trong sách Seymour Benjamin Chatman: Story and Discourse: Narrative Structure in Fiction and Film, Cornell University Press, US, 1980, tr.261 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

62980775
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4814
18300
62980775

Thành viên trực tuyến

Đang có 274 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website