Hình tượng người kể chuyện trong 'Nghìn lẻ một đêm'

          'Nghìn lẻ một đêm' đã có một bước tiến rõ nét về thi pháp xây dựng nhân vật người kể chuyện khi đề cao nữ tính và sự trân trọng tri thức cũng như lòng nhân hậu, tình yêu thương và nhan sắc của người phụ nữ.

         Người kể chuyện là một hình tượng cổ xưa trong văn học thế giới. Kiểu nhân vật này trở thành biểu tượng của người nắm giữ những câu chuyện, sáng tạo nghệ thuật và hát lên những khúc ca sự sống. Đó là nhà thơ mù Homer (Hy Lạp), đạo sĩ Vyasa và Valmiki (Ấn Độ) thời cổ đại. Đó là những bậc minh triết như Sindibad trong truyện cổ (Ấn Độ, Ba Tư). Đó là những thi sĩ hát rong troubadour châu Âu thời Trung cổ, những nghệ nhân kể chuyện hakawati trong những lều bạt Trung Cận Đông. Họ là những thi nhân được mặc khải, những nghệ sĩ ứng tác hay diễn tấu những câu chuyện lưu truyền trong dân gian. Họ là bậc tôn sư được kính trọng hoặc cũng có thể chỉ là một người chép sách vô danh. Trong dòng chảy đó, hình tượng người kể chuyện còn có tên một giai nhân kiều diễm và thông tuệ là Shahrazad, chủ nhân kho tàng Nghìn lẻ một đêm của Arab.

(Một khung cảnh thần thoại được minh họa trong sách "Nghìn lẻ một đêm".)

             1. Kiểu mẫu nhân vật kể chuyện trong văn học từ thời cổ đại đến những giai đoạn sau đó đã có sự thay đổi với những ý nghĩa khác nhau. Những nghệ nhân kể chuyện thời cổ đại thường được bao bọc trong những huyền thoại bí ẩn. Nhà thơ Homer, tác giả của hai sử thi IliadOdyssey, luôn xưng tụng và khẩn cầu nữ thần thơ mỗi khi bắt đầu các khúc ca, và lời nhà thơ hát lên chính là lời thần linh thác xuống. Sử thi Mahabharata ra đời khi đạo sĩ Vyasa theo lệnh của thần Sáng tạo Brahma suốt ba năm ròng đọc cho thần Chữ viết dùng ngà chép lại tác phẩm vĩ đại được hình thành trong tâm trí ông. Đạo sĩ Valmiki là người sáng tạo sử thi Ramayana và cũng là một nhân vật trong chính thiên sử thi ấy. Những thi nhân thấu thị được mặc khải ấy cũng lẫn vào cộng đồng như những con người bình thường, cái tên Homer có nghĩa là người nghệ sĩ mù hát rong và Vyasa có nghĩa là người tập hợp, người sắp xếp. Những cái tên nghệ nhân thời cổ đại đó, ít nhiều biểu hiện tính chất đặc trưng của người kể chuyện ở những giai đoạn sau.

             Tiếp nối những người kể chuyện cổ đại huyền thoại, những thư lại, trí thức và người hát rong trở thành chủ nhân của những câu chuyện. Họ ghi chép, giữ gìn và lưu truyền các truyện kể trong đời sống. Truyện kể của họ là lịch sử hùng tráng, những bài học khôn ngoan, những câu chuyện thiết tha về cuộc sống, những chuyện vui cười trong giải trí và sinh hoạt cộng đồng. Trong các truyện kể Ấn Độ, người kể chuyện thường là các bậc thầy uyên thâm, những câu chuyện của họ là những bài giảng đầy ý nghĩa về đời sống và đạo đức. Trong khi đó, các thi sĩ hát rong ở châu Âu thời Trung cổ lại là những nghệ sĩ biểu diễn, đàn và hát những khúc ca về tình yêu, về các hiệp sĩ và những cuộc phiêu lưu. Ở Trung Cận Đông, nghệ nhân hakawati là những người kể chuyện trong các túp lều ở sa mạc, hoặc trong các ngôi hàng ở đô thị. Hakawati còn có nghĩa là nhà thông thái, học giả, thư lại, là những người có khả năng ứng tác và trình diễn lôi cuốn. Họ là những nghệ nhân kể chuyện sở hữu những câu chuyện có sức hấp dẫn mạnh mẽ, nói khác hơn, họ còn là biểu hiện cho đời sống tinh thần và tri thức của cộng đồng.

             Trong truyền thống truyện kể cổ xưa, người kể chuyện là người nắm giữ tri thức thần thánh và sự thông thái. Họ là những thi nhân thấu thị và nhận được thần khải (trong Iliad, Odyssey, Mahabharata, Ramayana), là các bậc hiền minh lỗi lạc, các học giả uyên thâm, các tu sĩ đạo cao đức trọng đại diện cho tầng lớp có học thức của xã hội (trong Bảy bậc hiền minh [1], Truyện bốn mươi tể tướng [2] ). Hầu hết họ là nam giới. Người phụ nữ kể chuyện nếu xuất hiện có thể là những bà lão, hoặc những phụ nữ dị dạng, xấu xí, gớm ghiếc (trong Nghìn lẻ một ngày [3], Pentamerone [4]). Còn nếu có nhan sắc và trí thông minh, họ thường có thói xấu, như điêu ngoa và không chung ủy (Những truyện kể của con vẹt [5]); những câu chuyện họ kể rất hấp dẫn nhưng kết cục của họ vẫn thường là bi thảm (Bảy bậc hiền minh, Truyện bốn mươi tể tướng).

(Hình ảnh minh họa người kể chuyện trong thời cổ đại.)

             Nhân vật người kể chuyện trong Nghìn lẻ một đêm có thể là một nghệ nhân kể chuyện trong hoàng cung hay một phụ nữ vô danh trong sa mạc, có thể là một khách bộ hành hay vị chủ nhân hào phóng, có thể là những kẻ lang thang hoặc những thị dân bình thường… Và nổi bật lên trên tất cả là nàng Shahrazad, nhân vật trung tâm ở truyện nền của tác phẩm. Chính từ hình tượng Shahrazad, nhân vật người kể chuyện trong Nghìn lẻ một đêm vừa có sự nối tiếp từ truyền thống vừa có sự cách tân và những đặc thù riêng, mà khác biệt rõ nét là sự đề cao thiên tính nữ và việc xây dựng hình tượng người kể chuyện nữ giới.

             "Nghìn lẻ một đêm" được tạo nên qua một quá trình kéo dài nhiều thế kỷ. Tác phẩm hoàn chỉnh vào thế kỷ 15 nhưng những phần cốt yếu như truyện nền, các truyện kể chính đã hình thành trong khoảng thời gian từ trước thế kỷ 9 cho đến thế kỷ 12. Dấu vết của Nghìn lẻ một đêm được tìm thấy trong văn bản viết sớm nhất vào khoảng thế kỷ thứ 9 trong một cuốn papyrus. Ngay trong cuốn papyrus này đã có sự đề cập đến tựa đề Sách về các câu chuyện từ Một nghìn đêm và tên của hai nhân vật là nữ Dinazad và Shirazad - sau này trở thành Dunyazad và Shahrazad. Khoảng một thế kỷ sau đó, một tác giả ở Baghdad, sử gia al-Mas‘ûdî (896-956) cũng nói về tác phẩm gồm các câu chuyện được kể trong các đêm với các nhân vật trong truyện nền là hoàng đế, quan tể tướng, con gái tể tướng và cô nữ tỳ trong sách Bãi vàng (Murûj adh-dhahab) của mình.

             Trong tác phẩm Nghìn lẻ một đêm, Shahrazad là một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần, uyên bác hết mực và có lòng yêu thương vô bờ. Nàng đã đọc rất nhiều sách: "sử biên niên, huyền thoại về các vị vua thuở trước, và những truyện kể, các tấm gương và điển hình về những nhân vật và sự việc trong quá khứ. Thực sự chắc chắn nàng đã sưu tập được một ngàn quyển sách lịch sử về các dân tộc cổ xưa và những nhà cầm quyền quá cố. Nàng đã tìm hiểu kỹ càng về thơ ca và thuộc nằm lòng. Nàng đã nghiên cứu triết học và các ngành khoa học, nghệ thuật và những thành tựu. Nàng hoạt bát và lịch thiệp, uyên bác và dí dỏm, có tri thức và có giáo dục" [6].

             Với tài năng và nhan sắc, Shahrazad đã dũng cảm lao vào một cuộc phiêu lưu bằng chính sinh mạng của mình. Shahrazad trở thành huyền thoại về một giai nhân thông tuệ, nắm giữ tri thức vô bờ và bí mật của sự sống. Nàng có tài kể chuyện và có lòng nhân hậu để cứu chuộc cuộc đời. Nàng còn là một huyền thoại về nguồn sống, một người vợ, một người mẹ đem tất cả tâm hồn, tình yêu thương của mình để gìn giữ và ươm mầm sự sống.

             Từ bộ sách Nghìn lẻ một đêm, Shahrazad trở thành một biểu tượng đẹp cho tinh thần Arab. Một trong những tác giả quan trọng của văn học Arab thế kỷ 20, nhà viết kịch Tawfia al-Hakim đã so sánh nàng với hình tượng nữ thần cổ đại Isis của vùng Trung Cận Đông trong vở kịch mang tên Shahrazad (năm 1934). Al-Hakim đặc biệt chú trọng thể hiện sâu sắc ý nghĩa thanh tẩy tâm hồn từ hành động kể chuyện của nàng Shahrazad. Như đã biết, trong Nghìn lẻ một đêm, Shahrazad đã kể chuyện nhằm lay chuyển trái tim khô cạn của vua Shahryar cũng như lôi ông ra khỏi cơn cuồng nộ mù quáng. Bằng cách liên hệ với hình tượng nữ thần cổ đại Isis, al-Hakim đã đề cao hình tượng Shahrazad như sự huyền bí vô cùng, nguồn cội của sự sống và tri thức. 

             2. Ở phương diện thi pháp học, nhân vật người kể chuyện là một dạng nhân vật văn học đặc thù giữ vai trò người sáng tạo và nắm giữ tác phẩm mà trong đó họ cũng là nhân vật. Hành động đặc thù của kiểu nhân vật này là kể chuyện. Nhân vật hành động song hành với diễn tiến của tác phẩm. Đối với nhân vật người kể chuyện, truyện kể chính là sự tồn tại của họ, và sự tồn tại của họ chính là tác phẩm. Khi câu chuyện được kể nghĩa là nhân vật tồn tại, khi câu chuyện tiếp diễn nghĩa là đời sống tiếp diễn. Các câu chuyện được kể để cứu mạng người kể chuyện, để giải thoát người ta khỏi cơn thịnh nộ, tránh né những trường hợp rắc rối, tan hồ nghi, ngộ nhận, hoặc lôi người ta ra khỏi nỗi buồn chán, sự bi quan. Các câu chuyện còn là chỗ dựa để chống lại áp lực thời gian nặng nề. Cũng như vậy, nàng Shahrazad đã xác định hành động cũng như sự tồn tại của mình thông qua các truyện kể, nàng cố gắng vượt qua giới hạn thời gian của các Đêm để có thể duy trì sự tồn tại và đạt được mục đích của mình.

             Những câu chuyện của Đêm bắt đầu từ sự phản bội của những phụ nữ không đoan chính. Tội lỗi ấy biến một vị vua anh minh trở thành bạo chúa, khiến cho hàng ngàn thiếu nữ vô tội phải chết vào những buổi bình minh. Khi đó, nàng Shahrazad kiều diễm và thông tuệ đã dùng những truyện kể để lay chuyển tâm hồn đau thương mê muội của vua Shahryar. Nếu như khắp vương quốc oán thán, sợ hãi và căm thù nhà vua thì bằng một cung cách hoàn toàn khác, Shahrazad dành cho ông lòng tôn kính, tình yêu thương và tấm lòng muốn cứu vớt một con người ra khỏi nỗi đau và tội lỗi. Mưu kế của nàng đã bộc lộ ngay từ câu chuyện đầu tiên nàng kể cho nhà vua nghe – chuyện về ba cụ già mỗi người lần lượt kể một câu chuyện cho tên hung thần để đổi lấy một phần ba số máu của người thương nhân tội nghiệp. Họ thành công và Shahrazad cũng vậy.

             Trong một ngàn lẻ một đêm kể chuyện, Shahrazad đã kể cho nhà vua rất nhiều câu chuyện về tình cảm con người, tình yêu thương, tình chồng vợ, kể cả chuyện về những người phụ nữ ngoại tình, chính là nguyên cớ của bi kịch và tai họa trên vương quốc. Nỗi đau mà nhà vua phải chịu đã ngấm sâu vào con tim thù hận của ông. Ông đã vui sướng khi nghe kể người phụ nữ ngoại tình bị trừng phạt, giống như hành động ông đã làm với vợ của mình. Nhưng ông cũng dần biết cảm thông với những cảnh ngộ khác, và cho rằng, đôi khi ngoại tình không phải là tội lỗi.

             Nhưng câu chuyện lạ kỳ ở chỗ chính Shahryar cũng có lúc tham gia vào một vụ ngoại tình. Ông và em trai đã gặp gỡ cô gái bị một hung thần nhốt trong chiếc hòm ủy tinh có bảy chiếc khóa. Cô từng ngoại tình với năm trăm bảy mươi người đàn ông khác nhau, và lấy được năm trăm bảy mươi chiếc nhẫn từ những người đó, lần này cô có thêm hai chiếc nhẫn từ tay nhà vua và em trai ông. Cô gái đã bị gã hung thần bắt cóc trong ngày cưới, phải xa lìa hạnh phúc của mình để sống trong một chiếc hòm, bị giam giữ giữa lòng biển sâu để phục tùng một gã hung thần ghê sợ. Shahrazad đã kể lại chính câu chuyện đó vào đêm thứ sáu trăm lẻ hai: “Hoàng tử đi tản bộ một mình, vốn như sở thích của chàng, khi chàng đến một bãi cỏ xanh, cây cành trĩu trịt quả mọng, chim hót ríu ran và một dòng sông chảy qua. Khung cảnh cuốn hút chàng, vì vậy chàng ngồi xuống nơi đó, lấy một ít quả khô mang theo ra rồi bắt đầu ăn, khi đó bất chợt chàng trông thấy một cột khói lớn bốc lên đến tận trời, hoảng sợ, hoàng tử leo lên cây, giấu mình trong những cành lá…” [7].

           (Bìa sách "Nghìn lẻ một đêm".)

             Cũng như hai anh em vua Shahryar, hoàng tử nhìn thấy một hung thần từ dòng sông trồi lên, mang theo một chiếc hòm, trong hòm có một cô gái đẹp như mặt trời mọc. Khi tên hung thần đã ngủ say, cô gái phát hiện ra hoàng tử và bắt buộc chàng đến với nàng, hăm ọa sẽ đánh thức tên hung thần nếu chàng từ chối. Và hoàng tử cũng như vua Shahryar đáp ứng yêu cầu của cô gái. Cô cũng xin chàng chiếc nhẫn vốn là con dấu của chàng. “Thế là chàng đưa cho cô dấu ấn của mình và cô gói nó vào một chiếc khăn lụa, ở trong đó đã có đến hơn bốn chiếc nhẫn khác.” [8]. Truyện kể này cũng được tìm thấy trong tác phẩm Bảy bậc hiền minh và trong Đại dương truyện (Ấn Độ). Trong Đại dương truyện, cô gái đã có được 100 chiếc nhẫn, nhưng khi ấy chàng trai từ chối cô và vị thần đã cắt chiếc mũi của cô vợ. Điều hiển nhiên là Shahrazad đã kể cho vua Shahryar nghe câu chuyện của chính ông trong đó người ngoại tình không bị trừng phạt.

             Trước khi bình minh lên, Shahrazad dùng những truyện kể để giành giật từng giờ khắc được sống giữa trần gian của nàng. Cha nàng - quan tể tướng, mỗi rạng đông vẫn đứng trước cửa cung điện, cầm trong tay tấm vải liệm, lo lắng cho số mệnh cô con gái yêu quý của mình. May mắn là những câu chuyện của nàng Shahrazad đã có sức mạnh tuyệt vời để nàng có thể tự bảo vệ mình. Hơn thế nữa, chúng còn có một sức mạnh khác huyền nhiệm hơn khi tác động được vào tâm trí nhà vua. Vua Shahryar đã thực sự tìm thấy lại được tâm hồn mình, tìm thấy lại được lòng yêu đời và con tim thanh thản.

             “Chính trong Nghìn lẻ một đêm, những câu chuyện được kể ra để tiêu khiển, chữa trị và cứu chuộc sự sống. Shahrazad đã chữa cho vua Shahryar khỏi chứng bệnh căm thù phụ nữ, dạy cho ông biết yêu thương, bằng cách đó đã bảo vệ được chính mạng sống của nàng và chiếm giữ được một người đàn ông tuyệt vời.” (Husain Haddawy) [9]. Và như vậy câu chuyện đã đến hồi kết thúc. Bỗng nhiên, người ta thấy nàng Shahrazad bồng ba đứa con thơ, nàng từ một trinh nữ đã trở thành một người mẹ. Người ta nhận ra, vượt qua khỏi những đe dọa của chết chóc và tai họa, cuộc sống vẫn đang sinh sôi một cách diệu kỳ. Đám cưới tưng bừng suốt bốn mươi ngày đêm đã diễn ra dành cho nàng Shahrazad và vua Shahryar, nàng Dunyazad và vua Shah Zaman. Vua Shahryar cho triệu tập những người viết sử biên niên, các thư lại đến để chép lại bộ sách Những truyện kể trong Nghìn lẻ một đêm, và rồi họ cứ thế sống bên nhau hạnh phúc cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời.

             3. Shahrazad và hàng loạt những thân khác của nàng dường như vẫn đang tồn tại giữa sa mạc hoang vu mênh mông, nơi có những túp lều nhỏ của người du mục. Ở đó, những câu chuyện được kể quyện với nhau thành một bản trường ca với “những bài hát hoang dại và huyền bí của những chàng thanh niên và những thiếu nữ, mạnh mẽ và dồn dập xuyên qua ánh chiều tà, giọng điệu nhịp nhàng của những người chăn chiên oai vệ đi sau đàn gia súc và lạc đà của họ, hòa trộn vào tiếng kêu nho nhỏ của lũ cừu và tiếng rống của những con vật có bướu,… tiếng hú đam mê của chó sói vang dội xuyên qua bóng tối thẳm sâu, khúc điệu du dương của những bài dân ca, những cành cọ đáp lại tiếng thì thầm của gió thoảng ban đêm với giai âm dịu dàng của thác nước.” (Richard F. Burton) [10]. Trong bản trường ca ấy, những câu chuyện của Shahrazad được kể đi kể lại nhiều lần, vượt qua bóng tối bao trùm sa mạc hoang sơ, bí ẩn đến với tâm hồn con người bằng một sức cuốn hút kỳ diệu. Hình tượng nàng Shahrazad đến với người đọc, người nghe cũng bằng một sức ám gợi diệu kỳ không kém.

             Như vậy, Nghìn lẻ một đêm đã có một bước tiến rõ nét về thi pháp xây dựng nhân vật người kể chuyện khi đề cao nữ tính và sự trân trọng tri thức cũng như lòng nhân hậu, tình yêu thương và nhan sắc của người phụ nữ. Hơn nữa, hình tượng người phụ nữ kể chuyện cũng từ đó trở thành một biểu tượng văn học mang nhiều ý nghĩa và có ảnh hưởng mạnh mẽ. Từ người kể chuyện thác lời thần thánh, đến những người kể chuyện thông thái, hiền minh, các nghệ nhân hát rong ca lên bài ca sự sống, hình tượng người kể chuyện nữ giới đã bao hàm tất cả những yếu tố thần thánh, thông thái, bao dung và ý nghĩa của sự tồn tại. Đó là khi Shahrazad trở thành người mẹ của những đứa con thơ. Cũng từ hình tượng độc đáo đó, nhân vật người kể chuyện trong Nghìn lẻ một đêm thể hiện ý nghĩa quan trọng của truyện kể, ý nghĩa khái quát trên phương diện văn học cũng như phương diện tinh thần và đời sống con người. Truyện kể là cuộc đời với sự sinh sôi, phát triển, tàn phai và tiếp nối, trong đó người kể chuyện là người bảo vệ, cứu chuộc và duy trì nguồn sống.

 

Chú thích:

[1] 1. Bảy bậc hiền minh, tác phẩm được cho là do triết gia Ấn Độ Sindibad soạn vào thế kỷ I trước công nguyên. Sau đó, tác phẩm được dịch sang nhiều ngôn ngữ như tiếng Ba Tư và tiếng Hebrew, di chuyển sang các vùng Arab, Ba Tư, Syria, Hy Lạp và được biết đến với tựa đề Cuốn sách của Sindibad.,
[2] Truyện bốn mươi tể tướng hay Truyện kể bốn mươi ngày và đêm, văn bản bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ của tác phẩm không ghi niên đại được tìm thấy ở Constantinople, ước đoán ra đời vào khoảng thế kỷ XV, có tên tác giả là Sheykh Zada.,
[3] Nghìn lẻ một ngày, tác phẩm văn học Arab, còn được xem như một phiên bản rút gọn của Nghìn lẻ một đêm.,
[4] Pentamerone (1637), tác phẩm của nhà văn Italy Giambattista Basile (1575-1632),
[5] Những truyện kể của con vẹt, tác phẩm nổi tiếng của Ấn Độ, ra đời từ rất sớm, phổ biến rộng rãi vào khoảng thể kỷ XII và có phiên bản ở một số nền văn học khác.
[6] The Book of the Thousand Nights and a Night, 10 volumes (2007) (translated by Richard F. Burton), Printed by the Burton Club for Private Subscribers Only, US, Digitized for Microsoft Corporation by the Internet Archive in 2007, from University of California Libraries, vol.1, tr.15,
[7] Sđd, vol.6, The King's Son and the Ifrit's Mistress, tr.199,
[8] Sđd, vol.6, tr.200,
[9] The Arabian Nights: Based on the Text of the Fourteenth Century Syrian Manuscript edited by Muhsin Mahdi (1990) (translated by Husain Haddawy), W. W. Norton & Co., NY, US, tr.xiv,
[10] The Book of the Thousand Nights and a Night, 10 volumes (2007) (translated by Richard F. Burton), Printed by the Burton Club for Private Subscribers Only, US, Digitized for Microsoft Corporation by the Internet Archive in 2007, from University of California Libraries, vol.1, tr.viii

 

 Nguồn: http://evan.vnexpress.net/news/phe-binh/phe-binh/2011/09/9986-hinh-tuong-nguoi-ke-chuyen-trong-nghin-le-mot-dem/

 

 

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60423641
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4616
6820
60423641

Thành viên trực tuyến

Đang có 160 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website