Hình tượng Komachi trong kịch Noh từ cổ điển đến hiện đại

Nguyễn Ngọc Bảo Trâm (*)

Noh một loại hình sân khấu truyền thống của Nhật Bản, vốn được xem là nguồn cội của sân khấu Nhật Bản, cho đến ngày nay vẫn là niềm tự hào của người Nhật. Những vở kịch Noh trình diễn trong thời gian kèo dài nhiều giờ đồng hồ, ở đó diễn viên đeo mặt nạ, trình diễn những động tác ước lệ, sử dụng ngôn từ giàu ẩn dụ và sân khấu hầu như không biến đổi không phải là dễ theo dõi đối với những người thiếu kiên nhẫn và thiếu niềm yêu thích với văn hóa Nhật Bản cổ truyền. Vậy mà, kịch Noh vẫn tồn tại trọng đời sống Nhật Bản hiện đại luôn dịch chuyển chóng mặt. Người Nhật bằng một cách thức đặc biệt vẫn giữ gìn được tinh thần u huyền của kịch Noh trong lòng xã hội công nghiệp. Dường như bóng ma Komachi hư ảo một thời vẫn còn hiện diện trong đời sống hiện đại này để mải miết truy vấn về cái đẹp, tình yêu và những mất mát, đổ vỡ mà con người vẫn luôn phải đối diện trong đời sống dù ở thời đại nào, không gian nào.

 

1. Komachi – ca tiên và huyền thoại

Ono no Komachi (834-880) là một giai nhân, một nhà thơ Nhật Bản thời Heian. Nàng nổi danh vì cả tài năng thơ ca và nhan sắc tuyệt mĩ của mình. Cùng với các huyền thoại xoay quanh cuộc đời kỳ lạ và những vần thơ còn để lại, Komachi trở thành biểu tượng của cái đẹp, xuất hiện trở đi trở lại trong văn học Nhật Bản đúng như nhận định của Nhật Chiêu: “Thực ra chỉ có một Komachi, nhưng giống như vầng trăng, nàng hiện thân trong cuộc đời, trong văn chương từng lúc khác nhau, có vô vàn bóng ảnh [1]. Komachi nhà thơ chỉ có một trong thời Heian nhưng đã xuất hiện qua những dung dáng khác nhau, trong các vở kịch khác nhau để người xem từ đó mãi băn khoăn về đời sống cũng như thân phận con người.

Komachi được mệnh danh là một ca tiên trong số lục ca tiên thời Heian nhờ những bài thơ của nàng còn lưu lại trong Kokinshu (Cổ kim tập). Thơ của nàng là những khúc ca chan chứa và nồng cháy về tình yêu, về trái tim, về mộng tưởng, về những bông hoa tình bừng nở rồi tàn phai. Những hình ảnh ấy còn xuất hiện trong âm vang của những vở kịch Noh, khi nhân vật Komachi còn lang thang trên cõi trần để hát và suy ngẫm về đời sống mà mình đã trải qua.

Kịch Noh vốn có liên quan mật thiết với văn chương, đặc biệt ở việc xử lý đề tài, các liên văn bản, ẩn dụ, biểu tượng. Các dữ liệu từ Truyện Genji, Truyện Heike, từ truyền thống văn học Nhật Bản đã được đưa vào sân khấu Noh. Với vai trò là một nhà thơ danh tiếng, Komachi cũng đã bước vào thế giới của Noh theo cách thức đó cùng với thơ ca, tư tưởng và những giai thoại của chính mình. Từ thế kỷ XIV, Komachi xuất hiện trong các vở kịch Noh cổ điển như Sotoba Komachi của Kan-ami, Sekidera Komachi của Zeami Motokiyo, ngoài ra còn có các vở Noh khuyết danh cũng viết về đề tài Komachi như vở Ōmu Komachi hay vở Sōshi Arai Komachi. Ở đó, nàng được tái hiện là nàng Komachi vốn đã trải qua thời hào quang và xuân sắc nhưng mãi còn vương vấn ở nhân gian vì những băn khoăn về đời sống, tình yêu và thơ ca, và rồi nàng được giải thoát nhờ đến gần với tư tưởng của Thiền tông. Komachi cùng với thơ ca và tình yêu của nàng hiện hình như một bông hoa hư ảo của đời trên sân khấu Noh truyền thống. Đến thế kỷ XX, với tinh thần cách tân sân khấu truyền thống, Komachi một lần nữa xuất hiện trên sân khấu Noh của thời hiện đại qua vở kịch của Mishima Yukio mang tên Sotoba Komachi [4], ở đó hình tượng Komachi mang một màu sắc khác ở một chiều kích đầy mới lạ.

 

2. Hình tượng Komachi và những đặc trưng của kịch Noh cổ điển

Sân khấu Noh của Nhật Bản được hình thành và hoàn thiện trong thời Muromachi.  “Kịch Nô là sân khấu trữ tình, là nơi kết tinh những giá trị văn chương cổ điển của Nhật, là nơi thể hiện tinh thần sâu thẳm của Thiền tông” (Nhật Chiêu) [2]. Kịch Noh không chỉ dựa vào nguồn cội văn chương Nhật Bản mà còn phát triển thăng hoa để tạo thành một trong những giá trị chuẩn mực của văn hóa Nhật Bản truyền thống. Bản thân Komachi đã xuất hiện trong lịch sử văn học Nhật Bản như một nhà thơ tài danh đã lại xuất hiện trên sân khấu Noh như một hình tượng nhân vật độc đáo. Trong các vở kịch Noh cùng đề tài, Komachi xuất hiện với vai Shite, ban đầu là một bà lão già nua kỳ dị, sau đó được nhận thức là nàng Komachi, tài năng thơ ca và nhan sắc danh tiếng của thời Heian.

Trong các vở kịch về Komachi, đầu tiên phải nhắc đến tác phẩm của Kan’ami (1333-1384) có tên Sotoba Komachi. Nhan đề Sotoba Komachi nghĩa là Nàng Komachi trên stupa – trong vở kịch, nàng Komachi đã ngồi lên trên trụ gỗ stupa thiêng liêng của Phật giáo. Mở đầu vở kịch là cảnh các tu sĩ phái Chân ngôn trông thấy một bà lão kỳ dị ngồi lên trụ stupa. Họ lên tiếng ngăn cản người đàn bà điên khùng đó và rồi nhận ra đó là hồn ma Komachi. Komachi thể hiện nỗi băn khoăn mãnh liệt khi nghĩ về những năm tháng xuân sắc đã qua, dường như nàng còn có điều gì vướng bận. Hồn ma của chàng trai Fukakusa no Shosho từng si mê nàng nhập vào nàng để kêu gào về tình yêu của mình, Komachi cảm thấy nỗi đau đớn ấy và nhìn thấy cái chết đã đến với chàng như thế nào. Đến cuối vở kịch Komachi và người tình của nàng được cầu nguyện để siêu thoát.

Vậy ta sẽ nguyện cho đời mãi mãi

Cõi thanh tịnh nào cũng an lạc, yên vui

Ngất cao trụ cát,

Ta đánh bóng lên rực rỡ sắc vàng.

Nhìn đây, ta dâng hoa lên Phật.

Ta chắp cả đôi tay

Ôi! Chàng đã dẫn ta vào thánh đạo

Vào nơi thánh đạo.

(Mai Tâm dịch, Nhật Chiêu hiệu đính)

Bằng con đường tình yêu, bằng những trải nghiệm qua kiếp nhân sinh đau thương khổ lụy, các linh hồn hướng về với cõi Phật, họ buông bỏ và về với “thánh đạo”. Vở kịch thấm đẫm tinh thần giải thoát và buông bỏ của Thiền tông.

Zeami (1363-1443) là người nối nghiệp cha mình để hoàn thiện các nguyên tắc của kịch Noh cổ điển. Những công trình của ông được xem như là khuôn vàng thước ngọc cho loại hình sân khấu Noh như Kadensho (Hoa truyền thư), Shikadosho (Chí hoa đạo thư), Nosakusho (Năng tác thư). Zeami đã thừa kế từ cha mình nhiều bí quyết và kịch bản Noh, nhiều vở kịch của ông được hoàn thành từ sự phát triển các kịch bản của cha. Tuy nhiên, vở Sekidera Komachi (Nàng Komachi ở chùa Seki – nay có tên là Choanji, nằm ở thành phố Ōtso, phía đông Kyoto) của Zeami có nhiều khác biệt so với vở kịch Sotoba Komachi của Kan’ami. Sekidera Komachi lấy bối cảnh là lễ hội Tanabana, đêm mùng bảy tháng bảy, chính là đêm Ngưu lang Chức nữ gặp nhau trong huyền thoại Đông Á, cũng là một ngày hội của thơ ca và nhân thế các nhân vật đã có một cuộc luận bàn đầy sâu sắc về thơ ca. Đặc biệt, có thể xem Sekidera Komachi là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách kịch của Zeami, trong đó là các vở kịch thường nói về những con người cuồng điên hay hồn ma. Và nó cùng có thể được xem là một khuôn mẫu của kịch Noh cổ điển Nhật Bản.

Tại Sekidera, vốn là một nơi đầy thinh lặng, trong lễ hội Tanabana các tu sĩ và một đứa trẻ cùng háo hức đi ngắm bầu trời sao. Họ nói chuyện về thơ ca với một phụ nữ cao tuổi và rồi nhận ra người đó chính là nữ ca tiên Komachi một thời, nếu còn sống thì nay đã sắp một trăm tuổi. Theo Donald Keene: “Vở kịch này được đánh giá là quý giá và cũng là khó nhất trong toàn bộ di sản sân khấu Noh. Trong thế kỷ trước chỉ có một vài diễn viên vĩ đại ở đỉnh cao sự nghiệp mới mạo hiểm trình diễn nó. Danh tiếng cao quý của vở kịch được tán dương vì tính giản đơn tinh tế hết mực và niềm khoái cảm vui buồn vui lẫn lộn của cuộc sống nhân sinh. Thời thơ ấu, tuổi trưởng thành, năm tháng già nua, khoái lạc và nỗi đau trong đời sống đã được truyền đạt trực tiếp. Vở kịch truyền tải một khoảnh khắc vượt ngoài thời gian trong khoảng thời gian mong manh nằm giữa sự sống và sự chết” [4].

Trong vở Sekidera Komachi, vai shite là Komachi, vai waki là tu sĩ trụ trì chùa Sekidera, ngoài ra còn có hai tu sĩ khác và một đứa trẻ. Khi vị trụ trì hỏi về thơ ca, bà lão trả lời: “Khúc gỗ mục vùi chôn trong lòng đất sâu đến nỗi quên mất rằng ngươi mong chờ nó sẽ nẩy mầm. Hãy nhớ rằng: Nếu ngươi biến trái tim ngươi thành hạt giống thì ngôn từ của ngươi sẽ nở hoa, nếu ngươi ngập chìm trong hương thơm của nghệ thuật, ngươi sẽ không thể nào đạt đến thứ thơ chân thực” [5]. Đây được xem là một luận điểm quan trọng khởi đầu cho lý luận về văn chương của mỹ học Nhật Bản truyền thống. Qua đó Zeami cũng cho thấy quan niệm rằng thơ ca chân thực phải xuất phát từ trái tim chân thành chứ không phải từ sự quyến rũ bề ngoài. Trong vở kịch, Komachi nói về thơ của phụ nữ và than khóc cho đời sống, cho hào quang của tuổi trẻ, vẻ rực rỡ của nhan sắc dù đã đến cuối cuộc đời. Nếu như vở kịch của Kan’ami trình bày về sự giải thoát cho hồn ma Komachi và người tình của mình còn đang băn khoăn về tình yêu và sự sống chết thì vở kịch của Zeami qua danh tiếng của một ca tiên đã luận bàn về thơ ca của nữ giới, thơ ca bằng ngôn ngữ dân tộc của người Nhật.

Tư tưởng Thiền tông chính là tư tưởng chủ đạo của kịch Noh truyền thống. Các nhân vật shite thường còn vướng bận vì một hệ lụy nào đó trong cuộc đời mình và trên sân khấu Noh, họ sẽ được giác ngộ và siêu thoát nhờ tư tưởng Thiền tông. Komachi trong đời thực như thế nào không ai rõ, nhưng trên sân khấu Noh, nàng còn đang vướng bận với sự băn khoăn về đời sống đã qua của mình. Komachi trong các vở kịch Noh thuộc về kiểu nhân vật Nữ, kiểu nhân vật còn ủ ấp hồi ức về một thời quá vãng xuân sắc huy hoàng và dnh tiếng. Komachi như là một hồn ma không thể siêu thoát dù bản thân đầy tài năng và trí tuệ. Cũng từ đó, tính hư ảo của bản thân huyền thoại Komachi kết hợp với tính u huyền mà Noh hướng đến tạo nên một hình tượng độc đáo của sự truy cầu ý nghĩa nhân sinh.

Komachi trở thành biểu tượng cho cái đẹp mộng huyễn, u huyền, hư ảo của một thời đại đã qua. Rõ ràng, hồn ma Komachi hay tàn tích của Komachi còn trú ngụ ở nhân gian không chỉ vì sự trăn trở về kiếp người nhỏ bé của bản thân, không chỉ là băn khoăn vì người tình đã chết mà còn là băn khoăn về sự tồn tại của nghệ thuật và cái đẹp. Nó phù hợp với tinh thân của kịch Noh – “là sân khấu biểu tượng, sân khấu của cái ảo, là nỗ lực vươn tới cái u huyền của cuộc sống” [6].

3. Kịch Noh hiện đại từ Sotoba Komachi của Mishima

Mishima là một nhà văn hiện đại Nhật Bản thời hậu chiến. Là người am hiểu sân khấu Nhật Bản truyền thống lẫn sân khấu hiện đại kiểu Tây phương. Lý do Mishima viết kịch Noh là hướng đến việc cách tân sân khấu truyền thống. Như đã trình bày, Komachi là một hình tượng độc đáo đã xuất hiện trong nhiều vở kịch Noh cổ điển. Từ hình tượng cũ, đề tài cũ này, Mishima tạo dựng thành một hình tượng Komachi mới mẻ và hiện đại hơn rất nhiều trong vở kịch Noh hiện đại có tựa Sotoba Komachi. Trong đó, nàng Komachi, hồn ma Komachi hóa thành bà lão lang thang trong công viên để nhặt thuốc lá. Cái tên Sotoba Komachi cũng là một cái tên được lặp lại từ vở Noh của nhà viết kịch cổ điển Kan’ami.

Có thể thấy rõ sự lặp lại của nhân vật, đề tài, cốt truyện truyền thống ở các vở kịch Noh hiện đại của Mishima. Nhưng sự sáng tạo của ông là ở chỗ đặt những điều tưởng chừng đã cũ ấy vào một phối cảnh mới, của không gian và thời gian. Trong các vở kịch Noh của Mishima, người xem có thể nhìn thấy những không gian quen thuộc của thời hiện đại như bệnh viện, sân nhà, quán ăn… và trong vở Sotoba Komachi là công viên. Một công viên như bất kỳ công viên nào, nơi người ta có thể tìm thấy trong một thành phố với bóng tối, cây cối, những cột đèn, những băng ghế và những đôi tình nhân hò hẹn đã được dựng lên trên sân khấu để nó sơ sài và tầm thường đầy cố ý.

Xuất hiện trên sân khấu là một bà lão lang thang nhặt những mẩu thuốc lá vụn, một gã nhà thơ ăn mặt bẩn thỉu quan sát bà lão, và năm cặp nam nữ ôm nhau say mê trên những băng ghế. Cặp tình nhân bị làm phiền bỏ đi và bà lão chiếm lấy băng ghế.

Bà lão nói với nhà thơ đang xem những cặp tình nhân như là sự sống động đáng ngưỡng mộ của đời: “Chính bọn chúng, bọn kỳ cục ấy vuốt ve nhau trên mồ. Hãy nhìn kìa! Dưới ánh sáng xuyên qua lá xanh, mặt chúng tái bệch màu lục. Trai gái đều nhắm mắt. Này! Phải chăng chúng như những xác chết. Ứng xử như vậy là chết rồi. Quả là có mùi hoa thơm. Ban đêm, các luống hoa thơm ngát. Cứ y như là hoa trong quan tài. Đắm mình trong hương thơ, những kẻ ấy hoàn toàn như những người chết” [7]. Tại sao dưới mắt bà lão, cuộc sống lại ảm đạm đến mức kỳ quặc đến thế. Nhưng hãy liên tưởng đến lời Komachi đã nói trong vở kịch của Zeami: “nếu ngươi ngập chìm trong hương thơm của nghệ thuật, ngươi sẽ không thể nào đạt đến thứ thơ chân thực” [8]. Nếu chàng trai trẻ nhà thơ kia cứ đắm chìm trong hướng thơm ấy, nghĩa là đã đắm chìm trong sự chết và không hiểu được nghệ thuật đích thực.

Từ tên gọi Sotoba Komachi gợi về một thời cổ điển, cùng với câu chuyện về kẻ si tình phải chết vì tình yêu, vở kịch Noh hiện đại của Komachi có một sự liên kết, kỳ lạ giữa hình tượng nhân vật cổ điển với con người hiện đại, sự đồng quy sâu sắc giữa kiếp người phù du hư ảo với những con người nhỏ nhoi, vô danh vẫn đang ngập ngụa trong bất hạnh của nhân loại thời đương đại. Bà lão lang thang nhặt thuốc lá trong công viên ấy phải chăng chính là dung dáng của con người hiện đại của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, dù tiên tiến hay nghèo đói, dù phương Tây hay phương Đông. Komachi vì thế không chỉ là một ca tiên huyền thoại của riêng người Nhật, bóng ma Komachi không chỉ là sự hư ảo của riêng người Nhật, mà là thân phận mong manh, nhỏ nhoi khốn khổ của con người ở bất kỳ nơi đâu trên mặt đất này. Ý nghĩa nhân sinh ấy chính là điều làm cho hình tượng Komachi có thể tồn tại ở thời hiện đại của Nhật Bản và hơn thế nữa, được thế giới phương Tây chào đón.

Người ta thường gọi sân khấu Noh là thế giới của u huyền. Đó là nơi thế giới huyễn mộng và thực tế giao thoa với nhau, nhân vật vừa thực tế vừa hoang tưởng đến kỳ lạ. Ở thời hiện đại, các vở kịch Noh của Mishima vẫn thể hiện rõ nét tính chất này. Cùng trên một sân khấu, nhưng có lúc người ta nhìn thấy một góc công viên u tối của thành phố, có lúc lại thấy như đó là vườn hoa rực rỡ của một thời huy hoàng cách đó hàng trăm năm. Nhân vật có lúc là một bà lão xấu xí lang thang và một nhà thơ ngớ ngẩn, nhưng thoắt đó đã biến thành một giai nhân tuyệt thế và một gã si tình. Nhân vật nữ chính là một mụ già lang thang lảm nhảm những điều vớ vẩn điên cuồng nhưng có lúc lại nói những lời sắc cay như mệnh lệnh. Nhà thơ hóa thành một tình nhân cuồng si cái đẹp của người tình và chết trong sự thăng hoa tuyệt đỉnh đến mê muội bất chấp lời nguyền, nhưng trước hiện thực trần trụi, cái chết ấy như là cái chết vô danh của một gã say rượu ở một xó công viên. Nếu như trong vở kịch Sekidera Komachi, Zeami đặt vào đó mọi giai đoạn đời người từ ấu thơ để trăm năm thì trong vở Sotoba Komachi, Mishima làm cho người ta thấy cùng lúc tất cả sự hỗn loạn, phức tạp của đời sống trên một sân khấu nhỏ.

Về cấu trúc, có thể thấy vở Sotoba Komachi của Mishima được xây dựng theo thời gian tuyến tính. Từ khi nhà thơ gặp bà lão lang thang trong công viên cho đến khi chết vì ngợi ca cái đẹp vĩnh cửu. Nhà thơ có thể là hiện thân của người tình cuồng si sau một trăm năm, và rồi lại một trăm năm nữa. Những cái chết ấy có thể lặp lại, lặp lại như những số phận vô danh trong đời sống này. Đây là một cách tân khác biệt so với sân khấu Noh truyền thống, câu chuyện của shite thường là một câu chuyện ở một kiếp khác, sau khi được đốn ngộ, shite sẽ siêu thoát khi hoàn toàn buông bỏ được những hệ lụy, băn khoăn trong quá khứ. Trên sân khấu của thời hiện đại, Komachi là một bà lão lang thang trở thành một giai nhân tuyệt thế trong mắt gã si tình rồi lại trở về hình ảnh của một bà lão lang thang. Gã si tình thực sự đã chết như một gã say xỉn vô danh. Bà lão lang thang sẽ tiếp tục lang thang vô danh bên lề một đời sống hiện đại. Bà lão lang thang trong công viên, hay bóng ma Komachi trong thời hiện đại phải chăng chính là tuổi già bất hạnh của thế giới đương đại và cái chết của nhà thơ phải chăng là cái chết của nghệ thuật và yêu thương tuyệt đích.

 

Kết luận

Những suy tư trở đi trở lại về xuân sắc và tình yêu, về cõi người và giải thoát, về cái đẹp và nghệ thuật đã tạo nên hình tượng Komachi quen thuộc trong văn học Nhật Bản truyền thống. Nhưng không dừng lại ở đó, qua một phối cảnh mới, Mishima đã đưa Komachi và sân khấu Noh đến với những điều mới mẻ và thời sự, chạm tới những đau thương, vỡ nát trong tâm hồn con người của thế giới hiện đại. Từ các sáng tác của Kan’ami và Zeami đến thể nghiệm Noh hiện đại của Mishima, ca tiên Komachi đã trở nên một đóa hoa hư ảo trên sân khấu Noh Nhật Bản, mỗi lúc xuất hiện lại mang đến những suy nghiệm mới mẻ về đời sống nhân sinh. Hình tượng Komachi trên sân khấu cũng tựa như những huyền thoại xoay quanh tên tuổi của nàng chính là những day dứt về định mệnh con người giữa cõi đời hữu hạn, mà nhân loại dù thuộc về chốn nào, thời nào cũng đã từng nghĩ đến.

_______________

[1], [2], [3], [6]. Nhật Chiêu (2001), Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, Nxb Giáo dục, tr.76, 194, 388,199.

[4] Donald Keene (edit) (1970), Twenty Plays of the Noh Theater, Columibia University Press, NY, US (electronic version from University of Virginia Library Electronic Text Center), tr.66, 70-71,71.

[7] Hữu Ngọc (1992), Dạo chơi vườn văn Nhật Bản, Nxb Giáo dục, H., 1992, tr. 49.

 

(*) ThS – Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh

 

Nguồn: tạp chí Nghiên cứu văn học, số 5.2014, tr. 55-62.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63004872
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11346
17565
63004872

Thành viên trực tuyến

Đang có 327 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website