Nghiên cứu văn học ở Đại học Harvard

     Trong chiều ngày 07.12.2011, Khoa Văn học và Ngôn ngữ ĐHKHXH&NV TPHCM đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nghiên cứu văn học ở Đại học Harvard”. Các diễn giả gồm có giáo sư Karen Thornber (Khoa Văn học so sánh - ĐH Harvard), TS Nguyễn Nam (khoa Đông Phương học – ĐHKHXH&NV TPHCM) và TS Phạm Quốc Lộc (hiện công tác tại ĐH Hoa Sen, TS Văn học so sánh tại Đại học Massachusetts, Amherst (Hoa Kỳ)). Cả ba diễn giả đều là người có kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài trong nhiều năm, vì vậy buổi tọa đàm đã diễn ra rất sôi nổi với phần diễn thuyết và phần trả lời câu hỏi, cung cấp cho người tham dự nhiều thông tin bổ ích, mới mẻ về hoạt động nghiên cứu văn học và những khuynh hướng mới trong nghiên cứu ở Harvard cũng như ở Hoa Kỳ. Đông đảo cán bộ trẻ và NCS của khoa Văn học và Ngôn ngữ đã đến tham dự.

 

     Để mở đầu buổi tọa đàm, GS Thornber trình bày bài phát biểu của mình mang tên “Văn học và nghiên cứu, Từ văn học so sánh đến văn học thế giới và khả năng trung lập khu vực”. Qua đó, GS nêu lên những vấn đề của văn học thế giới, văn học so sánh và khuynh hướng nghiên cứu văn học ở đại học Harvard hiện nay. GS đặc biệt trình bày về khuynh hướng nhìn nhận khái niệm “văn học thế giới” thoát khỏi tư tưởng trung tâm châu Âu, hướng đến khả năng xem xét các khu vực văn học thế giới một cách trung lập, chứ không phân biệt khu vực ngoại vi hay trung tâm. Đồng thời, bà nhấn mạnh khả năng sử dụng ngôn ngữ gốc khi tiếp xúc với các tác phẩm văn học nước ngoài trong nghiên cứu văn học so sánh và văn học thế giới. Trong khi trình bày về chương trình đào tạo của khoa Văn học so sánh của mình, GS cho biết ở ĐH Harvard những người nghiên cứu văn học so sánh đều phải sử dụng được nhiều ngôn ngữ khác nhau.

 

     Trong phần trình bày của mình, TS Nguyễn Nam giới thiệu về khuynh hướng nghiên cứu văn học trong mối tương quan với văn hóa, ông cho biết với sự hỗ trợ của nguồn tư liệu phong phú trên nhiều lĩnh vực người nghiên cứu văn học có thể tiến hành nghiên cứu theo nhiều hướng khác nhau:

 

- Nghiên cứu văn hóa bảo tồn, là khuynh hướng đang phát triển trên thế giới – thông qua nguồn dữ liệu phong phú về quá khứ như tư liệu khảo cổ, tư liệu văn học, hội họa được bảo tồn, người nghiên cứu phục dựng lại được không khí văn hóa xã hội trong quá khứ - điều vẫn rất còn hạn chế ở Việt Nam hiện nay. Nếu như các nhà nghiên cứu Trung Quốc có khả năng phục hiện lại được những chi tiết cụ thể về đời sống văn hóa của người thời Đường như trang phục, đồ dùng, ẩm thực nhờ thế mạnh về nguồn tư liệu khảo cổ, bút ký, văn xuôi, thơ,… thì người nghiên cứu Việt Nam với số lượng rất hạn chế tài liệu sử học và thơ văn Nguyễn Trãi còn để lại phải rất khó khăn để phục dựng lại đời sống văn hóa của Nguyễn Trãi vào thế kỷ XV.

 

- Nghiên cứu sân khấu - điện ảnh: Người nghiên cứu có thể dựa vào các tài liệu về kịch, sân khấu, điện ảnh để nghiên cứu về bức tranh văn hóa trong quá khứ. Đặc biệt khi lịch sử điện ảnh phát triển đã lâu đời (từ những năm 20, 30), người nghiên cứu có thể khám phá về ký ức của một thời, nhìn nhận lại cách nhìn về văn hóa của người đời trước, phục dựng lại được quá khứ thông qua những thước phim, những hình ảnh mà con người trong quá khứ đã phản ánh về thời đại của mình được lưu giữ cho đến ngày nay.

 

- Nghiên cứu báo chí: Báo chí là một nguồn tư liệu rất quý báu. Nghiên cứu báo chí không phải nghiên cứu về lịch sử báo chí mà là nghiên cứu về những nội dung văn hóa xã hội đã được phản ánh qua báo chí. Qua đó giúp người nghiên cứu phát hiện ra những điều mà chúng ta ngỡ rằng không tồn tại trong quá khứ chỉ bởi vì chúng ta không biết về nó.

 

     Theo TS Nguyễn Nam, khuynh hướng nghiên cứu văn học trong bối cảnh văn hóa đã được hỗ trợ nhờ những nguồn tư liệu về văn xuôi, điện ảnh, sân khấu và báo chí như vậy. Một trong những yếu tố chi phối nghiên cứu văn học ở phương Tây hiện nay, chính là tư duy hậu hiện đại trong nghiên cứu văn học trên thế giới. Giúp người nghiên cứu nhìn nhận một vấn đề theo nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau, với nguồn tư liệu phong phú để giúp người nghiên cứu tìm đến “hiện thực” (một hiện thực không bao giờ toàn bích theo quan niệm hậu hiện đại).

 

     Đến lượt mình, TS Phạm Quốc Lộc cũng khẳng định khuynh hướng nghiên cứu văn học so sánh, nghiên cứu văn học thế giới ở Harvard cũng như Hoa Kỳ hiện nay là chất vấn lại tính “dĩ Âu vi trung” của các khái niệm, các nền tảng trí thức. Nhìn nhận lại những gì vốn được xem là “khác” (the others) với mình trong giới nghiên cứu phương Tây.

 

     TS Phạm Quốc Lộc đã trình bày về khuynh hướng nghiên cứu lý thuyết dịch thuật đang rất phát triển trên thế giới hiện nay. Ông cũng nêu lên sự khó khăn để có thể học một ngôn ngữ nào đó để đọc được tác phẩm gốc, vì vậy việc phải đọc các tác phẩm thông qua bản dịch là tất yếu. Tuy nhiên, ông cũng nêu vấn đề rằng không phải đọc qua bản dịch có nghĩa là đã xóa bỏ được tính “dĩ Âu vi trung”. Các dịch giả Âu Mỹ đều dịch theo chiều hướng “nội hóa”, để làm sao cho cái của người trở thành của mình, để độc giả Âu Mỹ có thể tiếp cận được tác phẩm. Họ có thể tập hợp được một cái kho khổng lồ của văn học thế giới nhưng nền tảng thì vẫn không đổi khác. Tưởng như nhờ đó có thể nhìn nhận được thế giới, nhìn nhận được sự khác biệt, nhưng nền tảng của việc nhìn nhận đó vẫn không thay đổi. Bởi vì, ngay cả bản thân Tagore khi dịch tác phẩm của chính mình sang tiếng Anh cũng viết tiếng Anh theo phong cách châu Âu (theo chiều hướng ngoại hóa).

 

     Góp thêm ý kiến về “khả năng trung lập khu vực” như giáo sư Karen Thornber đã nêu trong phần trình bày của mình, TS Phạm Quốc Lộc cho rằng, hiện nay giới nghiên cứu Âu Mỹ vẫn nhìn về văn học châu Á, như là Đông Á, trong đó vẫn là văn học Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó văn học Việt Nam chưa được biết đến nhiều. Đó cũng là một hạn chế của bối cảnh văn học thế giới hay văn học châu Á. Khả năng trung lập khu vực vẫn là một con đường dài, ngay cả ở những nước có nền nghiên cứu văn học tiên tiến như Hoa Kỳ.

 

     Ở phần trao đổi với người tham dự, GS Thorbern cho biết: Văn học so sánh còn có ý nghĩa xem xét sự dịch chuyển của văn bản (về không gian, thời gian và ngôn ngữ), một tác phẩm văn học được dịch trong bối cảnh, trong điều kiện như thế nào, được chuyển dịch như thế nào. Đây cũng là một vấn đề của văn học so sánh chứ không chỉ là đem hai đối tượng văn học ra so sánh với nhau. Người theo chương trình Sau đại học chuyên ngành văn học so sánh ở Harvard cần phải biết nhiều ngôn ngữ khác nhau (2,3 ngôn ngữ) để có thể tiếp xúc với bản gốc của các tác phẩm văn học, họ phải học nhiều kiến thức văn học thuộc về nhiều đất nước và thời đại khác nhau, cũng như về các thể loại văn học khác nhau, ngoài ra còn phải học các môn học ngoài ngành học của mình. Bên cạnh đó, ĐH Harvard còn đang cố gắng để người học phải học một môn văn học không thuộc hướng nghiên cứu chuyên môn của mình.

 

     TS Nguyễn Nam cũng nêu quan điểm của mình về văn học so sánh. Văn học so sánh không có nghĩa là so sánh hai văn bản với nhau mà còn là việc chúng ta nghiên cứu một tác phẩm được dịch như thế nào và lưu truyền như thế nào. Việc đọc bản dịch cùng với bản gốc còn để phát hiện ra văn bản dịch là như thế nào, chất lượng thế nào, có vấn đề gì. Đọc qua bản dịch cũng là một cách để thấy được cách văn bản đã được lưu truyền như thế nào.

 

     Vào cuối buổi chiều, PGS TS Đoàn Lê Giang – trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ đã nói lời kết thúc buổi tọa đàm, hy vọng rằng buổi tọa đàm này sẽ là mở đầu cho những trao đổi sau này, cho những buổi nói chuyện, những khóa học tiếp theo về những đổi mới trong nghiên cứu văn học. PGS TS Đoàn Lê Giang thay mặt khoa Văn học và Ngôn ngữ gửi lời cảm ơn đến GS Karen Thornber và đề cập đến khả năng GS cũng với nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài khác trong tương lai có thể đến giao lưu và làm việc với khoa Văn học và Ngôn ngữ.

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63466671
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9658
18874
63466671

Thành viên trực tuyến

Đang có 255 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website