Con cú mù của Sadegh Hedayat – Dấu ấn tiểu thuyết siêu thực trong văn chương thế giới Hồi giáo

 20210407

Thời hiện đại, trong văn học của các nước Hồi giáo, nếu như   Adonis (người Arab, sinh năm 1930) giữ vai trò là nhân vật cách tân thơ ca thì Sadegh Hedayat (1903-1951) được mệnh danh là người làm mới tiểu thuyết. Trong số các sáng tác của Sadegh Hedayat, tác phẩm Con cú mù (Buf-e Kur) xuất bản lần đầu vào năm 1937 được mệnh danh là tuyệt tác của tiểu thuyết Iran thời hiện đại. Tác phẩm ra đời trong một thời kỳ lịch sử có nhiều biến động về chính trị xã hội, đặc biệt là những xung đột giữa văn hóa Islam truyền thống và hiện đại. Được viết ra trong thời đại chuyên chế đầy bóng tối dưới sự cầm quyền của Reza Shah (1878-1944), tác phẩm như hướng đến nhiệm vụ cao cả nhất của con người là tìm kiếm sự tự do bất chấp mọi ngăn cấm và giới hạn. Con cú mù ban đầu không được công bố ở Iran mà phải xuất bản hạn chế ở Bombay (Ấn Độ). Tới năm 1941, tác phẩm mới được xuất hiện công khai ở Iran, nhưng trong nhiều năm sau đó vẫn thường gặp phải sự kiểm duyệt và cấm đoán từ phía nhà cầm quyền.


Tác giả của Con cú mù, nhà văn Sadegh Hedayat sinh ra ở Tehran, Iran. Ông rất thành công với các sáng tác văn xuôi ở nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch... Ông tiếp nhận nền giáo dục phương Tây từ rất sớm và đặc biệt ham thích nghiên cứu văn học phương Tây. Sadegh Hedayat cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu văn hóa và văn học Ba Tư. Tuy từng được cứu sống khi tự trầm trên sông Marne (nước Pháp) vào năm 1927, nhà văn đã tự kết thúc cuộc đời mình bằng khí gas vào năm 1951 tại Paris. Là một con người cô đơn và có những ám ảnh tự tử, sáng tác của Sadegh Hedayat cũng nhuốm màu sắc u buồn, tăm tối và tàn phai.

Con cú mù có nhân vật chính là nhân vật người kể chuyện ở ngôi thứ nhất “tôi”. Đây là một nhân vật có vấn đề cả về thần kinh lẫn thể chất. Anh ta viết ra tất cả chỉ là để tự thú với cái bóng của chính mình. Nhân vật xuất hiện với nỗi ám ảnh, luôn điên cuồng tìm kiếm dấu vết của nàng thiên nữ cầm đóa hoa triêu nhan và một ông lão kỳ dị. Tất cả diễn ra kỳ lạ như trong một giấc mơ, và rồi nàng bất ngờ đến với anh ta trong thinh lặng, liền theo đó là cái chết không rõ nguyên do. Nhân vật tôi cố gắng xóa nhòa dấu vết của cái chết đó, đồng thời luôn nhận được sự giúp đỡ kỳ lạ và hợp lý từ một lão già quái gở. Nhưng không cách nào nhân vật tôi thoát ra khỏi sự nặng nề đè nén trong tâm hồn. Bởi vì, trong câu chuyện anh ta viết ra như nỗ lực tìm lại những hồi ức về những quãng đời đã mất hay là sự tự truy vấn về bản chất sự tồn tại của bản thân, người đọc nhận ra rằng anh ta đang tự thú cho tội giết người đã phạm phải. Từ đó, Con cú mù đã dựng nên một thế giới truyện kể đầy ảo giác, bóng tối và cái chết, với nhiều lớp suy tưởng chồng chất lên nhau mà ở trong đó, con người trở thành những kẻ xa lạ và cô độc trong đời sống, ngay cả của chính mình.

1. Kẻ xa lạ cô độc

“Có những vết thương làm lở loét dần tâm hồn cô đơn như một thứ ung nhọt” (tr.9)[1]. Đây là câu văn khởi đầu của tác phẩm Con cú mù của Sadegh Hedayat. Đó cũng như một định luật, một chỉ dẫn, một thông điệp mà tác giả đã đặt ra ngay tại ngưỡng cửa của tiểu thuyết ngắn này. Đó là sự tồn tại và định mệnh của nhân vật người kể chuyện cũng là nhân vật chính trong tác phẩm. Một sự tồn tại đầy thống khổ của kiếp nhân sinh, chập chùng ảo giác trong làn khói thuốc phiện, và vô cùng đối nghịch với thế giới bên ngoài.

Chân dung của nhân vật người kể chuyện – một họa sĩ vẽ trang trí hộp bút – được phác họa là một con người cô độc và xa cách với phần còn lại của đời sống. Câu chuyện mà chúng ta được đọc, là một câu chuyện bi kịch, được viết riêng cho “cái bóng” của nhân vật, trong một căn phòng tăm tối, tách biệt khỏi thế giới như một nấm mồ. Nhưng bi kịch của đời sống anh ta còn là bi kịch của kẻ lạc lối ngay trong chính sự tồn tại và thấu cảm bản thân mình. Sự tồn tại của nhân vật cũng như của câu chuyện, chỉ là vì: “Giờ đây, nếu tôi có quyết định viết ra chỉ là để tiết lộ bản thân với cái bóng của mình, cái bóng ấy vào lúc này đây đang vươn ngang bức tường trong tư thế của một kẻ ngấu nghiến từng lời tôi viết với sự khoái khẩu vô độ” (tr.11). Viết khi ấy là một cách để nhân vật giải tỏa nhưng tưởng như cũng là cách anh ta tự bòn rút và làm cạn kiệt tinh thần.

Nhân vật tôi trong câu chuyện là một hình tượng nhân vật cô đơn và xa lạ với thế giới. “Trong đời mình, tôi đã phát hiện ra một vực thẳm đáng sợ nằm giữa tôi và người khác và nhận ra rằng cách tốt nhất là giữ câm lặng và cất giữ những ý nghĩ cho riêng mình chừng nào còn có thể” (tr.10). Đó là sự tự tách rời, sự cách ly ra khỏi thế giới bình thường. Lần theo sự thuật lại của nhân vật, người đọc nhận ra sự xa cách của nhân vật với con người và đời sống, kể cả với những người được xem là thân thuộc trong gia đình. Điển hình là sự xa cách và bất lực của anh ta với người vợ của mình. Người vợ từ sau đám cưới không bao giờ cho anh ta chạm vào người nhưng lại có nhiều tình nhân, và rồi chuẩn bị cho một đứa trẻ sắp ra đời. Nhân vật tôi cố gắng tìm lại hình bóng người vợ của mình nhưng càng tìm kiếm lại càng trở nên kiệt quệ và điên loạn.

Viết một câu chuyện hay là thuật lại những gì đã từng trải qua là một cách để nhân vật tôi tự nhìn lại và lý giải chính sự tồn tại của mình. Sự viết ra ấy cũng như là sự tự thú của một con người xa lạ với sự hiện hữu của chính mình: “Nỗi sợ của tôi là ngày mai tôi chết mà vẫn chưa biết được chính mình” (tr.10). Nhân vật tôi không được biết về người cha và người mẹ đã sinh ra mình, và anh ta cũng lại bất lực khi không thể hiểu được người vợ vốn đã cùng lớn lên từ tuổi nhỏ. Tất cả mọi sức lực tinh thần và thể chất còn lại khi bị bỏ rơi lạc lõng giữa cuộc đời được nhân vật dành để tìm thấy lại chính bản thân mình. “Kể từ khi tôi đoạn tuyệt với những mối quan hệ cuối cùng còn lại với người đời, khao khát duy nhất của tôi chỉ là để hiểu hơn về chính mình” (tr.11). Khao khát ấy được thể hiện bằng những bước đi lẫn lộn giữa mơ và thực qua những con đường của thành phố, qua những ngõ ngách của tâm hồn và qua ngòi bút.

Mong muốn được tìm thấy và phơi bày bản ngã của mình, khiến cho nhân vật tôi không còn bận tâm tới tội sát nhân, không bận tâm tới việc sẽ bị phát hiện và bắt giữ. Tuy nhiên, với mọi nỗ lực truy tìm ấy, lão già gù lưng bí ẩn vẫn xuất hiện đánh cắp chiếc bình hoa xứ Rhages. Nhân vật còn lại một mình với trang phục rách rưới, lấm lem và dính đầy máu đông đặc cùng sức nặng của cái chết đè nặng lên ngực. Anh ta chìm trong nỗi vô tri tuyệt vọng về đời sống của chính bản thân mình. “Và đó là một kẻ xa lạ siêu thực” như nhận định của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu (tr.137).

2. Giữa hai thế giới

Câu chuyện của nhân vật tôi được Sadegh Hedayat kể lại bằng bút pháp siêu thực, diễn tiến theo logic phức tạp của tâm tưởng và hồi ức. Vì thế, người đọc cũng không thể tiếp nhận câu chuyện đó theo cách thức thông thường. Điều đáng lưu ý là sự tồn tại hay sự tự vấn của nhân vật luôn chông chênh giữa hai thế giới đối nghịch nhau, của hiện thực và phi thực, của tinh thần và thể xác, của đời sống và cái chết. Trong “trạng thái hôn mê giữa chết đi và sống lại, chẳng ngủ chẳng thức” (tr.10), nhân vật luôn rơi vào ký ức ảo giác không thể lý giải được của trạng thái tinh thần nhận thức ra điều gì đó đã từng biết, từng trải qua, từng quen thuộc trước một hoàn cảnh vừa mới xuất hiện. Những tri nhận mang tính linh cảm đó trùng phức lên nhau giữa các thế giới, nhưng bản thân nhân vật không hề có khả năng lý giải nó.

“Khi thức dậy trong một thế giới mới, tôi thấy mọi thứ ở đó đều hoàn toàn quen thuộc và gần gũi tới mức tôi cảm thấy thoải mái tự nhiên có thể nói còn hơn cả trong những cảnh tượng và kiếp trước của mình, và dường như đó chỉ là cái bóng phản chiếu kiếp sống đích thực của tôi.” (tr.53) Từ đây, nhân vật viết lại cảnh ngộ cuộc đời mình. Từ người mẹ vốn là một vũ nữ đền thờ ở Ấn Độ, đến cuộc thử thách trong căn phòng kín với con rắn hổ mang. Từ bà vú nuôi và cô em họ cùng nằm nôi, sau này trở thành người vợ quá quắt mà anh ta hoàn toàn không thể chinh phục được.

Theo diễn tiến của câu chuyện, người đọc có thể nhận thấy, nhân vật tôi đã luôn tồn tại lẫn lộn giữa quá khứ và hiện tại, giữa giấc mơ và hiện thực, giữa thực tại và ảo giác. Người kể chuyện giam mình trong căn phòng tối tăm như nấm mồ, hay đang lang thang trong thành phố tàn tạ, đang phiêu du trong những giấc mơ đen tối thì vẫn luôn chập chờn giữa hai thế giới đối nghịch nhau. Hai thế giới vừa khác biệt vừa trùng khớp với nhau đủ để con người rối loạn, chập chùng ảo giác và những tri nhận siêu thực về sự tồn tại.

Dấu chỉ để nhận thức cho những tồn tại hỗn độn đó là những hình ảnh lặp đi lặp lại gần như trở thành biểu tượng: cây trắc bá, những đóa triêu nhan, dòng suối... dù ở bất kỳ không gian, thời gian nào. Đó là một cảnh tượng được nhìn thấy một cách siêu thực khi nhân vật nhìn qua hốc tường gian phòng của mình vào một ngày thứ 13 của tháng Farvardin. Đó là cảnh tượng trên chiếc bình cổ xứ Rhages tráng men tím đào huyệt mộ. Đó là một thành phố xa lạ hiện lên trong giấc ngủ “hai bên đường phố nhà cửa lạ lùng có những hình dạng kỷ hà – hình lăng trụ, hình nón, lập phương – chúng có những cánh cửa sổ thấp, tối tăm và tường phủ đầy hoa triêu nhan” (tr.100).  Những hình ảnh đó, xuất phát từ một ký ức tuổi thơ vào một ngày thứ 13 của tháng Farvardin, khi lũ trẻ chơi cút bắt bên dòng suối và những cây trắc bá, cô em họ nhỏ bé mặc áo lụa đen bị trượt chân rơi xuống suối. Trong lịch Iran, tháng Farvardin là tháng đầu tiên của mùa xuân. Ngày thứ 13 của tháng này được xem là ngày mà đôi vợ chồng đầu tiên trong thần thoại Ba Tư đã kết hôn với nhau. Ngày thứ 13 cũng trở thành một dấu ấn trong tâm khảm nhân vật của trải nghiệm đầu tiên về vẻ đẹp của người nữ.

Việc xây dựng một thực tại hư cấu với những rối loạn mơ hồ và những ám ảnh lặp đi lặp lại trong tác phẩm Con cú mù của Sadegh Hedayat có màu sắc của chủ nghĩa hiện sinh và siêu thực của phương Tây những cũng trộn lẫn cả truyền thống bùa chú ma thuật thôi miên của phương Đông. Nhân vật đi xuyên qua những “giấc mơ” nối tiếp nhau không dứt, với những hình ảnh lặp đi lặp lại, những ấn tượng lặp đi lặp lại nhưng không thể lý giải hay nắm bắt một cách rành mạch được. Nó giống như khi người ta rơi từ cơn ác mộng này sang cơn ác mộng khác mà không thể tìm được lối ra. Hành động tri nhận và sáng tạo thế giới nghệ thuật của người cầm bút trong tác phẩm Con cú mù cũng được hình dung như vậy.

3. Trong mê cung ám ảnh

Nhân vật người kể chuyện tồn tại trong mê cung ám ảnh tưởng như vô tận với những mối tương giao vừa mong manh vừa sâu thẳm, nhiều tầng chồng chất lên nhau theo một logic điên cuồng của trí tưởng. Điều đáng chú ý và cũng có thể xem là mô hình xuyên suốt trong trong tác phẩm Con cú mù chính là các tam giác về những mối quan hệ ở các thực tại khác biệt.

Đó trước tiên là một tam giác mơ hồ nhưng đầy ràng buộc giữa tôi – nàng – ông lão hình thành trong tâm trí của nhân vật tôi vào một ngày thứ 13 của tháng Farvardin. “Một ông lão lưng còng đang ngồi xếp bằng dưới gốc cây trắc bá, và một thiếu nữ, ồ không một thiên nữ, đang đứng trước mặt ông. Nàng đang cúi mình tới để dâng lên ông một đóa triêu nhan màu thiên thanh. Ông đang cắn móng trỏ của tay trái” (tr.18). Hình ảnh này là một ảo giác không thể nắm bắt được của nhân vật kể chuyện, cũng có thể là một tưởng tượng trong tâm tư của anh ta. Từ đó, người đọc nhận ra ba chủ thể của hình tam giác này, đó là:

Tôi – người kể chuyện – kẻ cô độc với những mê man truy hồi cái đẹp và cơn đau nặng nề đè nén trong lồng ngực.

Nàng – một thiên nữ mặc áo đen vừa là hiện thân của thiên thần vừa là hiển hiện của ác quỷ.

Ông lão – lão già gù lưng, sứt môi, với giọng cười the thé, khô khốc.

Hình ảnh nàng thiên nữ cầm đóa hoa triêu nhan và một ông lão ngồi xếp bằng dưới gốc cây trắc bá cũng là đề tài lặp đi lặp lại mà nhân vật tôi vẽ trang trí cho những chiếc hộp đựng bút. Đó là một ám ảnh từ thực tại mà nhân vật đã trải nghiệm trong cuộc đời mình. Nhưng hình ảnh ấy cũng xuất hiện rất kỳ lạ và ngẫu nhiên trên chiếc bình cổ của xứ Rhages mà nhân vật đào được trong lòng đất khi đem chôn cất nàng thiên nữ đã chết. Cái tam giác mơ hồ và khốc liệt ấy xuất hiện chồng chéo lên nhau, thúc đẩy sự nhận thức của nhân vật về bản thân và về cái bóng của mình. Hơn thế nữa, có thể thấy rõ ý đồ xây dựng truyện kể của tác giả khi làm cho cái tam giác ấy được nhân lên nhiều lần như đồng quy về những quãng tồn tại khác của nhân vật.

Đó vẫn là tôi nhưng là trong mối quan hệ với người vợ quá quắt và ông lão bán đồ lặt vặt (hay là tình nhân của người vợ) trong một đời sống ở quá khứ.

Đó vẫn là tôi nhưng là trong mối quan hệ với người mẹ và người cha ở một hiện thực khác từng có trong hồi ức.

Những tam giác quan hệ ấy còn bị nhân lên thêm nhiều lần nữa, biến thành cái mê cung ám ảnh và biến ảo, khi hình ảnh người mẹ còn tái hiện ở người mẹ nuôi, ở bà vú; khi vai trò của người cha và người chú là không thể xác định được; khi hiện hữu của người vợ còn là ở đứa em vợ; và người vợ ở thực tại này còn là một ám ảnh về người mẹ ở một quá khứ khác. Người vợ cũng đồng thời là cô em họ, trong hôn nhân là một người lạnh lùng, nhưng trong quá khứ là một cô bé ngây thơ và trong sáng. Hay thực chất nàng thiên nữ áo đen kỳ lạ là hình ảnh quy nạp của tất cả những ám ảnh của nhân vật tôi về người nữ trong cuộc đời anh ta; tương tự như vậy, ông lão lưng còng là hình ảnh tương ứng về những người đàn ông có liên quan với nhân vật.

Dường như sự thiếu vắng và không xác định được hình ảnh người cha và người mẹ trong quá khứ ấu thơ của nhân vật tôi tạo nên sự khuyết thiếu trong chính bản ngã và tâm hồn anh ta. Vì vậy, anh ta luôn phải truy tìm lại bản ngã của mình qua những mối quan hệ mang tính đồng quy với người cha và người mẹ của mình.

Quan hệ với người mẹ hay một hình tượng nữ là một mối quan hệ nguyên thủy. Người mẹ chính là biểu tượng của sự khai sinh, sự ra đời. Nhưng đối với nhân vật, người nữ lại chính là biểu tượng của cái chết đầy bí ẩn. Ở nửa đầu cuốn sách, nhân vật tôi loay hoay tìm cách che giấu cái chết bất ngờ và không thể lý giải được của nàng thiên nữ mặc tấm áo đen. Đến kết cục của cuốn sách, người đọc nhận ra, anh ta đã vô tình giết người vợ của mình bằng một con dao (cùng với đó là một đứa bé không rõ lai lịch sẽ không được sinh ra). Cả hai cái chết đều xảy ra đột ngột và vật còn lại chính là con mắt ám ảnh của người đã chết. Người mẹ mà anh ta chỉ được nghe kể lại khi ra đi đã không để lại cho con trai bất kỳ thứ gì ngoài một bình rượu độc từ nọc rắn hổ mang. Chính là loài rắn độc làm anh ta mất đi người cha của mình. Việc gắn kết hình tượng người nữ với cái chết thể hiện cách nhìn đặc biệt của tác giả Sadegh Hedayat về đời sống. Cũng có thể cách thể hiện tính nữ ở góc độ của cái chết và tội lỗi là nguyên cớ cho sự cấm đoán mà Con cú mù gặp phải.

Người cha cũng là một ẩn số trong cuộc đời nhân vật tôi. Có thể người cha của nhân vật đã chết trong thử thách trong phòng kín với con rắn hổ mang. Cũng có thể người cha vẫn còn sống sót nhưng đã loạn thần và không thể nhận ra đứa con mình được nữa nên được ấn định đóng vai là người chú. Vì thế, trong đời sống của nhân vật tôi còn có một người chú, với mối quan hệ máu mủ vừa mờ nhạt vừa sâu xa. Là căn nguyên của nỗi đau và những ám ảnh mất mát trong cuộc đời của nhân vật từ thuở ấu thơ. Còn câu trả lời đích xác cho việc đó là người cha hay người chú thì không ai có thể biết được.

Nếu như sự khuyết thiếu tình cảm người mẹ được thay thế bằng tình thương của bà vú, rồi người vợ trên danh nghĩa thì sự thiếu vắng người cha được phản chiếu qua những mối đe dọa và không tương hợp. Những nhân vật nam luôn già nua, khô khốc và bí ẩn, bí ẩn như người cha/người chú đã từng đối diện với cái chết khủng khiếp. Những nhân vật nam kỳ lạ và bí ẩn như vậy luôn xuất hiện như nỗi ám ảnh của nhân vật chính. Nó như sự hoài nghi của nhân vật tôi về sự tồn tại và ý nghĩa cuộc sống của mình. Cho đến nỗ lực cuối cùng của anh ta là thay thế kẻ tình nhân của vợ để có thể tiếp cận cô ấy, anh ta dường như đã đạt đến và trải nghiệm trạng thái của người cha khi đối diện với con rắn hổ mang. Nhân vật tôi bật lên tiếng cười the thé và khô khốc, khiến người ta dựng tóc gáy. Nhân vật trải qua một sự hóa thân hay sự hoán đổi bản thể “tôi đã trở thành lão già bán đồ vặt. Tóc, râu tôi hoàn toàn bạc trắng, giống như râu tóc của người sống sót ra khỏi căn phòng bị nhốt kín cùng với con rắn hổ mang. Môi tôi, như môi của lão già, bị toạc ra, mí mắt thiếu lông mi, và một mảng lông trắng ló ra ngoài ngực, và một linh hồn mới đã nhập vào xác tôi. Tinh thần tôi đã thay đổi, những giác quan của tôi đã thay đổi. Một con quỷ đã thức dậy trong tôi và tôi không thể trốn thoát khỏi nó.” (tr.131)

Những tam giác mơ hồ trong mê cung ám ảnh ấy bị đứt gãy bằng những cái chết và những cơn điên loạn. Dấu chỉ cho những nhân vật đồng quy ấy là tấm áo lụa đen, là con mắt của nhục thân đã chết, là tiếng cười the thé, là ngón trỏ tay trái, là mái tóc bạc trắng và vẻ già nua của người phải trải qua một điều vô cùng kinh khủng. Khi đưa mình qua những cuộc tìm kiếm như ác mộng, nhân vật tôi bỗng nhận ra mình biến thành chính kẻ ám ảnh và đe dọa sự tồn tại của mình trong đời sống khi trải qua kinh nghiệm đáng sợ là tội sát nhân. Thức tỉnh khỏi cơn ác mộng, trở về với căn phòng tối tăm như nấm mồ “và tôi cảm thấy sức nặng của cái xác chết người đàn bà đè lên ngực mình…” (tr.134).

*

*      *

Con cú được hiểu là một hình ảnh mang tính biểu tượng của văn hóa vùng Trung Cận Đông. “Văn hóa truyền thống Ả rập – Ba Tư hình dung con cú là loài chim đơn độc, mang điềm gở cho loài người, sống trong hoang tàn và bóng tối. Khi chết, người ta nhìn thấy chính mình hóa thân thành một con cú, đậu trên nấm mồ của mình mà khóc than nhục thân đã mất.” (Nhật Chiêu) (tr.136). Ám ảnh tăm tối về đời sống về sự tồn tại và bản thể cũng như sự tách biệt cô độc với thế gian đã khiến cho nhân vật tôi phải đối diện với cái bóng của chính mình, tự thú với nó bằng ngòi bút. Cái bóng có hình ảnh như một con cú với cái nhìn ám tối và tuyệt vọng khiến người đọc ám ảnh. Con cú mù là một tác phẩm đặc biệt trong bối cảnh văn học Iran thời hiện đại. Thành công của tác phẩm không chỉ là sử dụng lại một biểu tượng đã có, mà chính là sự thành công của bút pháp siêu thực tạo nên một dấu ấn đặc biệt trong văn học Iran hiện đại. Như nhà văn Breton đã nhận xét “Nếu có một điều như là kiệt tác, thì Con cú mù chính là nó đấy” (dẫn theo Nhật Chiêu, tr.137).

_____________

Tài liệu tham khảo

1. Yasamine C. Coulter, (2000),  A Comparative Post-Colonial Approach to Hedayat’s The Blind Own, Contents of CLCWeb: Comparative Literature and Culture 2.3, http://docs.lib.purdue.edu/clcweb/vol2/iss3/, US

2. Sadegh Hedayat, (2012), Con cú mù (Hà Vũ Trọng dịch), Nxb Hội nhà văn

3. Nguyễn Vĩnh Nguyên, Tiết lộ với cái bóng, Sài Gòn tiếp thị Media, ngày 5.9.2012, http://sgtt.vn/Van-hoa/167908/Tiet-lo-voi-cai-bong.html 

 


[1] Các trích dẫn trong bài viết là từ bản dịch Việt ngữ Sadegh Hedayat (2012), Con cú mù (Hà Vũ Trọng dịch), Nxb Hội nhà văn

Thông tin truy cập

63659759
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3477
17595
63659759

Thành viên trực tuyến

Đang có 794 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website