Cuộc truy vấn về nhân sinh trong Bướm trắng của Nhất Linh và Thất lạc cõi người của Dazai Osamu

Bướm trắng được viết trong những năm 1938-1939, tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn Nhất Linh sáng tác trong giai đoạn Tự lực văn đoàn, là tác phẩm có vị trí đặc biệt trong nỗ lực cách tân tiểu thuyết của nhà văn. Thất lạc cõi người ra đời năm 1948, tiểu thuyết cuối cùng được hoàn thành trước khi nhà văn Dazai Osamu tự kết thúc cuộc đời mình. Điều đặc biệt là trong khoảng thời gian một thập kỷ ấy, văn học thế giới chứng kiến sự ra đời của hàng loạt các sáng tác văn học theo tinh thần hiện sinh chủ nghĩa của Jean Paul Sartre và Albert Camus. Đó là những tác phẩm thể hiện sự băn khoăn về tồn tại của con người, về những phi lý của nhân sinh, những ngộ nhận hay những bất khả tri trong đời sống. Dường như dẫu cách nhau rất xa về không gian địa lý, ngôn ngữ, văn hóa, các nhà văn và tác phẩm của họ luôn không ngừng bị thu hút vì câu hỏi lớn của văn chương mọi thời đại: Con người là gì giữa đời sống này?

Có thể bàn thêm về tựa đề của hai tác phẩm. Tiêu đề Bướm trắng và hình ảnh bướm trắng xuất hiện trong tác phẩm, tựa như bay qua những trải nghiệm, nhận thức và hóa thân trong cuộc đời nhân vật. Cánh bướm còn là một hình ảnh đã trở thành huyền thoại trong văn chương và triết học Đông Á qua tư tưởng của triết gia Trang Tử thời cổ đại. Thất lạc cõi người có tựa đề gốc là Nhân gian thất cách (人間失格; Ningen Shikkaku), nghĩa là mất đi tư cách làm người, cũng có thể hiểu là sự mất mát, thất lạc của con người giữa cõi người ta. Nhân vật Oba Yozo của Thất lạc cõi người cảm thấy mình không biết cách sống như những người bình thường và chìm đắm trong vòng bất tri đó. Còn Trương trong Bướm trắng nhận thức nỗi hữu hạn và cô độc của mình nên mãi trăn trở về sinh mệnh cũng như cách hành xử của mình với đời sống và con người.

1. Nhất Linh và Dazai Osamu – Cuộc gặp gỡ kỳ lạ

Như đã nói, trong một thập kỷ từ khi Nhất Linh sáng tác Bướm trắng và rồi Dazai Osamu viết Thất lạc cõi người, văn học hiện sinh ra đời, phát triển mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng sâu rộng ở châu Âu cũng như ở các khu vực khác. Buồn nôn của Jean-Paul Sartre đã ra đời vào năm 1938. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh đối với văn học Việt Nam trong khoảng thời gian Nhất Linh viết Bướm trắng là chưa rõ nét. Nếu không nói rằng, chủ nghĩa hiện sinh được giới thiệu ở Việt Nam khá muộn (vào thập niên 1960 ở miền Nam). Vì vậy, những trăn trở nhân sinh như sự bất khả tri, sự phi lý, cảm giác chán chường trong đời sống, lạc lõng trong xã hội (những vấn đề chủ đạo trong văn học hiện sinh) mà Nhất Linh thể hiện trong Bướm trắng chắc hẳn còn phải phát sinh từ một nguồn cội gần gũi và sâu xa hơn. Ở đây, chúng tôi cho rằng đó chính là truyền thống phương Đông, cụ thể hơn là tư tưởng của Trang Tử.

Trong bối cảnh Đông Á, bàn về ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh, nhà nghiên cứu văn học so sánh V.I.Braginskiĭ trong công trình Nghiên cứu so sánh văn học châu Á truyền thống: từ chủ nghĩa truyền thống đến chủ nghĩa tân truyền thống (The comparative study of traditional Asian literatures: from reflective traditionalism to neo-traditionalism) nhận định rằng, trong thời kỳ hậu chiến, cùng với quá trình hiện đại hóa văn học ở châu Á, là sự phát triển của chủ nghĩa Tân cổ điển. “Ở giai đoạn này, đặc trưng của chủ nghĩa tân cổ điển thường là sự tổng hợp những khái niệm truyền thống với các yếu tố mỹ học, triết học của phương Tây hiện đại, chủ yếu là chủ nghĩa hiện sinh – hầu như chắc chắn là trường phái triết học châu Âu “phương Đông nhất” – được so sánh hoặc ngay cả được đồng nhất với tư tưởng Veda, Phật giáo Thiền tông và Sufi của các nhà tư tưởng châu Á(1). Có thể nhận thấy dấu ấn mạnh mẽ của chủ nghĩa hiện sinh trong văn học Đông Á cũng xuất phát từ tính chất đặc thù của chính khuynh hướng triết học này, cái mà V.I.Braghiskii gọi là “trường phái triết học châu Âu “phương Đông nhất””.

Về biểu hiện của chủ nghĩa hiện sinh ở Nhật Bản, V.I.Braginskiĭ viết: “Vì vậy, chúng ta có thể chỉ ra những sự kết hợp đặc biệt về tư tưởng của chủ nghĩa hiện sinh và Thiền đạo trong tư tưởng Basho ở các tác phẩm hậu chiến của nhà thơ Nhật Bản Murano Shiro và Takahashi Shinkichi: Nhà thơ thứ nhất bắt đầu như một người theo khuynh hướng tân kiến tạo (neo-constructivist), người thứ hai thì theo chủ nghĩa Dada. Gần như cùng thời đại, vào năm 1947, là sự xuất hiện của vở kịch hiện sinh Nhật Bản đầu tiên, tác phẩm “Quả trứng của bầu trời” của tác giả Tanaka Chikao. Các nhà phê bình cũng tìm thấy những ảnh hưởng của tư tưởng J.-P.Sartre trong tiểu thuyết “Thất lạc cõi người” của Dazai Osamu, và ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh Cơ đốc giáo ở một số tác phẩm của Shiin Rinzo(2). (tr.291)

Ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh trong Thất lạc cõi người là điều có thể nhận ra được. Tuy nhiên, tác phẩm này còn ra đời từ bối cảnh đau thương của Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ hai, với những nội dung được hư cấu từ chính cuộc đời của tác giả Dazai Osamu. Dazai Osamu đã liên tục sáng tác những tác phẩm thuộc thể loại tư tiểu thuyết (shishosetsu hay watakushi shosetsu), một thể loại văn học của văn học hiện đại Nhật Bản. Và Thất lạc cõi người với tính chất tự thuật, tự họa, tự trào đã thể hiện cái nhìn chân thực của tác giả đối với cuộc đời và trở thành thành công cao nhất, tiêu biểu nhất cho phong cách của nhà văn trong cuộc thể nghiệm văn chương.

Tác giả của Bướm trắng, nhà văn Nhất Linh (1905-1963) là cây bút sáng lập Tự lực văn đoàn, là chủ bút của những tờ báo lớn của Việt Nam đầu thế kỷ XX như Phong Hóa, Ngày nay. Ông đồng thời còn là một họa sĩ (với bút hiệu là Đông Sơn) và là một chính trị gia tên tuổi. Trong khi ấy, Dazai Osamu (1909-1948), là một nhà văn thuộc vô lại phái (buraiha, còn gọi là tân hí tác phái, shingesaku), là một họa sĩ và cũng đeo đuổi con đường chính trị tuy không đạt được điều gì đáng kể. Với những sáng tác đặc biệt theo thể loại tư tiểu thuyết, Dazai Osamu trở thành một tác gia văn học Nhật Bản tiêu biểu cho thời kỳ hậu chiến tranh thế giới thứ hai.

Điều kỳ lạ khi đặt Nhất Linh và Dazai Osamu bên cạnh nhau, chúng ta có thể nhận thấy rằng cả hai nhà văn đều là những người hoạt động trên các lĩnh vực gồm văn học, hội họa và chính trị. Trong bối cảnh văn chương Đông Á nửa đầu thế kỷ XX, Nhất Linh của Việt Nam và Dazai Osamu của Nhật Bản đều là những tên tuổi lớn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của văn học. Họ cũng là những nhà văn có ý thức rõ rệt về cái tôi và sự thể hiện cái tôi trong sáng tác của mình. Nhân vật của Nhất Linh và đặc biệt là của Dasai Osamu có khuynh hướng thể hiện yếu tố tự truyện và tính lý tưởng của chính tác giả. Vì thế, sáng tác là một cách để hai nhà văn hoàn thành sự tồn tại của mình trong cuộc nhân sinh này; và kỳ lạ hơn họ đã làm giống như nhau, tự chọn lấy cái kết thúc cho mình bằng cách tự tử (dù với những nguyên nhân khác nhau).

Dẫu có nhiều khác biệt về quốc gia, dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa, với Bướm trắngThất lạc cõi người, Nhất Linh và Dazai Osamu đã tạo nên một cuộc gặp gỡ đặc biệt của văn chương Đông Á. Hai tác phẩm thuộc về hai đất nước khác nhau lại đã có nhiều điểm tương đồng trong hành trình truy vấn về bí ẩn của nhân sinh, ý nghĩa của sống chết mà Trang Tử đã đi khi xưa. Để người đọc chợt đặt câu hỏi rằng, phải chăng cho đến khi tự chọn cách kết thúc cho cuộc đời mình, hai nhà văn Nhất Linh và Dazai Osamu đã tìm được câu trả lời cho chính mình.

2. Những hóa thân và bi kịch về thân phận

Trước nhất phải khẳng định rằng, qua Bướm trắngThất lạc cõi người, Nhất Linh và Dazai Osamu không chỉ miêu tả những người trẻ tuổi lạc lối giữa cuộc đời, tìm đến lối sống trụy lạc, sa đọa, sống một đời vô nghĩa lý, bi quan và đáng khinh như cách đơn thuần có thể hời hợt phê phán. Mà trên hết, bằng những trang văn sống động và sâu sắc, giọng điệu tự nhiên, thẳng thắn, chân thành pha chất trào tiếu chua cay các tác giả đã thể hiện được bi kịch của những con người mãi trăn trở, ưu tư về đời sống và thân phận.

Trương trong Bướm trắng cũng như Oba Yozo của Thất lạc cõi người đều trải qua những vai diễn, những hóa thân khác nhau trong cuộc truy vấn về nhân sinh của họ. Qua từng vai diễn họ tự vấn về sự tồn tại của chính mình trong mối quan hệ với xã hội cũng như chọn lựa cách đối diện với cuộc đời. Cánh bướm trắng của Nhất Linh đã đưa Trương qua các vai bệnh nhân bệnh nan y, vai tình nhân, vai tội phạm và vai một người cao thượng hy sinh ở cuối truyện. Trong khi đó, giữa cõi người mênh mang, Oba Yozo của Dazai Osamu đã luân lạc qua các thân phận thằng hề rồi người điên, phế nhân và cuối cùng là một thiên thần đau thương trong tâm thức những người còn lại. Những cuộc hóa thân ấy là hành trình để nhân vật trải nghiệm với những phi lý và bất khả tri trong đời sống, đối mặt với người đời và đối mặt với con người nội tại của mình.

Trương – nhân vật chính của Bướm trắng – xuất hiện như một người đang tình nghi mắc bệnh lao (một căn bệnh nan y đương thời), sức khỏe sa sút và phải tạm dừng việc học để tịnh dưỡng, tuy rằng việc tịnh dưỡng ấy có vẻ như chẳng có bất kỳ nỗ lực nào để thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tình cảnh “cảm thấy nỗi hiu quạnh của cuộc đời cô độc mà chàng sống đã mấy năm nay” (tr.12) (3) và những hoài nghi về khả năng mắc bệnh và khỏi bệnh của Trương được tô đậm hơn bằng cái chết vì bệnh lao của Liên, người yêu của anh, và đám ma của một gia đình người quen, mà ở đó anh gặp Thu. Trong cuộc gặp gỡ tình cờ (của định mệnh) ấy, “Trương nhận ra rằng từ trước đến giờ chàng đã sống như một người đi tìm tình yêu mà ngày hôm nay là ngày chàng đã tìm thấy” (tr.19).

Sự nhận ra mình trong đời sống đã tác động đến tâm lý của Trương, khiến nhân vật bận tâm và muốn biết nhiều hơn về sự tồn tại của mình. Cùng với việc tin rằng mình đã yêu nên tìm cách tiếp cận với Thu nhiều hơn, Trương đến gặp bác sĩ để mong muốn biết được khả năng “sống” của mình là như thế nào. Bằng một chút mánh khóe rất tỉnh táo, Trương nhận lấy lời phán quyết cho chính mình rằng anh chỉ còn có thể sống một năm nữa – không chỉ vì bệnh phổi mà còn vì bệnh tim. Đối với chàng, đó là án tử hình đợi sẵn – trong khi, chính chàng còn có điều muốn làm, đó là yêu và được yêu. Đây là lúc Trương nhận lấy vai diễn bệnh nhân nan y của mình. “Ngày 21 tháng 2. Hôm nay mình chết” (tr.34).

Nếu như Trương đảm nhận vai diễn bệnh nhân nan y đầy bất ngờ và thụ động như một biến cố của cuộc đời, thì Oba Yozo đã tự nhận lấy và đảm đương vai diễn thằng hề như “sợi dây mong manh” để gắn kết và có thể tồn tại với đời. Cuộc đời đầy rẫy giả tạo và phi lý không thể hiểu nổi, ngay cả khi ta đang ở giữa những gì đáng ra là thân thuộc như gia đình, trường học, bạn bè. Từ lúc là một đứa trẻ con sinh ra trong một gia đình sung túc và được yêu thương, Oba Yozo đã là một tồn tại người kỳ quái luôn nhìn cuộc đời bằng cái nhìn xa lạ xuất phát từ nỗi sợ hãi sâu thẳm đối với đời sống nặng nề thống khổ. Một đứa trẻ “không chút nào tự tin về hành vi cử chỉ của mình với tư cách là một con người”, “tự chôn giấu nỗi đau khổ của mình” (tr.21) (4) để diễn cho tròn vai một chú hề tài ba.

Thằng hề Oba Yozo hay làm những trò khôi hài để chọc cười mọi người, từ những người thân trong gia đình, đến bạn bè và thầy giáo với mong muốn người khác không nhận ra con người thật và nỗi sợ hãi trong chính mình. Sớm nhận ra những phi lý, giả tạo trong cách con người đang sống, cách họ hành xử với nhau, Oba Yozo đặt câu hỏi rằng nên nói lên sự thật hay nên lừa gạt – nghĩa là nên sống thật hay sống theo những khuôn khổ và cách thế mà xã hội đã quy định.

Từ lúc là một đứa trẻ con Oba Yozo đã cảm nhận rằng mình không hiểu được con người, kèm theo đó là lòng bất tín và hoài nghi các chuẩn mực đạo đức và hành xử. Nó cảm thấy rằng vì nó không được dạy làm thế nào để dẫu có không chân thật vẫn có thế tự tin mà sống. Bởi vậy nó sợ hãi và muốn tan nhòa mình để không ai nhận ra nó nữa. Nhận thấy mình “quá khác biệt với loài người” là bi kịch của con người Oba Yozo, kẻ diễn vai hề và nhìn thấy thân phận mình “Tôi đã sống một cuộc đời đầy hổ thẹn” (tr.15).

Khi Trương và Oba Yozo nhận lấy vai diễn của mình họ giống như nhau, phải gánh chịu nỗi buồn đau cô độc giữa đời sống. Đó là nỗi đau của sự tự ý thức về kiếp người nhỏ bé và tồn tại hữu hạn của bản thân. Họ đã có những băn khoăn, trăn trở về thân phận của mình. Trong tâm hồn của Trương và Oba Yozo là ý thức rằng mình không có khả năng sống như những con người bình thường, làm những gì một con người bình thường có thể làm, họ không hiểu được người khác và cũng cảm nhận rằng chẳng có ai đến được tới đáy sâu tâm hồn của họ. Đó là sự bất lực khi biết chắc không còn có thể thay đổi được nữa.

3. Lựa chọn nổi loạn và hành trình tự hủy

Trương đến gặp bác sĩ vặn vẹo ra vẻ chắc chắn lắm về cái chết sắp đến của chính mình, không phải vì chàng tin mình sẽ chết mà là vì chàng đang khao khát được sống, sống để yêu mối tình lý tưởng của mình. Nhưng sự phi lý đã đến với chàng – điều phi lý mà đến cuối tác phẩm, người đọc biết được rằng Trương đã không được chẩn bệnh đúng. Nhầm lẫn này của bác sĩ kém chuyên môn là một biến cố vô tình nhưng kỳ lạ là nó vẫn có thể xảy ra trong đời sống. Và thế là, đối diện với cái chết được báo trước, Trương quả quyết “chàng sẽ nếm đủ khoái lạc ở đời, chàng sẽ sống đến cực điểm, sống cho hết để không còn ao ước gì nữa, sống cho chán chường” (tr.38).

Tuy nhiên, phải chăng Trương đã hành xử theo cách của một kẻ tầm thường, kém cõi, thiếu ý chí khi biết rằng mình không còn bao nhiêu thời gian để sống nên phải sống gấp, sống vội trong khi còn kịp hay là “người liều muốn chơi cho chóng chết”? Điều này có lẽ không đơn giản chỉ là như vậy. Mà ở đây, chúng ta có thể cảm nhận được trong sâu xa lựa chọn của Trương là một sự nổi loạn, giải phóng bản ngã, để “nhẹ nhàng trong một sự tự do không bờ bến”.

Trương đã tiếp cận, quan sát, cảm nhận và tìm cách chinh phục Thu, người con gái chàng cho là đẹp, trong sáng và cao quý. Trương lại đến những chốn ăn chơi trụy lạc, thuốc phiện, nhà xăm, trường đua ngựa đến mức tiêu tán hết cả gia sản do bố mẹ để lại (trừ một phần đất chàng đã để lại cho Nhan). Đến khi hết tiền, Trương chấp nhận đi làm một công việc nhàm chán ở Hải Phòng nhưng lại biển thủ tiền công quỹ để chỉ tiêu xài hoang phí. Bản thân Trương cũng chính là một sự phi lý, khi nhân vật luôn mâu thuẫn trong những đấu tranh tâm lý của mình và sống giữa các thái cực hành xử đối lập nhau, giằng xé giữa cao thượng và thấp hèn, rộng lượng và vị kỷ, chân thành và giả dối, đúng đắn và lỗi lầm, tin tưởng và chán chường, muốn sống và không muốn sống.

Những trăn trở và mâu thuẫn phức tạp bên trong nhân vật Trương, cũng như những hành xử của việc phạm tội, thú tội phần nào có hơi hướng của F.M.Dostoievsky trong Tội ác và trừng phạt. Như Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên đã nhận định rằng: “Người ta tưởng thấy rõ ảnh hưởng của Dostoievsky, của Gide khi đọc những đoạn nhân vật Trương xem xét cái thiện cái ác dưới con mắt hòa đồng hay cúi xuống thăm dò cái hố sâu tội lỗi trong tâm hồn mình” (5) (Phạm Thế Ngũ). Cũng chính những mẫu thuẫn tâm lý phức tạp của nhân vật trong Bướm trắng chứng tỏ cho thành công của Nhất Linh trong một cuộc khai phá mới trên địa hạt tiểu thuyết.

Đối với Trương, dẫu đóng vai tình nhân thì tình yêu không phải là cứu cánh. Cho dù chính Thu muốn làm điều cao quý là cứu vớt cuộc đời sa đọa của Trương bằng tình yêu chân thật của mình. Vì muốn yêu Thu, Trương muốn đi tìm đáp án chính xác cho căn bệnh của mình. Vì yêu Thu chàng luôn tỏ ra mình là người cao thượng, lịch thiệp. Nhưng cũng trong tình yêu ấy, “chàng thấy đau khổ có cái cảm tưởng mình đã là người của một thế giới khác cách biệt và Thu như đứng bên kia đường nhìn sang, mấp máy môi thầm gọi chàng một cách tuyệt vọng” (tr.136). Cái cảm giác như kẻ xa lạ đứng bên lề đời sống mà không thể bước vào.

Tình yêu với Thu là điều gì đó trong sáng và đáng hy vọng trong cuộc đời bệ rạc của Trương. Nhưng cũng tự Trương ý thức được sự thảm hại của mình, khi đã trải qua hết những ngày tháng trụy lạc, ở tù, tay trắng, Trương có cái ý nghĩ “quá sợ phải khó chịu vì người ta không yêu mình nữa nên mình phải liệu không yêu người ta ngay từ đầu” (tr.208). Và Trương rời bỏ Thu, từ bỏ cả ý định làm một kẻ đốn mạt, xấu xa với Thu. Đó cũng là đau khổ.

Suốt cái hành trình ăn chơi sa đọa và trụy lạc, yêu đương và rủ bỏ, biển thủ công quỹ và tù tội của Trương, tác giả Bướm trắng không nói rằng Trương đã sung sướng trong những cuộc vui trác táng, đã thỏa thuê tận hưởng cuộc sống, và nhân vật cũng không tìm thấy được hạnh phúc và niềm tin trong đời sống của mình. Nhìn lại quá trình của chàng thanh niên tên Trương ấy, nổi lên rõ nét là sự chán chường, tự đày đọa bản thân hơn là sự hưởng thụ. Trương tự tàn phá mình, đày đọa mình cả về thể xác lẫn tinh thần, nửa như muốn đẩy nhanh hơn đến kết cục cuối cùng, nửa lại như muốn níu kéo, trải nghiệm tận cùng cuộc sống nhân gian. Đây chính là điểm tương đồng rõ nét giữa Trương và Oba Yozo của Thất lạc cõi người.

Đứa trẻ Oba Yozo tinh ranh chuyên đóng vai hề tiếp tục diễn cuộc đời mình trong những năm tháng tiếp theo của nó trong cõi người. Nhưng nó không an tâm dưới cái mặt nạ của chú hề mà cứ lo sợ bị bất chợt phát hiện ra con người bản thân luôn giấu giếm. Oba Yozo vẫn nuôi dưỡng trong lòng nỗi chán ngán đối với mọi thứ xảy ra quanh mình nên lơ là chuyện học hành vốn phải làm theo ý người cha. Tuy có nguyên cớ khác Trương, Oba Yozo cũng bị viêm phổi (vì sống ở ký túc xá) rồi biết đến rượu bia, thuốc lá, đĩ điếm, tiệm cầm đồ… thông qua một người bạn tên là Horiki ở trường mỹ thuật tư thục. Và cuộc đời Oba Yozo là hành trình dài trên con đường dài tự đày đọa và tự hủy.

Hành trình tự hủy của Oba Yozo là mãnh liệt hơn rất nhiều lần nếu so sánh với Trương trong Bướm trắng. Cùng trong đời sống trụy lạc, hoang phí và bế tắc, nếu Trương chỉ thoáng nghĩ đến việc tự tử, buộc miệng hỏi cô gái làng chơi có cùng tự tử hay không và cho rằng “nhất định tự tử không phải là hèn nhát” (tr.128), rồi hành động rõ nét nhất chỉ là Trương đã đi mua một con dao với dự định giết Thu và chết cùng với cô, thì Oba Yozo đã tự tử trong tác phẩm bằng cách trầm mình xuống biển và uống thuốc ngủ (cũng như tác giả Dazai Osamu thực sự đã tự tử ngoài đời).

Lần tự tử đầu tiên của Oba Yozo là khi dậy lên trong lòng nỗi thương cảm với Tsuneko. “Nàng đã quá mệt mỏi với con người, tôi cứ nghĩ đến nỗi sợ con người, sự phiền toái của thế gian, tiền bạc, hoạt động tổ chức, gái gú và trường học là không còn thiết tha gì cuộc sống nữa…” (tr.72). Cảm thấy nỗi nhục nhã vì thân phận mình, Oba Yozo cùng với Tsuneko trầm mình xuống biển, hành động tự hủy mình mà “nghe như là ‘đi chơi’ vậy”. Dẫu không chết, biến cố này càng đẩy cuộc đời Oba Yozo xa khỏi nhân gian và sự thấu cảm của con người. Người yêu thương duy nhất không còn nữa, bị gia đình xa lánh và ghẻ lạnh, trở thành một kẻ tù nhân rồi sống lay lắt nương nhờ vào kẻ khác.

Trải qua nhiều biến cố của đời sống, Oba Yozo gượng đứng lên, làm việc, sáng tác truyện tranh để có thể nuôi sống mình. Nhưng lăn lóc từ chỗ trú này sang mái nhà khác, bước vào cuộc sống của những người phụ nữ khác nhau, Oba Yozo vẫn không tìm ra được ý nghĩa của sự tồn tại của mình là gì, là chính mình hay là thế gian đã từ chối và rũ bỏ?

Thế gian sẽ chẳng dung tình đâu.

Chẳng phải thế gian. Chính là mi không tha thứ ấy chứ…

Bây giờ thế gian đã chối bỏ mi.

Chẳng phải thế gian. Là mi chối bỏ đấy” (tr. 101)

Oba Yozo đã quyết “một lần phân tranh thắng bại”, kết hôn với Yoshiko trong sáng để sống đời sống bình dị, nhiều yêu thương và đã tưởng như “vui sướng nhìn cách cư xử của nàng tôi dần dần thấy mình có vẻ ra dáng con người, tự hỏi có lẽ mình không cần phải chết bi thảm nữa chăng?” (tr.116).

Nhưng cuộc đời vốn đầy rẫy những phi lý. Cái phi lý đã xảy ra với cô gái ngây thơ, trong sáng và không hề biết nghi ngờ là gì. Cuộc đời Oba Yozo, tưởng như đã có thể sống trong gia đình êm ấm với Yoshiko thì lại có những biến cố khác xảy ra. Oba Yozo rơi vào bi kịch đổ vỡ đến cùng kiệt “dần mất hết sự tự tin, nghi ngờ toàn thể con người, những hy vọng vào cuộc đời, cũng như niềm vui và sự thông cảm tiêu tan hết cả” (tr.126). Sự tan vỡ, băng hoại trong tâm hồn vốn đã chất chứa nhiều đau thương, khiến cho Oba Yozo lại nghĩ đến việc tự kết liễu chính mình: “Tôi muốn chết, càng ngày càng muốn chết. Không thể nào quay trở lại được nữa. Cho dù có làm gì và làm cách nào đi nữa thì cũng vô dụng mà thôi.” (tr.140)

4. Nỗi đau “bất khả tương giao”

Bi kịch của Oba Yozo là bi kịch của kẻ thấy mình xa lạ với nhân gian, càng lúc càng xa cách hơn mà không có cách nào quay về được nữa. Cánh bướm trắng chập chờn trong tâm hồn Trương như hoài vọng xa vời về một đời sống khác thì bức chân dung “ác ma” tự họa của Oba Yozo chính là khát khao được đối diện với thế gian bằng khuôn mặt đích thực của mình. Nhưng dẫu sinh ra đời trong một gia đình đông đảo, đóng vai hề để trở thành một đứa trẻ nổi bật, được nhiều người yêu thương và chăm sóc, trải qua rất nhiều mối tình thì Oba Yozo vẫn từng ngày nếm trải nỗi đau “bất khả tương giao” với người khác.

Người duy nhất Oba Yozo cảm thấy mình yêu là Tsuneko thì đã chết. Sống với người phụ nữ đã cưu mang mình là Shizuko, được con gái Shigeko của nàng gọi là cha, thì đến lúc Oba Yozo nhận ra rằng mình không thể nào xen vào được hạnh phúc của hai mẹ con họ. Đứa bé gái Shigeko đáng yêu cũng là “tha nhân” đối với chàng. Gã bạn Horiki, kẻ dắt chàng vào đời sống sa đọa và phóng đãng cũng chỉ là một kẻ thấp hèn, dửng dưng khi túi tiền đã cạn, trơ tráo khi chứng kiến bi kịch của bạn.

Trương trong Bướm trắng phần nào cũng chịu đựng cái bi kịch “bất khả tương giao” trong đời sống của mình. Bạn bè hay người yêu đối với Trương chỉ là những quan hệ tầm thường, bám víu vào túi tiền của anh, còn tiền thì còn bạn, còn yêu, hết tiền thì tình cảm cũng không còn. Có phải vì thế mà Trương đi đến hành động thụt kẹt. Người yêu trước kia của chàng đã chết vì căn bệnh chàng đang mang. Tình yêu lý tưởng tôn sùng mà Trương dành cho Thu cũng có gì đó là ngộ nhận. Cả Thu và Trương đều kiêu hãnh nên không thể đến được với nhau bằng sự đồng điệu và hòa hợp. Cũng như khi Trương gặp Mùi, cô gái điếm khốn khổ, Trương ra tay giúp đỡ tiền bạc cho cô, lại thú tội với cô như sám hối thì đó cũng không phải là cuộc gặp gỡ của hai tâm hồn.

Đến kết cục của tác phẩm, Trương đóng vai một kẻ ra đi cao thượng và trở về quê. Nhưng Nhan với mối tình thầm lặng của cô đối với chàng gần như cũng là một sự ngưỡng mộ hơn là tình yêu. Và Trương khi từ bỏ Thu để trở về quê, phải đâu là đã tìm được một chốn dừng chân cho con đường nhiều trắc trở của mình. Bởi Trương cũng lờ mờ nhận ra sự lệch lạc giữa mình và Nhan trong tâm hồn. Còn Oba Yozo, từ một kẻ điên rồi trở thành một phế nhân, sống trong mái nhà tranh ven bờ biển, không phải với Yoshiko tội nghiệp mà với một “bà giá xấu xí, tóc tai đỏ quạch”, xa rời xã hội, chịu đựng những lệch lạc của cuộc sống, cảm thấy “bây giờ không hạnh phúc cũng chẳng bất hạnh” (tr.145). Điều cuối cùng Oba Yozo nhận ra, như chân lý trong cuộc sống mà mình nếm trải là “Tất cả rồi sẽ trôi qua” (tr.145). “Trôi qua” như giấc mộng của một thiên thần lưu lạc xuống nhân gian ngắn ngủi.

5. Sự tự ý thức của nhà văn

Dựa theo cách sống của nhân vật mà phán xét bằng đôi mắt luân lý thông thường, có thể dễ dàng quy kết rằng các nhân vật và cách thế ứng xử trong Bướm trắngThất lạc cõi người là không đúng đắn, không tích cực và các tác giả của nó đã cổ vũ cho một lối sống sa đọa, trụy lạc, tầm thường. Nhưng văn học và nghệ thuật có những quy luật riêng. Vì vậy, không thể phán xét một tác phẩm văn học hay một nhân vật văn học bằng ánh mắt của một quan tòa hay ánh mắt của người giữ gìn đạo lý. Trong cuốn sách Viết và đọc tiểu thuyết, viết xong năm 1960. Nhất Linh cho rằng đối với sáng tác văn học: “Sự lầm lỗi thứ sáu là cho tiểu thuyết gia là một người nghĩ cách giải quyết một vấn đề” và “Sự lầm lỗi thứ bảy là viết tiểu thuyết để ‘làm luân lý’(6). Quan niệm này của Nhất Linh có thể dùng để lý giải cho việc tại sao nhà văn để cho nhân vật lầm đường lạc lối và phạm những sai lầm.

Cũng trong Viết và đọc tiểu thuyết, Nhất Linh đã có những quan niệm rất tích cực và tiến bộ về vai trò của nhà văn: “Điều thứ bảy là sự thành thực của tác giả. Các nhà văn đã có cái can đảm ‘mình dám là mình’ dám viết ra tất cả những ý nghĩ thầm kín dẫu những ý nghĩ ấy xấu xa đi nữa(7). Nếu nhìn lại các tác phẩm của Nhất Linh, phần nào người đọc có thể nhận ra bóng dáng phảng phất của Nhất Linh qua các nhân vật của ông (Dũng trong Đôi bạn, Trương trong Bướm trắng). Trong khi đó, ở trường hợp Dazai Osamu, với đặc trưng của thể loại tư tiểu thuyết, cái tôi và chính cuộc đời của nhà văn trở thành chất liệu trong sáng tác. Cuộc đời của Oba Yozo không phải là hoàn toàn trùng khớp với cuộc đời của Dazai Osamu, nhưng nó đã được hư cấu dựa trên chính những kinh nghiệm trong đời sống của tác giả.

Dazai Osamu đã viết trong Tám cảnh sắc Tokyo: Tuy nhiên trong trường hợp này, cái trở thành nghệ thuật không phải là phong cảnh Tokyo mà là “tôi” ở trong phong cảnh đó. Như vậy nghệ thuật đã lừa tôi chăng? Hay tôi đã lừa nghệ thuật? Kết luận: Nghệ thuật chính là tôi.” (8). Với quan niệm, “Nghệ thuật chính là tôi”, Dazai Osamu thể hiện nhận thức rất chủ động về sự tồn tại của một nhà văn và hoạt động sáng tác của mình. Dùng chính cuộc đời của mình để sáng tác, sống với Dazai Osamu cũng là một cách thế để sáng tác nên một tác phẩm nghệ thuật. Thất lạc cõi người là nơi thể hiện và tự trào lộng cho cái tôi xuyên thấm giữa cuộc đời và nghệ thuật ấy của Dazai Osamu. Cũng từ đó, cuộc đời nhà văn trở thành như một huyền thoại thời hiện đại của văn học Nhật Bản.

*     *

*

Nhất Linh và Dazai Osamu như hai nhà văn tiên phong đã có những nỗ lực tích cực trong cách tân và phát triển văn học dân tộc về thủ pháp và phong cách sáng tác. Ở cuối một chặn đường sáng tác Bướm trắngThất lạc cõi người được ghi nhận như một thành tựu của hai cây bút đặc biệt này. Trong Bướm trắng của Nhất Linh có thể tìm thấy những tiếp nhận rõ nét về thủ pháp từ F.M.Dostoevsky hay trong Thất lạc cõi người có thể tìm thấy những ảnh hưởng từ J.-P.Sartre thì người đọc vẫn thấy hiển hiện trong hai tác phẩm này là những tâm hồn Đông phương rõ nét.

Những băn khoăn về đời sống hữu hạn vô thường vốn đã sinh ra từ nguồn cội xa xưa của tư tưởng phương Đông. Ở đây, những vấn đề về nhân sinh, sự xa lạ với nhân gian, cảm thức về hiện sinh hữu hạn của con người, sự phi lý và bất khả tri trong đời sống mà Nhất Linh và Dazai Osamu thể hiện trong tác phẩm, còn là sự phát triển thuộc về quy luật chung của văn chương thế giới, trong một giai đoạn đầy biến động nửa đầu thế kỷ XX.

Chú thích:

  1. ,(2) V.I.Braginskiĭ (2001), The comparative study of traditional Asian literatures: from reflective traditionalism to neo-traditionalism, Routledge Publish, tr.291

(3) Các trích dẫn từ tiểu thuyết Bướm trắng của Nhất Linh trong bài viết được trích từ Nhất Linh (1989), Bướm trắng, Nxb Tổng hợp An Giang

(4) Các trích dẫn từ tiểu thuyết Thất lạc cõi người của Dazai Osamu trong bài viết được trích từ Dazai Osamu – Hoàng Long dịch (2011), Thất lạc cõi người, Phương Nam book và Nxb Hội nhà văn, TPHCM

(5) Phạm Thế Ngũ (1965), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập III, Phạm Thế xuất bản, tr.463

(6), (7) Vương Trí Nhàn (sưu tầm, biên soạn) (1996), Khảo về tiểu thuyết, những ý kiến, quan niệm về tiểu thuyết trước 1945, Nxb Hội nhà văn, tr.355 và tr.372

(8) Dazai Osamu – Hoàng Long dịch (2011), Thất lạc cõi người, Phương Nam book và Nxb Hội nhà văn, TPHCM, tr.227

Thư mục tham khảo:

  1. V.I.Braginskiĭ (2001), The comparative study of traditional Asian literatures: from reflective traditionalism to neo-traditionalism, Routledge Publish, London
  2. Nhất Linh (1989), Bướm trắng, Nxb Tổng hợp An Giang
  3. Phyllis I.Lyons, Osamu Dazai (1985), The saga of Dazai Osamu: a critical study with translations, Stanford University Press, California
  4. Phạm Thế Ngũ (1965), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập III, Phạm Thế xuất bản
  5. Vương Trí Nhàn (sưu tầm, biên soạn) (1996), Khảo về tiểu thuyết, những ý kiến, quan niệm về tiểu thuyết trước 1945, Nxb Hội nhà văn
  6. Dazai Osamu – Hoàng Long dịch (2011), Thất lạc cõi người, Phương Nam book và Nxb Hội nhà văn, TPHCM
  7. Huỳnh Như Phương (2008), Những nguồn cảm hứng trong văn học, Nxb Văn nghệ, TPHCM

Thông tin truy cập

62413665
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
1136
12178
62413665

Thành viên trực tuyến

Đang có 155 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website