23112024Sat
Last updateTue, 19 Nov 2024 1pm

Những trang viết rời - Bình Định, nỗi nhớ

Sau một cuộc hành trình dài ngày, từ bên này quả địa cầu sang bên kia, ngồi trên chuyến bay mất cả trên 12 tiếng đồng hồ ê ẩm cả người, mới biết mình đã già. Đến San Jose vài hôm lại leo lên máy bay qua miền Đông Bắc nước Mỹ, gặp bạn bè cùng một niềm say mê văn chương, cũ và mới tại nhà Trương Vũ. Về Việt Nam làm Quán Văn-Bên dòng sông Potomac, một số trang Chân dung Văn Học cho một người bạn văn vừa mới gặp nhau nơi đất khách quê người. Phùng Nguyễn. Tiếp theo Quán Văn số Xuân lại tiễn đưa một họa sĩ, nhà thơ tài hoa, người bạn đã dành nhiều tình cảm chân thành với tôi, với Trương Văn Dân, với Elena, với Đoàn Văn Khánh, Lữ Kiều, trong những ngày chúng tôi dừng chân ở tiểu bang Virginia. Đinh Cường bỏ cuộc chơi về nơi vĩnh hằng.

 

Bây giờ, chúng tôi mới thực hiện được Quán Văn về Bình Định, nỗi nhớ, sau một chuyến gồm những anh chị em cùng một mẫu số chung là niềm say mê văn chương, trên một chiếc xe 29 chỗ ngồi.

Dù ngồi trên xe suốt cuộc hành trình 12 tiếng đồng hồ nhưng tôi không thấy mệt mỏi. Con đường cao tốc hai chiều mỗi bên hai line dù chỉ bằng một nửa ở Mỹ, không nhiều xe chạy nối đuôi với tốc độ vun vút, ở đây xe vẫn chay êm ái trên con đường quanh co ven biển. Nhìn những ngọn sóng bạc đầu vỗ vào bờ cát trắng. Nhìn những dẫy núi đồi chập chùng. Nhìn những đám mây trắng lơ lửng trên nền trời xanh mơ. Lòng tôi nhẹ tênh.

Về Quy Nhơn lần thứ nhất cách đây hai năm, sau 38 năm cách biệt. Việc đầu tiên tôi lang thang một mình trên những con đường một thời đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Tất cả đều đã thay đổi, không còn một vết tích ngày xưa. Đâu còn ngôi nhà cổ ngói âm dương, trong khu vườn bỏ hoang, tường vách đóng rêu phong. Căn gác gỗ, ngăn nhiều phòng nhỏ để cho thuê, mà khách trọ là những sinh viên trường Sư phạm mới thành lập tại một thành phố mới được tiếp thu từ Liên khu 5 sau 1954. Lũ chúng tôi gồm năm bảy đứa, lên cầu thang gỗ xiêu vẹo, những đôi chân mỗi đứa nhẹ nhàng từng bước, cứ sợ té xuống. Nếu chủ nhà người Tàu không có cô con gái mang vẻ đẹp “liêu trai” làm xiêu lòng chúng tôi, có lẽ chúng tôi đã tìm đến một nơi an toàn khác rồi. Chỉ có tên đường còn giữ. Phan Bội Châu.

Ban Mai, một trong những cộng tác viên đắc lực của Quán Văn chở tôi vào thăm trường cũ. Ngày xưa chúng tôi là những thanh niên mới lớn ngỡ ngàng trước những dãy nhà lầu mới xây, khang trang, rộng rãi, cách xa thành phố, nhưng gần bãi biển Ghềnh Ráng. Lúc này, trường đã xây cất thêm, bề thế hơn nhiều. Tôi vẫn bàng hoàng đứng trước khu nhà cũ còn giữ lại, ngồi trên ghế đá cạnh những cây sứ nay thành cây cổ thụ vẫn đơm bông, chạnh lòng nhớ đến thầy xưa, bạn cũ.

Lần thứ hai này, chúng tôi gồm cả gần 30 người từ Sài Gòn, Tuy Hòa, Nha Trang, kéo nhau về tụ họp cùng một số anh em đã cộng tác với Quán Văn trong một căn phòng của một nhà hàng ngay sau bãi biển Ghềnh Ráng. Chúng tôi nói chuyện thân tình về văn chương. Chúng tôi ca hát, tự phát. Nhưng sao lại gặp nhau, toàn những bản tình ca của Trịnh Công Sơn: Uớt Mi, Biển Nhớ, Diễm Xưa, Hạ Trắng.

Ngoài kia, bên khung cửa kính, sóng vẫn vỗ vào ghềnh đá phát ra những âm thanh như những tiếng trống xa xa vọng về, đều đều, buồn bã. Trịnh Công Sơn bắt đầu sáng tác trường ca Dã tràng cũng từ tiếng sóng vỗ từ đây vang vọng về trường Sư Phạm Quy Nhơn.

Từ ngôi trường này, tôi nhớ không lầm những năm đầu tiên và kế tiếp đã thu nạp những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ đã làm nên một trong những âm vang văn học. Trịnh Công Sơn, Nguyên Minh, Trần Hữu Ngũ, Hồ Thủy Giũ, Chu Trầm Nguyên Minh, Chu Sơn, Võ Tấn Khanh, Nguyễn Phan Thịnh, Lê Văn Ngăn, Kinh Dương Vương (dạy môn hội họa tại trường), Tôn Thất Lập, Phạm Ngọc Lư, Lê Văn Trung, Mang Viên Long, Phạm Cao Hoàng…

Sau vài năm làm nghề gõ đầu trẻ, tôi sớm bỏ nghề, vào Sài Gòn làm báo. Tôi cũng có dịp ra Quy Nhơn gặp Lữ Quỳnh, Châu Văn Thuận, Nguyễn Mộng Giác, Chúng tôi say sưa bàn chuyện văn chương, về một nền văn học tương lai khi hòa bình sắp đến.

Bây giờ, ngôi nhà có gắn bảng hiệu “Nhà sách Hàm Thụ” trên đường Cường Để của gia đình Lữ Quỳnh đã thay thế bằng ngôi nhà lầu cao tầng. Lữ Quỳnh vẫn còn tiếp tục con đường văn chương tại Mỹ. Nguyễn Mộng Giác đã vĩnh biệt anh em, anh để lại cho đời những tác phẩm lớn như Sông Côn mùa lũ… Riêng Châu Văn Thuận, sau năm 1975 lại im hơi lặng tiếng.

Cây me, giếng nước

Đã cùng anh em bạn văn ra đến Quy Nhơn mà không kéo nhau về Bình Định đến hoàng thành Hoàng Đế và bảo tàng Quang Trung là một khiếm khuyết rất lớn. Nhưng, đứng trong hoàng thành, trên một bãi đất hoang tàn, như một sân bóng dá quá lớn mà nham nhở những đám cỏ hoang, bao quanh bốn bức tường xây bằng đá vôi, phủ rêu xanh. Chỉ còn hai ngôi mộ nhỏ của Võ Tánh, Ngô Tùng Châu. Hoàng thành của một triều đại Tây Sơn chỉ còn như thế này sao?

Tôi như một kẻ mất hồn. Thất tha thất thểu. Đặng Châu Long như chia sẻ tâm sự với tôi, hứa sẽ viết một bài cho Quán Văn.

Mang Viên Long, một nhà văn thành danh từ năm trước 1975, hướng dẫn tài xế chở chúng tôi đến bảo tàng Quang Trung.

Đứng dưới bức tượng cao, lớn, bề thế của Hoàng đế Quang Trung tôi cảm thấy mình bé nhỏ và hãnh diện về lịch sử đất nước bé nhỏ của chúng tôi lại có một vị Hoàng đế xuất chúng đã đánh tan chớp nhoáng quân Xiêm cũng như quân Thanh.

Thuở nhỏ cho đến bây giờ tôi vẫn dành những tình cảm đặc biệt, mến phục những người đàn bà như Hoàng hậu Nam Phương, Huyền Trân Công chúa, Ngọc Hân Công chúa. Những câu chuyện xoay quanh đời họ, Những mối tình như những huyền thoại. Tôi bắt gặp tình cảm đó trong truyện Ngọc Hân công chúa của nhà văn Khuất Đẩu. Tôi nghĩ nếu vua Quang Trung không tài hoa, thì một nàng công chúa triều Lê trên đất Bắc lại kính phục và yêu thương chân thành một người anh hùng xứ miền Trong, đến nỗi Ngọc Hân làm thơ khóc chồng.

Khu bảo tàng khá rộng. Tôi đi bộ rất dở nên thấy mấy chiếc ghế đá đặt quanh một cây me là vội tìm chỗ ngồi rồi. Nhìn tấm biển nhỏ bên cạnh mới hiểu: Cây me cổ thụ trong nhà tam kiệt, ba anh em Tây Sơn. Bóng mát của tàn lá phủ cả một khoảng đất rộng. Và nặng trĩu những trái me. Như đoán được ý muốn của tôi, Elena người bạn thân tình của Quán Văn, nhón chân hái một chùm trái me vừa chín tới. Cả tôi, một người Việt Nam chính cống, và, Elena, một người đàn bà nước Ý chính hiệu, cùng bóc vỏ đưa trái me chín vào miệng nhâm nhi. Cùng gật đầu, mắt nhấp nháy như thích thú vừa cảm nhận ra một điều gì rất lạ lùng, khác với những trái me bình thường. Nhấm nhấm cái môi. Đầu lưỡi tê tê. Nuốt một miếng me đã nhai kỹ, hít hà vị chua chua, ngọt ngọt, một chút cay cay, lại hòa với một chút đắng đắng. Elena nói tiếng Việt chưa sành sõi nhưng tôi cũng đủ hiểu. Mỗi lần có dịp cùng chồng là Trương

Uống nước mát từ giếng nước của khuôn viên bảo tàng Quang Trung - Ảnh: NH

Văn Dân về thăm Bình Định bao giờ Elena cũng đến đây. Như một thứ ràng buộc thiêng liêng mà Elena không giải thích được, Elena dẫn tôi, như một người đã từng sống nơi đây lâu đời, nên rất thông thuộc, dến một giếng nước trong một khuôn viên nhỏ, phía trên có mái che. Các bạn cùng nhóm cũng tựu tập quanh cái giếng này. Elena hồ hởi cho chúng tôi biết lịch sử về cái giếng của gia đình nhà Tây Sơn, thời của 300 năm trước để lại. Tôi cười khi vỗ vai Trương Văn Dân, Nếu anh ta, một người gốc Bình Định, giải thích cho chúng tôi về cây me về giếng nước này thì cảm xúc của tôi không đến cao độ như một người nước ngoài lại rành rõi về quê chồng như vậy. Elena còn thả chiếc gàu xuống đáy giếng, kéo lên, rồi thành thạo lấy cái gáo nhỏ múc nước, đưa lên miệng, uống từng hớp. Mát lắm. Ngọt lắm. Elena đưa cho tôi, mời uống nước. Tôi cầm lấy chiếc gáo nhỏ, mắt tôi nhìn thẳng vào người đàn bà nước Ý đó. Tôi choáng váng. Trong một khoảng khắc trước mặt tôi đó chỉ là một người con gái Việt Nam hoàn toàn, dịu dàng, tế nhị. Tôi nhìn vào mặt nước trong veo nơi chiếc gáo chuẩn bị đưa vào miệng, tư dưng tôi rùng mình. Tôi như một con người khác, của 300 năm về trước. Một thằng bé con tóc để chỏm, trèo lên cây me, nhìn trộm ba anh em nhà Tây Sơn tập luyện võ nghệ. Lại thêm một cô bé, tóc vàng cứ lẽo đẽo theo làm nũng với chú Huệ, cứ đòi nhảy xuống giếng tắm mát. Chú Huệ dỗ dành cô bé tóc vàng. Nước giếng này rất thiêng, chỉ dành để uống như một linh dược. Có ai vỗ vai tôi, tôi mới hoàn hồn.

Vũ khúc Chiêm nương

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng đất nhỏ, khô cằn. Sau đó, tôi sống ở Sài Gòn. Mỗi lần trở về thăm quê, trên con tàu hỏa, nhìn từ xa thấp thoáng ngôi tháp Chàm trên ngọn đồi trọc là tôi chuẩn bị hành lý xuống ga. Thuở bé tôi cùng các bạn đồng lứa, cùng trường, đạp xe từ trung tâm thị xã vượt qua con đường nhựa còn lởm chởm ổ gà, dài cả 5 cây số. Thách thức nhau, bằng cách nào đó, tìm một con đường mới, leo lên một cái dốc cao, cái đích là ngôi tháp Chàm trơ vơ trên ngọn đồi.

Bây giờ, ở một thành phố khác, cũng một tháp Chàm khác, với các bạn bè cùng một sở thích là đam mê văn chương, muốn tìm một nguồn cảm hứng từ một vết tích lịch sử.

Mọi người từ từ bước từng bậc thang, giữa chừng, cười nói rôm rả, tụm năm tụm bảy, chụp vài tấm hình kỷ niệm. Rồi lại tiếp tục lên cao. Tới đỉnh, đứng trước ngôi tháp Chàm, đưa tay vẫy bạn bè phía sau.

Tôi chỉ dừng chân lại ở lưng chừng đồi, tìm một chỗ ngồi. Quanh tôi là rừng cây bạch đàn cao vút. Tôi ngồi trên một phiến đá, nhìn xuống thấp thoáng vài ngôi mộ cổ sau những bụi cây cỏ. Chỉ còn mình tôi. Không một tiếng người. Gió thổi rì rào. Tôi ngước mắt nhìn lên cao. Những đám mây xám trôi lênh đênh. Ngôi tháp Chàm màu đỏ gạch, một cõi trơ vơ. Những ngọn cây bạch đàn ngả nghiêng theo chiều gió, chạm lá vào nhau, phát ra một âm thanh lạ lùng, buồn bã, u sầu, ai oán. Tôi lạnh người. Tôi như lạc vào một thế giới khác, một thời đại xa xôi. Đền đài gấm vóc. Cung tần mỹ nữ. Vũ khúc Chiêm nương. Một thời oanh liệt của Chế Bồng Nga. Điêu tàn.

Biển động

Theo dự định, trước khi từ giã Quy Nhơn trở về Sài Gòn, vợ chồng Trương Văn Dân – Elena mời cả đoàn trên 20 người sẽ ở lại đêm ngôi nhà cận bãi biển cách Quy Nhơn cả 10 cây số. Anh sẽ tổ chức buổi lửa trại ngay ngoài bãi biển. Nhưng, tiếc thay suốt cả ngày hôm ấy trời mưa tầm tã, ảnh hưởng cơn bão từ xa, nên chúng tôi không thể quây quần quanh đóng lửa cháy rừng rực, như dự tính sẽ cùng nhau phụ diễn văn nghệ. Nào, Hồn Vọng Phu. Nào, Hội nghị Diên Hồng. Những bản nhạc mà một thời thanh niên chúng tôi thường làm hoạt cảnh trong những lần nhà trường tổ chức đêm văn nghệ cuối năm. Bây giờ tuổi mình không còn trẻ, không biết lòng mình còn phấn khởi, hào hứng, để làm sống lại một thời xa xưa.

Thỉnh thoảng trời dứt cơn mưa, chúng tôi tranh thủ kéo nhau ra bãi biển. Chỉ đi lang thang trên cát vàng, những dấu chân để lại trong khoảng khắc bị những con sóng lớn bạc đầu vỗ mạnh vào bờ. Xóa tan. Gió thổi mạnh từ ngoài khơi đủ làm tôi lạnh buốt, buổi chiều xuống thật nhanh. Mặt trời không thấy từ lâu. Bóng đêm chụp xuống.

Chúng tôi chỉ tụ họp, ngồi bệt xuống thềm nhà, quanh chiếc chiếu đã dọn sẵn những thức ăn nhẹ. Những cốc rượu “Bàu Đá” chánh hiệu làm nóng lòng anh em. Những tiếc nuối buổi sinh hoạt ngoài trời không như ý muốn. Mình ước là một chuyện. Trời làm là một chuyện.

Chúng tôi không ngủ lại ngôi nhà đó. Cả đoàn trở về lại khách sạn. Trời lại mưa.

Dãy ghế phía sau xe, bỗng dưng có tiếng hát: Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến. Tôi cũng như mọi người, như một có một luồng sinh khí vô hình nhập vào, cùng nhau đồng loạt hô lên: Dạ. Rồi những tiếng hát đồng loạt hát theo. Không ngờ, đến tuổi này mà chúng tôi vẫn còn thuộc lòng. Chỉ một giọng hát khỏe: Nên hòa hay chiến. Lại một loạt đồng thanh: Quyết Chiến.

Chỉ một bài hát đó thôi cũng đủ làm tôi xôn xao lạ lùng. Tôi nghĩ về chiến tranh và hòa bình. Về thế hệ của chúng tôi đã qua. Một thế hệ trong khổ nạn chiến tranh. Về thế hệ con cháu hiện tại sống trong hòa bình.

Nghĩ cho cùng ngày trước chúng ta cầm súng, cuối cùng cũng đạt được cái đích là hòa bình.

Nguồn: Tập san VHNT Quán Văn 36 tháng 3-2016

Online Members

We have 251 guests and no members online

Homepage Data

63696895
Today
Yesterday
All
17187
23426
63696895

Show Visitor IP: 3.133.108.47
23-11-2024 12:35