13102024Sun
Last updateWed, 09 Oct 2024 1pm

Chủ nghĩa siêu thực và Xuân Thu nhã tập

 (Trích luận văn thạc sĩ)

Mở đầu

1. Chủ nghĩa siêu thực là sản phẩm của môi trường thẩm mỹ hiện đại, trong đó, tác phẩm không còn thẳng tắp, một chiều, không còn du dương, dễ nghe như trước, mà dung chứa sự phức tạp, đa chiều của một nhân loại bị đấu tranh sinh tồn ám ảnh. Người nghệ sĩ tìm đến sáng tạo nghệ thuật như là tìm một nơi trú ẩn trước đời sống hiện thực, trước sự tàn phá của trí tuệ và logic truyền thống. Vì vậy, muốn nắm bắt được tác phẩm siêu thực nói riêng, chủ nghĩa hiện đại nói chung, nên hiểu, nên quen với môi trường thẩm mỹ hiện đại.

Tuyên ngôn siêu thực dù đã già cỗi với hơn 80 năm tuổi nhưng những yếu tố siêu thực vẫn đang còn thẩm thấu một cách có ý thức vào các sáng tác hiện đại và cả hậu hiện đại. Vì vậy, tìm hiểu môi trường thẩm mỹ của chủ nghĩa siêu thực không chỉ là tìm hiểu một vấn đề đã xảy ra hơn tám thập niên trước mà chính là để hiểu những vấn đề vẫn đang diễn ra trong đời sống văn học đương đại.

Trên thế giới, chủ nghĩa siêu thực là một thành tựu quan trọng, ảnh hưởng không biên giới đến văn học nghệ thuật thế kỷ XX. Tuy nhiên, tại Việt Nam, do điều kiện lịch sử, do những định kiến, suốt một thời gian dài, chúng ta chối bỏ chủ nghĩa siêu thực, xem đó là một hiện tượng quái dị, phản cảm. Bất công này không chỉ xảy ra với chủ nghĩa siêu thực mà hầu hết với các trào lưu văn học hiện đại. Vì vậy, dù chủ nghĩa siêu thực đã đến nước ta từ nửa đầu thế kỷ trước, có những ảnh hưởng nhất định đến văn học giai đoạn 1932-1945 nhưng vai trò của nó trong tiến trình văn học Việt Nam vẫn chưa được đánh giá đúng mực. Lần này, qua khảo sát Xuân thu nhã tập, chúng tôi mong muốn gián tiếp chỉ ra những ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực đối với văn học Việt Nam. 

Hơn nửa thế kỷ dâu bể vừa qua, Xuân thu nhã tập, vẫn là một “nhã tập” có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam. Chỉ khoảng mươi, mười lăm năm gần đây mới lại có người lần giở những trang sách Xuân thu, nhận ra những giá trị chân, thiện, mỹ của sáu, bảy mươi năm trước vẫn còn tươi nguyên. Tiếc là cho đến nay, chưa có công trình nào nghiên cứu trọn vẹn Xuân thu nhã tập, hầu hết những khảo sát đều chỉ dừng ở một, hai bài thơ hoặc vài vấn đề trong các quan niệm nghệ thuật. Luận văn được thực hiện với mong muốn đóng góp cái nhìn toàn diện hơn về quan niệm nghệ thuật và các sáng tác văn học trong Xuân thu nhã tập.

Trước, sau Xuân thu nhã tập còn có Hàn Mặc Tử, Bích Khê… nhưng không ở tác giả nào các yếu tố siêu thực tập trung cao độ và có ý thức như Xuân thu nhã tập, với cả sáng tác và lý luận; với cả những vấn đề văn học nghệ thuật lẫn vấn đề nhân sinh. Chính vì vậy, mong muốn trả Xuân thu nhã tập lại đúng vị trí lịch sử của nó, trong luận văn này, chúng tôi sẽ xem xét Xuân thu nhã tập với tư cách là đại diện cho một khuynh hướng – khuynh hướng siêu thực – trong văn học Việt Nam 1932-45.

2. Từ xuất phát điểm là chủ nghĩa siêu thực, chúng tôi sẽ quan sát những cách tân và sự kế thừa truyền thống của Nhã tập từ hai phương diện: quan niệm nghệ thuật và tác phẩm.

Với cách triển khai này, đối tượng nghiên cứu xuyên suốt của luận văn là tác phẩm Xuân thu nhã tập do nhà xuất bản Văn học Hà Nội in năm 1991, có tham khảo ấn bản đầu tiên năm 1942.

Cần phải nói rõ, Xuân thu nhã tập là một tập sáng tác gồm các quan niệm nghệ thuật, các tác phẩm văn, nhạc, hoạ. Trong luận văn này, chúng tôi chỉ giới hạn tìm hiểu phần quan niệm nghệ thuật và sáng tác văn chương.

Ba tuyên ngôn siêu thực của André Breton viết các năm 1924, 1929, 1936 không phải là toàn bộ chủ nghĩa siêu thực nhưng là cơ sở lý luận đầu tiên và quan trọng nhất về chủ nghĩa siêu thực. Trước phạm vi ảnh hưởng rộng lớn và tình hình phân hoá phức tạp của chủ nghĩa này, chúng tôi giới hạn triển khai nội dung chủ nghĩa siêu thực chỉ trong ba tuyên ngôn trên.

3. Luận văn gồm ba chương nội dung chính, một phần mở đầu, một phần kết luận và thư mục tham khảo.

Cụ thể nội dung các chương như sau:

Chương 1: Chủ nghĩa siêu thực và Xuân thu nhã tập – Mấy vấn đề lịch sử, gồm 33 trang. Chương này được triển khai theo hai hướng; một là, siêu thực, với tư cách là một trường phái được André Breton và những đồng chí của ông khai sinh như thế nào tại phương Tây, cùng với những tác động mạnh mẽ của nó đến văn học nghệ thuật trong hai mục 1.1 và 1.2; hai là, siêu thực, với tư cách là những yếu tố sẵn có trong văn học Việt Nam (mục 1.3), nhân cuộc hội ngộ với phương Tây đầu thế kỷ XX đã hình thành Xuân thu nhã tập.

Triển khai chương này, chúng tôi cũng lưu tâm đến vai trò của những nghệ sĩ, những trí thức trẻ trong việc dũng cảm bước qua cái cũ, làm mới liên tục nghệ thuật; vai trò này đặc biệt khó khăn tại xứ sở thuộc địa như Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.

Chương 2: Chủ nghĩa siêu thực và Xuân thu nhã tập – Mấy vấn đề quan niệm nghệ thuật, gồm 43 trang.Các quan niệm nghệ thuật của Xuân thu nhã tập được trình bày tập trung ở các tiểu luận, tuyên ngôn nghệ thuật của nhóm. Xem xét các quan niệm này, chúng tôi thấy nổi bật lên hai vấn đề: thứ nhất, ý thức cá nhân có chuyển biến sâu sắc so với Thơ mới; thứ hai, sự minh định lại các khái niệm cũng như mối quan hệ sáng tạo và tiếp nhận. Trước hết, để giải quyết xác đáng hai vấn đề này, chúng tôi nhận thấy cần phải triển khai mục 2.1 để tìm hiểu bối cảnh tinh thần của các tác giả Xuân thu nhã tập khi sáng tạo tác phẩm. Trên nền tảng ấy, lý giải sâu sắc hơn các quan niệm nghệ thuật của nhóm.Trong chương 2, chúng tôi ghi nhận việc Xuân thu nhã tập đã tiệm cận lý luận văn học hiện đại phương Tây trên nền tảng văn hoá Á Đông.Chương 3: Chủ nghĩa siêu thực và Xuân thu nhã tập – Mấy vấn đề về tác phẩm, gồm 34 trang.Trên cơ sở những quan niệm nghệ thuật đã tìm hiểu ở chương 2, chúng tôi tiếp cận bộ phận sáng tác của Xuân thu nhã tập và tập trung tìm hiểu sự vận động cách tân của các tác giả Xuân thu. Do số lượng tác phẩm không nhiều (9 tác phẩm), chúng tôi xem xét tác phẩm để tìm hiểu ý nghĩa những cách tân đã được Xuân thu nhã tập ứng dụng vào thực tiễn sáng tác. Kết luận

Qua ba chương luận văn, từ góc độ chủ nghĩa siêu thực, khảo sát lần lượt Xuân thu nhã tập từ các khía cạnh: lịch sử - quan niệm nghệ thuật và tác phẩm, chúng tôi đã có cơ sở để giải quyết các vấn đề sau đây:

1.      Ý nghĩa sự xuất hiện Xuân thu nhã tập trong văn học Việt Nam.

Cuộc tương ngộ với chủ nghĩa siêu thực đã nhắc nhở Xuân thu nhã tập về “cái trí cổ sơ” phương Đông, về siêu thực với tư cách là một yếu tố sáng tạo vẫn luôn tồn tại trong truyền thống văn học Việt Nam tự cổ chí kim. Khi triển khai Xuân thu nhã tập, các tác giả đã khai thác yếu tố siêu thực tiềm sinh trong văn học nước nhà, biến hoá các điểm tương đồng giữa “những lớp dày đặc của tiềm thức và vô thức” trong chủ nghĩa siêu thực phương Tây và “bản ngã thuần tuý” của Á Đông thành quan niệm nghệ thuật của riêng mình, dùng cách diễn đạt phương Đông, xuất phát từ nguồn phương Đông để bao quát cả tư tưởng phương Tây. Đây là một cách phản ứng, là biểu hiện tinh thần tự lực tự cường sau một thời gian tiếp xúc văn hoá phương Tây. Việc Xuân thu nhã tập xuất hiện vào cuối thời kỳ Thơ mới là sự phát triển tự nhiên của văn học theo quy luật vận động để hội nhập. Tuy nhiên, nếu thời kỳ đầu 1932-45, ý thức về một dân tộc bị đô hộ, một đất nước bị chia rẽ, một vốn di sản văn hoá bị chôn vùi đã đẩy văn học Việt Nam hiện đại hoá nhanh và xa bao nhiêu thì, những năm 40, cũng giữ chân Xuân thu nhã tập giữa đôi bờ thực vào siêu thực lâu bấy nhiêu. Có nhiều lý do khiến Thơ mới nửa đầu những năm 40 chưa thể thực hiện được một cuộc cách mạng trọn vẹn. Khách quan, công chúng chưa đạt đến tầm tiếp nhận văn học hiện đại. Chủ quan, người cầm bút dùng dằng “giữa hai dòng nước”, Xuân thu nhã tập là một ví dụ. Bên này là ý thức công dân, với nhận thức rằng, một cuộc cách mạng văn học triệt để vào lúc ấy chỉ thoả mãn nhu cầu của một cộng đồng nhỏ bé, không đóng góp gì cho xã hội; bên kia là cám dỗ không ngừng của nghệ thuật, thôi thúc người nghệ sĩ tiếp tục dấn thân. Mặc dù Xuân thu nhã tập tỏ ra khá dứt khoát khi tuyên ngôn về tính vô tư lợi của nghệ thuật, về vai trò tiên phong của người nghệ sĩ… nhưng thực tiễn sáng tác của họ vẫn bộc lộ thái độ ngập ngừng.2.      Nội dung của Xuân thu nhã tập,Trong phạm vi khảo sát của chúng tôi, Xuân thu nhã tập đã trình bày, nhiều chỗ rất hiện đại, về mối quan hệ giữa con người và nghệ thuật, con người và xã hội; về thay đổi tương quan giữa chủ thể sáng tạo, chủ thể tiếp nhận và tác phẩm. Trong các quan niệm nghệ thuật, Xuân thu nhã tập đã đi bằng một chân hiện đại và một chân truyền thống. Tuy nhiên, đáng tiếc nhất là giữa quan niệm nghệ thuật và thực tiễn sáng tác của Nhã tập có một độ chênh nhất định. Cảm giác về độ chênh xuất phát từ số lượng tác phẩm ít ỏi trong Nhã tập, mười tác phẩm. Suy cho cùng, mọi quan niệm nghệ thuật đều chỉ có ý nghĩa khi được hiện thực hoá bằng sáng tác. Để có những đúc kết chỉ trên cơ sở mười tác phẩm là quá vội vàng. Vì vậy, chúng tôi chủ yếu xem xét ý nghĩa những cách tân của các tác phẩm này. Trong khi quan niệm nghệ thuật có thái độ cách tân khá mạnh mẽ, dứt khoát thì phần sáng tác còn nhiều ngập ngừng, mang tính chất thể nghiệm.

Từ đầu đến cuối Nhã tập, ta không ngừng cảm nhận được sự thành tâm và dũng khí của những trí thức Việt Nam, những người dám tự dọn đường và tự đi trên con đường của mình. Trên con đường ấy, Xuân thu nhã tập là một cuộc phản kháng, một nỗ lực tuyệt vọng trong khao khát tự do và sáng tạo. Cũng tương tự như sau này, khi đứng trước bước ngoặt lịch sử 1945, hầu hết các tác giả Xuân thu đều đã chọn con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, bấy giờ, trong tình hình chính trị, xã hội mờ mịt, không định hướng những năm trước Cách mạng tháng Tám, Xuân thu đã tự giương lên ngọn cờ Trí thức – Sáng tạo – Đạo lý, tự vạch ra con đường để giải phóng “cái ta thuần tuý”. Con đường ấy dẫu có bế tắc, ảo tưởng song không hề mâu thuẫn với con đường đấu tranh mà các tác giả Xuân thu chọn lựa sau này. Một đằng là sự kháng cự, quẫy đạp bằng sáng tác để tự giải phóng về phương diện tinh thần; một đằng là trực tiếp cầm súng, cầm bút để chiến đấu – dẫu hình thức nào cũng chỉ hướng đến một mục tiêu là giải phóng thân phận, là tự do tuyệt đối.

Những nội dung chúng tôi trình bày ở hai chương 2 và 3 vẫn chưa phải là tất cả vấn đề của Xuân thu nhã tập. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy đặt quan niệm nghệ thuật của Xuân thu nhã tập trong sự ảnh hưởng của văn hoá Á Đông để đánh giá ý thức về nguồn của Nhã tập; hoặc mở rộng tìm hiểu ý nghĩa của Xuân thu nhã tập trong sự nghiệp sáng tác của từng tác giả Xuân thu… đều là những hướng triển khai nhiều triển vọng.

3.      Đóng góp của Nhã tập đối với văn học Việt Nam giai đoạn bấy giờ và sau đó.

Chủ nghĩa siêu thực là cánh cửa mở vào môi trường thẩm mỹ hiện đại, với Xuân thu nhã tập, văn học Việt Nam đặt một chân vào ngưỡng cửa này. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, đó chẳng phải là một vinh quang. Độc giả đương thời cho rằng Xuân thu nhã tập tắc tị, bí hiểm. Tai tiếng ấy theo đuổi tác phẩm gần nửa thế kỷ, chỉ mới được gột rửa khoảng những năm 90 của thế kỷ trước. Điều đáng ghi nhận ở Nhã tập là đã tự bước qua tính chất khiêu khích luôn có trong các tác phẩm tiền phong để đi đến sáng tạo. Nhạc thơ là sự khiêu khích các quy luật hài thanh song cũng là sự sáng tạo trong kết hợp thanh điệu để phối nên âm hưởng Á Đông trầm lắng. Phá vỡ hình dáng đều đặn của bài thơ là sự khiêu khích tính khuôn khổ của thơ song cũng là mầm mống của thơ tự do, thơ hiện đại sau này.Chính vì vậy, điều cần phải làm là nhìn nhận Xuân thu nhã tập ở đúng tư thế tiên phong; trả lại cho Xuân thu nhã tập vai trò người đi khai mở những vùng đất mới trong tâm hồn con người và trong nghệ thuật. 

Kết thúc luận văn này, chúng tôi chỉ mới giải quyết được một phần quan niệm nghệ thuật và tác phẩm văn chương của Xuân thu nhã tập. Nhạc và hoạ tuy ít ỏi song cũng là một bộ phận hữu cơ, tạo thành sự toàn vẹn của tổng thể Nhã tập. Vì vậy, muốn đánh giá trọn vẹn Xuân thu nhã tập, cần phải xem xét tác phẩm trong tiến trình cách tân nghệ thuật Việt Nam nói chung. Giới hạn trong chuyên ngành văn học, luận văn chưa thể làm được điều này.

 

Online Members

We have 310 guests and no members online

Homepage Data

62981013
Today
Yesterday
All
5052
18300
62981013

Show Visitor IP: 3.238.82.77
13-10-2024 07:44