17042024Wed
Last updateMon, 15 Apr 2024 12am

Tiểu thuyết hành động vào đầu thế kỷ XX ở Nam Bộ

Văn học Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã sớm có những tiểu thuyết tâm lý xã hội và sớm đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, như Thầy Lazaro Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản với tấn bi kịch của cá nhân, Hà Hương phong nguyệt (1912) của Lê Hoằng Mưu với vấn đề tính dục, Lâm Kiều Loan (1932) của Phan Thị Bạch Vân với vấn đề nữ quyền,... Nhưng nói chung, thế mạnh của các nhà văn Nam Bộ không phải là tiểu thuyết tâm lý, sở trường của họ vẫn là tiểu thuyết hành động. Nhà văn Ngọc Sơn bên cạnh việc viết tiểu thuyết tâm lý xã hội còn dùng bút danh Phi Long để viết tiểu thuyết trinh thám. Chất phiêu lưu mạo hiểm, nghĩa hiệp với những tình tiết gay cấn, ly kì đã làm nên sức hút cho những tiểu thuyết thế sự của Nam Đình Nguyễn Thế Phương.

 

Tiểu thuyết hành động là loại tiểu thuyết có một cốt truyện tình cảm với những tình tiết gay cấn cùng với những nhân vật có cá tính mạnh mẽ. Ở loại tiểu thuyết này thường có những pha đấu trí căng thẳng, nhân vật hay dùng sức mạnh, có nhiều pha đánh nhau, nhiều pha biểu diễn võ thuật. Loại hình tiểu thuyết này phát triển rất mạnh mẽ ở Nam Bộ vào đầu thế kỷ XX. Nguyễn Văn Xuân đã thừa nhận một thực tế rằng “loại tiểu thuyết trinh thám hoạt động của Nam Đình và Phú Đức ở trong Nam đã kích thích nhà văn Bắc viết loại sách tương tự vì nó ăn khách quá trời”.[1] Ngay cả Nam Kỳ địa phận, một tờ báo Công giáo cũng có phụ trương đăng những tiểu thuyết phiêu lưu, mạo hiểm và cả dạng hình sự như Trên đường quản hạt (1932), Người mặt sắt (1932), Mối thù mật nhiệm (1934)....  nhằm giúp các “khán quan”, độc giả giải trí, “giải buồn” như tên một mục của tờ báo.

 

Tiểu thuyết hành động ở Nam Bộ vào đầu thế kỷ XX bao gồm hai loại tiểu thuyết võ hiệp và tiểu thuyết trinh thám. Loại nghiêng về võ hiệp chịu nhiều ảnh hưởng của tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa, còn loại nghiêng về trinh thám lại thể hiện rõ sự du nhập cách viết của tiểu thuyết phương Tây.

 

Tiểu thuyết võ hiệp ở Nam Bộ vào đầu thế kỷ XX chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa. Nội dung của các tác phẩm này cũng là bênh vực người nghèo khổ bị đè nén, lên án bất công áp bức và thể hiện khát vọng hạnh phúc, công bằng xã hội. Những nhân vật trong tiểu thuyết võ hiệp cũng là những anh hùng võ nghệ tuyệt luân, có tấm lòng hào hiệp luôn giúp đỡ người cô thế, bần cùng.

 

Nhiều tiểu thuyết võ hiệp ở Nam Bộ vào đầu thế kỷ XX là có dạng mô phong truyện võ hiệp Trung Hoa, như Một đôi hiệp khách của Nguyễn Chánh Sắc chẳng hạn. Nhưng tác giả đã lồng vào tác phẩm một cốt truyện Việt Nam với một nội dung hiện thực khi đả kích những kẻ giàu có bất nhân, cho vay nặng lãi, lập mưu cướp đoạt ruộng đất của người khác, ỷ quyền thế bắt hiếp vợ con của lương dân. Mượn hình thức “nghĩa hiệp tiểu thuyết”, tác giả đã phơi bày thực trạng xã hội thực dân phong kiến của nước ta đương thời. Để thoát khỏi tình trạng bị áp bức bóc lột đó, Nguyễn Chánh Sắc đưa ra hình ảnh đôi hiệp khách Trần Ngươn Kiệt – Bạch Yến Nhi trừ gian diệt bạo, cứu người cô thế. Đó cũng là hình ảnh quen thuộc trong truyện võ hiệp Trung Hoa, là sự tiếp nối hình ảnh của chàng hiệp sĩ Lục Vân Tiên đánh đuổi bọn cướp Phong Lai để cứu Kiều Nguyệt Nga trong truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, đồng thời cũng là ước vọng của tác giả về sự xuất hiện những bậc anh hùng hào kiệt để cứu dân cứu nước.

 

Bên cạnh giá trị hiện thực nhất định, về mặt nghệ thuật, các tiểu thuyết này đã phần nào thoát khỏi hình thức truyện chí theo kiểu Trung Hoa để đạt được một hình thức truyện chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết phương Tây. Một đôi hiệp khách có câu mở đầu còn biền ngẫu, ước lệ, nhưng sau đó ngôn ngữ  đã rất gần với đời thường, thậm chí nhiều chỗ tác giả còn đưa khẩu ngữ vào một cách khá nhuần nhuyễn.

 

Riêng về tiểu thuyết võ hiệp, cũng cần chú ý là có một số tiểu thuyết lâu nay ghi là của tác giả Việt Nam, thật ra là dịch từ tiểu thuyết Trung Hoa, như Man hoang kiếm hiệp, Giang hồ nữ hiệp của Nguyễn Chánh Sắc chẳng hạn.[2]

 

Bên cạnh tiểu thuyết võ hiệp, tiểu thuyết trinh thám Nam Bộ đầu thế kỷ XX cũng phát triển mạnh với những đặc trưng của nó. Ngoài nhà tiểu thuyết trinh thám tiên phong Biến Ngũ Nhy, Nam Bộ còn có Phú Đức nổi tiếng với bộ Châu về hiệp phố Lửa lòng “cho đến năm 1930 và ngay cả nhiều thập niên về sau vẫn là bộ tiểu thuyết trinh thám, võ hiệp, kỳ tình duy nhất của Việt Nam có độ dài kỷ lục, không một tác phẩm nào có thể vượt qua”.[3] Nhà văn Phạm Minh Kiên bên cạnh việc viết tiểu thuyết lịch sử cũng viết tiểu thuyết trinh thám ký tên là Tuấn Anh. Nam Đình Nguyễn Thế Phương cũng viết khá nhiều truyện có màu sắc trinh thám, trong đó có Huyết lệ hoa ghi rõ là Trinh thám tiểu thuyết (đăng trên Đông Pháp thời báo 1928), Giọt lệ má hồng (Ly kỳ tiểu thuyết 1934)...

 

Tiểu thuyết trinh thám đầu tiên của Nam Bộ và của Việt Nam viết theo kiểu phương TâyKim thời dị sử của Biến Ngũ Nhy, được viết năm 1917. Nguyễn Huệ Chi cho rằng “Tác phẩm là cái mốc đánh dấu sự có mặt của một thể loại mà sau này Phú Đức và Bửu Đình ở miền Nam cũng như Thế Lữ và Phạm Cao Củng ở miền Bắc là những người kế tục”.[4] Tác phẩm này chịu ảnh hưởng rõ nét của lối viết truyện trinh thám phương Tây. Hai nhân vật Ba Lâu và đội Tiền khiến ta liên tưởng đến Arsène Lupin và Sherlock Homes trong Arsène Lupin chống Sherlock Homes hay Arsène Lupin và Beautrelet trong Arsène Lupin con người bí ẩn của Maurice Leblanc. Biến Ngũ Nhy tỏ ra rất sắc sảo khi khắc hoạ chân dung các nhân vật trong Kim thời dị sử, đặc biệt là nhân vật tướng cướp Ba Lâu. Đó là một con người xuất chúng, giỏi võ, thông minh, biết nhiều thứ tiếng, giỏi cải trang, bất nhẫn trước cảnh bọn nhà giàu ức hiếp người sức yếu thế cô nên ra tay trượng nghĩa, cướp của nhà giàu đem cho người nghèo. Đây cũng là khuôn mẫu cho tác giả tiểu thuyết trinh thám sau này xây dựng nên nhân vật của họ, như những nhân vật Hoàn Ngọc Ần, Bách Si Ma của Phú Đức, An Minh của Dương Minh Đạt, Tấn Phước của Nam Đình Nguyễn Thế Phương,...

 

Vượt lên các tác giả đương thời, bút pháp của Biến Ngũ Nhy đã thoát khỏi kiểu miêu tả tượng trưng, ước lệ trong tiểu thuyết truyền thống. Nhìn chung, nhân vật của ông rất sinh động và đầy chất hiện thực tuy vẫn chưa vượt ra những hạn chế khó tránh khỏi. Chẳng hạn như cách đặt tên nhân vật thể hiện tính cách của nhân vật như Ba Lâu (“Lâu” trong lâu la chỉ bọn cướp), Năm Nhỏ (người “nhỏ thó”), Thiệt (thật thà), Trương Hoành Sơn (làm nhiều điều ngang ngược trong trời đất), Trương Hoành Thiện (hiền lành)... Ảnh hưởng đạo lý phương Đông vẫn bàng bạc trong tác phẩm này. Biến Ngũ Nhy tỏ ra rất cảm thông với những số phận bị đè đầu cưỡi cổ phải chết oan ức. Quan niệm “Thiện – Ác đáo đầu chung hữu báo”, “Trời đã sanh ra hễ có kẻ ác thì có người thiện” cũng rất rõ trong truyện.

 

Kim thời dị sử của Biến Ngũ Nhy cũng có kết cấu khá hiện đại, không theo lối kết cấu chương hồi, không có lối văn biền ngẫu mặc dù là quyển tiểu thuyết trinh thám đầu tiên của Việt Nam. Truyện xoay quanh hoạt động của nhân vật chính là tướng cướp Ba Lâu, mỗi phần là một cốt truyện nhỏ tương đối độc lập nhưng đều gắn với một chủ đề trung tâm: Ba Lâu ròng nghề đạo tặc. Mỗi lần hành sự một vụ cướp ở đâu đó thì một cốt truyện được hình thành trên cơ sở: chuyện nào xảy ra trước nói trước, chuyện nào xảy ra sau nói sau.

 

Cốt truyện có những tình tiết ly kỳ hấp dẫn, thắt mở rất hợp lý, đầy kịch tính và thu hút người đọc từ đầu đến cuối, khả năng trần thuật linh hoạt, mạch lạc, sự việc diễn biến dồn dập, mau lẹ, cho dù còn nhiều chi tiết sắp đặt lộ liễu và sự kiện thiếu logic vấn đề khi phán đoán, suy xét.

 

Tuy nhiên, trong buổi phôi thai của tiểu thuyết trinh thám, Biến Ngũ Nhy đã không thể xây dựng các nhân vật thám tử lừng danh như các bậc thầy thể tài này đã làm. Ông chỉ có thể sáng tạo ra nhân vật cỡ Ba Lâu với phong cách và phẩm chất đặc trưng Nam Bộ và phù hợp với tầm nhận thức của công chúng bình dân đương thời. Nhưng điều này cũng đủ làm nên tính chất hiện đại trong tác phẩm và là đóng góp lớn của nhà văn – bác sĩ  này cho sự phát triển đi lên của nền văn học nước nhà, là một thành công rất đang ghi nhận trong buổi bình minh của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.

 

Tính chất pha trộn này trong tiểu thuyết trinh thám Nam Bộ đầu thế kỷ cũng thể hiện trong truyện trinh thám của tác giả nổi tiếng Phú Đức sau đó. Trong tiểu thuyết Phú Đức, yếu tố ái tình và võ hiệp rất đậm đặc, trong khi yếu tố trinh thám còn chưa nổi bật cho lắm. Điều này thể hiện rất rõ trong thế giới nhân vật của ông. Những nhân vật chính trong tiểu thuyết của Phú Đức không phải là người thám tử chuyên nghiệp như trong các truyện trinh thám của châu Âu. Họ không phải là một Sherlock Homes của Conan Doyle hay ông cò mật thám Maigret nổi tiếng của Georges Simenon mà thường là một thanh niên có khí chất anh hùng, kỳ tài võ nghệ, học vấn thông tuệ, nhưng vì hai chữ ái tình mà trở thành kẻ cướp. Hay đó có thể là một vị giám mục, một cô gái nổi loạn vì tình, hay một tay anh hùng nung nấu trả thù nhà, một thanh niên vì muốn trả thù cho cha mẹ mà trở thành thám tử. Tuy nhiên những nhân vật của Phú Đức vẫn có thể gây nên những tình huống, những vụ án tạo nên không khí trinh thám cho tác phẩm.

 

Nhìn chung, nhân vật chính trong các truyện trinh thám của các tác giả Nam Bộ không phải là những thám tử chuyên nghiệp kiểu Sherlock Homes, Maiget của trinh thám nước ngoài hay Lê Phong, Kỳ Phát của Thế Lữ, Phạm Cao Củng sau đó ở miền Bắc. Các nhân vật này thường được xây dựng như những anh hùng thời đại cứu khốn phò nguy như Bách Si Ma trong Lửa lòng của Phú Đức, như Tấn Phước trong Giọt lệ má hồng của Nam Đình Nguyễn Thế Phương. Đó là những “tướng cướp” có hành tung xuất quỷ nhập thần. Trong hoàn cảnh đất nước còn nằm dưới sự thống trị của thực dân Pháp, họ sẵn sàng thay mặt cho công lý, cho lẽ phải để ra tay diệt gian trừ bạo, giải trừ những bất công của xã hội, lấy của kẻ giàu cho người nghèo, như Trần Minh Lộng  trong Kim thời dị sử của Biến Ngũ Nhy, Hoàn Ngọc Ẩn trong Châu về hiệp phố của Phú Đức, An Minh trong Anh hùng ba mặt của Dương Minh Đạt, Thành Trai trong Mảnh trăng thu cửa Bửu Đình, đàng cướp Hoành Sơn trong Lửa phiền cháy gan, đảng Thư Hùng Kiếm trong Khép cửa phòng thu của Nam Đình Nguyễn Thế Phương. Họ là những hình ảnh lý tưởng tượng trưng cho mơ ước của nhà văn về những con người văn võ song toàn, là những khát khao sâu xa và những tình cảm thầm kín khi ý thức về thân phận nô lệ của dân tộc, những khát khao xa vời của một lớp thanh niên thị dân đang sống tủi nhục dưới ách thống trị của thực dân. Công chúng, nhất là thanh niên tìm thấy trong các tác phẩm này những hình mẫu để học tập, bắt chước cho thỏa cái chí tang bồng của người làm trai. Đó cũng là một sự phản ứng đối với một xã hội đang kìm toả tự do của họ,  là biểu hiện kín đáo của lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

 

Việc chia tiểu thuyết hành động ở Nam Bộ vào đầu thế kỷ XX thành hai loại võ hiệp và trinh thám, thật ra chỉ là một thao tác để tiện bề nghiên cứu. Thực tế cho thấy có sự trộn lẫn các yếu tố võ hiệp, kiếm hiệp, ái tình, trinh thám trong từng tác giả, trong từng tác phẩm. Ở đây có sự kết hợp giữa chất anh hùng, trượng nghĩa khinh tài trong tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa với chất phiêu lưu, mạo hiểm của tiểu thuyết trinh thám phương Tây, điều này làm nên đặc trưng của tiểu thuyết hành động ở Nam Bộ vào đầu thế kỷ XX.

 

Tiếu thuyết hành động ở Nam Bộ vào đầu thế kỷ XX phần lớn là tiểu thuyết feuilleton viết nhanh viết vội để đăng báo nhiều kỳ, vì thế không khỏi tránh được nhiều hạn chế về mặt nghệ thuật như kết cấu còn chưa thật chặt chẽ, ngôn ngữ nghệ thuật còn chưa thật trau chuốt, tình tiết đôi khi chưa thật hợp lý,... Nam Đình Nguyễn Thế Phương có lẽ cũng ý thức được hạn chế của loại tiểu thuyết này nên khi xuất bản Chén thuốc độc có nói thêm ở cuối sách: “Tiểu thuyết Chén thuốc độc nay viết từng ngày đăng báo, thành thử còn nhiều chỗ sống sượng. Ngay đến khi xuất bản thành quyển, tôi cũng vẫn giữ nguyên văn không sửa một chữ nào. Độc giả tưởng cũng biết mà thứ cho” (Chén thuốc độc, cuốn 5, Nxb Phạm Văn Thình, Sài Gòn, 1934, 122).

 

Trong mối quan hệ với công chúng văn học, tiểu thuyết hành động ở Nam Bộ ra đời rất đúng lúc “nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc phổ thông – và là người Nam Bộ, ưa những truyện có cốt truyện ly kỳ nhưng không quá phức tạp, và dễ nhớ, dễ kể; nhân vật có cốt cách rõ ràng và thiên về hành động, chứ không quá đi sâu vào các diễn biến tâm lý rắc rối, phiền hà”.[5] Loại hình tiểu thuyết này đã góp phần đa dạng hoá các thể tài tiểu thuyết trong buổi đầu hiện đại hoá của văn học dân tộc, làm phong phú thêm thực đơn tinh thần cho độc giả ở các đô thị Nam Bộ vào đầu thế kỷ XX. Nó thể hiện một đặc trưng của văn chương Nam Bộ, đó là tính hướng ngoại, luôn quan tâm đến nhu cầu giải trí của quần chúng, của độc giả.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 

 

1. Hoài Anh, Hồ Sĩ Hiệp, Thành Nguyên (1988), Văn học Nam Bộ từ đầu đến giữa thế kỷ XX (1900 – 1954), Nxb TP. Hồ Chí Minh.

 

2. Hoài Anh (2001), Chân dung văn học, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

 

3. Nguyễn Kim Anh (chủ biên) (2004), Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM.

 

4. Bằng Giang (1993), “Truyện Tàu với một số tiểu thuyết gia đầu tiên ở Việt Nam”, Kiến thức ngày nay, (100), TP. Hồ Chí Minh.

 

5. Bằng Giang (1992), Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 – 1930, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

 

6. Phong Lê (2002), “Văn xuôi những năm 20 (thế kỉ XX) – Phòng chờ cho bước chuyển giai đoạn sau 1932”, Văn Học,(5),Hà Nội.

 

7. Nhiều tác giả (1988), Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tập II - Văn học, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

 

8. Nhiều tác giả (2004), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội.

 

9. Claudine Salmon (biên soạn) (2004), Trần Hải Yến dịch, Tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc ở Châu Á (từ thế kỷ XVII – thế kỷ XX), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

 

10. Vương Hồng Sển (1993), Thú xem truyện Tàu, Nxb TP. HCM.

 

11. Trần Hữu Tá (2000), “Nghĩ về buổi bình minh của tiểu thuyết Nam Bộ”, Văn học, (10), Hà Nội.

 

12. Nguyễn Q. Thắng (1990), Tiến trình văn nghệ miền Nam, Nxb Tổng hợp An Giang.

 

13. Bùi Đức Tịnh (2002), Những bước đầu của báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết và Thơ mới, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

 

14. Nguyễn Thị Thanh Xuân (2006), “Phú Đức – một mẫu hình nhà văn Nam Bộ đặc biệt đầu thế kỷ XX”, Văn học, (7), Hà Nội.

 

15. Nguyễn Văn Xuân (1969), Khi những lưu dân trở lại, Thời Mới xb, Sài Gòn.

 

 

 

 



 


[1] Nguyễn Văn Xuân (1969), Khi những lưu dân trở lại, Thời Mới xb, Sài Gòn, tr. 90-91.


[2] Claudine Salmon (biên soạn) (2004), Trần Hải Yến dịch, Tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc ở Châu Á (từ thế kỷ XVII – thế kỷ XX), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 249, 252.


[3] Nguyễn Kim Anh (chủ biên) (2004), Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM, tr. 628-629.


[4] Nhiều tác giả (2004), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.763.


[5] Phong Lê (2002), “Văn xuôi những năm 20 (thế kỉ XX) – Phòng chờ cho bước chuyển giai đoạn sau 1932”, Văn Học,(5),Hà Nội, tr.5.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội số 6(154)-2011 (trang 28-32).

Online Members

We have 144 guests and no members online

Homepage Data

60737724
Today
Yesterday
All
1629
9486
60737724

Show Visitor IP: 18.188.61.223
17-04-2024 04:28