23112024Sat
Last updateTue, 19 Nov 2024 1pm

Các cứ liệu xác định năm sinh, năm mất Cao Bá Quát

Cao Ba Quat

 

Lâu nay viết về Cao Bá Quát người ta thường ghi năm sinh của ông là 1808, hoặc 1809 và thường có dấu chấm hỏi đi kèm. Đối với năm mất của Cao Bá Quát, ta cũng gặp tình hình tương tự, dù năm mất của ông có phần dễ xác định hơn, có người ghi 1854, có người ghi 1855, thậm chí có người ghi 1850 hoặc 1857, và đôi khi cũng đánh dấu hỏi kèm theo[1].

Năm sinh của Cao Bá Quát được ghi 1808, được nhiều người chú ý và có sức thuyết phục hơn cả, là dựa vào kết quả nghiên cứu của Chu Thiên và của Tảo Trang:

- Chu Thiên căn cứ vào bài Cảm tác, được ông coi là của Cao Bá Quát, trong đó có câu:

Tự Đức tứ niên thư ký lạp,

Nguyên tiêu tứ ngũ biệt kinh đô.

Nghĩa là:             “Năm Tự Đức thứ tư (= 1851), thư gửi đi tháng chạp,

Rằm tháng giêng (= 1852), tuổi 45 từ biệt kinh đô”.

Năm 1852, tác giả 45 tuổi (ta), tính ra năm sinh của Cao Bá Quát là 1808(1).

- Tảo Trang căn cứ vào bài Thiên cư thuyết được xác định là của Cao Bá Quát viết năm Nhâm thìn (1832), trong đó có đoạn: “Với tuổi của tôi, mới hai kỷ mà đã thấy núi sông thành quách cũ thay đổi ba lần…” (Dĩ dư niên phủ nhị kỷ, nhi sơn hà thành quách chi cựu, tam duyệt kỳ biến cải ...). Cuối bài Thiên cư thuyết có ghi: “Tháng mạnh thu, năm Nhâm thìn (1832)”, tính ra Cao Bá Quát sinh năm 1808(2). Ở đây, chính Tảo Trang ngờ rằng bài Cảm tác không phải là thơ của Cao Bá Quát nhưng kết luận của ông từ bài Thiên cư thuyết lại hoàn toàn trùng với kết luận của Chu Thiên.

Gần đây khi khảo sát thơ chữ Hán Cao Bá Quát còn ghi chép lại đến ngày nay, chúng tôi nhận ra bài Tặng Di Xuân cũng cho phép kết luận Cao Bá Quát sinh năm 1808. Đây là bài thơ đáng tin cậy vì có mặt trong các tập thơ Cao Bá Quát hiện lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Cao Mẫn Hiên tiên sinh thi, ký hiệu A. 1494, tr. 55; Cao Chu Thần thi tập, ký hiệu VHv. 1434/1, tr. 45; Cúc Đường thi loại, ký hiệu VHv. 1433, tr. 18b; Chu Thần thi tập, ký hiệu A. 2762, tr. 19b; Cao Chu Thần thi tập, ký hiệu A. 299, phần sau: Chu Thần Cao ngâm tập, tr. 11b. Bốn câu đầu của bài thơ như sau:

Thất niên tương thức tối tương thân,

Hành chỉ tâm kỳ cửu hứa chân.

Đồng tuế khước vi đồng bệnh khách,

Nại nhàn câu thị nại quy nhân.

Dịch nghĩa:                    Bảy năm quen nhau rồi rất thân nhau,

Mọi việc động tĩnh đều lấy chân tâm mà hẹn ước.

Bạn cùng tuổi lại vừa là khách cùng bệnh,

Người thích cảnh nhàn đều là người thích về vườn.

Chữ đồng tuế trong câu 3 có nghĩa là “thi đỗ cùng khoa” hoặc “sinh cùng năm”. Khảo sát thì thấy Cao Bá Quát và Di Xuân (tên tự của Diệp Xuân Huyên) là sinh cùng năm chứ không phải đỗ cùng khoa. Theo Quốc triều đăng khoa lục(3) thì Di Xuân sinh năm Mậu thìn (1808), đỗ Cử nhân khoa Mậu tý (1828), đỗ Phó bảng khoa Mậu tuất, Minh Mạng thứ 19 (1838), năm 31 tuổi, còn Cao Bá Quát chỉ đỗ Cử nhân năm 1831. Như vậy, Cao Bá Quát cùng sinh năm Mậu thìn (1808) với Di Xuân.

Với những căn cứ trên, có thể khẳng định Cao Bá Quát sinh năm 1808.

Về năm mất của Cao Bá Quát, theo tài liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn - sách Đại Nam thực lục chính biên - có ghi Cao Bá Quát chết trận vào tháng 12 năm Giáp dần(4). Thời điểm này tương ứng với tháng 1 năm 1855 (Dương lịch). Có người ghi năm mất của Cao Bá Quát là 1854, hoặc cuối 1854, có lẽ do không chú ý năm Âm lịch (Giáp dần) còn gồm cả tháng 1 năm Dương lịch (1855) sau đó. Sách Đại Nam thực lục chính biên còn ghi Cao Bá Quát bị chết trận; viên suất đội Đinh Thế Quang có công bắn chết Cao Bá Quát nên được thăng cai đội(5). Theo Chu Thiên, việc Cao Bá Quát bị chết trận còn được xác định căn cứ vào một bài văn chép trong Tùng viên thi tập của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị (1805-1880) là người đồng thời với Cao Bá Quát, trong đó có câu “…Lê Duy Cự… máu nhơ xe cũi; Cao Bá Quát… hồn rụng đạn bay”(6) và trong quyển Tùng song di vận ở bộ Ngô gia văn phái, ký hiệu A. 117, của Thanh Xuyên cư sĩ Cường phủ công (tức Ngô Thì Giai, 1818-1881, cháu Ngô Thì Nhậm) có chép một bài thơ nói về cuộc khởi nghĩa của Cao Bá Quát, nhan đề Cao Bá Quát tử trận(7). Gần đây, trong bộ Đại cương lịch sử Việt Nam, nhóm soạn giả gồm Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh (1998) cũng viết: “Đầu năm 1855, … Trong cuộc chiến đấu ác liệt Cao Bá Quát trúng đạn chết”(8)..

Vậy cũng có thể khẳng định Cao Bá Quát mất vào tháng 1 năm 1855 (tháng Chạp năm Giáp dần, Tự Đức thứ 7).

N.N.Q.

---o0o---

Chú thích:

1. Chu Thiên (1963), “Cao Bá Quát và cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương”, in trong Thông báo khoa học, tập 1 - Sử học (của Trường Đại học Tổng hợp), Nxb. Giáo dục, tr. 67-82.

2. Tảo Trang (1963), Góp thêm tài liệu về năm sinh và chỗ ở của Cao Bá Quát, tạp chí Văn học, Hà Nội, số 5, tháng 11, tr. 65-70.

3. Quốc triều đăng khoa lục (1974), bản dịch của Trúc Viên Lê Mạnh Liêu, Trung tâm Học liệu, Bộ Văn hoá Giáo dục và Thanh niên in lần thứ hai, Sài Gòn, tr. 63.

4, 5. Quốc sử quán Triều Nguyễn (chữ Hán), Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch (1973), Đại Nam thực lục chính biên, tập XXVIII, Đệ tứ kỷ I –Tự Đức năm thứ 7-11 (1854-1858), Nxb. KHXH, Hà Nội, tr. 85.

6. Chu Thiên (1963), tài liệu đã dẫn, tr. 69.

7. Chu Thiên (1964), Một bài thơ nói về việc Cao Bá Quát tử trận, tạp chí Văn học, Hà Nội, số 12, tr. 93-94.

8. Trương Hữu Quýnh (chủ biên) (1998), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập I (từ thời nguyên thuỷ đến 1858), Nxb. Giáo dục, tr. 460.

-----------------------------



[1] Chỉ riêng sách giáo khoa Văn học 11 - Tập một, phần Văn học Việt Nam của Bộ Giáo dục và Đào tạo, do Nguyễn Đình Chú và Trần Hữu Tá chủ biên, Nxb. Giáo dục ấn hành gần đây cũng có sự thay đổi, điều chỉnh, cho thấy biểu hiện chưa ổn định về tư liệu. Bản in năm 2000, 2001 của sách này, trang 19, chú năm sinh năm mất của Cao Bá Quát là 1808 - 1855; thì bản in các năm 2002, 2003, 2004 cũng sách này, trang 19, chú lại là 1809 - 1854.

Online Members

We have 477 guests and no members online

Homepage Data

63693919
Today
Yesterday
All
14211
23426
63693919

Show Visitor IP: 18.117.105.215
23-11-2024 09:12