09102024Wed
Last updateMon, 07 Oct 2024 12am

Góp phần tìm hiểu diện mạo văn học Phật giáo Việt Nam trước thế kỷ thứ X

1. Thử xác định cái mốc khởi nguyên và diễn trình của Văn học viết Việt Nam trước thế kỷ thứ X:

Văn học là một dòng chảy liên tục từ quá khứ sang hiện tại đến tương lai, và sẽ miên viễn theo thời gian. Chẳng phải ngẫu nhiên và cũng chẳng phải là hiện tượng đột phát khi chúng ta thấy vườn hoa văn học Lý Trần lại nở rộ và ngạt ngào hương thơm sắc thắm kể từ sau khi nước nhà giành được độc lập, mà nó phải có mầm mống trước đó, để khi có điều kiện, nó trỗi dậy mãnh liệt. Thời kỳ thai nghén để hình thành đó đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng qua một thời gian khá dài hơn nghìn năm, có lẽ từ lúc mới dựng nước cho đến khi đất nước bị lệ thuộc phong kiến phương Bắc. Trong quãng thời gian bị giặc ngoại xâm lược, có lúc đất nước giành lại độc lập, tự chủ với những tên tuổi Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục, Khúc Hạo, Khúc Thừa Dụ, Phùng Hưng, tuy còn ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để làm nên “sự hồi sinh mạnh mẽ hệ thống điển huấn pháp luật Việt Nam trên mặt trận văn hoá – học thuật” ([1])

.

Lẽ nào một dân tộc, một đất nước “Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Nguyễn Trãi), với cuộc sống định cư và một nền văn minh lúa nước mỗi năm hai vụ; trồng dâu nuôi tằm mỗi năm tám lứa([2]) một đất nước có nền nông nghiệp đa dạng và tiểu thủ công nghiệp phát triển với sự mở cửa thông thương buôn bán với nước ngoài như đất nước Việt Nam ta hồi ấy lại không có chữ viết, không có một nền văn học của riêng mình? GS. Nguyễn Đổng Chi đã phát biểu rất chí lý rằng “Hễ có văn hoá thì phải có văn học([3]). GS. Trần Nghĩa cũng  khẳng định “Không có sự thai nghén, gầy dựng và tích luỹ của một ngàn năm văn học Việt Nam thời “Bắc thuộc” thì sẽ không có sự phát triển rực rỡ của văn học Việt Nam buổi Lý Trần. Nói một cách khác, muốn lý giải đầy đủ sự phồn vinh của văn học Lý Trần không thể không nghiên cứu kỹ văn học thời Bắc thuộc ([4]).

Nói thế để kết luận rằng có một nền văn học viết Việt Nam trước thế kỷ thứ X. Chính văn học thời kỳ này đã “Khai sinh ra nền văn học viết Việt Nam” để lấy đà tạo “bước nhảy vọt thứ nhất của văn học trung đại: nhảy vọt về xã hội ([5]) sau khi nước nhà giành được tự chủ với chiến công của Ngô Quyền. Điều đó có nghĩa là văn học viết Việt Nam trước thế kỷ thứ X không phải “không có” hoặc “quá ít ỏi”, hoặc “còn mờ nhạt” và “văn chương chữ nghĩa của họ cũng không có gì là đặc sắc, cho nên đã chết theo họ từ lâu” như trước đây có người đã phát biểu.

Thế thì, cái mốc khởi nguyên của nền văn học viết Việt Nam là thời điểm nào? Vấn đề đặt ra khá lý thú nhưng cũng không kém phần phức tạp, rắc rối. Người Việt Nam đầu tiên có ý thức đặt vấn đề này để nghiên cứu và bằng cái nhìn thấu tình đạt lý đã cố gắng dựng lại diện mạo văn học viết Việt Nam trước thế kỷ thứ X là cố Giáo sư Nguyễn Đổng Chi trong công trình “Việt Nam cổ văn học sử”  (1942). GS. Nguyễn Đổng Chi đã gọi nền văn học đó là “Thời kỳ phát đoan([6]) với ba cái mốc gắn liền với tên tuổi của ba nhân vật: Lý Tiến đời Hán, Sĩ Nhiếp đời Tam Quốc và Khương Công Phụ đời Đường. Theo PGS. PTS Nguyễn Đăng Na thì “văn học Việt Nam hình thành nhờ ba cái “hích” đó. Cả ba cột mốc mà GS. Nguyễn Đổng Chi vạch ra ở đây là hoàn toàn chính xác và phù hợp với diễn trình văn học Việt Nam trước thế kỷ X  .

Ở mốc thứ nhất, mở đầu là bài Chiếu của Triệu Vũ viết năm 179 TCN tuyên bố bãi bỏ các nghi vệ hoàng đế; nối tiếp là bài Hịch của Lữ Gia viết năm 113 TCN bố cáo với người trong nước để kể tội Cù Hậu (Cù Thị, vợ Triệu Đà) sắp bán nước ta cho nhà Hán; và đặc biệt là bài Sở của Lý Tiến sau đó là cuộc biểu tình nhỏ của Lý Cầm trước sân rồng vào ngày Tết dưới triều Hán Hiến Đế (190 -220) để đề nghị đối xử bình đẳng với kẻ sĩ Việt Nam. Nhờ vậy mà người Việt bấy giờ phần nào được ngang hàng, bình đẳng với người Trung Quốc trong hoạt động văn học và chính trị xã hội. Ở mốc thứ hai, với tên tuổi Sĩ Nhiếp đời Tam Quốc. Sĩ Nhiếp (136 -226) là con viên Thái thú cũ ở quận Nhật Nam, năm 187 lĩnh ấn Thái thú, được giữ lấy đất nước mà cai trị. Ông đã truyền bá chữ Hán và Nho học vào Việt Nam, được tôn là “Nam Giao học tổ”, và là người có công “đem lại cho kho văn học được khá nhiều dấu vốn, có thể tiêu biểu cho ngót chục thế kỷ ấy được([7]). Ở mốc thứ ba gắn liền với tên tuổi hai anh em Tiến sĩ Khương Công Phụ và Khương Công Phục đang làm quan vào đời Đường với bài văn chế sách “Đối trực ngôn cực gián sách” và bài phú “Bạch vân chiếu xuân hải”. Khương Công Phụ còn là người mở ra trào lưu du học cho người Việt([8]). Sau đó, năm 1975 trong một bài viết, GS. Trần Nghĩa đã cung cấp, bổ sung thêm một số tác phẩm văn học viết thời Bắc thuộc([9]).

Ở miền Nam từ năm 1976, Lê Mạnh Thát trong các công trình của mình ([10]), đã góp thêm tiếng nói về văn học thời kỳ này với những tác giả, tác phẩm được xác định các mốc thời gian tương đối cụ thể. Trong Sơ thảo lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2a, cảo bản 1979, in rônêô, ông đã chia lịch sử Việt Nam và lịch sử văn học thành văn Việt Nam thành ba thời đại chính.

1/ Thời đại độc lập nguyên thuỷ từ khởi nguyên cho đến năm 43 sau dương lịch.

2/ Thời đại giải phóng dân tộc từ năm 43 cho đến năm 939.

3/ Thời đại hùng cứ đế vương từ năm 939 cho đến bây giờ. Từ đó ông nêu tên các tác giả, tác phẩm văn học từ đầu đến năm 939. Bài Việt ca là tác phẩm văn học thành văn duy nhất thời Hùng Vương, hiện còn lại có ghi trong sách Thuyết uyển của Trung Quốc([11]). Sau bài Việt ca là bài thơ bằng tiếng Quốc âm viết năm 17 TCN. Tiếp theo là Lý hoặc luận của Mâu Tử viết năm 195-198; sau đó là những tác phẩm của Khương tăng Hội viết từ năm 230 – 280… và kết thúc bằng thơ, kệ của các thiền sư, thuộc hai dòng thiền Ty-Ni-Đa-lưu-Chi và Vô Ngôn Thông với tên tuổi: Pháp Hiền, Định Không, La Quý An (dòng tỳ Ni Đa Lưu Chi); Cảm Thành, Thiện Hội, Vân Phong (dòng Vô Ngôn Thông) ([12]).

Trên cơ sở các nguồn tư liệu trên, có thể xác định cái mốc khởi nguyên và phác thảo về diễn trình của văn học trước thế kỷ thứ X như sau:

- Mở đầu là bài Việt ca xuất hiện cuối thời Hùng Vương (dựa theo tư liệu của Lê Mạnh thát, chưa thấy toàn văn).

- Chiếu thư của Triệu Vũ Đế viết năm 179 TCN.

- Hịch của Lữ Gia viết năm 113 TCN.

- Bài thơ bằng tiếng Quốc âm viết năm 17 SCN (theo tư liệu của Lê Mạnh Thát, chưa thấy toàn văn).

- Lời biện bác với vua Hán Minh Đế (58 -75) của Trương Trọng.

- Bài sớ tâu với vua Hán Linh Đế (184 -189) của Lý Tiến và cuộc biều tình nhỏ của Lý Cầm, Bốc Long, đòi quyền bình đẳng vào triều Hán Hiến Đế (190-220).

- Lý hoặc luận của Mâu Tử viết khoảng năm (195 -198).

- Vai trò của Sĩ Nhiếp trong việc mở mang học thuật và truyền bá Nho học vào cuối thế kỷ thứ II SCN.

- Đạo Thanh cùng Chi Cương Lương Tiếp dịch kinh Pháp hoa tam muội và một số kinh khác vào năm 255.

- Khương Tăng Hội soạn Lục độ tập kinh, Cựu tạp thí dụ kinh, viết lời tựa cùng chú sớ nhiều kinh sách từ năm 230 -280. Đặc biệt, ông là người chép lại truyện cổ Việt Nam trong Lục độ tập kinh cũng như dùng Chữ Hán ghi âm tiếng Việt theo hình thức tá âm trong kinh ấy.

- Chí Hàm viết Triệu tâm ký vào giữa thế kỷ thứ IV.

- Cuộc tranh luận giữa Đạo Cao, Pháp Minh và Lý Miễu thông qua sáu bức thư vào nửa đầu thế kỷ thứ V. Đạo Cao viết Tá âm, Tá âm tự, Đạo Cao pháp sư tập.

- Kệ của Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Pháp Hiền vào thế kỷ thứ VI có ghi trong Thiền uyển tập anh.

- Phong trào du học vào thế kỷ thứ VII, VIII của các tăng sĩ Việt Nam.

- Những tác phẩm luận thuyết và bài thơ Thương Đạo Hy pháp sư của Đại Thừa Đăng viết năm 675.

- Việc xướng hoạ giữa các nhà thơ đời Đường với các nhà sư Việt Nam.

- Tụng, kệ, sấm vĩ, ngữ lục của Thanh Biện (thế kỷ VII) và Định Không (thế kỷ VIII).

- Khương Công Phục với bài văn chính luận, Khương Công Phụ với bài văn sách và bài phú nổi tiếng Bạch vân chiếu xuân hải.

- Bài thơ Đề lữ thấu của Liêu Hữu Phương.

- Hai bài thơ Tống Mã Thực và Thích An Nam sự của anh cử nhân (học trò?) vô danh vào thế kỷ thứ IX.

- Kệ, nhữ lục, sấm vĩ của các thiền sư Cảm Thành, Thiện Hội, Vân Phong, La Quý An vào cuối thế kỷ thứ IX có ghi trong Thiền uyển tập anh.

Từ đó, có thể trình bày đôi nét về diện mạo, đặc điểm của văn học Phật giáo trước thời Lý Trần như sau.

2. Mấy nét về diện mạo và đặc điểm văn học Phật giáo trước thời Lý Trần (trước thế kỷ thứ X).

Trên cơ sở diễn trình vừa nêu, có thể nói văn học viết Việt Nam trước thời Lý Trần có rất ít tác phẩm là của các nhà Nho, quan chức, số còn lại, đại bộ phận là những tác phẩm thuộc văn học Phật giáo.

Trước hết, phải kể đến tác phẩm đầu tiên không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn cả vùng Viễn Đông. Đây là một tác phẩm mà nhiều thế kỷ các học giả Trung Quốc, Nhật Bản đã để nhiều công sức nghiên cứu. Đó là Lý hoặc luận của Mâu Bác (Mâu Tử). Mâu Bác sinh khoảng vào năm 165, tại quận Thương Ngô (vùng Ngô Châu ngày nay) bên dòng Tây Giang. Khi Hán Linh Đế mất (189), Trung Quốc loạn lạc bởi nạn Tam Quốc, khoảng năm 190 ông cùng mẹ sang Luy Lâu (Thuận Thành, Hà Bắc) lánh nạn. Sách Phật tổ lịch đại thông tải có cho biết Mâu Bác lúc đầu theo đạo Hoàng Lão, ông giỏi cả Nho học, sau đó mới theo Phật tại Giao Châu (tức sau năm 190). Ông là người giỏi biện luận nên được Chu Phù mời ra làm quan nhưng ông từ chối. Về già, ông trở lại Thương Ngô và không rõ mất năm nào. Lý hoặc luận được Mâu Bác viết tại Giao Châu vào những năm 195-198 khi ông đã quy y theo Phật.

Về mặt thể loại, đây là loại tác phẩm Luận thuyết triết lý theo lối vấn đáp, một lối văn rất thịnh hành vào thế kỷ thứ III, IV TCN tại Ấn Độ vào thời Phật giáo Ấn Độ chia làm nhiều bộ phái, sau khi Phật Thích Ca nhập diệt khoảng 200 năm. Tác phẩm được ghi lại trong Hoằng minh tập của Tăng Hựu, người đời Lương. Tác phẩm này cũng được nhắc đến trong Tuỳ chí và Đường chí. Toàn văn cũng được in lại trong Đại tạng kinh chữ Hán, tập 52. Ở Việt Nam, cùng một lúc, có hai nhà nghiên cứu phát hiện tác phẩm này vào trước năm 1975 là Lê Mạnh Phát (Sài Gòn) và Trần Nghĩa (Hà Nội). Đặc biệt, Lê Mạnh Phát còn có một chuyên luận dày 568 trang nghiên cứu về Mâu Tử và Lý hoặc luận (1982).

Về mặt nội dung, Lý hoặc luận là một luận thuyết triết lý, lý giải những điều mê lầm của một số người không hiểu đạo Phật. Bộ luận thuyết gồm có 37 câu hỏi và câu đáp. Từ câu 1 đến câu 28 là những vấn nạn của người theo Khổng hỏi về Phật; từ câu 29 đến câu 37 là những vấn nạn của người theo Lão. Có thể tóm tắt nội dung như sau:

Câu 1, 2: Giải thích về Phật. Mâu Tử cho rằng Phật không phải là một nhân vật lịch sử thường tình mà là bậc siêu nhân, thần thông, biến hoá.

Câu 3, 4: Nêu tính cao siêu huyền điệu của đạo Phật mà tư duy và ngôn ngữ thế gian, con người khó lòng hiểu thấu đạt.

Câu 5: Kinh sách Phật có vạn quyển trong lúc Khổng Tử chỉ có Tứ thư, Ngũ Kinh.

Câu 6, 7, 8, 9, 10: Bài bác tư tưởng hẹp hòi câu nệ của Khổng giáo. Người đi tu cạo bỏ râu tóc, thoát ly gia đình, lìa bỏ tài sản. Theo Khổng, trong ba tội bất hiếu, không có con nối dõi là tội bất hiếu lớn nhất. Phật quan niệm rằng, cái nhiễm là gốc của sinh tử. Lìa ái dục để giải thoát, bỏ sinh diệt để đạt bất diệt. Hiếu đạo không chỉ bó hẹp giới hạn trong việc thừa kế.

Câu 11, 12: Giải đáp cách ăn mặc của tăng sĩ. Người tu hành không được theo các tập quán sang trọng của thế gian. Cần mặc vải thô xấu, phải ăn ngủ nghỉ không đầy đủ. Có tri túc và thường túc thì mới có phẩm hạnh. Quy định bấy giờ tăng sĩ mặc cà sa đỏ và khi tiếp xúc với người không quỵ luỵ, săn đón.

Câu 13, 14: Giải đáp thuyết tái sinh của Phật, đả kích tà ma quỷ thần, linh hồn bất tử của Khổng giáo. Câu 14 còn phê phán tư tưởng Đại Hán, tư tưởng này cho rằng các giống dân ngoài người Hoa hạ đều là di, địch, mọi rợ. Mâu Tử khẳng định Trung Quốc chưa chắc là trung tâm của trời đất.

Câu 15, 16: Trình bày thuyết lý theo pháp chứ không theo người. Không nên vì tăng sĩ có vợ, rượu chè, dối trá mà cho rằng đạo Phật là xấu. Không nên thấy hiện tượng mà quy là bản chất.

Câu 17, đến câu 20: Nêu những đức hạnh và thể thức thực hành của Phật giáo; bố thí, giảng dạy bằng thí dụ hình ảnh…

Câu 21: Xác định Phật giáo vào Giao Châu là cùng thời với Phật giáo Trung Quốc thời Hán Minh Đế (năm 68).

Câu 22 đến câu 28: So sánh Phật với Khổng Tử. Mâu Bác cho rằng Khổng, Lão như hang khe, bó đuốc, Hoa lá; còn Phật như là mặt trời, là quả trái thơm ngon.

Câu 29 đến câu 37: Đả kích Lão Tử, Đạo giáo, Mâu Bác cho rằng các phép thanh đàm, tịch cốc, luyện thuốc trường sinh là do các Đạo gia bịa đặt. Lão Tử không có chủ trương như thế, vì ông đã nói “Trời đất không tồn tại lâu dài, huống hồ là con người”([13]).

Có thể nói rằng, Lý hoặc luận là một tác phẩm luận thuyết về Phật học nổi tiếng, có giá trị nội dung lớn. Qua lập luận của Mâu Bác, tác phẩm đã dùng lời lẽ Nho Lão đả kích Nho Lão, xiển dương Phật giáo, làm cho ảnh hưởng của Khổng, Lão lung lay. Đặc biệt, dù là người Hán nhưng sống tại Việt Nam, học Phật và viết sách tại Việt Nam nên Mâu Bác đã phê phán tư tưởng Đại Hán ở câu 14. Ông cho rằng “Đất Hán chưa chắc là trung tâm của trời đất” (Hán địa vị tất vi thiên trung). Qua ý kiến trên, nếu muốn coi đây là tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam không phải là không có căn cứ.

Sang thế kỷ thứ III, có thể kể đến hai tác giả là Đạo Thanh và Khương Tăng Hội.

Đạo Thanh người Việt, thông giỏi Phật pháp, khi sư Chi Cương Lương Tiếp (Cương Lương Lâu Chí) từ Ấn Độ sang Việt Nam truyền đạo thì Đạo Thanh đã cùng với ông này dịch Kinh Pháp Hoa tam muội vào năm 225. Đây là bộ kinh thuộc hệ thống Đại thừa Phật giáo([14]).

Còn Khương Tăng Hội người gốc Khương Cư (tức vùng Sogdiane, nay là Udơbêch) thuộc dòng dõi giai cấp Ba-la-môn. Tổ tiên giới đến sinh sống tại Ấn Độ. Từ Ấn Độ, cha của Hội sang Giao Châu buôn bán, lấy vợ và sinh Hội tại đây khoảng năm 195([15]). Khi Hội hơn 10 tuổi, song thân qua đời, Hội xuất gia học Phật tại Giáo Châu. Quyển kinh mà Hội đã chú sớ và đề tựa là Kinh An ban thủ ỷ, trong lời tựa, ông đã viết “Tôi sinh ra như dấu tích cuối cùng, vừa có đủ sức vóc thì cha mẹ đều mất, bậc tam sư cũng viên tịch, nhìn lên mây trời, lòng cảm thấy buồn, vì thiếu người giáo dưỡng”. Trong Cựu tạp thí dụ kinh, một quyển kinh do ông biên soạn, có ghi lời bình của thầy, ông cũng đã nhiều lần nhắc lại ý này. Sách xưa chép rằng, ông bẩm sinh đã thông minh lại thích nghiên cứu học hỏi tính cần, tính chân thật hoà nhã. Nhờ thế mà ông đã thông thạo kinh điển giáo pháp. Ông lại giỏi cả Phạn nhữ, Hán ngữ cùng tiếng Việt, còn thông cả lục thư, toán số; biết thiên văn và tinh tường cả văn chương lẫn hành chính. Ông đã biên soạn, biên dịch, viết lời tựa cùng chú sớ – chú giải nhiều bộ kinh thuộc Đại thừa Phật giáo và Thiền học. Vai trò của ông trong việc hoằng dương đạo pháp không chỉ ở Việt Nam mà còn cả Trung Quốc. Vào thời Ngô Tôn Quyền, khi Phật giáo chưa phát triển khắp miền Giang Tả thì Tăng Hội đã chống gậy đến đây hoằng hoá. Ông đã đến Kiến Nghiệp, kinh đô của nước Ngô vào năm Xích Ô thứ 2 (năm 247). Nhờ tinh thông Tam tạng kinh điển, giỏi về pháp thuật mà Hội đã thu phục được niềm tin của Ngô Tôn Quyền. Quyền xây chùa mời ông về trụ trì. Đây là ngôi chùa đầu tiên ở Giang Đông, nên có tên là chùa Kiến Lý. Như vậy Hội là người đầu tiên có công truyền bà đạo Phật ở vùng Giang Đông và làm cho Phật giáo ở đây hưng thịnh. Ông tịch khoảng năm 280 niên hiệu Thái Khương đầu nhà Tấn. Bên cạnh sự nghiệp truyền đạo, chấn hưng Phật pháp, từ những năm 230 đến 280, trong những ngày ở Việt Nam và ở Trung Quốc, ông đã biên dịch, biên soạn, chú giải và viết lời tựa nhiều tác phẩm có giá trị như sau:

Biên dịch:

- Kinh Bát thiên tụng Bát nhã.

- Ngô phẩm (Đạo hành Bát nhã) (hiện không còn).

Biên soạn, biên tập:

- Lục độ yếu mục (hiện không còn).

- Nê hoàn phạm bối (hiện không còn).

- Lục độ tập kinh.

- Cựu tạp thí dụ kinh.

Viết lời tựa cùng chú sớ:

- An Ban thủ ý kinh (An Thế Cao dịch, Tăng Hội và Trần Tuệ chú sớ, Tăng Hội đề tựa).

- Pháp cảnh kinh (An Huyền dịch, Tăng Hội chú sớ, đề tựa).

- Đạo Thọ kinh (Chi Khiêm dịch, Tăng Hội chú sớ và đề tựa).

Qua liệt kê những tác phẩm trên, đáng chú ý là những bộ kinh đều thuộc hệ thống Đại thừa và nội dung chứa đựng tư tưởng Thiền học. Điều đó, như đã nêu trên ở phần trước, chính Khương Tăng Hội là người đầu tiên phát triển Thiền học tại Việt Nam và mang Thiền học vào Trung Quốc, chứ không phải Tỳ Ni Đa Lưu Chi như nhiều học giả trước đây đã căn cứ vào Thiền uyển tập anh rồi khẳng định. những tác phẩm mang tư tưởng Thiền học có thể nêu là Bát thiên tụng Bát nhã, An ban thủ ý kinh và Lục độ tập kinh.

Đi sâu vào tìm hiểu tác phẩm Lục độ tập kinh do ông biên soạn, chúng ta thấy rằng, Khương Tăng hội có lẽ là người đầu tiên chép lại truyện cổ Việt Nam, đặc biệt là truyền thuyết cái bọc 100 trứng (truyện số 23) và là người đóng góp có ý thức về mặt ngôn ngữ tiếng Việt khi dịch kinh ra Hán văn. Theo kết quả nghiên cứu tỷ mỷ, sâu rộng của Lê Mạnh Thát trong chuyên luận Khương Tăng Hội toàn tập, tập 1 (615 trang) thì trong Lục độ tập kinh bằng chữ Hán văn có 15 trường hợp trong 11 câu chuyện có cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt, đó là Trung cung (2 lần) (trong cung), trung tâm (trong lòng) (8 lần), nhập trung (vào trong), thần thọ (thần cây), bệ thăng thiên (bệ lên trời) (2 lần), Trung đình (trong sân), thế cường, ngoại dã, sư hùng (theo ngữ pháp tiếng Hán phải là cường thế, dã ngoại và hùng sư) ([16]), và trong Cựu tạp thí dụ kinh giảng hoặc cũng có cấu trúc ngữ pháp như thế. Khương Tăng Hội còn là người dùng hình thức tá âm, mượn chữ Hán để ghi lại các âm tiếng Việt như cố = có; (Mẫu cố quật ấm = mẹ có đào hầm, truyện 14; Đại vương cố khiển thần quy tuyên mạng = đại vương có sai rùa thần truyền mạng, truyện 50 …); cố = cố; suy = xui (ngô cố trì ẩn, suy hựu phùng yên = ta cố chạy trốn, xui lại gặp vận, truyện 85); biệt = biết; bạc, bạ, bộ = bỏ, ở truyện 84. Ở truyện 14 có bài thơ miêu tả diện mạo lão phạm chí “Tỉ chính biển hổ, thân thể liêu lệ, diện sô thần đả, ngôn ngữ khiểng nhật”. Nếu bằng hình thức tá âm những chữ tỉ, diện, thần đọc là “mũi, mặt, môi” và từ “liêu lệ” “khiểng ngật” theo hình thức tá âm sẽ đọc là “rệu rạo, ngọng nghịu” thì sẽ thành bài thơ tiếng Việt mà không cần dịch: “Mũi chính vểnh vẹo, thân thể rệu rạo, mặt xô môi dày, ngôn ngữ ngọng nghịu(20). Trong kinh ở một chỗ khác, ông dùng chữ “Lung lệ” để ghi âm “lỏng lẻo”. Ngoài ra, còn có một số từ thuần Việt mà Tăng Hội đã dùng trong Lục độ tập kinh như núi diều tiếng Phạn Grdhrakuta, Hán ngữ phiên âm là Kỳ-xà-quật, hiện dịch là Linh Thứu sơn, khi ấy Tăng Hội đã viết Diều Sơn ([17]); chữ gu (những người gù được thẳng lưng) ở truyện 20 bản in đời Tống giữ nguyên chữ gù; Bản Đại tạng kinh đổi thành tỵ; truyện 33 và 25 có câu “làm bè để thả bạn xuống biển” trong lúc đó Hán như có chữ phiệt nhưng Tăng Hội đã dùng chữ bè.

Ngoài ra, trong Lục độ tập kinh còn nhắc đến những từ Hán Việt rất quen thuộc ngày nay như: giao chiến, mãnh lực, thế lực, vô đạo, nhân đạo, sinh ly, uỷ lạo, nghẹn ngào, cực khổ.

Từ cứ liệu ngôn ngữ trên, Lê Mạnh Thát kết luận rằng, khi soạn dịch Lục độ tập kinh sang tiếng Hán, Tăng hội có lẽ đã có trong tay một bản kinh tiếng Việt?

Ngoài ra trong Lục độ tập kinh, khi biên soạn, Tăng Hội đã cố ý ghi lại những câu chuyện cho phù hợp với truyện cổ Việt Nam mà chúng ta có thể tìm thấy nét tương đồng giữa những câu chuyện trong kinh với truyện cổ mà GS. Nguyễn Đổng Chi đã sưu tập trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Lục độ tập kinh có 91 câu chuyện. Có chuyện phê phán Nho giáo (truyện 49). Làm gì một bản kinh Phạn ngữ lại có nội dung này? Bởi lẽ Ấn Độ bấy giờ không có Nho sĩ và Nho giáo. Điều này, trong Lý hoặc luận của Mâu Tử cũng đã phê phán. Đây cũng chứng tỏ giới Phật tử Việt Nam bấy giờ đã có ý thức bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Lục độ tập kinh đã cải biên những câu chuyện để phù hợp với Việt Nam nhằm mục đích đạt hiệu quả sâu xa và lâu dài trong lòng người bản xứ. Có những câu chuyện trong kinh lại thống nhất hoàn toàn hoặc một phần với Kho tàng truyện cổ tích mà Nguyễn Đổng Chi đã sưu tầm. Như các truyện số 25, 37, 41, 45, 49 của kinh và các truyện số 9, 13, 48, 144, 162, 166 của Truyện cổ tích Việt Nam ([18]). Cuối cùng, Lục độ tập kinh và Cựu tạp thí dụ kinh đã nêu lên những chủ đề tư tưởng lớn của dân tộc như nhân nghĩa, trung hiếu, đất nước… những tư tưởng này làm cột sống cho chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam và truyền thống văn hoá Việt Nam ([19]).

Ở thế kỷ thứ IV, một tác giả có tên là Chí Hàn đã viết Triệu Tâm ký. Hiện chúng ta chưa biết gì nhiều hơn về tác phẩm này, trừ đôi nét mà Lê Mạnh Thát đã công bố ([20]).

Những năm thuộc nửa đầu thế kỷ thứ V, không thể không nhắc đến cuộc tranh luận về Phật pháp qua sáu bức thư giữa hai vị sư Việt Nam là Đạo Cao và Pháp Minh với một Sứ quân có tên là Lý Miễu (Diếu, Diễu). Về mặt niên đại sáng tác, sáu bức thư này có khả năng viết trong những năm 433 – 455. Sáu bức thư có nhan đề là “Cao Minh nhị Pháp sư đáp Giao Châu Lý miễu nạn Phật bất kiến hình thư”. Đạo Cao và Pháp Minh là hai nhà sư Việt Nam sống giữa triều Lưu Tống Trung Quốc ( 420 – 478). Về tiểu sử hai vị này, các tài liệu xưa không chép, chỉ có Toàn Tống văn, quyển 63 ghi là Đạo Cao, Giao Châu Pháp sư và Pháp Minh, Giao Châu Pháp sư. Về Lý Miễu, vài nhà nghiên cứu cho rằng có lẽ ông là một Sứ quân hay Thứ sử đứng đầu một quận huyện, là người của triều đình phương Bắc. Cũng có thể ông là phái viên đặc biệt của Triều đình Trung Quốc được giao phó một công việc nhất định nào đó trong một khoảng thời gian nào đó (Vì khi liệt kê tên những tên Thái thú, Thứ sử ở các quận huyện tại Việt Nam bấy giờ không ai tên Lý Miễu). Trong thư, Đạo Cao và Pháp Minh gọi Lý Miễu là Sứ quân.

Toàn văn sáu bức thư có ghi lại trong bộ Hoằng Minh tập của Thích Tăng Hựu, một vị sư đời Lương. Sau này Đại Tạng kinh, tập 52 có in lại. Toàn văn Sáu bức thư này đã được GS. Trần Nghĩa, dịch đăng ở Tạp chí Hán Nôm, số 2 – 1995).

Qua cuộc trao đổi tranh luận trong sáu bức thư giữa hai nhà sư và một vị sứ quân về việc “thấy hay không thấy chân hình Đức Phật” với nội dung tóm tắt như vừa nêu trên, chúng ta có thể phát biểu rằng, từ thế kỷ thứ IV, thứ V trở đi, Phật giáo Việt Nam đã phát triển mạnh và lúc này các tăng sĩ đã thấu đạt, uyên bác về Phật pháp và đã có tiếng tăm nên các sứ thần đã tìm đến vấn nạn, học hỏi về giáo lý uẩn súc, huyền vi của Thích Ca. Bên cạnh hai bức thư (số 2, số 4) trong số sáu bức thư, Đạo Cao còn là tác giả của sách nghiên cứu dạng Tự điển ngôn ngữ và Luận thuyết triết lý. Theo kết quả nghiên cứu trong Sơ thảo lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2A, 2B, Tu thư Vạn Hạnh, cảo bản in rônêô, 1979, thì Lê Mạnh Thát đã căn cứ vào tài liệu Nhật Bản quốc kiến tại thư mục ở tờ 34b 4 – 5 và tờ 48a 14 mà biết rằng Đạo Cao đã viết những tác phẩm Tá âm, Tá âm tự và Đạo Cao pháp sư tập. Tá âm và Tá âm tự là sách tra cứu dạng tự điển. Hai quyển sách này có lẽ được viết khoảng năm 390 – 400. Tá âm là mượn (âm) tiếng. Đây là cuốn sách ghi lại các tiếng, các chữ mà người Việt mượn tiếng Hán, chữ Hán để mô tả, ghi lại những đồ vật, sự vật ở Việt Nam mà chữ Hán không thể diễn đạt. Còn Tá âm tự có thể là một cuốn tự điển ngôn ngữ để tra cứu những tiếng quốc âm. Riêng cuốn Đạo Cao pháp sư tập được viết khoảng năm 450 – 460, là một tập luận thuyết triết lý gồm những bài viết, bài giảng của ông về Phật pháp, về triết lý tư tưởng đạo Phật. Đáng tiếc là ba cuốn sách trên hiện chưa tìm thấy. Tuy nhiên, qua việc biên soạn sách Ta âm và Tá âm tự, chúng ta có thể phát biểu rằng, trước đó rất lâu, từ thế kỷ I trước Công nguyên năm 17, người Việt đã có bài thơ bằng tiếng quốc âm mà sách Thuyết uyển của Lưu Hướng biên soạn đã chép lại. Rồi đến thời Sĩ Nhiếp (136? – 226), ông đã mượn chữ “da” () trong Hán văn để ghi lại tên một cống phẩm của người Việt nạp cho nhà Ngô vào những năm 210 – 226. Đó là quả dừa. “Da” chính là hình thức tá âm để ghi tiếng “dừa”. Đây là một căn cứ sinh động để giáo sư Nguyễn Đổng Chi và các nhà nghiên cứu khác cho rằng có lẽ chữ Nôm đã phôi thai từ thời Sĩ Nhiếp. Sang thế kỷ thứ III, với hai công trình biên soạn của Khương Tăng Hội: Cựu tạp  thí dụ kinh, Lục độ tập kinh thì hình thức tá âm đã được sử dụng nhiều và rộng rãi hơn. Vấn đề chúng tôi đã có dịp điểm qua ở phần trước. Vì thế, đến thế kỷ thứ V, việc ra đời các công trình ngôn ngữ như của Đạo Cao cũng có lẽ đương nhiên, là một tất yếu khách quan.

 Cũng khoảng giữa thế kỷ thứ V, Việt Nam đã xuất hiện một ngôi sao Thiền học. Đó là Huệ Thắng. Huệ Thắng là người được tâm ấn của sư Đạt Ma Đề Bà. Đề Bà là người sống cùng thời với Bồ Đề Đạt Ma. Hai vị này đã sang Việt Nam, Đạt Ma Đề Bà ở lại đây và truyền đạo Thiền cho Huệ Thắng. Trong khi ấy, Bồ Đề Đạt Ma tiếp tục chống gậy lên phương bắc. Vì cơ duyên chưa gặp nên sư vào núi Tung Sơn Thiếu thất “quán bích toạ thiền”, sau đó truyền tâm pháp cho Huệ Khả, mở đầu cho việc phát triển của Thiền tông Trung Quốc. Về Huệ Thắng, sách xưa không cho biết ông có trước tác phẩm nào không. Chỉ biết rằng ông tu tập thiền định, mỗi khi nhập định thì một ngày một đêm mới xả ([21]).

Cùng thời với Huệ Thắng còn có Đạo Thiền và Hiền pháp sư. Theo sách Tục Cao tăng truyện, Đạo Thiền là người Giao Chỉ, xuất gia từ nhỏ, giữ giới luật nghiêm túc, xuất gia từ nhỏ, giữ giới luật nghiêm túc, giỏi về luật học, sống trầm tĩnh, bình dị kham khổ, tu hạnh đầu đà. Ông đã từng cảm hoá cọp dữ ở vùng núi chùa Tiên Châu. Nhờ danh đức ông được Cảnh Lăng Vương (con thứ của vua Tề Cao Tổ (470-482) mời về kim Lăng giảng dạy Thiền luật. Còn Hiền pháp sư hiện chưa rõ tên tuổi quê quán, chỉ biết ông là người Giao Châu, sống thế kỷ thứ V. Ông là vị thầy truyền tam quy ngũ giới cho Vương Diệm từ lúc Diệm còn nhỏ, sống với cha đang làm quan tại Giao Châu. Việc này, Đạo Tuyên có nhắc đến trong Tập Thần châu tam bảo cảm thông lục, viết năm 664, quyển trung, Đại tạng kinh 2106 tờ 419a 15 – 16; sau đó, Đạo thế chép lại trong Pháp uyển châu lâm quyển 14 tờ 388c 10 – 29; mà sau này Lê Mạnh Thát đã kê cứu, ghi lại trong Sơ thảo lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2A ([22]). Về trước tác của hai vị này thì các tài liệu trên không nhắc đến.

Khoảng từ năm 580 đến năm 600, tức cuối thế kỷ thứ VI, có thể kể đến Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Pháp Hiền thuộc dòng Thiền với những bài kệ phú pháp mà sách Thiền uyển tập anh đã ghi lại.

Ở thế kỷ thứ VII –VIII, nhờ phong trào du học của các vị tăng sĩ, nho sĩ mà diện mạo văn học thời này có thể nói là phong phú, nhiều vẻ hơn. Trước hết, cần kể đến sáu nhà sư Việt Nam đã từng du học ở Trung Quốc, Trung Á, Ấn Độ có về Việt Nam truyền bá đạo pháp mà sách Đại Đường cầu pháp cao tăng truyện của Nghĩa Đường Cầu pháp cao tăng truyện của Nghĩa Tịnh có chép. Đó là Vận Kỳ, Giải Thoát Thiên, Khuy Xung, Huệ Diệm (Tuệ Viêm), Trí Hành và Đại Thừa Đăng. Đây là những trí thức tăng lữ mà theo GS. Nguyễn Đổng Chi, những vị này “có khả năng sáng tác văn chương” và “trình độ học vấn của họ chẳng kém gì người Trung Nguyên” ([23]).

Trong số sáu trí thức tăng sĩ vừa nêu thì Đại Thừa Đăng viết khá nhiều. Đại Thừa Đăng (Đại Thặng Đăng) tên Phạn là Ma Ha Da Na Bát Địa Dữ Ba (Mahayana Pradĩpa), người Ái Châu, từ nhỏ theo cha mẹ sang buôn bán ở xứ Đỗ Hoà La Bát Đế (Dãravati) (Ấn Độ) rồi xuất gia tại đây. Lớn lên, có lần theo sứ giả Diệm Tự về Trung Quốc và xin thọ đại giới với sư Đường Huyền Trang. Một thời gian sau ông về Việt Nam giảng đạo rồi trở lại Ấn Độ. Ông giỏi Phạn ngữ, Hán ngữ, tinh thông ba tạng kinh điển, có thể dùng Phạn ngữ để chú thích, giải thích kinh tiếng Phạn. Ông từng đi nhiều nơi trên đất Ấn Độ và tịch tại chùa Bát Niết Bàn (Parinirvãna) ở thành Câu Thi lúc sáu mươi tuổi.

Ông đã viết những bộ sách lý giải kinh, luận của Phật giáo như Câu xá luận ký, Duy thức chỉ nguyên, Đại thừa bách pháp minh môn luận thuật ký và Luận duyên sinh. Ông còn là tác giả của bài thơ Thương Đạo Hy pháp sư. Bài thơ được viết năm 675, lúc ĐạiThừa Đăng sang lại Ấn Độ, có đến thăm người bạn khi xưa cùng tu học với mình ở Trung Quốc tên Đạo Hy. Đến nơi, sư chỉ còn thấy dấu vết và bút tích của bạn còn người thì đã về cõi Tây Phương, nên ông nhỏ lệ tiếc thương mà viết bài thơ. Bài thơ đã được Nghĩa Tịnh chép trong Đại Đường cầu pháp cao tăng truyện, quyển thượng, tờ 4c 11-13. Bài thơ như sau:

            Phiên âm

Ta hỹ tư vương

Kỳ lực di cường

Truyền đăng chi sĩ

Yến dĩ vân vong

Thần châu vọng đoạn

Thánh cảnh hồn dương

Quyến dư trường nhi lưu thế

Khái bố tố nhi tình thương (13)

 

            Tạm dịch:

Khốn nỗi nhớ ông

Sức vẫn còn cường

Truyền đăng một đấng

Bỗng chốc tiêu tan

Hồn lìa khỏi xác

Về cõi Tây phương

Đoái trông buồn mà rơi lệ

Nghĩ khổ cực mà tình thương.

Bài thơ chỉ có 8 câu. Sáu câu đầu mỗi câu 4 chữ phù hợp với lối kể; 2 câu cuối, mỗi câu 6 chữ âm điệu dàn trải, mượt mà, dễ bộc lộ nỗi niềm cảm xúc, đó là lời bộc bạch, là tiếng khóc đớn đau đến xé ruột gan của nhà thơ đối với bạn. Chính hai câu cuối tạo âm vang cho tứ thơ và bộc lộ chủ đề của bài thơ ([24]).

Cũng trong những năm cuối thế kỷ thứ VII đầu thế kỷ thứ VIII có nhiều nhà sư danh tiếng được vua Trung Quốc mời sang tận Kinh đô giảng kinh, có vị dù ở nơi thâm sơn cùng cốc, nhưng nhờ danh đức mà các nhà thơ nổi tiếng đời Đường đến thăm. Tất cả họ có lẽ đã xướng hoạ thơ văn với các thi nhân đời Đường. Rất tiếc, những bài thơ xướng hoạ này hiện chưa tìm thấy, chỉ còn lại một số bài thơ tặng, thơ tiễn biệt của các thi sĩ đời Đường như Dương Cự Nguyên tặng Phụng Định Cung Phụng Định pháp sư; Giả Đảo (nhà thơ – thiền sư) viết hai bài: một tiễn Thiền sư Duy Giám và một tiễn Hoàng Hoà Tân - Tong An Nam Duy Giám pháp sư va Tống Hoàng Hoà Tân quy An Nam thi; Trương Tịch đã vào tận núi thăm một vị thiền tăng Việt Nam có viết bài thơ tặng Sơn Trung tặng Nhật Nam tăng thi; Còn Thẩm Thuyên Kỳ nhân một lần sang chơi ở Giao Châu, có bài thơ khen Vô Ngại Thiền sư ở chùa Sơn Tĩnh quận Cữu Chân Tặng Vô Ngại Thượng nhân. Sở dĩ ta biết được những  tác giả trên là nhờ sách Loại Hàm, Anh Hoa và Toàn Đường thi của Trung Quốc, mà sau này Lê Quý Đôn có ghi lại trong Kiến văn tiểu lục. Còn một nhân vật nữa là Tinh Thiều. Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên nhận định Tinh Thiều là người giỏi văn chương. Nhờ thế, nhà nghiên cứu Trịnh Vĩnh Thường Trung Quốc trong Hán văn học tại An Nam đích hưng thệ đã kết luận “Tinh Thiều là một văn học gia. Điều đó không còn nghi ngờ gì nữa… Đáng tiếc rằng tác phẩm của ông không còn lưu truyền([25]).

Một điều thú vị là, dù hiện nay chúng ta chưa tìm thấy thơ văn của các tác giả vừa nêu trên nhưng cũng có thể nói rằng, các vị là những người giỏi thơ văn và thơ văn của họ chẳng kém gì người phương Bắc. Có lẽ họ đã từng làm thơ xướng hoạ với các thi sĩ nổi tiếng đời Đường nên các thi sĩ này mới có thơ tặng lại.

Trong khoảng thời gian này có những đệ tử của dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi như Thanh Biện (thế kỷ thứ VII), Định Không (cuối thế kỷ VIII – 808) có những kệ thi tịch, những lời đối đáp với đệ tử mà Thiền uyển tập anh có chép. Định Không đã viết bài tụng và hai bài thơ mang tính sấm vĩ. Một lần, sư Định Không dựng chùa Quỳnh Lâm (khoảng năm 785 – 805), thợ đào móng có phát hiện được bình hương và mười chiếc khánh đồng. Sư sai người ra sông rửa sạch, có một chiếc rơi xuống sông trôi liệng, đến khi chạm mặt đất mới nằm im. Sư đã lý giải hiện tượng này và nhân đó đổi tên đất là Cổ Pháp, rồi làm bài tụng sau:

            Nguyên văn:

Địa trình pháp khí

Nhất phẩm trinh đồng

Tri Phật pháp chi “hưng long”

Lập hương danh chi Cổ Pháp

            Dịch:

Đất dâng pháp khí

Hạng nhất đồng ròng

Gặp thời Phật pháp thịnh hưng

Đặt tên làng là Cổ Pháp.

Bd, Thiền uyển tập anh Nxb, VH, trang [175 – 177]

            Và hai bài thơ.

            Bài thứ nhất:

Pháp khí xuất hiện

Thập khẩu đồng chung

Lý thị hưng vương

Tam phẩm thành công

            Dịch:

Pháp khí xuất hiện

Khánh Đồng mười tấm

Họ lý làm vua

Công đầu tam phẩm

(Bd Thiền uyển tập anh, VH, H, trấn 176-177)

            Bài thứ hai:

Thập khẩu thuỷ thổ khứ

Cổ pháp danh hương hiệu

Kê cư loan nguyệt hậu

Chính thị hưng tam bảo

            Dịch:

Mười cái xuống nước đất

Cổ Pháp tên làng ta

Gà ngồi hưng loạn phương

Tam bảo đến lúc hưng.

(Bd Thiền uyển tập anh, tr. 176)

Những điều mà sư Định Không tiên đoán trong các bài thơ, bài tụng trên sau này đã thành sự thật. Làng Cổ Pháp trở thành đất phát tích của dòng họ nhà Lý và Lý Công Uẩn lên ngôi vua mở đầu vương triều nhà Lý, dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên là Thăng Long, tạo điều kiện cho đất nước phát triển, Phật giáo hưng thịnh.

Về văn học Phật giáo, ở thế kỷ thứ IX đầu thế kỷ thứ X có thể nêu tên một số tác giả Thiền sư thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông như Cảm Thành, Thiện Hội, Vân Phong với những lời đối đáp khai ngộ cho đệ tử và kệ thị tịch (xem Thiền uyển tập anh). Đặc biệt là bài thơ kệ mang tính sấm vĩ của thiền sư La Quý An thuộc thế hệ thứ 10 dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Bài kệ được sư đọc lúc trồng cây gạo trước chùa Minh Châu vào năm 936, tiên đoán việc họ Lý sẽ lên ngôi vua:

Nguyên văn:

Đại sơn long đầu khởi

Cù vĩ ẩn Chu Minh

Thập bát tử định thành

Miên thụ hiện long hình

Thố kê thử nguyệt nội

Định kiến nhật xuất thanh

Dịch:

Đại sơn đầu rồng ngước

Đuôi dài náu Chu Minh

Thập bát tử dấy nghiệp

Cây gạo hiện long hình

Thỏ gà trong tháng chuột

Ắt thấy mặt trời lên.

(Bd Thiền uyển tập anh, tr. 178)

Văn học viết Việt Nam trước thời Lý Trần với diện mạo của nó như vừa nêu, chúng ta thấy rằng trừ một số tác giả Nho gia như Triệu Vũ Đế. Lữ Gia, Trương Trọng, Lý Tiến, Khương Công Phụ, Phùng Đái Tri, Liêu Hữu Phương thì đa số còn lại là các trí thức Thiền sư hoặc trí thức theo Phật; và đại bộ phận có các tác phẩm có giá trị, có bề dày trong văn học thời kỳ này đều thuộc về văn học Phật giáo.

-   Về mặt ngôn ngữ, tuy văn học trước thời Lý Trần được viết bằng chữ Hán nhưng trong đó chúng ta lại thấy phôi thai hình thức tá âm để hình thành chữ Nôm giai đoạn sau, đặc biệt là trong Hán văn lại được viết theo cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt. Điều đó cũng có nghĩa là nhà chùa là nơi đầu tiên sản sinh ra tá âm. Có lẽ đây là nền tảng, để giai đoạn sau chế tác ra chữ Nôm tương đối hoàn thiện và sử dụng để sáng tác tạo nên những tác phẩm văn học ưu tú.

-   Về mặt thể loại, văn học Phật giáo trước thời Lý Trần có mặt tương đối các thể loại văn học cổ – trung đại; ca, kệ, thơ, luận thuyết triết lý, tựa, chú giải, dịch thuật, thuật ký, thư tranh luận thơ, biên khảo. Những thể loại này phục vụ cho mục đích tôn giáo nên đa số thuộc văn học chức năng – một truyền thống của văn học cổ – trung đại, vì thế những tác phẩm mang tính hình tượng còn mờ nhạt. Tuy nhiên rải rác cũng có vài tác phẩm văn học hình tượng như Thương Đạo Hy pháp của Đại Thừa Đăng. Nếu mở rộng ra văn học nhà Nho thời này còn có những tác phẩm như phú Bạch Vân chiếu xuân hải (Khương Công Phụ), Đề lữ thấn (Liêu Hữu Phương) và hai bài thơ của anh học trò vô danh Tống Mã thực và Thích An Nam sự. Đó là những tiếng lòng với nhiều cung bậc tình cảm, thể hiện những sắc thái khác nhau của tác giả đối với đối tượng được phản ánh. Ở đây, riêng trong bộ phận văn học Phật giáo có các thể loại như:  tựa, chú giải, luận thuyết triết lý, thơ, kệ, tụng, dịch thuật, thuật ký, biên khảo dạng tự điển ngôn ngữ, thư tranh luận… chứng tỏ văn học Phật giáo thời kỳ này tuy mới hình thành nhưng đa dạng về thể loại, để giai đoạn văn học sau kế thừa, tiếp tục phát triển.

-   Về mặt nội dung thể hiện, đó là những tác phẩm mang nội dung truyền giảng Phật pháp (dịch thuật, tựa, chú sớ, chú giải, thuật ký, kệ, ngũ lục, lời đối đáp khai thị…). Đặc biệt, với chùm thư tranh luận ở thế kỷ thứ V “có hay không có chân hình đức Phật” đã mở đầu cho loại văn chương phê bình tranh luận mang tính chất học thuật và tác phẩm tá âm tự lại cắm cái mốc cho thể loại nghiên cứu, biên khảo về ngôn ngữ học. Một số thơ, kệ mang tính sấm vĩ, tiên đoán việc xã tắc của thời kỳ này cũng đã xuất hiện để giai đoạn sau phát triển với Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, Nguyễn Vạn Hạnh… 

Tóm lại, văn học trước thế kỷ thứ X trong đó chủ yếu là văn học Phật giáo như đôi nét diễn trình nêu trên không đến nỗi “ít ỏi”, “thiếu vắng”, “mờ nhạt”, “hoặc đã chết theo họ từ lâu” như có nhà nghiên cứu đã phát hiểu, mà trái lại, với số lượng tác giả, tác phẩm tuy không nhiều (so với lịch sử ngàn năm) ít nhiều đã góp phần làm nên diện mạo một thời đại văn học. Có thể nói dân tộc ta thật sự có một dòng văn học viết bằng chữ Hán trước thời Lý Trần (trước thế kỷ thứ X). Đây chính là thời kỳ phôi thai, hình thành để khi có điều kiện sẽ tạo nên sức bật mạnh mẽ cho văn học giai đoạn sau phát triển. Điều đó giải thích tại sao sau cả ngàn năm nô lệ, khi nước nhà vừa giành lại được độc lập tự chủ thì văn học lại phát triển mạnh, có những thành tựu to lớn như văn học thời Lý Trần.

(Tạp chí Hán Nôm số 4 – 1999)

 

 



[1] Lê Mạnh Thát, Khương Tăng Hội toàn tập, tu thư Vạn Hạnh, tái bản, 1994, tr.9.

[2] Lê Mạnh Thát, sđd, tr.64.

[3] Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, tập 1, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hóa, Sài Gòn, tái bản, 1970, tr.10.

[4] Trần Nghĩa, Một số tác phẩm mới phát hiện có liên quan tới dòng văn học viết bằng chữ Hán của người Việt thời Bắc thuộc, Tạp chí văn học, số 4, 1975, tr.84.

[5] Nguyễn Đổng Chi, sđd, tr.436.

[6] Nguyễn Đăng Na, Về phương pháp viết văn học sử của GS. Nguyễn Đổng Chi, Tạp chí văn học, số 3 – 1996, trang 39 – 43.

[7] Nguyễn Đổng Chi, sđd, tr.76 – 77.

[8] Nguyễn Đổng Chi, sđd, tr.87.

[9] Trần Nghĩa, tlđd, tr.84 – 99.

[10] Xem Lê Mạnh Thát:

a-       Sơ thảo lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, in roneo, Tu thư Vạn Hạnh, TP. HCM, 1976.

b-       Sơ thảo lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2A- 2B, in roneo, Tu thư Vạn Hạnh, TP. HCM, 1979.

c-       Khương Tăng Hội toàn tập, Tu thư Vạn Hạnh, tái bản, 1994.

d-       Nghiên cứu về Mâu Tử (2 tập) Tu thư Vạn Hạnh, tái bản, 1994.

[11] Lê Mạnh Thát, Khương Tăng Hội toàn tập, sđd, tr.7.

[12] Lê Mạnh Thát, Sơ thảo lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2A – 2B, tlđd, tr.168.

[13] Xem Mâu Tử  - Lý hoặc luận, bản dịch của Trần Nghĩa, Tạp chí Triết học, số 2 – 1994 (tr.57 -66), số 3 – 1994 (tr.69-74).

[14] Lê Mạnh Thát, Sơ thảo lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2A – 2B, tr. 168 -170.

[15] Lê Mạnh Thát, Khương Tăng Hội toàn tập, sđd.

[16] Lê Mạnh Thát, Khương Tăng Hội toàn tập, sđd, tr. 147 – 188.

[17] Lê Mạnh Thát, Khương Tăng Hội toàn tập, tr.169.

[18] Lê Mạnh Thát, sđd, tr. 270 – 277.

[19] Lê Mạnh Thát, sđd, tr.130 – 284.

[20] Lê Mạnh Thát, Sơ thảo lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2A, 2B.

[21] Theo Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, (3 tập) Nxb, KHXH, H, 1994.

 - Lê Mạnh Thát, Sơ thảo lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2A, 2B.

[22] Lê Mạnh Thát, Sơ khảo lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2A trang 139 – 149.

[23] Nguyễn Đổng Chi, sđd..

[24] Về bài thơ này và tác giả Đại Thừa Đăng, chúng tôi có nêu trên tạp chí văn học số 10 – 1997.

[25] Xem Nguyễn Đăng Na, Về phương pháp viết văn học sử của GS. Nguyễn Đổng Chi, Tạp chí văn học số 3 – 1996, tr.41.

Online Members

We have 220 guests and no members online

Homepage Data

62894405
Today
Yesterday
All
444
15568
62894405

Show Visitor IP: 18.207.255.67
09-10-2024 01:02