23112024Sat
Last updateTue, 19 Nov 2024 1pm

Ai là tác giả đích thực của bài “Á tế á ca”

1. 50 năm một câu hỏi: Ai là tác giả bài Á Tế Á ca: Tăng Bạt Hổ hay Phan Bội Châu?

Á Tế Á ca là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của phong trào Duy tân yêu nước đầu TK.XX. Bài thơ được truyền tụng rộng rãi trong dân chúng, được trường Đông Kinh Nghĩa Thục dùng làm tài liệu học tập, bồi dưỡng lòng yêu nước cho học sinh và được bí mật cho in và gửi đi khắp nơi. Sau này bài thơ được đưa vào hầu hết các tuyển tập văn học đầu TK.XX. Trước 1975 sách giáo khoa phổ thông ở miền Bắc cũng đưa một trích đoạn bài thơ này vào sách Trích giảng văn học, nên rất được nhiều người thuộc. Đây là phần đầu trích đoạn chắc nhiều người còn nhớ:

 

                            Non sông thẹn với nước nhà,

                        Vua là tượng gỗ, dân là thân trâu!

                          Việc dây thép, việc tàu, việc pháo

                          Việc luyện binh, việc giáo học đường.

                            Việc kỹ nghệ, việc nông thương,

                        Việc khai mỏ quặng,  việc đường hỏa xa.

                          Giữ các việc chẳng qua người nước,

                          Người chức bồi, người tước cu ly!

                            Thông ngôn, ký lục chi chi

                        Mãn đời lính tập, trọn vì quan sang!

Đây là đoạn trữ tình lâm ly bi thống phần cuối đoạn trích:

                Nghĩ lắm lúc bầm gan tím ruột,

                Vạch trời kêu mà tuốt gươm ra,

                    Cùng xương,  cùng thịt,  cùng da,

            Cùng hòn máu đỏ con nhà Lạc Long.

                Thế mà chịu trong vòng trói buộc,

                Bốn mươi năm nhơ nhuốc lầm than!

                    Thương ôi!  Bách Việt giang san,

            Văn minh đã sẵn, khôn ngoan có thừa.

                Hồn mê mộng tỉnh chưa, chưa tỉnh?

                Anh em ta phải tính làm sao?(1)

Bài thơ này có 4 truyền bản:

Một là  bản được Huỳnh Lý, Hoàng Ngọc Phách công bố lần đầu trong Sơ tuyển thơ văn yêu nước và cách mạng, tập 2, NXB.Giáo dục, Hà Nội, 1959

Hai là bản được Đặng Thai Mai sưu tập đưa vào công trình nổi tiếng của ông: Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu TK.XX, In lần thứ nhất, NXB.Văn hóa, Hà Nội, 1961.

Ba là bản của Trường Viễn đông Bác cổ mà Đặng Thai Mai dùng làm bản khảo chứng trong công trình trên.

Bốn là bản được Vũ Văn Sạch công bố gần đây. Bản này được lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 – Hà Nội (Cục Lưu trữ Nhà nước), hồ sơ số 71836 phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ(2).

Về tên gọi, ngoài tên gọi quen thuộc Á Tế Á ca (Bài ca Châu Á)(3), bài thơ này còn có hai nhan đề nữa là:

-         Đề tỉnh quốc dân ca (Bài ca thức tỉnh quốc dân)

-         Nam hải bô thần ca (Bài ca của một bề tôi trốn tránh người biển Nam).

Trong đó nhan đề cuối cùng, theo Vũ Văn Sạch là tên chính thức của bài thơ này.

Ngay từ khi đưa Á Tế Á ca vào các tuyển tập, người ta đã không rõ tác giả của nó là ai. Người thì nói là Nguyễn Thiện Thuật, người bảo là Tăng Bạt Hổ, người thì khẳng định chắc nịch là Phan Bội Châu, và một số người còn nói đến những tác giả khác nữa. Cẩn trọng nhất thì đề là “Khuyết danh” và xếp vào mục “Thơ văn không lưu tên tác giả”. Điều này rất dễ hiểu vì đây là thơ văn yêu nước chống Pháp nên phải lưu hành bí mật và tác giả của nó phải giấu tên để tránh bị truy nã. Xin lần lượt xem một số trích đoạn dưới đây theo trình tự thời gian:

Có thể nói người đầu tiên đặt câu hỏi về tác giả bài Á tế Á ca là Nguyễn   Hiến Lê. Trong Đông Kinh Nghĩa thục, xuất bản 1956, đoạn viết về vấn đề tác giả bài Á Tế Á ca, Nguyễn Hiến Lê viết: “Bài dưới đây (Á Tế Á) chưa biết rõ là của một giáo sư trong Nghĩa thục hay của cụ Sào Nam, chúng tôi cũng chép lại để tồn nghi”. Ông còn chú thích rõ hơn: “Người đọc cho tôi chép bài này có thể nhớ sai, nếu không thì giọng văn còn có chỗ non, chưa chắc là của cụ Sào Nam. Có thuyết bảo của cụ Nguyễn Thiện Thuật, lại có thuyết bảo là của cụ Nguyễn Thượng Hiền…” (4)

Thái Bạch trong Thơ văn quốc cấm thời Pháp thuộc, biên soạn năm 1960 đã đi đến khẳng định về tác giả bài Á Tế Á ca: “Theo thiển ý, tác giả bài này có lẽ là cụ Tăng Bạt Hổ, người Bình Định”(5).

Ở miền Bắc, Đặng Thai Mai trong Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu TK.XX xuất bản 1961 lại chưa dám khẳng định như thế, ông viết: “Tên tác giả bài thơ này hiện nay chưa biết là ai, có người nói là Nguyễn Thiện Thuật, lại có người nói của Tăng Bạt Hổ?”(tr.310)

Sau 1975 việc xác định tác giả bài thơ Á Tế Á ca vẫn bế tắc.

Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu TK.XX, Chương Thâu, Triêu Dương, Nguyễn Đình Chú biên soạn, NXB.Văn học Hà Nội, 1976 xếp Á Tế Á ca vào phần “Văn thơ không có tên tác giả”, đồng thời đưa ra nhiều dữ liệu hơn nữa về tác giả bài thơ: “có người nói là của Nguyễn Thiện Thuật, có người nói là của Nguyễn Thượng Hiền hoặc Dương Bá Trạc, có bản còn ký tên Sào Nam Tử, nhưng đều chưa có căn cứ đích xác”(tr.687).

Hợp tuyển thơ văn Việt Nam 1858-1920, Huỳnh Lý chủ biên, NXB.Văn học, Hà Nội, 1985 cũng có ý kiến tương tự, trong đó  đặc biệt lưu ý người đọc là bài Á Tế Á ca không phải của Phan Bội Châu: “Tác giả hiện chưa biết là ai? Có bản chữ Nôm ký tên Sào Nam Tử. Nhưng theo tài liệu của Phan Bội Châu cũng như ký ức của một số nhà Đông Du và Đông Kinh Nghĩa thục thì chắc chắn tác giả không phải là Phan Bội Châu. Có người nói là của Nguyễn Thiện Thuật, lại có người cho là của Tăng Bạt Hổ, của Dương Bá Trạc…cũng đều chưa có căn cứ”

Đến năm 1997 với việc Vũ Văn Sạch phát hiện ra bản Nam Hải bô thần ca (một tên gọi khác của Á Tế Á ca) ở Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 – Hà Nội (Cục Lưu trữ nhà nước, Hồ sơ 71836 phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ), thì vấn đề tác giả bài thơ dường như đã rõ ràng. Theo Vũ Văn Sạch tác giả bài thơ ấy chính là Phan Bội Châu, ông viết: “Có thể khẳng định bài ca trước đây được gọi là Á Tế Á ca hay Để tỉnh quốc dân ca chính là bài Nam Hải bô thần ca này, do Phan Bội Châu sáng tác vào năm 1906 tại Nhật Bản, rồi gửi về nước”(6).

Từ kết luận quan trọng này mà vấn đề tác giả bài Á Tế Á ca đã đặt ra âm ỉ hơn 50 chục năm nay đã có kết luận. Kết luận ấy có lẽ rất hợp lý nên được những công trình xuất bản sau đó về bài thơ này tin theo:

Chương Thâu trong công trình Đông Kinh Nghĩa Thục và Phong trào cải cách văn hóa đầu TK.XX (NXB.Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1997) đã đưa bài thơ này vào phần tuyển tác phẩm và đề tên tác giả đàng hoàng là Phan Bội Châu (tr.428).

Tổng tập văn học Việt Nam, tập 22, NXB.KHXH, Hà Nội, 1996, tr.175 do Chương Thâu biên soạn cũng chính thức đưa bài thơ này vào phần Thơ văn Phan Bội Châu.

 

2. Tăng Bạt Hổ chính là  tác giả của bài Á Tế Á ca

            Thế nhưng có thật Phan Bội Châu là tác giả bài Á Tế Á ca không? Vấn đề không đơn giản, vẫn còn có nhiều điều đặt ra:

(1)  Tại sao một bài thơ dài, nổi tiếng như vậy, thế mà trong Phan Bội Châu niên biểu cũng như trong những tác phẩm khác của mình, Phan Bội Châu không hề nhắc đến bài thơ này, dù chỉ một lần, trong khi ông nhắc đủ hết các tác phẩm khác như: Việt Nam vong quốc sử, Khuyến quốc dân tư trợ du học văn, Kính cáo toàn quốc phụ lão văn, Hải ngoại huyết thư…?

(2)  Lập luận mà Vũ Văn Sạch đưa ra về tác giả là Phan Bội Châu cũng chưa hoàn toàn thuyết phục. Về vấn đề này, ông viết: “Bài ca được viết và gửi từ Nhật Bản về Phủ thống sứ Bắc Kỳ vào năm 1906. Phủ thống sứ đã lưu trữ lại, rồi dịch toàn bộ bài này sang tiếng Pháp. Thống sứ Bắc Kỳ là Grosleau đã ghi nhận xét: “Đây là một bài ca phê phán chế độ bảo hộ đã được lưu truyền từ năm 1906, và lúc đó cho là của Phan Bội Châu””(7) Tôi cho rằng: bài thơ được gửi từ Nhật về Phủ thống sứ Bắc Kỳ năm 1906 thì chỉ có nghĩa là bài này được sáng tác từ 1906 trở về trước chứ không nhất định là sáng tác vào năm 1906. Thứ hai: vấn đề tác giả là Phan Bội Châu chỉ được nhận định một cách rất dè dặt “lúc đó cho là của Phan Bội Châu” chứ không có bằng cứ văn bản nào thật chắc chắn. Rõ ràng tài liệu tuyên truyền bí mật thì không dễ gì tìm được tác giả, hơn nữa vì thơ tuyên truyền của Phan Bội Châu quá nổi tiếng, nên người ta dễ gán những bài thơ tuyên truyền khác đều là của ông. 

(3)  Tên gọi Nam Hải bô thần ca 南海逋臣歌có nghĩa là “Bài ca của một bề tôi trốn tránh người biển Nam” (Bô: trốn tránh, có tội mà phải trồn đi)(8), điều ấy có nghĩa tác giả của nó không chỉ là người bôn tẩu xa quê mà còn là một người phạm tội mà phải trốn tránh.

 

Đọc kỹ Á Tế Á ca thì thấy thân thế của tác giả dường như cũng được bộc lộ một phần ở cuối bài thơ:

                            Thân phiêu bạt đã thành vô lại,

                            Bấy nhiêu năm Thượng Hải, Hoành Tân

                                Chinh Nga nhân lúc hoàn quân,

                        Tủi mình bô bá theo chân khải hoàn.

                            Bưng chén rượu, ân ban hạ tiệp,

                            Gạt dòng châu khép nép quỳ tâu.

                                Thiên Nam mù mịt ngàn dâu,

                        Gió tây như thổi dạ sầu năm canh.

                            Bao nhiêu nỗi bất bình khôn giải,

                            Mượn bút hoa mà gửi quốc âm.

                                Thân già bao quản cát lầm

                        Khuyên ai đúc chữ đồng tâm sau này.(9)

Theo đó tác giả của bài thơ này chính là người đã phiêu bạt nhiều năm ở Thượng Hải, Yokohama (Hoành Tân). Từng tham gia quân đội Nhật, đánh Nga chiến thắng trở về. Trong chiến thắng ấy ông đã được Thiên hoàng Nhật Bản là Minh Trị (trị vì 1868-1911) ban rượu mừng thắng lợi cho, nhưng ông chưa uống ngay mà quỳ xuống, nâng chén rượu lên tâu về thân thế “bị tội phải trốn tránh” của  mình và hoàn cảnh khốn khó của nước mình. Người ấy là ai? Nhất định không thể là Phan Bội Châu được. Vì Phan Bội Châu tuy có sang Nhật, nhưng không phải là “bề tôi bị tội phải trốn tránh”(bô thần, tủi mình bô bá), cũng không hề tham gia quân đội Nhật đánh Nga, cũng chưa hề gặp Thiên Hoàng Minh Trị chứ đừng nói đến chuyện uống rượu, quỳ tâu ở giữa bàn tiệc. Năm bài thơ ra đời khoảng 1905-1906 Phan Bội Châu mới chừng 38-39 tuổi thì không thể xưng là “thân già” được. Vậy người ấy là ai? Việc một bề tôi bị tội phải trốn tránh, tham gia quân đội Nhật và hành động khóc giữa sân triều cầu viện gắn liền với tên tuổi Tăng Bạt Hổ. Trong Đông Kinh Nghĩa Thục, Nguyễn Hiến Lê đã viết rõ về việc ấy. Xin phép trích ra dưới đây:

Người có công đầu dẫn đường cho các nhà cách mạng qua Nhật là cụ Tăng Bạt Hổ. Cụ quê ở Bình Định, lớn lên làm suất đội rồi lên cai cơ, cùng với Phạm Toàn mộ dân quân để chống Pháp, thua Nguyễn Thân nhiều trận, Thân biết cụ là người có tài, dụ hàng, cụ không chịu, lẻn qua Xiêm, rồi qua Trung Quốc tìm Lưu Vĩnh Phúc, Phúc chết, cụ xin làm thủy thủ một tàu buôn vừa để tự túc, vừa để quan sát tình hình các nước, tìm thêm đồng chí. Nhờ nghề đó, cụ thường qua lại Hoành Tân (Yokohama), Trường Kỳ (Nagasaki), được ít năm, nói thông tiếng Nhật, sung vào đội thủy quân Nhật. Trong Nga - Nhật chiến tranh, vì lòng căm hờn người Âu, cụ nguyện hy sinh giúp Nhật, nổi tiếng là quả cảm, có công lớn trong những trận Đại Liên, Lữ Thuận, được người Nhật khâm phục, thưởng huy chương quân công.

Ngày khải hoàn, cụ được dự bữa đại yến do Nhật hoàng đãi các tướng sĩ. Đỡ chén rượu của vua Nhật ngự rót thưởng cụ, cụ uống một hơi cạn rồi khóc lớn giữa triều đình. Nhật Hoàng hỏi, cụ giãi bày hết nỗi lòng:

- Tôi vốn không phải là người Nhật mà là một người vong mạng Việt Nam. Sau khi thất bại trong việc chống Pháp, tôi trốn qua Xiêm, qua Trung Hoa rồi tới đây, may được bệ hạ tin dùng. Nay thấy quý quốc thắng Nga, làm vẻ vang cho giống da vàng, tôi nghĩ đến tình cảnh nước tôi mà không cầm được giọt lệ. Bao giờ dân nước tôi mới được một bữa yến như bữa này của quý quốc!”(10)

Tuy nhiên tìm hiểu tiểu sử của Tăng Bạt Hổ thì đoạn viết trên của học giả Nguyễn Hiến Lê chỉ một nửa là sự thật, còn một nửa là huyền thoại.

Theo tư liệu của những người đương thời như Phan Bội Châu niên biểu của Phan Bội Châu, Việt Nam nghĩa liệt sử của Đặng Đoàn Bằng (Phan Bội Châu hiệu đính) thì có thể tóm tắt tiểu sử Tăng Bạt Hổ như sau:

Tăng Bạt Hổ(11) tên thật là Tăng Doãn Văn, tự là Sư Triệu, hiệu Điền Bát, bí danh Lê Thiệu Dần, sanh năm Mậu Ngọ (1858), tại làng An Thường, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Năm 17 tuổi đi lính triều Nguyễn thay anh. Ông là người có sức khoẻ, tinh thần dũng cảm nên lập được nhiều công to.

Năm 1885 ông tổ chức đội quân Cần vương ở Quảng Ngãi Bình Định với chức Đề đốc. Phong trào bị quân đội của Pháp và triều đình Đồng Khánh đàn áp, ông bị truy nã gắt gao phải trốn ra Bắc. Sau đó ông sang Trung Quốc tìm Lưu Vĩnh Phúc (chỉ huy quân Cờ Đen). Nghe tin Lưu đang chỉ huy quân đội ở Đài Loan, ông sang Đài Loan gặp Lưu cầu viện, nhưng không được. Ông lại sang Xiêm gặp dư đảng cần vương của người Việt ở đó. Tăng Bạt Hổ đi lại khắp vùng viễn đông vừa để trốn tránh, vừa chơ thời cơ – như chính ông nói: “đã lâu năm tôi đã đi qua các nơi Việt (Quảng Đông), Quế (Quế Lâm), sang Đài Loan, đến Đông Tam Tỉnh, rồi từ Thiên Tân, Thanh Đảo trở về Thượng Hải lại đi Nam Dương; lấy sóng gió làm gối, sương tuyết  làm cơm”(12)

Trước chiến thắng của thuỷ quân Nhật trong chiến tranh Nga Nhật 1903-1904, Tăng Bạt Hổ chuyển sang xu hướng duy tân. Ông vào Quảng Nam gặp Nguyễn Hàm, được Duy tân hội cử dẫn đường Phan Bội Châu sang Nhật.

Tháng 12 năm 1904 Tăng Bạt Hổ cùng Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính từ Quảng Nam lên đường đi Nhật. Tháng 1 năm Ất tỵ 1905 đến Hải Phòng, rồi đi theo thuyền buôn tới Hương Cảng. Ở đó mấy ngày gặp Nguyễn Thiện Thuật. Từ Hương Cảng đi tàu thuỷ đến Thượng Hải, từ đó đi tàu thuỷ Nhật đến Kobe (Thần Hộ). Từ Kobe đi xe đến Yokohama (Hoành Tân). Đến Yokohama đến toà soạn Tân dân tùng báo gặp Lương Khải Siêu.

Tháng 6 năm Ất tỵ 1905 Phan Bội Châu và Đặng Tử Kính về nước để đưa Cường Để xuất dương. Tăng Bạt Hổ vẫn ở lại Yokohama. Phan Bội Châu đến Hà Tĩnh, gặp Ngư Hải Đặng Thái Thân đến bàn việc. Tháng 9 năm ấy, Phan Bội Châu quay lại Nhật.

Tháng 9 năm Ất tỵ 1905 Tăng Bạt Hổ về nước để lo chuyện vận động tài chính(13). Mùa xuân Bính ngọ 1906 Tăng Bạt Hổ chạy khắp miền Trung lo vận động kinh phí và nhân tài cho phong trào Đông du. Mùa đông 1906 ông đến Huế, bị bệnh  mà mất. Hưởng dương 49 tuổi.

Trở lại đoạn trích của Nguyễn Hiến Lê về Tăng Bạt Hổ, nếu so đoạn trích ấy với sử liệu dẫn ra ở trên có thể thấy 2 điều:

Thứ nhất, Đoạn trích của Nguyễn Hiến Lê chỉ chính xác về những hoạt động của Tăng Bạt Hổ từ phong trào Cần vương cho đến chuyện Tăng Bạt Hổ dẫn đường cho Phan Bội Châu sang Nhật.

Thứ hai, chuyện Tăng Bạt Hổ đến vùng Đông Tam Tỉnh (Đại Liên, Lữ Thuận) lúc ấy thuộc Nga là có thật như ông từng nói. Nhưng chuyện ông tham gia quân đội Nhật đánh Nga ở đấy, rồi theo đoàn quân chiến thắng trở về, rồi nâng chén rượu hạ tiệp là không có, vì:

-         Không có tài liệu chính thức nào nói về chuyện đó. Theo Phan Bội Châu niên biểu Việt Nam nghĩa liệt sử thì Tăng Bạt Hổ chưa từng đến Nhật trước chuyến đi năm 1904 cùng Phan Bội Châu.

-         Tăng Bạt Hổ không hề biết tiếng Nhật. Chính Phan Bội Châu đã nhiều lần than về việc ấy, đơn cử một đoạn: “Chúng tôi (Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính-ĐLG) ngồi thuyền Nhật Bản đi Hoành Tân, đến lúc đó mới phát minh một việc rất khốn nạn, tiếng Nhật đã không thông, tiếng Tàu lại ú ớ, nói phô bằng bút, giao thiệp bằng tay, phiền luỵ không biết chừng nào! Ngoại giao như thế thật đáng xấu hổ.”(14)

Như vậy tại sao có huyền thoại “khóc cầu viện ở sân triều Nhật Bản” như Nguyễn Hiến Lê đã ghi? Chúng tôi không rõ lý do nào, nhưng phỏng đoán, có lẽ đây là một huyền thoại do Tăng Bạt Hổ (và có thể cả một số nhà  chí sĩ duy tân) đặt ra để cổ vũ lòng tự hào dân tộc và tạo thanh thế cho nhóm Đông du. Huyền thoại khóc cầu viện luôn gắn với Tăng Bạt Hổ. Trong Việt Nam nghĩa liệt sử có kể: “Được Tăng (Bạt Hổ) đến, Nguyễn (Hàm) rất vui mừng, nói hết mưu đồ của mình. Tăng cũng vui vẻ và nói với Nguyễn: “Ta nay làm việc lớn, nếu không có ngoại viện mà chỉ trông vào nội đảng, nếu tiếp tế không đủ thì sao?” Nguyễn nói ngay: “Tôi cũng lo như thế, nhưng biết ai làm Thân Bao Tư bây giờ?””(15). 

Việc Tăng Bạt Hổ khóc cầu viện ở Nhật Bản cũng  được Ngư Hải Đặng Thái Thân, một nhà chí sĩ cùng thời nhắc đến trong câu đối điếu Tăng Bạt Hổ:

Quân khởi kỳ sinh tác hí ư thời da? Đề binh thập nẫm, khứ quốc trấp dư niên; kí khốc ư Xiêm, kí khốc ư Hoa, kí khốc ư Nga, hốt hốt nhiên đại khốc ư Đông; thuỳ giáo tư nhập thu phong, hướng ngã thần kinh mai hiệp cốt;

Ngã bất tri tử chi vi hà vật dã! Độc thư ngũ châu, kết giao sổ thập bối; hoặc chiến dĩ thiệt, hoặc chiến dĩ bút, hoặc chiến dĩ não, đoan đoan đích trực chiến dĩ thiết, yếu đắc huyết lưu ôn đới, vi ngô hoàng chủng thụ hồng kỳ.

Câu đối ấy được cụ nghè Huỳnh Thúc Kháng dịch như sau:

Người há sanh làm giỡn với đời sao? Cầm binh một độ, bỏ nước hai mươi năm; đã khóc với Xiêm, đã khóc với Tàu, đã khóc với Nga; đùng đùng sang khóc lớn bên Đông; ai dè gió phất trời thu, nắm cốt về chôn thành đất Huế;

Ta chả biết chết là cái gì vậy! Đọc sách năm châu, kết giao vài chục bạn; hoặc đánh bằng lưỡi, hoặc đánh bằng bút, hoặc đánh bằng não;  khăng khăng chỉ độc đánh bằng sắt; thề quyết máu trôi đất nóng, cờ đào rõ mặt giống da vàng.(16)

Như trên đã phân tích bài Nam Hải bô thần ca (Bài ca của một bề tôi trốn tránh người biển Nam) không phải của Phan Bội Châu đúng như “ký ức của một số nhà Đông Du và Đông Kinh Nghĩa thục” mà học giả Huỷnh Lý đã lưu ý. Đồng thời cũng không phải của Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Bá Trác, vì Nguyễn Thượng Hiền sang Nhật năm 1908, Nguyễn Bá Trác sang năm 1909 mà bài thơ này lại ra đời từ 1906 về trước. Bài thơ cũng không phải của Nguyễn Thiện Thuật và Dương Bá Trạc vì hai ông không hoạt động ở Nhật. Bải thơ này là của Tăng Bạt Hổ vì những lẽ sau:

-         Bài thơ này gắn với Tăng Bạt Hổ cả sự thật (Thân phiêu bạt đã thành vô lại/ Bấy nhiêu năm Thượng Hải, Hoành Tân; sang Nhật cầu viện) và huyền thoại (khóc cầu viện trong bàn tiệc khải hoàn)

-         Tăng Bạt Hổ mới thực sự là “bề tôi trốn tránh” (bô thần, tủi mình bô bá) do hoạt động Cần vương chống lại quân đội triều đình.

-         Tăng Bạt Hổ lớn hơn Phan Bội Châu khoảng 10 tuổi nên phù hợp với chữ “thân già” trong bài thơ hơn là Phan Bội Châu (Thân già bao quản cát lầm).

-         Ông Tăng cũng có làm thơ. Chúng tôi ngờ rằng bản Á Tế Á ca này cũng là bản dịch và người dịch có thể cũng chính là Lê Đại, một nhà thơ nổi tiếng của Đông Kinh Nghĩa thục vì lời thơ khá giống với bản dịch Hải ngoại huyết thư.

Như vậy đã rõ, tác giả bài Á Tế Á ca, tức Đề tỉnh quốc dân ca (Bài ca thức tỉnh quốc dân), Nam Hải bô thần ca (Bài ca của một bề tôi trốn tránh người biển Nam) không phải là Phan Bội Châu mà chính là Tăng Bạt Hổ. Kết luận này không mới, trùng với nhận định của Thái Bạch trong Thi văn quốc cấm thời Pháp thuộc, nhưng vẫn cần thiết làm rõ để  xác định dứt khoát tác giả bài thơ này, tránh những ngộ nhận kéo dài cho đến tận gần đây. Từ đây có thể mạnh dạn đưa bài Á Tế Á ca ra khỏi phần “Thơ văn không lưu tên tác giả” hay thơ văn Phan Bội Châu, và đàng hoàng đề tên tác giả là Tăng Bạt Hổ, rồi để vào mục thơ văn của ông.

                                                            TP.Hổ Chí Minh tháng 9 năm 2007

                                                                                      Đ.L.G

1.       Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu TK.XX, của Đặng Thai Mai, lần thứ ba, NXB.Văn học, Hà Nội, 1974, tr.307 - tr.309. Đây là văn bản được dùng trong SGK ở miền Bắc trước 1975.

2.       Vũ Văn Sạch, Vũ Thị Minh Hương, Philippe Papin biên soạn, Văn thơ Đông Kinh Nghĩa thục, NXB.Văn hoá, Hà Nội, 1997, tr.143

3.       “Á Tế Á” là phiên âm Hán Việt của từ “Asia”

4.       Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh Nghĩa Thục, Lá Bối xuất bản, Sài Gòn, 1968, tr.67

5.       Thái Bạch, Thơ văn quốc cấm thời thuộc Pháp, Khái Trí tái bản, Sài gòn, 1968, tr.70

6.       Vũ Văn Sạch và những người khác, Văn thơ Đông Kinh Nghĩa thục, sđd, tr.144-145

7.       Vũ Văn Sạch: sđd, tr.144

8.       Vũ Văn Sạch dịch là : “Bài ca của người vùng biển Nam xa lìa quê hương vì việc nước” (sđd, tr.146) là chưa  thật chính xác.

9.       Theo bản Vũ Văn Sạch, sđd, tr.155, 156. Bản này có một số chữ khác so với bản quen thuộc của Đặng Thai Mai. Xét thấy bản Vũ Văn Sạch chính xác, hợp lý hơn, chúng tôi sử dụng bản này.

10.   Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh Nghĩa Thục, sđd, tr.29 – 30

11.   Tăng Doãn Văn có sức khoẻ phi thường. Sách Võ nhân Bình Định có lẽ dựa vào giai thoại sưu tầm được, có kể chuyện ông đi rừng gặp hổ, ông trừng mắt nhìn và nói với nó mấy câu, hổ sợ chạy mất. Có lẽ từ đó mà có danh “Bạt Hổ”. (dẫn theo báo Bình Định online ngày 16.03.2004)

12.   Đặng Đoàn Bằng, Việt Nam nghĩa liệt sử, Tôn Quang Phiệt dịch, in trong Tổng tập văn học Việt Nam tập 22, NXB.KHXH, HN, 1996, tr.883

13.   Theo Phan Bội Châu niên biểu. Còn theo Việt Nam nghĩa liệt sử của Đặng Bằng Đoàn thì  “Mùa hè 1906 Tăng Bạt Hổ được lệnh về nước hoạt động” (sđd, tr.885). Chúng tôi cho rằng tư liệu của Phan Bội Châu chính xác hơn tư liệu của Đặng Bằng Đoàn.

14.   Phan Bội Châu toàn tập, tập 6, Chương Thâu và những người khác biên soạn, NXB.Thuận Hoá, 1990, tr.89

15.   Đặng Đoàn Bằng, Việt Nam nghĩa liệt sử, sđd, tr.883. Thân Bao Tư là bề tôi nước Sở, nước mất chạy sang Tần quỳ ở sân triều khóc 7 ngày đêm để cầu viện. Vua Tần động lòng mà mang quân giúp Sở khôi phục lại nước.

  1. Tổng tập văn học Việt Nam, tập 22, NXB.KHXH, Hà Nội, 1996, tr.790

Online Members

We have 368 guests and no members online

Homepage Data

63693622
Today
Yesterday
All
13914
23426
63693622

Show Visitor IP: 18.119.122.140
23-11-2024 08:53