23112024Sat
Last updateTue, 19 Nov 2024 1pm

Vũ Anh Khanh - Cây bút hàng đầu của dòng văn chương tranh đấu miền Nam 1945-1954

Vũ Anh Khanh là nhà văn—nhà thơ—chiến sĩ nhiệt thành với con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, tác giả của nhiều tác phẩm giá trị được độc giả miền Nam đương thời say đắm. Theo Từ điển  văn học (bộ mới), ông tên thật là Nguyễn Năm, sinh năm 1926, quê ở thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Trước 1945, sống ở Sài Gòn, làm báo, viết văn([1]).

Vũ Anh Khanh được biết đến với tư cách nhà văn từ tác phẩm đầu tay Cây ná trắc do Tiếng Chuông xuất bản năm 1947, tức là khi ông 21 tuổi. Viết về những người dân quê chân chất, thật thà nhưng hết lòng vì kháng chiến bằng lời văn vừa mềm mại, vừa sôi nổi, tác phẩm truyện dài này ngay lập tức được công chúng đón nhận, mở đường cho Vũ Anh Khanh bước vào con đường văn chương tranh đấu. Liền những năm sau đó, ông đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm giá trị ở cả truyện ngắn, truyện dài lẫn thơ ca.

 

Năm 1949 là năm sáng tác hăng say nhất của Vũ Anh Khanh khi ông cho xuất bản một tập thơ trường thiên, hai tiểu thuyết và hai tập truyện ngắn, với số lượng phát hành kỷ lục so với các ấn phẩm thời bấy giờ, đưa Vũ Anh Khanh đi sâu vào lòng công chúng và nhanh chóng vươn lên vị trí tiêu biểu của bộ phận văn chương tranh đấu miền Nam giai đoạn này (riêng Bạt xiu lìn in 10.000 bản). Bài thơ Tha La nổi tiếng cũng được viết vào năm này.

 

Mùa xuân năm 1950, về Tây Ninh dự lễ Dân Quân Chính và Tết Quang Trung tổ chức vào ngày mùng một tết ở chiến khu Bời Lời. Ngày đầu năm sống trong không khí rộn ràng của chiến khu giải phóng, cạnh những người dân quê hồn hậu, đầy nhiệt thành yêu nước và những người chiến sĩ vừa gần gũi lại vừa mang vẻ oai hùng đã khiến Vũ Anh Khanh, một người cầm bút ở thành, cảm thấy xốn xang. Trở lại Sài Gòn, ông tiếp tục sáng tác hăng say. Trong năm này, ông cho xuất bản tập 2 của truyện dài Nửa bồ xương khô. Chỉ nửa tháng sau khi sách phát hành, tờ tuần báo Chiến đấu của giáo phái Hoà Hảo tấn công, chỉ trích, cho rằng Tân Việt Nam là cơ sở của Việt Minh nằm vùng và yêu cầu nhà cầm quyền tịch thu tác phẩm. Ngay lập tức sách bị thu hồi, nhà xuất bản bị đóng cửa và Vũ Anh Khanh gặp rắc rối với chính quyền, phải rút về vùng giải phóng. Theo lời kể của Thẩm Thệ Hà([2]), trước lúc ra đi Vũ Anh Khanh có gặp gỡ từ biệt ông cùng một người bạn nữa, rồi khảng khái ngâm mấy câu thơ trong Chiến sĩ hành, tác phẩm của chính Vũ Anh Khanh xuất bản một năm trước đó, để thể hiện quyết tâm và tráng khí người đi. Ở chiến khu, ông gặp gỡ những bạn bè văn nghệ khác như Rum Bảo Việt, Sơn Nam, Kiên Giang Hà Huy Hà, Việt Ánh, Xuân Vũ… Thế nhưng từ đó ông lại không sáng tác thêm gì nữa, ngoài truyện ngắn Mắt xanh sớm vẫn lầm than bụi đời đăng trên báo Xuân Việt Nam số tết năm 1951 với bút danh Vương Ấu Khương.

 

Sau hiệp định Gerneve 20/07/1954, cùng với nhiều nhà văn chiến khu miền Nam ngày ấy, Vũ Anh Khanh tập kết ra Bắc. Không có tài liệu nào ghi chép về quãng thời gian ông ở miền Bắc, ngoài việc ông thường hay đến nói chuyện với các nhà văn trẻ tập kết như Nguyễn Quang Sáng, Bùi Đức Ái, Xuân Vũ… với tư cách một đàn anh đã có tên tuổi trên văn đàn phương Nam bấy giờ. Tháng 12/1956, ông được cử làm đại biểu tham dự Hội nghị các nhà văn Á Châu ở New Delih, Ấn Độ, do Nguyễn Công Hoan là trưởng đoàn. Ông mất tại Quảng Trị cũng trong năm này([3]).

 

Với ba mươi năm tuổi đời ngắn ngủi và chỉ vỏn vẹn bốn năm cầm bút (1947-1950), Vũ Anh Khanh kịp lưu lại văn đàn một gia tài văn chương dày dặn với nhiều tác phẩm giá trị có tầm ảnh hưởng sâu rộng, mà theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sâm là được viết ra bằng một ngòi bút “có chân tài”([4]). Có thể vì lý do này khác, ông vướng phải những hoang mang, dao động trên con đường chiến đấu, nhưng trên đường văn học, ông trước sau vẫn hiện ra chân dung một nhà văn luôn nặng lòng với nhân dân và đất nước.

 

 

1.     Truyện ngắn

Gia tài truyện ngắn của Vũ Anh Khanh gồm 31 truyện in trong bốn tập: Đầm ô rô (1949), Sông máu (1949), Bên kia sông (1949) và Ngũ Tử Tư (1950) cùng một số truyện ngắn khác đăng rải rác trên các báo. Đây có thể được xem là một con số đáng kể trong khoảng thời gian sáng tác hơn hai năm ngắn ngủi.

 

Tuy số lượng nhiều nhưng thế giới hiện thực trong các truyện ngắn của Vũ Anh Khanh không rộng, chủ yếu tập trung khắc hoạ hai thế giới đối lập mà như nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sâm đã chỉ ra: thế giới của người ý thức tranh đấu cho quê hương và thế giới của những kẻ mê muội, không để tâm đến nguy vong của tổ quốc. Vì vậy mà những tác phẩm này đôi lúc có tình trạng trùng lặp hình ảnh nhân vật, bối cảnh và sự kiện. Khung cảnh một sòng bài bức nồng ngột ngạt, một nhà thổ mờ ảo nặng nề và hình ảnh người con gái thua bạc thất thểu canh khuya rồi ngả vào vòng tay của kẻ lắm tiền, hay chân dung người chiến sĩ trên dặm đường gió bụi, cảnh chiến trường tử địa, giây phút lâm chung… xuất hiện không dưới một lần trong truyện ngắn Vũ Anh Khanh, và có lẽ cũng là hình ảnh khá quen thuộc trong nhiều sáng tác tranh đấu ở miền Nam ngày ấy. Thế nhưng văn đàn vẫn dành riêng cho ông một vị trí quan trọng, nếu không muốn nói là đỉnh cao, là bởi ông đã sử dụng những hình ảnh ấy một cách rất khéo léo, khiến người đọc có cảm giác được nhìn thấy chứ không phải được nghe kể, được tự tìm hiểu chứ không phải bị hướng dẫn, dạy bảo. Viết về cuộc sống nơi đô thành với những tệ nạn cờ bạc, đĩ điếm, đục khoét đang dần làm mục ruỗng xã hội, bóp chết dần tinh thần tranh đấu của người dân, ông miêu tả từ cái nhìn của chính người trong cuộc: cảm giác cuồng say đến mờ mắt, mụ mị với những quân bài đỏ đen, với những tiếng “tài”, “xỉu”, cảm giác đói cồn cào khi nhẵn túi, cảm giác tủi hổ nghẹn lòng hay dày mặt sượng sùng khi bán rẻ cuộc đời trong sạch, và cả nỗi hối hận đến đờ đẫn khi ngoảnh đầu nhìn lại chuyện đã qua.

 

Thế giới sa ngã, u mê được khắc hoạ để tôn lên vẻ đẹp của thế giới những người chiến đấu. Thế giới ấy không phải chỉ có những người ở chiến khu, bưng biền, những người tấn công sào huyệt địch, hay những anh hùng dọc đường gió bụi như Mai Bằng Phương (Mai Phi), Phấn (Tóc thề), An, Sửu (Qua sông), Phổ (Miếng đỉnh chung), Diễm, Đường (Hai lá thư không gửi), Loan (Sài Gòn ơi!)… mà còn có cả những người chiến sĩ hoạt động ở thành, ẩn mình dưới cái vỏ bê tha truỵ lạc như Hoàng (Miếng đỉnh chung), người chiến sĩ không tên (Hối tắc)… và những người phụ nữ hướng về người đang chiến đấu, kiên cường trước những cám dỗ, thử thách của đời sống như Thơ (Miếng đỉnh chung), Huyến (Sông máu), Shihan (Mai Phi), vợ Thuận (Theo khói nhang rằm)… Hình ảnh người chiến sĩ được miêu tả thập toàn thập mỹ, phảng phất vẻ đẹp của người tráng sĩ thời xưa, vừa kiêu bạc anh hùng, vừa hào hoa lãng mạn, đặc biệt trong trí tưởng tượng của người con gái quê nhà.

 

Không khó để nhận ra dáng dấp Dũng thời Tự lực văn đoàn trong những người lính của Vũ Anh Khanh. Đồng thời họ còn mang dáng vẻ của người anh hùng Kinh Kha xưa bên sông Dịch Thuỷ. Có lẽ vì vậy mà chân dung người lính ở đây hơi thiếu nét mộc mạc, thô ráp của cuộc sống. Nhưng đây cũng là đặc trưng chung của văn học tranh đấu giai đoạn này: vừa bước tiếp nối của văn học lãng mạn giai đoạn trước, vừa ảnh hưởng không khí truyện Tàu rất phổ biến ở miền Nam thời bấy giờ.

 

Điều khiến người chiến sĩ trong truyện ngắn của Vũ Anh Khanh tuy thiếu sự mộc mạc, gần gũi nhưng vẫn làm rung động lòng người chính là tình cảm yêu thương đong đầy trong lòng họ. Tuy lúc nào cũng tỏ ra kiên cường gạt tình riêng vì nghĩa lớn nhưng người cầm súng chiến đấu vẫn hiện ra đa cảm như một văn nhân. Thiếu tá Vương Dung (Trên Thái Bình Dương) trong giây phút hiểm nghèo nhất đã cho phép mình được một phút yếu lòng đắm chìm trong ký ức về người yêu cũ, Mai Bằng Phương (Mai Phi) mấy mươi năm chiến đấu vẫn thương nhớ một người con gái miền cao, Hương (Tóc thề) những ngày ra trận vẫn giữ bên mình bài thơ thêu bằng chỉ đỏ trên vuông lụa trắng và mớ tóc thề của người nữ đồng chí.

 

Vũ Anh Khanh đã giải quyết rất khéo léo mối quan hệ giữa tình yêu nước, lý tưởng anh hùng với những tình cảm khác. Ông đề cao tình yêu nước xuyên suốt những tác phẩm của mình nhưng không tách rời khỏi tình yêu lứa đôi, tình cảm gia đình, tình bạn và cả tình người. Thế nhưng tình yêu nước luôn mang tính chất quyết định và vượt lên trên tất cả những tình cảm khác. Nó quyết định cảm xúc lứa đôi và nghĩa vợ tình chồng. Nó dẫn dắt đôi lứa đến bên nhau (Mai Phi, Tóc thề), khi hai người cùng chí hướng thì tình yêu càng thêm sâu đậm (Hai lá thư không gửi, Sông máu, Con trâu giấy), nhưng nếu một kẻ sai đường thì tình nghĩa cũng sứt mẻ, tan vỡ (Sài Gòn ơi, Miếng đỉnh chung). Thậm chí tình cảm nước non còn có khả năng hoá giải những tổn thương tình cảm cá nhân, khi mà Vương Dung, người trai bạc tình gặp lại người yêu xưa ở bệnh xá chiến trường sau khi bị trọng thương và được nàng tha thứ (Trên Thái Bình Dương). Phơi bày một cách sống động trước mắt người đọc hai mảng màu đen trắng của cuộc đời giữa thời khắc quyết định của lịch sử, nhà văn để người đọc tự chọn lấy cho mình một con đường. Ngay cả khi ông viết truyện lịch sử thì hai thế giới đối lập này vẫn hiện ra rất rõ: một bên là người ý thức cảnh nước mất nhà tan như Chế Liễu (Cây đàn câm), Ngũ Tử Tư (Ngũ Tử Tư), một bên là kẻ hoặc u tối, hoặc đắm nguyệt say hoa mà quên nghĩa lớn như Chế Bồng Nga, Ngô Phù Sai, hoặc có khi cả hai thế giới ấy cùng ở trong một con người như Chế Cầu (Cầu chìm), vì say men tình ái mà quên sứ mệnh trả thù cho đất nước, để rồi phải trả giá bằng nỗi dày vò và cái chết.

 

Hơn 30 tác phẩm với một vùng phản ánh khá hẹp nhưng truyện ngắn của Vũ Anh Khanh không gây nhàm chán một phần nhờ vào cách kể chuyện của ông. Nhà văn rất linh hoạt trong cấu tạo tác phẩm để phục vụ cho một mục đích duy nhất: cổ vũ kháng chiến. Ông dùng chuyện đời xưa để nói chuyện đời nay, chuyện Ngũ Tử Tư diệt Sở (Ngũ Tử Tư), chuyện chiến sự Tần-Yên (Con trâu giấy), chuyện thời chúa Nguyễn (Khổ nhục kế, Tiếng địch sông Ô), vua Chàm (Cầu chìm, Cây đàn câm), dùng chuyện nước người nói chuyện nước mình (nước Nhật trong Thần Vòng, Nhạc thần), dùng chuyện thế giới siêu hình để kể việc thế nhân (Theo khói nhang rằm, Sông máu, Thần Vòng, Nhạc Thần), và thậm chí tưởng tượng ra cả tương lai để nói về hiện tại (chiến tranh thế giới thứ ba xảy ra vào những năm sáu mươi trong Trên Thái Bình Dương). Nhờ vậy độc giả luôn cảm thấy bất ngờ với những sáng tác của Vũ Anh Khanh, háo hức như sắp được thưởng thức một món ăn lạ miệng làm từ những nguyên liệu quen thuộc.

 

Trong chuỗi truyện ngắn của mình, Vũ Anh Khanh thường hay lặp đi lặp lại một số hình ảnh quen thuộc, trong đó ấn tượng nhất là hình ảnh máu và hình ảnh dòng sông. Hình tượng máu không lạ trong những câu chuyện thời chiến, nhưng máu trong truyện ngắn Vũ Anh Khanh có lúc gần như là một nỗi ám ảnh. Đó là dòng sông nhuộm đỏ máu của người chiến sĩ hy sinh nơi pháp trường, đục ngầu, cuồn cuộn (Sông máu). Đó còn là sắc chỉ đỏ thêu trên vuông lụa trắng mà người lính dặn đồng đội mình: “Màu đỏ là màu máu của cha tôi đã chảy ở pháp trường, cô nhớ đúng giùm cho” (Tóc thề). Đó cũng có thể là cơn khát máu điên loạn của quan Hành khiển Đại học sĩ Nguyễn Thân thích nghe tiếng chém đầu vào mỗi bữa cơm và sẵn sàng giết cả con gái mình chỉ vì một nụ hôn trên má (Tiếng địch sông Ô). Ngược lại, đó cũng có thể chỉ là một dòng máu nhỏ trên tay vị chúa Nguyễn biết xót xa cho trăm họ (Khổ nhục kế). Dòng sông trong truyện ngắn Vũ Anh Khanh có thể là một dòng sông thực trong đời, có tên cụ thể như sông Trà Khúc xứ Quảng (Sông máu), sông Gianh (Khổ nhục kế) hay một dòng sông không tên nào trên đất nước Việt Nam (Bên kia sông, Qua sông), hoặc dòng sông Dịch Thuỷ, sông Lại Thuỷ trong lịch sử (Ngũ Tử Tư, Sông máu). Đó là hình ảnh gần như đã trở thành biểu tượng của biệt ly chinh chiến. Vũ Anh Khanh viết nên một dòng sông máu không ngoài mục đích gợi nên không khí dữ dội mà hào hùng của cuộc chiến bảo vệ đất nước và tô điểm cho hình ảnh hiên ngang của người chiến sĩ vì nghĩa cả. Dòng sông còn gợi cảm giác cách trở, xa xôi. Trong Qua sông, Sửu nhận nhiệm vụ đi tiền tiêu trong một cuộc tấn công đồn địch bên kia sông, và đó cũng chính là mảnh đất làng quê của Sửu, nơi có mẹ, có bà, có cả một tuổi thơ bình dị. Cách chỉ một dòng sông, thật gần mà thật xa.

 

Văn phong truyện ngắn của Vũ Anh Khanh bình dị mà vẫn tao nhã. Ngoài hai điển tích Kinh Kha bên bờ Dịch Thuỷ và bến Tầm Dương được sử dụng nhiều đến mức nhàm chán (bến Tầm Dương được dùng như một uyển ngữ thay thế cho quan hệ giữa khách làng chơi và gái giang hồ) thì những cổ ngữ, điển tích ông dùng đa phần hợp cảnh, tạo được không khí xa xưa, nghiêm mặc cho những truyện có phông nền lịch sử: “Những sợi tóc rơi loà xoà xuống trán, Ngũ đưa tay hất lên. Đầu tóc Ngũ đã bạc, trắng hếu như màu áo khinh cừu” (Ngũ Tử Tư), “Từ đấy ở chợ Phiên Dương có kẻ chuyên thổi sáo kiếm tiền. Kẻ ấy là Ngũ Tử Tư, một nghĩa sĩ mang hận nhà, phải lạc loài vào trong thiên hạ” (Ngũ Tử Tư), “Khải Chúa, có Lộc Khuê Hầu Đào Duy Từ vừa đi kinh lý ở lũy Trường Dục về, lại vấn an” (Khổ nhục kế). Tuy nhiên đôi khi cổ ngữ trở nên hơi gượng và sáo khi đặt trong bối cảnh hiện đại, và tác giả cũng thỉnh thoảng hơi quá tay khi đặt suy nghĩ của mình vào nhân vật, khiến lời thoại trở nên giáo điều và thiếu sức sống, chẳng hạn như lời nhân vật người chiến sĩ trong Hối tắc tâm sự với Huyền khi cô suýt sa chân vào truỵ lạc.

 

Tóm lại, truyện ngắn của Vũ Anh Khanh hẹp trong đối tượng phản ánh nhưng đa dạng trong cách thể hiện, hình ảnh sinh động, cảm xúc tinh tế, lời văn tao nhã và xây dựng được những hình tượng gây ấn tượng mạnh, tác động đến tình cảm và quan điểm của người đọc về vấn đề mà tác giả cố công truyền đạt. Có thể nói trên lĩnh vực truyện ngắn, Vũ Anh Khanh thành công ở cả số lượng và chất lượng tác phẩm.

 

2.     Tiểu thuyết

Nếu như truyện ngắn của Vũ Anh Khanh dựng nên hai thế giới đối lập giữa người thức tỉnh và kẻ mê muội thì tiểu thuyết của ông hoàn toàn dành để miêu tả cuộc sống, lý tưởng, ước mơ của những người chiến đấu. Bạc Xíu Lìn là câu chuyện về những người gián điệp ở thành, Nửa bồ xương khô kể lại cuộc sống của chiến sĩ và cứu thương giữa chiến trường ác liệt, còn Cây ná trắc là bức tranh toàn dân đánh giặc ở một ngôi làng duyên hải miền Trung những ngày tiền khởi nghĩa.

 

Trong khi thế giới của người chiến đấu trong truyện ngắn được phác hoạ khá mơ hồ với những nét chấm phá về lý tưởng, bổn phận và phần nào có tính lãng mạn hoá, thì độ dài của tiểu thuyết đã cho phép nhà văn xây dựng một thế giới cụ thể và sống động hơn với những trận đánh, những chuyến công tác, nhiệm vụ và hoạt động của quân dân thời chiến, đồng thời bổ sung thêm những chi tiết đời thường, vụn vặt nhưng tinh tế, giúp hoàn thiện bức tranh kháng chiến đa sắc: vừa phảng phất nét đẹp tráng khí xa xưa, vừa gần gũi, mộc mạc không khí thời đại. Cây ná trắc nổi bật lên hình ảnh người dân quê đánh giặc. Phần lớn nhân vật trung tâm trong các tác phẩm khác của Vũ Anh Khanh là những người có ít nhiều chữ nghĩa, là học trò, thầy giáo, hoặc nhà văn. Ngay cả khi tác giả không hé lộ thân thế nhân vật thì họ vẫn hiện ra với những lý tưởng bắt nguồn từ sách vở, nói năng bay bổng lưu loát và thường hay liên tưởng đời mình với những nhân vật trong lịch sử, văn chương. Thế nhưng trong Cây ná trắc ông lại dành nhiều tâm huyết để miêu tả lòng yêu nước của những người dân quê chân chất. Nổi bật hơn cả là nhân vật Niềm, người thiếu niên dân tộc thiểu số ở Bình Phước đến làng Khánh Thiện làm thuê và gia nhập vào cuộc kháng chiến chống Nhật nơi này. Niềm đến với kháng chiến không vì bất cứ lý tưởng trừu tượng nào, mà trước tiên là vì mối thù mất cha. Quân Nhật trong một đêm say xỉn đã trói và đánh cha Niềm đến chết chỉ vì không ép được ông chỉ đường cho chúng đến chỗ những cô gái trong làng. Và Niềm thề: “Tôi sẽ giết bất cứ kẻ nào là Nhật Bản”. Nhìn vào lịch sử, ta thấy nguồn gốc sức mạnh tranh đấu của dân tộc chính là bởi thù riêng hoà vào nghĩa chung. Người nông dân, lực lượng chính của cách mạng và kháng chiến, vùng dậy là bởi cá nhân họ có món nợ máu cần đòi với kẻ thù, và cũng để thoát khỏi ách áp bức đè trên vai họ. Thế nhưng đây gần như là tác phẩm duy nhất của Vũ Anh Khanh khắc hoạ cụ thể nguyên nhân này. Phần nhiều ông nói về những người cách mạng hy sinh thân mình vì hạnh phúc của người khác, từ bỏ bút nghiên, nhà cao cửa rộng, cuộc sống bình yên của cá nhân mình để chiến đấu cho người cùng khổ. Đó bởi vì độc giả của ông chủ yếu thuộc tầng lớp này, những người sống vui vẻ ở thành đô, nơi tiếng khóc rất xa và đạn bom rất nhỏ. Niềm thuộc vào thế giới những nhân vật chiến sĩ anh hùng của Vũ Anh Khanh, được nhà văn dành nhiều trang viết miêu tả tình cảm, cảm xúc. Khác hẳn những nhân vật anh hùng khác, Niềm hiện ra là “một thiếu niên mình trần trùng trục, chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi, thân thể ốm và đen thui”, không bừng bừng tráng khí hay sắc sảo tư duy, mà lại rất hiền lành ngoan ngoãn, chỉ muốn được “theo anh Tảo suốt đời”, vì Tảo là một trong những lãnh đạo kháng chiến làng Khánh Thiện. Xung quanh Niềm là cả thế giới đông đảo những người dân quê chống giặc: những cô gái, chàng trai vừa làm việc nhà, vừa lo toan việc nước, vá áo chiến sĩ, tổ chức tuyên truyền, làm văn nghệ, dạy chữ cho người dân; những nguời vợ đấu tranh bằng cách lo toan nhà cửa, con cái để chồng rảnh tay dốc lòng dốc sức vào cuộc chiến đấu chung; ngay cả lý trưởng, chánh tổng, vốn hiện lên trong nhiều tác phẩm văn học là kẻ thù của nhân dân lao động, cũng xuất hiện ở đây với tư cách là người ủng hộ kháng chiến. Cụ Tổng Chánh làng Khánh Thiện dành cho kháng chiến tất cả những gì mình có, của cải vật chất, và người con trai duy nhất, với một lý do giản dị: “Trời cho tôi có tiền thì tôi giúp. Vả lại giữ tiền, giữ gạo lại làm gì? Giặc đến rồi thì cũng mất và khi chết tôi cũng chẳng đem theo xuống lỗ được”, “Thời bình nó là con tôi, thời loạn nó là con của nước. Tôi không có quyền kềm giữ nó nữa”.

 

Thế giới tâm lý của những người tranh đấu trong tiểu thuyết của Vũ Anh Khanh được miêu tả khá đa chiều và tinh tế. Có người chiến đấu vì lý tưởng như Chung trong Nửa bồ xương khô hay Tảo, Bão, Đình trong Cây ná trắc, có người chiến đấu vì thù riêng như Niềm, có người chiến đấu vì niềm tin chân lý hồn nhiên như cụ Tổng Chánh, và cũng có người chiến đấu đơn giản vì muốn sống một cuộc đời khác có ý nghĩa hơn ngoài việc quanh quẩn với những công việc đời thường tẻ nhạt.

 

Tâm trạng người đi chiến đấu dưới ngòi bút Vũ Anh Khanh là một phức hợp của nhiều cảm xúc: háo hức, mơ mộng, quyết tâm, u buồn, sợ hãi, và cả khổ đau. Trong Nửa bồ xương khô, những người con gái tuổi đôi mươi ra trận, ngượng nghịu sửa cách xưng hô “mày”, “tao” thành “đồng chí”, bồi hồi xúc động khi chào cờ Tổ quốc, và tinh nghịch đùa nhau bằng những vần thơ:

 

“Người ta cắt tóc vào chùa

Em tôi cắt tóc giữa mùa chiến chinh

Người ta cắt tóc tu hành

Em tôi cắt tóc theo anh lên đường

Theo anh làm nữ cứu thương

Ngoài kia xa lắm! Chiến trường em đi…”

 

Chàng trai quê nghèo trước giờ ra trận ngạc nhiên khi thấy lòng mình bình yên kỳ lạ: “Niềm chỉ thấy vui vì sắp được cùng Tảo lăn mình vào chỗ bom đạn, được cười mát mẻ bên cạnh cái chết bất ngờ”(Cây ná trắc). Người đi mang theo trong lòng giấc mơ đẹp về ngày chiến thắng: “Thốt nhiên Huyện nghe quả tim đập mạnh; nàng nghĩ đến cái vui ngày kia, một ngày còn xa xôi lắm, nàng được trở về thăm quê cũ, sống lại những ngày xưa, hưởng cuộc đời thanh bình của thời thơ ấu.” (Nửa bồ xương khô)…Thế nhưng không phải buổi lên đường nào cũng rộn ràng đầy tráng khí. Không phải người chiến sĩ nào cũng ra đi với nụ cười háo hức trên môi. Họ không phải là những cỗ máy đánh giặc, quanh năm hô hào và ca bài ca quyết thắng. Vũ Anh Khanh không ngại ngần miêu tả những buổi chia tay não lòng, khi mà người ra trận không tự mị mình bằng viễn cảnh ngày về, ngược lại, họ hình dùng ra cái chết của chính mình và nỗi đau khổ của người thân. Từ những nỗi lo sợ mơ hồ, những dự đoán phấp phỏng, tác giả dẫn đến cả những mất mát có thực và nỗi đau của người trong cuộc.

 

Vũ Anh Khanh còn miêu tả cả những cái chết rùng rợn, đáng sợ trên chiến trường. Ngòi bút của ông không ngại ngần tả tỉ mỉ sự khủng khiếp của vết thương và nỗi đau đớn của người lính. Khi nỗi đau của người lính bị thương chấm dứt cũng là lúc bắt đầu một nỗi đau khác: nỗi đau của người nổ súng giúp bạn chết nhanh hơn (Nửa bồ xương khô).

 

Nhà văn không tránh né nỗi buồn chinh chiến, mà ngược lại, đào sâu, khai thác nó. Dẫu mong muốn tác phẩm của mình có ảnh hưởng tích cực lên người đọc, kêu gọi họ lên đường ra trận, nhưng ông cũng không vì thế mà tô hồng cuộc chiến, dè dặt với đau thương. Miêu tả nỗi buồn, nỗi sợ hãi không làm nhân vật có vẻ yếu đuối mà ngược lại, nhấn mạnh được sự mạnh mẽ, can trường khi họ chế ngự, vượt qua được những cảm xúc ấy để tiếp tục đối mặt với kẻ thù.

 

Vũ Anh Khanh cũng khéo léo kết hợp yếu tố lãng mạn, bay bổng và hiện thực, gần gũi trong tiểu thuyết của mình. Bên cạnh những dòng văn miêu tả cảnh vật rất có nghề, thế giới tưởng tượng của nhân vật lúc nào cũng được ông dành cho những lời văn mượt mà, trang nhã, những hình ảnh nên thơ (Cây ná trắc). Những hình ảnh tưởng tượng này đôi khi mang màu sắc cổ xưa, phi thực. Trong buổi tuyên thệ lên đường với những người lính áo vải xung quanh, Huyện lại hình dung ra “cảnh chiến trường có tiếng quân hò, ngựa hí, trống gióng, cờ bay” (Nửa bồ xương khô); hay: “Tảo mường tượng bóng vợ ẵm con đứng yên trên một ngọn đồi thông xanh, tầm mắt xa vời, ngóng trông tà áo trắng bay rũ giữa sương chiều rơi mau, làm cho Tảo xót xa nghĩ đến những buổi mong chờ của một người chinh phụ, mặc áo tang, đợi người chồng đã chết ngoài chiến trận” (Cây ná trắc). Những hình ảnh cổ điển quân reo, ngựa hý, chinh phu, chinh phụ… xuất hiện phần nào lạc lõng, dù là trong tưởng tượng của nhân vật, khiến tác phẩm có nét sáo mòn.

 

Gần như đối lập với những bức tranh bay bổng trên là những đoạn trò chuyện thân mật giữa những nhân vật hết sức đời thường và gần gũi. Những đoạn hội thoại này khá nhiều và vụn vặt, nhìn qua tưởng như không đóng góp gì cho kết cấu câu chuyện và làm truyện trở nên lỏng lẻo, nhưng nếu cắt bỏ thì sẽ làm mất đi phần người bình dị của nhân vật, chỉ còn lại phần anh hùng đẹp hoa mỹ nhưng xa lạ (Cây ná trắc). Không chỉ những mẩu chuyện đời thường, Vũ Anh Khanh còn lôi cuốn người đọc theo những biến chuyển cảm xúc nội tâm của nhân vật. Chính những đoạn miêu tả này đã khiến Vũ Anh Khanh chiếm trọn cảm tình của độc giả.

 

 

3.     Thơ

Trên thi đàn thỉnh thoảng vẫn có hiện tượng nhà thơ một tác phẩm. Trong khi có người sáng tác rất nhiều vẫn không đủ để người đời nhớ tên thì vẫn có những nhà thơ nổi danh chỉ nhờ một bài thơ thành công, ghi sâu vào lòng công chúng. Vũ Anh Khanh thuộc vào danh sách những nhà thơ này với bài thơ Tha La nổi tiếng, mặc dù đó không phải là bài thơ duy nhất của ông. Mùa xuân năm 1949, ông theo Thẩm Thệ Hà về đón tết trên quê hương bạn (Trảng Bàng, Tây Ninh). Ngày mồng một tết, hai người bạn cùng nhau đạp xe đến thăm xóm đạo Tha La, cách trung tâm Trảng Bàng khoảng ba cây số. Ngạc nhiên trước khung cảnh tiêu điều của xóm làng giữa ngày tết Nguyên đán, Vũ Anh Khanh hỏi thăm và được biết con chiên dân làng đã từ giã giáo đường vào chiến đấu trong vùng giải phóng. Chuyến đi hôm ấy đã khơi nguồn cảm hứng để Vũ Anh Khanh sáng tác bài thơ Tha La, sau được in trong tuyển tập Thơ mùa giải phóng (1950) do Sống Chung phát hành. Trước đó, một phần bài thơ đã được đưa vào tiểu thuyết Nửa bồ xương khô (1949) của chính tác giả với tựa đề Hận Tha La. Bài thơ này nhanh chóng nổi tiếng khắp miền Nam khi được hai nhạc sĩ Dzũng Chinh và Sơn Thảo phổ nhạc với tựa đề lần lượt là Tha La xóm đạoHận Tha La. Có lẽ đây chính là lý do khiến cho hầu hết mọi người quên hẳn tên chính thức mà tác giả chọn cho bài thơ chỉ gồm hai chữ Tha La.

 

Ông còn hai tác phẩm thơ khác là Phấn son Chiến sĩ hành. Con số này so với gia tài văn xuôi của chính tác giả và so với gia tài thơ ca của những nhà thơ cùng thời thật sự rất ít ỏi, nhưng công chúng vẫn dành cho ông một vị trí vững chãi trên thi đàn. Thậm chí nhà nghiên cứu Thế Phong còn khẳng định “hai nhà thơ đáng kể nhất của miền Nam lúc bấy giờ là Vũ Anh Khanh và Hoàng Tố Nguyên”([5]).

 

Dù viết văn hay làm thơ, Vũ Anh Khanh vẫn không xa rời chí hướng cổ vũ cho cuộc đấu tranh của dân tộc. Chiến sĩ hành là khúc tráng ca về người ra trận, Phấn son là lời trách móc người con gái đô thành vô tâm trước quốc biến, hờ hững với những hy sinh, và Tha La là hình ảnh đất nước đứng lên qua khung cảnh một xóm đạo đìu hiu giữa mùa chinh chiến vì dân làng đã nhất loạt từ bỏ giáo đường đi theo tiếng gọi non sông. Giống như văn xuôi, thế giới thơ Vũ Anh Khanh là sự pha trộn giữa hào khí chiến chinh cổ điển và cảm xúc tranh đấu của thời đại. Hình ảnh ước lệ tượng trưng đan cài vào không gian hiện thực, tuy sắc độ đậm nhạt khác nhau qua từng tác phẩm. Phấn sonChiến sĩ hành mang nhiều nét cổ xưa và đậm màu sách vở dù sử dụng nhiều chi tiết từ đời thực, trong khi Tha La tuy không thoát ly hoàn toàn với hình ảnh ước lệ, vẫn làm sống dậy bức tranh hiện thực sống động, tươi mới. Ấn tượng này một phần là bởi hai bài thơ trên chịu ảnh hưởng những thể thơ cũ, trong khi Tha La bay bổng hoàn toàn với thơ tự do. Chiến sĩ hành khuôn mình trong thể song thất lục bát, một thể thơ đạt đỉnh cao vào thế kỷ XVIII và chết dần trên dọc đường phát triển của phong trào Thơ Mới 1932-1945. Phấn son làm theo thể thơ bảy chữ, dù là sản phẩm của Thơ Mới sử dụng cách gieo vần linh hoạt của thơ ca phương Tây nhưng vẫn sinh ra từ gốc rễ Đường thi bát cú. Ấn tượng cổ điển càng đậm nét hơn khi trong bài thơ thảng hoặc xuất hiện những cặp câu thơ đăng đối:

 

Hương dâng lẻo bẻo, chim trời hót

Pháo tịt ngòi xuân, súng nổ giòn…

 

hay thậm chí có cả câu thơ toàn từ Hán Việt:

 

          Xuân nhật đăng lâu vọng cố nhân…

 

          Hình ảnh ước lệ được tác giả sử dụng dày đặc trong hai bài thơ này, với những “kỹ nữ Hàng Châu”, “gương Tư Mã”, “Hạng Võ – Ngu Cơ”, “kinh thành”, “mùa binh lửa”, “chinh chiến ba năm trống dập dồn”, “cờ son phất gió ngoài quan ải”, hay “bóng ai múa giáo ngoài sương gió”… Có thể những hình ảnh này đã cũ nhàm, mòn sáo, nhưng không thể phủ nhận vẻ đẹp sang trọng của chúng. Thơ ca cổ điển vẫn luôn có sức hút và ảnh hưởng với những người sáng tác nửa đầu thế kỷ hai mươi. Nó tạo ra một vùng không gian vượt lên trên hiện thực đời thường, trau chuốt và hoa mỹ. Bên cạnh đó, sức mạnh của hình ảnh thơ cổ điển là tạo nên trường liên tưởng, từ một bài thơ mở ra vô số những bài thơ khác tuỳ theo sở học của người đọc. “Bóng ai múa giáo ngoài sương gió” trong Phấn son với người này có thể là sự nhàm chán, nhưng với người khác lại có thể làm sống dậy hào khí Đông A thuở nào trong thơ Phạm Ngũ Lão “Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu” (Thuật hoài). Hay đoạn thơ sau trong Chiến sĩ hành đưa người đọc trở về đường ra biên ải thế kỷ XVIII trong Chinh phụ ngâm:

 

Tiếng trống giục rền vang đêm tối,

Hàng cờ bay theo lối gió đưa.

Ra đi khỏi hổ sống thừa,

Lên yên ngựa, chiến bào chưa nhạt mùi.

 

Đêm tháng chín nghe trời hiu quạnh,

Ngày lập đông sương lạnh biên thuỳ.

Người đi rồi lại người đi,

Mười mong chín nhớ làm chi? Hỡi người!...

 

          Tác giả sắp xếp những hình ảnh cũ - mới, ước lệ - hiện thực khá hài hoà, đôi khi có phần độc đáo. Ông mang Trường Sơn, Nam bộ của thế kỷ XX đặt vào vùng không gian cổ điển:

 

Lời loa thét bay tràn quan ải,

Bóng quân kỳ lấp dải Trường Sơn.

 

Miền Nam bộ đầy trời binh lửa,

Cõi Bắc kinh trăng vữa màu sương.

 

Giữa những hình ảnh, ngôn từ ước lệ nặng nề bác học bỗng buông xuống một câu thơ đậm đà phong vị ca dao với cách xưng hô bình dân, mộc mạc, nhưng không hề gợn một chút trúc trắc nào:

 

Trăng thu vướng đầu non lạnh lẽo,

Nước hồ đông lệ liễu soi mình.

Ra đi muôn dặm trường đình,

Nợ trai anh trả, sầu mình ai hay!

 

Giữa “cờ son phất gió” và “tiếng trống dập dồn” trong Phấn son vẫn có “Pháo tịt ngòi xuân súng nổ giòn” và “Áo trắng an ninh giữa lũy đồn”. Thế nhưng ấn tượng chung vẫn là không khí cổ xưa lan toả, đưa người đọc vào một thế giới xa xôi nào. Tuy có phần tách biệt khỏi cuộc chiến đấu thực nhưng thế giới thơ này lại khá gần gũi với độc giả chính của tác phẩm: những người trí thức thành đô nặng lòng với sách vở. Bên cạnh hướng đến giá trị nghệ thuật, tác giả không che đậy ý định tác động vào lòng yêu nước của độc giả. Lời bài Phấn son mềm mại như một lời thủ thỉ, với hy vọng thức tỉnh người con gái đắm say trong nhung lụa, phấn son mà quên nghĩa lớn:

 

Nghe chăng cô gái đô thành nội?

Áo trắng an ninh giữa lũy đồn

Xuân sang rấm rức sầu quê tổ

Ai điểm trang mà em phấn son?

 

          Nếu như Chiến sĩ hànhPhấn son không gợi ra một khung cảnh cụ thể nào thì Tha La, ngược lại, vẽ nên một bức tranh tỉ mỉ và chi tiết về một xóm đạo ven rừng, với những hình ảnh hiện thực sống động:

 

Đây Tha La xóm đạo

Có trái ngọt cây lành

Tôi về thăm một dạo

Giữa mùa nắng vàng hanh.

 

Xóm đạo hiện lên với vẻ đẹp thanh bình, yên ả. Tình yêu nước được đan cài trong cảm xúc tôn giáo qua hình ảnh những con chiên ra trận. Chiến trường và giáo đường là một cặp hình ảnh tương phản giữa chiến tranh và hoà bình nhưng cũng là cặp hình ảnh mâu thuẫn xét trong ý nghĩa niềm tin. Tôn giáo luôn chống lại việc sát sinh nhưng trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng, giết quân thù lại là việc làm đạo nghĩa. Ở một tầng nghĩa khác, Thiên Chúa giáo đến từ phương Tây, con chiên dẫu nặng lòng với Chúa vẫn đứng về phía đất nước mình trong cuộc chiến đấu chống lại những người đã mang Chúa đến với họ. Tuy vậy cảm xúc tôn giáo và cảm xúc yêu nước không được đặt ở hai thế đối lập mà hoà quyện vào nhau. Con chiên của Chúa dẫu ở giữa chiến trường máu đổ trước sau vẫn giữ tấm lòng lương thiện, và đó cũng là cái thiện vốn có của người dân Việt xưa nay.

 

Lạy đức Thánh Cha

Lạy đức Thánh Mẹ

Lạy đức Thánh Thần

Chúng con xin về cõi tục để làm dân...

 

Với thể thơ tự do, bài thơ tuôn chảy mượt mà như một bản nhạc, lúc nhặt lúc khoan, lúc tư lự lúc dồn dập. Những câu thơ dài tả tình trải theo bước chân người viễn khách, tạo cảm giác thư thái, trong khi thủ pháp điệp âm, điệp cấu trúc ở những dòng thơ ngắn đã rất thành công trong việc tạo cảm giác dồn dập, sôi nổi.

 

Tha La giận mùa thu

Tha La hận quốc thù

Tha La hờn quốc biến

Tha La buồn tiếng kiếm

Não nùng chưa, Tha La nguyện hy sinh.

 

Câu thơ dài buông xuống như một nốt lặng sau một đoạn nhạc hùng. Bài thơ dài mở ra câu chuyện về một chuyến đi, với những chi tiết có tính chất kể chuyện, tả cảnh, sau thu dần vào thế giới nội tâm của nhân vật trữ tình với những đoạn đối thoại tưởng tượng giữa người viễn khách và vùng đất Tha La, sau đó lại mở ra ngoại cảnh với đoạn đối thoại giữa viễn khách và một cụ già. Tác giả vẫn dùng nhiều từ Hán Việt và một số hình ảnh tượng trưng như “lửa loạn”, “tiếng địch”, “tiếng kiếm”, “viễn khách”, “chiều xưa lửa dậy”… nhưng so với hai bài thơ trước kia, Tha La đã tiến xa trong việc xây dựng một thế giới thơ tươi mới và sinh động. Bài thơ kết lại bằng thủ pháp vĩ thanh, lặp lại đoạn đầu với khung cảnh yên tĩnh của Tha La, nhưng thổi vào đó một cảm xúc khác, không quạnh quẽ, đìu hiu mà thanh bình yên ả, mở ra ước vọng về ngày mai giặc giã không còn.

 

***

 

Vũ Anh Khanh sớm có một văn nghiệp thành công khi tuổi đời còn rất trẻ. Cuộc đời ngắn ngủi ấy không phải lúc nào cũng là một đường thẳng giản đơn để có thể đánh giá trong một vài câu chữ nhưng không thể phủ nhận tình yêu nước trong toàn bộ tác phẩm của ông. Về mặt nội dung, thế giới sáng tạo của ông, dù văn hay thơ, đều phân định rạch ròi thành hai mảng: những người chiến đấu vì tổ quốc và những kẻ mê muội, thờ ơ với vận mệnh non sông. Người vì nghĩa lớn hiện ra với vẻ đẹp kiêu hùng đáng ngưỡng mộ nhưng cũng có khi rất bình dị, mộc mạc. Đối với kẻ thờ ơ, có khi ông lên án bằng những bức tranh hiện thực nhưng cũng có khi chỉ gửi lời nhắn nhủ nhẹ nhàng, tha thiết. Dù bằng cách này hay cách khác, ông vẫn không xa rời mục đích dùng văn chương làm vũ khí đấu tranh, hoàn thiện sứ mệnh của một nhà văn thời chiến. Về mặt nghệ thuật, tác phẩm Vũ Anh Khanh là sự kết hợp giữa yếu tổ cổ điển và hình ảnh hiện thực của đời sống và thời đại, tạo nên một không khí vừa sinh động quen thuộc với độc giả đương thời lại vừa hào hùng xa vắng, tuy đôi lúc không tránh được cảm giác sáo mòn vốn là đặc điểm chung của nhiều tác giả văn học miền Nam thời kỳ này. Góp thêm một tiếng nói có sức thuyết phục và có giá trị thẩm mỹ, những tác phẩm của Vũ Anh Khanh đã có chỗ đứng nhất định và bền vững trong lòng công chúng nhiều thập niên qua.

 

 

 Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 1- 2012

 

 

 

([1]) Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (chủ biên): Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2004, tr.2017.

([2]) Thẩm Thệ Hà, Hồi ký tiếp viết về Vũ Anh Khanh, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, số 47 - 1992, tr.20.

([3]) Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (chủ biên): Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2004, tr.2018.

([4]) Nguyễn Văn Sâm: Văn chương tranh đấu miền Nam, Nxb. Kỷ Nguyên, Sài Gòn, 1969, tr.97.

([5]) Thế Phong: Lược sử văn nghệ Việt Nam - Phần B: Nhà văn miền Nam 1945-1950, http://newvietart.com/index4.287.html

 

Online Members

We have 470 guests and no members online

Homepage Data

63693888
Today
Yesterday
All
14180
23426
63693888

Show Visitor IP: 18.217.237.169
23-11-2024 09:10