23112024Sat
Last updateTue, 19 Nov 2024 1pm

Nhà văn hóa Đông Hồ

Nhà thơ Đông Hồ tên khai sinh là Lâm Tấn Phác, sinh ngày 16 tháng 2 năm Bính Ngọ, nhằm ngày 10.03.1906 tại làng Mỹ Đức, tỉnh Hà Tiên (nay thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Mồ côi cha mẹ sớm, Đông Hồ được người bác là  Hữu Lân Lâm Tấn Đức, một nhà Nho nổi tiếng văn hay chữ tốt dạy dỗ. Do tổ tiên mấy đời đều ở ven Đông Hồ Ấn Nguyệt, một thắng cảnh trong Hà Tiên thập cảnh, nên khi bắt đầu sáng tác, ông đã lấy bút hiệu là Đông Hồ. Ông còn có các bút hiệu khác như Thủy Cổ Nguyệt, Đại Ẩn Am... và còn có tự là Trác Chi.  

  Vùng đất Phương Thành - Hà Tiên là vùng đất có nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, vốn là quê hương của tao đàn Chiêu Anh Các. Chính truyền thống quê hương và truyền thống gia đình đã hun đúc nên một nhà thơ, nhà giáo Đông Hồ.

 

            Từ năm 1923, Đông Hồ đã nổi tiếng với nhiều bài khảo cứu, tùy bút, ký sự đăng trên báo Nam Phong như Thăm đảo Phú Quốc, Linh Phượng ký, Phú Đông Hồ, Hà Tiên Mạc thị sử ... Với các tác phẩm đó, có thể nói Đông Hồ đã trở thành sử gia của họ Mạc và là linh hồn của đất Hà Tiên. Bài ký Thăm đảo Phú Quốc với những trang viết về cảnh hành hình nhà yêu nước Nguyễn Trung Trực đã gây nhiều xúc động trong lòng độc giả như nhà thơ Quách Tấn đã từng cho biết. Bên cạnh Giọt lệ thu của Tương Phố, tác phẩm Linh Phượng ký của ông cũng đã làm thổn thức một thế hệ thanh niên thời đó. Hà Tiên Mạc thị sử, theo như nhận định của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan, lại là một công trình khảo cứu rất công phu về họ Mạc, dòng họ đã có công khai phá vùng đất Hà Tiên.

 

Sau Nam Phong, ông còn viết cho Đông Pháp thời báo, Phụ nữ Tân văn, Việt Dân, Tự Do, Mai  ở trong Nam và Văn Học tạp chí, Khai trí Tiến đức tập san, Tri Tân ở tận đất Bắc.

 

            Nhưng Đông Hồ được biết trước hết với tư cách là một nhà thơ. Năm 1932, ông đã cho ra mắt tập Thơ Đông Hồ gồm đủ các thể từ ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát, thập vịnh, hát nói, câu đối, phú, tản văn.

 

            Rồi Phong trào Thơ mới phát triển sôi nổi trước hết ở Nam Bộ lúc đó đã có sức hấp dẫn đối với ông. Từ chất lãng mạn trong khuôn khổ cổ điển ở tập Thơ Đông Hồ, đến tập Cô gái xuân xuất bản năm 1935, Đông Hồ đã chuyển theo dòng thơ mới lãng mạn. Với Cô gái xuân, Hoài Thanh đã cho rằng: “Đông Hồ là người thứ nhất đã đưa vào thi ca Việt Nam cái vị bát ngát của tình yêu dưới trăng thanh, trong tiếng sóng”(1).

 

 Song phong thái Nho gia vẫn không mất đi hoàn toàn nơi Đông Hồ. Hoài Thanh đã rất tinh tế khi viết: “ Ai cũng thấy Thơ Đông HồCô gái xuân khác nhau xa. Tuy vậy, nếu trong Thơ Đông Hồ ta đã thấy khơi nguồn thơ Cô gái xuân thì trong Cô gái xuân vẫn còn lai láng cái buồn những vần thơ cũ”(2). Vũ Ngọc Phan cũng cho rằng: “Đông Hồ đã chịu ảnh hưởng về đường tả thực, nhưng ông còn giữ được cái giọng thanh tao của lối thơ cũ. Đó cũng là một điều đặc sắc vậy”(3).

 

Bên cạnh thơ ca, Đông Hồ còn có một khát vọng không lúc nào nguôi. Đó là khát vọng vun đắp, xây dựng tương lai cho “tiếng Việt huy hoàng”. Một khát vọng đã đeo đuổi ông từ lúc tuổi mới mười tám, đôi mươi cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Điều này cũng đã được Hoài Thanh ghi nhận trong Thi nhân Việt Nam: “Hoàn cầu dễ ít có thứ tiếng được âu yếm, nâng niu như tiếng Nam... Nhưng yêu quốc văn mà đến như Đông Hồ kể cũng ít”(4) .Từ lúc làm giáo viên dạy lớp sơ đẳng ở Hà Tiên, Đông Hồ đã bất mãn với việc học sinh Việt Nam không được học tiếng Việt mà phải học tiếng Pháp, phải tụng những câu như : “Tổ tiên chúng ta là người Gaulois”. Nên tuy phải dạy theo chương trình, ông vẫn chú trọng đến tiếng Việt và khuyến khích học sinh trau dồi quốc văn.

 

Chưa bằng lòng với những cố gắng đó của mình, nên vào năm 1926, tức lúc mới tròn hai mươi tuổi, chàng trai trẻ Trác Chi đã mở thêm Trí Đức học xá bên bờ Đông Hồ dạy toàn chữ quốc ngữ. Thành lập Trí Đức học xá, Đông Hồ muốn thực hiện lời của Tagore khi mở nhà Santiniketan để dạy cho thanh niên Ấn Độ cái đạo giải phóng tinh thần, sống gần thiên nhiên: “Có học tiếng mẹ đẻ, thì chúng ta mới vỡ trí khôn ra được”. Giữa lúc tiếng Việt đang bị rẻ rúng, coi khinh như lúc đó, hành động của ông giáo trẻ Lâm Tấn Phác quả là rất dũng cảm. Nhiều bài làm văn của học trò Trí Đức học xá đã được Đông Hồ biên tập và gửi đăng trên báo Nam Phong, trong đó có bài của người học trò xuất sắc nhất là nữ sĩ Mộng Tuyết, sau này trở thành người bạn đời của ông.

 

Bên cạnh việc dạy tại chỗ, Trí Đức học xá còn mở cả hệ hàm thụ để học sinh ở xa có thể luyện tập được tiếng Việt.  Trên thư từ liên lạc của hệ hàm thụ, có tiêu đề như sau:

 

Ríu rít đàn chim kêu

 

Cha truyền con nối theo.

 

Huống là tiếng mẹ đẻ

 

Ta có lẽ không yêu.

 

Với sự nỗ lực vượt bậc của trưởng giáo Lâm Tấn Phác và các học trò, Trí Đức học xá đã gây được một tiếng vang đáng kể trong nước. Nhưng do bị thực dân Pháp dòm ngó, nghi kỵ, nên năm 1934 Trí Đức học xá rồi cũng phải đóng cửa sau tám năm tồn tại. Riêng lớp hàm thụ vẫn còn được tiếp tục, ai thích văn chương thì cứ gửi thư cho ông và ông rất nhiệt tình sửa chữa giúp.

 

Sự nghiệp dạy học dang dở, năm 1935 Đông Hồ bỏ lên Sài Gòn làm báo Sống, một tờ báo đầu tiên ở  Nam Bộ in đúng chính tả, nhất là hỏi, ngã; là một tiến bộ trong nghề làm báo ở Nam Bộ lúc đó theo như nhận định của nhà văn Nguyễn Hiến Lê. Trong báo có mục Trong vườn Trí Đức nhằm tiếp tục công việc bình văn và giới thiệu các bài văn hay của Trí Đức học xá. Nhà văn Bùi Hiển quê tận Nghệ Tỉnh, tác giả của Nằm vạ, cũng đã có lần gửi bài đến nhờ thầy Đông Hồ coi giúp. Cộng tác với báo có các nhà văn yêu nước, tiến bộ như nhà thơ Tản Đà, nhà phê bình Thiếu Sơn, nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ ...

 

Báo Sống được ông chăm sóc công phu như thế nhưng cũng chỉ ra được 30 số rồi phải đóng cửa. Từ giã Sài Gòn, ông lại về Hà Tiên ẩn cư gần 10 năm. Cách mạng tháng Tám thành công, ông cũng tham gia kháng chiến chống Pháp một thời gian, sau vì lý do sức khỏe phải lên Sài Gòn sinh sống[1]. Báo Nhân loại do ông phụ trách những năm 50 cũng là một tờ báo tiến bộ lúc bấy giờ. Yiễm Yiễm Thư Trang, cơ sở xuất bản của ông ở đường Nguyễn Thái Học là cơ sở của văn phòng Ban Tuyên huấn Xứ Ủy Nam Bộ sau hiệp định Genève[2].

 

Dù làm báo hay xuất bản sách, ông đều để hết tấm lòng đối với tiếng mẹ, với văn học Việt Nam. Báo Sống hay tập san Nhân loại đều được ông chăm lo phần chính tả, in ấn rất kỹ. Với bút hiệu Đồ Mọt Sách, ông đã đưa ra nhiều nhận xét lý thú về tiếng Việt trên mục Chữ và Nghĩa của tập san Nhân loại. Và không chỉ bỏ công giới thiệu nhóm văn học Chiêu Anh Các của Hà Tiên quê cũ, hay lần tìm dấu vết Bạch Mai thi xã của Sài Gòn – Gia định xưa, ông còn nhẫn nại, mày mò thử viết lại từng câu thơ đã bị rơi rụng bởi thời gian của Đặng Đức Siêu, của Ông Ích Khiêm..., cái công việc mà ông gọi một cách thi vị là “vá chiếc áo nàng thơ”.

 

Tình yêu tiếng mẹ còn được ông thể hiện qua nghệ thuật thư pháp tiếng Việt. Có người cho Đông Hồ chính là người đã khai sinh ra nghệ thuật này. Mỗi lần Tết đến, ông đều tự tay làm những chiếc thiệp xinh xắn với những bài thơ xuân do chính tay ông viết. Những bức trướng tiếng Việt, những tấm thiệp Tết với  một nét chữ hoặc rất chân phương, hoặc rất bay bướm để viếng người mất, để tặng bạn bè bây giờ đã trở thành những kỹ niệm vô giá của người thân, của học trò ông.

 

Và cũng vì lòng yêu tiếng mẹ đẻ không lúc nào nguôi đó, nên ba mươi năm sau ngày Trí Đức học xá đóng cửa (tức vào năm 1964),  Đông Hồ đã nhận lời phụ trách giảng dạy phần Văn học miền Nam cho Đại học Văn Khoa Sài Gòn, mặc dù tuổi đã gần sáu mươi và sức khỏe cũng đã kém. Việc trở lại dạy học chính là để nối lại cái “tình duyên lỡ làng” với Trí Đức học xá ba mươi năm trước, để đề cao “giọng Hàn Thuyên”, để kêu gọi “hồn Đại Việt” như ông đã thiết tha ngày nào:

 

                        Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên

 

                        Nền móng văn chương cổ điển,

                        Đặt đây viên đá đầu tiên

 

                       Xây dựng tương lai còn hẹn.

Đó là mong mỏi của ông khi nhận lời giảng dạy một chuyên đề còn quá mới mẻ như thế. Với phong thái chân tình của một Nho gia, ông rất được sinh viên yêu quý. Những năm dạy học ở Văn Khoa là những năm ông hạnh phúc hơn cả, vì ông đã tìm thấy trong việc dạy học niềm vui mà Mạnh Tử bảo là còn quí hơn cái vui làm vua trong thiên hạ:                      

 

                      Đây thế hệ anh hoa tuấn tú

                      Đêm ngày đang vui thú sách đèn

 

                      Say sưa nghĩa lý thánh hiền

 

                     Đông Tây kim cổ triền miên mộng vàng

 

                     Đang đợi những huy hoàng cao cả

 

                     Đang bắt tay luyện đá vá trời

 

                     Một trời mực đậm son tươi

 

                     Một trời Đại học, một trời Văn khoa

 

Trong hồi ức của các sinh viên Văn Khoa thời đó, lớp học do ông phụ trách là lớp học có không khí đậm đà, đặc biệt hơn cả bởi lòng yêu tiếng nói dân tộc đến cháy bỏng nơi ông, bởi tư cách nghiêm cẩn của một nhà Nho bên cạnh  phong độ của một thi sĩ tài hoa và niềm thông cảm, đồng điệu sâu sắc giữa thầy và trò.

 

Nhưng rồi vào ngày 25.03.1969 (tức ngày mồng 8 tháng 2 năm Kỷ Dậu), trên một giảng đường ở lầu hai lộng gió của Đại học Văn Khoa Sài Gòn (bây giờ thuộc dãy A trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn của chúng ta), Đông Hồ đã bất ngờ ngã xuống trong vòng tay của những sinh viên rất mực yêu mến mình lúc  đang ngâm dở dang bài thơ Trưng nữ vương của nữ sĩ Ngân Giang. Bài thơ nói về nỗi cơ đơn, lạnh lẽo của người nữ anh hùng dân tộc sau chiến thắng, khi chạnh nhớ tới chồng. Một tứ thơ rất độc đáo, rất nữ tính mà Đông Hồ đã tinh tế chỉ ra. Được các sinh viên đưa vào bệnh viện, ông mất ngay ngày hôm đó, hưởng thọ 63 tuổi.

 

Ngày nay, mỗi lần đi ngang qua chỗ Đông Hồ đã ngã xuống, tôi lại nghĩ đđến việc đặt nơi đó một tấm biển nhỏ ghi mấy dòng này chẳng hạn: “Nơi đây, thầy Đông Hồ, một người yêu tiếng Việt, đã ngã xuống”. Điều đó chắc sẽ góp phần làm cho sinh viên yêu thêm ngôi trường của mình và yêu thêm tiếng mẹ thân thương của chúng ta hơn.

 

            Sự nghiệp của Đông Hồ là sự nghiệp của một người yêu tha thiết tiếng mẹ. Dù là dạy học hay làm báo, dù làm thơ hay là khảo cứu, ông đều có ý thức là mình đang  xây dựng tương lai cho “tiếng Việt huy hoàng”. Vượt trên vị trí một nhà thơ, nhà giáo, nhà báo bình thường, Đông Hồ thật sự là một nhà văn hóa của dân tộc.

 

 

 

CHÚ THÍCH

 

(1) Hoài Thanh, Hoài Chân – Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học và Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học TP. Hồ Chí Minh, 1988, tr. 296.

 

(2) Sđd, tr. 296.

 

(3) Vũ Ngọc Phan – Nhà văn hiện đại, tập I, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989, tr. 149.

 

(4) Sđd, tr. 294.

 

 

 

 


[1] Mộng Tuyết, Núi Mộng gương Hồ, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1998, tr. 134.

[2] Thạch Phương – Lê Trung Hoa (chủ biên), Từ điển thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2001, tr. 165.

Online Members

We have 459 guests and no members online

Homepage Data

63693848
Today
Yesterday
All
14140
23426
63693848

Show Visitor IP: 18.225.72.161
23-11-2024 09:08