23112024Sat
Last updateTue, 19 Nov 2024 1pm

Chiến tranh, xã hội tiêu thụ và thị trường văn học miền Nam 1954 – 1975

Khi đặt bút ký kết Hiệp định Genève ngày 20-7-1954, có lẽ những bên liên quan đến chiến tranh Đông dương lần thứ nhất chỉ tiên liệu và hình dung phần nào những hậu quả và hệ lụy mà hiệp định này gây ra cho số phận các dân tộc ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Đối với Việt Nam, trước hết đó là việc phân chia lãnh thổ toàn vẹn của nước ta thành hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời, trong khi chờ cuộc Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước dự định diễn ra hai năm sau đó. Tác động trực tiếp của việc này là 14 vạn người miền Nam và miền Trung từng tham gia kháng chiến chống Pháp đi tập kết ra miền Bắc để bảo toàn lực lượng; đồng thời gần một triệu người miền Bắc di cư vào miền Nam để “tị nạn cộng sản”. Cuộc sống người dân từ vĩ tuyến 17 trở vào chứng kiến những xáo trộn và biến động to lớn, từ cơ cấu dân cư, các thành phần kinh tế, chế độ chính trị, đến sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Ảnh hưởng trực tiếp và bao trùm là cuộc chiến tranh ngày càng lan rộng và khốc liệt, diễn ra ở nông thôn, rừng núi và kéo dần đến thành thị.

 

 

Chiến tranh khốc liệt và bi thảm

 

         Trải qua một vài năm yên ổn ban đầu, chính quyền Ngô Đình Diệm, được chính phủ Hoa Kỳ khuyến khích và ủng hộ qua việc viện trợ kinh tế và vũ khí, vấp phải sự kháng cự của phong trào cách mạng sau thời gian tạm lắng. Đường Hồ Chí Minh được xây dựng từ tháng 5 năm 1959, như một huyết mạch làm phương kế lâu dài cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập ngày 20-12-1960, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch. Kể từ đó, về mặt danh nghĩa, trên lãnh thổ miền Nam tồn tại hai thực thể chính trị và điều này được tái khẳng định bằng sự ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngày 6-6-1969, do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch. Hội nghị Paris bốn bên dẫn đến việc ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ngày 27-1-1973 xác nhận bốn phía có liên quan với đầy đủ tư cách pháp lý: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa.

           Xã hội miền Nam 1954-1975 đã chứng kiến những xung đột giữa khát vọng hoà bình, độc lập, thống nhất của đồng bào với sự can thiệp của Mỹ và các chính quyền thân Mỹ, những mâu thuẫn ngay trong nội bộ các thế lực cầm quyền, đồng thời với sự phân hóa trong lòng quần chúng, giữa các tầng lớp giàu có và nghèo khổ, giữa các tín đồ của những tôn giáo khác nhau. Cuộc chiến tranh làm suy kiệt đất nước, nhất là vùng nông thôn và rừng núi, nhưng cũng là cơ hội cho một số người ở thành thị thủ lợi nhờ mối quan hệ với kẻ có chức quyền. Trong khi một bộ phận nông dân bị đốt cháy nhà cửa, mất ruộng mất vườn phải trôi dạt sống tạm bợ ở phố thị để bảo toàn mạng sống, thì chính ở thành thị diễn ra tình trạng nghèo khổ, thất nghiệp của người lao động.

           Thái độ đối với chiến tranh đã thành hòn đá tảng trong lập trường chính trị của các thành phần xã hội ở miền Nam. Một bên là lập trường chống Cộng và kéo dài chiến tranh để bảo vệ thế giới tự do của những thế lực cầm quyền và các đảng phái theo chủ nghĩa quốc gia. Một bên đối lập là lập trường hòa bình, đòi chấm dứt chiến tranh, kêu gọi hòa giải và hòa hợp dân tộc để tránh thảm họa diệt chủng, của nhiều phong trào quần chúng.

           Trước tình thế nghiêm trọng của đất nước, đầu năm 1968, 65 nhà giáo đại học đã ra lời kêu gọi các phe tham chiến kéo dài vô hạn định thời gian hưu chiến nhân dịp Tết nguyên đán. Văn bản lời kêu gọi do giáo sư Lý Chánh Trung soạn thảo, có đoạn viết: “Cuộc chiến tranh hiện tại đang đe dọa đến sự sống còn của toàn thể dân tộc Việt Nam trên cả hai bình diện vật chất và tinh thần, do đó mỗi người dân Việt Nam đều có bổn phận góp tìm một lối thoát hợp tình hợp lý cho quê hương. Là những giáo chức, chúng tôi càng cảm thấy sâu xa bổn phận này, bởi lẽ không có gì mâu thuẫn với giáo dục cho bằng những cảnh bạo động, tàn phá, giết chóc, đồi trụy, dơ bẩn do chiến tranh gây ra”[1]. Trong số những người ký tên dưới lời kêu gọi này có các giáo sư ở Đại học Văn khoa Sài Gòn và Huế: Đỗ Khánh Hoan, Lê Trung Nhiên, Trần Đức Rật, Trần Trọng San, Phạm Đình Tiếu, Lê Thành Trị, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan.

          Hai mươi năm chiến tranh đã tàn phá bao làng mạc, ruộng vườn, phố thị trên đất nước ta, giết hại hàng triệu người Việt Nam ở cả hai miền, để lại những bi kịch sâu sắc trong lòng dân tộc, gây chia rẽ trong nhiều gia đình và nỗi đau trong lòng người. Cuộc biến thiên xã hội trong cơn tao loạn kéo theo những giằng xé trong tâm hồn và chỗ rung động nhất của văn chương vẫn là tiếng kêu, tiếng khóc về thân phận con người trong chiến tranh. Đằng sau những sự kiện chiến tranh và sự phân hóa trong xã hội là những đau khổ chất chồng của dân tộc Việt Nam và những vết thương khó lành trong trái tim người Việt. Chiến tranh là chủ đề tập trung và xuyên suốt trên báo chí và văn học miền Nam những năm tháng đó. Trong lò lửa chiến tranh, thân phận con người như con sâu cái kiến, bị đưa đẩy, trôi dạt trong guồng máy bạo lực, dẫn đến cái chết thảm khốc với tất cả sự phi lý.

          Nhằm kiểm soát thông tin và định hướng dư luận để không “làm hoang mang dân chúng và ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của quân đội”, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã thiết lập một hệ thống kiểm soát báo chí và xuất bản khắc nghiệt. Tính từ đầu năm 1970 đến giữa năm 1971, trong vòng một năm rưỡi, đã có 660 vụ tịch thu đối với nhật báo và 295 vụ đối với báo định kỳ. Riêng tháng 6-1971 có đến 75 vụ và không ngày nào là không có tịch thu báo[2].

         Đỉnh cao của những biện pháp ngặt nghèo dành cho báo chí là sắc luật 007/TT/SLU ban hành ngày 3-8-1972. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc ban hành sắc luật này là tình hình quân sự và chính trị nghiêm trọng ở miền Nam diễn ra sau cuộc tiến công mùa hè năm 1972. Siết chặt việc kiểm soát báo chí, sắc luật này quy định gia tăng hình phạt đối với các vi phạm luật lệ báo chí và phát hành. Đặc biệt, sắc luật 007 quy định bắt buộc tất cả các nhật báo và báo định kỳ muốn cấp giấy phép hoạt động phải đóng một khoản ký quỹ tại ngân khố từ 10 triệu đến 20 triệu đồng, một khoản tiền rất lớn lúc đó[3].

          Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, những nhà văn, nhà báo và những người làm xuất bản ở miền Nam vẫn giữ tinh thần liên đới giữa những người đồng nghiệp. Bằng nhiều cách khác nhau, họ biểu thị sự phản đối trước việc chính quyền xâm phạm quyền tự do diễn đạt ý kiến và phổ biến tác phẩm của nhà văn. Dù không cùng quan điểm chính trị và khuynh hướng nghệ thuật, ngày 5-3-1969, 100 nhà văn (gồm giới sáng tác, dịch thuật, biên khảo, phê bình…) đã ký tên dưới kiến nghị “yêu cầu nhà cầm quyền cấp bách bãi bỏ chế độ kiểm duyệt đối với ngành xuất bản”, bởi vì theo họ “sự cấm đoán, bưng bít không bao giờ giải quyết được một vấn đề mà chỉ làm cho vấn đề ấy trầm trọng thêm tới một mức độ tai hại nhất; hơn thế, trong một chế độ không có tự do ngôn luận, trước con mắt nghi kỵ của nhân dân và của công luận thế giới, những điều Nhà nước chính thức công bố lúc đó lại chỉ còn xuất hiện như là những lời lẽ tuyên truyền, bịa đặt mà thôi”[4]. Trung tâm Văn bút Việt Nam, do giáo sư Thanh Lãng làm chủ tịch, cũng ra kháng nghị ngày 6-8-1969 “cực lực phản đối Bộ Thông tin” và “khẩn thiết yêu cầu Bộ Thông tin cũng như tất cả các cơ quan công quyền tự hậu không dùng những biện pháp hành chính để đe dọa sự tự do tư tưởng và sáng tạo của những người cầm bút”[5]. Ngày 11-9-1974, Trung tâm Văn bút Việt Nam lại tổ chức hội thảo và “đồng thanh quyết nghị (1) yêu cầu Chính phủ đưa ra một chính sách văn hóa tôn trọng các quyền tự do tư tưởng, sáng tạo, ngôn luận, báo chí và xuất bản (2) yêu cầu hủy bỏ sắc luật 007 và đạo luật 19/69 về báo chí, thay thế bằng một đạo luật tôn trọng các quyền tự do nói trên…”[6].

          Mặc dù Sở Kiểm duyệt, sau đổi tên là Sở Phối hợp nghệ thuật, làm việc rất mẫn cán, nhưng nhiều tác phẩm mang nội dung phản đối chiến tranh và phản kháng xã hội vẫn tìm cách xuất hiện, đồng thời với những tờ báo được ấn hành bí mật, nhân danh quyền tự do xuất bản và tự do báo chí được ghi tại điều 12 Hiến pháp 1967. Sách xuất bản bất hợp pháp dưới hình thức in ronéo chỉ vài ba trăm bản, nhưng có tiếng vang. Một hiện tượng thú vị khác là sách không đề tên nhà xuất bản mà ghi là “tác giả ấn hành”, thường không có giấy phép vì không qua khâu kiểm duyệt. Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, xuất hiện những ấn phẩm tự cấp phép cho mình bằng cách nhân danh điều 11 Hiệp định Paris ký ngày 27-1-1973, là điều khoản quy định “bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí…”.

           Nhìn chung, có thể nói trong đời sống văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 từng diễn ra sự mâu thuẫn và đan cài giữa văn học dân tộc và văn học ngoại lai, văn học chính thống và văn học phản kháng, văn học truyền thống và văn học cách tân, văn học tinh hoa và văn học đại chúng.

 

Xã hội tiêu thụ hình thành ở đô thị

 

          Khi hơn nửa triệu quân Mỹ và đồng minh đổ vào các thành phố và làng mạc miền Nam, thì hình ảnh thế giới tự do có thực tế để đối chứng. Tâm lý thực dụng và lối sống hưởng thụ bắt đầu xuất hiện. Trong Văn học miền Nam – tổng quan, Võ Phiến thừa nhận: “chiến tranh tạo ra tình trạng rối ren hỗn loạn ở nhiều nơi, tình trạng thuận lợi cho sự hoành hành nhũng lạm của các cấp hành chánh, quân sự: nào hối lộ, buôn lậu, nào lính ma, lính kiểng, chợ đen chợ đỏ v.v…”; “Nếp sống của đám quân nhân Mỹ xa nhà và dư dật, lại làm phát triển những tổ chức ăn chơi: phòng trà ca nhạc, đĩ điếm, gái nhảy…, làm lan tràn nạn hút xách, cao-bồi v.v…”[7]. Từ giữa những năm 1960, các thành phố Sài Gòn, Cam Ranh, Chu Lai, Đà Nẵng… như lên cơn sốt: người từ nông thôn đổ về, vật giá leo thang, lính Mỹ nghênh ngang ngoài đường, phụ nữ bị làm nhục, thanh niên bị bắt lính… Điều đó cung cấp chất liệu cho văn học hiện thực phê phán, đặc biệt trong sáng tác của những nhà văn trẻ có ý thức xã hội.

          Mặt khác, những yếu tố tư bản chủ nghĩa xuất hiện ở miền Nam qua hoạt động của các nhà tư sản dân tộc làm cho sản xuất bước đầu phát triển, hàng công nghệ phẩm được cung cấp tương đối đầy đủ cho dân chúng. Biệt thự, chung cư, cao ốc, nhà hàng, khách sạn, vũ trường, quán nước mọc lên ngày càng nhiều ở các đô thị. Ngoài Ngân hàng quốc gia Việt Nam, các ngân hàng thương mại được thành lập và có chi nhánh ở các đô thị.

           Dù chỉ phục vụ một bộ phận thị dân, xã hội tiêu thụ đã hình thành bước đầu ở miền Nam. Trước hết, đó là nhờ các khoản viện trợ của Mỹ. Ngoài hàng tỉ đô-la viện trợ quân sự mỗi năm, Mỹ còn đổ vào miền Nam những khoản viện trợ về kinh tế. Theo phúc trình của Donald MacDonald, giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế USAID, “số viện trợ dự trù cho Việt Nam trong năm 1970 lên đến 514,2 triệu Mỹ kim, gồm 106 triệu chương trình thực phẩm phụng sự hòa bình, 240 triệu trong chương trình nhập cảng thương mại CIP và 168,2 triệu cho các dự án phát triển. Số viện trợ dự trù này đã hơn năm 1969 là 128,9 triệu và gần đạt đến mức năm 1968 (543,3 triệu)”[8]. Có thể nói, chủ yếu nhờ ngoại viện mà mức sống của cư dân các đô thị, đặc biệt là những nơi có quan hệ mật thiết với người Mỹ, được nâng cao. Đồng thời, chính sách kinh tế của chính phủ cho phép nhập khẩu những mặt hàng xa xí phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của giới trung lưu mới xuất hiện.

         Trên phạm vi toàn cầu, chính sách viện trợ của Mỹ dành cho một nước có chiến tranh ở châu Á cũng có liên quan đến điều mà Frank Tannenbaum gọi là “cuộc cách mạng của giới tiêu thụ”: “Mãi cho tới khi có chương trình Liên minh để tiến bộ (Alliance for Progress), Hoa Kỳ vẫn chẳng buốn đếm xỉa đến hậu quả về xã hội và chính trị của cuộc cách mạng của giới tiêu thụ mà chúng ta đã truyền bá khắp trái đất. Cuộc cách mạng của chúng ta là cuộc cách mạng đầy tính cách dẫn dụ, không hề đau đớn, rất thích thú, lại không thể cưỡng nổi. Chúng ta khơi dậy những thèm muốn của quần chúng đối với mọi loại hàng hóa, đề nghị họ mua giá rẻ, mua chịu, mua trả dần hoặc cho dùng thử trước khi mua nữa”[9].

          Vào cuối những năm 60 – đầu những năm 70, ở miền Nam, trên các phương tiện truyền thông đại chúng như nhật báo, báo định kỳ, đài phát thanh, đài truyền hình, phim ảnh, bích chương, đèn màu…, thị phần quảng cáo ngày càng mở rộng để kích thích sự tiêu dùng của quần chúng, thỏa mãn tâm lý hưởng thụ, thậm chí tạo ra và làm lây lan những nhu cầu mới cho người tiêu dùng. Các loại máy thu hình, xe gắn máy, xe hơi, hàng điện lạnh, các kiểu áo quần, giày dép, các hiệu thuốc lá, bia rượu, mỹ phẩm… luôn được cập nhật trên thị trường và được đông đảo thị dân ưa chuộng.

          Mặc dù chưa có một nền công nghiệp phát triển và sản xuất có lúc bị đình đốn vì chiến tranh leo thang, nhưng nhờ đồng lương và các khoản thu nhập khác, nên một bộ phận công chức, sĩ quan, thương gia có thể chi tiêu những khoản tiền vào việc mua sắm theo ý muốn, ngoài các nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Kinh tế học gọi đó là “lợi tức tùy ý”. “Lợi tức tùy ý càng cao, sự tiêu dùng về những liên quan đến giáo dục, giải trí, bồi dưỡng tinh thần, săn sóc sức khỏe càng tăng so với những khoản dành cho những nhu cầu căn bản”[10].

          Chính đây là tiền đề dẫn đến sự hình thành một thị trường văn học ở miền Nam những năm 1954-1975.

 

Thị trường văn học: những tương phản

 

          Trong giai đoạn 1954-1975, báo chí và xuất bản dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa phát triển đột biến về mặt số lượng, đồng thời bộc lộ những mâu thuẫn gay gắt dưới tác động của những nhân tố chính trị, kinh tế và xã hội. Tính ở thời điểm năm 1969, trên các đô thị miền Nam có đến 150 nhà xuất bản. Còn ở thời điểm năm 1971, vùng lãnh thổ này có 54 tờ nhật báo cùng hơn 120 tuần báo và tạp chí. Theo một thống kê, ở miền Nam năm 1972, trung bình cứ 1.000 dân thì có 51 ấn bản báo chí[11].

          Nguyễn Hiến Lê[12] ghi nhận số sách xuất bản trong hai năm 1964, 1965 như sau:

 

                                                             Năm 1964       Năm 1965

Thơ                                                             55                 47 (2 tập dịch)

Kịch                                                              5                   2 (1 cuốn dịch)

Tiểu thuyết (không kể kiếm hiệp,

         nhưng kể cả truyện Tàu)                   92                102 (22 cuốn dịch)

Kiếm hiệp                                                   90                129

Biên khảo (về mọi ngành trừ tôn giáo)       87               112

Biên khảo hoặc dịch về tôn giáo                 95                 98

Phóng sự                                                        1                   0

 

        Từ trước 1945, ở nước ta đã có hiện tượng một số nhà văn đứng tên ra báo hay thành lập nhà xuất bản. Sau 1945, nhiều nhà văn rời bỏ thành thị đi kháng chiến, hoạt động báo chí và xuất bản ở Sài Gòn không mấy sôi nổi. Nhưng đến sau 1954, ở miền Nam, khi thị trường báo chí và xuất bản được mở rộng, hiện tượng một nhà văn vừa là nhà báo – không chỉ là người viết báo mà còn là chủ báo, người quản lý báo – hay vừa là giám đốc nhà xuất bản khá phổ biến.

          Hầu hết các nhà xuất bản sách văn học ở miền Nam trước đây không phải của cơ quan, đoàn thể mà chủ yếu của tư nhân, nên được đặt tên rất đa dạng. Có những tên chịu ảnh hưởng Tây phương như Thời Mới, Đêm Trắng, Ngưỡng Cửa…; đồng thời có nhiều tên mang tính chất Đông phương như Lá Bối, An Tiêm, Lửa Thiêng, Ca Dao, Hoa Tiên, Nam Sơn, Phù Sa, Đồng Dao, Mặc Lâm, Kẻ Sĩ, Cảo Thơm, Tao Đàn, Bến Nghé, Huyền Trân, Nam Chi Tùng Thư, Đại Nam Văn Hiến… Lại có nhà xuất bản mang tên của chính chủ nhân: Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đình Vượng, Phạm Văn Tươi, Phạm Quang Khai. Mỗi thương hiệu xuất bản thường tạo uy tín bằng những đầu sách về khảo cứu, sáng tác hay dịch thuật.

          Quy mô hoạt động của mỗi nhà xuất bản lúc đó thường chỉ là một “xí nghiệp vừa và nhỏ”, bộ máy rất tinh gọn, không cồng kềnh. Nhà in thường đặt gần nhà xuất bản, giám đốc có khi kiêm luôn biên tập viên và người sửa bản in; thậm chí có người còn phụ trách cả việc phát hành, hàng tháng đi thu tiền bán sách từ các đại lý. Số lượng in một cuốn sách thường khoảng 2.000 – 3.000, ngoại trừ những hiện tượng ăn khách. Số lượng bản in tạp chí có thể dao động từ 3.000 – 8.000 bản mỗi kỳ.

          Tính chất thương mại hóa của báo chí và xuất bản đã gây ra hậu quả tầm thường hóa văn học như hiện tượng đổ xô viết tiểu thuyết feuilleton, tranh đua dịch sách về tính dục, đề cao quá đáng Kim Dung, Quỳnh Dao; nhưng đặt trong bối cảnh thị trường, thì điều đó cũng dễ hiểu khi văn học trở thành một hàng hóa tiêu thụ đáp ứng bữa ăn tinh thần đa dạng của độc giả. Hầu hết các nhật báo đều dành một trang để đăng khoảng 5-6 tiểu thuyết nhiều kỳ, trong đó có một vài tiểu thuyết kiếm hiệp dịch từ tiếng Hoa, còn lại chủ yếu là tiểu thuyết tình cảm của An Khê, Ngọc Linh, Dương Hà, Bà Tùng Long, Nguyễn Thụy Long, Hoài Điệp Tử…, tiểu thuyết phong tục của Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam...

         Bàn về văn chương tiêu thụ, Sơn Nam ví von: “Đó là loại kẹo ngọt, loại bông hường bằng ni-lông, loại… ba món ăn chơi. Độc giả tiêu thụ hấp tấp, đọc để tìm hiểu cốt truyện, không câu nệ về cách hành văn, chính tả, cách chấm câu. Đọc rồi là họ quên ngay, quên cả tựa quyển sách, sẵn sàng bán ve chai”[13].

         Có thể ghi nhận dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, đại đa số cơ sở báo chí và xuất bản văn học là của tư nhân. Số lượng báo chí và nhà xuất bản trên lĩnh vực này do các cơ quan nhà nước quản lý trực tiếp không nhiều và cũng không có ảnh hưởng đáng kể. Chính quyền can thiệp vào đời sống báo chí và xuất bản chủ yếu bằng việc tài trợ cho một số cơ sở có lợi cho Nhà nước, bằng chính sách trợ giá đối với giấy in và nhất là bằng chế độ kiểm duyệt với các sắc lệnh đi ngược lại quyền tự do xuất bản và báo chí đã ghi trong Hiến pháp, mà căn cứ vào đó chính quyền có thể tịch thu, truy tố tờ báo hay nhà xuất bản ra tòa.

         Hiện tượng bản thân nhà văn thành lập cơ quan báo chí và xuất bản có cả mặt tiêu cực và tích cực. Hậu quả tiêu cực là việc công bố tác phẩm văn học bị phân tán, có thể sinh ra nạn bè phái và do thiếu kinh nghiệm quản lý nên các cơ sở đó thường tồn tại không lâu, thiếu bề dày về tài chính cũng như thành tựu văn học. Mặt tích cực là nhờ đó mà các cơ sở thể hiện bản sắc riêng của mình, tạo ra sự cạnh tranh giữa các khuynh hướng.

         Đó là một phương diện của thị trường văn học miền Nam. Một phương diện khác vừa tương phản vừa gắn liền với phương diện trên: trong khoảng thời gian 20 năm và trong một bối cảnh nghẹt thở vì chiến tranh, văn học miền Nam đã có một số đóng góp nhất định cho đời sống văn hóa của dân tộc.

         Mặc dù vừa có sự kế thừa, vừa có sự đứt đoạn với văn học Việt Nam trước 1945, nhưng nhìn chung, văn học ở miền Nam tiếp nối con đường hiện đại hóa văn học bị bỏ dỡ vì cuộc kháng chiến chống Pháp. Quá trình hiện đại hóa văn học này không tách rời với quá trình hiện đại hóa báo chí và xuất bản. Ở Sài Gòn, công nghệ in tân tiến được áp dụng, từ in typo chuyển dần sang in offset, máy in năng suất cao được nhập khẩu. Mạng lưới phát hành sách báo, tuy gặp nhiều trở ngại về giao thông do chiến tranh, cũng đã đưa được nhiều ấn phẩm đến với miền Tây, miền Trung. Thời ấy, những độc giả hiếu học ở các tỉnh lỵ cũng có thể mua được những kiệt tác văn chương của các tác giả đoạt giải thưởng Nobel ở các hiệu sách.

         Điều quan trọng là giới làm báo ở Sài Gòn đã tiếp cận với một quan niệm làm báo hiện đại, đề cao việc thông tin chính xác và kịp thời, coi trọng tính khách quan của báo chí, thông qua việc giao tiếp, cộng tác với những nhà báo nước ngoài của các tờ báo lớn và các hãng tin nổi tiếng như AP, AFP, UPI, BBC, Reuters… thường xuyên có mặt ở Việt Nam. Kinh nghiệm đưa tin về những sự kiện gây chấn động như cảnh Kim Phúc bị bỏng vì bom napalm, cảnh Nguyễn Ngọc Loan bắn chết người du kích, chiến cuộc Tết Mậu thân ở Huế, vụ thảm sát Sơn Mỹ, hồ sơ nhà tù Côn Đảo, tác hại của thuốc khai quang… chắc chắn là những bài học về đạo đức nghề nghiệp đối với báo giới Việt Nam và có tác động đến những tác phẩm văn học mang sức mạnh tố cáo.

        Dịch thuật là lĩnh vực mà những cây bút ở miền Nam trước đây có thành tựu rõ nhất. Không kể những nền văn học có truyền thống giao lưu với nước ta như văn học Trung quốc, Anh, Pháp; một số nền văn học khác cũng được giới thiệu ở miền Nam. Nhiều tác phẩm văn học thế giới ở phương Tây và phương Đông của các tác gia như H. de Balzac, N. Kazanzaki, A. Gide, J.-P. Sartre, A. Camus, Saint-Exupéry, A. Malraux, A. Maurois, E. Hemingway, W. Faulkner, J. Baldwin, E. M. Remarque, F. Duerrenmatt, H. Hesse, S. Mrozek, Ch. Y. Agnon, I. Andritch. A. Paton, Ch. Achebe, J. Amado, S. Maugham, E. Caldwell, R. Tagore, K. Gibran, Y. Kawabata, Oe Kenzaburo, Lỗ Tấn, Lâm Ngữ Đường… đã được chuyển ngữ và xuất bản khá sớm ở miền Nam. Ở Sài Gòn lúc đó có lẽ không mấy người biết tiếng Nga, nhưng qua trung gian tiếng Anh, tiếng Pháp, nhiều tác phẩm văn học Nga được dịch thuật và xuất bản: văn học cổ điển Nga với L. Tolstoi, F. Dostoievski, I. Turghenev, A. Tshekhov…; văn học Nga xô-viết với M. Gorki, V. Maiakovski, M. Sholokhov, E. Evtushenko…; văn học phản kháng với B. Pasternak, A. Solzhenitsyn, A. Tertz, V. Dudintsev…

         Về khảo cứu, tinh hoa triết lý Nho, Phật, Đạo đã hình thành cội nguồn tư tưởng của văn hóa dân tộc tạo nên một làn sóng học thuật cho đời sống tinh thần trong lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa trước ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Thành tựu này gắn với những tên tuổi mà một số công trình của họ hiện nay đang được tái bản: Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Thích Minh Châu, Nhất Hạnh, Bửu Cầm, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Đăng Thục, Trần Trọng San, Tuệ Sỹ… Không loại trừ có một ít học giả hướng việc nghiên cứu đó nhằm hạn chế ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản, nhưng nhìn chung đó là một nhu cầu tìm hiểu, học hỏi và quảng bá bình thường trong xã hội. Việc thành lập các phân khoa Phật học, triết học Đông phương trong các trường đại học càng làm tăng lên nhu cầu đưa việc nghiên cứu này đi vào chiều sâu.

          Ở một cấp độ phổ biến hơn, việc khảo cứu và công bố những công trình về dân tộc học, sử học, ngôn ngữ học, văn học, phong tục, tập quán của các tộc người trên mảnh đất Việt Nam cũng được quần chúng đón nhận. Đó là những tác phẩm của Đông Hồ, Vương Hồng Sển, Lê Văn Siêu, Toan Ánh, Quách Tấn, Sơn Nam, Nguyễn Văn Xuân, Thanh Lãng, Nguyễn Khắc Ngữ, Nguyễn Thế Anh, Phạm Cao Dương, Phan Khoang, Nguyễn Văn Hầu, Nghiêm Thẩm, Bửu Lịch, Lê Văn Hảo, Thái Văn Kiểm, Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Văn Sâm, Bùi Đức Tịnh, Trần Ngọc Ninh, Bằng Giang, Phạm Văn Diêu, Nguyễn Khuê, Thẩm Thệ Hà…

          Vẻ đẹp của văn hóa dân tộc không chỉ là đề tài bàn luận của những cây bút chính luận mà đã đi vào hình tượng nghệ thuật. Thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương, Trần Thị Tuệ Mai, Phạm Thiên Thư, Trụ Vũ, Tường Linh… còn giữ tiếng gọi hồn của thơ ca truyền thống, nồng nàn tình người, tình nhà, tình quê, tình nước. Văn xuôi giai đoạn này vừa thể hiện tình cảm thống nhất đất nước, vừa phản ánh phong tục, tập quán, sinh hoạt của một vùng đất mà nhà văn thông thuộc: miền Bắc (Vũ Bằng, Nhật Tiến, Thế Nguyên, Phan Văn Tạo…), miền Trung (Nguyễn Văn Xuân, Võ Hồng, Vũ Hạnh, Phan Du, Nguyễn Mộng Giác…), miền Nam (Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam…). Những đặc điểm thiên nhiên, con người, lối sống ở nông thôn chưa bị đô thị hóa được lưu dấu trong hình ảnh những làng mạc hẻo lánh miền Trung hay những vùng quê sông nước miền Nam. Văn xuôi không chỉ phản ánh nếp sống bên ngoài mà cả sức mạnh tinh thần qua hình tượng những người nông dân trọng nghĩa, giàu lòng hy sinh, có ý thức kháng cự sức mạnh tha hóa của đồng tiền. Các nhà văn không chỉ làm chứng cho sự băng rã của xã hội mà còn làm chứng cho sự hồi sinh của văn hóa và con người.

        Trong nhà trường đại học và trên sách báo, những trào lưu sáng tác, những trường phái triết học, mỹ học, nghiên cứu và phê bình văn học được giới thiệu khá phong phú và cập nhật. Điều đó một phần do nhu cầu thời thượng của công chúng, phần khác do ý thức xây dựng một nền văn học và giáo dục khai phóng, theo tinh thần mở rộng về giao lưu văn hóa. Sách về phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng luận, chủ nghĩa cấu trúc, tiểu thuyết mới… được dịch thuật và bước đầu vận dụng vào nghiên cứu, sáng tác. Xuất hiện nhiều công trình khảo cứu, với cả những ưu điểm và hạn chế có tính lịch sử, về triết học và văn học phương Tây của các tác giả: Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Trần Văn Toàn, Lê Thành Trị, Bùi Xuân Bào, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Trần Đỗ Dũng, Đặng Phùng Quân, Bửu Ý, Thế Phong, Vũ Đình Lưu… Nhờ tiếp thu những lý thuyết mới mà phê bình văn học ở miền Nam, tuy không phát triển tương xứng với sáng tác, nhưng cũng đã có những tìm tòi, phát hiện với Lê Tuyên, Đỗ Long Vân, Đặng Tiến, Lê Huy Oanh, Huỳnh Phan Anh, Cao Huy Khanh…

          Bên cạnh những hiện tượng đó, trong bối cảnh của một nền tự trị đại học còn sơ khai, một số giáo sư đã nghiên cứu và giảng dạy về chủ nghĩa Marx, từ nhãn quan của học giới phương Tây. Ngoài cuốn Hành trình trí thức của Karl Marx, Nguyễn Văn Trung còn cho phổ biến giáo trình Nhận diện Marx và tài liệu tham khảo Bài học cách mạng của Lenin. Những công trình Tìm hiểu triết học của Karl Marx, Xã hội và con người, Tìm hiểu đời sống xã hội của Trần Văn Toàn cũng là sách tham khảo được quan tâm trong trường đại học. Có thể nói, việc nghiên cứu và giảng dạy chủ nghĩa Marx trong phạm vi đại học miền Nam là một hiện tượng đặc biệt: đây là một chủ nghĩa Marx được khúc xạ qua lăng kính học thuật Âu – Mỹ, được coi trọng khai thác khía cạnh nhân bản và thiên về lý thuyết, chủ yếu là các tác phẩm Marx thời trẻ. Một chủ nghĩa Marx như vậy dễ dàng cộng hưởng với tâm thế của những trí thức khuynh tả có khát vọng về dân chủ và công bằng xã hội.

          Về vấn đề hiện đại hóa nghệ thuật, so với văn học 1930-1945, sáng tác văn học đô thị miền Nam cũng có những đóng góp đáng ghi nhận trên các thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút. Tư tưởng văn nghệ hiện đại phương Tây được phân tích và giới thiệu cặn kẽ trên các trang tạp chí trước khi được tập hợp để xuất bản thành sách đã có ảnh hưởng nhất định đến các nhà văn. Cùng với điều đó, như đã nói, là việc dịch thuật và quảng bá các tác phẩm văn học cổ điển và hiện đại nước ngoài. Sự tiếp thu của các nhà văn có thể tinh, có thể thô, nhưng chắc chắn đã làm thay đổi cái nhìn về thế giới và cách thể hiện thân phận con người, kỹ thuật miêu tả cũng như bút pháp. Báo chí thời kỳ này thực sự là bà đỡ cho các nhà văn trẻ, những người thường được vinh danh là “những cây bút sẽ đi xa trong tương lai”. Hầu như các cây bút làm thơ, viết truyện ngắn thành danh đều đi qua cánh cửa của báo chí, đặc biệt là các tạp chí văn nghệ, nơi những tài năng trẻ trong sáng tác văn học được khẳng định.

          Ngôn ngữ văn chương thời này cũng có những thay đổi: ngôn ngữ trau chuốt, tinh tế của văn xuôi miền Bắc tồn tại song song và trong sự tác động qua lại với ngôn ngữ bộc trực, sống động của văn xuôi miền Nam. Những phong cách nghệ thuật đa dạng, từ bác học đến bình dân, từ văn chương hoa mỹ đến khẩu ngữ, từ hiện đại đến truyền thống… cùng hiện diện trong một địa bàn văn học luôn sôi nổi với những hiện tượng mới. Ảnh hưởng của báo chí đối với văn học cũng làm cho ngôn ngữ trong tác phẩm linh hoạt hơn, đồng thời dễ dãi hơn. Những câu văn đối thoại ngắn, những liên tưởng hình ảnh, dân dã đặc trưng cho lối nói của người miền Nam đi vào trong tiểu thuyết và được độc giả bình dân ưa chuộng. Trong khi đó, hướng đến thành phần công chúng chọn lọc, một số nhà văn nỗ lực sáng tạo ngôn ngữ trong thơ và văn xuôi, qua việc tiếp nhận các trào lưu văn học hiện đại. Xét riêng về mặt hình thức, có thể nhận thấy sự khác biệt này qua tác phẩm của Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Ngô Kha, Diễm Châu, Du Tử Lê, Nguyễn Quốc Thái, Lê Văn Ngăn, Dương Nghiễm Mậu, Thế Nguyên, Thế Uyên, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Đức Sơn, Cung Tích Biền, Nguyễn Xuân Hoàng, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Hoàng Ngọc Biên, Trần Thị NgH…

         Tuy nhiên, những biến động liên tục của xã hội miền Nam đã làm phân tán nỗ lực hiện đại hóa văn học. Nhiều tài năng trẻ đứng ở ranh giới sống chết, không đi đến cùng sự nghiệp văn học. Các tạp chí và nhà xuất bản chuyên về văn học phải rất vất vả để duy trì sự tồn tại của mình. Văn học đại chúng đáp ứng nhu cầu trước mắt của độc giả, nhưng ít có giá trị lâu dài. Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, sinh hoạt văn học đi xuống đến mức Nguyễn Mộng Giác than phiền: “Hỗ trợ cho loại sách cung cấp tình yêu đủ màu đủ vẻ là hoạt động ấn loát chú trọng đến thương mãi, và hầu như đó là ưu tư duy nhất của các nhà xuất bản […]. Thương mãi đã tràn lan lấn át phần nghệ thuật, đẩy nghệ thuật vào phần đất hẹp khiêm nhượng và lẻ loi”[14].

          Trong một bản thuyết trình tại Hội thảo quốc tế về xuất bản và phát hành sách, tổ chức tại Manila tháng 11-1974, nhà giáo Lê Bá Kông[15] cho thấy tình trạng mất cân đối giữa sách xuất bản trong nước và sách nhập cảng qua bảng thống kê sau đây:

 

A.    Sách xuất bản trong nước (theo nhan đề sách)

Năm              Sách giáo khoa             Sách đại chúng          Tổng cộng

1970                      330                                 935                       1.265

1971                      302                                 781                       1.083

1972                      110                                 550                          660

 (nửa năm)

 

B.     Sách nhập cảng (theo nhan đề sách)

Năm              Sách giáo khoa             Sách đại chúng          Tổng cộng

1970                     3.161                              7.656                    11.117

1971                     3.272                              7.779                    11.051

1972                        912                               3.154                     4.066

 (nửa năm)

 

         Nhìn lại ngành xuất bản trong năm 1974, Đặng Hải Sơn ghi nhận: “Tất cả các loại sách biên khảo, tiểu thuyết (sáng tác hay dịch), số ấn bản thay đổi từ 1.000 tới 5.000 cuốn, nhưng 90% loại sách này nằm ở mức in 2.000, chưa kể những thi tập và các sách chuyên biệt, số in thường chỉ từ 500 tới 1.000 ấn bản […]. Chia cho đầu người, cứ ba người Việt Nam đọc chung một cuốn sách trong năm vừa qua!”. Nguyên nhân của tình trạng sa sút này là do chiến tranh lan rộng, kinh tế suy thoái, giá giấy tăng gấp ba, giá sách tăng gấp hai, trong khi thu nhập của người đọc không tăng, nên số lượng sách bán ra phải giảm theo tỉ lệ nghịch[16].

 

Vài nhận xét

 

          Quá trình lịch sử đầy biến động những năm 1954-1975 đã đem đến cho miền Nam một cấu trúc đa dạng và phức tạp trên mọi lãnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, thành phần dân cư, văn hoá, tư tưởng và văn học nghệ thuật. Trong giai đoạn đó, miền Nam là hợp thể của những đối cực về văn hoá mà những giá trị thực sự muốn giành vị trí để được thừa nhận rộng rãi phải trải qua thời gian dài tranh cãi, thuyết phục. Cho đến nay một công trình tổng kết đầy đủ hành trình văn hoá, văn học của vùng đất này vẫn là dự án còn ở phía trước. Khó khăn đặt ra ở đây không chỉ về tư liệu mà còn về một quan niệm, một cách nhìn thoả đáng, có khả năng được sự đồng thuận trong văn giới và học giới, đối với những giá trị cần được lưu giữ.

         Theo thiển ý, nghiên cứu báo chí, xuất bản và văn học ở đô thị miền Nam, cần phải chú ý cả hai phương diện này: một là sự quy định của chính sách văn hóa văn nghệ của chính quyền lúc đó, vốn ảnh hưởng đến hoạt động sáng tác, xuất bản và lưu hành mà các nhà văn không ít thì nhiều cũng bị tác động; hai là phản ứng lành mạnh của giới văn nghệ sĩ, trong đó không chỉ những nhà văn khuynh tả, chống Mỹ mà ngay cả những người thuần túy hoạt động văn nghệ và học thuật, thậm chí thân chính phủ, nhưng có lương tri, không chấp nhận và tìm cách kháng cự lại những biện pháp phản dân chủ.

          Thật vậy, những cơ sở báo chí và xuất bản trung thực đã giúp người đọc miền Nam nhìn rõ hơn xã hội ở chung quanh mình, đã liên kết những người thiện chí trong một nỗ lực vận động cho hòa bình, tự do, độc lập dân tộc và một nền văn hóa văn nghệ tiến bộ, cho thấy mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt, sinh hoạt văn hóa miền Nam không có tính chất một chiều mà còn có những mầm mống của dân chủ, thông qua tiếng nói phản biện và phản kháng.

          Trong đời sống văn học miền Nam, những sáng tác và công trình nghiên cứu chứa đựng những yếu tố dân tộc, nhân đạo, dân chủ và cách tân, xuất hiện trên cái nền của hoạt động báo chí và xuất bản rất đa dạng và phức tạp của nhiều khuynh hướng khác nhau về tư tưởng cũng như về nghệ thuật. Giữa các khuynh hướng đó không có ranh giới tuyệt đối, mà có sự giao thoa, tương tác và chuyển hóa lẫn nhau. Sách báo thân chính quyền cũng có lúc ấn hành những tác phẩm đả kích quan chức của chế độ, thậm chí bị tịch thu. Sự chuyển biến của sách báo khuynh tả cũng là một quá trình từ tự phát đến tự giác. Trên một tờ báo hay một nhà xuất bản có thể xuất hiện những cộng tác viên đối lập nhau về lập trường chính trị và quan điểm văn học.

          Vì vậy, có thể nói, trong khối lượng lớn các ấn phẩm ở miền Nam trước 1975, lẫn lộn trong những cái nhất thời không thiếu những cái còn giá trị cho đến ngày nay. Gần 40 năm qua, nhiều nhà nghiên cứu và người làm xuất bản đã cố gắng ghi nhận, sưu tầm, giới thiệu những đóng góp đáng quý cho kho tàng văn hóa dân tộc. Theo ghi nhận của chúng tôi, từ 1975 đến nay, khoảng 160 tác giả và dịch giả ở các đô thị miền Nam có tác phẩm được tái bản chính thức trong nước; trong đó có những người còn sống, những người đã mất và một số ít đang định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc làm đó chưa thật hệ thống và đầy đủ.

         Với khoảng cách 40 năm, người đọc đã có đủ độ bình tâm và khách quan để nhìn nhận và đánh giá những mặt tích cực và những mặt tiêu cực của các hiện tượng văn hóa, văn học giai đoạn ấy. Những hiện tượng được đề cập trên đây và những cuộc thảo luận sâu rộng có liên quan cho phép chúng ta khẳng định rằng không ít tác phẩm mang phẩm cách dân tộc, tinh thần nhân đạo và giá trị nghệ thuật theo hướng cách tân và hiện đại đã xuất hiện. Công việc sưu tầm, nghiên cứu, đánh giá là nỗ lực chung của nhiều người, nhiều cơ quan, cần rút tỉa kinh nghiệm từ những công trình trước đây, cố gắng vượt qua những định kiến nhất thời từ nhiều phía. Trong thời điểm hiện nay, xúc tiến việc tập hợp, tuyển chọn những tác phẩm, công trình có giá trị là việc làm đúng lúc và cần thiết, không chỉ để cung cấp tài liệu cho các nhà nghiên cứu mà còn góp phần làm phong phú và đa dạng đời sống tinh thần của đất nước.

         Trong 20 năm chiến tranh, hoàn cảnh của những nhà văn miền Nam là một hoàn cảnh cực đoan, đòi hỏi sự chọn lựa. Đó không chỉ là chọn lựa con đường văn học mà còn là chọn lựa con đường sống, lẽ sống. Trong bối cảnh đó xuất hiện những tấm gương có thể xem là lương tri của người trí thức: Nguyễn Hiến Lê và Giản Chi lịch sự mà kiên quyết không nhận giải thưởng văn học nghệ thuật để giữ trọn sĩ khí của một nhà văn hoá độc lập với chính quyền; Thích Minh Châu, Thích Nhất Hạnh, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung… luôn kêu gọi hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôn giáo. Sự đổi mới trong nghiên cứu, đánh giá, giảng dạy văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX cho chúng ta những bài học quý có thể vận dụng vào việc ứng xử với những hiện tượng văn học ra đời ở miền Nam những năm 1954-1975 trong một hoàn cảnh đen tối về chính trị mà ngày nay nhìn lại, từ góc độ hiện đại hóa và hội nhập, cần rất nhiều tinh thần khoan hòa và dung hợp trong đối thoại văn hóa.

          Văn hóa dân tộc thời kỳ nào cũng có những giá trị, nhiều khi ẩn khuất dưới bề mặt của những hiện tượng xô bồ, phức tạp. Với tinh thần khách quan, công bằng, người làm xuất bản và nghiên cứu cần chọn lọc, khai thác những thành tựu quá khứ trong bối cảnh mới của đời sống văn hóa. Giới trí thức sáng tạo thời nào cũng có những đại biểu cho tinh thần dân tộc, cho tinh hoa văn hoá và ngôn ngữ dân tộc. Trước những hoàn cảnh nghiệt ngã của lịch sử, có thể có những hiện tượng chao đảo, ngả nghiêng. Nhưng cội rễ của văn hóa dân tộc luôn ăn sâu vào mọi tâm hồn Việt Nam. Chính nhờ thế mà dân tộc ta mới trường tồn và thống nhất như ngày hôm nay. Tình yêu đất nước, tình yêu con người, tình yêu đối với văn hoá dân tộc, đối với tiếng Việt là một thước đo để thẩm định những giá trị tinh thần trong quá khứ.

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, Viện Văn học – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, số  4 – 2015, tr. 27-40.

 



[1] Báo Sống Mới, ngày 24-1-1968. Dẫn lại theo Lý Chánh Trung: Đối diện với chiến tranh, NXB Trẻ, TP HCM, 2000, tr. 21.

[2] Phúc trình của Ủy ban Ngoại giao – Thông tin Thượng nghị viện Việt Nam Cộng hòa năm 1971. Dẫn lại theo Thế Nguyên: “Báo chí và xuất bản miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy”, trong Văn hóa, văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy, Tập II, NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1979, tr. 265.

[3] Xem Thế Nguyên: “Sắc luật 007 và bộ mặt mới của báo chí miền Nam”, Tạp chí Trình Bầy, số 42, ngày 2-9-1972, tr. 68-73.

[4] “Thời sự văn nghệ: Nhà văn và chế độ kiểm duyệt”, Tạp chí Bách Khoa số 293, ngày 15-3-1969, tr. 77.

[5] Tạp chí Bách Khoa số 303, ngày 15-8-1969, tr. 76.

[6] Thu Thủy: “Văn bút VN và quyền tự do cầm bút”, Tạp chí Bách Khoa số 415, ngày 27-9-1974, tr. 84.

[7] Võ Phiến: Văn học Miền Nam – tổng quan, NXB Văn Nghệ, California, 2000, tr. 258-259.

[8] Dẫn lại theo Thuận Giao: “Việt hóa kinh tế?”, Tạp chí Trình Bầy, số 1, ngày 1-8-1970, tr. 35.

[9] Frank Tannenbaum: Ten Keys to Latin America, New York, 1968. Dẫn lại theo Nguyễn Văn Trung: “Vài ý nghĩ về cái có”, Tạp chí Đứng Dậy, số 97, ngày 4-7-1977, tr. 32.

[10] Nguyễn Văn Trung: “Phê phán xã hội tiêu thụ”, Tạp chí Đứng Dậy, số 87, tháng 10-1976, tr. 34.

[11] Nguyễn Ngọc Bích: An Annotated Atlas of the Republic of Viet-Nam. Washington, DC: Embassy of Viet-Nam, 1972, p. 50. Dẫn lại theo Wikipedia.

[12] Nguyễn Hiến Lê: “Tình hình xuất bản năm 1965”, Tạp chí Tin Sách, số 44, tháng 2-1966. Dẫn lại theo Lữ Phương: Mấy vấn đề văn nghệ, NXB Trình Bầy, Sài Gòn, 1967, tr. 120.

[13] Sơn Nam: “Bàn về hiện tượng sách báo”, Đồng Nai văn tập số 7, tháng 7&8 - 1966. Dẫn lại theo Lữ Phương: Mấy vấn đề văn nghệ, Sđd, tr. 114.

[14] Nguyễn Mộng Giác: “Nghĩ về thơ, truyện 1974”, Tạp chí Bách Khoa, số đặc biệt Xuân Ất Mão 1975, tr. 30.

[15] Dẫn theo Đặng Hải: “Việt Nam và cuộc hội thảo quốc tế về xuất bản và phát hành tại Manila”, Tập san Nhà Văn, số 1, tháng 1- 1975, tr. 87.

[16] Đặng Hải Sơn: “Ngành xuất bản trong năm”, Tập san Nhà Văn, Xuân Ất Mão, tháng 2 - 1975, tr. 128.

 

Online Members

We have 173 guests and no members online

Homepage Data

63693328
Today
Yesterday
All
13620
23426
63693328

Show Visitor IP: 3.143.237.140
23-11-2024 08:33