23112024Sat
Last updateTue, 19 Nov 2024 1pm

"Tây phương mỹ nhơn" trên nền cảm hứng đạo lý trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn giao thời

1. Mở đầu

Trong quá trình hình thành và vận động của nền văn học hiện đại bằng chữ quốc ngữ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, văn xuôi được xem là bộ phận “mới lạ nhất, hiện đại nhất”. Và trong văn xuôi, tiểu thuyết là thể loại rất đáng được lưu tâm. Dù chưa phải là chặng hoàn tất và đạt được nhiều thành tựu thể loại như giai đoạn sau (1930-1945), nhưng tiểu thuyết giai đoạn giao thời (1900-1930) đã xuất hiện nhiều tác phẩm gây được ấn tượng. Cho đến nay, người ta vẫn nhắc tới Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách) với vai trò của “cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tiên”, Quả dưa đỏ (Nguyễn Trọng Thuật) với vị trí của “cuốn tiểu thuyết luận đề đầu tiên”, Cậu bé nhà quê (Nguyễn Lân) với ý nghĩa của “cuốn tiểu thuyết giáo dục đầu tiên”… Trong bài viết này, chúng tôi muốn nói đến một cuốn tiểu thuyết cũng rất đặc sắc: Tây phương mỹ nhơn của nữ văn sĩ Huỳnh Thị Bảo Hoà. Xét về mặt thể loại, tác phẩm này có thể được xem là một cuốn tiểu thuyết luân lý. Nhưng đặc sắc của Tây phương mỹ nhơn không phải ở chỗ nó là cuốn tiểu thuyết luân lý đầu tiên, mà chính là ở tính chất “ngược dòng”, sự khác biệt của nó so với những cuốn tiểu thuyết cùng thời khi có chung nguồn cảm hứng đạo lý.

2. Cảm hứng đạo lý trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn giao thời

Trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn giao thời, cảm hứng đạo lý nổi lên thành một đặc điểm tiêu biểu về nội dung. Nội dung đạo lý gắn liền với chức năng giáo dục, cảnh tỉnh của văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng được hình thành chủ yếu từ bối cảnh văn hoá, xã hội nước ta giai đoạn này. Quá trình đô thị hoá, tư sản hoá đã dần dần hình thành nên lối sống tư sản. Bên cạnh những ưu điểm đáng ghi nhận, lối sống tư sản cũng bộc lộ rất nhiều mặt trái đáng phê phán. Không những thế, đạo đức truyền thống đã tồn tại hàng nghìn năm, tới đây có nguy cơ lung lay trước cuộc “mưa Âu gió Mỹ”. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống bị đảo lộn hoặc bị đo bằng thước đo phi đạo đức. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là do chính sách của thực dân Pháp trong việc cải cách nền giáo dục ở Việt Nam. Việc nhanh chóng loại bỏ nền giáo dục Nho học của nhà cầm quyền đã dẫn đến tình trạng suy đồi đạo đức trong xã hội. Các giềng mối không còn được duy trì như trước nữa, thực dân Pháp gặp phải khó khăn trong việc cai trị. Họ liền nhận ra rằng việc sớm chấm dứt dùng chữ Hán là một sai lầm, cần phải trả lại vị trí cho các giá trị đạo đức, luân lý cũ, trước hết là trong các nhà trường. Kết hợp với việc truyền bá chữ quốc ngữ, thực dân Pháp cho dịch sách chữ Hán (Minh tâm bửu giám, Hiếu kinh diễn nghĩa...), phiên sách chữ Nôm (Huấn nữ ca, Thơ mẹ dạy con, Gia huấn ca...) ra thứ chữ mới này. Bên cạnh đó, các sách đạo đức được biên soạn mới bằng chữ quốc ngữ như Ngũ luân minh cảnh (Nguyễn Đình), Việt Nam luân lý tập thành (Diệp Văn Cương), Ấu viên tất độc (Trần Phong Sắc)... cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Ngoài ra, các sách giáo khoa của Nha học chính Đông Pháp như Quốc văn giáo khoa thư, Hán văn tân giáo khoa thư, Luân lý giáo thư… cũng dạy về đạo đức. Tuy nhiên, cuộc tái hồi của đạo đức Nho gia trong hoàn cảnh xã hội mới, lại gắn liền với một phương tiện ngôn ngữ mới nên không còn giữ được nguyên vẹn những khuôn mẫu của đạo đức Khổng Mạnh mà có nhiều sự điều chỉnh. Bên cạnh những bài học về đạo lý làm người có giá trị nhân văn sâu sắc và mang tính chất vĩnh hằng như phụ từ, tử hiếu, lòng nhân..., sách đạo đức còn có những bài dạy về lòng biết ơn đối với nước đại Pháp đã có công bảo hộ. Đặc biệt, vào thập niên hai mươi của thế kỷ XX, nhiều cuốn sách nói lên quyền của nữ giới như Nam nữ bình quyền (1928), Phụ nữ dự gia đình (1929) của Nữ lưu thư quán đã ra đời. Cùng với đó là sự xuất hiện của một số tờ báo như Nữ giới chung, Phụ nữ tân văn… Quan niệm về người phụ nữ trong xã hội, do vậy, đã có rất nhiều thay đổi.

Trong bối cảnh đó, cảm hứng đạo lý - nguồn cảm hứng đã có cơ sở vững chắc từ văn học trung đại, vẫn tiếp tục dòng chảy của nó. Tuy nhiên, trong tương quan đối lập giữa đạo đức truyền thống phương Đông và lối sống tư sản do ảnh hưởng phương Tây đang diễn ra ngày càng gay gắt, nhiều người, nhất là các nhà Nho, đã nhận thấy cái mới không hoàn toàn đồng nghĩa với cái tốt đẹp. Bởi vậy, cảm hứng đạo lý trước hết tập trung vào việc vạch trần, phê phán đạo đức, lối sống tư sản. Đáng phê phán nhất lúc này là thái độ sùng bái chủ nghĩa kim tiền dẫn tới lối sống tham lam, ích kỷ, độc ác. Đây là một trong những đặc điểm tính cách nổi bật của con người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội bấy giờ, cả ở nông thôn lẫn thành thị. Thị Hạnh (Cuộc tang thương) là một nàng hầu, vì tham tiền của mà bất chấp đạo lý, lấy ông Hàn, một ông già đáng tuổi cha cô để rồi sau khi đã bòn rút hết tiền bạc của cải, lại đem cả nhân tình về nhà khiến ông Hàn giận quá sinh ra ốm đau mà chết. Lê Kỳ Xuân (Lòng người nham hiểm) vì háo sắc ham tài mà lập mưu hãm hại người bạn là Hoàng Hữu Chí, những mong chiếm đoạt được con gái bà phủ Ân giàu có để ngày sau được nhờ cậy. Ông Đinh (Chuyện chị em cô Lê trò Lỳ) là một cán bộ nhà nước nghỉ hưu, vì lòng ham muốn tiền của, đã ép gả cô con gái xinh đẹp, nết na là cô Lê cho Ông Đốc, một tên quan giàu có trong vùng... Tuy nhiên, thói ham giàu, coi đồng tiền là mục đích, lý tưởng sống ở đời được thể hiện tập trung và sâu sắc hơn cả trong những tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Các nhân vật như thông Phong (Thầy thông ngôn), Đỗ Thị (Tiền bạc bạc tiền), Trường Xuân (Tỉnh mộng), hội đồng Lâm Yên (Nhân tình ấm lạnh)... đều là những kẻ “sống chết vì tiền”, coi đồng tiền trọng hơn nhân nghĩa, đạo lý, danh dự. Theo đó, xã hội đang ngày càng điên đảo, quay cuồng, thương luân bại lý. Là một người rất trọng đạo lý, Hồ Biểu Chánh đau xót trước hiện thực ấy. Bởi vậy, ông đã giữ được cái nhìn tỉnh táo để đi tới tận cùng số phận những nhân vật này, cho người đọc thấy được những hệ quả của lối sống chỉ biết có đồng tiền. Cuộc hôn nhân mà thông Phong những tưởng sẽ đem lại cho anh ta sự huy hoàng, lại kết thúc một cách đau đớn. Thông Phong bị vợ phụ tình, bị cha mẹ vợ hắt hủi, công việc khó khăn dẫn đến đau ốm, người đời khinh khi. Những người đàn bà ham tiền trọng của trong Tiền bạc bạc tiền là bà phủ Khánh Long và bà Đỗ Thị đều bị chết…

Bên cạnh thái độ sùng bái chủ nghĩa kim tiền, nhiều kẻ có học, thậm chí du học bên Tây về, thay vì bắt tay vào việc cải tạo xã hội, đem lại ánh sáng văn minh cho đồng bào đồng chủng đã lạnh lùng quay lưng, khinh rẻ, chê bai nước nhà. Hiện thực đó cũng đã được nhiều tác phẩm phản ánh. Nhân vật Vĩnh Thái (Khóc thầm) “khảng khái”: “Từ hồi nào cho đến bây giờ tôi nhứt định không thèm đọc nhựt-trình quốc-ngữ”(1). Roger Trần Thình (Kim Anh lệ sử) phải học mười năm bên Tây mới lấy được bằng tốt nghiệp trường “Máy-móc”. Vậy mà: “Từ ngày cậu đậu được cái bằng về, cậu nghênh-nghênh ngang-ngang lên mặt kỹ sư, không coi ai bằng mình nữa. Cha mẹ cậu thì cậu chê là gàn, mà người đồng-bang với cậu thì cậu khinh là hủ”(2). Còn người vợ cha mẹ hỏi cho từ trước lúc đi Tây, người vợ “nết hạnh mà đảm-đang lắm”, thì “nó chê là đàn-bà An-nam không biết ái-tình, nó không thèm nhìn-nhận gì nữa”(3). Nước Pháp (người đương thời quen gọi là “bên Tây”) là một xứ sở văn minh, điều này không ai phủ nhận. Người Việt Nam sang du học bên Pháp phần nào cũng đã lĩnh hội được sự văn minh ấy. Những điều Vĩnh Thái hay Trần Thình nói ra không phải đều là sai cả. Chẳng hạn Vĩnh Thái so sánh: “Bên mình bán bánh-mì ngang tàng quá, bán không có cân lượng gì hết, lại nó muốn bán giá nào nó bán. Bên Tây làm như vậy có được đâu, ở tù chết”(4). Trần Thình từ khi đi học Tây về “nó nói nó đã thành nhân nó có quyền tự do của nó”(5). Tiếc rằng, họ chưa có đủ hiểu biết để tiếp nhận nền văn minh ấy một cách chân chính và đúng đắn. Hiểu biết hạn chế cộng với thái độ sùng bái phương Tây tới mức bệnh hoạn, đã khiến trong mắt họ những gì thuộc về “người mình”, “nước mình” đều đáng khinh bỉ, đáng bỏ đi cả. Vì thế, chính khi trở về nước, họ lại biến thành những kẻ vong bản, mất gốc, không còn liên hệ gì với giống nòi.

Ngoài ra, tình trạng nhiều thanh niên trong nước trước "làn sóng Âu Mỹ tràn qua Á Đông", trước những cám dỗ của hoàn cảnh đã không biết giữ mình, tự buông thả mình vào vòng sa đoạ, chơi bời vô độ, tới mức huỷ hoại cả tinh thần lẫn thân xác cũng khá phổ biến và rất đáng lên án. Tiêu biểu là các nhân vật như Văn Sinh (Phồn hoa mộng tỉnh), Thị Phượng (Mồ cô Phượng), Liên Tử Tâm (Cô Ba Tràh), Yến Hoa (Cô giáo Yến Hoa luỵ vì tình)… Điểm gặp gỡ giữa họ là trước những cám dỗ của hoàn cảnh hay từ những đau khổ của cuộc đời, thay vì phải vượt lên để sống cho có ý nghĩa, họ lại để cuộc đời mình trôi theo những xô đẩy của hoàn cảnh sống, một hoàn cảnh sống luôn sẵn chứa những mầm mống tội lỗi. Ở đó đầy rẫy những sòng bạc, những ổ mại dâm, những Sở Khanh, Bạc Bà... Chúng vuốt ve, nuôi dưỡng để cái ác phát triển, làm biến dạng những bản tính tốt đẹp của con người.

Trong những biểu hiện của sự sa đọa lối sống, suy thoái đạo đức, hiện tượng phụ nữ ngoại tình, thậm chí là những người phụ nữ nông dân, đã trở thành một nỗi ám ảnh ghê gớm đối với nhiều nhà tiểu thuyết, nhất là Hồ Biểu Chánh. Dù chủ trương viết văn để “gieo hột giống nhân nghĩa”, ông cũng không thể phủ nhận đã có một thực trạng đau buồn như thế trong xã hội. Thị Lựu dan díu với Hương hào Hội (Cha con nghĩa nặng), Như Hoa dan díu với xã Xù (Thầy thông ngôn), vợ Hương hào Đều dan díu với Vĩnh Thái (Khóc thầm)... Đó là còn chưa kể chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân như Bạch Tuyết với Chí Đại (Ai làm được), Hiển Vinh với Thu Vân (Chút phận linh đinh)... cũng không phải là hiếm gặp. Hiện tượng phổ biến này trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đã khiến một số nhà nghiên cứu đi đến kết luận: “Hồ Biểu Chánh tuy có đề cao đạo lý Khổng giáo trong các tác phẩm của mình, nhưng ông cũng công nhận một thực tại khó chối cãi là sự thèm muốn trần tục của thân xác con người. Khuynh hướng kiềm chế dục vọng của thế kỷ XIX đã bị phá tan trong các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh”(6). Đúng vậy, tất cả những hành động hủ bại, những dục vọng thân xác của nhân vật trong tác phẩm Hồ Biểu Chánh đều được thể hiện như một sự thật không thể chối bỏ. Và dường như càng nhận ra đó là một thực tế hiện hữu, Hồ Biểu Chánh càng muốn quyết liệt chỉ ra để lên án, để loại trừ. Nhà văn tuyệt nhiên không thể hiện thái độ khoan nhượng hay che dấu.

Không chỉ phổ biến trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, phụ nữ ngoại tình đã là tình trạng phổ biến trong xã hội lúc bấy giờ. Bởi vì điều đó còn được nói tới trong Hà Hương phong nguyệt (Lê Hoằng Mưu), Cuộc tang thương (Đặng Trần Phất), Một thiên thảm sử (Võ Nghi Lập), Mồ cô Phượng (Trứ giả)... và nhiều tác phẩm khác cùng thời. Nhưng chuyện “tày đình” đối với người phụ nữ phương Đông không chỉ xảy ra trong môi trường đô thị hay những vùng quê nham nhở do thực dân tạo nên, kinh ngạc thay, nó còn diễn ra ngay trong chốn “lầu son gác tía”. Đó là câu chuyện của Hồ phu nhân trong Người bán ngọc (Lê Hoằng Mưu). Nàng là mệnh phụ phu nhân của quan đề đốc Hồ Quốc Thanh. Trong thời gian chồng đi dẹp giặc chưa về, cảnh chăn đơn gối chiếc đã khiến Hồ phu nhân không giữ nổi mình. Nhà quan cổng kín tường cao, đêm ngày có lính canh phòng cẩn mật, người tình của Hồ phu nhân là Tô Thường Hậu đã cải dạng thành một người phụ nữ đi bán ngọc. Viện cớ làm rơi chuỗi ngọc, chưa lượm hết được, Tô Thường Hậu đã được Hồ phu nhân lưu lại qua đêm. Một đêm chung phòng, cũng là một đêm ân ái mặn nồng của họ. Để rồi sau đó, dưới danh nghĩa là một bạn tâm giao của Hồ phu nhân, Tô Thường Hậu đã ở lại hẳn trong dinh. Hai người cứ thế vui say trong “nguồn ân bể ái”, bất chấp sự nghi ngờ của đám gia nhân, cho tới tận lúc Hồ Quốc Thanh đột ngột trở về. Tuy lấy bối cảnh của vùng đất Tô Châu (Trung Quốc), nhưng câu chuyện mà Lê Hoằng Mưu kể ra, đối chiếu với thực tế xã hội ta lúc ấy cũng chẳng xa lạ gì. Thậm chí, nó còn như một cái bóng, mà Lê Hoằng Mưu vì những ý tưởng quá táo bạo, đã không tiện nói ra một cách trực diện.

3. Tây phương mỹ nhơn - cuốn tiểu thuyết "lội ngược dòng" văn chương đạo lý đương thời

Trong dòng chảy chung đó của cảm hứng đạo lý, Tây phương mỹ nhơn đứng thành một mạch riêng. Tác phẩm gây được ấn tượng ngay từ khi ra đời không phải chỉ vì được liệt vào “thời kỳ thứ nhất của mục văn tiểu thuyết đàn bà”(7), mà chủ yếu là bởi một đề tài và chủ đề khá đặc sắc. Câu chuyện về số phận con người trong cảnh mộ lính đầu thế kỷ XX tự nó đã chứa nhiều thông điệp về hiện thực cuộc sống và bản lĩnh người cầm bút. Điều đáng nói là, tác giả còn khéo léo lồng vào đó một bài học, một tấm gương về đạo làm vợ và hơn thế, là đạo làm người thông qua hình tượng nhân vật là một người phụ nữ phương Tây. Dường như có một sự nghịch đảo trong trường hợp này. Giữa lúc những ảnh hưởng phương Tây đang làm thay đổi đạo đức và lối sống của một bộ phận lớn người Việt Nam, tình trạng tha hoá về đạo đức trong xã hội đã đến mức đáng báo động, thì lại có một người phụ nữ phương Tây mang những phẩm chất rất đáng quý của phụ nữ Á Đông truyền thống. Bạch Lan là một thục nữ "mặt trái xoan, mày lá liễu, da trắng như tuyết, môi đỏ như son, hàm răng trong như ngọc, mái tóc vàng như tơ, cặp mắt thu ba, miệng cười hoa nở"(8). Là con gái của ông Đạt Văn - trung uý quân đội Pháp, Ngọc Lan sống trong "một toà nhà lộng lẫy, bày biện trang hoàng. Ngoài vườn trồng các thứ cây như sa-lê, thái bình và các thứ hoa, trông rất thanh và rất tao nhã. Trong nhà có một phòng riêng để làm bàn giấy có quạt máy đèn máy đủ thứ"(9). Tuy được sinh ra ở xứ sở tự do mà cô "không hề lạm dụng chữ tự do như các người con gái khác"(10). Trên chiến trường Vệ Đông, Bạch Lan là một tình nguyện viên của hội Hồng-Thập-Tự, đã quen và đem lòng yêu Tuấn Ngọc, chàng trai của xứ sở thuộc địa An nam đi lính mộ. Mặc cho những kẻ giàu có người Pháp như Mi Sen, Sĩ Vinh theo đuổi, thậm chí bày trò để xúc phạm Tuấn Ngọc và chia rẽ tình cảm giữa họ, Bạch Lan vẫn một lòng tin tưởng vào tư cách của người yêu. Đám cưới của họ đã được tổ chức và sau đó là cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Giữa lúc Bạch Lan đang mang thai đứa con thứ hai thì chiến tranh kết thúc, Tuấn Ngọc bị trục xuất về nước. Tìm mọi cách để trở lại Pháp với mẹ con Bạch Lan, Tuấn Ngọc lại bị kẻ xấu hãm hại nên ý định không thành. Bạch Lan từ ngày xa cách, lòng thương nhớ chồng khôn xiết. Biết tin Tuấn Ngọc không thể trở lại Pháp để đoàn tụ gia đình, Bạch Lan dù bụng mang dạ chửa, vẫn nhất định từ biệt mẹ cha, dắt theo con nhỏ, xuống tàu sang Việt Nam tìm chồng. Trải qua bao khó khăn, phiền luỵ, cuối cùng “gái có công thì chồng không phụ”, gia đình họ đã được đoàn tụ, hạnh phúc bên nhau.

Nét nổi bật trong phẩm chất của Bạch Lan chính là tình yêu trong sáng bất chấp ranh giới giàu nghèo, sang hèn, và hơn thế, bất chấp cả màu da, tiếng nói; là lòng thuỷ chung trọn vẹn với người chồng mà cô tin tưởng và lựa chọn. Viết lời tặng cho cuốn sách, Tản Đà thừa nhận: “Truyện Tây phương mỹ nhơn có trọng giá nhất ở chỗ đó”(11). Trong bối cảnh nhiều tiểu thuyết quốc ngữ giai đoạn này phản ánh thực trạng người phụ nữ Việt Nam đang chạy theo một lối sống cá nhân ích kỷ, phản bội gắt gao những phẩm chất quý báu của người phụ nữ Á Đông, chúng tôi gọi Tây phương mỹ nhơn là cuốn tiểu thuyết "lội ngược dòng" văn chương đạo lý đương thời. Theo lôgic thông thường, đây có vẻ như là một "tứ lạ" để diễn tả một ý tưởng độc đáo, hay ít nhất cũng là một tác phẩm thuộc loại luận đề, thuyết giáo về vấn đề đạo đức phụ nữ trong buổi giao thời của xã hội. Nhưng theo chúng tôi, câu chuyện này hoàn toàn có thể có thật. Phán đoán này không chỉ dựa vào lời tác giả: "Câu chuyện Tây Phương Mỹ Nhơn nầy vốn là chuyện thiệt xảy ra ở xã hội ta: nhơn có một người đàn bà ngoại quốc sinh trưởng ở nước tự do, kết duyên với một người nước Việt Nam ta, mà ăn ở có tiết nghĩa có thuỷ chung, thiệt xưa nay hiếm có"(12). Bên cạnh thông tin từ tác giả, ông Bùi Thế Mỹ trong "Bài tựa cuối cùng" cũng cho biết: “Còn như câu chuyện trong sách này vốn là một câu chuyện thực đã xảy ra ở hạt Quảng Nam xưa. Năm xưa, nhân về nghỉ hè ở quê nhà, tôi đã được nghe nhiều người thuật lại”(13). Ngoài những "nhân chứng sống", nhận định đây là chuyện có thật, theo chúng tôi, còn có thể được lý giải bằng một lôgic khác. Suốt hàng nghìn năm, dưới chế độ quân chủ, người phụ nữ Việt Nam đã bị gò bó trong một khuôn khổ quá ư chật chội của đạo lý luân thường. Đến khi gặp gỡ phương Tây, sự dồn nén ấy được bung ra. Và như một con lắc, từ tận cùng bên này nó sẽ được đưa đến tận cùng bên kia. Đạo đức Nho gia lúc này được xem như sợi dây trói buộc cần phải tháo bỏ triệt để. Quan niệm sống cho người chuyển thành tư tưởng sống cho ta. Ý thức về con người cá nhân do vậy đã nhanh chóng chuyển thành một lối sống cá nhân ích kỷ. Trong khi đó, ở các nước phương Tây, quá trình giải phóng cá tính đã qua đi, người ta nhận thấy giá trị đích thực của cá nhân chỉ có thể có được trong những mối tương giao đồng loại. Nhiều thứ chúng ta coi là mới lạ đến từ phương Tây có khi lại là cái mà người phương Tây đã bỏ đi hoặc vượt qua rồi. Do vậy, trong quy luật tiếp thu, ảnh hưởng, người ta thường nói tới quy luật tiếp biến. Sự tiếp thu có chọn lọc và biến đổi cho phù hợp với đạo lý, văn hoá Việt Nam là điều đương thời không phải ai cũng có thể làm được.  

4. Kết luận

Tây phương mỹ nhơn cho dù viết lại một chuyện có thật hay chỉ là hư cấu để làm tấm gương đạo đức, thì tác phẩm vẫn là một hiện tượng đặc sắc. Nó thể hiện sự giao thoa văn hoá Đông Tây theo chiều ngược lại với những gì đang xảy ra trong đời sống xã hội ta lúc bấy giờ. Tác phẩm không chỉ có ý nghĩa với đương thời mà ngày nay, nó vẫn khiến người đọc phải ngạc nhiên. Đối với đương thời, một mặt nó thể hiện xu hướng tư tưởng “Pháp - Việt đuề huề”, mặt khác chứng tỏ một cái nhìn khách quan và “rộng lượng” của tác giả ngay trong hoàn cảnh nước ta đang bị thực dân Pháp xâm lược: "Lấy lẽ công bình mà phán đoán, thì một người có đức hạnh, có tài hoa hơn người, dầu cho ở nước nào, ở phương nào, cũng đáng quí trọng, vì là một cái gương chung cho hậu thế"(14). Trong tinh thần giao lưu hiện đại, tác phẩm còn có thể được tiếp nhận với ý nghĩa thể hiện mối quan hệ hoà hiếu giữa các dân tộc trên thế giới. Điều này càng thực sự cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa, "thế giới như là không biên giới" hiện nay.

Thanh Hóa, tháng 12 năm 2008

____________

(1), (4) Hồ Biểu Chánh, Khóc thầm, An Tường xb, Sài Gòn, 1929, tr. 46, 30.

(2), (3), (5) Trọng Khiêm, Kim Anh lệ sử, Đông-Kinh Ấn-quán xb, Hà Nội, 1924, tr. 20, 16, 15.

(6) John C. Schaffer và Thế Uyên, “Tiểu thuyết xuất hiện tại Nam Kỳ”, Tạp chí Văn học, Số 8, 1994, tr. 6-14.

(7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14) Trương Duy Hy (biên soạn), Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hoà - Người phụ nữ viết tiểu thuyết đầu tiên, Nxb Văn học, Hà Nội, 2003, tr. 39, 69, 75, 74, 37, 41, 39-40, 41-42.

 

 

Online Members

We have 467 guests and no members online

Homepage Data

63693883
Today
Yesterday
All
14175
23426
63693883

Show Visitor IP: 3.138.175.10
23-11-2024 09:10