23112024Sat
Last updateTue, 19 Nov 2024 1pm

105 năm ngày sinh Nguyễn Tuân (10/7/1910 - 10/7/2015)

Nguyễn Tuân – Sự thống nhất, biến hoá kỳ lạ trong một con người

Đoàn Trọng Huy (*)

 

Cách mạng Tháng Tám đã đổi đời cho dân tộc, trong đó có các văn nghệ sĩ. Họ trở thành con người với tư thế biến đổi kỳ lạ: nghệ sĩ mới tự do,khác hẳn người làm nghệ thuật thời nô lệ.

Nguyễn Tuân là một trong số đông những nghệ sĩ ấy đã tự Lột xác (1945) để mang một nhân thân mới.Trưởng thành trong cách mạng và kháng chiến,Nguyễn Tuân đã trở thành một nhân cách lớn – nhân cách có nhiều phẩm cách hay tư cách: nhà văn nghệ sĩ, nhà văn hóa, bậc thầy ngôn từ,

Con người ấy đã biết biến hóa mình. Gương mặt nhà văn hôm nay vẫn còn phảng phất dấu tích của ngày hôm qua. TrongNguyễn Tuân, có sự bao dung, hòa hợp của những nét đối lập, đối nghịch giữa cái cũ và mới, giữa dị biệt và đồng dạng. Lãng tử và ngưởi viết lăn lộn thực tế, nghệ sĩ và người làm nghề nghiêm cẩn...

Đó chính là sự thống nhất biện chứng, kỳ lạ của những cặp đôi “2 trong 1” của Nguyễn Tuân.

Không lâu sau ngày tham gia kháng chiến, năm 1950, Nguyễn Tuân gia nhập Đảng tại chi bộ Hội Văn nghệ Việt Nam – nơi ông được bầu làm Tổng Thư ký từ 1948. Là nhà văn lớn, là người mác xít, nhà văn đã nêu một điển hình rất tiêu biểu cho sự thống nhất biện chứng giữa những mặt đối lập để thích ứng với sự vận động tiến bộ - sống và viết. Bí quyết ấy phải chăng là biện chứng pháp tâm hồn nhà văn?

***

I/ LÃNG TỬ PHIÊU BỒNG VÔ ĐỊNH  VÀ NGƯỜI ĐI VÀ VIẾT LĂN LỘN THỰC TẾ.

Trước Cách mạng,Nguyễn Tuân nổi tiếng là một nhà văn nghiện xê dịch, có máu phiêu du, luôn trong tâm thế của người lữ thứ.

Như vậy, chắc hẳn có phần  như tự nhận,  nhà văn có gien di truyền, chính  là cái thú ngao du giang hồ từ gia đình, họ tộc. Ông nghiệm ra: “Buổi sớm khởi hành của cánh buồm căng thẳng bao giờ cũng là vui mắt. Tôi muốn tôi mãi mãi được là một cánh buồm căng thẳng như thế mỗi lúc có gió sớm nổi dọn đường cho một mặt trời mới nhô lên sau ngấn nước bể đông (Cửa Đại). Vậy là,suốt một thời nhà văn tự biến mình thành cánh “buồm gió chơi trăng mải miết”.

Đi vừa là một cách vượt thoát khỏi cảnh tù túng, giam hãm, bế tắc và ngột ngạt của xã hội thời ấy, cũng là thỏa chí tang bồng bốn phương.

Đi có việc như đi đóng phim ở HongKong, rồi ngao du vô định, thậm chí phiêu lưu, mạo hiểm như chuyến đi bị bắt ở Bangkok. Đi như một cứu cánh, đi như một “chủ nghĩa”. Nhà văn tâm đắc với ước nguyện của Paul Morand là khi chết đi được thuộc da mình làm chiếc vali, cũng như danh ngôn: “Khi đi du lịch về có lẽ con người ta đã lớn thêm, nhưng chắc chắn một điều là Trái Đất phải nhỏ lại”.

Vẫn con  người ấy nhưng sau này là những chuyến đi khác nhau một trời một vực. Đi như nhiệm vụ hoàn toàn tự giác, có mục đích và mục tiêu rõ rệt.

Trước kia là tâm trạng Thiếu quê hương (1943), nay là cảm hứng mãnh liệt về non sông đất nước trong ngày hội cách mạng và niềm vui đấu tranh, xây dựng sự nghiệp.

Ngay sau ngày Nam Bộ nổ súng kháng chiến, Nguyễn Tuân đã tham gia đoàn văn nghệ sĩ Nam tiến vào mặt trận Nam Trung Bộ - chuyến đi đầu tiên trong cuộc đời mới. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhà văn lại vào đoàn Văn hóa kháng chiến, làm trong đoàn kịch Tiền tuyến của Liên khu IV. Năm 1948, ông lên Việt Bắc, tham gia lãnh đạo Hội Văn nghệ Việt Nam. Rất tự nhiên, Nguyễn Tuân đến với bộ đội, hành quân theo đơn vị ở Liên khu III.Sau đó, nhà văn lại lên Việt Bắc, đi với Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 và được tham dự vào nhiều trận đánh qua các chiến dịch.

Năm 1952, có một thực tế mới không kém gian lao, nguy hiểm, thử thách: Nguyễn Tuân công tác trong vùng địch hậu Bắc Ninh. Hai tập tùy bút Đường vui (1949), Tình chiến dịch (1950) mang dấu ấn những chuyến đi của những tháng năm gian khổ nhất trong trường kỳ kháng chiến chống Pháp của Nguyễn Tuân. Đó là những vùng trời nhận thức mới, cảm xúc tươi nguyên.

Xưa kia, “thầm lén mà yêu thương, mà ngợi ca đất nước muôn vẻ, muôn hình của mình” (Cầu ma). Nhân vật Bạch trong Thiếu quê hương bộc lộ: “Đi để mà đau khổ cả lúc đi lẫn lúc nghỉ”. Quan niệm đi của nhà văn đã thực sự thay đổi từ khi tham gia kháng chiến: “Đi bao giờ cũng vui. Chỉ những lúc ngừng mới hết thú”. Chính vì nhà văn đang rảo chân trên con đường lớn – Đường vui của dân tộc – để nhận ra “sức mạnh của đất nước luôn luôn hiện hình trên từng tấc gang đường xa”.

Đi với Nguyễn Tuân đã là cả một sự khám phá và sáng tạo.

Từ sau năm 1955, cảm quan về đất nước của Nguyễn Tuân ngày càng trở nên thực sự mạnh mẽ. Nhà văn có hai vùng thực tế trọng tâm, cũng là hai vùng khơi nguồn cảm hứng sáng tác.

Đó là Vĩnh Linh, giới tuyến và Tây Bắc, miền núi. Đây là những nơi nhà văn lui tới hàng năm, trở đi trở lại, khi ngắn khi dài, ở ít ngày hoặc hàng tháng. Ông đi theo đoàn, theo nhóm, và đôi khi là đi lẻ một mình.

Nhiều chuyến đi gian khổ, vất vả và có cả hiểm nguy nữa. Xuôi ngược Đà giang, suốt dọc bến bờ, băng sông, vượt lũ, bám sát những tay lái đò thiện nghệ. Theo chân đoàn thăm dò địa chất, nằm rừng, ngủ lán với công nhân mở đường. Thế nhưng,Nguyễn Tuân vẫn mê mải tươi vui, vẫn náo nức, thiết tha, vẫn quả cảm, gan dạ, kiên trì và nhẫn nại ,  ở lại hết lần này đến đợt khác.

Nguyễn Tuân kể qua những thư gửi Nguyễn Văn Bổng về chuyến đi Than Uyên: “Mỉnh vừa ốm dậy, người còn choáng váng sau khi nằm bệt hai ngày ở giữa mỏ than coke Quỳnh Nhai viết cho cậu”… “Than Uyên là một đất có truyền thống về phỉ… Thành ra hôm đi Than Uyên, huyện ủy Quỳnh Nhai cũng cho mình hai súng trường đi với ngựa thồ đồ đạc”…“Tôi định lấy hai cái cẳng tê thấp của tôi nối liền hai bờ sông Đà và sông Hồng… Đường vào Than Uyên gay lắm, chua lắm ông ạ (đối với tôi). Lội suối mấy ngày liền”.“Không lội suối thì trèo đèo… Cho nên, về đến cách châu lỵ Quỳnh Nhai sốt, nằm lại hai ngày, ăn cháo và mua hổ cốt uống. Nhưng hôm nay người khá rồi”.

Đi để viết.“Sông Đàchính là tập tùy bút chắc mạnh và đẹp lộng lẫy, có lẽ là tác phẩm kết tinh của Nguyễn Tuân trên chặng đường dài từ sau Cách mạng” (Nguyễn Đình Thi).

Tập hợp những bài viết về Vĩnh Linh được in thành tập sách Sông tuyến. Đây cũng là kết quả những lăn lộn vào một thực tế đặc biệt – vùng giáp ranh hai miền qua một cây cầu. Nguyễn Tuân viết về Vĩnh Linh đầy ắp những nỗi niềm trăn trở Bắc – Nam.

Sông tuyến Sông Đà chính là hai niềm tự hào, cũng là yêu thương, day dứt lớn mang dấu ấn lịch sử của nhà văn.

Những năm đế quốc Mỹ trực tiếp ném bom miền Bắc,Nguyễn Tuân vẫn bám trụ Hà Nội, kể cả 12 ngày đêm ác liệt nhất. Nhà văn len lỏi các phố phường, bãi sông, đến với các đơn vị bộ đội. Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi cũng là một tập  tùy bút như chiến công văn chương lịch sử của nhà văn. Thăng Long cầu mới 15 nhịp là cặp đôi của bức toàn cảnh Hà Nội chiến đấu và xây dựng. Người đã từng xót xa đếm từng mảnh ván nhịp cầu Hiền Lương ngày nào, nay vui sướng điểm đủ 15 nhịp cầu hòa bình, hạnh phúc của đất nước.

Ngày đất nước còn chia cắt,Nguyễn Tuân từng tưởng vọng miền Nam. Sau năm 1975, nhà văn đã thỏa chí đi khắp vùng miền sông nước, miệt vườn Nam Bộ. Từ vùng Long Châu Hà (Long Xuyên – Châu Đốc – Hà Tiên) tới tận Minh Hải, Cà Mau, rồi Côn Đảo, Bà Rịa… Mỗi năm thường vào vài ba lần.Năm 1988, nhà văn lỡ hẹn đi một chuyến “trối già”. Trong ghi chép của Nguyễn Tuân lại chi chít những địa điểm và cảnh sắc vùng miền: biên giới Tây Nam, các đảo gần, đảo xa, các cù lao Giêng, cù lao Ruồi, các vùng Hóc Môn, Bà Điểm, chợ Đệm, các con sông Hàm Luông, Vàm Cỏ...

Về cơ bản, nhà văn đã hoàn thành tấm bản đồ non sông đất nước trong tâm tưởng, và thể hiện phần nào trên trang viết. Tổ quốc từ chỏm đầu chót vót mỏm Lũng Cú phương Bắc tới bàn chân  lầy bùn mũi Cà Mau cuối đất là hình ảnh toàn vẹn của cơ thể Việt Nam tươi đẹp, hùng mạnh và quả cảm một thời dựng nước và giữ nước.

Nguyễn Tuân đã tượng hình đất nước bằng ngôn từ nghệ thuật. Đây là quan niệm tầm thế giới của nhà văn qua Đi và viết( II): “Đông, Tây, cổ, kim, xem ra được gọi là danh sĩ đều là những vị đã đi khá nhiều. Đi dọc, đi ngang, đi lên, đi xuống, đường đi nước bước của họ cứ như là kẻ bàn cờ trên sông hồ trong nước và kéo dài ra khắp đó đây ở ngoài quê hương họ”.

Dễ nhận ra một Nguyễn Tuân sáng đẹp lên trong ánh hào quang cuộc đời mới. Tuy nhiên, nếu nhận kỹ thấy ẩn hiện những nét lãng tử đáng yêu xa xưa. Ở Tây Bắc mà thả hồn phiêu diêu chín tầng cao để nhìn Sông Đà trải dài giữa bạt ngàn như một áng tóc mun trữ tình huyền thoại. Ra Đất Mũi, ngày nào cũng vậy, cứ sớm tinh mơ, nhà văn ra ngắm mặt trời từ từ nhích lên trên mặt biển bao la. Buổi chiều muộn, văn sĩ lại ngồi chiêm ngưỡng cục lửa đỏ tụt dần, tụt dần xuống ngấn  nước chân trời mờ xa…

Bên Nga, hai lần du ngoạn Leningrad,Nguyễn Tuân vẫn được ở đúng căn phòng 208 khách sạn Châu Âu cổ kính như một sự sắp đặt vô tình mà cố ý rất tế nhị của bạn để chiều lòng nhà văn độc đáo Việt Nam. Nhà văn được ngắm những bông tuyết đầu mùa với hương vị Chén trà trong sương sớm. Và, giữa tiệc tùng đầy sơn hào hải vị xứ lạnh Phần Lan, như thoáng động lòng cố hương – đăm đăm nhớ Hà Nội, ước có một bát phở nghi ngút khói trước mặt, nhà văn của nghệ thuật ẩm thực xứ sở đã sáng tác thiên tuỳ bút đặc sắc – Phở.

Phải chăng, đã có những giây phút phiêu bồng kỳ diệu trong tâm hồn vị khách lữ thứ Nguyễn Tuân? Vẫn là hồn cốt lãng tử của những Nguyễn, những Bạch ngày nào đó thôi. Khác chăng là lãng tử lãng mạn vẫn chung sống hay đã biến hóa thành lãng tử cách mạng!

II/ NHÀ VĂN THÁP NGÀ CÔ ĐƠN VÀ NGƯỜI CHIẾN SĨ MẶT TRẬN QUẢ CẢM.

Xưa kia – trước Cách mạng, Nguyễn Tuân có tuyên ngôn quan niệm về nghệ thuật qua hình tượng và cả bằng lý thuyết cô đúc: “Mỹ thuật nó không là bà con với luân lý, đạo đức (Chuyến xe tình –Nguyễn, Thời đại, 1945). “ Đã có bao giờ tôi làm nổi một bài thơ thoát trần. Đã có bao giờ tôi được viết để ca ngợi những cái gì mà người khác gọi là có ích… Trên tờ giấy, có lúc nào tôi được cùng vui với một đám mây luôn luôn thay chỗ và biến hình đủ thể, hoặc là trên dòng nước được cùng ngậm ngùi với đời tình ái của một cái bèo (Những đứa con hoang – Giai phẩm, Đời nay, 1943).

Cái tôi của Nguyễn Tuân, thực chất là cái tôi cá nhân chủ nghĩa. Nhà văn vẽ mình như một con người cô độc mà hết sức kiêu căng: “Rồi tôi vẫn vênh váo đi giữa cuộc đời như một viễn khách không có quê hương nhất định; cái gì cũng ngờ hết, duy chỉ có tin chắc ở cái kho, cái vốn tình cảm và cảm giác của mình” (Tóc chi Hoài).

Con người cá nhân ấy tách rời hiện thực, cứ thu mãi, vùi mãi vào cái bản thể mà thực chất trống rỗng, vô nghĩa. Đến mức, nhiều khi tự mình lại chán mình “chán lắm rồi, không thể chán hơn được thế này nữa” như tâm sự chàng Nguyễn trong Cái cà vạt đen (Nguyễn, Thời đại, 1945).

Thực ra, tâm trạngđơn côi, cô độc trong tháp ngà văn chương là của cả một thế hệ văn sĩ bế tắc thời ấy.

Tuy nhiên, tâm hồn ấy chưa thực sự hoàn toàn đóng kín với cuộc đời. Cuộc sống hiện thực, cảnh quan sông nước, những con người cần lao khốn khổ cứ tự nhiên tác động vào cảm giác. Dần dần, nhà văn nhận ra nước mắt, mồ hôi hòa lẫn với máu nữa (Chiếc va li mới). Không thể hoàn toàn dửng dưng  được với ngoại cảnh!

Cách mạng tới, cùng với cuộc kháng chiến thần thánh thực sự đã đổi đời văn cho Nguyễn Tuân. Cái tháp ngà văn chương như pháo đài cá nhân chủ nghĩa kiên cố của nhà văn đã bị phá vỡ và sụp đổ hoàn toàn khi Nguyễn Tuân nhận ra Cỏ độc lập đã lên xanh phủ khắp núi sông và nhà văn đắm mình vào một cuộc sống mới.

Sau Đại hội văn nghệ toàn quốc năm 1948, một phong trào rầm rộ đi thực tế đời sống và đến với nhân dân được phát động. Nguyễn Tuân bị cuốn hút vào ngọn gió lớn của thời cuộc. Người viết như vị lữ hành cô độc xưa kia, bây giờ đã trở nên mạnh dạn hơn, từ bỏ nơi trú ngụ  lô cốt để hoà nhập vào đám đông quần chúng trên “đường vui” mới của cuộc chiến đấu.

Các nhà văn quân đội là những người trong biên chế đội ngũ trực tiếp cầm súng. Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi,… hưởng ứngphong trào tự nguyện tòng quân để đến với các đơn vị bộ đội.

Từ đây, họ mang tư cách nhà văn – chiến sĩ thực thụ. Chiến sĩ ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Họ cầm bút, nhưng khi cần thiết có thể cầm súng, tức quân sự hóa.

Tất nhiên, họ thường ở tuyến sau, không trực tiếp tham chiến trên trận địa.

Đi với đơn vị, từ các Trung đoàn, Đại đoàn khi ở Liên khu III, khi lên Việt Bắc, dự chiến dịch Sông Thao mùa hè, rồi chiến dịch Đường số 4 mùa đông, Nguyễn Tuân hầu như đã là người thân quen trong quân ngũ. Đã có một Nguyễn Tuân mang hồn cốt mới – hồn cốt của con người dấn thân vào chiến đấu, chịu đựng vất vả, gian khổ và cả hiểm nguy nữa.

Đó là sự chấp nhận cao nhất dám đánh đổi tính mạng của mình để có được trang viết chân chính nhất: trang viết của nhà văn thực sự vì dân, vì nước.Nguyễn Tuân làm nên mình và phát hiện ra chiến sĩ.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi như người đồng cảm chân tình, từng khoác áo lính, nói về sự thay đổi kỳ lạ củaNguyễn Tuân qua mấy dòng Điếu văn ở lễ tang: “Ông dự các trận đánh; ông chia sẻ với chiến sĩ từng nắm cơm ăn vội đến giấc ngủ giữa rừng. Ông nhìn thấy những người trai trẻ yêu quý hy sinh giản dị cho Tổ quốc sống còn”.

Nguyễn Tuân còn dấn thân vào mặt trận không có hoặc ít  tiếng súng – vùng địch hậu, để công tác nhiều thời gian. Lại có những chuyến, nhà văn đi phải kèm súng, đề phòng đột kích của thổ phỉ ngay vùng Than Uyên ở Tây Bắc những năm mở đường. Hình như con người lãng tử phiêu du mạo hiểm xưa kia được khơi dậy , nhưng đã mang hồn vía mới cách mạng, tạo nên tính cách dấn thân quả cảm.

Những năm đánh Mỹ, nhà văn Nguyễn Tuân lại đội mũ sắt, đeo túi dết, bi đông bám sát nhiều trận địa. Chế Lan Viên ca ngợi cả đội ngũ thời ấy:“Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy”.

Đặc biệt, nhà văn không chịu đi sơ tán, mặc dù nhà ông nằm ở gần vùng trọng điểm – Ga Hàng Cỏ.Rồi ông đã đến ở với gia đình Bảo Định Giang  khu nhà tập thể ngay trụ sở Hội Văn nghệ số 51 Trần Hưng Đạo. Chiếc giường xếp, cũng là bàn ăn của nhà văn được đặt gần hầm trú ẩn. Giữa những ngày diễn ra trận Điện Biên Phủ trên không, đêm đêm nhà văn vẫn ngủ trên chiếc giường xếp, nhai cơm nắm với ba lát chả lụa để hình thành dần tác phẩm để đời Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi. Tác phẩm đã gây xúc động hàng triệu triệu tấm lòng.

Ta nhớ, sau một ngày bom B52 rải thảm ác liệt, trên báo Nhân Dân đã có bài viết của Nguyễn Tuân về một đám cưới trên trận địa cao xạ.

Nguyễn Tuân đã từ bỏ Tháp ngà từ lâu, Thực ra, xưa kia ông chưa từng xây thật cao, đóng thật kín chỗ ẩn nấp cao đạo, thoát trần ấy.

Quả là, nhà văn đã cầm bút như cầm súng.Nguyễn Tuân như đã ra một tuyên ngôn nghệ thuật đặc sắc: Tháp ngà hay  tháp bút vàng ngọc chỉ có thể được xây trên trận địa vô cùng kiên cố– trận địa nhân dân chiến đấu lừng lẫy chiến công của các nhà văn – chiến sĩ.

II/ NHÀ VĂN DUY MỸ ĐIỆU NGHỆ VÀ NGƯỜI LÀM NGHỀ TÀI HOA NGHIÊM CẨN.

Nguyễn Tuân vốn nổi tiếng với nhiều chủ nghĩa, nổi bật nhất là chủ nghĩa hình thức, hay cao hơn – chủ nghĩa duy mỹ.

Ông là một môn đệ của Plekhanov về thuyết nghệ thuật vị nghệ thuật, muốn tìm đến cái đẹp thuần túy. Sống và viết tài hoa, tài tử, phong cách nghệ thuật rất điệu nghệ, hào hoa. Nhiều trang văn thể hiện sự tìm kiếm cảm giác mới, nhấm nháp những phong vị siêu phàm.

Đối với nhà văn thời đó, cái đẹp là trên hết, nghệ thuật là tất cả. Thực chất, đó là cái đẹp lãng mạn, là nghệ thuật thoát ly cuộc đời, thậm chí ma quái, kỳ bí. Tóc chi Hoài tuyên bố một tiêu chuẩn cuả lý tưởng thẩm mỹ, Chùa Đànnêu trạng thái hôn mê đến chết vì nghệ thuật theo quan niệm của nhà văn.

Tuy nhiên, sau Cách mạng, đi cùng nhân dân vào cuộc đời mới – cuộc sống chiến đấu và lao động vất vả, gian lao, hiểm nguy mà đầy tự hào, lạc quan,Nguyễn Tuân đã tỉnh ngộ trở lại. Nhà văn nhận rõ “Cái đẹp là cuộc sống” (Tsecnusevki). Từ “kẻ dạ lữ khách của một đêm phong hội mới” (Vô đề) đến “người tình nhân của Cách mệnh” (Chùa Đàn),Nguyễn Tuân thực sự sung sướng và xúc động trước sự đổi thay kỳ lạ và sự lớn lên kỳ diệu của Đất nước và Con người.

Quá trình Lột xác khiến Nguyễn Tuân trở thành một nhà văn – công dân, nhà văn – chiến sĩ không đơn giản, có vật vã, đau đớn, xót xa, có mừng tủi, xúc động, nghẹn ngào… tức một quá trình giằng co vất vả, nhưng kiên trì, nhẫn nại. Dần dần, Nguyễn Tuân trở thành một nhà văn như người lao động chân chính, người làm nghề nghiêm túc, bền bỉ, mẫn cán, chuyên tâm viết suốt một đời.

Trước hết,Nguyễn Tuân vẫn giữ cốt cách nhà văn – nghệ sĩ tài hoa. Ông thường xuyên giao lưu với các họa sĩ, nhạc sĩ, kịch sĩ,… tài danh và tự bồi đắp vốn tri thức văn hóa nghệ thuật hiện đại. Nhà văn không làm thơ mà chỉ gia tăng chất thơ trong văn xuôi – thứ văn xuôi đẹp như sự tổng hòa tương tác nhiều thể loại. Nguyễn Tuân tham gia viết kịch bản phim, và tham gia diễn  kịch, đóng phim như nghệ thuật đã bén duyên từ xa xưa.

Trong hoạt động nghệ thuật,Nguyễn Tuân chứng tỏ mình là một người lao động rất nghiêm túc, không hề có nét tài tử phóng túng.

Từng đóng kịch với Nguyễn Tuân trước kia, Song Kim nhớ kỷ niệm về lời phê bình khéo của nhà văn qua câu thoại: “Này bà ơi! Câu ấy có chấm than (!) đấy”. Nghệ sĩ viết bài tưởng niệm Nguyễn Tuân – Nghiêm chỉnh tuyệt đối trong công việc là một đặc tính cố hữu của Nguyễn Tuân” [2; tr 561, 563].

Có lẽ, đấy cũng chính là nhận xét chính xác bao trùm đời viết của nhà văn.

Đi và viết là phương châm nghiêm nhặt  thực hiện một đời của nhà văn. Có đi mới có vốn sống để viết. Đi để viết .Viết là hệ quả tất yếu, đã đi phải viết.

Sự đi của Nguyễn Tuân là hoàn toàn tự nguyện, tự giác. Nhà văn trở đi, trở lại các vùng, miền như những vùng thẩm mỹ đặc biệt, đi đến bao giờ đủ tư liệu, đủ cảm xúc, tức đủ độ chín của hồn văn thì mới viết. Sông Đà, Sông tuyến là những kết quả của việc lao động cần mẫn hàng tháng, hàng năm củaNguyễn Tuân.Chỉ riêng việc vào, ra Khách sạn Hilton Hoả Lò Hà Nội đã mất bao thì giờ và công phu.Có lần qua đêm tới 2 giờ sáng. Bởi đó là việc quan sát, tìm hiểu, điều tra trực tiếp từ tư liệu sống của nhà văn, người không phải và không có chức trách công an. Là con người giáp mặt con người. Qua tình cảm, bằng tình cảm mềm dẻo và lý trí đanh thép để dẫn dụ, khêu gợi, phát hiện điều cần biết là cái tâm địa ẩn giấu. Khôn khéo cả từ cho mồi hút: “Tôi cắm một điếu thuốc Điện Biên vào mồm thằng giặc”tớinhắn tin gia đình,đến mức : “thằng Kên bỗng khóc nấc lên ..lại nghe tiếng ẳng lên”

Tài liệu củaNguyễn Tuân là ở rất nhiều căn cứ: trang sách thư viện, trang sách đời sống, trực tiếp và gián tiếp, qua người, qua việc… Có lần, qua thư cho bạn, Nguyễn Tuân đã nhờ Nguyễn Văn Bổng cung cấp tri thức về vườn hồ tiêu để viết một truyện ngắn về chủ vườn hồ tiêu: “Anh lấy cho một số sự việc về tình cảm và tư tưởng chủ vườn. Anh hỏi thêm một số chi tiết về botanique (thực vật)” [2, tr 361].

Có rất nhiều chuyện về việc rèn câu, luyện chữ của bậc thầy ngôn từ nghệ thuật Nguyễn Tuân. Đó thực sự là một thứ lao động cực kỳ công phu, thậm chí một loại nghệ thuật rất kỳ khu, linh diệu, nâng ông lên bậc phù thủy  ngôn ngữ.

Trong bài viết Nhà văn Nguyễn Tuân – một sĩ phu Bắc Hà thời hiện đại (Tiếng vọng – Hội Nhà văn, Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng – 2013), Nguyễn Thị Hồng Hà viết: “Đâu dễ tìm nhà văn nào có được cả một ngân hà ngôn từ lung linh những định ngữ đắc địa, ví von tài tình, nhan nhản những chữ, câu cú “căng mọng électron  biểu năng”như Nguyễn Tuân… Ngòi bút của Nguyễn Tuân  đã vẫy vùng đủ vẻ, lúc như kình ngư quẫy sóng ngoài khơi, lúc như cá cảnh thung thăng non bộ; khi bi tráng cổ điển như Chữ người tử tù, khi thì sử ca như Điện cao thế Nguyễn Văn Trỗi cháy sáng một vùng Trái Đất”.

Người xưa nóitrong thơ có vẽ (thi trung hữu họa), nay trong văn Nguyễn Tuân, có đủ cả thơ, nhạc, vẽ, kịch, phim và cả điêu khắc, vũ đạo nữa. Tức là văn có nghệ thuật, văn đậm chất nghệ thuật; vừa truyền thống, vừa hiện đại.

Mai Quốc Liên đã phân tích: “Cái cách gặm nhấm, phân tích tinh tế cảm giác, cảm xúc, tâm lý, cái cách liên tưởng nhiều tầng, nhiều lớp… cái đó là của văn chương hiện đại thế giới, được phối hợp với cái nhìn mơ màng của một lãng tử phương Đông. Nó bao quát thế giới trong một cái nhìn, và chiếm lĩnh ngay tức khắc” [2, tr 205].Nhà nghiên cứu đã tinh tường phát hiện ra cái phong thái đặc sắc và còn tôn  bậc lãng tử của nhà văn.

***

Còn có biết bao điều mà ta có thể nói về con người và tính cách, tâm hồn Nguyễn Tuân với những  kỳ lạ có thật.

Đó là cách sống vừa hào hoa, phong nhã vừa bình dị, chân chất. Chính vì thế, ông có thể giao lưu, tiếp đãi  khách quốc tế lịch lãm ở nước ngoài mà cũng có thể chơi bời,  thù tạc với bạn văn xuề xòa như Tô Hoài, Nguyên Hồng.

Đó là tâm hồn vừa già dặn,đầy trải nghiệm, vừa trẻ trung tươi mới. Nhà văn Nga Eptusenco gọi Nguyễn Tuân là “cậu bé sáu mươi” – tức có một tuổi giàxanh là vì vậy.Điều đó cũng cắt nghĩa vì sao ông có nhiều bạn thân thiết cùng trang lứa, những vị lão làng, nhưng cũng có khá nhiều bạn vong niên –đệ tử như Đoàn Minh Tuấn, Nguyễn Khải, Ngô Văn Phủ,…

Lại như,Nguyễn Tuân là con người vừa kiêu kỳ, kênh kiệu, vừa hòa đồng, thân thiện; khó tính, khắt khe đấy nhưng lại bao dung, độ lượng; tự nhận hàn sĩ mà phóng túng, hào hoa thậm chí tiêu hoang…

Là một nhân cách lớn, Nguyễn Tuần đã hoá giải, biến cải được nhiều bất hoà, xung đột, mâu thuẫn, nghịch lý tính cách để có thể chung sống, đồng hành. Nhà văn là một biểu tượng cao đẹp của sự thống nhất, hòa hợp những điều kỳ lạ hoặc có vẻ kỳ lạ. Chỉ có điều tuyệt đối không chấp nhận là cái giả dối, xấu xa, độc ác đối nghịch như nước với lửa, trái hẳn và đối chọi với lý tưởng chân, thiện, mỹ của đạo văn cao quý.

Đó cũng chính là một điều đáng quý nhất còn lại trong lòng các thế hệ bạn đọc hôm nay và mai sau.

 

CHÚ THÍCH

(*) PGS – TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đoàn Trọng Huy (2007), Nguyễn Tuân in trong Tinh hoa văn thơ thế kỷ XX (I) – Giáo dục.

[2] Nhiều tác giả (1999), Nguyễn Tuân – Về tác gia tác phẩm – Giáo dục. 

Online Members

We have 199 guests and no members online

Homepage Data

63693376
Today
Yesterday
All
13668
23426
63693376

Show Visitor IP: 18.117.99.192
23-11-2024 08:36