29032024Fri
Last updateWed, 27 Mar 2024 8pm

Nguyễn Văn Xuân - Người khơi dậy hồn xứ Quảng

 

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân

Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy nhà sử học Dương Trung Quốc không gọi Nguyễn Văn Xuân là “nhà Quảng Nam học”như nhiều người,mà ông trân trọng bớt đi một chữ: nhà Quảng học.

Một thoáng ngạc nhiên ấy nhanh chóng qua đi.Dương Trung Quốc rất có lý. Nguyễn Văn Xuân là con dân đất Quảng Nam, cả đời say mê viết về nơi chôn nhau cắt rốn,điều đó ai cũng thấy. Nhưng ông đã viết với một nội lực học thuật sung mãn, thành công trong nhiều phương diện lĩnh vực, thể loại khác nhau, khiến bất cứ ai đọc ông đều phải tâm phục khả năng “bác văn cường ký” (hiểu biết rộng, sức nhớ khoẻ) của vị học giả này. Vì thế gọi là “nhà Quảng học” là đúng, vì bao gồm được cả hai đặc điểm, hai giá trị đó.

Tôi đến với những tác phẩm đầu tay của ông cũng khá tình cờ. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh và tôi tham gia biên soạn bộ sách đồ sộ Tổng tập văn học Việt Nam trên 50 tập của Ủy ban khoa học xã hội. Chúng tôi được giao 2 tập 30A – 30B, tập trung giới thiệu “Văn xuôi hiện thực giai đoạn 1939-1945”. Tìm kỹ trong Thư viện Quốc gia, Thư viện Ủy ban Khoa học xã hội, Thư viện Viện văn học…ở Hà Nội cũng kiếm được một lượng tác phẩm kha khá. Chưa yên tâm, đầu năm 1978 chúng tôi sục sạo trong các thư viện công và cả các tủ sách rất phong phú của những người bạn mới tại thành phố Hồ Chí Minh. Rất mừng, vì ở đây còn lưu trữ được nhiều báo xuất bản trước 1945 như Tiểu thuyết thứ bảy, Ích hữu, Trung Bắc chủ nhật, Thanh Nghị, Phổ thông bán nguyệt san v.v…và phát hiện ra những truyện ngắn hay, lạ của Văn Cao, Lê Tam Kỉnh, Nguyễn Văn Xuân…Riêng về Nguyễn Văn Xuân, chúng tôi tìm được 2 truyện ngắn của ông đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy: Ngày giỗ cha (số ra 26/6/1943) và Ngày cuối năm trên đảo (số ra đầu tháng 1/1945).

Chưa biết bao nhiêu về tác giả, nhưng mới đọc đã quí văn tài của ông: nội dung truyện đậm tính nhân văn, bút pháp già dặn, văn phong chững chạc. Từ đó tôi liên tục tìm đọc những sáng tạo nghệ thuật của ông thuộc giai đoạn sau 1954: các tập truyện ngắn, tiểu thuyết, các tập biên khảo và cả các truyện xuất hiện đều đặn trên tờ Tin văn (1966)

Cũng cuối năm đó tôi có dịp đến Đà Nẵng, tất nhiên phải sớm tìm đến ông cũng như đến thăm Phan Tứ, Hoàng Châu Ký, Đông Trình – những cây bút nổi tiếng của vùng đất Quảng Đà. Người bạn vong niên – nhà giáo Bùi Văn Tiếng nhiệt tình làm hướng đạo, đưa tôi đến nhà ông trong một hẻm nhỏ. Mới đến cửa đã nghe chủ nhân đang nói sang sảng, bằng giọng Quảng Nam nguyên gốc không pha chế, không dễ hiểu chút nào với dân Hà Nội như tôi. Thấy khách, ông vồn vã bắt tay và đề nghị ngừng trao đổi với người đến trước. Hoá ra nhà văn cũng như ông Tô Hoài ở Hà Nội, đang tiếp bà con trong phố với tư cách Trưởng ban đại diện khối phố - một việc “làm dâu trăm họ” với đủ những việc lắt nhắt không tên.

Ngay từ buổi tiếp xúc đầu tiên, tôi đã nhận ra nhiều nét “mâu thuẫn” đáng yêu nơi Nguyễn Văn Xuân.Nhìn khuôn mặt xương xương, trán hói, tóc bạc của ông, sẽ thấy đây là một ông già; nhưng cứ ngắm vóc người cao lớn, bước đi nhanh, dáng điệu nhanh nhẹn lại thấy ông trẻ hơn tuổi ngót 60. Vẻ ngoài khắc khổ của Nguyễn Văn Xuân dễ làm người mới gặp ngại tiếp xúc, nhưng rồi cách trò chuyện cởi mở, cách đối xử chân tình và thẳng thắn của ông lại làm người ta dễ gần, dễ mến, ngược lại những ai tâm địa đen tối phải run sợ. Còn nhớ, trong một bài viết trên tạp chíBách khoa (số 83, ngày 15/6/1960) ông đã phê phán rất nghiêm Hoàng Trọng Miên về tội “đạo văn”. Cụ thể ông “học giả” này đã chép lại gần như nguyên vẹn cuốn Lược khảo về thần thoại Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi xuất bản tại Hà Nội trước đó 4 năm (1956) để đưa vào “công trình” Việt Nam văn học toàn thư. Giới nghiên cứu Sài Gòn đã hoan nghênh ông về việc làm thẳng thắn đó.

Anh Tiếng xin về trước. Còn tôi, cả buổi chiều hôm ấy được ông đưa đi, mỗi người một xe đạp, thăm thú mọi cảnh mọi nơi đặc sắc của Đà Nẵng: sông Hàn, cầu Nguyễn Văn Trỗi, trường trung học Phan Châu Trinh, chợ Cồn…và cả Ngũ Hành sơn nữa. Ông giới thiệu tỉ mỉ, cặn kẽ từng nơi, từng điểm, rõ ra một hướng dẫn viên du lịch loại siêu.Cuối cùng ông kéo tôi vào một quán mì Quảng ở đường Hải Phòng.Theo ông, chất lượng tô mì ở đây không đâu sánh bằng. Nói rộng ra, trong danh mục các món ẩm thực Việt Nam, Nguyễn Văn Xuân khẳng định món mì Quảng xứng đáng đứng đầu bảng! Yêu quê hương đến mức nồng nhiệt như thế kể cũng hiếm thấy.

Ông cho biết hồi trẻ do hoàn cảnh gia đình nên không được học đến  đầu đến đũa. Sau mấy năm học ở trường tiểu học tại quê (làng Thanh Chiêm – ngôi làng nổi tiếng về nghề đúc đồng, nơi xưa kia đã từng là dinh trấn của xứ Quảng - xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), cậu bé Nguyễn Văn Xuân được tiếp tục học ở Huế, nhưng đến năm 16 tuổi phải ngừng và bắt đầu cuộc sống tự học và tự lập. Năm 17 tuổi, Nguyễn Văn Xuân bắt đầu viết cho các báo Ban Dân, Thế giới (Hà Nội). Truyện ngắn đầu tay của ông – tác phẩm Bóng tối và ánh sáng được tạp chí Thế giới trao giải nhất trong một cuộc thi. Lần lượt ông cộng tác với các báo Mới, Văn Lang (Sài Gòn) vàTiểu thuyết thứ bảy (Hà Nội)

Trong những năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954) Nguyễn Văn Xuân tham gia hoạt động văn hoá văn nghệ ở quê hương với tư cách uỷ viên kịch nghệ của Hội văn nghệ Quảng Nam và uỷ viên kịch nghệ Hội văn nghệ Liên khu Năm. Ở cương vị đó, ông có điều kiện đi nhiều, hiểu biết sâu về con người và thực tiễn kháng chiến của không chỉ vùng đất nóng bỏng Quảng Nam mà cả các tỉnh Quảng Ngãi – Bình Định – Phú Yên.

Sau hiệp định Genève, Nguyễn Văn Xuân ở lại Đà Nẵng tiếp tục hoạt động sáng tác, nghiên cứu, đồng thời bắt đầu sự nghiệp nhà giáo của mình. Ông dạy tại trường trung học Phan Thanh Giản, trường Nữ trung học Đà Nẵng bán công. Một năm sau (1955) việc dạy học tạm thời bị đứt đoạn: Nguyễn Văn Xuân bị bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế) vì đã hăng hái tham gia phong trào đấu tranh đòi thống nhất đất nước. Ra tù ông lại tiếp tục công việc quen thuộc cũ, dạy cho các trường trung học tư thục Đà Nẵng. Đến đầu những năm 1970, ông được mời dạy ở Đại học văn khoa Huế và Đại học Đà Nẵng. Một vài cựu sinh viên văn khoa Huế đến bây giờ còn hào hứng kể lại những tiết giảng của thầy Xuân về sân khấu truyền thống Việt Nam. Những tiết giảng sinh động, hấp dẫn vì nội dung phong phú, minh hoạ sinh động và thường có sự so sánh để thấy rõ nét tương đồng và khác biệt với kinh kịch Trung Hoa và sân khấu cổ điển phương Tây.

Trong lĩnh vực sáng tác, Nguyễn Văn Xuân thử sức trên cả hai thể loại: truyện ngắn (tiêu biểu là hai tập Dịch cát-1966, Hương máu 1969 và tiểu thuyết (Bão rừng 1957, Kỳ nữ họ Tống 2002), và đều đã thành công.

Hai tiểu thuyết có sức hấp dẫn riêng. Cuốn Bão rừng được tác giả ấp ủ, thai nghén từ lúc mới 17 tuổi, những ngày đầu cầm bút. Ông tìm cảm hứng từ số phận cơ cực của những người lao động , trong đó có không ít những người đồng hương với ông trong các đồn điền cao su của thực dân Pháp ở Tây Nguyên.

Bộ tiểu thuyết dầy dặn và độc đáo Kỳ nữ họ Tống (428 trang) được xuất bản lúc ông đã 82 tuổi.Ở tuổi ấy mà bút lực vẫn cường tráng lắm. Không viết về cuộc sống và con người hôm nay, tác giả ngược dòng thời gian, đưa người đọc đến xứ Đàng Trong, tiếp cận với cuộc sống cung đình của chúa Nguyễn đầu thế kỉ XVII. Tác giả cho biết(thực hư thế nào không rõ), ông dựa vào một tập bản thảo xưa, không rõ tác giả là ai, viết bằng chữ Hán.“Văn chương cổ, tình ý xưa cũ, nếu dịch lại thật sát e người đọc ngày nay không ham thích, nên tôi mạo muội viết lại cho dễ đọc. Và nó không còn là lịch sử mà là tiểu thuyết lịch sử” (Thay lời tựa,tr 7)

Đúng như tác giả giới thiệu ở đầu sách, cuộc đời của Tống Thị, con gái cai cơ Tống Phước Thông, là một kỳ nữ hiếm thấy trong lịch sử. Bên cạnh nhân vật ghê gớm này, Bà Chúa chè Đặng Thị Huệ - người làm điên đảo cơ nghiệp của chúa Trịnh Sâm chỉ là một bóng mờ.Còn Tống Thị thì thực sự chủ động, tích cực trong việc hại dân, tích luỹ tiền của thành phú gia địch quốc, thay ngôi Chúa bằng hành động táo bạo.“Chưa dễ trong thế giới đã có mấy phụ nữ từ cổ chỉ kim hành động liều lĩnh hơn bà. Cả Chúa Nguyễn (Phước Lâm rồi Phước Tần), Chúa Trịnh (Trịnh Tráng) đều bị bà lung lạc cho vào bẫy và Dũng Quận Công (Phước Tần), người kiêu hùng nhất của triều Chúa Nguyễn, trong đánh bại quân Trịnh, ngoài tiêu diệt hạm đội Hà Lan, mở đường khai thác Nam Bộ, oanh liệt một thời cũng suýt bị bà lật đổ” (Sđd, tr 6).

Người đọc đánh giá cao hệ thống truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân.Cả hai tập Dịch cát Hương máu đều có sức ám ảnh đáng kể. Nhà văn Đà Linh đã nhận xét xác đáng về tập Dịch cáttập hợp các truyện ngắn xuất sắc trong khoảng 10 năm (1956-1966), viết về những con người bình thường đất Quảng, lối sống cách nghĩ cùng sự vật lộn với cuộc sống từ rừng xuống biển, chống chọi với nhiều bệnh dịch, thiên tai” (Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, tr 8, nxb Đà Nẵng, 2002)

Cũng như trong lĩnh vực tiểu thuyết, khi viết truyện ngắn Nguyễn Văn Xuân chú ý cả hai mảng đề tài hiện đại và lịch sử.Dịch cát nói về những gì đáng chú ý của cuộc sống hôm nay với một nỗi trăn trở đầy trách nhiệm của người viết trước thực trạng xã hội đáng lo ngại. Ngược lại, với Hương máu, tác giả lại có điều kiện phát huy thế mạnh đặc biệt của một nhà sử học, chủ yếu là lịch sử Quảng Nam thời Pháp mới xâm lược nước ta.

Lúc đầu (1966-1967) ông cho đăng dần từng truyện trên báo Tin văn (lúc đầu là tạp chí, sau chuyển thành tuần báo).Ngay khi ấy các truyện này đã được người đọc đặc biệt quan tâm, tán thưởng. Năm 1969, tác giả cho in thành sách (NXB Trường Sơn, Sài Gòn)

Nguyễn Văn Xuân đã làm sống lại những sự kiện vang dội mà đau xót, cũng như đã khắc hoạ thành công hình ảnh người con ưu tú của đất Quảng: tổng đốc Hoàng Diệu (truyện Viên đội hầu), Thái Phiên, Trần Cao Vân (truyện Rồi máu lên hương), các lãnh tụ cần vương Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến (truyện Hương máu)…

Cái nhìn lịch sử của tác giả cũng khá độc đáo, ông không viết về những chiến công, những ngày đắc ý mà chọn tình huống ngược lại: những giai đoạn gian nan, những ngày thất bại của những anh hùng, nghĩa sĩ này. Cao trào của các truyện thường là cái chết của họ. Theo Nguyễn Văn Xuân “chết cho biết chết sẽ chỉ dành cho những ai sống một đời đáng sống” (tr 7). Ông muốn mỗi người đọc phải tự cật vấn sau khi đọc hết trang cuối của cuốn truyện “mà tất cả chúng ta có thật ai ai và bao giờ cũng sống hay không?” (tr 7)

Giọng kể của Nguyễn Văn Xuân cũng đa dạng, nhiều truyện được kể theo quan điểm tác giả nhưng một vài truyện lại kể theo quan điểm nhân vật – chẳng hạn, truyện Hương máu. Tác giả để cho một viên chức nhỏ, rất trẻ trong hàng ngũ nghĩa quân hồi tưởng lại và ghi nhận những ấn tượng mãnh liệt của mình về chuỗi ngày chiến bại của nghĩa quân, về sự tận tuỵ cần mẫn và cương trực của Phan Bá Phiến, về tính cương nghị đến lạ lùng, bệnh nóng nảy đa nghi đến hiếu sát của Nguyễn Hiệu, về cảnh tự tử đậm tính bi hùng làm xúc động sâu sắc toàn thể nghĩa quân của Phan Bá Phiến cũng như tư thế ung dung đĩnh đạc của Nguyễn Hiệu ngồi cũi lớn làm thơ tuyệt mệnh lúc trong khi đến pháp trường…

Những trang này được tả lại với tư cách người trong cuộc, thực sự gây được hiệu quả tư tưởng – thẩm mỹ đáng kể.

Với cảm quan lịch sử đúng đắn, Nguyễn Văn Xuân không chỉ thấy anh hùng mà còn thấy quần chúng, thấy hình ảnh chói sáng không kém của những người anh hùng vô danh.

Trong truyện Về làng, ông Tú Bính – một tướng lĩnh nghĩa quân – bị xử chém ở làng quê , cả làng thương xót quí trọng người anh hùng đã vì nước phải rơi đầu “người trong gia đình xúm nhau đặt bàn, thắp hương đèn chờ sẵn. Và tất cả già trẻ cùng quì xuống lạy ông khi ông đi qua bất chấp pháp luật, khiến bọn người sai áp cũng đâm ra lúng túng.Không ai cầm được nước mắt khi ông vẫn phương phi, vẫn trầm tĩnh đi dần từng bước vào cái chết”.

Rõ ràng, một ông Tú Bính mất đi, nhưng tinh thần quật cường bất khuất của ông đã thấm sâu vào tâm khảm của biết bao người sống.

Cũng tinh thần ấy, nhưng rất sôi nổi hào hứng, cả làng quê Vĩnh Điện (trong truyện Cái giỏ) đã hè nhau giết bằng được tên lính Tây, dù biết rằng nhà cửa có thể bị tan nát, xóm thôn có thể bị triệt hạ.

Và trong truyện Viên đội hầu, hai cái chết của tổng đốc Hoàng Diêu và của viên đội hầu có lẽ đều tác động mạnh mẽ như nhau đến người đọc trong quá trình cảm thụ.

Những lời dặn cuối cùng của Hoàng Diệu với viên thủ từ “Ta đến đây để chịu tội với các tiên liệt trước khi ta phải chết. Khuya hôm nay, ta đã viết sẵn hai phong thư bỏ vào hai cái hộp bằng thiếc như cái này. Phong kia ta đã sai người đưa về Quảng Nam cho gia đình ta. Phong này, ta để trên túi áo, nơi ngực ta.Chừng ba tháng nữa, thế nào cũng có người ở làng Xuân Đài ra, đến tại Võ Miếu đây để lo việc rước thi hài ta.Còn tuyệt nhiên không được cho ai biết cả.Chôn ta thì chờ lúc nửa khuya, không cần tẩm liệm, chỉ quấn một chiếc chiếu mới là đủ.Cần nhất là không được tiết lộ mộ phần ta”.

Và rồi đến những giây phút cuối cùng, bình tĩnh chủ động “Quan tổng đốc đi lại cây đạ thụ ở trước Võ miếu, leo lên. Đến một cành cao lá um tùm, ông với cái khăn nhiễu quấn đầu đem buộc một đầu nơi cành, rồi đầu kia làm một cái thòng lọng. Lần cuối cùng, ông nhìn lại vợ chồng thủ từ đang quì hướng về ông, rồi đưa cổ vào thòng lọng, đu mình ra giữa đám lá rậm. Các cành lá rung động rào rào…”

Truyện đã có thể kết thúc.Vì đã rất xúc động.Nhưng Nguyễn Văn Xuân không dừng ở đấy, ông nhắc đến viên đội hầu – thủ hạ tâm phúc của Hoàng Diệu. Viên đội đến Võ miếu hơi muộn, nhưng khi biết rõ hết sự tình “y liền chạy thẳng đến cây đại thụ, vun vút leo lên, miệng ngậm chặt lung lưỡi kiếm – lưỡi kiếm chỉ huy, tượng trưng cho uy quyền quốc gia

Nơi đám lá, ông thủ từ lại thấy có sự xao động.Ông biết viên đội hầu đang buộc thanh kiếm quí vào thi hài quan Tổng đốc. Ông cần chờ viên đội leo xuống để dặn dò vài điều cần thiết. Nhưng ông không còn cơ hội ấy nữa. Vì giữa đám lá rậm, một tiếng hét xé không gian phát ra, rồi một xác người lao ngược xuống. Ông thủ từ run rẩy chạy lại. Tử thi viên đội hầu nằm ngửa.Trên ngực đầy máu, ông thủ từ thấy dấu sâu hoắm do vết đâm của thanh bảo kiếm”.

Một chi tiết nghệ thuật khác cũng rất đáng chú ý: tác giả viết về cái chết (Phan Bá Phiến, Hoàng Diệu, Viên đội hầu…tự tử; Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Tú Bính…bị chém đầu) nhưng không làm người đọc dao động, mất tinh thần. Qua các trang văn ta thấy rõ dụng ý tư tưởng này của ông: chính cái chết lẫm liệt đã khiến những vị anh hùng chiến bại ấy đi vào cõi vĩnh hằng, đồng thời đã tạo ra xung động mãnh liệt trong tâm tư tình cảm của đông đảo nhân dân thời đó cũng như của người đọc hôm nay. Kết thúc của truyện Hương máu có thể coi là tiêu biểu. Người kể chuyện – một viên chức nhỏ dưới quyền điều khiển của Phan Bá Phiến, như đã nói ở trên – sau khi chứng kiến cảnh Nguyễn Hiệu rơi đầu tại pháp trường Huế, đã gói câu chuyện lại bằng mấy câ ngắn ngủi: “Đêm ấy, tôi ngủ và chiêm bao thấy hàng trăm kỵ sĩ ruổi rong khắp xóm làng tỉnh Quảng Nam mang theo lá đại kỳ viết bằng chữ lớn, báo tin thủ lãnh đã chết. Nhưng đột nhiên những kỵ sĩ rực rỡ sắc màu kia biến mất, nhường chỗ cho những người gầy gò xanh xao. Họ chạy qua mặt tôi, lớn tiếng gọi tôi và vẫy tay. Tôi sửng sốt chạy lại thì thấy toàn những bộ mặt rất quen mà tôi đã gặp trong suốt ba năm trời ở núi rừng. Nhưng khi họ trưng thẳng lá cờ, tôi không thấy hung tin mà chỉ thấy một chữ “Tiệp” rất lớn. Rồi tôi lại thấy đoàn kỵ sĩ áo quần sặc sỡ hiện ra và tất cả cùng đua nhau chạy về phía sương mù”.

Có thể nói, đó là kết thúc một bi kịch lạc quan.

Xin nói về thành công trong lĩnh vực nghiên cứu văn hoá, lịch sử của Nguyễn Văn Xuân. Hoạt động này cũng rất đa dạng

Ông viết báo và tham gia các cuộc hội thảo khoa học, về các nhân vật lịch sử của xứ Quảng như Ông Ích Khiêm (1832-1884), Phan Châu Trinh (1872-1926), giới thiệu những cuốn sách có giá trị như Chương Dân thi thoại  của Phan Khôi, “Lịch sử xứ Đàng Trong” của Phan Khoang….Hệ thống bài viết này cũng rất cần được các bạn văn Đà Nẵng sưu tầm tập hợp và cho ra mắt người đọc.

Về công trình qui mô, dầy dặn của Nguyễn Văn Xuân, có thể kể đến 3 cuốn: Khi những lưu dân trở lại (1967), Phong trào Duy Tân (1969) và Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc (1971)

Nhiều học giả đã dầy công nghiên cứu tác phẩm Chinh phụ ngâm cả nguyên bản chữ Hán của Đặng Trần Côn (thế kỉ XVIII) và bản dịch xuất sắc mà nhiều người cho là của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1748), Học giả Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) sau nhiều năm nghiên cứu hết sức công phu đã cho công bố công trình Chinh phụ ngâm bị khảo (NXB Minh Tân, Paris, 1953) trong đó ông đã có kết luận khác: đó là công sức lao động nghệ thuật của Phan Huy Ích (1751-1822).

Nguyễn Văn Xuân dựa vào những tài liệu lịch sử đáng tin cậy, cũng đã khẳng định Phan Huy Ích là người dịch bản chữ Nôm lưu hành lâu nay, tên tác phẩm là Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc chứ không phải Chinh phụ khúc và bản dịch ra chữ Nôm được ấn hành lần đầu năm 1804, đến năm 1815 lại được tái bản.

Khi những lưu dân trở lạilà công trình khảo luận rất tâm huyết về văn hoá, văn học, có giá trị học thuật cao. Ông đặt vấn đề xem xét “Văn nghệ miền Nam nhìn từ miền Trung” tìm hiểu quá trình “Văn nghệ miền Bắc di chuyển vào Nam” và lý giải “Tại sao văn học miền Nam căn bản là nói và trình diễn”. Nguyễn Văn Xuân tìm hiểu những thành tựu tiêu biểu của văn học miền Nam: tuồng Sơn hậubộ tuồng vĩ đại của ngành hát bội” (Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, 602) và “có thể ví một cách không ngoa, Sơn Hậu chính là những kịch bản của Molière đối với diễn viên cổ điển Pháp, Shakespeare đối với diễn viên cổ điển Anh” (Sđd, tr 600)

Nhà nghiên cứu đương nhiên đánh giá rất cao tác phẩm Lục Vân Tiên. Ông nhắn đến một khía cạnh độc đáo: “Nhiều người nặng về hình thức cho là Lục Vân Tiên không hay, không điêu luyện. Ấy là chỉ nhìn bằng cái mắt của độc giả mà quên lỗ tai thính giả” (Sđd, tr 608). Chỉ cần một người tốt giọng, cất tiếng ngâm nga “là tất cả những ai có mặt cũng đều chăm chú theo dõi, say sưa…Hình như chưa hề có quyển truyện nào lôi cuốn họ đến như thế. Cả trí thức lẫn bình dân, kẻ giàu cũng như người nghèo, quân nhân cũng như thương gia, ai cũng cảm thấy như chính đó là  giọng nói của đất nước” (Sđd, tr 609)

Xem xét tiến trình vận động của văn học miền Nam, Nguyễn Văn Xuân chú ý đến “Các làn sóng mới” đầu thế kỉ XX: những truyện Nôm khuyết danh được in với số lượng rất lớn để phục vụ người đọc bình dân; hiện tượng tiểu thuyết nở rộ với hàng loạt cây bút tên tuổi, tiêu biểu hơn cả là Hồ Biểu Chánh; sự xuất hiện ngày càng nhiều báo chí và loại hình sân khấu mới – nghệ thuật cải lương.

Kết thúc công trình, nhà nghiên cứu lướt qua “Một thời mới”, lưu ý người đọc đến những hiện tượng nổi trội từ những năm 1940 trở đi, những Phi Vân, Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang, Vũ Hạnh, Võ Phiến, Võ Hồng…trong văn học. Ông có những nhận xét khái quát về kịch nói – một loại hình nghệ thuật có từ mấy chục năm trước ở miền Bắc, nay bắt đầu xuất hiện ở miền Nam

Khép lạithiên  khảo luận, Nguyễn Văn Xuân có một kết luận bất ngờ nhưng xác đáng. Theo ông, miền Nam hiện nay chỉ là “một quốc gia tạm thời. Tạm thời, bởi vì cũng theo kinh nghiệm các nước Trung Hoa, Pháp, Hoa Kỳ, những sự phân chia Nam Bắc dù khốc liệt đến đâu, đến một lúc nào đó cũng phải thống nhất như nước ta thời Trịnh Nguyễn từng chứng tỏ. Văn nghệ sĩ miền Nam! Anh đã thấy bổn phận trách nhiệm của anh rồi, anh còn chờ đợi gì nữa?” (Sđd, tr 657)

Chỉ tiếc, cuốn sách khá mỏng, chỉ có 128 trang, nên nhiều đoạn mục mới chỉ là lược khảo, chưa có điều kiện đi sâu, xử lý thấu đáo.

Trong hoạt động nghiên cứu của Nguyễn Văn Xuân, tập Phong trào Duy Tân hút tâm lực, trí lực, thời gian của tác giả nhiều nhất và có lẽ tác giả cũng hài lòng nhất.

Kết cấu của tập chuyên khảo rành mạch, chặt chẽ. Toàn tập dầy 342 trang, gồm 4 phần, tập trung tìm hiểu một trong những phong trào yêu nước sôi nổi, nhằm mục đích chấn hưng dân khí, nâng cao dân trí cho nhân dân, đặc biệt cho thế hệ trẻ.

Tác giả giới thiệu từ ngọn nguồn của phong trào Duy Tân “xuất phát từ Thừa Thiên, nhưng không sống nổi.Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895) đã thất bại ngay trên quê hương mình rồi cả những nơi ông đi qua cũng không nơi nào phong trào bừng dậy được” (Sđd, 721) Các vị chí sĩ Phan Châu Trinh, Trần Qúi Cáp (1870-1908). Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) những người con ưu tú đất Quảng, đã lĩnh nhận nhiệm vụ “Duy Tân” trọng đại ấy. Do đặc điểm về địa – chính trị, Quảng Nam là vùng đất thích hợp để trở thành cái nôi của phong trào. Từ Quảng Nam – Đà Nẵng phong trào nhanh chóng lan rộng khắp nước, vì được sự hưởng ứng của đông đảo sĩ phu yêu nước và đáp ứng được khát vọng tự cường đổi mới của các tầng lớp nhân dân. Tác giả đã tái hiện những bước đi đầu tiên “Phát động phong trào” (Sđd, 740-810), giới thiệu những công việc chính mà các lãnh tụ phong trào đã làm “Từ lý thuyết đến thực hành” (Sđd, tr 813-919). Ông dành hẳn phần cuối sách – phần IV, 77 trang để đi sâu tìm hiểu “      Những cuộc biểu tình vĩ đại – 1908)”, cụ thể cuộc đấu tranh “kháng sưu thuế” (bà con còn gọi là phong trào “cúp tóc, xin sâu” – cắt tóc ngắn, xin miễn giảm sưu thuế) bùng phát khắp các địa phương ở Trung kỳ, đặc biệt sôi nổi ở các huyện thị thuộc tỉnh Quảng Nam. Nguyễn Văn Xuân đã ghi lại kỹ lưỡng những thủ đoạn khủng bố trắng của chính quyền thực dân.Các chí sĩ chủ chốt bị đầy đi Côn Lôn, Lao Bảo. Hơn một trăm người ít nhiều liên quan bị án hai ba năm. Các hội buôn bị giải tán.Các trường học bị đóng cửa.

Kết thúc tập biên khảo này, tác giả đã suy nghĩ “Tuy phong trào Duy Tân đã chấm dứt, nhưng trong con mắt những anh hùng chí sĩ, nó chưa chấm dứt, sẽ được tiếp tục, tiếp tục mãi…Phong trào Duy Tân có cái vinh dự đào tạo những chiến sĩ đầu tiên không chỉ ví tù ngục là trường học mà còn dám nhận lãnh trách nhiệm đối với quốc gia dân tộc cả trên con đường vô vọng: một trang sử mới bắt đầu từ đây, hoàn toàn khác trang sử tuyệt vọng của các chiến sĩ Phong trào Cần Vương độ nào” (Sđd, tr 997)

Cần nhấn mạnh một đặc điểm nữa của ngòi bút nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân: ngoài nội dung phong phú, xác thực, rất đáng tin cậy, ông còn có biệt tài làm người đọc say mê, cuốn hút như đọc tiểu thuyết.

Nhìn lại văn nghiệp của Nguyễn Văn Xuân, ta không khỏi ngạc nhiên, khâm phục vì sức sáng tạo dồi dào, của một học giả uyên bác đồng thời của một nhà văn tài hoa. Ông đã góp phần tích cực vào việc khơi dậy cái hồn của xứ Quảng – một bộ phận hữu cơ của Việt Nam hồn.

Trước 1975, ông nhiều lần bày tỏ với một số người tri kỉ về ước muốn của mình: đó là khi qua đời được antáng bên dưới ngôi mộ của Ông Ích Khiêm (1832-1884) trên đồi Phong Lệ Bắc. Lý do? Chỉ vì ông mê câu nói nổi tiếng của danh tướng này khi nhận xét về triều đình Huế lúc đó: “Trên chó, dưới cũng chó. Bọn bay chỉ chúi đầu ăn, chẳng lo chi việc nước”. Chỉ riêng mẩu chuyện này cũng giúp ta hiểu nét son cơ bản về phẩm chất, tính cách của học giả Nguyễn Văn Xuân.

 Nguồn:http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/nguyen-van-xuan-nguoi-khoi-day-hon-xu-quang

Online Members

We have 176 guests and no members online

Homepage Data

60521330
Today
Yesterday
All
2823
10018
60521330

Show Visitor IP: 44.193.80.126
29-03-2024 05:14