23112024Sat
Last updateTue, 19 Nov 2024 1pm

Truyện Kiều - nguồn cảm hứng cho các dịch giả quốc tế

TT -  Theo ghi nhận (chưa đầy đủ) của PGS.TS Đoàn Lê Giang thì Truyện Kiều được dịch ra “hơn 20 thứ tiếng với trên 60 bản dịch khác nhau”.

Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu

Hội thảo “Nguyễn Du và những vấn đề lý luận văn học nghệ thuật trung đại Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu quốc học tổ chức sáng 24-10 một lần nữa khẳng định vị thế của thi hào Nguyễn Du trong dòng văn học trung đại Việt Nam, với những đóng góp lớn cho ngôn ngữ, phong cách văn học.

Đặc biệt, hội thảo có một phần nội dung quan trọng là điểm lại các bản dịch Truyện Kiều ra tiếng nước ngoài. Dịch giả Nguyễn Minh Hoàng dẫn số liệu từ thư mục của GS Nguyễn Văn Hoàn cho biết Truyện Kiều đã được dịch ra 16 thứ tiếng, “từ tiếng Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đến những thứ tiếng khác mà chúng ta không bao giờ ngờ đến như tiếng Hi Lạp, tiếng Mông Cổ, tiếng Ả Rập... Các bản dịch này lên đến con số 48 bản”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận (chưa đầy đủ) của PGS.TS Đoàn Lê Giang thì Truyện Kiều được dịch ra “hơn 20 thứ tiếng với trên 60 bản dịch khác nhau”.

Đáng quý hơn, ông Nguyễn Minh Hoàng đã dày công đọc, so sánh đối chiếu các bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh và Pháp để đưa ra những nhận định bước đầu về những chỗ “đáng cho chúng ta bàn lại”.

Đặc biệt trong quá trình khảo cứu lại các bản Truyện Kiều, dịch giả Nguyễn Minh Hoàng còn nhận thấy có bản tiếng Anh (của Michael Counsell) đã dịch xa nguyên tác Truyện Kiều đến mức “ngay từ mấy câu mở đầu mà dịch như sách đây thì ngay đến cụ Nguyễn Du cũng khó mà nhận ra được đó là mấy câu Trăm năm trong cõi người ta của chính cụ”.

Về các trường hợp dịch Truyện Kiều sang tiếng Nhật, PGS.TS Đoàn Lê Giang cung cấp thêm nhiều thông tin quan trọng, như trường hợp đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Nhật của dịch giả Komatsu Kiyoshi từ năm 1942. Từ năm 1975 đến nay cứ cách khoảng 10 năm lại có một bản Truyện Kiều được dịch sang tiếng Nhật.

Tổng cộng đến nay có cả thảy năm bản Truyện Kiều tiếng Nhật được phát hành. Bản mới nhất là của Sato Seiji và Kuroda Yoshiko (phát hành năm 2005), trong đó có bài viết ngắn về Truyện Kiều của nhà thơ Kuroda Yoshiko có nhan đề Thế giới của lời thề, mà theo PGS Đoàn Lê Giang thì đây là một phát hiện thú vị: những nhân vật trong Truyện Kiều gắn với các lời thề, những người xấu cũng thề và những người tốt cũng thề, khiến cho lời thề quyện với cuộc đời của mỗi người, làm thành một thế giới đặc biệt.

 

Nguồn:http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20151025/truyen-kieu-nguon-cam-hung-cho-cac-dich-gia-quoc-te/990910.html

Online Members

We have 942 guests and no members online

Homepage Data

63686856
Today
Yesterday
All
7148
23426
63686856

Show Visitor IP: 3.149.24.143
23-11-2024 04:40