TT - Năm 1992, trước khi rời Sài Gòn về sống hẳn ở Bến Tre, nhà văn Trang Thế Hy viết một bài báo có tên Đề cương cho một bài giã từ, hoài nhớ về những năm tháng gắn bó với Sài Gòn - TP.HCM.
Nhà văn Trang Thế Hy bên bàn viết - Ảnh: L.Điền |
Theo lời kể của ông, tính từ lần đầu tiên năm 13 tuổi theo cha lên thăm hai người bà con ở xóm nghèo gần chợ Nancy và vùng ngã ba Cây Quéo cho đến ngày “đi chỗ khác chơi”, ông đã có bốn lần hội ngộ với thành phố này.
Bỏ học dở dang ở Mỹ Tho, ông lên Sài Gòn làm nhân viên kiểm vé xe điện trên tuyến đường Sài Gòn - Chợ Lớn, rồi tìm đến vùng đất đỏ miền Đông làm kế toán cho đồn điền cao su ở Bến Củi (Tây Ninh), trải qua những ngày “ăn ớt hiểm và uống ký ninh để chống đỡ với sốt rét”, trước khi trở về quê tham gia kháng chiến chống Pháp.
Cuối năm 1956, bị truy lùng gắt gao, ông lại lên sống ở Sài Gòn sáu năm, trong đó có hai năm bị bắt giam trong khám. Tiếp theo là 12 năm gian khổ ở bưng biền chờ ngày tái ngộ với Sài Gòn sau năm 1975.
Trang Thế Hy nhẩm tính vậy là cuộc đời ông có một phần tư thế kỷ gắn bó với thành phố này. Thật ra nếu tính gộp vào đó những năm tháng ông trải qua trên đất thép Củ Chi, thì hơn một phần ba cuộc đời ông đã hiến dâng cho mảnh đất nơi đây.
Và điều quan trọng hơn nữa, hầu hết tác phẩm đặc sắc nhất của Trang Thế Hy - từ những truyện ngắn đầu tiên trên báo Nhân Loại, sau được tập hợp trong Nắng đẹp miền quê ngoại, đến những tác phẩm được Nhà xuất bản Trẻ in lại gần đây - đều đã được thai nghén và hình thành ở Sài Gòn - TP.HCM.
Nhưng Trang Thế Hy đâu phải là nhà văn của một vùng đất. Trang văn của ông đã chạm đến những gì sâu kín nhất của cõi người và tìm được sự đồng cảm nơi những độc giả khác nhau về khuynh hướng tư tưởng và thị hiếu nghệ thuật.
Một nhà phê bình kỹ tính ở miền Bắc như Vương Trí Nhàn, khi đưa ra những dẫn chứng về chất nghệ thuật và tính hiện đại trong văn xuôi, đã không ngần ngại trích dẫn Trang Thế Hy. Một giáo sư văn học hàn lâm như Phùng Văn Tửu, trong công trình Tiểu thuyết trên đường đổi mới nghệ thuật, đã phân tích nghệ thuật kể chuyện độc đáo của Trang Thế Hy và in chân dung ông bên những nhà văn nổi tiếng khác.
Những người yêu văn Trang Thế Hy đôi lúc không khỏi tiếc rẻ: giá như sức khỏe và cuộc sống lận đận không cản trở để ông viết nhiều hơn nữa. Nhưng biết làm sao được, mỗi nhà văn giải bài toán số lượng và chất lượng theo cách của riêng mình. Với Trang Thế Hy, “cái gì mình không yêu mến hay chưa kịp yêu mến thì đừng giả bộ yêu mến nó”.
Mặc dù có lúc băn khoăn về sứ mệnh “bào chế thuốc giảm đau” của văn chương, tác phẩm của ông vẫn là một nguồn an ủi tinh thần quý giá dành cho bạn đọc. Hơn 20 năm trước, gửi tặng tôi cuốn Tiếng khóc và tiếng hát, ông viết: “Cái tập truyện của tôi là một thứ ớt cay dầm trong bữa ăn, nhà phê bình đừng dầm cho nó cay thêm nữa”.
Tôi hiểu ông: đắng cay là vị của cuộc đời; nhưng người ta chỉ có một cuộc đời để sống, đâu có thể sống mãi với vị đắng cay. Tập thơ song ngữ của ông có nhan đề Đắng và ngọt là những chiêm nghiệm cuối đời của một nhà văn lịch lãm.
Không có gì nghi ngờ rằng tác phẩm của Trang Thế Hy sẽ chịu được thử thách của thời gian và độc giả sẽ còn đọc lại những dòng văn giàu cảm xúc và suy tưởng của ông.
Những năm tháng cuối đời, trong căn nhà bên một con lộ nhỏ ở ngõ vào thành phố Bến Tre, đêm đêm Trang Thế Hy nghe tiếng thời gian qua những chiếc lá dừa khô rụng ngoài vườn.
Chắc có lúc ông nhớ đến tiếng rền u u độc điệu gây buồn ngủ của nhà đèn Chợ Quán, tiếng chuông xe điện leng keng trên đại lộ Galliéni, tiếng cười nói ồn ào trước chung cư Nam Kỳ Khởi Nghĩa nơi cái thành phố đã mở cánh cửa văn chương cho ông nhìn ra thế giới.
Nhưng thế giới của ông bây giờ thu lại trong những suy tưởng miên man về phận người và đời văn: Đêm nay mực chảy thành thơ/ Giữa tiếng cười man dại/ Tôi ngồi một mình trong bóng tối/ Thách tất cả gông cùm trên thế giới/ Làm sao xiềng đôi cánh của tình thương.
Đêm qua Trang Thế Hy ra đi trong tiếng lá dừa rơi…
Huỳnh Như Phương
Nhà văn Trang Thế Hy vừa qua đời ở tuổi 91 lúc 0g50 ngày 8-12 tại nhà riêng, sau một thời gian kiệt sức do tuổi già. Vậy là ông đã từ biệt văn đàn, đi về một chỗ khác thật xa sau hơn 20 năm quyết định rời khỏi TP.HCM để về lại quê nhà sống phần đời ẩn dật còn lại. Ông tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29-10-1924 tại Châu Thành, Bến Tre, từng tham gia cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Bến Tre, hoạt động cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau năm 1975, ông sinh hoạt văn nghệ tại TP.HCM, làm biên tập viên văn tại báo Văn Nghệ TP.HCM. Ông từng viết văn, viết báo tại Sài Gòn và miền Nam với các bút danh: Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Văn Minh Phẩm. Tác phẩm chính của ông gồm tập truyện ngắn: Nắng đẹp miền quê ngoại (1964), Mưa ấm (1981), Người yêu và mùa thu (1981), Vết thương thứ 13 (1989), Tiếng khóc và tiếng hát (1993)... Lễ tang ông Võ Trọng Cảnh, tức nhà văn Trang Thế Hy, được tổ chức tại nhà số 38 đường vành đai Hữu Định, khu phố 1, phường Phú Tân, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Lễ viếng bắt đầu từ 10g ngày 8-12-2015. Lễ truy điệu lúc 10g ngày 10-12-2015. Lễ an táng lúc 13g ngày 10-12-2015 tại đất nhà, khu phố 1, phường Phú Tân, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre. LAM ĐIỀN |