Hồi tôi mới về nhận nhiệm sở dạy ở trường THPT Phan Bội Châu (1978), anh Lương Duy Cán (nhà thơ Hà Nhật) lúc ấy là phó hiệu trưởng, bảo tôi trong thời gian ở Phan Thiết, nhớ đến thăm cô Mộng Cầm, tâm sự để hiểu thêm về nàng thơ của Hàn Mặc Tử, nếu không tranh thủ thời gian, lỡ sau này cô không còn, muốn tìm hiểu thì sẽ nuối tiếc.
Lầu Ông Hoàng (Phan Thiết)
Vào một sáng, tôi đến nhà bà ở số 394 (bây giờ) đường Trần Hưng Đạo – Phan Thiết. Trước mắt tôi là một lão bà tóc bạc, da mặt hồng hào, phương phi, phúc hậu. Bà hỏi chuyện về tôi, tôi hỏi chuyện về bà, dần dần mới hỏi về Hàn Mặc Tử. Bà bảo hồi đó cậu ruột của bà (tức nhà thơ Bích Khê) về mở trường dạy học ở Phan Thiết, là bạn thân của Hàn Mặc Tử. Khi ấy, anh Tử (nói theo ngôn ngữ của bà) đang làm báo ở Sài Gòn. Tôi có làm thơ, anh Tử đọc thơ tôi trên báo, rồi nhắn tin tìm địa chỉ. Anh ra Phan Thiết thăm cậu Khê, để tìm tôi. Anh Tử đọc thơ tôi và nói tôi làm thơ được. Từ đó anh ra Phan Thiết đều hơn. Lúc ấy, tôi làm y tá ở Mũi Né. Lần đầu, khi ra không gặp tôi ở nhà thì anh đón ghe ra Mũi Né, rồi từ Mũi Né chúng tôi về lại Phan Thiết. Tôi hỏi thế cô có cùng nhà thơ lên Lầu Ông Hoàng không mà người ta viết nhạc, viết tuồng như vậy ? Bà nói có. Ngắm trăng trên ấy đẹp lắm. Rồi bà kể chuyện, khi anh Tử in tập “Gái quê”, có đem về Phan Thiết tặng tôi, và gửi thêm nhờ tôi bán giúp. Hình như tập thơ hai đồng mấy hào thì phải, tôi thấy số lẻ nên bán cho người đọc lấy tròn chẵn hai đồng. Bán vèo có mấy hôm là hết. Gặp lại, tôi báo cho anh biết cách bán hạ giá của tôi. Anh cười bảo, anh nhờ em bán thơ chứ đâu phải nhờ bán giấy mà lên giá xuống giá.
Tôi hỏi chuyện tình duyên của bà với nhà thơ sao mà trắc ẩn để nhà thơ phải than thở về quê hương này đến mức “Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết! / Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu/ Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư.” ? Bà nhìn tôi có vẻ đăm chiêu, dè dặt khi nói, chuyện đời tư lâu rồi… nói ra thì thương cho hương hồn anh Tử, hồi ấy tôi quý và kính trọng anh Tử lắm, xem anh là bạn rất thân của mình, chỉ có thế thôi. Còn chuyện viết tuồng thì người ta tưởng tượng thêm mà, có ai hỏi tôi điều gì đâu ! Tôi hỏi chắc hồi ấy cô với nhà thơ có trao đổi thư từ qua lại chứ ? Bà nói trao đổi thư cũng nhiều đấy. Tôi muốn được đọc vài lá thư mà nhà thơ gửi cho bà. Bà bảo, hồi đó (những năm 1979, 1980) truy quét “văn hóa nô dịch, đồi trụy”, họ đến lấy luôn những lá thư ấy rồi, nhưng không trả lại.
Khi tuyển tập thơ Hàn Mặc Tử phát hành do Chế Lan Viên tuyển chọn và viết lời tựa, tôi mua hai cuốn, đem đến tặng cho bà một cuốn, rồi mở đến đoạn Chế Lan Viên nhắc chuyện Mộng Cầm ra Quy Nhơn thăm Hàn Mặc Tử. Bà bảo chỗ này anh Hoan (Chế Lan Viên) nói nhầm rồi. Khi anh Tử bị bệnh về Quy Nhơn chữa trị rồi mất, tôi chưa một lần đến nơi đó. Chỉ đến lúc anh Quách Tấn in lại tập thơ của anh Tử phát hành, rồi cải táng mộ anh Tử, tôi mới về thăm thôi.
Thông tin tôi nhận được là như thế, sau đó tôi có viết lại một bài gửi cho tạp chí Văn nghệ của tỉnh, lấy nhan đề là “Chung quanh cái bóng nhà thơ”. Nhưng khi đăng thì nhà thơ Phan Minh Đạo – lúc ấy làm chủ tịch Hội, sửa nhan đề lại thành “Chuyện tình Mộng Cầm và Hàn Mặc Tử”, không đúng với ý định của tôi. Khi tạp chí phát hành, anh bạn đồng nghiệp cùng dạy ở trường, là con rể của bà Mộng Cầm, nói với tôi: “Anh tập trung sáng tác hay hơn là viết về những chuyện như thế” (tức là viết về chuyện riêng của người khác).
Thời gian sau, một nhà thơ từ Hà Nội vào tìm tư liệu Hàn Mặc Tử, có đến gặp bà Mộng Cầm hỏi chuyện và ghi âm. Sau đó anh ghé Hội Văn nghệ thăm anh em văn nghệ sĩ địa phương và mở băng cho nghe. Qua ghi âm, bà nói khác những lần trước tôi gặp bà, rằng bà có ra Quy Nhơn thăm Hàn Mặc Tử, lúc về lại Phan Thiết, nhà thơ lên đến sân ga để tiễn bà, hình ảnh kẻ ở người đi lúc chia tay khi tàu chuyển bánh đượm buồn, cái buồn nên thơ, rất chi là tình cảm.
Khoảng ba năm trước khi bà mất (2007), anh Phăngxipăng – phóng viên tạp chí Thế Giới Mới, đang làm phóng sự nhiều kỳ về Hàn Mặc Tử, đến Phan Thiết nhờ tôi đưa đến gặp bà. Khi đến số nhà 394, bà không còn ở đó nữa, mà chuyển về ở với con gái nhỏ trên Phong Nẫm cho yên tĩnh. Nhà 394 con gái lớn ở, mở quán bán chè lấy tên Mộng Cầm. Quán chè Mộng Cầm có loại bánh kem nổi tiếng, ăn rất ngon. Lên Phong Nẫm gặp bà, mười mấy năm gặp lại, bà yếu đi nhiều. Khi Phăngxipăng gợi hỏi, bà nói chuyện rất vui, bảo rằng: Cách đây hơn tháng, tôi mơ thấy anh Tử về. Chao ơi ! Anh vẫn trẻ như xưa. Giật mình thức dậy, tôi có làm bài thơ. Rồi lấy bài thơ đọc cho Phăngxipăng chép. Rất tiếc lúc ấy tôi lại không lưu bài thơ để làm kỷ niệm.
Lẽ ra tôi không kể lại chuyện này, như người con rể của bà đã từng nói với tôi. Nhưng chuyện tình của Hàn Mặc Tử với nàng thơ ở Phan Thiết sống với thời gian quá nhiều giai thoại, nên tôi kể lại là nhằm mục đích, khi nghiên cứu về mối quan hệ của một tác giả, mà tác giả ấy lại là Hàn Mặc Tử, một tài năng sáng ngời trên văn đàn thi ca dân tộc, việc đi tìm tư liệu sống về mối quan hệ chung quanh ông là điều rất cần thiết, nhưng cần hết sức cẩn trọng, bởi tính chính xác như thế nào vẫn còn là một ẩn số.
Dẫu ai nói thế nào đi nữa, Mộng Cầm vẫn là nàng thơ làm đắm say đến đau khổ “ngất ngư” trong hồn thơ Hàn Mặc Tử. Khi nghe tin người đẹp sang ngang, bóng hình còn đó mà như đã xa xôi khuất lấp lắng chìm vào trong quá khứ, tuyệt vọng tột cùng: “Ta đến nơi Nường ấy vắng lâu rồi/ Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ” (Phan Thiết ! Phan Thiết); nhà thơ thẫn thờ đến mức: “Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?/ Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?”, làm cho tâm trạng trở nên ngây dại đến não nùng: “Người đi, một nửa hồn tôi mất,/ Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.” (Những giọt lệ). Cả thế giới tâm hồn ở một con người mà mất đi (chết đi) một nửa, chỉ còn một nửa, mà nửa còn lại ấy là nửa của “dại khờ”, có nỗi đau nào ghê gớm hơn thế nữa trong cõi nhân sinh của một kiếp người !
Phan Thiết, tháng 11 năm 2015
Nguồn: Báo Bình Thuận cuối tuần số 5381 ngày 04/12/2015