23112024Sat
Last updateTue, 19 Nov 2024 1pm

Nghiên cứu hiện tượng văn học Hồ Biểu Chánh

Bài viết này nghiên cứu Hồ Biểu Chánh như một hiện tượng văn học đặc biệt của Việt Nam. Chúng tôi xem xét các phương diện sau đây trong tác phẩm của ông: tính khởi đầu, tính chuyên nghiệp, tính bền vững, tính đại chúng và tính hiện đại.

 Nghiên cứu Hồ Biểu Chánh như là một hiện tượng văn học đặc biệt của Việt Nam, bài viết tập trung phân tích mấy phương diện: tính khởi đầu, tính chuyên nghiệp,tính bền vững, tính đại chúng, tính hiện đại.

Trước hết, xin nói về tính khởi đầu. Thiếu Sơn, trong Phê bình và Cảo luận(1), Vũ Ngọc Phan, khi viết Nhà văn hiện đại(2), đã xếp Hồ Biểu Chánh trong lớp các nhà văn tiên phong. Như vậy vai trò khởi đầu của Hồ Biểu Chánh đã được giới phê bình văn học Việt Nam khẳng định sớm, từ những năm 30-40 của thế kỷ XX, ngay khi ông còn tại thế. Điều đáng tiếc là có một thời gian dài, nhiều bộ lịch sử văn học sau đó đã không tiếp tục tinh thần này.

Tính khởi đầu của văn nghiệp Hồ Biểu Chánh, theo tôi, cần xem xét kỹ, để từ đó thấy được đặc điểm vận động của văn học Việt Nam; những chọn lựa cá nhân của Hồ Biểu Chánh; những dấu ấn của người mở đường trong lịch sử văn học Nam Bộ nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.

Có thể nói, chủ trương đại chúng hóa và hiện đại hóa văn học, cả trên bình diện thể loại, nội dung và nghệ thuật, cả trên phương diện quan niệm lẫn thực hành đã được thể hiện ít nhiều với Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản, Trương Minh Ký, nhưng Hồ Biểu Chánh là người kế tục và phát triển theo cách của riêng mình. Năm 1910, Hồ Biểu Chánh xuất hiện trong làng văn bằng hai tác phẩm, vừa sáng tác, vừa dịch thuật: U tình lục (truyện thơ) và Tân soạn cổ tích (dịch cổ văn Trung quốc), như là bước ướm thử rón rén của một chàng trai 26 tuổi, vẫn còn vướng vất “một thời vang bóng” (truyền thống truyện thơ Việt Nam rực rỡ hơn một trăm năm; văn học Trung Quốc với những ảnh hưởng to lớn thời kỳ trung đại), nhưng Hồ Biểu Chánh viết bằng thứ chữ mới tinh là chữ quốc ngữ, dù nó đã được tạo tác từ hơn hai thế kỷ.

Chỉ sau đó hai năm, Hồ Biểu Chánh đã nhận ra hướng đi của mình. Ai làm được (1912) là một tiểu thuyết mở đầu cho chọn lựa nhất quán của Hồ Biểu Chánh: viết cho ai, viết về ai, viết về cái gì và viết như thế nào là những câu hỏi gần như đã được Ông trả lời ngay từ thời điểm này, để rồi 45 năm sau đó Ông gần như con tàu lao trên đường ray đã định, không hề chệch hướng(3).

Từ đó xuất hiện trong làng văn Việt Nam một nhà văn mang cốt cách vừa hiện đại vừa truyền thống: Thiếu Sơn gọi Hồ Biểu Chánh là người “cải lương” (nghĩa là dung hòa). Trong hồi ký Đời của tôi, Hồ Biểu Chánh cũng bày tỏ chọn lựa đó. Ông nói, quan sát trường hợp Nguyễn Trọng Quản với Truyện Thầy Lazarô Phiền, ông nghĩ là cần viết gì để được công chúng lúc bấy giờ thừa nhận. Công chúng lúc bấy giờ là ai? Khác với giai đoạn trước, văn học viết chỉ thu vào những người có học, giai đoạn này văn học mở rộng cho những người biết chữ. Vì sao có hiện tượng này? Bởi vì chữ quốc ngữ dễ học và phần lớn văn học chữ quốc ngữ tựa vào báo chí. Chữ quốc ngữ và báo chí được thực dân Pháp khuyến khích để xác lập thiết chế xã hội tư sản ở nước ta. Là công chức của chế độ thực dân, hẳn Hồ Biểu Chánh hiểu rõ chính sách văn hóa ấy, và ông nương theo nó mà làm những gì có ích cho dân tộc. Hoàn cảnh xuất thân (gia đình nông dân nghèo), con đường nghề nghiệp của Hồ Biểu Chánh (ký lục, thông ngôn, chủ quận, đốc phủ sứ: được di chuyển nhiều nơi, được chứng kiến nhiều trạng huống, nhiều thân phận), cùng thiên hướng cầm bút bẩm sinh đã làm nên một nhà văn Hồ Biểu Chánh với những trang viết tràn đầy tinh thần dân tộc và nhân văn. Ông viết cho và viết về nhân dân mình, những người nông dân lầm lũi trong bóng tối của đói nghèo, thất học, chịu nhiều oan khuất; ông quan sát những biến động và xáo trộn của xã hội Việt Nam, ghi nhận và nói lên tác động của chúng lên từng con người, theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Viết như thế nào? Có thể nói, cách viết của Hồ Biểu Chánh hình thành từ yếu tố tự phát (ông thừa hưởng phong cách văn chương vốn có của các nhà văn Nam Bộ) và yếu tố tự giác (ý thức đáp ứng đông đảo người đọc biết chữ có thói quen đọc báo): mộc mạc, dễ hiểu, tình tiết éo le, chi tiết sinh động  nhưng tính cách nhân vật ít thay đổi, ngôn ngữ văn học và không gian, thời gian nghệ thuật gần với người đọc đương thời, cốt truyện đi theo đường giây sự kiện, kết thúc có hậu...

Tất cả những điều trên đã làm nên một Hồ Biểu Chánh miệt mài không mệt mỏi trên con đường sáng tác tiểu thuyết đại chúng: số lượng tác phẩm của ông, có thể nói là lớn nhất trong các nhà văn Nam Bộ đương thời.

Nhưng Hồ Biểu Chánh không chỉ là tiểu thuyết gia. Theo chân Trương Vĩnh Ký, ông viết nhiều thể loại: thơ (3 tập), truyện ngắn (12 tập), tùy bút, hồi ký (9 tập)  kịch và cải lương (10 tập), phê bình, khảo cứu (28 tập), dịch thuật (2 tập). Những công trình này, phần lớn gọn ghẽ và dung dị, chúng nói lên mối quan tâm của nhà văn về tinh thần dân tộc đồng thời cho thấy một khả năng tự đào luyện, một sức đọc rộng rãi của Hồ Biểu Chánh(4).

Đọc kỹ tiểu sử, sẽ thấy đời văn của Hồ Biểu Chánh nở rộ trong hai giai đoạn: giai đoạn đầu, từ 1922- 1940, rực rỡ với văn xuôi hư cấu, giai đoạn hai, từ 1944- 1957: bên cạnh tiểu thuyết, còn có rất nhiều công trình khảo cứu. Bước phát triển như vậy vừa phù hợp với đặc điểm của cá nhân chủ thể sáng tạo (bay bổng ở độ tuổi trung niên và chín muồi ở tuổi già) đồng thời cũng tương hợp với lịch sử vận động của văn học Việt Nam.

Trong số các nhà văn Nam Bộ từ trước đến nay, có thể nói, Hồ Biểu Chánh là người đặc biệt (sau Trương Vĩnh Ký) làm văn chương với một ý thức sáng rõ, cụ thể là vừa viết văn vừa bày tỏ trực tiếp quan niệm trong những công trình có tính phê bình. Cuốn Chấn hưng văn học Việt Nam (1944) của Hồ Biểu Chánh, cùng với hai tập hồi ký Tâm hồn tôi (1949) Đời của tôi về văn nghệ (1957) là những tài liệu rất quý giá, mang tính bình luận về đời sống văn học và những tổng kết về chính đời văn tác giả. Những thông tin sau đây hẳn sẽ cung cấp cho người đến sau nhiều dữ kiện bổ ích cho việc nghiên cứu Hồ Biểu Chánh nói riêng và đời sống văn học Việt Nam đầu thế kỷ nói chung: 

“Năm 1906 ra khỏi nhà trường, nhận thấy các ấn quán ở Sàigòn mướn người dịch truyện Tàu và thơ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ đặng in mà bán. Từ thành thị ra thôn quê, nhơn dân đua nhau mà đọc. Có vài tờ tuần báo cũng được người ta chú ý.

Thầm nghĩ, người mình mà biết chuyện bên Tàu không bổ ích cho bằng biết truyện trong nước mình. Tính viết chuyện văn vắn cho đăng vào mấy tờ tuần báo để đồng bào đọc thử. Viết khó khăn hết sức, vì thiếu nho học nên không tìm ra lời mà tả trí ý cho người ta thông cảm được. Phải học chữ Nho. Trót ba năm, nhờ vài ông bạn lớn tuổi ban đêm làm ơn dạy giùm cho đọc được sách Tàu.

Năm 1910, lựa những chuyện hay trong Tình Sử và Kim Cổ Kỳ Quan dịch ra Quốc văn nhan đề «Tân soạn cổ tích» đặng tập viết cho suông. Cũng viết theo thể văn «Thượng lục hạ bát» thành một chuyện dài nhan đề «U tình lục», chuyện tình của người trong nước mình. Hai quyển nầy được mấy bạn hùn tiền in thử thì không ai chê.

Lúc đó cụ Trần Chánh Chiếu cho xuất bản quyển «Hoàng Tố Oanh hàm oan» là tiểu thuyết đầu tiên trong Lục tỉnh, truyện tình tả nhơn vật trong xứ và viết theo điệu văn xuôi.  Đọc quyển nầy, cảm thấy viết truyện dùng văn xuôi dễ cảm hoá người đọc hơn, bởi vậy năm 1912, đổi xuống làm việc tại Cà Mau mới viết thử quyển «Ai làm được » là quyển thứ nhứt viết văn xuôi tại Cà Mau với nhơn vật cũng ở Cà Mau»(Đời của tôi về văn nghệ).

Những ghi nhận trên đây, có thể đưa chúng ta đến một ý tưởng thứ hai: Hồ Biểu Chánh là tác giả đầu tiên thể hiện đầy đủ tính chất của một nhà văn chuyên nghiệp. Ông mở đầu cho một thời kỳ văn học thị trường nhộn nhịp, vừa đa dạng vừa lộn xộn, vừa hiện đại vừa truyền thống, vừa hiện thực vừa lãng mạn, vừa giải trí vừa giáo dục.

Trong gần 50 năm viết văn, Hồ Biểu Chánh đã có 35 năm làm công chức, vậy mà sức sáng tạo của ông mạnh mẽ, dồi dào hơn bất kỳ nhà văn thuần túy nào của Việt Nam. Điều ấy thật đáng chú ý và cần được cắt nghĩa. Lâu nay, trước hiện tượng “ngắn hơi” (nổi bật như cồn với một vài tác phẩm rồi sau đó tắc tị) của các nhà văn Việt Nam, các nhà nghiên cứu thường cho rằng nguyên nhân là do “nội lực văn hóa (cá nhân và cộng đồng) mỏng”. Vậy phải chăng “trường hơi” như Hồ Biểu Chánh là nội lực văn hóa dày? Theo thiển ý của người viết, cái chính là tâm thế chuyên nghiệp của nhà văn. Tâm thế ấy từ đâu mà ra? Trước hết, từ một tài năng bẩm sinh; thứ hai, từ một đam mê lớn với nghề viết; thứ ba, từ khả năng nhận biết nguồn mạch sở trường của chính mình cứ thế mà khơi mãi; thứ tư, gắn bó và nhạy cảm với đời sống và con người (là đối tượng được miêu tả trong tác phẩm và đối tượng tiếp nhận tác phẩm). Nhìn lại lịch sử văn học Việt Nam, chúng ta phải thừa nhận là số nhà văn chuyên nghiệp không nhiều, trong đó, văn học Việt Nam giai đoạn 1865- 1954, văn học Sài Gòn giai đoạn1954-1975, số nhà văn chuyên nghiệp nhiều hơn cả. Tại sao như vậy? Có thể nói, đó là do điều kiện của thiết chế xã hội văn hóa. Nhà văn chuyên nghiệp chỉ có thể tồn tại và phát triển trong xã hội dân sự và kinh tế thị trường, nơi văn học cũng là hàng hóa (theo nghĩa trung tính, hoặc tích cực), ở đó các nhà văn bình đẳng với nhau trong sự cạnh tranh tài năng, sức viết và bình đẳng với bạn đọc trong việc chinh phục trái tim hay sở thích của họ. Nhà văn như vậy có chỗ đứng của nghề nghiệp, không cậy vào đâu, ngoài trang viết của mình. Quả thật, thuở ấy khi viết, Hồ Biểu Chánh không dựa vào thế giá của một ông quan huyện hay đốc phủ sứ. Thiếu Sơn đầu những năm 30 bảo: “nhưng tôi không cần biết Hồ Văn Trung là ai, tôi chỉ biết Hồ Biểu Chánh”(5). Và hôm nay, dù trải qua bao thăng trầm, tác phẩm Hồ Biểu Chánh lại đến với chúng ta, tái sinh dưới nhiều hình thức, vẫn còn nguyên sức hấp dẫn đến ngạc nhiên.

Lại một câu hỏi nữa cần giải đáp: Cái gì làm cho trang viết của Hồ Biểu Chánh có một giá trị lâu dài? Trong các thang bậc của văn chương, xưa nay chúng ta vẫn đề cao loại văn học hàn lâm (hay nghệ thuật) và xem nhẹ loại văn học đại chúng. Từ một khởi điểm không cao và điều kiện làm việc khá eo hẹp (chẳng hạn so sánh với Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trọng Quản, Trương Minh Ký, Nhất Linh, Khái Hưng...), Hồ Biểu Chánh đã không tỏ rõ tính hiện đại trong tư duy nghệ thuật và những cách tân về thủ pháp. Nhưng Hồ Biểu Chánh lại rất hiện đại khi tạo ra một sản phẩm, một giòng văn học  cho mọi người, không phân biệt đẳng cấp. Ai muốn nghe kể chuyện thì cứ bước  vào trang sách Hồ Biểu Chánh: cửa đã mở rộng, ở đó người đọc tha hồ dõi theo những câu chuyện miên man của muôn mặt đời thường. Người đọc đương thời thì khoái chí vì chạm đến những thực tế mình đang ngụp lặn. Người đọc nhiều thế hệ sau thì thú vị với những ngôn ngữ, hình ảnh rõ rành, sinh động, đặc trưng của thời quá vãng. Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đã lưu giữ cho chúng ta quá nhiều cảnh sắc, sinh hoạt một thời. Văn chương của ông đã góp phần neo lại thời gian, chống lại những bể dâu ghê gớm của thời cuộc. Chẳng phải thế mà một số trí thức Việt Nam khi xa nước đã cất công sưu tầm tác phẩm Hồ Biểu Chánh mang theo và giữ gìn như một di sản quý(6).

Vậy thì cái khung đẳng cấp và thể loại chỉ có một giá trị tương đối. Phương chi, là văn học đại chúng, nhưng tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh nói riêng và trang viết của ông nói chung, không phải là loại văn học giải trí theo dạng đóng gói công nghiệp của mì ăn liền vốn được xây dựng theo một kỹ thuật nhằm chủ yếu đánh vào thất tình lục dục của con người, trong đó tính hiếu kỳ là yếu tố hàng đầu. Hồ Biểu Chánh, ngược lại, không ly kỳ hóa, không lên gân, không cường điệu. Hòa trộn nhuần nhuyễn bốn phương diện: thẩm mỹ, hiện thực, giáo dục, giải trí, trang viết của ông như một giòng sống tự nhiên len lỏi qua các ngóc ngách của đời, đẫm tính tự sự và xanh biếc ngôn ngữ nghệ thuật; một cốt truyện vững bên cạnh các tình tiết và chi tiết phong phú, cụ thể, sinh động; những không gian mang đậm đặc trưng vùng miền, từ nông thôn Nam Bộ đến đô thị Sài Gòn thời thuộc địa...: tất cả đã làm nên ưu thế của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh khi chuyển thể thành phim ảnh hay sân khấu.

Và như vậy, hôm nay văn chương của Hồ Biểu Chánh đã được nối dài. Và như vậy, sau gần nửa thế kỷ, những gì Hồ Biểu Chánh gửi gắm qua trang viết đã được tái sinh. Qua sự nghiệp văn học Hồ Biểu Chánh, chúng ta nhìn thấy rõ những nỗ lực, khả năng và tâm huyết của những trí thức làm văn hóa của Việt Nam. Họ đã đứng giữa giao điểm của đời sống, của văn chương (Đông/ Tây; truyền thống / hiện đại) mà chọn lựa, dung hòa. Do tính chất đặc biệt và phong phú của mình, hiện tượng văn học Hồ Biểu Chánh nói riêng (và văn học Nam Bộ nói chung) còn có thể mở ra cho chúng ta những hướng nghiên cứu mới như liên văn bản, văn hóa học, xã hội học, hậu thực dân...

Và sau cùng, hiện tượng văn học Hồ Biểu Chánh nói với chúng ta rằng, để hiểu được những con người làm văn hóa, chúng ta cần có tầm nhìn, sự cẩn trọng  và lòng kiên nhẫn. Lịch sử sẽ công tâm, thời gian sẽ công bằng, nhưng nếu chỉ cậy vào thời gian và lịch sử thì cũng có nguy cơ vì một lý do gì đó nhất thời, chúng ta sẽ làm thui chột, thậm chí chôn vùi một sự nghiệp, một tài năng, khi ấy chúng ta sẽ  mắc tội làm nghèo đi tài sản vô giá của Tổ quốc.

Chú thích

(1)      Thiếu Sơn (1933) Phê bình và Cảo luận, Nxb. Nam Ký, H.

(2)      Vũ Ngọc Phan (1960) Nhà văn hiện đại, Thăng Long tái bản,  S.

(3)      64 tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh tập trung vào những vấn đề con người, xã hội, phong tục Nam Bộ, hướng đến công chúng rộng rãi.

(4)      Ông đọc tiểu thuyết của Trung Hoa, của Pháp, tìm thấy ở đó nhiều kinh nghiệm sáng tác. Thậm chí, gợi ý về cốt truyện về kỹ thuật. Ông biên soạn Trung Hoa tiểu thuyết lược khảo (1944) , Pháp quốc tiểu thuyết lược khảo (1945). Ông quan tâm đến lịch sử, triết học, tôn giáo.

(5)      Thiếu Sơn, Sđd, tr.34.

(6)      Chẳng hạn, nhà nghiên cứu Tạ Trọng Hiệp, người Hà Nội, từng sống ở Sài Gòn, đã tặng cho thư viện Đại học Paris 7 Denis-Diderot rất nhiều tiểu thuyết mà ông sưu tầm về Hồ Biểu Chánh. Hồ Hữu Tường và Dương Nghiễm Mậu cũng đều mê và khẳng định Hồ Biểu Chánh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Nguyễn Khuê (1974) Chân dung Hồ Biểu Chánh, Lửa thiêng, S.

2.    Vũ Ngọc Phan (1960) Nhà văn hiện đại, Thăng Long tái bản, S.

3.    Thiếu Sơn (1933) Phê bình và Cảo luận, Nam Ký, H.

4.    Nguyễn Thị Thanh Xuân (2006) Chữ quốc ngữ, báo chí, công chúng và văn học Nam Bộ đầu thế kỷ XX , “Kỷ yếu Hội thảo  Đồng bằng sông Cửu Long, thực trạng và giải pháp”, Nxb. Đại học Quốc gia TP. HCM.

5.    http://www.hobieuchanh.com/pages/tieusu.html. Xem ngày 10-7-2015

6.    http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giaitri/pgsts-vo-van-nhon-noi-ve-van-hoc-nam-bo-viet-nhu-mot-phan-ung-cua-long-tu-trong-dan-toc-n2015 0210113405224.htm. Xem ngày 10-7-2015.

 Nguồn: Tạp chí khoa học Đại học Sài Gòn - Bình luận văn học, niên san 2015, tr.41-45

Online Members

We have 1011 guests and no members online

Homepage Data

63687439
Today
Yesterday
All
7731
23426
63687439

Show Visitor IP: 18.224.30.113
23-11-2024 04:56