23112024Sat
Last updateTue, 19 Nov 2024 1pm

Vấn đề tình dục trong văn học Việt Nam từ và qua truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao

Khi các trường phái như phê bình mới hay chủ nghĩa cấu trúc xuất hiện người ta cho rằng có thể giải quyết những vấn đề của văn học chỉ thuần túy dựa trên những yếu tố nội tại của văn bản mà không cần đến bất kỳ một sự tham chiếu nào khác từ những nhân tố bên ngoài. Tuy nhiên sự phát triển mạnh mẽ của xã hội học văn học mà một nhánh quan trọng của nó là nghiên cứu tiếp nhận cũng như sự ra đời của các trường phái: chú giải học/ thông diễn học (hermeneutics), nữ quyền luận/phái tính (feminism), chủ nghĩa lịch sử1 ... đã cho thấy sự cần thiết phải đặt văn học trong một context rộng lớn hơn của những vấn đề văn hóa và xã hội.

Đặt vấn đề nghiên cứu tình dục trong văn học, như thế, nảy sinh từ sự vận động và biến đổi nói trên của thực tiễn nghiên cứu và lý luận văn học. Từ góc nhìn này thì tình dục không chỉ là một đề tài phản ánh trong tác phẩm mà còn là một hệ quy chiếu đề giải mã/ tạo nghĩa cho tác phẩm văn học. Tình dục là nơi đan bện của cái sinh vật và cái xã hội với những tương tác cực kỳ phức tạp vì thế là một điểm nhìn gợi dẫn những suy tư về tồn tại người trong những chiều kích vốn không dễ nắm bắt của nó. Việc khảo sát từ đó nhận diện về những vùng nghĩa được bao chứa trong vấn đề tình dục trong văn học Việt nam từ đầu thế kỷ đến 1945 sẽ được chúng tôi tiến hành trong một công trình khác với một quy mô dài rộng hơn. Trong bài viết này chúng tôi chỉ dừng lại khảo sát một tác phẩm cụ thể: Chí Phèo của Nam Cao, những so sánh mở rộng chỉ xuất hiện nhằm phục vụ cho những phân tích, bình luận có thêm chiều sâu cần thiết.


Bài viết hướng tới 3 nội dung chính:

-lăng kính giai cấp và vấn đề tình dục

-mối quan hệ giữa tình dục và tình yêu

-tình dục và vấn đề nữ quyền (feminism)


1. Hoạt động tính giao là thuộc tính của mọi sinh thể sống. Nằm trong tứ khoái của người bình dân, hoạt động tính giao được mặc nhận như một nhu cầu phổ biến, thiết yếu của một con người bất kể sang - hèn, quý - tiện. Trong Chí Phèo, đời sống tình dục của Chí Phèo được nhắc đến hai lần (lần một với bà ba bá Kiến, lần hai với Thị Nở). Cả hai, như ta đã thấy, đều trở thành những dấu mốc, đem lại những bước ngoặt đặc biệt quan trọng trong cuộc đời của nhân vật. Điều này, ít nhất, là một cơ sở cho thấy tình dục cần phải được xem là một phương diện không thể bỏ qua trong việc giải mã nhân vật cũng như cắt nghĩa về tác phẩm.


1.1 Kinh nghiệm tình dục đầu tiên của Chí gắn với bà ba nhà bá Kiến. Trong mối quan hệ này vai trò chủ động của giống đực (một vai trò được mặc định bởi xã hội) ở Chí Phèo hoàn toàn bị tước bỏ, hắn là kẻ thụ động. Hơn thế, hắn bị ứng xử chỉ như một công cụ. Không chỉ “mắng xơi xơi vào mặt” hắn khi không được thỏa nguyện, bà ba trong lúc lẳng lơ, khêu gợi nhất vẫn gọi Chí là mày, xưng tao. Cách xưng hô định rõ thân phận của bà chủ và tôi đòi. Nó gợi nhớ đến cách xưng hô của Nghị Hách với thị Mịch: gọi em nhưng xưng tao - vừa bỗ bã, vô học nhưng đậm hơn cả là sắc thái của một bạo chúa trước một nô lệ. Nô lệ, hay chính xác hơn một công cụ tình dục đấy là thân phận của Chí Phèo trong mắt bà ba. Phản ứng của Chí Phèo là một phức cảm: “bị một con đàn bà gọi đến bóp chân! Hắn thấy nhục hơn là thích, huống hồ lại sợ”. Thích là biểu hiện của dục năng nguyên thủy, là bản năng. Nhưng dục tính bản năng ấy, được thể hiện ngay trên hình thức văn bản, bị áp chế bởi nhục và sợ. Nhục là tổn thương về vai trò của giống (đàn ông / kẻ mạnh) bị xâm phạm. Nhưng quan trọng hơn là sợ - một ám ảnh bị trừng phạt của kẻ yếu trong thang bậc xã hội (báo trước sự kiện Chí bị đi tù bởi một nguyên nhân mờ ám do sự trả thù của bá Kiến). Cái thích của dục năng bị tổn thương nhất bị chặn lại quyết liệt nhất ở điểm này. Hắn không thể quên được thân phận xã hội của mình. Không ngẫu nhiên khi trong các nét tâm lý thì cái sợ được nói ra sau cùng. Như một mặc cảm, muốn che giấu. Nhân vật dường như ngại ngùng và thực sự bị tổn thương khi phải đối diện, muốn quên đi nhưng lại bất khả.


Có lẽ cú sốc đầu đời này đã để lại môt dư chấn sâu đậm trong Chí đến độ toàn bộ quãng đời sau này, tính đến khi gặp Thị Nở, dục năng của hắn hoàn toàn được đặt ở trạng thái ngủ đông. Sự kiện cưỡng dâm Thị Nở trong chuyện bị làm nhạt đi rất nhiều bởi hai lý do: sự thuận tình của Thị Nở (ta sẽ đề cập đến ý nghĩa của vấn đề này trong phần tiếp theo) và nằm ngoài chủ đích ban đầu của Chí. Quả thật, trường đoạn vườn chuối - đêm trăng bắt đầu từ những miêu tả:


“Và những tàu chuối nằm ngửa, ưỡn cong lên hứng lấy trăng xanh rời rợi như là ướt nước, thỉnh thoảng bị gió lay lại giẫy lên đành đạch như là hứng tình.


Chí Phèo vừa tò mò nhìn những tầu chuối vừa đi xuống vườn”


Thiên nhiên ở đây là ảnh xạ cho dục năng trong nhân vật chỉ có điều hắn không hề ý thức được điều này, từ “tò mò” cho thấy sự mơ hồ ấy. Cái tư thế hứng tình kia của những tầu chuối không phải ngẫu nhiên lọt vào tầm mắt của Chí Phèo và chỉ trong mắt hắn chúng mới có ý nghĩa rạo rực đến thế nhưng vẫn là một thực thể bí ẩn với chính hắn. Nói dục năng của Chí Phèo bị đặt ở trạng thái ngủ đông là vì thế. Vậy nên, trước khi gặp Thị Nở trong tư thế hớ hênh mục đích của Chí Phèo chỉ đơn giản là: “Hắn định sẽ nhảy xuống tắm cho khỏi ngứa rồi lăn ngay ra vườn mà ngủ”. Tận đến khi Thị Nở lọt vào tầm mắt của Chí Phèo: “tựa lưng vào gốc chuối, một người đàn bà ngồi tênh hênh” với một loạt những miêu tả giới tính của thị: “mớ tóc dài buông xõa xuống vai trần và ngực... Hai tay trần của mụ buông xuôi” thì những chi tiết này cũng không lập tức đánh thức bản năng tính dục của Chí. Có thể nhận thấy điều này bởi cho tận đến lúc ấy Thị Nở vẫn hiện lên trong mắt Chí với những chi tiết cực kỳ phản cảm và xấu xí: “cái mồm há hốc lên trăng mà ngủ, hay là chết. Đôi chân thì duỗi thẳng trước mặt, cái váy đen xộc xệch...” - điều không thể xảy ra với một con đực khi đứng trước miếng mồi tình dục của mình. Có một lưu ý, trong một đoạn văn ngắn nhưng Nam Cao đã hai lần sử dụng dấu (...). Đây là dấu hiệu chỉ một lượng thời gian mà chắc chắn là không ngắn diễn ra. Đúng lúc ấy thì ánh trăng xuất hiện: “Tất cả những cái ấy phơi ra trăng, rười rượi những trăng. Trăng làm trắng những cái có lẽ ban ngày không trắng: trăng làm đẹp lên”. Chỉ dưới tác nhân cực kỳ khêu gợi này dục năng của Chí Phèo mới xuất hiện trong một loạt những phản ứng: “Chí Phèo tự nhiên thấy ứ miệng bao nhiêu là nước dãi, mà cổ thì lại khô, hắn nuốt ừng ực, hắn thấy cái gì rộn rạo tan (lan) khắp người. Bỗng nhiên hắn thấy run run”. Những phản ứng thuần sinh lý ở đây có ý nghĩa rất quan trọng: nó cho thấy con người tính dục ở Chí Phèo bị bỏ “đói” đến mức nào. Chỉ sau đó, hành động chiếm đoạt tình dục mới xảy ra. Những miêu tả cực kỳ chi tiết ở giai đoạn tiền giao hợp này của Nam Cao không hề ngẫu nhiên. Nó cho thấy sự chật vật trong khả năng sống lại ham muốn dục tính của Chí Phèo.


Một so sánh với cảnh cưỡng dâm của Nghị Hách trong Giông tố sẽ làm sáng tỏ hơn những phân tích mà chúng tôi đã nêu trên. Với tư cách của một ông chủ, dục năng của Nghị Hách thường trực và mạnh mẽ hơn nhiều so với Chí Phèo. Ham muốn dục năng đã có trước khi Mịch xuất hiện: “Lão đi đi lại lại như cuồng chân, như con hổ trong cũi sắt, nghĩ đến những cái má hồng mơn mởn, những cánh tay trắng như ngà như ngọc của mấy cô đào ở Hà Nội mà lão sẽ hôn hít, sẽ cấu véo, sẽ cắn nhá nữa ”. Chính vì thế, ngay khi thị Mịch xuất hiện dù dưới ánh sáng trăng “leo lét” thì lập tức những chi tiết giới tính mang màu sắc gợi dục của cô thôn nữ này lọt vào tầm mắt của Nghị Hách: “cái má phúng phính, một cặp môi nhỏ và dày, cái cằm tròn trĩnh và hơi lẹm (...) một bộ đùi phốp pháp trắng nõn, trông rất đáng yêu, mặc lòng từ bụng chân đến bàn chân đều có một lớp bùn trắng, mỏng và khô, đóng lại, đã nứt ra thành từng miếng nhỏ, sắp rơi xuống”. Phản ứng chiếm đoạt liền ngay đó trỗi dậy, việc: “Nhà tư bản đứng trông cái bộ đùi thôn nữ ấy một cách tần ngần trong đến vài phút” không phải là sự e dè mà chủ yếu mang ý nghĩa mô tả sự kích động dục tính và sự toan tính chiếm đoạt bằng một âm mưu hoàn hảo như ta sẽ thấy sau đó. Cũng cần nhấn mạnh điều này: Vũ Trọng Phụng chủ yếu miêu tả thời điểm mà hành vi tính giao diễn ra (một lần nữa bản in 1937 chi tiết hơn rất nhiều so với các bản in sau này)  nhằm khắc họa sự bạo hành và thú tính của Nghị Hách. Nam Cao lại tập trung đi sâu vào giai đoạn tiền giao hợp để khắc họa sự hồi sinh, sống lại của những cảm giác dục tính vốn bị chìm khuất và tước bỏ ở Chí Phèo.


Với những phân tích trên, ý nghĩa của sự chiếm đoạt Thị Nở (lúc đầu) / và sau đó là sự “đồng thuận” của thị, với Chí Phèo, có một ý nghĩa kép: vừa trả lại cho hắn sự tự tôn của giống đực (vốn bị bà ba bá Kiến tước đoạt) vừa là lần đầu tiên đem lại cho hắn sự tồn tại trên phương diện tính dục của một con người bình thường. Cần lưu ý, trong đoạn văn trực tả hành động chiếm đoạt của Chí Phèo, Nam Cao hai lần dùng cụm từ “thằng đàn ông” để chỉ Chí Phèo - một cách nhấn mạnh phương diện giới tính của nhân vật. Sự hồi sinh ý thức giới tính và dục năng của nhân vật, ở đây, đã trải qua một quá trình tương tác, biến đổi phức tạp giữa các trạng thái tâm lý - ngoại cảnh - hành động của nhân vật. Và theo chúng tôi nó có một ý nghĩa không hề thua kém với trường đoạn miêu tả sự hồi sinh của ý thức và giấc mơ hoàn lương của Chí Phèo sau này. Đây không hề là một võ đoán tư biện. Không ngẫu nhiên khi Nam Cao đã dụng công để dựng lên một cách chi tiết nhường ấy (lần duy nhất trong tất cả những tác phẩm của Nam Cao) trường đoạn vườn chuối đêm trăng và khép lại nó bằng những câu văn thể tất nhân tình bậc nhất trong tác phẩm: “Đứa trẻ bú no thì ngủ. Người ta (TVT nhấn mạnh) ngủ sau khi làm việc yêu”. Sự xót xa ở chỗ: một thuộc tính nguyên thủy, bản năng dường ấy, với Chí Phèo, đã bị đè nén gạt bỏ bởi vị trí xã hội của một kẻ đi ở không có khả năng tự bảo vệ mình trước dục vọng của kẻ khác và không có khả năng để sống với những dục năng sinh lý đơn giản nhất của con người. Tổn thương giới tính cũng là bi kịch của Thị Nở. Quả thật Nam Cao đã phóng đại nguyên nhân từ hóa công khiến Thị Nở bị người ta “tránh như tránh một con vật nào rất tởm” nhưng ông cũng không quên nguyên nhân xã hội của tình trạng ấy: “Và thị lại nghèo”. Cái xấu, cái nghèo và sự ngẩn ngơ đã khiến ý thức giới tính của Thị Nở hoàn toàn bị tẩy sạch: “Thị không thể sợ hắn có thể phạm đến thị bởi cái lẽ rất giản dị là thị chưa thấy ai phạm đến thị bao giờ”. Nhưng dục tính vốn là thuộc tính nguyên thủy. Không phải ngẫu nhiên mà Nam Cao đã để thị Nở ngồi trong ánh trăng, dựa vào gốc chuối và ngủ hớ hênh như thế. Dường như có một sự đồng thuộc tính của Thị Nở với những tàu là chuối trong những động thái hứng tình. Đấy là một dục năng say ngủ. Và sự xâm phạm của Chí Phèo bỗng hóa lại là một sự đánh thức: “Thị Nở vừa rủa vừa đập tay lên lưng hắn. Nhưng đó là cái đập yêu, bởi vì đập xong, cái tay ấy lại giúi lưng hắn xuống”. Câu văn sau chót: “Và chúng cười với nhau” là sự cộng hưởng của những xung năng dục tính được đánh thức từ những kẻ khốn khổ và tủi nhục mà trước đó hoàn toàn đánh mất mọi quan năng và ý thức dục tính .


Bi kịch giới tính này, vì một lý do nào đó, dường như chưa được ý thức trong những phân tích về Chí Phèo. Điều mà chúng tôi muốn nhấn miền mạnh ở đây là: cách tiếp cận và xử lý tình dục của Nam Cao mang đậm màu sắc giai cấp. Do chỗ tình dục là có tính bản năng, sinh lý nên sự tổn thương và dồn ép chúng cho ta thấy hết sự khốn cùng của những kiếp người bé mọn như Thị Nở, Chí Phèo. Nói cách khác, bi kịch giới tính với Nam Cao có nguồn cơn từ thân phận của kẻ không cha, không mẹ, tứ cố vô thân, một kẻ “hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ”; từ thân phận của một kẻ vừa xấu xí vừa nghèo khó như Thị Nở. Không chỉ bị hủy hoại về nhân hình nhân tính, những con người nghèo khổ này còn bị nô dịch, tước đoạt cả trong những thuộc tính nguyên thủy, bản năng nhất của con người. Ý nghĩa giai cấp sẽ càng đậm đặc hơn khi ta đặt những miêu tả thê thảm về giới tính của Chí Phèo, Thị Nở bên cạnh những thành viên của gia đình bá Kiến. Ta đã nói đến bà ba. Và bây giờ là bá Kiến: sự thừa ứ tình dục của nhân vật này được xã hội công khai thừa nhận: 4 vợ, chưa kể những tòm tem ngoài luồng khác mà vợ binh Chức là một ví dụ.


1.2 Tiếp cận tính dục từ lăng kính giai cấp, như ta đã thấy ở trên, quả là đã mài sắc khả năng phê phán xã hội trong Chí Phèo nhưng cũng đồng thời định giới hạn cho cái nhìn nghệ thuật của Nam Cao. Nói cách khác, dường như với Nam Cao cũng như hấu hết các nhà văn Việt Nam trong truyền thống, giới tính chưa phải là một lăng kính độc lập để tiếp cận thực tại nhân sinh dù những chất liệu trong tác phẩm này đã xuất hiện đủ để hình thành một cái nhìn như thế. Đọc kỹ tác phẩm có thể nhận thấy, từ phương diện tình dục, bá Kiến, dù sở hữu rất nhiều đàn bà, có không ít những “niềm riêng” của mình. Bất chấp sự đa mưu túc trí với tiếng cười Tào Tháo gian hùng, tình dục là điểm yếu chí tử của cụ Bá hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Ngay ở lần giới thiệu đầu tiên về bá Kiến, Nam Cao đã nhắc đến đặc điểm này: “Người ta bảo ông lý ra đình thì hách dịch, cả làng phải sợ, mà về nhà thì lại sợ cái bà ba còn trẻ này. Người bà ấy phốp pháp, má bà ấy hây hây, mà ông lý thì hay đau lưng lắm; những người có bệnh đau lưng hay sợ vợ mà chúa đời là khỏe ghen”. Lưu ý là cụ bá lúc ấy mới chỉ là lý trưởng nghĩa là đang ở độ sung sức. Sự “cả thẹn” trước bà ba của lý Kiến, ở đây, có lẽ là nguyên nhân trực tiếp để lý giải cho sự ấm ức của bà ba trước sự “ù lì” cố ý của Chí Phèo. Về khía cạnh này Nam Cao đã cân bằng lại sự bình đẳng cho Chí Phèo. Phản ứng của lý Kiến trước bà ba là sợ, với anh canh điền khỏe mạnh là ghen - đều là những phản ứng của kẻ yếu hay ít nhất là mang mặc cảm thua thiệt. Dù sao thì đấy mới chỉ là những lời đồn thổi: “người ta bảo” nhưng trong tác phẩm không có một chi tiết nào cho thấy Bá Kiến có khả năng đem lại khoái cảm hạnh phúc cho đối tác như Chí Phèo đã làm được cho Thị Nở. Chẳng những thế, ở phần cuối tác phẩm điểm yếu này lại được hiện lên một cách trực tiếp:


“cụ đã đang bực mình. Bởi vì cụ thấy đầu hơi nhức. Cụ đang muốn có một cái bàn tay man mát xoa cái đầu. Cũng có lẽ, cụ chỉ muốn bà Tư đừng đi lâu qua thế. Đi lâu thế, không biết rằng đi đâu? Sao bà ấy còn trẻ quá! Gần bốn mươi rồi mà trông còn phây phây. Còn phây phây quá đi nữa! Cụ năm nay đã ngoài sáu mươi. Già yếu quá, nghĩ mà chua xót. Giá thế thì bà ấy chỉ cũng già cho xong. Bà ấy lại cứ trẻ, cứ phây phây, cứ đẹp như mới ngoài hai mươi tuổi, sao mà đa tình. Nhìn thì thích nhưng mà tưng tức lạ. Khác gì nhìn miếng thịt bò lựt sựt khi rụng gần hết răng. Mắt bà, miệng bà có duyên nhưng trông đĩ lắm! Hơi một tí thì cười toe toét, tít cả mắt lại, cái má thì hây hây. Mà thấy ghét những cái thằng trai trẻ, giá làm con bà không đáng, mà thấy bà đâu cũng đùa. Chúng đùa nhạt như nước ốc, chỉ được cái thô tục, mà gặp ai đâu cũng cười! Chẳng nghĩ gì đến địa vị cả, người đâu mà vô tâm! Tức lạ! Cụ chỉ muốn cho tất cả những thằng trai trẻ đi ở tù.”


Cần lưu ý đây là đoạn văn được viết theo lối trần thuật nửa trực tiếp (một đặc điểm đã trở thành thương hiệu riêng của Nam Cao). Về hình thức thì đây là lời của người trần thuật nhưng lại mang đậm ngữ khí và giọng điệu của nhân vật nên có thể xem đó là một trường đoạn nội tâm của chính Bá Kiến. Đây là một đoạn văn có thể làm tài liệu cho những phân tích phân tâm học về cái gọi là ẩn ức. Trong cảm thụ của cụ bá quyền thế: mọi ưu điểm về giới tính của bà tư: trẻ, phây phây, đa tình, cái má thì hây hây đều hiện lên hoặc để gợi những cảm nhận chua xót, nhiều khi trở thành sự oán thán cho tuổi già của cụ bá: “Sao bà ấy còn trẻ quá! Gần bốn mươi rồi mà trông còn phây phây. Còn phây phây quá đi nữa! Cụ năm nay đã ngoài sáu mươi. Già yếu quá, nghĩ mà chua xót. Giá thế thì bà ấy chỉ cũng già cho xong. Bà ấy lại cứ trẻ, cứ phây phây, cứ đẹp như mới ngoài hai mươi tuổi”. Chẳng những thế chúng còn trở nên đáng ghét: “trông đĩ lắm”. Cái trẻ có ở bà tư nhưng đáng sợ và đáng giận thay còn là những thằng trai trẻ, còn trẻ hơn cả bà nữa “giá làm con bà không đáng” luôn vây quanh bà mà bà thì lại “Chẳng nghĩ gì đến địa vị cả”. Với cụ bá những câu nói đùa của bọn trai trẻ ấy “nhạt như nước ốc, chỉ được cái thô tục”. Cụ bá ghét cái tục nhưng người ta lại nghe thấy ở đấy tiếng thở dài của một kẻ cực chẳng đã phải “thoát tục”. Và câu kết vuột ra như một liệu pháp xả stress: “Cụ chỉ muốn cho tất cả những thằng trai trẻ đi ở tù” nhưng cũng chính ở đây người ta nhận thấy ám ảnh của Chí Phèo trong tâm thức của bá Kiến như một vết hằn, một tổn thương không thể chữa lành. Ở phương diện này Bá Kiến đã là kẻ yếu trước kẻ mạnh Chí Phèo. Có lẽ chính vì thế mà lần đầu tiên bá Kiến không thể giữ được sự bình tĩnh trước sự hiện diện của Chí Phèo, không đủ tỉnh táo để nhận biết được những bất thường trong lời đòi “muốn làm người lương thiện” của Chí và điều này đã góp phần đưa đến cái chết của bá Kiến dưới lưỡi dao tầm thù của kẻ mà sự gian hùng của bá Kiến đã biến thành con quỷ dữ của làng Vũ đại.


Như vậy, xung đột của Chí Phèo - Bá Kiến không chỉ có xung đột thống trị - bị trị trên bình diện xã hội mà còn tiềm ẩn xung đột của kẻ yếu - kẻ mạnh trên bình diện giới tính. Tuy nhiên, một cách khách quan, về căn bản sự đối đầu trên bình diện giới tính không được tô đậm trong sự miêu tả của Nam Cao, thậm chí có cảm giác là nó chưa kịp trở thành một điểm nhấn trong ý thức của ông với tư cách một người cầm bút.


Cũng tương tự như thế là cách tiếp cận vấn đề tình dục ở bà ba. Tình dục ở người đàn bà này không bao giờ được đặt trên cùng một bình diện như với Thị Nở. Đòi hỏi tính giao ở bà ba, dưới ngòi bút của Nam Cao, không mang ý nghĩa nhân bản (như ta đã thấy) và nhân văn (như ta sẽ thấy trong những phân tích của chúng tôi ở phần sau) như khi Nam Cao viết về Thị Nở mà chủ yếu mang ý nghĩa ngứa ngáy xác thịt như bà phó Đoan trong Số đỏ. Với Nam Cao kẻ giàu dường như không có khả năng có được một đời sống tình dục bình thường, lành mạnh dù chúng có thể sở hữu nhiều quan hệ tình dục.


Tóm lại: những chất liệu trong Chí Phèo bỏ ngỏ, gợi ý một khả năng để Nam Cao giới thiệu một bức tranh đa cực về sự đời. Ở đó, người nghèo bị chà đạp, bị làm nhục nhưng cũng có những đêm trăng - vườn chuối của mình, những hoan lạc không dễ quên. Kẻ giàu thì sang trọng, quyền thế, vô độ, dâm dục, nhiều xảo trá nhưng cũng không thiếu những ê chề. Nhân sinh là thế - một chén rượu với mọi mùi vị khóc cười mà ai ai cũng phải uống cạn. Tuy nhiên, như ta đã thấy, trên thực tế, khả năng trên trượt ra ngoài cái nhìn nghệ thuật của Nam Cao. Lăng kính giai cấp mới là tiêu điểm của ông. Sự xót xa cho những thân phận bé mọn, sự căm giận với những kẻ ăn trên ngồi chốc mới là nét nghĩa nổi trội khi Nam Cao tiếp cận với vấn đề tình dục. Nhà văn viết về sự thiếu hụt của bá Kiến, về sự sồn sồn xác thịt của bà ba với một giọng châm biếm, giễu cợt và không thiếu căm phẫn, khinh bỉ đối với những kẻ ham hố dục vọng hơn là sự thâm trầm để suy tư về những lẽ đời vốn đa đoan.


Có một lưu ý: tiếp cận tính dục từ lăng kính giai cấp cũng là mẫu số chung cho các nhà văn hiện thực: Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố luôn khắc họa quan lại trong sự dâm ô. Rõ nhất là Vũ Trọng Phụng. Mặc dù không tán thành với một số phân tích cụ thể về cảnh hiếp dâm của Nghị Hách với thị Mịch trong Giông tố nhưng chúng tôi cho rằng Nguyễn Hưng Quốc đã có lý khi ông cho rằng: “Có thể nói không phải là “lão” mà chính là “quan” đã hiếp dâm Mịch: đó là cuộc hiếp dâm của một giai cấp chứ không phải của một người đàn ông ”. Chính kết luận này là một trong những gợi ý trực tiếp để chúng tôi nghĩ đến lăng kính giai cấp trong cách xử lý vấn đề tình dục trong Chí Phèo.


2/ 2.1 Ý nghĩa của tình dục - một hành vi bản năng, từ một phương diện khác được nhận biết như là sự khơi nguồn, khởi đầu cho tình yêu và những xúc cảm nhân tính. Về vấn đề này, Nguyễn Hưng Quốc đã có những phân tích đặc sắc qua sự biến đổi của Chí Phèo. Nhưng một phân tích dành cho Thị Nở lại chưa thực sự tương xứng. Điều này có lẽ là bởi Chí Phèo là nhân vật trung tâm trong tác phẩm. Tuy nhiên theo chúng tôi, sự chuyển hóa tình dục - tình yêu ở Chí Phèo không được thể hiện tinh tế và sâu sắc như ở Thị Nở. Có một điều lạ là cảm giác xác thịt của Chí Phèo ở giai đoạn hậu tính giao là không rõ nét và nó không tham gia trực tiếp (ít nhất là qua những phân tích như ta thường thấy ở Nam Cao) vào trong sự bừng tỉnh những cảm xúc người. Trong khi đó cảm giác xác thịt, những dư chấn của nó ở Thị Nở thì lại đặc biệt sâu đậm. Nó quấy rầy giấc ngủ của thị: “Thị lên giường định ngủ. Nhưng thị nhớ lại việc lạ lùng tối qua. Thị cười, thị thấy không buồn ngủ, và thị cứ lăn ra lăn vào”. Nhớ lại ở đây cũng có nghĩa là sống lại một lần nữa, nhiều lần nữa với những gì đã trải qua. Với Thị Nở thì nỗi nhớ ấy có lẽ vì gắn với nhục cảm nên nó phát tác thành những động tác của cơ thể: “lăn ra lăn vào”.


Nhưng sự khởi đầu của những cảm giác nhục thể ấy lại dắt Thị Nở nghĩ đến Chí Phèo. Nghĩ đến để thấy hắn là “đáng thương”, để thấy mình có một ý nghĩa với hắn: “Giá thử đêm qua không có thị thì hắn chết”. Nẻo cuối của những ý nghĩ ấy là một tình cảm thật mới mẻ, rất đỗi bất ngờ: “Thị thấy như yêu hắn”. Tình dục vậy là đã trở thành tình yêu. Hãy chú ý cách viết của Nam Cao: “(1)Dẫu sao cũng đã ăn nằm với nhau! (2)Ăn nằm với nhau như “vợ chồng”. (3)Tiếng “vợ chồng”, thấy ngường ngượng mà thinh thích”. Sự láy lại của các từ ăn nằm, vợ chồng khiến các câu văn như những con sóng tràn vào nhau. Câu đầu là một hành động dục tính thuần túy. Câu thứ hai điểm khởi đầu là tình dục nhưng kết thúc đã là chuyện chồng vợ, là tình nghĩa. Và đến câu kết là một xúc cảm với biết bao bâng khuâng, xao xuyến. Mà phải đâu chỉ thế. Thứ tình cảm mới mẻ ấy sẽ cuốn thị đi xa mãi. Sẽ khiến thị muốn gặp lại Chí Phèo, sẽ khiến thị như thác sinh vào Chí để cảm nhận được những nhọc mệt của người tình: “Thổ trận ấy thật là phải biết. Cứ gọi là hôm nay nhọc đừ”, sẽ khơi nguồn trong thị những quan tâm săn sóc của một người đàn bà đích thực. Cú hích của tình dục đã khiến thế giới tâm hồn của con người trở nên tinh tế, rộng rãi với bao nhiêu chiều kích vậy sao?


Những phân tích trên về Thị Nở cho thấy sự cách tân thật đáng kể của Nam Cao khi tiếp cận với vấn đề tình dục. Với ông, hoạt động tính giao gắn bó thân thiết, thậm chí là điểm khởi đầu cho tình yêu và rộng lớn hơn là tính người nói chung. Giữa tình dục và tình yêu luôn có một cuống nhau nối liền không thể chia cắt. Con người bản năng, vì thế, được nhận thức và giành được quyền tồn tại chính đáng của mình.


2.2 Có một lưu ý: trong truyền thống, tình dục trong văn học Việt Nam dường như luôn là một phương thức để giải thiêng. Nó thuộc về phạm trù của cái tục. Trong kiểu câu đố: đố tục giảng thanh thì những câu đố liên quan đến tình dục chiếm tuyệt đại đa số. Dễ hiểu là vì sao, trong văn học nửa đầu thế kỷ XX các cảnh sinh hoạt tình dục chủ yếu gắn với nhân vật quan lại hoặc tầng lớp thượng lưu với hàm nghĩa phê phán như chúng ta đã thấy ở phần trước của bài viết. Đây - đúng như những phân tích và nhận định của Trần Nho Thìn, Hoàng Ngọc Tuấn - là một vấn đề có tính chất văn hóa . Ở phương Tây, ít nhất là phương Tây hiện đại không thế. Tình dục ở đó là một thuộc tính của nhân sinh phổ biến, thậm chí là một khía cạnh được tán thưởng trong nghệ thuật. Người hùng trong những phim Mỹ không chỉ giỏi đánh đấm mà còn phải bản lĩnh hơn người trong chuyện gối chăn. Trong hầu hết các bộ phim, nhân vật chính dù chỉ thoáng qua nhưng đều xuất hiện ít nhất là một lần trong những khuôn hình có liên quan đến tình dục. Trong văn học đương đại, Nguyễn Huy Thiệp rất hiện đại khi miêu tả Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ trong những cảm giác ân ái.


Trong văn học đầu thế kỷ XX đến 1945, chưa bao giờ đời sống sinh hoạt tình dục của những con người dưới đáy xã hội được nhận biết và miêu tả; chưa bao giờ tình dục được nhắc đến như là một niềm vui sống của họ. Nguyên Hồng nói đến miếng ăn, Thạch Lam nói đến chất thơ từ những cảnh sinh hoạt lam lũ, Kim Lân, Tô Hoài nói đến những phong tục ngộ nghĩnh hay thú vui điền viên. Nam Cao, chỉ Nam Cao là người đầu tiên và duy nhất nhìn thấy tình dục - lẽ đương nhiên là với cuống nhau nối liền với tình yêu như tôi đã nói - thật sự là một hạnh phúc, một khoái cảm đối với những cảnh đời bé mọn. Trong Chí Phèo những động chạm xác thịt trở thành một phần không thể thiếu của cặp tình nhân khốn khổ và dị hợm: “Hắn thấy lòng rất vui. Hắn bẹo Thị Nở một cái làm thị nẩy hẳn người lên. Và hắn cười, hắn lại bảo:


-Đằng ấy còn nhớ gì hôm qua không?


Thị phát khẽ hắn một cái, làm cái vẻ không ưa đùa. Sao mà e lệ thế. Xấu mà e lệ thì cũng yêu. Hắn cười ngất, và muốn làm thị thẹn thùng hơn nữa, hắn véo thị một cái thật đau vào đùi. Lần này thì không những thị nầy người. Thị kêu lên choe chóe. Thị nắm cổ hắn mà giúi xuống”. Một cảnh tượng không nên thơ, có phần thô tục nhưng thân thiết với nhân sinh. Chẳng trách mà Thị Nở: “Như thế năm ngày chẵn, thị ở nhà hắn cả ngày lẫn đêm, trừ những lúc đi kiếm tiền” và Chí Phèo thì “không còn kinh rượu nhưng cố uống cho thật ít. Để cho khỏi tốn tiền, nhưng nhất là để tỉnh táo mà yêu nhau. Đàn bà không có men như rượu, nhưng cũng làm người say. Và hắn say thị lắm”. Lời văn có chút hóm hỉnh, đùa bỡn (điều này là có thể giải thích được, có ai lại nghiêm trang và thống thiết khi viết về những chuyện như thế bao giờ!) nhưng sự chia sẻ, thậm chí  là đồng cảm thì rất rõ.
3. Tình dục và vấn đề nữ quyền (một cách dịch khác là phái tính) là một khía cạnh khác cũng rất đáng lưu tâm ở Chí Phèo.


Trong nhân học văn hóa, sex (giới) và gender (giống) có một sự khu biệt mang tính quy ước: sex chủ yếu đề cập đến khía cạnh sinh vật học, khía cạnh của giải phẫu; gender lại là một hiện tượng thuộc về văn hóa. Nói cách khác, sự khác biệt trong vai trò xã hội giữa giống đực và giống cái là có nguyên nhân từ tập quán, từ hoàn cảnh xã hội hơn là có nguyên nhân từ tự nhiên. Và có một thực tế là: tuy không phải là tất cả nhưng trong phần lớn các xã hội vai trò của người đàn ông bao giờ cũng có địa vị áp đảo và tôn quý đối với người nữ. Tính chất tòng thuộc của người nữ không chỉ hiện hữu trong các vai xã hội mà họ được quy định mà cả trong cái nhìn của họ về thế giới: họ nhìn nó theo những quy chuẩn đã được người đàn ông đặt ra. Như một phân tích của một nhà feminist chỉ ra: mô-tip về nàng công chúa ngủ trong rừng chỉ được giải thoát khi có một hoàng tử biết đến là mô-tip phổ biến trong truyện cổ trên phạm vi toàn thế giới. Đây rõ ràng là phản ánh cái nhìn của người đàn ông về vai trò thụ động, tòng thuộc của người phụ nữ. Trong truyện cổ tích người phụ nữ năng động nhất lại gắn với một hình tượng không thể xấu xí hơn: mụ phù thủy. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, giới phụ nữ vẫn tiếp nhận những câu chuyện và biểu tượng này mà không có bất kỳ một phản ứng bị miệt thị nào. Trong những trường hợp như thế, họ đã nhìn thế giới theo con mắt của đàn ông. Và đây chính là cơ sở để nữ quyền luận (feminism) ra đời như một phong trào xã hội rộng khắp trước khi trở thành một khuynh hướng nghiên cứu văn học. Trường hợp này là một minh chứng cho ta thấy sự can thiệp sâu sắc của những vấn đề xã hội và văn hóa đến nghiên cứu văn học như thế nào.


Nguyễn Hưng Quốc, trong tài liệu đã dẫn, là người đầu tiên phát hiện và đề cập đến vấn đề phái tính trong Chí Phèo nhưng chỉ thu gọn lại ở vấn đề hiếp dâm và quan trọng hơn là dù rất sắc sảo nhưng sự phân tích của ông về vấn đề này theo chúng tôi là khiên cưỡng và lạc hướng mà phần 1 của bài viết này là một sự đối thoại. Tuy nhiên vấn đề phái tính trong Chí Phèo là có thật và nó được thể hiện rõ nhất ở vai trò thụ động của Thị Nở. Toàn bộ thế giới dục tính và tâm hồn của thị đều hoàn toàn câm lặng trước khi bị/được Chí Phèo chạm đến. Cần phải nhắc lại là không chỉ đến đêm trăng ấy Chí Phèo và Thị Nở mới biết về nhau. Trước đó, thị đã có lần vào nhà Chí để xin rượu bóp chân (có lẽ đấy là sự tiếp xúc với người khác giới đầu tiên của Thị Nở trong tác phẩm bởi lẽ đàn ông làng Vũ đại “tránh thị như tránh một con vật nào rất tởm”) nhưng Chí Phèo lại “đang mải ngủ” nên tất cả chỉ dừng lại ở tình trạng: Chí Phèo thì “càu nhàu bảo thị rằng: ở xó nhà ấy, muốn rót bao nhiêu thì rót, để yên cho hắn ngủ” còn Thị Nở thì “ngạc nhiên: sao người ta ghê hắn thế”. Vai trò tòng thuộc này khiến người ta nghĩ về Thị Nở trong vai của nàng công chúa ngủ trong rừng bị phù phép mà Chí Phèo là chàng hoàng tử đến để đánh thức nàng trở lại - một liên tưởng có thể gợi lên một ý vị hài hước nhưng hoàn toàn nghiêm túc. Đây là điểm mà các nhà phê bình nữ quyền sẽ tiếc rẻ cho Nam Cao. Ông không thể tưởng tượng ra một kịch bản ở đó Thị Nở được khắc họa ở vị thế chủ động. Những câu thơ của Quang Huy sau này khi phác họa chân dung của Thị Nở:

Quần anh ống thấp ống cao 

Làm em hồn vía nao nao đêm ngày 

Khen cho con tạo khéo tay

Nồi này thì úp vung này chứ sao (...)

Người ta mặc kệ người ta 

Mình em rất thật đàn bà với anh

(Nỗi niềm Thị Nở)

là một phương án rất gần với cách đặt vấn đề của feminism sau này nhưng rõ ràng là không nằm trong đích hướng sáng tác của Nam Cao .


Màu sắc phái tính từ phía khác, có thể nhận thấy qua mối quan hệ giữa các nhân vật nữ giới với nhau. Do chỗ, đều là những nhân vật tòng thuộc, giá trị của họ bị quy chiếu vào sự đối xử của đàn ông nên giữa các nhân vật nữ luôn tiềm ẩn một sự xung đột. Ở châu Âu, người ta chi nhận hiện tượng: trong khi các mối quan hệ như cha - con trai, cha - con gái, mẹ - con trai được đi sâu khám phá thì quan hệ mẹ - con gái lại tương đối mờ nhạt. Trong Chí Phèo sự xung đột này có thể nhận thấy, tuy không thật rõ, qua mối quan hệ giữa bà cô và Thị Nở. Hãy nhớ lại những phản ứng của bà cô khi được Thị Nở thông báo về mối quan hệ của thị và Chí Phèo. Đó không đơn thuần chỉ là sự phản ứng của luân lý, của định kiến xã hội như đã được nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra mà còn là sự tị hờn, ai oán của một người đàn bà quá lứa đối với một kẻ may mắn hơn mình.


Nhân đây cũng xin lưu ý: cái nhìn kỳ thị đối với phụ nữ không phải chỉ xuất hiện ở Nam Cao mà còn là một truyền thống trong văn học Việt, đặc biệt là trong vấn đề tình dục . Có thể nhận thấy điều này ngay trong một tác phẩm vẫn được xem là phóng túng bậc nhất trong lịch sử văn học: Hà Ô Lôi. Trong tác phẩm này tình dục có ba đặc điểm:


-thuộc về bản năng (Hà Ô Lôi không biết chữ. Văn tự trong trường hợp này được hiểu là hàng rào lễ giáo. Chi tiết Minh Uy Vương dùng gậy đánh nhưng không giết được Hà Ô Lôi, sau phải cho và cối giã cho thấy sức mạnh không dễ chế ngự của bản năng dục tính) nhưng lại có nguồn gốc từ sự phù trợ của lực lượng siêu nhiên (bãi nước bọt của Lã Đồng Tân)


-có sức mạnh hấp dẫn ghê gớm, không ai có thể cưỡng được.

-được nhà vua dung túng, che chở vì thế mà có quyền công khai tồn tại.


Không đâu trong văn học Việt, cho đến nay mà sự hấp dẫn và sức mạnh của dục tính lại được khuếch trương như thế. Tuy nhiên, nhìn kỹ, thì đây là dục tính của đàn ông. Chính xác hơn, chỉ có dục tính của đàn ông mới nhận được sự công khai tồn tại như thế. Trong chuyện tình với quận chúa, trên thực tế Ô Lôi là sự thác sinh trong một hình hài khác cho lòng dục không thỏa của đấng chí tôn (vua thích quận chúa nhưng nàng không ưng, vua giận sai Ô Lôi tìm cách quyến rũ quận chúa). Khi chuyện vỡ lở, Ô Lôi vẫn có chỗ đứng hợp pháp bên cạnh nhà vua chỉ riêng quận chúa bị dư luận chê cười.


Trên đây là những phân tích nhằm định ra những cống hiến và cả những giới hạn trong cách tiếp cận và xử lý vấn đề tình dục trong một tác phẩm của Nam Cao. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là: những đặc điểm nói trên không chỉ được quy định bởi phong cách của nhà văn mà còn được chế định từ những cơ chế chiều sâu của văn hóa.

 

GS. Trần Văn Toàn

Đồng xa, 2/12/2007

Nguồn: www.vietvan.vn

Online Members

We have 916 guests and no members online

Homepage Data

63686351
Today
Yesterday
All
6643
23426
63686351

Show Visitor IP: 18.117.12.181
23-11-2024 04:24