23112024Sat
Last updateTue, 19 Nov 2024 1pm

Lê Văn Thảo - Nỗi niềm chiến tranh

Nhiều người đã từng bàn về giọng văn thuần phác và cái tình Nam bộ giản dị trong những trang văn của nhà văn Lê Văn Thảo. Những mảng ký ức chiến tranh mà ông từng chia sẻ thỉnh thoảng cũng được nhắc lại đây đó trong những ghi chép ngắn của người khác. Đọc tác phẩm của ông, rồi nghe ông kể lại chuyện cũ, có thể thấy được ẩn dưới những dòng chữ “nhẹ như không” rất Nam bộ là bao nhiêu nỗi niềm.

Cũng như nhiều nhà văn Nam bộ khác ở chiến khu thời kháng chiến chống Mỹ, Lê Văn Thảo đã viết rất nhiều về cuộc chiến tranh này. Ông viết về người lính, về người mẹ, người vợ, người con… của lính. Từ chiến khu bưng biền bát ngát đến những ngõ ngách của đô thành Sài Gòn trong những trận đánh lớn đều đi vào văn ông. Ngôn từ giản dị nhưng hình ảnh lại sống động cũng bởi chúng được chưng cất từ những trải nghiệm của chính ông.

Chúng tôi gặp Lê Văn Thảo khi ông đã ngoài 70 tuổi và sức khỏe đã suy giảm nhiều, nhưng ký ức thì vẫn còn rõ nét lắm. Cuộc chiến dài lâu và khốc liệt kia đã lấy đi của ông biết bao nhiêu người gần gũi, thân thiết, nên những vết thương trên trang văn cũng chính là những vết thương trong lòng.

Một cô em gái của ông đã hy sinh trong một trận càn của giặc. Ở chiến khu, có thời điểm cả ba người em của ông cùng có mặt ở một trường học dành cho thiếu nhi trong cứ, đóng gần biên giới Việt Nam - Campuchia. Em gái út của ông là học sinh trong trường, còn em trai thứ năm và em gái thứ sáu là giáo viên ở đó. Trong một trận càn lớn của địch lên vùng căn cứ, vì cứu học trò mà em gái thứ sáu của ông tử thương. Người anh trai đã vội vã chôn cất em gái mình trên đất bạn Campuchia trước khi cùng nhà trường dắt díu học trò đến một nơi khác, chỉ kịp khắc tên cô em lên một gốc cây gần ngôi mộ để làm dấu.

Ngôi mộ cô độc đã nằm lại với núi rừng suốt nhiều năm. Khi gia đình có thể quay trở lại tìm kiếm thì cả cánh rừng năm xưa đã thành đồng ruộng quang đãng. Kỳ lạ thay, ở vùng đất cũ vẫn còn một cái cây cao lớn đứng chơ vơ, và đó chính là cái cây có khắc tên năm nào. Nhờ nó mà gia đình có thể tìm được hài cốt người thân.

Không chỉ người nhà, Lê Văn Thảo còn có không biết bao lần chứng kiến đồng đội hy sinh. Ông nhớ lại những lần tự tay chôn cất đồng đội, trong đó có nghệ sĩ Trần Hữu Trang và nhà thơ Lê Anh Xuân. Người bị bom khi ở cơ quan, kẻ hy sinh trên đường đi công tác. Vì chết bom nên Trần Hữu Trang trông rất bi thương. Lê Anh Xuân và Hồng Tân tham gia chiến dịch tiến công Mậu Thân đợt 2 vào tháng 5-1968, được cử về chiến trường Long An. Hai nhà văn chưa quen với chiến trường đồng bằng được sắp xếp đi chung với Nguyễn Hộ và Lê Văn Thảo. Bị địch phục kích, mọi người nấp dưới hầm bí mật trong khi địch vẫn truy tìm ráo riết bên trên. Lê Anh Xuân cùng Hồng Tân do chưa có kinh nghiệm nên đã ngạt hơi trong hầm. Phải hơn một ngày sau mọi người mới có thể tìm đến ứng cứu. Lê Văn Thảo không quên được cảm giác mở nắp hầm và thấy cả hai bạn mình đã chết cứng từ bao giờ. Quyển nhật ký của Lê Anh Xuân trang cuối cùng chỉ vừa mới viết hôm trước, Lê Văn Thảo đã viết vào đó những dòng cuối, ký ngày 24-5-1968 để vĩnh biệt bạn mình.

Những ngày khốc liệt nhất trong cuộc đời ông chính là những ngày trong chiến dịch xuân Mậu Thân, chiến dịch thần tốc mà ông kể lại rằng cứ hễ đổ quân vào đánh mũi nào thì số trở ra chỉ còn một phần nhỏ. Cũng trong chiến dịch này ông hay tin nhà văn Nguyễn Thi hy sinh. Tiểu đoàn của ông đánh từ hướng quận 8 lên, tiểu đoàn của Nguyễn Thi đánh từ hướng quận 6 xuống. Ông nhận tin ngay trên mặt trận, sau đó còn nghe đồng đội kể nhiều câu chuyện về giây phút cuối đời của nhà văn này. Nghe kể rằng đội của Nguyễn Thi bị phát hiện, bị tấn công, và Nguyễn Thi bị thương nặng đến mù mắt. Nguyễn Thi được anh em dìu đi, cả nhóm ẩn náu trong một căn nhà trống. Đến một lúc sau, thấy có nguy cơ bị địch phát hiện, và thấy không thể nào đưa Nguyễn Thi theo được, đồng đội đã để lại trong tay Nguyễn Thi một khẩu K54 và dặn dò ông tự bảo trọng. Đó là giây phút cuối cùng của Nguyễn Thi mà đồng đội còn biết được. Với Nguyễn Thi, ông không có nhiều ký ức thân thiết vì hai người khác đơn vị, nhưng ông mãi lưu giữ ấn tượng về một người thâm trầm, ít nói. Cái tình đồng đội, tình văn chương đã khiến ông đau đáu mãi về một người viết văn đã hy sinh rất dũng cảm trong chiến dịch Mậu Thân, đến nay hài cốt vẫn chưa tìm thấy. Vì thế có lần nghe thông tin về nơi chôn cất Nguyễn Thi ở quận 8, ông và các nhà văn khác đã cất công đi khai quật, dù biết là rất ít hy vọng tìm thấy.

Cũng trong những giờ tiến công khốc liệt này, Lê Văn Thảo thấy, nghe, và biết bao nhiêu chuyện, bao nhiêu cái chết, trong đó có cái chết của những phóng viên chiến trường quốc tế trong tên bay đạn lạc. Từ dữ kiện của chiến dịch này mà Lê Văn Thảo xây dựng nên bối cảnh cho tiểu thuyết Một ngày và một đời. Câu chuyện kể về nữ phóng viên Mai Hương, con gái của một nữ chiến sĩ biệt động đã hy sinh, đi tìm tư liệu để viết về cuộc chiến của mẹ mình và đồng đội. Nơi họ tấn công năm xưa là một cư xá sĩ quan Mỹ, giờ trên nền cũ đang chuẩn bị mọc lên một khách sạn sang trọng do liên doanh Việt - Mỹ thực hiện, nhưng quá trình thi công phải dừng lại vì công nhân phát hiện một số hài cốt. Cô phóng viên đến gặp giám đốc công ty phía Việt Nam, cũng là người chỉ huy cũ của đội biệt động còn sống sót, để phỏng vấn và lần tìm dần những thông tin của mẹ mình và đồng đội của bà. Hành trình của cô mở ra những trang ký ức dữ dội nhất của thời khói lửa, và cũng hé lộ thông tin ông giám đốc hôm nay chính là cha đẻ của cô, cũng là kẻ hèn nhát trong quá khứ lẫn hiện tại, muốn giẫm lên hài cốt của đồng đội cũ để không bỏ lỡ hợp đồng khổng lồ béo bở…

Chiến tranh cứ thế đi vào trang viết của Lê Văn Thảo với những gian khổ, mất mát, và cả niềm tin. Ông có một truyện ngắn được nhiều người biết đến, và cũng là truyện mang đến cho ông ít nhiều phiền toái, truyện Đi thăm chồng. Câu chuyện kể về một cô vợ trẻ lặn lội đi thăm chồng, tay bế đứa con tay xách cái lồng gà, băng hết tỉnh này đến tỉnh kia để tìm chồng là bộ đội. Phiên hiệu của đơn vị chồng cô không biết, mà trời đất mênh mông, ban đầu ngây thơ tưởng chỉ đi trong một ngày là gặp, nào ngờ đi mãi đi mãi, từ khi con gà trong lồng đẻ trứng, ấp trứng và nở ra một đàn gà con, cô vẫn đi, để được gặp chồng, để cha con được biết mặt nhau. Bị chính quyền giặc bắt bớ, hạch hỏi, cô vẫn mặc kệ, vẫn đi. Khi tác phẩm đăng trên báo Văn nghệ, có người dọa kỷ luật ông, vì cho rằng câu chuyện nói về cái khổ sở của người vợ, làm yếu lòng chiến sĩ …

Nghĩ cũng lạ cho lời cáo buộc này, vì thật ra câu chuyện không gợi ra âm hưởng của cái khổ hay cái bi, mà là niềm tin. Chính Lê Văn Thảo cũng thổ lộ về sự ngỡ ngàng của ông trước lòng tin mạnh mẽ đến kỳ diệu của con người trong chiến tranh. Cô vợ trong câu chuyện kiên trì đi thăm chồng mà không biết chồng ở đâu. Lúc đầu ngây thơ không biết đất dài trời rộng thì đã đành, sau này đã trải bao gian khổ lại vẫn quyết tâm đi. Cứ nơi nào có bộ đội là cô tìm tới, vì cô tin là rồi một ngày cô sẽ tìm ra. Người ta sống trong chiến tranh, đổ máu và mất mát mỗi ngày, nhưng vẫn tiếp tục làm thế, vì người ta tin vào ngày chiến thắng, tin vào hòa bình. 

 Chiến tranh kết thúc ở ngoài đời thực đã mấy mươi năm, nhưng nó vẫn trở đi trở lại trong sáng tác của Lê Văn Thảo. Các tiểu thuyết của ông Con đường xuyên rừng, Sông nước Vàm Nao, Một ngày và một đời, Cơn giông, Những năm tháng nhọc nhằn… đều có bóng dáng chiến tranh. Đọc Lê Văn Thảo, người ta thấy được cả vùng trời Nam bộ quen thuộc như trong trang văn của nhiều nhà văn Nam bộ khác, nhưng còn thấy cả những đau đáu rất riêng, với những trải nghiệm rất riêng của một người đã từng sống qua chiến tranh, đi qua hết mọi gian nguy, đi từ căn cứ bưng biền miền Tây đến núi rừng miền Đông, rồi đánh vào Sài Gòn, rồi ra Bắc, thấy người thân đồng đội ngã xuống, rồi sống sót trở về...

Đất nước có cuộc chiến đấu chung, nhưng ai cũng có một cuộc chiến tranh của riêng mình.

Nguồn: http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2016/10/438670/

Online Members

We have 499 guests and no members online

Homepage Data

63694175
Today
Yesterday
All
14467
23426
63694175

Show Visitor IP: 18.118.137.96
23-11-2024 09:27