Khi Elena Pucillo kể : Khi yêu văn chương người ta không có tuổi

Có ai đó nói: nhà văn là người biết kể chuyện. Ý đó chắc nhiều người tán đồng, bởi những tác phẩm khởi nguyên của mọi nền văn chương đều tựa vào lối kể. Văn chương kể sẽ còn sống mãi, bởi con người luôn có nhu cầu được kể và nghe kể.

Bạn muốn nghe kể, hãy đến với Vàng trên biển đá đen của Elena Pucillo. Ở ngoài đời, nhà văn người Ý làm dâu Việt Nam này nói líu lo khi gặp bạn, nhưng trên trang viết, bà lúc rộn ràng, lúc âm thầm tiết chế.

Elena Pucillo đã lại mang đến cho chúng ta những mẩu chuyện về nhân thế trong Vàng trên biển đá đen. Cảm thức hương xa (exotique) về một miền Châu Á gió mùa nhiệt đới đã hòa trộn cùng nỗi niềm thân thuộc từ chốn quê chồng mà bà đã chọn để sống và viết lâu nay, kết tủa thành dung nham sáng tạo.

Như những cuốn sách trước đây của Elena Pucillo: Bóng của ngày, Một phút tự do), Vàng trên biển đá đen đặt truyện ngắn nằm bên tản văn. Mười bốn truyện ngắn và mười tạp bút ở đây là một phối hợp không chỉ vì dung lượng. Về cảm hứng, có thể nhìn thấy một mạch chung, xuyên suốt: tương giao của người. Về cách viết, có thể nghĩ đây là một bổ sung: trong khi truyện ngắn có phần kìm nén, thì với tản văn, ngòi bút Elena Pucillo thoải mái hơn.

Những câu chuyện gắn với Việt Nam ghi dấu các chuyến đi dọc dặm dài đất nước của tác giả:  Tây Bắc (Vàng trên biển đá đen), Hà Nội (Một đêm huyền diệu, Hà Nội, nét đẹp bí ẩn), Quảng Ninh (Trên đỉnh núi thiêng), Vũng Tàu (Bình minh vàng trên biển), An Giang (Trà Sư, thánh địa của loài chim)… Với Elena, đi là để gặp người, để nắm bắt những tình huống tạo nên số phận, làm nên nỗi đau hay niềm hạnh phúc. Đôi mắt ấy thích khám phá tâm cảnh hơn là nhiên cảnh.

Vì thế, với Tây Bắc lung linh mây trời, xanh ngời sắc núi, kỳ bí đá đen, Elena chú ý hơn “những hạt mầm vàng con người”, thiên nhiên nơi đây là hoàn cảnh thách thức để con người tỏ lộ phẩm chất của mình. Có vẻ như đấy là cái nhìn của người đồng bằng, sông nước?

Vì thế, Một đêm huyền diệu giữa lòng Hà Nội là không gian ấm áp ân cần trong gia đình một người bạn; một Hà Nội, nét đẹp bí ẩn là không gian và sinh hoạt con người với hàng họ, đền chùa, hơn là những ghi nhận về sông hồ, cây cối.

Vì thế, giữa Yên Tử thiêng liêng là cảm giác khó nhọc leo dốc trong mưa và lời khuyến khích ân cần của một người đàn ông bất chợt, thoáng qua đủ để bước tiếp và đến đích (Trên đỉnh núi thiêng).

Nhìn vào cõi người, Elena nắm bắt những cảnh trạng khác nhau, chủ yếu trong không gian gia đình, cũng như phác qua những tính cách. Trong Vàng trên biển đá đen, hầu hết các truyện ngắn toát lên một âm hưởng buồn. Bà lão già cô đơn và tuyệt vọng, đã chọn lấy cái chết trong cảm giác bị tước sạch tất cả bởi người con dâu mạnh mẽ, vô tình: tình cảm đứa con trai, ngôi nhà kỷ niệm (Con chim nhỏ trong lồng). Lòng ân hận và cảm giác về sự vô nghĩa của đời nơi người đàn ông tha phương kiếm sống mong đền đáp ơn nghĩa hai đấng sinh thành, nhưng khi trở về thì mọi cái đã quá muộn màng (Dải ruy băng màu tím). Một người phụ nữ lâm vào tình thế rỗng không, đã tự sát, vì nhận ra mình là món đồ chơi sở hữu của chồng (Búp bê bằng sáp). Một ông lão, bị con cái bỏ rơi, chạy trốn khỏi bệnh viện và dùng một liều thuốc ngủ để được gặp lại người bạn đời ở chốn bên kia (Chút hơi ấm cuối cùng). Một bà mẹ dắt con cô con gái bé bỏng đến gặp cô nhân tình của ông chồng có thói trăng hoa của mình để trách móc và ra về với cảm giác bẽ bàng thua cuộc (Cuộc  hẹn  ở  sân  ga). Một thiếu nữ đang tuổi trăng tròn nằm trong bệnh viện, làm bạn với cây phong bên ngoài cửa sổ và nghe thời gian sống còn rút ngắn từng ngày (Giấc mơ thu ngọt ngào). Ám ảnh không cùng trong một cảm giác vừa đau buốt vừa phẫn nộ là cuộc trò chuyện trong tâm tưởng của hai mẹ con: họ chợt bị chia lìa vì dục vọng dã thú của lũ đàn ông hàng xóm, trên đường đi học về, cô bé bị bạo hành và bị ném xuống cầu (Đợi chờ).

Những nhân cách lệch cũng hiện ra nơi đây trong một phác vẽ, gọn ghẽ, vài đường nét, mà kịch tính. Người phụ nữ xinh đẹp chuyên nghiệp trong việc săn tìm những anh đàn ông sộp: thời thơ bé, cô phải vùng vẫy trong tay người mẹ, khi bà nhẫn tâm dắt cô tới cho những người đàn ông dơ bẩn (Cuộc săn mồi); Cô gái có khát vọng “nữ hoàng”,  luôn thích “ném đá dấu tay”, “thao túng” tất cả để giành “quyền giữ vai chính” và rồi nhận ra mình đã bị soán ngôi khi gặp một đối thủ mới (Dòng máu nhiễm độc).

Thấp thoáng trong đó là những mẩu chuyện sáng tươi từ một vài tình huống bất ngờ: Hai ông già Châu Á giỏi võ đánh cướp trong quán cà phê, cứu người (Phía sau sự thật); người đàn ông lạ mặt ân cần trên đường lên non Yên Tử (Trên đỉnh núi thiêng); và một vài tình huống đặc biệt: hạnh phúc người mẹ khi tỉ mẩn ngồi may cho con gái chiếc áo dài ngày cưới (Món quà đặc biệt); giòng thư cô con gái gửi mẹ ruột mình ngay trong ngày người mẹ chồng vừa mất, bày tỏ niềm thương yêu và biết ơn chan chứa về hạnh phúc được làm con của hai đấng sinh thành Ý- Việt (Thư viết cho mẹ).

Nếu truyện ngắn của Elena tối giản và thuộc gam màu lạnh thì tản văn của Elena Pucillo tràn đầy chi tiết, ấm áp bạn bè. Quán Văn đã có một vai trò lớn ở đó và nhân vật trung tâm là nhà văn Nguyên Minh. Những ai từng gặp nhân vật này ngoài đời, cũng có thể nhận ra là ngòi bút của Elena Pucillo kỳ tài, bà hiểu thấu niềm đam mê làm báo văn chương nơi Nguyên Minh và khắc họa được thần thái ông: “đôi mắt đăm chiêu và sự im lặng”, “sự bao dung và ôn hòa” (Nguyên Minh, tuổi trẻ hai lần thắm lại). Hạnh phúc trong tương giao và tương lân thấy rõ nơi Elena Pucillo qua các lần gặp gỡ  Đinh Cường (Nụ cười phúc hậu giữa thu vàng), Phạm Cao Hoàng (Người lưu giữ yêu thương), Sâm Thương (Chung một đam mê) cùng những bạn bè, người thân khác (Hơi ấm của một vòng tay) và tất cả đều hiện lên với một nhân dáng đẹp.

Điều đặc biệt, Vàng trên biển đá đen đến được với công chúng Việt là nhờ công chuyển ngữ (từ bản thảo tiếng Ý) của ông Trương Văn Dân, người bạn đời của Elena Pucillo. Qua bản dịch này, có thể nhận ra tâm hồn và ngôn ngữ tác giả rất nữ tính và rất Việt. Hai không gian văn hóa Ý- Việt đã lồng vào nhau làm một, phải chăng nhờ mối lương duyên đẹp? Truyện ngắn của Elena Pucillo vừa vặn trong khung thể loại, phảng phất phong vị truyện ngắn của Guy de Maupassant, Anton Chekhov và có những nhan đề gợi; tản văn của chị tràn đầy chi tiết với cái nhìn tỉ mỉ, tinh tế.

Cùng bắt đầu viết văn khi rời Ý về Việt Nam và tuổi đời đã cao, đôi uyên ương tri kỷ Elena Pucillo- Trương Văn Dân như đang được hồi xuân. Đã mười năm nay, họ xuất hiện đều đặn trong không gian văn chương Việt như chứng tỏ rằng: những ai biết yêu thương văn chương thì không bao giờ có tuổi.

                                                                                                Sài Gòn, 9-12-2017

                                                                                                Nguyễn Thị Thanh Xuân

 

 

 

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63665819
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9537
17595
63665819

Thành viên trực tuyến

Đang có 698 khách và không thành viên đang online

Danh mục website