Bi kịch của con người trong khát vọng về lý tưởng và những hệ lụy trần gian

 

Tản Đà là một trong những nhà thơ có sức hấp dẫn lớn, đồng thời thơ ca của ông cũng là một thách thức không nhỏ đối với giới phê bình. Từ thuở sinh thời của Tản Đà cho đến hiện tại, đã nhiều công trình viết về ông, nhưng dường như người ta dễ nắm bắt cái tôi đời thường độc đáo hơn là cái tôi văn chương lạ thường của nhà thơ. Xuân Diệu, một bậc tri âm tri kỉ của các nhà thơ lớn Việt Nam từng nói: “Sau khi đã viết về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Đình Chiểu, Đào Tấn, nghiền ngẫm tất cả trong khoảng 25 năm (từ 1958), hôm nay tôi xin viết về tác giả quá cố khó nhất so với tám tác giả trước kia, là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Khó trước hết vì chất liệu, bản lĩnh Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu rất phức tạp...” ([1]). Tôi xin mạn phép thêm cùng Xuân Diệu : khó, còn vì tác phẩm Tản Đà là một đối tượng không dễ phân tích.

 

Thế thì chúng ta hôm nay cũng gọi là liều khi muốn thâm nhập vào một trong những ẩn số lớn nhất của Tản Đà : Tống biệt.

 

Tống biệt : tiễn mà chia tay, một cuộc tiễn đưa độc đáo, có một không hai trong cõi nhân gian. Cuộc tiễn đưa giữa tiên và tục, giữa mộng và thật. Cả bài thơ không hề có một chữ người, không hề thấy một bóng người, chỉ có những đào, những suối, những oanh, những đá, những rêu, những nước, những huê, hạc và trăng ! Thế mà người đi kẻ tiễn hiện lên mồn một, với những bước chân dùng dằng quyến luyến, với tâm trạng đau đớn ngậm ngùi.

 

Sáu mươi lăm con chữ thông thường, không một từ khó hiểu, xếp thành mười ba câu thơ ngắn dài, theo một kết cấu tưởng chừng ngẫu nhiên mà lại vô cùng chặt chẽ, một cấu trúc hoàn chỉnh lạ lùng. Thử xê dịch một âm, thay đổi một chữ cũng đều bất khả.

Lá đào rơi rắc lối thiên thai.

 

Lá đào, gợi nhớ đào tiên, một loại cây của miền thượng giới mà quả đem lại sự trường sinh, bất lão cho người. Lá rơi khác với hoa rơi nhiều lắm, lá rơi thường là lá khô, hoa rơi thường là hoa tàn, tả tơi, một sự lìa rụng tạo cảm giác nặng nề đau xót. Lá đào rơi rắc: một sự rơi nhẹ nhàng, rải đều vào không trung, tung bay trong gió, vương trên tóc người và vương trên lối đi – một hình ảnh rất thơ mộng mặc dù có phảng phất buồn. Lối thiên thai chứ không phải là chốn, đó là một không gian cụ thể mà các nhân vật xuất hiện, đi qua và chứng kiến.

 

Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi

 

Suối tiễn, oanh đưa : một đôi mệnh đề đối xứng về âm thanh, ngữ pháp, rất gợi thanh, gợi hình. Ta nghe như tiếng suối róc rách chảy len giữa ngàn cây, khe đá và tiếng chim oanh ca lảnh lót, chuyền cành. Những âm thanh trong vắt, đều đặn này thường rất vui tai và tạo nên một trạng thái tinh thần phiêu diêu, nhẹ nhõm. Vậy thì những ngậm ngùi không thể thuộc về suốioanh mà chính là tâm trạng của người đi, kẻ ở. Họ buồn tiếc vì sự chia ly sắp đến đã đành. Nhưng họ càng thấm thía hơn khi nhận ra cái phi lý chua xót của thực tại gợi nên từ sự tương phản giữa cảnh vật con người: Trời ơi, vũ trụ vẫn vô cùng kỳ thú, thiên thai vẫn là nơi chốn bình yên bất tuyệt mà sao lòng người lại khắc khoải nặng nề quá đỗi. Liệu rồi sau phút giây này ta có thể tìm lại được ta hồn nhiên xưa ?

 

Nửa năm tiên cảnh

Một bước trần ai

 

Một câu đối xứng cả về thanh, điệu, nghĩa và ngữ pháp. Tại sao là nửa năm, ở cõi tiên thời gian cũng cụ thể đến thế sao ? Chợt nhớ đến TruyệnKiều : “Nửa năm hương lửa đương nồng, Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”. Thế thì ngoài vai trò đối lập với một bước trong câu dưới, nửa năm còn hàm nghĩa một sự dở dang không trọn vẹn, một sự gãy gánh giữa đường ngay ở cõi tiên, là một nơi vốn mọi điều đều viên mãn, hài hòa. Một bước, ([2])   một khoảng cách rất ngắn, một lằn ranh hết sức mong manh. Từ thiên đàng về hạ giới, từ đỉnh cao về vực sâu chỉ là một bước chân thôi. Ta đã chọn lựa, ta muốn về. Biết thế mà sao vẫn bàng hoàng, hụt hẫng.

 

Ước cũ duyên thừa có thế thôi

 

Lại một cặp từ đối xứng: ước cũ, duyên thừa. Ngày xưa nói là ta lạc bước khi đi tìm hái thuốc, nhưng thực ra từ đáy thẳm của lòng, ta đã khát khao một cõi bình yên. Ngờ đâu gặp cảnh bồng lai. Ta đã có những ngày xuân bất tận tiếng cười, điệu hát, những đêm xuân bất tuyệt tình nồng. Hốt nhiên, ngày kia lòng ta chùng lại một nỗi nhớ mơ hồ : chao ơi, cha già, mẹ yếu, cố lý xa xôi. Thôi đành từ bỏ cuộc hạnh ngộ bất ngờ, từ bỏ mối duyên tình gắn bó, từ bỏ khát vọng của chính mình, ta chọn lựa : trở về!

Đá mòn rêu nhạt

Nước chảy huê trôi

 

Lại thêm một câu đối xứng nữa về tất cả các mặt. Không chỉ đối xứng giữa hai mà trong bản thân của từng câu một. Đã đến ranh giới cuối cùng, thực sự. Ở đây, ta rùng mình bắt gặp lại dấu vết của thời gian trần thế, phôi pha trên từng sự vật. Ở đây, mọi cái trôi xuôi, không hề trở lại. Phải chăng mọi sự đã lỡ làng rồi ?

Cái hạc bay lên vút tận trời !

Chớm gặp dấu hiệu trần tục, ảo ảnh tan biến. Vĩnh biệt ! Lời chào chưa kịp thốt, nàng đã đi vào xa thẳm.

 

Trời đất từ nay xa cách mãi

 

Thế là hết giấc mơ xưa. Vĩnh viễn lìa xa. Nghìn trùng cách biệt.

 

 

Một chiều nào, có hai người lữ khách tìm về lối cũ, non xưa. Họ dò dẫm kiếm tìm :

                   này đây ...

                                Cửa động

                   này đây ...

                                Đầu non

                   này đây ...

                                Đường lối cũ

 

Nhưng tất cả đều hoang vắng đến lạnh người. Không còn gì cả, không còn ai nữa. Chỉ có mỗi bóng trăng lang thang hoài mãi trên lòng trời thăm thẳm, trong dòng thời gian vô thuỷ vô chung, phả xuống núi non một màu trăng suông, bát ngát và rời rợi không cùng.

 

Tống biệt mang cấu trúc và âm điệu thơ rất lạ. Nó được làm theo thể trúc chi (một thể nhỏ thuộc “cổ phong”) -thể thơ không đòi hỏi một ràng buộc nào khác ngoài vần – và theo điệu “hoa phong lạc”. Nằm trong vở chèo Thiên thai, Tống biệt thể hiện khoảnh khắc ngưng đọng thành vĩnh cửu trong cuộc tình Lưu Thần, Nguyễn Triệu với tiên - khoảnh khắc nhỏ chứa đựng cả một bi kịch lớn của kiếp người - từ đó, Tống biệt đã trở thành một bài thơ độc lập, vượt ra ngoài không gian chèo, nổi tiếng hơn cả Thiên thai.

 

Xuân Diệu đã cho Tống biệt “là một bài thơ toàn bích” ([3]) . Bắt nguồn từ một cốt truyện có sẵn trong truyền thuyết, Tống biệt là một sự sáng tạo độc đáo của Tản Đà về nghệ thuật, để rồi với cấu trúc ngôn từ mới mẻ này, nó lại đem đến cho ta những phát hiện bất ngờ và những ám ảnh riêng.

 

Dưới bút pháp thi ca điêu luyện của Tản Đà, thật khó tìm ra dấu vết của kỹ thuật. Tôi chỉ tự hỏi rằng : Vì sao trong một thể thơ tự do như “trúc chi”, Tản Đà lại đưa vào nhiều cặp từ và câu đối xứng đến như vậy. Ông đã có một dụng ý đặc biệt chăng ? Hình như  sự đăng đối đó trước hết là để phản ánh tính chất hài hoà, cân đối của cõi tiên. Sau nữa,  về mặt nghệ thuật, tính cân đối của những đối lập – một yếu tố có thể tạo nên sức vang lớn của một cấu trúc nhỏ (về khối lượng), như Tống biệt - là một nguyên tắc sáng tạo của thơ Đường mà Tản Đà đã kế thừa hết sức tài hoa.

 

Ngoài ra phải kể đến vai trò quan trọng của các từ mang vần, ấy là : thai, ai, thôi, trôi, trời, chơi. Tản Đà đã dùng năm thanh ngang và một thanh bằng để tạo nên một không khí trong trẻo không màu và một cảm giác chơi vơi, nhẹ nhàng chỉ có ở cõi thiên thai.

 

Và đặc biệt là các nhãn tự  như vút chơi. Sự hiện diện của chúng đã tạo nên chiều sâu và sức sống lạ thường cho hình ảnh và cảm xúc. Thử thay vútchơi bằng tít (Cái hạc bay lên tít tận trời) và soi (Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng soi), sẽ thấy câu thơ còn trơ lại cái bộ mặt nông choèn. Vút là một chuyển động lên cao cực nhanh, nhưng còn kịp để lại hình ảnh và dư âm khó quên về một dáng dấp đẹp. Với từ chơi, Tản Đà đã nhân cách hoá vầng trăng, một vầng trăng trẻ mãi, một mình mà không hề cô đơn và thật sự hạnh phúc trong cuộc chơi bất tận của mình. Trăng đang chơi nghĩa là trăng đang say sưa và bằng lòng với cái hiện tại, không chờ ai, không đợi ai: một tâm hồn khép lại, tự đầy đủ với riêng mình.

 

Trăng, phải chăng là hình ảnh các nàng tiên, sau lần tống biệt ?

 

 

 

Toàn bài thơ là một tiếng thở dài mênh mông của vũ trụ, như thực như hư, lẫn vào trong nhịp sống phồn tạp của con người. Cảm thương cho những gì đã thấy, đã nghe. Buồn cho những bi kịch của kiếp người. Bi kịch của Lưu Thần, Nguyễn Triệu là sự giằng xé không hoá giải được giữa khát vọng về lý tưởng và những ràng buộc tục luỵ. Câu chuyện tình bất hủ xa xưa này là biểu hiện sinh động cho tâm thế Tản Đà trong suốt cuộc đời sầu và mộng của ông. Và hình như đôi khi nó cũng hiện về với mỗi người chúng ta, tươi nguyên, cháy bỏng ?

 

Tôi tự hỏi : về đâu Lưu Thần Nguyễn Triệu ?

 

Hơn ai hết, hai ông đã hiểu rằng: chỉ có thể đi, về trên những nẻo đường trần ai lấm bụi, chứ không thể đi, về ở chốn thiên thai. Thế thì tại sao họ vẫn nuôi lòng hy vọng và quay trở lại? Truyền thuyết kể rằng : Họ đã bị trần gian chối bỏ, bơ vơ không nơi nương tựa, không người thân thích. Họ đã bị dứt lìa tương giao đồng loại.

 

Không, tôi không tin rằng cuộc đời buồn đến thế. Có chăng là với tâm hồn khao khát không thôi về sự viên mãn của hạnh phúc, về một thế giới hoàn mỹ ở tương lai, Lưu Thần – Nguyễn Triệu lại tiếp tục ra đi, kiếm tìm và hy vọng. Bởi đối với họ, sống không yêu thương, sống không hương sắc, sống không mộng mơ thì khác gì đã chết.

   

Nguồn: Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, số 242 (23 – 29/5/1996).

 



([1])Tuyn tp Tn Đà, NXB Văn hc, Hà Ni,1986, tr.13

([2]) Mt bước có nơi còn ghi Mt phút, nhưng theo chúng tôi Mt bước hay hơn.

([3]) Tuyển tập Tản Đà, Sđd, tr.51

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63589487
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7714
8664
63589487

Thành viên trực tuyến

Đang có 230 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website