Ở xứ lạ, người ta thường mừng rỡ khi gặp đồng hương. Ồ à lên đôi tiếng, nghe giọng Việt mà ấm cả lòng.
Đến với Canada, một “hợp chủng quốc” thứ hai, sau Hoa Kỳ, tôi không còn ngạc nhiên khi gặp người Việt trên đường. Bây giờ người Việt đi nhiều. Trên chuyến tàu thăm Xứ Một Nghìn Hòn Đảo, tôi nghe giọng Việt ríu ran, những người Việt đi du lịch cả gia đình, già trẻ, gái trai, phong cách rất chi là “đại gia”, tự tin và có phần hãnh tiến.
Nhưng tôi xúc động lạ lùng, khi vừa nhìn thấy tác phẩm La mer et le matin-pêcheur (Biển và chim bói cá) của Bùi Ngọc Tấn tươi rời rợi trên giá sách Nouveautés- Roman (Sách mới-Tiểu thuyết) bên cạnh bộ IQ 84 của Murakami và nhiều tiểu thuyết khác, trong một thư viện khu vực ở trung tâm Ottawa[1].
Giữa những cuốn sách bìa dày, láng, gáy tròn, nhiều màu, đứa con tinh thần của Bùi Ngọc Tấn nổi bật bởi cái bìa mỏng, mang sắc trắng đơn giản của nhà xuất bản L’Aube, Pháp. Tôi nhận ra màu bìa của tiểu thuyết này ngẫu nhiên rất gần với màu sắc thanh và dịu, phổ biến của kiến trúc Ottawa: trắng (nền/ tường) xanh (hình/ mái) và đen (chữ/ viền). Bất giác tôi nhớ đến khuôn mặt của người cha đã mang nặng đẻ đau đứa con này. Chỉ ngắm Ông trên hình, tôi tin cậy, như đã từng tin cậy Nelson Mandela, những người giản dị và lão thực.
Viết trong thế bị “dồn tới chân tường” hay là trong ước muốn được “vợi bớt” trong nội tâm mình những dung nham sôi cuộn, Bùi Ngọc Tấn bình thản đối mặt với những vây quẫn của ngoại cảnh. Một duyên lành nào đó đã đưa đẩy Hà Tây gặp Bùi Ngọc Tấn, để chọn dịch sang tiếng Pháp Biển và chim bói cá[2]. Xuất bản ở Pháp năm 2011, tháng 04 năm 2012, tiểu thuyết nhận được giải thưởng Henri Queffélec[3]. Với Henri Queffélec, Biển là Nàng thơ, có lẽ ông trải nghiệm Biển (La Mer) như Saint Exupéry trải nghiệm Bầu Trời (Le Ciel). Trên hành trình khám phá Biển, có lẽ Bùi Ngọc Tấn đã góp vào một hải trình riêng. Với Biển và chim bói cá, Biển là song đề (dilemme): vừa là thực thể vừa là biểu tượng. Ông trải nghiệm Biển với tâm thức của một cư dân đất nước bán đảo, một đất nước xinh đẹp bị hằn nát, bị trói buộc vì chiến tranh, vì sự vô minh của con người.
Biển, với người Việt luôn là nguồn sống, là cánh cửa mở ra chân trời hy vọng. Nếu một mai nguồn sống ấy bị mất, cánh cửa ấy bị bít lại, người Việt còn biết làm gì?
Ottawa, đầu tháng 7-2012