Gái quê: thơ chân, đời trần và những khảo chứng thật

100 năm ngày sinh Hàn Mặc Tử

 

(Bài đã đăng trên báo Người Lao động số ra ngày 22.9.2012, đây là bản đầy đủ của tác giả gửi cho trang mạng  Khoa Văn học và Ngôn ngữ)

22-9 năm nay tròn 100 năm ngày Hàn Mặc Tử chào đời. Trải qua bao năm tháng, thơ ông vẫn còn ủ nhiều trầm tích, cuộc đời ông vẫn mông lung qua một màn sương huyền thoại. Và mới đây, sau 76 năm luân lạc, vãi rơi, Gái quê, đứa con đầu lòng của Hàn Mặc Tử mới ra mắt công chúng Việt Nam với một chân dung toàn vẹn, nhờ tấm lòng của người đi tìm và người lưu giữ ở nơi đất khách quê người.

Cầm trên tay Gái quê, một công trình “xuất bản gấp” mà vẫn nhã và trang trọng, sẽ cảm nhận được hết cái nặng của tình thơ, cái bi đát của kiếp người, cái vây hãm của hoàn cảnh và cái thôi thúc của món nợ mà giới văn chương Việt Nam còn chưa trả hết.

Đi qua ước lệ của thơ Đường, Hàn Mặc Tử bước vào miền chân cảm. Những sợi tơ tế vi của tâm hồn ông vương mắc trong những xao xuyến bồi hồi của thân xác tuổi đôi mươi, trước một- nửa -khác- mình, trong đất trời điền dã.

Mắt tình, môi tươi, má đỏ, thịt da trắng rợn, những lẳng lơ, sóng soải, lả lơi... là nắm bắt của cảm giác và phô diễn chân mộc táo bạo bằng câu chữ về vẻ đẹp của người nữ mang đậm chất nguyên sơ thuần hậu lồng trong vẻ đẹp phồn thực của thiên nhiên vừa xác thực vừa biến ảo. Hàn Mặc Tử ngay từ Gái quê đã rẽ một vệt sóng khác thẫm màu, bên cạnh các vệt sóng chi chít trên biển thơ lãng mạn Việt Nam. Cái chân của cảm giác, của trải nghiệm trực tiếp tức thì, từ một cơ thể ốm yếu mà tinh nhạy về những tiếp xúc với xung quanh -con người và không gian- đã làm thơ Hàn Mặc Tử thiên về khí vị Đông Phương mà vẫn rất hiện đại, như trường hợp thơ Hồ Xuân Hương, một âme - soeur của Hàn Mặc Tử.

Bên cạnh phần tác phẩm gồm 34 bài thơ, Gái quê còn có các phần: Giới thiệu, Phụ lục, Tưởng niệmTư liệu với một tuyển chọn và trình bày tinh tế. Người đọc có thể hình dung ra cuộc đời của Hàn Mặc Tử qua những đường nét tiểu sử gọn mà xác thực (Tiểu truyện sơ lược, Đặng Tiến); có thể thao thức bởi những những câu hỏi khắc khoải của nhà phê bình tâm huyết (Hàn Mặc Tử, những điểm tồn nghi, Đặng Tiến) và xót xa bởi những dòng hồi ức giản dị cụ thể của người từng cận kề Hàn Mặc Tử những ngày cuối đời (Nhớ Hàn Mặc Tử, Nguyễn Xê). Có một số bài phê bình tác phẩm, qua những không gian và thời gian khác nhau: ở Pháp, năm 2012 (Thinh lặng và siêu thoát trong thơ Hàn Mặc Tử, Đỗ Mạnh Tri, Hàn Mặc Tử và Bài thơ thôn Vỹ, Đặng Tiến), năm 1992 (Gọi tên Người, Phạm Đán Bình);  ở Việt Nam, năm 2008 (Nghĩ về đổi mới thơ từ trường hợp Hàn Mặc Tử, Trần Thiện Khanh), năm 1941 (Bình thơ Hàn Mặc Tử, Hoài Thanh). Tất thảy làm hiện lên trước chúng ta một Hàn Mặc Tử trần trụi, yếu đuối và cô đơn trong hành trình làm người ngắn ngủi, và thơ ca đã giúp ông đương đầu với số phận, cho ông một kiếp tồn sinh khác, lung linh, vĩnh cửu.

Gái quê là tập tuyển thơ đặc biệt. Đơn sơ, nhẹ nhàng, chứa nhiều trao gửi, nhưng tựu trung nó nói với chúng ta rằng: yêu một người nghệ sĩ không phải là làm nên những bức tượng đài tô trát và dệt nên những huyền thoại phù phiếm mà chính là yêu thương họ như chính họ, giữ gìn toàn vẹn những gì họ đã làm ra và khám phá chúng như một di sản tinh thần quý giá...

                                                                        Sài Gòn, 18 tháng 9 năm 2012

                                                                                    Nguyễn Thị Thanh Xuân

 

 

 

 

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63589462
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7689
8664
63589462

Thành viên trực tuyến

Đang có 217 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website