Khúc ca hoài cảm của kẻ tình nhân

Nguyễn Thị Thanh Xuân, Khúc ca hoài cảm của kẻ tình nhânPhụ nữ Tp.HCM, 3.4.1996

Kỷ niệm 99 năm ngày sinh Vũ Bằng (3.6.19 13- 3.6.2012)

                 Tháng Ba, rét nàng Bân là một trong những đoạn văn hay nhất trong tập tùy bút Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng.

                 Xưa nay nhiều tác phẩm văn chương đã cố ghi lại những biến thái của đất trời. Tinh tế như Đoàn Phú Tứ có bài thơ nổi tiếng Màu thời gian, Nguyễn Xuân Sanh với câu thơ được truyền tụng: Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà và Prisvin với tác phẩm tuyệt vời Bốn mùa thiên nhiên. Nhưng dường như tất cả chỉ bắt được nhịp mùa đi, có ai cảm được bước đi của tháng? Thế mà Vũ Bằng không chỉ nắm được sắc thái của từng mùa trăng, lại còn bắt được sắc thái của ngày; không chỉ bắt được sắc thái của ngày, còn đọc được cái run rẩy trong từng khoảnh khắc. Đặc biệt là trong tiết trời tháng Ba kỳ ảo.

 1. Tháng Ba… hiện ra trên trang viết của Vũ Bằng trước hết với đặc điểm thất thường của thời tiết: có cơn rét đột ngột trở về giữa một ngày nắng ấm – cái rét vét, rét vội để tống tiễn mùa xuân. Và cái thất thường ấy được đón nhận bằng một trái tim yêu. Có phải thế không, mà sao nhân vật trữ tình ngập tràn cảm xúc ? Vũ Bằng có tả cảnh đâu, ông chỉ thể hiện cái đẹp của đất trời quê hương qua tâm trạng mình – tâm trạng của một tình nhân. Có cái hồi hộp, mong chờ, náo nức: “Ngủ dậy lúc còn tối trời, anh ngồi uống nước trà đợi sáng”. Có một cảm giác về sự tinh khôi, mới mẻ :“Trời trong như ngọc, đất sạch như lau”. Và vì thế có thể nghĩ rằng, anh là một đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất – một xưng hô âu yếm :“Anh ngồi uống trà…, anh bỗng thấy…, anh mở cửa..., anh cảm thấy mát mẻ…, anh nhìn lên trời cười..., anh tự nhủ..., anh sửa soạn..., anh cảm thấy một cái gì rất lạ…, anh nhắm mắt lại…”. Trong một đoạn văn ngắn – mà theo tôi là hay nhất bài – này, ngập tràn anh, và ở đó, Vũ Bằng đã bộc lộ rõ cái bản chất tình nhân của mình không chỉ với cố nhân mà cả với cố hương.

                 Thế rồi kẻ tình nhân ấy cũng có lúc vượt qua giây phút bồng bột khi đối diện với người yêu, để tự phân tích. Những lý giải và liên tưởng là để phân bua, trình bày với người, nên lại là tôi: “Tôi yêu tháng Ba đất Bắc…”, “Tôi không muốn tin rằng”…, “tôi chỉ thích nghĩ rằng”… Giống như trước mặt anh ta có một kẻ diễu cợt cái tình yêu thái quá ấy và chê bai cái tính đỏng đảnh của đối tượng vậy.

                 Hiển nhiên, bắt đầu bài tùy bút từ đặc trưng của tháng Ba: cái rét thất thường, nhìn từ khía cạnh của nghệ thuật, Vũ Bằng đã chọn một bước đi thông minh. Ông đã đem đến ngay cho người đọc một ấn tượng đậm sắc nhất, và ấn tượng ấy có thể ở lại lâu bền. Vì thói thường, cái thất thường đỏng đảnh của người hay của trời, dù nhiều khi làm khổ chúng ta, lại bắt ta nhớ dai hơn hết.

                 Những liên tưởng trong Tháng ba, rét nàng Bân không nặng nề suy tưởng sách vở mà thiên về cảm xúc và những chất liệu dân gian: Dương Quý Phi làm nũng, Liễu Hạ Huệ ngẩn ngơ trước người đẹp, chàng trai mặc quần đỏ ngồi bên án sách ngâm thơ, những chinh phu và chinh phụ, thần Dớt (Zeus) xuống trần, Hách Cưu sống lại, “tháng Ba bà già chết cóng”, “lá bàng tai trâu, sầu đâu chân chó”, “mối tình từ quy”… Tất cả nhuyễn vào trong dòng cảm xúc, nhẹ nhàng nhưng rất đắt.

                 Chỉ riêng cái câu chuyện nàng Bân là một lỗi nhịp của Vũ Bằng. Lý ra, phải hiểu rằng, vì thương cảm tấm tình của nàng Bân nên trời cho rét lại, để chồng nàng nơi xa có dịp mặc tấm áo mà nàng cặm cụi đan suốt mùa đông. Và như thế mới thấy được cái lãng mạn kỳ lạ của tâm hồn dân tộc.

                 Nhưng để bù lại, đến lượt mình, Vũ Bằng còn lãng mạn hơn: ông chứng tỏ sự chủ động của con người trong việc tìm đến thiên nhiên. Đã xưng là anh, ông lại “ví tháng ấy với một cô gái có sắc đẹp nghiêng thành nghiêng nước”. Nhân vật trữ tình trong tùy bút của Vũ Bằng là một chàng tình nhân hào hoa, lịch lãm, biết sống đẹp, và cảm người yêu của mình đến từng chân tơ kẽ tóc…

   2. Tháng Ba… còn chứa đựng một cái gì đẹp hơn thế, hay hơn thế. Ấy là lượng cả của một nhan sắc: muốn vạn vật đều đẹp đẽ và ngát hương như mình. Thế là trong vòng tay tháng Ba, tất thảy đều trở nên khởi sắc: từ người (hầu hết là phái yếu!) đẹp trội hẳn lên, thơm thơm như những nụ tầm xuân, má ửng hồng như thể da trái đào tơ mịn màng mơn mởn…, cho đến cỏ cây mây nước cũng đua tranh: lá bàng nở bung, đu đưa màu cốm giót, hoa sầu đâu nở như cười, cả một trời đầy hương và ngát hoa, mùi thơm huyền dịu đó (của sầu đâu, NTTX. ct.) hòa với mùi của đất ruộng cày vừa vỡ ra, mùi đậu đã già mà người nông phu đi hái để đem về phơi nắng, mùi mạ non lên sớm xanh màu hoa lý và đẹp như những bức tranh lập thể, mùi rau cần ở các ruộng xâm xấp nước đưa lên…

                 Với những ân sủng của đất trời như thế, giữa bản hòa âm “điền dã” diệu kỳ như thế, thì cái cảm giác tim anh nhoi nhói là điều dễ hiểu. Đó không chỉ là cảm giác khi người ta sung sướng quá, khi người ta yêu nhiều quá, mà còn là khi người ta đứng trước một cái gì quá đẹp, thường là tặng phẩm của Tạo hóa.

                 3.Tháng Ba… gợi nhớ những dưỡng chất trần gian, thanh đạm mà độc đáo. Tìm ở đâu cái niềm “mê thích” thời thơ ấu, trèo lên cây bàng đi tìm tổ chim bạc má ? Có nơi nào những tổ sâu kèn để lại được phùng mang trợn mắt lên thổi toe một tiếng và “sướng như điên, chạy khắp nhà ?” Còn không những “quả bàng thơm phưng phức, cắn một cái ngập răng hay những ngọn rau cần đầu mùa ngọt lừ, khó có thứ rau nào sánh kịp ?”

                 Không chỉ tìm về những lạc thú của ngũ quan từng cá nhân, tác giả còn tái hiện những hình thức di dưỡng tinh thần đẹp đẽ của cộng đồng: các hội hè đình đám đầy quyến rũ, tinh thần thượng võ, và chất nhân văn – cuộc thi vật hay hội tung còn. Thiên nhiên tháng Ba đất Bắc đã kỳ ảo, lại thêm kỳ thú nhờ sáng kiến của con người, những con người phương Bắc “phải chiến đấu không ngừng, đổi bát mồ hôi lấy bát cơm để sống (...) nhưng lúc nào cũng cần nghỉ ngơi, họ biết nghỉ ngơi, khi nào cần phải chắt chiu cái nội tâm, họ biết chắt chiu cái nội tâm, khi nào cần phải sống đẹp, sống cho đúng ý nghĩa của cuộc sống thì họ sống đẹp, sống cho ra sống”.

Cái đẹp, như ta thấy qua Tháng Ba, rét nàng Bân vốn có từ đời sống, nhưng cũng là phát hiện của tâm hồn Vũ Bằng, như một câư ngạn ngữ: “Cái đẹp không phải ở đôi má hồng của người thiếu nữ, mà ở đôi mắt của kẻ si tình”. Một gặp gỡ kỳ diệu đã làm nên tác – phẩm – văn – chương – để – đời này của Vũ Bằng. Tôi gọi đó là một hạnh ngộ (hay một mối giao tình ?) giữa một vùng đất có thiên nhiên kỳ ảo và một nền văn hóa phong phú, với một người có thiên hướng tinh tế, nhạy cảm với những ân sủng – hơn là tục luỵ – của đời.

                 Đó cũng là sức sống bền bỉ qua trùng trùng năm tháng và không gian của một mối tình phu thê đầy cảm động. Xuất hiện không nhiều lắm nhưng ám ảnh trên từng câu chữ là hình bóng nhân vật Quỳ, người vợ tào khang tấm mẳn của Vũ Bằng. Tác giả viết Tháng Ba, rét nàng Bân nói riêng và Thương nhớ mười hai nói chung trước hết là để cho chính mình và người ấy: nhiều lần nỗi nhớ thương bật lên thành tiếng kêu thê thiết như tiếng chim lẻ bạn trong chiều. Tấm tình vợ chồng tri âm tri kỷ và “tương kính như tân” đẹp đẽ ấy đã làm nên cảm xúc nồng hậu trong tác phẩm. Nhờ thế, Quỳ vượt lên hình ảnh người vợ tần tảo trong thơ Tú Xương. Thử hỏi, nếu không có người vợ thấu hiểu tính ý, chia sẻ mọi sở thích và tạo mọi điều kiện cho thiên hướng của chồng phát triển, thì ngày nay có chăng Thương nhớ mười hai ?

                 nỗi nhớ, cái khoảng cách cần thiết về không gian, thời gian, đã làm bùng lên ngọn lửa tình yêu (cố hương và cố nhân), tạo nên vẻ đẹp lung linh muôn ngàn lần quyến rũ. Để được như thế, Vũ Bằng phải vượt qua một quãng đường dài để nắm bắt lại những gì xảy ra trong quá khứ và ông đã gặp, trong giây phút chập chờn ảo thực của mười một năm trời (*)).Nhớ và yêu, buồn và vui, đau đớn và hy vọng, đó là những gì Vũ Bằng đã phải trải qua để cho đóa hoa kỷ niệm không khô xác, cũ càng mà lại càng thêm thắm tươi ngào ngạt.

                 Cuối cùng, nếu tôi không nhầm, dường như có một nguyên cớ rất xa xôi, mơ hồ từ quá khứ, trong mối duyên tình văn nghệ, đã góp phần thôi thúc Vũ Bằng viết tác phẩm tùy bút này, như một cách thanh minh cho đôi mắt của mình. Và có lẽ ông đã thuyết phục được chúng ta ít nhiều. Bởi vì nếu Vũ Bằng luôn luôn đi tìm để tận hưởng, luôn luôn ngửa lòng ra để đón lấy những lạc thú trần gian, thì giờ đây ông đã trả lại cho đời những gì ông thu nhận được, tinh khôi, phong phú đến bất ngờ!

                 Tôi chợt nghĩ: với người nghệ sĩ, dưỡng chất trần gian chưa bao giờ là của riêng họ, nghĩa là những giá trị tinh thần mà họ sở hữu, không sớm thì muộn sẽ trở thành của chung thiên hạ.

 

 

 

(*)11 năm (1960-1971) thời gian Vũ Bằng viết Thương nhớ mười hai.

 

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63589444
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7671
8664
63589444

Thành viên trực tuyến

Đang có 204 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website