Nàng đi xa về nhà kể chuyện (Đọc "Á- Âu cách một cây cầu" của Diễm Trang)

Trong một thời gian ngắn, đã có đủ điều kiện và cuộc sống thôi thúc, Diễm Trang lên đường, trải qua baptême de l’air (vỡ lòng đi máy bay) bằng chuyến đi Thái Lan và sau đó đi một lúc 20 nước. Nàng đi theo tour và thường đi cùng người thân trong gia đình, hưởng những tiện nghi tốt nhất và hoàn toàn không có sự phiêu lưu mạo hiểm. Cách đi này của Nàng hiện nay hằng hà sa số. Các công ty du lịch Việt ăn nên làm ra nhờ bà con Việt, trẻ, già, trí thức, lao động, nô nức lên đường. Sau bao nhiêu năm bó mình trong lũy tre làng, phong trào đi của người Việt cũng là một dạng “ăn trả bữa”. Nhiều ngày lễ Tết, chợ búa vắng hoe, người bán hàng than thở: “Giờ người ta chỉ thích đi chơi, không còn nhu cầu mua sắm, ăn uống nữa!”. Tôi cười: “Mình cũng có thể nhịn ăn để được đi chơi!”.

Quả thật, nỗi khát khao cảnh lạ đường xa chưa bao giờ là mới và cũng không hề là cũ. Bởi có muôn ngàn nỗi khát khao, âm thầm trong mỗi chúng ta, từ khi có những con đường trên trái đất, mời gọi con người. Đi, như vậy, không hề là cắm cúi lao mình đến một cái đích nào mà niềm vui đã đến, từ ngày bỏ ống, rủ rê, lên kế hoạch, làm valise, ra sân bay xếp hàng, nhận áo mũ, đi theo cây cờ của người hướng dẫn viên và ngồi trên máy bay mường tượng…Đi, như vậy, thú vị hơn, là một ngày chăm chút lại chiếc xe, hai bánh hay bốn bánh, ới một nhóm bạn thích phiêu lưu, phóng mình tự do qua các cung đường xa vắng đầy cây xanh và mây trắng…

Bị hút theo các chuyến đi, Nàng khát khao gì? Qua cuốn sách đầu tay không phải là công trình khoa học (như thông lệ của các giảng viên đại học) mà là một tập du ký với cái tên vừa thuận tai về âm điệu vừa gây tò mò về ý nghĩa, vừa có vẻ khuyến khích những ai còn ngại ngần trước cái mênh mông: “Á –Âu cách một cây cầu” (Trộm nghĩ: Nhờ cái tên này, có thể cuốn sách sẽ được các công ty mạnh về du lịch Inbound mua về làm quà tặng cho khách VIP), có thể lần ra cái mà Nàng đang đi tìm chăng? Tôi không dám chắc. Điều rõ ràng nhất là Nàng tranh thủ ra đi trong kẽ hở giữa những ngày làm việc và mải mê thụ hưởng ngắm nhìn những gì con người đã làm ra ở các đất nước khác nhau rồi về kể với chúng ta. Bằng những câu chuyện làm quà trong "Á- Âu cách một cây cầu", Nàng đã trở thành một người đi độc đáo.

Những điều Nàng kể luôn gắn với con người. Bởi chỉ có con người mới có khả năng làm nên kịch tính (Nàng yêu kịch và điện ảnh) và Nàng muốn phả lại cái không khí kịch tính của thế nhân bằng câu chuyện và chất văn của mình. Câu chuyện có thể không mới nhưng cái nhìn ngạc nhiên và có phần riêng tư của Nàng làm cho những chi tiết trong sinh hoạt và văn hóa của những dân tộc khác trở nên mới. Câu chuyện có thể không hấp dẫn, nhưng cách kể hết sức có duyên của Nàng làm cho người đọc bị thu hút. Mải mê sục sạo trong không gian văn hóa (tinh thần và vật chất), đôi mắt của Nàng ghi nhận tinh tường các vết hằn chủ đạo cũng như các hoa văn trang trí trong nhịp sống của những dân tộc mà Nàng đã đi qua. Nàng kể bằng những trải nghiệm cụ thể tức thời trong giao cắt với những kiến thức sách vở đã tích lũy từ bao năm: trường liên tưởng của Nàng khá rộng để tung hoành ngòi bút.

Có thể thấy, trang viết của Nàng ngồn ngộn chi tiết và những thông tin cụ thể, những đoạn trữ tình điểm xuyết cũng được Nàng ghìm lại để không bay bổng quá xa. Đọc Nàng, chúng ta biết chắc con người ấy, vùng đất ấy đã làm nên những gì và chúng ta yên tâm khi thấy nhân loại bám rễ vào đời sống bằng những điều rất thực.

Nàng tả về một Dubai luxury nam quyền cũng hứng thú như khi trò chuyện với một anh chàng đẹp trai bán hàng trong chợ Istanbul dẻo mồm tán tỉnh khách mua như rót mật vào tai. Nàng tả cảm giác hồi hộp nhìn đồng hồ taxi nhảy tiền liên hồi kỳ trận cũng vui như cảnh một chiếc va li của đoàn rơi trên đường. Nàng tỉnh táo, công bằng trong ghi nhận cách tạo nên những huyền thoại của người Hàn trong khi kể bằng một giọng văn có phần hài hước. Nàng sử thi hóa và mỹ lệ hóa Basilica Cistern (Thổ Nhĩ Kỳ) bằng lịch sử, âm nhạc và văn chương. Nàng viết về những chiếc lỗ tự nhiên và nhân tạo bằng những ám ảnh bản năng trộn lẫn những tra cứu sách vở. Chất báo chí và chất văn chương hòa trộn trong những bài viết mang tính chủ đề: gọn về dung lượng, xác thực trong thông tin, hoạt trong ngôn ngữ, ấn tượng trong liên tưởng. Có ai đã viết về nạn ăn xin được như Nàng? "Một thoáng…ăn xin" không trầm xuống một vẻ thương cảm như thường thấy cũng không cao giọng phê phán, chỉ là ghi nhận, trên một tầm nhìn rộng rãi: “đi đâu tôi cũng thấy người ăn xin mà (…). Họ vẫn nhan nhản ở các quốc gia phát triển đó thôi” (tr.76). Nàng xâu chuỗi các dạng ăn xin (“ăn xin nghệ thuật”, “ăn xin giùm thú nuôi”, “những đoàn hành khất trẻ em”, “lãng nhân”) ở các nước khác nhau (Pháp, Hồng Kông, Úc, Campuchia, Myanmar, Nhật) tái hiện chúng bằng những hình ảnh sống động rồi có những kết luận thuyết phục: “nghề” ăn xin dù sao cũng lương thiện chán so với kẻ cướp giật, lọc lừa” (tr.80). Tôi cũng chưa thấy ai viết được một bài như "Bệnh tật và nghệ thuật": hàm lượng kiến thức ở đấy cao mà đọc vẫn nhẹ nhàng, thú vị.

Hai mươi nước mà Nàng đã đi qua có hiện diện hết trong cuốn sách này không? Viết tập trung, có Trung Đông mà Nàng có cảm xúc “dạt dào”: Dubai (Người ở, em về), Thổ Nhĩ Kỳ (Chợ nhớ, Mắt lệ cho người, Á- Âu cách một cây cầu); Úc (Sydney - những điều rất nhỏ); Hàn Quốc (Đẹp nhất có thể); Myanmar (Cổ tích Yangon). Còn ngoài ra, những nơi đã đi qua chỉ thấp thoáng bóng dáng, sắc màu trong những tấm-vải-chữ được dệt theo chủ đề (có lẽ theo yêu cầu mùa màng của báo chí). Như thế là Nàng ngầm bảo chúng ta “Hãy đợi đấy!”, và chúng ta có quyền hi vọng về những trang viết tương lai, khi những cảm xúc, ý tưởng đã chín muồi và đà viết thúc giục Nàng. Các bài viết theo dạng chủ đề cho thấy mạch suy tư về văn hóa và thời sự của Nàng, già dặn trong bình luận và khúc chiết trong biểu đạt. Vì sao nàng yêu nhất Trung Đông như nàng thổ lộ? Có một mối liên lạc thầm kín riêng tư nào từ xa xưa, hay là tính chất giao điểm của hai nền văn hóa tạo nên một bí ẩn và đa dạng khác thường, hiển thị trên con người và sản vật nơi đây làm nàng mê mải?

Dù tất cả bài viết đều xưng tôi, nhưng Nàng kín đáo lạ thường. Cái góc riêng tư của Nàng chỉ hé ra đôi chút ở "Tản mạn Tết Sài Gòn", "Xem phim xong mình đi du lịch". Phóng mình ra bên ngoài, ghi nhận, kể lại bằng chi tiết và đan dệt câu chuyện bằng trường liên tưởng rộng, Nàng viết bằng cái tôi văn hóa có pha chút hư cấu tưởng tượng của người mê nghệ thuật.

Có thể nói, dù đã được đọc hầu hết những bài viết này của Nàng trên báo và thích thú, bây giờ lần mở từng trang sách, tôi vẫn cứ phải ngạc nhiên. "Á- Âu cách một cây cầu" nói chúng ta về hiệu ứng của một cấu trúc. Ở đây, “nội công thâm hậu” của bút pháp tỏ lộ rõ hơn, thiên hướng nghệ thuật cũng đà khẳng định. Tung tẩy trong các không gian sinh hoạt hôm nay và ung dung vực dậy vào các trầm tích văn hóa xa xưa để tạo nên sức vang của câu chuyện từ những hợp âm trỗi dậy của bao đời, Diễm Trang là người đi thông minh, là người ngắm nhìn có cá tính và là người kể chuyện hấp dẫn mà tôi được biết.

​​​​​​​​​Sài Gòn, 21-8-2018

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài gòn, số 35-2018, 30-8-2018

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63709585
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7679
22198
63709585

Thành viên trực tuyến

Đang có 1306 khách và không thành viên đang online

Danh mục website