Trên con đường tìm về bản lai, Nàng ca hát

(Đọc Nguyện ca, Đinh Hoàng Anh, Nxb. Hội nhà văn, 2018)

Từ thế giới của toán học, Đinh Hoàng Anh[1] bước vào thế giới văn chương khá sớm. Hai tập truyện ngắn Những giấc mộng đời ngườiTrinh nữ là thời trở về từ nước Nga, sau những biến cố chung, riêng, chìm lặng trong cõi người khắc khoải. Ngày kia, những hạnh ngộ đã đến: Thiền học và Tình yêu mang Nàng vào một cuộc chơi mới đầy kỳ thú, và Thơ ca, và Âm nhạc từ đó cất lên…

Nguyện ca, đóa hoa tâm cảm

Tập thơ thứ mười một Nguyện ca này là một đóa hoa tâm cảm mở hé từng ngày với sáu mươi chín cánh mong manh. Hoa phả ra rất nhẹ giai điệu từ thẳm sâu qua tương giao mật thiết giữa Nàng và Vũ trụ.

Khởi đi từ ký ức xa xôi về một hàng cây mùa đông xứ tuyết thời thơ trẻ, Đinh Hoàng Anh đưa chúng ta vào hành trình chiêm nghiệm của Nàng. Đắm mình lắng nghe tiếng gọi của Tự nhiên và Nội tâm, Nàng bước tới, từng ngày hạnh phúc. Nhịp chuyển tuần tự tế vi của Đất Trời đã đi qua trái tim nàng, làm thành nhịp Thơ và âm điệu của lời Ca. Nhẹ nhàng, trong trẻo, thanh thoát và ảo diệu, biết bao sắc màu và hương vị náu mình trong chữ nghĩa.

Những cánh hoa Mưa chiếm số lượng lớn, vì mang lại nhiều ý niệm hiền minh: duyên khởi, hội ngộ, biến dịch, “sự tan chảy khiêm nhường” và niềm bình an (Mưa ngoại ô…), sự đánh thức, gội rửa, niềm hoài vọng hân hoan hay đau đớn (Mưa tạnh…), sự tự do vô bờ, hạnh phúc sinh thành, niềm vui hòa điệu (Mưa rừng, Hoan ca…). Và một liên tưởng bất giác, thoát ra ngoài vòng bi lụy của ca dao xưa, mang đầy tinh thần sinh thái: “Không phải mỗi chúng ta cũng là một hạt mưa sao, khi đủ duyên thì rơi xuống trần gian?” (Từng hạt mưa li ti).

Những cánh hoa Trăng, Sương, Mùa đi Hoa đồng Cỏ nội mở ra một không gian huyền hoặc của nhiều tiếng vọng (Câu chuyện về nỗi buồn, Nói gì với mùa thu lạnh…), “ánh sáng của sự hồn nhiên” từ cỏ cây hoa lá (Hoa trong vườn…), là sự luân hồi bất tận, điệu nhạc dịu dàng của đất trời, “lụi tàn, chia ly, khổ đau chỉ là huyễn mộng” (Hát hết bài ca của mình…), là bến bờ chờ đợi, “nhẫn nại, dịu hiền” (Bờ cây xanh ngát, Thông trên vùng gió nóng…).

Những cánh hoa Bầu trờiÁnh trăng, thì dịu hiền, trong veo, thuần khiết, vô thủy vô chung, thăm thẳm… (Bụi và bầu trời, Đi vào cõi ánh sáng).

Đặc biệt, cánh hoa Tình yêu là nhụy thắm, “thuần khiết và trọn vẹn”, là “tiếng vọng dài nhất, sâu sắc nhất”, từ sự gặp gỡ giữa hai tâm hồn, là niềm yêu không nguyên cớ, không điều kiện, không kỳ vọng” (Tiếng vọng).

Để không lạc bước, hãy lắng mình tìm ngôi sao bản mệnh trong ta

Nguyện ca nói với chúng ta rằng: Bờ ranh tìm về bản lai có thể mong manh như một sợi tơ (Sợi tơ trên vực thẳm), nhưng có khi xa tít tắp, do bao lần lạc bước. Bởi vì cõi người luôn mong đồng hóa: “trong “một biển người, một rừng người, giống nhau đến kinh ngạc, mà nếu ta lạc vào sẽ tan biến đi và không có đường về” (Kỷ niệm về vùng rừng cao su); bởi vì bao quanh chúng ta là những hệ lụy êm ái ngọt ngào: “Lạc trong tình ái, lạc trong tình mẫu tử, lạc trong tình bằng hữu, lạc trong nghệ thuật, lạc trong cả niềm vui sống và lòng thương mênh mông đối với cõi đời…” (Tiếng vọng).

Khi ấy ta biết làm gì? Nhà thơ chia sẻ: Hãy đi tìm “ngôi sao bản mệnh” trong chính trái tim ta, “tắt đi mọi ngọn đèn phù phiếm, mọi hy vọng hão huyền, mọi níu bám vào những người xung quanh” (Sao chỉ đường). Như vậy, hành trình ấy, ta vẫn phải đi một mình: một mình mơ, một mình tỉnh, giữa đêm dài hay ngày hé nắng, luôn lắng nghe những thông điệp “an nhiên sâu sắc, tĩnh lặng khôn dò” của tự nhiên “bằng toàn bộ bản thể của mình” (Những người thầy bình dị).

Thực tại và huyễn mộng, tỉnh thức và mê cuồng, hạnh phúc và lạc thú… những câu hỏi lớn và nhiều câu hỏi khác nhẹ nhàng đậu trên trang viết của Đinh Hoàng Anh, mang lại vẻ trầm tư dịu dàng thanh thoát của một nữ thiền nhân không thôi khiêm nhường học tập “văn chương của bầu trời” (Tự ngôn, Phan Kế Bính): “Những bông hoa tỏa hương mãnh liệt bất chấp mưa gió”, có lẽ cũng trọn vẹn và đầy đủ hơn đa số những kiếp người vẫn đang say ngủ…” (Đời hoa), “Trong mọi nhịp điệu của thiên nhiên đều ẩn chứa vũ điệu hoan ca bất tận, không hề mang bóng dáng hiu quạnh và phai tàn” (Từ rừng núi). Tất cả đều gắn liền với niềm “thương cảm” tự tâm: “Thương sự trong sáng và thương cả lỗi lầm. Thương sự khôn ngoan và thương cả sự u mê. Thương niềm vui và thương nỗi khổ tâm. Thương sự hồn nhiên và thương sự hoài nghi. Thương tình yêu và thương giận hờn…Học cách thương đến tận cùng mọi điều trong bản thân, và ta sẽ biết thương người khác.” (Ngôi sao trong bóng đêm).

Một hợp âm riêng từ trái tim người hòa cùng trái tim Trời Đất

Là “giai điệu sâu xa trong im lặng”, Nguyện ca mang ta về miền bình yên hòa ái, cái bình yên hòa ái được vun trồng từ mạch sống của vũ trụ. Mạch sống ấy cho phép ta nhận ra vẻ đẹp từ tất cả: bụi đất, bùn lầy, hoa tàn, lá mục, mưa dầm, giông bão, nỗi đau và cái chết… Xao xuyến mà không lo âu, xác tín mà không áp đặt, trau chuốt mà không cầu kỳ, tinh tế mà không phù phiếm, Nguyện ca, cũng như mười tập thơ trước của Đinh Hoàng Anh, đã làm nên một hợp âm riêng, kỳ diệu, trong lành. Hợp âm ấy ngân lên từ trái tim Nàng, trái tim đã trải qua nhiều “nỗi đau sinh thành” đến hòa cùng trái tim Trời Đất.

SG, 14-9-2018

Nguyễn Thị Thanh Xuân                                                                                           

 


[1] Tiến sĩ toán học tại Trường đại học Tổng hợp Belarus (Liên Xô cũ), từng là giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Tác giả của 11 tập thơ: Tia lửa nhỏ, Những con đường, Anh và em, Khát vọng, Con đường mặt trời, Bến bờ thời gian, Sữa nhân gian, Tiếng ru, Thu trong phố, Hát bên dòng nước chảy (cùng với Trương Thị Như Quỳnh), Nguyện ca.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63709831
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7925
22198
63709831

Thành viên trực tuyến

Đang có 1251 khách và không thành viên đang online

Danh mục website