Hát nói - Di sản bị lãng quên?

Xuyên qua thời gian thế kỷ, những mong đợi, gửi gắm, dặn dò còn đó trong trang viết của cha ông. Chúng ta có lãng quên chăng, trong nhịp đời hối hả, trong cái lầm lũi của kiếp đời an phận?

 Đầu hè năm nay, trong cái nóng bỏng của thời tiết và thời sự, TS Nguyễn Đức Mậu, người được giới nghiên cứu xem là một trong những chuyên gia về ca trù, nói chung và hát nói nói riêng, trình làng "Tuyển tập Hát nói" (NXB Đại học Vinh ấn hành) với 407 bài hát nói, một con số có thể nói là nhiều nhất từ trước đến nay.

Di sản rất đáng chú ý

Tiếp xúc với một bức tranh phong phú về văn bản trong tuyển tập này, tôi ngạc nhiên nhận ra: Hát nói không dừng lại ở cái phong vị nhuốm mùi dục lạc, ngông nghênh, hát nói còn tràn đầy hào khí; hát nói không ngưng kết ở nửa đầu thế kỷ XX mà còn lan đến cuối thế kỷ XX; chủ yếu là không gian của tiếng nói nam quyền, hát nói cũng có tác giả nữ (bà Nhàn Khanh). Quả thật, nếu đúng như Nguyễn Đức Mậu khẳng định ngay câu đầu tiên của bài nghiên cứu công phu "Hát nói, thời điểm hình thành và quá trình phát triển" (tr.7-42): "Hát nói là thể loại thơ ngắn duy nhất mà lịch sử văn học Việt Nam sáng tạo được" (tr.7) thì đây là một di sản rất đáng chú ý.

Với phần văn tuyển, Nguyễn Đức Mậu đã luôn xác định thời điểm ra đời, xác định văn bản và tác giả, luôn dẫn nguồn và đưa nhiều chú thích tỉ mỉ, bổ sung nhiều văn bản tồn nghi và khuyết danh. Trong nghiên cứu, khi đưa ra nhận định, ông luôn chọn cách nói thận trọng, không xác quyết. Có thể thấy phần viết công phu và có nhiều cảm hứng nhất là về Nguyễn Công Trứ.

Từ những khảo chứng và diễn giải (trên góc độ lịch đại và đồng đại) của Nguyễn Đức Mậu và từ sự phong phú độc đáo của thể loại hát nói, người đọc thấy nơi mình có nhiều câu hỏi nảy sinh: Sau ca dao, dân ca, hát nói là thể loại văn học kết hợp trong lòng nó chất văn (chữ), chất ca (âm) và chất nói (lời), vậy có thể dùng những kiến thức lý thuyết và lịch sử để cắt nghĩa sâu hiện tượng này, từ đó phát hiện vẻ đẹp riêng của thể loại và tinh thần cũng như xu hướng sáng tạo của văn học dân tộc? Phải chăng cùng gần nhau ở nguyên tắc kết hợp (lời và âm) nhưng hát nói khác ca dao, dân ca không gian diễn xướng? Có thể cho rằng từ ca dao, dân ca đến hát nói là quãng đường đi từ làng mạc tĩnh lặng đến thị tứ nhộn nhịp không? Hát nói phải chăng là sản phẩm của tầng lớp thị dân? Tính đô thị của hát nói được biểu hiện như thế nào? Khi cho rằng hát nói "đã đạt đến độ điển phạm", vậy tính điển phạm của hát nói là gì? Vì sao Nguyễn Công Trứ là người đánh dấu bước hoàn thiện cuối cùng cho thể loại này? Vì sao thế kỷ XX, một số bài hát nói tràn đầy từ Hán Việt (trường hợp Ưng Bình Thúc Giạ Thị); chất đời sống đi vào hát nói (trường hợp Nguyễn Văn Bình) có thể phân tích thế nào? Tiêu đề "Hát nói từ nửa cuối thế kỷ XIX đến Tản Đà" liệu có bao quát hết những hiện tượng hát nói sau đó với những tên tuổi hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau như: Bùi Kỷ, Á Nam Trần Tuấn Khải, Trần Huy Liệu, Nguyễn Tuân, Xuân Thủy, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Tài Cẩn… không? Những khái niệm chuyên biệt của thể loại không thật dễ hiểu với người đọc (điệu hà nam, điệu nói sử, hát giặm…) phải chăng nên chú thích?...

20190328 Hat noi

Bìa sách "Tuyển tập Hát nói"

Tiếng lòng của ông cha

Chảy mải miết qua hàng ngàn năm lịch sử của người Việt, dòng sông văn học Việt Nam luôn chao giữa hai bờ thực - mộng, và quả thật, do nhu cầu xã hội, dòng sông đã ngả vào bờ thực nhiều hơn. Hát nói, một thể loại của "thú ăn chơi", cũng không đành lòng thờ ơ khi nước non cất tiếng kêu trầm thống. Đọc những bài hát nói của Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, chúng ta tưởng như hai nhà chí sĩ ấy đang có mặt cùng chúng ta hôm nay cảnh báo về hiện trạng xã hội, khẩn thiết kêu gọi sự thức tỉnh của lương tri dân tộc và khẳng định vai trò quan trọng của cơ quan ngôn luận.

Trong bài thơ "Vịnh Tết", Phan Bội Châu gửi lời nhắn nhủ: "… Thưa các anh, các chị, các ngài! Đáng khóc hay đáng cười xem thử thử! Ai là chủ? Ai là thầy? Ai là tớ? Non sông này mang mãi lốt cu ly! Sống không sống có vui gì? Trông thấy bạn thanh niên mà sống rốn! Cờ tính xong, bàn tay nên đủ ngón. Thuyền chèo giữa sóng gấp đều tay, No mà chi! Ấm mà chi! Sung sướng cũng mà chi! Trường đời dại dắt nhau đi rạc rạc. Ma vật chất chém cha tuồng quái nghiệt. Khua tinh thần mà đánh chết chúng ngươi! Có gan trời cũng thua người…" (tr.317).

Đêm, lặng nghe tiếng muỗi vo ve, nhà thơ cũng bất giác ngỏ lời khuyên nhủ: Hãy đừng "hút máu nhân dân", để rồi được muỗi trả lời: "Chúng tôi là vật vô tri. Hễ mình no bụng sá gì đến ai! Kìa thử hỏi loài người ta đó, Lũ tham quan nào có thương ai! Chỉ đi bóc lột của người, Làm nên giàu có một đời sướng thân. Nào có tưởng đến dân đói khổ, Tiếng chê cười gác bỏ ngoài tai! Huống chi khác giống khác nòi!... (Phan Bội Châu, "Nói chuyện với muỗi" - tr. 320).

Mừng Báo Tiếng Dân kỷ niệm 2 năm thành lập, Phan Bội Châu nói lên ý nghĩa của báo chí với sự sống còn của công luận: "Dế hót đêm đông tan giá đất, Cóc kêu ngày hạ động mưa trời. Lũ con đen đau khổ há câm hoài? Nhuốm giọt mắt vẽ bày trên báo chí (…) May nhờ có báo chương thay miệng lưỡi (…) Miệng lưỡi còn, tính mạng chắc đương còn. Mấy lời dặn bể thề non, Vợ chồng ôm ấp lấy con báu này. Nghìn thu cơ sở từ đây. (Phan Bội Châu, "Kỷ niệm đệ nhị chu niên Báo Tiếng Dân" - tr.322).

Xuyên qua thời gian thế kỷ, những mong đợi, gửi gắm, dặn dò còn đó trong trang viết của cha ông. Chúng ta có lãng quên chăng, trong nhịp đời hối hả, trong cái lầm lũi của kiếp đời an phận? 

Trách nhiệm của người làm sách giáo khoa

Lần giở từng trang sách, người đọc như tôi bồi hồi nhớ lại thời trung học cách nay những nửa thế kỷ. Vốn không phải là người mê hát nói, vậy mà không hiểu sao ký ức trẻ thơ vẫn cứ lưu như in những dòng thơ của Nguyễn Công Trứ ("Vịnh nhàn", "Chơi là lãi", "Thoát vòng danh lợi", "Chí khí anh hùng", "Nợ tang bồng", "Chí nam nhi", "Trên vì nước, dưới vì nhà"), Cao Bá Quát ("Nghĩ đời mà chán", "Tự tình"), Nguyễn Khuyến ("Mẹ Mốc", "Trở về vườn cũ", "Ông phỗng đá"), Trần Tán Bình ("Tặng cô đầu Trang") , Trần Tế Xương ("Tết dán câu đối", "Chú Mán"), Tản Đà ("Hơn nhau một chén rượu mời I", "Lại say", "Cánh bèo", "Đời đáng chán"). Thậm chí người đọc như còn nghe thấy giọng tụng ra rả của mình thuở ấy: "Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy/Cảnh phù du trong thấy cũng nực cười…". Tôi tự hỏi vì sao sách giáo khoa văn học ngày ấy lại có thể cung cấp cho học sinh nhiều tác phẩm đa dạng đến như vậy và làm họ nhớ hoài, nhớ mãi với một nỗi niềm rất lạ.

Từ tuyển tập này, những nhà làm sách giáo khoa (đang được nhà nước đầu tư kinh phí, đang được bao đôi mắt trẻ già nhìn vào mong đợi) sẽ chọn đưa vào chương trình những tác phẩm nào trong di sản hát nói, cũng như trong những di sản văn học khác của Việt Nam, để chúng có thể được lưu lại mãi mãi trong những tâm hồn non trẻ?

Nguyễn Thị Thanh Xuân

Nguồn: Người lao động, ngày 19.06.2018.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63662118
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5836
17595
63662118

Thành viên trực tuyến

Đang có 1088 khách và không thành viên đang online

Danh mục website