20171103 Phuong dinh Nguyen Van Sieu

Nguyễn Văn Siêu (阮文超)(1) là tác gia lớn của Việt Nam thế kỉ XIX trên nhiều lĩnh vực tư tưởng, địa lí, lịch sử… Đặc biệt là thơ văn, Nguyễn Văn Siêu để lại hơn 1000 bài thơ chữ Hán với 4 tập thơ Vạn Lí tập (萬里集),Anh ngôn tập (嚶言集),Lưu Lãm tập (流覽集),Mạn hứng tập (漫興集). Tập thơ Vạn lí được viết trên đường đi sứ Trung Hoa năm 1849, thể hiện tài hoa của “người học rộng giỏi thơ”(2), “nức tiếng bởi văn chương”(3). Tuy vậy, Vạn lí tập mới chỉ được nhắc tên, giới thiệu sơ lược trong vài tổng mục hoặc bài viết trên Tạp chí, sách báo… Trong bài viết này, chúng tôi cố gắng khảo sát tập thơ dưới góc độ văn bản học để xác định văn bản cơ sở và bổ khuyết, hiệu chính những điểm chưa hoàn thiện của văn bản cơ sở này.

1. Xác định thiện bản của thi tập

Vạn lí tập hiện còn 3 văn bản, gồm 1 bản khắc in Phương Đình vạn lí tập (方亭萬里集) và 2 bản viết tay là Sứ trình vạn lí tập (使程萬里集) và Bích viên tảo giám (璧垣藻鑑).

Vạn lí được in thành nhiều quyển từ một ván khắc (gồm các kí hiệu A.188/1-2, VHv.838/1-4, VHv.236/1-4, VHv.837/1-3, VHv.837/1-3, VHv.1833 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, và kí hiệu R.1217 tại Thư viện Quốc gia Hà Nội). Văn bản này gồm 75 tờ, in trên giấy dó, khổ sách 28 x 16cm.

Sứ trình mang kí hiệu A.2769 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, gồm 35 tờ, viết trên giấy dó, khổ sách 28 x 16cm.

Bích viên mang kí hiệu A.2589 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, gồm 79 tờ, viết trên giấy dó, khổ sách 28 x 16cm.

Chúng tôi xác định văn bản khắc in là thiện bản trong những dị bản hiện còn của thi tập vì sự ưu việt thể hiện ở những điểm sau:

1.1. Niên đại văn bản

Năm khắc in Vạn lí được xác định theo Phương Đình di tập tiểu dẫn(方亭遺集小引) thuộc Phương Đình tùy bút lục(方亭隨筆錄), mang kí hiệu VHv.22/1-4. Trong bài Tiểu dẫn, Tiến sĩ Vũ Nhự cho biết: “Hậu thập niên dư, sinh đẳng nãi khắc hợp bổng khai điêu, thủy đắc Tùy bút lục lục quyển, Địa chí ngũ quyển, Văn tập ngũ quyển, Thi tập tứ quyển // 後十年餘, 生等乃克合俸開雕, 始得隨筆錄六卷, 地志五卷, 文集五卷, 詩集四卷Sau hơn mười năm từ khi Nguyễn Văn Siêu mất, học trò góp sức khắc in sáng tác của ông, ban đầu được Tùy bút lục 6 quyển, Địa chí 5 quyển, Văn tập 5 quyển, Thi tập 4 quyển. Lạc khoản trong Tiểu dẫn ghi: “Hoàng triều Tự Đức vạn vạn niên chi tam thập ngũ tiểu xuân cốc nhật // 皇朝嗣德萬萬年之三十五小春穀日- Ngày tốt, tháng tiểu xuân, năm thứ 35 thời Tự Đức”. Như vậy, Phương Đình thi tập (bao gồm Vạn lí) được khắc in cùng Phương Đình văn loại, Phương Đình tùy bút, Phương Đình địa chí loại năm 1883.

Về mặt lí thuyết, “để có thiện bản, các nhà văn bản học đều nhận thấy nên chọn bản nào có niên đại gắn với thời đại tác giả nhất, đồng thời cũng thuận lợi cho việc nghiên cứu”(4). Chúng tôi cũng dựa vào chữ húy nhằm xác định thời gian ra đời của Sứ trình và Bích viên nhưng hiện tại chưa tìm được niên đại của 2 bản viết tay này. Bởi vậy, sự minh xác thời gian khắc in Vạn lí trở thành một phẩm chất để nhận định tính hoàn thiện của văn bản.

1.2. Hình thức văn bản

Về văn tự: Vạn lí được khắc in mỗi tờ 8 cột, mỗi cột 21 chữ. Sứ trình có khổ chữ không cố định, mỗi cột khoảng 30 chữ ở phần chính văn, khoảng 50 chữ ở phần tự dẫn, chú giải. Bích viên được viết mỗi tờ 10 cột, mỗi cột khoảng 30 đến 40 chữ.

Về hình thức trang trí: Sứ trình có khung trang nhưng không có đường kẻ cột, rốn sách. Bích viên không có khung trang, đường kẻ cột, rốn sách. Khung trang và đường kẻ cột của Vạn lí rõ nét. Rốn sách Vạn lí trang trí hình đuôi cá, phần trên đề nội dung gồm Phương Đình vạn lí tự (方亭萬里集序), Phương Đình Vạn lí mục lục (方亭萬里集目錄), Phương Đình vạn lí tập (方亭萬里集) và phần dưới đề số trang.

Về cấu trúc văn bản: Vạn lí thể hiện tính quy phạm của văn bản thi ca với ba phần, gồm bài tựa, mục lục, chính văn. Nhan đề mỗi bài thơ được trình bày trong cột riêng. Sứ trình không có mục lụcBích viên không có bài tựa và mục lục.

1.3. Về nội dung văn bản

Tính nguyên toàn là phẩm chất quan trọng để xác định “văn bản dùng làm việc tốt nhất, văn bản đầy đủ từ đầu chí cuối”(5). Vạn lí hoàn bị hơn Sứ trình và Bích viên ở bài tựa, số bài thơ, tựa dẫnvà chú giải.

Về bài tựaBích viên không có bài TựaBài tựa trong Vạn lí và Sứ trình đều có lạc khoản ghi: “Tự Đức tứ niên thu Cần Chính điện Đại học sĩ Đoan Trai Diên Phương Tẩu đề // 嗣德肆年秋勤政殿大學士端齋延芳叟題- Bài Tựa do Cần Chính điện Đại học sĩ Đoan Trai Diên Phương Tẩu viết vào mùa thu năm Tự Đức thứ 4”. Tuy nhiên, bài tựa trong Sứ trình bị mất một số câu do văn bản mục nát, có thể phục nguyên theo Vạn lí. Ngoài ra, câu văn “Huống tài tận Giang Yêm, hứa đa bút nghiên, trùng vi kỳ ý // 況才盡江淹, 許多筆研, 重違其意- Huống hồ, ta tài đã cạn kiệt như Giang Yêm(6), quen chuyện bút nghiên, thật là trái với lòng mong mỏi của ông ấy” không phù hợp với toàn văn bài tựa. Giang Yêm có tài năng thơ văn nhưng dần bị mai một, về già chẳng viết được câu nào đáng giá. “Tài tận Giang Yêm” trở thành điển chỉ bút lực cạn kiệt. Trong bài tựa, Trương Đăng Quế giải thích lí do dùng bài thơ đã tặng Phương Đình đề tựa cho thi tập. Phần này, Vạn lí khắc in như sau: “Cố, dư cận bão trầm kha, quyện ư thù thế, đồ hoài cổ đạo, vị cấu tư mĩ, phương hiền phụ báng, như hà như hà. Huống, tài tận Giang Yêm, hứa cửu bất lí bút nghiên, trùng vi kỳ ý. Nhân thủ tiền sở tặng thi ứng chi// 顧, 余近抱沈痾, 倦於酬世 , 徒懷古道, 未覯斯美, 妨賢負謗, 如何如何. 況才盡江淹, 許久不理筆研, 重違其意. 因取前所贈詩應之- Nhìn lại, tôi gần đây bị bệnh nặng, mệt mỏi với việc đối đáp ở đời, đau đáu trông ngóng đạo xưa, chưa thể hiểu thấu vẻ đẹp thi tập, e sợ bậc hiền tài chê trách. Chuyện như vậy biết làm thế nào! Huống hồ, tài của tôi đã cạn kiệt như Giang Yêm, lâu ngày chẳng luyện bút nghiên, thật trái với lòng mong mỏi. Tôi đành lấy thơ đã tặng ông trước đây để đáp lại tấm thịnh tình”.

Về số bài thơ: Vạn lí có 165 bài thơ. Sứ trình có 157 bài thơ, được bắt đầu bằng những câu: “Môn đình quế như nhân sấu, phúc ốc viên mai quá ngã kiều. Trân trọng thân lân lao vấn tấn. Hỉ kinh tự mộng thuộc thâm tiêu // 門亭桂如人瘦, 覆屋園梅過我喬. 珍重親鄰勞問訊, 喜驚似夢屬深宵). Đây là 4 câu cuối trong bài Bán dạ đáo gia (半夜到家 - Nửa đêm đến nhà). Sứ trình bị rách 5 bài đầu, có thể phục nguyên theo Vạn lí. Ngoài ra, Sứ trình không có ba bài thơ cuối so với Vạn lí.Bích viên(7) có 157 bài thơ trùng với Vạn lí và Sứ trình. 157 bài thơ rải rác và không theo lộ trình. Bích viên vẫn còn hiện tượng nhầm lẫn bài thơ. Bài Toàn Châu trừ tịch (全州除夕) trong Bích viên gồm 2 bài thất ngôn bát cú (Kì nhất, Kì nhị), 1 bài ngũ ngôn tứ tuyệt (Hựu ngũ ngôn), 1 bài thất ngôn lục cú (Kì tam). Kì thực, Toàn châu trừ tịch chỉ làmột bài thất ngôn bát cú. Một chùm thơ thường đề nhị thủ (hai bài), tam thủ (ba bài), tứ thủ (bốn bài)… nhưng Toàn Châu trừ tịch trong 3 văn bản đều không mang dấu hiệu này. Mặt khác, cách gọi kì nhất, kì nhị, hựu ngũ ngôn, kì tam thể hiện sự không nhất quán. Về nội dung, bài đầu tái hiện cảnh đón giao thừa của lữ khách còn 3 bài sau tả cảnh đêm thu (秋聲 - thu thanh), trăng sáng (月中圓 - nguyệt trúng viên), cảnh ban ngày (曠日 - khoáng nhật, 日晴 - nhật tình)… Chúng tôi đã xác định được 3 bài sau thuộc Lưu lãm tập tại trang 23a, 7b, 10a. Như vậy, số bài thơ trong Vạn lí đầy đủ và chính xác hơn Sứ trình và Bích viên.

Về tựa dẫn và chú giải: Bích viên không có phần tựa dẫn. Vạn lí và Sứ trình đều gồm 5 bài có tựa dẫn, 74 bài có chú giải. Tựa dẫn được đề hữu tự (có tựa), tịnh tự (gồm tựa), tịnh dẫn (gồm dẫn), đặt sau nhan đề bài thơ và trước nguyên tác, có độ dài từ vài cột đến gần 20 cột. Chú giải đặt sau nguyên tác bài thơ, có độ dài từ một 1 đến hơn 20 cột. Phần tự dẫn và chú giải trong Vạn lí và Sứ trình có trường hợp dị biệt từ ngữ, câu chữ nhưng không làm thay đổi nội dung tác phẩm. Đó là loại đảo vị trí thành tố cấu tạo từ như tả hữu (左右) - hữu tả (右左), Chẩn Dực (軫翼) -Dực Chẩn (翼軫)…; loại dùng từ đồng nghĩa nhưchâu bối (珠貝) -bảo bối (寶貝), cố (故) di (遺), cảm (敢) - năng (能), phạm (範) - quỹ (軌), lân hoàng (麟凰) - 麟鳳(lân phượng), đắc (得) - hoạch (擭); loại xuất nhập hư từ chi (之), các (各), vi (為), nhĩ (爾), yên (焉)…; loại xuất nhập danh từ mang trường nghĩa rộng sau danh từ riêng như lâu (樓), đài (臺), châu (州), huyện (縣)...Những trường hợp dị biệt còn lại trong tựa dẫn và chú giải chủ yếu cho thấy tính ưu việt của Vạn lí so với Sứ trình và Bích viên. Đó là những từ chỉ không gian như Tây nam ngung(西南隅- gò Tây nam) trong bài 8(8), Hồ Khẩu huyện(湖口縣- huyện Hồ Khẩu) trong bài 82, Miện Thủy (沔水- dòng Miện Thủy) trong bài 85; chỉ thời gian như ngũ thế(五世- đời thứ 5) trong bài 37, cập tam thế (及三世- đến đời thứ 3) trong bài 117; chỉ thư tịch như Chất Uẩn truyện(郅惲傳- truyện Chất Uẩn) trong bài 45, Nho Lâm truyện (儒林傳- truyện Nho Lâm) trong bài 123; giải thích về địa lí, lịch sử như Thông chí, Lãng Bạc tại Dung Huyện chi Dung Giang. Kim Ngô Châu chi Dung Huyện dữ Uất Lâm châu chi Bắc lưu// 通志, 浪泊在容縣之容江 . 今梧州之容縣與鬱林州之北流- Theo Thông chí, Lãng Bạc tại sông Dung của huyện Dung, nay thuộc Bắc lưu của huyện Dung thuộc Ngô Châu và châu Uất Lâm” trong bài 7, hay “Nhị Thế táng loạn, Triệu Đà vi Long Xuyên lệnh đại Ngao hành Nam Hải úy sự, tự xưng Nam Việt// 二世喪亂, 趙陀為龍川令代囂行南海尉事, 自稱南粵- Nhị Thế táng loạn, Triệu Đà là Lệnh ở Long Xuyên thay Nhâm Ngao xuống Nam Hải úy sự, tự xưng Nam Việt) trong bài 37, diệc danh Bách Trượng (亦名百丈- còn tên là Bách Trượng) trong bài 59, tự Mịch La để Thái Hồ do bách lí địa (自汨羅抵太湖猶百里地- từ Mịch La đến Thái Hồ khoảng 100 dặm) trong bài 81,tự Huỳnh Trạch chí Thiên Thừa hải khẩu trường sổ thiên lí(自滎澤至千乘海口長數千里- từ Huỳnh Trạch đến cửa biển Thiên Thừa dài vài ngàn dặm) trong bài 105… Nhìn chung, tựa dẫn và chú giải trong Vạn lí đầy đủ hơn Sứ trình và Bích viên.

Như vậy, Vạn lí hoàn chỉnh hơn Sứ trình và Bích viên ở cả bài tựa, số bài thơ, tựa dẫn và chú giải. Tính nguyên toàn của văn bản Vạn lí cùng với tính quy phạm về hình thức, tính minh xác niên đại trở thành những đặc điểm cơ bản để khẳng định Vạn lí là văn bản cơ sở của tập thơ được Nguyễn Văn Siêu sáng tác năm 1849.

2. Bổ khuyết, hiệu chính văn bản cơ sở

Vạn lí được xác định là thiện bản của trong các dị bản của thi tập. Tuy nhiên, văn bản này vẫn còn những hạn chế cần hoàn thiện, cụ thể là hiện tượng khắc in sót chữ và sai chữ.

2.1. Khắc in sót chữ

Chúng tôi xin bổ khuyết 2 trường hợp sau:

Về thời gian đỗ Phó bảng của Nguyễn Văn Siêu (tr.1a): Vạn lí và Sứ trình đều ghi Phương Đình đậu Phó bảng năm Minh Mệnh thứ 9 (舉明命九年副榜) nhưng thực ra Nguyễn Văn Siêu đậu Phó bảng năm 1838. Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỉquyển 190, từ trang 21 đến trang 23 khắc in về khoa thi Hội tháng 3 năm Mậu Tuất (1838). Trong khoa thi này, Nguyễn Văn Siêu đậu Phó bảng cùng 10 người. Quốc triều khoa bảng lục cũng ghi tên Nguyễn Văn Siêu tại phần Phó bảng, khoa Mậu Tuất, năm Minh Mệnh thứ 19 (副榜明命十九年戊戌科 - Phó bảng Minh Mệnh thập cửu niên Mậu Tuất khoa). Bia Thần đạo tại lăng mộ Phương Đình cho biết, Nguyễn Văn Siêu nhiều lần nhận được giấy chiêu hiền vào năm Ất Dậu đời Minh Mệnh (1825) nhưng sau hơn 10 năm ông mới đi thi và đậu Phó bảng khoa Mậu Tuất (1838). Trên thực tế, học vị Phó bảng bắt đầu được đặt ra năm thứ 10 đời Minh Mệnh (1829). Như vậy, Vạn lí đã khắc in sót chữ trong trường hợp này.

Trong bài số 55 (tr.33b), Vạn lí khắc in: …Sử quan bất dụng Xuân bút…(…史官不用春筆…). Câu này được Sứ trình viết: …Sử quan bất dụng Xuân Thu bút… (... 史官不用春秋筆…). Xuân Thu(春秋) viết theo thể biên niên, tương truyền Khổng Tử trước tác dựa vào sử nước Lỗ trong vòng hơn 200 năm từ đời Lỗ Ẩn Công nguyên niên đến Lỗ Ai Công năm thứ 14. Xuân Thu bút (春秋筆) ghi chép sự việc ngắn gọn, dùng chữ để khen chê (褒貶 - bao biếm). Phong cách này được sử dụng nhiều ở thời xưa. Ví như Tả truyện có thiên Trịnh Bá khắc Đoạn vu Yên (鄭伯克段于鄢- Trịnh Bá đánh thắng Cung ThúcĐoạn ở đất Yên). Thiên truyện có lời nhận định của Xuân ThuĐoạn bất đệ, cố bất ngôn “đệ”. Như nhị quân, cố viết “khắc”. Xưng Trịnh Bá, cơ thất giáo dã(段不弟, 故不言弟. 如二君, 故曰克. 稱鄭伯, 譏失教也Thái Thúc Đoạn không giống một người em cho nên không gọi là đệ. Họ giống như vua hai nước đánh nhau, cho nên nói khắc. Gọi Trang Công là Trịnh Bá vì có ý châm biếm ông ta không biết dạy em). Cách viết Xuân Thu ảnh hưởng đến lối viết sử đời sau. Vậy nên, trường hợp này dùng từ Xuân Thu bút(春秋筆) là phù hợp.

2.2. Khắc in sai chữ

Chúng tôi xin hiệu chính một số trường hợp sau:

Trong bài 1 (tr.8a), Vạn lí khắc in: vãn xuất đô môn ( (9) 晚出都門). Sứ trình khuyết bài này. Bích viên viết Bạc vãn xuất đô môn(箔晚出都門). Chúng tôi chưa tra cứu được chữ có hình thể như trong Vạn lí. Bích viên dùng chữ bạc (箔). Tuy nhiên, chữ bạc (箔) mang các nghĩa cái rèm, dụng cụ giống như cái rèm dùng nuôi tằm, miếng kim loại dát mỏng đều khó kết hợp với từ vãn (晚 - chiều tối, hoàng hôn). Có lẽ, câu thơ dùng chữ bạc(薄- gần, sắp). Bạc vãn (薄晚- chập tối) đối với minh triêu (明朝- sáng sớm) trong câu Minh triêubái tiện điện, bạc vãn xuất đô môn (明朝拜便殿, 薄晚出都門- Sáng sớm lạy tiện điện, chập tối rời kinh đô).

Trong các bài 12 (tr.13a), 19 (tr.16b), 31 (tr.21a), 38 (tr.25b), 62 (tr.35a), 75 (tr.41a), 80 (tr.42b), 154 (tr.71a), chữ bồng (蓬) được Vạn lí khắc in: Hà sự thôi bồng vũ (何事推蓬雨), Cục xúc lữ bồng trung (局促旅蓬中), Xuân vũ liên giang vãn hệ bồng (春雨連江晚繫蓬), Thôi bồng tần ngưỡng vọng (推蓬頻仰望), Sơn thuỷ đãn ư bồng lí khán (山水但於蓬裡看), Bồng song tứ diện Sở sơn sầu (蓬窗四面楚山愁), Sầu lí hệ chinh bồng (愁裡繫征蓬), Biển chu thức yết bồng song khán (扁舟試揭蓬窗看). Sứ trình viết chữ tương tự Vạn líBích viên khi viết bồng (蓬), khi viết bồng (篷). Bồng (蓬) là một loại cỏ bị bật rễ tứ tung khi thu về. Vậy nên, chữ bồng (蓬) cũng chỉ sự hỗn loạn như bồng tâm (蓬心- tâm không vững vàng, không chủ kiến), bồng thủ (蓬首- tóc rối), bồng lụy (蓬累- hỗn loạn)… Bồng (蓬)còn dùng để làm nhà nên để chỉ nhà nghèo, bần hàn như bồng môn (蓬門), bồng hộ (蓬戶). Bài Khách chí của Đỗ Phủ viết: 花徑不曾緣客掃, 蓬門今始為君開(Hoa kính bất tằng duyên khách tảo, bồng môn kim thủy vị quân khai - Đường hoa chưa từng duyên khách đến, nhà tranh giờ mới được đón ngài). Chữ bồng (蓬) và bồng (篷) không được dùng thông với nhau. Bồng (篷) là mái đan bằng lá để che mưa nắng như 車篷(xa bồng - mui xe), thường hoán dụ cho thuyền. Đỗ Mục viết trong bài Độc chước: 何如釣船雨, 篷底睡秋江(Hà như điếu thuyền vũ, bồng để thụy thu giang - Dường như mưa trên thuyền câu, dưới đáy thuyền sông thu ngủ). Các câu thơ trên của Phương Đình đều chỉ thuyền như bồng song (篷窗- cửa thuyền), lữ bồng (旅篷- thuyền khách), chinh bồng (征篷- thuyền đi xa), thôi bồng (推篷- đẩy mui thuyền)… Vì vậy, từ 篷(bồng) phù hợp với những tứ thơ này.

Trong bài 70 (tr.38a), Vạn lí khắc in Tiêu Tương giang thủy Ngô Khê tuyền(瀟湘江水吾溪泉). Sứ trình viết như Vạn líBích viênviết Tiêu Tương giang thủy Ngô Khê tuyền(瀟湘江水洖溪泉). Ngô(吾- đại từ nhân xưng) và Ngô (洖- địa danh) không được dùng thông. Nguyên Kết đặt tên cho dòng Ngô Khê(洖溪) tại Kì Dương khi viết Ngô Khê minh tự: Ngô Khê tại Tương Thủy chi nam, ái kì thắng dị toại gia khê bạn, khê thế vô danh xưng giả dã, vi tự ái chi cố mệnh viết Ngô Khê (洖溪在湘水之南, 愛其勝異遂家溪畔, 溪世無名稱者也, 為自愛之故命曰洖溪 -Ngô Khê ở phía Nam sông Tương. Ta vì say đắm cảnh đẹp mà làm nhà bên suối. Suối vốn chưa có tên, ta vì yêu mến mà gọi Ngô Khê). Ông còn xây Ngô Đài, dựng Ngô Đình bên suối. Ngô Khê, Ngô Đài, Ngô Đình trở thành Tam Ngô. Như vậy, địa danh Ngô Khê (洖溪) cần được hiệu chính trong câu thơ này.

Trong bài 117 (tr.59a), Vạn lí khắc in Trí sĩ năng hoàn bích (智士能完壁). Sứ trình và Bích viên viếtTrí sĩ năng hoàn bích(智士能完璧). Bích (壁) gồm các nghĩa tường vách, thành lũy doanh trại quân đội, vách núi thẳng đứng. Chữ bích (壁) vàbích (璧) không được dùng thông nhau.Theo Thuyết văn giải tự của Hứa Thận, bích (璧) gồm ngọc là hình phù và tích là thanh phù, chỉ loại ngọc có hình tròn, nhẵn, rỗng giữa thường dùng cho các dịp tế tự, triều lễ, tang lễ… biểu thị sự kính và tín. Bích (璧) trở thành mĩ từ như ngọc đường bích môn (玉堂璧門),bích đài (璧臺)… Ở đây, tác giả dụng điển hoàn bích quy Triệu(完璧歸趙)(10). Câu thơ dùng từ bích (璧) vì các nghĩa của bích (壁) không phù hợp.

Như vậy, tập thơ ra đời trên đường đi sứ năm 1849 của Nguyễn Văn Siêu hiện còn 1 bản khắc in Vạn lí tập, 2 bản viết tay là Sứ trình Vạn lí tập và Bích viên tảo giám. Khảo sát các phương diện tình trạng văn bản, niên đại, khổ chữ, bài tựa, số bài thơ, tự dẫn và chú giải… đều cho thấy văn bản khắc in Vạn lí tập là văn bản cơ sở với những ưu điểm như tính minh xác về niên đại, tính quy phạm về hình thức, tính nguyên toàn về nội dung. Tuy vậy, văn bản cơ sở này vẫn còn những chữ khắc in bị sót cần bổ khuyết và những chữ khắc in nhầm lẫn cần hiệu chính để trở thành một văn bản hoàn thiện hơn.

Chú thích:

(1) Nguyễn Văn Siêu (1799-1872): còn có tên là Định (定), tự là Tốn Ban (遜班), hiệu là Phương Đình (方亭)vàThọ Xương cư sĩ (壽昌居士), thụy là Chí Đạo (志道).

(2) Nguyên văn là: 富學工詩(phú học công thi).

(3) Nguyên văn là:以文學名 (dĩ văn học danh).

(4) Cơ sở văn bản học Hán Nôm, Ngô Đức Thọ - Trịnh Khắc Mạnh, Nxb. KHXH, H. 2007, tr.221.

(5) Cơ sở văn bản học Hán Nôm, Ngô Đức Thọ - Trịnh Khắc Mạnh, Sđd, tr.223

(6) Giang Yêm (444-505), tự Văn Thông, người Tế Dương, làm quan trải ba đời Tống, Tề, Lương thời Nam Triều.

(7) Bích viêngồm 439 bài thơ. Trong 439 bài có 297 bài trùng với bản khắc in Phương Đình thi loại(方亭詩類), 72 bài trùng với các bản viết tay Phương Đình tạp chí loại(方亭雜誌類) và Phương Đình thi tập(方亭詩集), 2 bài Tam Ngô kí ý (三梧記意) và Cung lục Lập Trai thiên kí (恭錄立齋篇記) không phải thơ. 68 bài còn lại thuộc loại tồn nghi. Xin xem chi tiết phần khảo sát này trong bài Sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Văn Siêu trên Tạp chí Hán Nôm số 1/2009.

(8) Thứ tự các bài thơ được sử dụng theo bản khắc in Vạn lý.

(9) Chữ có tự dạng gồm phần trên là 艹, phần dưới là 泊.

(10) Thời Chiến Quốc, Huệ Văn Vương nước Triệu được ngọc Hòa Thị. Tần Chiêu Vương gửi thư cho Huệ Vương nói sẽ lấy 15 thành để đổi ngọc Hòa Thị. Lạn Tương Như nói với Huệ Văn Vương: “Thần xin mang ngọc đi, nếu thành về Triệu thì ngọc ở lại đất Tần, bằng không sẽ đem ngọc quay về Triệu”. Tương Như vào Tần, thấy vua Tần được ngọc rồi lại không có ý trao thành bèn lập kế lấy lại ngọc và trở về Triệu. Về sau, hoàn bích quy Triệugọi tắt hoàn bích (完璧),bích hoàn (璧還),phụng Triệu (奉趙),quy Triệu (歸趙) trở thành điển để chỉ vật còn nguyên vẹn.

Tư liệu tham khảo

1.Bích viên tảo giám (璧垣藻鑑), A.2589, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN).

2.Phương Đình thi loại (方亭詩類), VHv.838/1-4, (VNCHN).

3.Sứ trình Vạn lí tập (使程萬里集), A.2769, (VNCHN).

4.Nguyễn Thị Thanh Chung: Sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Văn Siêu, Tạp chí Hán Nôm, số 1/2009, tr.41-47.

5.Nguyễn Thị Thanh Chung: Tìm hiểu về cuộc đời Nguyễn Văn Siêu, Kỉ yếu Thông báo Hán Nôm học năm 2009, tr.189-204.

6.Lí Lạc Nghị:Tìm về cội nguồn chữ Hán, Nxb. Thế giới, H. 1997.

7.Trần Nghĩa - François Gros: Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Nxb. KHXH, H. 1993.

8.Trần Lê Sáng: Thơ Nguyễn Văn SiêuTạp chí Hán Nôm, số 5/2006, tr.1-9.

9.Nguyễn Như Thiệp… , Nét bút thần của Nguyễn Văn Siêu - thi ca và lịch sử, Nxb. Tân Việt, 1944.

10.Ngô Đức Thọ: Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại, Nxb. Văn hóa, H. 1997.

11.Ngô Đức Thọ - Trịnh Khắc Mạnh: Cơ sở văn bản học Hán Nôm, Nxb. KHXH, H. 2007.

12.Tuyển tập văn thơ Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu: Trần Lê Sáng chủ biên, Nxb. Hà Nội, H. 2010./.

TS Nguyễn Thị Thanh Chung, TrườngĐại học Sư phạm Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 5 (114) 2012; tr.48 - 54

20171019 Minh PhuongChị Phượng, anh Minh và con gái (từ trái qua) trong một hoạt động của khoa Văn học. Ảnh: Minh Phượng

Anh Minh và chị Phượng trở thành hai thạc sĩ Hán Nôm đầu tiên của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM.

Anh Hồ Ngọc Minh và chị Lý Hồng Phượng là hai học viên tốt nghiệp lớp cao học Hán Nôm đầu tiên của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM). 

Ngày 21/8, anh Minh bảo vệ luận văn Nghiên cứu và phiên dịch tác phẩm "Mỗi hoài ngâm thảo" của Hà Đình Nguyễn Thuật do TS Lê Quang Trường hướng dẫn; chị Phượng với đề tài Chữ Nôm Nam Bộ qua khảo sát tác phẩm "Kim cổ kỳ quan" của Nguyễn Văn Thới do TS Nguyễn Ngọc Quận hướng dẫn.

Cả hai luận văn được Hội đồng đánh giá là công phu, có trình độ và đều đạt 9,5 điểm. Hôm đó cũng là dịp kỷ niệm 10 ngày cưới của họ.

Hoàn thành cao học, anh chị rất vui bởi tạm thời đã vượt qua được chặng đường mới. "Niềm vui giống như hồi tốt nghiệp đại học, thấy mình còn quá nhiều việc phải làm, quá nhiều thứ phải tiếp tục cải thiện", anh Minh chia sẻ.

Theo gia đình vào Khánh Hòa sống từ nhỏ, thỉnh thoảng anh Minh mới có dịp về quê Thanh Hóa. Ông nội biết chữ Nôm, mỗi dịp về quê đều được ông đem gia phả dòng họ bằng văn tự này ra cho xem và đọc cho nghe. Dù chưa hiểu gì nhưng cậu bé Minh bắt đầu tò mò về loại chữ "trông loằng ngoằng như giun".

Đầu năm 2000, anh thi đậu đại học, theo ngành Ngữ văn và Báo chí. Đến học kỳ thứ ba trước khi phân ngành, anh được học môn Chữ Nôm cơ sở do TS Nguyễn Ngọc Quận giảng dạy. "Đó là môn đầu tiên, cũng là duy nhất hồi đại học tôi rớt nên khá buồn. Tự nghĩ môn này có gì khó đâu mà mình lại rớt, thế là tôi quyết theo học chuyên ngành Hán Nôm để chinh phục nó", anh kể.

Thêm nữa, sinh viên theo theo học ngành Hán Nôm sẽ được miễn học phí, vừa được nhận học bổng nếu đạt kết quả tốt. Nhà nghèo, sinh hoạt ở Sài Gòn đắt đỏ nên với cậu sinh viên ngày đó, điều này càng thêm phần hấp dẫn.

Chị Phượng học cùng ngành với anh Minh nhưng sau một lớp. Vốn thích tìm hiểu sử Việt, nên khi phân ngành chị đã chọn Hán Nôm. 

Thời còn ngồi ghế giảng đường đại học, họ chưa để ý đến nhau, chỉ xem nhau là bạn đồng môn. Sau đó cả hai thường gặp gỡ mỗi năm ngành Hán Nôm tổ chức họp mặt truyền thống, lớp trước đón lớp sau, cùng chia sẻ kinh nghiệm học tập... Khi đó, cả hai mới quyết định tìm hiểu và tiến tới hôn nhân.

Người chồng sau đó học thêm nghề thuốc đông y, vừa bốc thuốc vừa làm một số dự án liên quan đến chữ Hán, còn người vợ làm ở một công ty phần mềm về từ điển. Cả hai đều muốn học lên cao để vững vàng hơn trong ngành, song muốn học thạc sĩ Hán Nôm phải ra Hà Nội nên họ tạm gác lại giấc mơ.

Ba năm trước, khi Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM khai giảng khóa cao học Hán Nôm, vợ chồng anh cùng đăng ký. Học Hán Nôm khó, ngày nào cũng đọc các văn bản cổ nên dễ bị chai sạn cảm xúc. Rất may, họ có những người thầy nhiệt huyết, biết truyền cảm hứng và niềm say mê cho học trò.

Theo anh Minh, cũng như các ngành khác, Hán Nôm có cả khó khăn lẫn thuận lợi, muốn hiểu phải tự học, tự đọc nhiều bởi thời gian ở trường không thể giải quyết hết được. "Ngày xưa các cụ chỉ đọc sách kinh nghĩa thôi mà đã mất cả chục năm chưa xong, nay mình chỉ học 4-5 học kỳ ở trường đại học nên chẳng thể nào đủ để hiểu đúng được, chứ đừng nói là hiểu sâu sắc", anh chia sẻ.

Học cùng từ đại học đến cao học, cùng chung một nhà suốt 10 năm nay, phần nhiều thời gian của hai vợ chồng dành cho môn Hán Nôm. Họ quan niệm, tất cả các môn học về văn hóa, văn minh phương Đông, trong đó có Việt Nam ít nhiều đều liên quan đến Hán Nôm. Ngành học cho những kiến thức nền tảng, cơ bản nhất để đào sâu các lĩnh vực khác như văn học, lịch sử, văn hóa của người Việt.

Nhớ lại những ngày khó khăn khi vợ chồng phải phân bổ thời gian cho việc học, mưu sinh và chăm lo con gái lớp 3, chị Phượng kể: "Có nhiều buổi học hay hội thảo chuyên đề trùng với ngày nghỉ của con, chúng tôi phải dắt bé theo dự. Thầy cô, bạn bè quen mặt bé nên hay trêu đây là nhà khoa học trẻ tuổi nhất".

Theo chị Phượng, nhiều bạn trẻ thường ngán ngẩm khi nghĩ về ngành Hán Nôm bởi vừa khó, vừa khô khan, cơ hội xin việc ít. Song, bạn bè đồng lứa anh chị ra trường vẫn nhanh chóng có việc làm ổn định. Dĩ nhiên, lương bổng không cao như người làm kinh doanh, nhưng đủ để "sống ổn" nếu chịu khó làm việc.

Hai tân thạc sĩ cho rằng, học Hán Nôm cho tới, biết vận dụng linh hoạt thì người học sẽ làm không hết việc. Nhu cầu xã hội ở ngành này vẫn có trong khi nguồn nhân lực đang khan hiếm, cơ hội du học để phát triển chuyên sâu cũng rộng mở.

Từ năm học này, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM miễn học phí cho học viên cao học chuyên ngành Hán Nôm, nhằm duy trì, phát triển lực lượng nghiên cứu sâu về văn hóa dân tộc.

Hán Nôm là một trong những ngành học lâu đời nhất của trường, có từ thời Đại học Văn khoa Sài Gòn với những học giả lớn như Bửu Cầm, Nghiêm Toản, Trần Trọng San, Lưu Khôn, Nguyễn Khuê, Huỳnh Minh Đức.

Nguồn: VnExpress, ngày 19.10.2017

20170807. Sach HNom

Nghiên cứu Hán Nôm có một vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc, điều đó ai cũng thừa nhận. Nhưng đối tượng của nghiên cứu Hán Nôm là gì? Vai trò của việc nghiên cứu Hán Nôm quan trọng như thế nào trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá Việt Nam?

20171016 LHP HNM

Ảnh: Cả gia đình (góc trái) chụp hình lưu niệm với ông Dương Trung Quốc -  Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam và các thầy cô Khoa Văn học trong Hội thảo Hà Đình Nguyễn Thuật - Danh nhân văn hóa tổ chức tại Quảng Nam, tháng 9/2015. Ảnh: NVCC

 

Đó là đôi vợ chồng anh Hồ Ngọc Minh và chị Lý Hồng Phượng vừa bảo vệ thành công luận văn cao học ngành Hán Nôm tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM với điểm loại xuất sắc. Điều ấn tượng ở đôi uyên ương này là họ đã phải chật vật vượt qua khó khăn trong cuộc sống và của ngành học để có kết quả học thuật rất đáng trân trọng.

“Thật ra, chuyện mình và vợ cùng tốt nghiệp cao học Hán Nôm là một sự trùng hợp. Nhiều nhà nghiên cứu Hán Nôm trẻ đầy tài năng gần đây đóng góp nhiều công trình dịch thuật, nghiên cứu đặc sắc, họ xứng đáng để được viết hơn mình. Tụi mình cũng như bao học viên của các ngành học khác, cũng vừa học, vừa làm, tất bật với gia đình nên không có gì đáng để viết đâu”, cuộc trò chuyện đầu tiên với anh qua điện thoại cứ trôi đi như thế.

Phải thuyết phục anh rằng, câu chuyện về anh và chị trong bài viết này sẽ góp thêm, dù thật dung dị và nhỏ bé, niềm cảm hứng và sự sẻ chia của người đi trước cho những sinh viên vốn vô cùng ít ỏi đang theo học ngành Hán Nôm, anh mới chần chừ rồi gật đầu. Phía sau lời đồng ý ngại ngùng ấy là 10 năm vợ chồng anh chờ đợi để được theo học cao học Hán Nôm.

Nhất nhật phu thê

Một ngày của anh chị bắt đầu bằng việc dậy thật sớm để cùng nhau đưa con gái đến trường. Lo xong việc đưa đón, anh về nhà kê đơn bốc thuốc, chị lụi cụi sau bếp nấu nướng quét dọn rồi phụ anh. “Từ ngày cưới nhau, hai vợ chồng mình hầu như cùng nhau làm mọi việc. Cùng làm chung công ty, cùng chọn trường và đưa con đi học. Đối với chuyện cao học, vốn hai vợ chồng cùng niềm đam mê nên khi có lớp cả hai cùng tiếp tục song hành”.

Có những buổi học, ngày thi, hay đợt hội thảo khoa học mà anh chị cùng tham gia lại trùng vào ngày con nghỉ nên phải dắt con theo vì không có ai để gửi. “Việc con đến lớp cùng ‘học’ với cha mẹ trở thành chuyện bình thường, các thầy cô cũng thông cảm hay gọi đùa bé là ‘nhà khoa học trẻ tuổi nhất’”. Với anh chị, dù việc lớn nhỏ nào cũng không thể thiếu người còn lại, bởi lẽ nhất nhật bất kiến như tam thu hề.

Quê anh tận Khánh Hòa còn chị ở Tây Ninh. Vào Sài Gòn trọ học, Hán Nôm học với anh chỉ là chút kỷ niệm của cậu bé năm 6 tuổi khi về quê thăm người ông họ. “Lúc đó còn quá nhỏ, mình không biết những chữ ngoằn ngoèo này là gì, chỉ biết ông viết gia phả dòng họ bằng văn tự này. Mỗi dịp mình về thăm quê đều được ông đem ra cho xem và đọc mình nghe từng chữ một”. Nhưng đó chỉ là cuộc gặp tình cờ với Hán Nôm cho đến khi anh - một sinh viên chưa từng bị rớt môn lại không thể vượt qua môn học này.

Năm II đại học, anh được học môn Chữ Nôm cơ sở do thầy Nguyễn Ngọc Quận giảng dạy. “Nói chung mình học các môn khác không tệ lắm, vì vẫn được nhận học bổng của trường. Nhưng khi thi kết thúc môn này, mình lại không vượt qua được. Điều đó vừa khiến mình rất buồn lại vừa kích thích mình để ý nhiều hơn đến những gì liên quan Hán Nôm” - anh bộc bạch.

Ngành học Hán Nôm còn hé mở cho những sinh viên tỉnh lẻ như anh thêm nghị lực khi không phải trả học phí cho trường và được nhận học bổng nếu học tốt. “Một tháng gia đình chu cấp 200 - 300 ngàn cho mình chi tiêu mọi thứ từ ăn, ở, học hành. Sinh viên nào đạt học bổng loại giỏi sẽ được 180 ngàn, loại khá là 120 ngàn, còn loại xuất sắc tới 250 ngàn. Những năm 2000, số tiền này đối với sinh viên tụi mình là những ưu đãi thật sự hấp dẫn”.

Vào đại học sau anh một khóa, chị nói chỉ biết mình chọn Hán Nôm vì rất thích Việt sử thời phong kiến. Cái thời đoạn mà nếu chỉ đọc bằng quốc ngữ, với chị đã vơi đi phần nào những trầm hùng, hào hoa trong muôn vàn trang sách mà cổ nhân nhọc công biên soạn. Đi qua tháng năm giảng đường miệt mài dò dẫm từng con chữ cổ, những niệm ý thuở đầu của chị giờ đây đã dành trọn cho chữ Nôm. Để rồi trong luận văn cao học của mình, hơn 300 chữ Nôm mới được chị cùng người thầy hướng dẫn tìm thấy từ tác phẩm Kim cổ kỳ quan - một tác phẩm viết bằng chữ Nôm về tôn giáo nổi tiếng của Nam bộ. Nhưng đó là câu chuyện của hơn 10 năm sau.

Tốt nghiệp đại học, chị làm việc cho một công ty chuyên về từ điển, anh bươn chải với đủ ngành nghề như viết báo, dịch sách, làm công ty cùng chị rồi lại nghỉ đi học ngành y. Hỏi anh theo Hán Nôm khó tìm việc như vậy sao còn kiên trì học? Anh nói: “Thời chiến cha ông mình còn học được, huống chi thời bình, có khó mấy cũng phải học. Tuy khó tìm việc đúng chuyên ngành và cũng không thể có lương như người học kinh tế, nhưng vẫn có thể mưu sinh được. Nếu thực sự học đến nơi đến chốn thì chỉ sợ người học Hán Nôm không có sức mà làm hết việc”.

Tất bật mưu sinh là vậy nhưng anh chị vẫn muốn bước tiếp con đường mà thuở đại học hai người chỉ vừa mới dạo quanh. “Khi đó Sài Gòn chưa có nơi nào đào tạo, muốn học cao học Hán Nôm phải ra Hà Nội. Điều kiện cá nhân không cho phép, nên mình tạm dừng để lo mưu sinh và chờ đợi”. Nhưng anh chị đâu biết rằng lần chờ đợi này đã phải mất hẳn 10 năm.

Cuộc chạy tiếp sức của nhiều thế hệ

Ngày biết tin trường chiêu sinh học viên, anh cùng chị chạy vội đến trường tìm hiểu thông tin rồi đăng ký. “Bỏ dở cả 10 năm, phần lớn kiến thức ngày trước đã mai một rất nhiều. Học Hán Nôm là phải tiếp xúc mặt chữ liên tục, nếu không luyện mỗi ngày sẽ quên sạch trơn. Lúc ôn thi, cả hai vợ chồng khá lo vì không biết có thi đậu nổi không. Có nhiều chữ mình nhớ nghĩa nhưng không biết cách ghi, lại có chữ nhìn rất quen nhưng quên mất thuộc nghĩa. Nhưng cũng may, cả hai vợ chồng đều vượt qua kỳ tuyển sinh đó”.

Hán Nôm thật sự là một ngành học thách thức, thách thức sự kiên trì nhẫn nại, thách thức mức độ “lãng mạn” của người học. “Ngày nào cũng đối mặt với văn bản cổ, nên cái gì nhìn mãi có lúc cảm xúc chợt chai sạn. Học đó rồi cũng quên đó. Nhưng may mắn cho tụi mình là có những người thầy luôn biết truyền cảm hứng và lòng nhiệt huyết cho học trò. Suốt quá trình nghiên cứu và viết luận văn, mình thấy đó không chỉ là những người thầy, mà còn là cộng sự, đối tác và là bạn bè của người học. Tụi mình cùng các thầy trao đổi rất thoải mái nhiều vấn đề, không chỉ về học thuật mà còn về cuộc sống. Là người dẫn dắt nhưng các thầy hết sức khiêm tốn và bao dung, tất cả vì sự tiến bộ của học trò”.

Anh kể khi làm đề tài về thơ đi sứ của Hà Đình Nguyễn Thuật với thầy Lê Quang Trường, những tài liệu mà trong Nam hai thầy trò dốc công tìm hoài nhưng vẫn chưa đủ, thầy đã nhiệt tình hỏi thăm bạn bè, tìm được nhiều văn bản cổ khắp các thư viện miền Bắc. “Ngoài sự giúp đỡ của thầy, mình còn được anh Nguyễn Thanh Hoài, Trường Đại học Đà Lạt giúp sức, bằng cách nhiều lần vào Cục Lưu trữ quốc gia IV để lục tìm, đọc duyệt cẩn thận rồi gửi bản chụp cho mình, dù những lúc ấy anh đang rất bận việc gia đình. Nhờ đó, mình đã có được tư liệu quý để hoàn thành luận văn. Có lẽ đây là truyền thống của người học Hán Nôm, luôn tương trợ nhau hết lòng”.

Còn vợ anh, vì phải chăm sóc con gái nhỏ, lại thêm quán xuyến chuyện gia đình, nên “uỷ quyền” cho anh đồng hành cùng thầy Nguyễn Ngọc Quận, thực hiện cuộc hành trình theo dấu người xưa, nơi ông Ba Thới đã cho ra đời tác phẩm Nôm dài gấp nhiều lần truyện Kiều. Anh kể “Mình cùng thầy cỡi xe gắn máy hết gần một tuần, nhưng thật sự vẫn chưa thoả mãn. Hành trình bắt đầu từ Sài Gòn qua Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp rồi đến An Giang, vòng về Cần Thơ. Có khi phải băng đường lầy lội tới những chỗ xa, có lúc phải luỵ đò để đi tiếp. Vất vả nhưng khi được chạm tay vào những tấm văn bia, bản sách gốc bằng chữ Hán Nôm của tiền nhân để lại, thì bao mệt nhọc như tan biến”.

Dường như không chỉ riêng anh mà bất cứ ai học Hám Nôm đều hiểu rằng cái thú nhất của sự học là được điền dã. Có tới tận nơi để được thấy, được chạm vào những hàng chữ dọc câu đối, câu liễn, các văn từ, sách cổ hay các văn bia tại miếu mạo, đình chùa mới có thể cảm hết khí thái, hồn cốt của từng chữ Hán, Nôm. Bởi mỗi con chữ ấy đều mang lấy những thể phách riêng biệt. Chúng ẩn chứa trong mình là tâm thế và tư thế của người viết, từ thế bút, dáng bút, lực viết đến xúc cảm và cả tâm tưởng đều ngồn ngộn, chợt chực trào nhưng lại ẩn kín sâu xa. “Rất dễ nhận thấy, những sinh viên Hán Nôm sau khi điền dã xong, dẫu có chạy ngoài đường, ngang qua một ngôi chùa nào đó nằm xa xa trong hẻm, chắc chắn họ sẽ dừng lại để nhìn xem những chữ Hán, chữ Nôm được đề trên đó là gì”.

Lớp cao học Hán Nôm có ba thành viên, ngày bảo vệ luận văn chỉ anh chị kịp hoàn thành. Đó cũng là ngày anh chị vừa tròn 10 năm kết tóc. Chị nói, đây là một sự ngẫu nhiên, một kỷ niệm thú vị trong đời. “Lúc giáo vụ khoa liên hệ các thầy cô để lập hội đồng bảo vệ luận văn cho hai vợ chồng, thầy cô ai cũng báo bận hết, chỉ còn rảnh vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9. Rồi không biết tình cờ thế nào, ngày bảo vệ lại trùng khớp như vậy”.

Cùng tốt nghiệp loại xuất sắc, nhưng với anh chị những hiểu biết của bản thân “thật không đáng để kể đến”. Bởi “cái khó của Hán Nôm là phải tự học, thời gian ở trường không thể giải quyết hết được. Ngày xưa các cụ chỉ đọc sách kinh nghĩa thôi mà đã mất cả chục năm chưa xong, nay mình chỉ học bốn, năm học kỳ ở trường, cho nên vẫn chưa đủ để hiểu đúng được, chứ đừng nói là hiểu sâu sắc. Các cụ bước vào trường rồi còn học trò như tụi mình mới đứng trước cổng mà ngắm nghía thôi”.

Anh chị cùng tâm sự chỉ ước ao trường có thể mở bậc tiến sĩ Hán Nôm để cả hai được học tiếp. “Học ở Hà Nội thì không thể được rồi, vì phải lo cho con cái nữa”. Con đường nghiên cứu Hán Nôm vẫn còn mênh mông lắm. “Chúng mình chỉ tiếc khối tư liệu Hán Nôm đồ sộ của đất nước tồn tại qua tháng năm, số ở trong dân, số ở trong các viện lưu trữ, vẫn chưa được khai thác hết, chưa kể việc chúng hư hỏng là điều khó tránh khỏi. Mà để giải mã hết kho tư liệu ấy, chúng ta cần một cuộc hành trình chạy tiếp sức của nhiều thế hệ. Nhiều nhà Hán Nôm học tiền bối đã tiên phong, các thế hệ thầy cô mình đã miệt mài, chúng mình cũng muốn tham gia vào hành trình ấy, và rất hy vọng các bạn trẻ sau này cũng sẽ hưởng ứng. Không phải ngẫu nhiên mà Nhà nước có những chương trình ưu đãi cho sinh viên Hán Nôm như vậy. Kinh tế và văn hóa là những trụ cột tạo nên một quốc gia cường thịnh, không thể thiên lệch về bên nào”.  

Cuộc trò chuyện của chúng tôi tạm kết trong những dòng chia sẻ của anh chị: “Ai trong cuộc đời cũng chọn cho mình một lối đi với muôn vàn lựa chọn để luôn cảm thấy mình hạnh phúc. Chúng mình hạnh phúc với lựa chọn học là nghiên cứu Hán Nôm, hy vọng tình yêu này sẽ dẫn lối giúp chúng mình hiểu thêm về những giá trị nguồn cội của dân tộc”.

 

Những học viên dấn thân

Với đề tài “Nghiên cứu và phiên dịch tác phẩm Mỗi hoài ngâm thảo của Hà Đình Nguyễn Thuật” do TS Lê Quang Trường hướng dẫn, anh Hồ Ngọc Minh đã phân tích những sai lầm trong dịch thuật của một số công trình đi trước, đồng thời phiên dịch, chú thích hơn 300 bài trong tác phẩm này. Còn chị Lý Hồng Phượng với đề tài “Chữ Nôm Nam bộ qua khảo sát tác phẩm Kim cổ kỳ quan của Nguyễn Văn Thới” do TS Nguyễn Ngọc Quận hướng dẫn đã đưa ra hơn 300 chữ Nôm chưa hề có trong các từ điển chữ Nôm trước nay. Ngày 21/8, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức lễ bảo vệ luận văn cho hai anh chị. Cả hai đều được hội đồng bảo vệ đánh giá kết quả xuất sắc với điểm số 9,5.

PGS.TS Đoàn Lê Giang - Trưởng Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM cho biết: “Vợ chồng anh Hồ Ngọc Minh và chị Lý Hồng Phượng là những học viên khai khóa với tinh thần cầu tiến, cần mẫn và đầy nhiệt huyết với ngành Hán Nôm học. Hán Nôm vốn là một ngành vừa khó học lại vừa khó về mặt mưu sinh cho người theo học. Khoa chúng tôi có được những học viên quyết dấn thân trên con đường khoa học chông gai như vậy thật đáng quý. Do đó, khoa sẽ giữ lại một trong hai anh chị để trở thành nghiên cứu viên của khoa, tiếp tục cống hiến và truyền cảm hứng cho các thế hệ tiếp nối.

Riêng đối với anh Hồ Ngọc Minh, anh không chỉ giỏi trong việc nghiên cứu mà còn biết vận dụng kiến thức về Hán Nôm vào lĩnh vực y học cổ truyền mà anh tích lũy trước đó. Nhờ nghiên cứu về Hán Nôm, anh có thể đọc được các tài liệu nguyên bản và các tài liệu tiếng Hoa, điều chế nhiều phương thuốc cổ truyền hữu hiệu để chữa bệnh cho nhiều người”.

 

Miễn học phí cao học ngành Hán Nôm

Hán Nôm học từng là một trong những lĩnh vực học thuật phát triển mạnh của Đại học Văn Khoa Sài Gòn với những tên tuổi học giả thời danh như: Nghiêm Toản, Bửu Cầm, Trần Trọng San, Lưu Khôn, Nguyễn Khuê… Tiếp nối truyền thống học thuật này, PGS.TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM cho biết: “Hiện nay, chiến lược phát triển Hán Nôm của nhà trường tập trung vào hai nhiệm vụ: sưu tầm tư liệu và đào tạo nhân lực”.

Ông Sen cho biết, năm 2011, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM thành lập Phòng Tư liệu Hán Nôm và giao Khoa Văn học phụ trách thu thập các văn bản, tài liệu ở các tỉnh Tây Nam bộ. “Dự án ‘Sưu tầm tư liệu Hán Nôm ở Nam bộ’ là một trong nhiều dự án nghiên cứu về Hán Nôm học do ĐHQG-HCM hỗ trợ. Thông qua dự án này, hàng ngàn đầu tư liệu Hán Nôm được các giảng viên của trường đến gõ cửa hàng trăm đình chùa, miếu mạo hay các nhà sưu tập tư liệu Hán Nôm để thu thập và bảo quản tại Phòng Tư liệu Hán Nôm. Công việc thu thập và bảo quản các tư liệu Hán Nôm tuy tốn nhiều công sức nhưng đây là những di sản văn hóa của cha ông, không thể nào chậm trễ được. Hiện nay, nhà trường đã mở rộng khu vực thu thập đến các tỉnh Trung phần Việt Nam. Có thể nói rằng, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM là một trong những nơi hiếm hoi lưu giữ và bảo quản tư liệu Hán Nôm đầy đủ nhất miền Nam”.

Ông Sen còn cho biết, hằng năm, nhà trường tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo khoa học về Hán Nôm học, thu hút sự quan tâm của đông đảo học giả quốc tế. Gần đây nhất là tọa đàm về thơ đi sứ của các sứ giả Việt Nam ở Trung Quốc do GS Trần Ích Nguyên - Đại học Quốc lập Thành Công, Đài Loan là diễn giả chính.

Theo Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, song song với hoạt động sưu tầm tư liệu Hán Nôm, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực này “là hết sức cấp bách”. Ngày 24/8, PGS.TS Võ Văn Sen ký quyết định miễn học phí cho học viên cao học chuyên ngành Hán Nôm từ năm học 2017-2018.

“Nhà trường luôn chú trọng đào tạo đội ngũ chuyên gia dịch thuật, nghiên cứu các tư liệu Hán Nôm. Nhiều chuyên gia nổi tiếng tầm quốc tế, tiêu biểu như TS Nguyễn Nam - hiện là chuyên gia của Viện Harvard Yenching, ĐH Harvard. Nếu không có đội ngũ chuyên gia này, thế hệ trẻ hôm nay sẽ không thể tiếp cận được di sản tinh thần mà cha ông tích lũy hơn một ngàn năm qua. Và đó sẽ là nhát cắt đoạn tuyệt với ý thức của dân tộc” - ông Sen nhấn mạnh.

 

(Bản tin ĐHQG-HCM, số 182 tháng 10/2017)

20170802. thien nhien

1. Trong giáo trình Cơ sở ngữ văn Hán - Nôm (Tập 1), nhà nghiên cứu Hán Ngữ Đặng Đức Siêu đã quan niệm: "Hư từ nói chung là những từ chỉ có ý nghĩa ngữ pháp về đại thể bao gồm: giới từ, liên từ, trợ từ các loại". Trần Văn Chánh trong cuốn Sơ lược ngữ pháp Hán Văn đã phân loại hư từ gồm 5 loại: phó từ, giới từ, liên từ, trợ từ, thán từ. Cổ văn xưa sử dụng hư từ rất nhiều bởi vì đó là những công cụ ngữ pháp quan trọng. Nó được dùng để diễn đạt tư duy phán đoán, suy lí, dùng để xác lập những quan hệ hoặc những tính hiệu ngắt câu (trong văn xuôi cổ ngày xưa người ta không dùng dấu chấm câu). Đó là những từ như: chi, hồ, giã, dã, hỉ, nhĩ, hựu, tương, dữ....Trong thơ cổ trước thời Đường số lượng hư từ cũng có hiện diện nhưng ít hơn so với văn xuôi:

Hỗ giang dữ tịch chi hề,

Nan thu lan vi bội,

Cốt dư nhược tương bất cập hề,

Khủng niên tuế chi bất ngô dữ.

(Ly tao - Khuất Nguyên)

(Hái giang ly và bạch chỉ a - Xâu lan mùa thu làm vòng đeo - Ta vội vàng như chẳng kịp a - Sợ tuổi tác chẳng chờ ta)

Do đặc điểm của thơ nói chung, thơ cần nói gọn, có vần, có nhịp, ngắt câu tương đối đều đặn... nên hư từ nhiều khi không cần thiết, nhất là đến thời Đường do đặc trưng nghệ thuật, do yêu cầu ngắn gọn hàm súc... nên hư từ càng giản lược đi rất nhiều.

2. Về quan niệm sử dụng hư từ trong thơ, các nhà lí luận cổ điển của Trung Quốc đã khá thống nhất với nhau ở một số điểm. Triệu Mạnh Phủ (đời Nguyên) cho rằng: "Thơ mà dùng hư từ thì yếu". Tạ Trăn, nhà bình luận đời Minh cũng nhấn mạnh: "Dùng nhiều thực từ thì ý giản mà câu mạnh, dùng nhiều hư từ thì ý phồn mà lời yếu". Như vậy trong quan niệm của các nhà lí luận cổ điển trên, việc vận dụng phổ biến thao tác tỉnh lược hư từ (đã trình bày cụ thể ở phần tỉnh lược) không giản đơn chỉ là vì yêu cầu kiệm lời mà chủ yếu xuất phát từ quan niệm về vẻ đẹp của lời nói hàm súc, cô đọng, giản dị. Trong thực tế, từ thơ Đường trở về sau và thơ chữ Hán của văn học trung đại Việt Nam, hư từ được sử dụng rất hạn chế trong thơ. Hiếm lắm ta mới bắt gặp những chi, hồ, giả, dã trong Đường thi.:

Tá vấn bạch đầu ông

Thuỳ vân kỉ thế ?

                       (Vương Xương Linh)

(Nhắn hỏi ông đầu bạc - Buông câu đó mấy đời ?)

Tự quân chi xuất ,

Bất phục lí tân ki.

                                 (Tự quân chi xuất hĩ - Trương Cửu Linh)

(Từ ngày chàng bước ra đi - cái khung dệt cửi chưa hề dúng tay)

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những ý kiến tỏ ra kín kẽ hơn như Nguyễn Khắc Phi đã có những nhận xét xác đáng: "Trong luật thi, vận dụng hư từ rất khó song nếu vận dụng thành công thì đó lại thường là những điểm sáng của bài thơ. Thực từ như máu thịt, như xương cốt, hư từ như gân khớp. Gân khớp linh động mới chuyển động nhanh được"(1). Hay nói như Nguyễn Sĩ Đại: “Ta thấy cái đặc sắc của sự tỉnh lược. Nhưng khi cố tình dùng các hư từ, các nhà thơ tứ tuyệt đã đem lại cho người đọc một hứng thú không kém phần thú vị” (2). Như vậy trong thơ Đường vẫn có sử dụng hư từ tuy ở mức hạn chế nhưng khi đã sử dụng thì những hư từ ấy có giá trị không nhỏ trong việc tạo dựng những đặc sắc nghệ thuật của bài thơ, thậm chí chúng được xem như là “nhãn tự”. Trong bài viết Cái hay của thơ Đường, nhà nghiên cứu Phan Ngọc (Nhữ Thành) đã có nhận xét: “Vì mục đích của thơ Đường là nêu tính thống nhất cho nên tất cả những hư từ này có tác dụng giới thiệu sự đồng nhất đều được sử dụng” (3). Thế nên ta không thể phủ nhận có một hệ thống hư từ đã được sử dụng trong Đường thi đã đem lại cho người đọc một hứng thú không kém phần thú vị.

3. Thơ thiên nhiên đời Trần đã tiếp nhận hệ thống hư từ này với tư cách là những “nhãn tự” đặc biệt. Hệ thống hư từ mà người viết muốn đề cập ở đây trước tiên là những hư từ như: dữ (), tương (), cộng (). Có nghĩa đại khái là cùng nhau.

Trong bài thơ Xuân đán, Chu Văn An viết:

身與孤雲長戀岫,

心同古井不生瀾。

Thân dữ cô vân trường luyến tụ,

Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan.

 (Thân ta cùng đám mây cô đơn mãi mãi lưu luyến hốc núi - Lòng giống như mặt giếng cổ, chẳng hề gợn sóng).

Câu thơ sử dụng dữ () nhằm thể hiện sự đồng nhất, hoà nhập giữa thi nhân và thiên nhiên. Nhà thơ muốn sống cảnh nhàn dật nơi thâm sơn, ở đấy chỉ có thiên nhiên và lòng người không còn vướng bận những nỗi lo toan của trần thế.

Một lần đến chùa Đông Sơn, Trần Minh Tông đã cảm tác bài Đề Đông Sơn Tự, trong  hai câu thơ đầu như sau:

雲似青山山似雲

雲山長與老僧親。

Vân tự thanh sơn sơn tự vân,

Vân sơn trường dữ lão tăng thân.

(Mây tựa núi xanh, núi tựa mây - Mây và núi mãi mãi gần gũi với nhà sư già)

Trong câu thơ này dữ có vai trò như một chất keo nối kết hai hình ảnh mây núi vào vị sư già nhằm khắc họa không gian Thiền, không gian ẩn dật tiêu biểu của Thiền nhân. Trong thơ Nguyễn Khuyến ta cũng bắt gặp hình ảnh này:

Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá,

Sư cụ nằm chung với khói mây.

(Nhớ cảnh chùa Đọi)

Bên cạnh việc dùng dữ (), thơ thiên nhiên đời Trần còn dùng tương (), cộng, () để nêu lên quan hệ tương hỗ. Trong một bài thơ cảm tác trước cảnh xuân, bài Xuân Cảnh, Trần Nhân Tông đã viết:

楊柳花深鳥語池

花堂簷影暮雲飛

客來不問人間事

共倚欄杆看翠微

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,

Hoa đường thiềm ảnh mộ vân phi,

Khách lai bất vấn  nhân gian sự,

Cộng ỷ lan can khán thúy vi.

 (Sâu trong khóm hoa dương liễu, chim hót chậm rãi - Dưới bóng thềm ngôi nhà chạm vẽ, mây chiều lướt bay - Khách đến chơi không hỏi việc người đời - Cùng dựa lan can ngắm màu xanh của chân trời).

Con người vô ngôn là hình ảnh nổi bật trong thơ thiên nhiên đời Trần. Các thi nhân đề cao sự trực cảm, bác bỏ sự suy luận lí trí nên họ xem thường ngôn ngữ, bởi ngôn ngữ hữu hạn không thể diễn đạt được chân lí vô cùng. Họ chủ trương con đường duy nhất đạt được chân lí là sự chứng nghiệm của bản thân chứ không thể thay thế bằng sự học hỏi qua những lời diễn giải, thuyết minh. Ở bài thơ này ta thấy khách và chủ vốn đều là những con người vô ngôn, họ không trò chuyện. Nhưng thực chất họ đã nói với nhau rất nhiều. Điều đó đã được thể hiện qua hư từ cộng. Cộng lúc này trở thành nhãn tự của cả bài thơ. Cộng thể hiện sự hoà nhập, hoà hợp giữa hai tâm hồn với nhau đồng thời giữa hai tâm hồn ấy với thiên nhiên tạo vật. Cả khách - chủ đều đã đạt được sự đại ngộ bởi khi họ đã cùng bình tâm, tâm đã tĩnh từ đó mà họ có thể chiêm nghiệm lẽ đời, những "nhân gian sự" từ thiên nhiên ngoại vật.

Thiền sư Huyền Quang viết trong Hoá châu tác:

海天草木共愁吟

Hải thiên thảo mộc cộng sầu ngâm

(Cây cỏ trời biển cùng ta ngâm nga nỗi buồn).

Nguyên tắc tìm kiếm mối giao hoà giữa con người và thiên nhiên là cấu tứ phổ biến trong thơ thiên nhiên đời Trần. Ở câu thơ này, con người và thiên nhiên có sự đồng cảm sâu sắc cùng vui, cùng buồn, cùng hòa điệu. Hư từ cộng đã làm nổi bật mối giao cảm đặc biệt giữa người và cảnh. Đến đây ta lại nhớ đến câu thơ trong bài Sơ nguyệt của Nguyễn Du :

一庭霜露共愁眠

Nhất đình sương lộ cộng sầu miên

Trước khi Nguyễn Trãi viết những câu thơ như: "Núi láng giềng, chim bầu bạn - Mây khách khứa, nguyệt anh tam" (Thuật hứng XIX) thì trước đó hơn trăm năm năm Trần Anh Tông đã viết:

  絕峰更有學仙者

  清風明月相為鄰    

   Tuyệt phong cánh hữu học tiên giả

   Thanh phong minh nguyệt tương vi lân (4)

 (Trên đỉnh núi cao nhất lại có người học đạo tiên - Cùng gió mát trăng trong kết bạn láng giềng).

Hư từ tương trong câu thơ trên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xác lập nghĩa cho cả hai câu thơ. Lúc này chữ tương đóng vai trò như là "một sợi dây liên hệ" nối câu trên và câu dưới. Bên cạnh ý nghĩa ngữ pháp, nó còn có sự liên kết về mặt ngữ nghĩa: con người (tiên giả) hoà hợp với thiên nhiên (thanh phong minh nguyệt) trở thành tri âm tri kỉ.

Trong  một câu thơ khác trong bài Đăng Bảo Đài sơn, Trần Nhân Tông viết:

雲山相遠近

Vân sơn tương viễn cận

                                                (Núi như mây, ngọn xa ngọn gần).

Hư từ tương ở trường hợp này, đã liên kết hai tính chất của vân sơn là gần xa góp phần tạo dựng một không gian trải dài từ gần cho đến xa.

Bên cạnh các hệ hư từ nêu trên thơ thiên nhiên đời Trần còn sử dụng các hư từ  như: hựu (), tại (). Nguyễn Trung Ngạn, một đêm đậu thuyền ở Kim Lăng Thành đã cảm tác viết bài Dạ bạc Kim Lăng Thành trong đó có câu:

人在扁舟月在河

Nhân tại biển chu nguyệt tại

(Người thì ở trong chiếc thuyền hẹp, trăng thì ở trên sông).

Cùng với việc sử dụng hư từ tại () và vận dụng phép lặp trên chính hư từ ấy, thi nhân muốn nhấn mạnh những điểm tương đồng giữa chủ thể trữ tình với vầng trăng: người cô đơn lạnh lẽo trên sông và trăng cũng vậy. Cảm khái về thân phận cô đơn, hoàn cảnh tha hương được khơi gợi từ chính tương quan giữa các hình ảnh được tạo dựng từ biện pháp lặp hư từ tại. Trong Xuân nhật khê thượng vãn hành Nguyễn Tử Thành viết:

月在松梢水在頭

Nguyệt tại tùng sao thuỷ tại đầu

(Trăng trên ngọn tùng, suối đầu nguồn).

Ở câu thơ này, phép lặp hư từ tại đã "cố định vị trí" hai không gian mang tính đối lập. Tuy nhiên với sự liên kết nội tại (do hiệu quả của phép đối, phép lặp mà hư từ tại đóng vai trò quan trọng) giữa các hình ảnh người đọc vẫn hình dung ra được bức tranh thiên nhiên có tính chỉnh thể rất cao.

Đặc biệt trong thơ thiên nhiên đời Trần sử dụng rất nhiều hư từ hựu (): lại. Trong bài tứ tuyệt Hoàng Giang dạ vũ , Nguyễn Phi Khanh viết:

孤燈明又滅

Cô đăng minh hựu diệt

(Ngọn đèn hiu hắt sáng rồi lại tắt)

Hư từ hựu trong câu thơ này được sử dụng độc đáo. Nó thể hiện sự lặp lại của hai trạng thái sáng - mờ của ánh đèn cô đơn. Như đã nói ở trước hình ảnh "cô đăng" biểu trưng cho hình ảnh thi nhân. Qua đó giúp cho người đọc có thể hình dung ra được hình ảnh của một cô nhân đang thao thức suốt canh trường vì những trăn trở về giấc mộng hải hồ chưa thoả chí. Đây chẳng phải là thủ pháp "hoạ vân xuất nguyệt" quen thuộc trong Đường thi đó sao?

Bên cạnh đó, hư từ hựu còn nằm trong cấu trúc đối xứng ở các ngữ đoạn trong nội bộ câu thể hiện sự thừa tiếp. Có khi đó là sự thừa tiếp các hình ảnh không gian:

山青水綠又秋光

Sơn thanh / thủy lục / (hựu) thu quang.

(Phiếm chu - Huyền Quang)

Hình ảnh không gian nằm phía sau hư từ hựu đã bổ sung làm cho bức tranh thiên nhiên với non xanh nước biếc trở nên rộng lớn, khoáng đạt hơn. Từ đó càng đối lập với hình ảnh của con người nhỏ bé, cô đơn (tiểu đỉnh).

Cùng có những tác dụng đó hư từ hựu trong câu kết của bài Hoá Thành thần chung của Nguyễn Phi Khanh càng độc đáo hơn khi nó tạo sự thừa tiếp ở hai hình ảnh nhằm nối kết hai không gian: ở trên cao, ở dưới thấp từ đó tạo dựng không gian mang tính thống nhất:

月白又江空

Nguyệt bạch / (hựu) / giang không.

Hơn thế nữa ngoài việc thể hiện sự thừa tiếp của các hình ảnh không gian, hư từ hựu còn thể hiện sự thừa tiếp trong hành động:

Khan Sơn / khan thuỷ / (hựu) khan vân.

4. Như đã nói ở trên tuy hư từ được dùng hết sức hạn chế trong thơ thiên nhiên đời Trần, tuy nhiên khi tác giả đã dùng thì những hư từ ấy đều có giá trị biểu đạt rất cao. Đồng thời qua việc sử dụng hư từ trong thơ cũng góp phần khẳng định tài năng của thi nhân thời Trần. Đó là điều mà Phan Ngọc cũng đã khẳng định: "Giỏi thơ Đường là giỏi dụng hệ hư từ này chứ không phải giỏi điển tích, giỏi đối chọi"(5).

Chú thích

  1. Nhiều tác giả (1997),Về thi pháp thơ Đường, NXB Đà Nẵng.
  2. Nguyễn Sĩ Đại (1996), Một số đặc trưng nghệ thuật thơ tứ tuyệt thời Đường, NXB Văn học, Hà Nội.
  3. Phan Ngọc (1995), Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, NXB Trẻ, TPHCM.
  4. Vân Tiêu am.
  5. Phan Ngọc (1995), Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, NXB Trẻ, TPHCM.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Văn Chánh (1997), Sơ lược ngữ pháp Hán văn, NXB Đà Nẵng.
  2. Nguyễn Sĩ Đại (1996), Một số đặc trưng nghệ thuật thơ tứ tuyệt thời Đường, NXB Văn học, Hà Nội
  3. Nhiều tác giả (2004), Từ điển thuật Ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  4. Nhiều tác giả (1997), Về thi pháp thơ Đường, NXB Đà Nẵng.
  5. Phan Ngọc (1995), Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, NXB Trẻ, TPHCM.
  6. Ngô Văn Phú (dịch) (2008), Đường thi tam bách thủ (唐詩三百首) do Hoành Đường Thoái Sĩ (蘅塘退士) soạn, NXB Văn học, Hà Nội.
  7. Đặng Đức Siêu (2004), Ngữ văn Hán Nôm, NXB Đại học Sư Phạm Hà Nội.
  8. Viện Văn học (1987), Thơ văn Lý Trần (tập 2), Uỷ ban KHXHNV - NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
  9. Trần Thị Băng Thanh (1999), Những suy nghĩ từ văn học trung đại, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
  10. Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý Trần (tập 2- quyển thượng), Uỷ ban KHXHNV - NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
  11. Đoàn Thị Thu Vân (1996), Khảo sát đặc trưng nghệ thuật thơ thiền Việt Nam từ thế kỉ thứ X - thế kỉ thứ XIV, Trung tâm nghiên cứu quốc học - NXB Văn học, Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên san 2016

Tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm số 5. 2004 có đăng tải bài viết của tác giả Nguyễn Minh Tường góp ý văn bản phục hồi và bản dịch bài thơ gởi vợ thứ ba của Trần Thiện Chánh của tôi được đăng trên Tạp chí Xưa và Nay số 210, tháng 4. 2004. Trước hết, tôi cảm ơn tác giả Nguyễn Minh Tường đã quan tâm tới bài viết của tôi, và còn tạo điều kiện cho tôi được nói thêm lần nữa về bài thơ này, vì trong bài trên Tạp chí Xưa và Nay, tôi chỉ có thể bước đầu phục hồi văn bản chủ yếu trên cơ sở ngôn ngữ và chữ Hán chứ chưa thể đi sâu vào nội dung, trong khi đây cũng là một dữ kiện quan trọng để phục hồi văn bản tác phẩm.

Do sơ suất của tôi lúc đánh máy chữ Hán, hai chữ “ - mai” ở câu 7 và 8 trong văn bản in trên Tạp chí Xưa và Nay đã bị lầm thành “ - mai”. Tôi cảm ơn tác giả Nguyễn Minh Tường và xin nhận lỗi với người đọc về điểm này.

Dễ nhận ra tuy chưa yên tâm về văn bản phục hồi của tôi (mà điều này cũng hợp lý thôi vì cả tôi cũng chưa yên tâm), tác giả Nguyễn Minh Tường vẫn sử dụng văn bản ấy để đưa ra một bản dịch khác. Nói khác đi, tác giả Nguyễn Minh Tường chủ yếu góp ý về bản dịch chứ không phải về văn bản được phục hồi. Tuy nhiên, văn bản phục hồi bước đầu ấy vẫn chưa hoàn chỉnh. Ít nhất, nó còn phải được sửa chữ “hữu” ở câu 7 thành chữ “nữ”. Sau đây là những lập luận của tôi, theo thứ tự từng câu và từ chữ tới nghĩa.

1. Về câu “Khách lý sơ cuồng hoàn tiếu ngã”. Dịch sát từng chữ, từ “khách lý” có nghĩa là “Ở nơi đất khách (hay “Trong cảnh làm khách” như tác giả Nguyễn Minh Tường hiểu cũng được)”, đều chỉ việc đang ở xa quê hương, chứ tôi chưa từng thấy ai dịch thành “trong số khách” như tác giả Nguyễn Minh Tường. Còn từ “sơ cuồng” trong văn chương cổ thường được tác giả dùng để nói về bản thân, có khi mang ý than thở, có khi mang ý tự đắc pha lẫn màu sắc tự trào. Điều này hoàn toàn phù hợp với con người Trần Thiện Chánh, một nhà nho lúc thiếu thời thì “Tuổi trẻ hùng tâm bốc tận trời, Làm quan chẳng thích, thích chơi bời” (Thư hoài) còn sau này lúc ra Bắc làm Tán tương rồi Tán lý quân thứ Sơn Tây cũng có lần bị giáng cấp vì tội “Cấp phát tiền lương trái qui định, hút thuốc phiện, giả ốm để cưới vợ lẽ” (xem thêm Cao Tự Thanh, Thơ Trần Thiện Chánh, Nxb. Khoa học xã hội, 1995). Và “sơ cuồng” không phải là “cuồng nhẹ, cuồng ít” như cách hiểu của tác giả Nguyễn Minh Tường. “Sơ” là sơ suất, không tinh tế cẩn thận (đây ý nói không quan tâm tới các qui định lễ giáo lễ nghi lặt vặt), “cuồng” là ngông nghênh (đây ý nói ngang tàng, cao ngạo), và ở trường hợp Trần Thiện Chánh thì từ này còn gói ghém sự đắc ý chua chát về bản thân. Ngay trong bài thơ gởi vợ thứ hai mà tôi có giới thiệu trong quyển Thơ Trần Thiện Chánh, ông cũng từng viết “Tối nan tác phụ vị phu cuồng” (Thật khôn làm vợ bởi chồng cuồng), tức tự nhận mình là “cuồng”. Cho nên phải hiểu từ “sơ cuồng” ở bài thơ gởi vợ thứ ba này là Trần Thiện Chánh tự nói về mình, còn dịch ra “ngông cuồng” cũng không có gì sai, sở dĩ tác giả Nguyễn Minh Tường cảm thấy “nặng quá” chỉ vì từ “ngông cuồng” hiện nay chủ yếu được dùng với nghĩa xấu, mất đi nét nghĩa trung tính và lối dùng kiểu phản nghĩa như trước kia mà thôi. Cần nói thêm rằng chữ “cuồng” của Trần Thiện Chánh là chữ “cuồng” trong văn chương, không đơn giản như chữ “cuồng” trong từ điển, không phải cứ tra đủ từ điển là có thể hiểu đúng văn chương.

2. Về câu “Hoa biên liễm nhiễm cánh bằng thùy”. Câu này cách dịch “Bên hoa khép nép biết cậy vào ai” của tôi trên Tạp chí Xưa và Nay chưa thật rõ nghĩa. Hai câu thực bài thơ lập ý rất xuất sáo, chữ “bằng” (dựa, cậy) ở câu này lại càng tinh vi, thâu tóm và hóa giải hết câu “Đất khách ngông cuồng vẫn tự cười mình” giống như lạc đề rất lạc lõng ở trên. Trần Thiện Chánh muốn nói không có người vợ hiền hậu nhu mì (khép nép bên hoa) bên cạnh để có một “cái phanh” trong cuộc sống và ứng xử, một chỗ dựa về tình cảm và tâm lý, nên “biết cậy vào ai” đây tức “biết có ai”.

Nhưng trên câu chữ mà nói, cũng có thể đưa ra một cách hiểu khác hẳn về hai câu 3 – 4 là “Đất khách ngông cuồng còn đang cười ta, Bên hoa khép nép biết dựa vào ai”, tức Trần Thiện Chánh tưởng tượng người vợ nơi xa vẫn chế nhạo mình ngông cuồng song đang lẻ loi không có chồng bên cạnh. Lúc đầu tôi đã cân nhắc về ý nghĩa này, song bài của tác giả Nguyên Hùng trên Tạp chí Xưa và Nay số 208, 2004 giới thiệu đây là thơ gởi vợ của Trần Thiện Chánh, nên tôi đã hướng tới cách dịch “Ký nội”. Chứ nếu nhan đề bài thơ là “Hoài nội” (nhớ vợ) thì chắc chắn phải dịch theo cách này. Trong trường hợp này thì tác giả Nguyễn Minh Tường đã đúng một nửa khi hiểu chữ “tiếu” (cười) là người khác cười Trần Thiện Chánh chứ không phải ông tự cười mình, có điều kẻ ấy chỉ có thể là người bạn đời đã quá rõ tính nết của ông mà thôi.

3. Về từ “tiên nữ”. Trong Hán tự, chữ “nữ” và chữ “hữu” có tự hình gần nhau, rất dễ lầm. “Tiên nữ sơn trung tín tức kỳ” (Tiên nữ trong non tin tức không đều) là lấy tích Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai, ý Trần Thiện Chánh muốn ví vợ như tiên nữ trong núi sâu, sau khi chia tay không thể gởi thư cho mình thường xuyên. Tương tự, câu “Mỹ nhân nguyệt hạ tinh thần viễn” phía trên cũng có điển cố, là lấy ý từ câu “Hội hướng Dao đài nguyệt hạ phùng” (Dưới trăng sẽ gặp ở Dao đài) trong ba bài Thanh bình điệu của Lý Bạch, ý Trần Thiện Chánh muốn nói cuộc gặp gỡ dưới ánh trăng mà mình mong mỏi ấy cũng xa xôi như sao trời. Ngoài ra hai câu “Mỹ nhân... tín tức kỳ” là hai câu luận, phải tập trung vào việc bày tỏ tình cảm với vợ mà cụ thể ở đây là than thở chuyện “người thì xa xôi, thư thì thưa thớt” mới đúng thể cách Đường thi, chứ hiểu câu 5 là “Trần Thiện Chánh tự nói về mình” như tác giả Nguyễn Minh Tường thì tôi e lạc đề, vả lại làm thơ gởi vợ mà tự xưng là “Tiên hữu” (bạn tiên) thì không phải ngông nghênh mà là lố lăng. Hơn thế nữa, tôi không rõ tác giả Nguyễn Minh Tường dựa vào chứng cứ nào để khẳng định lúc làm bài thơ gởi vợ này thì “Trần Thiện Chánh đang làm quan tại vùng núi non Ninh Bình”, có điều giả sử đúng như thế thì một người được điều về giữ chức Tuần phủ Ninh Bình sau khi quân Pháp trả lại tỉnh thành đầu năm 1874 như Trần Thiện Chánh cũng phải làm việc ở tỉnh lỵ, có phố xá chợ búa, chứ không lẽ nào lại dời nha môn vào trong núi sâu.

4. Về hai chữ “mai” trong hai câu 7 – 8. Hai chữ này bị lặp, nói chung là điều mà những người làm thơ Đường luật ngày trước rất tránh, nhưng ngoại trừ khả năng văn bản không chính xác, thì với một nhà thơ tài hoa như Trần Thiện Chánh đây là cố ý chứ không phải bí chữ. Tôi còn nghĩ có thể người vợ này của Trần Thiện Chánh tên Mai, nhưng như đã nói trong bài trên Tạp chí Xưa và Nay, tôi chưa có dịp được tiếp xúc với hậu duệ của ông để tìm hiểu, nên đành tạm gác lại không dám đoán bậy sửa bừa, bản dịch vì vậy cũng chưa rõ nghĩa. Nhưng tác giả Nguyễn Minh Tường dịch câu 7 không đúng ngữ pháp Hán ngữ, lại giải thích sai tích “tầm mai” nên hiểu chưa đúng câu này. “Tìm mai” đây không phải lấy ý từ bài Tạp thi của Vương Duy mà là từ bài Tuyết hậu tầm mai của Lục Du “Thanh đế cung trung đệ nhất phi, Bảo hương huân triệt tố tiêu y. Định tri trích tùy bất dung cửu, Vạn hộc ngọc trần lai sính qui (Trong điện vua xuân bậc ái phi, Áo tơ trắng toát nức hương bay. Vốn hay bị trích không lâu nữa, Bụi ngọc muôn thưng sẽ đón về). “Tìm mai” đây ý nói muốn trở về chỗ cũ của mình, như câu “Tìm mai đạp nguyệt tuyết xâm khăn” của Nguyễn Trãi lúc về Côn Sơn tỏ ý muốn trở lại làm quan trong triều đình, câu “Trong sương chịu lạnh bởi tìm mai” trong 20 bài thơ Nôm của Trịnh Hoài Đức làm lúc đi sứ Trung Hoa tỏ ý nhớ nước nhớ quê... đều rút từ điển này, nên “những khách tìm mai” đây là Trần Thiện Chánh muốn nói tới những người yêu nước Nam Kỳ ra tỵ địa ở vùng Nam Trung Bộ cùng chỗ với vợ ông. Tóm lại trên cơ sở cấu tứ bài thơ và văn bản hiện có phải hiểu hai câu cuối là “Nhờ nhắn lời với những khách nhớ quê chỗ bà, Rằng ta vẫn buồn cho cành mai cũng đang gầy guộc ở phương nam”.

Tháng 4. 2005

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 3, 2005

20170724. Phan Thanh Gian

 

Phan Thanh Giản, tên tự là Tĩnh Bá, lại tự là Đạm Như, tên hiệu là Lương Khê, biệt hiệu là Mai Xuyên, Ước Phu. Ông sinh ngày 12-10-1796, năm Bính Thìn, và mất vào ngày 5 tháng 7 năm Đinh Mão (4-8-1867), thọ 72 tuổi. Tiên tổ của Phan Thanh Giản là người Hoa, cuối đời Minh, di chuyển sang nước Nam, làm nhà ở tỉnh Bình Định. Đến khi loạn Tây Sơn, thì ông tổ đem cả gia quyến đến nhập tịch ở Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long.(1) Cha của Phan Thanh Giản là Phan Văn Ngạn, sinh năm Mậu Tý triều Lê Cảnh Hưng (tức năm 1768), tại ấp Hội Trung, phường Hội Hoà, xã Ô Liêm, tổng Trung, huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, tục gọi là xứ Giồng Phung (仝堸). Nay là thôn Hội Trung, tổng Trung An, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định(2). Ông Phan Văn Ngạn là con trai thứ ba của ông Ngẫu Cừ(3), tức ông Phan Thanh Tập(4). Sau đó gia đình ông Ngẫu Cừ đưa gia đình chạy loạn Tây Sơn vào định cư ở thôn mới lập là Tân Thạnh, tổng Tân An, châu Định Viễn, phủ Gia Định, sau là thôn Bảo Thạnh, tổng Bảo Trị, huyện Bảo An, phủ Hoằng Đạo, tỉnh Vĩnh Long(5). Lúc bấy giờ ông Phan Thanh Tập mới 3 tuổi, đến khi lớn theo việc học hành rất siêng năng, thông rõ nghĩa lớn của kinh truyện, vào làm ty lại ở dinh Vĩnh Trấn.  Phan Thanh Giản sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại Bảo Thạnh, bằng sự cần mẫn, siêng năng, nhẫn nại và một tinh thần kiên cường vượt khó đã đưa ông đến với con đường học vấn, và đi vào con đường nhiều vinh quang cũng lắm cay đắng thăng trầm trong 41 năm làm quan dưới triều Nguyễn.

Từ năm 1826, Phan Thanh Giản bước vào con đường làm quan, đời ông từ đây gắn liền với những hoạt động chính trị của triều Nguyễn. Phan Thanh Giản giữ nhiều chức vụ trong nhiều lĩnh vực, là Hiệp biện Đại học sĩ, quan đến chức Thượng thư. Ông từng được phong làm phó sứ đi Trung Hoa, chánh sứ đi Tây, và chuyến đi công cán đến Giang Lưu Ba (Jakarta, Indonesia), lại được sai phái đi khắp cả nước, từ nam đến bắc, từ đông sang tây. Như vậy có thể nói, Phan Thanh Giản là người có dịp tiếp xúc nhiều người và đi nhiều nơi, vì thế nhãn quan của ông hẳn cũng có chỗ không giống với người khác, điều đó có thể dẫn đến những bi kịch cuối đời. Cuộc đời làm quan của Phan Thanh Giản lắm thăng trầm, nhiều lận đận, nhưng ông vẫn không oán hận, theo kiểu của một nhà nho. Điều khiến người ta quý ông là ở tấm lòng thanh khiết, chịu khó, cần mẫn và tận tâm với mọi công việc dù lớn hay bé, dù những khi sang khi hèn, những mong báo đền ơn vua giúp dân an ổn.

Ở lĩnh vực văn hoá, Phan Thanh Giản những đóng góp cụ thể. Năm 1846, vua Thiệu Trị cho Phan Thanh Giản sung làm Tổng vựng biên soạn bộ Đại Nam hội điển sự lệ. Tiếp đó, trong vai trò Tổng tài của Quốc sử quán những năm 1856, 1860, 1864 còn kiêm quản Quốc Tử giám, ông có nhiều đóng góp trong việc biên soạn bộ sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục, khởi thảo biên soạn từ năm 1856 và hoàn thành năm 1881. Đây là một công trình đồ sộ, viết theo lối “cương mục”, chép lịch sử dân tộc từ thời Hùng Vương cho đến khi Quang Trung đại phá quân Thanh (1789), gồm 52 quyển. Bộ sách này, theo đánh giá của giới sử học: “Khâm định Việt sử thông giám cương mục cùng với Đại Việt sử ký toàn thư là hai bộ quốc sử lớn nhất được khắc in toàn bộ trong thời đại phong kiến Việt Nam. Về phương diện này, chúng ta cần ghi nhận cống hiến to lớn của Phan Thanh Giản và với bộ quốc sử này, ông là một nhà sử học lớn”(6).

Đóng góp của Phan Thanh Giản về văn hoá còn thể hiện ở việc, ông cùng Nguyễn Thông và các sĩ phu Lục tỉnh di dời phần mộ nhà giáo Võ Trường Toản về làng Bảo Thạnh (Bến Tre) vì không muốn một bậc Thầy của Nam Bộ phải nằm trên vùng đất tạm chiếm của Pháp vào năm 1864. Khi nhậm chức ở Vĩnh Long, ông chủ trương cùng Nguyễn Thông hiệp lực với các sĩ phu xây dựng Văn Thánh miếu thờ Khổng Tử, lập Văn Xương Các làm nơi hội họp bình thơ văn, bàn kế sách an dân, canh tân đất nước (1864-1867). Ông còn dành thời gian soạn văn bia ca ngợi công đức của bậc hiền đức Võ Trường Toản, Phạm Đăng Hưng, Thiên Y thần nữ, bia Văn Thánh miếu... cho người đời sau được biết và đồng thời góp phần vào việc phát triển một loại hình văn học đặc biệt – văn bia – tại Nam Bộ. Ngoài ra còn có thể thấy đóng góp của Phan Thanh Giản trong việc giao lưu văn hoá hai vùng nam bắc, trong nước và ngoài nước được thể hiện trong các tập thơ văn của ông qua những bài thơ viết gửi, xướng hoạ, đề tựa, bạt...

Trong lĩnh vực giáo dục, Phan Thanh Giản là người tham gia làm chủ khảo trong các kỳ thi Hương, thi Hội, và độc quyển trong kỳ thi Đình, Điện tức là trực tiếp tham gia công tác chấm thi tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Sau khi đi sứ Trung Quốc về, Phan Thanh Giản được sai làm chủ khảo kỳ thi sát hạch các tú tài trong nước tuổi từ 40 trở lên để bổ dụng (1834), phó chủ khảo kỳ thi Hội và độc quyển kỳ thi Đình (1835), phó chủ khảo khoa thi Hương trường Thừa Thiên (1837 và năm 1840), độc quyển kỳ thi Đình (1841), chánh chủ khảo trường thi Hương Hà Nội (1841), phó chủ khảo kỳ thi Hội (1842), chủ khảo trường thi Thừa Thiên (1846), chủ khảo kỳ thi Hội (1847), làm giảng quan ở Kinh diên (1849, 1856), độc quyển kỳ thi Điện (1849) góp phần trong việc đào tạo lựa chọn nhân tài cho triều đình.

Về sáng tác văn chương của Phan Thanh Giản, tác phẩm của ông hiện còn được tập hợp trong Lương Khê thi thảo, Lương Khê văn thảo gọi chung là Lương Khê thi văn thảo do ông và các con trai sưu tầm và biên tập và tự tay viết bài tiểu tự năm 1866 trước ngày ông mất một năm. Trong năm ông mất, 1867, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm là người viết lời tựa cho tập thơ của Phan Thanh Giản. Sau khi Phan Thanh Giản mất được hai năm, năm 1869, Tự Đức có dụ sai chép thơ văn của các đại thần như Trương Đăng Quế, Lê Văn Đức, Phan Thanh Giản, Trương Quốc Dụng, Nguỵ Khắc Tuần, Phạm Thanh, Trịnh Lý Hanh, Nguyễn Văn Giao, Nguỵ Khắc Đản, Hà Quyền, Nguyễn Du.(7) Đến năm 1876, Lương Khê thi văn thảo mới được cho khắc in. Hiện tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội còn lưu trữ các tập sau:

- Lương Khê thi thảo梁溪詩草  , có 2 bản khắc in,một bản ký hiệu A.2125, gồm 298 trang, 25,5 x 15 cm; và một bản ký hiệu VHv.151, gồm 290 trang, 25 x 16 cm; có một bản chép tay, ký hiệu A.255, gồm 264 trang, 30,5 x 21,5 cm. Lương Khê thi thảo có khoảng 454 bài thơ tả cảnh Kinh đô, trên đường vào Nam, đường sang Trung Quốc, thơ từ biệt gia đình, khóc bạn, ứng chế...

- Lương Khê văn thảo梁溪文草 , có 4 bản khắc in, ký hiệu A.2125, 182 trang, 25,5x15 cm; và các bản ký hiệu VHv.856, VHv.857, VHv.91 đều có cùng số trang là 182; một bản chép tay ký hiệu A.292, gồm 282 trang, 31,5x22 cm. Lương Khê văn thảo gồm hơn 40 bài văn với nhiều thể loại sớ, luận, ký, tự, thuyết, luỵ, thư, luận, phú, châm, tụng, hành trạng, bi minh...

- Ước Phu tiên sinh thi tập約夫先生詩集 , bản chép tay, 50 trang, 32 x 22 cm, ký hiệu A.468, gồm khoảng 85 bài thơ, văn của Phan Thanh Giản: tiễn, hạ, ứng chế, dụ, luỵ văn, tế văn, thư…

- Sứ trình thi tập使程詩集  ,bản chép tay, 94 trang, 30x19.5 cm, ký hiệu A.1123, gồm 147 bài thơ đề vịnh, ngẫu tác, tức cảnh, tự thuật, hoài cổ, tặng hoạ thơ bạn bè... làm trên đường đi sứ Trung Quốc.

Ngoài ra, các sáng tác của Phan Thanh Giản còn thấy chép rải rác trong các thi tập, văn tập của các nhân sĩ đương thời do trong quá trình giao lưu trao đổi văn thơ đàm luận, như bài tựa cho Bái Dương thi tập của Ngô Thế Vinh (VHv.139), bài ký Thiên Y tiên nữ truyện ký chép trong Bi ký tạp biên (VHv.278), bài chiếu chép trong Chiếu biểu tập (A.2419), đề tựa cho Thi tấu hợp biên (VHv.1391/a, VHv.1391/b), tựa cho Dương mộng tập của Hà Tôn Quyền (VHv.1423)...

Bản cùng ký hiệu A.2125 gồm có Lương Khê thi thảo Lương Khê văn thảo nên còn gọi chung là Lương Khê thi văn thảo. Trong bản ký hiệu A.2125 này, còn có phần Lương Khê thi thảo bổ di Lương Khê văn thảo bổ di ở phía sau Lương Khê văn thảo.

Trong đó, Lương Khê thi thảo gồm có 18 tập nhỏ, được sáng tác trong các khoảng thời gian với những hoàn cảnh sau đây:

Quyển Tên tập thơ Số lượng Khoảng thời gian Hoàn cảnh sáng tác
1 Thái hương thảo 30 1818-1825 Viết khi chưa làm quan 
2 Vu Kinh thảo 30 1825-1826 Ra Huế thi Hội, viết khi trên đường ra kinh đô và trở về quê
3 Vu Kinh hậu thảo 9 1826 Hết hạn về quê, lại ra Huế chờ bổ dụng 
4 La Giang thảo 30 1826-1827 Viết khi nhậm chức Tri phủ ở Quảng Bình 
5 Thu Tào thảo 8 1827 Làm việc ở bộ Hình 
6 La Giang hậu thảo 4 6-1828 Viết khi làm Tham hiệp Quảng Bình
7 Toái cầm thảo 14 1829 Khóc Lê Bích Ngô, khi Phan Thanh Giản làm Tham hiệp Quảng Bình
8 Hoàng Châu thảo 22 1830 Nhậm chức hiệp trấn Ninh Bình, về Kinh
9 Thuật chinh thảo 2 1831 Tham gia việc dẹp loạn ở nguồn Chiên Đàn, Quảng Nam
10 Ba Lăng thảo 54 1831 Viết khi đi công cán hiệu lực đến Giang Lưu Ba, Tân Gia Ba
11 Cận quang thảo 13 1832 Sau chuyến công cán hiệu lực, được phục chức Hàn lâm kiểm thảo, Hành tẩu Nội các
12 Kim Đài thảo 124 1833 Viết khi đi sứ Trung Hoa với chức Phó sứ.
13 Hài Âm thảo 34 1834 -1839 Viết khi ở Kinh đô, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thanh Nghệ Tĩnh, Bình Định
14 Đàn Nguyên thảo 2 1838-1839 Coi việc khai thác mỏ vàng nguồn Chiên Đàn ở Quảng Nam
15 Tống Tinh thảo 31 1838 – 1839 Coi việc  khai thác mỏ bạc Tống Tinh ở Thái Nguyên
16 Tồn lạc thảo 9 1844-1847 Con trai Phan Thanh Giản là Quân mất khi 8 tuổi (1844), làm chủ khảo kỳ thi Hội năm Đinh Mùi (1847).
17 Nam hành thảo 1 1849 Làm khi đi công cán ở phương Nam
18 Ứng chế thảo 31 1856-1862 Hoạ thơ vua, làm theo yêu cầu của vua

Lương Khê văn thảo gồm 3 quyển: quyển 1 gồm các bài biểu sớ; quyển 2 gồm các bài ký, tự, luận, thuyết, thư, văn điếu…; quyển 3 gồm các bài luận, phú, châm, hành trạng, bi minh.

Lương Khê thi thảo bổ di có 22 bài thơ chữ Hán, trong đó có 20 bài vịnh cảnh Mai Lâm (gành Mù U) quê nhà của Phan Thanh Giản và 2 bài khác.

Lương Khê văn thảo bổ di có 4 bài: 1 bài bi, 1 bài ký, 1 bài truy điệu thuật hành trạng, 1 bài di sớ.

Như vậy, khảo sát thơ văn Phan Thanh Giản, chúng tôi thấy tập trung ở các tập sau:

- Lương Khê thi văn thảo (A.2125)

- Ước Phu tiên sinh thi tập (A.468)

- Sứ trình thi tập (A.1123)

Thơ văn Phan Thanh Giản như một kiểu nhật ký cuộc đời ông. Văn chương phản ánh cuộc đời, ghi lại cuộc đời và công việc để bày tỏ chí, đạo, cảm xúc, tình cảm với ngôn từ chất phác, mộc mạc. Năm 1876, vua Tự Đức từng nhận xét về Phan Thanh Giản nhân kỳ thi Hội:

“Quốc triều ta, khoảng năm Minh Mạng, người đỗ giáp đệ như Hà Quyền, lời văn thanh nhã đẹp đẽ, chầu chực ở Nội các, công việc phần nhiều tinh nhanh, thường được khen thưởng; Phan Thanh Giản nết thuần thục, học nhiều, thơ văn cũng nhiều bài được...”(8)

Thơ văn Phan Thanh Giản nối tiếp mạch nguồn thơ văn Hán Nôm Nam Bộ trong buổi đầu nhà Nguyễn từ Đào Duy Từ, Hoàng Quang, Mạc Thiên Tích, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh, Huỳnh Ngọc Uẩn... Chính Phan Thanh Giản cũng là người sở đắc được cái học phong Nam Bộ từ người thầy chung của giới trí thức phương Nam Võ Trường Toản mà Nguyễn Thông cũng vô cùng khâm phục. Phan Thanh Giản cũng là người có những đóng góp lớn làm phong phú thêm cho nội dung và nghệ thuật văn chương Nam Bộ từ phương diện đề tài cho đến thể loại.

Đúng như nhà nghiên cứu Nguyễn Khuê và Cao Tự Thanh từng nhận xét xác đáng về sáng tác văn học của Phan Thanh Giản:

“Trên phương diện sáng tác văn học, Phan Thanh Giản là một tác giả rất đáng chú ý. Lương Khê văn tập của Phan Thanh Giản có nhiều bài biểu, sớ, ký, tự, thuyết… thể hiện sự kế thừa văn học ở Đàng Trong và sự tiếp thu văn học viết dân tộc ở địa bàn Trung Bắc và cả Hoa Nam, trong đó nổi bật nhất là về cơ cấu thể loại. Một số lời bạt của Phan Thanh Giản cũng cho thấy thời kỳ này các tác giả văn học Hán Nôm ở Gia Định đã quan tâm tới các vấn đề lý luận văn học hơn trước.”(9)

So với những nhà thơ trước đó và đương thời ở Nam Bộ, bộ phận sáng tác của Phan Thanh Giản đa dạng hơn. Thơ văn Phan Thanh Giản nói như Nguyễn Thông, cốt lấy chữ “thành” làm chủ. Vì thế, trong thơ Phan Thanh Giản, ta sẽ thấy ở đó phản ánh rõ nét sinh hoạt của cá nhân, gia đình, những con người, vùng đất nơi ông đã đi qua với hình ảnh chân thật và một tình cảm chân thành.

Có thể nói, đến Phan Thanh Giản, ta mới thấy nội dung phản ánh trong thơ trải khắp từ nam ra bắc, khắc phục được tình trạng vùng miền so với các nhà thơ ở Nam Bộ trong giai đoạn trước. Ở Nam Bộ, Phan Thanh Giản có chùm 20 bài vịnh cảnh Mai Lâm, nơi cha ông lớn lên và quay về sống phần đời còn lại:

寒香依約合成墟

沙磧依然太古餘

定識春花秋葉外

菊溪萄徑又何如

Hàn hương y ước hợp thành khư,

Sa thích y nhiên thái cổ dư.

Định thức xuân hoa thu diệp ngoại,

Cúc khê đào kính hựu hà như.

(Hương lạnh thoang thoảng tụ nên gò,

Cồn bãi vẫn như thuở hồng hoang còn sót lại.

Biết chắc là ngoài quy luật mùa xuân hoa nở mùa thu lá rụng,

Khe cúc đường nho không biết là như thế nào.)

(Cổ Mai Lâm cư – Lương Khê thi thảo bổ di)                       

Cảnh cầu ngang ở Nam Bộ được Phan Thanh Giản miêu tả:

野人村塢隔林溪,

野徑沙頭略彴低。

幽鳥一聲林際起,

行人已渡夕陽西。

Dã nhân thôn ổ cách lâm khê,

Dã kính sa đầu lược chước đê.

U điểu nhất thanh lâm tế khởi,

Hành nhân dĩ độ tịch dương tê.

Làng xóm của dân quê ở cách khe rừng,

Con đường quê cát trải dài khiến chiếc cầu nhỏ thấp xuống.

Một tiếng chim kêu trong khoảng rừng vắng,

Người đi đường đã qua bến đò trong bóng chiều lặn về tây.

(Hoành kiều – Lương Khê thi thảo bổ di)

Cảnh vật ở Bình Thuận, Khánh Hoà, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quang Nam… đều đực tái hiện trong thơ Phan Thanh Giản. Những bãi cát trắng, đất đỏ, con sông ở Bình Thuận xuất hiện trong thơ Phan Thanh Giản và trong đó thoáng hiện đời sống của ngư dân, nông nghiệp, kẻ bán rau người bán cá:

歷盡沙崖與水隈

此間風物洞然開

閭閻撲地成居聚

舸艦迷津任溯洄

賣菜兒童青洞出

沽魚婦女綠濱囬

Lịch tận sa nhai dữ thuỷ ôi,

Thử gian phong vật đỗng nhiên khai.

Lư diêm phác địa thành cư tụ,

Khả hạm mê tân nhậm tố hồi.

Mại thái nhi đồng thanh động xuất,

Cô ngư phụ nữ lục tân hồi…

(Đi hết đồi cát và khuỷu sông,

Cảnh vật nơi đây mở ra thật rõ ràng.

Cổng làng dựng trên mặt đất thành nơi quây quần sinh sống,

Thuyền ghe lạc bến mặc tình xoay tìm chỗ đậu.

Đứa trẻ bán rau từ hang núi xanh đi ra,

Người đàn bà bán cá quay về bến nước biếc…)

(Thuận Phan – Vu Kinh thảo)

Và:

西望紅沙千萬丈

幾囬遙認赤城垣

… Tây vọng hồng sa thiên vạn trượng,

Kỷ hồi dao nhận xích thành viên.

(… Trông về phía tây bãi cát đỏ trải ngàn vạn trượng,

Mấy lần ngoảnh trông cứ tưởng là bức tường thành màu đỏ.)

(Kinh Thuận động, 3 – Vu Kinh thảo)

Cảnh đồng bằng bao la, lau sậy chen chúc, vườn cây dâu gai. Cảnh người thu hoạch lúa vụ. Cảnh hàng tre xanh mướt chồi măng ở góc làng, chén nước chè trong quán chè quê toả hương... đều được Phan Thanh Giản miêu tả tỉ mỉ cho thấy sinh hoạt của một miền quê:

渺渺平蕪一望茫

茅柴雜遝對麻桑

田家幾處收新麥

邨落數緣長嫩篁

熱茗店蒸溪水净

逺途客苦夏炎長

Diểu diểu bình vu nhất vọng mang,

Mao sài tạp đạp đối ma tang.

Điền gia kỷ xứ thu tân mạch,

Thôn lạc sổ duyên trưởng nộn hoàng.

Nhiệt mính điếm chưng khê thuỷ tịnh,

Viễn đồ khách khổ hạ viêm trường.

(Trông ra bãi bằng mênh mông xa thẳm,

Củi lau sậy xen nhau, bên kia là dâu gai.

Nhà nông mấy nơi đang thu vụ lúa mới,

Thôn xóm vài chỗ mọc lên những mầm măng non.

Trong quán, chè nóng được nấu bằng nước suối sạch,

Nỗi khổ của khách đường xa như dài theo tiết hè nóng nôi.)

(Giao hành, 2 – Thái hương thảo)

Bài 3 trong chùm Giao hành tả cảnh mưa chiều tắt nắng với những đứa trẻ chăn trâu đang lùa trâu về băng qua những vũng nước, những người đi đò chiều tranh nhau, khói mây bay trong gió và tiếng lách tách trong bụi tre, tiếng quạ kêu rộn rã:

牧童驅犢晚還庄

迅歩行過水上塘

叢笋雨來喧鎧甲

湖菱波細露鋒鋩

數團煙逐溪風去

一簇人争野渡忙

惆悵鄕關何處是

寒鴉枯樹閙斜陽

Mục đồng khu độc vãn hoàn trang,

Tấn bộ hành qua thuỷ thượng đường.

Tùng duẫn vũ lai huyên khải giáp,

Hồ lăng ba tế lộ phong mang.

Sổ đoàn yên trục khê phong khứ,

Nhất thốc nhân tranh dã độ mang.

Trù trướng hương quan hà xứ thị,

Hàn nha khô thụ náo tà dương.

(Mục đồng lùa trâu buổi chiều về trang trại,

Nhanh bước đi qua bờ đê trên mương nước.

Bụi tre trong cơn mưa, áo giáp tre kêu lách tách,

Củ ấu trong hồ, sóng gợn, sừng ấu lộ ra nhọn hoắt.

Vài đám khói theo gió khe bay đi,

Một đám người tranh nhau vội qua đò vắng.

Buồn bã biết quê hương ở chốn nào?

Đám quạ lạnh trên cây khô kêu rộn trong bóng chiều.)

(Giao hành, 3 – Thái hương thảo)

Những bài thơ như thế rõ ràng hiếm thấy trong thơ cổ. Nếu thơ Đường thường gợi hơn tả, thì thơ Phan Thanh Giản tả nhiều hơn gợi. Cảnh sắc trong thơ Phan Thanh Giản vì thế rất gần với thiên nhiên, hình ảnh trng thơ gần với những sinh hoạt thường ngày của người dân. Bài thơ trên vừa nhiều hình ảnh lại nhiều âm thanh. Những hình ảnh và âm thanh đó đều quen thuộc nơi làng quê Việt Nam. Hoàn toàn không phải là một kiểu thơ của sự tưởng tượng. Đúng như Phan Thanh Giản từng nói, rằng cảnh sắc thiên nhiên thực tế đẹp hơn những gì trong sách miêu tả: “佳景倍堪書 Giai cảnh bội kham thư”.

Trong suốt thời gian làm quan của Phan Thanh Giản, trên những chặng đường bôn tẩu hành dịch, ông đã ghi lại những cảm xúc, những hành trình: Gia Định, Bình Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thuận Hoá, Quảng Trị, Quảng Bình, Ninh Bình, Thái Nguyên,… Trong những bài thơ làm trên hành trình đó, cảnh vật con người từng địa phương một phần được phản ánh dưới cái nhìn mới mẻ, chân thành.

Nhưng đóng góp của Phan Thanh Giản đối với văn học Hán Nôm Nam Bộ quan trọng hơn cả là ở thể loại sáng tác. Từ thơ văn của Phan Thanh Giản, ta thấy ông có một sức sáng tác dồi dào ở các thể loại: thơ, luận, sớ, luỵ, hành trạng, tụng, ký, truyện, bi minh… Riêng về thơ cũng đa dạng về thi thể: ngũ ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú, ngũ ngôn cổ phong trường thiên, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, thất ngôn cổ phong trường thiên…

Về sớ, xin đơn cử bài sớ tạ ơn ban chức Hồng lô tự khanh và sung chức Phó sứ đi sang Thanh của Phan Thanh Giản. Tuy nói rằng sớ viết theo quy củ nhất định, từ ngữ cũng có tính quy phạm, nhưng mà qua bài sớ này có thể thấy những điều mà Phan Thanh Giản nói trong sớ đều là những sự kiện có thật bằng những lời chân thành:

… 竊念臣材品低常,幸預科甲,尋蒙拔擢,不數年間,入陪禁近,出參藩閫。臣愚不敢自棄,孜孜圖報,自覺無階。乃於去年,捨播嶺之役,愚疏取誤,罪大過深,區區之身,所不足惜,而聖恩徒負,顧影自慚,於此雖欲勉效,涓埃已不可得矣。豈意復蒙聖慈不忍,雖雪霜雨露之信,不以一物改其常,而天地父母之心,每以好生厚其德,特寬常憲,曲與矜全,臣遂得以從部,並蒙派往洋程效力贖罪。凡此髮膚所有之身,皆是君父重生之賜。臣嘗終朝忘食,中夜獨坐,私自痛念,雖赴湯蹈火,寔所甘心,磨頂捐軀,不足報德。况尋常趨赴,何補絲毫,分外恩霑,已蒙稠疊。本年陸月日,旋蒙起復翰林院檢討,充內閣行走,尋蒙陞署承天府承,凡於辨公任職之間,均未分寸可錄,茲復蒙陞補今職。仰成全之獨至,顧諮度之非長,瀀渥自天,稱酬無地。

臣惟有,盡心所事,罄力當為,勵臣職于夙宵,艱勞靡憚,凜天威于咫尺,明旦若臨,庶幾有可圖報之理於萬一云耳。臣下情惶恐無任,感激之至,謹奉表陳謝以聞。

… Thiết niệm, thần: tài phẩm đê thường, hạnh dự khoa giáp, tầm mông bạt trạc, bất sổ niên gian, nhập bồi cấm cận, xuất tham phiên khổn. Thần ngu bất cảm tự khí, tư tư đồ báo, tự giác vô giai. Nãi ư khứ niên, Xả Bá lĩnh chi dịch, ngu sơ thủ ngộ, tội đại quá thâm, khu khu chi thân, sở bất túc tích, nhi Thánh ân đồ phụ, cố ảnh tự tàm, ư thử tuy dục miễn hiệu, quyên ai dĩ bất khả đắc hĩ. Khởi ý phục mông Thánh từ bất nhẫn, tuy tuyết sương vũ lộ chi tín, bất dĩ nhất vật cải kỳ thường, nhi Thiên địa phụ mẫu chi tâm, mỗi dĩ hiếu sinh hậu, kỳ đức đặc khoan, thường hiến khúc dữ căng toàn, thần toại đắc dĩ tòng bộ. Tịnh mông phái vãng dương trình hiệu lực, thục tội. Phàm thử phát phu sở hữu chi thân giai thị Quân phụ trùng sinh chi tứ. Thần thường chung triêu vong thực trung dạ độc toạ, tư tự thống niệm, tuy phó dương thang đạo hoả, thật sở cam tâm, ma đỉnh quyên khu, bất túc báo đức. Huống tầm thường xu phó, hà bổ ty hào, phận ngoại ân triêm, dĩ mông trù điệp. Bổn niên lục nguyệt nhật, tuyền mông khởi phục Hàn lâm viện kiểm thảo, sung Nội các hành tẩu, tầm mông thăng thự Thừa Thiên phủ thừa, phàm ư biện công nhậm chức chi gian, quân vị phân thốn khả lục, tư phục mông thăng bổ kim chức. Ngưỡng thành toàn chi độc chí, cố tư độ chi phi trường, ưu ác tự Thiên, xứng thù vô địa. …

 (Trộm nghĩ: Thần tư chất, phẩm đức tầm thường, may được dự vào hàng khoa bảng, tiếp đó đội ơn cất nhắc, chưa đầy mấy năm, vào thì hầu nơi cấm điện, ra thì lo việc phiên trấn. Thần tuy ngu muội không dám tự bỏ mình, chăm chắm tính phương báo đáp, nhưng tự biết không lối. Vào năm ngoái (1831), việc binh ở núi Xả Bá(10), do ngu muội sơ suất nên chuốc lấy lỗi lầm, tội lớn quá sâu, tấm thân nhỏ mọn, chẳng đáng tiếc gì, nhưng mà uổng phụ ơn vua, trông bóng tự thẹn, đến nay tuy muốn gắng sức lập công, nhưng một chút nhỏ nhoi(11) cũng không thể được. Ngờ đâu lại đội ơn Thánh từ chẳng nỡ, tuy tin trải tuyết sương mưa gió, không vì một vật mà đổi lẽ thường; tấm lòng Trời đất cha mẹ thường lấy sự hiếu sinh để làm dày đức độ, đặc biệt bao dung nhưng rõ ràng phép tắc, tìm phương thương cứu chu toàn, thần liền được theo làm việc ở bộ, đồng thời được phái đi ra biển xa để gắng công chuộc tội.(12) Thật là tóc da trên thân này của thần, đều nhờ ơn vua cha ban cho tái sinh. Thần từng suốt buổi quên ăn, nửa đêm ngồi lẻ, riêng mình ghi khắc, dẫu nhảy vào nước sôi, dẫm trên lửa nóng, thực cũng cam lòng, mài đầu xẻ thân, cũng không đủ báo đáp đức lớn. Huống là chuyện bôn ba tầm thường, nào đủ báo đáp được mảy may; ân đức nhuần thấm hơn cả chức phận, đã được nhận nhiều lần. Tháng 6 năm nay (1833), được khởi phục chức Hàn lâm viện kiểm thảo, sung Nội các hành tẩu, tiếp đó được thăng thự Thừa Thiên phủ thừa(13), phàm trong thời gian nhậm chức làm việc, đều chưa có chút công gì đáng ghi, nay lại được thăng bổ chức này. [Thật là] ngửa đội ơn thành toàn hết mực, nghĩ việc thần làm quan cũng chưa lâu, mà ơn trạch tự Trời cao, chẳng biết nơi báo đáp.…) (Thụ Hồng lô tự khanh, sung như Thanh Giáp phó sứ tạ biểu – Lương Khê văn thảo)

Các bài luận về đạo hoà (Phụng ngự đề triệu hoà luận), luận về việc Thái Bá ba lần nhường thiên hạ (Phụng ngự đề Thái Bá tam nhượng thiên hạ), về hiếu danh (Phụng ngự đề hiếu danh luận), về câu nói “văn thần không ham tiền” của Nhạc Phi (Phụng ngự đề “văn thần bất ái tiền” luận)… Các bài luận đều cho thấy lập luận chắc chắn, ngôn từ tinh xác, đưa ra nhiều chủ ý, biện luận rõ ràng.

Bài luận về hiếu danh, ông nói:

夫道一而已矣。辰爲大,故運有古後之殊,而道之用亦隨之而上下。古之君子學在求仁。立身處世,一凖於仁,心無私焉,而動合乎天理,仁之外非所知也。

則雖好名而爲忠爲孝,豈不愈於不好名而不爲忠爲孝者乎。雖好名而爲仁爲義,豈不愈於不好名而不爲仁爲義者乎。…

Phù đạo nhất nhi dĩ hĩ. Thời vi đại, cố vận hữu cổ hậu chi thù, nhi đạo chi dụng diệc tu chi, nhi thượng hạ cổ chi quân tử học tại cầu nhân, lập thân xử thế, nhất chuẩn ư nhân, tâm vô tư yên, nhi động hợp hồ thiên lý, nhân chi ngoại phi sở tri dã. …

… Tắc tuy hiếu danh nhi vi trung vi hiếu, khởi bất dũ ư bất hiếu danh nhi bất vi trung vi hiếu giả hồ. Tuy hiếu danh nhi vi nhân vi nghĩa, khởi bất dũ ư bất hiếu danh nhi bất vi nhân vi nghĩa giả hồ….

(Phàm, đạo chỉ có một mà thôi, nhưng đúng thời là quan trọng, nên vận dụng xưa sau có khác, cái dụng của đạo cũng theo đó mà thay đổi. Cái học của người quân tử xưa chính ở chỗ cầu nhân. Lập thân xử thế đều bắt nguồn từ lòng nhân. Lòng không chút riêng tư mà mọi hành động đều hợp lẽ trời. Những gì ngoài lòng nhân, bậc quân tử chẳng quan tâm.

Tuy hiếu danh mà làm điều trung hiếu há chẳng hơn kẻ không hiếu danh mà cũng chẳng trung chẳng hiếu sao? Tuy hiếu danh mà làm điều nhân nghĩa há chẳng hơn kẻ không hiếu danh mà cũng chẳng nhân chẳng nghĩa sao? …) (Phụng ngự đề hiếu danh luận – Lương Khê văn thảo)

Bài luận về việc quan văn không ham tiền là trích lấy lời của Nhạc Phi thời Tống: “quan văn không ham tiền, quan võ không sợ chết”, nhưng trong lời nghị luận của Phan Thanh Giản còn cho thấy phải nên chấn chỉnh phong khí học thuật trong nước:

未治以此歟?必也。革斯陋習,挽此頹波,處脂膏而不潤,居廉遜而彌彰,寘壁樹風,還珠勵操,使退朝有羔羊之節,而在郡無碩鼠之咨,則教化可行,禮樂可興矣。然朱晦庵嘗曰:其如武臣亦愛錢何?此又見世風學術之不可不正也。

Vị trị dĩ thử dư? Tất dã. Cách tư lậu tập, vãn thử đồi ba, xử chi cao nhi bất nhuận, cư liêm tốn nhi di chương, trí bích thụ phong, hoàn châu lệ tháo, sử thoái triu hữu cao dương chi tiết, nhi tại quận vô thạc thử chi tư. Tắc giáo hoá khả hành, lễ nhạc khả hưng hĩ. Nhiên Chu Hối Am thường viết: K như vũ thần diệc ái tin hà? Thử hựu kiến thế phong học thuật chi bất khả bất chính dã.

(Đất nước chưa thịnh hưng có lẽ vì điều này chăng? Hẳn là như vậy. Dẹp trừ thói quen hủ tục, cứu vãn làn sóng suy đồi, ở nơi giàu có mà chẳng tham vơ vét, sống cảnh thanh bần mà đức càng ngời, đặt nền dựng nếp, tiết tháo luyện rèn, sao cho lúc thoái triều có tiết tháo cao khiết, khi ở phủ không đục khoét dân lành, được thế thì giáo hoá có thể thi hành, lễ nhạc có thể hưng thịnh. Nhưng Chu Hối Am từng nói: Nếu như võ thần cũng ham tiền thì thế nào? Điều đó lại cho thấy phong tục ở đời hay học thuật không thể không chấn chỉnh vậy.)

Trong từng thể loại, Phan Thanh Giản đều có những đóng góp nhất định. Bên cạnh những đóng góp vào văn học Hán Nôm Nam Bộ thêm đa dạng thể loại như ký, truyện, luỵ, châm, một thể loại văn học có tính chất đặc biệt cũng được phát triển ở Nam Bộ đó là: bi minh. Ở thể loại này, Phan Thanh Giản có đến 4 bài văn bia quan trọng: Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh bi minh 嘉定處士崇德武先生碑銘 dựng tại mộ của Võ Trường Toản ở Bến Tre; Vĩnh Long Văn Thánh miếu bi 永隆文聖廟碑 dựng ở Văn miếu tỉnh Vĩnh Long; Thái bảo Cần Chánh điện đại học sĩ Đức Quốc công Phạm Trung Nhã công mộ bi minh 太保勤政殿大學士德國公范忠雅公墓碑銘 dựng ở lăng mộ Phạm Đăng Hưng ở Tiền Giang,  Thiên Y thần nữ ký 天依神女記 dựng ở Tháp bà Ponagar ở Nha Trang. Những bài văn bia này ngoài nội dung thuật lại và ngợi ca hành trạng nhân vật, trong đó còn thể hiện sự tồn tại Khổng học trên vùng đất mới phương Nam, thể hiện sự tiếp nối văn hoá truyền thống của một nước thống nhất và thể hiện một nét học phong Nam Bộ:

曾見先生遺書:大學千七百字,散之無數事物,收之只二百字,又收之則一字并無。

噫!先生之學致其大而精之者也,雖以之讀千萬經可也。先生不仕,其事業不得槩見。自先生以義理之學爲教,非惟當辰陶育得多人材而傳述講摩至今六省之民忠義感發,奮不顧身。雖以深仁厚澤固結人心,庸非開喻有所自來而能如是乎?

Tằng kiến tiên sinh di thư: Đại học thiên thất bách tự, tản chi vô số sự vật, thu chi chỉ nhị bách tự, hựu thu chi tắc nhất tự tịnh vô.

Y! Tiên sinh chi học trí kỳ đại nhi tinh chi giả dã, tuy dĩ chi độc thiên vạn kinh khả dã. Tiên sinh bất sĩ, kỳ sự nghiệp bất đắc khái kiến. Tự tiên sinh dĩ nghĩa lý chi học vi giáo, phi duy đương thời đào dục đắc đa nhân tài nhi truyền thuật giảng ma chí kim Lục tỉnh chi dân trung nghĩa cảm phát, phấn bất cố thân. Tuy dĩ thâm nhân hậu trạch cố kết nhân tâm, dung phi khai dụ hữu sở tự lai nhi năng như thị hồ?

(Từng thấy tiên sinh để trong sách vở lời này: “Sách Đại học một nghìn bảy trăm chữ, tan ra gồm vô số sự vật, tóm lại còn hai trăm chữ, lại tóm nữa thì một chữ cũng không.”

Hay thay! Sở học của tiên sinh, thật là rộng lớn mà tinh vi vậy, dẫu đọc bất cứ ngàn muôn kinh sách nào cũng rõ nghĩa lý được. Tiên sinh không khứng ra làm quan, nên đại khái không thấy được sự nghiệp. Từ thuở tiên sinh lấy lối học nghĩa lý để giáo hoá, chẳng những đương thời đào tạo được nhiều bậc nhân tài mà còn truyền thuật, giảng luận trau dồi về sau, tới nay dân gian trong sáu tỉnh Nam Kỳ, tỏ lòng trung hiếu, cảm phát dám cả hy sinh tính mạng. Xét ra tuy nhờ đức thâm nhân của đế vương nhuần gội, cố kết chặt nhân tâm, nhưng nếu không có công đức mở mang huấn dụ của tiên sinh từ thuở trước thì làm sao có nhân tâm được như thế?) (Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh bi minh – Lương Khê văn thảo bổ di)(14)

Những bài bi minh, bi ký này ngày nay còn lưu giữ trên những tấm bia đá trải bao nắng mưa vẫn tồn tại trên mảnh đất phương Nam như những chứng tích cho một phần văn hoá truyền thống của cả nước đã được tiếp nối tại vùng đất mới mẻ này. Nó còn là chứng tích cho những đóng góp của Phan Thanh Giản trong lĩnh vực văn hoá nói chung ở Nam Bộ.

Trong sáng tác của Phan Thanh Giản còn cho thấy tình hình giao lưu văn hoá của các nhân sĩ từ các vùng miền khác nhau trong cả nước vào thế kỷ XIX đã diễn ra cả trong chiều sâu lẫn chiều rộng. Những trao đổi bàn luận qua thư từ, thơ ca, tựa bạt giữa các thi nhân cũng cho thấy các tác giả văn học Hán Nôm Nam Bộ thời kỳ này chú ý nhiều hơn đến vấn đề thể loại văn học, đến vấn đề lý luận văn học. Bộ phận sáng tác của Phan Thanh Giản trong Lương Khê thi thảo Lương Khê văn thảo sẽ là những dữ liệu cho việc nghiên cứu một vài sự kiện văn hoá, lịch sử của nước nhà và cho từng địa phương trong chừng mực nào đó. Có thể nói, bằng những hoạt động cụ thể của mình, Phan Thanh Giản có những hoạt động tích cực cho nền văn hoá dân tộc nói chung và với văn hoá văn học Hán Nôm ở Nam Bộ nói riêng.

Ghi chú

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (VNU-HCM) trong đề tài mã số C2014-18b-03”.

  1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, (bản dịch của Viện Sử học Việt Nam), tập 4, tái bản lần thứ 2, Nxb. Thuận Hoá, Huế, 2005, tr.41.
  2. Theo Phan Thanh Giản, Tiên phụ lỗi thư tịnh thuật trạng, trong Phan Lương Khê lịch sử tập, bản chép tay của Diệp Bá Ngự phụng sao những năm 1939, 1940, hiện lưu trữ tại Thư viện Viện Hán Nôm Hà Nội, ký hiệu A.3189.
  3. Theo Phan Thanh Giản, Tiên phụ lỗi thư tịnh thuật trạng, trong Phan Lương Khê lịch sử tập, bản chép tay của Diệp Bá Ngự phụng sao những năm 1939, 1940, hiện lưu trữ tại Thư viện Viện Hán Nôm Hà Nội, ký hiệu A.3189.
  4. Theo tài liệu Phan Thanh Giản et sa Famille của Pierre Daudin và Lê Văn Phúc, chuyển dẫn theo Nguyễn Duy Oanh, Chân dung Phan Thanh Giản, sđd., tr.10.
  5. Các địa danh này là địa danh cũ dưới triều Nguyễn.
  6. Phan Huy Lê (2006), “Phan Thanh Giản (1796-1867), con người, sự nghiệp và bi kịch cuối đời”, trong Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản, sđd, tr.287.
  7. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Viện sử học Việt Nam dịch, NXB Giáo dục, tr.1191.
  8. Đại Nam thực lục, tập 8, tr.344.
  9. Nguyễn Khuê, Cao Tự Thanh, 100 câu hỏi đáp về Gia Định Sài Gòn – Văn học Hán Nôm ở Gia Định Sài Gòn, NXB Văn hóa văn nghệ, 2011, tr.198-199.
  10. Năm 1831, Phan Thanh Giản được cử làm Hiệp trấn Quảng Nam, nhận mệnh đi đánh dẹp quân man ở nguồn Chiên Đàn, núi Xả Bá, nhưng thất bại. (Xem Đại Nam thực lục, tập 3, tr.185-187.)
  11. Một chút nhỏ nhoi: nguyên văn “quyên ai” (giọt nước, hạt bụi), có ý chỉ ít ỏi, nhỏ nhoi.
  12. Thất bại từ việc dẫn quân dẹp man ở Chiên Đàn, Phan Thanh Giản bị cách chức, tháng 11 năm 1830 đến tháng 6 năm 1831 cho phái theo đoàn đến Giang Lưu Ba, Hòn Cau và Hạ Châu để gắng công chuộc tội.
  13. Tháng 6, sau khi Phan Thanh Giản đi Giang Lưu Ba về, được khôi phục chức Hàn lâm kiểm thảo, sung Nội các hành tẩu. Tháng 9, ông lại được thăng chức Hộ bộ viên ngoại lang, thự Thừa Thiên phủ thừa.
  14. Ca Văn Thỉnh dịch.

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên giám 2016

20170924

Ảnh: Sách chép tay Nhị thập tứ nữ tắc diễn âm 二十四女則演音(Ký hiệu AB.307)

Lời nói đầu

Các sách nữ huấn của Việt Nam từ trước thế kỷ XIX cũng giống với các sách nữ huấn của Trung Quốc, Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản đều có mục đích điều tiết cuộc sống sinh hoạt của phụ nữ nên có thể nói nó chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo. Với ý nghĩa đó người ta có thể thấy các điểm chung trong các sách nữ huấn của Trung Quốc, Việt Nam, Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Nói như vậy cũng không có nghĩa các sách nữ huấn của Việt Nam hoàn toàn "bứng trồng" từ sách nữ huấn của Trung Quốc. Do đã có nhiều năm nghiên cứu đề tài nữ huấn của Trung Quốc, Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, đứng trên lập trường truyền thống về sách nữ huấn của các nước Đông Á, chúng tôi cũng nhận ra những mảng mầu sáng tạo trong các sách nữ huấn của Việt Nam, đó là vấn đề Việt ngữ hóa trong việc truyền tải tư tưởng nữ huấn của Trung Quốc. Tuy nhiên ở Việt Nam cũng khó tránh khỏi nẩy sinh các vấn đề về đặc thù ngôn ngữ và giới tính.

1. Về sự truyền bá sách nữ huấn của Trung Quốc

Các sách nữ huấn cổ nhất hiện còn cho đến nay có lẽ là các sách ra đời vào trước thời Tiền Hán của Trung Quốc. Đó là sách Liệt nữ truyện 列女傳và một phần truyện ký về một số phụ nữ đăng trong mục Liệt truyện 列傳, sách Sử ký của Tư Mã Thiên. Các sách đó tuy không phải là sách nữ huấn, nhưng vào thời nhà Minh đã được xuất bản dành cho phụ nữ với tư cách là sách nữ huấn(1). Đến thời Hậu Hán, sách Nữ giới 女誡do quả phụ Ban Chiêu (41-120 TCN), người được coi là "lịch sử gia nữ giới" đầu tiên của Trung Quốc sáng tác. Nữ giới cũng giống như các sách cổ điển khác của Trung Quốc như Lễ ký đề cập đến thái độ ứng xử phải theo lễ nghĩa đối với cha mẹ và người thân của người phụ nữ khi về nhà chồng(2). Đến thế kỷ XVII, người ta đã đem ba sách do nữ giới sáng tác, đó là sách Nữ luận ngữ 女論語được biên soạn dưới thời nhà Đường trên cơ sở của sách Nữ giới cùng với sách Luận ngữ; sách Nội huấn 內訓do Hứa Hoàng hậu vua Hán Tuyên đế được biên soạn vào năm 1405; sách Nữ phạm tiệp tục ra đời vào thời nhà Minh kết hợp thành một cuốn đổi tên là Nữ tứ thư 女四書và cho xuất bản vào năm 1624(3).

Cũng như các sách được biên soạn cho đối tượng là nữ giới, nhan đề các sách nữ huấn đều có chữ "Nữ". Điều đó cho thấy đến thời nhà Minh, nữ giới thực sự đã trở thành tầng lớp độc giả. Tuy nhiên, các sách nữ huấn trong xã hội mà nữ giới phải phục tùng nam giới theo "tam tòng", "tứ đức"... thì hai sách Liệt nữ truyện, Nữ giới không chỉ được truyền đi trong khoảng hai nghìn năm, đến tận cuối thế kỷ XIX ở Trung Quốc, mà còn được truyền tới các nước trong khối đồng văn như Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam với tư cách là các sách giáo dục quy phạm nữ giới. Ở các nước này khi xuất bản các sách nữ huấn người ta đã dùng ngôn ngữ mẹ đẻ để chấp bút. Các sách Hán như Liệt nữ truyện ở Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Namtuy không có độc giả là nữ giới, nhưng để đa phần phụ nữ đọc được các sách nữ huấn trên, người ta đã chuyển Hán văn sang Quốc ngữ và việc xuất bản các nữ huấn bằng tiếng Nhật đã ra đời.

Liệt nữ truyện và Nữ giới được truyền tới các nước cụ thể vào thời kỳ nào? lẽ đương nhiên chưa thể biết được, nhưng ở Nhật bản vào cuối thế kỷ thứ IX, trong sách Nhật Bản quốc kiến tại thư mục lục日本國見在書目錄do Obase Keiichi小長谷惠吉biên soạn người ta đã thấy tên các sách nữ huấn ở thời nhà Đường như Liệt nữ truyệnNữ giới và Nữ hiếu kinh, từ đó có thể suy đoán các sách trên đã được du nhập vào Nhật Bản vào thế kỷ thứ IX(4). Điều đáng tiếc là ở Triều Tiên và Việt Nam đều không có tư liệu tương tự như vậy, song vẫn có thể suy đoán, nếu các sách trên được truyền tới Nhật Bản vào thế kỷ thứ IX, thì có lẽ nó cũng được truyền tới Triều Tiên và Việt Nam. Nhưng cũng như Triều Tiên và Việt Nam, ở Nhật Bản trải qua nhiều thế kỷ, người ta cũng không tìm thấy tư liệu ghi chép về việc sách Liệt nữ truyện và Nữ giới đã được đọc và sao chép thế nào.

Thời gian trôi đi và cho đến cuối thời nhà Minh, ở Trung Quốc đã xuất bản khá nhiều sách nữ huấn, trong sách còn có cả tranh vẽ minh họa. Theo dòng chảy của sách nữ huấn, tác giả Lã Khôn 呂坤đã viết ra các sách nữ huấn mới. Trong lời Tựa sách Khuê phạm 閨範(bản in năm 1591) ông đã nêu rõ ý đồ biên soạn sách: "Các sách nữ huấn ngày xưa, văn chương nhàm chàn, không thú vị, vì thế để tiện cho các độc giả là nữ giới, tôi đã tập hợp thêm những truyện ghi chép về phụ nữ ở thời đại mới và kèm theo đó là ảnh minh họa và các chú thích". Vì thế có thể nói(5), vào cuối đời Minh, sách Liệt nữ truyện đã có bản in mang tên khác là sách Khuê phạm. Các sách nữ huấn ở thời nhà Minh, đầu tiên là các sách Nữ tứ thư, Khuê phạm... cũng được truyền tới Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam và được các nước tiếp nhận, biên soạn lại thành các sách nữ huấn của nước mình. Do tình hình chính trị của mỗi nước, việc xuất bản sách nữ huấn sớm muộn có khác nhau, song trong các nước đồng văn, Triều tiên và Nhật Bản được coi là nước xuất bản sách nữ huấn sớm nhất, vì thế trong mục tiếp theo, chúng tôi sẽ trình bày sự ra đời sách nữ huấn ở Triều Tiên và Nhật Bản.

2. Triều Tiên

Từ những tư liệu còn hạn hẹp, chúng tôi đã tìm ra các chứng cứ cho thấy sách Liệt nữ truyện và Nữ giới đã được du nhập vào Triều Tiên vào đầu thế kỷ XV qua ghi chép tương đối tỉ mỉ từ sách Triều Tiên vương triều thực lục 朝鮮王朝實錄. Theo ghi chép của sách này, vào năm 1404, các sứ giả Triều Tiên từ Trung Quốc trở về đã dâng tặng cho Hoàng đế Triều Tiên bản in sách Liệt nữ truyện. Trải qua 5 năm, từ năm 1404 đến năm 1409, vua Triều Tiên đã lệnh cho các đại thần biên soạn sách nữ huấn cho giới quý tộc nữ Triều Tiên(6). Điều đó cho thấy khả năng đọc Hán văn của tầng lớp nữ giới thượng lưu quý tộc Triều Tiên, bởi lúc đó chữ Hanguru của Triều Tiên vẫn chưa được coi là văn tự ghi chép. Năm 1470, nhà vua lệnh cho các học giả dùng "khẩu quyết" (Huấn độc Hán văn Triều Tiên) để chua các kí hiệu huấn điểm độc đáo vào văn bản Hán văn Liệt nữ truyện. Vào thời điểm năm 1443, khi văn tự Hanguru đã chính thức trở thành văn tự của Triều Tiên, người ta đã dùng "khẩu quyết" Hán văn - một thao tác không phải là phiên dịch, mà dùng các ký hiệu huấn điểm để người đọc dễ hiểu và được coi là một phương pháp thuận lợi cho những phụ nữ có khả năng đọc chữ Hán(7).

Năm 1517, cũng có ý kiến cho rằng các sách Liệt nữ truyện, Nữ giới và Nữ tắc... đều là những sách cần cho phụ nữ, nhưng chúng rất khó đọc, vì thế cần dịch các sách đó ra tiếng Triều Tiên bằng văn tự Haguru(8). Từ đó có thể suy đoán không có nhiều phụ nữ Triều Tiên đọc được chữ Hán và nếu không có bản in bằng tiếng Triều Tiên thì người phụ nữ không thể đọc được. Chúng tôi không có điều kiện đi sâu vào vấn đề này, song trên thực tế những sách nữ huấn như Nội tắc 內則(tuy cùng tên nhưng thực ra là sách khác so với sách Nội tắc 內則do Hứa Hoàng hậu vua Huán Tuyên đế biên soạn đã nói ở trên) đều do mẹ của vua Thành Tông (Triều Tiên) biên soạn vào năm 1475, trên cơ sở của cuốn Liệt nữ truyện, Tiểu học của Chu Tử được dịch và bình luận bằng tiếng Triều Tiên. Tác giả với tư cách là một thành viên trong xã hội và là người đã có chồng nên bà nhấn mạnh chủ trương phụ nữ không thể không giáo dục. Đây là cuốn nữ huấn đầu tiên dành cho phụ nữ người Triều Tiên được viết bằng tiếng Triều Tiên, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1522(9).

Vào giai đoạn này, sách Liệt nữ truyện, bản in chữ Hán chưa được Triều Tiên cho in. Năm 1543, người ta đã bàn đến chuyện đem sách Liệt nữ truyện viết bằng tiếng Triều Tiên ra in, nhưng rút cục việc đó không thực hiện được. Điều này cho thấy phần nào sự thay đổi về cách nhìn đối với các sách nữ huấn viết bằng tiếng Triều Tiên dành cho đối tượng là nữ giới Triều Tiên(10). Vào thời kỳ đó, các nhà Nho thượng lưu của Triều Tiên như là Lý Thoái Khê 李退溪đã đưa ra vấn đề đọc sách của phụ nữ và ông đã giới thiệu các sử thư và kinh điển về nữ giới trong các sách cổ điển của Trung Quốc. Các nhà Nho nam giới là những tri thức đã bắt đầu cảm thấy không hài lòng về việc đọc sách của phụ nữ, đặc biệt là vào thế kỷ XVIII, khi thấy phụ nữ tìm đọc các sách chịu ảnh hưởng xấu của các loại tiểu thuyết thông tục của Trung Quốc, họ đã vội vàng dâng các sách như Hiếu kinh, Nữ tứ thư... lên triều đình(11). Để đối phó với tình hình đó, nhà vua đã ra lệnh cho Lý Đức Thọ 李德壽đem sách Nữ tứ thư dịch ra tiếng Triều Tiên và 2 năm sau, vào năm 1736, trong lời Tựa cho lần xuất bản bằng tiếng Triều Tiên, dịch giả đã bày tỏ sự lo lắng của mình về ý thức giáo dục, tu thân thấp kém của người phụ nữ. Qua đó có thể thấy vào thế kỷ thứ 18 những tập quán, luân lý đạo đức của Trung Quốc ở thời nhà Minh đã phần nào bị xa rời ở Triều Tiên. Từ các hoạt động như của Lý Đức Thọ, người ta đã thấy rõ ý đồ của các nhà Nho Triều Tiên trong việc dựa vào Nho giáo của Trung Quốc để củng cố trật tự xã hội(12).

Từ sau thế kỷ XV, người Triều Tiên đã coi trọng hơn việc giáo dục tu thân cho phụ nữ và để làm điều đó, người ta đã cho rằng nếu biên soạn các sách nữ huấn hay các sách tu thân bằng tiếng Triều Tiên sẽ thích hợp hơn so với việc in nguyên văn các sách cổ điển Trung Quốc, bởi việc ấn loát đương thời không phải chỉ do các nhà xuất bản mà phần lớn vẫn do nhà nước quản lý. Nhà nước khuyến khích in các sách hữu ích bằng tiếng Triều tiên, còn cách loại tiểu thuyết thông tục thời nhà Minh chủ yếu cho đối tượng là những người có năng lực Hán văn đọc.Lúc bấy giờ ở Triều Tiên cũng chưa có cái gọi là "thị trường sách", các sách xuất bản số lượng không có nhiều, cho nên các sách cho độc giả là nữ, chỉ hạn chế ở tầng lớp nữ giới trung thượng lưu mà thôi(13).

3. Nhật Bản

Khác với Triều Tiên, ở Nhật Bản có rất nhiều tư liệu chứng minh từ thế kỷ thứ IX các sách nữ huấn của Trung Quốc đã được truyền đến Nhật Bản và từ thế kỷ thứ XVII các sách nữ huấn của Trung Quốc đã được in và phổ cập ở Nhật Bản. Thực ra ở Nhật Bản đã có lịch sử xuất bản khá lâu đời bắt đầu từ việc in ấn các loại Phật điển, song ngoài các sách viết bằng tiếng Nhật Katakana, các loại ngoại điển bao gồm sách nữ huấn và kinh điển cho đến trước thế kỷ XVII cũng được in rất ít. Sách Liệt nữ truyện viết bằng Hán văn lần đầu tiên được in ở Nhật Bản là vào năm 1653. Sau đó 2 năm, đến năm 1655, người ta cũng cho xuất bản bằng tiếng Nhật sách Giả danh liệt nữ truyện 假名列女傳. Tiếp đó, người ta cho in các tập truyện ký của các tác giả nữ Nhật Bản như Bản triều nữ giám 本朝女鑑 (in năm 1661), Bản triều liệt nữ truyện 本朝列女傳(in năm 1668), và tiếp đó là sách Hiền nữ vật ngữ 賢女物語(in năm 1669) bao gồm các các truyện ký về phụ nữ ở Trung Quốc và Nhật Bản. Sách Nữ giới của Trung Quốc không chỉ có bản bằng Hán văn, vào năm 1651 lần đầu tiên sách Nữ giới đã được dịch ra tiếng Nhật, và tiếp đó, đến năm 1656, sách Nữ tứ thư với một bộ phận bằng tiếng Nhật cũng đã được xuất bản(14).

Vào khoảng nửa thế kỷ XVII cũng giống Triều Tiên, ở Nhật Bản các nhà Nho Nhật Bản cũng thấy lo lắng về các sách đọc cho phụ nữ. Họ cho rằng một số tác phẩm văn học cổ điển của Nhật Bản như Nguyên thị vật ngữ 源氏物語(Genjimonogatari) và một số các tác phẩm văn học khác sau khi được xuất bản bằng truyện tranh và phổ cập trong xã hội đã có ảnh hưởng xấu đến phụ nữ. Người đầu tiên đưa vấn đề này ra là Yamaga Soko 山鹿素行, ông cho rằng sách cho phụ nữ không chỉ có Nguyên thị vật ngữ, mà cần coi trọng cả các sách Luận Ngữ, Hiếu kinh, Liệt nữ truyện do Chu Tử viết(15).

Năm 1670 trong danh mục sách xuất bản đã xuất hiện bộ Nữ thư 女書, đó là bộ sách được phát hành cho đối tượng là phụ nữ Nhật Bản. Trong bộ Nữ thư ngoài sách nữ huấn như đã nói ở trên còn có khoảng 19 cuốn là các sách về lễ nghi, sổ tay học chữ và sách hướng dẫn viết đơn thư(16). Điều đó chứng tỏ nhu cầu xuất bản sách vở dành cho nữ giớingày càng cao. Lúc này, tác phẩm Nữ đại học 女大學là một trong sách nữ huấn nổi tiếng nhất của Nhật Bản được biên soạn khoảng đầu thế kỷ XVIII chưa xuất hiện. Tuy nhiên, kể từ saukhi sách Nữ đại học nói trên ra đời, cho đến cuối thế kỷ XIX, người ta lại cho tái bản nhiều lần sách này(17). Các sách nữ huấn đều được viết bằng tiếng Nhật, lại do các thương nhân cho xuất bản nên phụ nữ Nhật có thể dễ dàng mua nó ở trên phố. Tuy nói là sách nữ huấn, nhưng hầu như đều là sách tranh, nội dung của nó không chỉ là "nữ huấn" mà còn bao gồm cả các mục khá thú vị như các nghi lễ, khi mang thai, khi nuôi con... Điều đó chứng tỏ ở Nhật Bản, từ thế kỷ thứ XVIII, nhu cầu đọc các sách nữ huấn viết bằng Hán văn của Trung Quốc gần như không còn nữa.

Có thể thấy sự khác nhau giữa Nhật Bản và Triều Tiên trong việc xuất bản sách vở dành cho phụ nữ. Đầu tiên là việc xuất bản sách dành cho nữ giới xuất hiện ở Nhật Bản sớm hơn Triều Tiên tới vài thế kỷ. Khác với Triều Tiên, ở Nhật Bản, việc xuất bản không phải do nhà nước quản lý mà do các nhà xuất bản tự đứng ra tổ chức nên so với việc xuất bản các sách nữ huấn bằng chữ Hán không bán được, thì việc xuất bản sách nữ huấn bằng tiếng Nhật đã có ưu thế hơn hẳn. Để tăng số lượng sách bán ra, các nhà kinh doanh Nhật Bản chủ trươngít đề cập đến nội dung tu thân, cho thêm nội dung liên quan đến dạy dỗ trẻ em... để làm cho sách nữ huấn dần trở nên thú vị. Trong bối cảnh giáo dục nữ giới ngày càng được coi trọng, các trường học nhà chùa là cơ sở giáo dục bình dân ngày càng được phổ cập, năng lực đọc sách của phụ nữ ngày càng cao, thì việc xuất bản sách nữ giới ngoài việc đem lại lợi nhuận cho các thương gia, nó còn giúp phụ nữ tiện lợi hơn trong việc giáo dục và nuôi dạy con trẻ(18).

4. Các sách nữ huấn ở Việt Nam

Ở Việt Nam, do khí hậu và chiến tranh nên rất đáng tiếc đến nay chỉ còn sót lại một số sách chép tay và sách in. Các sách vở hiện còn chỉ có niên đại vào khoảng thế kỷ XVII, nhưng chúng tôi không thể chờ được những chứng cứ chứng minh luận điểm cho rằng có thể việc in ấn sách vở của Việt Nam bắt đầu sớm hơn nhiều so với thời điểm thế kỷ thứ XVII(19). Khi chúng tôi điều tra về việc du nhập các sách nữ huấn của Trung Quốc vào Việt Nam, có một điều không thể phủ nhận đó là có rất ít tài liệu. Do các sách nữ huấn từ xưa không còn nên hoàn toàn không thể suy đoán hay kiểm tra được. Vào thế kỷ XIX, khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, việc bảo quản các thư tịch cổ có lẽ đã ít nhiều chịu ảnh hưởng(20).

Với các lý do trên, hiện trong các sách in của Việt Nam hầu như không tìm thấy sách Liệt nữ truyện, nhưng cũng không vì thế mà cho rằng sách Liệt nữ truyện đã không được phổ cập ở Việt Nam. Có thể nêu một số sách có liên quan như: bản chép tay sách Liệt nữ tiệp lục giải âm 列女捷錄解音(ký hiệu AB.127). Sách này có kèm lời Tựa được viết vào năm 1856. Đây là bản dịch bằng chữ Nôm các truyện ký về phụ nữ Trung Quốc(21). Sách chép tay Nhị thập tứ nữ tắc diễn âm 二十四女則演音(AB.307) có hình thức đoạn trên bằng Hán văn, đoạn dưới bằng chữ Nôm, được biên soạn dựa trên truyện ký về 24 nhân vật phụ nữ, trong số đó có 6 nhân vật nữ có xuất xứ từ sách Liệt nữ truyện. Ngoài ra sách chép tay Liệt nữ truyện thi (R.1614, Thư viện Quốc gia) cũng có một số truyện lấy từ sách Liệt nữ truyện. Về sách in, chỉ có cuốn Quỳnh Lưu tiết phụ truyện 瓊王留節婦傳(VHv.1734). Sách này viết bằng chữ Hán, được in năm 1900. Tác giả là Phạm Đình Toái 范廷撮người Quỳnh Lưu [Nghệ An]. Trong lời Tựa, ông cũng xác nhận, khi biên soạn ông đã chịu ảnh hưởng của sách Liệt nữ truyện. Như nhan đề tác phẩm, sách này là tập hợp truyện ký về phụ nữ ở vùng Quỳnh Lưu, cũng giống như tác giả của sách Bản triều liệt nữ truyện 本朝列女傳của Nhật Bản đây là cuốn truyện ký về người phụ nữ(22).

Sách Nữ giới 女誡cũng đã thấy xuất hiện trong sách Tào đại gia nữ giới 曹大家女誡(AB.557) xuất bản vào năm 1908. Tào đại gia chính là tên khác của tác giả Ban Chiêu. Trong phần đầu của sách có vẽ ảnh Ban Chiêu tay cầm cuốn sách, có lẽ là bức ảnh vốn có trong sách xuất bản tại Trung Quốc(23). Nhưng từ thông tin có liên quan đến việc xuất bản đăng ở trang đầu, chúng ta có thể biết sách này thực ra là sách phóng tác của tác giả Phạm Đình Hổ (1768-1839). Sách [Tào đại gia mà Phạm Đình Hổ dựa vào để diễn nghĩa]hiện có lẽ không còn, nhưng xem sách Tào đại gia nữ giới có thể biết tác giả đã diễn nghĩa bằng chữ Nôm từ nguyên văn câu văn Hán.

Cũng giống như sách Liệt nữ truyện và Nữ giới, sách Giáo nữ di quy 教女遺規của tác giả Trần Hoằng Mưu 陳宏謀cũng được du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam(24). Tác phẩm này được biên soạn vào năm 1742, là một trong sách nữ huấn cuối thời nhà Minh, nhưng chỉ thấy bản in bằng chữ Hán Giáo nữ di quy 教女遺規của Việt Nam được xuất bản ở Hưng Yên vào năm 1878. Sách này hiện còn 5 bản, 4 bản in và 1 bản chép tay(25). Liên quan đến giáo dục nữ giới còn có sách Tam tự kinh 三字經của Trung Quốc. Sách Nữ huấn tam tự thư 女訓三字書(AB.22) được in ở Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ XIX, nhưng cũng chịu ảnh hưởng từ sách Phụ nhũ tam tự thư 婦乳三字書của Trần Tử Bao 陳子褒(1862-1922) cuối thời nhà Thanh Trung Quốc. Trong Nữ huấn tam tự thư có thấy những câu như phụ nữ đọc sách có ích cho nước nhà, cho thấy ở giai đoạn này cũng giống như ở Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên, ở Việt Nam cũng có chủ trương cho phụ nữ đọc sách sẽ có ích cho xã hội.

Ngoài ra, vẫn còn một số sách chép tay Hán, hoặc sách chép tay vừa Hán vừa Nôm dành cho đối tượng là phụ nữ. Như sách Lan phòng pháp ngữ 蘭房法語(AB.162) được biên soạn vào năm 1860. Theo lời Tựa, sách được biên soạn dành cho phụ nữ ở nông thôn. Nội dung của sách được trích dẫn từ các mục có liên quan đến phụ nữ được lấy ra từ trong các sách kinh điển của Nho gia như là Đại học, Thư kinh, Tiểu học và được dịch ra bằng chữ Nôm. Sách Trinh ác phụ nữ tục biên貞惡婦女續編(A.2567) là tập truyện ký về 28 phụ nữ Trung Quốc với mục đích khuyến thiện trừng ác.

Cũng có tác phẩm hoàn toàn viết bằng chữ Nôm, nhưng nhan đề sách viết bằng chữ Hán. Sách Nữ tắc diễn âm 女則演音của tác giả Trần Vạn An được xuất bản vào năm 1845, được tái bản vào năm 1868 (R.52; AB.47). Nữ tắc cũng là sách của Trung Quốc, nhưng ở Việt Nam chỉ thấy bản phiên Nôm. Bản in Huấn nữ tử ca 訓女子歌(AB.85) được in năm 1875 cũng hoàn toàn viết bằng chữ Nôm. Như vậy sang thế kỷ XX, các sách nữ huấn liên tục được xuất bản. Nếu sách Phượng Sơn nữ kinh bảo lục 鳳山女經寶錄(AB.501) được in vào năm 1912 là tập truyện ký tập hợp gồm các truyện lấy trong Liệt nữ truyện của Trung Quốc và truyện về phụ nữ Việt Nam, thì sách Nữ học diễn ca 女學演歌(VNv.59) in năm 1914 cũng là tác phẩm có dẫn các truyện của Trung Quốc.

Ngoài sách Nữ tiểu học 女小學(xem ảnh tr.36) mà chúng tôi sẽ trình bày kỹ trong mục dưới đây, các sách nữ huấn ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Thư viện Quốc gia hầu như đã được chúng tôi xem xét tới. Số lượng các sách nữ huấn còn ít nhưng cũng có khả năng hiện vẫn còn một số sách sót lại trong các tàng thư cá nhân. Sách Gia huấn ca 家訓歌hiện không còn nhưng có thể nó vẫn được lưu truyền khá rộng rãi trong xã hội(26).

Tóm lại, trong các sách nữ huấn của Việt Nam rất ít sách nữ huấn viết bằng chữ Hán, chủ yếu được viết bằng chữ Nôm với hình thức "diễn ca"(27). Khác với Nhật Bản, không có tranh minh họa, cũng chẳng có thông tin mang tính thực dụng hoặc có các câu chuyện kèm theo mang tính giải trí vui vẻ. Nhưng phụ nữ Việt Nam với tư cách là độc giả sẽ cảm nhận thế nào khi đọc các sách nữ huấn đó? Có phải họ thật sự muốn trang bị cho mình những kiến thức của nữ huấn, hay là giống như Tadano Makuzu của Nhật Bản suy đoán, họ muốn trút bỏ nữ huấn? đến nay chúng ta vẫn chưa có thể biết rõ điều này(28).

Trong các sách được xuất bản vào thế kỷ XX, chúng ta hầu như không tìm thấy các sự kiện phản ánh thế giới cận đại. Nhưng có một ngoại lệ, đó là sách chép tay Tân nữ huấn 新女訓(AB.423). Trong lời Tựa tác giả Phạm Văn Thụ (1858-1930) đã nói đến các từ như "tự do", "bình đẳng" là những từ Hán do Nhật Bản sáng tạo, nhưng ý nghĩa cốt lõi của sách vẫn là phải giữ quốc hồn, quốc túy của Việt Nam theo tập quán truyền thống. Phần chính văn của sách bằng chữ Nôm vẫn cổ súy nghĩa vụ của người phụ nữ xưa. Tuy nhiên, khác với cách sách nữ huấn trước đây, trong sách này có một mục nói với về sự "giải trí", khuyên người phụ nữ khi có thời gian phải tranh thủ đến thư viện đọc sách, phải tham gia các hoạt động thể thao, đến nhà hát kịch, trò chuyện với bạn bè, tham gia các buổi dạ tiệc... Rất đáng tiếc, đó là sách chép tay nên rất khó có khả năng được lưu hành rộng rãi.

5. Nữ tiểu học

Hiện còn 2 sách Nữ tiểu học 女小學(AC.552 và R.1022) nên khó có thể dùng thư chí học để nói về sách này, bởi 2 sách có hai bộ phận hoàn toàn riêng biệt. Bộ phận đầu được viết bằng Hán văn với nhan đề là Nữ tiểu học. Nếu từ tên sách mà phán đoán thì có lẽ sách có liên quan ít nhiều đến sách Chu Tử là sách được du nhập từ Trung Quốc. Do điều kiện còn hạn hẹp, chúng tôi mới chỉ tìm thấy 1 sách Nữ tiểu học ở phân kho Trung Quốc trong kho sách Đông Dương văn khố ở Tokyo(29). Sách Nữ tiểu học này do tác giả Hồ Văn Hoán 胡文煥biên tập và phát hành ở thời nhà Minh. Cuối sách có dòng lạc khoản "Hoằng Trị Giáp Tý" 弘治甲子(1504) nên suy đoán sách Nữ tiểu học được biên soạn vào khoảng thời gian này, nhưng trong sách Liệt nữ truyện được tái bản cũng xuất hiện tên người biên tập là Hồ Văn Hoán, một nhân vật hoạt động rất tích cực ở cuối thế kỷ XVI, từ đó suy đoán, sách Nữ tiểu học được Hồ Văn Hoán làm vào khoảng thời gian này (tức cuối thế kỷ XVI)(30). Quả thật, có rất nhiều sách nữ huấn thời Minh được lưu hành thời bấy giờ, như ở Tứ xuyên có cuốn Huấn ấu nữ ca 訓幼女歌. Do được lưu hành rộng rãi nên những loại sách nữ huấn rất dễ bị mất đi. Nữ tiểu học cũng như vậy, hầu như không còn thấy ở Trung Quốc nữa(31).

Tiếp theo, chúng tôi sẽ tìm hiểu xem sách Nữ tiểu học bản in của nhà Minh có quan hệ thế nào với Nữ tiểu học được xuất bản ở Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.

Nữ tiểu học, tiếng Nhật gọi là Ona shogaku đã được tìm thấy trong danh mục sách xuất bản tại Nhật từ sau năm 1729. Sách này hoàn toàn không có quan hệ gì với sách Nữ tiểu học bản in thời nhà Minh, được Nhật Bản biên soạn và xuất bản vào năm 1725(32). Sách được viết bằng tiếng Nhật, trong sách còn kèm theo tranh minh họa, nội dung nói về việc tu thân, song kèm theo các câu chuyện có tính chất giải trí vui vẻ. Sách được được tái bản vào các năm 1875 và 1901, nhưng nội dung các sách tái bản cũng không liên quan gì đến sách Nữ tiểu học in thời Minh. Trường hợp Nữ tiểu học của Triều Tiên lại khác với Nhật Bản. Sách Nữ tiểu học của Triều Tiên có tên là Yŏsohaklà tác phẩm được Triều Tiên biên soạn với tư cách gồm sách nữ huấn của Triều Tiên và các sách Tiểu học, Liệt Nữ truyện, Nữ giới của Chu Tử (Trung Quốc). Sách được in vào năm 1882 nên cũng có thể coi đây là một tác phẩm khác(33).

Triều Tiên và Nhật Bản chỉ có tên sách giống với bản in thời Minh, nhưng nội dung của chúng lại hoàn toàn khác nhau. Trái lại, ở Việt Nam sách Nữ tiểu học hầu như không khác gì với bản in thời nhà Minh. Phần chính văn hoàn toàn không khác gì so với bản in thời Minh, thậm chí những bộ phận đã mất đi ở thời nhà Minh vẫn thấy đầy đủ. Chúng tôi chưa rõ, không biết có phải bản của Việt Nam là một dị bản thời nhà Minh? hoặc những chỗ bổ sung đó là do người biên tập tự tiện thêm vào.

Chúng tôi còn thấy, phần cuối của bản Nữ tiểu học thời Minh còn dẫn dụng cả sách Liệt nữ truyện, có cả đoạn viết bằng Hán văn nói về đạo đức và vai trò của người phụ nữ sau khi kết hôn. Như vậy bộ phận nửa trước của sách Nữ tiểu học là phần trọng tâm của sách (cũng gọi là phần trụ cột, chính yếu của sách. Tức từ trang đầu đến hơn số hơn 100 ở phần giữa sách) vẫn được coi là sách Nữ tiểu học, nhưng phần nửa sau của sách thì chỉ là phần ghép phụ thêm vào. Vì thế sách này vốn là hai sách khác nhau được người ta cho đóng kèm vào thành 1 cuốn. Trang đầu tiên ở sách trước có ghi năm can chi "Nhâm Dần", đó có lẽ là năm 1842, hoặc cũng có thể là năm 1902. Nơi in là tổ chức "Thiện đàn" có tên là Khuyến thiện đàn của tỉnh Nam Định, và được Thiện đàn có tên là Tu thiện đàn 修善壇cho tái bản ["Tu thiện hiệu nam phụ đẳng trùng san" 修善號男婦等重刊(do nam nữ hiệu Tu thiện cho in lại)]. Phần nửa sau là sách Huấn nữ diễn âm ca tân đính 訓女演音歌新訂, có ghi dòng chữ "Canh Tý niên xuân nguyệt phụng san vu An Khánh Phùng Hải hiếu thiện chi tư thục đường" 庚子年春月奉刊于安慶逢海孝善之私塾堂(Tư thục đường Hiếu thiện Phùng Hải, An Khánh in lại vào tháng xuân năm Canh Tý), cho thấy đây là bản được in tại Trung Quốc. Tuy nhiên, phía cuối của bài Tựa bằng chữ Hán có ghi dòng chữ "Thành Thái thập nhất niên" 成泰十一年(Năm thứ 11 niên hiệu Thành Thái), tức năm 1899. Vì thế năm Nhâm Dần ở trên không phải là năm 1842 mà là năm 1902.

Phía nửa sau của sách là cuốn Huấn nữ diễn âm ca tân đính, được viết bằng hình thức nửa trên là tóm tắt bằng Hán văn, nửa dưới là thơ lục bát bằng chữ Nôm. Nội dung của sách chủ yếu nói về "tam tòng", "tứ đức" theo truyền thống. Tuy nhiên, trong mục 34 của sách này có mục "Động vật sát thương phản đối luận" cùng đề tài với sách Giới sát phóng sinh diễn âm 戒殺放生演音(AB.489) được in năm 1848. Có thể thấy tác phẩm này (tức Huấn nữ diễn âm ca tân đính) mang sắc thái Phật giáo khá nồng đậm khác hẳn với của Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên..

Nói chung sách Nữ tiểu học của Việt Nam được tồn tại khá độc đáo trong sách nữ huấn ở các nước Đông Á. Không chỉ mang đậm tư tưởng Phật giáo mà còn được trình bày bằng lối văn hỗn nhập chữ Hán và chữ Nôm. Tức là nếu đọc cả sách thì cần phải có năng lực đọc chữ Hán và chữ Nôm, với ý nghĩa đó người ta có thế thấy sự khác nhau giữa các sách nữ huấn Việt Nam với các nước khác, đó là chúng được viết bằng chữ Hán và cả chữ Nôm. Nếu xem chương đầu tiên của sách Nữ tiểu học khuyên phụ nữ đọc sách thì có thể suy đoán số đông phụ nữ đã có thể đọc được, viết được cả chữ Hán và chữ Nôm.

Kết luận

Về mặt luật pháp và thực tế xã hội đã cho thấy vai trò của nữ giới Việt Nam ở thời cận đại cao hơn so với Trung Quốc. Người ta cho rằng, ở xã hội Việt Nam thời Lê, các luật lệ cho dù nghiêm khắc cũng không được thực hiện nghiêm túc(34). Trong khi đó ở thời nhà Minh giai tầng tri thức nam giới được suy tôn, đến mức nào đó còn được coi là lý tưởng(35). Bước sang thế kỷ XIX, vào thời nhà Nguyễn, lý tưởng đó đã dần dần được thực hiện và ở Việt Nam người ta cũng theo quỹ đạo của Nho giáo, suy tôn nam giới(36).

Với tình hình xã hội như vậy, lẽ đương nhiên việc giáo dục nữ giới ở Việt Nam không thể phát triển rộng khắp, nhưng cho dù nam giới được ra ngoài, được đi học, việc giáo dục nữ giới trong gia đình cũng vẫn trở nên phổ biến, song chưa thể có nền giáo dục nữ giới bao hàm trong đó cả việc rèn luyện năng lực đọc và viết(37), song theo ghi chép vào thời thực dân Pháp, vào năm 1930 ở bậc tiểu học đã có trường Nữ tử(38).

Về vấn đề này Việt Nam khá giống với Triều Tiên, nhưng ở Triều Tiên, cho dù việc giáo dục phụ nữ hoàn toàn không phát triển, nhưng người ta lại muốn Nho giáo hóa tầng lớp phụ nữ, vì thế chính phủ cũng vẫn cho xuất bản các sách đạo đức dành cho phụ nữ(39). Mặc dù ở Triều Tiên và Việt Nam đều có nhu cầu sách giáo khoa dành cho phụ nữ, nhưng các loại sách này lại không có tính thị trường. Ngược lại ở Nhật Bản, từ khoảng nửa thế kỷ thứ XVII, cùng với năng lực đọc viết của phụ nữ trong xã hội ngày một nâng cao thì cũng xuất hiện thị trường nhằm sách nhằm đáp ứng nhu cầu sách giáo khoa cho của phụ nữ. Tức là, ở Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản đều có điểm giống nhau là cùng coi trọng việc sử dụng kinh điển, đầu tiên là các sách Tứ thưNgũ kinh cho việc giáo dục nam giới, nhưng đối với phương diện giáo dục phụ nữ vẫn còn có khoảng cách.

Tác giả Phan Kế Bính, trong bài luận đăng trên Đông Dương tạp chí ấn hành vào năm 1915, ông có đề cập đến tư tưởng thâm căn cố đế của cái gọi là "tam tòng", "tứ đức", nhưng lại không phê phán mạnh mẽ nó(40). Về điểm này có thể thấy sự bảo thủ của tác giả đồng thời cũng có thể hiểu được phần nào thái độ của Nho gia. Thực ra vào thời thực dân Pháp, ở Sài Gòn và Hà Nội đều có các trường tiếng Pháp dành cho phụ nữ, năm 1907 còn thành lập trường Đông kinh Nghĩa thục cũng là trường có giờ dành cho phụ nữ, nhưng năm sau đã bị phá bỏ(41). Vì thế bài viết của Phan Kế Bính được viết ở giai đoạn giáo dục nữ giới được Pháp ngữ hóa, nên có thể hiểu được động cơ cơ phản đối của ông. Ở Nhật Bản vào cuối thế kỷ XIX, người Nhật cũng cho phát hành tạp chí dành cho phụ nữ với tư tưởng cận đại mang tính tiến bộ, tây hóa như Nữ học tạp chí 女學雜誌(ra đời vào năm 1885), song thực tế, Nhật Bản cũng như các nước Triều Tiên và Việt Nam vẫn có nhu cầu cổ xúy cho đạo đức phụ nữ truyền thống, cho nên ở Nhật vào các năm 1883, 1893, 1911, người ta vẫn cho in các sách như Nữ tứ thư và ở Triều Tiên vào năm 1907 người Triều Tiên cũng cho tái bản các sách nữ huấn.

Khác với Nhật Bản và Triều Tiên cho xuất bản các ấn phẩm dành cho phụ nữ bằng tiếng Triều Tiên và tiếng Nhật, ở Việt Nam các sách thời "cậ đại" dần dần đòi hỏi phải biết chữ quốc ngữ hoặc tiếng Pháp. Đầu tiên người ta cho xuất bản các sách nữ huấn xưa bằng chữ Quốc ngữ, ví dụ cuốn Nữ tắc 女則được xuất bản bằng chữ Nôm vào năm 1845 và 1868, sau đó vào năm 1911 lại được xuất bản tại Sài Gòn(42). Trong các sách nữ huấn mới, người ta đề cao chủ nghĩa yêu nước, coi trọng việc giáo dục phụ nữ nhưng đồng thời vẫn không bỏ tư tưởng "tam tòng".

Năm 1918, lần đầu tiên tạp chí Nữ giới chung dành cho phụ nữ được ấn hành. Không chỉ viết bằng quốc ngữ, tổng biên tập Sương Nguyệt Ánh cũng là một phụ nữ. Tuy cổ súy việc đọc các sách thời cận đại nhưng việc biết đọc chữ Hán chữ Nôm chẳng có nghĩa lý gì nếu không biết đọc chữ Quốc ngữ. Đây có thể gọi là giai đoạn cận đại hóa sách nữ huấn của Việt Nam.

* Bài viết này do Peter Kornicki và Nguyễn Thị Oanh cùng chấp bút đăng trong Tạp chí International journal of Asian sudies số 6 năm 2009, tr.147-169, Đại học Cambridge, với nhan đề The Lesser learning for women and other texts for Vietnamese women: a bibliographical and comparative study. Nhân đây, chúng tôi xin cảm ơn Đại học Cambridge đã cho phép dịch và đăng lại bằng tiếng Việt.

 

Chú thích:

(1) Dorothy Ko, Teachers of the Inner Chambers: Women and Culture in Seventeenth - Century China (Stanford: Stanford University Press, 1994), tr.54-55, Thomas H. C. Lee, Education in Traditional China: a History (Leiden: Brill, 2000), tr.468-477, và tham khảo thêm: Sherry J. Mou, Gentlemen’s Prescriptions for Women’s Lives: a Thousand Years of Biographies of Chinese Women (Armonk, NY: M. E. Sharpe, 2004), tr.79-86 .

(2) Tham khảo: Nancy Lee Swann, Pan Chao: Foremost Woman Scholar of China, first century A.D.: Background, Ancestry, Life, and Writings of the Most Celebrated Chinese Woman of Letters (New York: Century, 1932).

(3) Yamazaki Junichi: 山崎純一: Nghiên cứu tư liệu lịch sử phụ nữ Trung Quốc - nhìn từ góc độ giáo dục『(教育から見た)中国女性史資料の研究』. Nxb. Meiji shoin, Tokyo. 1986, tr.4. (東京、明治書院、1986, Tựa, tr.4.

(4) 小長谷惠吉: Nhật Bản quốc kiến tại thư mục lục giải thuyết cảo『日本國見在書目録解説稿』. Nxb. Tiểu Kiến Sơn, Tokyo, 1976. Mục lục, tr.4-10. Tham khảo thêm cuốn Nghiên cứu Liệt nữ truyện của Lưu Hướng do Hạ Kiến Long Hùng 下見隆雄biên soạn. Nxb. Đại học Đông Hải, Tokyo, 1989, tr.38-39.

(5) Katherine Carlitz, “The Social Uses of Female Virtue in Late Ming Editions of Lienü zhuan,” Late Imperial China 12.2 (1991), tr.117. Dorothy Ko, Sđd, tr.55 và Thomas H. C. Lee, Sđd, tr.468-477.

(6) Triều Tiên vương triều thực lục『朝鮮王朝實録』, Thái Tông thực lục, ngày mồng Một tháng 11 năm thứ 4 (Q8, tờ 26b). Ch’oe Yŏnmi biên soạn: “Chosŏn sidae yŏsŏng p’yŏnjŏja, ch’ulp’an hyŏmnyŏkja, tokja ŭi yŏk’hal e kwan han yŏn’gu” (Nghiên cứu về các sách do phụ nữ các thời đại của Triều Tiên biên soạn, sự hợp tác của Nhà xuất bản và vai trò của độc giả), đăng trong sách Nghiên cứu thư chí học書誌學研究, số 23. 2002, tr.136.

(7) Triều Tiên vương triều thực lục『朝鮮王朝實録』, Thành Tông thực lục, ngày mồng 8 tháng 2 năm thứ nhất. Q3, tờ 2b.

(8) Triều Tiên vương triều thực lục『朝鮮王朝實録』, Trung Tông thực lục, ngày Tân Mùi, tháng 12 năm thứ 12. Q28, tờ 22a.

(9) Lý Cơ Văn 李基文: “Naehun e taehayŏ” (Về sách Nội tắc), đăng trong sách Khuê chương các, số 10. 1987, tr.1-15; John Duncan: “The Naehun and the Politics of Gender in Fifteenth - Century Korea”, do Young - Key Kim - Renaud biên tập, đăng trong: Creative Women of Korea: the Fifteenth through the Twentieth Centuries, ed. (Armonk, NY: M. E. Sharpe, 2004) tr.26-57.

(10) Ch’oe. Sđd, tr.137. Theo Triều Tiên vương triều thực lục『朝鮮王朝實録』, Trung Tông thực lục, ngày 16 tháng 11 năm thứ 38, Q101, tờ 41b thì vào năm Trung Tông thứ 38 (1543) đã có sách Liệt nữ truyện do nhà nước in, hiện không tìm thấy.

(11) Ch’oe . Sđd, tr.137-138.

(12) Martina Deuchler, The Confucian Transformation of Korea: a Study of Society and Ideology. Cambridge, Mass.: Council on East Asian Studies, HarvardUniversity, 1992, tr.257-264.

(13) Kim Đẩu Trung 金斗鍾: Han’guk koinswae kisulsa (Lịch sử kỹ thuật in ấn thời cổ của Hán Quốc 韓国古印刷技術史). Seoul: T’amgudang, 1974, tr.218.

(14) Kanazōshi shūsei 仮名草子集成, Quyển 40. Tokyo: Tōkyōdō shuppan, 2006, tr. 287-294.

(15) Peter Kornicki: “Unsuitable Books for Women? Genji monogatari and Ise monogatari in late Seventeenth-Century Japan.” Monumenta Nipponica 60.2. 2005, tr.147-193.

(16) Shidō Bunko 斯道文庫biên soạn (Edo jidai) Shorin shuppan shojaku mokuroku shūsei (Thời đại Edo. Thư lâm xuất bản thư tịch mục lục tập thành. Số 4, Tokyo, Shidō Bunko, 1962-1964, số 1. tr.100.

(17) Sugano Noriko 菅野則子. “Onna daigaku kō” (Khảo về Nữ đại học) 女大学考, in Onna daigaku shiryō shūsei 女大学資料集成, bekkan. Tokyo: Ōzorasha, 2006.

(18) Kornicki. Sđd.

(19) Lưu Ngọc Quần 劉玉珺: “Yuenan guji kanke shulun” (Bàn luận về việc san khắc thư tịch cổ ở Việt Nam) 越南古籍刊刻述論, do Zhang Bowei 張伯偉編、Yuwai hanji yanjiu jikan域外漢籍研究集刊第一卷所收. Beijing: Chunghua shuju, 2005, tr.269-292.

(20) David Marr, Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945 (Berkeley: University of California Press, 1981), ch. 4, và John De Francis, Colonialism and Language Policy in Viet-Nam (The Hague: Mouton, 1977) .

(21) Các chữ số trong ngoặc đơn là ký hiệu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Thư viện Quốc gia. Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu. Trần Nghĩa và François Gros đồng chủ biên. 3 tập, Nxb. KHXH, H. 1993; Lưu Xuân Ngân 劉春銀, Vương Tiểu Thuẫn 王小盾 và Trần Nghĩa 陳義, đồng chủ biên cuốn Việt Nam Hán Nôm văn hiến mục lục đề yếu越南漢喃文獻目録提要 (Taipei: Zhongyang yanjiuyuan zhongguo wenzhe yanjiusuo, 2002); Ngô Đức Thọ, Thư mục sách Hán Nôm ở Thư viện Quốc gia (Hanoi: Thư viện Quốc gia, 2004).

(22) Marr. Sđd, tr.211.

(23) Ko. Sđd, tr.127. Bức tranh này rất giống với bức tranh do Trung Quốc xuất bản vào thế kỷ thứ XVII.

(24) Susan Mann, Precious Records: Women in China’s Long Eighteenth Century (Stanford: Stanford University Press, 1997), tr.28-29, và William T. Rowe, Saving the World: Chen Hongmou and Elite Consciousness in Eighteenth - Century China (Stanford: Stanford University Press, 2001), tr.426-429.

(25) AC.200, AC.570, AC.698, VHv.1529 và 1 cuốn do một người ở Tp. Hồ Chí Minh lưu giữ. Xem thêm Viet Nam News, ngày 16 tháng 4 năm 2006, tr.14. (http://vietnamnews. vnagency.com.vn/ showarticle.

(26) Marr. Sđd, tr.194. Xem thêm chú 7 sách của Marr. Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu. Sđd, Tập 2, tr.639 số 2828. Tập 3, tr.176, số 3414.

(27) Hiện tượng này rất giống với Triều Tiên. Sonja Häußler: “Kyubang Kasa: Women’s Writings from the late Chosŏn,” Young - Key Kim - Renaud biên soạn. Creative Women of Korea: the Fifteenth through the Twentieth Centuries(Armonk, NY: M. E. Sharpe, 2004), tr.148-149.

(28) Janet R. Goodwin, Bettina Gramlich -Oka, Elizabeth A. Leicester, Yuki Terazawa và Anne Walthall, “Solitary Thoughts: a Translation of Tadano Makuzu’s Hitori kangae.” Monumenta Nipponica 56 (2001), tr.174.

(29) Nội các văn khố, Tử 9-21. Trong đề là Tân khắc nữ tiểu học 新刻女小學.

(30) Về Hồ Văn Hoán xem thêm: Benjamin Elman, “Collecting and Classifying: Ming Dynasty Compendia and Encyclopedias (Leishu).” Extrême - Orient, Extrême-Occident, 2007.

(31) Cynthia J. Brokaw, Commerce in Culture: the Sibao Book Trade in the Qing and Republican Periods (Cambridge, Mass.: HarvardUniversityAsiaCenter, 2007), tr.544. Tôn Thuận Hóa孙顺华: Phân tích nguyên nhân sự phổ cập hóa các sách nữ huấn sau thời Đường Tống 唐宋以后女教读物的普及化及原因探析, Nxb. Tề Lỗ học 齐鲁学 (2005.2), tr.53. Ở trang này có đề cập đến bản Nữ tiểu học in ở nhà Thanh, nhưng Tào Đại Vi 曹大为trong Trung Quốc cổ đại nữ tử giáo dục中国古代女子教育(Beijing: Beijing shifan daxue chubanshe, 1996), tr.277-278, lại cho rằng sách in năm 1890 có lẽ là một tác phẩm khác.

(32) Shidō Bunko. Sđd, Q3, tr.140.

(33) Bản in Nữ tiểu học của Triều Tiên đăng trong Hồ Sơn toàn thư 壺山全書 (Seoul: Asia Munhwasa, 1987), Q3, tr.545-709; Lý Thụ Phượng 李樹鳳, “Hosan ŭi Yŏsohak yŏn’gu” 壺山의『女小學』研究, Hosŏ munhwa yŏn’gu Hồ Tây văn hóa nghiên cứu, số 7 (1988), tr.5-47, và số 8 (1989), tr.5-34.

(34) Yu Insun: Law and Society in Seventeenth and Eighteenth Century Vietnam (Seoul: Asiatic Research Center, Korea University, 1990), tr.55-73; Yu Insun: “Bilateral Social Pattern and the Status of Women in Traditional Vietnam,” South East Asia Research, số 7 (1999), tr.215-231; Tạ Văn Tài: “Status of Women in Traditional Vietnam: a Comparison of the Code of the Le Dynasty (1428-1788) with the Chinese codes,” Journal of Asian History, số 15 (1981), tr.97-145; Nguyễn Ngọc Huy và Tạ Văn Tài: The Lê Code - Law in Traditional Vietnam: a comparative Sino - Vietnamese Legal Study with Historical - juridical Analysis and Annotation (Athens, Ohio: Ohio University Press, 1987), Q1, tr.177-190, Q2, tr.165-88.

(35) John K. Whitmore: “Gender, State, and History: the Literati Voice in Vietnam,” Barbara Watson Andaya biên soạn. Other Pasts: Women, Gender and History in Early Modern Southeast Asia (Honolulu: Centre for Southeast Asian Studies, University of Hawai‘i at Mânoa, 2000), tr.215.

(36) Whitmore. Sđd; Shawn Frederick McHale, “Printing and power: Vietnamese debates over women's place in society, 1918 - 1934,” K.W. Taylor và John K. Whitmore: Essays into Vietnamese Pasts (Ithaca, N.Y.: Southeast Asia Program, Cornell University, 1995), tr.173-194.

(37) Đỗ Thị Hảo: Sách gia huấn và vấn đề giáo dục gia đình theo quan niệm của các nhà Nho Việt Nam; Trịnh Khắc Mạnh và Phan Văn Các: Nho giáo ở Việt Nam (Nxb. KHXH, H. 2006), tr.225-234; Nguyễn Hữu Mùi: Vài nét về tình hình giáo dục nho học ở cấp làng xã qua tư liệu văn bia, Trịnh Khắc Mạnh và Phan Văn Các, tr.345-360; Phan Kế Bính -tác giả; Nicole Louis-Hénard biên tập: Việt Nam phong tục (Moeurs et coutumes du Vietnam), số 1 (Paris: École française d’Extrême - Orient, 1975), tr.9.

(38) Marr. Sđd, tr.206.

(39) Deuchler. Sđd, tr.257-259.

(40) Phan Kế Bính. Sdd.

(41) Tran My-van: A Vietnamese Scholar in Anguish: Nguyễn Khuyến and the Decline of the Confucian Order, 1884-1909, (Journal of Southeast Asian Studies Special Publications Series No.2; National University of Singapore, 1992), tr.43-44; Marr. Sđd, tr.200. Susan Bayly, Asian Voices in a Postcolonial Age: Vietnam, India and Beyond (Cambridge: Cambridge University Press, 2007), tr.40-41.

(42) Le Thi Ngoc Anh: Catalogue du fonds vietnamien 1890-1921 (Paris: Bibliothèque Nationale, 1987), tr.73-74. Bản Nữ tắc in năm 1911 hiện lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Paris.

(43) Marr. Sđd, tr.206-207.

 

Peter Kornicki, GS.Đại học Cambridge, Anh quốc

Nguyễn Thị Oanh, PGS.TS. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 6(103) 2010; Tr.23-36

20170721. Dinh Thi PhoCửa chính đình Thi Phổ

Kiến trúc đình Thi Phổ

            Đình Thi Phổ được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Tỉnh vào năm 2014. Đây cũng là di tích kiến trúc nghệ thuật đầu tiên ở Mộ Đức được xếp hạng. Đình có công trình kiến trúc cổ đặc sắc mang tính nghệ thuật đắp nổi và điêu khắc rất có giá trị.

Đoàn Lê Giang*

Nam Bộ là mảnh đất mới của đất nước, là nơi lịch sử Hán Nôm bắt đầu muộn nhất, nhưng lại là nơi  chữ Hán kết thúc sớm nhất – ngay sau khi thực dân Pháp chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vì vậy số lượng tư liệu Hán Nôm ở Nam Bộ không thật phong phú. Tuy nhiên do vị trí đặc biệt của Nam Bộ mà tư liệu Hán Nôm trở nên vô cùng quý giá, nó là một phần của ký ức dân tộc ta thời mở cõi và đấu tranh giữ gìn sự thống nhất dân tộc. Ý thức được điều đó mà các cơ quan nghiên cứu,  giảng dạy Hán Nôm và cá nhân các nhà nghiên cứu đứng trên địa bàn đã cố gắng sưu tầm các tư liệu còn sót lại. Hiện nay nhu cầu kiểm điểm, sưu tầm tư liệu Hán Nôm để phục vụ việc bảo tồn vốn văn hóa cổ, đồng thời cũng để phục vụ  giáo dục và phát triển du lịch là rất cấp thiết. Bài viết này trình bày những nét lớn thành tựu đã đạt được và đặt ra một số việc cần tiếp tục trong tương lai.

1. Ký ức dân tộc thời mở cõi và đấu tranh giữ gìn sự thống nhất dân tộc

Cùng với lịch sử hơn 300 năm hình thành, phát triển mảnh đất Nam Bộ, văn học Hán Nôm đã có một đội ngũ khá đông với một số lượng tác phẩm khá lớn. Nói đến văn học Hán Nôm Nam Bộ cần chú ý một số điểm sau.

1.1. Nhiều nhóm tác giả khác nhau

Có thể kể ra đây hai nhóm nho sĩ Việt Nam và 3 nhóm nho sĩ gốc Hoa.

  • Võ Trường Toản 武長và nhóm Bình Dương thi xã 平陽詩社

Võ Trường Toản (?-1792) là người thầy đầu tiên của sĩ dân Nam Kỳ, mở ra nguồn đạo học ở khu vực này. Học trò của ông hầu hết là những người Việt di cư từ miền Trung vào Nam Bộ và hậu duệ của họ, một số là những người Hoa Minh Hương. Ông mất năm 1792, được vua Gia Long truy tặng danh hiệu “Gia Định Xử Sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh”. Tác phẩm của ông để lại chỉ còn một bài phú bằng chữ Nôm: Hoài cổ phú 懷 古 賦 (cũng gọi Hiếu trung hoài cổ phú), 24 câu. Nhưng đây là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của văn học Hán Nôm Nam Kỳ do nó có giá trị xác lập học phong Nam Kỳ - một học phong chú trọng đạo nghĩa, chú trọng thực học và  học để giúp đời. Ông nổi tiếng là một người thầy uyên thâm, đạo cao đức trọng, đào tạo được nhiều học trò giỏi, trong đó nổi bật là: Lê Quang Định 黎光定 (1759-1813), Ngô Nhơn Tĩnh 吳仁靜 (1761-1813), Trịnh Hoài Đức 鄭懷德 (1765-1825) (Gia Định Tam Gia)…Ba ông đều là những công thần khai quốc, văn võ kiêm toàn của triều đình nhà Nguyễn thời Gia Long. Có thể kể thêm vào nhóm này có Trương Hảo Hiệp張好狭(1795-1851). Trương Hảo Hiệp tuy không phải là thành viên Gia Định tam gia, nhưng thời đại mà ông sống và tác phẩm của ông cũng tương tự như nhóm trên, nên có thể xếp vào nhóm này. Ông quê ở Tân Long (sau này là Chợ Lớn, TP.Hồ Chí Minh), làm quan thời nhà Nguyễn, còn tập thơ đi sứ bằng chữ Hán Mộng Mai Đình thi thảo 夢梅庭詩草.

  • Các nhà nho nửa cuối thế kỷ XIX

Cho đến giữa và nửa cuối TK.XIX, nho học ở Nam Kỳ khá phát triển, nhiều người thi đậu cao như Phan Thanh Giản, Phan Hiển Đạo đậu đến tiến sĩ. Đến giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, các nhà nho Nam Bộ đều tham gia kháng chiến và trở thành linh hồn của các nhóm kháng chiến. Năm 1862 ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ bị cắt cho Pháp, đến năm 1867 thì toàn bộ Lục tỉnh Nam Kỳ bị rơi vào tay Pháp. Từ đó Nho học bị bãi bỏ, thế hệ trí thức Nho giáo lụi tàn dần, họ được nhân dân kính trọng nhưng không còn giữ được vai trò dẫn đạo với nhân dân nữa. Những tác giả tiêu biểu có: Phan Thanh Giản潘清简(1796-1867); Nguyễn Đình Chiểu阮廷炤 (1822-1888); Bùi Hữu Nghĩa 裴有義 (1807-1872); Nguyễn Thông阮通 (1827-1884); cùng hàng chục tác giả văn học Hán Nôm khác như: Phan Văn Trị, Trần Thiện Chánh, Huỳnh Mẫn Đạt, Hồ Huân Nghiệp, Nguyễn Hữu Huân, Trương Gia Mô…mà tác phẩm của họ được nhân dân Nam Kỳ yêu mến và truyền tụng cho đến nay.

Bên cạnh đó còn có ba nhóm nho sĩ gốc Hoa nói ở dưới đây.

1.2. Các nhóm nho sĩ gốc Hoa có vai trò quan trọng

  • Chiêu Anh Các 招英閣ở Hà Tiên

Năm 1671 Mạc Cửu鄚 玖 (1655 – 1735) là thương nhân người Hoa, quê ở phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, không chịu thần phục nhà Thanh nên chạy xuống phương Nam, xin khai khẩn vùng đất Mang Khảm 恾 坎 biến nó thành thương cảng Hà Tiên sầm uất. Năm 1708 Mạc Cửu xin thần phục chúa Nguyễn và được phong làm Tổng binh xứ Hà Tiên. Mạc Cửu mất, con trưởng dòng chính là Mạc Thiên Tích鄚天錫 lên thay. Mạc Thiên Tích鄚天錫 (1718-1780) là bà Bùi Thị Lẫm người Việt, quê ở Đồng Môn, Biên Hoà (sau bà được chúa Nguyễn ban cho họ Nguyễn). Mạc Thiên Tích thay cha cai quản Hà Tiên được chúa Nguyễn phong chức Tổng binh Đại đô đốc, tước Tông Đức Hầu 琮徳候. Ông tiếp tục sự nghiệp khai khẩn vùng đất Hà Tiên, biến Hà Tiên thành vùng đất trù phú, văn vật. Mạc Thiên Tích có công lao to lớn trong việc phát triển văn hoá đất Hà Tiên. Năm 1736 ông tổ chức Tao đàn Chiêu Anh Các quy tụ các thi nhân người Hoa và người Việt ngâm vịnh.

  • Người Minh hương 明鄉ở Nam Bộ

Năm 1679 Tổng binh thành Long Môn龍門總兵 tỉnh Quảng Tây là Dương Ngạn Địch楊彥迪và Tổng binh châu Cao, Lôi, Liêm tỉnh Quảng Đông 高雷廉總兵là Trần Thượng Xuyên陳上川đã dẫn hơn 3000 quân trên 50 chiếc thuyền đến cửa biển Đà Nẵng đến xin thần phục chúa Nguyễn, được chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần cho vào miền Nam khai khẩn đất hoang. Dương Ngạn Địch 楊彥迪 theo cửa sông Cửu Long vào định cư ở đất Mỹ Tho; Trần Thượng Xuyên theo cửa biển Cần Giờ ngược sông Đồng Nai 鹿野lên cù lao Phố (Biên Hoà) và Đông Phố 東埔 (Gia Định) định cư ở đấy lo mở mang nghề nông và thương mại. Người Minh hương cố kết với nhau thành các xã có cuộc sống khá thịnh vượng. Năm 1898 ở vùng Phiên Trấn 藩鎮 (tức Sài Gòn-Gia Định) đã hình thành nên làng Minh hương Gia Thạnh 明鄉嘉盛với phong tục tốt đẹp và có ngôi đình Minh Hương Gia Thạnh khá bề thế, nguy nga.

  • Những người Hoa đến di cư vào đời Thanh trở đi

Qua mấy trăm năm sau đó, làn sóng di cư của người Hoa đến Nam Bộ vẫn tiếp tục. Hiện nay tổng số người Hoa ở Việt Nam lên đến gần 1.000.000 người (thống kê năm 2003 là 913.250 người), bao gồm 5 nhóm ngôn ngữ chính: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Khách Gia (Hakka, đôi khi còn gọi là tiếng Hẹ), sống rải rác toàn quốc, nhưng tập trung đông nhất ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Di tích văn hóa người Hoa để lại rất phong phú: các miếu thờ Thiên Hậu, Quan Công, Ông Bổn, các hội quán người Hoa ở  rải rác khắp các thành phố, thị trấn.

1.3.Tư liệu Hán Nôm Nam Bộ còn không nhiều nhưng rất quan trọng

Tư liệu Hán Nôm Nam Bộ hiện không có nhiều, có thể nguyên nhân ở những điểm sau:

-          Lịch sử Nho học ở Nam Bộ tương đối ngắn so với các vùng khác trong cả nước (2000 năm ở Bắc Bộ, 400 năm ở miền Trung), các nhà khoa bảng không nhiều, Nho học lại kết thúc sớm nhất cả nước;

-          Công tác sưu tầm chưa được tiến hành một cách có hệ thống, có quy mô lớn như ở miền Bắc, miền Trung, nhất là ở Huế, như các chương trình sưu tầm nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ, Viện Hán Nôm, Tổ chức UNESCO…

-          Chiến tranh kéo dài, lũ lụt thường xuyên, khí hậu nóng ẩm khiến cho tư liệu bị mất mát một cách nhanh chóng.    

Tuy nhiên các tư liệu Hán Nôm Nam Bộ rất quan trọng, vì nó ghi lại lịch sử cha ông ta thời mở cõi. Xứ Đồng Nai, Sài Gòn, Tầm Phong Long, Hà Tiên… những ngày đầu gian khó khai phá, ổn định đời sống, phát triển kinh tế, giáo dục ra sao. Nó cũng ghi lại tình cảm, tư tưởng, nhận thức, kinh nghiệm của ông cha ta suốt mấy trăm năm, từ khi mở đất cho đến khi chữ Quốc ngữ Latinh làm thay công việc này. Đồng thời tư liệu Hán Nôm Nam Bộ cũng ghi lại những trang hào hùng và bi tráng trong lịch sử đấu tranh gìn giữ đất nước, chống lại âm mưu chia cắt đất nước của ông cha ta trước khi có chữ Quốc ngữ Latinh.

Những tư liệu ấy tồn tại dưới dạng văn bản ở trong nước và một số thư viện và tủ sách tư nhân ở nước ngoài; nó cũng tồn tại dưới dạng văn khắc: văn bia, câu đối, hoành phi, bài minh trên chuông…ở đình chùa, miếu, hội quán. Nếu không sưu tầm, lưu giữ, nghiên cứu, phổ biến thì không chỉ văn bản có thể mất đi, mà đên cả văn khắc cũng không còn mãi. Chúng ta đã không ít lần chứng kiến nhiều tư liệu quý đã vĩnh viễn mất đi không còn tìm thấy lại được nữa.

 

2. Việc sưu tầm và lưu trữ văn bản Hán Nôm

Ý thức được vai trò quan trọng của tư liệu Hán Nôm ở Nam Bộ, từ sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, công tác sưu tầm tư liệu Hán Nôm đã được nhiều cơ quan đơn vị lưu ý, như Ban Văn, Trung tâm Hán Nôm Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Thư viện Khoa học xã hội, khoa Ngữ văn (nay là khoa Văn học và Ngôn ngữ (VH&NN), trường Đại học KHXH và Nhân văn – ĐHQG TP.Hồ Chí Minh…Trong đó Bộ môn Hán Nôm, khoa VH&NN có hoạt động sưu tầm nghiên cứu về Hán Nôm Nam Bộ lâu dài nhất, xuyên suốt từ sau 1975 đến hiện nay. Dưới đây chúng tôi xin trình bày một số hoạt động nổi bật của đơn vị này.

2.1.Sưu tầm tư liệu Hán Nôm qua các đợt thực tập thực tế của sinh viên

Công tác sưu tầm tư liệu Hán Nôm là công việc được khoa Ngữ văn, nay là khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường Đại học KHXH & Nhân văn, ĐHQG TP.HCM tiến hành hàng năm suốt từ mấy chục năm nay. Mỗi một năm có khoảng từ 10 đến 30 sinh viên Hán Nôm đi sưu tầm Hán Nôm ở Nam Bộ, thời gian mỗi đợt thực tập thực tế kéo dài khoảng 15 ngày.

Các tỉnh đã đi sưu tầm gồm hầu hết các tỉnh Nam Bộ, một vài địa phương ở Nam Trung Bộ (như Bình Thuận, Phú Yên).

2.2.Sưu tầm nghiên cứu Hán Nôm qua hợp đồng với các tỉnh

Khoa VH&NN cũng đang tiến hành sưu tầm và nghiên cứu chuyên sâu về Hán Nôm ở 2 địa phương là:

-          Thị xã Hà Tiên theo hợp đồng viết Địa chí Hà Tiên với UBND Thị xã, thời gian từ 2016 đến 2017

-          Tỉnh Đồng Tháp, đề tài Sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa Hán Nôm tỉnh Đồng Tháp hợp đồng với Sở Khoa học-Công Nghệ Đồng Tháp, thời gian 2 năm từ 2016 đến 2017.

Cả hai địa phương đều được khoa VH&NN khảo sát tư liệu, sưu tầm sách vở, chụp đối liên, hoành phi và dập bia theo đúng quy cách.

2.3.Sưu tầm tư liệu Hán Nôm qua Đề án Xây dựng Phòng Nghiên cứu Hán Nôm

Năm 2011-2012 khoa VH&NN được Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh chấp thuận đầu tư cho Đề án Xây dựng Phòng Nghiên cứu Hán Nôm trực thuộc trường Đại học KHXH và Nhân văn do khoa VH&NN quản lý.

-          Sưu tầm tư liệu Hán Nôm trên địa bàn Nam Bộ bao gồm văn bia, đối liên ở các đình chùa đền miếu cổ ở Nam Bộ, sao chụp, mua các tư liệu văn bản Hán Nôm còn lưu trữ trong dân

-          Nhân bản tư liệu Hán Nôm ở thư viện trong cả nước: Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện Quốc gia (ở Hà Nội); Thư viện Khoa học xã hội, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM.

-          Mua, sao chụp tư liệu Hán Nôm của một số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

2.4.Phòng Nghiên cứu Hán Nôm – nơi lưu trữ tư liệu Hán Nôm của khoa VH&NN

Đề án Xây dựng Phòng Nghiên cứu Hán Nôm đã hoàn thành, hiện nay Phòng Nghiên cứu Hán Nôm là nơi lưu trữ tư liệu Hán Nôm phục vụ việc học tập và nghiên cứu của giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên chuyên ngành Hán Nôm. Phòng được đánh giá là nơi lưu trữ tư liệu Hán Nôm lớn nhất khu vực phía Nam. Trang thiết bị của Phòng khá hiện đại so với các phòng nghiên cứu của đại học, bao gồm một số máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy scan, máy in, máy photocopy, máy chiếu overheat…Tư liệu sưu tầm khá phong phú, bao gồm :

Tư liệu Hán Nôm ở các tỉnh :

-          Sưu tầm từ các địa phương: 166 nhan đề

-          Sưu tầm từ các nhà nghiên cứu: 477 nhan đề

-          Bi ký, mộ chí bi (danh nhân): 70 đơn vị

-          Giấy tờ đất đai:18 bài

Tư liệu Hán Nôm sao chụp từ các thư viện Hán Nôm trong nước :

-          Từ Thư viện Hán Nôm (Hà Nội): 761 Nhan đề

-          Từ Thư viện Quốc gia (Hà Nội): 130 Nhan đề

-          Từ Thư viện Khoa học Xã hội TP.HCM: 179 Nhan đề

-          Từ Thư viện Huệ Quang: 139 Nhan đề

Sách xuất bản ở Đài Loan, Trung Quốc: 1038 nhan đề

Tứ bộ bị yếu:

-       Kinh: 44 nhan đề

-       Sử: 70 nhan đề

-       Tử: 78 nhan đề

-       Tập: 137 nhan đề

Ngoài khoa Văn học và Ngôn ngữ ra, hiện nay Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM và Trung tâm Huệ Quang (Phật giáo) cũng có nhiều thành quả về sưu tầm và nghiên cứu Hán Nôm ở TP.Hồ Chí Minh.

 

3. Tình hình dịch thuật và công bố tư liệu Hán Nôm

Việc dịch thuật và công bố tư liệu Hán Nôm hiện nay có 2 nhóm : là các giảng viên trường ĐH KHXH&NV (tập trung ở Bộ môn Hán Nôm và BM Văn học Việt Nam của khoa Văn học và Ngôn ngữ) và các nhà nghiên cứu ngoài trường. Có thể thấy một số nhà nghiên cứu nổi bật dưới đây :

  1. TS. Nguyễn Ngọc Quận : phiên âm và nghiên cứu truyện thơ Nôm Nam Bộ, tập trung vào bộ Kim cổ kỳ quan của Nguyễn Văn Thới
  2. TS. Lê Quang Trường : dịch, nghiên cứu sâu về Gia Định tam gia (Ngô Nhân Tịnh, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định), Phan Thanh Giản, bi ký Hán Nôm Nam Bộ
  3. ThS. Nguyễn Đông Triều : công bố tư liệu thơ văn, văn khắc Hán Nôm Nam Bộ
  4. ThS. Nguyễn Văn Hoài : phiên âm truyện thơ Nôm, nghiên cứu các truyện TQ có ảnh hưởng đến truyện thơ Nôm Việt Nam, văn khắc Hán Nôm Nam Bộ
  5. PGS.TS Nguyễn Đình Phức : nghiên cứu về văn học người Hoa ở Tp.HCM
  6. TS. Nguyễn Ngọc Thơ : Nghiên cứu về văn khắc đền chùa miếu hội quán người Việt gốc Hoa ở Nam Bộ
  7. TS. Huỳnh Vĩnh Phúc : nghiên cứu về công văn, châu bản triều Nguyễn về Nam Bộ
  8. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khuê : Nghiên cứu về Trịnh Hoài Đức, văn học Hán Nôm Gia Định
  9. PGS.TS. Đoàn Lê Giang : Nghiên cứu về văn học Hán Nôm Nam Bộ từ mấy chục năm nay, khởi đầu từ Nguyễn Thông, sau đó là Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản... Hiện đang làm chủ nhiệm đề tài Văn học Hán Nôm Nam Bộ từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX: sưu tầm, phiên dịch và nghiên cứu do Quỹ NAFOSTED tài trợ, thời gian thực hiện 2 năm : 2014-2016
  10. Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh là chuyên gia hàng đầu về văn học Hán Nôm Nam Bộ, sự nghiệp nghiên cứu của ông suốt từ thập niên 1980 chủ yếu là về lĩnh vực này. Ông đã có hàng trăm bài viết, sách xuất bản về Hán Nôm Nam Bộ. Ông cũng là thành viên chủ chốt của đề tài Văn học Hán Nôm Nam Bộ từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX: sưu tầm, phiên dịch và nghiên cứu do Quỹ NAFOSTED tài trợ nói trên.
  11. Các nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Khắc Thuần, Nguyễn Thị Thanh Xuân… cũng là những người có nhiều đóng góp cho việc nghiên cứu Hán Nôm Nam Bộ vào thế kỷ trước, hiện nay do tuổi cao gần như không tiếp tục nữa.

(Xem phụ lục Thư mục nghiên cứu của một số nhà nghiên cứu phía sau)

 

4. Tình hình nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm Nam Bộ trong chương trình Hán Nôm ở các trường đại học hiện nay ở Nam Bộ

Ở TP.Hồ Chí Minh có nhiều trường đại học và cơ sở khác dạy Hán Nôm cho sinh viên như một môn cơ sở : trường Đại học Sư phạm TP.HCM, trường Đại học Văn hiến, trường Đại học Văn hóa, Trường cao cấp Phật học, Trường trung cấp Phật học, Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Huệ Quang… Tuy nhiên chỉ có khoa VH&NN là có giảng dạy, nghiên cứu về Hán Nôm, Hán Nôm Nam Bộ một cách bài bản nhất. Hiện Khoa đang có :

-       Bộ môn Hán Nôm với 7 giảng viên (2 đang học tiến sĩ ở Đài Loan)

-       Phòng Nghiên cứu Hán Nôm

-       Ngành Hán Nôm ở đại học, học từ năm 2, mỗi khóa khoảng 30 sinh viên

-       Cao học Hán Nôm, mở từ năm học 2013-2014, mỗi khóa từ 2-5 học viên.

Văn học Hán Nôm Nam Bộ được dạy trong giáo trình Văn học cổ điển Việt Nam 2 (thế kỷ XVIII-XIX).

 

Kết luận

Tư liệu Hán Nôm ở Nam Bộ không thật phong phú như ở miền Bắc và miền Trung, nhưng rất quý, vì nó liên quan đến các nhân vật, lịch sử, văn hóa của vùng đất phía Nam Tổ Quốc, là chứng tích của nền “Khổng học đất Đồng Nai” (từ của Ca Văn Thỉnh) và văn mạch phương Nam “dằng dặc không dứt” (từ dùng của Lê Quý Đôn).

Trước nay có nhiều tư liệu đã bị mất mát, nhưng nhờ cố gắng của nhiều thế hệ nghiên cứu từ Ca Văn Thỉnh, Phạm Thiều, Đông Hồ, Lê Thọ Xuân, Nguyễn Văn Hầu đến Cao Tự Thanh, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Lê Cẩm Thúy (đã mất), Nguyễn Q.Thắng và các giảng viên khoa VH&NN nên việc sưu tầm, nghiên cứu, giảng dạy Hán Nôm Nam Bộ vẫn được tiếp tục và có nhiều thành quả. Công việc vẫn đang được tiếp tục với số người nghiên cứu trẻ càng ngày càng tăng lên.

* Ghi chú : Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong mã đề tài số VII 1.2-2012.26

Nguồn: TẠP CHÍ HÁN NÔM SỐ 6 ( 139 ) - 2016

 

PHỤ LỤC

Thư mục Nghiên cứu văn học Hán Nôm Nam Bộ của giảng viên khoa Văn học và Ngôn ngữ

(xếp theo abc họ tác giả)

  1. Đoàn Lê Giang: Văn học Hán-Nôm Nam Bộ từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX: sưu tầm, phiên dịch và nghiên cứu, đề tài NAFOSTED, mã số đề tài: VII1.2-2012.26, từ 5.2014 đến 5.2016. Các thành viên tham gia: TS Lê Quang Trường (thư ký), TS. Nguyễn Ngọc Quận,ThS. Nguyễn Văn Hoài, ThS. Nguyễn Đông Triều, TS. Phan Mạnh Hùng.
  2. Đoàn Lê Giang: Tác phẩm Nguyễn Thông, (viết chung với Cao Tự Thanh), Sở VHTT Long An xuất bản, 1984
  3. Đoàn Lê Giang: Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc, sách nghiên cứu-sưu tập, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học và Nxb.Trẻ, 2001
  4. Đoàn Lê Giang: Bài Tự đề tựa tập Kỳ Xuyên thi sao của Nguyễn Thông, Tạp chí Văn học số 5 năm 1984, tr.138
  5. Đoàn Lê Giang: Quan điểm văn chương của Nguyễn Thông, Báo cáo tại Hội nghị KH về Nguyễn Thông tại Phan Thiết năm 1984, bài đăng trong kỷ yếu hội nghị xb.1984, tr.163
  6. Đoàn Lê Giang: Nho và phi nho trong con người và thơ văn Phan Văn Trị, Báo cáo  tại Hội nghị KH về Phan Văn Trị tại Cần Thơ năm 1985
  7. Đoàn Lê Giang: Góp thêm tư liệu văn chương Bùi Hữu Nghĩa : Câu đối của nhà thơ điếu Nguyễn Hữu Quang, Báo cáo tại Hội nghị KH về Bùi Hữu Nghĩa tại Cần Thơ ngày 20-21 tháng 10 năm 1987, đăng trong kỷ yếu Về nhà thơ-thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, xb.1992, tr.228
  8. Đoàn Lê Giang: Những rạn nứt trong quan niệm văn học trung đại nửa cuối thế kỷ 19, Tập san KHXH & NV của trường  ĐH KHXH & NV TP.HCM số 17 năm 2001, tr.62
  9. Đoàn Lê Giang: Từ di thần triều Minh đến trung thần triều Nguyễn – bước đầu tìm hiểu tâm sự của các nhà thơ Minh hương Nam Bộ Việt Nam從明朝遺臣到阮朝忠臣─試談越南南方的明鄉詩人的心事, tham luận trình bày tại Hội thảo quốc tế “Tư tưởng và văn hoá Khu vực Đông Á - điểm nhìn từ Việt Nam” (Internationnal Conference on East Asia’s Thought and Culture: Focus on Vietnam) tổ chức ngày 1 và 2 tháng 10 năm 2010 tại Đại học Thành Công/ Cheng Kung (Đài Nam, Đài Loan)
  10. Đoàn Lê Giang: 越南南部汉喃文献:搜集整理与研究的现状和未来Tư liệu Hán Nôm Nam Bộ Việt Nam: thực trạng và triển vọng sưu tầm, nghiên cứu, tham luận trình bày tại Hội thảo khoa học quốc tế Chỉnh lý và nghiên cứu thư tịch Hán văn ngoài Trung Quốc 外域漢籍整理與研究國際學術研討會/ International Symposium on Collating and Researching  Overseas Chinese Classics, do Sở Nghiên cứu lịch sử歷史研究所, Viện KHXH Trung Quốc中國社會科學院tổ chức tại Đại học Sư phạm Tây Nam 西南師範大學, Trùng Khánh重慶, Trung  Quốc中國 từ 5-6 tháng 12 năm 2013
  11. Đoàn Lê Giang: Thuyết “Tri ngôn dưỡng khí”, Dương Minh học và tư tưởng giáo dục của Võ Trường Toản, tr.14-25, Tạp chí Hán Nôm số 5 (120) tháng 11/ 2013
  12. Đoàn Lê Giang: Võ Trường Toản, nhà Dương Minh học Việt Nam, Tạp chí Phát triển khoa học và công nghệ (Science & Technology Development Journal) của ĐHQG TP.HCM (ISSN 1859-0128) tập 16,  X3/2013, tr.131-138
  13. Đoàn Lê Giang: Dương Minh học ở Việt Nam – nhìn trong bối cảnh Đông Á, Tham luận trình bày ở Hội thảo Quốc tế Nho học Đông Á : Truyền thống và hiện đại/ Confucianism in East Asia: Tradition And Modernity do Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và tập đoàn SUNWAH tổ chức ngày 28-29 tháng 3 năm 2015 tại trường  Đại học KHXH&NV-ĐHQG HN
  1. Đoàn Lê Giang-Nguyễn Hoàng Trung: Sài Gòn thế kỷ XVIII qua ghi chép của thuyền nhân Nhật Bản, Tạp chí Văn hóa và du lịch số 27, tháng 1 năm 2016, mã số: ISSN : 1809-3720, tr.52-61
  2. Lê Quang Trường, Bước đầu tìm hiểu thơ đi sứ của Trịnh Hoài Đức, đăng trên Thông báo Hán Nôm học Năm 2007, Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, 2008, tr.835- 859.
  3. Lê Quang Trường, Ngô Nhân Tĩnh và tâm sự một Nho thần, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 6-2009, tr.57-73.
  4. Lê Quang Trường, Khảo sát tình hình tư liệu và nghiên cứu về Gia Định tam gia thi, in trong Bình luận văn học, niên giám 2009, Nxb. Văn hoá Sài Gòn, 2010.
  5. Lê Quang Trường, Quan niệm văn chương của Gia Định tam gia, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số 04-2010, tr.126-136.
  6. Lê Quang Trường, Giới thiệu bài tựa tập Gia Định tam gia thi và diện mạo bản khắc tập thơ, Tạp chí Hán Nôm, số 3-2011, tr.73-82.
  7. Lê Quang Trường, Phụng khai tân cảng ký, văn bia ghi việc đào kênh Bảo Định ở Phú Kiết huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang, Tạp chí Hán Nôm, số 5-2012, tr.75-80.
  8. Lê Quang Trường, Võ Trường Toản và yếu chỉ giáo dục, Tạp chí Văn hoá du lịch, 2013, tr.
  9. Lê Quang Trường, Lê Quang Định từ chính sử đến những trang thơ, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số chuyên đề Bình luận văn học, niên giám 2012, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM, 2013, tr.163-172.
  10. Lê Quang Trường, Thăm chùa cổ Tiền Giang, đọc những câu đối hay, Tạp chí Văn hoá du lịch, số 10 (64), 3-2013, tr.54-61.
  11. Lê Quang Trường, Đào Trí Phú và hai bài văn bia được phát hiện tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, in trong Thông báo Hán Nôm học 2012, Viện nghiên cứu Hán Nôm, NXB Thế giới, Hà Nội, 2014, tr.779-792.
  12. Lê Quang Trường, Trịnh Hoài Đức và tâm sự nho thần triều Nguyễn trên đường đi sứ Trung Quốc, Báo cáo Hội thảo quốc tế Việt Nam – Trung Quốc: mối quan hệ văn hoá, văn học trong lịch sử, Tp.HCM. 9-2011.
  13. Lê Quang Trường, Văn bia Hán Nôm Nam Bộ
  14. Lê Quang Trường, Thơ Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định: Nghiên cứu và dịch thuật
  15. Lê Quang Trường, Nghiên cứu cuộc đời và thơ văn Phan Thanh Giản
  16. Nguyễn Đông Triều (đồng tác giả), Tìm trong di sản văn hoá phương Nam, NXB. Văn hoá – Văn nghệ, 2016
  17. Nguyễn Đông Triều, “Đặc điểm nhân vật truyện Nôm bình dân”, Tạp chí Khoa học Xã hội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam vùng Nam Bộ, số 10, năm 2005, tr.46-53
  18. Nguyễn Đông Triều, “Nam Kinh Bắc Kinh truyện - Một dị bản sắp được bổ sung vào kho tàng truyện Nôm ở Việt Nam”’, Tạp chí Hán Nôm, số 2, năm 2006, tr.80-83
  19. Nguyễn Đông Triều, Nguyễn Văn Hoài, “Giới thiệu một số văn bản Hán Nôm ở đình Châu Phú (Châu Đốc – An Giang)”, Tạp chí Hán Nôm, số 6, năm 2006, tr.73-78
  20. Nguyễn Đông Triều, “Về một dị bản truyện Nôm Lâm Sanh tân thơ tìm được ở Tiền Giang”, Tạp chí Hán Nôm, số 1, năm 2011, tr.73-80
  21. Nguyễn Đông Triều, “Võ tướng Nam Bộ Lê Văn Đức và bài Tế trận vong bệnh cố tướng sĩ văn”, Tạp chí Hán Nôm, số 4, năm 2012, tr.69-76
  22. Nguyễn Đông Triều, “Khúc ngâm Viếng bạn bằng chữ Nôm của một nữ sĩ họ Nguyễn (sưu tầm tại huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang)”, Tạp chí Hán Nôm, số 1, năm 2013, tr.76-83
  23. Nguyễn Đông Triều, “Giới thiệu bài thơ khóc hai chí sĩ Nam Bộ Phan Văn Đạt và Lê Cao Dõng”, Thông báo Hán Nôm học năm 2012, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb. Thế Giới, quý 1 năm 2014, tr.770-778.
  24. Nguyễn Đông Triều, “Hoành phi, đối liên ở Thị xã Gò Công và nội dung của đối liên trong một số ngôi chùa ở vùng đất ấy”, Thông báo Hán Nôm học năm 2013, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, tháng 12 năm 2014, tr.927-939.
  25. Nguyễn Đông Triều, “Một văn bản Hán Nôm quý của Cụ Đồ Tư Mậu ở Tiền Giang”, Tạp chí Hán Nôm, số 2 (123), tháng 5 năm 2014, tr.62-75.
  26. Nguyễn Đông Triều, “Nhân vật nữ trong truyện Nôm và vấn đề tài sắc mệnh”, Tạp chí Đại học Sài Gòn niên san Bình luận văn học 2013-2014, Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM, quí 3 năm 2014, tr.104-114.
  27. Nguyễn Đông Triều, Phan Mạnh Hùng, “Di sản văn hóa Hán Nôm đình Bình An (Tuy Phong, Bình Thuận)”, Xưa và Nay, số 451, tháng 9 năm 2014, tr.52-55
  28. Nguyễn Đông Triều, Phan Mạnh Hùng, “Tư liệu Hán Nôm ở đền thờ Châu Văn Tiếp”, Xưa và Nay, số 452, tháng 10 năm 2014, tr.48-50.
  29. Nguyễn Đông Triều, “Nội tổ của Lê Văn Duyệt và ngôi mộ cổ ở Cái Bè - Tiền Giang”, Xưa và Nay, số 453, tháng 11 năm 2014, tr.57-59.
  30. Nguyễn Đông Triều, Trần Thị Diệu Hiền, “Đối liên và bài thơ thạch khắc chùa Tiên Châu”, Xưa và Nay, số 454, tháng 12 năm 2014, tr.54-55.
  31. Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Đông Triều, “Ba đạo sắc phong cho Nguyễn Cư Trinh ở Công Thần miếu”, Xưa và Nay, số 455, tháng 1 năm 2015, tr.50-51.
  32. Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Đông Triều, “Thơ xuân Phan Thanh Giản”, Xưa và Nay, số 456, tháng 2 năm 2015, tr.63-64.
  33. Nguyễn Đông Triều, Lê Anh Tuấn, “Một số tư liệu Hán Nôm ở Trung Nghĩa từ”, Xưa và Nay, số 457, tháng 3 năm 2015, tr.12-15.
  34. Nguyễn Đông Triều, “Trần Phong sắc”, trong sách Một số nhân vật lịch sử đất phương Nam, NXB. Hồng Đức - Tạp chí Xưa và Nay, quý 2 năm 2015, tr.530-535.
  35. Nguyễn Đông Triều, Phan Mạnh Hùng, “Vương Hữu Quang và bài thơ đề ở núi Ngô Khê (Hồ Nam, Trung Quốc)”, Xưa và Nay, số 459, tháng 5 năm 2015, tr.50-52
  36. Nguyễn Đông Triều, “Hội quán Minh Hương dấu ấn văn hoá Việt và tư liệu Hán Nôm”, Xưa và Nay, số 459, tháng 5 năm 2015, tr.55-57
  37. Nguyễn Đông Triều, “Tuệ Thành hội quán di tích lịch sử văn hoá của người Hoa ở TPHCM”, Tạp chí khoa học Văn hoá và Du lịch, số 22-23 (76), tháng 3 và tháng 5 năm 2015, tr.47-57
  38. Nguyễn Đông Triều, Phan Mạnh Hùng, “Giới thiệu một số sách Hán Nôm về giáo dục, gia lễ lưu hành ở Miền Tây Nam Bộ”, Xưa và Nay, số 462, tháng 8 năm 2015, tr.44-47
  39. Nguyễn Đông Triều, Phan Mạnh Hùng, “Sách Phật giáo viết bằng chữ Nôm ở Miền Tây Nam Bộ”, Xưa và Nay, số 464, tháng 10 năm 2015, tr.62-65
  40. Nguyễn Đông Triều, “Bài văn của Phan Thanh Giản nói về cách yêu hoa”, Thông báo Hán Nôm học 2014, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb. Thế giới, 2015, tr.868-874
  41. Nguyễn Đông Triều, “Văn tế Hán Nôm và tinh thần nhân đạo dành cho tầng lớp thấp trong xã hội”, Xưa và Nay, số 469, tháng 3 năm 2016, tr.48-51
  42. Nguyễn Đông Triều, Phan Mạnh Hùng, “Tổng trấn Gia Định thành Nguyễn Văn Nhơn và khu mộ cổ ở Sa-Đéc - Đồng Tháp”, Xưa và Nay, số 469, tháng 3 năm 2016, tr.22-26
  43. Nguyễn Đông Triều, “Hai ngôi đình ở thôn Long Mỹ xưa”, Tạp chí khoa học quốc tế Văn hoá và Du lịch, số 2&3, tháng 3&5 năm 2016, tr.81-85
  44. Nguyễn Đông Triều, “Chùa Ngọc Hoàng một di tích độc đáo ở Thành phố Hồ Chí Minh, Xưa và Nay, số 473, tháng 7 năm 2016, tr.45-48
  45. Nguyễn Đông Triều, Phan Mạnh Hùng, “Di sản Hán Nôm Nhị Phủ hội quán”, trong sách Nam Bộ đất và người, tập 11, NXB. ĐHQG.HCM, 2016
  46. Nguyễn Đông Triều, Phan Mạnh Hùng, “Thơ đề tháp cốt ở chùa Châu Viên và chùa Châu Nguơn (Châu Đốc-An Giang), trong sách Nam Bộ đất và người, tập 11, NXB. ĐHQG.HCM, 2016
  47. Nguyễn Ngọc Quận, Đặc điểm của chữ Nôm Nam Bộ, đề tài KH cấp trường, chủ nhiệm, nghiệm thu 10/2013
  48. Nguyễn Ngọc Quận, Phiên âm, chú giải và nghiên cứu chữ Nôm trong Kim cổ kỳ quan của Nguyễn Văn Thới, cấp ĐHQG, chủ nhiệm,2016-2018
  49. Nguyễn Ngọc Quận, "The Nom characters in the South of Vietnam before early modern period"  (近代以前之越南南部喃字,Chữ Nôm Miền Nam trước thời cận đại), Proceedings of the International Conference on "Vietnam and China: Historical Cultural and Literature Relations - 越南與中國───歷史上的文化和文學關係", pp.112-121, ngày  16-17 tháng 9, 2011, tại ĐH KHXH và NV TP.HCM.
  50. Nguyễn Ngọc Quận - Lê Quang Trường, "Tư liệu Hán Nôm Nam Bộ qua mấy đợt sưu tầm gần đây của Bộ môn Hán Nôm, khoa Văn học và Ngôn ngữ (Đại học KHXH&NV TP.HCM)", in trong Thông báo Hán Nôm học năm 2012 - Kỷ yếu Hội nghị  "Thông báo Hán Nôm học năm 2012", tr.581-590.
  51. Nguyễn Ngọc Quận - Lý Hồng Phượng, "Kim cổ kỳ quan trong đời sống tâm linh của người dân Nam Bộ"
  52. Nguyễn Văn Hoài (chủ nhiệm), Nghiên cứu và phiên dịch đối sánh Hảo cầu truyện Hảo cầu tân truyện, Đề tài NCKH cấp Trường, Số 227/QĐ-XHNV-QLKH-DA, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, Từ tháng 04/2012 – 09/2013.
  53. Nguyễn Văn Hoài (chủ nhiệm), Nghiên cứu và phiên dịch đối sánh Định tình nhân Truyện Song Tinh, Đề tài NCKH cấp Trường, Mã số T2014-07/ HĐ-QLKH-DA, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, Từ tháng 04/2014 – 04/2015.
  54. Nguyễn Văn Hoài, “Làng xưa Bình Thuỷ-Long Tuyền, một địa chí văn hoá thu nhỏ của đất Cần Thơ”, Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa văn nghệ dân gian Nam Bộ, Nxb KHXH, 2004, Tr. 461-492.
  55. Nguyễn Văn Hoài, “Chùa Nam Nhã”, Bước đầu tìm hiểu văn hóa dân gian Bình Thủy-Long Tuyền, Nxb Văn nghệ TP. HCM, 2005, Tr. 114-121.
  56. Nguyễn Văn Hoài - Nguyễn Đông Triều, “Giới thiệu một số văn bản Hán Nôm ở Đình Châu Phú (Châu Đốc - An Giang)”, Tạp chí Hán Nôm, số 6 - 2006, Tr. 73-78.
  57. Nguyễn Văn Hoài, “Mấy vấn đề văn học thông tục trong thư tịch Hán Nôm Việt Nam”, Bình luận văn học-Niên giám 2009, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2010, Tr. 158-179.
  58. Nguyễn Văn Hoài, “Nguyễn Chánh Sắt, người đầu tiên phiên dịch Kim cổ kì quan ở Việt Nam”, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số chuyên đề Bình luận văn học, niên san 2013-2014, Tr. 96-103.
  59. Nguyễn Văn Hoài, “Thi pháp truyện thơ Nôm tài tử giai nhân và một số tiểu loại truyện thơ Nôm khác – nhìn từ góc độ nhân vật, cốt truyện”, Nghiên cứu văn học, số 4 - 2015, Tr. 100-111.
  60. Nguyễn Văn Hoài, “Từ văn học thông tục Trung Quốc nghĩ về truyện thơ Nôm Việt Nam”, Những vấn đề ngữ văn-Tuyển tập 40 năm nghiên cứu khoa học của Khoa Văn học & Ngôn ngữ, Nxb ĐH Quốc gia TP. HCM, 2015, Tr. 844-857.
  61. Nguyễn Văn Hoài, “Việc truyền nhập, tiếp nhận tiểu thuyết Trung Quốc ở Nhật Bản và Việt Nam thời trung đại”, Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hoá, Nxb ĐH Quốc gia TP. HCM, 2015, Tr. 202-223.
  62. Nguyễn Văn Hoài, “Yếu tố Phật giáo và tín ngưỡng dân gian trong truyện thơ Nôm có nguồn gốc bản địa Việt Nam”, Tạp chí khoa học Đại học Sài Gòn, số chuyên đề Bình luận văn học, niên san 2015, 13(38) tháng 3-2016, Tr. 122-131.

 


* PGS.TS., Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh

20170910

Trong chương trình sưu tầm tư liệu Hán Nôm tại Nam bộ, chúng tôi sao chụp được một tập sách chữ Nôm, trong đó có khúc ngâm Viếng bạn. Bài khúc do một phụ nữ làm khá đặc sắc. Vì vậy chúng tôi giới thiệu bài khúc này.

VN Yen hanh

Trong lịch sử bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, các cuộc tiếp xúc giữa các sứ giả hai nước diễn ra trong nhiều năm và kéo dài trong nhiều thế kỷ. Tư liệu thư tịch Hán Nôm ghi chép về lịch sử bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc còn khá nhiều, nhưng chắc chắn rằng việc lưu giữ không được đầy đủ. Trong kho sách Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và một số thư viện khác ở Việt Nam hiện lưu giữ được một khối lượng tác phẩm thơ văn viết bằng chữ Hán và chữ Nôm của các sứ thần Việt Nam đi sứ khá phong phú. Ý thức được giá trị về lịch sử và văn hóa của mảng thư tịch này, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam hợp tác với Viện Nghiên cứu Văn sử thuộc Trường Đại học Phúc Đán Thượng Hải (Trung Quốc) tiến hành sưu tập, chỉnh lý, biên tập và xuất bản các tư liệu thư tịch Hán Nôm dưới dạng tùng thư với tên gọi Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành 越南漢文燕行文献集成. Bộ Tập thành này bao gồm các tác phẩm được viết bằng chữ Hán trong các chuyến đi sứ của sứ thần Việt Nam sang Trung Hoa trên đoạn đường đi từ Mục Nam Quan đến Yên Kinh, hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nơi tập trung chủ yếu thư tịch Hán Nôm trong cả nước.

Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành bao gồm những ghi chép bằng chữ và đồ họa được các sứ giả Việt Nam đi sứ Trung Hoa trong lịch sử, trình bày theo hình thức thơ ca hoặc văn xuôi, nhưng chủ yếu là thơ ca, nội dung ghi lại về đất nước, con người, phong tục tập quán và cảnh quan của Trung Quốc trên chặng đường đi sứ, trong đó có những bài thơ miêu tả nỗi niềm xa quê của các sứ thần Việt Nam. Đây là những tư liệu rất có giá trị khi nghiên cứu về đất nuớc Trung Quốc qua sự ghi chép của các sứ thần Việt Nam, giúp cho các học giả Trung Quốc có sự đánh giá đúng đắn về Trung Quốc với tinh thần khoa học “Trung Quốc nhìn từ bên ngoài”.

Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thànhgiới thiệu 79 tác phẩm 
của hơn 60 tác giả người Việt Nam, cùng 1 người Trung Quốc và một số khuyết danh. Tác phẩm được lựa chọn giới thiệu trong Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thànhsớm nhất là Giới hiên thi cảo 界軒詩稿của Nguyễn Trung Ngạn 阮中岸(1289-1370), danh sĩ nhà Trần soạn; trải qua các thời kỳ lịch sử, và muộn nhất là tác phẩm Trung châu thù ứng tập 中州酬應集 hay Yên thiều vạn lý tập 燕軺萬里集 của Bùi Văn Dị 裴文 (礻異)(1832 - ?), danh sĩ triều Nguyễn.

Hình thức xuất bản Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành là lấy nguyên bản làm chính, đi kèm từng bộ sách là những giải thích trích yếu giản lược về tác giả, về văn bản tác phẩm cùng bạn đọc.

Mỗi một tác phẩm giới thiệu trong Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành bao gồm các yếu tố sau đây:

1) Tên sách đầy đủ, số quyển, số tập sách và số trang.

2) Họ và tên, triều đại của người biên tập hoặc người biên soạn.

3) Thuyết minh giới thiệu những điểm chính của văn bản.

4) Tên của đơn vị lưu giữ tư liệu thư tịch, ký hiệu, …

Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thànhnằm trong chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu Văn sử thuộc Đại học Phúc Đán Thượng Hải Trung Quốc, mỗi bên có 5 người tham gia sưu tập, chỉnh lý và biên tập. Phía Trung Quốc gồm có: Cát Triệu Quang, Hạ Thánh Đạt, Uông Dũng Hào, Trần Chính Hoằng và Hàn Kết Căn. Phía Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ngoài 5 người tham gia chính được đề tên gồm: Trịnh Khắc Mạnh, Đinh Khắc Thuân, Lê Thu Hương, Vương Thị Hường và Phạm Ngọc Hường; còn có cán bộ Phòng Ứng dụng tin học của Viện đảm nhận công việc số hóa tư liệu, chúng tôi bày tỏ lòng cảm ơn chân thành.

Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành đã được Nhà xuất bản Phúc Đán Thượng Hải xuất bản và phát hành gồm 25 tập vào tháng 6 năm 2010.

Xin trân trọng giới thiệu.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (100) 2010; Tr. 82

http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1925&Catid=846

20170902 Hoang Viet

Ảnh: Sách Hoàng Việt địa dư chí 皇越地輿志 của Lương Thúc Đàm

Lần theo sử sách chúng ta thấy, nhà nước Việt Nam từ thời Lý đã quan tâm tới việc đo vẽ bản đồ lãnh thổ quốc gia. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục 欽定越史通鋻綱目thì: “Năm 1076,… Lý Thường Kiệt đã cho vẽ bản đồ hình thế núi sông ở ba châu Bố Chính, Ma Linh và Địa Lý”(1). Sách Đại Việt sử ký toàn thư 大越史記全書ghi: “Năm Chính Long Bảo Ứng thứ 10 (1172) đời vua Lý Anh Tông, mùa xuân tháng 2, nhà vua lại đi tuần các hải đảo ở địa giới các bang Nam Bắc, vẽ bản đồ(2). Các triều vua sau này đã noi theo triều Lý tiếp tục thực hiện việc đo vẽ bản đồ đất nước. Thời Lê Thánh Tông (năm 1470) định bản đồ trong cả nước và sau có tập Hồng Đức bản đồ 洪德版圖. Thời Lê Trung hưng, Đỗ Bá vẽ Thiên Nam tứ chí lộ đồ 天南四至路圖. Thời Nguyễn có bản đồ đời Đồng Khánh với tiêu đề Đồng Khánh địa dư chí 同慶地輿志. Còn ghi chép về địa lý đất nước, từ thời Lê sơ chúng ta đã có tác phẩm Nam Việt dư địa chí 南越輿地誌 của Nguyễn Trãi (1380 - 1442), ghi về địa lí Việt Nam từ thời Kinh Dương Vương đến thời Lê. Các thế kỉ sau, loại sách dư địa chí do người Việt Nam biên soạn tiếp tục phát triển. Thời Mạc Cảnh Lịch (1548 - 1553) có cuốn Ô châu cận lục 烏州近錄 do Dương Văn An biên soạn viết về địa lí Ô châu (vùng đất từ Quảng Bình đến Quảng Nam). Thời Lê Trung hưng có Phủ biên tạp lục 撫邊雜錄 do Lê Quý Đôn soạn năm Lê Cảnh Hưng thứ 37 (1776) ghi chép về địa lí, lịch sử xứ Thuận Hóa và Quảng Nam. Đặc biệt đến triều Nguyễn, thể địa chí ở nước ta rất phát triển, như: Đại Nam quốc cương giới vựng biên 大南國疆界彙編của Hoàng Hữu Xứng, Đại Việt địa dư toàn biên 大越地輿全編của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, Hoàng Việt địa dư chí 皇越地輿志, Nam quốc địa dư chí 南國地輿誌 của Lương Thúc Đàm, v.v...(3). Điều này chứng tỏ, Việt Nam trong lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước, từ thời Lý đến thời Nguyễn, nhà nước đã luôn quan tâm đến cương giới lãnh thổ của tổ quốc, cả đất liền lẫn hải đảo. Việc khảo sát, đo đạc bản đồ đất nước diễn ra khá thường nước diễn ra khá thường xuyên, nhất là thời Nguyễn và quần đảo Hoàng Sa cũng luôn nằm trong kế hoạch khảo sát, đo đạc, cắm mốc và vẽ bản đồ của nhà nước.

Các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế đã căn cứ vào các tư liệu lịch sử, bản đồ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau ở trong nước cũng như ngoài nước, để chứng minh sự thật lịch sử là: Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông, từ lâu đã được dân tộc Việt Nam gìn giữ, quản lý, khai thác và khẳng định chủ quyền của mình. Trong bài viết này, chúng tôi tiếp tục đưa ra những tư liệu Hán Nôm ghi chép về những chuyến đi khảo sát quần đảo Hoàng Sa vào thời Nguyễn của người Việt Nam để làm phong phú thêm những tư liệu nhằm tiếp tục khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông là phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam.

1. Những ghi chép trong sử sách thời Nguyễn

Thời Nguyễn, khi hàng hải ở Việt Nam phát triển, các vua Nguyễn hàng năm thường xuyên phái người ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ mang trình tấu triều đình. Chúng tôi xin nêu một số chuyến đi khảo sát quần đảo Hoàng Sa của người Việt Nam vào các triều vua thời Nguyễn như sau:

Bộ Đại Nam thực lục 大南實錄 do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn từ năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) đến năm Duy Tân thứ 3 (1909) và lần lượt cho in từ năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) đến năm Duy Tân thứ 3 (1909). Đây là bộ sử biên niên của triều Nguyễn, ghi lại giai đoạn lịch sử 300 năm, từ khi Nguyễn Hoàng xưng chúa ở Đàng Trong (1558), đến năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), được chia làm 2 phần: Đại Nam thực lục tiền biên 大南實錄前編gồm 12 quyển và Đại Nam thực lục chính biên 大南實錄正編gồm 548 quyển. Bộ ván khắc Đại Nam thực lụchiện đang được lưu giữ tại Trung tâm lữu trữ quốc gia 4 (Đà Lạt), được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới năm 2009, văn bản in hiện đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Theo những ghi chép trong bộ Đại Nam thực lục chính biên, vua Gia Long khi thiết lập vương triều Nguyễn, đã tiếp tục công việc của các chúa Nguyễn và phái người đi thăm dò đường biển ra đảo Hoàng Sa, để tiếp tục đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ và khẳng định chủ quyền của nhà nước Đại Nam đối với quần đảo này, xin nêu một số ví dụ:

Năm Gia Long thứ 14 (1815), vua Gia Long đã sai đội Hoàng Sa đi thăm dò đường biển, đi ra quần đảo Hoàng Sa: “乙亥嘉隆十四年春二月...(4)遣黃沙隊范光影等往黃沙探度水程/ Tháng 2 năm Ất Hợi niên hiệu Gia Long thứ 14 (1815). Sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Văn Ảnh ra Hoàng Sa thăm dò đường biển”. (A.2772/9, Đệ nhất kỷ, Q.50, tờ 6a). Năm Gia Long thứ 15 (1816), vua Gia Long lại tiếp tục phái đội Hoàng Sa đi thăm dò đường biển, đi ra quần đảo Hoàng Sa: “丙子嘉隆十五年春三月... 命水軍及黃沙隊乘船往黃沙探度水程/ Tháng 3 mùa xuân năm Bính Tý niên hiệu Gia Long thứ 15(1816). Sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền đến Hoàng Sa thăm dò đường biển”. (A.2772/9, Đệ nhất kỷ, Q.52, tờ 15a). Và một điều hết sức quan trọng mà Đại Nam thực lục ghi được là “丁丑嘉隆十六年夏六月... 瑪羔船泊沱曩以黃沙圖獻賞銀二十兩/ Tháng 6 mùa hạ năm Đinh Sửu niên hiệu Gia Long thứ 16 (1817). Thuyền Ma Cao đậu tại Đà Nẵng đem bản đồ Hoàng Sa dâng trình. (Nhà vua) thưởng cho 20 lạng bạc”. (A.2772/9, Đệ nhất kỷ, Q.55, tờ 19b). Như vậy, tiếp theo các chúa Nguyễn, vua Gia Long đã luôn quan tâm tới quần đảo Hoàng Sa, coi đây là lãnh thổ thiêng liêng của quốc gia, thường xuyên phái người ra đây để thăm dò. Điều đặc biệt là, tàu thuyền của nước ngoài có bản đồ Hoàng Sa đã đem trình vua Gia Long, mà không trình bản quốc, điều này cho thấy, trong quan niệm và nhận thức của họ quần đảo Hoàng Sa là của Đại Nam bấy giờ và phải dâng trình vua Đại Nam, nhà nước đang quản lý quần đảo này.

Thời vua Minh Mệnh, việc thăm dò và khảo sát đo đạc quần đảo Hoàng Sa được nhà nước tiến hành thường xuyên, có qui mô hơn và cụ thể hơn. Theo ghi chép của Đại Nam thực lục, cụ thể như sau: “甲午明命十五年春三月... 遣監城隊長張福仕與水軍二十餘人乘船往廣義黃沙處描取圖本/ Tháng 3 mùa xuân năm Giáp Ngọ niên hiệu Minh Mệnh thứ 15 (1834). Sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi vẽ bản đồ”. (A.2772/26, Đệ nhị kỷ, Q.122, tờ 32b). Hai năm sau, việc khảo sát quần đảo Hoàng Sa được vua Minh Mệnh ra lệnh hết sức cụ thể và với qui mô lớn hơn, hơn nữa vua Minh Mệnh còn cho cắm mốc để khẳng định chủ quyền quốc gia: “丙申明命十七年春正月... 工部奏曰本國海彊黃沙處最是險要前者曾派描繪圖本而形勢廣邈僅得一處亦未明浙所應年常派往遍探以熟海程請自本年以後每屆正月下旬遴派水軍弁兵及監城乘烏船一艘以二月上旬抵廣義據廣義平定二省雇撥民船四艘向引駛往黃沙的處不拘何島嶼沙洲凡駛到者即照此處長橫高廣周圍及四近海水淺深有無暗沙石磧險易形勢如何詳加相度描取圖本再照起行日由何海口出洋望何方向駛到此處據所歷水程計算約得几里又於其處望入海岸正對是何省轄何方向斜對是何省轄何方向約略隔岸几里一一點說明白遞回程進帝允其奏遣水軍率隊范有日率兵船往準帶隨木牌十到處豎立為誌(牌長五尺闊五寸厚一寸面刻明命十七年丙申水軍正隊長率隊范有日奉命往黃沙相度至此留誌等字) / Tháng Giêng, mùa xuân năm Bính Thân niên hiệu Minh Mệnh thứ 17 (1836)… Bộ Công tâu: Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất hiểm yếu. Trước đây đã sai người vẽ bản đồ mà hình thế xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Hàng năm thường phái người đi thăm dò khắp nơi để thông thuộc đường biển. Từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, xin phái Biền binh thủy quân và Giám thành đáp một chiếc thuyền, đến thượng tuần tháng hai thì đến hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê bốn thuyền của dân, theo hướng đến đúng xứ Hoàng Sa, không cứ đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, phàm khi đến nơi thì xem xét ngay xứ đó chiều dài, chiều rộng, chiều cao, chu vi và mực nước biển chung quanh nông sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải đo đạc tường tận, vẽ thành bản đồ. Lại xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, ngắm phương hướng nào đến xứ đó, căn cứ vào đường đi, tính ước lượng bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ biển, chiếu thẳng vào tỉnh hạt nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm, nhất nhất ghi lại, thuyết minh rõ ràng, đem về dâng trình. Nhà vua chuẩn y lời tâu, sai Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi, lại chuẩn cho mang theo (mỗi thuyền) 10 cọc gỗ đến nơi đó dựng lên để đánh dấu. (Mỗi cọc gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày một tấc. Trên mặt cọc gỗ khắc các chữ Minh Mệnh thập thất niên = Năm Minh Mệnh thứ 17 (1836). Năm Bính Thân, Chánh đội trưởng Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa đo đạc và cắm mốc”. (A.2772/32, Đệ nhị kỷ, Q.165, tờ 24b-25a). Với những quan tâm của vua Minh Mệnh và sự cố gắng của các quan viên, nên vào năm 1838, vua Minh Mệnh đã có bản vẽ tường tận hơn về quần đảo Hoàng Sa: “戊戌明命十九年秋七月朔…工部員外郎杜懋賞奉派往黃沙公回以圖進帝以其經歷多所相度詳悉比節次派員稍勝杜懋賞及在行人等各加賞衣褲錢之/ Ngày 1 tháng 7 mùa thu năm Mậu Tuất niên hiệu Minh Mệnh thứ 19 (1838). Công bộ Viên ngoại lang Đỗ Mậu Thưởng vâng mệnh đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa trở về đem bản đồ dâng trình. Nhà vua thấy (viên này) đi thăm dò nhiều nơi, đo vẽ tường tận, so với phái viên các lần trước thì hơn hẳn. Đỗ Mậu Thưởng và các người cùng đi, mỗi người được thưởng thêm áo quần và tiền. (A.2772/32, Đệ nhị kỷ, Q.194, tờ 7b-8a).

Trong một bộ sử khác của triều Nguyễn là Quốc triều chính biên toát yếu 國朝正編撮要cũng ghi chép khá chi tiết về việc người Việt Nam đo vẽ quần đảo Hoàng Sa: “遣水軍率隊范有日率兵船往廣義駛往黃沙的處不拘何島嶼何沙洲凡長橫高廣周圍及四近有無暗沙石磧險易形勢如何海口所應水程算的幾里海嶼是何處地方一一明白準帶隨木牌到處豎立為誌描繪圖本遞回程進/ Sai Thủy quân Suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đến Quảng Ngãi, thẳng tới bãi Hoàng Sa, không kể đảo nào, cồn cát nào, chiều dài, chiều ngang, chiều rộng, chiều cao, chu vi và bốn phía gần đó có bãi cát, bãi đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở thế nào? Từ cửa biển ra đó đường thủy bao nhiêu dặm, gần bờ biển địa phương nào? Nhất nhất ghi chép rõ ràng, chuẩn cho mang cọc gỗ cắm mốc làm dấu, đo vẽ bản đồ đem về dâng trình”. (VHv.1581/2, tờ 118a-118b).

2. Các văn bản pháp qui của nhà nước thời Nguyễn

Bên cạnh những tư liệu lịch sử ghi lại các đợt đi khảo sát, đo vẽ và cắm mốc ở quần đảo Hoàng Sa của người Việt Nam thời Nguyễn, còn các tài liệu mang tính pháp qui của nhà nước ban hành cũng ghi chép hết sức tường tận về vấn đề này, đó là tài liệu Châu bản 硃本. Châu bản là các tập văn bản được vua ngự phê hay ngự lãm và có ghi bút tích bằng mực son. Qua các điều tra lưu trữ thì Châu bản hiện nay chỉ còn ở triều Nguyễn. Hiện ở Trung tâm Lưu giữ Quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đang quản lý 734 tập của các thời vua triều Nguyễn, mỗi tập có tới vài trăm văn bản(5). Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng đang quản lý 64 cuộn microfilm Châu bản triều Nguyễn do Thư viện Viện Harvard-Yenching Hoa Kì trao tặng(6). Châu bản là những tài liệu lịch sử còn giữ được nguyên bản và độc bản, mang đậm nét dấu ấn của một thời đại; là nguồn tư liệu hết sức có giá trị khi nghiên cứu lịch sử, chính trị, văn hóa, pháp luật, kính tế, v.v... của đời sống xã hội đương thời.

Qua khảo cứu chúng tôi tìm thấy có vài chục văn bản Châu bản triều Nguyễn ghi chép khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và do nhà nước Việt Nam quản lý. Về việc các vua triều Nguyễn đãpháingười đi thăm dò, khảo sát đường biển, cắm mốc và vẽ bản đồ ở quần đảo Hoàng Sa đã được các Châu bản ghi lại cũng khá đầy đủ và chi tiết.

- Châu bản thứ nhất: ghi ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836). Phần chữ Hán xem Ảnh 1.

Dịch nghĩa:

Ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836)

Bộ Công phúc trình:

Nay tiếp nhận công văn của Nội các vâng mệnh giao cho Bộ thần (trong đó) có Châu phê: Các thuyền được phái đi Hoàng Sa, mỗi thuyền mang 10 mộc bài (cột gỗ, mỗi cột dài 4 đến 5 thước, dầy 1 tấc - dòng chữ này do nhà vua Minh Mệnh viết bên cạnh) viết to khắc sâu dòng chữ: Ghi họ tên viên Cai đội thủy quân năm Bính Thân Minh Mệnh thứ 17 (1836) vâng mệnh đi khảo sát Hoàng Sa. Đến Hoàng Sa thì cắm mốc đánh dấu. Hãy tuân mệnh.

Lần này, viên Chánh Đội trưởng Thủy quân được cử đến Hoàng Sa là Phạm Hữu Nhật, giờ Mão hôm trước đã đi thuyền từ cửa Thuận An đến tỉnh (Quảng) Ngãi. Bộ thần xin cho chuẩn bị gấp cột gỗ đủ số, báo ngay cho tỉnh Quảng Ngãi, chuyển gấp (số cột gỗ ấy) cho viên này. Vậy xin phúc trình.

- Châu bản thứ hai: ghi ngày 13 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 18 (1837). Phần chữ Hán xem Ảnh 2.

Dịch nghĩa:

Thần Hà Duy Phiên, thần Lý Văn Phức vâng mệnh truyền dụ:

Trước đây đã phái Thủy sư, Giám thành cùng binh dân thuyền 2 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi đến khảo sát Hoàng Sa. Nay đã trở về. Trừ viên Thủy sư Suất đội Phạm Văn Biện do Kinh đô phái đi về quá hạn. Viên dẫn đường do tỉnh phái đi là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, lái thuyền Lưu Đức Trực tất cả gồm 4 người đã có chỉ trách phạt, đánh đòn. Còn binh dân cùng đoàn lênh đênh trên biển khơi cũng rất vất vả, nên xét ban ân binh đinh mỗi viên thưởng cho 1 tháng lương tiền, dân phu mỗi viên thưởng tiền 2 quan, trong đó các viên phu thuyền do tỉnh sai phái đi cho về quê làm ăn. Riêng viên Biền chức Giám thành phạm lỗi là Trương Viết Soái, trước là Đốc biện trông coi việc luyện thuốc súng đã có sơ suất mắc lỗi bị xử phạt trảm giam hậu (chém đầu nhưng giam đợi đến mùa thu mới xét xử), năm ngoái được sai phái đi Hoàng Sa và đi hiệu lực xây dựng thành Gia Định để chuộc tội. Nay lại được sai phái đi khảo sát Hoàng Sa, tuy đã đến khảo sát 11 nơi bãi cát và các đảo, việc đo vẽ bản đồ chưa thật chu đáo nên nhiều lần bị đầy đi làm việc khổ sai và cũng biết hối cải, nên gia ân tha cho viên Trương Viết Soái, cho về làm lính ở vệ Giám thành, đợi sau tùy việc sai phái để cho viên đó chuộc lỗi cũ. Hãy tuân mệnh.

Lại vâng mệnh ghi rõ 22 họ tên các viên binh đinh, 20 viên Thủy sư, 2 viên Giám thành và 31 dân phu đi Hoàng Sa đợt này, đính kèm phía sau.

Thần Nguyễn Văn Hựu vâng mệnh soạn thảo

Thần Hà Duy Phiên, thần Lý Văn Phức vâng mệnh đọc duyệt.

- Châu bản thứ ba: ghi ngày 2 tháng 4 nhuận năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Phần chữ Hán xem Ảnh 3.

Dịch nghĩa:

Bộ Công tâu:

Vâng mệnh chiếu xét khoản cử người đến Hoàng Sa, Bộ thần đã bàn xin đến hạ tuần tháng 3 ra khơi đến (Hoàng Sa) để đo vẽ khảo sát toàn bộ xứ đó, đến hạ tuần tháng 6 thì trở về. Vâng theo sự phê chuẩn của nhà vua, đã sao gửi cho 2 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi thực hiện và tuyển chọn các viên Thị vệ, Khâm thiên Giám thành cùng Thủy sư, binh thuyền phái đi trước. Nay tiếp nhận được tờ tư của tỉnh Quảng Ngãi trình bầy cụ thể từng mục rằng binh thuyền ở Kinh được phái đi, ngày 21 tháng 3 đã đến. Dân thuyền tỉnh Bình Định ngày 3 tháng 4 cũng đã đến. Viên dẫn đường Phạm Văn Sênh ngày 9 tháng đó cũng đã đến. Theo sự trình bày chi tiết của Phái viên thì từ ngày 10 đến ngày 26 tháng 4, gió Đông liên tục thổi, không tiện cho việc ra khơi. Viên Cai tỉnh quan sát cũng thấy như vậy, khẩn thiết xin đợi đến khi có gió Nam thổi thì thuận tiện cho việc đưa thuyền ra khơi ngay và tiếp tục báo về. Bộ thần vâng mệnh chiếu xét: Việc đi khảo sát đo đạc ở Hoàng Sa đã có hạn định rõ ràng là hạ tuần tháng 3 thì xuất phát ra khơi, nhưng vì hướng gió và con nước chưa tiện, kéo dài (hạn định) đến hạ tuần tháng 4 mà vẫn chưa ra khơi được là quá hạn. (Bộ thần) căn cứ vào sự thực tấu trình đầy đủ.

Thần Lê Văn Côn vâng mệnh soạn thảo

Thần Hà Duy Phiên, thần Phạm Thế Trung vâng mệnh đọc duyệt.

- Châu bản thứ tư: ghi ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Phần chữ Hán xem Ảnh 4.

Dịch nghĩa:

Bộ Công tâu:

Nay tiếp nhận các viên Đỗ Mậu Thưởng, Thị vệ Lê Trọng Bá thuộc ty của bộ thần (đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa) đã trở về. Bộ thần đã hỏi qua, các viên đó trình bày lần này (đoàn khảo sát) đã đến được 25 đảo thuộc 3 vùng (trong đó kiểm tra lại 12 đảo hàng năm các đoàn đã đến, 13 đảo chưa có đoàn nào đến). Nhưng theo viên dẫn đường Vũ Văn Hùng thì toàn bộ xứ Hoàng Sa có 4 vùng, lần này khảo sát được 3 vùng, còn một vùng ở phía Nam, nơi này cách nơi kia khá xa, gió Nam lại thổi mạnh, việc khởi hành đến đó không tiện, phải đợi gió thuận thì muộn, xin đợi đến sang năm (cử thuyền) đến đó. Lại xem xét 4 bản đồ mang về, (có 3 bức vẽ riêng từng vùng, một bức vẽ chung), cùng một bản nhật ký chưa được tu sửa hoàn chỉnh, xin cho Bộ thần thẩm tra kỹ và sức cho họ chỉnh sửa hoàn thiện để dâng trình. Lại theo những người này tường trình, trong chuyến đi này họ đã thu được 1 súng đại bác bọc đồng, các loại đá san hô đỏ, các loại chim, rùa biển. Nay đã mang về. Dám xin làm tờ tâu trình.

Thần Thang Huy Thận vâng mệnh soạn thảo.

Thần Hà Duy Phiên, thần Lý Văn Phức vâng mệnh đọc duyệt.

- Châu bản thứ năm: ghi ngày 19 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Phần chữ Hán xem Ảnh 5.

Dịch nghĩa:

Quan Bố chính sứ tỉnh Quảng Ngãi được ghi công 7 lần là Đặng Đức Thiệm kính cẩn tấu trình việc xin miễn trừ các hạng thuế thuê thuyền đi làm việc công, cúi mong bề trên soi xét. Ngày tháng giêng năm nay, tiếp nhận lệnh sai người đi lo liệu việc công ở Hoàng Sa của Bộ Công, trong đó có một khoản: Năm nay kỳ hạn sai người ra khơi đến xứ Hoàng Sa để khảo sát, đo vẽ toàn bộ vùng đó, thời gian định vào hạ tuần tháng 3 đến hạ tuần tháng 6 thì về thẳng cửa Thuận An đến Kinh. Bộ thần ấy còn gửi tư lệnh cho tỉnh thần thuê, điều động trước 2 thuyền cùng dân phu và dân thuyền để chuẩn bị cho việc sai phái, thay người. Vâng theo chỉ chuẩn của nhà vua, lần này thần đã thuê, điều động 2 chiếc thuyền lớn tại bản hạt cùng với 2 thuyền của tỉnh Bình Định đang neo đậu tại đấy theo Phái viên đến Hoàng Sa thực hiện công vụ.

- Văn bản thứ 6 (văn bản Lý Sơn), ghi ngày 15 tháng 4 năm Minh Mệnh thứ 15 (1834). Phần chữ Hán xem Ảnh 6.

Dịch nghĩa:

Quan Bố chính, Án sát tỉnh Quảng Ngãi thực hiện việc cấp bằng.

Theo tờ tư của Bộ Binh nhận được tháng trước nói rằng: Vâng theo sắc lệnh (của nhà vua) cho Bộ, bảo trước tiên hãy chuẩn bị điều động trước 3 chiếc chinh thuyền, cho tu sửa chắc chắn đợi tại Kinh, các phái viên và Biền binh thủy quân đi trước để hiệp đồng đến thám sát các xứ của Hoàng Sa. Hãy tuân mệnh.

(Kính vâng, tỉnh thần) chọn thuê, điều động trong tỉnh 3 chiếc thuyền nhanh, nhẹ cùng các vật dụng cần thiết của thuyền, các vật đó đều cho tu bổ. Lại chọn Vũ Văn Hùng, người từng được cử đi năm trước và chọn thêm những người thông thạo đường biển trong số dân phu ven biển sung làm thủy thủ chèo thuyền trước sau, cốt sao chọn được mỗi thuyền 8 người cộng 24 người. Đến hạ tuần tháng 3 thì thuận gió, cho thuyền ra khơi.

Nay các việc lo liệu xong xuôi, các phái viên đã đi thuyền nhẹ đến. Nay thấy số dân thạo sông nước là bọn Đặng Văn Xiểm có thể đảm nhận được việc lái thuyền, xứng đáng được cấp bằng, hãy đi một chiếc thuyền dẫn các viên thủy thủ đi theo các phái viên binh lính và Vũ Văn Hùng đến Hoàng Sa thực hiện công vụ. Chuyến đi này có tầm quan trọng đặc biệt, cần phải dốc sức thực hiện cho thực sự ổn thỏa. Nếu sao nhãng sơ suất định trọng tội.

Thời Thiệu Trị, việc phái người đi khảo sát quần đảo Hoàng Sa cũng nằm trong kế hoạch của nhà nước, do điều kiện khách quan cứ hoãn đi hoãn lại, nhưng dù sao cũng thể hiện một thái độ khẳng định chủ quyền của quốc gia Đại Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Chúng tôi xin giới thiệu 2 Châu bản thời Thiệu Trị.

- Châu bản thứ bảy: ghi ngày 26 tháng Giêng năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Phần chữ Hán xem Ảnh 7.

Dịch nghĩa:

Bộ Công tâu (Châu phê: đình (dừng lại): Vâng sắc giao cho Bộ lưu giữ hồ sơ ghi ngày tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) hoãn việc phái người đi thăm dò, khảo sát Hoàng Sa, đến năm sau phúc trình lại đợi chỉ. Hãy tuân mệnh. Nay xin phúc tâu việc có nên phái người đi [thăm dò, khảo sát Hoàng Sa] nữa hay không ? Tâu trình đợi chỉ.

- Châu bản thứ tám: ghi ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Phần chữ Hán xem Ảnh 8.

Dịch nghĩa:

Bộ Công tâu (trong văn bản có chữ “đình” (dừng) do vua Thiệu trị phê): Chiểu theo lệ, xứ Hoàng Sa là cương giới trên biển của nước ta, hàng năm có phái binh thuyền đến thăm dò để thông thuộc đường biển. Ngày tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), vâng theo lời Thánh dụ: năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), hoãn việc phái binh thuyền (đi khảo sát), đến năm sau tiếp tục. Hãy tuân mệnh. Đến ngày tháng giêng năm nay, bộ thần đã trình đủ lý do xin tiếp tục, đã được Châu phê: cho (dừng lại). Vả lại sang xuân, đã đến kỳ đi khảo sát, mà việc cần thiết là phải chuẩn bị thật đầy đủ. Nhưng xét thấy lúc này công việc quá bận, nên việc đi khảo sát đầu xuân năm nay xin được dừng lại, đợi đến năm sau hãy cho tiếp tục”(7).

Như vậy chúng ta có đến 6 tài liệu (trong đó có 5 Châu bản và 1 lệnh) thời Minh Mệnh ghi rõ việc hàng năm theo lệ từ tháng 3 đến tháng 6 cử người ra quần đảo Hoàng Sa khảo sát. Còn thời Thiệu Trị có 2 Châu bản có ghi việc đi khảo sát quần đảo Hoàng Sa nhưng do những điều kiện khác nhau nên phải hoãn lại. Đây là những văn bản pháp qui của nhà nước đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

3. Một vài nhận xét

Các tư liệu lịch sử và các công văn của nhà nước (Châu bản) đã thể hiện nhất quán, hàng năm người Việt Nam ra quần đảo Hoàng Sa để thăm dò đường biển, đo đạc, cắm mốc, xây đền miếu, dựng bia và vẽ bản đồ các khu thuộc quần đảo này. Điều này khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trong nhiều thế kỷ trước đây. Các tư liệu Hán Nôm viết về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và Biển Đông chúng tôi sưu tập được khá nhiều, sắp tới Viện Nghiên cứu Hán Nôm sẽ công bố cùng bạn đọc các tập sách, như: Một số tư liệu Hán Nôm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và Biển Đông, Thư mục Hán Nôm về biển đảo Việt Nam, v.v…

Các tư liệu lịch sử và các công văn của nhà nước (Châu bản) mà chúng tôi giới thiệu ở trên là những tài liệu rất đáng tin cậy, đây là những tài liệu xác tín đã được quốc tế công nhận. Mộc bản bộ Đại Nam thực lục đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Ký ức tư liệu di sản thế giới. Còn Châu bản triều Nguyễn là những tài liệu gốc nguyên bản, còn dấu ấn tín của triều đình, còn nguyên châu phê của vua.

Hiện nay khu vực Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, các nước láng giềng trong khu vực này cần có một nhãn quan khoa học, tôn trọng lịch sử và công ước quốc tế.

 

Chú thích:

1. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tập 2, Nxb. KHXH, 1961, tr.248.

2. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, bản dịch, Nxb. KHXH, H. 1998, tr.325.

3. Tham khảo thêm Trịnh Khắc Mạnh: Khảo sát tài liệu Hán Nôm về dư địa chí hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Tạp chí Hán Nôm, số 3 (94) - 2009.

4. Dấu… là đoạn văn chúng tôi lược bỏ.

5. Mục lục Châu bản triều Nguyễn, Tập 1, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2010.

6. Trịnh Khắc Mạnh: Công tác sưu tầm tư liệu Hán Nôm ở nước ngoài của Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong thời gian gần đây, Tạp chí Hán Nôm, số 3 (89) - 2008.

7. Các đoạn dịch trong bài viết này, chúng tôi có tham khảo các bản dịch trước (ghi ở phần Tài liệu tham khảo), xin chân thành cảm ơn.

* Bài viết được sự tài trợ của Quĩ Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), chúng tôi xin chân thành cảm ơn.

Tài liệu tham khảo

- 大南實錄,A.2772/1-67.

- 國朝正編撮要, VHv.1581

- Đại Nam thực lục, bản dịch, Nxb. Giáo dục, H. 2001.

- Nguyễn Đăng Vũ - Nguyễn Xuân Diện: Khảo cứu tư liệu Lý Sơn, trong Thông báo Hán Nôm học năm 2009, Nxb. Thế giới, H. 2010.

- Nguyễn Nhã: Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, bảo vệ tại Đại học KHXH và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. HCM, năm 2002.

Trịnh Khắc Mạnh: Thêm một số tư liệu Hán Nôm ghi chép về Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Tạp chí Hán Nôm, số 1 (104) - 2011.

-Tuyển tập các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb. Tri thức, 2013./.

PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh, Viện Nghiên cứu Hán Nôm

(Tạp chí Hán Nôm, số 4 (119) 2013; tr. 3-14)

 

Mặt trước chùa Tiên Châu

Tiên Châu tự 仙洲寺 (còn gọi Chùa Di Đà, Chùa Tô Châu)([1]) nằm trên Bãi Tiên, còn gọi là Bãi Bích Trân (碧珍), thuộc ấp Bình Lương, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Được thành lập từ giữa thế kỷ 18, trải qua nhiều lần nâng cấp, trùng tu, với tổng diện tích hiện tại khoảng 7.500m2, đây là một trong những ngôi chùa lâu đời, to và đẹp nhất của tỉnh Vĩnh Long, cũng là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Nam Bộ.

20170826. Hoanh phi cau doi

Ảnh: Các bức hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng tại chùa Bổ Đà Bắc Giang.

 

Bài viết này không có tính chất học thuật chuyên sâu, để tưởng nhớ giáo sư Cao Xuân Hạo - người thầy mà tôi không có cơ hội được học. Đây chỉ là những suy nghĩ cá nhân về một vấn đề đang được tranh luận hiện nay trong nước, mặc dù việc thực hiện thì đã xảy ra từ lâu. Đó là việc thay chữ Hán bằng chữ Quốc ngữ trong các hoành phi, câu đối ở các di tích, công trình lịch sử tôn giáo.

Ở các nước Á đông trong những thế kỷ trước, chữ Hán có vai trò gần như tiếng Anh hiện nay trên thế giới, như một lingua franca, một ngôn ngữ giao tiếp giữa những người nói các thứ tiếng khác nhau, có khác chăng là hiện nay ta nói tiếng Anh, còn ngày xưa người ta bút đàm, tức là giao tiếp bằng cách viết chữ Hán với nhau. Từ đầu những năm đầu thế kỷ hai mươi, cụ Phan Bội Châu chu du sang Nhật mà không biết tiếng Nhật, cụ chỉ bút đàm. Hiện nay, bút đàm đôi khi vẫn còn sử dụng. Một giáo sư người Nhật kể lại chuyện gọi món ăn trong một chuyến du lịch Trung Hoa. Ông ấy đặt món bằng tiếng Anh, nên anh hầu bàn không hiểu, cho rằng vị khách này là người Trung Hoa, nhưng nói một thổ âm khác, anh ta liền chạy vào bếp kéo ra một người nói thổ âm khác anh ta, người ấy cũng không hiểu. Cuối cùng, thực khách vừa bút đàm vừa nói bằng tay với người phục vụ.

Cần phân biệt tiếng Hoa và chữ Hán. Trên đất nước Trung Hoa rộng lớn ngày nay, những người nói tiếng Hoa, phương ngữ Bắc Kinh và các vùng lân cận, và những người nói các phương ngữ khác ở các vùng khác như Quảng đông, Triều châu... mặc dù không hiểu nhau nhưng đều sử dụng chữ Hán để viết và đọc, giống như người Việt dùng chữ Hán. Như vậy trong chừng mực nào đó thì chữ Hán có vai trò gần như tiếng Anh,một lingua franca, trung tính về mặt văn hóa và chính trị, người Singapore, người Ấn độ... nói  tiếng Anh, mà không hề chịu ảnh hưởng của nước Anh, và người Nhật, người Hàn, dùng chữ Hán để viết bên cạnh chữ viết riêng của họ, mà không đoái hoài gì đến văn hóa chính trị của nước Trung Hoa hiện đại. Nhưng tiếng Hoa thì khác, tiếng Hoa qua các viện Khổng Tử trên thế giới đang bị giới trí thức ở các nước ấy e dè vì thế lực đằng sau, nhà nước Trung Hoa, không hề vô tư trong việc quảng bá tiếng Hoa. Một quốc gia dám ngang nhiên tự vẽ lại bản đồ quốc gia thì không việc gì không dám làm. Họ cẩn trọng như thế là đúng.

Tôi không biết chắc chắn vai trò tiếng Hoa ở Việt Nam hiện nay và trong tương lai như thế nào, nhưng trong quá khứ chữ Hán và biến thể của chữ Hán, chữ Hán Nôm là phương tiện duy nhất lưu giữ kho tàng tri thức của cha ông, vì vậy cần phải hết sức cẩn trọng trong các vấn đề liên quan đến văn bản Hán và Hán Nôm. Tuy nhiên, để hiểu cha ông chúng ta cần học chữ Hán Nôm, chứ không phải tiếng Hoa. Một người giỏi tiếng Hoa chưa chắc đã giỏi chữ Hán, và tiếng Hoa chưa hề và không bao giờ là một lingua franca trên thế giới, căn cứ trên những đóng góp về khoa học, nghệ thuật, văn chương, giáo dục, triết học... của cộng đồng dùng tiếng Hoa ta có thể đoan quyết như vậy.  

Cách đây không lâu, tôi có dịp đi cùng với một đoàn giáo viên nước ngoài trong đó có một giáo viên người Úc dạy sử tham quan Đại nội, Huế. Là người địa phương, tôi ngẫu nhiên trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Với kiến thức chừng mực của một hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ tôi chỉ giới thiệu một cách khái quát, không đi sâu vào chi tiết, ví dụ chỉ nói là các bản văn khắc gỗ gắn trên tường bằng chữ Hán là các bài thơ của vua, gọi là Ngự chế trong tiếng Việt, còn nội dung thì tôi thú thật là không biết, vì tôi mù chữ Hán. May thay, bà giáo viên người Úc đã thay tôi dịch các văn bản chữ Hán sang tiếng Anh, và tôi học được thêm nhiều điều mà sách vở không thấy nói đến, chẳng hạn ý nghĩa đồ hình các ngôi sao trên các tác phẩm đúc đồng. Xấu hổ vì không đọc được chữ nghĩa của cha ông,sau buổi tham quan đó, tôi hạ quyết tâm học chữ Hán. Dĩ nhiên là tự học, vì không có thời gian đếncác lớp dạy Hán Nôm. Cho đến nay, vốn liếng chữ Hán của tôi chỉ đủ để đọc lỏm bỏmvài chữ, dự án xóa mù Hán Nôm của tôi xem như không thành công. Tuy nhiên, có một kinh nghiệm làm tôi bớt áy náy về sự thất bại của dự án. Trong một lần đi chợ trời ở Mỹ, tôi mua được một cái chai đựng trà bằng sứ, làm ở Hà Lan, điều thú vị là trên chai có khắc một bài thơ chữ Hán. Tôi nhờ một anh bạn, người Hoa, mới sang Mỹ làm nghiên cứu sinh tiến sĩ về ngôn ngữ học, đọc và giải thích. Tôi rất ngạc nhiên khi anh ta cho biết cómột số từ viết theo lối cổ nên anh ta không đọc được, và vì thế anh ta không chắc là hiểu hết ý nghĩa của bài thơ. Một người Hoa có trình độ học vấn như anh ta mà còn gặp khó khăn với chữ Hán, mới thấy quả như người xưa nói, bể học mênh mông.

Việc thay các hoành phi câu đối bằng chữ Hán sang chữ Quốc ngữ ở các công trình tôn giáo, văn hóa, lịch sử như đền chùa, lăng tẩm...  là một việc làm thiếu suy nghĩ, không nói đến chuyện tốn kém vô ích, nhìn từ góc độ văn hóa - lịch sử thì việc làm này hoàn toàn sai trái, có nguy cơ một lần nữa chặt đứt dòng mạch văn hoá, lịch sử của dân tộc. 

Xét về hình thức, đặt chữ Quốc ngữ vào cái khung hoành phi thì cũng gần như thiết kế một bộ trang phục có cà vạt, áo vét, khăn đóng, guốc mộc, và khố. Đơn giản là vì chúng không tương thích với nhau về nguồn cội, cách thức vận hành và chức năng: Chữ Quốc ngữ là một sản phẩm hoàn toàn của phương Tây, còn hoành phi, câu đối lại thuộc về văn hóa Á đông, ta có thể gặp chữ Quốc ngữ khắp nơi, nhà hàng, cửa hiệu, công sở, nhưng hoành phi câu đối thì chỉ có ở nhưng nơi có tính văn hóa, tôn giáo... tôn nghiêm, và nội dung cũng khác, một bên dùng để xiển dương cái đẹp cái hay, còn bên kia thì bất chấp nội dung. Hồn Trương Ba da hàng thịt, từ lai căng trong trường hợp này là chính xác. Còn nói đến ý nghĩa lịch sử - khảo cổ, thì việc thay thế ấy là hoàn toàn phá hoại, không có quốc gia văn minh nào ứng xử như vậy với di tích, với các công trình có tính văn hóa lịch sử.

Nhìn sang hai quốc gia có gốc gác văn hóa Á đông nhưng lại tiếp thu văn minh phương Tây một cách thành công là Hàn quốc và Nhật bản, ta thấy họ vẫn sử dụng chữ Hán, mặc dù đã có chữ viết riêng, thậm chí họ còn mời giáo viên người Trung Hoa sang dạy chữ Hán, xin nhớ là họ không cần viện Khổng tử dạy tiếng Hoa. Chữ Hán trong các công trình lịch sử của họ vẫn được trân quí, vì chữ Hán chỉ là phương tiện, cái được phương tiện đó diễn đạt, lưu giữ mới quan trọng. Xóa chữ Hán là xóa luôn kinh nghiệm sống, tâm hồn và trí tuệ của cha ông.

Có người lập luận là dùng chữ Quốc ngữ để cho người thời nay hiểu. Thật ra, điều này chỉ đúng chưa được một nửa. Ví dụ, ta thay bức hoành phi chữ Hán 眞如bằngmột bức hoành phi chữ quốc ngữ chân như, liệu người đọc có hiểu không, thậm chí khi được diễn dịch chưa chắc người đọc đã hiểu nếu không có kiến thức Phật học (theo từ điển Thiều Chửu thì chân như có nghĩa là nguyên lai, viên mãn thanh tịnh, không phải mượn bên ngoài vào). Đa số các văn bản chữ Hán, hay Hán Nôm còn lại ở Việt Nam thuộc về tôn giáo, triết học, văn hoá lịch sử mà ngôn ngữ uyên áo tịch mật của tôn giáo và triết học thì không phải ai đọc được cũng hiểu được; văn hóa lịch sử cũng vậy, có bao nhiêu là bất đồng về cách hiểu của một văn bản khi bối cảnh của văn bản đang còn chưa rõ ràng.

Nếu để giúp người đọc thời nay hiểu thì tốt nhất là nên có bản dịch trên một tấm bia nhỏ dựng bên cạnh bản gốc chữ Hán hay Hán Nôm, tương tự như cách thức các quốc gia khác thường làm để phục vụ du khách, ví dụ như bản tiếng Anh bên cạnh một bản văn khắc trên đá bằng tiếng Pháp trong một lâu đài ở Pháp. Việc làm này bảo đảm không bị thất thoát vì dịch thuật, vì nếu bản chữ Quốc ngữ dịch không đúng với tinh thần của bản chữ Hán thì còn có bàn gốc bên cạnh để đối chiếu. Các nhà nghiên cứu dịch thuật đã từng căn dặn, coi chừng, dịch là diệt, dịch là phản. Có ai muốn vì vô tình mà đã phản hay đã diệt di ngôn của cha ông hay không?

Lịch sử đã sang trang, chữ Hán ở nước ta đã mai một cùng với các ông đồ, nhìn lại hai nước trong khu vực văn hóa Hán, Hàn Quốc và Nhật Bản, ta nên tự hỏi liệu việc duy trì chữ Hán có đóng góp gì cho thành công vượt trội của họ hay không, khi chữ Hán là chiếc cầu nối giúp họ trở về với túi khôn của cha ông, chứ không phải là một gánh nặng các con chữ, học để thi như ngày xưa.

*Trần Thuần, Đại học Postdam, Đức

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 6.7.2016

Hội quán Minh Hương tọa lạc tại số 308 đường Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5, TP.HCM, được người dân quen gọi là đình Minh Hương. Về bản chất, đây đúng là một ngôi đình theo kiểu Việt Nam. Ngôi đình này được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1993.

20170818. Dinh Binh Long

Ảnh 1: Đình thần Bình Long

Ngày xưa, trong hoàn cảnh nội chiến thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, người dân từ phía Bắc (miền Trung, Ngũ Quảng) lần lượt di cư tới vùng Mô Xoài (nay thuộc Bà Rịa), sau đó xuống Biên Hòa (Đồng Nai) và các tỉnh Nam Bộ để an thân lập nghiệp. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú chép: “Khi Hiếu Minh Hoàng đế (Chúa Nguyễn Phúc Chu, 1691-1725) sai tướng đi đánh Cao Miên, lấy đất Đồng Nai là chỗ đất tốt, đặt làm phủ này (Gia Định). Lập ra hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, mở đất ngàn dặm, thu được hơn 4 vạn hộ… [Chúa] mới chiêu mộ những người có vật lực ở Điện Bàn, Quảng Ngãi, Qui Nhơn thuộc Quảng Nam di cư vào đấy. Họ chặt cây vỡ đất hoang thành ra bằng phẳng, đất tốt nước nhiều, tùy sức dân ai làm bao nhiêu thì làm…”(1). Năm 1698, sau khi lập phủ Bình Thuận ở miền Trung, Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập phủ Gia Định, sắp xếp an ninh để bảo vệ người dân yên tâm lao động, mở mang cuộc sống. Năm 1786 thôn Long Mĩ được thành lập. Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, người dân dựng lên ngôi đình bằng vật liệu cây lá đơn sơ thờ Nguyễn Hữu Cảnh, nằm giữa hai vàm đất của ông Nguyễn Tài Ngoán (Sung biên Ngoán) và ông Lưu Văn Lai (Hương kiểm Phố) rồi lập ra Ban hội tề mười hai người để điều hành việc xóm làng. Vị trí đình lúc bấy giờ nằm phía dưới Năng Gù.

Tương truyền, tháng 4 năm Ất Hợi (1815), khi trời đang hạn hán, mương rạch khô cạn, người dân đốt rừng làm rẫy gây ra vụ hỏa hoạn lớn thiêu rụi cả ngôi đình. Khoảng thời gian trước đó, nhân vì Ban Hương chức Hội tề nhiều người ở xa, vào lễ tế hàng năm thường tới muộn nên bị phiền trách, lời lẽ xúc phạm nhau gay gắt gây mất đoàn kết nội bộ, nên mọi người đề nghị tách thôn Long Mĩ thành hai thôn khác nhau. Vào niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816), thôn Long Mĩ chính thức được chia tách thành hai thôn mới, lấy chữ “Bình” đặt trước trong tên hai thôn, thôn trên tên là Bình Long, thôn dưới tên là Bình Mĩ. Hai thôn mới đã nhanh chóng xây dựng hai ngôi đình, đó chính là đình thần Bình Long của thôn Bình Long(2) và đình thần Bình Mĩ của thôn Bình Mĩ.

Đình thần Bình Long

Đình Bình Long hiện nằm trên Quốc lộ 91, ấp Bình Hòa 2, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh (2004).

Đình Bình Long được xây dựng ngay sau khi thành lập thôn, ở vị trí trường Trung học phổ thông Kết Đoàn hiện nay. Lúc đầu, đình xây dựng đơn sơ vách gỗ, lợp lá trên một gò đất ở vàm rạch Phù Dật, diện tích khoảng 300m2. Ban Quý tế đình Bình Long cho biết, trước kia vua Tự Đức có ban sắc phong cho đình, nhưng đã bị cháy mất.

Đến năm 1930, đình Bình Long được dời đến địa điểm hiện nay trên phần đất với tổng diện tích ban đầu 3.560m2. Thời gian sau dần bị người dân lấn chiếm, hiện còn lại khoảng 1.170m2 (thời điểm năm 2014). Nhờ sự đóng góp tài lực, công lực của các vị thân hào, nhân sĩ trong thôn Bình Long và thôn lân cận, ngày 10 tháng 7 năm Canh Ngọ (1930), đình được khởi công xây dựng lại với quy mô lớn, kiến trúc kiên cố nhất so với các ngôi đình khác trong toàn huyện. Người góp công lớn nhất cho việc xây lại đình là Đại Hương cả Nguyễn Văn Tiên. Ngày 13 tháng 3 Bảo Đại năm thứ 14 (Mậu Dần, 1938), đình Bình Long được vua Bảo Đại ban sắc phong “Bổn Cảnh Thành Hoàng chi Thần”, chuẩn cho thôn Bình Long thờ phụng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mĩ, đình Bình Long đã góp phần rất quan trọng trong quá trình đấu tranh giữ nước, bảo vệ xóm làng. Ngôi đình này cũng được chọn làm nơi tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội lần đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào ngày 6 tháng 1 năm 1946. 85 năm qua kể từ khi ngôi đình được xây dựng đến nay đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, có lúc bị trưng dụng làm nơi chứa thóc, có lúc bị quân đội chế độ cũ chiếm làm nơi đồn trú (1960-1962), theo thời gian đình phần nào bị xuống cấp, nhưng kiến trúc vẫn còn nguyên vẹn và lưu giữ khá nhiều di sản Hán Nôm quý giá. Hiện nay, nhờ sự quan tâm của chính quyền và người dân địa phương, đình đã được sửa sang hoàn thiện hơn theo đúng lối kiến trúc cũ.

Đình quay mặt về hướng đông bắc. Phía đông nam giáp mặt đường, hai phía còn lại giáp nhà dân. Bên ngoài nhìn vào sẽ thấy bức phù điêu long hổ với hai câu đối bằng chữ Hán. Mái đình được thiết kế dạng cổ lầu nhị cấp, lợp ngói âm dương. Nóc được trang trí bằng những họa tiết nghệ thuật thường thấy trong các ngôi đình thần như lưỡng long tranh châu, cá hóa rồng cùng nhiều họa tiết khác. Trên mái khoảng giữa cổ lầu có ba bức hoành phi, trong đó có một bức ghi tên đình bằng chữ Hán màu vàng trên nền đỏ 平隆神廟 “Bình Long thần miếu” đặt chính giữa hai bức hoành phi còn lại. Mặt tiền của đình có ba cửa, một cửa chính lớn ở giữa, hai cửa phụ nhỏ hai bên, cửa chính chỉ mở khi có lễ hội quan trọng.

Bên trong ngôi đình nổi bật với những hoành phi, câu đối treo giữa những hàng cột gỗ chạy thẳng đến ban thờ chính. Khám thờ Thần làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng rực rỡ, chạm khắc hình tứ linh, thể hiện hài hòa tính mĩ thuật và nét trang nghiêm nơi thờ tự. Ngay trước ban thờ chính là bàn hương án và hai con hạc cao quá đầu người (khoảng 1,7m) đứng trên hai con thần quy chầu trước ban thờ, kế đến là hàng cột gỗ treo hai câu đối chạm nổi hình long phụng cực kì công phu, tinh xảo. Hai bên chánh điện bày trí hai giàn lỗ bộ tạo vẻ trang trọng, oai nghiêm, góc phải là ban thờ Bạch mã, góc trái là ban thờ Thái giám. Trong gian chánh điện còn có các ban thờ Tiên sư, Tiền hiền, Tả ban, Hữu ban, mỗi ban thờ đều có một câu đối. Bên trái có một cửa nhỏ dẫn đến hậu đường, nơi đặt ban thờ Hậu hiền cùng hai ban thờ Tiền vãng và Hậu vãng.

Về di sản Hán Nôm, đình Bình Long hiện có lưu giữ 1 sắc phong của vua Bảo Đại, 9 hoành phi, 18 câu đối, một số bài vị và bảng đề tự ghi công đức.

Câu đối tiêu biểu ở đình Bình Long:

平帝贈擢揚,護一村,資三邑,和興正霑夏雨;隆神功倬偉,調四序,順兩儀,美里仁沐春風。Bình đế tặng trạc dương, hộ nhất thôn, tư tam ấp, hòa hưng chính triêm hạ vũ; Long thần công trác vĩ, điều tứ tự, thuận lưỡng nghi, mĩ lí nhân mộc xuân phong = Bình đế đức cao vời, bảo vệ một ấp, làm giàu ba thôn, hòa hưng thấm nhuần mưa hạ; Long thần ơn rộng lớn, điều thuận bốn mùa, hợp theo trời đất, làng nhân tắm gội gió xuân.

Đình thần Bình Mĩ

Đình Bình Mĩ hiện nằm trên Quốc lộ 91 ấp Bình Trung, xã Bình Mĩ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh (2000).

20170818. Dinh Binh My

Ảnh 2: Đình thần Bình Mĩ

Năm 1817, đình Bình Mĩ được xây dựng đơn sơ bằng gỗ rừng, vách lá, mái tranh, lúc đầu nằm bên rạch Xẻo Sâu cách vàm rạch Hóa Cù về bên trong khoảng 300m. Về sau, đình Bình Mĩ lại bị cháy. Ngày 21/6/1867, Pháp chia cắt địa giới hành chính, từ rạch Mặc Cần Dưng đến rạch Xẻo Sâu nhập vào huyện Châu Thành tỉnh Long Xuyên. Nền đình cũ thuộc về xã khác. Hương chức Hội tề phải tìm đất mới để xây lại đình. Khi đó ông Nguyễn Văn Phải và con trai là Nguyễn Văn Lành hiến tổng cộng 5.500m2 đất bên vàm rạch Hóa Cù. Ngôi đình được dựng lên trong khuôn viên phần đất ấy vào năm 1890 cũng bằng những vật liệu đơn giản. Cũng từ đó đoạn kinh mới đào đi ngang qua đây được gọi là Kinh Đình. Ngày 25 tháng 7 Khải Định năm thứ 9 (Giáp Tí 1924), đình Bình Mĩ được vua Khải Định ban sắc phong “Bổn Cảnh Thành Hoàng Tôn Thần”, chuẩn cho thôn Bình Mĩ thờ phụng.

Năm 1926, sau khi đình Châu Phú (nay thuộc Châu Đốc) vừa xây dựng xong, Ban Hội tề đình Bình Mĩ cắt cử thợ Tư và thợ Sỏn đến tham khảo mô hình của đình Châu Phú để trùng tu đình Bình Mĩ. Năm 1928 tiến hành xây dựng lại. Ngôi đình xây dựng lần này rất kiên cố cho đến ngày nay với tên gọi chính thức là Bổn Cảnh thần miếu.

Năm 1964, do lượng khách hành hương mỗi dịp lễ tế ngày càng đông, Ban Quý tế cho xây dựng thêm nhà khói rộng rãi vừa làm nơi nấu nướng vừa có chỗ tiếp đãi khách khứa. Năm 1970 xây một trường Trung học cơ sở. Năm 1995 xây tiếp một trường Mẫu giáo. Năm 2002, vì yêu cầu mở rộng đường lộ nên gian nhà khói của đình được dời vào sát vách đình như hiện nay. Năm 2003 xây cổng và sửa chữa tường rào bọc quanh sân đình, các phần tường vách, cửa nẻo, nóc đình cũng được sửa sang, sơn lại đẹp đẽ hơn trước.

Ngôi đình là công trình xây dựng thể hiện lối kiến trúc xưa, kiểu dáng cổ lầu tam cấp. Nền đình là điểm tựa cho bộ cột gỗ căm xe tròn gồm 40 trụ chia thành 4 hàng dọc kết hợp với hai mảng vách hông tạo thành tổng thể ba gian hai chái. Kết cấu chia thành ba gian nhưng có đến 4 bộ nóc vì giữa hai hàng cột của gian tiền sảnh và võ ca có ba cây trính đỡ các cột giả để tạo nên bộ nóc hai mái trồng rường. Đây là bộ nóc thứ tư liên kết với ba bộ nóc chánh điện, võ quy (phủ quy) và võ ca. Bộ nóc này có chức năng thông gió và nhận ánh sáng cho nội thất đình.

Chánh điện và võ ca có cùng kiểu dáng cổ lầu tam cấp nên phần kết cấu khung sườn hai gian này tương đối giống nhau. Mỗi gian được cấu thành do ba cấp cột đại trụ (còn gọi là cột tứ trụ) nằm trên cùng một cung của vòng tròn. Bốn cột giữa cao hơn cả, tạo nên bộ nóc, tức mái riêng trên đầu cột, gọi là cấp mái thứ nhất. Từ đầu mỗi cột tứ trụ hạ xuống khoảng từ 1m đến 1,2m, gọi là phần cổ, có 3 cây kèo nối xuống đầu các cây cột hàng thứ hai, các cột này chạy xung quanh cột tứ trụ. Từ đầu mỗi cây cột hàng cột thứ hai hạ xuống khoảng 1m có các kèo đâm xuống hàng cột thứ ba, hàng cột này chạy xung quanh hàng cột thứ hai. Gian võ ca được dựng trước chánh điện, là nơi sinh hoạt của Ban Quý tế, làm sân khấu cho các đoàn hát bội, múa lân, đồng thời làm nơi tiếp khách, đãi tiệc trong những ngày lễ hội. Ngoài ra còn có các gian vỏ quy và tiền sánh có chức năng làm rộng và thoáng mát cho ngôi đình.

Về di sản Hán Nôm, đình Bình Mĩ hiện còn lưu giữ 1 sắc phong của vua Khải Định, 9 hoành phi, 24 câu đối, một số bài vị và bảng đề tự ghi công đức.

Câu đối tiêu biểu ở đình Bình Mĩ:

平建龍樓,蒙帝德上和下睦;美興鳳閣,沐神恩物阜民康。Bình kiến long lâu, mông đế đức thượng hòa hạ mục; Mĩ hưng phụng các, mộc thần ân vật phụ dân khang = Lầu rồng dựng hiên ngang, hưởng đế đức trên hòa dưới thuận; Gác phượng xây hoành tráng, gội thần ân vật tốt dân yên.

Trước kia, vì một nghịch duyên mà thôn Long Mĩ phải tách thành hai thôn, xây dựng hai ngôi đình riêng biệt. Xét cho kĩ thì nghịch duyên đó xảy ra cũng là có nguyên do. Thôn Long Mĩ xưa địa bàn rất rộng lớn, ranh hạt phía dưới là rạch Mặc Cần Dưng, ranh hạt phía trên là cầu chữ S, chiều dài hai đầu ranh hạt khoảng 20km, vùng hậu thôn Long Mĩ kéo dài đến tận Vĩnh Hanh, Cần Đăng. Ngày xưa trong thôn đường sá chưa có, lối mòn khó đi, thậm chí nhiều đoạn còn cây cỏ um tùm rậm rạp, đi lại khó khăn, nên các vị trong Ban Hương chức Hội tề ở xa tới muộn là điều dễ hiểu và đáng thông cảm. Nhưng có lẽ do tế tự là việc quan trọng, thiêng liêng, không thể chấp nhận sự trễ nải nên các vị khác trong Ban tỏ ra nghiêm khắc, khiển trách nặng lời dẫn đến mâu thuẫn. Dù sao đó chủ yếu cũng chỉ là mối bất hòa trong Ban Hương chức Hội tề, còn người dân sau khi tách thôn vẫn giữ mối giao tình tốt đẹp như trước. Mỗi khi hữu sự hay diễn ra lễ lạt, cúng tế, người dân hai thôn, nhất là ở hai nơi tiếp giáp, vẫn thường xuyên qua lại giúp đỡ lẫn nhau.

Cũng giống như nhiều ngôi đình khác ở Nam bộ và cả nước, hàng năm, đình Bình Long và đình Bình Mĩ vẫn tổ chức các lễ tế theo đúng lệ xưa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa tinh thần thiêng liêng của người dân sở tại, đúng như nội dung câu đối sau:

春祀秋常,遵萬古聖賢禮樂; 左昭有穆,序壹家世代源流。Xuân tự thu thường, tuân vạn cổ thánh hiền lễ nhạc; Tả chiêu hữu mục, tự nhất gia thế đại nguyên lưu = Xuân tế Tự, thu tế Thường, theo lễ nhạc thánh hiền muôn thuở; Tả hàng chiêu, hữu hàng mục, như thấp cao thứ tự một nhà(*).

 

Chú thích:

(*) Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong mã đề tài số VII 1.2-2012.26

(1) Phan Huy Chú (Tổ phiên dịch Viện Sử học Việt Nam dịch và chú giải) (1992), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Dư địa chí – Nhân vật chí – Quan chức chí, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.170.

(2) Do sự thay đổi địa giới hành chánh, hiện nay đình thần Bình Long thuộc địa phận thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú.

(3) Bài viết có sự cộng tác của Ngô Thị Huyền Trang, Nguyễn Thị Việt Anh về mặt điền dã, tư liệu Hán Nôm và có sử dụng tư liệu lịch sử hai ngôi đình do Ban quản lí cung cấp cùng lời kể của một số bô lão địa phương.

Nguồn: Tạp chí KH Văn hóa va Du lịch, Vol.7, số 2&3 (82&83), tháng 3 và 5/2016

1. Thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Cư Trinh

Nguyễn Cư Trinh 阮居貞 (1716-1767) tự là Nghi, hiệu là Đạm Am, danh tướng và cũng là danh sĩ thời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) và Định vương Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777). Tổ tiên vốn ở huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quảng, xứ Nghệ An, nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, sau dời đến làng An Hòa, huyện Hương Trà, nay thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Q1

Tạp chí  Thế giới ngữ văn Trung Hoa  (国文天地雑誌The world of Chinese language and literature,  ISSN 1015-9975), một tạp chí khoa học có uy tín của Đài Loan, đã dành số 386 (tháng 7 năm 2017) vừa qua để đăng chuyên đề về văn học Hán Nôm Nam Bộ của giảng viên Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG TP.HCM: PGS.TS. Đoàn Lê Giang, TS. Lê Quang Trường, ThS. Nguyễn Văn Hoài. Số chuyên đề này đánh dấu sự nỗ lực của các giảng viên Khoa Văn học nhiều năm qua trong việc nghiên cứu về văn học Nam Bộ, trong đó có văn học Hán Nôm. Người giới thiệu cụm bài này trên tạp chí là GS. Chen Yiyuan/ Trần Ích Nguyên, nguyên Trưởng Khoa Văn học Trung Quốc, ĐH Chengkung/ Thành Công, Đài Loan. Website Khoa Văn học xin giới thiệu bài viết này cùng với hình ảnh các bài của 3 nhà nghiên cứu trên trong tạp chí. Bài do TS. Lê Quang Trường dịch.

Chuyên đề Hán học Việt Nam và Văn hoá người Hoa

 

Chen Yiyuan/ Trần Ích Nguyên

 

Chuyên đề Hán học Việt Nam và Văn hoá người Hoa 越南汉学与华人文化 tập hợp năm bài viết tâm huyết mới nhất của các học giả Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh, theo thứ tự như sau:

Đoàn Lê Giang: Thuyết “Tri ngôn dưỡng khí”, Dương Minh học và Võ Trường Toản của Việt Nam (“Tri ngôn dưỡng khí” thuyết, Dương Minh Học dữ Việt Nam đích Võ Trường Toản)

Nguyễn Văn Hoài: Những sáng tạo của Bùi Hữu Nghĩa trong Kim Thạch kỳ duyên (so sánh với lam bản Kim Thạch duyên) (Bùi Hữu Nghĩa chi độc sáng tại “Kim Thạch kỳ duyên” – dữ nguyên trứ “Kim Thạch duyên” chi tỉ giảo)

Lê Quang Trường: Văn bia Hán Nôm ở Nam Bộ qua tư liệu sưu tầm điền dã (Thấu quá điền dã điều tra sở thu tập đích Việt Nam Nam Bộ Hán Nôm bi văn).

Phạm Ngọc Hường: Nghiên cứu và giới thiệu dấu ấn con người và cuộc sống của người Hoa trong văn bia ở TP.HCM (Hồ Chí Minh thị bi khắc trung đích Hoa nhân cập kỳ sinh bình sự tích đích giới thiệu dữ thám thảo)

Nguyễn Hoàng Yến: Hiện tượng thế tục hóa việc thờ cúng tổ tiên của người Hoa Việt Nam – trường hợp người Hoa ở huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng (Việt Nam Hoa nhân tổ tiên sùng bái chi thế tục hoá hiện tượng – dĩ Lâm Đồng tỉnh Di Linh huyện Hoa nhân vi lệ).

Tác giả của năm bài viết này, ngoài Phạm Ngọc Hường công tác ở Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh ra, những người còn lại đều là những học giả có uy tín của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, họ đều là người Việt, đồng thời cũng hết sức quan tâm nghiên cứu Hán học Việt Nam và văn hoá người Hoa.

Những bài viết này đã hoàn thành từ lâu, nhưng do cần phải chuyển ngữ, cho nên đã trễ hẹn một thời gian, trước hết phải cảm ơn sự cảm thông của ban biên tập tạp chí Thế giới ngữ văn Trung Hoa   (Quốc văn thiên địa).

Thứ nữa, xin cảm ơn Đại học Chengkung/ Thành Công, Bộ Khoa học và Công nghệ, Quỹ giao lưu học thuật quốc tế Chiang Ching-kuo (Tưởng Kinh Quốc), Đài Loan. Đại học Thành Công trong suốt thời gian dài đã hỗ trợ cho tôi thực hiện dự án Nghiên cứu và chỉnh lý thư tịch nghiên cứu văn hóa Mân Nam (Phúc Kiến) (Mân Nam văn hoá nghiên cứu văn hiến đích chỉnh lý dữ nghiên cứu), Bộ Khoa học và Công nghệ liên tục giúp đỡ tôi trong hàng loạt dự án nghiên cứu chuyên đề như Nghiên cứu thư tịch Trung Quốc lưu trữ trong viện cổ học Việt Nam (Việt Nam cổ học viện sở tàng Trung Quốc thư tịch chi nghiên cứu), Nghiên cứu so sánh thư tịch Trung Quốc lưu trữ trong viện cổ học Việt Nam và các thư viện khác của triều Nguyễn (Việt Nam cổ học viện dữ Nguyễn triều kỳ tha đơn vị sở tàng Trung Quốc Hán tịch thư mục chi tỉ giảo nghiên cứu), Quỹ giao lưu học thuật quốc tế Chiang Ching-kuo đã tài trợ cho tôi dự án hợp tác quốc tế Mậu dịch và đền miếu Mân Nam ở Đông Nam Á (Đông Nam Á Mân Nam miếu vũ cập mậu dịch cương lược – Việt Nam dữ Mã lục giáp hải hiệp Mân Nam tộc quần chi tỉ giảo nghiên cứu) kéo dài suốt bốn năm. Chính nhờ thực hiện liên tiếp những dự án này, tôi đã có cơ hội nhiều lần đến nghiên cứu thực địa tại thành phố Hồ Chí Minh, có cơ hội xây dựng tình hữu nghị quốc tế cũng như hợp tác mật thiết với Phòng sưu tầm và nghiên cứu tư liệu Hán Nôm, Khoa Văn học của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Ví dụ Chủ nhiệm khoa Đoàn Lê Giang không chỉ cùng với Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn của Đại học Thành Công kiểm định dự án biên tập và xuất bản hơn ba ngàn trang tài liệu liên quan đến Mân Nam của Hội quán Phúc Kiến (Chùa Minh hương) ở Vĩnh Long, mà còn cùng với Phó chủ nhiệm Lê Quang Trường, Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Dự án Nguyễn Ngọc Thơ đã lái xe đưa tôi đi các tỉnh lân cận để khảo sát văn chỉ thờ Khổng Tử (Văn miếu Trấn Biên), nghĩa trang Phúc Kiến và mộ của danh thần Trịnh Hoài Đức, một hậu duệ người Hoa làm quan dưới triều Nguyễn của Việt Nam... Còn đối với Nguyễn Hoàng Yến thì càng thân thiết, cô ấy từng du học tiến sĩ tại Đại học Thành Công, suốt thời gian dài cô ấy là trợ lý nghiên cứu trong các dự án kể trên của tôi, đồng thời còn làm công việc của một cầu nối trong nhiều trường hợp.

Đến nay, những dự án kể trên đã lần lượt hoàn thành, tôi lấy làm vui mừng vì có thể giới thiệu chuyên đề Văn hóa người Hoa và Hán học Việt Nam (Việt Nam Hán học dữ Hoa nhân văn hoá) ngay trước khi kết thúc dự án nghiên cứu này. Do đề tài nghiên cứu Hán học Việt Nam liên quan đến văn hoá người Hoa thật sự không phải là mối quan tâm chủ yếu của giới học thuật ở Việt Nam, hơn nữa điều kiện để nghiên cứu các vấn đề liên quan đối với học giả Việt Nam lại còn nhiều khó khăn, cho nên tôi mong rằng bạn đọc của tạp chí Thế giới ngữ văn Trung Hoa   (Quốc văn thiên địa) hãy đặc biệt trân trọng chuyên san không dễ có được này, hãy dành một tràng pháo tay để cổ vũ những học giả Việt Nam kể trên.

Xin cảm ơn tất cả!

                                                                                                            (Lê Quang Trường dịch)

 

Ảnh 3: Đoàn Lê Giang: Thuyết “Tri ngôn dưỡng khí”, Dương Minh học và Võ Trường Toản của Việt Nam (“Tri ngôn dưỡng khí” thuyết, Dương Minh Học dữ Việt Nam đích Võ Trường Toản)

Ảnh 4: Nguyễn Văn Hoài, Nguyễn Phương Uyên: Những sáng tạo của Bùi Hữu Nghĩa trong Kim Thạch kỳ duyên (so sánh với lam bản Kim Thạch duyên) (Bùi Hữu Nghĩa chi độc sáng tại “Kim Thạch kỳ duyên” – dữ nguyên trứ “Kim Thạch duyên” chi tỉ giảo)

Ảnh 5: Lê Quang Trường:Văn bia Hán Nôm ở Nam Bộ qua tư liệu sưu tầm điền dã (Thấu quá điền dã điều tra sở thu tập đích Việt Nam Nam Bộ Hán Nôm bi văn)

 

Nam Bộ là vùng đất mới, tiếp thu và tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần trong quá trình khai hoang mở cõi và xây dựng cuộc sống. Đó có thể là những hiện tượng văn hóa mới phát sinh qua quá trình mở cõi, cũng có thể là những hiện tượng văn hóa ở nhiều vùng miền khác nhau, phù hợp với vùng đất mới nên được tiếp thu vào làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần của người dân. Chúng được ghi chép lại qua mảng thư tịch Hán Nôm và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ngày nay, mặc dù số lượng người đọc được chữ Hán chữ Nôm không nhiều, nhưng thư tịch Hán Nôm của người xưa vẫn được con cháu gìn giữ cẩn thận trong các tủ sách gia đình, đôi khi được tôn thờ, xem như báu vật thiêng liêng của cả dòng họ. Đến thời gian gần đây, thư tịch Hán Nôm hoàn toàn không phải khó tìm trên vùng đất này. Ngoài những lúc cất công lặn lội sưu tầm mất nhiều công sức, người viết đã khá nhiều lần rất đỗi tình cờ “lọt” vào tủ sách của các gia đình, bê về khá nhiều sách quý bằng nhiều cách: photo, chụp ảnh, scan, thậm chí có khi nhờ tạo được cảm tình với gia chủ nên được cho luôn bản gốc.

Thông tin truy cập

63679475
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
23193
17595
63679475

Thành viên trực tuyến

Đang có 211 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website