Ảnh 1: Đình thần Bình Long
Ngày xưa, trong hoàn cảnh nội chiến thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, người dân từ phía Bắc (miền Trung, Ngũ Quảng) lần lượt di cư tới vùng Mô Xoài (nay thuộc Bà Rịa), sau đó xuống Biên Hòa (Đồng Nai) và các tỉnh Nam Bộ để an thân lập nghiệp. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú chép: “Khi Hiếu Minh Hoàng đế (Chúa Nguyễn Phúc Chu, 1691-1725) sai tướng đi đánh Cao Miên, lấy đất Đồng Nai là chỗ đất tốt, đặt làm phủ này (Gia Định). Lập ra hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, mở đất ngàn dặm, thu được hơn 4 vạn hộ… [Chúa] mới chiêu mộ những người có vật lực ở Điện Bàn, Quảng Ngãi, Qui Nhơn thuộc Quảng Nam di cư vào đấy. Họ chặt cây vỡ đất hoang thành ra bằng phẳng, đất tốt nước nhiều, tùy sức dân ai làm bao nhiêu thì làm…”(1). Năm 1698, sau khi lập phủ Bình Thuận ở miền Trung, Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập phủ Gia Định, sắp xếp an ninh để bảo vệ người dân yên tâm lao động, mở mang cuộc sống. Năm 1786 thôn Long Mĩ được thành lập. Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, người dân dựng lên ngôi đình bằng vật liệu cây lá đơn sơ thờ Nguyễn Hữu Cảnh, nằm giữa hai vàm đất của ông Nguyễn Tài Ngoán (Sung biên Ngoán) và ông Lưu Văn Lai (Hương kiểm Phố) rồi lập ra Ban hội tề mười hai người để điều hành việc xóm làng. Vị trí đình lúc bấy giờ nằm phía dưới Năng Gù.
Tương truyền, tháng 4 năm Ất Hợi (1815), khi trời đang hạn hán, mương rạch khô cạn, người dân đốt rừng làm rẫy gây ra vụ hỏa hoạn lớn thiêu rụi cả ngôi đình. Khoảng thời gian trước đó, nhân vì Ban Hương chức Hội tề nhiều người ở xa, vào lễ tế hàng năm thường tới muộn nên bị phiền trách, lời lẽ xúc phạm nhau gay gắt gây mất đoàn kết nội bộ, nên mọi người đề nghị tách thôn Long Mĩ thành hai thôn khác nhau. Vào niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816), thôn Long Mĩ chính thức được chia tách thành hai thôn mới, lấy chữ “Bình” đặt trước trong tên hai thôn, thôn trên tên là Bình Long, thôn dưới tên là Bình Mĩ. Hai thôn mới đã nhanh chóng xây dựng hai ngôi đình, đó chính là đình thần Bình Long của thôn Bình Long(2) và đình thần Bình Mĩ của thôn Bình Mĩ.
Đình thần Bình Long
Đình Bình Long hiện nằm trên Quốc lộ 91, ấp Bình Hòa 2, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh (2004).
Đình Bình Long được xây dựng ngay sau khi thành lập thôn, ở vị trí trường Trung học phổ thông Kết Đoàn hiện nay. Lúc đầu, đình xây dựng đơn sơ vách gỗ, lợp lá trên một gò đất ở vàm rạch Phù Dật, diện tích khoảng 300m2. Ban Quý tế đình Bình Long cho biết, trước kia vua Tự Đức có ban sắc phong cho đình, nhưng đã bị cháy mất.
Đến năm 1930, đình Bình Long được dời đến địa điểm hiện nay trên phần đất với tổng diện tích ban đầu 3.560m2. Thời gian sau dần bị người dân lấn chiếm, hiện còn lại khoảng 1.170m2 (thời điểm năm 2014). Nhờ sự đóng góp tài lực, công lực của các vị thân hào, nhân sĩ trong thôn Bình Long và thôn lân cận, ngày 10 tháng 7 năm Canh Ngọ (1930), đình được khởi công xây dựng lại với quy mô lớn, kiến trúc kiên cố nhất so với các ngôi đình khác trong toàn huyện. Người góp công lớn nhất cho việc xây lại đình là Đại Hương cả Nguyễn Văn Tiên. Ngày 13 tháng 3 Bảo Đại năm thứ 14 (Mậu Dần, 1938), đình Bình Long được vua Bảo Đại ban sắc phong “Bổn Cảnh Thành Hoàng chi Thần”, chuẩn cho thôn Bình Long thờ phụng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mĩ, đình Bình Long đã góp phần rất quan trọng trong quá trình đấu tranh giữ nước, bảo vệ xóm làng. Ngôi đình này cũng được chọn làm nơi tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội lần đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào ngày 6 tháng 1 năm 1946. 85 năm qua kể từ khi ngôi đình được xây dựng đến nay đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, có lúc bị trưng dụng làm nơi chứa thóc, có lúc bị quân đội chế độ cũ chiếm làm nơi đồn trú (1960-1962), theo thời gian đình phần nào bị xuống cấp, nhưng kiến trúc vẫn còn nguyên vẹn và lưu giữ khá nhiều di sản Hán Nôm quý giá. Hiện nay, nhờ sự quan tâm của chính quyền và người dân địa phương, đình đã được sửa sang hoàn thiện hơn theo đúng lối kiến trúc cũ.
Đình quay mặt về hướng đông bắc. Phía đông nam giáp mặt đường, hai phía còn lại giáp nhà dân. Bên ngoài nhìn vào sẽ thấy bức phù điêu long hổ với hai câu đối bằng chữ Hán. Mái đình được thiết kế dạng cổ lầu nhị cấp, lợp ngói âm dương. Nóc được trang trí bằng những họa tiết nghệ thuật thường thấy trong các ngôi đình thần như lưỡng long tranh châu, cá hóa rồng cùng nhiều họa tiết khác. Trên mái khoảng giữa cổ lầu có ba bức hoành phi, trong đó có một bức ghi tên đình bằng chữ Hán màu vàng trên nền đỏ 平隆神廟 “Bình Long thần miếu” đặt chính giữa hai bức hoành phi còn lại. Mặt tiền của đình có ba cửa, một cửa chính lớn ở giữa, hai cửa phụ nhỏ hai bên, cửa chính chỉ mở khi có lễ hội quan trọng.
Bên trong ngôi đình nổi bật với những hoành phi, câu đối treo giữa những hàng cột gỗ chạy thẳng đến ban thờ chính. Khám thờ Thần làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng rực rỡ, chạm khắc hình tứ linh, thể hiện hài hòa tính mĩ thuật và nét trang nghiêm nơi thờ tự. Ngay trước ban thờ chính là bàn hương án và hai con hạc cao quá đầu người (khoảng 1,7m) đứng trên hai con thần quy chầu trước ban thờ, kế đến là hàng cột gỗ treo hai câu đối chạm nổi hình long phụng cực kì công phu, tinh xảo. Hai bên chánh điện bày trí hai giàn lỗ bộ tạo vẻ trang trọng, oai nghiêm, góc phải là ban thờ Bạch mã, góc trái là ban thờ Thái giám. Trong gian chánh điện còn có các ban thờ Tiên sư, Tiền hiền, Tả ban, Hữu ban, mỗi ban thờ đều có một câu đối. Bên trái có một cửa nhỏ dẫn đến hậu đường, nơi đặt ban thờ Hậu hiền cùng hai ban thờ Tiền vãng và Hậu vãng.
Về di sản Hán Nôm, đình Bình Long hiện có lưu giữ 1 sắc phong của vua Bảo Đại, 9 hoành phi, 18 câu đối, một số bài vị và bảng đề tự ghi công đức.
Câu đối tiêu biểu ở đình Bình Long:
平帝贈擢揚,護一村,資三邑,和興正霑夏雨;隆神功倬偉,調四序,順兩儀,美里仁沐春風。Bình đế tặng trạc dương, hộ nhất thôn, tư tam ấp, hòa hưng chính triêm hạ vũ; Long thần công trác vĩ, điều tứ tự, thuận lưỡng nghi, mĩ lí nhân mộc xuân phong = Bình đế đức cao vời, bảo vệ một ấp, làm giàu ba thôn, hòa hưng thấm nhuần mưa hạ; Long thần ơn rộng lớn, điều thuận bốn mùa, hợp theo trời đất, làng nhân tắm gội gió xuân.
Đình thần Bình Mĩ
Đình Bình Mĩ hiện nằm trên Quốc lộ 91 ấp Bình Trung, xã Bình Mĩ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh (2000).
Ảnh 2: Đình thần Bình Mĩ
Năm 1817, đình Bình Mĩ được xây dựng đơn sơ bằng gỗ rừng, vách lá, mái tranh, lúc đầu nằm bên rạch Xẻo Sâu cách vàm rạch Hóa Cù về bên trong khoảng 300m. Về sau, đình Bình Mĩ lại bị cháy. Ngày 21/6/1867, Pháp chia cắt địa giới hành chính, từ rạch Mặc Cần Dưng đến rạch Xẻo Sâu nhập vào huyện Châu Thành tỉnh Long Xuyên. Nền đình cũ thuộc về xã khác. Hương chức Hội tề phải tìm đất mới để xây lại đình. Khi đó ông Nguyễn Văn Phải và con trai là Nguyễn Văn Lành hiến tổng cộng 5.500m2 đất bên vàm rạch Hóa Cù. Ngôi đình được dựng lên trong khuôn viên phần đất ấy vào năm 1890 cũng bằng những vật liệu đơn giản. Cũng từ đó đoạn kinh mới đào đi ngang qua đây được gọi là Kinh Đình. Ngày 25 tháng 7 Khải Định năm thứ 9 (Giáp Tí 1924), đình Bình Mĩ được vua Khải Định ban sắc phong “Bổn Cảnh Thành Hoàng Tôn Thần”, chuẩn cho thôn Bình Mĩ thờ phụng.
Năm 1926, sau khi đình Châu Phú (nay thuộc Châu Đốc) vừa xây dựng xong, Ban Hội tề đình Bình Mĩ cắt cử thợ Tư và thợ Sỏn đến tham khảo mô hình của đình Châu Phú để trùng tu đình Bình Mĩ. Năm 1928 tiến hành xây dựng lại. Ngôi đình xây dựng lần này rất kiên cố cho đến ngày nay với tên gọi chính thức là Bổn Cảnh thần miếu.
Năm 1964, do lượng khách hành hương mỗi dịp lễ tế ngày càng đông, Ban Quý tế cho xây dựng thêm nhà khói rộng rãi vừa làm nơi nấu nướng vừa có chỗ tiếp đãi khách khứa. Năm 1970 xây một trường Trung học cơ sở. Năm 1995 xây tiếp một trường Mẫu giáo. Năm 2002, vì yêu cầu mở rộng đường lộ nên gian nhà khói của đình được dời vào sát vách đình như hiện nay. Năm 2003 xây cổng và sửa chữa tường rào bọc quanh sân đình, các phần tường vách, cửa nẻo, nóc đình cũng được sửa sang, sơn lại đẹp đẽ hơn trước.
Ngôi đình là công trình xây dựng thể hiện lối kiến trúc xưa, kiểu dáng cổ lầu tam cấp. Nền đình là điểm tựa cho bộ cột gỗ căm xe tròn gồm 40 trụ chia thành 4 hàng dọc kết hợp với hai mảng vách hông tạo thành tổng thể ba gian hai chái. Kết cấu chia thành ba gian nhưng có đến 4 bộ nóc vì giữa hai hàng cột của gian tiền sảnh và võ ca có ba cây trính đỡ các cột giả để tạo nên bộ nóc hai mái trồng rường. Đây là bộ nóc thứ tư liên kết với ba bộ nóc chánh điện, võ quy (phủ quy) và võ ca. Bộ nóc này có chức năng thông gió và nhận ánh sáng cho nội thất đình.
Chánh điện và võ ca có cùng kiểu dáng cổ lầu tam cấp nên phần kết cấu khung sườn hai gian này tương đối giống nhau. Mỗi gian được cấu thành do ba cấp cột đại trụ (còn gọi là cột tứ trụ) nằm trên cùng một cung của vòng tròn. Bốn cột giữa cao hơn cả, tạo nên bộ nóc, tức mái riêng trên đầu cột, gọi là cấp mái thứ nhất. Từ đầu mỗi cột tứ trụ hạ xuống khoảng từ 1m đến 1,2m, gọi là phần cổ, có 3 cây kèo nối xuống đầu các cây cột hàng thứ hai, các cột này chạy xung quanh cột tứ trụ. Từ đầu mỗi cây cột hàng cột thứ hai hạ xuống khoảng 1m có các kèo đâm xuống hàng cột thứ ba, hàng cột này chạy xung quanh hàng cột thứ hai. Gian võ ca được dựng trước chánh điện, là nơi sinh hoạt của Ban Quý tế, làm sân khấu cho các đoàn hát bội, múa lân, đồng thời làm nơi tiếp khách, đãi tiệc trong những ngày lễ hội. Ngoài ra còn có các gian vỏ quy và tiền sánh có chức năng làm rộng và thoáng mát cho ngôi đình.
Về di sản Hán Nôm, đình Bình Mĩ hiện còn lưu giữ 1 sắc phong của vua Khải Định, 9 hoành phi, 24 câu đối, một số bài vị và bảng đề tự ghi công đức.
Câu đối tiêu biểu ở đình Bình Mĩ:
平建龍樓,蒙帝德上和下睦;美興鳳閣,沐神恩物阜民康。Bình kiến long lâu, mông đế đức thượng hòa hạ mục; Mĩ hưng phụng các, mộc thần ân vật phụ dân khang = Lầu rồng dựng hiên ngang, hưởng đế đức trên hòa dưới thuận; Gác phượng xây hoành tráng, gội thần ân vật tốt dân yên.
Trước kia, vì một nghịch duyên mà thôn Long Mĩ phải tách thành hai thôn, xây dựng hai ngôi đình riêng biệt. Xét cho kĩ thì nghịch duyên đó xảy ra cũng là có nguyên do. Thôn Long Mĩ xưa địa bàn rất rộng lớn, ranh hạt phía dưới là rạch Mặc Cần Dưng, ranh hạt phía trên là cầu chữ S, chiều dài hai đầu ranh hạt khoảng 20km, vùng hậu thôn Long Mĩ kéo dài đến tận Vĩnh Hanh, Cần Đăng. Ngày xưa trong thôn đường sá chưa có, lối mòn khó đi, thậm chí nhiều đoạn còn cây cỏ um tùm rậm rạp, đi lại khó khăn, nên các vị trong Ban Hương chức Hội tề ở xa tới muộn là điều dễ hiểu và đáng thông cảm. Nhưng có lẽ do tế tự là việc quan trọng, thiêng liêng, không thể chấp nhận sự trễ nải nên các vị khác trong Ban tỏ ra nghiêm khắc, khiển trách nặng lời dẫn đến mâu thuẫn. Dù sao đó chủ yếu cũng chỉ là mối bất hòa trong Ban Hương chức Hội tề, còn người dân sau khi tách thôn vẫn giữ mối giao tình tốt đẹp như trước. Mỗi khi hữu sự hay diễn ra lễ lạt, cúng tế, người dân hai thôn, nhất là ở hai nơi tiếp giáp, vẫn thường xuyên qua lại giúp đỡ lẫn nhau.
Cũng giống như nhiều ngôi đình khác ở Nam bộ và cả nước, hàng năm, đình Bình Long và đình Bình Mĩ vẫn tổ chức các lễ tế theo đúng lệ xưa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa tinh thần thiêng liêng của người dân sở tại, đúng như nội dung câu đối sau:
春祀秋常,遵萬古聖賢禮樂; 左昭有穆,序壹家世代源流。Xuân tự thu thường, tuân vạn cổ thánh hiền lễ nhạc; Tả chiêu hữu mục, tự nhất gia thế đại nguyên lưu = Xuân tế Tự, thu tế Thường, theo lễ nhạc thánh hiền muôn thuở; Tả hàng chiêu, hữu hàng mục, như thấp cao thứ tự một nhà(*).
Chú thích:
(*) Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong mã đề tài số VII 1.2-2012.26
(1) Phan Huy Chú (Tổ phiên dịch Viện Sử học Việt Nam dịch và chú giải) (1992), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Dư địa chí – Nhân vật chí – Quan chức chí, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.170.
(2) Do sự thay đổi địa giới hành chánh, hiện nay đình thần Bình Long thuộc địa phận thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú.
(3) Bài viết có sự cộng tác của Ngô Thị Huyền Trang, Nguyễn Thị Việt Anh về mặt điền dã, tư liệu Hán Nôm và có sử dụng tư liệu lịch sử hai ngôi đình do Ban quản lí cung cấp cùng lời kể của một số bô lão địa phương.
Nguồn: Tạp chí KH Văn hóa va Du lịch, Vol.7, số 2&3 (82&83), tháng 3 và 5/2016