1. Ngôi điện thờ và mộ cổ
Trong một lần đi điền dã tại ấp Hòa Quý, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, chúng tôi tìm đến được ngôi điện thờ và mộ cổ của một người họ Lê tổ tiên của Tả quân Lê Văn Duyệt.
Toàn cảnh khu điện thờ và ngôi mộ cổ
Người trông giữ, lo hương khói cho điện thờ và mộ là gia đình ông Trần Thanh Phong. Theo lời ông Phong thì trước kia ở đây chỉ có ngôi mộ cổ, không có điện thờ và tường rào xung quanh. Di tích này hiện nằm trên phần đất hương hỏa của gia đình ông, đã có từ trước khi khu đất này thuộc quyền sở hữu của ông bà tổ nên từ trước đến nay không ai dám xâm phạm đến. Do đó ngôi mộ cổ được giữ nguyên hiện trạng như lúc ban đầu, chỉ có vào năm 1974, Xã trưởng xã Hòa Khánh (thường gọi là ông Hai Lép) đứng ra vận động người dân trong xã kẻ góp của người góp công xây thêm tường rào bao quanh và điện thờ nằm phía sau ngôi mộ.
Toàn bộ quần thể điện thờ và mộ được xây tường bê-tông cao bao bọc, cổng rào bằng sắt, tường vách rêu phong. Trong khuôn viên khá rộng, ngôi điện thờ nằm ở phần đất cuối cùng, tường xi măng, mái tôn. Trên nóc có đắp hình hai rồng đầu hướng vào nhau, ở giữa có biểu tượng bình hồ lồ, vòng lớn nhất của bình hồ lô gắn thêm họa tiết xung quanh giống như tia nắng mặt trời đang chiếu sáng (biến tấu từ “Lưỡng long chầu nhật” hoặc “Lưỡng long tranh châu”). Hai bên đầu rường đắp hai hình cá chép hóa rồng đầu chúc xuống. Cửa ra vào dạng tam quan rất đơn giản. Bên trong điện thờ bài trí giản dị nhưng trang nghiêm. Bệ thờ chính nhỏ và thấp nằm ở giữa cùng bài vị và bức hoành phi 神靈顯赫 “Thần linh hiển hách” treo phía trên. Hai bên bệ thờ chính là bàn thờ Tả ban và bàn thờ Hữu ban, phía trên mỗi bàn thờ có một bức hoành phi ghi chữ giống nhau 國泰民安 “Quốc thái dân an”. Ngoài ra không có câu đối hay vật dụng gì khác.
Phía trước điện thờ là ngôi mộ cổ nằm ở vị trí trung tâm, xây theo dạng khung đóng (ngang 5m, dài 7m, cao 0,6m, dày 0,6m), hằn rõ màu thời gian và sương gió. Phía trước và sau mộ đều có 1 bức bình phong bằng đá, mặt sau bức phía trước đắp hình hai kỳ lân chầu nhật. Nổi bật nhất là tấm bia mộ bằng đá xanh nguyên khối, cao khoảng 1,5m rộng 0,8m, được chạm khắc hình mặt trời cùng họa tiết mây công phu đẹp mắt đặt trên bệ đá cao ngay trước mộ. Trên bia mộ khắc ba cột chữ Hán ghi đầy đủ thông tin về người được an táng trong mộ, người lập bia và niên đại lập bia.
2. Thông tin trên bia mộ
Cột giữa chữ to ghi tước hiệu và họ của người được an táng trong mộ, đồng thời cho biết mối quan hệ giữa người ấy với người lập bia: 越故顯考贈光進昭毅將軍該奇黎侯之墓 Việt cố Hiển khảo tặng Quang Tiến Chiêu Nghị Tướng quân Cai cơ Lê hầu chi mộ = Mộ của cha [đã mất], họ Lê, được ban chức Cai cơ, tặng Quang Tiến Chiêu Nghị Tướng quân, tước Lê hầu.
Cột bên phải chữ nhỏ, thấp hơn khoảng 1/3 so với cột giữa, ghi niên đại lập bia: 歲在甲戌仲夏月吉日 Tuế tại Giáp Tuất trọng hạ nguyệt cát nhật: Ngày lành tháng 5 năm Giáp Tuất.
Cột bên trái chữ nhỏ, thấp hơn khoảng hơn một nửa so với cột giữa, ghi tước hiệu và tên người lập bia: 孝子欽差掌奇字檖立 Hiếu tử Khâm sai Chưởng cơ tự Toại lập = Hiếu tử Khâm sai Chưởng cơ tên tự là Toại lập bia.
Về hai chữ Việt cố: Một số nhà nghiên cứu nhận định, đây là cách ghi trên bia mộ của người xưa khi chôn cất để xác định người Việt ngày xưa từ Miền Bắc di cư sớm vào vùng đất phía nam. Theo Trần Đại Vinh, cách ghi này xuất hiện từ thời các chúa Nguyễn cho đến thời Gia Long đời Nguyễn thì kết thúc. Nguyễn Đắc Xuân cũng cho rằng, những bia mộ làm bằng đá chàm (tức đá xanh) có hai chữ này chỉ người có liên hệ với cuộc nam tiến([1]).
Về các chức quan ghi trên bia mộ: Cai cơ là chức quan võ ra đời vào thời Lê mạt do các chúa Nguyễn đặt ra. Theo Từ điển chức quan Việt Nam, thời Lê Cảnh Hưng năm thứ 9 (1748), cả nước cải phủ vệ làm cơ đội, 300 người là 1 đội, 400 người là 1 cơ. Sang đời Nguyễn, phỏng theo binh chế cũ lập cơ binh tại các tỉnh, Bắc Việt gọi là cơ, Nam Việt gọi là vệ, mỗi cơ 500 người, dưới cơ có đội, thập, ngũ. Mỗi đội 50 người, mỗi thập 10 người, mỗi ngũ 5 người.
Chưởng cơ cũng là chức quan võ thời chúa Nguyễn, coi 1 cơ binh 500 người. Về chức Khâm sai Chưởng cơ, Từ điển chức quan Việt Nam cho biết đây là chức phong cho các vị Tướng quân được sai đi trấn giữ biên giới Tây Nam vào đầu đời Nguyễn, về sau đổi thành Khâm sai Thống chế, trật Chánh nhị phẩm võ ban. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) nâng trật Chánh nhất phẩm. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), việc trấn giữ biên giới Tây Nam không còn nên bãi bỏ chức này([2]).
Từ những thông tin trên bia mộ và do ông Trần Thanh Phong cung cấp, đồng thời tra cứu tài liệu có liên quan, chúng tôi khẳng định đây là mộ của ông Lê Văn Hiếu nội tổ của Lê Văn Duyệt. Người lập mộ là Lê Văn Toại con trai ông Hiếu, cũng là cha của Lê Văn Duyệt. Bia mộ được lập năm Giáp Tuất 1814.
Như vậy, sau khi một số ngôi mộ cổ của dòng họ Lê được phát hiện là hai ngôi mộ song thân Lê Văn Duyệt (nay thuộc xã Long Hưng, tỉnh Tiền Giang), mộ Lê Văn Phong em trai Lê Văn Duyệt (trước kia nằm ở phía hữu đại lộ Cách Mạng, xã Tân Sơn Hòa, tổng Dương Hòa Thượng, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, sau được cải táng nằm sau vách khu mộ Võ Tánh ở phường 9, quận Phú Nhuận) thì nay việc tìm thấy mộ Lê Văn Hiếu nội tổ Lê Văn Duyệt có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì xét theo nhánh họ Lê ở vùng đất Nam Kỳ xưa thì Lê Văn Hiếu chính là ông Tổ.
3. Các nhân vật và vấn đề liên quan
Gia phả họ Lê chép, từ đầu thế kỷ 16, tổ tiên họ Lê từ tỉnh Vĩnh Phúc di cư vào xứ Đàng Trong lập nghiệp tại làng Bồ Đề, huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Ngãi, dinh Quảng Nam. Lần theo gia phả họ Lê ở Quảng Ngãi, các đời đầu của họ này có những thông tin sau:
- Thủy tổ là cụ Lê Văn Lương([3]) (không thấy chép thông tin về Thủy tổ tỉ), có một người con trai là Lê Văn Tính.
- Ông Lê Văn Tính cưới bà Trần Thị Quý sinh 11 người con cả trai lẫn gái, Lê Văn Hiếu là con trai thứ 7.
- Ông Lê Văn Hiếu cưới bà Nguyễn Thị Ân, năm Nhâm Tuất (1742) sinh một con trai là Lê Văn Toại. Bà Nguyễn Thị Ân mất sớm.
- Ông Lê Văn Toại cưới bà Nguyễn Thị Lập. Khoảng năm 1760, Lê Văn Toại cùng gia đình đưa ông Lê Văn Hiếu rời làng Bồ Đề đến định cư tại vùng đất mới ở một thửa vàm thuộc xứ Mỹ Tho, nơi đó sau này là vàm Trà Lọt, làng Hòa Khánh (nay là xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Năm 1764 ông Lê Văn Hiếu mất do dịch bệnh thiên thời. Cũng trong năm này, con trai đầu lòng của ông Lê Văn Toại ra đời, được đặt tên là Lê Văn Duyệt, sau này là khai quốc công thần của triều Nguyễn.
Theo Gia Định thành thông chí, năm 1781, trong một đêm mưa bão, trên đường trốn chạy sự truy đuổi của quân Tây Sơn, thuyền của Nguyễn Phúc Ánh chìm gần vàm Trà Lọt. Gia đình ông Lê Văn Toại phát hiện chèo xuồng ra cứu vớt rồi đưa về nhà tá túc. Để thưởng công, chúa Nguyễn nhận Lê Văn Duyệt vào quân ngũ. Từ đó, Lê Văn Duyệt trở thành thuộc hạ đắc lực của chúa Nguyễn cho đến sau này trở thành bậc khai quốc công thần của nhà Nguyễn, được ban chức Tả quân, Tổng trấn thành Gia Định.
Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, tổ tiên ba đời của Lê Văn Duyệt đều được truy tặng hoặc phong tặng tước hàm:
- Lê Văn Tính được truy tặng Quang Tiến Hộ Quân Võ Lược Tướng quân, Cẩm y vệ Cai đội, Tính Thiện hầu, thụy Hiệu Thuận. Bà Trần Thị Quý được tặng Từ thiện Nghi nhân.
- Lê Văn Hiếu được truy tặng Quang Tiến Chiêu Nghị Tướng quân, Cẩm y vệ Cai cơ, Hiếu Thuận hầu, thụy Cương Chánh. Bà Nguyễn Thị Ân được tặng Tư Thục Cung nhân.
- Lê Văn Toại được sắc phong Vũ Huân Tướng quân Khâm sai Chưởng cơ hầu, tặng Thống chế. Đến đời vua Minh Mạng được gia tặng Tráng Võ Tướng quân, Trụ Quốc Đô thống, thụy là Cung Tỉnh. Bà Nguyễn Thị Lập được ban Nhất phẩm Phu nhân, vua Minh Mạng gia tặng Tráng Võ Tướng quân Trụ Quốc Đô Thống Lê công chánh thất, thụy Trinh Thuận.
Năm Quí Hợi (1803) ông Lê Văn Toại từng được vinh hạnh ra Bắc Thành chầu vua Gia Long. Quốc triều chính biên toát yếu có chép về cuộc gặp thú vị này như sau: “Tháng 8, thân phụ ông Duyệt là Lê Văn Toại vào chầu, Ngài hỏi rằng: 『Duyệt có mấy người em?』 Tâu rằng: 『Năm người.』 Ngài hỏi: 『Đã có con chưa?』 Tâu rằng: 『Em của Duyêt là Phong có 2 đứa con, đứa đầu tên là Yến, Duyệt nhận làm con thừa tự.』 Ngài nói: 『Con anh em như con mình, Duyệt có người thừa tự rồi.』 Ngài nhân nói chuyện cũ hồi lâu, rồi ban khăn áo cho ông Toại về.”([4])
Trên bia mộ có ghi rõ tước vị người lập bia là “Khâm sai Chưởng cơ” cho thấy ông Lê Văn Toại được vua Gia Long ban tặng tước hàm khi còn sống. Căn cứ theo niên đại của các nhân vật có liên quan có thể xác định bia mộ được Lê Văn Toại lập năm Giáp Tuất tức năm 1814 sau khi ông Lê Văn Hiếu mất 40 năm, lúc ông Lê Văn Toại được 63 tuổi, Lê Văn Duyệt được 40 (hoặc 41) tuổi, cùng năm Lê Văn Duyệt dựng bia mộ cho mẹ là bà Nguyễn Thị Lập (mất năm 1813).
Liên quan đến ngày mất của Lê Văn Hiếu, ông Trần Thanh Phong cho biết, gần đây người có chức trách ở Lăng Ông Bà Chiểu xuống thăm, đọc qua bia mộ nói rằng Lê Văn Hiếu mất ngày 18/8 nên gia đình lấy ngày đó làm ngày cúng giỗ (trước kia cúng vào tiết thanh minh hàng năm). Chúng tôi cho rằng thông tin về ngày mất không chính xác vì bia mộ không ghi ngày cụ thể, chỉ ghi “trọng hạ nguyệt cát nhật” nghĩa là ngày lành tháng trọng hạ, tức tháng 5, không phải tháng 8. Vả lại, niên đại ghi trên bia mộ là thời điểm lập bia, không phải ngày mất của ông Lê Văn Hiếu. Tuy nhiên, khi chưa có căn cứ xác định ngày mất thì cúng giỗ vào ngày nào cũng đều có ý nghĩa, điều đáng tuyên dương chính là nghĩa cử của nhà họ Trần.
Về phần đất có ngôi mộ cổ, ngoài thông tin dòng họ Trần hiện nay mua lại của người khác (thông tin do con cháu trong dòng họ cung cấp), xét về nguồn gốc sâu xa, chúng tôi suy đoán có hai trường hợp: Ông Trần Thanh Phong hiện nay có thể là hậu duệ của một người họ Trần nào đó cưới con gái của dòng họ Lê, hoặc là hậu duệ của người họ Trần nào đó bên vợ của một người họ Lê (ví dụ vợ ông Lê Văn Tính là bà Trần Thị Quý). Sau khi xảy ra thảm nạn diệt tộc họ Lê, người bị xử chết, kẻ bị lưu đày, còn lại thì phải thay tên đổi họ phiêu bạt khắp nơi[5], bỏ mộ phần hoang lạnh, toàn bộ đất đai của dòng họ Lê đều bị sung công. Đến khi vua Tự Đức ban chỉ dụ giải oan, trả lại ruộng đất, người họ Trần ấy đã đến ở đây thay mặt con cháu họ Lê chăm sóc mộ phần, an ủi hương linh người quá cố, đồng thời để bày tỏ tấm lòng cảm thương đối với những người vô tội họ Lê bằng việc làm thiết thực. Trải qua thời gian dài, con cháu họ Trần không còn biết chính xác gốc gác khu đất mà mình đang ở, nhưng do các đời trước đã nối tiếp nhau kính cẩn chăm lo hương khói nên đến bây giờ ông Trần Thanh Phong vẫn làm theo như một truyền thống gia đình.
Qua việc người dân tự nguyện chăm sóc ngôi mộ cho thấy ngoài lý do tâm linh, người dân cũng có ý thức trong việc giữ gìn di tích cổ, đặc biệt là có người tự đứng ra xây dựng điện thờ để có nơi hương khói cho hương hồn cổ nhân. Đây là nét tính cách đáng trân trọng của dân tộc Việt. Nhưng thiết nghĩ cũng cần có sự quan tâm, bảo quản của các cấp chính quyền và các ban ngành hữu quan ở địa phương, vì dù Lê Văn Hiếu không phải là nhân vật có công đối với đất nước nhưng cũng là một gạch nối cho lịch sử địa phương và là tổ tiên của một đại công thần lừng danh triều Nguyễn.
Nguồn: Xưa và Nay, số 453, tháng 11 năm 2014
[1] Dẫn theo Nguyễn Văn Thưởng (chủ biên), Lương Văn Chánh thân thế và sự nghiệp, Nxb. Từ điển Bách khoa, 2011, tr.55.
[2] Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, Nxb. Thanh niên, 2006, tr.136.
[3] Không rõ ngày sinh ngày mất, mộ tại Xóm Bàu, ấp Nho Lâm, làng Bồ Đề, huyện Mộ Hoa (nay là huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi).
[4] Cao Xuân Dục (chủ biên), Quốc triều chính biên toát yếu, bản dịch của Quốc sử quán (1925), quyển 2, Nhóm NC Sử Địa Việt Nam xuất bản, 1972, tr.31.
[5] Theo gia phả họ Lê: “Sau vụ biến Phiên An kéo dài hơn 2 năm (1836-1838) của Lê Văn Khôi, là con nuôi của Lê Văn Duyệt, vốn là người họ Bế ở Cao Bằng, Lê Văn Duyệt bị triều đình khép vào tội gây mầm mống phản nghịch, nên lăng mộ ông bị san bằng, 36 đạo sắc phong của ông bị thu hồi và thiêu hủy, tất cả con cháu dòng họ Lê của ông đều bị Minh Mệnh ra lệnh hành quyết. Trong đời thứ 5, ngoài Lê Văn Phước, người con trai duy nhất của Lê Văn Oai (em ruột Lê Văn Duyệt), chỉ có tên mà không thấy ghi ngày tháng năm sinh và mất, nên không thể tra cứu được, còn 27 người con trai của Thiếu bảo Lê Văn Phong thì không một ai còn sống sót sau năm 1838. Người “thọ” nhất cũng chỉ có 30 tuổi. Phò mã Lê Văn Yến (1808-1838), người được lập tự cho Lê Văn Duyệt, là một trong 7 người bị hành quyết lần cuối cùng vào ngày 23 tháng 3 năm Mậu Tuất (1838). Phần mộ của cả 7 người đều được táng một nơi tại huyện Hương Thủy, Thừa Thiên. Phò mã Lê Văn Yến có 4 người con trai là: Lê Văn Hạo, Lê Văn Tải, Lê Văn Diễn và Lê Văn Minh. Cái chết của Hạo và Tải không rõ lý do, cũng có thể tin là đã bị giết. Riêng Diễn và Minh thì được tha tội chết mà phải bị đi đày, vì cả hai còn ở lứa tuổi vị thành niên, dưới 14 tuổi. Đến đời Tự Đức hai anh em còn sống sót này mới được ân xá và được phép sung vào quân ngũ. Lê Văn Diễn được ấm thụ Kỵ đô úy, Lê Văn Minh làm đến chức Chánh lãnh binh.” (Dẫn theo Nguyễn Đình Thảng, “Gia phả họ Lê ở làng Bồ Đề và tư liệu về Lê Văn Duyệt”, TBHNH 1997, tr.564-572).