Chùa Ngọc Hoàng – một di tích độc đáo ở Thành phố Hồ Chí Minh

20170726. Chua Ngoc Hoang

1. Lược sử

Chùa Ngọc Hoàng có tên chữ Hán là Ngọc Hoàng điện 玉皇殿, còn gọi là chùa Phước Hải (Phước Hải tự 福海寺), hiện toạ lạc tại số 73 đường Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM. Theo một số tài liệu thì chùa Ngọc Hoàng còn được gọi bằng hai tên khác: Long Hoa Phật đường龍華佛堂(1), chùa Đa Kao (cách gọi của người Pháp chế độ cũ)(2).

Chùa Ngọc Hoàng vốn là một ngôi điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, nên được đặt tên là Ngọc Hoàng điện, do một người Quảng Đông (Trung Quốc) tên là Lưu Minh pháp danh Đạo Nguyên khởi xướng thành lập. Vương Hồng Sển cho biết, Lưu Đạo Nguyên là người theo đạo Minh Sư, ăn chay trường, xuất tiền của lập chùa, vừa làm nơi thờ phụng, vừa làm hội kín lập chí lật đổ nhà Mãn Thanh(3).

Về thời gian thành lập chùa, hiện có nhiều ý kiến khác nhau. Theo Vương Hồng Sển, chùa được khởi công năm 1905, sang năm 1906 thì hoàn thành(4). Theo Võ Văn Tường thì chùa được thành lập năm 1900(5). Trên trang web Cinet lại có người cho rằng chùa bắt đầu được xây dựng từ năm 1892, đến năm 1900 hoàn thành, nhưng mãi đến năm 1906 mới làm lễ khánh thành(6).

Chúng tôi căn cứ vào dòng lạc khoản trên biển đề “Ngọc Hoàng điện” 玉皇殿 trước chùa: 光緒廿六年庚子仲秋吉立 Quang Tự trấp lục niên Canh Tý trọng thu cát lập = “Lập vào ngày tốt tháng 8 năm Canh Tý, năm Quang Tự thứ 26” để xác định thời điểm hoàn thành ngôi chùa này là năm 1900. Vậy năm hoàn thành theo Võ Văn Tường và Cinet là đúng, còn Vương Hồng Sển nhầm thời điểm khánh thành là năm hoàn thành.

Biển ngạch đề tên “Ngọc Hoàng điện” (tạo năm 1900)

Chúng tôi cũng tìm được bức hoành phi “Tiên Phật Nho tông” 仙佛儒宗 trên có dòng lạc khoản光緒乙巳年冬月吉旦 Quang Tự Ất Tỵ niên đông nguyệt cát đán = “Tạo vào ngày tốt mùa đông năm Ất Tỵ đời Quang Tự (tức 1905)”. Thời điểm tạo bức hoành này gợi cho chúng tôi ý nghĩ có thể năm khánh thành chùa Ngọc Hoàng là 1905 chứ không phải 1906?

Lúc mới thành lập, chùa Ngọc Hoàng là một ngôi chùa theo đạo Minh Sư, tức thuộc tổ chức của những người Trung Quốc “bài Mãn phục Minh”. Ở Trung Quốc, đạo Minh Sư phát triển khá mạnh và đương nhiên luôn bị triều đình Mãn Thanh đàn áp. Sau sự kiện Thái Bình Thiên Quốc (1850-1864), các tổ chức “bài Mãn phục Minh” bị truy bức gắt gao nên một số tín đồ Minh sư phải theo dòng người Hoa trốn ra nước ngoài. Đạo Minh Sư được truyền vào Việt Nam khoảng thời Tự Đức(7). Từ đó nhiều ngôi chùa Minh Sư của người Hoa được thành lập ở Hà Tiên, Quy Nhơn, Sài Gòn, trong đó có chùa Ngọc Hoàng.

Đạo Minh Sư đề cao thuyết Di Lặc cứu thế, giáo lý của nó bắt nguồn từ tông phái Phật đường. Phật đường là tông phái thờ Phật tại gia, xuất hiện vào thời nhà Đường ở Trung Quốc, được tách ra từ một chi phái của Thiền tông, sau đó dung nạp thêm Đạo giáo và Nho giáo. Vì vậy chùa Minh Sư là một hiện tượng thú vị của tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”. Đối tượng thờ tự, cách bày trí và hệ thống hoành phi, đối liên của chùa Ngọc Hoàng cũng thể hiện rất rõ tư tưởng này.

Năm 1982, một Hoà thượng người Việt Nam là Thích Vĩnh Khương đến tiếp quản chùa Ngọc Hoàng. Kể từ đó, chùa Ngọc Hoàng thuộc sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến năm 1984, chùa Ngọc Hoàng được đổi tên thành Phước Hải tự, nhưng người dân vẫn quen gọi là chùa Ngọc Hoàng theo tín ngưỡng người Hoa.

2. Kiến trúc, cổ vật và phối cảnh thờ tự

Toạ lạc tại một quận trung tâm thành phố nhưng chùa Ngọc Hoàng nằm giữa một không gian rộng rãi (diện tích khoảng 2.300m2), xanh mát với rất nhiều cây cối, chim muông, cùng những cảnh quan nhân tạo như hồ nuôi rùa, hồ nuôi cá (rùa, cá do người dân đem đến phóng sanh(8)). Không gian thiên nhiên kết hợp với không khí trang nghiêm giúp người đến chiêm bái tìm được phút giây bình yên tĩnh lặng giữa phố thị ồn ào.

Vì vốn là chùa của người Hoa, nên dù trải qua nhiều lần trung tu, kiến trúc chùa Ngọc Hoàng vẫn mang đậm nét Trung Hoa với các mô-típ trang trí rực rỡ. Nhiều linh vật được chạm khắc tinh xảo. Chùa được xây bằng gạch, lợp ngói âm dương, bờ nóc và các góc mái được trang trí bằng nhiều tượng gốm màu. Chùa hiện còn lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật cổ đặc sắc như tranh thờ, tượng thờ, bao lam, hương án, hoành phi, đối liên… bằng các chất liệu gỗ, gốm, giấy bồi.

Từ ngoài vào, trên nóc cổng tam quan gắn tượng hai con rồng uốn lượn theo mô-típ lưỡng long tranh châu. Khuôn viên chùa nối liền cổng tam quan vào bái đường. Trong khuôn viên có miếu thờ thần Hộ pháp, trên nóc miếu có trang trí hình lân ngậm ngọc.

Toàn bộ kiến trúc thờ tự của chùa Ngọc Hoàng chia thành ba gian, mỗi gian là một tác phẩm kiến trúc mỹ thuật độc đáo mang đậm nét cổ xưa. Gian giữa lớn nhất gồm tiền điện, trung điện và chánh điện. Vào các ngày có lễ cúng, không gian ngay sau cổng chính dẫn vào gian giữa được dùng làm nơi tụng kinh và bày mâm cỗ. Gian bên trái gồm ba điện thờ: Điện thứ nhất thờ Nhị vị Song Án, Mã tướng quân, Thành Hoàng Lỗ Ban và Thái Tuế; Điện thứ hai thờ Thập điện Diêm Vương với 10 bức chạm gỗ tái hiện 10 cửa địa ngục, phân bố đều mỗi bên 5 bức; Điện thứ ba thờ Ông Tơ Bà Nguyệt, Kim Hoa Thánh Mẫu (vị nữ thần cai quản việc sinh nở, theo tín ngưỡng dân gian) cùng 12 bà mụ (mỗi vị thần lo một việc như nặn đầu, nặn tay, nặn chân, nặn mắt… cho việc tượng hình một đứa trẻ; dạy trẻ tập nói, tập đi), 13 đức thầy (lo việc dạy nghề nghiệp cho trẻ khi lớn lên và dạy dỗ cho trẻ nên người) dành cho những người hiếm muộn đến để cầu tự. Gian bên phải gồm nhà nghỉ và điện thờ Phật Bà cùng bài vị những người quá vãng. Trong điện thờ Phật Bà có cầu thang gỗ dẫn lên điện Quán Âm. Ở đây ngoài thờ Quán Âm Bồ Tát còn thờ Đạt Ma Tổ Sư, Quan Thánh Đế Quân, thần Hộ pháp và tổ Lưu Minh. Phía trên ban thờ chính thờ Quán Âm Bồ Tát có bức hoành “Tiên Phật Nho tông” (tạo năm 1905) thể hiện rõ sự dung hợp tư tưởng Tam giáo.

Tiền điện thờ thần Thổ Địa bên trái và thần Môn Quan bên phải. Trung điện thờ Phật Dược Sư, tượng Phật duy nhất bằng gỗ trần đặt trong lồng kính, hai bên có tượng Thanh Long Đại Tướng và Phục Hổ Đại Tướng làm bằng giấy bồi to bằng người thật.

Ban thờ chính trong chánh điện thờ tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, có thiên binh thiên tướng đứng hầu. Tượng Ngọc Hoàng làm bằng giấy bồi, cao hơn 3m ngồi trên bệ cao gần 1m, đầu đội mũ bình thiên, tay cầm lịnh tiễn, là pho tượng ngồi lớn nhất trong chùa, tượng được sơn son thếp vàng, kỹ thuật tinh xảo. Xung quanh còn có nhiều tượng nhỏ hơn, gồm Nam Tào, Bắc Đẩu, Hoa Đà Tiên Sư, Tề Thiên Đại Thánh, Quan Thánh Đế Quân, thần Nhật Nguyệt, Long Mẫu Nương Nương, Tứ Đại Kim Quang, Thái Ất Chân Nhân… Bên trái ban thờ Ngọc Hoàng là ban thờ Huyền Thiên Bắc Đế (một vị thần hoá thân của Ngọc Hoàng Thượng Đế) trong tư thế ngồi, chân phải đạp lên con rùa, chân trái đạp lên con rắn, tượng trưng sự trấn áp yêu quái, tà ma. Hai bên tượng Bắc Đế có hai vị thần, vị bên phải cầm kiếm, vị bên trái cầm pháp ấn, thể hiện rõ tư tưởng Đạo giáo. Bên phải ban thờ Ngọc Hoàng là cung Thuỷ Nguyệt thờ Phật Chuẩn Đề. Phật Chuẩn Đề được đưa vào thờ ở thần điện của Đạo giáo là do quan niệm Phật Chuẩn Đề ở cõi trời, chung một cung Thuỷ Nguyệt với Nguyệt Thành Thuỷ Môn Long Mẫu Nương Nương. Chúng ta thấy có sự hoà hợp tinh tế giữa Đạo giáo và Phật giáo.

Ngoài ra, chùa Ngọc Hoàng còn phối thờ rất nhiều đối tượng thờ tự của Phật giáo và tín ngưỡng dân gian của người Hoa như Phật Thích Ca, Đại Thế Chí Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, thần Thiên Lôi, Tư Mạng Sứ quân, Hoạt vô thường, Dẫn Hồn tiên, thần Hà Bá, Văn Xương, Lã Tổ… Tổng cộng khoảng 300 tượng thờ, các pho tượng đều được làm bằng gỗ, điêu khắc tinh xảo.

Phía sau chùa Ngọc Hoàng còn có miếu thờ Ông Đá. Tương truyền, trước khi chùa Ngọc Hoàng được thành lập, tại vị trí này có một ngôi miếu cổ thờ đá của người Khmer. Sau khi xây dựng chùa Ngọc Hoàng, ngôi miếu cổ này được cải tạo thành miếu thờ Ông Đá như hiện nay. Trong miếu thờ viên đá hình chữ nhật dựng đứng. Đây là viên đá lấy từ núi Thái Sơn tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) sang thay cho viên đá cũ. Trước đá có lư hương, bên phải có đá Thanh long, bên trái có đá Bạch hổ. Tục thờ Ông Đá xuất phát từ truyền thuyết phong thần nhưng cũng phù hợp với tín ngưỡng dân gian của các cư dân bản địa Việt, Khmer.

Chùa Ngọc Hoàng hiện nay được nhiều người biết đến là một trong những ngôi chùa cầu duyên (khấn và sờ vào tượng Ông Tơ Bà Nguyệt), cầu tự (khẩn cầu với Kim Hoa Thánh Mẫu) nổi tiếng ở nước ta. Vốn là một ngôi chùa Minh sư, về sau chùa Ngọc Hoàng bị dân gian hoá, sau cùng, mặc dù vẫn còn giữ lại nguồn gốc thờ tự ban đầu, nhưng chùa Ngọc Hoàng đã chính thức trở thành một ngôi chùa Phật giáo Việt Nam. Hàng năm, chùa Ngọc Hoàng đón một lượng lớn du khách trong nước và ngoài nước đến thắp hương, vãn cảnh. Bên cạnh các lễ hội của Phật giáo, lễ hội lớn nhất của chùa là lễ vía Ngọc Hoàng diễn ra vào ngày mồng 9 tháng giêng âm lịch hàng năm.

Trải qua hơn trăm năm với 4 lần trùng tu vào các năm 1943, 1958, 1985, 1986, chùa Ngọc Hoàng vẫn giữ được kiến trúc cổ xưa. Chùa được công nhận là công trình kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia từ năm 1994.

3. Di sản Hán Nôm

Chùa Ngọc Hoàng lưu giữ nhiều hoành phi, câu đối, biển ngạch, bài vị và bảng chữ viết bằng chữ Hán. Riêng hoành phi và câu đối chúng tôi thống kê được: 16 bức hoành phi, 53 câu đối. Hầu hết được chạm khắc tinh xảo trên gỗ có giá trị nghệ thuật cao.

Câu đối là loại hình di sản Hán Nôm chiếm số lượng nhiều nhất ở chùa Ngọc Hoàng, cũng là loại hình quan trọng giúp tìm hiểu tư tưởng tôn giáo, tín ngưỡng của đạo Minh sư qua di sản Hán Nôm. Về nguồn gốc, đa số câu đối chùa Ngọc Hoàng có xuất xứ từ Trung Quốc, thường được mượn nguyên văn hoặc thay đổi một hai chữ. Về nội dung tư tưởng, bên cạnh một vài câu thể hiện riêng biệt tư tưởng Phật - Đạo - Nho, “nhiều câu cho thấy tinh thần Tam giáo hoà quyện vào nhau một cách tự nhiên, chỗ thì tinh thần từ bi hỉ xả của Phật giáo đan xen với vẻ huyền bí thoát tục của Đạo giáo; chỗ thì chất uyên áo tĩnh tại của thiền hoà quyện với nét khảng khái can trường của nho gia; chỗ này là lời của một thiền sư, chỗ kia là lời của một đạo sĩ, chỗ nọ là lời của một nho sĩ; nhiều chỗ từ ngữ Tam giáo dung hoà vào nhau đến độ khó mà phân biệt”(9). Trong nhiều câu đối, vế đầu vừa nhắc đến đức độ của Thánh to lớn tựa càn khôn thì vế sau nói về công ơn của Thần lâu dài như nhật nguyệt; vế đầu vừa hướng dẫn cách tu Tiên thì vế sau chỉ dẫn đường tu Phật; vế đầu vừa ca ngợi lòng từ bi của tu sĩ phụng sự Phật pháp, phục vụ chúng sanh thì vế sau tán thán tinh thần nhân lễ nghĩa của người quân tử…

Câu đối mang tinh thần Phật giáo

Trong điện Quán Âm trên lầu có câu đối thể hiện tinh thần Phật giáo:

南海非遙片念慈航隨濟渡;

西方不遠一聲救苦即通靈。

Nam hải phi diêu, phiến niệm từ hàng tùy tế độ;

Tây phương bất viễn, nhất thanh cứu khổ tức thông linh.

“Nam hải không xa, mảy niệm thuyền từ nhanh cứu độ;

Tây phương chẳng cách, một tiếng kêu khổ liền thông linh.”

Tháp thờ Hộ pháp trước sân cũng có câu đối thể hiện tinh thần Phật giáo:

修行路入有三乘;

方便門開無二心。

Tu hành lộ nhập hữu Tam thừa;

Phương tiện môn khai vô nhị tâm.

“Vào đường tu niệm có Tam thừa;

Mở cửa phương tiện không nhị tâm.”

Câu đối mang tinh thần Nho giáo

Trong điện Quán Âm trên lầu có câu đối thể hiện tinh thần Nho giáo:

立品心存忠孝;

讀書志在聖賢。

Lập phẩm tâm tồn trung hiếu;

Độc thư chí tại thánh hiền.

“Lập nhân phẩm, tâm phải giữ gìn trung hiếu;

Đọc thi thư, chí luôn hướng tới thánh hiền.”

Cửa vào điện thờ Phật Bà cũng có câu đối thể hiện tinh thần Nho giáo:

志君子知其所止;

大丈夫曉我週行。

Chí quân tử tri kỳ sở chỉ;

Đại trượng phu hiểu ngã chu hành.

“Bậc chí quân tử biết điểm nên dừng;

Đấng đại trượng phu hiểu đạo phải làm.”

 Câu đối mang tinh thần Đạo giáo

Trước ban thờ Ngọc Hoàng có câu đối thể hiện tinh thần Đạo giáo:

頂禮心香祛俗靄;

步虛聲律靜羣紛。

Đỉnh lễ tâm hương khư tục ái;

Bộ hư thanh luật tĩnh quần phân.

“Nén tâm hương đảnh lễ giúp xua tan luỵ phiền trần tục;

Thanh luật điệu “bộ hư”(10) làm tĩnh lặng mọi việc đa đoan.”

Ban thờ Ngọc Hoàng cũng có câu đối thể hiện tinh thần Đạo giáo:

玉磬聲傳同禮斗;

旃檀氣藹共朝參。

Ngọc khánh thanh truyn đồng lễ Đẩu;

Chiên đàn khí ái cộng triu tham.

“Tiếng khánh ngọc vang xa, như lễ bái Bắc đẩu(11).

Hương chiên đàn toả ngát, cùng nhau về tham bái.”

Câu đối dung hợp tinh thần Nho, Đạo

聖德巍巍乾坤大;

神恩永永日月長。

Thánh đức nguy nguy càn khôn đại;

Thần ân vĩnh vĩnh nhật nguyệt trường.

“Thánh đức vòi vọi, to lớn tựa càn khôn;

Thần ân mãi mãi, lâu dài như nhật nguyệt.”

Câu đối kết hợp tinh thần Đạo, Phật

僊果還將心地種;

蓮花須向性天栽。

Tiên quả hoàn tương tâm địa chủng;

Liên hoa tu hướng tính thiên tài.

“Quả tiên nên dùng đất tâm gieo hạt;

Hoa sen phải theo thiên tính ươm trồng.”

Câu đối dung hợp tinh thần Phật, Nho

佛光普照乾坤外;

聖德流行海國中。

Phật quang phổ chiếu càn khôn ngoại;

Thánh đức lưu hành hải quốc trung.

“Ánh sáng Phật chiếu khắp trong đất trời;

Ơn đức Thánh lưu hành toàn đất nước.”

Câu đối dung hợp tinh thần Tam giáo

Trong điện Quán Âm có câu đối dung hợp tinh thần Tam giáo:

仙佛慈悲甚厚,英靈廣大超離苦海,群生修出輪迴登道岸;

聖神顯赫扶持,普照深恩濟渡紅塵,善信精微煉就到天堂。

Tiên Phật từ bi thậm hậu, anh linh quảng đại siêu ly khổ hải, quần sinh tu xuất luân hồi đăng đạo ngạn;

Thánh thần hiển hách phù trì, phổ chiếu thâm ân tế độ hồng trần, thiện tín tinh vi luyện tựu đáo thiên đường.

“Tiên Phật từ bi rất mực, anh linh rộng lớn vượt trên biển khổ, chúng sanh tu thoát luân hồi lên bờ giác;

Thánh thần hiển hách hộ trì, chiếu khắp ơn sâu cứu độ cõi đời, thiện tín chuyên cần tu luyện đến thiên đường.”(12)

Sự dung hợp tinh thần Tam giáo thể hiện rất rõ trong ngôi chùa này. Ngay cả ở ban thờ Đạt Ma Tổ Sư vẫn có câu đối bộc lộ tinh thần Nho, Đạo:

被聖澤萬物咸亨;

賴神恩四民迪吉。

Bị thánh trạch vạn vật hàm hanh;

Lại thần ân tứ dân địch cát.

“Nhờ ơn thánh muôn vật thảy hanh thông;

Hưởng đức thần nhân dân đều hưng thịnh.”

Hoặc ở ban thờ Quan Thánh nhưng lại thể hiện tinh thần Phật giáo:

西方佛境隨時樂;

東土居民藉福安。

Tây Phương Phật cảnh tuỳ thời lạc;

Đông Độ cư dân tạ phúc an.

“Cõi Phật Tây Phương mọi thời an lạc;

Cư dân Đông Độ hưởng phước bình yên.”

Ngoài nội dung, tư tưởng sâu xa của Tam giáo, câu đối chùa Ngọc Hoàng còn mang ý nghĩa giáo dục rất gần gũi, thiết thực đối với con người. Những câu đối thể hiện tinh thần Nho - Phật - Đạo phần nhiều cũng có ý nghĩa giáo dục, khuyên răn người đời tu nhân tích đức, lánh dữ làm lành, tức là tư tưởng Tam giáo trong câu đối thể hiện cao độ tinh thần nhập thế tích cực. Ví dụ như hai câu sau:

天地無私,為善自然護福;

聖賢有教,修身可以齊家。

Thiên địa vô tư, vi thiện tự nhiên hộ phúc;

Thánh hin hữu giáo, tu thân khả dĩ t gia.

“Trời đất vô tư, làm thiện tự nhiên được phước;

Thánh hiền có dạy, tu thân có thể tề gia.”

祈神作福祐康寧,全凴自己清心寡欲;

望賜鴻圖名利就,積德公平正直無私。

K thần tác phúc hựu khang ninh, toàn bằng tự kỷ thanh tâm quả dục;

Vọng tứ hồng đồ danh lợi tựu, tích đức công bình chính trực vô tư.

“Xin thần ban phước khoẻ mạnh, bình yên, đều nhờ mình giữ lòng trong sạch, ít tham muốn;

Mong được sự nghiệp to lớn, danh lợi thành tựu, phải tích đức, công bằng, chính trực, vô tư.”

Sau đây, chúng tôi giới thiệu thêm một số câu đối và bảng chữ tiêu biểu:

Cửa vào tiền điện

修積玄方鎮法参天地;

善果真心正道振乾坤。

Tu tích huyền phương, trấn pháp tham thiên địa;

Thiện quả chân tâm, chính đạo chấn càn khôn.

“Tu tập pháp màu(13), trấn pháp ngang trời đất;

Quả thiện lòng chân, chánh đạo động càn khôn.”

Hai cột sau khi bước vào cửa tiền điện

入其門仙風週迎;

由是路帝日重光。

Nhập k môn tiên phong chu nghinh;

Do thị lộ đế nhật trùng quang.

“Vào cửa chùa ngọn gió tiên thổi quanh rào đón;

Từ đường ấy mặt trời đế toả rực hào quang.”

Ban thờ Phật Chuẩn Đề

看化世界三双眼;

射破紅塵十八臂。

Khán hoá thế giới tam song nhãn;

Xạ phá hồng trần thập bát tý.

“Ba mắt nhìn thấu mười phương thế giới;

Mười tám tay phá tan mê ám hồng trần.(14)

Ban thờ Lỗ Ban

巧造龍樓封尚書;

精修鳳閣北城侯。

Xảo tạo long lâu phong Thượng thư;

Tinh tu phụng các Bắc Thành hầu.

“Khéo tạo dựng lầu rồng, phong chức Thượng thư;

Giỏi sửa sang gác phụng, ban tước Bắc Thành hầu.(15)

Bệ thờ Dẫn hồn tiên

引出靈魂生凈土;

超離苦惱脱凡塵。

Dẫn xuất linh hồn sinh Tịnh độ;

 Siêu ly khổ não thoát phàm trần.

“Dẫn dắt linh hồn sanh về Tịnh độ;

Vượt xa khổ não, thoát khỏi phàm trần.”

Ban thờ Địa Tạng Vương

菩薩本慈悲,善惡一毫難假借;

冥王雖猛烈,死生萬劫恰公平。

Bồ tát bản từ bi, thiện ác nhất hào nan giả tá;

Minh Vương tuy mãnh liệt, tử sinh vạn kiếp kháp công bình.

“Bồ tát vốn từ bi, thiện ác mảy may không dựa vào đâu tránh khỏi;

Diêm Vương tuy mạnh dữ, tử sinh muôn kiếp luôn rất công bằng.”

Quán Âm đường

觀音救苦,無限臣民沾德澤;

菩薩濟世,許多士女化慈悲。

Quán Âm cứu khổ, vô hạn thần dân triêm đức trạch;

Bồ tát tế thế, hứa đa sĩ nữ hoá từ bi.

“Quán Âm cứu khổ, vô số thần dân thấm nhuần ân đức;

Bồ tát giúp đời, biết bao nam nữ nên tính từ bi.”

Đông Nhạc điện

陽世奸雄,違天害理皆由己;

陰司報應,古往今來放過誰。

Dương thế gian hùng, vi thiên hại lý giai do kỷ;

Âm ty báo ứng, cổ vãng kim lai phóng quá thuỳ.

“Kẻ gian hùng trên dương thế, gây việc trái trời hại đạo đều do ta;

Nhân quả báo ứng chốn Âm ty, xưa nay chẳng bỏ sót người nào.”

Hoạt vô thường(16)

陰無常,陽無常,

世事人生活無常。

一点靈光消散去,

萬劫輪廻苦悲傷。

無常二字世難免,

佪佪東林轉一轉。

天大世界拍手去,

有誰帶寶到王泉。

Âm vô thường, dương vô thường,

Thế sự nhân sinh hoạt vô thường.

Nhất điểm linh quang tiêu tán khứ,

Vạn kiếp luân hồi khổ bi thương.

Vô thường nhị tự thế nan miễn,

Hồi hồi đông lâm chuyển nhất chuyển.

Thiên đại thế giới phách thủ khứ,

Hữu thu đái bảo đáo vương tuyn.

“Âm vô thường, dương vô thường,

Việc đời việc người đều vô thường.

Một điểm linh quang tiêu tán hết,

Muôn kiếp luân hồi khổ bi thương.

Vô thường hai chữ ai tránh khỏi,

Ngoảnh đầu nhìn lại phía đông rừng.

Thế giới bao la rũ tay bỏ,

Ai đem của báu xuống hoàng tuyền.”

急急修,急急煉,

躱避無常壽延年。

得道性光如日月,

永享長春不老仙。

世凡夫苦百年,

難得逍遙快活添。

光陰似箭年頻过,

一生煩惱事紛絃。

Cấp cấp tu, cấp cấp luyện,

Đoá tỵ vô thường thọ diên niên.

Đắc đạo tính quang như nhật nguyệt,

Vĩnh hưởng trường xuân bất lão tiên.

Thế phàm phu khổ bách niên,

Nan đắc tiêu dao khoái hoạt thiêm(17).

Quang âm tự tiễn, niên tần quá,

Nhất sinh phin não sự phân huyn.

“Chóng chóng tu, chóng chóng tu,

Tránh khỏi vô thường, được sống lâu.

Đắc đạo tính sáng như nhật nguyệt,

Mãi hưởng trường xuân, tiên chẳng già.

Kẻ phàm phu khổ trăm năm,

Khó được tiêu dao cõi lãng du.

Ngày giờ năm tháng như tên bắn,

Cả đời phiền não, việc lu bù.”

Điện Thần Tài

Tâm tính đồ:

陰司之地獄即人心之地獄也。人心果無地獄然後陰司之地獄可空。

善亦心,惡亦心,善惡兩塗各在心。

三點如星象,橫鈎似月斜。披毛從此得,做佛也由他。

Âm ty chi địa ngục tức nhân tâm chi địa ngục dã. Nhân tâm quả vô địa ngục nhiên hậu âm ty chi địa ngục khả không.

Thiện diệc tâm, ác diệc tâm. Thiện ác lưỡng đồ các tại tâm.

Tam điểm như tinh tượng, hoành câu tự nguyệt tà. Phi mao tòng thử đắc, tố Phật dã do tha.

“Địa ngục ở Âm ty chính là địa ngục trong lòng người. Lòng người thực sự không có địa ngục thì địa ngục ở Âm ty mới không còn ai.

Thiện cũng do tâm, ác cũng do tâm. Thiện ác hai đường đều do tâm.

Ba chấm giống ngôi sao, móc ngang như trăng khuyết. Mang lông từ đó mắc, làm Phật từ đó nên.”

Cầu thang trong điện thờ Phật Bà dẫn lên điện Quán Âm

清心一片配天地;

寡欲無私貫乾坤。

Thanh tâm nhất phiến phối thiên địa;

Quả dục vô tư quán càn khôn.

“Một tấm lòng trong sạch sánh ngang trời đất;

Tinh thần vô tư ít tham muốn thấu cả càn khôn.”

Điện Quán Âm

朝朝朝拜;

齊齋齊戒。

Triêu triêu triều bái;

Tề tề trai giới.

“Ngày ngày chầu bái;

Kính cẩn giới trai.”(18)

Vượng Tổ đường

坦蕩修行遵祖德;

逍遙舉止樂人寰。

Thản đãng tu hành tuân tổ đức;

Tiêu dao cử chỉ lạc nhân hoàn.

“Thong thả tu hành noi theo đức Tổ;

Tiêu diêu cử chỉ vui ở nhân gian.”

Toàn bộ câu đối ở gian thờ Thập điện Diêm Vương

Hai cặp nằm ngang phía trên:

百年陽間容易過;

陰司地獄半時難。

Bách niên dương gian dung dị quá;

Âm ty địa ngục bán thời nan.

“Trăm năm ở dương gian dễ dàng thoát khỏi;

Dưới Âm ty địa ngục khó tránh một phút giây.”

苦樂兩塗爭一念;

聖凡二道始分行。

Khổ lạc lưỡng đồ tranh nhất niệm;

Thánh phàm nhị đạo thuỷ phân hành.

“Hai đường vui khổ chỉ tranh nhau ở một niệm;

Hai nẻo thánh phàm mới phân cách rõ ràng.”

Tần Quảng Vương:

能離此個關頭纔成漢子;

若到這般模樣豈是丈夫。

Năng ly thử cá quan đầu tài thành hán tử;

Nhược đáo giá ban mô dạng khởi thị trượng phu.

“Lìa được cửa khoá nơi đây mới trở thành nam tử hán;

Nếu mắc cảnh tình như vậy há đáng là đại trượng phu.”

Sở Giang Vương:

赫赫天條,善惡兩塗皆有報;

森森地府,幽冥壹理總無差。

Hách hách thiên điu, thiện ác lưỡng đồ giai hữu báo;

Sâm sâm địa phủ, u minh nhất lý tổng vô sai.

“Lồng lộng luật trời, hiền dữ hai đường đều có báo ứng;

Mịt mờ địa phủ, trắng đen một lẽ vốn chẳng sai dời.”

Tống Đế Vương:

人惡人怕天不怕;

人善人欺天不欺。

Nhân ác nhân phạ thiên bất phạ;

Nhân thiện nhân khi thiên bất khi.

“Người dữ người sợ trời không sợ;

Người hiền người khi trời không khi.”

Ngũ Quan Vương:

何苦急急忙忙幹許多歹事;

落得乾乾凈凈做一個好人。

Hà khổ cấp cấp mang mang cán hứa đa ngạt sự;

Lạc đắc can can tịnh tịnh tố nhất cá hảo nhân.

“Việc gì phải vội vội vàng vàng làm nhiều điều xấu ác;

Đánh mất chẳng còn mảy may cơ hội làm người hiền.”

Diêm La Vương:

回頭望吾鄉,塵世已更新業主;

傷心過此地,本身不是舊時人。

Hồi đầu vọng ngô hương, trần thế dĩ canh tân nghiệp chủ;

Thương tâm quá thử địa, bản thân bất thị cựu thời nhân.

“Ngoảnh đầu nhìn quê xưa, trần thế đã thay ông chủ mới;

Thương tâm qua đất cũ, bản thân chẳng phải người thời xưa.”

Biện Thành Vương:

爾許愿求神,無非欲與富與貴;

我賞善罰惡,却要看所作所爲。

Nhĩ hứa nguyện cầu thần, vô phi dục dữ phú dữ quý.

Ngã thưởng thiện phạt ác, khước yếu khan sở tác sở vi.

“Ngươi chỉ muốn cầu thần, chẳng gì không phải xin được phú được quý;

Ta thưởng thiện phạt ác, song vẫn phải xem xét điều nghĩ điều làm.”

Tần Sơn Vương:

奸淫造孼,安能妻女貞良;

刻薄成家,難免兒孫蕩廢。

Gian dâm tạo nghiệt, an năng thê nữ trinh lương;

Khắc bạc thành gia, nan miễn nhi tôn đãng phế.

“Gian dâm tạo nghiệp ác, sao có thể vợ tốt con ngoan;

Khắc nghiệt xử gia đình, khó tránh khỏi cháu con hoang phí.”

Bình Đẳng Vương:

陰報陽報,遲報速報,終須有報;

天知地知,神知鬼知,誰謂無知。

Âm báo dương báo, trì báo tốc báo, chung tu hữu báo;

Thiên tri địa tri, thần tri quỷ tri, thu vị vô tri.

“Âm báo dương báo, nhanh báo chậm báo, cuối cùng đều có báo ứng;

Trời biết đất biết, thần biết quỷ biết, ai bảo không biết không hay.”

Đô Thị Vương:

死後怕為雙角獸;

生前莫作兩頭蛇。

Tử hậu phạ vi song giác thú;

Sinh tin mạc tác lưỡng đầu xà.

“Sợ sau khi chết thành thú hai sừng;

Thì khi còn sống chớ làm rắn hai đầu.”

Chuyển Luân Vương:

葢世英雄難免無常二字;

輪廻富貴有如春夢一塲。

Cái thế anh hùng nan miễn vô thường nhị tự;

Luân hồi phú quý hữu như xuân mộng nhất trường.

“Bậc anh hùng cái thế khó tránh hai chữ vô thường;

Sự giàu sang thay đổi giống như một giấc mộng xuân.”

Tư liệu Hán Nôm và cổ vật chùa Ngọc Hoàng là những di sản vật thể và phi vật thể rất có giá trị trong việc tìm hiểu, nghiên cứu giáo lý, tư tưởng đạo Minh sư. Điều đáng mừng là những di sản này đến nay vẫn được bảo quản gần như nguyên vẹn. Cần phải tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị của chúng.

Chú thích

(1) Theo: Nguyễn Văn Hoài, “Chùa Nam Nhã”, trong Bước đầu tìm hiểu văn hoá dân gian làng Bình Thuỷ - Long Tuyền, Nxb. Văn nghệ TP. HCM, 2005, tr.119.

(2) Theo: Châu Kha, “Chùa Ngọc Hoàng ngày trở lại”, http://vietbao.vn/Kham-pha-Viet-Nam/Chua-Ngoc-Hoang-ngay-tro-lai/80102619/149/.

(3) Theo: Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2016, tr.211.

(4) Vương Hồng Sển, sđd, tr.211.

(5) Võ Văn Tường, Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam, Nxb. VHTT, H., 1994, tr.488.

(6) Theo http://lehoi.cinet.vn/Pages/ArticleDetail.aspx?sitepageid=293&articleid=1659.

(7) Theo: Nguyễn Văn Hoài, bđd, tr.118.

(8) Hiện nay số lượng chim, cá, rùa tại đây đã quá nhiều nên nhà chùa đã có thông báo cho người dân không nên đem động vật đến phóng sanh nữa.

(9) Nguyễn Văn Hoài, “Làng xưa Bình Thuỷ - Long Tuyền, một địa chí văn hoá thu nhỏ của đất Cần Thơ”, Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa văn nghệ dân gian Nam Bộ, Nxb KHXH, 2004, Tr. 485.

(10) Bộ hư: Cách uốn giọng theo điệu nhạc được các đạo sĩ thời xưa vận dụng khi đứng tế. Theo truyền thuyết, giai điệu khi uốn giọng uyển chuyển như tiên ẩn hiện giữa hư không, nên gọi là “bộ hư thanh”.

(11) Lễ bái Bắc đẩu: Đạo giáo có khoa nghi lễ bái Bắc đẩu tinh quân.

(12) Theo hình thức trình bày, đây có thể là 2 câu đối khác nhau, câu 1 là 2 đoạn đầu, câu 2 là đoạn còn lại. Nhưng xét thấy gộp thành 1 câu ý nghĩa vẫn suông nên chúng tôi tạm xem là 1 câu.

(13) Pháp màu: Nguyên văn “huyền phương”, còn có nghĩa là phương bắc, nhưng ở đây không hợp nghĩa, chúng tôi hiểu theo nghĩa phương pháp huyền diệu, pháp màu.

(14) Chuẩn Đề là một vị Bồ tát trong trường phái Đại thừa. Tướng ứng hiện của Chuẩn Đề Bồ tát là 3 mắt, 18 tay. Vế trên của câu đối này dùng nhầm chữ “song” (có nghĩa là 2, cặp), lẽ ra là “chích” (có nghĩa là 1, chiếc).

(15) Lỗ Ban người nước Lỗ thời Chiến Quốc, theo Đạo giáo. Ông được xem là ông tổ nghề mộc/ xây dựng của Trung Quốc, từng giữ chức quan đứng về xây dựng (về sau gọi Thượng thư bộ Công), cũng từng được các hoàng đế Trung Quốc ban tặng nhiều danh hiệu. Qua câu đối này, có thể Lỗ Ban từng được phong tước Bắc Thành hầu.

(16) Hoạt vô thường: Cũng là “vô thường”. Dân gian cho đây là quỷ bắt hồn người.

(17) Thiêm 添: Dựa vào vần và ý nghĩa, chữ này có lẽ là “thiên” 天 mới đúng. Chúng tôi tạm dịch theo chữ “thiên”.

(18) Câu đối này có nguồn gốc từ một câu đối trong miếu Mã Tổ ở Phúc Kiến (Trung Quốc), nguyên văn như sau: 朝朝朝,朝朝拜,朝朝朝拜;齊齊齊,齊齊戒,齊齊齊戒 Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triêu triều bái; Tề tề trai, tề tề giới, tề tề trai giới = Mỗi ngày chầu, mỗi ngày bái, mỗi ngày chầu bái; Kính cẩn trai, kính cẩn giới, kính cẩn giới trai.

Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay, số 473, tháng 7 năm 2016, tr.45-48

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63659732
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3450
17595
63659732

Thành viên trực tuyến

Đang có 785 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website