Đối liên và bài thơ thạch khắc chùa Tiên Châu

Mặt trước chùa Tiên Châu

Tiên Châu tự 仙洲寺 (còn gọi Chùa Di Đà, Chùa Tô Châu)([1]) nằm trên Bãi Tiên, còn gọi là Bãi Bích Trân (碧珍), thuộc ấp Bình Lương, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Được thành lập từ giữa thế kỷ 18, trải qua nhiều lần nâng cấp, trùng tu, với tổng diện tích hiện tại khoảng 7.500m2, đây là một trong những ngôi chùa lâu đời, to và đẹp nhất của tỉnh Vĩnh Long, cũng là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Nam Bộ.

1. Lược sử chùa Tiên Châu

Theo Gia Định thành thông chí, vùng đất tọa lạc chùa Tiên Châu xưa kia là một xóm chài: “Ở phía bắc trấn thành, chu vi 12 dặm, sắc cây xanh biếc, ánh nước long lanh như ngọc bích. Lại có tên là Bát Tân (八津), ý nói bến sông thông cả tám hướng. Nơi này làm cồn cát bảo vệ sông Long Hồ… Bên bờ có những ngư dân treo tơi, phơi lưới, ẩn hiện nơi ngọn rừng, gốc cây. Sông thu thuyền câu giỡn nguyệt, hát hò dưới rặng bần, lênh đênh bên cồn cát trắng, bập bềnh qua lại, tạo nên lạc thú dân chài.”([2]) Tương truyền, vào những đêm trăng thanh gió mát, thỉnh thoảng có tiên nữ xuống đây tắm gội và nô đùa. Người dân gọi tên nó là Bãi Tiên (tên chữ là Tiên Châu).

Khoảng giữa thế kỷ 18, ở Bãi Tiên đã có một am nhỏ bằng tranh tre lá, gọi là Am Bãi Tiên, do Hòa thượng Giác Nguyên (1750-1801)([3]) thành lập thờ Phật A Di Đà. Sau khi Hòa thượng Giác Nguyên viên tịch, Ni sư Diệu Thiện đến trụ tại đây từ năm 1801 đến năm 1828. Ni sư đã vận động tín đồ và khách thập phương quyên góp cất lại am, từ đó gọi là Chùa Bãi Tiên.

Các đời Trụ trì tiếp sau đó là Giáo thọ Huỳnh Văn Lương, Hòa thượng Tăng Chiếu, Hòa thượng Tánh Minh([4]). Đến đời Hòa thượng Tánh Minh (trụ trì từ năm 1858 đến năm 1881), Chùa Bãi Tiên được tạo dựng lại bằng gỗ, đổi tên là Tiên Châu Di Đà tự. Do đó Đại Nam nhất thống chí ghi Hòa thượng Tánh Minh chính là người thành lập Chùa Tiên Châu([5]).

Chùa Tiên Châu được xây dựng theo hình chữ Tam, gồm chánh điện, hậu tổ và hậu liêu nối liền nhau, với tổng cộng 96 cột tròn bằng gỗ quý, các kèo, xuyên, trính bằng gỗ căm xe và gụ đỏ được các nghệ nhân Huế và địa phương chạm trổ tinh xảo. Sau đợt trùng tu vào năm Kỷ Hợi 1899, chùa có bốn gian gồm tiền đường, chánh điện, trung điện và hậu tổ. Mỗi gian đều làm theo kiểu tứ trụ, mái ngói âm dương, xung quanh đóng vách bổ kho. Sau mấy lần hư hoại vì chiến tranh, sau tết Mậu Thân 1968, chùa được trùng tu và mở rộng với diện tích như hiện nay 20m x 46m, mặt trước bằng bê tông, nội điện vẫn giữ nguyên như lần trùng tu trước đó vào năm 1899, trên nóc có 5 ngọn tháp, tháp ở giữa lớn nhất, giữa tháp treo biển tên Tiên Châu tự([6]). Từ sau Hòa thượng Tánh Minh đến nay, Chùa Tiên Châu trải qua 16 đời trụ trì, quản lý. Trụ trì từ năm 1992 đến nay là thầy Thích Thành Chiếu.

Ngày nay, Bãi Tiên không còn cồn cát trắng như miêu tả trong Gia Định thành thông chí, quang cảnh cũng ồn ào nhộn nhịp hơn xưa, nhưng những gì Chùa Tiên Châu còn giữ được là minh chứng cho thấy sự phát triển rực rỡ của một di tích xưa, xứng danh cùng vùng đất Long Hồ nổi tiếng trong lịch sử. Với những giá trị nổi bật về lịch sử và văn hóa, năm 1994, Chùa Tiên Châu đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.

2. Di sản Hán Nôm ở Chùa Tiên Châu

Chùa Tiên Châu có 5 hoành phi, 11 câu đối, 3 bia mộ, 1 bài thơ bằng chữ Hán, hai cuốn thư bằng gỗ chạm một phần bài Thần đồng thi của Uông Chu (hay Uông Thù) đời Bắc Tống (Trung Quốc). Đa số hoành phi, câu đối được làm từ thế kỷ 19.

Trong số 11 câu đối có 3 câu đắp bằng xi măng, 2 câu khắc ván và 6 câu khắc đá (6 câu khắc đá nằm ở khu mộ cổ sau chùa). Tất cả đều có nội dung nêu lên giáo lý nhà Phật, ca ngợi sự mầu nhiệm của Phật pháp, khuyên người đời lánh dữ làm lành, thực hành hiếu đễ, tu đạo Bồ đề tìm đến bến bờ an vui giải thoát. Đặc điểm của các câu đối trên đá là ngắn gọn, và mặc dù trong đó có câu đối không chuẩn, nhưng ý nghĩa của chúng không kém phần sâu sắc. Chúng tôi xin giới thiệu 6 câu đối được khắc trên đá ở khu mộ cổ.

平生孝悌慕弥陀;

咱法净慈渡超升。

Bình sinh hiếu đễ mộ Di Đà;

Thính pháp tịnh từ độ siêu thăng.

Trọn đời hiếu đễ niệm Di Đà;

Nghe pháp Phật Đà được siêu thăng.

三乘知妙處;

五蘊總成空。

Tam thừa tri diệu xứ;

Ngũ uẩn tổng thành không.

Tam thừa ngộ ra yếu chỉ;

Ngũ uẩn rốt trở thành không.

扳援金繩開覺路;

依稀寶筏渡迷川。

Phàn viện kim thằng([7]) khai giác lộ;

Y hy bảo phiệt độ mê xuyên.

Dây báu dẫn đường mở ra nẻo giác;

Thuyền từ ẩn hiện độ thoát sông mê.

          

Hai câu đối ở cổng khu mộ

清風闲色相;

明月照禅心。

Thanh phong nhàn sắc tướng;

Minh nguyệt chiếu thiền tâm.

Gió lành thổi, nhẹ lâng thân tướng;

Trăng tròn soi, sáng tỏ thiền tâm.

欲為浮生營福菓;

幸逢甘露洒楊枝。

Dục vị phù sinh doanh phúc quả;

Hạnh phùng cam lộ sái dương chi.

Muốn tạo thế gian dày quả phước;

May nhờ cam lộ rưới cành dương.

苦海欲離須善念;

愛河願赴只慈心。

Khổ hải dục ly tu thiện niệm;

Ái hà nguyện phó chỉ từ tâm.

Bể khổ mong lìa nên xa niệm ác;

Sông tình muốn vượt phải gắng tâm lành.

Các câu đối trên có điểm đặc sắc là vận dụng một loạt điển cố và từ ngữ Phật giáo. Điều này tạo nên nhiều ưu điểm: hành văn ngắn gọn, ngôn từ súc tích, nghĩa lý sâu xa, cách thể hiện trang trọng. Có sự kết hợp giữa từ ngữ đời thường với từ ngữ Phật giáo trong cùng một câu, như “hiếu đễ” (hết lòng thờ cha mẹ và kính nhường anh em) với “mộ Di Đà” (tin sâu và trì niệm Thánh hiệu A Di Đà Phật”; “thanh phong” (gió mát) với “sắc tướng” (hình trạng có thể nhìn thấy được); “minh nguyệt” (trăng sáng) với “thiền tâm” (lòng tĩnh lặng giữa cõi đời). Sự kết hợp nhuần nhuyễn này góp phần tạo nên hiệu quả thẩm mĩ cao, thể hiện được ý nghĩa hết sức sâu sắc và cũng vô cùng thiết thực của giáo lý nhà Phật: làm việc đạo là để giúp người an vui, giúp mình giải thoát; đời là nơi bắt đầu và cũng là nơi thi hành đạo; phải làm trọn việc đời thì việc đạo mới vuông tròn m mãn. Cũng có nghĩa là đạo và đời hoàn toàn không cách biệt.

Câu đối 2 mượn hai câu 3 và 4 trong bài thơ ngũ ngôn cổ thể 春日歸山寄孟浩然 Xuân nhật qui sơn ký Mạnh Hạo Nhiên (Ngày xuân, về núi viết gửi Mạnh Hạo Nhiên) của đại thi hào Lý Bạch 李白 đời Đường. Nguyên văn hai câu thơ này là “Kim thằng khai giác lộ, Bảo phiệt độ mê tân” (Dây báu mở ra nẻo giác, Thuyền từ độ thoát sông mê.) Lý Bạch (701-762) và Mạnh Hạo Nhiên (689-740) đều là thi sĩ nổi tiếng đời Đường, lại là những người am tường Tam giáo. Ngoài tư tưởng Nho giáo và Lão Trang, nhiều bài thơ của hai tác giả này thấm đượm tư tưởng nhà Phật, hơn nữa có không ít câu thơ trực tiếp nói lên tư tưởng nhà Phật và tinh thần giác ngộ giải thoát như hai câu 3 và 4 trong bài Xuân nhật qui sơn ký Mạnh Hạo Nhiên nói trên của Lý Bạch. Nhờ đó hai câu này đã được vận dụng đắc lực trong câu đối Chùa Tiên Châu.

Bên cạnh các câu đối, bài thơ chữ Hán thể ngũ ngôn bát cú ở khu mộ đá sau chùa cũng là điểm nổi bật trong di sản Hán Nôm Chùa Tiên Châu. Bài thơ được khắc trên tấm bia sau khu mộ của bà Hồ Nguyên Thu 胡元秋. Bia mộ cho biết bà Hồ Nguyên Thu đã thọ tam quy ngũ giới của nhà Phật, pháp danh Tục Tịnh 續净, hiệu Diệu Phương 妙芳, sinh năm Tân Sửu, mất ngày 16 tháng 11 năm Quý Dậu đời vua Bảo Đại, con trai tên Trịnh Văn Hậu 郑文厚 lập bia mộ cho mẹ.

Niên đại được ghi rõ ở hai cổng của khu mộ, cổng bên phải ghi 乙巳年造 Ất Tỵ niên tạo (tạo vào năm Ất Tỵ), cổng bên trái ghi [năm] 1905. Qua những thông tin trên bia mộ cho thấy bà Hồ Nguyên Thu sinh năm Tân Sửu 1841, mất năm Quý Dậu 1933, thọ 93 tuổi. Như vậy, khu mộ được xây dựng trước vào năm 1905, đến khi bà Thu mất vào năm 1933 thì được an táng tại đây, mộ và bia mộ được lập cùng năm bà mất. Bài thơ trên bia đá có thể ra đời vào thời gian xây khu mộ năm 1905, hoặc muộn nhất là vào thời điểm lập bia mộ năm 1933. Điều khác lạ là trên bia mộ hai chữ ghi niên hiệu vua Bảo Đại được khắc là 寶代 không giống với hai chữ thường thấy là 保大.

Chúng tôi chép lại nguyên văn, phiên âm và tạm dịch bài thơ này như sau:

人生能幾何,Nhân sinh năng k hà,

留得乆榮華。Lưu đắc cửu vinh hoa.

福地須培築,Phúc địa tu bồi trúc,

心田自琢磨。Tâm điền tự trác ma.

平生敦孝悌,Bình sinh đôn hiếu để,

晚景慕弥陀。Vãn cảnh mộ Di Đà.

聽法諸塵净,Thính pháp chư trần tịnh,

慈航渡我過。Từ hàng độ ngã qua.

Mộ cổ chùa Tiên Châu

Bài thơ chữ Hán sau mộ

Thế gian ai được mà,

Giữ mãi cảnh vinh hoa?

Phúc địa nên bồi đắp,

Tâm điền hãy thiết tha.

Ngày thường siêng hiếu đễ,

Tuổi xế niệm Di Đà.

Nghe pháp, lòng thanh tịnh,

Thuyền từ cứu độ ta.

Bài thơ trên có vài sự tương đồng về hình thức và nội dung với bài Nhân sinh k hà hành của sư Thích Văn Hướng đời Tống:

人生能幾何,Nhân sinh năng k hà,

百年三萬日。Bách niên tam vạn nhật.

一半睡中消,Nhất bán thụy trung tiêu,

余壽或難必。Dư thọ hoặc nan tất.

鐘鼎與軒裳,Chung đỉnh dữ hiên thường,

總是牢籠物。Tổng thị lao lung vật.

貪夫所甘心,Tham phu sở cam tâm,

宛轉無由出。Uyển chuyển vô do xuất.

富貴乾常勞,Phú quí can thường lao,

貧賤乾常逸。Bần tiện can thường dật.

所以箕山人,Sở dĩ Ky([8]) Sơn nhân,

不為唐堯屈。Bất vị Đường Nghiêu khuất.

Đời người được bao lâu,

Ba vạn ngày ngắn ngủi.

Một giấc ngủ đành xong,

Tuổi trời ai dám đổi.

Xiêm áo và lợi danh,

Toàn những vật xiềng trói.

Kẻ tham tự cam lòng,

Đâu lối nào thoát khỏi.

Giàu có thường lo toan,

Nghèo hèn không nhọc mỏi.

Cho nên người Ky Sơn,

Ngôi Đường Nghiêu chẳng đoái.

Cùng viết theo thể ngũ ngôn (Nhân sinh kỷ hà hành được viết theo lối ngũ ngôn cổ thể gồm 12 câu), cùng câu đầu tiên là “Nhân sinh năng k hà” (Đời người được bao lâu) thể hiện luật vô thường chi phối đời người và vạn vật, cả hai bài thơ đều chẳng những nêu rõ quan điểm về cảnh đời giả tạm mà còn khuyên người đời đừng chạy theo những thứ danh lợi vinh hoa phù phiếm để rồi chuốc lấy phiền khổ.

Bài thơ của Thích Văn Hướng lấy cảm hứng từ sự tích Hứa Do từ chối ngôi báu do vua Đường Nghiêu truyền nhượng, khẳng định “xiêm áo” và “lợi danh” là những thứ ràng buộc lấy thân, chỉ có kẻ si mê mới cam lòng chấp nhận, ai biết rũ bỏ mới là người tỉnh thức. Tiến hơn một bước về phương diện Phật pháp, bài thơ ở Chùa Tiên Châu khuyên mọi người hãy cố gắng gieo nhân tốt bằng cách vun bồi đất phúc, chăm bón ruộng tâm, kính nhường anh em, hiếu thảo cha mẹ để về sau được hưởng quả lành. Đặc biệt là tác giả còn thể hiện niềm tin sâu sắc vào pháp môn Tịnh Độ qua lời khuyên người đời “nghe pháp” và “niệm Di Đà” để được thuyền từ cứu độ, vượt khỏi bến mê đến bờ giải thoát.

Chùa Tiên Châu đã trải qua nhiều lần sửa chữa, xây mới nhưng sự tích của nó vẫn được lưu truyền qua sử sách, qua những câu chuyện kể và di sản Hán Nôm hiện còn lưu giữ tại chùa. Các câu đối và bài thơ mang đầy đủ cả giá trị vật thể và phi vật thể, dù khắc trên đá, nhưng vẫn cần được quan tâm gìn giữ. Ngôi chùa cùng với những gì đang tồn tại trong nó là một phần của lịch sử, văn hóa địa phương.

Nguồn: Xưa và Nay, số 454, tháng 12 năm 2014

 


[1] Vì bên trong chùa có thờ pho tượng Phật A Di Đà lớn bằng đất sét, bên ngoài chùa phong cảnh đẹp như vùng Tô Châu (Trung Quốc).

[2] Trịnh Hoài Đức (Lý Việt Dũng dịch và chú giải), Gia Định thành thông chí - Sơn xuyên chí - Vĩnh Thanh trấn - Bích Trân châu, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, tr.88.

[3] Hòa thượng Giác Nguyên người gốc Thừa Thiên, đệ tử của Thiền sư Liễu Quán (?-1743), tu theo Tịnh độ tông (Theo Trần Thành Trung, “Chùa Tiên Châu”, Tạp chí Bông Sen số 39, tháng 12 năm 2004).

[4] Hòa thượng Tánh Minh, thế danh Huỳnh Đức Hội, đời thứ 39 Thiền phái Lâm Tế dòng Liễu Quán, trụ trì từ 1858-1881.

[5] Đại Nam nhất thống chí ghi: “Chùa Di Đà ở trước Bãi Bích Trân, thuộc địa phận huyện Vĩnh Bình, do Hòa thượng Hoàng Đức Hội dựng, nước chảy vòng quanh, am viện thanh u, tục gọi Chùa Tiên Châu, lại gọi là Chùa Tô Châu.”

[6] Dựa theo mô tả của Trần Thành Trung, bđd.

[7] Kim thằng: Đường ranh giới giăng bằng dây vàng ở cõi Tịnh Độ, ý nói hướng dẫn, dẫn dắt theo chánh đạo. Còn có nghĩa là dây làm bằng vàng, ngày xưa dùng dây vàng buộc sắc lệnh, sớ điệp, nên đời sau dùng từ “kim thằng” chỉ chung sách vở, ở đây cũng có thể hiểu là kinh Phật.

[8] Ky Sơn: Núi ở Chiên Thành (Trung Quốc), tương truyền là nơi Hứa Do ở.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63661636
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5354
17595
63661636

Thành viên trực tuyến

Đang có 1257 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website