Võ tướng Nam bộ Lê Văn Đức và bài Tế trận vong bệnh cố tướng sĩ văn

1. Lê Văn Đức 黎文德 (1793 - 1842) là danh thần đầu triều Nguyễn, phụng sự ba đời vua: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị. Quê ông ở cù lao Bảo thuộc tổng Tân An - châu Định Viễn - dinh Phiên Trấn (nay thuộc tỉnh Bến Tre)(1). Ông đỗ Cử nhân khoa Quý Dậu (Gia Long năm thứ 12 - 1813), sau đó được bổ làm Tri huyện ở Tri Viễn. Từ năm 1822 đến năm 1828 (Minh Mệnh năm thứ 3 đến năm thứ 9), ông lần lượt giữ nhiều chức vụ khác nhau: Lang trung Bộ Công, Thiêm sự, Ký lục trấn Bình Hòa sung Giám thị trường Nam Định, Hữu Thị lang Bộ Công, Hữu Thị lang Bộ Binh, Toản tu bách quan chức chế, Tham tri Bộ Binh, Thự Thượng thư Bộ Binh.

Sinh ra ở vùng đất Nam bộ, do sự đưa đẩy của thời cuộc, suốt cả cuộc đời, Lê Văn Đức bôn ba khắp mọi nẻo đường đất nước. Từ Nam ra Bắc, từ Bắc lại vào Nam, ông đã trải qua nhiều thăng trầm, gian khổ, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng(2). Tuy nhiên, ở cương vị nào, ông cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình, lập được nhiều công trạng to lớn: trị thủy ở kinh đô Huế (1839), trấn áp các cuộc nổi dậy của người Chân Lạp (1840), hai lần đánh dẹp giặc Xiêm La (1840, 1842)… Nếu không qua đời sớm ở tuổi 49 (năm 1842) thì chắc chắn ông sẽ còn lập thêm nhiều công trạng(3).

Một trong những chiến công nổi bật của ông là hai lần dẹp tan được loạn Nông Văn Vân (1833 - 1835). Tháng 7 âm lịch năm 1833, một Thổ ty người Tày ở Bảo Lạc (Tuyên Quang) tên là Nông Văn Vân khởi binh chống lại sự cai trị của triều Minh Mạng(4), Lê Văn Đức liền được sung chức Tham tán quân vụ đại thần, lãnh nhiệm vụ tiễu trừ loạn tặc. Đánh giải vây được thành Tuyên Quang, vua Minh Mệnh sung ông làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên (5), đồng thời cử Nguyễn Công Trứ làm Tham tán, để cùng dẫn đại binh đi đánh Vân Trung (Bảo Lạc), là nơi đặt đại bản doanh của Nông Văn VânTháng 6 năm Giáp Ngọ (1834), sau khi củng cố lại lực lượng,Nông Văn Vân cùng với các thuộc hạ dẫn cả ngàn quân đi đánh chiếm Cao Bằng. Hốt hoảng, các quan đầu tỉnh đều bỏ chạy. Hay tin, nhà vua lại cử Lê Văn Đức làm Tổng đốc đạo Tuyên Quang để cùng với các tướng lĩnh khác mang quân đi trấn áp. Thua trận, Nông Văn Vân trốn trong rừng Thẩm Pát ở Tuyên Quang, rồi bị quân triều đình phóng lửa đốt rừng. Theo sử nhà Nguyễn thì sau đó (tháng 3 âm lịch năm 1835), Nông Văn Vân bị chết cháy (6).

Xét công lao, Lê Văn Đức được phong là Ân Quang tử, thăng trật Hiệp biện Đại học sĩ, nhưng vẫn lĩnh chức Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, để tiếp tục truy bắt các thuộc hạ của Nông Văn Vân hiện vẫn còn đang lẩn trốn.

Với những công trạng trên, Lê Văn Đức nhiều lần được ban thưởng xứng đáng. Năm 1835, tên ông được cho khắc vào bia đá đặt trước sân Võ miếu Huế vừa thành lập. Cùng năm ấy, vua Minh Mệnh ban thưởng cho ông một phần thưởng đặc biệt: ôm gối vua (7). Đến năm Tự Đức thứ 10 (1857), sau khi mất 15 năm, Lê Văn Đức được thờ trong đền Hiền Lương.

20220508 7

Văn bản 周原雜詠 - Chu nguyên tạp vịnh

Tuy là một võ tướng, nhưng Lê Văn Đức cũng có tài làm thơ. Tác phẩm của ông còn truyền lại là tập Chu nguyên tạp vịnh và một bài văn tế các tướng sĩ trận vong và bệnh vong trong cuộc chiến chống bọn Nông Văn Vân, được chép trong Tế văn tập do một vị Cử nhân họ Hoàng ở Nhuế Giang biên soạn.

2. Sau khi bình được loạn Nông Văn Vân, vua Minh Mệnh vui mừng ban thưởng cho Lê Văn Đức và mở tiệc khao quân. Tuy cuộc bình loạn đại thắng, nhưng phía triều đình cũng tổn thất nhiều tướng sĩ, người thì tử trận, kẻ thì bệnh chết trong quân. Cho nên, vua sai Lê Văn Đức viết một bài văn tế để tỏ lòng tưởng nhớ, thương tiếc và ghi khắc công lao của các tướng sĩ đã anh dũng hi sinh vì đại cuộc. Bài văn tế có tên đầy đủ là Sơn Hưng Tuyên Đốc hiến Lê Văn Đức tuân chỉ tế trận vong bệnh cố tướng sĩ văn. Xét thấy đây là bài văn tế hay, có giá trị văn học và lịch sử, chúng tôi xin phiên dịch, chú thích để giới thiệu cùng quý độc giả xa gần.

Nguyên văn:

山興宣督憲黎文德遵旨祭陣亡病故將士文

某年月日官爵姓名,欽奉恩旨,軫及進征逆雲辰陣亡病故之將士兵勇等,準賜祭一坛,具牲酒庶饈之品,設坛為位以告于行陣病亡者之靈曰:

嗚呼!疆場敵愾,因盡節以成忠;覆載垂慈,無微而不燭。

雖蒙國恩死國事,臣心庸恤其他;然孤人子寡人妻,兵革本非所欲。

繄爾等之驕雄;為國家之容蓄。

奮身堅銳,以膂力而爪牙;矢念尊親,如手足於頭目。

許久虎皮包戟,譙楼之角吹方閒;何期狼燧傳鋒,戎壘之征轅乍促。

修尔戈同澤同袍;出我車于郊于牧。

三秋出入屡戰頻攻;萬状艱難重溪疊谷。

飛鳶跡跡,空驚壯士之魂;瘏馬行行,疇畫征夫之軸。

惟其想逆渠之犯順,孰不衝冠;是以[?](8)予勇以争先,人思八服。

踰嶺以臨泉;亦緣崖而攀木。

連峰似戰桓桓,臨玉帽以奚辭;薰雨如湯恍恍,指雲中而不縮。

霜林戰處,曷禁矢石之紛飛;霧磴躋餘,易惹烟嵐之誤觸。

吳將之金瘡列背,神醫何所旋丹;蜀泉之水瘴居肓,鬼伯豈須登籙。

故破竹走風之勢,則莫我承;而埋輪鷙馬之雄,返為尔毒。

嗟哉,衽不厭之金;忽乃,委俱焚之玉。

想尔之九泉齎志,有不勝於猿呌鵑啼;乃彼之一旦傾巢,亦窮技於驢鳴鼯伏。

是能雪尔恨于窈冥全伏我朝之威福。

且此三軍奏凱,正騰闕下之歌;寧絕塞含凄,尚滯天顏之哭。

仰高厚之普施;悉往存而涵肓。

千里封疆不遠,宸思乍動于磬聞;九重渥澤有加,卹典式周于矢後。

今則:以饗以奠欽自天恩;或肆或將治于庖祝。

庶精爽之有知;俾宠光之共沐。

嗚呼!太山比重,不孤馬革之難懷;天日向光,久慰泉臺之衷曲。

尚享!

Phiên âm

SƠN HƯNG TUYÊN ĐỐC HIẾN LÊ VĂN ĐỨC TUÂN CHỈ TẾ TRẬN VONG BỆNH CỐ TƯỚNG SĨ VĂN

Mỗ, niên nguyệt nhật, quan tước tính danh, khâm phụng ân chỉ, chẩn cập tiến chinh nghịch Vân thời trận vong bệnh cố chi tướng sĩ binh dũng đẳng, chuẩn tứ tế nhất đàn, cụ sinh tửu thứ tu chi phẩm, thiết đàn vi vị dĩ cáo vu hành trận bệnh vong giả chi linh viết:

Ô hô! Cương trường địch khái, nhân tận tiết dĩ thành trung; Phú tái(9) thùy từ, cái vô vi nhi bất chúc.

Tuy mông quốc ân tử quốc sự, thần tâm dong tuất kỳ tha; Nhiên cô nhân tử quả nhân thê, binh cách bản phi sở dục.

Ế nhĩ đẳng chi kiêu hùng, vi quốc gia chi dung súc.

Phấn thân kiên nhuệ, dĩ lữ lực nhi trảo nha(10); Thỉ niệm tôn thân, như thủ túc ư đầu mục(11).

Hứa cửu hổ bì bao kích, tiều lâu(12) chi giác xúy phương nhàn; Hà kỳ lang toại(13) truyền phong, nhung lũy chi chinh viên sạ xúc.

Tu nhĩ qua đồng trạch đồng bào(14); Xuất ngã xa vu giao vu mục.

Tam thu(15) xuất nhập, lũ chiến tần công; Vạn trạng gian nan, trùng khê điệp cốc.

Phi diên tích tích, không kinh tráng sĩ chi hồn; Đồ mã hàng hàng, trù họa chinh phu chi trục.

Duy kỳ tưởng nghịch cừ chi phạm thuận, thục bất xung quan; Thị dĩ ? dư dũng dĩ tranh tiên, nhân tư bát phục.

Ký du lĩnh dĩ lâm tuyền; Diệc duyên nhai nhi phàn mộc.

Liên phong tự chiến hoàn hoàn, lâm ngọc mạo(16) dĩ hề từ; Huân vũ như thang hoảng hoảng, chỉ vân trung nhi bất súc.

Sương lâm chiến xứ, hạt cấm thỉ thạch chi phân phi; Vụ đặng tễ dư, dị nhạ yên lam chi ngộ xúc.

Ngô tướng chi kim sang liệt bối, thần y hà sở toàn đan; Thục tuyền chi thủy chướng cư hoang, quỷ bá khởi tu đăng lục.

Cố phá trúc tẩu phong chi thế, tắc mạc ngã thừa(17); Nhi mai luân(18) chí mã chi hùng, phản vi nhĩ độc.

Ta tai, nhẫm bất yếm chi kim(19); Hốt nãi, ủy câu phần chi ngọc(20).

Tưởng nhĩ chi cửu tuyền tê chí(21), hữu bất thăng ư viên khiếu quyên đề; Nãi bỉ chi nhất đán khuynh sào, diệc cùng kỹ ư lư minh ngô phục(22).

Thị năng tuyết nhĩ hận vu yểu minh; Cái toàn phục ngã triều chi uy phúc.

Thả thử tam quân tấu khải, chính đằng khuyết hạ chi ca; Ninh giao tuyệt tái hàm thê, thượng trệ Thiên nhan chi khốc.

Ngưỡng cao hậu chi phổ thi; Tất vãng tồn nhi hàm dục.

Thiên lý phong cương bất viễn, thần tư sạ động vu khánh văn; Cửu trùng ác trạch hữu gia, tuất điển thức chu vu thỉ hậu.

Kim tắc: Dĩ hưởng dĩ điện khâm tự thiên ân; Hoặc thích hoặc tương trị vu bào chúc.

Thứ tinh sảng chi hữu tri, tỷ sủng quang chi cộng mộc.

Ô hô! Thái Sơn tỷ trọng, bất cô mã cách(23) chi nan hoài; Thiên nhật hướng quang, cửu úy tuyền đài chi trung khúc(24).

Thượng hưởng!

Dịch nghĩa:

BÀI VĂN TẾ DO ĐỐC HIẾN SƠN HƯNG TUYÊN LÊ VĂN ĐỨC TUÂN THEO LỆNH VUA VIẾT ĐỂ TẾ CÁC TƯỚNG SĨ TRẬN VONG VÀ BỆNH VONG

Mỗ, ngày tháng năm, chức tước và họ tên, kính vâng ân chỉ của vua, ban một đàn lễ tế, đầy đủ lễ vật, rượu thịt và thức ngon, tưởng nhớ các tướng sĩ đã anh dũng trận vong và bệnh vong trong cuộc tiến đánh bọn nghịch tặc Nông Văn Vân. Nay lập đàn tế cáo với linh hồn các tướng sĩ rằng:

Than ôi! Lòng địch khái nơi chiến địa, thà tử tiết để vẹn giữ lòng trung; Ân phú tái đấng hiền minh, dù đại tiểu cũng dày ban ân phúc.

Tuy đội ơn nước, chết vì việc nước, kẻ bề tôi đâu hối tiếc điều chi; Nhưng con xa cha, vợ phải xa chồng, cơn binh cách vốn trầm luân địa ngục.

Kia sĩ binh anh dũng kiêu hùng, chính quốc gia tài bồi hun đúc.

Rèn thân rắn sắc, mong thành gân cốt tướng trảo nha; Chặt dạ tôn thân, chẳng khác tay chân quan đầu mục.

Bấy lâu cung kiếm yên da hổ, tiếng tù chòi gác vắng thinh thinh; Bây giờ lang khói ngút trời xanh, trận địa trống đồn đang thôi thúc.

Sửa sang giáo mác, mặc cùng áo đắp cùng chăn; Chỉnh đốn ngựa xe, ruổi mọi đường xông mọi góc.

Ba thu dầu dãi, công phá nhiều phen; Vạn nỗi gian truân, san bằng hiểm hóc.

Quạ diều quần đảo, luống kinh hồn tướng sĩ mơ màng; Xe ngựa liêu xiêu, khéo họa bức chinh phu vũ khúc.

Riêng nghĩ đến tặc đồ phản nghịch, nộ khí xung thiên; Nên phát dương ý chí tranh hùng, tám phương úy phục.

Đã lội suối lại trèo non; Thêm thiên nhai rồi lâm cốc.

Từng đỉnh núi giống rừng gươm uy vũ, đầu mang mũ trụ chẳng lùi chân; Mỗi giọt mưa như dòng nước trào sôi, tay chỉ trời xanh không bỏ cuộc.

Chiến trường khói tỏa, đâu thoát vòng đá dội tên bay; Vách đá sương giăng, sao kham cảnh rừng thiêng khí trọc.

Ngô tướng kiếm đao xuyên áo giáp, thần y thúc thủ hoàn sinh; Thục tuyền nước độc ngấm tâm tì, quỷ bá nhanh bài chiêu phục.

Cho nên, khí thế tro bay trúc chẻ, loạn thần không thể giương oai, phách lạc hồn kinh; Thế nhưng, oai hùng chống giặc chôn xe, tướng sĩ đành cam nuốt hận, xương tan thịt róc.

Thương ôi, mệnh đương sống chết, khi ăn ngủ cũng chẳng rời gươm; Bỗng đâu, lửa đốt núi Côn, chí kiên trinh sẵn sàng nát ngọc.

Nghĩ rằng, các ngươi ngậm hờn nơi chín suối, chỉ tiếc lòng vượn hú quyên than; Thật ra, mỗi người tận lực thuở can qua, đã hết cách lừa kêu chuột rúc.

Như vậy cũng đủ: Sáng ngời tinh phách hồn thiêng; Khôi phục cơ đồ đại quốc.

Đây là lúc ba quân báo tiệp, khuyết môn nô nức khải hoàn ca; Kia là nơi biên tái thê lương, Thánh chúa âm thầm tuôn lệ khóc.

Ngưỡng ân sâu đức cả cao dày; Khắp kẻ mất người còn mãn túc.

Tâm khảm ai hoài trong tiếng khánh, đâu đây ngàn dặm sơn hà; Sự vong trịnh trọng buổi đăng đàn, trên dưới chín từng mưa móc.

Nay thì: Kính vâng vương mệnh, lễ tế đã an; Nhờ sức trù nhân, hương phần sung túc.

Hồn thiêng hầu đã chứng tri; Ân điển cùng nhau hưởng lộc.

Ôi thôi! Thái Sơn vĩ đại, dẫu rằng da ngựa khó bọc thây; Nhật nguyệt thường soi, mãi chiếu dạ đài cơn trung khúc.

Thương thay! Thượng hưởng!

3. Một bộ phận quan trọng của văn tế Hán Nôm là những bài văn tế tướng sĩ trận vong. Qua một số bài văn tế tiêu biểu thuộc bộ phận này đã được biết đến từ trước tới giờ, có thể chia thành hai loại:

3.1. Văn tế tướng sĩ trận vong trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm: Tiêu biểu là bài văn tế viết bằng chữ Hán Phụng nghĩ tứ tế tiết thứ chinh di trận vong tướng sĩ văn (Bài văn thay mặt vua tế các tướng sĩ hi sinh sau mấy trận đánh nhau với Pháp - Lê Khắc Cẩn). Sau mấy trận đánh nhau với Pháp ở Đà Nẵng và Cần Giờ, quân tướng ta hi sinh rất nhiều. Vua Tự Đức sai quan đặt tuần tế và giao cho Lê Khắc Cẩn (người tỉnh Nam Định, đỗ Hoàng giáp) soạn bài văn tế này để tưởng nhớ các tướng sĩ đã hi sinh. Ngoài bày tỏ lòng tiếc thương và biểu dương tinh thần anh dũng kiên cường của các tướng sĩ, bài văn tế với giọng điệu hùng hồn đã góp phần vào việc cổ vũ tinh thần chiến đấu của các tầng lớp nhân dân, tiếp tục chiến đấu đưa đến thắng lợi sau cùng.

3.2. Văn tế tướng sĩ trận vong trong các cuộc nội chiến: Tiêu biểu là bài văn tế viết bằng chữ Nôm Tế trận vong tướng sĩ (Nguyễn Văn Thành). Sau khi đánh thắng Tây Sơn và bình định xong toàn cõi, tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh lên ngôi, cử Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc thành. Nguyễn Văn Thành viết bài văn tế này để tưởng nhớ đến công ơn các chiến sĩ đã tử trận. Đây là một trong những bài văn tế xuất sắc, ngoài giá trị về văn học, lịch sử, nó còn nói lên những cảnh đau khổ, mất mát do chiến tranh gây nên, bày tỏ niềm cảm thông và lòng thương xót của tác giả trước cái chết của những người lính. Do đó, bài văn tế mang một giá trị nhân đạo rất sâu sắc.

Cùng với hai loại trên, đến nay, bài Sơn Hưng Tuyên Đốc hiến Lê Văn Đức tuân chỉ tế trận vong bệnh cố tướng sĩ văn sẽ góp phần làm phong phú thêm cho bộ phận văn tế tướng sĩ trận vong với loại thứ ba: Văn tế tướng sĩ trận vong trong các cuộc bình nội loạn. Ở đây không có giặc ngoại xâm, cũng không diễn ra cuộc tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến, nhưng các tướng sĩ phải chịu hi sinh vì sự nổi dậy của một Thổ ty vùng cao Tuyên Quang chống lại sự cai trị của triều đình. Bài văn tế một mặt nêu cao lòng tiết nghĩa, trung thành của các tướng sĩ, mặt khác, do tính chất và hoàn cảnh ra đời, nó còn ca ngợi triều đình, ca ngợi nền thống trị nhân hòa đức độ của người đứng đầu đất nước. Tuy không thể sánh với bài của Lê Khắc Cẩn và Nguyễn Văn Thành, nhưng đây cũng là một bài văn tế đáng được chú ý về nội dung và nghệ thuật, góp phần làm phong phú thêm cho thể loại văn tế Hán Nôm Việt Nam.

Nguyễn Đông Triều

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm; Số 4(113) 2012; Tr.69-76

Chú thích:

(1) Buổi đầu, châu Định Viễn thuộc dinh Long Hồ nên Đại Nam chính biên liệt truyện (quyển 19) ghi Lê Văn Đức là người Vĩnh Long.

(2) Theo Đại Nam chính biên liệt truyện(quyển 19, tr.394), sau khi dẹp được loạn Nông Văn Vân lần thứ nhất, Lê Văn Đức cùng Tham tán Nguyễn Công Trứ dẫn quân tiến đánh sào huyệt của Nông Văn Vân ở Vân Trung. Sau nhiều tháng hành quân gian lao và nguy hiểm, vì địa hình hiểm trở lại thường xuyên bị phục kích, nên đến cuối năm (1833), đại binh của ông mới vào phá được Vân Trung. Kết quả được tấu lên, Lê Văn Đức được thưởng quân công. Nhưng trên đường trở về thành Tuyên Quang, bị đối phương phục kích, làm chết và bị thương nhiều lính, khiến ông bị triều đình khép vào tội tử. Song nghĩ đến công lao của ông, vua Minh Mạng chỉ cho giáng bốn cấp, cắt hết lương bổng, tước bỏ mũ áo và buộc phải lấy công chuộc tội.

(3) Tháng 11 âm lịch năm 1842, vua Thiệu Trị cử Lê Văn Đức làm Kinh lược đại thần đi xem xét việc quân ở 6 tỉnh Nam kỳ. Tuy bị bệnh nhưng ông vẫn cố gắng lên đường, nhưng đến Quảng Nam thì qua đời ở tuổi 49.

(4) Về nguyên nhân cuộc nổi dậy của Nông Văn Vân, GS. Nguyễn Phan Quang cho biết như sau: “Vào đời vua Minh Mạng, ở một số tỉnh miền núi như Tuyên QuangThái NguyênLạng SơnCao Bằng... nhà vua đặt chức Lưu quan do người Kinh nắm giữ bên cạnh các quan đứng đầu là người dân tộc. Do họ thường hay ức hiếp, nhũng nhiễu, nên các thổ quan và người dân rất căm ghét, chỉ chờ dịp nổi lên đánh đuổi.” (Lịch sử Việt Nam 1427-1858, quyển 2, tập 2, tr. 180). Sau cuộc khởi binh của em vợ Nông Văn Vân là Lê Văn Khôi (tháng 5 âm lịch năm Quý Tỵ, 1833) bị đánh dẹp, vua Minh Mệnh sai quan lính truy nã vợ con và họ hàng Lê Văn Khôi đang cư ngụ ở đó. “Viên Án sát Cao Bằng là Phạm Đình Trạc liền ra lệnh bắt 2 con, 1 người em ruột và 14 người thân của Lê Văn Khôi. Lại sai đào mả ông nội (Bế Văn Sĩ) và cha đẻ (Bế Văn Kiện/ Viên) của Lê Văn Khôi, đốt hài cốt ra tro. Nông Vân Vân lúc bấy giờ đang làm Tri châu Bảo Lạc cũng bị truy nã vì là anh vợ Khôi.” (Quốc triều sử toát yếu (phần Chính biên, tr.203). Sẵn lòng căm ghét, Nông Văn Vân liền vận động các tù trưởng bất mãn và những người dân bị áp bức cùng đứng lên chống lại triều đình. Xét ra sự việc có một phần lỗi của quan lại người Kinh và triều đình, có lẽ nhận ra điều đó nên sau này vua Tự Đức bãi bỏ chế độ Lưu quan.

(5) Sơn Hưng Tuyên là 3 tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang.

(6) Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, quyển 19, tr.1051-1051. Xin nói thêm, theo gia phả họ Nông thì Nông Văn Vân không chết mà đi phiêu bạt vùng biên giới Việt - Trung. Tuy nhiên, thông tin này chưa được kiểm chứng.

(7) Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, để ban thưởng cho các bề tôi có công, vua Minh Mạng đã ban một bản dụ trong đó nói rằng vua nghĩ ra một nghi lễ mới dành cho những người có công, qua đó bày tỏ lòng yêu mến trọng vọng. Bản dụ có đoạn viết: “…Trẫm lẽ nào quên đi mà không hậu đãi, ngoài việc ban thưởng, phong tước đã có chỉ dụ thi hành rồi, nay cho Bộ Lễ bày nghi lễ, chọn ngày tốt, trẫm ngự ở cửa Đại Cung, cho các quan đại thần vào chầu và cho Phạm Văn Điển, Tạ Quang Cự, Lê Văn Đức làm lễ ôm gối để tỏ ý trẫm coi như hoàng tử vui đùa dưới gối.”

(8) Chữ mờ, không đọc được, ở phần sau chúng tôi tạm dịch.

(9) Phú tái: Che chở. Tuân Tử - Tâm thuật hạ có câu: “Thị cố Thánh nhân nhược thiên nhiên, vô tư phú dã; nhược địa nhiên, vô tư tái dã.” (Cho nên, bậc Thánh nhân ví như trời vậy, vô tư che khắp vạn vật; ví như đất vậy, vô tư chở khắp vạn vật.) Về sau thường dùng chỉ ân đức của các bậc đế vương đối với dân chúng.

(10) Trảo nha: vuốt nanh. Loài cầm thú có vuốt nanh để tự vệ. Các võ thần cũng được gọi là trảo nha, hộ vệ nhà vua, bảo vệ đất nước.

(11) Đầu mục: đầu, mắt. Dùng chỉ người đứng đầu, thống soái.

(12) Tiều lâu: cái chòi cao dựng trên cổng thành để theo dõi thế trận của địch.

(13) Lang toại: dùng phân sói phơi khô trộn với chất đốt, khi có biến thì dùng đốt lửa lên để cấp báo.

(14) Tu nhĩ qua đồng trạch đồng bào: câu này lấy ý từ Thi kinh - Tần phong - Vô y “Khởi viết vô y, dữ tử đồng bào, vương vu hưng sư, tu ngã qua mâu, dữ tử đồng cừu” (Há bảo không áo, mặc chung áo bông, vua sắp dấy binh, tu chỉnh giáo mác, đánh kẻ thù chung) và “Khởi viết vô y, dữ tử đồng trạch, vương vu hưng sư, tu ngã mâu kích, dữ tử giai tác” (Há bảo không áo, mặc chung áo thô, vua sắp dấy binh, tu chỉnh cung tên, cùng xông lên trước). Sau dùng chỉ lòng vui thương lẫn nhau đủ khiến cho người ta cùng nhau xả thân vì nước.

(15) Tam thu: ba mùa thu, tức ba năm, khoảng thời gian dẹp loạn 1833 - 1835.

(16) Ngọc mạo: mũ trang sức bằng ngọc, ở đây chỉ loại mũ đội khi đi đánh trận.

(17) Tắc mạc ngã thừa: lấy từ Thi kinh - Lỗ tụng - Bí cung “Nhung Địch thị ưng, Kinh Thư thị trừng, tắc mạc ngã cảm thừa, tý nhĩ xương nhi xí, tý nhĩ thọ nhi phú” (Đánh rợ Nhung rợ Địch, trị nước Kinh nước Thư, thì ai dám chống lại ta, khiến ngài được tốt lành, hưng thịnh, sống lâu và giàu có).

(18) Mai luân: chôn chặt bánh xe, tỏ ý tử thủ không lùi bước.

(19) Nhẫm bất yếm chi kim: lấy ý từ câu “Nhẫm kim cách, tử nhi bất yếm” trong Trung dung, nghĩa là nằm ngủ cũng đeo gươm mặc giáp, vào chỗ chết cũng không nề chi. Ý nói các tướng sĩ vì đại cuộc sẵn sàng chiến đấu không sợ hi sinh.

(20) Ủy câu phiền chi ngọc: Lấy ý từ Thượng thư - Dận chinh: “Hỏa viêm Côn cương, thạch ngọc câu phiền” (Lửa đốt núi Côn, ngọc đá đều cháy). Ở đây, ngọc chỉ các tướng sĩ, đá chỉ bọn phản loạn, ý nói các tướng sĩ kiên trung chấp nhận tử chiến cùng quân phiến loạn.

(21) Tê chí: chí hướng chưa thực hiện được nhưng đã chết, đem theo xuống cửu tuyền.

(22) Lư minh ngô phục: lừa hí chuột nấp, ý nói đã tìm đủ mọi cách để chống giặc nhưng sức cùng lực kiệt đành chịu hy sinh.

(23) Mã cách: da ngựa. Nói đầy đủ là “Mã cách khỏa thi” (Da ngựa bọc thây), xuất xứ từ câu nói của Mã Viện đời Đông Hán: “Nam nhi yếu đương tử ư biên dã, dĩ mã cách khỏa thi hoàn tang nhĩ…” (Làm trai nên chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thây mà chôn…” (Hậu Hán thư). Chỉ nghĩa vụ làm trai phải xông pha, sẵn sàng bỏ thân nơi chiến địa.

(24) Trung khúc: Tình tự, nỗi lòng.

Tài liệu tham khảo

1. Phong Châu - Nguyễn Văn Phú, Văn tế cổ và kim, Nxb. Văn hóa, 1960.

2. Nội các triều Nguyễn: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb. Thuận Hóa, 1993.

3. Quốc sử quán triều Nguyễn (Cao Xuân Dục tổng tài), Đại Nam chính biên liệt truyện, quyển 19, Nxb. Văn học, H. 2004.

4. Quốc sử quán triều Nguyễn Quốc triều sử toát yếu (phần Chính biên) Cao Xuân Dục tổng tài, Nxb. Văn học, 2002.

5. Nguyễn Phan Quang: Lịch sử Việt Nam (1427-1858), tập 2, Nxb. Giáo dục, 1977.

6. Tế văn tập, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, A.524.

7. Nguyễn Khắc Thuần: Thế thứ các triều vua Việt Nam, Nxb. Giáo dục, 2001.

8. Danh công biểu tuyển, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, A.582./.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63661619
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5337
17595
63661619

Thành viên trực tuyến

Đang có 1247 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website