Phan Văn Đạt (1828 - 1861) tự Minh Phủ, quê ở thôn Bình Thanh huyện Tân Thạnh phủ Tân An (nay thuộc tỉnh Long An). Ông là một nho sĩ có khí tiết, học rộng hiểu thông, đỗ Cử nhân năm Canh Thân (1860) đời vua Tự Đức tại trường thi Gia Định. Theo Nguyễn Thông, một người cùng thời với Phan Văn Đạt, thì ông không có tiền đi nhậm chức, phải nhờ bạn bè em cháu giúp đỡ một số tiền. Nhưng sau khi đến Huế, do ghét thói a dua, xu nịnh chốn quan trường nên ông lập tức từ quan trở về phụng dưỡng song thân(2). Vốn tính khảng khái, cương trực nên được dân làng nể trọng, mỗi khi có việc tranh tụng họ đều nhờ ông phân xử. Vì thế lúc bấy giờ có câu “Muốn biết nặng nhẹ hỏi mặt cân, muốn được công bằng tìm Phan Văn Đạt”(3). Tuy cả cuộc đời không giữ trọng trách gì ở triều đình, nhưng trước cảnh thực dân Pháp xâm lược đất nước, tàn sát người vô tội, ông vẫn một lòng vì nước vì dân, luôn canh cánh nỗi đau và lòng căm hận. Vì thế, sau khi cha ông mất, chôn cất xong, ông vừa ngậm ngùi vừa dõng dạc tuyên bố: “Việc riêng ta đã xong, từ nay sẽ theo đời xoay chuyển(4)”. Thế là ông quyết định cùng cậu là Trịnh Quang Nghị dựng cờ khởi nghĩa, lập căn cứ ở phía nam cầu Biện Triệt, phát hịch chiêu mộ nghĩa binh chống Pháp.
Nguyễn Thông nói về sự kiện này như sau: “Trước đó, Đỗ Trình Thoại ở Tân Hoà (Gò Công) cùng nhân dân nổi dậy đánh đồn Sơn Quy nhưng bị chết trận, giặc Tây lại kéo đến ầm ầm, thế mạnh như phong vũ, mọi người hầu như bất lực xuôi tay. Đến khi hai ông phát hịch kêu gọi tại căn cứ phía nam cầu Biện Triệt thì khí thế chấn hưng, tiếng nghĩa vang dội. Lúc ấy, hào kiệt nghĩa sĩ ở huyện Bình Dương, Tân Long và phủ Tân An đều đứng lên đồng tâm hiệp lực giết Tây, thực nhờ có hai ông khởi xướng(5)”. Phan Văn Đạt chính là người “xướng nghĩa đầu tiên(6)” chống Pháp ở phủ Tân An. Cuộc khởi nghĩa đã mở đầu và thúc đẩy phong trào khởi nghĩa vũ trang ở các vùng lân cận. Trong số những người hưởng ứng cuộc khởi nghĩa với bầu nhiệt huyết sục sôi có một người sau khi tham gia đã trở thành đồng đội kề vai sát cánh, cùng lãnh đạo nghĩa quân và sau này đã anh dũng hi sinh cùng Phan Văn Đạt trong một trận càn của Pháp: Lê Cao Dõng.
Lê Cao Dõng cũng là người thôn Bình Thanh, giữ chức Hương thân. Khi Pháp xâm lược nước ta, ông cùng Phan Văn Đạt đứng ra hô hào kháng chiến chống ngoại xâm. Thực dân Pháp nhận thấy thế lực và quyết tâm mạnh mẽ của cuộc khởi nghĩa nên đã thẳng tay đàn áp. Trong trận càn vào ngày 16/7/1861, chúng bắt được Phan Văn Đạt và Lê Cao Dõng. Bị dùng nhiều cực hình tra tấn dã man nhưng hai ông vẫn bình thản, quyết không khai báo điều gì, quyết không cúi đầu khuất phục. Sau khi biết hai ông là lãnh đạo phong trào và Phan Văn Đạt là người “kiệt hiệt nhất trong đảng(7)”, giặc đã giết hai ông. Dã man hơn, chúng dùng móc sắt móc vào cổ họng Phan Văn Đạt treo trên tàu suốt mấy ngày mấy đêm cho đến khi ông tắt thở(8).
Vua Tự Đức xem bản tấu, thương người nghĩa dũng, nên dụ rằng: “… Lòng trung vì nước, ngay vạc nóng chẳng từ nan; Dũng khí giết Tây, xem cái chết như trở về. Khí tiết ấy, kẻ tham sanh toát mồ hôi, người trọng nghĩa thêm hăng hái. Những chuyện móc lưỡi moi rốn bất hủ đời xưa, nay đã được chứng kiến ở hai người này… Nên hậu cấp tuất điển để khuyến khích phong tục. Truy thụ Phan Văn Đạt hàm Tri phủ, tiền tuất 40 lạng; Truy thụ Lê Cao Dõng hàm Suất đội, tiền tuất 30 lạng. Chờ khi yên việc sẽ cho dựng đền thờ ở quê, một năm tế hai lần. Sự trạng giao cho sử quan kê cứu để viết thành truyện lưu truyền đời sau(9)”.
Cái chết anh dũng của Phan Văn Đạt và Lê Cao Dõng khiến mọi người vô cùng thương tiếc. Cử nhân Cù Khắc Cần (quê xã Hiệp Thanh huyện Châu Thành-Long An ngày nay) đã ca ngợi Phan Văn Đạt qua bài văn sách ở kỳ thi Hội năm Nhâm Tuất 1862. Vua Tự Đức viết một bài thơ cổ phong 72 câu ca ngợi gương hy sinh của Phan Văn Đạt để phổ biến trong cả nước, khuyến khích lòng người. Và một tác giả khuyết danh đã viết một bài văn tế Phan Văn Đạt và Lê Cao Dõng.
Đó là bài văn tế được chép trong Danh công biểu tuyển 名公表選, một tập văn chọn lọc viết tay dày 306 trang, cỡ 31x22cm, ký hiệu A.582 Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Danh công biểu tuyển tập hợp 116 bài thuộc nhiều thể loại: bi ký, biểu, chế, ký, phú, tựa, trướng, văn tế… của các tác giả có tên tuổi triều Nguyễn như Nguyễn Hữu Lập, Trần Văn Chuẩn, Nguyễn Duy Tân, Phan Hi Lượng… Trong đó, bài văn tế hai chí sĩ Nam bộ Phan Văn Đạt và Lê Cao Dõng được chép từ trang 66a đến trang 68a.
Bài văn tế có tên đầy đủ là “Khốc Cử nhân tặng Tri phủ Phan Văn Đạt, Hương thân tặng Suất đội Lê Cao Dõng”, được viết theo lối trường thiên ngũ ngôn, tổng cộng 134 câu. Nội dung bài văn tế nói lên lòng thương tiếc của tác giả, và cũng là của nhân dân, trước cái chết vì nước đánh Tây của hai chí sĩ vùng đất Nam bộ, bên cạnh đó cũng lên án tội ác dã man của kẻ xâm lược, ca ngợi tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh của hai vị anh hùng, lấy đó làm tấm gương kêu gọi mọi người đồng lòng chống giặc. Nhận thấy đây là bài văn tế có giá trị cao về lịch sử cũng như văn học, chúng tôi trân trọng phiên dịch, chú thích để giới thiệu cùng quý vị độc giả.
哭舉人贈知府潘文達鄉紳贈率隊黎高勇
哀哉潘文達,桂薑性素辣.壯歳遊庠序,秋試預登拔.
四海長無虞,明廷將釋褐.猝然海宼侵,山澤盈豺獺.
王土既竊據,民財復強括.荼毒我生灵,虐熖浮三蘖.
萬端只爲利,罪惡難簡撮.興師恐病民,釜魚猶鱍鱍.
惟有敵愾心,百姓皆蹙頞.况乎有學文,囊錐先頴脱.
挺身募勇士,弩力思式遏.頓忘七尺軀,直將虎鬚捋.
怪彼狼莠徒,勁草忍振撥.鷹鸇入樊籠,恓聴鴟梟聒.
忽髪盡冲冠,瞋目如電抹.独立强虜中,正色厲声喝.
尔輩是狗類,所至徒恐喝.尔行総無道,事事皆乖割.
我生未殺賊,不願圖苟活.但願死爲厲,助兵来奮撻.
寄語昆弟徒,愼事勿疎濶.同輩幸獲濟,莫使如蔓葛.
洩忿與伸寃,死兮休宛怛.悖逆無不爲,鐵鈎遽穿割.
市人淚盡垂,夷賊魄皆奪.
哀哉黎高勇,賦質最厚重.德齒爲鄉長,生涯務田隴.
子弟許捐貲,一級登間冗.本爲濟貧心,何曾患財粟.
適茲海氛騰,募兵欲防壅.不料虎豹孤,反被豺狼擁.
昂然對賊羣,神色無惶悚.不肯累同人,自當氣何聳.
揺頭復閉口,迷藥難汙湩.豈識西主法,吾主則吾奉.
顧謂鄉鄰人,勿惑彼慫恿.視我生如何,死亦不闒茸.
當念水土恩,讐復志克鞏.夷髏安能久,將見塟無塚.
毒手顯芳名,毅魄隨星拱.
哀哉兩男兒,忠義如相期.豈不惜身命,身命關秉彜.
豈不愛妻子,妻子皆己私.成仁與取義,矯怯奚能爲.
必也烈丈夫,履險方如夷.碧血縱已化,丹心終不移.
山河爲生色,木石亦含悲.彼張睢陽齒,視此誠難岐.
雖由尔高行,培養原有資.歷朝德澤深,自有興感思.
况復政敎肅,士庶敦操持.中興及平偽,已聞声譽馳.
南圻忠義声,不特于今茲.因辰益可見,始終洵不虧.
覽奏寔堪壯,壯之還哭之.念彼在畎畝,伉慨猶赴危.
倘若受寵祿,謀國當孜孜.與賊不兩立,我師寜乆疲.
恨予乏水鑑,草野賢罔知.又恨旬宣臣,明揚毋乃遲.
贈蔭爰特加,卹典增厚施.且命太史記,更令皆立祠.
褒酬諒已極,悼惜猶未衰.令德恐不顯,懇欵視摛辭.
粗長莫厭複,只患猶闕遺.豈僅厲風俗,且爲萬世規.
哀哉兩男兒,一死千年垂.
Dịch nghĩa:
Khóc Cử nhân truy tặng hàm Tri phủ Phan Văn Đạt,
Hương thân truy tặng hàm Suất đội Lê Cao Dõng
Thương ôi Phan Văn Đạt, gừng quế tính vốn cay.
Tráng niên vui tường tự, mùa thu dự khoa kỳ.
Tứ hải rày vô sự, vào triều giải bố y.
Hốt nhiên loạn giặc dữ, khắp nơi đầy chó Tây.
Ngang nhiên chiếm vương thổ, đoạt tài sản dân cày.
Lửa độc ba bè lũ, đồ độc bao người ngay.
Tất cả vì tham thố, tội ác biển không tầy.
Hưng binh sợ dân khổ, bắt cá lo sông quầy.
Địch khái lòng phẫn nộ, bách tính đều gớm ghê.
Huống chi người học chữ, bút mực nay ích gì.
Dấn thân vào trướng lữ, thề diệt quân vô nghì.
Tay hùm vuốt râu hổ, tấm thân giờ đoái chi.
Căm thay phường hung bạo, cỏ cứng đành nhổ đi.
Ưng chiên trong lồng nhỏ, hận nghe loài si kiêu.
Tóc giận dường xuyên mũ, mắt đanh sét chẳng bì.
Đứng giữa bọn giặc ác, kiên cường chí nam nhi.
Chúng mày loài giặc cỏ, đến đâu người kêu rêu.
Bây làm điều trái đạo, việc việc đều gian phi.
Ta chưa chặt hết sỏ, chẳng tiếc chi thân này.
Chết nguyện làm súng nỏ, trợ binh cùng giết Tây.
Gửi lời các em chú, đại sự luôn chỉnh tề.
Đồng bối may còn đó, chớ để thù giương vây.
Oán hận đầy tạng phủ, chết đi oán vẫn đầy.
Sài lang càn vô độ, giết người chẳng gớm tay.
Câu sắt treo đầu cổ, tinh thần càng hăng say.
Dân chúng tràn lệ đỏ, nghịch tặc hồn phiêu phi.
***
Thương thay Lê Cao Dõng, trọng hậu tánh không ngoài.
Hương trưởng đầy đức độ, nghề nông kế sinh nhai.
Con em quyên tiền của, nhất cấp hàm quan sai.
Vốn thương dân nghèo khó, đâu từng tham của tài.
Kẻ thù gây bão tố, tòng binh giữ biển trời.
Bầy sói lang hùng hổ, mãnh hổ đành lâm nguy.
Thần sắc không lo sợ, diệt thù tâm chẳng lay.
Đồng chí không khai báo, anh hùng bền chí thay.
Lắc đầu miệng chẳng mở, mồi ngon nào vui say.
Vua Tây dân Tây sợ, vua ta dân ta hoài.
Đồng bào ơi hãy nhớ, chớ nghe Tây xúi bày.
Thân này như thế đó, dẫu chết tâm sáng ngời.
Sâu dày ơn quốc thổ, báo thù luôn khắc ghi.
Đầu giặc nào yên chỗ, thây phơi loài quạ dơi.
***
Thương thay nhị nam tử, trung nghĩa như hẹn thề.
Há coi thường sinh tử, đem mệnh theo đạo nghì.
Há chẳng tình thê tử, vợ con tình riêng tây.
Nhân thành cùng nghĩa thủ, tình riêng nào sá chi.
Phải là trang nam tử, hiểm nguy mới rõ tài.
Máu hồng hòa đất tổ, lòng son chẳng đổi dời.
Cỏ cây đều than thở, sông núi cũng ngậm ngùi.
Mắt nanh đầy oai vũ, trần gian ai dám bì.
Chí tài nay có đủ, từ lâu đã hun bồi:
“Triều đình ân đức hậu, lòng người phơi phới vui.
Thánh vương nghiêm giáo hóa, sĩ thứ nghiêm chấp trì.
Trung hưng và trừ bạo, uy danh vang khắp trời.
Hào kiệt vùng Nam thổ, tiếng thơm rền xưa nay.”
Xưa oai phong thế đó, nay oai phong cũng tầy.
Xem tấu khen đáng mộ, khen rồi nước mắt rơi.
Thân ông nơi đồng cỏ, hồn ông nơi biên thùy.
Ví người nhờ lộc chúa, mưu quốc luôn không rời.
Quân ta thà gian khổ, cùng Tây chẳng chung trời.
Hận ta kẻ bỉ lậu, hẹp hòi nào biết chi.
Lại giận phường quan lộ, việc tuyên dương trễ chầy.
Tặng ấm nên đặc tứ, tuất điển càng hậu thi.
Lại sai quan chép sử, lại bảo xây miếu thờ.
Báo ân rày đã đủ, thương tiếc chưa hề suy.
Đức sáng hiềm chưa tỏ, thiết tha viết chúc từ.
Lời thô mong lượng thứ, chỉ e còn khuyết nghi.
Không chỉ phong tục cũ, còn làm gương bao người.
Thương thay nhị nam tử, hồn thiêng mãi muôn đời.
Nguyễn Đông Triều
Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2012, tr.770-778, phiên bản trực tuyến.
Chú thích:
(1). Bài văn tế này chép trong Danh công biểu tuyển (A.582 Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Hiện Danh công biểu tuyển đã có phó bản tại Phòng nghiên cứu và sưu tầm tư liệu Hán Nôm khoa Văn học và Ngôn ngữ - trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM, kinh phí sao lưu được trích từ nguồn kinh phí do ĐHQG TP HCM cấp cho đề án xây dựng Phòng nghiên cứu và sưu tầm tư liệu Hán Nôm.
(2). đến (8). Nguyễn Thông, Kỳ Xuyên văn sao, “Phan Văn Đạt truyện”, ký hiệu VHv.2073 Viện nghiên cứu Hán Nôm (hiện đã có bản sao lưu tại Phòng nghiên cứu và sưu tầm tư liệu Hán Nôm ĐHQG TP HCM).
(9). Đại Nam liệt truyện, quyển 4, “Truyện Phan Văn Đạt, phụ Lê Cao Dõng”.