Hoa sứ, trái mù u và hoa ...

Thân tặng Thu Dung, Thiên Bảo và sinh viên của tôi.

Năm mới, người ta thường nói chuyện về hoa mai, hoa đào, làm câu đối tết, chúc nhau được mọi điều tốt đẹp. Riêng tôi lại nói về hoa sứ, trái mù u và hoa... để nhớ lại những kỉ niệm thời sinh viên và những tháng năm đầu của nghề dạy học.

 

Chuyện của thời sinh viên 10 năm trước.
Tôi là một người yêu hoa, nhất là những loài hoa trắng. Theo quan niệm của nhiều người, hoa là hiện thân của cái đẹp. Và theo tôi, chỉ có những loài hoa trắng mới tượng trưng cho cái đẹp tinh khiết. Tất nhiên tôi rất tôn sùng cái đẹp tinh khiết đó. Tôi thường cùng với anh bạn chung phòng kí túc xá - cũng rất yêu hoa - nói chuyện về sở thích chung này. Anh thích nhất hoa phong lan. Trong phòng, dọc hai bên cửa sổ treo đầy những chậu phong lan xinh tươi đẹp mắt gồm nhiều loại khác nhau. Chúng được chủ nhân chăm sóc thật chu đáo. Anh vẫn thường nói đùa: “Mình rất thương các cậu nhưng mình quí “người yêu” của mình hơn”.
Chúng tôi rất hợp nhau nhưng bên trong có một điều hơi xung khắc vì tôi chỉ yêu hoa chứ không thích cây hoa nên anh ấy thường chỉ trích tôi là chỉ biết hưởng thụ chứ không biết vun trồng. Nhưng đã gọi là sở thích thì làm sao có thể thay đổi trong một sớm một chiều cho được.
Khóa học của lớp tôi là khóa cuối cùng của trường Đại học Tổng hợp TPHCM học năm đầu tại cơ sở 3 (Linh Trung - Thủ Đức). Vừa bước chân vào sân trường, tôi đã choáng ngợp trước những hàng cây hoa sứ khắp lối đi. Cái cảm giác choáng ngợp này là mối nhân duyên gián tiếp giúp tôi quen được cô bạn gái đầu tiên trong thời đại học.
Màu hoa sứ trắng tinh, hương thơm lùa trong gió khiến sáng nào trước khi vào lớp tôi cũng phải ngồi nán lại trên ghế đá dưới tàn cây sứ nhiều hoa nhất. Và sau mỗi buổi học thế nào cũng phải hái một vài nhánh đem về cắm vào bình... đựng nước (không có bình hoa) để trên bàn học, khi ngồi vào bàn vừa học vừa ngắm hoa và thưởng thức hương hoa. Có người nói, tôi lãng mạn quá. Có lẽ là như thế.
Thế rồi hôm nọ, một sự việc khá bất ngờ xảy ra với tôi. Trong giờ Tiếng Việt thực hành, một “tóc dài_ trao cho tôi tờ giấy trắng xếp tư và nói: “Gởi bạn đấy!”. Tôi ngạc nhiên cầm tờ giấy, lòng lo lắng: “Không biết vấn đề gì đây”. Tôi dùng hết “công lực” mở tờ giấy ra, trong đó ghi mấy dòng chữ: “Hoa sứ dễ thương trên cành có tội tình gì mà bạn vịn cành hái xuống?! Chẳng thấy hoa lặng yên sầu muộn hay sao?”.
Dường như có một luồng điện chạy dọc sống lưng. Tim tôi đập mạnh hẳn lên còn đầu óc thì vô cùng bối rối. Không biết trả lời sao chỉ biết nhìn chằm chằm vào tờ giấy mà miệng méo xệch... Trong giây phút gần như “chết điếng” đó, tự dưng không biết ai “dẫn lối đưa đường”, tôi chợt nhớ ra trước khi thi đại học, ngoại tôi có dặn: “Vào phòng thi bình tĩnh là đậu 50%”. Tôi hít thở thật mạnh, cố gắng vượt khỏi kì thi này. Cuối cùng cũng nghĩ ra hai câu thơ... lãng xẹt:
 “Bởi vì chưa có người yêu
Hái nhành hoa để sớm chiều ngắm hoa”
(Hai câu thơ trên sau này có người “diễn” lại thành một bài thơ như sau:
“Chưa có người yêu
Nên hái hoa nhiều
Để sớm để chiều
Ngắm hoa đỡ nhớ!”
Bài thơ càng... lãng xẹt, vì “chưa có người yêu” thì lấy ai để nhớ mà “ngắm hoa đỡ nhớ”? Mà cứ sớm chiều ngắm hoa như thế thì e rằng học kì nào cũng phải thi trả nợ mất).
“Tóc dài” vừa đọc vừa cười mím chi. Tôi thở phào nhẹ nhõm và thầm cười đắc ý cho cái sự thông minh đột xuất của mình. Dường như “tóc dài” hiểu được lòng tôi nên những lá thư tay cứ liên tiếp được chuyển qua chuyển lại trong giờ học đến khi... bị thầy nhắc nhở. Đó là lần duy nhất tôi bị thầy nhắc nhở trong suốt thời đại học!
Là người yêu hoa, thấy hoa mà không được hái thì còn gì bất hạnh cho bằng. Nhưng sau đó tôi đã nghiệm ra một điều, hái hoa là sở thích, là niềm vui chỉ của riêng tôi, còn nếu để hoa trên cành thì càng làm tăng thêm vẻ đẹp của trường lớp trong ánh mắt nhiều người, đó cũng chính là niềm vui vậy - niềm vui không của riêng ai! Tôi tự nhủ sẽ không bao giờ hái hoa nữa. Cảm ơn “tóc dài” nha!
Hiện giờ trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn không học ở cơ sở Linh Trung mà chuyển qua Tân Phú cách đó không xa. Mỗi khi có dịp đi ngang qua trường cũ, tôi vẫn nghe thoang thoảng đâu đó mùi hoa sứ, thấy thấp thoáng quanh đây nụ cười mím chi và cảm nhận trái tim trong ngực tôi đang rung nhẹ. Lúc ấy, nếu trái tim kia có sự đồng cảm, chắc nó cũng đang rung nhẹ và trước mắt người chủ của nó cũng sẽ hiện ra một khoảng trời đầy hoa sứ trắng.
Chuyện của thời sinh viên tám năm trước.
Nếu nhân duyên đưa tôi gặp cô bạn gái đầu tiên là cảm giác choáng ngợp trước hàng cây hoa sứ thì nhân duyên đưa tôi gặp cô bạn gái thứ hai là... trái mù u. Mặc dù là con trai, lại đã là sinh viên giữa khóa nhưng tôi rất nhút nhát và từng bị xem là chàng công tử bột trong mắt các sinh viên nữ. Nếu không có trái mù u thì chắc gì tôi có cơ hội làm quen với cô bạn gái này (là cô bạn gái thuộc hàng số nhiều của tôi đấy chứ).
Bữa nọ, trong giờ giải lao, một sinh viên nữ cùng lớp lần đầu tiên tôi biết mặt (nhờ đang đứng trước mặt tôi) bước đến mỉm cười và thỏ thẻ: “Nghe nói quê T. có nhiều mù u lắm. Khi nào nghỉ tết lên nhớ đem cho B. một trái tươi và một trái khô nhé”. Nhút nhát không có nghĩa là không biết lịch sự. Tôi cũng cười rất nhẹ nhàng và trả lời đồng ý. Lúc ấy tôi thật sự ngạc nhiên. Sao cô ấy lại biết tên mình và biết cả quê mình nữa chứ trong khi mình thì chưa hề biết tí gì về cô ấy cả? Có lẽ cuộc sống khá khép kín của tôi là một thiệt thòi chăng? Tự dưng cảm thấy lòng vui vui vì không ngờ có người “quan tâm” đến mình. Nhưng rốt cục thì cô ấy là ai? Tôi không trực tiếp hỏi mà âm thầm tìm hiểu (!) ở người bạn trai cùng phòng kí túc xá. Thì ra, đó chính là một nhà thơ “sinh viên” và sau này trở thành nhà thơ thật thụ với bút danh là T.B.
Tôi là người có nhiều nhược điểm, ngoài tính nhút nhát còn rất hay quên. Thế nhưng lại không quên tìm trái mù u cho cô bạn vừa biết mặt. Chưa bao giờ kì nghỉ tết lại dài đối với tôi như vậy. Chưa bao giờ trái mù u lại có ý nghĩa với tôi như vậy. Để rồi sau khi nhận hai trái mù u từ tay tôi cũng với nụ cười mỉm và lời cảm ơn thỏ thẻ, cô bạn đã viết tặng tôi bài thơ khá dài và dễ thương về trái mù u. Chúng tôi thân nhau hơn từ đó. Tôi tự hứa sẽ giữ mãi bài thơ như một bảo vật trong đời. Nhưng... Nhưng... Không muốn đổ lỗi, nhưng do tính hay quên lại do đôi ba lần thay đổi chỗ ở mà tôi đánh mất bài thơ tự lúc nào. Sau khi ra trường, chúng tôi mỗi người một việc nên cũng ít có dịp gặp nhau. Nay bỗng nhớ ra mình có một bài thơ như thế. Và lại bỗng nhớ ra mình đã vô tình quên bài thơ từ rất lâu. Vòng xoáy công việc cuốn hút người ta như những trận cuồng phong. Nó cuốn đi luôn cả những kỉ niệm êm đềm để rồi sau này khi ngồi nhớ lại, người ta sẽ cảm thấy vô cùng nuối tiếc một thời đã qua không bao giờ có lại được.
Tôi lại nghĩ, cũng do đánh mất những kỉ vật nên người ta mới có những phút giây nuối tiếc. Có những phút giây nuối tiếc mới càng thấy được giá trị của tình cảm. Và như thế, người ta sẽ biết trân trọng hơn những tình cảm đang có và sẽ có để cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa. Chỉ còn một điều làm tôi cảm thấy không yên tâm, không biết trái mù u ấy có giống với trái mù u trong bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến hay không mà sao đến bây giờ cô bạn ấy vẫn chưa chịu lấy chồng.
Chuyện bắt đầu đời giáo viên và chuyện bây giờ.
Tôi đi dạy được hơn sáu năm. Khoảng thời gian không dài so với đời người và so với tuổi nghề của các thầy giáo lão thành nhưng lại không ngắn đối với một thầy giáo trẻ. Nhưng dù dài ngắn thế nào nó cũng đã để lại trong tôi nhiều niềm vui nỗi buồn khó tả. Thôi thì nỗi buồn hãy tạm gác lại một bên để khi một mình ngồi đối diện cuộc đời mà chiêm nghiệm. Chỉ xin tâm sự những kỉ niệm vui để nhân lên thành muôn vạn niềm vui.
Sinh viên Xã hội Nhân văn đa số là nữ. Sinh viên thì mấy ai không “quậy”, nhất là sinh viên nữ khi họ biết mình là phái... yếu mà đẹp. Năm đầu tiên sau khi ra trường, tôi được phân công hướng dẫn sinh viên đi thực tập thực tế ở tỉnh. Để xác định cách xưng hô thích hợp với cán bộ hướng dẫn trẻ, các cô công khai tuyên bố: “Thích thì gọi bằng thầy, thương thì gọi bằng anh!”. Trời ạ! Thú thật, thương hay thích, tôi đều muốn cả. Vậy thì gọi thầy hay anh đều được chứ sao? Và thế mà “được” thật, bởi vì gọi bằng anh, họ cũng đối xử như thầy mà gọi bằng thầy, họ cũng đối xử như anh. Họ còn biết rằng, dù là thầy hay anh, tôi cũng rất thích chụp hình. Chẳng thế mà hết bắt tôi đóng vai chính lại nhờ tôi làm người mẫu đứng bên cạnh họ (có lẽ để làm tăng thêm vẻ đẹp của họ) trong những cuộn phim dài ngoằn. Điều đáng quí là sự tôn trọng lẫn nhau. Sau này, mỗi khi có dịp gặp lại ai trong số họ, chúng tôi đều lấy “việc cũ làm đầu câu chuyện”. Hiện nay, họ đều đã có việc làm ổn định và một gia đình yên ấm. Nhân một năm mới, tôi xin chúc tất cả được mọi điều tốt đẹp, và hi vọng rằng trong tương lai, khi nào gặp lại, họ vẫn nhớ ra tôi là người vừa là thầy vừa là anh của họ.
Lớp Hán Nôm khóa 1998 - 2002 là lớp đầu tiên tôi làm chủ nhiệm và trực tiếp giảng dạy. Nhờ làm chủ nhiệm, tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc, thân thiện với sinh viên và hiểu rõ hơn tâm tư nguyện vọng của học trò mình. Một sự thật mà tôi tâm đắc nhất là chính những lần tiếp xúc, gần gũi sinh viên như thế đã giúp tôi phần nào khắc phục tính rụt rè nhút nhát (như con gái thời xưa) của mình. Giờ đây, đa số đã có việc làm khá “ngon lành”, đặc biệt có hai người hiện là giảng viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM, và đặc biệt hơn, có hai người đã lập gia đình nhưng chỉ diễn ra một đám cưới! Lễ 20-11 vừa qua, bảy người đại diện lớp đến nhà thăm tôi, dành cho tôi những lời chúc thật là cảm động. Xin cảm ơn các bạn đã đem đến cho tôi những phút giây ấm lòng.
Đáng nhớ nhất là lớp sinh viên Hán Nôm khóa 1999 - 2003. Năm thứ tư, tôi khăn gói lên đường vượt 300 cây số xuống Bạc Liêu làm giáo viên hướng dẫn. Có thể nói, đây là lần sung sướng nhất của đời giáo viên hướng dẫn thực tập từ trước đến giờ. Cả nhóm được phân ở nhà của một sinh viên quê Bạc Liêu. Cán bộ hướng dẫn được bố mẹ sinh viên đối xử như “thầy” nhưng lại được sinh viên xem như “đứa em nhỏ”. Mỗi bữa cơm, tôi được chăm chút từng chén cơm ly nước. Mỗi buổi tối được trải chiếu giăng mùng. Lại còn được cưng yêu hết mực. Ngoài đọc duyệt bài sưu tầm, tôi chẳng hề làm động móng tay, kể cả giặt quần áo. Nhớ lần đó, các sinh viên nữ tranh nhau giặt đồ cho thầy, tôi không chịu vì... ngại. Thế là tôi bị hăm he ngay khi còn ở trong “tẩy trần thất”: “Hoặc thầy đưa ra hoặc chúng em xông vào lấy”. Eo ơi! Đúng là thứ ba học trò! Thôi thì đành chào thua vậy. Từ đó về sau, tôi đều ngoan ngoãn nghe theo sự sắp bày của họ để không xảy ra sự cố. Sau khi kết thúc đợt thực tập, tôi vừa mừng vì được trở lại làm những việc thường ngày vừa nuối tiếc những ngày rảnh rỗi.
Các khóa sinh viên sau này (kể cả sinh viên Ngữ văn, Sử, Triết) cũng đều để lại trong tôi nhiều dấu ấn không thể nào quên. Những món quà nhân ngày 20 - 11, những bài thơ bài hát tặng thầy trong các ngày lễ, những lời quan tâm hỏi han khi thấy sức khỏe thầy có dấu hiệu không tốt, những mẩu chuyện ngắn viết về thầy trên Văn học tuổi xanh... Tất cả vẫn còn trong tôi như mới ngày nào. Tôi thật sự cảm thấy rằng mình đã chọn đúng nghề và suốt cuộc đời này tôi không thể xa rời những con người sinh viên hiện tại và những bóng hình sinh viên quá khứ. Đương nhiên, tôi sẽ rất hân hoan trao và nhận những tình cảm chân thành với các thế hệ tương lai. Hãy cho tôi thì thầm với các bạn một điều rằng: các bạn chính là những Bông hoa quí nhất trong vườn hoa cuộc đời.
TP.HCM những ngày đầu năm 2005

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63661159
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4877
17595
63661159

Thành viên trực tuyến

Đang có 1092 khách và không thành viên đang online

Danh mục website