Trần Phong Sắc (1873?-1928?)([1]) là nhà văn, soạn giả cải lương, dịch giả tiểu thuyết Trung Quốc nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ 20. Tên thật là Trần Đình Diệm, bút danh Đằng Huy, tự là Phong Sắc([2]). Người làng Tân An, tỉnh Tân An, nay thuộc thành phố Tân An, tỉnh Long An.
Trần Phong Sắc vốn xuất thân là thầy giáo dạy chữ Hán và Luân lý ở trường tỉnh Tân An. Sinh ra và lớn lên ở buổi giao thời, ông thừa hưởng cả nền Hán học và tân học, giỏi cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ La tinh. Yếu tố này đã trở thành lợi thế cho sự nghiệp dịch thuật, trước tác của ông sau này. Tính cách ông khác người, không chuộng lợi danh, thích nơi tĩnh lặng, thường ăn vận giản dị có phần lôi thôi, lại dạy môn học bị cho là “cổ lỗ sĩ” trước nền tân học, ông thường bị đồng nghiệp và bạn bè trêu chọc([3]). Tuy nhiên, nền tân học và những lời chê bai, dè bỉu không làm ông thay đổi bản tính của một người sống chí tình chí nghĩa, sống đẹp với mọi người, trung thành với đạo Thánh hiền. Điều đó thể hiện cụ thể qua việc phụng sự mẫu thân, đối nhân xử thế, bốc thuốc từ thiện, nghề dạy học và cả sự nghiệp dịch thuật, sáng tác.
Khoảng năm 1889, Trần Phong Sắc lên Sài Gòn bắt đầu sự nghiệp văn chương. Ông cộng tác với các báo Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn với tác phẩm đầu tay là bản dịch Nhạc Phi diễn nghĩa (cùng dịch với Phụng Hoàng San) in năm 1905 và một số bài viết, bài dịch cổ văn. Từ đó cho đến cuối đời là hàng loạt dịch phẩm tiểu thuyết Trung Quốc (dưới đây gọi tắt là dịch phẩm), tác phẩm văn chương, bài ca cổ điển, tuồng cải lương và một số tác phẩm thuộc các thể loại khác ra đời. Có lẽ biết trước “đa tài đoản mệnh”, ông dành hết khoảng thời gian hơn ba mươi năm làm nghề miệt mài lao động, miệt mài sáng tạo để đóng góp cho đời một gia tài văn chương đáng ngưỡng mộ. Cho đến năm 1929-1930, tức sau khi ông mất một hai năm, người ta còn công bố lần đầu tiên vở tuồng Quan Công thất thủ Hạ Bì và dịch phẩm Thanh Xà Bạch Xà diễn nghĩa của ông. Mặc dù dịch nhiều, viết khỏe nhưng Trần Phong Sắc không sống được bằng nghề văn chương, trái lại ông sống đúng nghĩa là một trí thức nghèo, khắc khổ, đến cuối đời chết trong nghèo túng.
Tác phẩm của Trần Phong Sắc thuộc nhiều lĩnh vực: sưu tầm, phiên âm, dịch thuật, sáng tác; nhiều thể loại: thơ, phú, truyện thơ, văn tế, tiểu phẩm, luận thuyết, truyện ký, truyện kiếm hiệp, tuồng, luân lý, khoa học tự nhiên. Về số lượng tác phẩm sáng tác và dịch thuật của ông, các tài liệu đều ghi không giống nhau. Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930 (Bằng Giang, Nxb. Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, 1992) ghi tất cả 59 đầu sách, trong đó có 11 tác phẩm đồng tác giả, 18 đầu dịch phẩm với non năm ngàn trang. Từ điển văn học (bộ mới, Chủ biên: Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá, Nxb. Thế Giới, 2004) cũng ghi theo Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930. Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tập 2: Văn học - Báo chí - Giáo dục (Nxb. Tp.HCM, 1998) ghi khoảng 20 bộ dịch phẩm và có liệt kê một số tác phẩm khác. Trần Phong Sắc cuộc đời và sự nghiệp (Khấu Thị Thanh Tâm, Nxb. Thanh Niên, 2010) ghi tổng cộng là 62 đầu sách, trong đó có 25 bộ dịch phẩm. Có tài liệu không ghi tổng số mà chỉ ghi dịch phẩm như Tân An ngày xưa (Đào Văn Hội, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, 1972) ghi hơn 40 bộ dịch phẩm. Trong đó Tân An ngày xưa ghi số lượng dịch phẩm nhiều nhất nhưng không đáng tin cậy vì chỉ ghi theo trí nhớ của tác giả, không có liệt kê một dịch phẩm nào. Chúng tôi cũng có thống kê sơ bộ từ các tài liệu hiện có, riêng dịch phẩm đã được ba mươi ba bộ, tuồng 14 vở, chưa kể các loại khác. Ở lĩnh vực nào ông cũng có thành tựu đáng kể, nếu không nói là đạt đến đỉnh cao, đặc biệt là dịch thuật, sáng tác văn chương và soạn tuồng.
Lĩnh vực dịch tiểu thuyết Trung Quốc sang chữ Quốc ngữ La tinh([4]): Nhạc Phi diễn nghĩa (27 tập, 1905), Phong thần diễn nghĩa (1906), La Thông tảo bắc (1906), Tam hạ Nam Đường diễn nghĩa (1906), Vạn Huê lầu diễn nghĩa (1906), Tiết Đinh San chinh tây (1907), Anh hùng náo tam môn giai (1907), Du long hí phụng Chánh Đức du Giang Nam (1907), Tây du diễn nghĩa (1907), Hậu anh hùng (1908), Bắc du Chơn Võ truyện (1909), Nam du Huê Quang truyện (1910), Tùy Đường truyện (1910), Ngũ hổ bình nam hí văn (1911), Triết phu giới phụ (1915), Ngũ hổ bình tây, Dương Văn Quảng bình nam, Tiết Nhơn Quý chinh đông, Thập nhị quả phụ chinh tây, Phi Long diễn nghĩa, Phong kiếm xuân thu, Thuyết Đường, Tây Hán, Đông Hán, Quần anh kiệt, Phấn trang lầu, Tái sanh duyên, Tam hạp minh châu bửu kiếm, Càn Long hạ Nam Giang, Đông du bát tiên, Đinh Lưu Tú, Bạch Xà Thanh Xà diễn nghĩa… Trong đó có một số dịch phẩm được tái bản ở những năm sau đó khi dịch giả còn sống, như Tây Du diễn nghĩa tái bản lần thứ nhất năm 1909, lần thứ hai năm 1914; La Thông tảo bắc tái bản năm 1923… Tất cả dịch phẩm của Trần Phong Sắc đều được nhà in Joseph Nguyễn Văn Viết, Đinh Thái Sơn, Đặng Lễ Nghi xuất bản.
Một trong những dịch phẩm độc đáo là Bình Sơn Lãnh Yến toàn ca (thơ tứ tài tử, 1923). Từ nguyên tác văn xuôi chữ Hán, Trần Phong Sắc đã dịch sang chữ Quốc ngữ bằng thể thơ lục bát một cách tài tình, điêu luyện. Nhờ thế, dịch phẩm đáp ứng được cả hai thị hiếu của đại đa số độc giả Việt Nam, đặc biệt là người Nam Bộ, là mê vần điệu lục bát của dân tộc và mê tiểu thuyết Trung Quốc.
Văn dịch của Trần Phong Sắc có nét biến ảo lung linh, không hoàn toàn câu nệ vào nguyên tác. Dưới ngòi bút họ Trần, “tình nghĩa thầy trò thiêng liêng được miêu tả một cách vô cùng thân ái song không kém nghiêm minh, như đoạn Thái Ất mượn tay đạo hữu là Văn Thù sửa trị tánh nết hung hăng của Na Tra Linh châu tử”([5]). Tả cảnh hai tướng đánh nhau, lời văn ngắn gọn nhưng ngữ khí mạnh mẽ dứt khoát, sát khí xung thiên: “Kỳ phùng địch thủ, tướng ngộ lương tài, một qua một lại, một tới một lui, bốn mươi hiệp cầm đồng.” (Phong thần diễn nghĩa) Câu văn không chỉ vẽ ra một cuộc tương tranh quyết liệt mà còn được dịch giả vận dụng linh hoạt như những từ tượng thanh khiến người đọc như nghe văng vẳng bên tai tiếng binh khí va chạm nhau chan chát. Người đọc không chỉ được thấy, mà còn được nghe. Chính nhờ lời văn súc tích, linh hoạt, vừa cân đối trôi chảy, vừa bóng bẩy văn hoa khiến cho dịch phẩm dễ dàng đi vào lòng công chúng, được mọi tầng lớp trong xã hội đón nhận, như Đào Văn Hội đã nói: “Phụ nữ nhi đồng đọc mấy pho truyện [của] ông đã say mê mà hạng lão thành, nhà trí thức xem càng thích thú.”([6])
Một trong những giá trị thực tế của dịch phẩm của Trần Phong Sắc là, không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí đơn thuần của độc giả mà ảnh hưởng của chúng đã góp phần hình thành một nhân sinh quan, một lối sống đặc biệt thể hiện luân lý của người dân Nam Bộ đầu thế kỷ trước qua những câu châm ngôn “Trọng nghĩa khinh tài”, “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”, “Hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly”… Đồng thời, qua dịch phẩm của ông, hình ảnh và tính cách của nhân vật trong tiểu thuyết Trung Quốc trở thành những hình tượng ví von sinh động trong cách biểu đạt của người Việt, góp phần làm giàu tiếng Việt, như nói “Đa nghi như Tào Tháo”, “Ăn như Hạ Hầu Đôn”, “Xấu như Chung Vô Diệm”, “Đa mưu túc trí như Khổng Minh”. Thật có lý khi từ hơn 80 năm trước, báo Phụ nữ tân văn - tuần báo lừng danh nhất dành cho nữ giới ra đời năm 1929 - đã nhận xét về tài dịch thuật của ông: “Mấy ông Trần Phong Sắc, Nguyễn An Khương và Nguyễn Chánh Sắt là những tay dịch thuật trứ danh ở Nam Kỳ này.”([7]) Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh còn khẳng định hơn khi cho rằng trong số gần 30 dịch giả từ năm 1901 đến 1932 thì “nổi tiếng nhất là Trần Phong Sắc và Nguyễn Chánh Sắt…” (tr.270). Trong cả hai tài liệu trên, cái tên Trần Phong Sắc đều được đặt ở vị trí đầu tiên.
Ở lĩnh vực sáng tác văn chương, Trần Phong Sắc sáng tác bằng cả hai loại văn vần và văn xuôi. Một số tác phẩm tiêu biểu: Thơ Phạm Công, Hậu Vân Tiên diễn ca (1925), Tân soạn cổ tích (1910), Chuyện khôi hài (1913), Kim Vân Kiều án (1914), Bán dạ phi đầu (tập 1, 2 năm 1925; tập 3, 4 năm 1926)([8]), Tân tiếu lâm…
Giống như hai tác giả Nam Bộ nổi tiếng cùng thời là Hồ Biểu Chánh (1885-1958) và Nguyễn Chánh Sắt (1869-1947), Trần Phong Sắc đi từ dịch thuật đến sáng tác, tuy có muộn hơn đôi chút. Trong nghề sáng tác ông lại đi từ văn vần (thơ, truyện thơ) đến văn xuôi. Hậu Vân Tiên diễn ca là một truyện thơ được ông sáng tác kế tục truyện Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu) sau khi phiên âm Lục Vân Tiên sang chữ Quốc ngữ La tinh. Đây là tác phẩm tiêu biểu cho thể loại truyện thơ của ông, cũng là tác phẩm đánh dấu bước “quá độ” của ông từ sáng tác văn vần đến văn xuôi. Việc phiên âm và viết tiếp tác phẩm này cùng việc viết Thơ Phạm Công cho thấy ông không chỉ say mê dịch tiểu thuyết Trung Quốc và soạn cải lương từ các tích của Trung Quốc mà cũng có niềm say mê đối với các tác phẩm văn học cổ Việt Nam. Mục đích chính viết truyện thơ Hậu Vân Tiên diễn ca hai ngàn câu lục bát này thể hiện đầy đủ qua nội dung của nó: Các nhân vật chính diện đều trở thành thần tiên, đời con của họ nhờ âm đức của đấng sinh thành mà được vinh hoa, hiển đạt; Đời con của các nhân vật phản diện vì ác nghiệp do cha mẹ gây ra mà trở thành gian tặc, trộm cướp, lại tiếp tục gây ra ác nghiệp. Trần Phong Sắc là một Phật tử tu tại gia nên thuyết nhân quả đã được thể hiện cao độ trong tác phẩm. Sự xung đột, đấu tranh giữa hai thế lực chính tà vẫn luôn tiếp diễn, nhưng bằng luật nhân quả, cuối cùng người chính trực luôn chiến thắng bọn gian tà.
Trần Phong Sắc cũng là người có tài xướng họa và khẩu chiếm. Ông bắt đầu tham gia viết thơ xướng họa đăng trên Nông cổ phím đàm, Lục tỉnh tân văn từ những năm 1889-1900. Năm 1920, quan Huyện Ngô Văn Chiêu([9]) (1878-1932) đổi đi trấn nhậm Hà Tiên, Toà hành chánh tỉnh làm lễ tiễn đưa, Trần Phong Sắc và Cao Văn Lỏi cũng tiễn hành ngài, có làm bài thơ chúc như sau:
Mừng nay quan Huyện đổi Hà Tiên,
Có đức trời cho đặng có quyền.
Trăm dặm Vũng Gù([10]) còn tiếng mến,
Một đường sau trước nổi danh hiền.
Hòn Nghê cầm báu đưa theo gió,
Đảnh Hạc hoa tươi rặm tới triền.
Âm chất sẽ ngồi xe ngựa mãi,
Trùng phùng đồng ước hội đào viên!
Tài nghệ đặc biệt của Trần Phong Sắc là biết kết hợp hài hòa hai sở trường sáng tác văn chương và dịch tiểu thuyết Trung Quốc. Với tài nghệ này, ông đã góp phần làm mới dịch phẩm của mình bằng tâm hồn thi sĩ. Trong khi dịch tiểu thuyết Trung Quốc, thỉnh thoảng ông chen vào bản dịch một vài bài thơ tự sáng tác, vừa làm phong phú thêm cho dịch phẩm vừa để giãi bày tâm sự hoặc gởi gắm lời nhắn nhủ khuyên răn. Tiêu biểu như ở cuối bài tựa viết cho truyện Phong thần, ông sáng tác bài thơ thất ngôn tứ cú như sau:
Trằn trọc đêm thanh mấy khắc chầy,
Phong thần diễn nghĩa giải niềm tây.
Sắc tài phép tắc bày ra đủ,
Chép để khuyên răn phỉ nguyện này.([11])
Những bài thơ do ông sáng tác đưa vào dịch phẩm cho thấy ông dịch không phải chỉ vì đam mê cá nhân, càng không phải vì tiền, mà còn thông qua dịch phẩm gởi gắm cho đời những lời khuyên răn tâm huyết.
Lĩnh vực soạn bài ca cổ điển và tuồng cải lương: Trong tập Cầm ca tân điệu do nhà in Joseph Nguyễn Văn Viết Sài Gòn in năm 1925, Trần Phong Sắc sưu tập gần như đầy đủ các bản đờn và lời ca cổ lúc bấy giờ, trong đó ông đặt lời cho nhiều bài ca theo điệu có sẵn (mặc dù ông không biết nhạc) mà nhiều danh ca cổ nhạc Nam Kỳ thời đó rất ưa thích, như: Lưu thủy hành vân, Long hổ hội, Ngũ điểm, Bài tạ, Khổng Minh toạ lầu, Tây Thi, Cổ bản, Phú lục, Bình bán vắn, Xuân tình, Tứ đại cảnh, Tứ đại oán, Văn Thiên Tường, Cửu khúc Giang Nam...
Không dừng lại ở việc viết lời bài ca cổ, Trần Phong Sắc còn tiến thêm một bước: soạn tuồng cải lương. Ở lĩnh vực này, sở trường dịch tiểu thuyết Trung Quốc của ông lại được thăng hoa. Nhiều vở tuồng được ông soạn dựa vào tiểu thuyết Trung Quốc sau khi đã dịch thành công những bộ tiểu thuyết này. Nhân vật, sự kiện, tình tiết của tiểu thuyết Trung Quốc ngoại lai được ông tái sáng tạo thành những vở tuồng sinh động, phù hợp với tâm lý và thị hiếu của độc giả trong nước. Công chúng sau khi nhiệt liệt đón nhận những bộ dịch phẩm lại hân hoan thưởng thức những vở tuồng đặc sắc. Tổng cộng ông soạn 14 vở tuồng rút từ lịch sử và tiểu thuyết Trung Quốc, tiêu biểu như: Tiết Đinh San chinh tây (1913), Lý Đáng Phụng Kiều (1914), Tam khí Phàn Lê Huê (1917), Nguyện Hà tầm phu (1925), Nguyệt Kiều xuất gia (1925), Sát thê cầu tướng (1927), Đắc Kỷ nhập cung (1927), Khương Hậu thọ oan (1927), Hạng Võ biệt Ngu Cơ (1928), Trảm Trịnh Ân (1928), Quan Công thất thủ Hạ Bì (công bố năm 1929), Đinh Lưu Tú… cho các đoàn hát ở Nam Kỳ lúc ấy. Ngoài những tích truyện của Trung Quốc, ông cũng soạn tuồng có đề tài tâm lý xã hội mang màu sắc hiện đại như Tham phú phụ bần, cũng được nhiều người ưa thích. Đặc biệt, vừa là soạn giả vừa là đạo diễn của các tuồng hát nổi tiếng, ông được mệnh danh là một trong ba “Thầy tuồng” nổi tiếng nhất đương thời([12]).
Sự nghiệp trước tác của Trần Phong Sắc còn được biết đến với vai trò là nhà soạn sách luân lý và giáo dục: Nữ trung bá hạnh (1922), Chủng tử tu tri (1924), Sĩ hữu bá hạnh (1925), Ấu viên tất độc (1925), Vệ sanh thực trị (1928). Với các sách này, có thể nói Trần Phong Sắc là người Việt Nam đầu tiên viết sách học làm người.
Ấu viên tất độc (Gái thơ phải đọc) và Nữ trung bá hạnh là hai bộ sách có giá trị, cần thiết cho đối tượng nữ sinh, có nội dung mới mẻ, tiến bộ nhất đương thời. Ngoài công, dung, ngôn, hạnh, nội dung sách còn hướng dẫn việc học tập của nữ sinh về những vấn đề từ cách sinh hoạt, ăn uống, cho đến cách phòng chữa bệnh phụ nữ, chuyện hôn nhân, gia đình…; nội dung sách cũng có tính chất thời sự, nêu lên quan điểm về giáo dục, sinh hoạt xã hội, phong tục tập quán của Việt Nam. Giá trị to lớn của Ấu viên tất độc được thể hiện rõ ràng qua việc Thống đốc Nam Kỳ và Toàn quyền Đông Dương cho phép dùng làm sách giáo khoa bậc tiểu học. Nữ trung bá hạnh và các sách còn lại cũng được chính quyền thực dân chọn làm sách tham khảo cho bộ môn Luân lý học, trong đó Sĩ hữu bá hạnh là kim chỉ nam cho nam giới trau dồi đức hạnh, Chủng tử tu tri bao gồm những kiến thức cần thiết trong việc nuôi dạy con cái, Vệ sanh thực trị là cẩm nang y học phổ thông và ẩm thực dưỡng sinh.
Như vậy, sách luân lý, giáo dục của Trần Phong Sắc dành cho mọi đối tượng. Nghề dạy học đã giúp Trần Phong Sắc có đủ kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm viết nên những quyển sách này, truyền đạt những điều cần thiết và căn bản về nhiều mặt cho mọi đối tượng. Đối tượng tiếp nhận sẽ trở thành người truyền đạt lại cho các thế hệ mai sau. Có thể thấy các bộ sách này không chỉ có giá trị nhất thời.
Ngoài những loại chính trên, Trần Phong Sắc còn viết và dịch vài tác phẩm thuộc loại khác như tôn giáo, tín ngưỡng (Minh Thánh kinh, 1920; Tam Tạng xuất thế, 1925; Lão nhơn đắc ngộ, 1926; Tịnh độ yếu ngôn, 1926; Tây quy trực chỉ, 1927; Cao thượng Ngọc Hoàng bản hành, 1928), lịch sử (Hậu phi hoàng tử, trích Đại Nam chính biên liệt truyện, 1926) hoặc dựa vào bổn xưa có sửa lại và bổ thêm (Vần Quốc ngữ có phụ Tiếu lâm và Khuyến hiếu ca - Huấn sĩ ca, 1911).
Cùng với các dịch giả, tác giả đương thời, Trần Phong Sắc đã có đóng góp to lớn vào lĩnh vực văn học nghệ thuật nước nhà. Không những thế, thành tựu của Trần Phong Sắc có phần nổi trội hơn nhiều người khác, cả về lĩnh vực sáng tác, thể loại sáng tác và phạm vi ảnh hưởng. Tiếc rằng trước nay, trong số các tác giả và công trình nghiên cứu rải rác trên đây, chỉ có Khấu Thị Thanh Tâm là nghiên cứu khá chuyên sâu về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Chỉ bao nhiêu đó là chưa công bằng cho một con tằm dành cả cuộc đời nhả tơ cho người dệt gấm. Với gia cảnh khốn cùng và tuổi đời ngắn ngủi, để có được thành tựu như thế, chắc chắn ông đã phải làm việc gấp đôi mọi người. Cống hiến của ông vì thế cũng rất đáng trân trọng. Trần Phong Sắc xứng đáng có một vị trí cao trong văn học sử Việt Nam!
Nguồn: Một số nhân vật lịch sử đất phương Nam, NXB. Hồng Đức - Tạp chí Xưa và Nay, quý 2 năm 2015.
Nguyễn Đông Triều
[1] Về năm sinh của Trần Phong Sắc, trong Các giai thoại Nam Kỳ lục tỉnh, mục “Trần Phong Sắc”, tác giả Hứa Hoành ghi là 1878 (không ghi năm mất). Chắc chắn không đúng, vì Từ điển văn học bộ mới (Chủ biên: Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá, Nxb. Thế Giới, 2004) cho biết năm 1889 Trần Phong Sắc lên Sài Gòn viết báo. Nếu sinh năm 1878, lúc này ông mới hơn 10 tuổi đầu. Một số tài liệu khác đều ghi năm 1873.
[2] Chữ Diệm tên ông viết chữ Hán là 艷 (cũng đọc là diễm) gồm chữ phong 豐 và chữ sắc 色. Phong Sắc là kiểu chiết tự từ chữ Diệm.
[3] Đào Văn Hội, trong sách Tân An ngày xưa xuất bản năm 1972, kể rằng: “Trần Phong Sắc xấu người, ông mang một đầu tóc to tướng, nước da ngâm ngâm đen, mắt lé nặng… Đi dạy học, ông bịt chiếc khăn nhiễu đã phai màu, mặc cái áo xuyến dài cũ, cặp cây dù đen, mang đôi giày hàm ếch thật là xập lết.” (tr.27) “Gần bốn mươi tuổi đầu, ông tái giá cùng một cô thôn nữ. Có người cắc cớ hỏi ông sao không kết hôn cùng một góa phụ khoảng ba mươi đến bốn mươi, có phải là xứng đào xứng kép chăng. Ông bảo rằng thà là cưới con gái đồng trinh, còn đàn bà góa chồng phải để cho người ta thủ tiết thờ chồng mới phải đạo Thánh hiền cho.” (tr.28) “Ông ở xóm Ngã tư một cái nhà ngói ba căn sùm sụp, trước nhà có một hàng rào bằng cây, ông quét nước vôi trắng toát rồi viết chữ Nho đầy cả mấy thanh gỗ hàng rào. Chiếc cửa ngõ nhà ông gồm hai trụ gạch, trên ông gác một tấm đá xanh to, dày một tấc, rộng bốn mươi phân, dọc một thước hai. Vài công chức hóm hỉnh ngâm câu thơ mỉa mai: Tỉnh Tân An có động Trần Phong.” (tr.28) Xem bức ảnh trên, Trần Phong Sắc đâu đến nỗi xấu như lời kể của ông Đào Văn Hội?
[4] Một số dịch phẩm kê ra ở đây tham khảo từ Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, Nxb. Văn Hóa, tái bản năm 1994), Từ điển văn học bộ mới (sđd.), Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (sđd.). Vài tác phẩm ghi niên đại khác nhau giữa các bộ sách trên, như hai tác phẩm Ấu viên tất độc, Sát thê cầu tướng, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam lần lượt ghi năm 1924, 1925, nhưng Từ điển văn học bộ mới ghi là 1925, 1927… Ở đây chúng tôi tạm ghi theo Từ điển văn học bộ mới.
[5] Đào Văn Hội, sđd., tr.27.
[6] Đào Văn Hội, sđd., tr.26.
[7] Phụ nữ tân văn, số 60, ngày 10 tháng 7 năm 1930.
[8] Bộ truyện này Bằng Giang nói là sáng tác (sđd., tr.164), nhưng cuối truyện ghi là “Người dịch: Kính khái”. Nội dung truyện cho thấy không gian truyện là ở Trung Quốc nên có lẽ đây là truyện dịch.
[9] Ngô Văn Chiêu là người sáng lập Cao Đài Đại Đạo (Tam Kỳ Phổ Độ).
[10] Vũng Gù: Tên cũ của Tân An.
[11] Chữ đầu của bốn câu ghép lại thành “Trần Phong Sắc chép”.
[12] Hai “Thầy tuồng” nổi tiếng còn lại là Trương Duy Toản (1885-1957) và Nguyễn Trọng Quyền (1876-1953).