Một số vấn đề về văn bản, kết cấu và nội dung truyện nôm Lâm Sanh tân thơ

 A.Giới thiệu văn bản:
 I. Về bản Nôm:
 

Lâm Sanh tân thơ (Lâm Sanh Xuân Nương) là một truyện Nôm bình dân Nam bộ. Bản Nôm do ông Trần Thanh Nhã (cử nhân Hán Nôm) sưu tầm được ở Tiền Giang. Sách gồm 23 trang in 2 mặt, mỗi trang 26 cột (riêng trang cuối cùng 24 cột), viết theo thể thơ lục bát được sắp xếp trên 6 dưới 8 theo mỗi cột từ phải sang trái.

 

Toàn bộ văn bản có 1077 câu lục bát và 3 bài văn điếu:

 

-Bài 1 ở trang 10b, chiếm 11 cột;

 

-Bài 2 ở trang 18a, chiếm 13 cột;

 

-Bài 3 ở trang 18b và 19a, chiếm 18 cột.

 

Hình thức và cách trình bày truyện Nôm này không có gì khác biệt so với các truyện Nôm khác, chữ được khắc in từ bản gỗ, khổ chữ to, rõ nét (5*8 mm). Phía bên phải đầu trang nhất, ngoài tựa sách là Lâm Sanh tân thơ ở trên, ở dưới còn có hàng chữ đã mờ và mất mấy chữ cuối Việt Đông Phật trấn Bảo Hoa... (phần mất này có lẽ là hai chữ các bản). Trên lề từ trang 2 đến trang cuối đều có ghi Thoa tích Lâm Sanh vãn Xuân Nương truyện ở trên và Bảo Hoa các bản ở dưới (Bảo Hoa các: tên nhà xuất bản), ở giữa là số trang.

 

Sách bị mất tờ bìa lại là một tác phẩm khuyết danh nên khó xác định nguồn gốc tác phẩm. Do bảo quản không kỹ nên ruột sách bị mối ăn khoảng 4 – 7 chữ ở các trang 1ab, 2ab, 3ab, 4ab gây khó khăn cho việc phiên âm, chú giải và khảo dị.

 

Ngoài tờ bìa và 4 trang trên, bản Nôm còn bị mất trang 11ab trong đó có phần cuối của bài văn tế 1 (phần mất còn lại là 38 câu ở bản A, 58 câu ở bản B).  Nội dung của phần bị mất – dựa theo hai bản quốc ngữ chúng tôi hiện có - là hồn Xuân Nương hiện về báo mộng cho cha mẹ hay nàng đã bị mẹ chồng đánh chết.

 

II. Về các bản quốc ngữ:

 

Ông Trần Thanh Nhã cho biết “đã tra cứu thư mục kho sách Hán Nôm ở viện Hán Nôm Hà Nội, Thư viện Khoa học Xã hội tại TP.Hồ Chí Minh và một số thư viện ở các tỉnh đều không có tựa đề truyện thơ này”(1). Chúng tôi chưa có điều kiện đi Hà Nội vào các thư viện để tìm. Tại TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi cũng chưa tìm được bản Nôm nào mà chỉ tìm được hai bản quốc ngữ cùng có tựa là Lâm Sanh tân thơ :

 

1. Bản A (tìm được ở hiệu sách cũ): gồm 1114 câu (và 3 bài văn tế), soạn giả Nguyễn Bá Thời, NXB Thuận Hoà, không ghi năm xuất bản. Bản này gần với bản Nôm hơn.

 

2. Bản B (ở Thư viện Khoa học Xã hội): gồm 1220 câu (và 3 bài văn tế) soạn giả Nguyễn Kim Đính, NXB Phạm Văn Cường, xuất bản năm 1967. Có lẽ khi tra cứu ở Thư viện Khoa học Xã hội, ông Trần Thanh Nhã chỉ chủ ý tìm bản Nôm nên không tìm thấy bản quốc ngữ này.

 

Ngoài ra, ông Trần Thanh Nhã còn tìm được một bản chữ quốc ngữ nữa có tựa là Lâm Sanh Xuân Nương thơ của Võ Khấu Nghi, ấn bản Nguyễn Quới Loan, NXB Xưa Nay, Sài Gòn, 1932 (2). Bản này chúng tôi không có.

 

Bản A nhiều hơn bản B 106 câu, rõ ràng chúng được phiên âm từ hai bản Nôm khác nhau. Hai bản Nôm này chắc chắn đã được nhuận sắc nhiều và ra đời sau bản Nôm Tiền Giang vì nội dung của chúng rõ ràng hơn, câu chữ vần điệu tinh luyện hơn.

 

Từ các dữ liệu trên, chúng ta thấy Lâm Sanh tân thơ có ít nhất là bốn bản Nôm khác nhau. Điều này chứng tỏ Lâm Sanh tân thơ đã từng được phổ biến, yêu thích, có nhiều người sao chép, sửa chữa, bổ sung nhưng trải qua thời gian dài đã bị thất lạc, mai một. Hy vọng các bản còn lại sẽ được phát hiện trong thời gian gần đây.

 

So sánh các văn bản trên, chúng tôi nhận thấy cốt truyện thì giống nhau nhưng về ngôn từ thì khác xa. Ví dụ, cùng nói về cảnh hội ngộ giữa Lâm Sanh và Xuân Nương sau khi Xuân Nương được Ngọc Hoàng cho trở về trần gian, bản Nôm ghi là:

 

                     “Trạng nguyên thấy thơ mới hay

 

               Hỏi nàng sao đặng sống rày dương gian”

 

                                                            (câu 1049 – 1050)

 

Bản A:        “Trạng nguyên nghe rõ nguồn cơn

 

               Xem đi ngắm lại thiệt duyên bạn vàng”

 

Bản B:        “Xuân Nương phân hết đuôi đầu

 

               Lâm Sanh nghe nói hột châu tuôn dầm”

 

Mặc dù bản A gần bản Nôm hơn nhưng rất nhiều câu khác nhau từ 1-5 chữ, và tuy hiếm hơn nhưng cũng có trường hợp khác nhau hoàn toàn, như ví dụ trên.

 

B. So sánh Lâm Sanh tân thơ với các tác phẩm thuộc dòng truyện Nôm bình dân:

 

I. Những điểm giống nhau:

 

Trong bài viết này, chúng tôi chủ yếu nói về những điểm khác biệt của Lâm Sanh tân thơ so với các tác phẩm khác. Nhưng vì đây là một truyện Nôm bình dân, có những điểm chung với nhóm tác phẩm ấy, nên trước tiên chúng tôi nói qua những điểm chung về hai phương diện: văn tự và văn học.

 

I.1. Về phương diện văn tự:

 

Vì là một sáng tác dân gian, ngôn từ không được trau chuốt nên ít có giá trị nghệ thuật. Giá trị chủ yếu của tác phẩm là ở phương diện lịch sử (viết bằng chữ Nôm do người xưa để lại). Giá trị thứ hai là, hợp lưu với các truyện Nôm bình dân khác, tác phẩm  đã phản ánh nội dung lớn của dòng truyện Nôm bình dân: khát vọng giải phóng, khát vọng hạnh phúc và khát vọng đấu tranh chống cái ác, chống cường quyền của người bình dân (4).

 

Nhưng điều chúng tôi muốn đề cập ở đây là cấu thức chữ Nôm và đặc điểm của nó trong quá trình khắc in.

 

I.1.1. Cấu thức chữ Nôm:

 

Cấu thức chữ Nôm có thể phần nào phản ánh được tình hình ngôn ngữ của một giai đoạn.  Đặc biệt, đối với truyện Nôm bình dân mà hầu hết các tác phẩm đó chúng ta chưa xác định được tác giả và thời gian ra đời cụ thể thì cách viết chữ Nôm sẽ giúp ích rất nhiều trong việc xác định thời gian tác phẩm ra đời (5).

 

Sau khi thống kê (bước đầu), chúng tôi nhận thấy cách viết chữ Nôm trong tác phẩm tuy chưa đầy đủ (6) nhưng cũng khá phong phú. Một loại chữ đương nhiên có trong tất cả các văn bản Nôm là mượn chữ Hán cả âm (Hán Việt) lẫn nghĩa (chiếm gần 34%). Kế đến là loại chữ giả tá âm Hán Việt (chiếm gần 30%). Các loại còn lại, đặc biệt là loại chữ sáng tạo, chiếm tỉ lệ thấp hơn nhiều. Ngay cả loại chữ hình thanh – quan trọng nhất trong các loại chữ sáng tạo – cũng chỉ chiếm gần 18%. Ngoài các loại trên, chúng tôi còn ghi nhận được các loại sau: đọc nghĩa, giả tá âm Hán Việt cổ, giả tá âm Hán Việt Việt hoá, giả tá Nôm, hội ý, hình thanh Nôm, ký hiệu phụ thêm vào chữ Hán để chỉnh âm, và phiên thiết đều chiếm tỉ lệ không đáng kể. Chúng tôi chưa kể đến trường hợp những chữ có cấu tạo không có trong cách phân loại (xem II.1.4) và những chữ còn ngờ (xem II.2.6).

 

Qua sự phân loại trên có thể thấy rằng, để cho giản tiện, tác giả dân gian thích dùng chữ có sẵn (vay mượn) hơn chữ sáng tạo. Đây là một biểu hiện của thời kỳ thứ hai của chữ Nôm(7). Nếu đúng thế thì Lâm Sanh tân thơ ra đời vào thời Lê. Nhưng thời Lê là một triều đại khá dài trong lịch sử Việt Nam (từ 1428 đến 1788). Muốn có mốc thời gian cụ thể hơn, chắc chắn cần phải nghiên cứu sâu hơn.

 

I.1.2. Chữ Nôm trong quá trình khắc in:

 

Những điểm chúng tôi nêu ra đây cũng có thể bắt gặp ở các truyện Nôm bình dân khác. Nhưng ở Lâm Sanh tân thơ lại chiếm số lượng nhiều hơn, tần số lặp lại cũng cao hơn. Đây chính là một điểm đáng chú ý của Lâm Sanh tân thơ so với các tác phẩm cùng loại.

 

a. Nhiều trường hợp dùng chữ Nôm để diễn đạt ý nghĩa của chữ Hán có cùng âm đọc: phản hồi  (âm Nôm: phản: tấm phản để nằm) thay cho (câu 295 Xuân Nghi bước xuống phản hồi)…; Dùng chữ Hán này để diễn đạt ý nghĩa của chữ Hán khác đồng âm khác nghĩa: thất thế ( thế: thay thế) thay cho ( câu 694 Giám quan thất thế vậy mà chịu lui), cho tường (tường: may mắn) thay cho (câu 63 Lại đây nhìn mặt cho tường)...; Hoặc dùng chữ Hán này diễn đạt ý nghĩa của chữ Hán khác gần giống âm đọc: lõa lồ (lo: con đường) thay cho   (câu 258 Có một cái khố che thân loã lồ), phàm tục ( tốt: cầm, vuốt) thay cho    (câu 424 Cũng như phàm tục học hành làm chi)...; Tất cả hai mươi tám trường hợp thuộc loại này.

 

b. Bên cạnh những điểm trên, trong quá trình khảo sát, chúng tôi còn thấy một số lỗi khi khắc in chữ. Lâm Sanh tân thơ được ấn hành tại Bảo Hoa các, một nhà xuất bản ở Quảng Đông (Trung Quốc), có thể người khắc in không rành chữ Nôm nên khắc sai hoặc nhầm lẫn khá nhiều chữ. Điều này buộc người phiên âm chú giải phải kiêm luôn công việc đính chính mới có thể làm sáng tỏ nội dung của tác phẩm. Ở đây, xin tạm dẫn ra những lỗi mà chúng tôi phát hiện như sau:

 

b1. Nhầm lẫn giữa chữ này với chữ khác có hình thức tương tự: chữ áo  khắc thành thu  (câu 123 Áo quần lột hết trần truồng), chữ mắt      khắc thành tướng   (câu 136 Xuân thị nước mắt nhỏ sa),...

 

b2. Khắc in thiếu hoặc dư nét: chữ tỏ khắc thành            (câu 20 Trình cùng từ mẫu tỏ tường mới hay), chữ muôn       khắc thành       (câu 632 Muôn tạ thánh đế niệm tình thứ dân),...

 

b3. Khắc in sai chữ: chữ hầu khắc thành     (câu 216 Làm sao vắng mặt chẳng hầu vào ra), chữ nói   khắc thành    (câu 239 Lâm Sanh nghe nói đau lòng),...

 

b4. Vị trí chữ trong câu bị đảo lộn, chữ trước khắc sau, chữ sau lại khắc trước: nước mắt lưng tròng  thành   ­ (câu 333 Xuân mẫu nước mắt lưng tròng), bảo quân sắm sửa    thành   (câu 819 Bảo quân sắm sửa ra đi)... Tất cả mười sáu trường hợp thuộc loại này.

 

b5. Đôi khi khắc thiếu chữ: phút chốc rẽ phân thành    (bài văn tế 3)...

 

b6. Một số trường hợp chúng tôi chưa nhận ra mặt chữ hoặc nhận ra mặt chữ nhưng đưa vào ngữ cảnh của câu thì hoàn toàn vô nghĩa, như các câu 44, 408, 436... Có hơn hai mươi trường hợp thuộc loại này.

 

            Ở đây chúng tôi chưa nói tới các trường hợp “dùng một chữ ghi nhiều âm khác nhau”, “cùng một âm viết bằng nhiều cách khác nhau”(8) xuất hiện khá nhiều trong tác phẩm vì xét thấy đây là đặc tính chung của chữ Nôm. Có điều cùng một người viết hoặc trong cùng một tác phẩm mà viết như thế là chứng tỏ người viết không nhất quán, “thiếu nghiêm túc”(8).

 

I.2. Về phương diện văn học:

 

Qua quá trình khảo sát tác phẩm, chúng tôi rút ra được một số điểm chung sau:

 

I.2.1. Viết theo thể thơ lục bát nhưng ít hợp vần điệu (thất vận, không đúng luật):

 

      “Chẳng qua là tại ông tơ

 

                                    Cho nên con trẻ ngày rày xa nhau”

 

                                                                        (câu 285 – 286)

 

 Ở các truyện thơ Nôm bình dân khác, như Phạm Tải Ngọc Hoa, Hoàng Trừu, Tống Trân Cúc Hoa,Phạm Công Cúc Hoa... (thậm chí ở truyện Nôm bác học), chúng ta đều bắt gặp hiện tượng này, như trong Phạm Tải Ngọc Hoa có đoạn:

 

                           “Nguyên xưa nó đã hỏi nàng

 

                        Trách duyên sao nỡ muộn màng cho ta

 

                             Thấy nàng lấy kẻ hàn Nho

 

                        Biện Điền từ đấy oán thu Ngọc Hoa”

 

                                                            (câu 249 – 252)

 

nhưng nó xảy ra rất ít, khi tác giả “bí vần”, các vần đó lại thường gần nhau về mặt ngữ âm (chẳng hạn, nguyên âm cùng dòng hoặc cùng độ mở như a, o, u ở ví dụ trên) nên có thể chấp nhận được. Còn trong Lâm Sanh tân thơ, hiện tượng này hầu như xảy ra ở tất cả các trang, thậm chí cả một đoạn dài với các vần hoàn toàn khác nhau:

 

                                       “Tống vương quở phán: “chẳng nên

 

                                    Tội ai nấy chịu thế mà đặng đâu”

 

                                         Lâm Sanh lật đật chạy theo

 

                                    Phút đâu đã tới pháp trường bằng nay

 

                                         Lâm Sanh thương mẹ quá chừng

 

                                    Lăn vào bèn phá ba quân rã rời

 

                                         Thà con lỗi chữ quân thần

 

                                    Chẳng thà bỏ mẹ pháp trường phân thây”

 

                                                                        (câu 681 – 688)

 

            Qua đó có thể thấy cách gieo vần của tác giả dân gian trong tác phẩm Lâm Sanh tân thơ                       khá tuỳ tiện, “phóng khoáng”.

 

I.2.2. Sử dụng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, thể hiện rõ tính cách cũng như thói quen của người bình dân, đặc biệt là người Nam bộ. Cũng có hiện tượng dùng chữ Hán như các truyện Nôm bình dân khác, đây là điều bình thường vì lúc này(3) tầng lớp bình dân nhiều người biết chữ Hán; vả lại, những chữ Hán được sử dụng ở đây đa số là thông dụng, như giáo dân, thiên công, hoá công... Thỉnh thoảng có dùng chữ Hán - có âm Hán Việt không phải là âm thông dụng hiện nay - trong cấu trúc chữ Nôm, như: Lịnh truyền sửa đại trường đà (câu 839 – đa ²  là bánh lái thuyền, được dùng để chỉ chiếc thuyền), Quân nhân bắt khấu bằng nay vội vàng (câu 716 – khấu ¦©  cũng có nghĩa là bắt lấy)... Có điều chúng ta phải lưu ý là, có thể những chữ Hán ấy lại thông dụng vào thời điểm đó?

 

I.2.3. Ít dùng điển cố. Điều này khác với các thể loại tự sự khác (và cả thể loại trữ tình) thời trung đại dùng rất nhiều điển cố. Chúng tôi thống kê được chỉ khoảng mười điển cố được sử dụng trong tác phẩm.

 

II. Những điểm khác nhau:

 

II.1. Về nội dung:

 

II.1.1. Tóm tắt nội dung (9):

 

 Nội dung tác phẩm xoay quanh nhân vật chính là nàng Xuân Nương hiền thục, trọn đạo dâu thảo vợ hiền. Nhưng sự khắc nghiệt của bà mẹ chồng đã chia lìa vợ chồng nàng. Mụ cưới Xuân Nương cho Lâm Sanh thực chất chỉ để hầu hạ con trai và bản thân mụ:

 

                                    “Tối thời trải chiếu giăng mùng

 

                             Khuya dâng trà cháo việc mình phải toan”

 

                                                                        (câu 11 – 12)

 

                                    “Đương khi mẹ ngủ trong màn

 

                             Nàng thời cầm quạt quạt mà lấy hơi”

 

                                                                        (câu 13 – 14)

 

 Làm dâu ba năm dài nhưng Xuân Nương chưa một lần hạnh phúc cũng như luôn phải chịu cảnh khổ sở nhọc nhằn:

 

                                    “Chẳng cho Lâm sĩ ăn nằm

 

                             Kết cùng Lâm thị ái ân muôn phần”

 

                                                                        (câu 7 – 8)

 

                                      “Ba năm nhan sắc chẳng tươi

 

                             Cơm ăn chẳng đặng mình gầy những xương”

 

                                                                        (câu 15 – 16)

 

Lâm sanh tuy rất thương vợ nhưng vì chữ hiếu cứng nhắc đã trở thành một người hoàn toàn nhu nhược, cam tâm nhìn mẹ mình đày đoạ đánh đập vợ đến chết mà không dám can ngăn. Vợ chết, mẹ bị đưa ra pháp trường xử trảm. Nhưng cũng vì chữ hiếu, chàng đã “lỗi đạo quân thần”, đánh phá ba quân cướp lấy mẹ để cuối cùng mẹ bị giết còn mình bị giam cầm nơi ngục thất.

 

                             “Phu nhơn hạ sát phân thây . . .

 

                                    Thảm thương Lâm sĩ ngục môn

 

                              Ba đêm ba ngày cơm cháo cũng không”

 

                                                                        (câu 720 – 722)

 

Chữ hiếu của chàng đã thấu tới Ngọc Hoàng. Trời sai bốn rồng xuống phò tá cho chàng. Công chúa hiểu rõ sự tình đã tâu lên vua cha xin tha chết cho chàng. Tống vương nghe tâu bèn vời chàng đến mới hay chàng có phép thần thông liền phong cho chàng chức phò mã trạng nguyên, sau này cưới công chúa làm vợ nhì.

 

Còn Xuân Nương thủy chung như nhất được Ngọc Hoàng cho xuống trần gian sum họp cùng Lâm Sanh. Lâm Sanh được Tống vương nhường ngôi trị vì thiên hạ.

 

Ý nghĩa:

 

Nội dung trên đã thể hiện rõ ước vọng của người bình dân. Đó là kẻ ác, kẻ xấu phải bị trừng trị đích đáng. Đồng thời, người tốt, người hiền phải được hưởng hạnh phúc, sung sướng và mang hạnh phúc, sung sướng đến cho mọi người. Nói rộng ra xã hội, những cái lạc hậu, những thiết chế hẹp hòi, khắc nghiệt, bất công; những thế lực chuyên đè bẹp, bắt nạt người vô tội phải được dẹp bỏ để con người có điều kiện vươn lên. Những thiết chế ấy đã tồn tại lâu đời trong xã hội và trong tư tưởng; những thế lực ấy có một sức mạnh to lớn nên lúc đầu con người vẫn bị chúng chi phối, phải cúi đầu cam chịu, nhưng đó là sự thất-bại-không-khuất-phục. Cuối cùng con người sẽ được hưởng những gì mình đáng được hưởng.

 

II.1.2.Khác biệt trong đấu tranh chống lại cái ác, cái bất công:

 

Nhìn chung, trong truyện Nôm bình dân, các nhân vật nữ chính là những người chủ động không những trong tình yêu mà cả trong đấu tranh bảo vệ hạnh phúc gia đình. “Bởi vấn đề bức thiết đặt ra trong nội dung các tác phẩm là khát vọng bảo vệ hạnh phúc gia đình, bảo vệ phẩm chất, giá trị con người – đặc biệt là người phụ nữ (NĐT nhấn mạnh) và thực hiện công lý xã hội”(10). 

 

Thử điểm qua sự đấu tranh ấy trong vài truyện Nôm bình dân. Trong Phạm Tải Ngọc Hoa, mối tình của hai nhân vật chính tuy được sự ủng hộ của cha mẹ Ngọc Hoa  nhưng gặp phải trở ngại từ một thế lực lớn hơn, đó là Trang Vương. Trang Vương ham mê sắc đẹp, lợi dụng quyền của người cầm đầu quốc gia bắt Ngọc Hoa tiến cung và đầu độc giết chết Phạm Tải. Ngọc Hoa cự tuyệt bằng cách xin về quê để tang chồng. Sau ba năm tang chế, nàng đã tự vẫn để giữ trọn lòng chung thủy. Xuống suối vàng, hai vợ chồng kiện lên Diêm Vương. Diêm Vương sai quỷ sứ bắt Trang Vương ném vào vạc dầu. Phạm Tải – vốn là con trời bị đày – được hoàn sinh làm vua, Ngọc Hoa được cải tử làm hoàng hậu.

 

 Còn Cảnh Yên - Phương Hoa (Truyện Phương Hoa) bị tên Tào trung uý chia uyên rẽ thúy. Họ Tào sau khi đến hỏi cưới Phương Hoa không thành đã rắp tâm hãm hại cả nhà Cảnh Yên khiến “sạch hết cơ đồ”, mọi người phải bỏ trốn tha hương cầu thực. Xa nhau, nhưng Phương Hoa “lòng son dạ sắt” chờ đợi Cảnh Yên suốt bảy tám năm trời. Trong thời gian Cảnh Yên gặp nạn, bị bỏ ngục, Phương Hoa không màng cực khổ, lặn lội đến kinh thành xa xôi dò la tin tức, tìm mọi cách giúp đỡ chàng. Đến khi kinh thành mở khoa thi, nàng giả trai lấy tên Cảnh Yên đi thi và đỗ tiến sĩ, từ đó mới minh oan được cho Cảnh Yên.

 

Những cuộc đấu tranh ấy thường khá gay go, quyết liệt, đặc biệt là từ phía các cô gái. Về đạo và tình, Ngọc Hoa đều trọn vẹn. Nàng để tang chồng ba năm, đó là trọn đạo; tự sát theo chồng, đó là vẹn tình. Dám lấy cái chết để giữ tròn trinh tiết, cuộc đấu tranh ở đây đã đạt tới đỉnh điểm. Chết xuống âm phủ, hai vợ chồng cùng kiện lên Diêm Vương, đó là sự đồng tâm hiệp lực chống đối đến cùng cái ác, cái bất công. Phương Hoa chưa chính thức là vợ Cảnh Yên nhưng tấm lòng của nàng dành cho Cảnh Yên thật đáng khâm phục. Thân nàng liễu yếu đào tơ nhưng sức mạnh tình yêu đủ tạo cho nàng một nghị lực phi thường. Nàng dám thân gái một mình vượt “đường hoè dặm liễu”, lặn lội “năm ngày ra đến thành đo”  tìm ý trung nhân. Táo bạo hơn là hành vi giả danh “thi hộ” với mong muốn giải oan cho Cảnh Yên. Với việc làm này, Phương Hoa đã đặt hết niềm tin vào tài năng “phun châu nhả ngọc nức lòng” cuả mình (dù là một cô gái) vì có thi đỗ thì ước nguyện giải oan mới có thể thực hiện được; đồng thời cũng đặt trọn niềm tin vào đấng minh quân, vào công lý, vào sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác.         

 

Chúng ta có thể thấy nhiều cuộc đấu tranh như thế trong Thoại Khanh Châu Tuấn, Lý Công, Phạm Công Cúc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa... Nhưng trong Lâm Sanh tân thơ thì sự việc có khác. Mối tình Lâm Sanh  - Xuân Nương bị trở ngại từ phía gia đình, cụ thể là sự cấm đoán của  bà mẹ chồng. Bà mẹ chồng là người đại diện cho sự tàn bạo, khắc nghiệt của chế độ phong kiến chà đạp, chèn ép những con người sức yếu thế cô. Tuy nhiên, ở đây chúng ta chỉ thấy sự cam chịu, còn sự đấu tranh thì vô cùng yếu ớt. Xuân Nương cam chịu bị đánh đến chết. Lâm Sanh thì có vẻ thoả hiệp (mặc dù không đúng như thế, thực chất cũng là một sự cam chịu), không dám can ngăn mẹ, bênh vực vợ mà chỉ biết khóc và than thở. Chung quy là vì chữ hiếu! Lâm Sanh rất thương vợ, thuỷ chung với vợ nhưng đối với chàng, chữ hiếu nặng hơn. Công bằng mà nói, trong hoàn cảnh này, không thể trách chàng được. Vì con người cuối cùng cũng chỉ là con người chứ không phải thần thánh, không thể trọn vẹn cả hai đường tình hiếu. Có trách là trách lòng ích kỷ hẹp hòi của người mẹ độc ác. Sự thực, Lâm Sanh cũng có chống đối nhưng là sự chống đối yếu ớt, muộn màng bằng cách không cưới vợ khác theo ý muốn của mẹ “dẫu con Ngọc Hoàngchẳng đẹp duyên tôi”, càng không phải là sự đấu tranh đúng nghĩa. Dù chống đối như vậy thì Xuân Nương cũng đã chết, là “sự đã rồi”.

 

Về phía Xuân Nương, vai trò của nàng khá mờ nhạt trong tác phẩm. Không như các nhân vật nữ chính trong Phạm Tải Ngọc Hoa, Truyện Phương Hoa... có vai trò rất lớn trong cuộc đấu tranh đạt tới cảnh đoàn viên, Xuân Nương sau khi chết đã bị tác giả “lãng quên” mặc cho nàng dạo chơi tiên cảnh mãi đến khi Ngọc Hoàng cảm thương cho trở xuống trần gian sum hợp cùng Lâm Sanh. Hình bóng Xuân Nương chỉ xuất hiện một lần báo mộng cho cha mẹ, một lần được Lâm Sanh nhắc tới khi chàng làm lễ tế bên mồ. Trong suốt giai đoạn đó, Xuân Nương không có vai trò đáng có của một nhân vật chính. Đương nhiên cuộc đấu tranh vì tình yêu, hạnh phúc lứa đôi, thậm chí đấu tranh vì quyền sống của nhân vật chính, cũng không có.

 

Nói như thế không có nghĩa là trong tác phẩm hoàn toàn không có đấu tranh. Nếu ở tác phẩm khác là sự đấu tranh trực tiếp của nhân vật chính thì ở đây, cha mẹ Xuân Nương là người đấu tranh trực tiếp. Ông tiều phu mất con dâng cáo trạng lên quan hộ giá, bị xử ép, ông lão lại kiện lên quan thừa tướng. Bị xử ép lần thứ hai, ông lão “nguyền sống thác cùng con phen này” kiện tiếp lên Tống Vương. Sau khi “tù rạt khảo tra”, công bằng đã trở về với người vô tội. Vì vậy, đấu tranh ở đây là vì gia đình - ruột thịt, không phải vì hạnh phúc - lứa đôi như ở các tác phẩm khác. Tuy cuối cùng các nhân vật chính đều được hưởng hạnh phúc nhưng đó là nhờ ơn trời, ở tác phẩm không hề có đấu tranh vì hạnh phúc lứa đôi.

 

II.1.3.Khác biệt về thành phần xuất thân của các nhân vật chính:

 

Trong nhiều truyện Nôm, nhân vật chính được giới thiệu ở phần đầu tác phẩm để người đọc biết lai lịch của họ:

 

                              “Có người ở quận Đông Thành

 

                        Mã Ô tánh tự lưu danh hậu trưyền”

 

                                                            (Truyện Mã Phụng Xuân Hương)

 

                              “Có người ở phủ Bình Hoà

 

                        Làm quan Thừa tướng quốc gia tin dùng

 

                              Con trai chẳng có nối dòng

 

                        Sinh đặng một gái tư dung khác thường”

 

                                                            (Thoại Khanh Châu Tuấn)

 

                               “Lược bày đời vua Thái Tông

 

                        Trị vì thiên hạ tây đông thuận hoà

 

                               Có người ở huyện Phù Hoa. . .”

 

(Tống Trân Cúc Hoa)

 

Đoạn giới thiệu có khi nói trực tiếp hoàn cảnh hiện tại, có khi kể lại một thời trong quá khứ. Ở đây, chúng tôi muốn nói đến hoàn cảnh gia đình được miêu tả vào thời điểm hiện tại.Với hầu hết truyện Nôm bình dân, đôi nhân vật chính thuộc hai tầng lớp trái ngược nhau. Nhân vật nữ thuộc tầng lớp trên, là công chúa, tiểu thư con quan, thế lực và giàu có. Nhân vật nam là nho sinh thuộc tầng lớp dưới, mồ côi, nghèo khổ, ăn xin. Chính vì có đặc điểm về thành phần xuất thân như vậy nên nhân vật nữ thường là người chủ động “lựa chọn” ý trung nhân và “quyết định cuộc hôn nhân theo ý muốn”(11). Ở đây xin nói thêm, tình tiết chủ động “lựa chọn” này có liên quan đến tinh thần muốn đòi sự công bằng và giải phóng phụ nữ – những người vốn chịu nhiều thiệt thòi, bất công trong xã hội phong kiến.

 

Trong Lý Công, chàng Lý là kẻ ăn mày “bồ côi tất tưởi trăm bề khó khăn”, Bạch Hoa là công chúa con vua Bảo Vương. Bạch Hoa thấy chàng Lý “tướng mạo khác thường” lại nghe lời nói chân thành nên đã cảm “duyên kia ngãi này”. Trong Phạm Tải Ngọc Hoa, Phạm Tải mồ côi cha mẹ, ở với cậu mợ nhưng bị ngược đãi phải đi hành khất kiếm sống, học hành. Ngọc Hoa là con Trần tướng công thời vua Trang Vương nhà Chu. Ngọc Hoa thấy Phạm Tải “tuấn tú phương phi” là người hiếu học nên xin cha mẹ cho kết duyên cùng chàng. Trong Phạm Công Cúc Hoa, Phạm Công là con của hai vợ chồng tiều phu “cửa nhà thanh bạch muôn phần khá thương”. Cúc Hoa là con quan tri phủ, thấy chàng “hiếu nghĩa” nên đã “tình riêng muốn kết châu trần”. Riêng Truyện Phương Hoa, mặc dù Cảnh Yên là con quan Thượng thư nhưng gia đình gặp đại nạn, hiện tại chàng phải dắt mẹ già hành khất nuôi thân. Ở nhiều truyện khác chúng ta cũng gặp những hoàn cảnh trái ngược nhau như vậy.

 

Tuy nhiên, cũng có khi hai nhân vật nam và nữ đều thuộc tầng lớp trên như truyện Hoàng Trừu (hoàng tử Bắc quốc và công chúa Việt Nam); hoặc nhân vật nữ là người nghèo khổ như Thoại Khanh trong Thoại Khanh Châu Tuấn (Thoại Khanh là con quan Thừa tướng nhưng cha mẹ mất sớm, “mới mười lăm tuổi ghe chìu gian nan”). Song những trường hợp đó rất hiếm.

 

Trở lại với Lâm Sanh tân thơ chúng ta sẽ thấy sự khác biệt rất rõ, hay nói đúng ra là sự đảo ngược hoàn toàn. Lâm Sanh là con quan Án sát “quyền cao lộc cả cũng đà hiển vinh”. Tuy cha đã mất nhưng uy danh vẫn được mọi người, kể cả quan Hộ giá, Thừa tướng kiêng dè, kính nể. Còn nàng Xuân Nương là con của một gia đình tiều phu “ở chốn sơn lâm” cách Thanh Dương (quê Lâm Sanh) ba ngày ba đêm đường trường cách trở. Sự khác biệt đó là nguyên nhân chính dẫn tới bi kịch, là nguyên nhân làm triệt tiêu vai trò của Xuân Nương như chúng tôi đã trình bày ở phần trên.

 

Xuân Nương được cưới về chỉ để dâng cơm bưng nước. Có chồng mà phòng đơn gối chiếc, lạnh lùng, cô độc. Bị ức hiếp, không thể và không được giải bày nỗi oan, đành một mình cam chịu tất cả. Với chồng, nàng được yêu thương nhưng không được chở che bảo bọc trong khi hiện tại nàng cần được chở che bảo bọc. Cho nên, nàng không phải là người chủ động. Trái lại, là người hoàn toàn bị động. Có chủ động chăng là can ngăn chồng đừng vì mình mà đánh mất chữ hiếu. Một sự chủ động mang đầy tính bị động!

 

Lâm Sanh là con quan Án sát, những tưởng chàng có đủ nghị lực giữ vững mái ấm gia đình. Nào ngờ, chàng đã bị chính cái thế của chàng bó buộc. Quyền uy trong gia đình, chàng không có nhưng mẹ chàng có thừa. Khi quyền uy rơi vào tay kẻ xấu – Lâm phu nhân, nó sẽ trở thành lưỡi hái tử thần tước bỏ hết những gì tốt đẹp, kể cả của người thân – Lâm Sanh.

 

Thật trớ trêu, vì Lâm Sanh và Xuân Nương không ai có quyền chủ động.

 

So với Tống Trân – Cúc Hoa (Tống Trân Cúc Hoa), tình cảnh Lâm Sanh – Xuân Nương có giống mà cũng có khác. Giống ở chỗ cả hai mối tình đều bị thử thách từ phía gia đình, Tống Trân - Cúc Hoa từ phía nhà gái, Lâm Sanh – Xuân Nương từ phía nhà trai. Khác ở chỗ, Cúc Hoa là một cô gái dám vượt lên số phận còn Lâm Sanh tuy là đấng nam nhi như ng đã đầu hàng số phận.

 

Lâm phu nhân là người ác. Lâm Sanh không dám chống lại cái ác. Rốt cục, Xuân Nương là cô gái sức yếu thế cô phải hứng chịu cực hình đến chết.

 

Rõ ràng, sự khác nhau về thân phận các nhân vật chính là một trong những yếu tố quan trọng dẫn dắt diễn tiến của cốt truyện, tạo ra  tính đặc thù cho tác phẩm.

 

II.2. Kết cấu cốt truyện:

 

“Cốt truyện là nội dung hiện thực mà tác phẩm chiếm lĩnh, nhận thức và phản ánh. Đồng thời cũng có ý nghĩa quy định hoặc chi phối các phương tiện, các yếu tố xung quanh tác phẩm, trước hết là tổ chức cốt truyện” (12).

 

Theo quan niệm truyền thống, kết cấu truyện Nôm gồm ba sự kiện: gặp gỡ – tai biến – đoàn tụ. Nhưng theo tiến sĩ Đinh Thị Khang, các truyện Nôm thường được mở đầu bằng lời giới thiệu lai lịch nhân vật chính (tên tuổi, quê quán, hoàn cảnh gia đình), do đó kết cấu cốt truyện nên có thêm phần giới thiệu nhân vật (giới thiệu – gặp gỡ – tai biến – đoàn tụ).

 

Chúng tôi không xem giới thiệu nhân vật là một bộ phận của kết cấu cốt truyện. Bởi lẽ:

 

- Nó chiếm số câu rất ít so với các phần còn lại;

 

- Nhiều tác phẩm không giới thiệu nhân vật cùng lúc mà xen kẽ nhau, không thể tách thành một phần riêng lẻ được.

 

Cho nên, khi xét kết cấu cốt truyện Lâm Sanh tân thơ, chúng tôi sẽ căn cứ vào mô hình kết cấu truyền thống.

 

II.2.1. Sự kiện gặp gỡ và tai biến:

 

Hãy xem đoạn mở đầu:

 

                                    “Thừa nhàn cất bút chép ghi

 

                                    Tống vương trị dạy có nàng Xuân Nương

 

                                    Dốc lòng giữ vẹn cương thường

 

                                    Hiếu trung giám dạ xuân đường huyên gia (13)

 

                                    Này đoạn nàng dâu mụ già

 

                                    Cưới vợ về nhà đã đặng ba năm

 

                                    Chẳng cho Lâm sĩ ăn nằm

 

                                    Kết cùng Xuân thị ái ân muôn phần...”

 

                                                                                    (câu 1 – 8)

 

            Rõ ràng, tác phẩm không diễn ra sự kiện gặp gỡ. Đến lúc này, Xuân Nương làm vợ Lâm Sanh “đã đặng ba năm”. Người đọc không được thông tin gì về quá trình gặp gỡ dẫn tới hôn nhân giữa họ. Thiếu vắng chi tiết cô gái “chọn mặt gửi vàng” vì thân phận của cô không cho phép cô làm việc đó. Chàng trai không phải là người quyết định cuộc hôn nhân của mình. Mọi việc là do sự sắp đặt của mẹ chàng. Cho nên, cũng không có chi tiết “chọn mặt gửi vàng” từ phía chàng trai. Rất may giữa hai người đã nảy nở một tình yêu thực sự. Chúng ta thấy – xét riêng tác phẩm – không có sự kiện gặp gỡ là hợp lý.

 

            Thay chỗ cho sự kiện gặp gỡ là sự kiện tai biến. Ngay từ câu 7 – 8, mầm móng tai biến đã xuất hiện. Nói đúng ra, nó đã xuất hiện cách đây “ba năm” từ khi Xuân Nương về làm dâu. Lúc đầu, tai biến chỉ là hai vợ chồng không được “kết cùng ái ân”. Họ vẫn gặp nhau, trò chuyện với nhau dù là lén lút. Cao trào tai biến xảy ra sau khi Xuân mẫu xuống thăm con trở về. Mẹ Lâm Sanh đánh Xuân Nương đến chết chỉ vì nghi ngờ Xuân mẫu “bày kế” cho con gái. Đến đây, tai biến là sự chia ly vĩnh viễn.

 

            Chúng ta hoàn toàn không biết chính xác nguyên nhân mẹ chồng ngược đãi nàng dâu. Nếu cần người hầu hạ thì “thiếu chi đầy tớ gia đàng gái trai”, cớ gì cưới vợ cho con lại biến vợ của con thành người hầu hạ, không cho chung sống vợ chồng, xem mạng người như cỏ rác. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ không nên đặt nặng vấn đề này. Vì thực ra, trong tất cả truyện Nôm bình dân, tính lôgích không được vận dụng triệt để. Thậm chí có nhiều chi tiết thiếu nhất quán, không cụ thể, phi lôgích(14). Điều mà tác giả dân gian quan tâm là hiện tại Xuân Nương bị ngược đãi; Lâm Sanh là chồng nhưng không được “kết cùng ái ân” với vợ, từ đó “bi thảm hoá” nhân vật và tình tiết.

 

            Chúng tôi muốn nói thêm một điểm đáng chú ý về sự kiện gặp gơ của Lâm Sanh tân thơ. Gặp gỡ không diễn ra giữa Lâm Sanh – Xuân Nương (tuyến chính) mà diễn ra giữa Lâm Sanh – công chúa (tuyến phụ). Cuộc hội ngộ diễn ra khi Lâm Sanh ở trong ngục. Công chúa:

 

                                    “Đêm ngày nguyệt dạo hoa chơi

 

                                    Chực nhìn ngó thấy ngục môn rạng ngời

 

                                    . . .

 

                                    Nàng bèn bước tới ngục trung

 

                                    Xem thấy Lâm sĩ đang ngồi thở than

 

                                    Mặt buồn dã dượi võ vàng

 

                                    Bốn rồng chầu chực tứ phương sáng ngời

 

                                    Công chúa xem thấy mới hay

 

                                    Tơ hồng đã định mừng nay cho chàng”

 

                                                                                    (câu 741 – 752)

 

            Cuộc gặp gỡ này giống các cuộc gặp gỡ ở các tác phẩm khác. Có điều, công chúa tuy là người có vai trò chi phối nội dung tác phẩm (biết Lâm Sanh có phép thần thông, nàng đã tâu với vua cha tha chết cho chàng) nhưng không thể xem là nhân vật chính  (chỉ xuất hiện trong khoảng hơn 20 câu). Đồng thời, giữa Lâm Sanh và công chúa không có sự kiện tai biến nên cuộc đoàn tụ giữa hai nhân vật này cuối tác phẩm (Lâm Sanh cưới công chúa làm vợ hai) chỉ có giá trị như là một hành động “đền ơn đáp nghĩa”.

 

            II.2.2. Sự kiện đoàn tụ:

 

            “Đoàn tụ là sự kiện hoàn chỉnh số phận nhân vật chính. Các tác phẩm đều kết thúc ở thời điểm nhân vật chính thoát khỏi gian nan đau khổ, hoặc kết thúc thời gian chờ đợi trong chia ly, được đoàn tụ với gia đình và được sống cuộc đời hạnh phúc vinh hiển”(15).

 

            Đoàn tụ là giai đoạn sau của chia ly (tai biến). Có chia ly mới có đoàn tụ. Chia ly là xa cách về không gian trong một khoảng thời gian. Không gian, thời gian đó phải hữu hạn, phải có lúc kết thúc. Sự kiện đoàn tụ sẽ diễn ra ngay khi kết thúc không gian và thời gian chia ly ấy. Ở Lâm Sanh tân thơ, chia ly là một người sống, một người chết (Xuân Nương được rước lên trời). Cõi dương gian và cõi thiên đình là xa cách về không gian không hữu hạn, cho nên thời gian cũng không hữu hạn. Mọi sự chờ đợi đều là vô vọng. Nhưng tiếp thu ảnh hưởng của môtíp truyện cổ tích, tác giả dân gian xây dựng chi tiết Ngọc Hoàng cho Xuân Nương xuống sum họp cùng Lâm Sanh tạo nên sự kiện đoàn tụ.

 

            Như chúng tôi đã trình bày ở trên, Lâm Sanh tân thơ không hề có đấu tranh vì hạnh phúc lứa đôi. Các nhân vật chính dường như buông xuôi hạnh phúc của mình, không như nàng Ngọc Hoa (Phạm Tải Ngọc Hoa) cả lúc sống và sau khi chết đều đấu tranh vì tình yêu. Chính vì thế, sự kiện đoàn tụ ở đây có vẻ miễn cưỡng, không thuyết phục. Sự kiện này chỉ có ý nghĩa làm hoàn chỉnh kết cấu cốt truyện, tạo ra một “kết thúc có hậu” cho tác phẩm.

 

            Nhận xét chung:

 

 Bên cạnh những điểm chung phổ quát, Lâm Sanh tân thơ còn có những điểm riêng không có ở những tác phẩm khác. Có điểm khác nhau hoàn toàn. Có điểm khác nhau trong chính sự giống nhau. Chính những điểm riêng này đã tạo ra tính đặc thù cho tác phẩm, đồng thời góp phần tạo ra sự phong phú, đa dạng cho dòng truyện Nôm bình dân.

 

 

 

Chú thích:

 

(1) và (2) Trần Thanh Nhã, Giới thiệu đôi nét về bản Nôm Lâm Sanh tân thơ, trong Năm năm Hán Nôm 1991 – 1995, Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, 1995.

 

(3) Về thời gian xuất hiện truyện Nôm bình dân, có hai giả thuyết: a. thế kỷ XVIII (Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, tập 3, NXB Sử học, Hà Nội, 1959); b. thế kỷ XIX (Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 14A và 14B, NXB KHXH, Hà Nội, 1993).

 

 (4) Nguyễn Thị Chiên, Hình tượng nhân vật phụ nữ trong truyện Nôm tài tử giai nhân, luận án Phó tiến sĩ, ĐHTH, Hà Nội, 1993. Nội dung này trong Lâm Sanh tân thơ thể hiện không rõ bằng các tác phẩm khác. Dù sao thì kết cục của tác phẩm cũng nói lên được nội dung đó.

 

(5) Xem lại chú thích (3).

 

(6) Chúng tôi dựa theo cách phân loại chữ Nôm của nhà nghiên cứu Nguyễn Khuê trong Những vấn đề cơ bản của chữ Nôm, Giáo trình Khoa Ngữ văn và Báo chí, ĐHKHXH & NV, TP.Hồ Chí Minh, 1999.

 

(7) Theo Đào Duy Anh, Chữ Nôm – nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, NXB KHXH, Hà Nội, 1975.

 

      Nguyễn Khuê lại cho rằng đó là đặc điểm của thời kỳ thứ ba của chữ Nôm, tức từ cuối thời Lê trở về sau.

 

(8) Nguyễn Khuê, Nhận xét bản Nôm Lục Vân Tiên ca diễn của Abel Des Michels, trong Năm năm Hán Nôm 1991 - 1995, sđd.

 

(9) Chủ yếu dựa theo tóm tắt của ông Trần Thanh Nhã, sđd.

 

(10), (11), (12) và (15) Đinh Thị Khang, Kết cấu truyện Nôm, Tạp chí Văn học, số 9, 2002.

 

(13) Bản Nôm mất hai chữ này. Vì Xuân Nương còn cả cha lẫn mẹ nhưng ở đây chỉ đọc được Xuân Đường (chỉ người cha), đồng thời căn cứ vào vần a của câu dưới, chúng tôi tạm đọc là Huyên  Gia (chỉ người mẹ).                   

 

(14) Trần Đình Sử đã trình bày đôi điều về vấn đề này trong Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.

 

 

 

 

 

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63742732
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5603
35223
63742732

Thành viên trực tuyến

Đang có 408 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website