Phan Văn Đạt (1828 - 1861) tự Minh Phủ, quê ở thôn Bình Thanh huyện Tân Thạnh phủ Tân An (nay thuộc tỉnh Long An). Ông là một nho sĩ có khí tiết, học rộng hiểu thông, đỗ Cử nhân năm Canh Thân (1860) đời vua Tự Đức tại trường thi Gia Định. Theo Nguyễn Thông, một người cùng thời với Phan Văn Đạt, thì ông không có tiền đi nhậm chức, phải nhờ bạn bè em cháu giúp đỡ một số tiền. Nhưng sau khi đến Huế, do ghét thói a dua, xu nịnh chốn quan trường nên ông lập tức từ quan trở về phụng dưỡng song thân(2). Vốn tính khảng khái, cương trực nên được dân làng nể trọng, mỗi khi có việc tranh tụng họ đều nhờ ông phân xử. Vì thế lúc bấy giờ có câu “Muốn biết nặng nhẹ hỏi mặt cân, muốn được công bằng tìm Phan Văn Đạt”(3). Tuy cả cuộc đời không giữ trọng trách gì ở triều đình, nhưng trước cảnh thực dân Pháp xâm lược đất nước, tàn sát người vô tội, ông vẫn một lòng vì nước vì dân, luôn canh cánh nỗi đau và lòng căm hận. Vì thế, sau khi cha ông mất, chôn cất xong, ông vừa ngậm ngùi vừa dõng dạc tuyên bố: “Việc riêng ta đã xong, từ nay sẽ theo đời xoay chuyển(4)”. Thế là ông quyết định cùng cậu là Trịnh Quang Nghị dựng cờ khởi nghĩa, lập căn cứ ở phía nam cầu Biện Triệt, phát hịch chiêu mộ nghĩa binh chống Pháp.

Nguyễn Thông nói về sự kiện này như sau: “Trước đó, Đỗ Trình Thoại ở Tân Hoà (Gò Công) cùng nhân dân nổi dậy đánh đồn Sơn Quy nhưng bị chết trận, giặc Tây lại kéo đến ầm ầm, thế mạnh như phong vũ, mọi người hầu như bất lực xuôi tay. Đến khi hai ông phát hịch kêu gọi tại căn cứ phía nam cầu Biện Triệt thì khí thế chấn hưng, tiếng nghĩa vang dội. Lúc ấy, hào kiệt nghĩa sĩ ở huyện Bình Dương, Tân Long và phủ Tân An đều đứng lên đồng tâm hiệp lực giết Tây, thực nhờ có hai ông khởi xướng(5)”. Phan Văn Đạt chính là người “xướng nghĩa đầu tiên(6)” chống Pháp ở phủ Tân An. Cuộc khởi nghĩa đã mở đầu và thúc đẩy phong trào khởi nghĩa vũ trang ở các vùng lân cận. Trong số những người hưởng ứng cuộc khởi nghĩa với bầu nhiệt huyết sục sôi có một người sau khi tham gia đã trở thành đồng đội kề vai sát cánh, cùng lãnh đạo nghĩa quân và sau này đã anh dũng hi sinh cùng Phan Văn Đạt trong một trận càn của Pháp: Lê Cao Dõng.

Lê Cao Dõng cũng là người thôn Bình Thanh, giữ chức Hương thân. Khi Pháp xâm lược nước ta, ông cùng Phan Văn Đạt đứng ra hô hào kháng chiến chống ngoại xâm. Thực dân Pháp nhận thấy thế lực và quyết tâm mạnh mẽ của cuộc khởi nghĩa nên đã thẳng tay đàn áp. Trong trận càn vào ngày 16/7/1861, chúng bắt được Phan Văn Đạt và Lê Cao Dõng. Bị dùng nhiều cực hình tra tấn dã man nhưng hai ông vẫn bình thản, quyết không khai báo điều gì, quyết không cúi đầu khuất phục. Sau khi biết hai ông là lãnh đạo phong trào và Phan Văn Đạt là người “kiệt hiệt nhất trong đảng(7)”, giặc đã giết hai ông. Dã man hơn, chúng dùng móc sắt móc vào cổ họng Phan Văn Đạt treo trên tàu suốt mấy ngày mấy đêm cho đến khi ông tắt thở(8).

Vua Tự Đức xem bản tấu, thương người nghĩa dũng, nên dụ rằng: “… Lòng trung vì nước, ngay vạc nóng chẳng từ nan; Dũng khí giết Tây, xem cái chết như trở về. Khí tiết ấy, kẻ tham sanh toát mồ hôi, người trọng nghĩa thêm hăng hái. Những chuyện móc lưỡi moi rốn bất hủ đời xưa, nay đã được chứng kiến ở hai người này… Nên hậu cấp tuất điển để khuyến khích phong tục. Truy thụ Phan Văn Đạt hàm Tri phủ, tiền tuất 40 lạng; Truy thụ Lê Cao Dõng hàm Suất đội, tiền tuất 30 lạng. Chờ khi yên việc sẽ cho dựng đền thờ ở quê, một năm tế hai lần. Sự trạng giao cho sử quan kê cứu để viết thành truyện lưu truyền đời sau(9)”.

Cái chết anh dũng của Phan Văn Đạt và Lê Cao Dõng khiến mọi người vô cùng thương tiếc. Cử nhân Cù Khắc Cần (quê xã Hiệp Thanh huyện Châu Thành-Long An ngày nay) đã ca ngợi Phan Văn Đạt qua bài văn sách ở kỳ thi Hội năm Nhâm Tuất 1862. Vua Tự Đức viết một bài thơ cổ phong 72 câu ca ngợi gương hy sinh của Phan Văn Đạt để phổ biến trong cả nước, khuyến khích lòng người. Và một tác giả khuyết danh đã viết một bài văn tế Phan Văn Đạt và Lê Cao Dõng.

Đó là bài văn tế được chép trong Danh công biểu tuyển 名公表選, một tập văn chọn lọc viết tay dày 306 trang, cỡ 31x22cm, ký hiệu A.582 Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Danh công biểu tuyển tập hợp 116 bài thuộc nhiều thể loại: bi ký, biểu, chế, ký, phú, tựa, trướng, văn tế… của các tác giả có tên tuổi triều Nguyễn như Nguyễn Hữu Lập, Trần Văn Chuẩn, Nguyễn Duy Tân, Phan Hi Lượng… Trong đó, bài văn tế hai chí sĩ Nam bộ Phan Văn Đạt và Lê Cao Dõng được chép từ trang 66a đến trang 68a.

Bài văn tế có tên đầy đủ là “Khốc Cử nhân tặng Tri phủ Phan Văn Đạt, Hương thân tặng Suất đội Lê Cao Dõng”, được viết theo lối trường thiên ngũ ngôn, tổng cộng 134 câu. Nội dung bài văn tế nói lên lòng thương tiếc của tác giả, và cũng là của nhân dân, trước cái chết vì nước đánh Tây của hai chí sĩ vùng đất Nam bộ, bên cạnh đó cũng lên án tội ác dã man của kẻ xâm lược, ca ngợi tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh của hai vị anh hùng, lấy đó làm tấm gương kêu gọi mọi người đồng lòng chống giặc. Nhận thấy đây là bài văn tế có giá trị cao về lịch sử cũng như văn học, chúng tôi trân trọng phiên dịch, chú thích để giới thiệu cùng quý vị độc giả.

哭舉人贈知府潘文達鄉紳贈率隊黎高勇

哀哉潘文達,桂薑性素辣.壯歳遊庠序,秋試預登拔.

四海長無虞,明廷將釋褐.猝然海宼侵,山澤盈豺獺.

王土既竊據,民財復強括.荼毒我生灵,虐熖浮三蘖.

萬端只爲利,罪惡難簡撮.興師恐病民,釜魚猶鱍鱍.

惟有敵愾心,百姓皆蹙頞.况乎有學文,囊錐先頴脱.

挺身募勇士,弩力思式遏.頓忘七尺軀,直將虎鬚捋.

怪彼狼莠徒,勁草忍振撥.鷹鸇入樊籠,恓聴鴟梟聒.

忽髪盡冲冠,瞋目如電抹.独立强虜中,正色厲声喝.

尔輩是狗類,所至徒恐喝.尔行総無道,事事皆乖割.

我生未殺賊,不願圖苟活.但願死爲厲,助兵来奮撻.

寄語昆弟徒,愼事勿疎濶.同輩幸獲濟,莫使如蔓葛.

洩忿與伸寃,死兮休宛怛.悖逆無不爲,鐵鈎遽穿割.

市人淚盡垂,夷賊魄皆奪.

哀哉黎高勇,賦質最厚重.德齒爲鄉長,生涯務田隴.

子弟許捐貲,一級登間冗.本爲濟貧心,何曾患財粟.

適茲海氛騰,募兵欲防壅.不料虎豹孤,反被豺狼擁.

昂然對賊羣,神色無惶悚.不肯累同人,自當氣何聳.

揺頭復閉口,迷藥難汙湩.豈識西主法,吾主則吾奉.

顧謂鄉鄰人,勿惑彼慫恿.視我生如何,死亦不闒茸.

當念水土恩,讐復志克鞏.夷髏安能久,將見塟無塚.

毒手顯芳名,毅魄隨星拱.

哀哉兩男兒,忠義如相期.豈不惜身命,身命關秉彜.

豈不愛妻子,妻子皆己私.成仁與取義,矯怯奚能爲.

必也烈丈夫,履險方如夷.碧血縱已化,丹心終不移.

山河爲生色,木石亦含悲.彼張睢陽齒,視此誠難岐.

雖由尔高行,培養原有資.歷朝德澤深,自有興感思.

况復政敎肅,士庶敦操持.中興及平偽,已聞声譽馳.

南圻忠義声,不特于今茲.因辰益可見,始終洵不虧.

覽奏寔堪壯,壯之還哭之.念彼在畎畝,伉慨猶赴危.

倘若受寵祿,謀國當孜孜.與賊不兩立,我師寜乆疲.

恨予乏水鑑,草野賢罔知.又恨旬宣臣,明揚毋乃遲.

贈蔭爰特加,卹典增厚施.且命太史記,更令皆立祠.

褒酬諒已極,悼惜猶未衰.令德恐不顯,懇欵視摛辭.

粗長莫厭複,只患猶闕遺.豈僅厲風俗,且爲萬世規.

哀哉兩男兒,一死千年垂.

Dịch nghĩa:

Khóc Cử nhân truy tặng hàm Tri phủ Phan Văn Đạt,

Hương thân truy tặng hàm Suất đội Lê Cao Dõng

Thương ôi Phan Văn Đạt, gừng quế tính vốn cay.

Tráng niên vui tường tự, mùa thu dự khoa kỳ.

Tứ hải rày vô sự, vào triều giải bố y.

Hốt nhiên loạn giặc dữ, khắp nơi đầy chó Tây.

Ngang nhiên chiếm vương thổ, đoạt tài sản dân cày.

Lửa độc ba bè lũ, đồ độc bao người ngay.

Tất cả vì tham thố, tội ác biển không tầy.

Hưng binh sợ dân khổ, bắt cá lo sông quầy.

Địch khái lòng phẫn nộ, bách tính đều gớm ghê.

Huống chi người học chữ, bút mực nay ích gì.

Dấn thân vào trướng lữ, thề diệt quân vô nghì.

Tay hùm vuốt râu hổ, tấm thân giờ đoái chi.

Căm thay phường hung bạo, cỏ cứng đành nhổ đi.

Ưng chiên trong lồng nhỏ, hận nghe loài si kiêu.

Tóc giận dường xuyên mũ, mắt đanh sét chẳng bì.

Đứng giữa bọn giặc ác, kiên cường chí nam nhi.

Chúng mày loài giặc cỏ, đến đâu người kêu rêu.

Bây làm điều trái đạo, việc việc đều gian phi.

Ta chưa chặt hết sỏ, chẳng tiếc chi thân này.

Chết nguyện làm súng nỏ, trợ binh cùng giết Tây.

Gửi lời các em chú, đại sự luôn chỉnh tề.

Đồng bối may còn đó, chớ để thù giương vây.

Oán hận đầy tạng phủ, chết đi oán vẫn đầy.

Sài lang càn vô độ, giết người chẳng gớm tay.

Câu sắt treo đầu cổ, tinh thần càng hăng say.

Dân chúng tràn lệ đỏ, nghịch tặc hồn phiêu phi.

***

Thương thay Lê Cao Dõng, trọng hậu tánh không ngoài.

Hương trưởng đầy đức độ, nghề nông kế sinh nhai.

Con em quyên tiền của, nhất cấp hàm quan sai.

Vốn thương dân nghèo khó, đâu từng tham của tài.

Kẻ thù gây bão tố, tòng binh giữ biển trời.

Bầy sói lang hùng hổ, mãnh hổ đành lâm nguy.

Thần sắc không lo sợ, diệt thù tâm chẳng lay.

Đồng chí không khai báo, anh hùng bền chí thay.

Lắc đầu miệng chẳng mở, mồi ngon nào vui say.

Vua Tây dân Tây sợ, vua ta dân ta hoài.

Đồng bào ơi hãy nhớ, chớ nghe Tây xúi bày.

Thân này như thế đó, dẫu chết tâm sáng ngời.

Sâu dày ơn quốc thổ, báo thù luôn khắc ghi.

Đầu giặc nào yên chỗ, thây phơi loài quạ dơi.

***

Thương thay nhị nam tử, trung nghĩa như hẹn thề.

Há coi thường sinh tử, đem mệnh theo đạo nghì.

Há chẳng tình thê tử, vợ con tình riêng tây.

Nhân thành cùng nghĩa thủ, tình riêng nào sá chi.

Phải là trang nam tử, hiểm nguy mới rõ tài.

Máu hồng hòa đất tổ, lòng son chẳng đổi dời.

Cỏ cây đều than thở, sông núi cũng ngậm ngùi.

Mắt nanh đầy oai vũ, trần gian ai dám bì.

Chí tài nay có đủ, từ lâu đã hun bồi:

“Triều đình ân đức hậu, lòng người phơi phới vui.

Thánh vương nghiêm giáo hóa, sĩ thứ nghiêm chấp trì.

Trung hưng và trừ bạo, uy danh vang khắp trời.

Hào kiệt vùng Nam thổ, tiếng thơm rền xưa nay.”

Xưa oai phong thế đó, nay oai phong cũng tầy.

Xem tấu khen đáng mộ, khen rồi nước mắt rơi.

Thân ông nơi đồng cỏ, hồn ông nơi biên thùy.

Ví người nhờ lộc chúa, mưu quốc luôn không rời.

Quân ta thà gian khổ, cùng Tây chẳng chung trời.

Hận ta kẻ bỉ lậu, hẹp hòi nào biết chi.

Lại giận phường quan lộ, việc tuyên dương trễ chầy.

Tặng ấm nên đặc tứ, tuất điển càng hậu thi.

Lại sai quan chép sử, lại bảo xây miếu thờ.

Báo ân rày đã đủ, thương tiếc chưa hề suy.

Đức sáng hiềm chưa tỏ, thiết tha viết chúc từ.

Lời thô mong lượng thứ, chỉ e còn khuyết nghi.

Không chỉ phong tục cũ, còn làm gương bao người.

Thương thay nhị nam tử, hồn thiêng mãi muôn đời.

 

Chú thích:

(1). Bài văn tế này chép trong Danh công biểu tuyển (A.582 Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Hiện Danh công biểu tuyển đã có phó bản tại Phòng nghiên cứu và sưu tầm tư liệu Hán Nôm khoa Văn học và Ngôn ngữ - trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM, kinh phí sao lưu được trích từ nguồn kinh phí do ĐHQG TP HCM cấp cho đề án xây dựng Phòng nghiên cứu và sưu tầm tư liệu Hán Nôm.

(2). đến (8). Nguyễn Thông, Kỳ Xuyên văn sao, “Phan Văn Đạt truyện”, ký hiệu VHv.2073 Viện nghiên cứu Hán Nôm (hiện đã có bản sao lưu tại Phòng nghiên cứu và sưu tầm tư liệu Hán Nôm ĐHQG TP HCM).

(9). Đại Nam liệt truyện, quyển 4, “Truyện Phan Văn Đạt, phụ Lê Cao Dõng”.

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2012tr.770-778, phiên bản trực tuyến.

Cho đến nay, công giáo đã có lịch sử gần 400 năm truyền giáo vào Việt Nam. Để thúc đẩy công việc truyền giáo đạt kết quả, các Giáo sĩ phương Tây không thể không tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam; không thể không thông thạo Tiếng Việt. Nhờ nắm vững Tiếng Việt, biết chữ Nôm, các Giáo sĩ đã có nhiều thuận lợi hơn trong công cuộc truyền giáo của mình. Trong quá trình truyền giáo và giảng đạo, các Giáo sĩ đã để lại rất nhiều tư liệu có giá trị bằng chữ Hán và chữ Nôm. Theo thống kê của Nguyễn Hưng, con số này lên tới 308 ấn phẩm Hán Nôm thuộc đủ các thể loại.

Đã có nhiều bài viết giới thiệu kho tư liệu Hán Nôm công giáo ở các trung tâm lưu giữ trong và ngoài nước. Bài viết lần này tập trung giới thiệu thư tịch Hán Nôm công giáo (HNCG) hiện đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN). Các vấn đề được khảo cứu gồm: tình trạng văn bản, phân loại, nơi tàng trữ... của các văn bản đó.

1. Các cơ sở tàng trữ thư tịch Hán Nôm công giáo

Hiện nay, thư tịch HNCG được lưu giữ ở các thư viện, trung tâm lưu giữ ở trong và ngoài nước, hoặc nằm trong tay các cá nhân, tập thể ở các địa phương. Các tư liệu đó được lưu trữ, bảo quản dưới các hình thức như: sao lưu thêm phụ bản; dịch ra tiếng Việt; scan thành file ảnh, được bảo quản dưới dạng in microfilm, hoặc đã ấn hành các đĩa CD...

1.1. Tại các trung tâm lưu giữ ở nước ngoài

Ở Hoa Kì: các nhà nghiên cứu chữ Nôm ở Houston, Texas (Hoa Kỳ) đã ấn hành các đĩa CD tài liệu tham khảo về công giáo viết bằng chữ Nôm, như Tuồng Gie-Su và Truyện Ông Thánh Y-na-xu.

Ở Pháp: từ năm 1953, sau khi tìm thấy trong thư khố ở Paris những tài liệu chữ Nôm viết về công giáo Việt Nam, Hoàng Xuân Hãn và những cộng sự của ông đã có những khảo cứu công phu về kho tư liệu này. Dưới sự hướng dẫn của GS Hoàng Xuân Hãn, M.R. Seguy đã làm luận án Tiến sĩ về Catalogue du fonds Vietnamien, tập thư mục này chia thành 3 phần: sách Hán, tự điển và sách Nôm. Trong đó, có 12/19 sách Nôm được giới thiệu trong tập thư mục này, theo ý kiến của GS Hoàng Xuân Hãn(1), là của tác giả Maiorica. Nguyễn Hưng cũng có nhiều quan tâm đến nhóm sách Nôm công giáo, ông công bố 31 văn bản Nôm của Maiorica.

Tại Thư viện Vatican có lưu giữ các tư liệu chữ Nôm do Thừa sai Maiorica đem về châu Âu. Tư liệu này đã được Thanh Lãng nghiên cứu, khai thác trên phương diện ngôn ngữ học.

Một số bản thư của Thừa sai gửi về Roma: khối tư liệu này đã được Vũ Văn Kính khảo cứu các vi phiếu và cho xuất bản Bảng tra chữ Nôm thế kỉ 17 và hai cuốn sách: Học chữ NômĐại tự điển chữ Nôm.

1.2. Tại Việt Nam

Theo khảo sát sơ bộ, tại Việt Nam, thư tịch HNCG được lưu giữ tập trung tại: VNCHN, Đại học Sư phạm Huế(1), nhóm Hán Nôm công giáo tại thành phố Hồ Chí Minh(2).

Ngoài ra tại các cơ sở lưu giữ cá nhân, tại các địa phương cũng có lưu giữ một số ít các thư tịch HNCG: thư viện Tổng hợp Hải Dương: có 4 văn bản; Bảo tàng Tổng hợp Hà Tây: 6 văn bản(3).

2. Thư tịch Hán Nôm công giáo hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Căn cứ vào nội dung ghi chép, các thư tịch HNCG được chúng tôi nhận định là những thư tịch có nội dung liên quan đến công giáo, như: kinh thánh, truyện các thánh, sách giảng về đạo đức cho giáo dân, sách có nội dung phục vụ nghiên cứu, học tập về đạo công giáo.

2.1. Tổng quan thư tịch Hán Nôm công giáo tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Di sản Hán Nôm Việt Nam - thư mục đề yếu là bộ thư mục ghi lại toàn bộ sách Hán Nôm hiện lưu giữ tại VNCHN và tại Thư viện Quốc gia Pháp. Chúng tôi tiến hành khảo sát toàn bộ Di sản Hán Nôm, và cho kết quả: có 35 tác phẩm mang nội dung công giáo. Chi tiết như sau:

Bảng 1: Sách Hán Nôm công giáo trong Di sản Hán Nôm Việt Nam - thư mục đề yếu

Tt Tên sách, kí hiệu Năm Nội dung
(1) (2) (3) (4)
1 Thiên chúa giáo tứ tự kinh văn VHv.1883

1650

gồm 748 câu thơ, mỗi câu 4 chữ, diễn tả nội dung Kinh thánh của đạo Thiên chúa, nói về nguồn gốc, giáo lí và tính chất mầu nhiệm của đạo.
2 Thiên chúa chân đạo dẫn giải toàn thư A.825/1 - 2.
MF.1935.
Paris. EFEO. MF. II/6/980.

Lê Cảnh Hưng thứ 38 (1777)

Nói về vai trò, tác dụng của đạo Thiên chúa đối với đời sống con người: con người khi sống và linh hồn con người sau khi chết đều do Chúa trời định đoạt. Chúa trời là đấng tối cao của muôn loài.
3 Bi Nhu Quận công phương tích lục, A.1178 Canh Thân (1800). Đạo dụ tặng Bi Nhu tước Quận công.
4 Chân đạo yếu lí. AB.534. 1864 Sách gồm 9 phần, nói về những giáo lí trọng yếu của đạo Gia Tô.

5

 

Sách dạy về sự đánh giặc thiêng liêng, AB.̀535

1864

66 điều dạy các con chiên phải tuân theo vua quan vì vua quan là người thay mặt Đức Chúa để cai trị dân, không được nổi loạn, phải tin theo đức Chúa trời cho đến khi chết, đừng để ma quỷ cám dỗ.
6

Sách tóm lại những chuyện sấm chuyện cũ, AB.̀536/1-2

1864

Những truyện sấm và truyện cũ về đạo Thiên chúa, chúa Lời sáng tạo ra trời đất, cho Adam và Eve làm tổ tiên loài người.
7 Các nha môn câu sai A.331. 
Paris, EFED. MF. I/1/31.

Hậu Lê

Một số sắc lệnh của chúa Trịnh: sắc lệnh về việc khuyên dân biên giới tuân theo quốc tục, cấm người ngoại quốc dụ dỗ dân theo đạo.

8

 

Hội đồng tứ giáo

AB.305 và

VNb. 36

Lê Cảnh Hưng?

Đại diện của 4 tôn giáo là Nho, Phật, Lão, Thiên chúa trình bày về: nguồn gốc con người; cuộc sống của con người trong hiện tại; con người sau khi chết. Nhằm mục đích tuyên truyền đạo Thiên chúa, bài xích các đạo khác: Nho, Phật, Lão.

9

 

Tháng cầu cho các linh hồn nơi lửa giải tội, AB.434

1896

30 bài kinh bằng chữ Nôm của đạo Thiên chúa nói về nơi phát tích của ngọn lửa giải tội; các hình phạt nơi lửa giải tội: không được nhìn mắt Chúa, bị giam cầm, bị thiêu đốt… Phải cầu Chúa để cứu vong linh tổ tiên thoát khỏi nơi lửa thiêu, sớm được lên Thiên đường…
10 Truyện hai mươi ông thánh tử vì đạo VNv197.

1900

Chuyện 22 ông Giáo sĩ phương Tây tử đạo năm 1798 đến 1853.

 

11

Tháng ông thánh Khu Tra, AB.433

In năm 1905 Kinh bằng chữ Nôm của đạo Thiên chúa dạy các con chiên làm việc trong tháng Thánh Giuse (Khu Tra).

12

 

Ấu học thuyết

VNv. 617.

Duy Tân thứ 3 (1909)

Bản tường trình việc lập trường dạy quốc ngữ ở các làng xã thuộc trung kì.

 

13

Tân nghị cách thức,

VHv 566

Duy Tân thứ 3 (1909) Quy định mới về thi Hương, chính thức đưa quốc ngữ vào thi cùng với chữ Hán.
14 Sách truyện các thánh, VNb.34 1909 Tiểu sử và ngày lễ của các vị Thánh đạo Thiên chúa.
15

Lộ Đức thánh mẫu, VNb.33

In lần hai: 1911 Sự tích và những phép lạ cứu giúp dân của đức Bà ở Lộ Đức, một tỉnh nhỏ thuộc miền Tây Nam nước Pháp, tiếp giáp với nước Y Pha Nho.
16 Số thứ loại biên VHv.2964 và VHv.2965

1947

Sách tra cứu thuật ngữ có mang chữ số về Nho, Phật, Gia tô.
17 Tây dương gia tô bí lụcVHv. 2137.
MF. 1565.

1962

Những điều bí ẩn của đạo Gia Tô (Jésus) về nguồn gốc và sự truyền bá.
18 Bi nhu quận công hành trạng bị lục A.969.

(-)

Tập tư liệu về Giám mục Bá Đa Lộc (Bi Nhu, tên tiếng Pháp Pigneau de Behaine).
19 Những ngày lễ trọng, quyển 1 (P) (-)  
20 Thái Tây tạp kí trích lục, VHv.967. (-) Sách trích ghi về tôn giáo… của các nước châu Âu.
21

Thuật tích việc nước Nam,

AB.196.
MF.1848.

(-)

Tập thơ 6 – 8, nói về tình hình đạo Thiên chúa ở Việt Nam dưới các thời Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức.
22 Thượng dụ tập, A.371. (-) 37 bài dụ, chiếu, tấu, biểu… của vua quan nhà Nguyễn đời Thiệu Trị và Tự Đức: chăm lo làm việc, mở khoa thi, chọn hiền tài, sưu tầm sách cổ, kiểm tra nhân khẩu, thờ cúng tổ tiên, nghiêm cấm đạo Gia Tô, định ngạch quan chức…
23

Bản kinh tụng độc toàn niên, AB.473

(-)

Kinh của đạo Thiên chúa dùng cho giáo dân đọc vào buổi sáng tối hàng ngày trong mùa chay.

24

 

 

Chân đạo tự chứng

A.2846

(-)

Những vấn đề cốt lõi của đạo Thiên chúa:
① Tính và Lí, Tạo vật, Một vị (Thiên Chúa) và Ba ngôi (cha, con, thánh thần…).
② Đời và Đạo, Nhân loại, Đạo cứu thế, sự tích của A Dam và chúa Giê Su do Đức Mẹ Đồng Trinh sinh ra…③ giải đáp những nghi vấn về Chúa và về Đạo, như Chúa là vô thủy vô chung, bất sinh, bất diệt, sao lại có mẹ? Chúa có ở khắp mọi nơi, sao lại hạn chế ở một con người?… Những chứng cớ khi Chúa còn sống, khi Chúa đã lên trời, khi chúa bàn về Đạo…
④Những lời răn dạy, 7 đức để sửa tội, hạnh phúc chân chính (chân phúc), tai họa thực sự (chân họa), cải tà quy chính…
25 Sách dẫn đường giữ đạo, VNb 35 (-) 42 điều chỉ dẫn cho người theo đạo Thiên chúa.
26

Sách dẫn đường nhân đức, AB.537

(-)

Kinh thánh gồm 14 đoạn, dạy con chiên thờ đức Chúa trời, làm điều nhân đức, thương người, không phản lại Chúa.
27 Các thánh truyện (P) (-) Chuyện sự tích về các thánh.
28 Đức chúa Chi thu, BN.B1 q 2, 3, 4, 9, 10 và BN.B2 q 2   Chuyện sự tích về đức chúa Gie su.
29 Kinh những lễ mùa phục sinh BN.B7 và BN.B8

(-)

Kinh tụng niệm hàng ngày của đạo Thiên chúa.

 

30 Tháng năm ba mươi lục (P) (-) Truyện các thánh
31 Thánh giáo yếu lí (P) (-)  
32 Thiên chúa thánh giáo hối tội kinh(P) (-)  
33 Thiên chúa thánh giáo khải mông (P) (-)  
34 Thiên chúa thánh giáo nhất khoa (P) (-)  
35 Thiên chúa thánh mẫu (P) (-)  

Trong bảng thống kê nêu trên:

- Các văn bản có ghi (P) ở cột 2: các văn bản lưu giữ tại Paris (Di sản Hán Nôm không cho biết kí hiệu văn bản). Các văn bản có ghi (-) ở cột 3: các văn bản không ghi niên đại.

- Từ số 1- 17: các văn bản có ghi rõ niên đại, từ số 18-35 là các văn bản không ghi niên đại. Văn bản số 21 và 22, tuy không ghi niên đại, nhưng căn cứ nội dung ghi trong sách có thể khẳng định là văn bản thời Nguyễn.

Trong số các văn bản lưu tại kho của VCNHN, có 14/25 tác phẩm được viết bằng chữ Nôm (trong đó có 01 tác phẩm có 2 dị bản: 01 ở VNCHN và 01 ở TVQG Pháp); trong đó văn bản có niên đại sớm nhất là 1864.

2.2. Phân loại

35 tác phẩm nêu trên, căn cứ vào nội dung ghi chép trong sách, được chia thành 06 nhóm: Kinh thánh, Truyện Thánh, sách phục vụ Nghiên cứu, sách về Giáo dục, về chính sách của triều đình với công giáo, và Tu đức.

35 tác phẩm nêu trên được phân bố như sau: kho sách VNCHN hiện lưu giữ 21 tác phẩm; TVQG Pháp lưu giữ 10 tác phẩm; còn lại 04 tác phẩm có 2 dị bản (01 bản lưu ở VNCHN và 01 bản lưu giữ tại Paris, Cộng hoà Pháp). Chi tiết xem bảng 2.

Bảng 2 : Bảng phân loại sách Hán Nôm công giáo

Tt Loại Lưu giữ tại Tổng
VNCHN Paris Pháp và Việt
1. Giáo dục 02 02
2. Nghiên cứu 06 01 07
3. Chính sách của triều đình với công giáo 01 01
4. Kinh thánh 06 07 02 15
5. Truyện thánh 04 03 07
6. Tu đức 03 03
Tổng 21 10 04 35

Bảng phân loại nêu trên cho thấy, số văn bản ở VNCHN khá phong phú về chủng loại: gồm đủ 5/6 loại nêu trên; số văn bản ở TVQG Pháp chỉ gồm Kinh thánh và Truyện thánh; số văn bản lưu giữ ở cả 2 nơi có 04 tác phẩm (gồm loại 2, loại 3 và loại 4).

Chiếm số lượng áp đảo là các tác phẩm về kinh thánh, tiếp đến là các tác phẩm về truyện các thánh và sách phục vụ nghiên cứu về đạo công giáo. Trong số các sách kinh thánh, kho TVQG Pháp vẫn chiếm ưu thế hơn về số lượng văn bản. Điều đáng quan tâm là: các văn bản kinh thánh, truyện thánh của các nhà truyền giáo buổi đầu, đều đang lưu giữ tại TVQG Pháp. Văn bản kinh thánh tại VNCHN đều là những văn bản có niên đại rất muộn về sau (sớm nhất là 1864).

2.3. Tình hình nghiên cứu các văn bản HNCG

Kho tư liệu HNCG còn lại khá lớn (308 tác phẩm). Đây là một kho tư liệu quý giá mà các nhà truyền giáo đã tặng lại cho chúng ta. Vẫn biết giá trị của các tư liệu này, nhưng lâu nay, các nhà nghiên cứu chưa có điều kiện tiếp xúc. Theo sự nhận thức của chúng tôi, mới có 3 học giả Việt Nam chọn các văn bản này làm đối tượng cho đề tài nghiên cứu chuyên sâu của mình (tỉ lệ 3/308)(5).

Với tư liệu HNCG được lưu giữ tại VNCHN, hiện nay mới có 03 tác phẩm được khai thác, xuất bản (1 văn bản Hán, và 02 văn bản Nôm)(6). Số còn lại, có lẽ mới chỉ nằm dưới dạng bản phiên lưu giữ cá nhân.

*****

Thay lời kết

Qua khảo cứu nêu trên cho thấy, VCNHN hiện còn lưu giữ 25 văn bản HNCG; trong đó có 14 văn bản được ghi bằng chữ Nôm. Số văn bản Nôm này đều là những văn bản xuất hiện rất muộn về sau, không có văn bản nào thuộc thế kỉ 17.

Theo bước chân của các Giáo sĩ phương Tây, các văn bản kinh quan trọng (được ghi bằng chữ Nôm) của đạo công giáo đã xuất hiện ở Việt Nam. Rồi cũng theo gót chân của các Giáo sĩ, các văn bản này lại được đem về các cơ sở truyền giáo ở nước ngoài. VNCHN không lưu giữ được các văn bản giáo lí căn bản, các văn bản truyện các thánh do các thừa sai hồi thế kỉ 17 viết. Các văn bản này đều thuộc quyền sở hữu của TVQG Pháp. Đây là một thiệt thòi lớn cho đất nước, cho khoa học.

Lâu nay, thư tịch Nôm công giáo luôn là vấn đề ‘thời sự’ với các nhà nghiên cứu Tiếng Việt lịch sử. Muốn nghiên cứu chữ Nôm và Tiếng Việt thế kỉ 17 qua tài liệu công giáo, điều quan trọng là phải sở hữu được văn bản Nôm công giáo của thế kỉ 17. Khảo cứu thực trạng kho tư liệu HNCG tại VNCHN mới giải đáp được lí do tại sao công việc cần thiết này, lâu nay, vẫn chưa được triển khai một cách có kế hoạch.

 

Chú thích:

(1). Girolamo Majorica, ses oeuvres en langue Vietnamienne conserves à la Bibliothèque Nationale de Paris.In ở đặc san Achivium Historium societatis Jesu (Rome) - Tome XXII, 1953, tr. 203-204.

(2). Võ Long Tê trong Lịch sử văn học công giáo Việt Nam cho biết hiện ởPhòng Nghiên cứu văn chương và Văn học sử Việt Nam của trường Đại học Sư phạm Huế có chụp hình một số tác phẩm chữ Nôm của Giáo sĩ Maiorica, đánh số từ B1 đến B16.

(3). Theo khảo cứu của Nguyễn Thế Nam, thư tịch HNCG còn được lưu giữ lẻ tẻ tại Viện Sử học, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Thư viện Quốc gia Việt Nam.

(4). Số liệu của Nguyễn Tá Nhí, dẫn theo Nguyễn Thế Nam (sđd).

(5). Ba tác phẩm được các nhà nghiên cứu Việt Nam lựa chọn cho các chuyên khảo của mình là: Truyện các ThánhThiên chúa Thánh giáo khải mông, và Kinh những lễ mùa phục sinh. Các tư liệu này đều không có trong kho tư liệu của VNCHN.

(6). Ba văn bản lưu giữ tại kho VNCHN được khai thác, công bố gồm: Tây Dương Gia tô bí lục, Hội đồng tứ giáo và Thuật tích việc nước Nam.

Tài liệu tham khảo:

[1] Lã Minh Hằng, 2012, Jeronimo Maiorica và những tư liệu nghiên cứu Tiếng Việt lịch sử, tham luận Hội thảo Việt Nam học lần thứ tư.

[2] Nguyễn Hưng, 2000, Sơ thảo thư mục Hán Nôm công giáo Việt Nam, lưu hành nội bộ.

[3] Nguyễn Thế Nam, 2011, Vài nét về tình hình nghiên cứu Hán Nôm công giáo, Thông báo Hán Nôm học (bản thảo).

[4] Trần Nghĩa-François Gros, 1993, Di sản Hán Nôm Việt Nam- Thư mục đề yếu, Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp, Nxb. KHXH, Hà Nội.

[5] Trần Nghĩa, Một số sách liên quan tới chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ hiện tìm thấy tại văn khố hội truyền giáo nước ngoài, Paris, Tạp chí Hán Nôm, số 1 (34) năm 1998

[6] Võ Long Tê, 1965, Lịch sử văn học công giáo Việt Nam, Nxb. Tư duy.

[7] Chương Thâu, Một số sách chữ Nôm ở Thư viện Quốc gia Paris, Tạp chí Hán Nôm, số 2, 2001, tr. 75-78

[8] Trần Khắc Toàn, 2006, Một vài nhận xét về chữ Nôm công giáo in trong Nghiên cứu chữ Nôm, Kỷ yếu Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm, Hà Nội, 2006.

Lã Minh Hằng (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.250-260; phiên bản trực tuyến, ngày 23.02.2015.

20180305 viet am thi tap

1.越音詩集Việt âm thi tập là bộ thi tuyển đầu tiên của quốc gia Đại Việt độc lập tự chủ. Từ ý tưởng biên tập thể hiện trong bài tựa viết năm 1433 của Phan Phu Tiên - người khởi đầu biên tập; biểu dâng sách viết năm 1446 của Chu Xa - người tiếp tục chí hướng của Phan Phu Tiên; bài tựa cho in viết năm 1459 của Lý Tử Tấn - người phê điểm theo đề nghị của Chu Xa cũng như qui trình biên tập, phê điểm, dâng vua ngự lãm, sắc tứ san hành, đã cho thấy đây là tập đại thành của nền thi học quốc gia Đại Việt độc lập tự chủ, với khoảng hơn 300 năm (từ thời Trần cho đến đầu thời Lê). Theo Phan Phu Tiên, đây là bộ thi tuyển thu nhận thơ ca chữ Hán của người Nam, người Bắc có quan hệ với bản quốc “Phu Tiên tôi chẳng lượng sức mình thiển lậu, dám đem những điều mình nghe, thấy được, trước đây cũng như bây giờ, phàm những tác phẩm hay của người Nam, người Bắc có quan hệ với bản quốc cũng như những câu quê mùa cục mịch, có được đến mấy thiên, đặt tên là “Việt âm thi tập” (Tựa của Phan Phu Tiên). Với Chu Xa, “Thần trộm thấy, sử quan Phan Phu Tiên ngày trước có biên tập Việt âm thi tập nhưng rất chưa đầy đủ. Thần lại tiếp tục chọn thêm rồi xin quan Kinh diên Nguyễn Tử Tấn phê điểm, tu chỉnh biên thành 6 quyển. Còn như thơ của người Bắc và người Nam làm quan ở Bắc thì chép thành quyển Phụ lục. Sau khi tu sửa thành một bản, trang hoàng thành tập, kính cẩn dâng lên ngự lãm” (Biểu dâng sách của Chu Xa). Với Lý Tử Tấn, “Nước Việt ta từ buổi lập quốc đến giờ, người có thơ nổi tiếng ở đời, thật là nhiều lắm, như các vua Thánh Tông, Nhân Tông, Minh Tông, Nghệ Tông triều Trần; các ông như Chu tiên sinh hiệu Tiều Ẩn, Phạm công người Hiệp Thạch, Lê công người Lương Giang, Nguyễn công tự Giới Hiên, anh em ông họ Phạm người Kính Khê đều có thi tập lưu truyền ở đời. Sau này do binh hỏa, số còn lại chỉ một phần trăm, phần nghìn mà thôi. Phan quân thời còn ở Quốc sử đã muốn sưu tập thơ của vua tôi các đời gần đây để cho hậu học. Bởi vậy, ông đã sưu tập những bài còn sót lại của người trước và chọn cả những tác phẩm ma nhai của vua Thái Tổ, Thái Tông cũng như thơ của các bậc túc nho có công danh triều ta, thảy được hơn mấy trăm bài, đặt tên là VIỆT ÂM” (Tựa của Lý Tử Tấn). Như vậy, từ khi khởi thảo của Phan Phu Tiên, bổ sung của Chu Xa hay qua phê điểm của Lý Tử Tấn hay trong Sắc vua ban cho phép được khắc in trong phức thể danh xưng VIỆT ÂM THI TẬP lúc nào cũng có 2 chữ “VIỆT ÂM”. Hơn nữa, Lý Tử Tấn còn dùng hai chữ “VIỆT ÂM” làm tên cho cả thi tập này. Với người hiện đại, “Việt âm thi tập” dễ được hiểu là “Tập thơ ca tiếng Việt” nhưng thực chất đây lại là thi tập chữ Hán, Hán văn. Tại sao thi tập Hán văn lại được đặt tên là “Việt âm” ? Điều này đã làm cho bất kì ai khi giới thiệu về nó cũng phải chú giải thêm. Chẳng hạn, nhà thư mục học Hán Nôm Trần Văn Giáp đã viết “Tên sách Việt âm thi tập trong trường hợp này có nghĩa là “Tập thơ tiếng nói của người Việt” (viết bằng chữ Hán). Đáng chú ý là trong Thư viện KHXH lúc trước có một bộ sách khác cũng mang tên Việt âm thi tập, với ý nghĩa là “Tập thơ bằng tiếng Việt” (viết bằng chữ Nôm). (Trần Văn Giáp trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tr.29). Hai chữ VIỆT ÂM đã được làm định ngữ cho danh xưng “Việt âm thi tập” cho dù đó tuyển tập thơ chữ Hán. Điều này chỉ có thể hiểu được khi đặt nó trong cảnh huống xã hội-ngôn ngữ Việt Nam các thế kỉ của thời trung đại, từ góc nhìn của ngữ văn học chữ Hán Việt Nam trung đại. Theo góc nhìn đó, Việt âm thi tập mang trong mình những ý nghĩa và giá trị từ hai phương diện. Một là, từ phương diện “cái biểu đạt (chữ Hán, văn ngôn chữ Hán, âm đọc chữ Hán). Hai là, từ phương diện “cái được biểu đạt” (những vấn đề thuộc phạm trù nội dung có liên hệ với bản quốc, phong hóa của bản quốc). Bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến hai chữ “Việt âm” về phương diện “cái biểu đạt” từ góc nhìn của ngữ văn học chữ Hán Việt Nam trung đại mà thôi.

2. Thời trung đại, thường sử dụng ngôn ngữ chữ viết chung cho cả một vùng. Ở phương Tây là tiếng và chữ La tinh. Ở phương Đông là văn ngôn và chữ Hán. Do vậy, người Việt trong quốc gia Đại Việt đã dùng văn ngôn chữ Hán như là một hệ thống ngôn ngữ văn tự phục vụ cho các yêu cầu và mục đích xây dựng quốc gia độc lập của mình nên đã làm cho hệ thống ngôn ngữ văn tự dùng chung cho cả khu vực ấy mang sắc thái, bộ mặt Việt Nam cả ở phương diện “cái biểu đạt” và “cái được biểu đạt”. Trên phương diện “cái biểu đạt”, VIỆT ÂM mang trong mình những nội dung nhằm trỏ cái hệ thống ngôn ngữ được cố định bằng chữ Hán đó đã được Việt hóa ở những mức độ và bình diện có thể. Hệ thống ngôn ngữ này bao gồm các bình diện như: ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Riêng về phương diện ngữ âm, hệ thống ngôn ngữ Hán này đã được Việt hóa, đọc theo âm Hán Việt, trở thành cái gọi là “cách đọc chữ Hán của người Việt”. Do vậy, VIỆT ÂM đã được dùng làm phần xác định (định ngữ) cho danh xưng VIỆT ÂM THI TẬP, một thi tập thu tuyển thơ ca chữ Hán của người Việt.

Trong nhiều thế kỉ của thời trung đại ở Việt Nam, chữ Hán, Hán văn tuy có nguồn gốc là nước ngoài nhưng trong nhận thức nói chung của quốc gia, “Hán văn là quốc văn”, “Khổng học là quốc học”. Có được điều đó, ngoài sự quyết định mang tính lịch sử của nhân tố thời trung đại lại còn có sự góp sức của chữ Hán nữa.

Chữ Hán là loại văn tự cho phép có nhiều cách đọc. Nếu ở Trung Quốc thời trung đại, chữ Hán được dùng như là phương tiện siêu phương ngữ đảm bảo cho sự thống nhất thông tin và thống nhất văn hoá ở dạng viết, thì việc dùng chữ Hán ở ngoài Trung Quốc là một trong những nhân tố tạo nên sự tương đồng văn hóa khu vực. Song, ở ngoài Trung Quốc, mỗi nước lại sử dụng chữ Hán theo cách riêng của mình, tạo nên sự dị biệt bên cạnh sự tương đồng ấy. Tương đồng và dị biệt, chung nhưng vẫn riêng là hai mặt của một quá trình đồng văn Đông Á trung đại trên cơ sở sử dụng ngôn ngữ văn tự Hán.

Tương đồng và dị biệt của việc sử dụng ngôn ngữ văn tự Hán thể hiện cả ở phương diện “các biểu đạt” và “cái được biểu đạt”, cả ở mức độ tổng thể cũng như cụ thể. “Các biểu đạt” ở đây ngoài chữ Hán ra còn là hệ thống ngôn ngữ viết tiếng Hán. Hệ thống ngôn ngữ viết tiếng Hán thường được gọi là “văn ngôn”. Văn ngôn là ngôn ngữ viết tiếng Hán mô phỏng theo ngôn ngữ các văn bản cổ thuộc hàng “kinh điển”, gồm các trước tác của Nho gia cũng như của các trào lưu tư tưởng và học thuật khác thuộc phạm trù “bách gia chư tử”. Các văn bản cổ này của tiếng Hán về cơ bản đều dựa trên khẩu ngữ tiếng Hán thời Chu Tần. Do nhiều nguyên nhân của lịch sử, trong khoảng thời gian hơn hai ngàn năm (từ thời Tần (221 TCN) đến những năm đầu của thế kỷ XX, người Trung Quốc chủ yếu viết theo văn ngôn ở các lĩnh vực như: nghi thức hành chính, giáo dục, học thuật, sáng tác văn học… Cái “ngôn ngữ sách vở”, “ngôn ngữ văn vẻ” ấy được mã hóa theo các dạng thức văn pháp trong các kinh điển cổ. Việc viết văn bản mới được diễn ra theo cách “điền từ” vào các khung mẫu ngôn ngữ có sẵn từ các kinh điển cổ. Do được mã hoá như thế, văn ngôn có khả năng vượt lên mọi rào cản ngôn ngữ nói không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở ngoài Trung Quốc để trở thành công cụ giao tiếp siêu ngôn ngữ. Văn ngôn trở thành công cụ giao tiếp chung ở dạng viết cho cả một vùng Đông Á. Hiện tượng “bút đàm” thường diễn ra giữa những người Đông Á trong quá khứ dựa trên cơ sở ngôn ngữ học như thế của văn ngôn.

Còn về văn tự, mỗi chữ Hán mang trong mình ba mặt: hình thể - âm đọc - ý nghĩa. Hình thể và ý nghĩa của chữ Hán được dùng chung và thống nhất cho mọi nơi, mọi lúc, cho nên sự tương đồng là chủ yếu, là bắt buộc. Sự khác biệt thể hiện rõ nhất ở phương diện âm đọc. Có vài loại cách đọc chữ Hán ở Trung Quốc ở các thế kỉ thời trung đại như: cách đọc theo vận thư, cách đọc theo phương ngữ, cách đọc theo lịch đại, cách đọc theo thời điểm…

Còn ở ngoài Trung Quốc có cách đọc chữ Hán ở Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam. Với Triều Tiên đó là Hán Triều (Hán - Hàn). Với Nhật Bản là Hán Nhật. Các nước ngoài Trung Quốc đều tiếp thu một lối đọc chữ Hán nào đó của chữ Hán, sau đó lối đọc này lại chịu ảnh hưởng của tập quán phát âm của người đi mượn và hình thành nên biến thể âm đọc chữ Hán riêng của mình. Giờ đây cách đọc chữ Hán như thế ở Việt Nam gọi là “cách đọc Hán Việt”. Còn ở thế kỷ XV nó được gọi là VIỆT ÂM.

3. Việt âm cho chữ Hán tức là cách đọc chữ Hán của người Việt, thực chất là cách đọc Hán Việt. Chữ Hán và tiếng Hán, văn ngôn Hán được du nhập vào nước Việt hơn 10 thế kỉ của thời Bắc thuộc (thế kỉ II TCN - thế kỉ X). Trong thời Bắc thuộc ấy, về cơ bản âm đọc chữ Hán ở đất Việt phương Nam cũng theo tình hình âm đọc chữ Hán ở phương Bắc. Suốt hơn một ngàn năm Bắc thuộc, người Việt đã bao phen nổi dậy chống ách đô hộ phương Bắc (Hai Bà Trưng, Triệu Thị Trinh, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng…) nhưng vẫn chưa giành được quyền tự chủ hoàn toàn và vững bền. Nắm bắt được thời cơ chín muồi vào giai đoạn Ngũ đại Thập quốc (đầu thế kỉ X), họ Khúc, họ Dương đã nổi dậy giành quyền tự chủ. Ngô Vương Quyền sau đó đã đánh bại quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng (938). Chiến thắng này mở ra thời đại độc lập tự chủ hoàn toàn và vững bền của nước Việt. Các triều đại sau (Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần…) nối tiếp xây dựng và củng cố nền độc lập tự chủ. Trong các điều kiện và hoàn cảnh của thời trung đại, các triều đại đó vẫn dùng chữ Hán, Hán văn làm hệ thống ngôn ngữ chữ viết cho nước Việt theo các cách thức và yêu cầu của mình. Nếu ở thời Bắc thuộc, người Việt đọc chữ Hán giống như người Hán vì họ học trong các trường người Hán mở ở Giao Châu hay họ sang Trung Quốc, đến tận kinh đô Tràng An du học, thì giờ đây, họ tự dạy cho nhau ở tại đất Việt. Lối đọc chữ Hán ở Việt Nam vì thế không còn trực tiếp theo cách đọc chữ Hán của người Trung Quốc nữa. Một biến thể Việt Nam của cách đọc chữ Hán đã hình thành. Đó là cách đọc Hán Việt. Cách đọc Hán Việt thường được xác định là cách đọc chữ Hán của người Việt Nam để đọc toàn bộ kho tàng chữ Hán. Cách đọc này bắt nguồn từ lối đọc chữ Hán được dạy trong các trường ở Giao Châu những thế kỉ cuối cùng thời Bắc thuộc (thế kỉ VIII-IX) và sau đó đã có những thay đổi cho phù hợp với tập quán phát âm của người Việt.

Xu hướng cho sự phù hợp với tập quán phát âm của người Việt để hình thành cách đọc này là sự lẫn lộn lúc đầu, nhập một lúc sau ở hệ thống phụ âm đầu. Lúc đầu thì lẫn lộn một cách lẻ tẻ ở những phụ âm đầu lưỡi, khó phát âm đối với người Việt. Lẫn lộn ở các thanh mẫu chương, trang, tri; định-thấu; thuyền-xương; trừng-triệt; tùng-sơtâm, thư, sinhtịnh, thanh, xương, sơ; triệt-thanhtriệt-tri. Sau đó, có hiện tượng nhập một ở hệ thống phụ âm hữu thanh và vô thanh; tắc xát với phụ âm xát; tắc xát với phụ âm tắc.

Có hiện tượng rụng ở giới âm. Do sự chênh lệch (Hán có -j-; -i-; -w-, -u-; Việt chỉ có -w-) nên có hiện tượng -j- hoặc hòa vào phụ âm, hoặc nhập vào -i-; -i- rồi -i- cũng bị loại trừ.

Tiếng Hán cuối đời Đường có hệ thống âm cuối giống như hệ thống âm cuối thuần Việt, có hệ thống nguyên âm đơn giản dễ lọt vào hệ thống nguyên âm tiếng Việt, cho nên ở hệ thống vần bộ tình hình đơn giản hơn. Hầu như toàn bộ hệ thống vần bộ của tiếng Hán xuất phát điểm cho cách đọc Hán Việt đã được lưu lại ở hệ thống vần bộ Hán Việt.

Hệ thống 4 thanh điệu tiếng Hán (bình, thượng, khứ, nhập) chuyển thành hệ thống 6 thanh trong Hán Việt. (ngang, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng). (1, tr.320-332).

Kết quả của sự biến đổi cách đọc chữ Hán ấy là sự hình thành Việt âm mà ta giờ đây gọi là âm Hán Việt. Việt âm chính là âm đọc chữ Hán của người Việt nếu xét về bình diện ngữ âm.

Tiến trình hình thành âm đọc chữ Hán của người Việt - Việt âm đã diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài. Độc lập tự chủ của nhà nước Đại Việt là nhân tố chủ chốt cho sự hình thành của Việt âm. Các nhà nghiên cứu thường cho rằng, quãng thời gian từ thế kỉ X đến thế kỉ XII là quãng thời gian Việt hóa; quãng thời gian từ thế kỉ XII trở về sau, âm Hán Việt diễn biến theo lịch sử ngữ âm tiếng Việt (Nguyễn Tài Cẩn, Sđd, tr.320-332).

Ở khoảng thế kỉ X có chuyện xướng họa thơ văn bằng khẩu ngữ giữa người Nam kẻ Bắc như Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi. Khi Lý Giác sứ giả nhà Tống sang nước ta, vua Lê Đại Hành đã sai pháp sư Thuận giả làm người coi sông ra đón. Pháp sư Thuận và sứ giả Lý Giác xướng họa thơ văn bằng khẩu ngữ (Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, tập I, Nxb. KHXH, H. 1989, tr.224). Còn sau đó khoảng 2 thế kỉ, khi Nguyễn Trung Ngạn (1289-1300) trong chuyến đi sứ nhà Nguyên (1314-1315) thì không còn có thể xướng họa với văn nhân Trung Quốc bằng khẩu ngữ nữa. Các thơ sau đây của ông có thể là minh chứng cho sự khác biệt đó:

共欲啣盃終日語 , 却愁南北不同音” (阮中彥和仁傑韻 )

Cộng dục hàm bôi chung nhật ngữ

Khước sầu Nam Bắc bất đồng âm.

Những muốn nâng ly trò chuyện mãi

Lại buồn nam bắc chẳng cùng âm”.

(2, tr.221)

“Nam Bắc bất đồng âm” tức là hai bên không hiểu nhau qua khẩu ngữ nữa. Không thể xướng họa thơ văn bằng khẩu ngữ nữa, “bút đàm” trở thành phương thức trao đổi tình cảm đôi bên. Việt âm đã hoàn toàn khác âm đương thời của người Trung Quốc. Cùng với Việt âm, chữ Hán, Hán văn đã thành chữ Hán, Hán văn của người Việt. Hán văn với lối đọc Việt âm dần trở thành như là quốc văn của người Việt trong cảnh huống xã hội-ngôn ngữ Đại Việt các thế kỉ trung đại.

4. Với Việt âm, Hán văn trở thành công cụ cần yếu cho người Việt xây dựng nền học vấn Đại Việt, trong đó trước tiên phải kể đến thi học. Nền thi học Đại Việt qua các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê sơ như là những viên đá lát đường cho một nền thi học của quốc gia Đại Việt độc lập tự chủ. Những giai phẩm của nền thi học đó với lối đọc Việt âm đã được thu nhận vào bộ thi tuyển đầu tiên của quốc gia Đại Việt vào nửa đầu của thế kỉ XV sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống xâm lược nhà Minh. Về sau này, trong suốt tiến trình hành chức của ngữ văn chữ Hán ở các thế kỉ trung đại, các nhà ngữ văn Việt Nam truyền thống luôn đề cao văn thể Lý - Trần, một nền văn thể Hán văn được Việt hóa về nhiều phương diện, trong đó trước hết và dễ nhận ra nhất là Việt hóa về âm đọc, được đọc theo Việt âm. Văn thời Lý như văn thời Hán, hùng tú tự nhiên. Thơ thời Trần tinh vi trong trẻo có thể vốc lên được. “Ta thường xét văn hiến nước ta, văn đời Lý thì già dặn súc tích, phảng phất như văn thời Hán…”. “Nước ta, thơ đời Trần tinh vi trong trẻo, đều có sở trường tột bực, cũng như thơ đời Hán, đời Đường bên Trung Hoa” (Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, bản dịch. Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1989, tr.136, 143, 144). Quả là, lối đọc chữ Hán của người Việt với cách gọi “Việt âm” thật là một kỳ tích của văn hiến Đại Việt.

Chữ Hán, Hán văn với Việt âm đã trở thành một hệ thống ngôn ngữ văn tự viết trí tính, văn hoá cao, mang tính chất và tầm vóc quốc gia cho nhà nước Đại Việt độc lập tự chủ. Điều này cực kì quan trọng ở buổi “lập quốc” ấy. Hãy đọc lại một đoạn điệp văn của nhà Tống gửi cho Lê Hoàn vào tháng Tám năm Canh Thìn niên hiệu Thiên Phúc (980) trước khi chúng đưa quân vào xâm lăng Đại Việt để thấy cái nhìn ngạo mạn của phong kiến phương Bắc. “Trung Hoa đối với Man Di cũng như thân người có tứ chi, vận động duỗi co tùy ở tim mình, cho nên nói tim là chủ. Nếu ở một tay, một chân mà mạch máu ngưng đọng, gân cốt không yên thì phải dùng thuốc thang mà chữa. Chữa mà không công hiệu thì phải châm cứu cho kỳ khỏi, không phải là không biết thuốc thang thì đắng miệng mà châm chích thì rách da. Phải làm như thế là vì tổn hại ít mà ích lợi nhiều. Kẻ làm vua thiên hạ cũng phải làm như vậy chăng? Cho nên Thái Tổ Hoàng Đế ta, nhận ngôi do nhà Chu nhường, đổi tên nước ấy là Tống, văn vật trong sáng, một phen biến đổi theo xưa, ở ngôi đế vương mà nhìn dân Man Di mắc bệnh. Cho nên, năm thứ nhất, thứ hai thì thuốc thang cho các đất Kinh, Thục, Tương. Đầu năm thứ ba, thứ tư thì châm cứu cho các miền Quảng, Việt, Ngô, Sở… Chỉ có Giao Châu của ngươi ở xa cuối trời, thực ngoài năm cõi. Nhưng phần thừa của tứ chi, ví như ngón tay, ngón chân của thân ngươi, tuy chỉ có một ngón bị đau, bậc thánh nhân lại không nghĩ đến hay sao?”

Đoạn cuối của điệp văn đã đề ra không biết bao nhiêu là tối hậu thư cho vua tôi nhà Tiền Lê cũng như cho nước Việt nói chung “…Lễ phân phong đã sắp đặt sẵn, còn đợi ngươi đến chúc sức khỏe ta… Dân của ngươi bay nhảy (ý nói người hoang dã), còn ta thì có ngựa xe; dân ngươi uống mũi (nay người man ở miền rừng núi Giao Quảng vẫn còn tục ấy) còn ta thì có cơm rượu để thay phong tục của nước ngươi, dân ngươi búi tóc còn ta thì có áo mũ, dân ngươi nói tiếng chim, còn ta thì có Thi, Thư để dạy lễ cho dân ngươi. Cõi nóng chói chang, khói hơi mù mịt, ta toả mây Nghiêu, tưới cho mưa ngọt. Khí biển hầm hập, cháy mây chảy đá, ta gảy đàn Thuấn, quạt làn gió thơm. Sao trên trời nước ngươi, chẳng ai biết tên gì, ta quay chòm Tử Vi để ngươi biết chầu về. Đất ngươi nhiều ma quỷ, ai cũng sợ chúng quấy, ta đã đúc vạc lớn (để yểm trừ), khiến chúng không làm hại. Ra khỏi chốn đảo di của ngươi mà xem nhà Minh Đường, Bích Ung chăng? Trút quần áo cỏ lá của ngươi mà mặc áo cồn hoa thêu hình rồng núi chăng? Ngươi có theo về hay không…” (Ngô Sỹ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư,bản dịch, Nxb. KHXH, H, 1993, tập I, tr.218-219).

Trong hoàn cảnh như thế, đánh bại các cuộc xâm lăng của phong kiến mới chỉ là võ công. Còn phải có văn trị nữa. Do vậy, với Việt âm, người Việt có thể bàn viết về những vấn đề của Thi, Thư, Lễ, Nhạc, điển chương chế độ mà phong kiến Trung Hoa thường coi như lãnh địa riêng của mình như điệp văn ngạo mạn trên đây đã dẫn. Với Việt âm, người Việt có thể bàn về đạo lí cương thường, giáo lí thánh hiền, tự mình xây dựng văn hiến và trở thành nước có văn hiến mà một trong những minh trưng cho văn hiến Đại Việt là thành tựu của nền thi học Đại Việt. Sưu tập thi học Đại Việt là một trong những việc của công tác chỉnh lí và minh trưng văn hiến Đại Việt. Việt âm thi tập được biên tập mở đầu cho công cuộc chỉnh lí và minh trưng văn hiến Đại Việt đó. Về sau, công việc này được các nhà ngữ văn truyền thống tiến hành thường xuyên. Dưới đây là một số hợp tuyển thơ văn tiêu biểu cho truyền thống thi học Việt Nam theo tinh thần của Việt âm:

1.越音詩集Việt âm thi tập, 6 quyển, Phan Phu Tiên biên tập (1433), Chu Xa tiếp tục (1446), Lý Tử Tấn phê điểm, viết tựa, khắc in năm 1459. Sưu tập thơ của 119 nhà gồm vua, quan, danh nho, cao tăng với 624 bài từ thời Trần đến Lê sơ.

2. 古今諸家精選Cổ kim chư gia tinh tuyển. Dương Đức Nhan biên thứ, Lương Như Hộc giám định, sưu tập thơ của 13 thi gia đời Trần kể từ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trung Ngạn trở xuống, gồm 472 bài.

3.群賢賦集Quần hiền phú tập, Hoàng Tụy Phu biên tuyển.

4. 摘艷詩集 Trích diễm thi tập, 14 quyển, Hoàng Đức Lương soạn tập, tuyển chọn thơ của các nhà thơ có tiếng đời Trần và đầu đời Lê, tựa của Hoàng Đức Lương, ghi năm Hồng Đức thứ 28 (1497).

5. 全越詩錄, Toàn Việt thi lục, 20 quyển, Lê Quý Đôn vâng chỉ biên tập, chép thơ từ đời Lý đến đời Hồng Đức triều Lê, gồm gần 200 thi gia.

6. 皇越文海, Hoàng Việt văn hải, 10 quyển, Lê Quý Đôn vâng chỉ biên tập, thu lượm các bài từ thời Lý đến đời Hồng Đức triều Lê.

7. 歷朝詩鈔 Lịch triều thi sao, Bùi Huy Bích tuyển lục, xếp theo thể thứ, chia làm 6 quyển, chép thơ của các nhà từ Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng.

8. 皇越詩選Hoàng Việt thi tuyển, 6 quyển, Bùi Huy Bích biên tập, thu thập thơ của các triều Lý, Trần, Lê gồm 167 nhà, 562 bài, sách in.

9. 皇越文選Hoàng Việt văn tuyển, 8 quyển, Bùi Huy Bích biên soạn, sách in, thu thập 111 bài văn.

10. 明都詩彙Minh đô thi vựng, Bùi Nhữ Tích biên tập, Bùi Ngạn Cơ hiệu đính, biên soạn vào đầu thế kỉ XIX, thu nhận thơ của các nhà từ thời Trần đến Lê, Tây Sơn.

11. 名詩合選 Danh thi hợp tuyển, 12 quyển, Trần Công Hiến biên tập, Hải Học đường, Gia Long năm thứ 13 (1814).

12. 越詩續編Việt thi tục biên, 3 quyển, Nguyễn Thu (1799-1855) biên soạn, chép tiếp thơ của các nhà từ Mạc đến Hậu Lê, gồm 58 nhà, 583 bài.

13. 國朝詩錄, Quốc triều thi lục, 6 quyển, Trần Văn Cận biên soạn, chép hơn 1700 bài của hơn 100 tác gia (trừ các vua) từ đời Gia Long (1802) đến Bảo Đại (1929), phần nhiều là những bài chưa tuyển vào Hoàng Việt thi tuyển.

(Nguồn: Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập II, Nxb. KHXH, H. 1990, tr.26-56).

Có thể gộp các bộ hợp tuyển thi văn trên đây vào một số nhóm sau:

- Nhóm có tính chất nhà nước, được phụng chỉ soạn, được sắc tứ san hành như: 越音詩集Việt âm thi tập全越詩錄, Toàn Việt thi lục皇越文海, Hoàng Việt văn hải;

- Nhóm có tính chất toàn quốc, lịch triều như: 歷朝詩鈔Lịch triều thi sao皇越詩選Hoàng Việt thi tuyển皇越文選Hoàng Việt văn tuyển; 明都詩彙 Minh đô thi vựng名詩合選 Danh thi hợp tuyển;越詩續編Việt thi tục biên;國朝詩錄 Quốc triều thi lục.

Hai nhóm trên có thể được ghép lại thành một nhóm chung hơn thành nhóm các bộ thi văn hợp tuyển quốc gia.

Nhóm có tính chất thi tuyển theo luật thơ, phép làm thơ, tinh tuyển nghiêng về thi luật văn như: 古今諸家精選Cổ kim chư gia tinh tuyển摘艷詩集 Trích diễm thi tập

Các hợp tuyển thi văn trên đều hướng đến hợp tuyển quốc gia. Ở đây chúng ta thấy mối quan hệ giữa quốc gia đất nước với triều đại cụ thể (quốc triều). Đành rằng, các nhà biên tập luôn dành cho triều đại mình đang phục vụ những dòng viết đầy ca ngợi với tổng xưng là “quốc triều”, còn các triều đại trước thì được liệt kê bằng tên của chính từng triều đại nhưng dù có thế đi chăng nữa, tinh thần quốc gia đất nước vẫn là tinh thần trùm phủ, bao quát. Ta có thể dẫn ra ở đây một loạt danh xưng của các bộ hợp tuyển như thế: Việt âm thi tập, Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển, Hoàng Việt văn tuyển…mà Việt âm thi tập là sự khởi đầu.

5. Như vậy, là sản phẩm Việt Nam của việc sử dụng ngôn ngữ văn tự Hán, công cụ viết giao tiếp cho cả khu vực Đông Á vào các thế kỉ của thời trung đại, chữ Hán, Hán văn đã được Việt hóa để được gọi là Việt âm trên phương diện “cái biểu đạt” cũng như “cái được biểu đạt”. Điều này đã cắt nghĩa vì sao bộ thi tuyển đầu tiên của quốc gia Đại Việt được đặt tên là “Việt âm thi tập”. Ở phương diện “cái biểu đạt”, tức là ở phương diện ngôn ngữ văn tự Hán từ góc nhìn của ngữ văn học chữ Hán Việt Nam trung đại, ta thấy Việt âm mang trong mình những ý nghĩa chủ yếu dưới đây:

Việt âm là cách gọi để chỉ hệ thống ngôn ngữ văn tự Hán đã được Việt hoá về nhiều phương diện cho sự nghiệp xây dựng nền văn hiến Đại Việt, trong đó dễ nhận ra nhất là ở phương diện âm đọc, Âm đọc chữ Hán mà người Việt đọc theo cách Việt hóa của mình đã được gọi bằng cách gọi Việt âm.

Việt âm trong các thế kỉ trung đại là quốc văn của người Việt cho dù ngôn ngữ viết của nó vẫn là văn ngôn chữ Hán. Do đó, Việt âm trở thành và mang tinh thần bản quốc, một bản quốc đang lên, đang ở buổi “tân cường” như Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã nói trong lời dặn với vua Trần.

Việt âm mang tinh thần Việt, cốt cách Việt, khác biệt Việt nếu so nó với những gì thuộc về phạm trù Hán văn nói chung.

Việt âm thể hiện cách tiếp cận Việt trong mối liên hệ và đối lập Nam-Bắc. Chữ Hán, Hán văn vốn là sản phẩm do nguồn gốc từ Trung Quốc và nhiều lúc là công cụ cho sự nô dịch của phong kiến phương Bắc, nhưng khi được người Việt sử dụng, các công cụ có tính chất ngoại lai ấy đã trở thành cái để phân biệt người Nam và người Bắc. Đối lập Nam-Bắc là nhận thức chủ đạo cho mọi sự biên tập của Phan Phu Tiên, và Chu Xa, hai đồng biên tập của Việt âm thi tập. Tạo nên đối lập Nam-Bắc của quá trình dùng chữ Hán, Hán văn với Việt âm chính là một trong những nhân tố đảm bảo cho nền độc lập của nước Đại Việt. Có rất nhiều ý nghĩa của định ngữ “Việt âm” trong phức thể danh xưng “Việt âm thi tập” mà người hiện đại chúng ta có thể nói về nó. Tựu trung lại, từ góc nhìn của ngữ văn học chữ Hán Việt Nam trung đại, Việt âm, chính là cách dùng hệ thống ngôn ngữ văn tự chữ Hán ở quốc gia Đại Việt thời phong kiến tự chủ trong các mối liên hệ vừa tương ứng vừa đối lập với hệ thống ngôn ngữ văn tự Hán nói chung. Việt âm là quốc văn của quốc gia Đại Việt độc lập tự chủ, là giá trị Đại Việt trong thực tế sử dụng ngôn ngữ văn tự Hán ở Việt Nam thời phong kiến độc lập tự chủ, khởi đầu từ thế kỉ thứ X và liên tục trong các thế kỉ dưới các triều Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần - Hồ và Lê sơ cũng như cả sau này nữa. Việt âm đã góp phần tích cực của mình cho một nước Đại Việt có văn hiến.

Sau buổi thắng cường Minh bạo tàn, cần phải sưu tập và minh trưng văn hiến đó, trong đó có phương diện thi học. Các nhà biên tập và chỉnh lý thi học Đại Việt thế kỉ XV như Phan Phu Tiên, Chu Xa đã dùng cách gọi “Việt âm” để xác định tên cho sưu tập thơ ca Đại Việt của mình.

Sự xác lập cách gọi “Việt âm” trong thời điểm đó mang trong mình nghĩa kép. Một mặt, nó khẳng định giá trị và tinh thần Đại Việt đã đạt được trong việc sử dụng ngôn ngữ văn tự Hán từ buổi độc lập cách đó suốt mấy thế kỉ. Giá trị và tinh thần đó sẽ là nền tảng cho tinh thần học vấn Đại Việt các thế kỉ về sau. Mặt khác, đó cũng là một hành động nhằm phủ định những tư tưởng học thuật nô dịch mà giặc Minh cuồng bạo đã gieo rắc trên đất nước ta trong thời gian chúng chiếm đóng. Trở về với Việt âm là trở về với các giá trị Đại Việt của thời lập quốc sau một ngàn năm Bắc thuộc.

Theo nghĩa đó, Việt âm nói riêng và thi ca được sưu tập trong Việt âm thi tập nói chung thực sự là một trong những giá trị cổ điển Đại Việt, giá trị cổ điển Việt Nam, góp phần minh trưng cho văn hiến Đại Việt cũng như minh trưng cho một nước Đại Việt có văn hiến.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Nguyễn Tài Cẩn, Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H. 2000.

2. Nguyễn Tài Cẩn: Ảnh hưởng Hán văn Lý - Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, Nxb. Giáo dục, H. 1998.

3. Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập II, Nxb. KHXH, H. 1990.

4. Phạm Đình Hổ: Vũ trung tùy bút, bản dịch. Nhà xuất bản Tp. Hồ Chí Minh, 1989.

5. Ngô Sỹ Liên: Đại Việt sử kí toàn thư, bản dịch, tập I, Nxb. KHXH, H. 1993.

6. 越音詩集Việt âm thi tập, kí hiệu A.1925, Viện Nghiên cứu Hán Nôm./.

Phạm Văn Khoái

PGS.TS. Trường Đại học KHXH và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 5 (120); tr. 26-35, 2013

20180622 nha tho Dai On HN

Ảnh: Nhà thờ Đại Ơn (Chương Mỹ - Hà Nội)

Những nhà thờ Công giáo Việt Nam cổ nhất tồn tại đến nay cũng chủ yếu chỉ được xây dựng kiên cố từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nay. Dù còn có những định kiến nhất định do lịch sử để lại, nhưng phải khảng định rằng nhà thờ Công giáo là những khối kiến trúc có giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử. Những nhà thờ được xây dựng theo phong cách “truyền thống” như Phát Diệm song song tồn tại cùng với những nhà thờ được xây dựng theo kiểu Baroque, Gothique, Roman… tạo nên sự đa dạng trong phong cách kiến trúc nhà thờ. Đặc biệt là trong kiến trúc của một số nhà thờ Công giáo còn thấy xuất hiện chữ Hán Nôm trong các văn bia, đại tự, câu đối… khiến nhiều người nghĩ đến tính hội nhập văn hoá của Công giáo vào xã hội Việt Nam. Di sản Hán Nôm trong các nhà thờ Công giáo không có nhiều, tuy nhiên tính chất thiểu số của nó đã đem lại nhiều giá trị đáng trân trọng.

Bước đầu thống kê, chúng tôi cho rằng hiện nay các nhà thờ có chứa di sản chữ Hán-Nôm (gồm bia ký, câu đối, đại tự) đã được biết tới là(1):

1. Nhà thờ Đại Ơn (Chương Mỹ - Hà Nội)(2): có bia đề thơ, cổng nhà thờ có câu đối chữ Hán.

2. Nhà thờ Hà Hồi (Thường Tín - Hà Nội): có câu đối.

3. Nhà thờ Tri Thuỷ (Phú Xuyên - Hà Nội): có hai tấm bia đá nhỏ, một tấm khắc năm 1924, 1 tấm khắc năm 1927.

4. Đền Thánh Phêrô Lê Tuỳ (Bằng Sở - Thường Tín - Hà Nội): tấm bia ký mới được dựng lại ở đây có lẽ có tuổi đời rất lâu, chữ đã mờ mất khá nhiều.

5. Nhà thờ Phùng Khoang (Từ Liêm - Hà Nội): có bia hậu, cổng nhà thờ có câu đối chữ Nôm.

6. Nhà thờ Phú Mỹ (Phú Xuyên - Hà Nội): có các chữ Nôm phiên âm tiếng nước ngoài, câu đối, được đắp trên một số bộ phận của nhà thờ.

7. Nhà thờ Từ Châu (Thanh Oai - Hà Nội): có khá nhiều câu đối, đại tự.

8. Nhà thờ Thạch Bích (Bích Hà - Thanh Oai - Hà Nội): có câu đối.

9. Nhà thờ Xâm Dương (Sở Hạ - Thường Tín - Hà Nội): có câu đối trên chất liệu gỗ.

10. Nhà thờ Ổ Thôn (Bình Phú - Thạch Thất - Hà Nội)(3): có bia hậu.

11. Nhà thờ Xuân Hoà (Bạch Đằng - Tiên Lãng - Hải Phòng): có bia hậu.

12. Nhà thờ Tiên Đôi Ngoại (Đoàn Lập - Tiên Lãng - Hải Phòng): có bia hậu.

13. Nhà thờ Đức Bà (Trung Lao - Trung Đông - Nam Ninh - Nam Định): có bia công đức.

14. Nhà thờ Vinh Sơn (Trung Lao-Trung Đông-Nam Ninh-Nam Định): có bia công đức.

15. Nhà thờ Kẻ Vĩnh (Ngân Trị-Ý Yên-Nam Định): có các bức đại tự được đắp trên cửa mặt tiền nhà thờ.

16. Nhà thờ Phú Nhai (Xuân Thuỷ-Nam Định)(4): có bia viết về nhân vật lịch sử cụ thể.

17. Nhà thờ Hảo Nho (Yên Lâm-Tam Điệp-Ninh Bình): có câu đối, đại tự.

18. Nhà thờ Quảng Nạp (Yên Thắng-Yên Mô-Ninh Bình): có câu đối, đại tự ở mặt tiền nhà thờ.

19. Nhà thờ Phát Diệm (Kim Sơn-Ninh Bình): có câu đối, đại tự.

20. Nhà thờ giáo họ Vinh Trung (Kim Sơn-Ninh Bình): có các đại tự, câu đối được đắp tại mặt tiền nhà thờ.

21. Nhà thờ Ba Làng (Tĩnh Gia-Thanh Hoá): có đại tự tại mặt tiền nhà thờ.

22. Nhà thờ Lăng Cô (Phú Lộc- Thừa Thiên Huế): có bức cuốn thư bằng gỗ sơn son ghi chữ Hán được thếp vàng.

23. Nhà thờ An Vân (Hương Trà-Thừa Thiên Huế): chữ Hán Nôm xuất hiện với nhiều hình thức đa dạng.

24. Nhà thờ Phủ Cam (Thành Phố Huế): có bia viết về nhân vật lịch sử cụ thể.

25. Nhà thờ Cha Tam (Quận 5-Tp Hồ Chí Minh): có đại tự ở cổng vào nhà thờ, ở cửa vào gian chính, và có câu đối bên trong nhà thờ.

26. Nhà thờ Tân Hoà (Quận Phú Nhuận-Tp Hồ Chí Minh): có đại tự và câu đối ở mặt tiền nhà thờ.

Ngoài ra chữ Hán, chữ Nôm còn được khắc, hoặc đúc trên những quả “chuông Nam(5)” được tìm thấy tại một vài nhà thờ, như chuông ở nhà thờ Trường An (thành phố Huế), Đốc Sơ (Thành phố Huế), Lưu Phương Thượng, Phát Diệm Thượng (Ninh Bình),… hoặc được khắc trên mộ của Nguyễn Trường Tộ (Hưng Nguyên-Nghệ An).

Có thể tạm chia bia ký ghi bằng chữ Hán, Nôm được tìm thấy tại các nhà thờ Công giáo Việt Nam làm: bia hậu và bia ký ghi công đức một danh nhân nào đó, ghi lại công việc tạo lập cộng đồng Công giáo, hoặc việc kiến thiết nhà thờ. Hầu hết những tấm bia tại nhà thờ Công giáo Việt Nam đều ra đời từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX (tức là từ thời điểm người Pháp bắt đầu thực hiện chính sách loại bỏ chữ Hán, chữ Nôm ở Việt Nam, đến khi đến khi chữ Quốc ngữ có được địa vị chắc chắn). Sự xuất hiện của bia đá ghi bằng chữ Hán, chữ Nôm tại nhà thờ Công giáo Việt Nam trong khi chính quyền thực dân đã hạn chế thứ chữ này có thể xem là hiện tượng thú vị. Cũng có thể coi đây là dấu hiệu hội nhập văn hoá của Công giáo Việt Nam, khiến ta có thể so sánh vị trí của nhà thờ Công giáo với một ngôi chùa, một đình làng truyền thống.

Số nhà thờ Công giáo được trang trí các câu đối, hay các bức đại tự viết bằng chữ Hán-Nôm chỉ là thiểu số so với số lượng nhà thờ Công giáo tại Việt Nam. Ngoại trừ hai nhà thờ có nhiều câu đối với lối kiến trúc bên trong đậm chất truyền thống là Từ Châu, Xâm Dương…, số lượng chữ Hán, chữ Nôm trong các câu đối, đại tự trong nhưng nhà thờ còn lại không lớn, thậm chí ở một số nhà thờ chỉ lác đác vài ba chữ Hán mang ý nghĩa trang trí là chính.

Nội dung của những câu đối, đại tự này phần lớn đều nhằm ngợi ca nhà thờ, hạnh tích các thánh hoặc các vấn đề thần học của Công giáo. Tương tự phong cách thường thấy trong nhiều công trình kiến trúc khác của người Việt Nam, phần lớn số câu đối, đại tự ở nhà thờ Công giáo Việt Nam đều xuất hiện ở mặt tiền, cổng ra vào hoặc các cột trụ của nhà thờ. Ở một số câu đối, đại tự ta còn bắt gặp các điển tích cổ của Việt Nam, Trung Quốc, hoặc phương Tây.

Tuy rằng ở nhiều nhà thờ việc gìn giữ di sản nói chung, di sản chữ Hán, Nôm nói riêng rất được coi trọng, nhưng do sự gián cách của lịch sử nên những di sản này đang có nguy cơ bị mai một. Đây là điều đáng tiếc bởi nhà thờ Công giáo cũng là một yếu tố gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân tộc, và cần được quan tâm gìn giữ một cách đúng mức.  


Chú thích:

(1). Trong một số nhà thờ còn xuất hiện những chữ Latinh trên một số bộ phận kiến trúc, hoặc có bia đá viết bằng chữ Quốc ngữ. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập tới chữ Hán, Nôm.

(2). Con số chúng tôi đưa ra chưa thể là con số đầy đủ bởi việc khảo sát hàng trăm nhà thờ Công giáo tại Việt Nam để thống kê những nhà thờ có chữ Hán-Nôm là một công việc khó khăn nằm ngoài khả năng ở thời điểm hiện tại của chúng tôi.

(3). Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Kỷ yếu trao đổi khoa học Tư liệu Hán Nôm viết về Công giáo Việt Nam, Hà Nội, 2003.

(4). Nguyễn Hồng Dương, Nhà thờ Công giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, 2003, tr 73-78.

(5). Tức là những quả chuông giống chuông chùa, khác với chuông kiểu phương Tây.

Nguyễn Thế Nam - Viện Nghiên cứu Tôn giáo

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.491-495, phiên bản trực tuyến ngày 09.02.2015.

20180221 quoc to

Ảnh: Quốc tộ (Thư pháp: Nguyễn Đình Thảng, trong Việt Nam bách gia thi, Cao Tự Thanh biên soạn, NXB. Văn hóa Sài Gòn, 2005)

I - Văn hóa Nho giáo - giá trị văn hóa Đông Á: nhận thức văn hóa Nho Việt

Nhận thức giá trị văn hóa Đông Á là một vấn đề đã và đang được các nhà nghiên cứu triết học, lịch sử, chính trị, xã hội quan tâm, đặc biệt là gia tài văn hóa - gia tài văn hóa truyền thống Đông Á. Tuy nhiên cái chung không bao gồm hết cái riêng, mà từng quốc gia đều có những sắc thái riêng biệt. Chính nhờ sự khác biệt đó đã tạo nên diện mạo phong phú của gia tài văn hóa chung.

Năm 2001 đã có hai hội nghị quốc tế về văn hóa Đông Á:

1) Hội thảo bốn trường Đại học Đông Á: Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại học Seoul (Hàn Quốc), Đại học Tokyo (Nhật Bản), Đại học Quốc gia Hà Nội (Việt Nam). Hội nghị được tổ chức ở Đại học Quốc gia Hà Nội vào ngày 21/11/2001, bàn về gia tài văn hóa Đông Á trong giáo dục.(1)

2) Tháng 10/2001, nhân kỷ niệm 500 năm năm sinh của Toegye - Lý Hoãng (1501-1570) nhà giáo dục lập thuyết Nho giáo nổi tiếng của Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc Hội thảo Quốc tế thảo luận về “Giá trị văn hóa Đông Á - Nho giáo với xã hội tương lai”(2).

Trong báo cáo của Giáo sư 许南进 (Huk Nan Jin), khoa Triết học trường Đại học Seoul có một nhận định về Nho giáo đối với giá trị văn hóa Đông Á, ông cho rằng:

“Nếp nghĩ, nếp sinh hoạt mang đậm tính Nho giáo chiếm một vị trí tâm điểm trong truyền thống văn hóa Đông Á, trong đó có Hàn Quốc. Ở một ý nghĩa nào đó, Nho giáo đồng nghĩa với giá trị văn hóa truyền thống, vì thế, có thể nói rằng việc ủng hộ hay phản bác giá trị Nho giáo đều ám chỉ sự đánh giá về lịch sử Đông Á và triển vọng tương lai của khu vực này”(3).

Các nhà nghiên cứu Nho giáo đã nhìn vào xã hội hiện tại với bao vấn đề đặt ra cho xã hội, con người Đông Á. Trong khi kinh tế, kỹ thuật đang phát triển và đã đạt được những thành tựu đáng kể, khoa học kỹ thuật đã đem đến những thành quả lớn về sản xuất, nhưng trái lại cuộc sống tinh thần, đạo đức xã hội, gia đình cũng đang khủng hoảng, suy thoái trầm trọng.

Lịch sử như đang chứng kiến một hiện tượng nghịch lý là: Kỹ thuật khoa học phát triển tiến bộ thì tinh thần đạo đức xã hội, gia đình lại suy đồi, lạc hậu.

Chúng ta biết vấn đề đời sống tinh thần, đạo đức xã hội đang vang lên tiếng chuông báo động đối với xã hội nhân loại. Ở thế giới Đông Á, đặc biệt ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam…, vấn đề xây dựng cuộc sống văn minh tinh thần, đảm bảo cho sự bền vững thành quả của công cuộc xây dựng, đã và đang được nhà nước, xã hội, giới nghiên cứu văn hóa, kinh tế quan tâm. Các học giả Âu Mỹ cũng đặc biệt chú trọng đến gia tài văn hóa Nho giáo phương Đông, và cho rằng:

“Nho giáo là vị thuốc hiệu nghiệm không chỉ có khả năng chữa trị bệnh đời sống luân lý đang bị xuống cấp và đạo đức suy đồi, mà còn có thể trở thành hướng chỉ đường cho xã hội Đại đồng tương lai, ở đó con người được kính trọng và thương yêu nhau”(4).

GS. Michacl Kalton (Washington. U. Tacoma, Mỹ) trong báo cáo của mình đã đề cao quan niệm đức trị, đạo đức “Nhân, Lễ”, muốn nghiên cứu tìm con đường giải quyết những bế tắc về quan hệ con người và xã hội, đặc biệt mối quan hệ gia đình ở phương Tây trong giai đoạn hiện tại

Năm 2003, Đại học Bắc Kinh đồng chủ trì với Học xã Yên Kinh, Đại học Havard tổ chức một Hội nghị quốc tế thảo luận “góc nhìn Đông Á về văn hóa thế giới” (世界文化的東亚視角- East Asia’s view on world culture). Trong Hội nghị này giá trị văn hóa Nho giáo Đông Á và ứng xử xã hội hiện đại được đề cập một cách sâu sắc; Đặc biệt bàn về gia tài nho giáo trong ứng xử và gia tài triết thuyết “ Hòa nhi bất đồng”(5).

Ta có thể khẳng định Nho giáo Trung Hoa - Khổng Nho có một vị trí quan trọng trong hệ thống triết thuyết Nho Đông Á. Cái thế mạnh đó ngay từ thế mạnh trí tuệ luân lý nhận thức được chuyển tải bởi chữ Hán (Nho), ý thức giáo dục và mô hình tổ chức chính trị xã hội văn hóa. Là người nghiên cứu lịch sử chúng tôi hiểu sâu sắc nhân tố Hán (Nho) với sức mạnh mềm văn hóa đã có nhiều giai đoạn gây tác dụng chế ngự, chi phối và ảnh hưởng đến khu vực.

Ai đã từng đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam đều có thể dễ dàng nhận thấy Khổng Nho - Nho giáo Trung Hoa ảnh hưởng, in rõ dấu ấn trên nền văn hóa vật thể và cả phi vật thể của các nền văn hóa này. Khổng Tử được các quốc gia kính trọng tôn thờ; chữ Hán được lưu giữ trên các đền thờ, sách vở, ngôn ngữ tiếng nói. Chữ Hán ở Việt Nam còn gọi là chữ Nho.

Điều đầu tiên ta phải nhắc đến ưu thắng của văn hóa Hán về chữ viết Chữ Hán ra đời sớm, lại là thứ chữ dùng chuyển tải cả một nền văn minh sớm từ khoảng gần 2000 năm TCN. Nó có hệ thống và có sức mạnh chinh phục đáng kể, ảnh hưởng, tiếp lực cho các nền văn minh các quốc gia Đông Á phát triển. Nó trở thành ngôn ngữ vay mượn có giá trị đối với chính trị chính quyền tổ chức nhà nước hàng ngàn năm.

Như chúng ta biết các quốc gia Đông Á: Nhật, Hàn, Việt phải đến thế kỷ XX khi bị các đế quốc phương Tây cuốn vào cơn lốc kinh tế tư bản chủ nghĩa dần mới chấm dứt dùng chữ Hán trong văn bản chính thức của nhà nước. Tuy vậy, trong giai đoạn cận đại giá trị của chữ Hán lại vẫn là công cụ để các nhà yêu nước tri thức Nho học tiếp cận chuyển tải văn minh công nghiệp phương Tây qua tân thư. Hồ Chí Minh đã từng có nhận định đúng đắn khách quan lịch sử là:

“Hán học có thể đưa vào Việt Nam những tư tưởng tiến bộ phương Tây thông qua Trung Quốc và Nhật Bản”(6).

Ưu thế về chữ viết và Nho giáo tập thành của Khổng Tử đã làm cho Nho giáo của Trung Quốc ảnh hưởng mạnh đến các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Việt Nam.

Nho giáo Trung Quốc bản chất là một hệ thống lý thuyết nhận thức đạo đức, phép ứng xử sản sinh ra từ nhận thức quan hệ của cư dân văn minh nông nghiệp. Khổng Tử là người thuật lại, chuyển tải và ảnh hưởng lan tỏa khu vực. Ông và sau đó học trò của ông bổ sung phát triển, mong muốn xây dựng một xã hội quân chủ an bình hạnh phúc, mơ ước về một xã hội Đại đồng.

Nho giáo Trung Quốc trở thành hệ thống lý thuyết, hệ thống tư tưởng triết lý đạo đức quan hệ ứng xử: Đức, Lễ, Trí.

Cơ sở nhận thức quan hệ triết học “Hòa nhi bất đồng” trong xã hội và vạn vật vẫn là nhận thức quán xuyến từ xưa đến nay và đang được phát huy trong xã hội ngày nay. Trung Quốc đang mong muốn phát huy nhằm xây dựng một xã hội hài hòa phát triển. Môi trường tự nhiên, xã hội đạo đức đều có yêu cầu cộng sinh trong phát triển, đối lập trong hòa điệu. Lý thuyết “Hòa nhi bất đồng” là một nhận thức sự vật và xã hội trong quan hệ cùng tồn tại chung sống và chịu sự tác động của quy luật, chi phối và đưa đến kết cục theo quy luật. Nó mang một giá trị khá phổ quát trong nhận thức, quan hệ tổ chức, thực thi, ứng xử trong mọi mặt xã hội và tự nhiên.

Văn hóa Nho giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Trung Hoa. Nhưng ý thức tồn tại, độc lập như luôn thường trực trên con đường giao lưu văn hóa. Sự tích hợp văn hóa theo chúng tôi có cơ sở tạo nên một văn hóa Nho Việt với bản sắc riêng.

Pha trộn và tích hợp là một quá trình theo quy luật. Giáo sư Furita(7) nhà nghiên cứu văn hóa Nhật và Đông Á trong Hội thảo giao lưu văn hóa Nhật Việt ở trường Đại học KHXH & Nhân văn Hà Nội có nhấn mạnh quá trình pha trộn văn hóa là tất yếu trong lịch sử, nhưng theo tôi đó là hiện tượng ban đầu. Giai đoạn đầu, có thể là bị cưỡng bức do nhận thức, tâm lý dị ứng tâm lý dân tộc. Hiện tượng “pha trộn văn hóa” (mixed culture) là hiện tượng chưa chín của quá trình giao lưu văn hóa và cái kết quả của quá trình giao lưu văn hóa đến độ chín là hiện tượng thành thục, tích hợp văn hóa (Integrative culture). Quá trình này luôn tái hiện ở mức độ ngày càng cao hơn.

Nho giáo Trung Hoa ảnh hưởng đến văn hóa Nho giáo Việt Nam không làm mất đi ý chí độc lập, trái lại, nó làm cho ý thức độc lập dân tộc lớn dậy. Đó cũng chính là nét phản ánh về bản sắc Nho giáo Việt Nam. Giáo sư Trần Văn Đoàn - Đại học Đài Loan có nhận định:

“Việt nho là một hình thái tư duy tổng hợp được sản sinh ra trong thế giới cuộc sống của người Việt, được nuôi dưỡng bởi Nho giáo và phát triển nhờ sự tích hợp với các tư tưởng khác Phật, Đạo và ngày nay, có lẽ cả triết học phương Tây. Việt nho được phát triển để đáp ứng nhu cầu diễn đạt ý thức chung (lẽ thường), và để tìm kiếm bản sắc của người Việt(8).

Cảm nhận về bản sắc Nho giáo Việt Nam để thử tìm phân tích những yếu tố nội dung Nho giáo Việt phản ánh bản sắc Nho Việt với những nét tiêu biểu được hình thành trong lịch sử là gì?

Đó là mong muốn của người viết bài nghiên cứu này thông qua nhận thức phân tích về áng thơ văn lịch sử: Quốc tộ, Nam quốc sơn hà  Bình Ngô đại cáo.

II- Hồn Nho Việt trong Quốc tộ, Nam quốc sơn hà và Bình Ngô đại cáo

Những tài liệu nghiên cứu về Nho Việt khá tản mạn và hầu hết là được chứa trong các tác phẩm có tính văn học. Đó cũng là đặc trưng của nguồn tư liệu nghiên cứu về triết tư tưởng Nho Việt Nam. Như vậy vấn đề nghiên cứu tìm bản chất Nho Việt là một quá trình đầy khó khăn, từ nguồn tư liệu tản mạn ít ỏi và không trực tiếp thuyết diễn về triết Nho Việt, ta khó mà nhìn rõ bản chất, giải mã một cách thấu đáo tư duy của nội dung quan niệm Việt Nho. Khổng Nho như một bức tường thành ngăn trở những tư tưởng nghiên cứu có tính cách bứt phá, sáng tạo, giải phóng tư tưởng. Có lẽ con đường liên hệ với lịch sử, văn học sử, tư tưởng sử là con đường có thể cho ta cách tiếp cận tư duy đáng chú tâm nhất.

Xin bắt đầu từ hai bài thơ có giá trị lịch sử, có tính khái quát tư tưởng, giá trị văn học cao đã được đánh giá. Nhà nghiên cứu văn học cổ Việt Nam Giáo sư Bùi Duy Tân đã đánh giá, đây là hai kiệt tác mở đầu văn học Việt Nam(9).

1. Quốc Tộ

國祚

國祚如籐絡 

南天里太平

無為居殿閣

處處息刀兵

Quốc Tộ

Quốc tộ như đằng lạc

Nam thiên lý thái bình

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh

Xin dịch: Vận nước

Vận nước như dây cuốn,

Trời Nam muốn thái bình.

“Vô vi” nơi cung điện,

Sẽ tắt lửa chiến tranh(10).

Bài thơ từ ngôn ngữ mang một ý niệm tư tưởng, một hàm ý triết học thật không dễ dàng nhận thức, muốn nhận thức nó ta phải hiểu cả một quá trình lịch sử và cả triết thuyết Phật, Nho, Đạo.

Về bối cảnh lịch sử bài thơ ra đời là thời kỳ nước Việt Nam, sau khi Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, tuyên bố nền tự chủ của dân tộc, ý thức dân tộc đã lớn dậy, ý chí cư dân đã định nên cương vực xây dựng nên nền chính trị của mình. Một thời sau đó Lê Hoàn chống Tống thắng lợi. Chịu ảnh hưởng Nho giáo Trung Hoa mà chính trị, ý thức dân tộc đang muốn là mình, có nền thống trị quản lý tự mình, có điện các; mô hình cấu trúc quản lý biểu trưng. Vận nước sự phát triển với muôn mối phức tạp như “đằng lạc”, “dây quấn”, đó là cái khung mối ràng buộc của quy luật, chiến tranh và hòa bình, độc lập và phụ thuộc, hưng thịnh và suy vi, bị nô dịch và độc lập, muôn mối quan hệ mà muốn xử lý có hiệu quả: Nam thiên lý thái bình. Biện pháp tất yếu đó chính là “vô vi”, chính quyền “điện các” phải nhận thức quy luật phát triển, đừng làm loạn dân theo ý muốn của mình, thống trị bằng đức, đừng đặt ra luật pháp hà khắc; đừng can thiệp vào quy luật “đạo”. Ở bài thơ như nhận thức Phật, Nho, Đạo ẩn tàng trong ý niệm. Cái lý huyền diệu toát lên từ những dòng chữ Nho chuyển tải một tích hợp văn hóa, tư tưởng, ở đây phản ánh Phật Nho Đạo hòa quyện nhau mà tư tưởng đó được một nhà sư phát ngôn, nhà sư đạo Phật+chữ Hán văn hóa Hán+Đạo (Lão).

Quả là bài thơ với nội dung phản ánh hồn Việt. Bài thơ hồn Việt, chuyển tải ý niệm tư tưởng Tam giáo không nghiêng ngả, vững như kiềng ba chân Phật Nho Đạo tạo thành. Điều đầu tiên ta phải thấy là hình thức ngôn ngữ là chữ Hán Nho, khung thơ là cách chuyển tải của văn hóa Hán. Nhưng ta khó mà nói bài thơ mang tư tưởng triết thuyết Nho Hán mà rõ ràng là một hợp thể tam giáo mang hồn Việt. Nó tuyên bố triết thuyết đạo đức cách ứng xử tính hiệu quả mục đích “thái bình” rất Việt. Tư tưởng Nho Việt đã chín trong quá trình đứng dậy trên mảnh đất văn hóa mình, tiếp thu trí tuệ văn hóa trí tuệ của nhiều nguồn văn hóa để bài thơ chuyển tải một hồn Việt. Tôi xin mạo muội gọi đó là Hồn Việt, Nho Việt. Nó đã ngưng kế tạo nên bản sắc Nho của người Việt. Yêu cái Nam thiên, xây dựng điện các (nền thống trị riêng), cách ứng xử hướng tới thái bình “vô vi”, dập hết lửa chiến tranh. Sự gặp gỡ của Phật, Nho, Đạo là ở bản chất tư tưởng nhân văn Việt Nam hướng tới độc lập.

Bài thơ từ trong tư tưởng phản ánh hồn Việt Nho. Cái vận nước, cách ứng xử, triết thuyết và trên hết là ý chí tự cường độc lập của dân tộc; Ý chí độc lập “Nam thiên”, cách quản lý nhận thức quy luật theo “Đạo” vô vi, người Việt quản lý có điện các, vua của mình, không thể thừa nhận cái triết lý “Thiên triều” - Thiên tử “không đất nào dưới gầm trời này không phải đất vua, không dân nào không là thần dân của ta(11).

Lý thuyết Nho của Thiên triều chỉ nhận quyền lực của con trời - Đế của Trung Quốc. Vì vậy chỉ từ trong nhận thức ý tưởng độc lập tự cường của dân tộc, ta mới có thể hiểu được nội dung đáng quý của hồn Việt, Nho Việt. Quá trình giao lưu tiếp biến Nho giáo Việt Nam chính là tích hợp tạo lập nên một bản sắc riêng Nho Việt - Yêu nước độc lập tự cường dân tộc.

Ta có thể kết luận bài thơ Quốc tộ là một kiệt tác của văn thơ mở đầu lịch sử văn học Việt Nam, khẳng định văn hiến Việt.

Ngôn ngữ Hán đã tiếp thêm sức mạnh trí tuệ cho dân tộc Việt, dùng nó biểu hiện ý niệm tư tưởng của mình. Ngay ngôn ngữ Hán vào Việt Nam cũng là quá trình thích ứng tiếp biến và có khác trong cách biểu cảm, ghi âm và chuyển tải ý niệm và sáng tạo nên chữ viết của riêng mình, cả Nhật Bản, Hàn Quốc cũng vậy.

Bản chất văn hóa là giao lưu. Quá trình tiếp biến tích hợp văn hóa là một hiện tượng có tính qui luật lịch sử. Cuộc sống vận động luôn chịu sự chi phối của thực tiễn phát triển giao lưu nhưng không thể giáo điều, học vẹt một cách cứng nhắc. Sự lựa chọn, tạo nên sự tích hợp văn hóa với các dân tộc để tiếp thu là hiện tượng theo quy luật tự nhiên. Không có cải biến, sáng tạo, không thể tích hợp hội nhập. Đến cả tượng Khổng Tử vào Việt Nam cũng phải khác(12); nhận thức của Khổng Nho về phụ nữ đàn bà, tư tưởng Khổng Tử vào Việt Nam cũng phải tuân theo cách ứng xử bình đẳng dân chủ cuộc sống cư dân Việt. “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”; “Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”; Hai Bà Trưng được tôn sùng như vị thánh mẹ chiến đấu vì tự do, dân tộc.

Không đồng hóa xóa đi được ngôn ngữ của một dân tộc điều đó cũng là một yếu tố khẳng định sức sống kiên cường của dân tộc. Dùng ngôn ngữ Hán vay mượn để phản ánh tư duy, quan niệm, tư tưởng Việt, bài thơ Quốc tộ mà tác giả Pháp Thuận là nhà sư viết bằng chữ Hán, điều này như thông tin cho ta tư tưởng Phật, Nho, Đạo đã trở thành hồn Nho Việt với cái lõi yêu nước tự cường. Và sau đó dân tộc ta đã tạo nên chữ viết riêng cho dân tộc - chữ Nôm ra đời vào khoảng thế kỷ XIII-XIV; đến giữa thế kỷ XIX Pháp vào chữ la tinh - Quốc ngữ Việt Nam ra đời

“Vô vi cư điện các”, tư tưởng triết học Đạo - Lão đã nhận thức con người phải hành động theo quy luật, không thể khiên cưỡng theo ý chí cá nhân, theo ý muốn của “Điện các” - đầu não bộ máy thống trị.

Đừng can thiệp quá nhiều, hãy nhận thức quy luật trong sự tác động muôn mối của vận nước, của quyền lực. Hãy để cho quy luật tác động và vận hành, ngay từ “Điện các” tổng hành dinh cao nhất của quyền lực phong kiến.

“Quốc tộ như đằng lạc”, triết lý nhận thức về tính phức tạp, khó nhận biết hết về vận nước. Và như ta biết tư tưởng “vô vi” của Lão Tử là muốn con người đừng đem ý chí cá nhân thay cho quy luật, phải tôn trọng sự vật trong vận động tự thân của nó. “Điện các” tượng trưng cho nơi chính quyền ban hành luật quản lý đất nước, nắm quyền lực trong tay hãy biết nhận thức nắm quy luật. Đừng để “nhân dục thắng thiên lý”. Đâu là Đạo, đâu là Nho, đâu là Phật. Ta thấy qua nội dung bài thơ Nho, Đạo, Phật hòa quyện nhau trong nét văn hóa Việt.

Cao hơn hết là tâm hồn Việt, cả khát vọng tư tưởng Phật, Đạo, Nho và tính nhân đạo Việt Nam yêu hòa bình ngưng kết. Hơn bất kỳ dân tộc nào, dân tộc Việt Nam đã thấy rõ nỗi khổ của chiến tranh, khao khát hòa bình “xứ xứ tức đao binh”. Nó gần như được thai nghén sinh ra từ sự hy sinh xương máu, ngay từ sự vươn lên giành lấy độc lập cho dân tộc.

2. Nam quốc sơn hà một bài thơ lịch sử với bao tự hào của sự cường mạnh đầy khí phách của dân tộc Việt trước thử thách của chiến tranh bảo vệ độc lập, bảo vệ mảnh đất thiêng liêng mà “sách trời” đã định.

Truyền thuyết là bài thơ thần, thực ra đó là một bài thơ động viên quân sĩ và nhân dân xung trận với niềm tin chính nghĩa, sức mạnh nhân dân cộng với niềm tin của sức mạnh siêu nhiên, sách trời đã định, vua Việt cai quản mảnh đất này. Trái lòng trời, ngược lòng dân, quan giặc thất bại là tất yếu.

Nam quốc sơn hà như một bài hịch động viên đánh giặc. Ở cái lý lẽ đanh thép mà lay động lòng dân. Có lẽ ít có bài thơ chữ Hán mà được nhân dân nhớ truyền tụng nhiều và vững bền trong trí nhớ đến thế. Cái lý lẽ thiêng liêng mà bài thơ thần đã từ lâu sống trong tâm khảm dân tộc Việt: độc lập, tự cường.

南國山河

南國山河南帝居

截然定分在天書

如何逆虜來侵犯

汝等行看取敗虚

Nam quốc sơn hà

Núi sông nước Nam thuộc quyền vua Nam,

Điều này ghi rõ trong sách trời.

Nếu kẻ nào dám đến xâm phạm,

Chắc chắn sẽ bị thảm bại.

Lý Thường Kiệt vị tướng lĩnh chống Tống xâm lược đã được nhiều người coi là tác giả bài thơ thần trên. Cái lý để nhân dân vinh dự trao cho ông là tác giả bài thơ cũng dễ hiểu. Các văn bản gốc cổ không ghi rõ tác giả, mà có thể là một tập thể hay một cá nhân tri thức yêu nước viết lên, lòng dân hiệu đính vì vậy còn có dị bản. Các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam từ nhiều năm nay đã tốn khá nhiều công sức nghiên cứu đi tìm tác giả đích thực. Nhiều giả thiết khác nhau nhưng còn thiếu căn cứ thuyết phục. Hiện tại thì ý kiến thiên về đây là bài thơ khuyết danh(13), nó thuộc về nhân dân Việt, của dân Việt.

Về thời gian ra đời của bài thơ cũng có hai thuyết. Căn cứ vào một số tài liệu dã sử truyền thuyết có thể bài thơ ra đời sớm hơn cuộc chiến tranh chống quân Tống của Lý Thường Kiệt (1077). Bài thơ thần đã được ra đời từ thời Lê Hoàn chống Tống năm 981. Theo tôi nó là con đẻ của dân Việt hoài thai trong một quá trình, một thời kỳ lịch sử của dân tộc ta lớn dậy nhận thức về mình.

Ta hãy gác lại về việc xác định tác giả bài thơ cũng như sự ra đời của bài thơ đích xác từ năm nào. Nhưng có điều ta có thể khẳng định đó là bài thơ ra đời với mục đích chống quân xâm lược bảo vệ chủ quyền độc lập thiêng liêng của dân tộc. Việt Nam đã làm chủ mảnh đất của mình nó có lý ở sách trời, lòng dân, bài thơ ra đời trong cuộc chiến tranh vệ quốc thiêng liêng.

Có nhiều nhà nghiên cứu cho đây là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên. Điều đó không đúng, bối cảnh lịch sử và nội dung đã định vị đây là một bài hịch động viên dân tộc chiến đấu, lên án tính chất cuộc chiến tranh phi nghĩa, trái đạo trời, ngược lòng dân của quân Tống, sức mạnh nhân dân chính nghĩa tất thắng.

Như ta biết thời Lý sự hợp lưu của ba dòng tư tưởng Phật, Nho, Đạo đang là phản ánh sức mạnh của dân tộc. Tư tưởng độc lập tự cường, như là sự gặp gỡ nhau, hầu như không có sự bài xích chống đối, đó cũng là đặc trưng của bài thơ thần.

Ngay câu đầu tiên “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” - Đất nước Nam vua Nam cai quản và đã định phận tại sách trời. Thuyết thiên mệnh là thuyết chung, nó là số trời, là thiên mệnh, con người và dân tộc đều chấp nhận theo nhận thức của phạm trù lịch sử Nó đã giành cho “Đế” Việt Nam, đâu có riêng cho thiên tử (con trời) - Đế Trung Quốc, quyền cai trị ở đất này. Nước không có dân không thành nước, dân không có nước dân thành nô lệ. Thời kỳ này vua gắn liền với khái niệm dân, dân tộc

Như ta biết ý thức dân tộc Đông Á, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc thế kỷ I đến thế kỷ X là cả một quá trình sử sách ghi lại những sự kiện lớn dậy của các dân tộc.

Ở đây ta có thể liên hệ tới bức thư của thái tử Nhật Bản ShotoKu (Thánh Đức) Nhật Bản vào thế kỷ VII viết cho Tùy Dạng Đế đã tự khẳng định vị trí ngang hàng với vua Trung Quốc với lời tự xưng:

“Thư này do vua xứ mặt trời mọc phía Đông gửi cho vua xứ mặt trời lặn phía Tây…”(14).

Cách xưng hô mang một ý nghĩa tuyên ngôn bình đẳng và đã làm vua nhà Tùy tức giận phê vào là “vô lễ” (!). Câu chuyện trên cho ta thấy việc tự xưng “Đế” cư nhất phương phản ánh ý thức của một dân tộc.

Hiện tượng vua Sẹjong (1418-1450) người tin sùng Nho giáo và mô hình tổ chức xã hội học thời Đường, lập Tập hiền điện (Chiphyonjon) và việc sáng tạo nên chữ viết “Hangul” của Triều Tiên là một cống hiến có giá trị quan trọng đánh giá sự lớn mạnh của ý chí dân tộc(15).

Bài thơ Nam quốc sơn hà với nội dung biểu hiện tinh thần tự hào dũng khí đấu tranh như công khai tuyên bố ý chí dân tộc tự khẳng định mình và khích lệ lòng dũng cảm, ý chí quyết thắng của dân tộc.

Gần đây có nhiều cuộc tranh luận về tác giả thực của bài thơ trên. Ý kiến không thống nhất, song đều như khẳng định, tác giả bài thơ không có căn cứ chứng minh là của Lý Thường Kiệt, một danh tướng được nhân dân Việt Nam ngưỡng kính. Trái với sự thừa nhận mặc nhiên từ lâu trong truyền thuyết lịch sử, các nhà nghiên cứu lịch sử văn học muốn tìm tới tác giả và nguồn đích thực của bài thơ. Nhưng ở một khía cạnh khác nhìn ở góc độ nghiên cứu lịch sử tâm linh, bài thơ như được khẳng định là bài thơ khuyết danh, do một số tri thức yêu nước viết nên. Bài thơ cũng có dị bản, hiệu chỉnh, nhuận sắc và đến sự hoàn bị cuối cùng(16). Đó là tiếng nói chung của ý chí cư dân, nó đã sống và là niềm tự hào của dân tộc hàng chục thế kỷ đến nay.

Ta thường nói thời Lý là thời kỳ Phật giáo chi phối nhiều hơn. Các nhà sư là người mang trí tuệ tư tưởng của mình góp công xây dựng, quản lý đất nước. Nhưng như ta biết chính thời Lý (1010 - 1225) là thời kỳ nhà nước Việt hưng phát Nho giáo: Văn miếu xây dựng năm 1070; Lý Nhân Tông mở khoa thi Tam trường 1075; xây dựng Quốc tử giám 1076. Các danh Nho Việt đầu tiên nổi tiếng xuất hiện: Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành.

Vẫn còn giả thiết là bài thơ có lẽ xuất hiện lần đầu vào thời Lê Hoàn với cuộc chống Tống lần đầu vào năm 981.

Tuy vậy dù thời Lê Hoàn, hay thời Lý đều là khoảng cuối thế kỷ X hoặc đầu thế kỷ XI. Đó chính là thời kỳ ý thức độc lập tự chủ tự cường của dân tộc lớn mạnh, tạo nên thời kỳ văn hiến Việt Namrực rỡ trong lịch sử.

3. Bình Ngô đại cáo(17)

Một vấn đề mà vài năm gần đây có nhiều người say sưa xếp bài thơ Nam quốc sơn hà vào vị trí “Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam”. Tôi xin mạo muội không đồng ý với ý kiến này. Về tiêu chí một bản tuyên ngôn độc lập thì bài thơ đặt trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ chỉ là một bài hịch (檄).

1/ Bài thơ với tính chất động viên khích lệ tướng sĩ, nhân dân trước trận đánh lịch sử bảo vệ độc lập. Nó là bài thơ động viên tinh thần quân sĩ trước giờ ra trận.

2/ Bối cảnh lịch sử không phải là dân tộc ta đã mất nước, ta giành lại độc lập.

Bài thơ không đủ tiêu chí lịch sử của tính chất bản khai sinh cho sự bắt đầu kỷ nguyên độc lập dân tộc. Có lẽ nên xếp nó vào chung với bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn. Còn trong lịch sử Việt Nam cho đến nay mới chỉ có hai bản tuyên ngôn độc lập, đó là:

Bình Ngô đại cáo của Lê Lợi (Nguyễn Trãi viết).

Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945 của Hồ Chí Minh.

Như ta biết, Bình Ngô đại cáo là một bản tuyên ngôn độc lập. Nó biểu hiện khí phách của một dân tộc đã tiến hành một cuộc chiến đấu kiên cường, một dân tộc có văn hiến, đầy ý chí đã từng tạo nên trang sử vẻ vang của quá trình lịch sử lâu dài. Nó tuyên bố một cách đanh thép: “Đất nước của ta ta lấy lại”. Ách thống trị của kẻ thù tàn bạo, phi lý không có lý do tồn tại. Nó phải chịu án tử hình của tòa án lý tính. Nhân dân Việt Nam với ý chí kiên cường, sức mạnh trí tuệ và sức mạnh vũ lực, tinh thần quật cường đã đánh bại kẻ thù, giành lại đất nước. Bình Ngô đại cáo chính là bản tuyên ngôn lịch sử, theo tôi đây mới là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc với đầy đủ tiêu chuẩn của nó.

Nhà Nho, vị tướng lĩnh chiến lược tài ba Nguyễn Trãi, người đã giúp Lê Lợi cùng với các anh hùng thao lược của đất nước làm nên lịch sử. Nhà Nho của người Việt trước hết lấy sức sống từ dân tộc Việt. Yêu đất nước, tự hào vì đất nước, đứng vững trên mảnh đất Việt Nam, dựa vào sức mạnh của nhân dân, chống lại giặc cướp bạo tàn.

Như nước Đại Việt ta,

Vốn xưng văn hiến đã lâu.

Sơn hà cương vực đã chia...

Không nghi ngờ gì Nguyễn Trãi chính là được giáo dục trong trường học Nho giáo đầy đủ. Và có lẽ cái giáo trình mà Nguyễn Trãi dùng để vượt qua “vũ môn” cũng đều là Tứ thư, Ngũ kinh của cửa Khổng sân Trình. Nhưng có lẽ kênh tiếp thu để hóa thành tri thức của mình nó đã được nạp vào và lý giải theo nhận thức Việt Nam. Theo cái huyết mạch “trung với nước” và “đại nghĩa chí nhân”.

Và thực tế, vua có còn đâu mà trung ! thù cha nợ nước lời dạy của cha trước khi bị kẻ thù giải đi đã như thắp sáng nhận thức con đường của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi sau này.

Bài Bình Ngô đại cáo là một bản tuyên ngôn độc lập phản ánh tinh thần Việt, cốt cách Nho Việt. Yêu nước, yêu dân tộc, tự hào về dân tộc và sức mạnh dân tộc mình một cách đầy bản lĩnh.

Ngay từ thời còn thanh niên, đất nước bị quân thù dày xéo, cha bị bắt. Bài học tam cương, ngũ thường đã như được thực tế đất nước bị giày xéo, dân tộc bị xỉ nhục cần có nhận thức khác theo thực tế lịch sử.

Trung quân - mất nước, vua còn đâu ! Từ thực tế khái niệm trung với nước, yêu nước là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng cao cả. Ai là người yêu nước, cứu nước ta sẽ phải hiến dâng cả trí tuệ và tính mạng. Từ trong thực tế lựa chọn, Nguyễn Trãi băng rừng về đất Lam Sơn theo nghĩa quân Lê Lợi.

Trung hiếu của sách Nho trường ốc, ông đã được cha hiệu chỉnh dạy cho biết. Cái luân lý lớn lao, đất nước nuôi ông, cái luân lý lớn hơn trong đạo làm người. “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.

Cái đạo lý của Nho Việt như được giải thích theo cái trục minh triết:

-Trung thành với ngọn cờ nghĩa lớn cứu dân tộc.

-Hiếu nghĩa, vì dân sẵn sàng xả thân.

-Và về văn hóa dân tộc phải biết tự hào và ra sức vun đắp nền văn hóa rực rỡ đó.

-Cái lý chiến thắng, tồn tại của dân tộc và sức mạnh lớn lao của dân tộc ở “đại nghĩa thắng hung tàn”, những yếu tố của Việt Nho luôn bền vững trong trái tim ông.

Bình Ngô đại cáo như mang dáng dấp anh hùng ca, truyền lại hơi thở cho bản tuyên ngôn thế tự hào đủ mạnh, đủ tư cách, ý thức tồn tại của một dân tộc.

“Phong tục Bắc Nam cũng khác”. Đó là cái lý yêu nước đã rõ và đối diện với “Đế” thiên triều là “Đế” của Việt Nam. Rạch ròi đất đai, văn hiến, chính quyền, tư cách dân tộc của dân tộc. Cuộc chiến đấu đầy chính nghĩa với cái lý của nó; sức mạnh của chiến thắng bắt nguồn từ nhận thức sức mạnh dân tộc:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.

Điều kỳ lạ là sau khi ta đem đặt hai bản tuyên ngôn độc lập ra so sánh ta thấy có nhiều ý niệm gần như khuôn mẫu.

1/ Tư cách văn hiến và nguyên lý của cách ứng xử nhân văn của giá trị chung con người: Quyền sống, lẽ sống - “Mọi người sinh ra bình đẳng và phải được hưởng quyền bình đẳng” trước trời đất - “Sơn hà cương vực đã chia. Văn hiến, phong tục đã hình thành lối sống khác biệt. Và cách ứng xử phải nên theo nguyên tắc “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” - cái ta không muốn đừng đẩy cho người khác.

2/ Chế độ thống trị áp đặt của kẻ xâm lược thống trị đều là trái đạo trời, không có nhân nghĩa, chính nghĩa. Và sự thống trị của kẻ thù tàn bạo phi đạo nghĩa không thể có lý do tồn tại. Cả hai bản Tuyên ngôn đều lên án mạnh mẽ kẻ thù “trúc rừng không ghi hết tội”.

3/ Sức mạnh của nhân dân là vô địch - niềm tin của chiến thắng. Có lẽ đây là cái truyền thống văn hóa Đông Á Việt Nam, đặc biệt đối với Việt Nam, một đất nước muốn tồn tại trong quá trình lịch sử luôn phải huy động tổng lực cộng đồng cư dân - dân tộc (Lạc Hồng) để chiến thắng, tồn tại.

Qua các áng thơ văn bất hủ của lịch sử, ta thấy rõ sự hợp lưu của Tam giáo Phật, Nho, Lão như phản ánh sự lựa chọn tích hợp tạo nên văn hóa Việt Nam. Có giai đoạn nét trội của cái này và rồi hoán vị nét trội cuả cái kia. Tuy nhiên không bao giờ chỉ có một dòng chi phối. Tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến của Giáo sư Nguyễn Tài Thư, Phó Giáo sư Trần Nghĩa là không có lúc nào một dòng tư tưởng riêng Phật, hay Nho chi phối hoàn toàn tâm hồn, đạo lý Việt Nam(18). Có lẽ điều này Việt Nam cũng như Nhật Bản (Phật, Nho, đạo Shinto), và Hàn Quốc (Phật, Nho, đạo Shaman) tạo nên tích hợp văn hóa: Nhật Nho, Hàn Nho, Việt Nho.

Có lẽ Nho, Phật vào và đứng được ở Việt Nam điều trước tiên là dân tộc này phải chấp nhận thách đố lịch sử: Tồn tại. Các nhà Nho, đạo sĩ, pháp sư Phật giáo trước tiên phải là người chiến đấu cho cái lý tồn tại của đất nước. Không có nước không có dân lấy gì mà hành đạo, mà rao nạp lý thuyết. Cái thực tế ngàn đời đòi hỏi của xã hội, đất nước Việt Nam với con người Việt Nam là phải yêu nước. Tâm hồn Việt Nam là tâm hồn Phù Đổng, yêu nước phải lớn, phải chấp nhận thử thách hy sinh. Hàng ngàn năm lịch sử bao tấm gương đáng kính của dân tộc chính là những con người “trung nghĩa với nước”, đó là các nhà sư khoác áo lính, các Nho sĩ cầm gươm. Qua cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ giành và bảo vệ dân tộc ta thấy sáng lên chân lý tâm hồn: Nho Phật Đạo Việt.

Chủ nghĩa yêu nước có cái lõi triết học của đấu tranh tồn tại phát triển, giải nghĩa được đạo lý của dân Việt, xã hội bản sắc Việt

Ta có thể thấy truyền thống Nho Việt đã được Hồ Chí Minh phát huy trong cuộc chiến đấu vì “Độc lập Tự do” với niềm tin: Không gì quý hơn độc lập tự do. Những lời tâm huyết Người dặn lại trước lúc đi xa trong Di chúc với niềm tin như một lời tiên tri về cuộc kháng chiến chống Mỹ:

“Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Còn non, còn nước, còn người.

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay !

… Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi”(19).

Ta có thể tập hợp tất cả những lời nói của Hồ Chủ Tịch, liên hệ với sự kiện Hồ Chủ tịch đi thăm đền Kiếp Bạc (Trần Hưng Đạo), viếng thăm Côn Sơn (Nguyễn Trãi). Cả một rừng những lời ngợi ca tinh thần yêu nước cháy sáng rừng rực của truyền thống yêu nước, chất lửa thiêng của dân tộc sẽ thấy một dòng chảy văn hóa bản sắc Nho Việt với truyền thống yêu nước tự cường.

Phật, Nho, Đạo chỉ có thể tồn tại phát triển khi nó thấm đẫm tinh thần Việt, cốt cách Việt mà trước tiên, trên hết là “trung nghĩa với nước”: Yêu nước. Nó trở thành gia tài thiêng liêng của dân tộc, thành sức mạnh vô địch chiến thắng kẻ thù.

Tư tưởng Hồ Chí Minh đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam tạo nên sức mạnh chiến thắng trong cuộc đọ sức lâu dài với đế quốc Nhật, Pháp, Mỹ trong 30 năm 1945-1975. Vũ khí sức mạnh vô địch tư tưởng của Người chính là niềm tin huy động phát huy tối đa sức mạnh truyền thống yêu nước của dân tộc.

“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quí báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước, lũ cướp nước”(20).

Chính đây là thước đo kiểm nghiệm tất cả các hệ tư tưởng muốn có chỗ đứng trong tâm hồn dân tộc Việt Nam phải cộng sinh tích hợp trên cái nền chủ nghĩa yêu nước yêu độc lập tự do của dân Việt. Đó chính là cái lõi của bản chất Việt Nho sự tích hợp của Phật Nho Đạo tạo thành trong quá trình lịch sử trên cơ sở chủ nghĩa yêu nước Việt Nam: “Không gì quí hơn Độc lập Tự do”.

 

Chú thích:

(1)(3) Báo cáo Hội thảo 4 trường Đại học Đông Á (Đại học Seoul, Đại học Bắc kinh, Đại học Tokyo, Đại học Quốc gia Hà Nội), H. 2001.

(2)(4) Michael Kalton Washington, U. Takoma. Nhân Lễ - Quan hệ con nguời và xã hội. Kỷ yếu hội nghị Nho giáo với xã hội tương lai. An đông Hàn quốc, 2001.

(5) Góc nhìn Đông Á về văn hóa thế giới. Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Đại học Havard - Đại học Bắc Kinh, Bắc Kinh, Trung Quốc, 2003.

(5)Hồ Chí Minh toàn tập, tập II, Nxb. CTQG, H. 1995, tr.398.

(6)Furita: Giao lưu văn hóa Nhật Bản Việt NamHội thảo quốc tế Đại học KHXH & NV, Hà Nội.

(7)Trần Văn Đoàn (Giáo sư Đại học Đài Loan): The Category of Dao - Yi 道義 Viet nho 越儒 Báo cáo Hội nghị Quốc tế Nho giáo Việt Nam và văn hóa Đông Á (23-24 /6/2009) Viện Triết học - Viện KHXH Việt Nam, H. 2009.

(8)Bùi Duy Tân: Nam quốc sơn hà và Quốc tộ - Hai kiệt tác văn chương ngang qua thời đại Lê HoànTạp chí Hán Nôm 5/2005.

(10) Tham khảo: Thơ văn Lý - Trần, tập I.

(11) Kinh Thi. Bắc Sơn.

Phổ thiên hi hạ, mạc phi vương thổ,

Suất thổ chi tân, mạc phi vương thần.

Xem Ngữ văn Hán Nôm T.II, Nxb. KHXH, H, tr.290-294.

(12) Tượng Khổng Tử ở Văn miếu Hà Nội (phụ lục) Thành ngữ dân gian Việt Nam.

(13) Bùi Duy Tân: Vấn đề tác giả Nam quốc sơn hà. Số 3 ngày 6/6/2009.

(14) Oa nhân truyện, Tùy Thư Shibata Minoru, Nihonchi Lịch sử Nhật Bản (bản dịch tiếng Trung) Buncido. 1982 tr.51.

(15) Han Woo Keun: The History of Korea, SeoulKorea 1977, p.208-209.

(16) Trần Nghĩa: Thử xác lập văn bản bài thơ Nam quốc sơn hà, Tạp chí Hán Nôm 1/1986.

(17) Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lượcNxb. Văn hóa - Thông tin, 1999, tr.242-248.

(18)Nguyễn Tài Thư: Mấy đặc trưng cơ bản của Nho giáo Việt NamTrần Nghĩa: Quá trình hội nhập Nho Phật Lão hay sự hình thành tam giáo đồng nguyên ở Việt NamBáo cáo Hội thảo Quốc tế: Văn hóa Đông Á 23-24/6/2009 Hà Nội (Viện Triết học - Viện KHXH Việt Nam).

(19)Hồ Chí Minh: Di chúc.

(20)Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6. H. 1986 tr.36./.

 

Nguyễn Văn Hồng

PGS. Trường Đại học KHXH & NV, HN

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 5(102) 2010, tr.15-26.

20180601 Ngo vi Lien

Ảnh: Ngô Vi Liễn - Nomenclature des Communes du Tonkin (Danh mục các làng xã Bắc kì), 1928

 

Mở đầu(*)

Địa danh gắn liền với quá trình lịch sử, truyền thống văn hóa, nguồn gốc cư dân của từng địa phương. Qua nghiên cứu địa danh, chúng ta có được nguồn tư liệu gốc để nghiên cứu lịch sử hình thành, biến đổi và phát triển của mỗi địa phương, của từng tộc người. Nghiên cứu những yếu tố nội sinh và ngoại lai tác động đến việc thay đổi địa danh, từ đó đưa đến cái nhìn chân thực về bối cảnh phát triển của từng khu vực. Nghiên cứu địa danh trong trường hợp Việt Nam - một đất nước có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, có nhiều dân tộc khác biệt nhau hoàn toàn về bản sắc cùng sinh tồn lại càng có ý nghĩa.

1. Thư tịch Hán Nôm ghi chép về địa danh

* Nguồn thư tịch ghi bằng chữ Hán, chữ Nôm là căn cứ quan trọng để nghiên cứu lịch sử nông thôn Việt Nam nói chung và địa danh học nói riêng. Trong nguồn thư tịch đó, địa danh được ghi chép trong các công trình khảo cứu về địa lí. Loại thư tịch này chia làm 02 loại:

- Sách địa phương chí. Trong các sách địa phương chí, địa danh được ghi lẫn trong các đoạn văn, các câu thơ. Loại này gồm sách ghi chép địa danh của toàn quốc và sách ghi chép địa danh của từng tỉnh, thành. Ví dụ văn bản Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí ghi chép tên gọi các phủ huyện, thành cổ, núi sông bến đò, cầu cống, chợ, đê điều… các danh lam thắng tích như đền, chùa, đình, miếu, lăng tẩm, thành cổ, dinh cổ… của toàn tỉnh Bắc Ninh; văn bản Bắc thành địa dư chí lục ghi chép địa lý thành Thăng Long và 11 trấn thuộc Bắc thành đời Gia Long, gồm các mặt: diên cách thành trì, bờ cõi, số thôn xã, sông núi, miếu mạo, đền chùa… tên các thành và trấn. Thuộc vào loại sách địa phương chí còn phải kể đến các văn bản ghi chép theo loại hình di tích, như Thông quốc diên hái chử ghi chép toàn bộ tên gọi các bến đò, cửa khẩu của cả nước…

- Các tập bản đồ, gồm bản đồ của toàn quốc và của từng địa phương. Loại này, thông tin chính nằm ở hình vẽ bản đồ, địa danh được ghi chép trong đó chỉ mang tính chất chú thích kèm theo các hình vẽ, bản đồ đã nêu. Ví dụ các văn bản Thiên hạ bản đồ, An Nam thông quốc bản đồ, An Nam quốc quý địa… vẽ bản đồ các tỉnh thành (ghi kèm tên gọi), hình thế các ngôi đất quý của cả nước…

Bên cạnh các thư tịch ghi chép khá tập trung về địa danh nêu trên, còn phải kể đến các ghi chép tản mạn về địa danh trong các tập thơ đề vịnh phong cảnh, các tập thơ ghi lại địa danh nơi sứ thần đi qua trên đường công cán sang Trung Quốc, sang Pháp như An Nam tạp chí (gồm 2 bài phú của Trần Huy Phác về địa lý, lịch sử… đền miếu của tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Cao Bằng), Bắc sứ đồ tập (tập bẢn đồ vẽ đường đi sứ Trung Quốc của đoàn sứ giả Việt Nam, có ghi lại địa danh trên đường đi sứ), Tây hành nhật trình quốc âm, Tây hành nhật trình diễn âm, Tây phù nhật kí (ghi lại địa danh trên đường công cán sang Pháp của các sứ thần)…

* Các cuốn sách nêu trên đơn thuần chỉ là các cuốn sách ghi chép về địa danh. Công trình thực sự bắt tay vào nghiên cứu về địa danh, địa lí (trên phạm vi toàn quốc) sớm nhất là Ô châu cận lục(1548-1553), tiếp sau là Phủ biên tạp lục (1776), Nhất thống dư địa chí (1806), Hoàng Việt nhất thống dư địa chí(1860), Đại Nam dư địa chí ước biên (1905), Đại Nam nhất thống chí.

Các cuốn chuyên khảo cứu về địa lí của từng địa phương như Đại Nam nhất thống chí lược biên (địa lí giản lược về kinh đô Huế), Hải Dương đỊa dư (địa lí tỉnh Hải Dương) cũng đã được xuất bản. Ở các cuốn sách nêu trên, địa danh được nhắc đến khi khảo cứu về địa lí của địa phương. Trong số các công trình khảo cứu về địa lí, cóNam Việt dư địa chí (1889-1916) đề cập nhiều đến vấn đề địa danh, gồm: ghi lại những thay đổi về đơn vị hành chính, tên các tỉnh, phủ, huyện (có ghi tên gọi cũ) của Nam kì, Trung kì và Bắc kì.

Khác với các công trình khảo cứu địa lí nêu trên, đầu thế kỉ XIX bắt đầu xuất hiện các công trình khảo cứu chuyên biệt về địa danh, như Các trấn tổng xã danh bị lãm (1802 - 1819), Danh mục các làng xã Bắc kì (1928)(1) và Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã về làng xã Bắc kì (1999)(2). Đây là 3 bộ sách quan trọng để nghiên cứu địa danh cổ. Trong 3 bộ sách nêu trên, Các trấn tổng xã danh bị lãm (CTTXDBL) ghi lại địa danh của các đơn vị hành chính từ cấp cao đến cấp thấp (địa danh cấp thấp, trong nhiều trường hợp được ghi chép bằng văn tự dân tộc), Danh mục các làng xã Bắc kì chỉ ghi lại địa danh từ cấp xã trở lên. Về nguồn tư liệu, Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc kì căn bản dừng lại ở tư liệu mà Danh mục các làng xã Bắc kì đã sử dụng. Có thể thấy rõ, để đi tìm nguồn tư liệu gốc làm căn cứ cho việc nghiên cứu địa danh, và để khảo cứu địa danh thuần Việt, chúng ta không thể bỏ qua CTTXDBL

2. Địa danh thuần Việt được ghi chép trong CTTXDBL

CTTXDBL ghi lại địa danh thời Gia Long, gồm tên gọi các phủ, huyện, châu, tổng, xã, thôn, xóm, vạn, sách, trang, phường, giáp, trại thuộc 15 trấn, xứ và đạo kể từ Đèo Ngang trở ra Bắc hồi đầu thế kỷ XIX.

CTTXDBL đã ghi lại khá nhiều các địa danh thuần Việt (Địa danh thuần Việt là loại địa danh được ghi bằng chữ Nôm - dạng văn tự khối vuông dùng để ghi âm tiếng Việt). Khảo cứu địa danh thuần Việt được ghi trong CTTXDBL, cho phép ta có thể khảo cứu các địa danh cấp thấp (làm cơ sở cho việc nghiên cứu các vấn đề về làng xã cổ truyền), khảo cứu về ý nghĩa của địa danh, các yếu tố tâm lí nảy sinh trong quá trình định danh và các yếu tố liên quan đến địa danh (như vấn đề dân tộc, ảnh hưởng của yếu tố ngoại lai trong quá trình định danh…) Qua đó, làm rõ đặc điểm cấu tạo của địa danh, các phương thức đặt địa danh cũng như ý nghĩa, nguồn gốc của từng địa danh, góp phần phục nguyên văn hoá bản địa.

Trong phần này, chúng tôi sẽ khảo cứu về phân bố và cấu tạo (xét về mặt văn tự) của các địa danh thuần Việt trong CTTXDBL.

2.1. Phân bố của địa danh thuần Việt

Mỗi địa danh gắn chặt với một đối tượng cụ thể, ở một thời điểm nhất định: địa danh gắn liền với quá trình lao động sản xuất, lịch sử, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, tư duy… của từng cộng đồng, từng vùng miền. Qua địa danh chúng ta có thể thấy rõ phần nào nền văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của cộng đồng, của từng vùng miền. Bởi vậy, địa danh là một lĩnh vực ngày càng được các nhà nghiên cứu (ngôn ngữ học, văn hoá học, dân tộc học, lịch sử học) quan tâm. Đã có khá nhiều các bài viết, luận án nghiên cứu về địa danh. Tuy nhiên, các khảo cứu đó chỉ căn cứ vào nguồn cứ liệu tiếng Việt hiện đại, rất thiếu các công trình đi vào địa danh cổ từ các cứ liệu Hán Nôm.

Nguồn thư tịch Hán Nôm là căn cứ tin cậy để tiến hành khảo cứu các địa danh cổ. Trong số các tư liệu Hán Nôm khảo cứu về địa danh, CTTXDBL(3) là bộ sách ghi chép một cách tập trung, hệ thống, chi tiết và đầy đủ nhất về các địa danh Bắc bộ của Việt Nam. Qua thống kê, CTTXDBL có 567 địa danh được ghi lại bằng chữ Nôm. Các địa danh ghi bằng chữ Nôm (địa danh thuần Việt) được chúng tôi lựa chọn để khảo cứu gồm các địa danh được ghi bằng chữ Nôm Kinh(4) (gồm: các chữ Nôm có cấu trúc nội tại và các chữ Nôm mượn nguyên hình thể chữ Hán, đọc theo trật tự cú pháp tiếng Việt); các địa danh ghi bằng chữ Nôm của các dân tộc anh em sinh sống ở khu vực vùng đồi núi phía Bắc và dải Trung bộ của Việt Nam (Nôm Tày, Nôm Dao, Thái(5)) cũng là đối tượng khảo cứu của bài viết này.

Địa danh thuần Việt trong CTTXDBL được dùng ghi tên gọi riêng của các đơn vị hành chính (tổng, phủ, huyện, xã, thôn), tên gọi riêng của các vùng miền có loại địa hình (bến, động, lũng…), tên gọi riêng của các khu đất giành để sinh hoạt chung trong cộng đồng dân cư (quán, chợ). Tuy nhiên, tên gọi của các vùng miền có loại địa hình và tên gọi riêng của các khu đất giành cho sinh hoạt chung, trong một số trường hợp, được chúng tôi nhận định như một đơn vị hành chính. Có thể tìm hiểu nhận định trên qua phân tích cứ liệu sau:

Bến vốn là từ dùng chỉ loại địa hình. Bến được dùng để chỉ tên thôn (vì thôn đó có bến sông → thôn Bến), chỉ tên xã (trong kết hợp “bến” với 01 yếu tố có tác dụng khu biệt nghĩa → xã Bến Chuông). Tuy nhiên lại thấy có bến Cầu Vu. “Bến” trong “bến Cầu Vu” không giống với “bến” trong “thôn Bến” mà thật sự đóng vai trò như “xã” trong “xã Bến Chuông”, “thôn” trong “thôn Bến”. Cũng vậy, địa danh chợ Nước Hai và trại Nước Hai, thì “chợ” tương đương với “trại”. Từ các cứ liệu nêu trên cho thấy: “bến”, “chợ” có lúc đã được dùng tương đương như một đơn vị hành chính, giống như xã, thôn và trại.

Trong CTTXDBL, các địa danh dùng để ghi tên gọi cho các đơn vị hành chính cấp xã, thôn chiếm tỷ lệ khá cao. Tên riêng của các trại, các động (đơn vị hành chính dùng chỉ các khu đất ở miền núi) có số lượng đáng kể. Kết quả thống kê cho thấy: 174 tên xã được ghi bằng chữ Nôm, chiếm tỷ lệ 30,68 %; 156 tên thôn được ghi bằng chữ Nôm, chiếm tỷ lệ 27,5 %; 68 tên trại được ghi bằng chữ Nôm, chiếm tỷ lệ 11,99 %; 39 tên động được ghi bằng chữ Nôm, chiếm tỷ lệ 6,87 %, 27 tên phường được ghi bằng chữ Nôm chiếm tỉ lệ 4,76 %, 21 tên trang được ghi bằng chữ Nôm chiếm tỉ lệ 3,70 % và 20 tên tổng được ghi bằng chữ Nôm chiếm tỉ lệ 3,52 %. Một số đơn vị hành chính có số lượng tên Nôm dao động từ 10 đến 20 đơn vị, gồm: 18 tên phố (3,17 %), 11 tên vạn (1,94 %) và 10 tên sách (1,76 %). Đặc biệt có một số đơn vị hành chính có số lượng tên gọi Nôm cực ít như: có 5 tên giáp (0,88 %), 4 tên xóm (0,70 %), 4 tên chợ (0,70 %) và 2 tên phủ (0,35 %) được ghi bằng chữ Nôm. Ngoài ra còn phải kể đến các đơn vị hành chính chỉ có 1 tên gọi Nôm (chiếm 0,17 %), gồm các đơn vị hành chính cấp huyện, trấn, ấp, đội, quán, sở, lũng, tộc và bến. Kết quả thống kê cho thấy: đơn vị hành chính cấp xã, thôn, trong nhiều trường hợp, dùng chữ Nôm để ghi lại. Điều này có nguyên do từ thực tế: xã thôn là đơn vị hành chính cấp thấp, nơi cư dân nông thôn thường xuyên phải thực hiện các giao dịch dân sự. Vì vậy các địa danh này phần nhiều được định danh bằng ngôn ngữ, văn tự dân tộc. Điều này cũng cho thấy vai trò, ảnh hưởng của chữ Nôm trong đời sống xã hội của người Việt.

Khảo cứu đơn vị hành chính cấp cơ sở (xã, thôn ở nông thôn và phố, phường ở thành phố thị trấn) đã cho thấy sự phân bố cư dân ở Việt Nam vào thế kỉ XIX rằng Việt Nam khi đó còn là nước nông nghiệp lạc hậu, cư dân nông thôn khá đông đúc, chiếm phần áp đảo so với cư dân thành phố, thị trấn.

2.2. Cấu tạo của địa danh Nôm

Trong phần này, chúng tôi tiến hành khảo cứu địa danh thuần Việt (được ghi trong CTTXDBL) thể hiện qua văn tự. Để ghi lại địa danh thuần Việt, có thể dùng chữ Nôm Kinh hoặc chữ Nôm dân tộc. Điều đặc biệt là có địa danh chỉ dùng một dạng văn tự để ghi lại, tuy nhiên cũng không ít địa danh được ghi bằng 2 dạng văn tự khác nhau. Xét trên phương diện ngôn ngữ văn tự, có thể chia thành 2 nhóm chính như sau:

a. Nhóm địa danh chỉ ghi bằng 1 dạng văn tự (thuần nhất về phương diện ngôn ngữ văn tự): hoặc dùng chữ Nôm Kinh hoặc dùng chữ Nôm dân tộc

* Với các địa danh 1 âm tiết, ngôn ngữ sử dụng hiển nhiên chỉ có một dạng duy nhất (đơn nhất về văn tự). Ví dụ:

Các địa danh ghi bằng chữ Nôm Kinh: Bãi 罢, Bến ?, Cồn ?, Đống 棟, Mả ?, Ngòi ?,Non ?, Nước 渃, Núi ?, Ruộng ?; Xóm ?, Làng 廊,Bừa耙, Ngói ?, Gà , Hến 䘆, Voi 㺔, Sang ?, Sống ?.

Các địa danh ghi bằng chữ Nôm dân tộc, như: Lũng 陇, Rào @

* Với địa danh đa âm tiết, trong phần khảo cứu này, chúng tôi bước đầu tập trung vào nhóm địa danh 2 âm tiết. Hiện tượng thuần nhất về ngôn ngữ văn tự thể hiện ở việc cả 2 yếu tố cấu thành địa danh đều được ghi bằng chữ Nôm Kinh hoặc đều được ghi bằng chữ Nôm dân tộc. Sơ đồ cấu tạo của loại địa danh này như sau:

- CHỮ NÔM KINH + CHỮ NÔM KINH: trong các địa danh thôn Bến Đá ??, trang Trại Sẻ 寨?, thôn Cầu Cháy 梂 ?, xã Bãi Ruộng ??, trang Bến Bãi ??, trại Cây Gạo 核?, thôn Bãi Đồng 罢同, thôn Bãi Giữa 沛 ?, trại Cây Dừa 核椰… cả 2 yếu tố cấu thành địa danh đều được ghi bằng chữ Nôm Kinh.

- CHỮ NÔM DÂN TỘC + CHỮ NÔM DÂN TỘC. Ví dụ: hai yếu tố cấu thành của các địa danh phố Nà Phja 那岂, trại Nà Pja那 把, trại Phja Hỏang 岂 恍, trại Pé Luông ? 篭… đều được ghi bằng chữ Nôm Tày.

b. Nhóm địa danh không thuần nhất về ngôn ngữ, văn tự: ở mỗi một đơn vị địa danh loại này có sự hiện diện song song của hai dạng văn tự khác nhau. Thuộc vào nhóm này gồm có các dạng sau:

* CHỮ NÔM KINH + CHỮ NÔM DÂN TỘC

Ví dụ 1: trong kết cấu địa danh trại Khuổi Tôm ??(trấn Cao Bằng), có “khuổi” (Nôm Tày, nghĩa “suối”) kết hợp với “tôm” (Nôm Kinh);

Ví dụ 2: trong kết cấu địa danh xã Đồng Na同那(xứ Thái Nguyên) và địa danh thôn Ruộng Na ?那(trấn Nghệ An) đều có na (chữ Thái) kết hợp với đồng (hoặc ruộng) (chữ Nôm Kinh).

* CHỮ HÁN + CHỮ NÔM KINH

Trong kết cấu địa danh thôn Phú Ruộng 富?, có phú (chữ Hán nghĩa “giàu có”) kết hợp với ruộng (chữ Nôm Kinh); kết cấu địa danh: sách Kim Đèn金 畑, có kim (chữ Hán nghĩa “vàng bạc”) kết hợp với đèn (chữ Nôm Kinh). Hai địa danh này đều có cấu trúc theo trật tự từ pháp tiếng Hán (định ngữ đứng trước trung tâm ngữ), “phú” và “kim” trong trường hợp này không phải là chữ Nôm (thuộc tiểu loại vay mượn), đây là một chữ Hán.

* CHỮ NÔM DÂN TỘC + CHỮ HÁN:

Ở vùng miền núi phía Bắc, nhân dân hai nước Việt - Trung có quan hệ láng giềng, thăm hỏi, thông thương hàng ngày. Các ghi chép về địa danh ở vùng biên đã phản ánh mối quan hệ gần gũi đó: bên cạnh các địa danh ghi bằng văn tự dân tộc, không ít các địa danh được cấu tạo bởi 2 yếu tố: chữ Hán + chữ dân tộc. Ví dụ các địa danh trại Nà Điền 那田, động Khuổi Đạt ?達và động Khuổi Trạng ?状(trấn Cao Bằng)… có nà, khuổi (chữ Nôm Tày) kết hợp với điền, đạt hoặc trạng đều là các chữ Hán.

Có thể thấy, mỗi địa danh ra đời gắn với lịch sử, xã hội, địa lí, dân cư, ngôn ngữ của một dân tộc, một vùng đất nhất định: các địa danh được ghi bằng 1 chữ Nôm Kinh (hoặc bằng chữ Nôm dân tộc) kết hợp với 1 chữ Hán đã thể hiện mối quan hệ gắn bó về lịch sử lâu dài trong quá trình tiếp xúc với văn hoá Hán của cộng đồng cư dân Việt, thể hiện tình hình địa lí, cư dân của các dân tộc miền núi phía Bắc nơi có đường biên và có hoạt động thông thương lâu đời với nước láng giềng Trung Quốc. Các địa danh được ghi bằng 1 chữ Nôm Kinh kết hợp 1chữ Nôm dân tộc đã thể hiện tình hình cộng cự, tinh thần đoàn kết dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam cùng chung tay xây dựng thôn xóm, bản làng.

THAY LỜI KẾT

Địa danh ra đời trong một thời điểm lịch sử nhất định, là tư liệu đáng quan tâm của ngôn ngữ học lịch sử. Địa danh đã trở thành “tấm bia” bằng ngôn ngữ học về thời đại mà nó ra đời: các tên gọi “Chợ Lớn” ra đời gắn liền với sự phát triển về thương mại của một khu phố thị sầm uất nhất vùng Nam Bộ đầu thế kỷ XIX; tên gọi “Lũy Thầy” (Đồng Hới, Quảng Bình) ra đời gắn liền với tên tuổi của vị quan của Chúa Nguyễn là Đào Duy Từ, người đã thiết kế nên thành lũy này thời thế kỷ XVII, XVIII. Với tư cách là một lĩnh vực nghiên cứu của ngôn ngữ học, địa danh học phải được nghiên cứu theo quan điểm của ngôn ngữ học, nghĩa là phải nghiên cứu cả đặc điểm cấu tạo của địa danh, các phương thức đặt địa danh lẫn ý nghĩa, nguồn gốc của địa danh. Có nghiên cứu một cách toàn diện như thế, địa danh học mới thực sự là một lĩnh vực nghiên cứu đầy hấp dẫn, thú vị, đem lại nhiều lợi ích thiết thực đối với nhiều ngành khoa học khác. Với ý nghĩa đó, CTTXDBL thực sự trở thành nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu địa danh cổ và các vấn đề liên quan đến làng xã cổ truyền Việt Nam./.

Chú thích:

(*Trân trọng cảm ơn Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) đã giúp tôi thực hiện bài viết này

(1) Tên tiếng Pháp Nomenclature des Communes du Tonkin của Ngô Vi Liễn do nhà in Lê Văn Tân phát hành năm 1928. Sách được viết bằng chữ Pháp (tên phố ở Hà Nội), chữ Việt (tên làng, phủ, huyện, châu, tỉnh và thành phố) và chữ Hán (tên làng).

(2) Tên tiếng Pháp Répertoire des toponymes et des archives villageoises du Bắc kì. Tác giả Vũ Thị Minh Hương, Nguyễn Văn Nguyên và Philippe Papin biên tập

(3) Sách được biên soạn vào thời Nguyễn, khoảng từ năm 1810 - 1819. Sách được tập thể tác giả Dương Thị The và Phạm Thị Thoa biên dịch ra tiếng Việt, mang tên: Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỉ XIX (chi tiết xem tài liệu tham khảo).

(4) Các khảo cứu về chữ Nôm đều dùng khái niệm “chữ Nôm Việt” để chỉ chữ Nôm của dân tộc Kinh, một dân tộc chiếm đại đa số trong 54 dân tộc anh em sống trên dải đất Việt. Trong bài khảo này, chúng tôi dùng nhất quán là chữ Nôm Kinh, để phân biệt với chữ Nôm dân tộc (Nôm Tày, Nôm Dao, Thái).

(5) Trong bài khảo này, nhất quán dùng khái niệm “chữ Nôm dân tộc” để chỉ Nôm Tày, Nôm Dao, Thái.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỉ 19, Dương Thị The - Phạm Thị Thoa dịch và biên soạn, Nxb. KHXH, H. 1981.

2. Ngô Vi Liễn, Danh mục các làng xã Bắc kì (1928) (tên tiếng Pháp Nomenclature des Communes du Tonkin)in trong Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kì, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1999.

3. Vũ Thị Minh Hương, Nguyễn Văn Nguyên và Philippe Papin, Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc kì (tên tiếng Pháp Répertoire des toponymes et des archives villageoises du Bắc kì), Viện Viễn đông Bác cổ - Nxb. Văn hóa - Thông tin - Cục Lưu trữ nhà nước. H. 1999.

4. Địa danh và những vấn đề lịch sử - văn hóa của các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái Việt Nam, Hội nghị Thái học Việt Nam lần thứ V, Nxb. Thế giới, H. 2009.

5. , kí hiệu A.570/1-2, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

6. Hoàng Văn Ma - Lục Văn Pảo - Hoàng Chí, Từ điển Tày - Nùng - Việt, Nxb. Từ điển bách khoa, H.2006.

 

Lã Minh Hằng

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguồn: Thông báo Hán Nôm hoc, 2010, tr.135-146, phiên bản trực tuyến, ngày 19.10.2013.

20180126 Dai Viet su ky

Tư liệu Hán Nôm ghi chép về những cuộc tiếp xúc giữa các sứ thần Đại Việt với các sứ thần Joseon(1)ở nước ta có thể bắt đầu từ Lê Quí Đôn trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục 見聞小錄, sau nàyPhan Huy Chú trong tác phẩm Lịch triều hiến chương loại chí 歷朝憲章類志 cũng đề cập đến vấn đề này.Trong nhiều năm gần đây, tư liệu Hán Nôm về mối quan hệ bang giao giữa Đại Việt và Joseon được nhiều người quan tâm quan tâm nghiên cứu trên nhiều phương diện khác nhau, như: văn hóa, văn học nghệ thuật, ngôn ngữ văn tự, Nho giáo, v.v.... Đặc biệt về những chuyến đi sứ của các sứ thần Đại Việt đến Trung Quốc có gặp sứ thần Joseon tại Yên Kinh (Bắc Kinh) cũng được các nhà nghiên cứu giành nhiều thời gian sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch và giới thiệu. Đã có những chuyên luận, bài viết, bản dịch thơ văn xướng họa giữa các sứ thần hai nước Đại Việt và Joseon được công bố giới thiệu, xin nêu một số trường hợp như:

- Trong sách Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và Thơ văn Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan do Bùi Duy Tân chủ biên, đã giới thiệu 14 bài thơ của Phùng Khắc Khoan xướng họa cùng sứ thần Triều Tiên(2).

- Nguyễn Minh Tường trong bài Một số cuộc tiếp xúc giữa sứ thần Việt Nam và sứ thần Hàn Quốc, đã liệt kê được 11 lần tiếp xúc giữa sứ thần Việt Nam và sứ thần Hàn Quốc thời trung đại trên đất Trung Quốc, trong đó có 10 lần sứ thần hai nước Việt Nam và Hàn Quốc có thơ văn xướng họa(3).

- Nguyễn Minh Tường trong bài Cuộc tiếp xúc giữa sứ thần Đại Việt Lê Quí Đôn và sứ thần Hàn Quốc Hồng Khải Hy, Triệu Tiến Vinh, Lý Huy Trung tại Bắc Kinh năm 1760, đã giới thiệu thơ văn xướng họa của sứ thần hai nước trong cuộc tiếp xúc này(4).

- Lý Xuân Chung trong công trình Nghiên cứu đánh giá thơ văn xướng họa của các sứ thần hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã thống kê được 15 lần sứ thần Việt Nam và sứ thần Hàn Quốc gặp nhau trên đất Trung Quốc, nhưng do điều kiện tư liệu hiện chỉ còn sưu tầm được 10 lần sứ thần hai nước Việt Nam và Hàn Quốc có thơ văn xướng họa. Đồng thời bước đầu xác nhận có 33 sứ giả - nhà thơ hai nước Việt Nam và Hàn Quốc có thơ văn xướng họa, với 92 bài thơ và 11 bài văn (trong đó sứ thần Việt Nam là 12 người và sứ thần Hàn Quốc 21 người), đã dịch và công bố 30 bài thơ(5).

- Nguyễn Đức Nhuệ trong bài Cuộc tiếp xúc giữa sứ thần Đại Việt Lưu Đình Chất và sứ thần Triều Tiên Lý Đẩu Phong đầu thế kỷ XVII, đã giới thiệu 2 bài thơ của sứ thần Việt Nam họa thơ sứ thần Triều Tiên(6).

- Nguyễn Minh Tuân trong bài viết của mình đã giới thiệu thêm 4 bài thơ xướng họa giữa Lê Quí Đôn và sứ thần Triều Tiên(7).

Như vậy đủ thấy thơ văn xướng họa giữa sứ thần Đại Việt và sứ thần Joseon được các nhà nghiên cứu chú trọng sưu tầm và giới thiệu, cũng như luôn được đánh giá cao trong nghiên cứu lịch sử mối quan hệ bang giao giữa hai nước thời trung đại. Có điều việc xử lý các văn bản, số lượng thơ văn xướng họa giữa sứ thần Đại Việt và sứ thần Joseon đến nay chưa có một số liệu đáng tin cậy. Theo điều tra của chúng tôi có 11 lần sứ thần hai nước Đại Việt và Joseon có thơ văn xướng họa với tổng số bài: 101 bài thơ và 17 bài văn, trong đó sứ thần Việt Nam có thơ văn xướng họa là 16 người. Vấn đề này chúng tôi sẽ trình bày trong bài viết tiếp theo.

Bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu thêm 2 bài thơ của Hoàng giáp Nguyễn Đăng trong chuyến đi sứ của đoàn sứ thần Việt Nam vào năm 1613 mà Nguyễn Đăng và Lưu Đình Chất cùng làm Chánh sứ, cả hai ông đều có thơ xướng họa cùng các sứ thần Joseon.

1. Về chuyến đi sứ năm Quí Sửu niên hiệu Hoằng Định thứ 14 (1613) của sứ thần Đại Việt(8).

Lần theo những ghi chép trong thư tịch Hán Nôm, chúng ta thấy chuyến đi sứ năm 1613 của sứ thần Đại Việt đã được sử sách ghi chép:

Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Quý Sửu (Hoằng Định) năm thứ 14 (1613), ... Mùa hạ, tháng 4, sai đoàn sứ bộ gồm Chánh sứ Lưu Đình Chất và Nguyễn Đăng, cùng Phó sứ Nguyễn Đức Trạch, Hoàng Kỳ, Nguyễn Chính, Nguyễn Sư Khanh sang tuế cống nhà Minh"(9).

Sách Đại Nam nhất thống chí viết: "Nguyễn Đăng người xã Đại Toán (tục gọi làng Tỏi) huyện Quế Dương, đỗ Giải nguyên khoa thi Hương, đỗ Hội nguyên khoa Nhân Dần (1602) đời Hoằng Định, thi Đình đỗ Hoàng giáp Đình nguyên, đỗ đầu kì thi ứng chế, người ta gọi là Tứ nguyên, phụng mệnh sang sứ nước Minh, những bài ngâm vịnh và xướng họa với người phương Bắc và sứ Triều Tiên... được người đời truyền tụng, làm quan đến Hữu Thị lang Bộ Hộ"(10).

Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú mục Nhân vật chí ghi: "Năm Quí Sửu, Nguyễn Đăng cùng Nhân Lĩnh bá họ Lưu (Lưu Đình Chất) và Nguyễn Đường Xuyên (Nguyễn Chính) vâng mệnh đi sứ nhà Minh (Trung Quốc), trên đường ngâm vịnh và họa đáp các bài thơ của người Trung Quốc và sứ giả Triều Tiên có nhiều câu hay”(11).

Như vậy chuyến đi sứ năm 1613 của đoàn sứ bộ Đại Việt sang Minh (Trung Quốc) do Lưu Đình Chất và Nguyễn Đăng làm Chánh sứ cùng Nguyễn Đức Trạch, Hoàng Kỳ, Nguyễn Chính, Nguyễn Sư Khanh làm Phó sứ đã được tư liệu lịch sử nghi nhận. Trong chuyến đi này, Lưu Đình Chất và Nguyễn Đăng có thơ xướng họa cùng sứ thần Joseon - Lý Đẩu Phong và được ghi trong Toàn Việt thi lục 全越詩錄 của Lê Quí Đôn. Về tiểu sử và những bài thơ xướng họa của sứ thần Lưu Đình Chất với sứ thần Joseon đã được Nguyễn Đức Nhuệ giới thiệu, nhưng rất tiếc là không nêu nguồn dẫn(12), chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu về tiểu sử và những bài thơ xướng họa của sứ thần Nguyễn Đăng với sứ thần Joseon.

2. Về tiểu sử Hoàng giáp Nguyễn Đăng

Nguyễn Đăng阮登(1577-?) người xã Đại Toán huyện Quế Dương (nay thuộc xã Chi Lăng huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông thi Hương, thi Hội, thi Đình đều đỗ đầu. Năm Nhâm Dần niên hiệu Hoằng Định thứ 3 (1602) Nguyễn Đăng thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Khoa thi này không lấy Tam khôi, nên Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân là cao nhất). Văn bia Hoằng Định tam niên Nhâm Dần khoa Tiến sĩ đề danh bi 弘定三年壬寅科進士題名碑(Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Dần niên hiệu Hoằng Định năm thứ 3), ghi như sau: “Hôm sau Điện thí, vua đích thân xem xét, định thứ tự cao thấp. Cho bọn Nguyễn Đăng 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Cung 8 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân”(13). Sau khi thi đỗ Tiến sĩ, ông làm quan Tả Thị lang Bộ Hộ, tước Phúc Nham hầu và được cử làm Chánh sứ (năm 1613) sang nhà Minh (Trung Quốc). Nguyễn Đăng là người có tài về văn chương, khi đi sứ giao lưu các sứ thần Trung Quốc và Joseon, các sứ thần đều mến phục tài năng của ông. Khi mất, ông được phong phúc thần. Tác phẩm của Nguyễn Đăng có Phi lai tự phú (chép trong Lịch triều hiến chương loại chí mục Nhân vật chí) và thơ chép trong Toàn Việt thi lục

Sách Toàn Việt thi lục ghi về tiểu sử của Nguyễn Đăng như sau:

“阮登桂陽大蒜人弘定壬寅科正進士鄉試首選五場及應制皆第一弘定十四年以寺卿北使還陞戶部右侍郎福岩侯遷左侍郎卒進封福神”(14)

Phiên âm:

Nguyễn Đăng, Quế Dương Đại Toán nhân. Hoằng Định Nhâm Dần khoa Chính Tiến sĩ. Hương thí thủ tuyển ngũ trường cập ứng chế giai đệ nhất. Hoằng Định thập tứ niên dĩ Tự khanh Bắc sứ hoàn thăng Hộ bộ Hữu Thị lang Phúc Nham hầu, thiên Tả Thị lang. Tốt tiến phong Phúc thần.

Dịch nghĩa:

Nguyễn Đăng, người xã Đại Toán, Quế Dương. Đậu Chính Tiến sĩ khoa Nhâm Dần niên hiệu Hoằng Định (1602). Thi Hương đỗ đầu cả 5 trường, đến kỳ ứng chế cũng đỗ đệ nhất. Năm Hoằng Định thứ 14 (1613), giữ chức Tự khanh đi sứ Bắc quốc. Khi về được thăng Hộ bộ Hữu Thị lang, Phúc Nham hầu, sau thăng làm Tả Thị lang. Khi mất được tiến phong làm Phúc thần.

Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú mục Nhân vật chí đánh giá tài văn chương của Nguyễn Đăng như sau: "Văn chương của Nguyễn Đăng hơn các đồng bối, triều đình lấy làm tôn trọng, nhiều lần được cất nhắc... Khi qua chùa Phi Lai, ông làm bài phú tám vần, mọi người tranh nhau truyền tụng"(15).

3. Về hai bài thơ giao lưu với sứ thần Joseon của Hoàng giáp Nguyễn Đăng

Hai bài thơ này được chép trong sách Toàn Việt thi lục全越詩錄của Lê Quí Đôn, kí hiệu A.132/4, tờ 95a - 96b và tờ 97a-97b, đó là hai bài thơ của Hoàng giáp Nguyễn Đăng họa thơ sứ thần nước Joseon là Lý Đẩu Phong, xin được giới thiệu cùng bạn đọc.

Bài thứ nhất

古體詩一首

和朝鮮國使李斗峰寄柬長篇

青海汪洋翠岱從

波澄日皜湛穹蔥

盤桃異種厭芎藭

萋萋菶菶朝陽桐

物珍珠貝銀沙銅

皮革文斑虎豹熊

千年春蔭鶴龜嵕

秀鍾精毓全化工

俊彥挺出科場中

茞藹人賢國不空

多聞博覽發心聾

一代山斗仰鉅公

高詞健筆策奇功

燁燁才華蓋世雄

氣凌長劍倚崆峒

筆挽文星焰吐紅

喉舌班聯台座降

腰佩鏗鏘玉色瓏

雅詠黃華盛選充

輕駕征鞍拂柳風

懸河對語沛無窮

都得實學得心胸

吾道相傳無極翁

雲萍萬里慶來同

九重乍奏一書封

使星密接紫微宮

鵷行獸舞映鵝絨

五鳳樓前八百鍾

仰瞻皇極天形容

萬歲連呼祝岱宗

喜今千載一奇逢

三生自覺脫塵蹤

拜觀熙朝協和衷

聲明均囿世融融

詩懷洒落旨怔忡

家情何必寄書筒

荏苒初秋客思忽

斷續閒聞砌傍虫

一輪明月斡雲蓬

衡南凝目曉歸鴻

相憶更深夢亦慵

天邊望闊海之東

余聞

遼堧產出神草叢

醫國良方脈理通

勻調仙劑駐春容

壽涼髮白盎顏童

旦華堯舜歲喬松

得朋載酒且相從

美哉

得朋載酒可相從

 

Dịch nghĩa:

Thơ cổ thể (một bài)

Họa thơ sứ thần nước Triều Tiên là Lý Đẩu Phong,

gửi đến bài trường thiên(a)

Biển xanh rộng lớn núi biếc hòa theo,

Sóng lặng trời quang sáng đến tận từng cao.

Tiệc Bàn đào giống lạ hơn cả giống cỏ thuốc khung cùng (b),

Tươi tốt um tùm như cây ngô đồng hướng về ánh dương.

Các thức vật trân quý như vỏ sò; hạt bạc rải như đồng,

Giáp da vẽ hoa văn hổ báo vẻ oai hùng.

Muôn thủa hơi xuân phủ hình như hạc như rùa,

Trời đất chung đúc tinh tú toàn nhờ công tạo hóa.

Người tài tuấn nổi danh từ trong khoa trường,

Hiền tài như cỏ thì nước nhà chẳng phải là trống rỗng.

Đọc rộng xem nhiều sự phát tiếng từ ở trong lòng,

Là đấng danh nho một đời như Thái Sơn Bắc Đẩu ai cũng hướng về.

Ngôn từ cao, bút lực mạnh, dựng được công nghiệp lớn lao lạ kỳ,

Trói lọi tài hoa anh hùng trùm cái thế.

Khí phách lăng lướt, như trường kiếm dựa vẫy khoảng không rộng,

Bút điểm kéo cả sao băng, sáng vọng tỏa ánh hồng.

Triều quan trọng yếu ngồi liền ở giáng tòa,

Lưng đeo ngọc bội vang tiếng thanh sắc linh lung.

Câu thơ tao nhã vịnh sứ hoàng hoa tuyển sung vào thịnh hội,

Xe nhẹ, yên xa phất phơ gió liễu.

Nói chuyện thao thao, miệng như nước chảy đến vô cùng,

Đều là người thực học tâm đắc ở trong lòng.

Đạo Nho ta được truyền nối, như còn mãi mãi,

Bèo mây tan hợp, muôn dặm gặp gỡ mừng vui như nhau.

Chín tầng bệ báu thư một bức tấu lên,

Sứ giả kìn kìn tiếp về cung tử vi(c).

Quan hàng như chim uyên, như thú múa, ánh lông vũ,

Trước lầu Ngũ Phượng (d), chuông gióng tám trăm tiếng.

Ngửa trông ngôi hoàng cực giữa trời,

Tiếng hô vạn tuế chúc người thọ như núi Đại Tông (e).

Mừng được gặp kỳ thịnh hội nghìn năm một thủa,

Ba sinh tự cảm thấy thoát khỏi áng trần lao.

Cùng các quan bái triều thịnh trị trong lòng hòa hiệp,

Thanh minh muôn vật cùng đời vui tươi.

Lòng thơ lai láng bồi hồi lo lắng,

Tình nhà đâu phải gửi nơi ống thư đồng.

Thấm thoát thu qua tình khách tứ chuyển hoài,

Dứt nối tiếng côn trùng nghe lượt này lượt nọ.

Một vầng trăng sáng rạng chuyển dưới mây vần như cỏ bồng,

Người đi về nam còn để mắt trông rõ bóng chim hồng đang về mất.

Thương nhớ canh khuya, sâu trong giấc mộng cũng trễ nhác,

Bên trời biển rộng ngóng về đông.

Ta nghe rằng:

Vùng đất Liêu (f) xa sản sinh lắm loại cỏ thần, mọc thành bụi.

Có thể dùng làm phương thuốc chữa bệnh cho nước, mạch lý thông,

Điều hòa thuốc tiên để giữ được tuổi xuân.

Giúp sống lâu, tóc bạc mà dung nhan đẹp như thanh niên,

Điểm tô đời Nghiêu Thuấn, tuổi sánh cội tùng cao.

Được gặp bằng hữu, có rượu, đến cùng vui với nhau,

Đẹp thay!

Được gặp bằng hữu, có rượu, đến cùng vui với nhau.

Chú thích:

(a) Bài này làm theo lối trường thiên độc vận.

(b) Khung cùng: tức loại có làm thuốc, còn gọi là Xuyên khung.

(c) Nguyên văn là Sứ tinh, cũng chỉ Sứ giả; Cung Tử Vi là cung sao chính trong các sao, còn dùng để chỉ ngôi đế vương, ngôi thiên tử.

(d) Lầu Ngũ Phượng, chỉ lầu của nhà vua ngự; Tám trăm tiếng chuông: hiện chưa rõ, có phải ý nói đến bát bách hộc của Nguyên Tái Tể tướng đời Đường Đại Tông, tham lam tích trữ hồ tiêu 800 hộc hay không ?

(e) Đại tông: tên gọi khác của núi Thái Sơn.

(f) Joseon xưa tiếp giáp vùng Liêu Đông.

Dịch thơ:

Biển xanh rộng, núi biếc trùng,

Trời quang sóng lặng từng không soi cùng.

Bàn Đào giống lạ cỏ khung,

Um tùm tươi tốt ngô đồng ánh dương.

Vật trân quý, bạc rải đường,

Giáp da hổ báo còn nhường oai phong.

Hơi xuân rùa hạc tuổi đồng,

Đúc chung tinh tú nên công đất trời.

Tài danh nổi tiếng trong đời,

Hiền tài khoa bảng há người hư không.

Hiểu sâu rộng, tự trong lòng,

Thái Sơn Bắc Đẩu nho danh hướng về.

Từ cao, bút lực lạ kỳ,

Tài hoa cái thế cũng vì văn chương.

Khí phách cao, vẫy kiếm trường,

Bút hoa khéo điểm kéo đường sao băng.

Triều quan trọng yếu tọa trông,

Lưng đeo ngọc bội linh lung sắc vàng.

Câu thơ đẹp, sứ hoa hoàng,

Nhẹ yên xe ngựa trên đường liễu đưa.

Thao thao ngọn nước chảy đua,

Là người có học thực tu trong lòng.

Đạo Nho ta nối con dòng,

Bèo mây muôn dặm vui mừng gặp nhau.

Chín tầng bệ báu thư tâu,

Ùn ùn sứ giả về chầu Tử Vi.

Hàng quan chim thú vẻ gì,

Trước lầu Ngũ phượng, chuông thì tám trăm.

Ngưỡng xem hoàng cực cao thâm,

Tiếng hô vạn tuế muôn năm tuổi trời.

Nghìn năm thịnh hội một thời,

Ba sinh cảm thấy thoát đời trần lao.

Theo quan triều bái đi vào,

Thanh minh muôn vật đẹp sao vui cười.

Lòng thơ lai láng bồi hồi,

Tình nhà đâu phải gửi nơi thư đồng.

Thu qua thấm thoát tình nồng,

Dứt lòng nghe tiếng côn trùng ngân nga.

Một vầng trăng tỏ sáng lòa,

Về nam người có trông qua bóng hồng.

Canh khuya thương nhớ giấc mòng,

Bên trời biển rộng bên đông ngóng về.

Ta từng nghe rằng:

Đất Liêu sinh lắm cỏ thần,

Làm phương chữa bệnh cho dân giúp đời,

Thuốc tiên giữ được tuổi trời.

Sống lâu tóc bạc rạng ngời sức xuân,

Ngày Nghiêu tháng Thuấn điểm phần.

Gặp người thi hữu, rượu tuần cùng vui,

Đẹp thay!

Gặp người thi hữu, rượu tuần cùng vui.

 

Bài thứ hai

 

近體詩

和朝鮮國使李斗峰窗前種竹之作

傲霜剄節傍高齋

卻俗偏宜洒落懷

月影飾金供逸興

風聲戛玉助吟佳

幹栖鳳侶光生彩

枝長龍孫迸出階

堪狀有文君子德

行行綠色自雲排

Dịch nghĩa

Thơ cận thể

Họa thơ sứ thần nước Triều Tiên là Lý Đẩu Phong, làm bài tả cảnh trồng trúc trước cửa sổ

Ngạo nghễ tuyết sương, cứng cáp bên ngôi nhà cao nhân,

Nên tránh phàm tục, riêng về lòng thoải mái.

Ánh trăng tô sức vẻ vàng cung thi hứng nhàn dật,

Tiếng gió vi vu, làm giáp ngọc họa ngâm tiếng vang hay.

Cành cho phượng đậu, thành đôi sinh vẻ sáng ngời,

Nhánh dài cho cháu rồng lớn vụt lên ngoài bệ.

Xem ra hình trạng có văn vẻ, đức người quân tử,

Hàng hàng sắc biếc tựa mây bầy ra.

 

Dịch thơ:

Tuyết sương ngạo nghễ đứng bên ngoài,

Phàm tục riêng ra thoải mái ngồi.

Ánh trăng tô vẻ thơ thêm hứng,

Gió thổi vi vu giáp ngọc tươi.

Cành đậu phượng loan tăng sức sống,

Nhánh mọc cháu rồng vụt lớn coi.

Hình trạng xem như đức quân tử,

Hàng hàng sắc biếc tựa mây trời.

Như vậy, Nguyễn Đăng có 2 bài thơ (một bài cổ thể theo theo lối trường thiên độc vận, một bài cận thể) họa thơ của Lý Đẩu Phong sứ thần nước Joseon trong chuyến đi sứ năm 1613, rất tiếc là bài thơ của Lý Đẩu Phong hiện chúng tôi chưa sưu tầm được. Theo chúng tôi, hai bài thơ của Nguyễn Đăng là những tư liệu có giá trị, góp phần nghiên cứu lịch sử quan hệ ngoại giao Đại Việt và Joseon thời trung đại thông qua giao lưu giữa các sứ thần hai nước.

Bài viết được sự tài trợ của Quĩ Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted - Mã số VIII.2-2011.05), chúng tôi xin chân thành cảm ơn.

Chú thích:

1. Hiện nay khi nghiên cứu về bán đảo Triều Tiên thời trung đại, các học giả Việt Nam có khi gọi Triều Tiên và có khi gọi Hàn Quốc. Những năm gần đây, khi mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng phát triển, những nghiên cứu về thời kỳ trung đại ở bán đảo Triều Tiên thường dùng tên gọi là Hàn Quốc, theo chúng tôi như vậy có phần chưa được thỏa đáng. Triều Tiên (1392 - 1910), phiên âm tiếng Triều Tiên làChosŏn, Choson, Chosun, Joseonhay còn gọi là nhà Lý, một triều đại được thành lập bởi Thái Tổ Lý Thành Quế (太祖-李成桂) và tồn tại hơn 5 thế kỷ. Nhà Triều Tiên là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Triều Tiên. Đây cũng là vương triều theo Nho giáotồn tại lâu dài nhất. Văn hóa Triều Tiên phát triển rực rỡ trong thế kỷ XV, dưới thời Thế Tông Đại Vương (世宗大王). Sau đó Triều Tiên rơi vào cảnh đình trệ và đến cuối thế kỷ XIX bị các thế lực nước ngoài xâm lăng. Triều Tiên xưa, hiện nay được chia ra nước: Đại Hàn Dân quốc (Hàn Quốc) và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Triều Tiên). Khi nghiên cứu thời kỳ trung đại ở bán đảo này, một số chuyên gia Hàn Quốc ở Trung tâm Hàn Quốc học thuộc Đại học Inha (Hàn Quốc) đã gợi ý với chúng tôi nên dùng theo phiên âm là Chosŏn hay Joseon (조선).

2. Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Nhà xuất bản Hà Tây, năm 2000 và Thơ văn Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2007 do Bùi Duy Tân chủ biên.

3. Nguyễn Minh Tường: xem Tạp chí Hán Nôm, số 6 (85)-2007.

4. Nguyễn Minh Tường: xem Tạp chí Hán Nôm, số 1 (92)-2009.

5. Lý Xuân Chung: LA Tiến sĩ, năm 2009.

6. Nguyễn Đức Nhuệ: Tạp chí Hán Nôm, số 5 (96)-2009.

7. Nguyễn Minh Tuân: Thêm bốn bài thơ xướng họa giữa Lê Quí Đôn và sứ thần Triều Tiên, Tạp chí Hán Nôm, số 4 (41)-1999.

8. Trong công nghiên cứu của mình, Nguyễn Minh Tường và Lý Xuân Chung không đề cập đến chuyến đi sứ này, còn Nguyễn Đức Nhuệ ghi chú: "Tài liệu do GS.TS. Trịnh Nhu cung cấp". Bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu các tài liệu lịch sử ghi chép về chuyến đi sứ năm 1613 mà Nguyễn Đăng và Lưu Đình Chất cùng làm Chánh sứ, cả hai ông đều có thơ xướng họa cùng các sứ thần Joseon.

9. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. KHXH. H. 1992, tr. ... Những dấu ba chấm (...) là chúng tôi lược bỏ không trích.

10. Đại Nam nhất thống chí, Tập 4 (bản dịch), Nxb. Thuận Hóa, 1992, tr.127.

11. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1 (bản dịch), Nxb. KHXH, H. 1992, tr.383.

12. Nguyễn Đức Nhuệ: bài đã dẫn, Tạp chí Hán Nôm, số 5 (96)-2009. Trong bài viết của mình, Nguyễn Đức Nhuệ không nêu xuất xứ các bài thơ xướng của sứ thần Lưu Đình Chất với sứ thần Joseon. Chúng tôi xin thông tin, các bài thơ này được chép trong Toàn Việt thi lục 全越詩錄 của Lê Quí Đôn, bản ký hiệu A.132/4, tờ 100a, tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

13. Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam, Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu, Nxb. Giáo dục, H. 2006, tr.216.

14. 黎貴敦 : 全越詩錄, A.132/4, tờ 95a.

15. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, sđd, tr.383./

 

PGS.TS. TRỊNH KHẮC MẠNH

ThS. NGUYỄN ĐỨC TOÀN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 3 (112) 2012, tr.3-10.

Dao Tan

Ảnh: Tác giả Đào Tấn

Qua những ghi chép của tiền nhân còn lưu lại trong các bộ sử sách, văn bia, thư tịch cổ cho thấy rằng: ở Việt Nam đã xuất hiện nghệ thuật ca nhạc từ rất sớm. Đến thế kỷ X, dưới triều đại phong kiến nhà Đinh, nghệ thuật ca múa nhạc, diễn trò phát triển khá phổ biến và đến triều đại Lý, Trần có nhiều tiến bộ về nội dung nghệ thuật cùng quy cách biểu diễn. Đại Việt sử ký còn ghi: "Con cái các nhà thế gia tập hát điệu phương Bắc. Lý Nguyên Cát dùng tuồng cổ, có tích Tây Vương Mẫu hiến bàn đào, người ra trò có danh hiệu là Quan nhân, Chu tử, Đán nương, Sửu nô cộng mười hai người đều mặc áo gấm thê, đánh trống, thổi sáo, gảy đàn, vỗ tay, gõ phách thay đổi nhau vào ra làm trò để cảm động lòng người, muốn cho buồn được buồn, muốn cho vui được vui... Nước ta có tuồng truyện bắt đầu từ đó". Như vậy, trên cơ sở nền nghệ thuật ca múa nhạc và diễn trò phát triển, nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam (tuồng, chèo) đã manh nha hình thành từ thời Trần và phát triển mạnh mẽ ở thế kỷ XVIII - XIX. Đặc biệt các ông vua triều Nguyễn rất mê tuồng, thậm chí còn tham gia viết tuồng và tổ chức hát tuồng thường xuyên trong cung đình như vua Tự Đức, vua Minh Mạng. Có nhiều vở tuồng được viết rất công phu, đồ sộ, phải biểu diễn hàng trăm đêm như vở Quần Phương hiến thụy lấy tên các loài hoa làm nhân vật, vở Vạn bửu trình tường lấy tên các vị thuốc làm tên nhân vật. Nổi bật nhất trong thời kỳ này là nhà soạn tuồng lỗi lạc Đào Tấn (1845-1907). Ông quê ở Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Làm quan tới Thượng thư, Tổng đốc, sung Khu mật viện đại thần nhưng ông vẫn dành thời gian soạn nhiều vở tuồng có giá trị kinh điển. Không những thế, ông còn lập ra Học Bộ Đình, đào tạo nên rất nhiều học trò như Đội Hiệp, Bát Phàn, Cửu Khi... trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng trong làng hát Bội. Vì vậy ông được thế hệ đời sau suy tôn là hậu tổ nghề tuồng. Trong nhiều tác phẩm xuất sắc của ông thì vở tuồng Hộ Sanh Đàn với tư tưởng chủ đề thấm đẫm chất nhân văn, bố cục chặt chẽ cùng văn chương trác tuyệt qua những nhân vật tiêu biểu như Tiết Cương, Lan Anh, Hồ Nô, Tiết Bất Nghĩa... đã được bình chọn vào tủ sách “Một trăm kiệt tác thế giới”.

Từ quan điểm nghệ thuật:

Thiên bất dự nhàn, thả hướng mang trung tầm tiểu hạ

Sự đô như hí, hà tu giả xứ tiếu phi chân

Có nghĩa:

Trời chẳng cho nhàn, vào chốn bận này tìm chút rảnh

Sự đời như kịch, há rằng trong giả lại không chân.

Đào Tấn đã mạnh dạn đưa một "ca đỡ đẻ" lên sân khấu tuồng vốn rực rỡ vàng son, đầy tôn nghiêm với cân đai áo mão. Cái tên Hộ Sanh Đàn (dàn Đỡ Đẻ) nghe thật lạ tai vì trước và sau Đào Tấn chưa có ai táo bạo dám nói đến vấn đề này và chuyện chửa đẻ được phơi bày trực tiếp trên sân khấu hết sức đẹp đẽ, quyến rũ lòng người.

Hộ Sanh Đàn được Đào Tấn viết vào những năm 1898 -1902. Dựa vào cốt chuyện thời Đường, Võ Tắc Thiên điên cuồng truy nã, sát hại con cháu dòng tộc các công thần mà tiêu biểu ở đây là vợ chồng Tiết Cương, Lan Anh. Trên đường chạy giặc, vợ chồng họ lạc nhau. Lan Anh bụng mang dạ chửa phải sinh nở giữa đường. Tiết Cương ghé vào nhà Tiết Nghĩa, bị phản bội bắt nạp cho triều đình. Cuối cùng, Lan Anh được thần phù hộ nên mẹ tròn con vuông, Tiết Cương được Ngũ Hùng, Tần Hán cứu thoát. Vợ chồng gặp lại nhau đầy nước mắt bi thương và sầu hận nhưng không kém phần mừng vui tin chắc ở tương lai như câu hát kết tuồng thật bi hùng:

“Thế cuộc nan bình duy hữu hận

Tha hương tương khế khởi vô tình

Thiên sơn hảo tác tam hùng hội

Hải vũ tùng kim bát biểu thanh”

Dịch: Cuộc thế khó san bằng nỗi hận

Những người khác xứ kết tình thân

Non cao đón khách anh hùng hội

Biển thẳm hẹn ngày sóng gió yên

Âm điệu bi hùng qua câu hát bằng bản dịch không thể chuyển tải mạnh mẽ bằng bản chính. Vì thế, giá trị văn chương chữ Hán của cụ Đào rất cao, nhiều chỗ có thể sánh ngang với thơ Đường. NSND Nguyễn Thị Hòa Bình (GĐ nhà hát tuồng Đào Tấn) là người thành danh với vai diễn Lan Anh đã từng nói: "Hát theo văn tuồng cũ thích hơn hát theo văn tuồng dịch". Ngay từ lớp tuồng đầu tiên chúng ta có thể so sánh giữa nguyên bản chữ Hán với bản tuồng dịch thì sẽ thấy ngay giá trị văn học Hán Nôm trong kiệt tác này như thế nào.

NGUYÊN TÁC LỚP I :

TIẾT CƯƠNG: Kinh địa từ tế tảo song linh

Triều binh phút công vi vạn đội

Ơn Tần thị phu thê cứu giải

Khiến Tiết gia tính mạng bảo toàn

Chi nữa Chốn Long San bao sá dặm ngàn

Nương điểu tích ngõ toan lần lõi

Hát Nam: Điểu tích ngõ toan lần lõi

Gẫm sự mình nhiều nỗi cay co

Hai vai thắt chặt tang hồ

Biển oan chưa lấp mật thù càng ngon

Tiếng dập dồn phong huyên nhạc hãm

Giục vó lừa chỉ dặm Long san

(Tam Tư ra gặp Tiết Cương, khấu)

TAM TƯ: Đại khiếu tha Tiết thị cường ngoan

Hảo khán ngã Tam Tư truy nã

Thằng thân hạ mã

Thúc thủ lai hàng

Đặng cho ta Ngõ ban sư trở lại nhà vàng

Bằng nghịch mạng ắt lầm trong mũi bạc

TIẾT CƯƠNG: Ngũ trung hoả phát hoả phát

Song nhãn yên khai yên khai

Huy thần phủ sát lai

Nễ tặc đồ hưu tẩu

(khấu, Tiết Cương chạy)

TAM TƯ: Truyền chư tướng hoang mang đoạt lộ

Truy tặc đồ vật khả trì diên

HẠ

BẢN DỊCH LỚP I

(Vũ Ngọc Liễn dịch)

TIẾT CƯƠNG: Kinh địa từ viếng mộ song thân

Triều binh phút bủa vây vạn đội

Ơn Tần thị vợ chồng cứu giải

Khiến Tiết gia tính mạng bảo toàn

Chi nữa Chỉ Long sơn bao sá dặm ngàn

Nương dấu thỏ ngõ toan lần lõi

Hát Nam: Dấu thỏ ngõ toan lần lõi

Nghĩ sự mình nhiều nỗi gay go

Hai vai thắt chặt tang hồ

Biển oan chưa lấp mật thù càng ngon

Tiếng quân reo như gió dồn núi sập

Giục vó lừa chỉ dặm Long sơn

TAM TƯ: Cả tiếng kêu Tiết thị cuồng ngoan

Hỏi có thấy Tam Tư truy nã

Khá trói mình hạ mã

Mau quỳ gối quy hàng

Để cho ta Sớm thu quân trở lại nhà vàng

Bằng nghịch mạng ắt lầm trong mũi bạc

TIẾT CƯƠNG: Lòng như lửa tạt

Mắt tợ khói bừng

Tay ta sẵn búa thần

Lũ giặc đừng hòng thoát

(Đánh nhau, Tiết Cương bỏ chạy )

TAM TƯ: Truyền các tướng mau mau vây bắt

Đuổi giặc thù chớ chớ chậm chân

VÀO - HẾT LỚP I

Đây là lớp tuồng mở đầu của Hộ Sanh Đàn, tuy ngắn nhưng khá nổi tiếng vì kỹ thuật biểu diễn của diễn viên nên còn được gọi là lớp Tiết Cương chống búa. Nhờ lời văn giàu hình ảnh, giàu cảm xúc nên tạo cho các nghệ sĩ đóng vai Tiết Cương dễ dàng thể hiện hình tượng một người anh hùng cô đơn, vì lòng hiếu thảo về viếng mộ cha mẹ trong khi chung quanh là muôn trùng hiểm nguy của kẻ thù vây bắt. Thoạt nhìn thì thấy bản dịch khá sát nghĩa, theo đúng tinh thần của nguyên tác nhưng đi sâu vào thực tế biểu diễn mới vỡ ra là thần bút của cụ Đào vẫn hơn hẳn chúng ta. Nguyên tác cho ta thấy Tiết Cương băng rừng núi bằng một chi tiết Nương điểu tích ngõ toan lần lõi, theo dấu vết chim rừng tìm đường qua gập ghềnh, hiểm trở. Dấu vết của chim có thể là lông chim rơi rụng, có thể là phân chim trên lá cây, người biểu diễn phải cúi xuống, ngẩng lên, vin cây, vạch lá, bước đi không thăng bằng, vẻ mặt căng thẳng âu lo, nghe ngóng quân thù đuổi bắt. Thế mà bản dịch lại cho Tiết Cương hát Nương dấu thỏ ngõ toan lần lõi. Dấu thỏ thì đâu phải là rừng hiểm ác và dấu thỏ thì chỉ có thể ở dưới đất chứ không thể có trên cây nên không tạo được thế diễn phong phú cho người nghệ sĩ. Những chữ song thân (cha mẹ) không hay hơn hai chữ song linh (cha mẹ đã mất), và gió dồn núi sập, lòng như lửa tạt, mắt tợ khói bừng đều không sánh nổi với phong huyên nhạc hãm, ngũ trung hỏa phát, song nhãn yên khai về tiết tấu, nhịp điệu câu văn phù hợp với tâm trạng căm uất của Tiết Cương khi đối chọi với Tam Tư. Rồi những chữ Hạ mã, truy nã vẫn phải để nguyên không dịch được để giữ hợp vận thơ, chứng tỏ rằng không hơn được bản chính. Khảo sát thêm một số câu hát nổi tiếng của nhân vật Lan Anh:

“Nhàn lai phong nguyệt cộng vô biên

Nhất động đào hoa biệt hữu thiên

Vị vấn kỷ sinh tu đắc đáo

La thường tuý trục nhật phiên phiên”.

Dịch: Trăng ngần, gió lộng thú vô biên

Một động đào hoa, một cõi riêng

Dám hỏi phúc này tu mấy kiếp

Ngày ngày xiêm áo đổi bao phen.

Rõ ràng là câu hát như một bài thơ độc lập thể hiện tâm tư tình cảm của của một nữ nhân hào kiệt, tuy ở núi rừng nhưng vẫn vui tươi vì tự do, vì hạnh phúc có gió trăng thanh nhàn làm bầu bạn. Câu hát này phảng phất thơ Đường nhưng đến câu hát của nhân vật Tú Hà (vợ Tiết Nghĩa) thì ta thấy Đào Tấn mượn khá nhiều chữ của các thi nhân Trung hoa nổi tiếng như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Khuất Nguyên, Trần Tử Ngang, Lưu Trường Khanh để tạo nên những câu hát xót xa, đau xé lòng người:

“Trì trì bạch nhật vãng

Níu níu bi phong sinh

Phu tế khinh bạc nhi

Tại thế bất xứng ý

Giang sơn điêu lạc xứ

Tử biệt dĩ thôn thanh

Mảnh gương phút đã tan tành

Xuân vi gió lạnh thu đình trăng trong”

Dịch: Ngày trắng tàn lay lắt

Gió buồn toả hắt hiu

Chồng là tên bạc ác

Ở đời làm sao được

Núi sông lay rụng hết

Thà chết chịu lặng thinh

Mảnh gương phút đã tan tành

Màn xuân gió lạnh thu đình trăng trong.

Chúng ta thấy bản dịch có ưu điểm là đem đến cho người xem đương đại hiểu được nội dung của câu hát nhưng xét về mặt diễn tả trên sân khấu, về nhạc điệu, hình ảnh câu văn thì nguyên tác vẫn hơn hẳn bản dịch. Nếu dịch cho thuận với nhạc điệu câu hát thì phải dịch trại đi như Nương điểu tích dịch là nương dấu thỏ. Còn dịch cho sát nghĩa, đúng từ thì mạch văn, tiết tấu, nhịp điệu câu hát lại không mạnh mẽ, không tạo được thế diễn cho người thể hiện. Vì vậy, ta có thể nói rằng: nguyên tác Hộ Sanh Đàn của cụ Đào cùng với giá trị văn học của chữ Hán đã góp phần không nhỏ để đưa vở diễn này thành kiệt tác thế giới.

Tuy nhiên điều cần nói ở đây là tác phẩm bằng chữ Hán dù có hay đến mấy thì cũng phải được dịch ra quốc ngữ cho người xem hôm nay hiểu được nội dung. Vậy thì vấn đề dịch, hiệu đính, chú giải cũng là một vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi người làm công tác này phải tinh thông chữ Hán đồng thời phải giỏi cả quốc ngữ. Quả là một đòi hỏi khó khăn cho nghề tuồng. Hy vọng rằng, nhiều vị học giả uyên thâm Hán Nôm sẽ dành nhiều tâm huyết cho nghệ thuật tuồng, bắc được cây cầu để đưa khán giả hôm nay đến được với những tuyệt tác văn chương có ngọn nguồn từ nguyên bản chữ Hán./.

Nguyễn Gia Thiện

Nhà hát Tuồng Đào Tấn

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2008, tr.954-961. Phiên bản trực tuyến.

20180110 Mien Trinh

Ảnh: Chân dung Tuy Lý Vương Miên Trinh

I. Tĩnh Phố thi tập tự tự

Phiên âm:

Khách hữu vấn ư dư viết: “Phù nhân chi ư thi giả, do sơn chi hữu lam, thủy chi hữu hương dã, giai nhân kỳ tâm chi động, phát chi vi thanh. Tâm động ư ai, kỳ thanh vi thê; tâm động ư hỷ, kỳ thanh vi nồng; tâm động ư lạc, kỳ thanh vi dâm; tâm động ư lạc, kỳ thanh vi hùng. Cố thi chi khả quý tại động, hoặc vi hoạt động, vi biến động, vi linh động, vi lưu động, vô phi động dã. Cổ nhân chi thi, diệc đa dĩ động kiến trường: Tạ Linh Vận đa dĩ động chi manh dã. Tào A Man đắc động chi hùng dã, Thẩm Thuyên Kỳ đắc động chi hoa dã, Tống Chi Vấn đắc động chi tinh dã, Lý Thái Bạch đắc động chi ảo dã, Đỗ Tử Mỹ đắc động chi cực dã. Thị số diệc túc trưng dã. Túc hạ hà thủ ư tĩnh, nhi dĩ tĩnh danh phố, dĩ Tĩnh Phố danh thi hồ. Ức hữu sở thuyết hồ, kính tương tẩy nhĩ !”.

Dư viết: “Hữu thi chi động dã, cố dư bất năng nhiên, diệc bất nguyện học dã. Tử hà ức tĩnh chi thậm da ? Cổ nhân diệc hữu chi dã: Đào Uyên Minh chi thần dã, Tả Thái Xung chi cao dã, Vương Ma Cật chi khoáng dã, Mạnh Hạo Nhiên chi viễn dã, Vi Ứng Vật chi đạm dã, Trữ Quang Hy chi hậu dã, phi tĩnh da ? Tức thủy chi ư ba, điểu chi ư thanh, cố kỳ động dã, sơn chi ư lam, hoa chi ư hương, diệc động nhi sinh da? Thử khả kiến động chi bất năng thiện trường, nhi tĩnh phi bất giai diệu dã. Nhiên dư ô đắc cổ nhân chi tĩnh hồ, diệc nguyện học chi nhĩ ! Dư tính lỗ nhi chuyết, động triếp kiến vưu, bất như tĩnh chi tàng chuyết, nhi quả vưu dã. Kỳ dĩ tĩnh danh phố, dĩ Tĩnh Phố danh thi, bất diệc nghi hồ ? Khách duy duy nhi thoái, dư toại biện vấn đáp chi từ ư quyển đoạn vân”. (Miên Trinh Tĩnh Phố thi tập tự tự, trích từ Vĩ Dã hợp tập(1).

Dịch nghĩa:

Có một ông khách tới hỏi tôi rằng: “Phàm người ta đối với thơ, cũng như núi có sương, nước có sóng, chim có tiếng hót, hoa cỏ có mùi thơm, ấy đều bởi lòng 
người xúc động mà phát ra cả. Lòng người (tâm) cảm bởi đau thương, thì phát ra thanh âm bi thảm; mừng rỡ thì thanh âm nồng nàn; vui sướng thì thanh âm quyến rũ; tức giận thì thanh âm hùng tráng. Cho nên cái quý của thơ là ở chỗ “động”, (cái động ấy) có thể là hoạt động, là lưu động, là linh động, là biến động, thực không có gì ngoài cái “động” vậy. Thơ cổ nhân cũng phần nhiều lấy “động” làm sở trường, ví như Tạ Linh Vận sở đắc cái linh diệu của “động”, Tào A Man sở đắc cái hùng vĩ của “động”, Thẩm Thuyên Kỳ sở đắc cái anh hoa của “động”, Tống Chi Vấn sở đắc cái tinh túy của “động”, Lý Thái Bạch sở đắc lẽ huyền ảo của “động”, Đỗ Tử Mỹ đạt tới tột đỉnh của “động”. Chỉ bấy nhiêu cũng chứng tỏ được “động” đối với thơ có sự quan trọng đến mức nào. Vậy thì tại sao ngài lại cứ thủ lấy cái “tĩnh”, lấy “tĩnh” đặt tên vườn là Tĩnh Phố, lại lấy Tĩnh Phố đặt tên tập thơ. Phải chăng ngài có ý đồ riêng, mong được ngài bảo cho!”.

Tôi trả lời: “Đúng là có cái động trong thơ, nhưng tôi thì không làm được thế, cũng chẳng muốn học nó. (Còn ông), tại sao ông lại coi thường cái “tĩnh”, thơ xưa cũng không hiếm, ví như cái thần của Đào Uyên Minh, cái cao khiết của Tả Thái Xung, cái khoáng đạt của Vương Ma Cật, cái xa vời của Mạnh Hạo Nhiên, cái thanh đạm của Vi Ứng Vật, cái đôn hậu của Trữ Quang Hy, tất cả chẳng phải “tĩnh” đấy sao? Sóng nước, tiếng chim, cố nhiên do “động” mà ra, nhưng sương núi, hương hoa há cũng từ “động” mà sinh ra ư ? Như vậy có thể thấy điều mà cái “động” không thể đạt tới, thì cái “tĩnh” không phải không chứng tỏ được sự ưu tú của mình. Nhưng bản thân tôi, đâu dám tự nhận đã sở đắc được cái “tĩnh” của cổ nhân, chỉ nguyện học theo mà thôi. Tôi là kẻ thô vụng, chỉ cần hơi động một cái là phạm lỗi, chi bằng chọn “tĩnh” để dưỡng vụng, vừa bớt được lỗi lầm. Vì lẽ đó, việc lấy “tĩnh” đặt tên vườn, lấy Tĩnh Phố đặt tên cho tập thơ, há chẳng phải hợp lý sao? Khách (nghe xong) gật gù rồi cáo lui, tôi liền (đem giấy bút) ghi lại đoạn vấn đáp giữa chúng tôi và đặt nó ở đầu sách”. (Bài tự đề tựa tập thơ Tĩnh Phố của Miên Trinh, trích từ Vĩ Dã hợp tập).

II. Tĩnh Phố thi tập tự tự, một tuyên ngôn nghệ thuật của Miên Trinh

Tuy Lý Vương Miên Trinh (1820-1897) tự Khôn Chương, hiệu Tĩnh Phố, còn có hiệu là Vĩ Dạ, là con thứ mười một của Hoàng đế Minh Mạng và bà phi Lê Tiệp dư. Vốn tư chất thông minh, bản tính chăm chỉ, lại thêm sự dạy bảo tới nơi tới chốn của từ mẫu; nên ngay từ nhỏ, Miên Trinh đã tỏ ra vượt trội trong đám anh em, vì vậy đương thời được vua cha yêu quý hơn cả. Sự sủng ái này được Miên Thẩm, anh kế ông, miêu tả bằng hai câu trong Minh Mạng cung từ:

“Bất thị Miên Trinh kim tật bệnh,

Thử gian hà xứ đắc thiên hương”

(Ví nếu Miên Trinh nay chẳng ốm,

Chốn này bao giờ được hưởng hương trời).

Miên Trinh là đứa con cưng của vương triều Nguyễn, ngoài tư cách một chính trị gia kém thành công, đương thời ông còn là nhà thơ, nhà lý luận khá nổi tiếng. Về thơ, ông có tập Tĩnh Phố thi tập, bài dịch trên đây chính là bài mà tác giả tự đề tựa cho tập thơ của mình.

Ngô Nạp trong Văn chương biện thể nói: “Nhĩ nhã vân: “Tự, tự dã”. Tự chi thể, thủy ư Thi chi Đại tự, thủ ngôn lục nghĩa, thứ ngôn Phong Nhã chi biến, hựu thứ ngôn Nhị Nam vương hóa chi tự. Kỳ ngôn thứ đệ hữu tự, cố vị chi tự dã”. [Sách Nhĩ nhã nói: “Tự, có nghĩa là đầu mối”. Tự bắt đầu với Đại tự trong Thi kinh, (bài tự ấy) trước hết nói về lục nghĩa (phong, phú, tỷ, hứng, nhã, tụng), tiếp đó nói về sự biến hóa của Phong Nhã, tiếp đó nói đến sự giáo hóa bắt đầu từ vua qua Chu nam và Thiệu nam. Những lời ấy có thứ tự trước sau, cho nên gọi nó là tự].

Lại nói: “Đông Lai vân: “Phàm tự văn tịch, đương tự tác giả chi ý... hựu đương tùy sư dĩ tư kỳ thực dã”... Cận thế ứng dụng, duy tặng tống vi thạnh”. (“Lữ Đông Lai nói rằng: “Phàm viết bài tựa cho sách vở, nên theo thứ tự nói rõ ý của tác giả, ... lại nên tùy theo sự việc mà nói rõ sự thực”... Gần đây người ta đem loại thể ấy ra ứng dụng, chuyên dùng cho văn nhân tặng nhau”).

Sách Văn thể minh biện của Từ Sơ Tăng khi đề cập đến thể loại tự chép rằng: “Tự... kỳ vi thể hữu nhị: nhất viết nghị luận, nhị viết tự sự”. (“Tự... thể loại của nó có hai, một là nghị luận, một là tự sự”).

Tự là lời giới thiệu thường đặt ở đầu sách (có trường hợp đặt cuối sách, nhất là thời cổ, ví như Sử ký, Văn tâm điêu long...), khái niệm này phân biệt với hình thức tặng tự thịnh hành từ Đường Tống về sau. Tự là lời giới thiệu viết cho sách, tặng tự là thư từ qua lại giữa văn nhân. Về mặt nội dung, tự có thể là nghị luận, có thể là tự sự, có thể bao gồm cả hai, bài tự của Miên Trinh chính viết theo hướng nghị luận.

Trên đây đã nói, Miên Trinh là thi sĩ, là nhà lý luận có tài, ở bài tựa này, chúng ta còn chứng kiến ở ông một lối văn hùng hồn như thác chảy, đề tài tuy khó mà kỹ pháp có thể nói là vượt quá tiền nhân. Tự luận thơ xưa nay không hiếm, nhưng viết được như bài tựa này, quả là rất ít, theo tôi đây có thể coi là bài tựa hay nhất trong thể loại tự dưới triều Nguyễn.

Về quan điểm thi học của Miên Trinh, trong Luận thi trát tử ông viết: “Thần huynh Tùng Quốc công Miên Thẩm thi vân: “Cách cao vận viễn Thanh Khâu tử, cốt trọng thần hàn Tàm Vĩ Ông. Dục bả Trường Châu luận khí lực, hận cừ Tuyên Vũ tự Tư Không”. Thần dĩ vi tri ngôn”. (Anh thần là Tùng Quốc công Miên Thẩm có thơ rằng: “Thanh Khâu tử luận thơ coi trọng cách cao vận viễn, Tàm Vĩ Ông luận thi coi trọng thi cốt thần hàn. Muốn lấy Trường Châu để luận khí lực của thơ, ghét nỗi ông ta quen thói bắt chước”. Thần cho đó là tri ngôn vậy).

Thanh Khâu tử tức học giả đầu đời Minh là Cao Khải, họ Cao luận thơ chú trọng ba yếu tố “cách”, “ý” và “thú”. Trong Độc Am tập tự ông viết: “Thi chi yếu hữu tam, viết cách, viết ý, viết thú nhi dĩ. Cách dĩ biện kỳ thể, ý dĩ đạt kỳ tình, thú dĩ trăn kỳ diệu dã”. (“Điều cốt yếu của thơ có ba, đó là cách, ý và thú. Cách dùng để biện thể, ý dùng để đạt tình, thú tức yêu cầu thơ đạt đến mức kỳ diệu vậy”). Việc đặt “cách” lên hàng đầu không phải đến Cao Khải mới có, mà nó đã bắt đầu từ Thương lang thi thoại của Nghiêm Vũ, đây cũng là nội dung cơ bản của phái phục cổ tiền hậu thất tử đời Minh.

Tàm Vĩ Ông tức học giả đời Thanh Vương Sĩ Trinh, thuyết thần vận trong thơ tuy có nguồn gốc xa xưa, nhưng phải đến tay ông mới định hình và phát triển. Trường Châu ở đây chỉ học giả đời Thanh là Thẩm Đức Tiềm, ông người Trường Châu, Giang Nam. Trong Trùng đính Đường thi biệt tài tập tự, ông viết: “Tân Thành Vương Nguyễn Đình Thượng thư tuyển Đường hiền tam muội tập, thủ Tư Không Biểu thánh ‘bất trước nhất tự, tận đắc phong lưu’ Nghiêm Thương Lang ‘linh dương quải giác, vô tích khả cầu’ chi ý, cái vị tại diêm toan chi ngoại dã. Nhi ư Đỗ Thiếu Lăng sở vân ‘kình ngư bích hải’, Hàn Xương Lê sở vân‘cự nhận ma thiên’ giả, hoặc vị chi cập. Dư nhân thủ Đỗ, Hàn ngữ ý định Đường thi biệt tài, nhi Tân Thành sở thủ, diệc kiêm cập yên”. (Thượng thư Vương Nguyễn Đình (tức Vương Sĩ Trinh) người Tân Thành tuyển Đường hiền tam muội tập, lấy ý của Tư Không Đồ, ‘bất trước nhất tự, tận đắc phong lưu’ và của Nghiêm Thương Lang ‘linh dương gõ sừng, không lưu dấu vết’ ấy là nói thơ ở ngoài cái chua mặn vậy. Còn như ‘cá kình biển xanh’ của Đỗ Thiếu Lăng, 'gươm lớn mài trời' của Hàn Xương Lê thì hầu như không nhắc tới. Tôn nhân đó lấy ý của Hàn, Đỗ làm chuẩn, soạn cuốn Đường thi biệt tài, còn những gì mà Nguyễn Đình đã tuyển, thì cũng tuyển một số vào đây).

Thẩm Đức Tiềm là người có công định hình thuyết cách điệu ở Trung Quốc. Nói đến cách điệu là nói đến xu hướng trọng Đường khinh Tống. Trong hoàn cảnh phái Thần vận độc tôn Vương (Duy), Mạnh (Hạo Nhiên), phái Tống thi độc tôn Tô (Thức), Hoàng (Đình Kiên), thì Thẩm Đức Tiềm đem Lý Bạch, Đỗ Phủ làm đối tượng học tập cao nhất của mình. Nhưng lý luận mà họ Thẩm đưa ra hầu hết đã thấy ở tiền hậu thất tử đời Minh, nên Miên Thẩm dù tiếp thu mặt khí cách từ ông, nhưng vẫn tỏ thái độ dè dặt.

Như vậy có thể thấy thi luận của Miên Thẩm bao gồm ba thành tố: một là “cách”, hai là “thần vận” và ba là “Trường Châu khí lực”. “Khí lực” ấy chính là khí cách, chính là cái hùng hồn bao la, là cái hùng vĩ của khí tượng, cảnh tượng trong thơ, một đặc điểm không có ở thần vận.

Với thuyết thần vận, Miên Thẩm nhìn thấy ở đó cái nhã, một yếu tố mà ông coi là bắt buộc đối với thơ văn. Trong Thương Sơn thi thoại ông nói: “Thi chi tân, hữu dụng cổ nhân ngữ nhi phiên cải nhất nhị tự nhi dũ tân giả. Viên Mai, Triệu Dực bất năng tri thử, chuyên hiếu sưu dịch tục sự, nhân sở bất tiết, toại dĩ tương căng hủ. Thử phi cổ nhân vi cập ngôn, nãi yếm khí kỳ thiển cận nhi bất thủ dã. Tuy nhiên, cứu nhị gia thi tập, diệc hà thường xuất cổ nhân ngôn ngữ chi ngoại tai ? Kiến văn bất quảng dã”. (Cái mới của thơ là ở chỗ dùng thơ của cổ nhân sửa đi một vài chữ làm cho câu thơ càng mới. Viên Mai, Triệu Dực không biết điều đó, chỉ thích thu thập tục sự, những việc mà người ta không thèm để ý tới, xong rồi tự khoe khoang với nhau. Lỗi này không phải người xưa không nói, nhưng bọn họ coi đó là thiển cận mà không chịu sửa. Nhưng xét thi tập của hai nhà ấy, cũng không ra ngoài thơ của người xưa, ấy do bởi thiếu kiến văn mà ra cả).

Trong Tùy Viên thi thoại bổ di tự, Miên Thẩm phê phán nhược điểm của thuyết thần vận: “Thi thủy ư Ngu Thuấn, biên ư Khổng Tử. Ngô nho bất phụng lưỡng thánh nhân chi giáo, nhi viện dẫn Phật Lão, hà da? Nguyễn Đình hiếu dĩ Thiền ngộ, thử thi nhân phụng vi chí luận. Dư bác chi viết: Mao thi tam bách thiên, khải phi tuyệt điệu? Bất tri nhĩ thời Thiền tại hà xứ, Phật tại hà phương? Nhân bất năng đáp”. (Thi bắt đầu từ Ngu Thuấn, thành sách từ Khổng Tử. Nhà Nho chúng ta chẳng chịu nghe lời giáo huấn của hai bậc thánh nhân ấy, lại đi viện dẫn Phật Lão xa xôi, ấy là vì sao vậy? Nguyễn Đình thích “dĩ thiền ngụ thi”, các nhà thơ đều cho đó là chân lý. Tôi hỏi ngược lại họ rằng: “Kinh Thi 3000 thiên, há chẳng phải là tuyệt điệu sao? Không biết khi ấy Thiền ở đâu, Phật ở đâu? Mọi người không ai đáp được).

Trên đây là một số đặc trưng cơ bản về quan niệm thi học của Miên Thẩm. Quan niệm về thơ ca của Miên Trinh, như trên đã nói, về cơ bản thống nhất với quan điểm này. Nhưng từ những điều đã phân tích, kết hợp với bài dịch ở trên, chúng ta dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa họ. Quan điểm “động”, “tĩnh” mà Miên Trinh nêu ra, ấy chẳng qua là biến tướng của thần vận và cách điệu. Nếu Miên Thẩm là sự tổng hòa của thần vận và cách điệu, thì Miên Trinh hoàn toàn ngả sang thần vận, ấy là xu hướng đề cao cái “tĩnh”, đề cao thi ca Đào Uyên Minh, Vương Ma Cật, Mạnh Hạo Nhiên, Vi Ứng Vật,... Quan điểm của Miên Trinh về thơ ca là quan điểm tiến bộ, nó trả về cho thi ca giá trị nghệ thuật đích thực, có tác dụng rất lớn trong việc thúc đẩy sáng tác, tạo đỉnh cao của thi ca chữ Hán trong giai đoạn này. Quan điểm thi học của Miên Trinh thực chất được xây dựng trên cơ sở lý luận của Miên Thẩm, đây cũng là nét chung của một số quan niệm về thi học khác thời này, nhất là ở các thi gia thuộc hoàng tộc triều Nguyễn. Quan niệm thi học của Miên Trinh trong tương quan với các quan niệm khác thời này thế nào, được tiếp thu và phản ứng ra sao? Chúng tôi hy vọng sẽ có dịp khác để đề cập đến vấn đề này.

Chú thích:

(1) Dùng theo Vĩ Dã hợp tập, bản lưu trữ tại Thư viện KHXH, Tp. Hồ Chí Minh, ký hiệu HNv.232./

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 2 (75) 2006, tr. 45-49

20180514 Dao Tri Phu

Văn bia khắc dựng ở mộ của thân phụ Đào Trí Phú

Đào Trí Phú (?-1854), hiệu là Giới Tử, sinh tại làng Phước Kiển, thuộc Long Thành, dinh Trấn Biên (nay thuộc xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), xuất thân trong gia đình quan lại. Ông nội ông từng giữ chức Thị giảng Học sĩ. Cha ông tên thụy là Hiến Tĩnh (không rõ tên thật), làm quan trải đến chức Trung nghị đại phu Thái bộc tự khanh, tòng Tam phẩm dưới thời chúa Nguyễn. Mẹ ông họ Lê, sau khi bà mất được phong Thục nhân(1).

Đào Trí Phú là một trong các nhân vật lịch sử có số phận thăng trầm của đất Đồng Nai. Ông là người trong số ít người đỗ kỳ thi Hương tại Gia Định năm 1825 cùng khoá với Phan Thanh Giản, người sau này cũng có một kết thúc bi hùng. Đào Trí Phú là nhân vật lịch sử vừa có công vừa có tội đối với chính quyền triều Nguyễn. Trên phương diện chính trị, kinh tế xã hội, Đào Trí Phú có công trong việc tham mưu, xếp đặt, mở ra nhiều vấn đề cho một triều Nguyễn, nhưng với xu thế đang đi vào con đường lạc hậu so với các nước khác, nhà Nguyễn vẫn chưa nhìn thấy được hết những tiến bộ của thế giới bên ngoài. Đào Trí Phú là người mua tàu thuỷ chạy bằng hơi nước về cho triều đình, người đặt mối quan hệ buôn bán hàng hoá với người Tây dương, là người đi công cán nước ngoài bằng đường biển khá nhiều; tham gia việc đón tiếp các phái đoàn bang giao Trung Quốc, Hoa Kỳ..; tham gia công tác nông nghiệp; từng giữ chức Thuỷ sư và tham gia phòng vệ chống quân thuyền Pháp… Trên phương diện văn hoá văn nghệ, Đào Trí Phú tuy không có đóng góp lớn cho văn hoá văn nghệ của triều Nguyễn, nhưng cũng được dự một chân trong hàng các văn thần của vua Thiệu Trị(2), tham gia làm chủ khảo thi Hương, làm Tổng tài biên soạn gia phả triều đình…

Đào Trí Phú giữ nhiều chức vụ quan trọng trải ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, cuối cùng phải chịu kết cục khá bi thảm. Trong chốn quan trường, Đào Trí Phú không dưới hai lần bị vua cho là người có học thức nông cạn, quê kệch và thuyên chuyển công tác(3). Nhưng cũng không ít lần nhà vua hỏi ý kiến và làm theo lời ông, đồng thời nhiều lần sai ông đi công cán khắp nơi, có đóng góp cho triều đình.

Ông được đề cử vào nhiều cương vị khác nhau, tuy không thể nói ở cương vị nào cũng có những đóng góp tích cực, song điều đó cho thấy tính chất năng động của con người vùng Nam bộ luôn ứng biến và xử lý các tình huống khác nhau như những tiền nhân của vùng đất này.

1. Tiểu sử Đào Trí Phú qua sử liệu triều Nguyễn

1.1. Dưới thời vua Minh Mạng

Sử liệu triều Nguyễn chủ yếu từ bộ Đại Nam thực lục ghi chép sự kiện liên quan đến Đào Trí Phú. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), ông thi đỗ Cử nhân tại trường thi Hương Gia Định(4). Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), Đào Trí Phú đang giữ chức Tu soạn Nội các được sai đi thuyền đến đất Lữ Tống làm việc công, nhưng vì ngược gió đi không được phải đưa thuyền đi xuống phía nam đến Giang Lưu Ba(5). Hai năm sau (1832) được thăng làm Lang trung Bộ Lại và giữ quyền làm công việc Bộ Lễ. Tháng 5 năm 1834, trong đợt thăng chức cho các quan lại, Đào Trí Phú cũng được thăng từ Lang trung Bộ Lại lên Thự Thái bộc tự khanh, biện lý công việc Bộ Hộ. Năm sau (1835), Đào Trí Phú chuyển làm Hữu Thị lang Bộ Hộ, sau đó quyền kiêm Ấn triện ty Thông chính sứ, lại kiêm cả công việc Phủ doãn phủ Thừa Thiên. Năm 1836, Đào Trí Phú được vua Minh Mạng sai đi đón tiếp đoàn thuyền đầu tiên của Hoa Kỳ. Bấy giờ binh thuyền Ma Li Căn (Hoa Kỳ) đậu ở vũng Trà Sơn thuộc Đà Nẵng, Quảng Nam, mang quốc thư xin vào chầu. Quan tỉnh đó đem việc tâu lên, sau khi dò hỏi ý Đào Trí Phú và Hoàng Quýnh về tình hình, vua Minh Mạng sai Đào Trí Phú cùng với Thị lang Bộ Lại Lê Bá Tú, làm thuộc viên Thương bạc, đến tận nơi uý lạo thăm hỏi, nhưng viên thuyền trưởng do bị bệnh nên họ không gặp được.

Về chuyện viên thuyền trưởng binh thuyền Ma Li Căn có thật do bệnh để không tiếp phái đoàn của Đào Trí Phú hay vì lý do “tình ý giả dối” “không có lễ nghĩa” như quan lại triều Nguyễn nghi ngờ? Theo tài liệu của Thái Văn Kiểm, sử sách phương Tây có ghi lại việc này như sau:

Edmund Robert đã thọ bịnh từ lúc hãy còn ở bên Xiêm và chết ngày 12-6-1836 tại Mã Cao, một hải phố Trung Hoa thuộc Bồ Đào Nha.

Viên chỉ huy trưởng Kennedy của thuyền “Peacock” gửi về bộ Hải quân Hoa Kỳ bản cáo trình, trong đó có câu: “Chúng tôi phải ở lại 8 ngày tại vịnh Đà Nẵng; nhưng vì chứng bịnh quá nặng của ông Robert, không làm gì được ở đây cả, chúng tôi phải rời hải cảng này vào ngày 21 tháng 5(6).

Năm 1837, Thị lang Bộ Hộ là Đào Trí Phú quyền làm công việc Bộ Lễ thay cho Biện lý Bộ Lễ là Nguyễn Viễn Du bị ốm được vua cho nghỉ phép về quê dưỡng bệnh. Nhưng không lâu Đào Trí Phú lại được chuyển về Bộ Hộ.

Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), Đào Trí Phú được giao chức Phó Tổng tài tham gia biên chép Ngọc điệp (gia phả nhà vua). Cũng trong năm này ông được bổ nhậm chức Hữu Tham tri Bộ Hộ, còn Phan Thanh Giản, thự Hữu Thị lang Bộ Hộ sung Cơ mật viện đại thần. Năm 1838, triều đình nhà Nguyễn đặt chức Hiệp lý Kinh kỳ thuỷ sư, Đào Trí Phú được đổi bổ Hữu Tham tri Bộ Hộ sang làm Tả Tham tri Bộ Binh, đồng thời làm công việc thuỷ sư ở kinh kỳ. Sau đó ông lại được làm chánh biện thuyền Thuỵ Long phái đi Giang Lưu Ba làm việc công.

Ít lâu sau đó, vua lại cho Tả Thị lang Bộ Hộ Lê Văn Đức đổi sang Tả Thị lang Bộ Binh thay Đào Trí Phú coi việc thuỷ sư ở Kinh kỳ.

Nhưng khi có việc sai đi công cán ở nước ngoài thì Đào Trí Phú cũng được sai phái đi, và trong những chuyến đi đó, Đào Trí Phú đã mua thuyền chạy bằng máy hơi nước của Tây dương dâng lên cho vua.

1.2. Dưới thời vua Thiệu Trị

Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), sứ giả Thanh triều là Bảo Thanh đến ải Nam Quan. Đào Trí Phú được phong làm hậu mệnh sứ đi đón sứ Thanh triều. Sau khi làm lễ sách phong xong, vua lại sai Đào Trí Phú đưa tiễn Bảo Thanh ra cửa ải.

Cũng trong năm này, Đào Trí Phú được sung làm Chủ khảo kỳ thi Hương ở trường thi Thừa Thiên, trong kỳ thi này lấy đỗ 56 Cử nhân (trường Thừa Thiên lấy đỗ 38 người và trường Nghệ An lấy đỗ 18 người), Phạm Phú Thứ đỗ đầu trong kỳ thi này tại trường thi Thừa Thiên.

Năm sau (1843), vua sai nguyên Tả Tham tri Bộ Hộ Đào Trí Phú sung chức Chánh biện thuyền Phấn Bằng cùng một số viên quan khác đưa những người hiệu lực là Hà Văn Trung, Cao Bá Quát đi Giang Lưu Ba, rồi sau đó ông còn đi Tân Gia Ba(7).

Sau lần đi công cán này, Đào Trí Phú lại mua về một chiếc thuyền hơi nước lớn hơn, chạy nhanh hơn cả ngựa nên được vua ban cho hiệu là Điện phi, trị giá hơn 280.000 quan tiền. Sau đó, Đào Trí Phú lại bị dính vào việc làm thâm lạm công quỹ, bị phạt giáng ba cấp vì trong những chuyến đi đó, theo lời của những kẻ tố cáo, thì gia tài của Đào Trí Phú có đến hàng vạn bởi Đào Trí Phú có tâm kế, thông hiểu tiếng nước ngoài, trước sau nhiều lần được phái sang Tây.

Mặc dù vậy, những lần phái đi công cán nước ngoài vẫn phải cho Đào Trí Phú tham gia với cương vị phó. Năm 1844, cho Tham tri Bộ Hộ là Đào Trí Phú sung Phó biện thuyền Phấn Bằng đi Giang Lưu Ba… để thao diễn đường thủy và nhân tiện tìm mua các vật hạng.

Đến năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), nhân việc hai thuyền của Pháp do Đại tá Lapierre giữ quyền tư lệnh quân đội viễn chinh neo đậu ở cửa biển Đà Nẵng, dâng quốc thư lên vua Thiệu Trị để phản kháng việc cấm đạo Gia Tô, các quan ở tỉnh Quảng Nam tấu lên, triều đình sai Lý Văn Phức đến để xử lý nhưng không giải quyết được gì, bèn về kinh chịu tội. Sau khi Lý Văn Phức đi khỏi, người Pháp còn đi lên bờ, thường lại qua các xóm làng. Đồng thời có những biểu hiện khiêu khích: “những thuyền quân đi tuần biển bị chúng bắt giữ lại ở cửa biển. Có 5 chiếc thuyền bọc đồng ở Kinh phái đi Nam (Kim Ưng, Phấn Bằng, Linh Phượng, Thọ Hạc, Vân Bằng) chưa ra biển, còn đậu lại ở vụng Trà Sơn cùng đối diện với thuyền Tây dương, cũng bị chúng sấn đến cướp lấy buồm thuyền và dây buộc thuyền. Những người trông coi các hiệu thuyền là thự Phó vệ uý Lê Văn Pháp, Suất đội Nguyễn Tri, Nguyễn Quyến, Nguyễn Hy, Lê Tần, đều bỏ neo giữ chặt, báo đến Kinh.” Vua Thiệu Trị “sai ngay Đô thống Hữu quân Mai Công Ngôn, Tham tri Bộ Hộ Đào Trí Phú đem biền binh 3 vệ Vũ lâm, Hổ oai, Hùng nhuệ đều đến ngay chỗ cửa biển, từ tuần phủ trở xuống đều phải nghe lệnh điều khiển của Mai Công Ngôn.” Đồng thời vua còn cho người đến tỉnh Quảng Nam để phòng thủ, phái thêm bốn chiếc thuyền đồng chạy đến bể phận Sơn Trà để tiếp ứng, và còn truyền chỉ cho Mai Công Ngôn và Đào Trí Phú rằng: “Người Tây dương nếu đã sợ uy, thu hình, thì ta không nên tự động thủ trước; nếu chúng sinh chuyện trước, thì đốc sức thành đài cùng biền binh các hiệu thuyền và thuyền đồng do Kinh phái đi, ngoài hợp, trong ứng, lập tức đánh giết không để sót mống nào. Những nơi ven vụng thuyền, phải nghiêm gia phòng thủ, không cho tự tiện vào các thôn xã; lại nghiêm cấm những người theo đạo Gia Tô ở hạt sở tại, không được đi lại dòm ngó để tuyệt tăm hơi”. Dù thế, vua Thiệu Trị cũng lo lắng hỏi các quan đại thần trong Viện cơ mật: “Thuyền Tây dương đến đây có ý gì? Bọn Mai Công Ngôn đi chuyến này, các ngươi liệu xem ra thế nào?”. Trương Đăng Quế thưa rằng: “Người Tây dương sở cầu, chẳng qua chỉ được thông thương mà bỏ điều cấm mà thôi, không có lẽ chỉ có 2 cái thuyền mà dám từ xa đến gây việc, Đào Trí Phú quen biết Man tình, cùng chúng đối đáp, tưởng cũng không phải dùng đến quân. Nếu chúng sinh chuyện ra trước, thì chúng trái, ta phải tiêu diệt cũng không khó gì”. Hà Duy Phiên thưa rằng: “Thuyền của Tây di không đáng lo, duy có thuyền đồng của ta đóng chặt ở nơi vụng thuyền, chỗ ấy là phải để tâm lo nghĩ!” Vua nói rằng: “Nguyễn Đình Tân không nắm vững được tình hình, trong bụng vẫn run sợ, tuy lời tâu không khỏi hoang mang, nhưng không thể không phòng bị được”.

Ngoài mặt Mai Công Ngôn vờ thân thiện với người Tây dương, nhưng bên trong thì hẹn ngầm ngày đánh úp chúng. Không may, chuyện bị lộ, người Pháp liền giả vờ đến xin hoà chỗ thuyền của Đào Trí Phú. Đào Trí Phú tưởng thật, không có hành động nào. Ngày hôm sau thì bị quân Pháp tấn công, đánh chìm 5 tàu đồng và rất nhiều quan quân triều Nguyễn bị chết, sau trận đó, thuyền quân Pháp nhổ neo đi. Cũng bởi việc này, nhiều quan phải bị tội chém đầu, trảm giam hậu, cách chức, giáng phạt. Lý Văn Phức bị cách chức, Mai Công Ngôn bị giáng xuống làm Chưởng vệ, Đào Trí Phú bị giáng xuống làm Lang trung.

Thất bại trong trận phòng thủ ở vũng Sơn Trà, Quảng Nam lần trước, vua Thiệu Trị chú ý đến việc lập phòng tuyến bảo vệ tại đây. Cùng năm đó, đặt chức Tổng đốc Nam - Ngãi và Bố chính Quảng Nam. Cho Chưởng vệ Tân Lộc Tử Mai Công Ngôn làm Tổng đốc Nam - Ngãi, Lang trung Đào Trí Phú được phong thự Bố chính Quảng Nam.

1.3. Dưới thời Tự Đức

Năm Tự Đức thứ nhất (1848), Quang lộc tự khanh Đào Trí Phú bấy giờ đang Lãnh chức Bố chính tỉnh Quảng Nam bị dân tỉnh Quảng Nam gửi đơn kiện, trong đơn phần nhiều có liên can đến ông. Vua giận, cách chức Đào Trí Phú, giao cho Bộ Hộ nghiêm bàn tội và sai Hồng lô tự khanh biện lý Bộ Hộ là Mai Đức Thưởng đến nơi tra xét. Sau đó, Đào Trí Phú bị tội nhận của đút phải xử mãn trượng đồ.

An Phong công là Hồng Bảo mưu khởi nghịch vào năm Tự Đức thứ 7 (1854), bị bắt giam, rồi tự thắt cổ ở nơi giam; con trai, con gái Hồng Bảo và người dự mưu cho Hồng Bảo trước đây là Tôn Thất Bật (đã chết), đều bị tước bỏ tên trong sổ Tôn nhân; Đào Trí Phú bấy giờ cũng đang bị cách chức nhưng cũng có liên can, phải bị tội lăng trì xử tử; các phạm nhân đều bị tịch thu gia sản và bắt cả thân thuộc.(8)

Con của Đào Trí Phú là Đào Trí Mỹ sau đó cũng bị khép vào tội xử lăng trì trong cuộc điều tra của Bùi Quỹ về việc tôn giặc ở Sơn Tây là Lê Duy Hòa làm minh chủ, nhưng dường như đã bỏ trốn được, bởi trong Đại Nam thực lục có ghi chép, bất kể là quan hay dân, ai “bắt sống được Cao Bá Phùng, Cao Bá Nhạ, Đào Trí Mỹ, Hồ Đình Thành đều thưởng 30 lạng, chém được đều 20 lạng”(9). Trong đó, Cao Bá Phùng là con của Cao Bá Quát, Cao Bá Nhạ là con của Cao Bá Đạt.

2. Hai bài văn bia của Đào Trí Phú vừa được phát hiện

Thơ văn của Đào Trí Phú đến nay vẫn chưa có điều kiện để sưu tập lại. Đó là điều đáng tiếc để tìm hiểu và đánh giá tài năng văn chương của ông.

Trong đợt sưu tầm tư liệu Hán Nôm tại Đồng Nai, chúng tôi được giới thiệu đến khu mộ song thân của Đào Trí Phú, hiện toạ lạc ở xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Hai ngôi mộ qua năm tháng đã bị cát vùi lấp, hiện chỉ còn thấy bức tường bao quanh ngôi mộ bị đổ nát. Tại đây vẫn còn hai tấm bia bằng đá cẩm thạch, trên mỗi bia đều có khắc bài văn. Tấm bia cụ ông bên trái, ẩn trong cỏ; bia cụ bà nằm bên phải, lấp trong cỏ dại và lùm cây gai. Cả hai tấm bia trán đều chạm trổ hoa văn trang trí đẹp mắt. Chữ khắc khá sâu, vẫn còn rõ ràng mặc dù rêu phong qua nhiều năm tháng.

Đào Trí Phú viết hai văn bia này vào năm Thiệu Trị thứ nhất (1841). Có thể thấy, từ năm 1838 đến 1847 là quãng thời gian khá đắc chí của Đào Trí Phú, được vua Minh Mạng ban phong thuỵ hiệu cho cha mẹ ông (năm Minh Mạng thứ 19, 1839), hai năm sau (1841) thì ông làm bài minh khắc để ở mộ song thân.

Nội dung hai bài văn bia trên bia mộ song thân phần nào cho thấy cuộc sống của gia đình ông thời bấy giờ, đồng thời ca ngợi công lao và phẩm đức của cha mẹ, thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ bằng lối viết khá nhuần nhuyễn và linh hoạt.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu nội dung hai bài văn bia viết cho song thân ông coi như một bằng chứng về văn chương trong khi chờ đợi sưu tầm thêm những tác phẩm khác của Đào Trí Phú.

2.1. Bài văn bia khắc dựng ở mộ của thân phụ Đào Trí Phú

先考憲靜府君乃先祖考侍講學士端諒府君之第二子

也.少有從學,中興初,投筆從軍,親領一隊隸為軍鋒,大定之後,以親老得請休,養眾子不許作業,只教讀書.本處人多非之.迨三子並預科場,六男皆有成立兒處人皆智之,又皆效之.嗚呼罔極之恩於何云補.七十一歲壽終于家.明命十九年八月日,欽奉誥贈中議大夫太僕寺卿,謚憲靜.妣三品淑人,富不才何能得此.此皆我先考之德力所致也.謹因重孫調告仍述其事而銘之曰:其根深者其葉茂,其積厚者其流光,忠於君者可以孝於親,而成於家者可以風於鄉.噫吾父之德始雖掩而終必彰,所謂吉人者天相,而積善者餘慶.我後人其佩服家訓而不可忘.

紹治元年歲次辛丑十月吉日

介子富稽首銘

Dịch nghĩa:

Cha tôi Hiến Tĩnh là con trai thứ hai của ông nội tôi [từng giữ chức] Thị giảng Học sĩ hiệu Đoan Lượng. Thuở nhỏ cha theo việc học hành, đầu năm Trung hưng, xếp bút nghiên theo việc quân, từng lãnh một đội quân tiên phong, sau khi thiên hạ được bình định, vì tuổi già nên được cho về nghỉ. [Cha] nuôi dạy các con mà không cho [các con] theo làm nghề, chỉ bảo con cái học hành. Người trong làng phần nhiều cho việc đó là sai. Đến khi ba đứa con trai đều được dự khoa trường, sáu con thành tựu, thì người trong làng mới đều cho là đúng đắn, rồi cùng bắt chước theo. Than ôi, ơn cha sâu rộng biết làm sao báo đáp! Năm 71 tuổi cha mất tại nhà. Ngày… tháng 8 năm Minh Mạng thứ 19 (1839), khâm phụng cáo sắc ban tặng hiệu Trung Nghị đại phu Thái bộc tự khanh, tên thuỵ là Hiến Tĩnh. Mẹ tôi cũng được ban làm Tam phẩm Thục nhân. Phú tôi bất tài, đâu làm gì để có thể được như thế. Đó đều do đức độ của cha đưa đến thôi vậy. Cẩn nghĩ vì để khuyên bảo con cháu sau này, nên bèn thuật lại chuyện của cha mà làm bài minh, rằng: cội rễ sâu thì lá tốt, tích đức dày thì rạng rỡ đời đời, trung với vua thì có thể hiếu với mẹ cha, mà thành đạt trong nhà mới có thể làm thơm làng xóm. Ôi, công đức của cha tôi lúc đầu tuy bị che lấp nhưng sau cùng lại được rỡ ràng, đó gọi là người tốt thì trời giúp, làm thiện thì an vui. Kẻ sinh sau như tôi luôn bội phục lời cha dạy mà chẳng thể quên được.

Ngày lành tháng 10 năm Tân Sửu, Thiệu Trị thứ nhất (1841).

Giới Tử là Phú cúi đầu lạy viết bài minh.

2.2. Bài văn bia khắc dựng ở mộ thân mẫu Đào Trí Phú

先妣淑人黎氏,先考中議大夫太僕寺卿憲靜府君正配也.妙歲于歸,琴瑟甚諧.先大夫從軍日,先淑人甫生三兒,井臼躳操膝下代養,不幸不得歡于先後,擕兒寄于野店,群牧為之小築,以蔽風寒,又為之闢囿栽芙作度活計,翹室飄揺,辛勤備至,積分守寸幸不至于阽危.迨粟薪征還而居然素封矣.先淑人壽終四十五歲.先大夫感其誼為之,不忍再娶.明命十九年八月日,欽奉誥贈三品淑人.富幼年失恃,每聆先大夫道之,心腸欲絕.今憑託慈靈,國恩逮及,風木之感,愴戚無常.謹因重孫調告仍述其事,而為之銘曰:野店凄凄,小屋無扉,群牧鬧,諸兒啼,芙葉爰長,荒徑成蹊,手執懿筐,寘彼周行,嗟我征夫,道悠且長,鳴鳩在桑,其子三兮,淑人塞淵,其儀暗兮,式如金兮.

紹治元年歲次辛丑十月吉日

介子富稽首銘

Dịch nghĩa:

Mẹ tôi Thục nhân họ Lê, là vợ của cha tôi Trung Nghị đại phu Thái bộc tự khanh thuỵ hiệu Hiến Tĩnh. [Mẹ] lúc tuổi trẻ về nhà chồng, vợ chồng chung sống rất hoà hợp. Ngày cha tòng quân, mẹ nuôi dạy ba đứa con, tự mình vất vả coi sóc việc nhà, thay chồng nuôi nấng, chẳng may không được cùng chồng vui vầy sau trước, rồi mẹ dẫn con cái gửi thân nơi nhà hoang, là căn nhà nhỏ mà những người chăn trâu dựng nên, để che gió mưa giá lạnh, lại tạo một khu vườn trồng sen làm kế sinh nhai qua ngày, căn nhà liêu xiêu, khó nhọc cần lao hết mực, tích góp từng li từng tí may mà không đến nỗi nguy khốn. Đến lúc chồng đi xa trở về mới được ban phong hiệu vậy. Mẹ mất năm 45 tuổi. Cha tôi cảm khái trước tình cảm của vợ nên không nỡ đi bước nữa. Ngày… tháng 8 năm Minh Mạng thứ 19 (1838), khâm phụng cáo tặng Tam phẩm Thục nhân. Phú tôi tuổi còn nhỏ đã mất đi chỗ nương cậy, mỗi lần nghe cha nói đến, lòng đau như muốn đứt từng khúc ruột. Nay nhờ hồn mẹ, ơn nước soi đến, con muốn dưỡng nuôi thì mẹ đã không còn, đớn đau thay cõi vô thường. Cẩn nghĩ vì để khuyên bảo con cháu sau này, bèn thuật lại chuyện của mẹ mà làm bài minh, rằng: nhà hoang lạnh lẽo, phòng không cửa cài, kẻ chăn trâu ồn ã, các con thơ khóc la, lá sen mọc đầy, đường hoang nên lối, tay ôm chiếc giỏ, để ở đường kia, than chồng đi xa, đường dài thăm thẳm, thi cưu kêu ở nhành dâu, mà con của nó chỉ vừa ba con, thục nhân tâm ý sâu xa, dung nghi trầm lặng như là vàng mươi.

Ngày lành tháng 10 năm Tân Sửu, Thiệu Trị thứ nhất (1841)

Giới Tử là Phú cúi đầu lạy viết bài minh.*


Chú thích:

Bài viết có sử dụng tư liệu bản rập văn bia sưu tầm tại Đồng Nai từ Dự án Xây dựng Phòng nghiên cứu và sưu tầm di sản Hán Nôm của Trường ĐH KHXH&NV-TPHCM.

(1). Xem nội dung bài văn bia ở dưới.

(2). 18 từ thần của vua Thiệu Trị là: Đại Học sĩ Trương Đăng Quế, Đặng Văn Thiêm, Thượng thư Lâm Duy Thiếp, Tả Phó Đô ngự sử Phan Thanh Giản, Tham tri Nguyễn Đức Hoạt, Đào Trí Phú, Lý Văn Phức, Bùi Quỹ, Nguyễn Văn Điển, Phạm Thế Hiển, Hoàng Tế Mỹ, Thị lang Nguyễn Trạch, Phạm Khôi, Trương Quốc Dụng, Nội các Nguyễn Đức Chính, Vũ Phạm Khải, Nguyễn Cửu Trường, Lê Chân. (Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 6, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, 2004, tr.825).

(3). Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 4, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, 2004, tr.34 và tập 5, tr.525.

(4). Trường Gia Định lấy đỗ 15 người: Trương Phúc Cương, Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Hy, Nguyễn Công Nghị, Nguyễn Hậu Tiến, Nguyễn Tòng Chính, Lê Văn Trung, Vương Hữu Quang, Trần Quang Tiến, Đinh Hưng Thiệu, Đặng Văn Chính, Phạm Quang, Nguyễn Nguyên, Đào Trí Phú, Phạm Duy Trinh. (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, 2004, tr.438).

(5). Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 3, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, 2004, tr.94-95. Lữ Tống: tức Luzon, hải đảo lớn nhất nằm ở miền Bắc của Philippines. Giang Lưu Ba: có nơi cho là Kelapa / Batavia thuộc Indonesia, có nơi cho là Jakarta, Indonesia.

(6). Theo Lương Văn Lựu, Biên Hoà sử lược toàn biên, quyển 2, 1973, tr.160.

(7). Tân Gia Ba: tức Singapore. Đại Nam thực lục, tập 6, sđd., tr.552-553,

(8). Đại Nam thực lục, tập 7, sđd., tr. 303. Theo Lương Văn Lựu, thì Đào Trí Phú bị thủ tiêu tại Diên Khánh, Nha Trang… Con trai ông tự đổi họ Đào sang họ khác để tránh sự liên luỵ, đến đời cháu mới xin đổi lại họ Đào… Xin xem thêm Biên Hoà sử lược toàn biên, sđd., tr.163-164.

(9). Đại Nam thực lục, tập 7, sđd., tr.613.

Thư mục tham khảo:

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1-7, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, 2004.

2. Lương Văn Lựu, Biên Hoà sử lược toàn biên, quyển 2, Tác giả tự xuất bản, 1973.

3. Khổng Tử, Kinh Thi, Tạ Quang Phát dịch, Nxb. Văn học, 2004.

 

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2012tr.779-792.

20180101 Gia dinh tam gia thi

Ảnh: 艮齋詩集, ký hiệu A.1392

1. Gia Định tam gia thi 嘉定三家詩là tên tập thơ chung của ba nhà thơ lớn đất Gia Định: Trịnh Hoài Đức 鄭懷德, Lê Quang Định 黎光定và Ngô Nhân Tĩnh 吳仁靜, được Trịnh Hoài Đức khắc in vào năm Minh Mệnh thứ 3 (1822).

Sách Đại Nam liệt truyện chính biên sơ tập, Q.11, chép truyện của Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tĩnh có nhắc đến tập thơ này như sau:

鄭懷德曾集其詩與光定吳仁靜所作付梓名嘉定三家詩行世 "Trịnh Hoài Đức tằng tập kỳ thi dữ Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh sở tác phó tử, danh Gia Định tam gia thi hành thế" (Trịnh Hoài Đức từng tập hợp thơ của mình cùng các sáng tác của Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh cho khắc in, đặt tên là Gia Định tam gia thi, lưu hành ở đời).(1)

所著有嘉定通志艮齋詩集北使詩集嘉定三家詩集行世 "Sở trứ hữu Gia Định thông chí, Cấn Trai thi tập, Bắc sứ thi tập, Gia Định tam gia thi tập hành thế" (Trứ tác của ông (Trịnh Hoài Đức - LQT chú) Gia Định thông chí, Cấn Trai thi tập, Bắc sứ thi tập, Gia Định tam gia thi tập lưu hành ở đời).(2)

靜文學該博好吟詠常與鄭懷德黎光定相唱和有嘉定三家詩集行世 "Tĩnh văn học cai bác, hiếu ngâm vịnh, thường dữ Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định tương xướng họa. Hữu Gia Định tam gia thi tậphành thế" (Tĩnh, văn học uyên bác, thích ngâm vịnh, thường cùng Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định xướng họa với nhau. Có tập thơ Gia Định tam gia thi tập lưu hành ở đời).(3)

Đúng như Đại Nam chính biên liệt truyện ghi chép, Trịnh Hoài Đức có tập hợp thơ của ông cùng với hai người bạn ông và cho khắc in với tựa là Gia Định tam gia thi. Nhưng với tình hình tư liệu hiện nay, chúng ta chưa thể tìm thấy bản khắc in chính thức của tập thơ, vì vậy, phác thảo diện mạo của tập thơ này cũng là bước để xác định và có dịp sưu tầm tập thơ chung của ba nhà thơ đất Gia Định.

2. Các nhà biên khảo trước đây cũng đã quan tâm đến việc tìm hiểu tập thơ Gia Định tam gia thi. Tiêu biểu có:

Nguyễn Văn Sâm trong Văn học Nam Hà, khi trình bày về tư tưởng của Trịnh Hoài Đức có viết:

Gia Định tam gia tập: gồm những bài thơ của ông và của hai người bạn: Lê Quang Định và Ngô Nhân Tịnh (cũng đều là người Minh Hương)(4)” và trong chú thích bên dưới ông nhắc lại lời đính chính của Ngạc Xuyên, Ca Văn Thỉnh, Đông Hồ về Minh Bột di ngư văn thảo:

“Sách nầy các tác giả Việt Nam sử lượcVăn đàn bảo giámHợp tuyển văn thơ đều cho là của Trịnh Hoài Đức, thật ra Trịnh Hoài Đức chỉ có công cho khắc in lại tác phẩm của Mạc Thiên Tích vốn từ lâu bị mai một mà thôi. Cũng như ông đã cho khắc in tập Gia Định tam gia thi 嘉定三家詩(tác phẩm của ông và những người bạn).” (chúng tôi nhấn mạnh)(5).

Câu cuối cùng của lời chú thích này, tuy ít gắn đến sự trên, nhưng lại rất quan trọng đối với lai lịch của tập thơ Gia Định tam gia thi, nó cho ta biết, chính Trịnh Hoài Đức đã cho khắc in hai tập thơ của người bạn ông.

Nguyễn Khuê với bài Trịnh Hoài Đức và Cấn Trai thi tập đăng trên Tạp chí Lửa thiêng, số 2-1975, về sau tác giả tập hợp in lại trong Ba mươi năm cầm bút, Nxb. Trẻ xuất bản, có đoạn:

Gia Định tam gia thi tập là tập thơ của ba tác giả Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh, nay đã thất lạc, không rõ nội dung thế nào. Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh có lập Bình Dương thi xã, vậy có lẽ đây là tập thơ xướng họa của ba ông.” (6)

Nguyễn Q. Thắng trong phần viết về Trịnh Hoài Đức có nhắc đến tập thơ Gia Định tam gia thi tập ở mục chú thích tác giả Trịnh Hoài Đức(7). Hoài Anh khi biên dịch Gia Định tam gia cũng có nhắc đến tập Gia Định tam gia thi tập khi viết về Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Lê Quang Định(8) nhưng cũng hoàn toàn không đề cập đến tình hình văn bản tập thơ này.

Như vậy, cho đến nay, vẫn chưa có ai giới thiệu bài Tựa tập thơ Gia Định tam gia thi của Trịnh Hoài Đức và phác thảo diện mạo của tập thơ. Vì chưa tìm được bản khắc in chính thức của tập thơ, nên khiến người ta suy đoán thơ ca của ba tác giả lớn đất Gia Định trong tác phẩm này có phần sai lệch, dẫn đến việc nhiều người lầm tưởng những bài thơ của Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh trong Gia Định tam gia thi là thơ xướng hoạ của ba ông, khác với những bài thơ trong tập Cấn Trai thi tập, Hoa Nguyên thi thảo và Thập Anh thi tập.

Chúng tôi có được các bản sao chụp Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức, với các ký hiệu A.780, A.3139 và A.1392 đều được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Trong đó, các tập thơ trong bản A.780 (khắc in) và bản A.3139 (chép tay theo bản A.780) được sắp xếp đúng theo thứ tự mục lục Cấn Trai thi tập toàn biên mục lục mà chúng tôi trình bày ở dưới, nhưng không có bài Tự tự. Còn bản A.1392, qua so sánh, chúng tôi thấy cũng thuộc truyền bản của A.780, nhưng được gán ghép khá lộn xộn các tập thơ.

Trong tài liệu này (bản A.1392), đầu tiên là bìa Cấn Trai thi tập, tiếp đến là bài Tự tự, sau Tự tự là Cấn Trai quan quang tập, Cấn Trai khả dĩ tập, tiếp đến chúng tôi tìm thấy có tờ bìa của Thập Anh thi tập (không thấy tờ bìa của Hoa Nguyên thi thảo) và bìa Gia Định tam gia thi khắc in năm Minh Mệnh thứ 3.

Tiếp theo sau là mục lục ba tập thơ được sắp xếp như sau:

1. Cấn Trai thi tập toàn biên mục lục, gồm:

Nguyễn hầu thi tự, nhất tắc (bài tựa của Nguyễn Địch Cát)

Ngô hầu thi bạt, nhất tắc (bài bạt của Ngô Thì Vị)

Cao bá thi bạt, nhất tắc (bài bạt của Cao Huy Diệu)

Thoái thực truy biên thi, bách nhị thập thất thủ (127 bài), trong đó: Ngũ ngôn tuyệt cú 3 bài, thất ngôn tuyệt cú 10 bài, thất ngôn luật thi 99 bài.

Quan quang tập thi, bách ngũ thập nhị thủ (152 bài), trong đó, ngũ ngôn tuyệt cú 7 bài, ngũ ngôn luật thi 12 bài, lục ngôn tuyệt cú 8 bài, thất ngôn tuyệt cú 3 bài, thất ngôn luật thi 122 bài.

Khả dĩ tập thi, tứ thập bát thủ (48 bài), trong đó, ngũ ngôn cổ 1 bài, ngũ ngôn tuyệt cú 10 bài, thất ngôn luật thi 37 bài.

Tự tự, nhất tắc (tự làm bài tựa của Trịnh Hoài Đức).

2. Hoa Nguyên thi thảo mục lục:

Lê bá tự, nhất tắc (bài tựa của Lê Lương Thận)

Thi thảo, thất thập thất thủ (77 bài), trong đó, ngũ ngôn luật thi 7 bài, thất ngôn tuyệt cú 9 bài, thất ngôn luật thi 61 bài.

3. Thập Anh đường thi tập mục lục:

Trần tự, nhất tắc (bài tựa của Trần Tuấn Viễn)

Nguyễn tự, nhất tắc (bài tựa của Nguyễn Địch Cát)

Bùi tự, nhất tắc (bài tựa của Bùi Dương Lịch)

Thi tập, bách bát thập thất thủ (187 bài), trong đó, ngũ ngôn luật thi 44 bài, thất ngôn tuyệt cú 27 bài, thất ngôn luật thi 116 bài.

Tiếp theo mục lục này là ba bài thi tự, thi bạt trong Cấn Trai thi tập, sau đó chúng tôi thấy có Gia Định tam gia thi tự do Trịnh Hoài Đức viết năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) theo lối chữ lệ. Sau bài Tựa này, lại là Cấn Trai thoái thực truy biên.

Như vậy, bản ký hiệu A.1392 này, chỉ riêng phần Cấn Trai thi tập cũng đã bị xếp không đúng trật tự so với mục lục của nó. Điều đó, chúng ta có quyền nghĩ rằng, đây là bản khắc in của Gia Định tam gia thi nhưng đã bị người đời sau tách ra và gộp lộn xộn.

Trước khi tái hiện diện mạo bản khắc in Gia Định tam gia thi, chúng tôi nghĩ nên bắt đầu bằng việc giới thiệu bài Tựa tập Gia Định tam gia thi của Trịnh Hoài Đức viết vào năm 1822.

3. Bài Tựa tập Gia Định tam gia thi do Trịnh Hoài Đức viết (khắc bằng lối chữ lệ) khắc in vào năm 1822. Bản chụp của chúng tôi chụp từ bản Cấn Trai thi tập ký hiệu A.1392 do Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội lưu trữ, đã nhòe mờ nhiều chữ, nhưng chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu, phiên dịch, giới thiệu đến quý vị (có kèm bản chụp ở sau)(9). Qua bài tựa, có thể thấy được nhiều điều về bản khắc in tập thơ Gia Định tam gia thi, vì vậy chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn:

Phiên âm:

GIA ĐỊNH TAM GIA THI TỰ

Dư ư Canh Thìn hạ tự Gia Định thành khổn lai kinh bái lâm Quốc hiếu(10), nhưng phụng lưu kinh phục lý bộ vụ(11). Thích vong hữu Lê Hộ bộ thứ tử Quang Dao, Ngô Công bộ tam tử Quốc Khuê, giai lai tham kiến, các tương kỳ phụ thi tập trình thỉnh phó tử. Dư túc dữ nhị hữu xướng thù, nẫm tri kỳ thiên thập hãn sung(12), kim cận cấu thiên bách chi thập nhất, thậm uyển nhạ, nhi cùng khấu chi, câu dĩ tán dật tự tiền kinh tiên hữu khuông tương giản tồn chỉ thử vi đối. Dư tái tứ trầm tư viết: Ngô sài chi sự nghiệp tâm tích, tự hữu kỳ thường(13) giản sách(14), tại cố bất giả hồ thi văn dĩ huyễn diệu vu thế dã. Nhiên văn giả tâm chi hoa, kỳ tính tình chi chính thiên, sĩ học chi thuần tỳ, tu thử dĩ kiến kỳ ngạnh khái yên. Huống ngô sài chi tri thế giả sơ dĩ văn, tư nhân ủy nhi văn bất truyền, khủng tương lai hàn tảo phẩm bình vô phiến ngôn chích tự chi khả trưng, hà dĩ cấm tha kỳ hãnh tiến, hiêu hiêu chi thanh khẩu giả. Dục mưu vi phân thọ lê táo(15), các vi trấn gia vật, nại quyển trật vô đa, bất trang kỷ án. Hồi niệm, ngô sài sinh bình, ký huề thủ dĩ du tường, diệc liên liêm nhi đăng sĩ, xuất sứ nhập triều, vô vãng nhi bất chí đồng kiên tịnh, tắc kim thi chi khắc, ứng hợp nhi chi, thứ chung thuỷ khắc hài, tồn một vô gián, ư nghĩa vi đắc hĩ giả. Thời Cấn Trai tập nghiệp dĩ tử hành(16), toại xuyết tuyên Hoa NguyênThập Anh nhị tập vu kỳ thứ, tổng nhan viết Gia Định tam gia thi. Bản ấn ký thành, chất chư thức giả, nãi phân cấp ngô tam gia tử các tàng kỳ bản. Trù ngô sài chi tử nhược tôn, thiết bất năng cá tam giai khoa táo(17) sung lư(18), khắc thằng bộ vũ(19), định thế thế trung tự bất thiểu nhất tầm thường thừa gia độc thư nhi tri tổ tiên chi thủ trạch(20) khả trân, vi thế thủ ái hộ nhi đồ tồn chi, tất bất chí ư phúc phủ hồ song chi khả ngu. Tư đỉnh túc thố huyệt(21) chi trường kế nhĩ. Duy nhị hữu minh trung chi linh hữu dĩ mặc hựu khải ốc ngã nhi tôn. Dư nhược hà cận phí đạn lao nhi bất tức thành toàn kỳ mỹ sự da?

Minh Mệnh tam niên trọng hạ nguyệt cốc đán.

Hiệp biện Đại học sĩ lĩnh Lại bộ Thượng thư kiêm lĩnh Binh bộ Thượng thư sung Quốc sử quán Phó Tổng tài gia nhị cấp Ký lục nhất thứ An Toàn hầu Trịnh Hoài Đức.

Hiệp biện Đại học sĩ (ấn chương)

Trịnh thị (ấn chương).

Dịch nghĩa:

BÀI TỰA TẬP THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA

Vào mùa hạ năm Canh Thìn (1820), tôi từ thành Gia Định được chỉ vào kinh bái lễ Quốc hiếu, rồi phụng mệnh ở lại kinh nắm giữ việc ở bộ vụ. Vừa lúc ấy con thứ của người bạn đã mất Lê Hộ bộ (Lê Quang Định) là Quang Dao, con thứ ba của Ngô Công bộ (Ngô Nhân Tĩnh) là Quốc Khuê đều đến tham kiến, mỗi người đều dâng tập thơ của cha mình xin nhờ tôi khắc bản. Trước đây tôi cùng hai bạn xướng thù vịnh họa nên biết thơ của họ rất nhiều, nay chỉ còn độ một phần trăm, mười phần nghìn thì kinh ngạc xót xa, rồi gạn hỏi suy xét hết, thì đều nói vì mất mát, qua sự tìm tòi chọn nhặt trong hòm rương của hai bạn trước đây chỉ còn được bấy nhiêu. Tôi lại trầm tư nghĩ rằng: sự nghiệp vết tích của chúng tôi, hẳn có quốc sử ghi chép công trạng, ở đây vốn không có ý mượn thơ văn để huênh hoang với đời. Nhưng văn là tinh hoa của lòng, sự thẳng ngay hay tà vạy của tính tính, vết tích tốt xấu của bậc sĩ học, cũng nhờ đó mà thấy được đại khái. Huống khi bọn tôi có tiếng ở đời, ban đầu nhờ vào thơ văn, người như thế khi mất đi, mà văn chương không truyền lại, e tương lai phẩm bình văn chương chẳng có lấy một lời một chữ làm chứng, thì lấy gì mà ngăn chặn người đời điều tiếng bọn tôi thăng tiến bằng con đường khác? Muốn đem tác phẩm khắc in để truyền lâu dài, cũng để mỗi nhà làm vật trấn bảo, hiềm vì tác phẩm không nhiều, để chẳng được đẹp bàn đẹp án. Bao lần nghĩ lại, bọn chúng tôi bình sinh cùng dắt tay vào trường học, cùng một lúc ra làm quan, khi đi sứ lúc vào chầu, chẳng bao giờ chẳng cùng vai cùng chí. Vậy thì ngày nay, tập thơ được san khắc cũng nên hợp làm một, như vậy là trước sau hài hòa, kẻ sống người còn cũng không bị chia cách, thật hợp với điều nghĩa lắm vậy. Bấy giờ tập thơ Cấn Trai (của tôi) đã khắc xong lưu hành, bèn đem khắc thêm hai tập Hoa NguyênThập Anh đưa vào phía sau, đặt tựa chung là Gia Định tam gia thi. Bản in khắc xong, trình cùng các bậc thức giả, rồi chia cho con của ba nhà, mỗi người giữ một bản. Nếu như con cháu chúng tôi, giả như không thể được tiếng con hơn cha làm rỡ ràng dòng họ, hay có thể nối bước cha ông, thì chắc hẳn trong những đời sau sẽ không thiếu có đứa con bình thường nối được nếp nhà mà học hành, để biết được sách vở bút tích (dấu vết) của tổ tiên là đáng quý, vì đời mà giữ gìn nâng niu lưu trữ chúng, ắt không đến nỗi phải đem chúng để úp nồi dán cửa thì cũng vui. Như thế (việc san khắc sách) là kế lâu dài bền vững sáng suốt vậy. Mong linh hồn hai bạn ở cõi trời ngầm phò giúp cho con cháu ta. Tôi đây cũng đâu nề hà sức già mệt nhọc mà không thành toàn ngay việc tốt đẹp này.

Ngày lành tháng 5 năm Minh Mệnh thứ 3 (1822).

Hiệp biện Đại học sĩ lĩnh chức Lại bộ Thượng thư, kiêm lĩnh chức Binh bộ Thượng thư, sung chức Phó Tổng tài Quốc sử quán gia nhị cấp Ký lục nhất thứ, An Toàn hầu Trịnh Hoài Đức.

(Có hai con dấu: 1, Hiệp biện Đại học sĩ, 2, Trịnh thị)

4. Từ bài Tựa này và những trình bày trên, chúng ta có thể đi đến mấy kết luận:

Một là, có thể hình dung diện mạo chung của tập thơ Gia Định tam gia thi được khắc in năm Minh Mệnh thứ 3, tức 1822, như sau:

1.Bìa: (như hình 1)

Dòng trên cùng: Minh Mệnh tam niên mạnh xuân cát nhật - Ngày lành tháng giêng năm Minh Mệnh thứ 3 (1822)

Cột giữa: Gia Định tam gia thi (tập thơ của ba nhà thơ đất Gia Định).

Cột ngoài bên trái: Trịnh, Lê, Ngô tam gia thi hợp tuyên - khắc chung thơ của ba nhà Trịnh, Lê, Ngô).

Cột ngoài bên phải: Cấn Trai tàng bản (Cấn Trai giữ bản in).

2.Nội dung:

  • Sau tờ bìa là bài Tựa tập Gia Định tam gia thi tự của Trịnh Hoài Đức được khắc in theo lối chữ lệ, như chúng tôi đã dịch, giới thiệu ở trên.

Tiếp đến thứ tự ba tập thơ được xếp như sau: Cấn Trai thi tập, Hoa Nguyên thi thảo và Thập Anh thi tập, đồng thời trước mỗi tập thơ có trang bìa, như sau:

Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức (đã trình bày). Điều cần lưu ý là, do lấy lại bản in cũ nên tờ bìa vẫn mang năm khắc in là Gia Long thứ 18 (1819) (hình 2).

Dòng trên cùng: Gia Long thập bát niên trọng xuân tuyên (khắc in vào tháng hai năm Gia Long thứ 18 (1819).

Cột giữa: Cấn Trai thi tập (tập thơ Cấn Trai)

Cột ngoài phải: Trịnh (tức Trịnh Hoài Đức)

Cột ngoài trái: Bản trai tàng bản (Bổn trai giữ bản in)

Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định (ký hiệu A.779, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (hình 3).

Dòng trên cùng: Minh Mệnh tam niên mạnh xuân tuyên - Khắc in vào tháng giêng năm Minh Mệnh thứ 3 (1822)

Cột giữa: Hoa Nguyên thi thảo (tập thi thảo Hoa Nguyên).

Cột ngoài phải: Lê (tức Lê Quang Định)

Cột ngoài trái: Cấn Trai tàng bản (Cấn Trai giữ bản in)

Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh (bản ký hiệu A.779, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm). (hình 4)

Dòng trên cùng: Minh Mệnh tam niên mạnh xuân tuyên (khắc in vào tháng giêng năm Minh Mệnh thứ 3 (1822).

Cột giữa: Thập Anh thi tập (tập thơ Thập Anh).

Cột ngoài phải: Ngô (Ngô Nhân Tĩnh).

Cột ngoài trái: Cấn Trai tàng bản (Cấn Trai giữ bản in).

  • Số bài thơ, bài tựa, bạt trong ba tập thơ đều được sắp xếp theo mục lục khắc in đã trình bày ở mục 2 của bài viết.

Hai là, văn bản khắc in Thập Anh thi tập và Hoa Nguyên thi thảo, được đóng chung thành một quyển, ký hiệu A.779 có bài là Thập Anh đường thi tập, được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm kia, chính là bản mà Trịnh Hoài Đức cho khắc in trong Gia Định tam gia thi tập.(22)

Ba là, nếu kể đến tác phẩm tập thơ chữ Hán của từng tác giả trong Gia Định tam gia thi tập hiện còn, thì Trịnh Hoài Đức có Cấn Trai thi tập, Lê Quang Định có Hoa Nguyên thi thảo, và Ngô Nhân Tĩnh có Thập Anh thi tập (còn gọi là Thập Anh đường thi tập. Sở dĩ có người gọi Thập Anh đường thi tập vì căn cứ theo cách gọi của các bài tựa trong tập thơ này mà gọi). Trong đó, Cấn Trai thi tậpđược khắc in và lưu hành vào năm 1819 và in lại vào năm 1822 cùng với Hoa Nguyên thi thảo  Thập Anh thi tập.

Bốn là, Thập Anh thi tập chỉ được khắc in lần đầu tiên và duy nhất vào năm 1822 cùng với Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định, trước đó không có khắc in vào năm 1811 như một vài người đã nhận định.

 

Chú thích:

(1)(2)(3) 大南實錄,四,大南正編列傳初集,有隣堂出版,東京,1962. (Đại Nam thực lụcĐại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, Hữu Lân đường xuất bản, Đông Kinh, 1962, tr.1134, 1138-1139.

(4) Lê Quang Định không phải là người Minh Hương, cách ghi chú như vậy dễ dẫn đến hiểu lầm Lê Quang Định cũng là người Minh Hương.

(5) Nguyễn Văn Sâm: Văn học Nam Hà, Nxb. Kỷ Nguyên, Sài Gòn, 1972, tr. 399.

(6) Nguyễn Khuê: Ba mươi năm cầm bút, Nxb. Trẻ, 2004, tr.342-343.

(7) Nguyễn Q. Thắng: Tiến trình văn nghệ miền Nam, Nxb. Tiền Giang, 1990, tr.86-95.

(8) Hoài Anh: Gia Định tam gia, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2006, tr.40, 370, 520. Nhân đây cũng xin nói, trong phần giới thiệu về Ngô Nhân Tĩnh “(sđd., tr.370) của tác giả Hoài Anh, có ghi: “Sự nghiệp thơ văn của ông (Ngô Nhân Tĩnh - LQT) để lại có: Thập Anh đường thi tập (in khắc 1811) gồm 81 bài thơ chữ Hán (LQT nhấn mạnh), chủ yếu làm trong dịp đi sứ” và “Thập Anh văn tập, gồm 187 bài kinh nghĩa (LQT nhấn mạnh), v.v…” thì tôi ngờ là có sự nhầm lẫn, và không biết ông dựa theo bản nào để dịch thơ Ngô Nhân Tĩnh, vì không thấy ông ghi ký hiệu thư viện của bản in. Cả Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định (sđd., tr.520) mà ông sử dụng để thực hiện tập sách trên, chúng tôi cũng không thấy ông ghi ký hiệu thư viện.

(9) Trong quá trình tìm hiểu văn bản bài tựa này, chúng tôi có nhờ ông Dương Hưng, một người dạy tiếng Hán lâu năm, am hiểu về chữ lệ, giúp đỡ xác minh một vài chữ nhòe mờ khó nhận dạng. Nhân đây, chúng tôi xin một lần nữa gửi lời cảm ơn đến ông.

(10) Quốc hiếu: lễ tang nhà vua, ở đây chính là lễ tang vua Gia Long.

(11) Phục lý bộ vụ: lại giữ việc ở bộ, tức đảm nhiệm lại việc ở Lại bộ. Vì vào đầu năm 1814, Trịnh Hoài Đức chuyển từ Thượng thư Lễ bộ sang làm Thượng thư Lại bộ. Đến năm 1816, ông được mệnh làm Hiệp Tổng trấn thành Gia Định giúp cho Tổng trấn Nguyễn Huỳnh Đức. Đầu năm 1820, Thượng thư Lại bộ hành Hiệp tổng trấn Trịnh Hoài Đức quyền lĩnh ấn vụ Tổng trấn Gia Định thay cho Nguyễn Văn Nhân. Sau đó đến tháng 6, triệu Thượng thư Lại bộ hành Hiệp tổng trấn Gia Định Trịnh Hoài Đức về kinh, lại cho lĩnh việc ở Lại bộ.

(12) Hãn sung: chữ xuất từ câu “hãn ngưu sung đống”. Lục Văn Thông tiên sinh mộ biểu của Liễu Tông Nguyên có câu: “Kỳ vi thư, xử tắc sung đống vũ, xuất tắc hãn ngưu mã” (Sách của ông, để thì chất cao đến xà nhà, chuyển ra ngoài thì trâu ngựa chở cũng đổ mồ hôi). Về sau người ta dùng từ này để chỉ sách vở nhiều.

(13) Kỳ thường: tên một loại cờ. Đời xưa, bậc vương dùng thái thường, chư hầu dùng cờ kỳ (cờ kỳ là một loại cờ xí, phía trên cờ có vẽ hình giao long, trên cán cờ có gắn chuông), để ghi công trạng của mình. Về sau, cờ kỳ thường dùng để chỉ công trạng chiến tích.

(14) Giản sách: ngày xưa viết chữ trên thẻ tre nên gọi là giản sách. Ở đây dùng chỉ sử sách ghi chép.

(15) Lê táo: cây lê và cây táo. Thời xưa người ta thường dùng gỗ cây lê và cây táo để khắc bản in sách, vì vậy về sau lê táo dùng để chỉ bản khắc sách.

(16) Thời Cấn Trai nghiệp dĩ tử hành: Bấy giờ tập thơ Cấn Trai đã khắc xong và lưu hành. Tập Cấn Trai thi tập được khắc in vào năm Gia Long thứ 18 (1819).

(17) Khoa táo: Mục Khoa táo trong sách Thiên lộc thức dư của Cao Sĩ Kỳ dẫn Hải khách nhàn đàm rằng: “Trên móng trước của ngựa có hai khoảng trống gọi là táo môn. Phàm những con ngựa hay có dấu chân sau vượt lên cả dấu chân trước, người ta gọi là vượt cả táo môn (khoa táo). Về sau dùng để chỉ con hơn cha. Có người cho rằng: Cha được ví như bếp, trên bếp thường đặt nồi, nên sinh con hơn cha được gọi là “khoa táo”.

(18) Sung lư: làm rạng rỡ tổ tiên. Sách Tấn thư, Giả Sung truyện chép: “Giả Sung tên tự là Công Lư,… cha ông là Quỳ, về già mới sinh được Sung, ý muốn sau này làm rạng rỡ tổ tiên nhà cửa nên đặt tên tự là Lư”. Về sau, chữ này dùng để chúc mừng việc sinh con hơn cha.

(19) Khắc thằng bộ vũ: Có thể nối được bước của cha ông. Khắc: có thể, thằng: nối, kế thừa; bộ vũ: chỉ cự li ngắn, xưa lấy 6 thước làm 1 bộ, nửa bộ gọi là vũ. Bộ vũ ở đây chỉ bước chân nói chung.

(20) Thủ trạch: cũng như nói thủ hãn (dấu mồ hôi tay), sau thường dùng để chỉ bút tích, hoặc di vật của tổ tiên để lại. Thiên Ngọc tảo trong Lễ ký có chép: “Cha mất mà con không thể đọc được sách của cha, ấy là vì dấu tay của người cha còn ở đó”. Khổng Dĩnh Đạt chú rằng: “Ý nói sách của cha còn lưu dấu tay của cha khi còn sống đã cầm, nên không nỡ đọc”.

(21) Đỉnh túc: chân vạc. Tục ngữ có câu: “Dù ai nói ngã nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Thố huyệt: hang thỏ. Thỏ làm hang thường làm nhiều hang để có đường chạy thoát. Ở đây ý chỉ vững chắc và khôn khéo.

(22) Trong văn bản ký hiệu A.779 này, Thập Anh thi tập được đóng trước tập Hoa Nguyên thi thảo, khác với mục lục đã nêu khi Trịnh Hoài Đức cho khắc in. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khẳng định như trên, vì tờ bìa của Thập Anh đường thi tập chỉ thấy trong bản Cấn Trai thi tập, ký hiệu A.1392, nhưng không thấy trong văn bản ký hiệu A.779; ngược lại, trong bản A.779 lại thấy có tờ bìa của Hoa Nguyên thi thảo, cùng kiểu khắc với tờ bìa Thập Anh thi tập. Chứng tỏ, sau này người ta đã tách tập thơ ra, rồi đóng riêng, nên dẫn đến trường hợp lẫn lộn trên.

 

Thư mục tham khảo

1.Hoài Anh: Gia Định tam gia, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2006.

2.Nguyễn Khuê: Ba mươi năm cầm bút, Nxb. Trẻ, 2004.

3.Nguyễn Đình Phức: Về bài viết Lời bình của thi hào Nguyễn Du trong Hoa Nguyên thi thảo của PGS.TS. Nguyễn Đăng NaTạp chí Hán Nôm, số 1 (86)-2008.

4.Nguyễn Văn Sâm: Văn học Nam Hà, Nxb. Kỷ Nguyên, Sài Gòn, 1972.

5.Nguyễn Q. Thắng: Tiến trình văn nghệ miền Nam, Nxb. Tiền Giang, 1990.

6.古代汉语词典,陈复华主编,商务印书馆出版,北京,2006.

7.大南實錄,四,大南正編列傳初集,有隣堂出版,東京,1962.

8.辭海,上海辭書出版社,上海, 2007.

9.辭源,台灣商務印書館出版, 1963.

10.漢語大詞典 (上中下),漢語大詞典出版社,上海, 2005.

11.康熙字典,上海書店出版社,第13印版,1998.

12.黎光定,華原詩草,艮齋藏版,明命三年孟春鎸,ký hiệu A.779b.

13.吴仁静,拾英堂詩集,艮齋藏版,明命三年孟春鎸,ký hiệu A.779.

14.鄭懷德,艮齋詩集,本齋藏板,嘉隆十八年仲春鎸,ký hiệu A.3139.)

15.鄭懷德,艮齋詩集,本齋藏板,嘉隆十八年仲春鎸, ký hiệu A.780.)

16.鄭懷德,艮齋詩集,本齋藏板,嘉隆十八年仲春鎸, ký hiệu A.1392.)

 

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (106) 2011, Tr.73 - 82)

20171229 bia nam phongNam Phong tạp chí 南 風 雜 誌(1917-1934) là tạp chí hàng tháng, gồm 210 số. Số 1 ra ngày 1 tháng 7 năm 1917. Số cuối cùng - số 210, ra ngày 16 tháng 12 năm 1917. Tạp chí gồm: Phần Quốc ngữ - Phần chữ Nho - Phụ trương Pháp ngữ (từ số 26/8-1919).

Nam Phong là Văn học Khoa học Tạp chí, mỗi tháng xuất bản một kỳ. Chủ bút được ghi rõ trên bìa số 1 là: Phạm Quỳnh (phần Quốc ngữ) và Nguyễn Bá Trác (phần chữ Nho).

Nam Phong do chính quyền thực dân tổ chức nhằm phục vụ cho các chính sách thực dân của Pháp, trong đó, trọng tâm phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa vào thời gian cuối của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918).

“Trong tình hình này, chính phủ có sáng kiến lập ra một tạp chí bằng tiếng bản xứ để cho người An Nam dễ thực thi chính sách giáo dục và tuyên truyền mà chúng ta cần phải theo đuổi”.

“Việc thành lập tạp chí này mà ban biên tập đã được giao phó cho những nhà trí thức danh tiếng trong nước đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước vì không những phải gom góp các vật liệu trước mà còn phải được nhà in tìm mua máy móc và những thứ chữ cần thiết cho việc in chữ quốc ngữ”.

Đó là trích đoạn báo cáo của Louis Marty gửi cho A. Sarraut đề ngày 22-8-1917. (Dẫn theo: Huỳnh Văn Tòng “Báo chí Việt Nam - từ khởi thủy đến 1945”, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.120).

Toàn quyền A.Sarraut giao cho Louis Marty - Giám đốc phòng an ninh và chính trị có trọng trách điều khiển Nam Phong.

Louis Marty ban đầu là một viên chức ở Tòa Thống sứ Bắc kỳ. Năm 1914 được đề bạt lên làm Phó giám đốc Phòng nghiên cứu chính trị của Toàn quyền A.Sarraut. Sau Đại chiến thế giới thứ I, giữ chức Giám đốc Phòng nghiên cứu chính trị, đồng thời đặc trách tổ chức hệ thống tình báo Đông Dương. Nam Phong là công cụ tuyên truyền của Chính phủ Pháp cả trong chính sách ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Mấy nhời nói đầu, Số 1. tháng 7, 1917 có viết:

1. Cái mục đích của bản báo là muốn gây lấy một nền học mới để thay vào cái nho học cũ, cùng đề xướng lên một cái tư trào mới hợp với thời thế cùng trình độ dân ta. Cái tính cách của sự học vấn mới cùng cái tư trào mới ấy là tổ thuật học vấn của Thái Tây, nhất là của nước Đại Pháp, mà không quên cái quốc túy trong nước.

2. Bản báo không chủ sự phổ thông mà muốn làm cái cơ quan riêng cho bọn cao đẳng học giới nước ta, gồm cả những bậc cựu học cùng tân học mà dung hòa làm một.

3. Cái phạm vi của bản báo là gồm những sự học thuật tư tưởng đời xưa đời nay cùng những vấn đề quan trọng trong thế giới bây giờ. Nhưng trong cách diễn thuật bình phẩm những học thuật tư tưởng cũng những vấn đề ấy, bản báo vụ theo lấy các phương diện giản dị hơn nhất, cho thích hợp với trình độ người nước ta.

4. Bản báo theo thể “tạp chí”, mỗi tháng xuất bản một tập, vừa bằng quốc ngữ vừa bằng chữ nho, mỗi phần ước 50, 60 trang, chia mấy mục như sau này:

1.Luận thuyết.

2.Văn học bình luận,

3.Triết học bình luận,

4.Khoa học bình luận,

5.Văn uyển,

6.Tạp trở,

7.Thời đàm,

8.Tiểu thuyết.

Song, khi thực hiện những mưu đồ của chủ nghĩa thực dân, Nam Phong ở những chừng mực nào đó, nó lại trở thành một “công cụ vô thức của lịch sử” trong việc ghi lại nhiều biến đổi cũng như tiến hóa ở một giai đoạn quan trọng của buổi giao thời Âu- Á trên một số khía cạnh có liên quan đến văn học và văn hóa Việt Nam. “Người ta có cảm tưởng Nam Phong đã là dấu nối giữa văn hóa cũ: Hán học và văn hóa mới: Pháp ngữ. Việt ngữ có thể chỉ là cái dấu nối đó. Lớp Hán học sẽ tàn dần không phải để rồi thay thế bằng lớp người có tâm huyết với quốc học, quốc ngữ, song bằng một lớp người chỉ tôn trọng Pháp ngữ và khinh thường Việt ngữ. Mỉa mai thay! Công cuộc giáo hóa của người Pháp hình như đã đạt tới mục đích: hạ bệ Hán học để suy tôn Pháp học. Nhưng may thay, dưới chân trời văn học nước nhà thời đó, trong khi Nam Phong sắp lặn ở phương trời Tây thì một mặt trời mới đang lên ở rạng đông đất nước, đó là nhóm “Phong hóa” và những “luồng tư tưởng mới”, như nhận xét của Nguyễn Khắc Xuyên trong Mục lục phân tích Tạp chí Nam Phong, Nxb. Thuận Hóa - Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, bản in lần thứ 2, Hà Nội, 2002, tr.24.

Xét từ góc nhìn thời gian, các bài viết bằng chữ Nho trên Nam Phong- Hán văn Nam Phong có thể được chia thành hai bộ phận lớn: thứ nhất là Hán văn đương đại. Thứ hai là Hán văn lịch đại.

“Hán văn đương đại” chỉ các bài được người đương thời viết (bài mới). “Hán văn lịch đại” nhằm chỉ các trích tuyển các văn phẩm, thi phẩm của các tác giả có trong lịch đại được đăng trong 210 số của Tạp chí Nam Phong (bài cũ). Bài viết này của chúng tôi nhằm đề cập đến những bài thuộc phạm trù (bài mới) trong phần chữ nho Nam Phong tạp chí theo các nội dung sau:

1. Hán văn đương đại từ góc nhìn số lượng.

2. Hán văn đương đại từ góc nhìn mục bài.

3. Hán văn đương đại từ góc nhìn tác giả.

4. Một vài ghi chú về ngôn ngữ viết Hán văn đương đại.

Dưới đây là sự cụ thể hoá các vấn đề đó.

1. Hán văn đương đại từ góc nhìn số lượng

1.1. Sự gấp bội về số lượng

Theo số liệu hiện giờ chúng tôi có được qua bảng kê, số đơn vị bài đương đại (bài mới) theo số tạp chí của phần chữ nho là: 801. Số đơn vị bài lịch đại (trích tuyển từ sách cổ) là 303 bài. Con số 801/303 đơn vị mua trong bài đối lập mới / cũ đã cho thấy: Hán văn đương đại (bài mới) áp đảo hơn số bài cũ khoảng ba lần. Do vậy, Hán văn Nam Phong về cơ bản thuộc phạm trù Hán văn đương đại.

1.2. Sự thay đổi cơ cấu đương đại và lịch đại theo tiến trình thời gian

Số lượng bài Hán văn đương đại trên Nam Phong cũng như tính chất đương đại của nó thay đổi theo thời gian. Số 1 (7-1917) là số chỉ thuần Hán văn đương đại. Trên đại thể, có thể thấy rằng, tỷ lệ bài đương đại/bài lịch đại có thể được hình dung qua 2 giai đoạn, theo đó, số 110 (9-1926) là ranh giới cho hai giai đoạn đó.

Giai đoạn 1: bài mới (Hán văn đương đại) áp đảo bài cũ (Hán văn lịch đại):

- Từ số 1 đến số 110: có tỷ lệ đơn vị mục bài đương đại/bài lịch đại là 734/105. Số lượng bài mới hơn bài cũ hơn 7 lần.

- Từ số 111 (10-1926) trở đi cho đến số 210, tỷ lệ đó là 67/198. Số lượng đơn vị bài cũ gấp 2 lần đơn vị bài mới. Các số 111, 112 vào tháng 9 và 10/1926, có thể được xem như là điểm giữa cho sự cân bằng giữa tỷ lệ đương đại/lịch đại, khi cả 2 số này đều có tổng số là 6 bài, tỷ lệ đương đại/lịch đại là 3/3. Sự thay đổi tỷ lệ như thế khi lấy số 110, 111 làm ranh giới cho ta thấy những vấn đề liên quan đến tình hình người đọc chữ Hán đương thời đã có những thay đổi. Đồng thời, tính chất của phần chữ Nho trên Nam Phong cũng thay đổi.

Nếu nhìn con số trên trong mối quan hệ với độ dày số trang của phần chữ Nho trong Nam Phong, chúng ta lại thấy ý nghĩa của sự tương ứng đó. [Những số đầu của phần chữ Nho Nam Phong có độ dày số trang gấp ba lần những số cuối. Từ số 1 đến số 19, trên 50 trang. Từ số 20 đến số 65, số trang nằm trong khoảng từ 40 trang đến 20 trang. Từ số 66 cho đến số 159, số trang dao động khoảng 20. Từ số 160 đến 210 số trang dao động dưới 10 trang]. Như vậy, Hán văn đương đại trên phần chữ Nho diễn ra theo chiều hướng giảm dần, tương ứng với sự giảm dần số trang của từng số.

2. Hán văn đương đại từ góc nhìn mục bài

Đề cập đến Hán văn đương đại từ góc nhìn mục bài tức là đề cập đến sự tương ứng giữa cơ cấu mục bài trong phần chữ Nho của Nam Phong với Hán văn đương đại theo tiến trình thời gian.

2.1. Mục bài và Hán văn đương đại trong mục bài

Trên Nam Phong phần chữ Nho có các mục bài chủ yếu sau: 1. Xã thuyết; 2. Đặc biệt ký tải; 3. Luật học; 4. Văn học; 5. Khoa học; 6. Triết học; 7. Văn uyển; 8. Tạp trở; 9. Tạp lục; 10. Tiểu thuyết; 11. Chuyên kiện; 12. Truyện ký; 13. Dã sử; 14. Lai cảo; 15. Phi lộ; 16. Thời đàm.

Cũng cần phải nói rằng, không phải bất kỳ số nào cũng có đủ các mục trên. Hơn nữa, tính chất mục bài chỉ được quán triệt ở một vài số đầu.

Hán văn đương đại trong khoảng 30 số đầu hầu như có mặt ở tất cả các trang báo, lượng bài hầu như áp đảo. Hán văn lịch đại chỉ như là một nét điểm xuyết và chỉ xuất hiện ở mục Văn uyển với tiểu mục: Cổ thị văn trích tuyển. Nhưng tình hình trên đã thay đổi theo tiến trình thời gian.

2.2. Hán văn đương đại theo tiến trình thời gian

Nhìn vào tương quan bài mới/bài cũ trong bảng thống kê ở mục 1.1 của bài viết này, chúng ta thấy sự thay đổi theo thời gian của Hán văn đương đại. Quả thật, Hán văn trên Nam Phong không chỉ thay đổi theo thời gian về độ dày số trang mà còn về cơ cấu mục bài, cũng như tỷ lệ Hán văn đương đại và lịch đại.

Có thể lấy số 111 (10-1926) như một cái mốc cho sự thay đổi cơ cấu bài đương đại và lịch đại trên phần chữ Nho Nam Phong. Số này đã đăng một loạt các bài của Hán văn thời Tây Sơn và điều đó được công nhiên ngay trên tít của báo.

Từ đó trở đi, tương quan Hán văn đương đại/Hán văn lịch đại trên phần chữ Nho Nam Phong đã thay đổi. Số lượng bài Hán văn đương đại đã giảm đi một cách rõ rệt. Có thể nói, từ đây, Hán văn đương đại trên Nam Phong chỉ còn sống trong những ngày thoi thóp.

Tất nhiên, sự thay đổi cơ cấu bài Hán văn đương đại theo thời gian không phải diễn ra tức thời mà có sự chuẩn bị, có bước quá độ. Nhìn vào bảng kê ở mục 1.1 cho ta thấy, sự quá độ ấy là các số nằm trong khoảng từ số 83 (5-1924) cho đến số 111 (10-1926). Như vậy, quá độ này diễn ra trong hơn hai năm với 28 số. Từ số 111 trở đi, tuy cơ cấu và tỷ lệ Hán văn đương đại / Hán văn lịch đại đã đảo ngược so với trước, Hán văn đương đại vẫn thoi thóp sống khi còn rải rác trong nhiều số, cho đến tận số 211 - số cuối cùng.

2.3. Nội dung của Hán văn đương đại theo mục bài

Sẽ không đầy đủ khi đề cập đến các bài Hán văn đương đại trên Nam Phong mà không đề cập đến nội dung chính yếu của chúng. Song đây lại là những vấn đề rất phức tạp.

Có thể khẳng định rằng, nội dung chủ yếu của khá nhiều bài trong Hán văn đương đại trên Nam Phong cũng chính là những nội dung của phần quốc ngữ. Nhiều bài Hán văn đương đại là những bài có quan hệ với phần quốc ngữ. Chúng là những bài dịch từ phần quốc ngữ. Song, trong nhiều trường hợp, những bài đó không phải là chuyển dịch cơ cấu. Chỉ có những bài thuộc về khoa học, triết học, kinh tế luận... nó mới có thể được xem là những bài dịch đích thực. Còn các mục khác, chẳng hạn như: các bài Phi lộ, các bài trong mục Thời đàm... nếu có tương ứng thì chỉ có sự tương ứng về chủ đề chính, còn sự chi tiết hoá thì giữa quốc ngữ và chữ nho lại khác nhiều. Hơn nữa, nhiều bài trong mục Thời đàm về tình hình quốc tế lại được trích đăng theo báo chí Trung Quốc đương thời.

Do chỗ Hán văn đương đại cũng giống như quốc ngữ trong nhiều vấn đề về nội dung, cho nên, nếu những vấn đề về nội dung của Nam Phong quốc ngữ bị phê phán, thì tự nhiên, nhiều bài trong Hán văn đương đại cũng bị phê phán theo. Đó là những bài ca ngợi chủ nghĩa thực dân, phong kiến... Có thể coi mục Xã thuyết là mục tiêu biểu cho chính sách phụ hoạ tuyên truyền cho chủ nghĩa thực dân. Do số lượng bài trong Hán văn đương đại là khá lớn, cho nên cần phải có những nghiên cứu riêng.

3. Vấn đề tác giả của phần Hán văn đương đại

Các tác giả Hán văn đương đại có thể được chia thành nhiều nhóm:

3.1. Nhóm các tác giả chuyên nghiệp làm báo như: Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, Tuyết Huy - Dương Bá Trạc, Nguyên Đôn Phục,...

3.2. Nhóm tác giả là những nhà khảo cứu: Lê Dư, Chương Dân, Nguyễn Văn Đào,...

3.3. Nhóm tác giả là những thi văn nhân sáng tác của đương thời: Nguyễn Bá Học, Ngô Vi Lâm...

3.4. Nhóm tác giả nghiệp dư: họ là những người đương thời biết chữ nho, làm thơ làm văn bằng chữ nho, độc giả của Nam Phong.

Do số lượng tác giả Hán văn đương đại là rất lớn, cho nên chúng tôi xin phép được tổng hợp danh mục tác giả và bài viết của họ trong một báo cáo chuyên biệt. Đó là danh mục gồm 136 tác gia / nhóm tác gia Hán văn đương đại trên phần chữ Nho Nam Phong tạp chí. Họ là một trong những chứng nhân, đồng thời cũng là những tác gia Hán văn cuối cùng của buổi chữ Hán lụi tàn. Theo chúng tôi, dù có nhiều vấn đề đi chăng nữa, đứng ở góc độ Hán văn, cần xếp họ vào danh mục tác giả Hán Nôm để ghi nhận một kỷ niệm của Hán học mạt thời.

4. Hán văn đương đại trên Nam Phong từ góc nhìn ngôn ngữ

Hán văn đương đại trên Nam Phong tạp chí là hình thái ngôn ngữ viết Hán văn theo phong cách Hán văn đương thời. Lối viết Hán văn ấy, một mặt, phản ánh lối viết của văn ngôn truyền thống nói chung. Mặt khác, nhiều bài về chủ đề khoa học, chính trị, thời đàm vốn chịu ảnh hưởng của lối viết tân văn thể của Hán văn Trung Quốc đương thời. Đó là những điểm dễ nhận ra khi đọc, song lại là những vấn đề lớn, cần phải có những nghiên cứu chuyên riêng.

Như vậy, Hán văn đương đại trên Nam Phong có lượng bài lớn nhất. Chính Hán văn đương đại đã quyết định tính chất Nam Phong phần chữ Nho là một Tạp chí Văn học Khoa học đương đại.

Hán văn đương đại trong các số đầu hầu như có sự tương ứng với các mục bài của phần quốc ngữ. Nhiều bài Hán văn đương đại lại là bản dịch từ phần quốc ngữ. Bằng cách này, Nam Phong đã đưa các tri thức khoa học chính trị, thời sự hiện đại, Thái Tây và thế giới đến lớp người nho học trong xã hội, thực hiện chủ đích của báo gây cái nền học vấn cho “giới thượng lưu trí thức” của buổi giao thời tân cựu.

Số lượng tác gia/nhóm tác gia Hán văn Nam Phong đương đại thật là đáng lưu ý (136). Đây là sự tập hợp lớn nhất những người viết nho văn trên một diễn đàn tạp chí đầu thế kỷ XX.

Do mục đích phục vụ cho các chính sách của chủ nghĩa thực dân, song lại như một “công cụ vô thức của lịch sử”, phần chữ Nho trên Nam Phong nói chung, Hán văn đương đại nói riêng, đã trở thành một kênh truyền tải những vấn đề khoa học, chính trị, xã hội hiện đại cho lớp người có khả năng đọc, viết chữ nho đang ít dần theo thời gian theo một lối viết riêng của mình. Nó như là một trong những dấu tích cuối cùng cho sự hồi sinh nhưng rồi tắt dần tắt hẳn của Hán văn, Hán học với tư cách là một hệ thống ngôn ngữ viết được nhiều người biết đọc. Có lẽ chúng ta nên xem Hán văn trên phần chữ Nho nói chung, Hán văn đương đại của phần chữ Nho nói riêng như là một bộ phận của Hán văn Việt Nam. Các tác gia của Hán văn đương đại cũng nên được xem như là các tác gia Hán Nôm cho dù đó là Hán văn giai đoạn mạt thời, các tác gia Hán Nôm mạt thời, có rất nhiều vấn đề cần phải được làm sáng tỏ.

Tài liệu tham khảo chính:

1.Trần Văn Giáp, 1971, Lược truyện các tác gia Việt Nam, 2 tập. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

2.Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Sự, 1961, Lịch sử cận đại Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

3.Dương Quảng Hàm, 1993, Việt Nam văn học sử yếu (1941), Nxb. Đồng Tháp (in lại).

4.Đỗ Quang Hưng (Chủ biên), 2000, Lịch sử Báo chí Việt Nam - 1945, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội,

5.Nam Phong tạp chí 南風雜誌(1917-1934), 210 số.

6.Nguyễn Khắc Xuyên, 2002, Mục lục phân tích Tạp chí Nam Phong, Nxb. Thuận Hóa - Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, bản in lần thứ 2, Hà Nội, tr. 24.

7.Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 1989, Thư mục các bài viết trên Tạp chí Nam Phong có liên quan đến tác gia, tác phẩm Hán Nôm, Hà Nội.

 

Phạm Văn Khoái, Đại học KHXH & NV Hà Nội

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2012, tr.414-424, phiên bản trực tuyến.

20171202 Dinh Chua Phu

Đình Châu Phú tức Trung Nghĩa từ, nằm tại góc đường Thoại Ngọc Hầu, Lê Lợi, phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là đình thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, có quy mô thuộc loại lớn nhất ở Nam bộ. Đình do Tướng công Trấn thủ Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại xây dựng vào khoảng những năm 1817-1828 (có nhiều ý kiến khác nhau về năm xây dựng), để thờ vọng Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - người có công lớn trong việc khai mở vùng đất phương Nam.

Lúc đầu đình được dựng bằng mái lá vách gỗ trên nền đất, có tên là đền Lễ công, còn gọi là đền Ông. Sau đó thì đình do dòng họ Lê Công di cư từ Bắc Trung bộ vào đây coi sóc thờ phụng. Lúc bấy giờ đình được dựng ở khu vực UBND phường Châu Phú A ngày nay. Sau hai lần chuyển đổi, đến năm 1926, cho dời về vị trí hiện tại, đình được tu tạo lại phần nền và hoàn chỉnh kiến trúc như ngày nay. Lối kiến trúc và hoa văn trang trí của đình do một nhóm thợ ở miền Bắc đảm trách thi công. Từ đó đến nay đã trải qua thời gian tương đối dài, tuy có gia cố sửa chữa nhiều lần, nhưng kiến trúc cũ vẫn được giữ nguyên.

Đình được xây dựng trên diện tích 240m2. Bao gồm các phần cơ bản sau đây: cổng đình, sân đình, gian tiền đình và gian hậu đình.

Trưởng ban quản trị đình hiện tại là ông Lê Công Thời. Đình vẫn còn lưu giữ nhiều sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng. Đến lễ Kì Yên ngày 10 tháng 5 hàng năm, Ban quản trị đình lại thỉnh sắc ra phơi để cho mọi người xem và kiểm tra việc giữ gìn sắc thần.

Về di sản Hán Nôm, ngoài các sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng, đình hiện còn lưu giữ 1 bài tựa về sự tích Tôn thần thôn Châu Phú (nói sơ lược về công trạng của Tôn thần, ông nội, cha và anh ruột của Tôn thần), 1 bài giáo huấn, 1 bảng công đức, 42 câu đối, 29 bức hoành phi. Hoành phi, câu đối có nội dung chủ yếu ca ngợi công lao của Tôn thần, ca ngợi cảnh đẹp non sông đất nước. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu 
bài tựa, 1 sắc phong (của vua Minh Mệnh) và một số câu đối.

BÀI TỰA SỰ TÍCH TÔN THẦN THÔN CHÂU PHÚ

Phiên âm:

Châu Phú Tôn thần sự tích tự

Dư tự tảo tuế dĩ lai chỉ kiến ngã Châu Phú thôn Tôn thần miếu nội cựu thời sở lưu Thống suất Lễ Thành hầu, khâm tặng Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thượng đẳng Tôn thần bài vị. Dư thiển tưởng ngã Tôn thần chỉ nhất đại khai thác Châu Đốc nhất nhị địa phương nhi dĩ, dục cùng bản mạt ngụ mục vô do. Hạnh Bính Dần xuân sơ, Long Phú thôn hữu Hương cả Dương Quý Đài lai vân: Chủ bút Chánh sắc Nguyễn Quý Thai tích nhật Đông du thần kinh, quy hữu Đại Nam liệt truyện tiền biên hậu biên. Hựu vân: Tiền biên quyển chi tam hữu ngã Tôn thần sự tích. Dư hỉ khẩn cầu nhi quan chi, thủy tri ngã Tôn thần phi chỉ nhất thân đại hữu công lao vu đương thế, nhi phụ tử tổ tôn nhi huynh nhi điệt cụ hữu huân lao vu đương thế. Cố ngã thôn trung Hội tề đại tiểu hương chức miễn dư tuân thị thư nhi lục vu bản dĩ chương ngã Tôn thần công đức chi mậu. Thời miếu vũ tam thiên nhi hoàn vu cố chỉ, đống vũ phương cưu, khánh thành hữu nhật, dư khởi bất duy duy nhi tuân chi hồ! Đản kì tôn Thần phụ tử tổ tôn nhi huynh nhi điệt công miếu viễn tại Quảng Bình tỉnh phận, cố lược nhi lục chi. Duy ngã tôn thần công khai Nam Kì thất tỉnh, miếu tại thôn trung (hựu Biên Hoà Đại Phố Châu Lễ Công giang tiền hậu [?](1) Nam Vang giai hữu từ yên), cố nhất nhất tuân thị thư nhi tường lục chi dĩ bị hành nhân quan lãm. Đản từ hữu thiển lậu kì vi chỉ thị, hạnh vật lận đại gia chi bút vân nhĩ. Tuân thị thư nhi lược lục chi.

Nguyễn Triều Văn nãi Tôn thần chi tổ thế cư Thanh Hóa quý huyện nhân, lịch quan chí Tham tướng Chưởng cơ chi chức. Nguyễn Hữu Dật nãi Tôn thần chi phụ văn võ toàn tài vệ vưu tinh nghiệp. Đương Lê triều quyền thần Trịnh thị lai xâm, Hữu Dật thiết kế mưu chiến ngự chi. Trịnh nhân bất Nam nhập. Cố Thần Tông Hoàng Đế tán viết: “Nguyễn Hữu Dật tự đăng dĩ lai tận kế thiết mưu chiến vô bất thắng.” Cố phong Thống suất chư tướng dĩ bình tặc. Tân Dậu niên Xuân bệnh tốt, niên thất thập hữu bát. Hữu di biểu từ thậm kích thiết. Thượng lãm biểu thán tức, tặng Tán trị Tịnh nạn công thần, đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Chiêu Quận công, thuỵ Cần Tiết. Quảng Bình nhân dân truy ân chi, hiệu vi Bồ Tát, lập từ vu Thạch Kim tự chi. Hiển Tông Hoàng Đế truy cấp tự điền tam mẫu, tự dân nhất bách nhân. Gia Long tứ niên tứ vi Công thần thượng đẳng, tòng tự Thái miếu, ấm kì hậu nhất nhân vi Đội trưởng lịnh thế thủ tự sự, cấp tự điền thập ngũ mẫu, mộ phu lục nhân; Cửu niên liệt tự Khai quốc công thần miếu. Minh Mệnh thập nhị niên truy tặng Khai quốc công thần, đặc tiến Tráng Võ Tướng quân, cải thuỵ Nghị Võ, phong Tĩnh Quốc công, nhưng tòng tự Thái miếu; Thập lục niên tứ tòng tự Võ miếu. Hựu lệnh sở tại tu lí phần mộ Nguyễn Hữu Hào nãi Tôn thần chi bào huynh, Hiển Tông Hoàng Đế thời lịch quan chí Quảng Bình Trấn thủ để trấn. Ái dưỡng sĩ tốt, thân ái lại dân. Quý Tị niên tốt. Khâm tặng Đôn Hậu chi thần, thụy Nhu Từ Chi Tử dã. Thiếu tùng Gia Long tứ niên [ ? ](2) Nguyễn Hữu Cảnh thị Quảng Bình tỉnh Thượng đẳng tôn thần.

Dịch nghĩa:

Bài tựa sự tích Tôn thần thôn Châu Phú

Tôi từ lúc nhỏ đến giờ chỉ thấy trong miếu Tôn thần của thôn Châu Phú ta có lưu giữ bài vị khi xưa của Thống suất Lễ Thành hầu, khâm tặng Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thượng đẳng tôn thần. Tôi cạn nghĩ Tôn thần của ta chỉ một đời khai mở một vài vùng đất ở Châu Đốc mà thôi. Muốn biết hết ngọn ngành thì lại không biết gởi mắt vào đâu. May thay vào đầu xuân năm Bính Dần, có ông Hương cả Dương Quý Đài ở thôn Long Phú sang bảo rằng: Chủ bút Chánh sắc Nguyễn Quý Thai ngày trước có đông du đến đất thần kinh, khi về có bộ Đại Nam liệt truyện tiền biên hậu biên. Lại nói trong Quyển 3 của phần Tiền biên có sự tích Tôn thần của thôn ta. Tôi vui mừng khẩn thiết xin mượn xem, mới biết không chỉ một mình Tôn thần của ta có công lao lúc sinh thời mà cả cha con ông cháu, cả anh trai cháu trai đều có công lao lúc sinh thời. Vì vậy các hương chức hội tề lớn nhỏ trong thôn khuyên tôi gắng theo sách ấy mà ghi chép thành một bản để biểu dương công đức to lớn của Tôn thần. Lúc bấy giờ miếu mạo sau ba lần dời chuyển nay quay về chốn cũ, cột kèo vừa mới ráp xong chuẩn bị khánh thành, lẽ nào tôi chẳng vâng dạ mà tuân theo! Nhưng miếu mạo ghi công cha con, ông cháu cùng với anh và cháu họ của Tôn thần đều ở tận địa phận tỉnh Quảng Bình, nên chỉ ghi lại sơ lược mà thôi. Riêng Tôn thần của thôn ta có công khai mở bảy tỉnh Nam Kì, miếu mạo ở trong thôn (tại Cù Lao Phố ở Biên Hòa, ở đoạn trước và sau của sông Vàm Ông Chưởng(1) và cả ở Nam Vang đều có đền thờ của Ngài), cho nên nhất nhất tuân theo sách này mà ghi chép lại cặn kẽ để tiện cho người qua kẻ lại quan lãm. Nếu ngôn từ có chỗ thiển lậu thì mong chỉ bảo cho, xin chớ tiếc bút mực của bậc đại gia. Nay tuân theo sách ấy mà chép đại lược như sau.

Nguyễn Triều Văn là ông nội của Tôn thần, vốn người ở quý huyện tỉnh Thanh Hóa(3), làm quan đến chức Tham tướng Chưởng cơ. Nguyễn Hữu Dật thân phụ của Tôn thần là người văn võ toàn tài, cầm binh thiện nghệ. Lúc bấy giờ quyền thần của triều Lê là họ Trịnh kéo binh xâm phạm, Hữu Dật đã bày kế mưu chiến chống lại, họ Trịnh không thể xâm nhập xuống phương Nam. Vì vậy được Thần Tông Hoàng Đế(4) khen ngợi rằng: “Từ khi ta lên ngôi đến nay, Nguyễn Hữu Dật đã tận lực bày mưu tính kế giao chiến không bao giờ không thắng”. Cho nên phong ông Thống suất chư tướng để đánh dẹp giặc. Mùa xuân năm Tân Dậu ông bị bệnh mất, hưởng thọ 78 tuổi. Ông có để lại bài biểu rất thống thiết. Nhà vua đọc biểu than thở, tặng danh hiệu Tán trị Tịnh nạn công thần, đặc phong Phụ quốc Thượng Tướng quân Chiêu Quận công, thụy hiệu là Cần Tiết. Dân chúng Quảng Bình nhớ ơn ông gọi là Bồ Tát, lập đền thờ ở Thạch Kim để thờ cúng. Hiển Tông Hoàng Đế(5) truy cấp cho ruộng cúng tế 3 mẫu và 100 dân đinh lo việc thờ cúng. Năm thứ 4 đời vua Gia Long ban tặng là Thượng đẳng công thần, cho tòng tự ở Thái miếu, ban phúc ấm cho cháu con về sau của ông một người làm Đội trưởng, lệnh cho nối đời lo việc giữ đền, cấp cho ruộng cúng tế 15 mẫu, phu chăm sóc mộ 6 người; Năm thứ 9 xếp vào hàng được tế tự ở miếu Khai quốc công thần. Năm thứ 12 đời vua Minh Mệnh, ông được truy tặng Khai quốc công thần, đặc phong Tráng Võ tướng quân, đổi thụy hiệu là Nghị Võ, phong Tĩnh Quốc công, được tòng tự ở Thái miếu; năm thứ 16, được tòng tự ở Võ miếu. Lại lệnh cho địa phương sở tại tu sửa phần mộ Nguyễn Hữu Hào là anh ruột của Tôn thần, thời Hiển Tông hoàng Đế làm quan đến chức Quảng Bình Trấn thủ Để trấn. Ông có tiếng yêu thương quân lính, thân ái với quan dân. Ông mất năm Quý Tị, được vua phong tặng Đôn Hậu chi thần, ban thụy là Nhu Từ Chi Tử. Năm thứ 4 đời vua Gia Long (1805)(2) Nguyễn Hữu Cảnh là Thượng đẳng Tôn thần tỉnh Quảng Bình.

SẮC PHONG

Phiên âm:

“Sắc Thống soái Lễ Thành hầu Nguyễn hộ quốc tí dân hiển hữu công đức, tiền kinh bao tặng liệt tại tự điển, phụng ngã Thế Tổ Cao hoàng đế thống nhất hải vũ khánh bị thần nhân. Tứ kim quang thiệu hồng đồ, miến niệm thần hưu nghi long hiển hiệu, khả gia phong Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thượng đẳng thần. Nhưng chuẩn liệt tự tại Gia Định thành Hội đồng Miếu, Thần kì tương hựu bảo ngã lê dân. Cố sắc.

Minh Mệnh tam niên cửu nguyệt nhị thập tứ nhật”.

Dịch nghĩa:

Sắc cho vị Thống soái Lễ Thành hầu họ Nguyễn giúp nước che dân tỏ rõ công đức, trước đây từng được khen tặng liệt vào hàng điển lễ tế tự, phù giúp Thế Tổ Cao Hoàng Đế của ta thống nhất cõi bờ mang phúc đến cho tất cả thần nhân. Nên nay vẻ vang nối tiếp cơ đồ to lớn của tổ tiên, xa nghĩ đến ơn che chở xứng đáng với danh hiệu to lớn hiển hách của thần, đáng gia phong danh hiệu Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thượng đẳng thần. Chuẩn cho liệt vào hàng tế tự ở Hội đồng Miếu tại thành Gia Định, ngõ hầu thần trông coi giúp đỡ và che chở dân đen của ta. Vậy sắc cho.

Ngày 24 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 3 [1822].

CÂU ĐỐI

1.“Nhân khai Thuận Khánh nhị thành cao sơn tịnh trĩ,

Nghĩa thác nam cương ngũ tỉnh trường thủy đồng lưu”.

(Nhân dựng Thuận Khánh(6) hai thành, núi cao đáng sánh,

Nghĩa mở phía Nam năm tỉnh(7), sông dài cùng xuôi).

2.“Trường bảo lê dân uý dĩ uy hoài dĩ đức,

Khâm mệnh Thượng Đế sinh vi tướng tử vi thần”.

(Mãi giúp dân đen, sợ bởi uy nhớ vì đức,

Kính vâng Thượng Đế, sống làm tướng chết thành thần).

3.“Yết địa công huân thiên tải phương danh truyền Lạc sử,

Tại thiên linh sảng vạn dân chiêm đức phái Long giang”.

(Công lao mở đất, ngàn năm tiếng thơm truyền sử Lạc,

Giữa trời chiếu rọi, muôn dân thấm đức gội sông Rồng).

4. “Tảo đãng trần thanh Chân Lạp đương niên suy tướng lược,

Ngưỡng phù thánh hóa Sầm Giang thiên cổ trứ anh linh”.

(Quét sạch bụi trần, Chân Lạp năm ấy tôn tướng giỏi,

Ngửa trông đức thánh, Sầm Giang(8) nghìn thuở rõ anh linh).

5.“Trí dũng liêm ưu lữ tiễu độc siêu Tôn Vũ Tử,

Sự công bưu bính sư trinh kham đối Hán Đình Hầu”.

(Trí dũng hơn người, điều binh hơn tài Tôn Vũ Tử(9),

Cơ nghiệp rực rỡ, cầm quân ngang sức Hán Đình Hầu(10)).

6.“Nhất nhung y tăng thác Nam cương thất tỉnh thái hòa tại vũ,

Tam thiên miếu trùng tân cựu sở thiên thu trở đậu trường tồn”

(Một mảnh giáp thêm rộng phương Nam, bảy tỉnh thái bình trong vũ trụ,

Ba lần dời trùng tân miếu cũ, nghìn năm hương khói mãi phụng thờ).

7.“Chân Lạp trần thanh Đông Phố bách niên lưu vĩ tích,

Sầm Giang tinh vẫn Tây thùy thiên cổ cảnh dư uy”.

(Chân Lạp bụi tan, Đông Phố(11) trăm năm còn thánh tích,

Sầm Giang sao rụng, cõi Tây nghìn thuở khiếp uy thừa).

8.“Khai thác huân thần công tại biên thùy danh tại sử,

Trung thành chính khí sinh vi chân tướng tử vi thần”.

(Ơn thần mở đất, công ở biên thùy tên trong sử,

Trung thành chính khí, sống là chân tướng chết làm thần).

9.“Khai thác phong cương tráng liệt đương niên khâm nội quốc,

Nguy nga miếu vũ thanh cao thiên cổ ấp hành nhân”.

(Khai thác cõi bờ, hùng tráng khi xưa mọi người kính phục,

Nguy nga miếu mạo, thanh cao nghìn thuở dân chúng phụng thờ).

10. “Thác cảnh khai cương thiên địa dĩ thời quy túc tướng,

Đình xa trú tiết Hán Di tùy tại hữu linh từ”.

(Mở cõi khai biên, trong trời đất luôn là tướng giỏi,

Xuống xe làm lễ, Hán hay Di mãi kính đền linh).

11. “Nhất tọa đối sầm lâu ô ngõa trang thành long hí thái,

Tam thiên an viện đệ đình trừ ứng tập phượng lai nghi”.

(Một tòa cao ngang núi, rồng đùa uốn lượn trên ngói đỏ,

Ba lần dời yên chỗ, phượng vui tụ hội trước thềm đình).

12. “Giao dĩ nghĩa tiếp dĩ đạo kì nghi bất hoặc,

Ngôn ân trung sự ân kính duy đức thị thân”.

(Giao du bằng nghĩa kết thân bằng đạo, phép ấy không sai,

Ăn nói phải trung phụng thờ nên kính, riêng đức luôn gần).

13. “Diện Bắc phụng thánh văn thân đổng tam quân trương hổ lữ,

Hướng Nam dương thần vũ công khôi lục tỉnh trứ long đồ”.

(Trông lên Bắc phụng đức thánh văn, thân cầm ba quân ra oai dữ,

Hướng về Nam nêu uy thần vũ, công dựng sáu tỉnh rõ hoàng đồ).

14. “Nam ngạn đái tam giang nhật ánh quang tiền thanh lãng phái,

Bắc nguyên hoành thất lĩnh địa hình dụ hậu tối cao kiên”.

(Bờ Nam nối ba sông, dưới ánh mặt trời luôn tịnh khiết,

Vườn Bắc ngang bảy núi, cao dày thế đất mãi vững bền).

Chú thích:

(1)Chỗ này bị mờ 1 chữ, không đọc được, phía sau chúng tôi tạm dịch.

(2)Chỗ này bị lem mất 9 chữ.

(3)Bản quán của Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

(4)Thần Tông Hoàng Đế: tức chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648).

(5)Hiển Tông Hoàng Đế: tức chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725).

(6)Thuận Khánh: tức phủ Diên Khánh (nay là Khánh Hòa) và phủ Bình Thuận (nay là Ninh Thuận và Bình Thuận).

(7)Năm tỉnh: tức năm trấn thuộc thành Gia Định thời đầu triều Nguyễn là Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên.

(8)Sầm Giang: tên chữ của sông Rạch Gầm ở Tiền Giang.

(9)Tôn Vũ Tử: người nước Tề thời Xuân Thu, Ngô vương Hạp Lư dùng làm tướng mà xưng bá chư hầu. Nay còn 1 bộ binh pháp tên là Tôn Tử tương truyền là của Tôn Vũ.

(10)Hán Đình Hầu: tức Quan Vân Trường, danh tướng thời Tam Quốc, em kết nghĩa với Lưu Bị.

(11)Đông Phố: tên gọi đất Gia Định thời chúa Nguyễn mở đất xuống vùng Thủy Chân Lạp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1997.

2. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, quyển 2, Nxb. Tp. HCM, 2000.

3. Nguyễn Khắc Thuần: Thế thứ các triều vua Việt Nam, Nxb. Giáo dục, 2001.

4. Một số tư liệu khảo sát thực tế ở đình thần Châu Phú và thị xã Châu Đốc./.

Nguyễn Văn Hoài - Nguyễn Đông Triều

ĐH KHXH & NV, Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 6 (79) 2006; Tr.72-73

20180429 Thay do

Thầy đồ dạy chữ Nho cho học trò

I. Nhân một câu trong Truyện Kiều

Không mấy ai không nhớ câu trong Truyện Kiều, khi Thúy Kiều nhận được thư của Sở Khanh:

“Mở xem một bức tiên mai,
Rành rành Tích Việt có hai chữ đề.
Cứ trong ý tứ mà suy,
Ngày hai mươi mốt Tuất thì phải chăng ?”

Sở dĩ Thúy Kiều đoán được như trên, vì phân tích theo cách viết chữ (chiết tự) thì chữ "tích" 昔gồm chữ "trấp" (nhị thập, tức 20, "nhất" 一(một) và "nhật" 日(ngày) ghép lại. Chữ "Việt" 越gồm chữ "tẩu" 走(chạy, trốn) và chữ "tuất" 戌(giờ Tuất). "Tích Việt" rõ ràng có nghĩa: chạy trốn vào giờ Tuất ngày 21. Nhưng tra Khang Hy tự điển (TĐKH), thì chữ "Việt" 越ở bộ "tẩu" 走viết bằng chữ "tẩu" 走cạnh chữ "việt" 戉(một loại búa rìu thời cổ). Nếu là chữ "tẩu" cạnh chữ "tuất", thì lại là một chữ khác, âm đọc "hứa duật, huân nhập thanh", tức là chữ "huật", và có nghĩa là "chạy" (tẩu). Từ điển còn ghi thêm: "khác với chữ Việt" (dữ việt bất đồng). Tuy nhiên, từ trước, người Việt vẫn quen đọc là "Tích Việt". Và Đại Việt sử ký toàn thư, sách quốc sử của cả nước, nhan đề sách được in với chữ "Việt" gồm chữ "tẩu" bên chữ "tuất" chứ không phải bên chữ "việt". Cuốn Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh (ĐDA) cũng viết chữ "việt" với chữ "tuất" bên bộ "tẩu". Sách được hiệu đính do hai bậc túc nho nổi tiếng đương thời là Phan Bội Châu (ký tên Hạn Mạn Tử) và Thủ khoa Lâm Mậu (ký tên Giao Tiều - vì nhà ở gần đàn Nam Giao thành Huế) (ghi theo lời khẳng định của nhà học giả Đào Duy Anh khi còn sống). Như vậy có thể cho rằng, chữ "việt" của người Việt không phải là chữ "việt" của người Hán. Các từ điển Hán Việt sau này như Từ điển Trung Việt của Văn Tân (VT), Hán Việt tự điển của Thiều Chửu (TC) viết chữ "việt" đúng như ở KHTĐ, nhưng không có chữ "huật" (tức chữ có bộ "tẩu" bên chữ "tuất". Chữ này thực ra rất ít dùng. Trong TĐKH khi giải nghĩa chữ này, không thấy ghi thí dụ trích ở sách cũ như thường thấy ở những chữ khác. Các từ điển thông dụng của Trung Quốc như Từ Nguyên (TN), Từ Hải (TH), Vương Vân Ngũ Tứ giác đại từ điển(VVN) đều không ghi chữ "huật". Như vậy, mặc dầu KHTĐ, bộ từ điển chính thức của Trung Quốc ghi dưới chữ "huật" khác với chữ "việt", người Việt vẫn viết chữ "việt" với chữ "tuất" bên cạnh bộ "tẩu" mà không cho là viết sai.

Trường hợp vẫn là chữ Hán ghi trong KHTĐ, nhưng được người Việt dùng và đọc theo cách khác, như chữ "việt" nói trên, có thể coi là hiếm. Người viết bài này mới chỉ biết thêm một trường hợp nữa, chữ  , viết với chữ tịnh 並(ngang nhau, gồm) trên chữ kiến 見(trông, nhìn). KHTĐ có ghi chữ này, nhưng ở phần Dị khảo cuối sách, ghi âm đọc là "cánh", không ghi nghĩa. Trung văn đại từ điển(TV) Q.30, bộ kiến 見có chữ này và ghi "nghĩa chưa rõ". Sách viết Hán Nôm của ta thường viết chữ này thay chữ 競(cạnh), có nghĩa là tranh giành, ganh đua. Sách viết tay Lịch triều danh phú (Thư viện Viện Hán Nôm, A.366), ở bài Tần cung phụ nữ, có câu "Sính thuyền quyên ư phấn hạp hương liêm, cạnh tú lệ duy châu ư cẩm trướng" (Lả lơi khách thuyền quyên nơi hộp phấn bình hương, ganh đua vẻ xinh tươi nơi màn châu trướng gấm). Chữ "cạnh" viết theo kiểu này đã khiến GS. Hà Văn Tấn, trong sách Trạng Quỳnh (cộng tác với Nguyễn Đức Hiền, Nxb. Văn học, Nxb. Thanh Hóa, 1987), khi dịch giới thiệu bài phú này đã phiên âm lầm thành "quan" (xem, nhìn), vì không thấy trong các từ điển thông dụng (Xem thêm Tạp chí Hán Nôm số 1-1988, biểu số 1, giữa trang 24-25, trong bài của GS. Trần Nghĩa Văn bản và giá trị học thuật của Hoan châu ký, chữ trên đã được đọc đúng là "cạnh".

II. Chữ Hán viết theo lối người Việt

Trường hợp chữ Hán được Việt hóa theo cách đọc và hiểu nghĩa như trên có thể nói là hiếm. Trường hợp chữ viết theo thể “thảo” nhưng theo cách riêng của người Việt nhiều hơn, có thể thấy ở nhiều sách viết tay hiện chiếm đa số so với sách đã được in ở thời kỳ trước. Sau đây là một số chữ còn thể coi là của riêng người Việt vì không thấy ghi trong sách dạy chữ thảo của người Trung Quốc. (Có nhiều sách thuộc loại này. Bài viết dựa vào Thảo từ vựng của Thạch Thụ Am, sách in tập hợp những chữ thảo của các nhà “thảo thánh” (bậc thánh về môn chữ thảo” từ đời Hán đến đời Minh, lời Hậu tự” cuối sách viết năm Càn Long thứ 52, Đinh Mùi (1787). Người viết xin lỗi nếu có những tư liệu khác về chữ thảo Trung Quốc phủ nhận những nhận xét trong phần viết về chữ thảo của người Việt).

Về vấn đề này, có thể quy vào mấy điểm chính sau đây:

1. Sử dụng hai chấm đặt bên trái và bên phải chữ đơn:

- ... 願(nguyện), thay chữ “hiệt” (頁) bên phải.

- ... 欲(dục), thay chữ “cốc” 谷bên trái.

- ... 御(ngự), thay bộ “sách” (彳) bên trái và bộ ‘ấp” (阝) bên phải.

- ... 秤(xứng), thay bộ “hòa” 禾bên trái.

2. Dùng nét 乙đặt bên chữ đơn:

-  ... 擇(trạch), thay nửa phần trên chữ “dịch” ().

(sương), thay bộ “vũ” 雨.

- ... 雪thay bộ “vũ” 雨

3. Một số chữ thông dụng:

 : 留(lưu: giữ lại)

っ: 鄉(hương: làng)

: 謂(vị: hảo)

 : 寰(hoàn: bờ cõi rộng lớn)

 : 得(đắc: được)

: 爵(tước: chức tước)

: 既(ký: đã).

4. Có những chỗ tưởng chừng không hợp lý, như ở chữ 琷viết tắt của chữ 驢(lư: con lừa), phần bên phải 卢có thể đọc là 廬(lư) hay là 虞(ngu), cả hai chữ đều được chấp nhận, có lẽ theo văn cảnh mà đoán được chữ, cũng như chữ , viết thay chữ 疆(cương) nhiều nét hơn gấp bội. Đặc biệt có một chữ không hẳn là chữ thảo, có thể gọi là chữ “kép”, chữ () đọc thành hai chữ “quốc gia”, lấy chữ “gia” (nhà) viết trong khung chữ “vi” 囗, lối viết cổ của chữ “vi” 圍(vây) sau dùng làm một trong 214 bộ của TĐKH. Thành ngữ về kiến trúc “nội công ngoại quốc” thực có nghĩa: công trình bên trong hình chữ “công” 工(hai ngôi nhà được nối nhau ở quãng giữa bằng một nhà cầu ngắn, thành hình chữ này), công trình bên ngoài hình chữ “vi” [囗] (hình vuông), ta đã đọc chữ này thành chữ “quốc”.

III. Cách đọc riêng biệt của người Việt đối với một số chữ Hán

Chúng ta ai cũng biết người Việt có cách đọc chữ Hán riêng biệt khác với cách đọc của chính người Hán. Các âm Hán Việt có thể nói tuyệt đại đa số dựa vào cách “phiên thiết” ghi trong TĐKH, tuy nhiên vẫn có một số nét độc đáo so với âm thanh phương Bắc.

1. Có sự phân biệt rõ ràng thanh bằng và thanh trắc, cơ sở của luật thơ, nhất là thơ Đường, đòi hỏi sự tôn trọng chặt chẽ niêm luật. Âm Việt phân biệt dễ dàng thanh bằng thanh trắc, dựa trên cách viết chữ Quốc ngữ, không dấu hay có dấu huyền là thanh bằng, các dấu còn lại là thuộc thanh trắc. Hệ thống âm thanh tiếng Trung Hoa hiện đại không cho phép đọc thuận tiện như vậy. Tỉ như âm “pào” khứ thanh, thuộc vần trắc, gồm bốn chữ, nếu đọc theo âm Việt thì sẽ có hai chữ âm “pháo” thuộc vần trắc là (  ) (to lớn) và 炮(súng, pháo), nhưng lại có hai chữ âm “bào” thuộc vần bằng lái “泡(bào: bọt nước) và  (bào: mụn nước trên da). Hoặc âm “bao” thanh bình gồm những chữ đọc theo âm Việt: 褒(bao, khen), 包(bao: bọc) là hai chữ thuộc thanh bằng, nhưng có cả chữ 剝âm Việt là “bác” (bóc, lột) tức thuộc thanh trắc (Từ điển Trung Việt, Nxb. KHXH, 1993). Do đó làm thơ Đường luật, người Trung Hoa phải tra Thi vậnđể biết chữ dùng thuộc thanh bằng hay thanh trắc, còn đối với người Việt thì không cần thiết.

2. Có một số chữ mà âm đọc hoàn toàn là của người Việt, khác với cách phát âm chính thức được ghi trong TĐKH. Thí dụ:

- Từ “Tự lực cánh sinh” Chữ Hán 更(cánh) có hai cách đọc: “cánh” có nghĩa là “càng” như “cánh hảo” (càng tốt); cũng đọc là “canh” có nghĩa là sửa đổi như “canh tân” (đổi mới). Từ điển Trung văn có thành ngữ “tự lực canh sinh” (bằng sức mình thay đổi cuộc đời).Đương đại Hán Anh từ điển của Lâm Ngữ Đường) (LNĐ) và Hán ngữ từ điển (HN) ghi từ ghép “canh sinh” (geng sheng), không có từ ghép “cánh sinh” (gèng sheng). Nhưng người Việt thường nói “tự lực cánh sinh”, không nói “tự lực canh sinh”. Từ điển Tiếng ViệtHoàng Phê (HP) ghi “tự lực cánh sinh” và giảng: “Dựa vào sức mình để tự giải quyết những vấn đề khó khăn về đời sống, về kinh tế”. Giảng như vậy, thì đúng ra phải nói “canh sinh” hơn là “cánh sinh”.

- Có một chữ âm đọc hoàn toàn do người Việt đặt. Đó là chữ (呆). Chữ này được TĐKH giảng: đọc là “bảo”, dùng như chữ (保) (bảo: giữ gìn). Cũng đọc là “mỗ” là chữ cổ của “mỗ” (某) (đại từ phiếm chỉ). Và ghi rõ nay dùng như chữ (獃) “ngai” (ngu ngốc) Trung Hoa đại tự điển (ĐTĐ) cũng ghi như TĐKH. Các từ điển khác như TN, TH, TVĐTĐ đều chung quan điểm trên. Về các từ điển Hán Việt của ta, Đ DA ở vần “Ngai” ghi hai chữ (呆) và (獃) với nghĩa gần như nhau, không ghi âm “ngốc”. Từ điển Trung Việt của Văn Tân (VT) ở bộ khẩu 口ghi chữ (呆), kèm âm “ai” của Trung văn, và âm “ngốc” của Hán Việt. TC ở chữ này cũng ghi âm “ngốc”. VNTĐ của Khai trí tiến đức (KTTĐ), ở vần “ngốc” ghi chữ Hán (呆) tức công nhận âm Hán Việt của chữ này. Có người cho rằng âm này xuất hiện sau khi Bảo Đại lên ngôi, bị giới trí thức Nho học dựa trên chiết tự gọi là “đại ngốc nhân” do chữ bảo (保) được viết với chữ (呆) “ngốc” ở bên cạnh chữ “nhân” đứng (  ). Nhưng trước đó, Đại Nam quốc âm ngự vị của Huỳnh Tịnh Của (HTC) in năm 1896, ở vần “ngốc” đã ghi chữ này, kèm ký hiệu “n” tức “coi như chữ Nôm”.

- Về chữ (未) TĐKH cho âm “vị” với hai nghĩa: là “chưa” và là “1 trong 12 chi”. Người Việt giữ âm này (vị) ở cả hai nghĩa, nhưng về nghĩa sau (1 trong 12 chi), thì thêm âm “mùi”, và âm này được thông dụng hơn. Người ta nói “năm Tân Vị” nhưng số đông gọi là năm Tân Mùi. Ca dao có câu: “Người ta tuổi Hợi tuổi Mùi, sao tôi lại chịu một đời tuổi Thân” (coi người tuổi Hợi, tuổi Mùi có số tốt hơn người tuổi Thân bị vất vả). Âm “mùi” không có trong các từ điển Trung Quốc. Từ điển ĐDA ghi âm “mùi” giảng là “vị thứ 8 trong địa chi” cũng đọc là “vị” và “mùi”. Từ điển HTC ở vần “mùi” cũng ghi chữ này với ký hiệu “c”, tức coi đây là chữ Hán. Tại sao lại thêm âm “mùi” bên cạnh âm “vị” ? Có thuyết cho rằng do TĐKH giảng “vị” (未) là (味), âm Hán Việt là “vị” (cảm giác do lưỡi nếm, hứng thú) như nói “thú vị”, “thi vị”, ta thường dịch là “mùi”. Từ điển HTC coi chữ này là chữ Nôm, đọc là “mùi”.

Trên đây là mấy trường hợp điển hình về cách đọc riêng biệt của người Việt đối với chữ Hán. Chắc còn nhiều trường hợp khác, vì từ điển Trung Việt cho thấy, cùng một âm Trung văn, có rất nhiều chữ với âm đọc Hán Việt khác nhau.

Có thể nói rằng người Việt đã coi chữ Hán như chữ của mình, “chữ ta” như tên thường gọi trước đây, nên sử dụng đôi khi khá tuỳ tiện, bất chấp những quy định của những từ thư, từ điển Trung văn (trường hợp chữ “việt”, chữ “cạnh” nói trên). Điều này thấy rất rõ trong cấu tạo chữ Nôm. Ta viết chữ “nói” (吶) với chữ khẩu (口) bên chữ “nội” (內) mặc dầu đây là chữ Hán âm “nột” với nghĩa “nói chậm”, “nói ấp úng”; viết chữ “tươi” (鮮) cho dù đây là chữ Hán (âm “tiên”, nghĩa là “cá tươi, tươi”); viết chữ “thuở” (課) với chữ Hán vẫn được đọc là “khóa” (thi hạch, thuế), đó là những chữ Hán, ngoài âm Hán Việt, còn được thêm âm chữ Nôm. Trong cuốn Bảng tra chữ Nôm của Viện Ngôn ngữ học (Nxb. KHXH, 1976) ghi khá nhiều chữ coi như thuần Nôm, nhưng lại là chữ Hán có mặt trong TĐKH như “ghế” (椅), “toét” (茋) (toét mắt), “noi” (珁) (noi theo).

IV. Những chữ Hán được Việt hóa về mặt ngữ nghĩa.

Chúng ta không nói tới những từ chữ Hán trong một số bài thơ của Nguyễn Khuyến mà người Trung Hoa dù rất thông thạo cổ văn cũng không hiểu nổi, những “thiền sư” để chỉ thầy đồ ve gái (thiền: con ve sầu), “hòa cước” (“chân lúa” chỉ “chân ruộng lúa” tức độ phì nhiêu của ruộng), “đẩu niên” (“tuổi đấu”, tức dung lượng của đấu, tính bằng bát, mỗi bát là một tuổi)(1).

- Đầu tiên, có những từ Hán đã được dùng không đúng ý nghĩa thật chuẩn xác của nó: như từ “băng hà”, thường được dùng để chỉ cái chết của vua chúa.

Trạng chết chúa cũng băng hà,
Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn.

( Trạng Quỳnh, Nxb. Văn học, Nxb. Thanh Hóa 1987, tr.164).

Từ điển Tiếng Việt Hoàng Phê giảng: “chết” (nói về vua chúa). Nhưng từ vựng Hán ngữ không có từ “băng hà”. Để chỉ vua chết, chỉ có từ đơn “băng” (崩) và từ ghép “thăng hà” (升遐) (xem các từ điển Trung Quốc và VNTĐ của hội KTTĐ). Người Việt đã ghép “băng” với “thăng hà” thành “băng hà”.

- Từ “ưu ái”: từ này được giảng trong VNTĐ của hội KTTĐ: “do chữ ưu quân ái quốc nói tắt. Lo cho vua, thương cho nước”. Chưa rõ lấy thành ngữ này ở sách nào. TVĐTĐ Đài Bắc ở từ “ưu quốc” dẫn câu trong Chiến quốc sách (Tề sách): “Quả nhân ưu quốc ái nhân, cố nguyện đắc sĩ dĩ trị chi” (quả nhân lo việc nước, yêu dân, nên muốn được kẻ sĩ để trị nước). Nói gọn “ưu ái” hay “ái ưu” đều hàm nghĩa cả bốn chữ: “ưu quân ái quốc” hay “ưu quốc ái dân”. Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu thơ:

Ái ưu vằng vặc trăng in nước,
Danh lợi lâng lâng gió thổi hoa.

Chỉ cách đây ít năm, từ này không còn có nghĩa “lo việc nước, thương dân” hay “lo việc vua, yêu nước”, như trong từ “ái ưu” của câu thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm; và được dùng với ý nghĩa thương yêu và lo lắng cho đối với mọi đối tượng (xem Từ điển HP).

- Từ “thế chấp” (替執) VNTĐ của KTTĐ giảng “gán nợ” kèm thí dụ: “thế chấp tài sản để lấy tiền trả nợ”. Từ này có lẽ nay ít dùng, nên Từ điển HP không ghi. Từ điển HTC không có từ “thế chấp”, nhưng đã ghi sau từ “thế”: “Thế nhà đất: cầm nhà đi mà vay nợ. Nghĩa này của chữ “thế” (替) là của riêng người Việt, các từ điển Trung Hoa chỉ ghi nghĩa “bỏ đi”, “thay thế”. Còn chấp (執) Hán tự chỉ có nghĩa là “cầm giữ trong tay” không có nghĩa của từ “cầm” thuần Việt, “trao của cho người khác làm tin để vay tiền”. Như vậy có thể nói “thế chấp” gồm một từ thuần Việt “thế” có nghĩa “cầm cố” để thành từ ghép “thế chấp” với nghĩa được định trong Từ điển KTTĐ vừa nói ở trên.

- Từ “phương du”, từ này thấy trong Từ điển KTTĐ chua chữ Hán (方 ) với nghĩa “màn che dùng trong đám ma để che cho con cháu tang chủ”. Từ điển Trung Quốc không có chữ “du” () viết với chữ “do” (由) là “bởi đó”, bên chữ “cân” (巾) là “khăn”, chỉ có chữ “du” () ở bộ “phiến” (片) với nghĩa “ván ngăn để đáp tường” (từ điển TC). Ban biên tập từ điển KTTĐ gồm nhiều nhà nho có tiếng đương thời như Bùi Kỷ, Dương Bá Trạc, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục, nên chắc chữ này cũng đã quá thông dụng và là một chữ Hán do người Việt đặt ra.

- Từ “phỏng nghĩ” (放擬). Trong thư cuối năm 1859 của Tự Đức gửi Napoléon III, Hoàng đế nước Pháp (bản dịch đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 4-1995), nguyên văn có câu “Gia Ô nhị súy phỏng nghĩ”, có nghĩa “việc phỏng nghĩ (Tạp chí Hán Nôm in lầm là “không nghỉ”) của hai chánh súy Gia và Ô”. “Phỏng” chữ Hán chỉ có nghĩa là “bắt chước”. Còn “phỏng” tiếng thuần Việt, có nghĩa là “ước chừng” (Từ điển KTTĐ) hay “ước lượng trên đại thể” (Từ điển HP). ở đây phải hiểu theo nghĩa thuần Việt của chữ “phỏng” (nghĩa này không có trong chữ Hán), nên “phỏng nghĩ” không có nghĩa là “bắt chước nghĩ”, mà là “nghĩ phỏng chừng”, “dự kiến”.

Trên đây là những từ ghép thường được gọi là những từ Hán Việt, gồm hai hay nhiều từ đơn đều là Hán tự (hay tưởng như là Hán tự, như “thế” trong “thế chấp”, “phỏng” trong “phỏng nghĩ” nói ở trên, thực ra đó là những từ thuần Việt. Ngoài ra còn có những trường hợp từ ghép gồm một Hán tự, đi cùng với một hay hai từ thuần Việt, trên nguyên tắc không thể đi liền với nhau, nhưng vẫn được chấp nhận trên thực tế. ở những trường hợp này, người Việt đã coi một số Hán tự như những từ thuần Việt, nên mới có sự ghép từ như vậy.

Như từ “bỗng nhiên” gồm một từ Việt “bỗng” và một từ Hán “nhiên” (có nghĩa như thế, như vậy). Từ ghép này trước đây chưa có, vì đã có những từ thuần Việt như “bỗng chốc”, “bỗng dưng”, “bỗng đâu”... hoặc từ thuần Hán như “đột nhiên”. Từ điển KTTĐ (1931) chỉ ghi những từ “bỗng dưng”, “bỗng đâu”, “bỗng không”, không có “bỗng nhiên”. Nhưng từ điển Thanh Nghị năm 1951 đã ghi từ này, và nó liên tiếp có mặt trong từ điển HP (1988, 1992).

Một trường hợp tương tự là từ “bất” (có nghĩa là “chẳng”) được ghép với nhiều từ thuần Việt, như “bất cần” (không cần), “bất tỉnh” (không tỉnh, bị lên cơn mê sảng). Lại có thành ngữ “bất tỉnh nhân sự”, được ghi trong từ điển Trung Quốc với 2 nghĩa: “không rõ việc đời” và “hôn mê, mất tri giác” (TVĐTĐ). Từ điển HTC còn ghi cả hai nghĩa này. Nhưng hiện nay chỉ có nghĩa thứ hai như ta thấy trong Từ điển HP. Lại có trường hợp khá đặc biệt: “bất” không còn nghĩa chính của nó là “không, chẳng”, như ở từ ghép “bất chợt”, “bất thình lình”, “bất” không có nghĩa phủ định, mà trái lại, có tác dụng nhấn mạnh thêm về ý nghĩa.

Từ “ca thán”: đã có một thời nhiều người phê phán việc dùng từ này, coi như phải nói là “ta thán” mới đúng. VNTĐ của KTTĐ, Từ điển Thanh Nghị không ghi từ “ca thán”. Nhưng nó đã có mặt trong từ điển HP. Thực ra quần chúng nói “ca thán” nhiều hơn là “ta thán” và thiết nghĩ không sai. Đây chỉ là trường hợp ghép một từ thuần Việt “ca” trong “kêu ca” (có nghĩa là phàn nàn, tỏ ý không ưng) với từ Hán “thán” (than thở). Đây là cách ghép từ khá phổ biến trong tiếng Việt hiện đại, coi một số từ Hán như từ Việt, có thể đi với nhau thành từ ghép, như từ “khác biệt”, “in ấn”. Gần đây báo chí và đài phát thanh nói tới “tái lấn chiếm vỉa hè” (không nói lấn chiếm lại), coi “lấn chiếm” như một từ Hán có thể đi với “tái” như “tái tạo”, “tái sản xuất”.

V. Chữ Hán của người Việt và cuốn Từ điển Hán Việt theo đúng ghĩa của nó.

Theo sử, trong thời Bắc thuộc, việc học chữ Hán đã có từ sớm. Thời Hán Linh Đế (168-189) đã có người Giao Chỉ đỗ Mậu tài, Hiếu liêm (tương đương với Tú tài, Cử nhân sau này), và đến thời Sĩ Nhiếp (được cử làm Thái thú vào đầu thế kỷ thứ 2), việc học càng được phát triển mạnh. Nhà sử học Ngô sĩ Liên cho rằng nước ta “thông Thi, Thư; tập Lễ, Nhạc, thành một nước văn hiến” bắt đầu từ thời kỳ này. Sau khi giành lại quyền độc lập, dân Việt đã dùng chữ Hán như một văn tự chính thức, với một hệ thống phát âm được ghi trong các từ điển chính quy phương Bắc, một phần được Việt hóa do ảnh hưởng của ngữ âm bản địa, cũng như trường hợp những nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa cổ như Nhật Bản và Triều Tiên. Qua suốt nhiều thế kỷ, dân Việt đã coi chữ Hán như chữ chính của mình. Chính chữ Hán đã được dùng để tuyên cáo và xác nhận quyền độc lập dân tộc trong bài thơ mà Lý Thường Kiệt cho ngâm bên sông Như Nguyệt và trong bài Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi.

Nếu trí nhớ của người viết bài này không lầm, có lần Phan Khôi trên báo Phụ nữ tân văn có nhắc tới câu của một nhà văn Trung Quốc (có phải Lương Khải Siêu?) chê lời văn chữ Hán của mấy nhà nho nổi tiếng của ta thời đó như Phan Bội Châu là “chưa thuần”, tức chưa thật đúng văn phạm Hán ngữ. Điều này nếu đúng thực thì, thiết nghĩ cũng không có gì là khó hiểu. Thứ nhất, văn phạm Hán tự, không như nhiều ngôn ngữ phương Tây, từ trước vẫn không có gì thật chuẩn xác, nhất là với quan niệm được ghi trong sách Mạnh Tử(Thiên Vạn chương) “không vì chữ được dùng mà hại tới lời, không vì lời mà tổn hại chí người làm thơ (chỉ tác giả nói chung), phải lấy ý mình mà suy đón cái chí người đó, như thế mới được” (bất dĩ văn hại từ, bất dĩ từ hại chí, dĩ ý nghịch chí, thị vi đắc chi). Hoặc với quan niệm của Đào Tiềm “đọc sách không cầu hiểu thật tường tận” (tức chỉ chú ý đến sự ứng dụng cho chính mình, có thể không hẳn đúng với ý của sách) (Nguyên văn: “độc thư bất cầu thậm giải” -Ngũ Liễu Tiên sinh truyện). Vả chăng thời trước cũng chưa có những sách chuyên đề về văn phạm ngữ pháp để có những tiêu chí xét đoán trong địa hạt này.

Dù sao vẫn có thể khẳng định có một hệ thống chữ Hán của riêng người Việt, với cách phát âm riêng biệt đối với toàn bộ từ vựng Hán ngữ, và với cách viết, cách định nghĩa đối với một số chữ và từ, như cách viết chữ “việt”, chữ “cạnh”, cách hiểu những từ “băng hà”, “thế chấp”... vừa nói ở trên. Thiết nghĩ chúng ta cần có một cuốn từ điển thực sự là “từ điển Hán Việt”, có phần quan trọng ghi lại “chữ Hán của người Việt”, ngoài việc ghi âm và nghĩa như các từ điển Hán Việt hiện có, còn thêm cả những lối viết chữ, cách đọc và định nghĩa của riêng người Việt, như đã trình bày. Hơn thế nữa, nó còn bao gồm cả các từ ghép và thành ngữ có trong các văn bản Hán Nôm của dân Việt. Chúng ta đã có những bản chú thích khá đầy đủ các tác phẩm Hán và Nôm, những từ ngữ (và điển tích trong đó) sẽ là những từ điều và thí dụ trong cuốn từ điển Hán Việt mới. Và nhất là sẽ có mặt cả những từ ngữ không thấy ở các từ điển Trung văn, mà số lượng những từ điều này không phải là nhỏ. Đơn cử bài thơ nổi tiếng Nam quốc sơn hà do Lý Thường Kiệt cho đọc bên sông Như Nguyệt, chỉ trong bốn câu mà đã có ba từ ghép là “tiệt nhiên”, “nghịch lỗ”, “bại hư” không thấy trong các từ điển thường dùng Trung Quốc như Từ nguyên, Từ hải. Cuốn từ điển Hán Việt mới sẽ ghi các từ ghép trên, cùng những từ khác như “Nam quốc”, “sơn hà”... kèm thí dụ lấy ở văn bản người Việt, và cả ở văn bản Trung Quốc nếu thấy cần (sẽ có ghi dấu hoa thị ở những từ điều coi như của riêng người Việt).

Ngoài ra, về mặt ghi âm đọc ở cuốn từ điển mới, chúng tôi thiết nghĩ:

- Sẽ ghi những âm đọc riêng của người Việt, như ở chữ “cạnh”, chữ “ngốc” nói trên.

- Đối với một số chữ Hán hiện được phiên âm khác nhau trên các từ điển của ta cần tiêu chuẩn hóa để thống nhất cách đọc, giúp cho việc xác định mặt chữ ở những văn bản phiên âm không có điều kiện kèm theo chữ Hán, có thể chua kèm thứ tự của chữ đồng âm được ghi ở cuốn từ điển này, giúp cho người đọc có thể xác định được chữ cần biết.

Một cuốn từ điển như vậy đòi hỏi công sức đầu tư không nhỏ.

Về việc ghi âm đọc, tuy chỉ có một số chữ có âm đọc chưa thống nhất, vẫn cần có một ban chuyên trách tiến hành việc tiêu chuẩn hóa.

Về việc thu thập các từ điều, cách giải thích, tìm thí dụ rút ra từ các văn bản Hán Nôm, việc làm phức tạp hơn nhiều. Cần rà soát lập phiếu cho hàng vạn từ điều, trên cơ sở đó, tiến hành dịch nghĩa và chọn thí dụ thích đáng. Thiết nghĩ nên phân loại các văn bản, chọn một số tiêu biểu nhất coi như thuộc loại A, để tiến hành rà soát và lập phiếu có phương pháp và triệt để. Trên cơ sở đó, có thể có một cuốn được công bố để phục vụ kịp thời và lấy ý kiến độc giả, trong khi vẫn tiến hành rà soát lấy tư liệu ở các văn bản thuộc loại B, loại C v.v... để sách này thêm hoàn chỉnh.

Theo thiển kiến, một công trình như vậy không thể thiếu sự chủ trì và lãnh đạo của Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong việc biên soạn. Đây sẽ là một đóng góp đáng kể trong việc giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của một dân tộc vẫn tự hào có một nền văn hiến lâu đời.

V.T.S

CHÚ THÍCH

(1) Xem bài Về những bài thơ Hán Nôm tự dịch của Nguyễn Khuyến, Tạp chí Hán Nôm số 2 - 1990.

* Trong bài này có dùng một số chữ viết tắt sau đây.

1 . Từ điển Tiếng Việt:

HTC: Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của - Sai Gon, 1896

KTTĐ: Việt Nam từ điển - Hội khai trí tiến đức - Hà Nội, 1931.

ĐDA: Hán Việt từ điển - Đào Duy Anh - Hà Nội, 1931.

TC: Hán Việt từ điển - Thiều Chửu. Sai Gon, 1966 (in lần 2).

TNg: Việt Nam tân từ điển - Thanh Nghị - Sai Gon, 1931.

HP: Từ điển Tiếng Việt - Hoàng Phê chủ biên - Hà Nội, 1992.

2. Từ điển chữ Hán:

TĐKH: Khang Hy từ điển, Tựa của Khang Hy, 1716.

TN: Từ nguyên - 1967.

TH: Từ hải - 1967.

ĐTĐ: Trung Hoa đại từ điển - Trung Hoa thư cục, 1951.

HN: Hán ngữ từ điển - Tân Hoa thư cục, 1957.

VVN: Vương Vân Ngũ Tứ giác đại từ điển - Thương Vụ ấn quán, 1930.

TVĐTĐ: Trung văn Đại từ điển, Đài Bắc, 1962-1968.

 

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ An, ngày 15.4.2018.

20171103 Phuong dinh Nguyen Van Sieu

Nguyễn Văn Siêu (阮文超)(1) là tác gia lớn của Việt Nam thế kỉ XIX trên nhiều lĩnh vực tư tưởng, địa lí, lịch sử… Đặc biệt là thơ văn, Nguyễn Văn Siêu để lại hơn 1000 bài thơ chữ Hán với 4 tập thơ Vạn Lí tập (萬里集),Anh ngôn tập (嚶言集),Lưu Lãm tập (流覽集),Mạn hứng tập (漫興集). Tập thơ Vạn lí được viết trên đường đi sứ Trung Hoa năm 1849, thể hiện tài hoa của “người học rộng giỏi thơ”(2), “nức tiếng bởi văn chương”(3). Tuy vậy, Vạn lí tập mới chỉ được nhắc tên, giới thiệu sơ lược trong vài tổng mục hoặc bài viết trên Tạp chí, sách báo… Trong bài viết này, chúng tôi cố gắng khảo sát tập thơ dưới góc độ văn bản học để xác định văn bản cơ sở và bổ khuyết, hiệu chính những điểm chưa hoàn thiện của văn bản cơ sở này.

1. Xác định thiện bản của thi tập

Vạn lí tập hiện còn 3 văn bản, gồm 1 bản khắc in Phương Đình vạn lí tập (方亭萬里集) và 2 bản viết tay là Sứ trình vạn lí tập (使程萬里集) và Bích viên tảo giám (璧垣藻鑑).

Vạn lí được in thành nhiều quyển từ một ván khắc (gồm các kí hiệu A.188/1-2, VHv.838/1-4, VHv.236/1-4, VHv.837/1-3, VHv.837/1-3, VHv.1833 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, và kí hiệu R.1217 tại Thư viện Quốc gia Hà Nội). Văn bản này gồm 75 tờ, in trên giấy dó, khổ sách 28 x 16cm.

Sứ trình mang kí hiệu A.2769 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, gồm 35 tờ, viết trên giấy dó, khổ sách 28 x 16cm.

Bích viên mang kí hiệu A.2589 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, gồm 79 tờ, viết trên giấy dó, khổ sách 28 x 16cm.

Chúng tôi xác định văn bản khắc in là thiện bản trong những dị bản hiện còn của thi tập vì sự ưu việt thể hiện ở những điểm sau:

1.1. Niên đại văn bản

Năm khắc in Vạn lí được xác định theo Phương Đình di tập tiểu dẫn(方亭遺集小引) thuộc Phương Đình tùy bút lục(方亭隨筆錄), mang kí hiệu VHv.22/1-4. Trong bài Tiểu dẫn, Tiến sĩ Vũ Nhự cho biết: “Hậu thập niên dư, sinh đẳng nãi khắc hợp bổng khai điêu, thủy đắc Tùy bút lục lục quyển, Địa chí ngũ quyển, Văn tập ngũ quyển, Thi tập tứ quyển // 後十年餘, 生等乃克合俸開雕, 始得隨筆錄六卷, 地志五卷, 文集五卷, 詩集四卷Sau hơn mười năm từ khi Nguyễn Văn Siêu mất, học trò góp sức khắc in sáng tác của ông, ban đầu được Tùy bút lục 6 quyển, Địa chí 5 quyển, Văn tập 5 quyển, Thi tập 4 quyển. Lạc khoản trong Tiểu dẫn ghi: “Hoàng triều Tự Đức vạn vạn niên chi tam thập ngũ tiểu xuân cốc nhật // 皇朝嗣德萬萬年之三十五小春穀日- Ngày tốt, tháng tiểu xuân, năm thứ 35 thời Tự Đức”. Như vậy, Phương Đình thi tập (bao gồm Vạn lí) được khắc in cùng Phương Đình văn loại, Phương Đình tùy bút, Phương Đình địa chí loại năm 1883.

Về mặt lí thuyết, “để có thiện bản, các nhà văn bản học đều nhận thấy nên chọn bản nào có niên đại gắn với thời đại tác giả nhất, đồng thời cũng thuận lợi cho việc nghiên cứu”(4). Chúng tôi cũng dựa vào chữ húy nhằm xác định thời gian ra đời của Sứ trình và Bích viên nhưng hiện tại chưa tìm được niên đại của 2 bản viết tay này. Bởi vậy, sự minh xác thời gian khắc in Vạn lí trở thành một phẩm chất để nhận định tính hoàn thiện của văn bản.

1.2. Hình thức văn bản

Về văn tự: Vạn lí được khắc in mỗi tờ 8 cột, mỗi cột 21 chữ. Sứ trình có khổ chữ không cố định, mỗi cột khoảng 30 chữ ở phần chính văn, khoảng 50 chữ ở phần tự dẫn, chú giải. Bích viên được viết mỗi tờ 10 cột, mỗi cột khoảng 30 đến 40 chữ.

Về hình thức trang trí: Sứ trình có khung trang nhưng không có đường kẻ cột, rốn sách. Bích viên không có khung trang, đường kẻ cột, rốn sách. Khung trang và đường kẻ cột của Vạn lí rõ nét. Rốn sách Vạn lí trang trí hình đuôi cá, phần trên đề nội dung gồm Phương Đình vạn lí tự (方亭萬里集序), Phương Đình Vạn lí mục lục (方亭萬里集目錄), Phương Đình vạn lí tập (方亭萬里集) và phần dưới đề số trang.

Về cấu trúc văn bản: Vạn lí thể hiện tính quy phạm của văn bản thi ca với ba phần, gồm bài tựa, mục lục, chính văn. Nhan đề mỗi bài thơ được trình bày trong cột riêng. Sứ trình không có mục lụcBích viên không có bài tựa và mục lục.

1.3. Về nội dung văn bản

Tính nguyên toàn là phẩm chất quan trọng để xác định “văn bản dùng làm việc tốt nhất, văn bản đầy đủ từ đầu chí cuối”(5). Vạn lí hoàn bị hơn Sứ trình và Bích viên ở bài tựa, số bài thơ, tựa dẫnvà chú giải.

Về bài tựaBích viên không có bài TựaBài tựa trong Vạn lí và Sứ trình đều có lạc khoản ghi: “Tự Đức tứ niên thu Cần Chính điện Đại học sĩ Đoan Trai Diên Phương Tẩu đề // 嗣德肆年秋勤政殿大學士端齋延芳叟題- Bài Tựa do Cần Chính điện Đại học sĩ Đoan Trai Diên Phương Tẩu viết vào mùa thu năm Tự Đức thứ 4”. Tuy nhiên, bài tựa trong Sứ trình bị mất một số câu do văn bản mục nát, có thể phục nguyên theo Vạn lí. Ngoài ra, câu văn “Huống tài tận Giang Yêm, hứa đa bút nghiên, trùng vi kỳ ý // 況才盡江淹, 許多筆研, 重違其意- Huống hồ, ta tài đã cạn kiệt như Giang Yêm(6), quen chuyện bút nghiên, thật là trái với lòng mong mỏi của ông ấy” không phù hợp với toàn văn bài tựa. Giang Yêm có tài năng thơ văn nhưng dần bị mai một, về già chẳng viết được câu nào đáng giá. “Tài tận Giang Yêm” trở thành điển chỉ bút lực cạn kiệt. Trong bài tựa, Trương Đăng Quế giải thích lí do dùng bài thơ đã tặng Phương Đình đề tựa cho thi tập. Phần này, Vạn lí khắc in như sau: “Cố, dư cận bão trầm kha, quyện ư thù thế, đồ hoài cổ đạo, vị cấu tư mĩ, phương hiền phụ báng, như hà như hà. Huống, tài tận Giang Yêm, hứa cửu bất lí bút nghiên, trùng vi kỳ ý. Nhân thủ tiền sở tặng thi ứng chi// 顧, 余近抱沈痾, 倦於酬世 , 徒懷古道, 未覯斯美, 妨賢負謗, 如何如何. 況才盡江淹, 許久不理筆研, 重違其意. 因取前所贈詩應之- Nhìn lại, tôi gần đây bị bệnh nặng, mệt mỏi với việc đối đáp ở đời, đau đáu trông ngóng đạo xưa, chưa thể hiểu thấu vẻ đẹp thi tập, e sợ bậc hiền tài chê trách. Chuyện như vậy biết làm thế nào! Huống hồ, tài của tôi đã cạn kiệt như Giang Yêm, lâu ngày chẳng luyện bút nghiên, thật trái với lòng mong mỏi. Tôi đành lấy thơ đã tặng ông trước đây để đáp lại tấm thịnh tình”.

Về số bài thơ: Vạn lí có 165 bài thơ. Sứ trình có 157 bài thơ, được bắt đầu bằng những câu: “Môn đình quế như nhân sấu, phúc ốc viên mai quá ngã kiều. Trân trọng thân lân lao vấn tấn. Hỉ kinh tự mộng thuộc thâm tiêu // 門亭桂如人瘦, 覆屋園梅過我喬. 珍重親鄰勞問訊, 喜驚似夢屬深宵). Đây là 4 câu cuối trong bài Bán dạ đáo gia (半夜到家 - Nửa đêm đến nhà). Sứ trình bị rách 5 bài đầu, có thể phục nguyên theo Vạn lí. Ngoài ra, Sứ trình không có ba bài thơ cuối so với Vạn lí.Bích viên(7) có 157 bài thơ trùng với Vạn lí và Sứ trình. 157 bài thơ rải rác và không theo lộ trình. Bích viên vẫn còn hiện tượng nhầm lẫn bài thơ. Bài Toàn Châu trừ tịch (全州除夕) trong Bích viên gồm 2 bài thất ngôn bát cú (Kì nhất, Kì nhị), 1 bài ngũ ngôn tứ tuyệt (Hựu ngũ ngôn), 1 bài thất ngôn lục cú (Kì tam). Kì thực, Toàn châu trừ tịch chỉ làmột bài thất ngôn bát cú. Một chùm thơ thường đề nhị thủ (hai bài), tam thủ (ba bài), tứ thủ (bốn bài)… nhưng Toàn Châu trừ tịch trong 3 văn bản đều không mang dấu hiệu này. Mặt khác, cách gọi kì nhất, kì nhị, hựu ngũ ngôn, kì tam thể hiện sự không nhất quán. Về nội dung, bài đầu tái hiện cảnh đón giao thừa của lữ khách còn 3 bài sau tả cảnh đêm thu (秋聲 - thu thanh), trăng sáng (月中圓 - nguyệt trúng viên), cảnh ban ngày (曠日 - khoáng nhật, 日晴 - nhật tình)… Chúng tôi đã xác định được 3 bài sau thuộc Lưu lãm tập tại trang 23a, 7b, 10a. Như vậy, số bài thơ trong Vạn lí đầy đủ và chính xác hơn Sứ trình và Bích viên.

Về tựa dẫn và chú giải: Bích viên không có phần tựa dẫn. Vạn lí và Sứ trình đều gồm 5 bài có tựa dẫn, 74 bài có chú giải. Tựa dẫn được đề hữu tự (có tựa), tịnh tự (gồm tựa), tịnh dẫn (gồm dẫn), đặt sau nhan đề bài thơ và trước nguyên tác, có độ dài từ vài cột đến gần 20 cột. Chú giải đặt sau nguyên tác bài thơ, có độ dài từ một 1 đến hơn 20 cột. Phần tự dẫn và chú giải trong Vạn lí và Sứ trình có trường hợp dị biệt từ ngữ, câu chữ nhưng không làm thay đổi nội dung tác phẩm. Đó là loại đảo vị trí thành tố cấu tạo từ như tả hữu (左右) - hữu tả (右左), Chẩn Dực (軫翼) -Dực Chẩn (翼軫)…; loại dùng từ đồng nghĩa nhưchâu bối (珠貝) -bảo bối (寶貝), cố (故) di (遺), cảm (敢) - năng (能), phạm (範) - quỹ (軌), lân hoàng (麟凰) - 麟鳳(lân phượng), đắc (得) - hoạch (擭); loại xuất nhập hư từ chi (之), các (各), vi (為), nhĩ (爾), yên (焉)…; loại xuất nhập danh từ mang trường nghĩa rộng sau danh từ riêng như lâu (樓), đài (臺), châu (州), huyện (縣)...Những trường hợp dị biệt còn lại trong tựa dẫn và chú giải chủ yếu cho thấy tính ưu việt của Vạn lí so với Sứ trình và Bích viên. Đó là những từ chỉ không gian như Tây nam ngung(西南隅- gò Tây nam) trong bài 8(8), Hồ Khẩu huyện(湖口縣- huyện Hồ Khẩu) trong bài 82, Miện Thủy (沔水- dòng Miện Thủy) trong bài 85; chỉ thời gian như ngũ thế(五世- đời thứ 5) trong bài 37, cập tam thế (及三世- đến đời thứ 3) trong bài 117; chỉ thư tịch như Chất Uẩn truyện(郅惲傳- truyện Chất Uẩn) trong bài 45, Nho Lâm truyện (儒林傳- truyện Nho Lâm) trong bài 123; giải thích về địa lí, lịch sử như Thông chí, Lãng Bạc tại Dung Huyện chi Dung Giang. Kim Ngô Châu chi Dung Huyện dữ Uất Lâm châu chi Bắc lưu// 通志, 浪泊在容縣之容江 . 今梧州之容縣與鬱林州之北流- Theo Thông chí, Lãng Bạc tại sông Dung của huyện Dung, nay thuộc Bắc lưu của huyện Dung thuộc Ngô Châu và châu Uất Lâm” trong bài 7, hay “Nhị Thế táng loạn, Triệu Đà vi Long Xuyên lệnh đại Ngao hành Nam Hải úy sự, tự xưng Nam Việt// 二世喪亂, 趙陀為龍川令代囂行南海尉事, 自稱南粵- Nhị Thế táng loạn, Triệu Đà là Lệnh ở Long Xuyên thay Nhâm Ngao xuống Nam Hải úy sự, tự xưng Nam Việt) trong bài 37, diệc danh Bách Trượng (亦名百丈- còn tên là Bách Trượng) trong bài 59, tự Mịch La để Thái Hồ do bách lí địa (自汨羅抵太湖猶百里地- từ Mịch La đến Thái Hồ khoảng 100 dặm) trong bài 81,tự Huỳnh Trạch chí Thiên Thừa hải khẩu trường sổ thiên lí(自滎澤至千乘海口長數千里- từ Huỳnh Trạch đến cửa biển Thiên Thừa dài vài ngàn dặm) trong bài 105… Nhìn chung, tựa dẫn và chú giải trong Vạn lí đầy đủ hơn Sứ trình và Bích viên.

Như vậy, Vạn lí hoàn chỉnh hơn Sứ trình và Bích viên ở cả bài tựa, số bài thơ, tựa dẫn và chú giải. Tính nguyên toàn của văn bản Vạn lí cùng với tính quy phạm về hình thức, tính minh xác niên đại trở thành những đặc điểm cơ bản để khẳng định Vạn lí là văn bản cơ sở của tập thơ được Nguyễn Văn Siêu sáng tác năm 1849.

2. Bổ khuyết, hiệu chính văn bản cơ sở

Vạn lí được xác định là thiện bản của trong các dị bản của thi tập. Tuy nhiên, văn bản này vẫn còn những hạn chế cần hoàn thiện, cụ thể là hiện tượng khắc in sót chữ và sai chữ.

2.1. Khắc in sót chữ

Chúng tôi xin bổ khuyết 2 trường hợp sau:

Về thời gian đỗ Phó bảng của Nguyễn Văn Siêu (tr.1a): Vạn lí và Sứ trình đều ghi Phương Đình đậu Phó bảng năm Minh Mệnh thứ 9 (舉明命九年副榜) nhưng thực ra Nguyễn Văn Siêu đậu Phó bảng năm 1838. Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỉquyển 190, từ trang 21 đến trang 23 khắc in về khoa thi Hội tháng 3 năm Mậu Tuất (1838). Trong khoa thi này, Nguyễn Văn Siêu đậu Phó bảng cùng 10 người. Quốc triều khoa bảng lục cũng ghi tên Nguyễn Văn Siêu tại phần Phó bảng, khoa Mậu Tuất, năm Minh Mệnh thứ 19 (副榜明命十九年戊戌科 - Phó bảng Minh Mệnh thập cửu niên Mậu Tuất khoa). Bia Thần đạo tại lăng mộ Phương Đình cho biết, Nguyễn Văn Siêu nhiều lần nhận được giấy chiêu hiền vào năm Ất Dậu đời Minh Mệnh (1825) nhưng sau hơn 10 năm ông mới đi thi và đậu Phó bảng khoa Mậu Tuất (1838). Trên thực tế, học vị Phó bảng bắt đầu được đặt ra năm thứ 10 đời Minh Mệnh (1829). Như vậy, Vạn lí đã khắc in sót chữ trong trường hợp này.

Trong bài số 55 (tr.33b), Vạn lí khắc in: …Sử quan bất dụng Xuân bút…(…史官不用春筆…). Câu này được Sứ trình viết: …Sử quan bất dụng Xuân Thu bút… (... 史官不用春秋筆…). Xuân Thu(春秋) viết theo thể biên niên, tương truyền Khổng Tử trước tác dựa vào sử nước Lỗ trong vòng hơn 200 năm từ đời Lỗ Ẩn Công nguyên niên đến Lỗ Ai Công năm thứ 14. Xuân Thu bút (春秋筆) ghi chép sự việc ngắn gọn, dùng chữ để khen chê (褒貶 - bao biếm). Phong cách này được sử dụng nhiều ở thời xưa. Ví như Tả truyện có thiên Trịnh Bá khắc Đoạn vu Yên (鄭伯克段于鄢- Trịnh Bá đánh thắng Cung ThúcĐoạn ở đất Yên). Thiên truyện có lời nhận định của Xuân ThuĐoạn bất đệ, cố bất ngôn “đệ”. Như nhị quân, cố viết “khắc”. Xưng Trịnh Bá, cơ thất giáo dã(段不弟, 故不言弟. 如二君, 故曰克. 稱鄭伯, 譏失教也Thái Thúc Đoạn không giống một người em cho nên không gọi là đệ. Họ giống như vua hai nước đánh nhau, cho nên nói khắc. Gọi Trang Công là Trịnh Bá vì có ý châm biếm ông ta không biết dạy em). Cách viết Xuân Thu ảnh hưởng đến lối viết sử đời sau. Vậy nên, trường hợp này dùng từ Xuân Thu bút(春秋筆) là phù hợp.

2.2. Khắc in sai chữ

Chúng tôi xin hiệu chính một số trường hợp sau:

Trong bài 1 (tr.8a), Vạn lí khắc in: vãn xuất đô môn ( (9) 晚出都門). Sứ trình khuyết bài này. Bích viên viết Bạc vãn xuất đô môn(箔晚出都門). Chúng tôi chưa tra cứu được chữ có hình thể như trong Vạn lí. Bích viên dùng chữ bạc (箔). Tuy nhiên, chữ bạc (箔) mang các nghĩa cái rèm, dụng cụ giống như cái rèm dùng nuôi tằm, miếng kim loại dát mỏng đều khó kết hợp với từ vãn (晚 - chiều tối, hoàng hôn). Có lẽ, câu thơ dùng chữ bạc(薄- gần, sắp). Bạc vãn (薄晚- chập tối) đối với minh triêu (明朝- sáng sớm) trong câu Minh triêubái tiện điện, bạc vãn xuất đô môn (明朝拜便殿, 薄晚出都門- Sáng sớm lạy tiện điện, chập tối rời kinh đô).

Trong các bài 12 (tr.13a), 19 (tr.16b), 31 (tr.21a), 38 (tr.25b), 62 (tr.35a), 75 (tr.41a), 80 (tr.42b), 154 (tr.71a), chữ bồng (蓬) được Vạn lí khắc in: Hà sự thôi bồng vũ (何事推蓬雨), Cục xúc lữ bồng trung (局促旅蓬中), Xuân vũ liên giang vãn hệ bồng (春雨連江晚繫蓬), Thôi bồng tần ngưỡng vọng (推蓬頻仰望), Sơn thuỷ đãn ư bồng lí khán (山水但於蓬裡看), Bồng song tứ diện Sở sơn sầu (蓬窗四面楚山愁), Sầu lí hệ chinh bồng (愁裡繫征蓬), Biển chu thức yết bồng song khán (扁舟試揭蓬窗看). Sứ trình viết chữ tương tự Vạn líBích viên khi viết bồng (蓬), khi viết bồng (篷). Bồng (蓬) là một loại cỏ bị bật rễ tứ tung khi thu về. Vậy nên, chữ bồng (蓬) cũng chỉ sự hỗn loạn như bồng tâm (蓬心- tâm không vững vàng, không chủ kiến), bồng thủ (蓬首- tóc rối), bồng lụy (蓬累- hỗn loạn)… Bồng (蓬)còn dùng để làm nhà nên để chỉ nhà nghèo, bần hàn như bồng môn (蓬門), bồng hộ (蓬戶). Bài Khách chí của Đỗ Phủ viết: 花徑不曾緣客掃, 蓬門今始為君開(Hoa kính bất tằng duyên khách tảo, bồng môn kim thủy vị quân khai - Đường hoa chưa từng duyên khách đến, nhà tranh giờ mới được đón ngài). Chữ bồng (蓬) và bồng (篷) không được dùng thông với nhau. Bồng (篷) là mái đan bằng lá để che mưa nắng như 車篷(xa bồng - mui xe), thường hoán dụ cho thuyền. Đỗ Mục viết trong bài Độc chước: 何如釣船雨, 篷底睡秋江(Hà như điếu thuyền vũ, bồng để thụy thu giang - Dường như mưa trên thuyền câu, dưới đáy thuyền sông thu ngủ). Các câu thơ trên của Phương Đình đều chỉ thuyền như bồng song (篷窗- cửa thuyền), lữ bồng (旅篷- thuyền khách), chinh bồng (征篷- thuyền đi xa), thôi bồng (推篷- đẩy mui thuyền)… Vì vậy, từ 篷(bồng) phù hợp với những tứ thơ này.

Trong bài 70 (tr.38a), Vạn lí khắc in Tiêu Tương giang thủy Ngô Khê tuyền(瀟湘江水吾溪泉). Sứ trình viết như Vạn líBích viênviết Tiêu Tương giang thủy Ngô Khê tuyền(瀟湘江水洖溪泉). Ngô(吾- đại từ nhân xưng) và Ngô (洖- địa danh) không được dùng thông. Nguyên Kết đặt tên cho dòng Ngô Khê(洖溪) tại Kì Dương khi viết Ngô Khê minh tự: Ngô Khê tại Tương Thủy chi nam, ái kì thắng dị toại gia khê bạn, khê thế vô danh xưng giả dã, vi tự ái chi cố mệnh viết Ngô Khê (洖溪在湘水之南, 愛其勝異遂家溪畔, 溪世無名稱者也, 為自愛之故命曰洖溪 -Ngô Khê ở phía Nam sông Tương. Ta vì say đắm cảnh đẹp mà làm nhà bên suối. Suối vốn chưa có tên, ta vì yêu mến mà gọi Ngô Khê). Ông còn xây Ngô Đài, dựng Ngô Đình bên suối. Ngô Khê, Ngô Đài, Ngô Đình trở thành Tam Ngô. Như vậy, địa danh Ngô Khê (洖溪) cần được hiệu chính trong câu thơ này.

Trong bài 117 (tr.59a), Vạn lí khắc in Trí sĩ năng hoàn bích (智士能完壁). Sứ trình và Bích viên viếtTrí sĩ năng hoàn bích(智士能完璧). Bích (壁) gồm các nghĩa tường vách, thành lũy doanh trại quân đội, vách núi thẳng đứng. Chữ bích (壁) vàbích (璧) không được dùng thông nhau.Theo Thuyết văn giải tự của Hứa Thận, bích (璧) gồm ngọc là hình phù và tích là thanh phù, chỉ loại ngọc có hình tròn, nhẵn, rỗng giữa thường dùng cho các dịp tế tự, triều lễ, tang lễ… biểu thị sự kính và tín. Bích (璧) trở thành mĩ từ như ngọc đường bích môn (玉堂璧門),bích đài (璧臺)… Ở đây, tác giả dụng điển hoàn bích quy Triệu(完璧歸趙)(10). Câu thơ dùng từ bích (璧) vì các nghĩa của bích (壁) không phù hợp.

Như vậy, tập thơ ra đời trên đường đi sứ năm 1849 của Nguyễn Văn Siêu hiện còn 1 bản khắc in Vạn lí tập, 2 bản viết tay là Sứ trình Vạn lí tập và Bích viên tảo giám. Khảo sát các phương diện tình trạng văn bản, niên đại, khổ chữ, bài tựa, số bài thơ, tự dẫn và chú giải… đều cho thấy văn bản khắc in Vạn lí tập là văn bản cơ sở với những ưu điểm như tính minh xác về niên đại, tính quy phạm về hình thức, tính nguyên toàn về nội dung. Tuy vậy, văn bản cơ sở này vẫn còn những chữ khắc in bị sót cần bổ khuyết và những chữ khắc in nhầm lẫn cần hiệu chính để trở thành một văn bản hoàn thiện hơn.

Chú thích:

(1) Nguyễn Văn Siêu (1799-1872): còn có tên là Định (定), tự là Tốn Ban (遜班), hiệu là Phương Đình (方亭)vàThọ Xương cư sĩ (壽昌居士), thụy là Chí Đạo (志道).

(2) Nguyên văn là: 富學工詩(phú học công thi).

(3) Nguyên văn là:以文學名 (dĩ văn học danh).

(4) Cơ sở văn bản học Hán Nôm, Ngô Đức Thọ - Trịnh Khắc Mạnh, Nxb. KHXH, H. 2007, tr.221.

(5) Cơ sở văn bản học Hán Nôm, Ngô Đức Thọ - Trịnh Khắc Mạnh, Sđd, tr.223

(6) Giang Yêm (444-505), tự Văn Thông, người Tế Dương, làm quan trải ba đời Tống, Tề, Lương thời Nam Triều.

(7) Bích viêngồm 439 bài thơ. Trong 439 bài có 297 bài trùng với bản khắc in Phương Đình thi loại(方亭詩類), 72 bài trùng với các bản viết tay Phương Đình tạp chí loại(方亭雜誌類) và Phương Đình thi tập(方亭詩集), 2 bài Tam Ngô kí ý (三梧記意) và Cung lục Lập Trai thiên kí (恭錄立齋篇記) không phải thơ. 68 bài còn lại thuộc loại tồn nghi. Xin xem chi tiết phần khảo sát này trong bài Sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Văn Siêu trên Tạp chí Hán Nôm số 1/2009.

(8) Thứ tự các bài thơ được sử dụng theo bản khắc in Vạn lý.

(9) Chữ có tự dạng gồm phần trên là 艹, phần dưới là 泊.

(10) Thời Chiến Quốc, Huệ Văn Vương nước Triệu được ngọc Hòa Thị. Tần Chiêu Vương gửi thư cho Huệ Vương nói sẽ lấy 15 thành để đổi ngọc Hòa Thị. Lạn Tương Như nói với Huệ Văn Vương: “Thần xin mang ngọc đi, nếu thành về Triệu thì ngọc ở lại đất Tần, bằng không sẽ đem ngọc quay về Triệu”. Tương Như vào Tần, thấy vua Tần được ngọc rồi lại không có ý trao thành bèn lập kế lấy lại ngọc và trở về Triệu. Về sau, hoàn bích quy Triệugọi tắt hoàn bích (完璧),bích hoàn (璧還),phụng Triệu (奉趙),quy Triệu (歸趙) trở thành điển để chỉ vật còn nguyên vẹn.

Tư liệu tham khảo

1.Bích viên tảo giám (璧垣藻鑑), A.2589, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN).

2.Phương Đình thi loại (方亭詩類), VHv.838/1-4, (VNCHN).

3.Sứ trình Vạn lí tập (使程萬里集), A.2769, (VNCHN).

4.Nguyễn Thị Thanh Chung: Sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Văn Siêu, Tạp chí Hán Nôm, số 1/2009, tr.41-47.

5.Nguyễn Thị Thanh Chung: Tìm hiểu về cuộc đời Nguyễn Văn Siêu, Kỉ yếu Thông báo Hán Nôm học năm 2009, tr.189-204.

6.Lí Lạc Nghị:Tìm về cội nguồn chữ Hán, Nxb. Thế giới, H. 1997.

7.Trần Nghĩa - François Gros: Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Nxb. KHXH, H. 1993.

8.Trần Lê Sáng: Thơ Nguyễn Văn SiêuTạp chí Hán Nôm, số 5/2006, tr.1-9.

9.Nguyễn Như Thiệp… , Nét bút thần của Nguyễn Văn Siêu - thi ca và lịch sử, Nxb. Tân Việt, 1944.

10.Ngô Đức Thọ: Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại, Nxb. Văn hóa, H. 1997.

11.Ngô Đức Thọ - Trịnh Khắc Mạnh: Cơ sở văn bản học Hán Nôm, Nxb. KHXH, H. 2007.

12.Tuyển tập văn thơ Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu: Trần Lê Sáng chủ biên, Nxb. Hà Nội, H. 2010./.

TS Nguyễn Thị Thanh Chung, TrườngĐại học Sư phạm Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 5 (114) 2012; tr.48 - 54

20180126 Dai Viet su ky

Các tài liệu khai quật khảo cổ ở Việt Nam đã cung cấp một số lượng lớn chứng cứ cho thấy rằng từ trước khi văn minh và văn hóa của người Hán truyền vào miền đất Bắc bộ Việt Nam ngày nay, ở khu vực này đã tồn tại một nền Văn minh sông Hồng mà đỉnh cao là Văn hóa Đông Sơn với những trống đồng nổi tiếng trên thế giới. Điều này đã được nhiều học giả quốc tế nhất trí công nhận(1).

Một số nhà nghiên cứu Việt Nam còn cho rằng đã từng có một hệ thống văn tự thuộc nền văn hóa Đông Sơn(2), tuy nhiên cho đến nay khoa học chưa đưa ra được những chứng cứ minh xác.

1. Một số học giả Trung Quốc và Việt Nam cho rằng đại để từ cuối đời Tần chữ Hán bắt đầu được truyền vào Bắc bộ Việt Nam(3). Trong Sử ký của Tư Mã Thiên (SKTMT) có ghi: “Năm thứ 33 (tức năm 214 TCN, - V.T.K) Tần Thủy Hoàng đưa những người thường trốn tránh, những người ở rể và những người đi buôn đánh lấy đất Lục Lương, lập thành các quận Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải; cho những người bị đi đày đến đấy canh giữ(4). Căn cứ đoạn ghi chép trên, có nhà nghiên cứu đã suy luận như sau: “… trong quá trình sống chung đụng với người Việt, họ nghiễm nhiên trở thành những sứ giả chở chữ Hán và tiếng Hán tới phương Nam(5)…” (chúng tôi nhấn mạnh - V.T.K).

Nhưng đó bất quá chỉ là một quá trình truyền lan khẩu ngữthường song hành với xâm lấn lãnh địa. Bức thư của Hoài Nam Vương Lưu An dâng lên can gián Hán Vũ Đế cất quân thảo phạt Mân Việt, có đoạn viết về việc quân Tần đánh chiếm đất Việt như sau: “Đời Tần sai quan Úy Đồ Thư qua đánh nước Việt, người Việt trốn vào rừng núi, đánh không được, đóng quân ở đám đất không, lâu ngày quân lính mệt mỏi, rồi người Việt ra đánh, quân lính Tần đại bại(6)…” Năm 214 mới đánh chiếm đất Việt, bị đại bại; 8 năm sau, 206 trước CN, nhà Tần đã diệt vong, vậy thời gian đâu mà truyền bá chữ Hán ? Vả lại, căn cứ Hán thư, Tượng Quận chưa chắc đã bao gồm cả Bắc bộ Việt Nam ngày nay(7)...”

2. Sau khi triều Tần diệt vong, Huyện lệnh huyện Long Xuyên quận Nam Hải Triệu Đà tỏ ra là một thủ lĩnh tài giỏi và khôn ngoan: ông ta vừa gây áp lực vừa lấy tiền bạc mua chuộc, chia rẽ các Lạc tướng, rốt cuộc đánh bại thủ lĩnh Âu Lạc An Dương Vương, chiếm nốt 2 quận Quế Lâm và Tượng Quận (SKTMT. T.2, tr.374), lập ra nước Nam Việt (năm 201-111 TCN), với biên cương gồm cả miền Bắc bộ và Bắc Trung bộ Việt Nam ngày nay. (ĐVSKTT. Tập 1, tr.138-139). Chỉ đến thời kỳ này chữ Hán (chứ không chỉ tiếng Hán) mới thực sự được truyền bá. Những nhân tố chủ yếu đã thúc đẩy quá trình này là:

2.1. Đã nảy sinh nhu cầu khách quan về sử dụng chữ Hán. Thông qua việc dùng các hào trưởng địa phương. Triệu Đà đã thiết lập được một hệ thống chính quyền từ trung ương vươn tới các địa phương: các sử gia Việt Nam, dẫn sách Thủy kinh chú, khẳng định rằng dưới triều đại Nam Việt các Lạc tướng vẫn cai trị dân như xưa(8). Điều này cũng phù hợp với các sử liệu của Trung Hoa: Thái thú Hợp Phố và Giao Chỉ dưới triều Ngô Hoàng Vũ (231 SCN) là Tiết Tống thừa nhận rằng ngay cả ngót trăm năm từ sau Triệu Đà đến thời các Thái thú Tích Quang và Nhâm Diên (111 TCN - 29 SCN) tại đất Nam Việt “[dẫu] Hiếu Vũ Đế đời Hán giết Lữ Gia, mở chín quận, đặt Giao Chỉ Thứ sử để thống trị, [nhưng] sông núi dài mà xa, dân không biết lễ nghĩa [tức không theo Hán hóa!], dù có đặt quan cai trị [là người Hán], [thì] có cũng như không” (ANCL, tr.132; toàn văn nguyên bản chữ Hán tr.424-425, các từ trong ngoặc vuông góc là của chúng tôi thêm để nhấn mạnh - V.T.K). Vậy thì hệ thống chính quyền của Triệu Đà từ triều đình trung ương, gồm người Hán và người Việt (tài liệu Trung Quốc viết: “Việt nhân Thừa tướng Lữ Gia”), đến các địa phương, chỉ toàn các hào trưởng người Việt, đương nhiên cần có một hệ thống văn tự làm công cụ điều hành, chính vì thế” các vua Nam Việt phải đào tạo một số người bản xứ viết được chữ Hán(9)…

  1. 2. Nhân tố thứ hai, chưa thấy được đề cập, là: thuở ấy ở Việt Nam đã xuất hiện một số điều kiện thuận lợi cho sự truyền bá chữ Hán. Triệu Đà đã kết thông gia với thủ lĩnh Âu Lạc; theo truyền thuyết, con trai Triệu Đà lấy con gái An Dương Vương Mỵ Châu. Truyền thuyết chưa phải là lịch sử, nhưng có thể phản ánh một số thực tế: những phát hiện khảo cổ học ở thành Cổ Loa gần Hà Nội (mấy vạn mũi tên đồng) chứng minh rằng truyền thuyết về nỏ thần và cuộc hôn nhân của Mỵ Châu có cơ sở thực tế nhất định. Hơn nữa, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của dân Việt để xưng đế một phương, Triệu Đà đã chủ động thích ứng với phong tục tập quán của người Việt: trong thư dâng Hán Vũ Đế, Triệu Đà viết: “Lão phu ở đất Việt đã 49 năm, hiện đương bồng cháu” (ANCL, tr.154); khi Lục Giả, sứ thần Hán Cao Đế đến triều đình Nam Việt, Đà “xõa tóc, ngồi chò hõ [tức ngồi chồm hỗm] mà tiếp” [tức theo phong tục của người Việt!], Giả trách Đà “phản thiên tính [tức phản lại bản tính là người Hán]” thì Nam Việt Vương trả lời tưởng như chất phác nhưng có thâm ý: “Tôi ở trong xứ mọi rợ lâu ngày, quên hết lễ nghĩa rồi [tức quên phong tục người Hán]” (ANCL, tr.101-102; nguyên bản chữ Hán tr.404). Gần đây một số nhà nghiên cứu ở Trung Quốc cũng khẳng định Triệu Đà “thúc đẩy chính sách dân tộc “hòa tập Bách Việt”, xúc tiến quá trình dung hợp dân tộc Hán-Việt và phát triển kinh tế-văn hóa(10). Vệ Dương hầu Kiến Đức, cháu năm đời của Triệu Đà, theo ĐVSKTT, có mẹ là người Việt (SKTMT viết: vợ); chính vì vậy khi Thái hậu Cù Thị, vốn người Hán quê Hàm Đan, gian dâm với sứ giả nhà Hán rồi cùng với con trai dòng dõi Hán là Triệu Ai Vương, âm mưu đem Nam Việt thần thuộc Trung Hoa do đó bị “Việt nhân” Lữ Gia “làm Thừa tướng 3 đời vua <…>. Con giai lấy con gái vua, con gái lấy con giai, anh em tôn thất của vua <…>; ở trong nước rất được tôn trọng, người Việt tin ông” (SKTMT, T.II, tr.377), giết chết cùng Ai Vương, thì quần thần đã lập Kiến Đức làm Nam Việt Vương để tổ chức cuộc kháng chiến đầu tiên của người Việt chống đế quốc Hán xâm lăng (SKTMT, Nam Việt úy Đà liệt truyện, T.II, tr.270-380). Có thể nói: họ Triệu và họ Lữ là những đại biểu sớm nhất của các dòng họ cổ đại hòa trộn hai huyết thống Việt và Hoa được sử sách ghi nhận, tức cũng xác nhận lúc ấy ở đất Việt đã hình thành một nhân tố mới, thúc đẩy sự truyền bá chữ Hán và giao lưu văn hóa Trung - Việt. Không phải ngẫu nhiên ngày nay, tại một số địa phương Việt Nam vẫn còn đền thờ Triệu Đà và Lữ Gia(*).

3. Song, vương triều Triệu Đà, tuy được người Việt ủng hộ, nhưng lực lượng bản thân còn quá yếu nên cuối cùng đã bị đại đế quốc Hán tiêu diệt. Về quá trình truyền bá chữ Hán ở thời kỳ sau đó, các nhà nghiên cứu ở cả hai nước Việt, Trung đã khảo cứu tường tận và đầy đủ, khỏi phải bàn nhiều. Chúng tôi chỉ xin lưu ý một sự thực là: tuy một số vị Thái thú và Nho gia Trung Hoa đã có nhiều cố gắng và đóng góp cho công cuộc mở trường dạy chữ tại thời kỳ này (Sĩ Nhiếp [187-226] còn được tôn làm Nam Giao học tổ), tuy một số triều đình Trung Hoa đã thực hiện chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, thế nhưng trong hơn nghìn năm Bắc thuộc (từ 111 TCN đến 938 SCN), những người Việt đỗ đạt và được làm quan vẫn lác đác như lá mùa thu, trước tác bằng chữ Hán của các học giả đất Giao Châu trong hơn nghìn năm đếm chưa hết mười đầu ngón tay (Sưu tầm và khảo luận…, các nguyên bản chữ Hán, tr.205-365). Chúng tôi bất giác băn khoăn: phải chăng trong thời kỳ Bắc thuộc, chữ Hán ở Giao Châu mới chủ yếu được truyền bá giữa cộng đồng người Hoa tỵ nạn, các quan viên người Hán và bộ phận người Việt cộng tác với họ? Phải chăng với chức năng làm công cụ Hán hóa và bị bắt buộc phải học, chữ Hán đã bị người Việt quyết liệt phản đối nên khó được truyền bá rộng rãi?

4. Nhưng bất luận thế nào, trong suốt cả thời kỳ Bắc thuộc dài lâu, qua quá trình đấu tranh để bảo tồn tiếng Việt và bản sắc văn hóa Việt cũng đã hình thành 3 tiền đề tối quan trọng cho việc truyền bá rộng rãi Hán tự ở thời kỳ sau, khi Việt Nam xây dựng quốc gia độc lập.

4.1. Trong quá trình tiếp xúc dài lâu với văn hóa Trung Hoa và Hán tự, người Việt đã dần dần nhận thức được mặt ưu việt của các thiết chế tư tưởng - chính trị của Nho giáo, nên từ thái độ chống đối đã chuyển sang tâm thế tự nguyện tiếp nhận, hơn thế nữa đã từng thử nghiệm các thiết chế đó như trong nước Vạn Xuân độc lập (541-602) do Lý Nam Đế khởi dựng, hay trong thời chính quyền tự chủ (907-937) do Hào trưởng đất Hồng Châu (Hải Dương) Khúc Thừa Dụ chớp thời cơ nhà Đường tan rã mà thiết lập.

4.2 Từ giai đoạn gọi là Bắc thuộc lần thứ hai (43-544) bắt đầu quá trình Việt hóa tiếng Hán cho phù hợp với hệ thống ngữ âm tiếng Việt, đến cuối đời Đường (TK. VIII - IX) đã hình thành hệ thống phát âm Hán Việt, tuy nhiên, không sử dụng trong giao tiếp khẩu ngữ, mà chỉ dùng để tuyên đọc các sắc phong hoặc sáng tác và ngâm đọc thơ văn chữ Hán(11). Hệ thống âm Hán Việt là một thành tựu rất quan trọng của quá trình Việt hóa tiếng Hán, tạo điều kiện cho người Việt tiếp thu một số lượng lớn từ Hán biểu thị các khái niệm tư tưởng và văn hóa. Chính vì ý thức rõ tầm quan trọng ấy nên có lần sứ thần Trung Hoa yêu cầu tuyên đọc sắc phong của Hoàng đế Trung Hoa bằng âm Hán thuần túy, triều đình Việt Nam đã khước từ, kiên quyết bảo vệ cách tuyên đọc bằng âm Hán Việt như ngôn ngữ quan phương của một quốc gia độc lập(12).

Hiện nay ở Việt Nam vẫn còn không ít người tuy không biết tiếng Trung Quốc, cũng chẳng thông thạo chữ Hán, nhưng vẫn dùng được âm Hán Việt sáng tác thơ Đường luật và câu đối.

4.3 Như đã nói ở trên, họ Triệu và họ Lữ (Lã) là những đại biểu sớm nhất của các gia tộc dòng dõi Việt - Hoa được sử sách của Trung Hoa và Việt Nam ghi nhận. Từ đó về sau đã xuất hiện hàng loạt gia tộc hòa hợp hai huyết thống như vậy: các tội nhân, học giả và quan lại Trung Hoa tị nạn hoặc hưu trí, muốn cư trú trên đất Việt chỉ việc lấy vợ Việt là có thể dễ dàng nhập tịch làng Việt. Trong quá trình chung sống dài lâu các gia tộc hỗn huyết này tự nhiên dung hợp hai nền văn hóa Hoa và Việt, trở thành những nhịp cầu giao lưu văn hóa Trung - Việt. Họ tham dự mọi công việc trong làng, kể cả các tổ chức và lễ nghi tôn giáo, tín ngưỡng tại làng Việt, như có thể thấy trong bài minh khắc năm 798 đời nhà Tùy trên chuông Thanh Mai ở Thanh Oai, Hà Tây(13). Và đương nhiên những người Hoa có văn hóa đã mở trường dạy chữ Hán vì nghề thầy được trọng vọng trong làng xã xưa kia. Sau vài ba đời họ thành người Việt, có những người nhờ vốn có tố chất văn hóa và trình độ tổ chức cao còn trở thành thủ lĩnh, chẳng hạn như Lý Bôn (Lý Nam Đế), “tổ tiên là người Bắc, cuối đời Tây Hán, khổ về việc đánh dẹp mới tránh sang ở đất phương Nam, được 7 đời thì thành người Nam (ĐVSKTT, T.I, tr.178”).

5. Quá trình Việt hóa này sử sách không viết tường tận, nhưng gia phả một số dòng họ có ghi chép.

Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội còn lưu trữ một số bản Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích. Bộ tộc phả này do bốn vị Nho gia họ Vũ có khoa danh từ sinh đồ (tức Tú tài) đến Tiến sĩ biên soạn trong 3 năm trời, căn cứ vào bản phả đồ cổ từ thế kỷ XVI và các văn bia thế kỷ XVI - XVII, hoàn thành vào năm 1769, ghi được từ cuối thế kỷ XIII đến thời các soạn giả sống, các hậu duệ ghi tiếp đến nửa sau thế kỷ XIX(14). Theo bộ tộc phả, dòng họ Vũ này "phát tích" ở xã Mộ Trạch huyện Đường An đất Giao Châu xưa, nay là thôn Mộ Trạch xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương. Nhưng về vị Thủy tổ sáng lập dòng họ và làng Mộ Trạch, phả ghi ông "là người huyện Long Xuyên tỉnh Phúc Kiến bên Trung Quốc, năm đầu niên hiệu Bảo Lịch [825] đời Đường Kính Tông thay Hàn Thiều làm Thứ sử Giao Châu; năm thứ 3 niên hiệu Hội Xương [843] được thăng làm Đô hộ sứ An Nam". Về Vũ Hồn sử sách Trung Quốc và Việt Nam chỉ ghi rất vắn tắt. Tập hợp thông tin trong các bộ sử chính của chính nhà Đường biên soạn trong thế kỷ XI là Tân Đường thư (vẻn vẹn 11 Hán tự) và Tư trị thông giám (35 Hán tự)(15), Đại Việt sử ký toàn thư (1497) viết về Vũ Hồn chi tiết hơn Việt sử lược (thế kỷ XII - XIII) và An Nam chí lược (1333), cũng chưa được dăm dòng: "Tân Dậu (Hội Xương năm thứ 1 [841] đời Đường Vũ Tông) nhà Đường xuống chiếu lấy Vũ Hồn làm Kinh lược sứ thay Hàn Ước. Quý Hợi (Hội Xương năm thứ 3 [843] Kinh lược sứ Vũ Hồn sai tướng sĩ đắp phủ thành, tướng sĩ làm loạn, đốt lầu thành, cướp kho phủ, Vũ Hồn chạy về Quảng Châu, Giám quân Đoàn Sĩ Tắc vỗ về yên bọn phản loạn". Khâm định Việt sử thông giám cương mục (thế kỷ XIX) không thêm được gì mới, chỉ đính chính rằng Vũ Hồn kế nhiệm không phải Hàn Ước mà là Mã Thực.

Thần tích làng Mộ Trạch thêm rằng sau khi từ quan, Vũ Hồn ở lại An Nam, chọn đất lập ấp Khả Mộ (sau sát nhập với thôn Trằm Trạch thành làng Mộ Trạch), mở trường dạy học (đương nhiên là dạy chữ Hán !), sau khi chết được dân thờ làm Thành hoàng.

Về thân thế Vũ Hồn có nhiều vấn đề(16), cũng còn không ít điều mơ hồ, thật hư lẫn lộn, khó có thể giải đáp nếu không có sự tham gia nghiên cứu của giới gia phả học Trung Quốc, đặc biệt là của các đại diện họ Vũ ở Trung Hoa. Tuy nhiên đã có thể khẳng định rằng: vị An Nam Đô hộ sứ này (thực ra, theo sử Trung Quốc và Việt Nam, là Kinh lược sứ) chẳng những không Hán hóa nổi dân Việt mà bản thân đã bị Việt hóa. Gia tộc hỗn huyết Việt - Hoa và dung hợp hai nền văn hóa Trung-Việt của ông đến thời trung cổ đã phát triển rực rỡ phi thường, có những cống hiến to lớn đối với công cuộc truyền bá chữ Hán và giao lưu văn hóa Việt- Trung. Căn cứ các sử liệu và bộ tộc phả nói trên, có thể ghi nhận:

5.1 Trong gia tộc này, với nhân khẩu 1764 người (chắc phải nhiều hơn vì gia phả xưa thường không ghi đầy đủ các nhân vật thuộc nữ giới) có đến hơn 1/4 có trình độ Hán học từ sơ cấp đến đại học, cho phép họ tham gia các cấp chính quyền từ Trưởng thôn đến Thượng thư, Tể tướng, trong số đó 25 vị đỗ đại khoa (Thái học sinh, Tiến sĩ), 241 Hương cống (Cử nhân) và Sinh đồ (Tú tài). Không ít phụ nữ trong dòng họ Vũ này cũng tinh thông Hán học, chẳng hạn như về bà Vũ Thị Liên, chắt nội của Tể tướng Vũ Duy Chí (1605-1679), phả viết: "không gì là không biết, rất giỏi nghề y dược, cứu sống nhiều người”.)

5.2. Riêng một dòng họ Vũ này đã có 46 người mở các ngôi trường dạy chữ Hán trong các thôn làng, có trường đông tới cả ngàn sĩ tử, trong đó hàng chục người đỗ Tiến sĩ còn lưu danh trong Đăng khoa lục. Một số người khác được cử giữ các chức học quan như Nhập thị kinh diên (hầu giảng kinh sách cho vua chúa), Giảng dụ (dạy ở Quốc tử giám), Đốc học, Huấn đạo (dạy ở các trường công của phủ, huyện). Đặc biệt có mấy cặp vợ chồng cùng giảng học như gia đình Hương cống Vũ Công Tương, chồng dạy đại học, vợ dạy tiểu học.

5.3. Có nhiều vị trước tác các công trình khoa học, lịch sử và thơ văn bằng chữ Hán. Ví dụ: Hoàng giáp Vũ Hữu (1441-1511; Hà Nội vừa mới lấy tên ông đặt cho một đường phố), người tính toán việc trùng tu thành Thăng Long trong thế kỷ XV, soạn các sách Đại thành toán pháp và Phép mới đo đạc ruộng đất; Hoàng giáp Vũ Quỳnh (1453-1511) biên soạn bộ sử Đại Việt thông giám thông khảovà biên tập truyện kí Lĩnh Nam chích quái (Lượm lặt những chuyện kì quái ở cõi Lĩnh Nam); Hoàng giáp Vũ Cán (1475-?) "từng chia khu vườn nhà thành 8 cảnh, ngày ngày cùng các em làm thơ, gặp cảnh vật gì cũng tùy hứng ngâm vịnh, tổng cộng có đến hơn nghìn bài; chơi thân với Trạng Trình [Nguyễn Bỉnh Khiêm], có nhiều thơ xướng họa qua lại.

5.4. Một số nhân vật trong dòng họ này từng trực tiếp tham gia các hoạt động bang giao Trung - Việt; hoặc được cử làm sứ thần sang triều đình Trung Hoa, như các Tiến sĩ Vũ Duy Hài (1629-1685), Vũ Công Đạo (1630-1715), Vũ Huy Đĩnh (1730-1789), con trai Huy Đĩnh là Giải nguyên Vũ Huy Tấn (1749-1800), nhà ngoại giao xuất sắc dưới triều Tây Sơn. Có người như Tiến sĩ Vũ Đình Ân, năm 1726 được cử sang nhà Thanh giải quyết vấn đề biên giới, chỉ bằng tranh biện hợp lí hợp tình mà khiến Hoàng đế Trung Hoa chấp thuận trả cho Việt Nam 80 dặm trong số 120 dặm trước đó đã bị bọn thổ phỉ quan địa phương lấn chiếm nhân cơ hội hậu duệ của Vũ Duy Mật bỏ trốn sang Vân Nam (KĐVSTGCM, Tập 2, tr.457). Tiến sĩ Vũ Duy Đoán (1625-1684), được cử nghênh tiếp sứ bộ phương Bắc, chỉ bằng học vấn và tài thơ đã tranh thủ được sự nể trọng của sứ thần là Thám hoa Trung Quốc Ngô Thế Vinh, như trong phả chép: "Vào niên hiệu Dương Đức [1672-1673] có sứ thần phương Bắc tới, ông được cử làm quan tiếp đón, đã cùng sứ Bắc xướng họa từ bến Nhĩ Hà đến cửa điện, ứng khẩu đối đáp hơn hai chục bài, khiến sứ Bắc rất kính trọng. Hôm Bộ Lễ thết yến, sứ Bắc giữa tiệc cứ đòi thêm rượu, ông liền ngâm một bài tứ tuyệt:

“Sứ Ngô khỏe tựa quế trăm đời

Công chuyện vừa xong, công quán rời

No đạo ta rồi thừa hứng thú

Cớ chi còn hỏi chén đầy vơi.”

Cuối cùng để kết luận, chúng tôi muốn dẫn ở đây câu đối do Tiến sĩ Vũ Tông Phan (1800-1851) soạn, từng treo tại Văn chỉ (khánh thành năm 1838) thờ chư vị tiên hiền của huyện Thọ Xương Hà Nội:

“Cựu bang văn nhã truyền tiên tiến

Cổ đạo nghi hình địch hậu sinh”(17)

Tạm dịch: Phong văn nước cũ truyền người trước - Mực thước đạo xưa dẫn kẻ sau.

Vị danh sư sáng lập trường Hồ Đình ven Hồ Hoàn Kiếm dường như tổng kết kinh nghiệm thực tế của dòng họ Vũ và các dòng họ dòng dõi Việt - Hoa cổ đại khác, đã đời nối đời dung hợp hai nền văn hóa Trung - Việt, để đề xuất chủ trương chấn hưng văn hóa - giáo dục Hà Nội hồi đầu thế kỷ XIX, đó là: đem thuần phong mỹ tục của nước Việt thời xưa kết hợp với các chuẩn mực đạo Nho cổ đại (chứ không phải Tống Nho), lấy Nhân nghĩa, mà cái gốc là trung với dân (trung ư dân - Vũ Tông Phan, văn bia trùng tu Miếu Hỏa thần [1841], 30 Hàng Điếu - Hà Nội), chứ không phải "trung quân"!- làm nền tảng(18).

* Đề cương bài này đã công bố trong Kỷ yếu Hán tự truyền bá kí Trung - Việt giao lưu quốc tế học thuật nghiên thảo hội. Luận văn đề yếu / toàn văn. Thâm Quyến, 19-21/12/2003. Thương vụ ấn quán, tr.55.

Tài liệu tham khảo

(1) - Solheim II W.G: New Light on Forgotten Past. - "National Georaphic", 1971, Vol.139, No3

- Chesnov Ja.V.: Istoricheskaia etnograpia Indokitaia (tiếng Nga). Moskva 1976.

- Taylor Keith W: The Birth of Vietnam - Berkely, University of California Press, 1983; "Introduction" dịch sang tiếng Việt, đăng trong Tạp chí Xưa & Nay, số 70, tháng 12/1999, dưới đầu đề "Sự đi tìm bản sắc Việt Nam dưới thời Bắc thuộc".

(2) Đặng Đức Siêu: Ngữ văn Hán Nôm, Nxb. Giáo dục, H. 1987, Tập I, tr.21 (đoạn trích Tiền Hán thư).

- Trương Vĩnh Ký: Sách mẹo An Nam- Sài Gòn 1867.

- Vương Duy Trinh: Thanh Hóa quan phong (tiếng Hán, 1903). Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu VHv.1370.

- Hà Văn Tấn: Dấu vết một hệ thống chữ viết trước Hán và khác Hán ở Việt Nam và nam Trung Quốc. Tạp chí Khảo cổ học, số 1, 1982, tr.31-46.

(3) Chu Khánh Sinh: Tòng sơ thủy đáo thịnh hànhHán tự đích đông hướng truyền bá (tiếng Hán) trong sách Hán tự đích ứng dụng dữ truyền bá, - Triệu Lệ Minh & Hoàng Quốc Doanh biên, Hoa ngữ giáo học xuất bản xã, Bắc Kinh 2000, tr.106-129.

- Trần Nghĩa: Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỉ X, Nxb. Thế giới, H. 2000, tr.52-55. Tại hội thảo Thâm Quyến nói trên, PGS. Trần Nghĩa trong tham luận (chưa kịp gửi đăng Kỷ yếu hội nghị) bắt đầu nghi vấn quan điểm cho rằng chữ Hán bắt đầu truyền vào đất Lạc Việt từ đời Tần. Mới đây, trong tham luận tại Hội thảo quốc tế về Nho giáo ở Việt Nam, do Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam và Viện Harvard-Yenching Hoa Kỳ đồng tổ chức tại Hà Nội vào 17-18/12/2004, PGS. Trần Nghĩa cũng đã khẳng định rằng chữ Hán mới thực sự du nhập vào Việt Nam từ thời Triệu Đà. Xin xem thêm Kỷ yếu cùng tên của Hội thảo Hà Nội, 2004, tr.227.

(4) Sử ký Tư Mã Thiên (SKTMT). Phan Ngọc dịch. Nxb. Văn học, H. 1988, Tập I, tr.48.

(5) Trần Nghĩa: Sđd, tr.55.

(6) Lê Tắc: An Nam chí lược (ANCL). Nhóm GS. Trần Kinh Hòa dịch, GS. Chương Thâu giới thiệu, Nxb. Thuận Hóa & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, H. 2002, tr.129; toàn văn nguyên bản chữ Hán tr.421-423.

(7) Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), Nxb. KHXH, H. 1998, Tập I, tr.138, chú thích (3).

(8) Khâm định Việt sử thông giám cương mục (KĐVSTGCM), Nxb. Giáo dục, H. 1998, Tập I, tr.89 và 107.

(9) Trần Nghĩa: Sđd, tr.56.

(10) Hạ Anh Hào & Vương Văn Kiến: Lĩnh Nam chi quang (Nam Việt Vương mộ khảo cổ đại phát hiện). Triết Giang Văn nghệ xuất bản xã, 2002, tr.4.

(11) Nguyễn Tài Cẩn: Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt.- Nxb. KHXH, H. 1979.

(12) Đặng Đức Siêu, Sđd, Tập I, tr.36.

(13) Epigraphie en Chinois du Vietnam. Vol. I.- E.F.E.O. & Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Paris – H. 1998, tr.16-26.

(14) - Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích, A.3132.

Mộ Trạch Vũ tộc ngũ chi phả, A.659.

- Mộ Trạch Vũ tộc bát phái phả, A.660.

Vũ tộc bát phái đồ phả, A.3137. Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội.

(15) Vũ Thế Khôi: Lược khảo về bộ tộc phả họ Vũ làng Mộ Trạch. Trong sách Vũ tộc thế hệ sự tích, Nxb. Thế giới, H. 2004, tr.13-56.

(16) Vũ Thế Khôi: Vũ Hồn không phải là người họ Vũ đầu tiên đến Việt NamKỷ yếu Thông báo Hán Nôm học 2002, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, H. 2003, tr.257-268.

(17) Vũ Thế Khôi (chủ biên): Vũ Tông Phan với văn hóa Thăng Long - Hà Nội - Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, H. 2001, tr.254-255.

(18) Vũ Thế Khôi: Người khởi xướng chấn hưng văn hóa Thăng Long. Tạp chí Văn hiến Việt Nam, số 5/2001./.

Vũ Thế Khôi, TS. ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (76) 2006, tr.58-64; phiên bản trực tuyến

20171019 Minh PhuongChị Phượng, anh Minh và con gái (từ trái qua) trong một hoạt động của khoa Văn học. Ảnh: Minh Phượng

Anh Minh và chị Phượng trở thành hai thạc sĩ Hán Nôm đầu tiên của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM.

Anh Hồ Ngọc Minh và chị Lý Hồng Phượng là hai học viên tốt nghiệp lớp cao học Hán Nôm đầu tiên của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM). 

Ngày 21/8, anh Minh bảo vệ luận văn Nghiên cứu và phiên dịch tác phẩm "Mỗi hoài ngâm thảo" của Hà Đình Nguyễn Thuật do TS Lê Quang Trường hướng dẫn; chị Phượng với đề tài Chữ Nôm Nam Bộ qua khảo sát tác phẩm "Kim cổ kỳ quan" của Nguyễn Văn Thới do TS Nguyễn Ngọc Quận hướng dẫn.

Cả hai luận văn được Hội đồng đánh giá là công phu, có trình độ và đều đạt 9,5 điểm. Hôm đó cũng là dịp kỷ niệm 10 ngày cưới của họ.

Hoàn thành cao học, anh chị rất vui bởi tạm thời đã vượt qua được chặng đường mới. "Niềm vui giống như hồi tốt nghiệp đại học, thấy mình còn quá nhiều việc phải làm, quá nhiều thứ phải tiếp tục cải thiện", anh Minh chia sẻ.

Theo gia đình vào Khánh Hòa sống từ nhỏ, thỉnh thoảng anh Minh mới có dịp về quê Thanh Hóa. Ông nội biết chữ Nôm, mỗi dịp về quê đều được ông đem gia phả dòng họ bằng văn tự này ra cho xem và đọc cho nghe. Dù chưa hiểu gì nhưng cậu bé Minh bắt đầu tò mò về loại chữ "trông loằng ngoằng như giun".

Đầu năm 2000, anh thi đậu đại học, theo ngành Ngữ văn và Báo chí. Đến học kỳ thứ ba trước khi phân ngành, anh được học môn Chữ Nôm cơ sở do TS Nguyễn Ngọc Quận giảng dạy. "Đó là môn đầu tiên, cũng là duy nhất hồi đại học tôi rớt nên khá buồn. Tự nghĩ môn này có gì khó đâu mà mình lại rớt, thế là tôi quyết theo học chuyên ngành Hán Nôm để chinh phục nó", anh kể.

Thêm nữa, sinh viên theo theo học ngành Hán Nôm sẽ được miễn học phí, vừa được nhận học bổng nếu đạt kết quả tốt. Nhà nghèo, sinh hoạt ở Sài Gòn đắt đỏ nên với cậu sinh viên ngày đó, điều này càng thêm phần hấp dẫn.

Chị Phượng học cùng ngành với anh Minh nhưng sau một lớp. Vốn thích tìm hiểu sử Việt, nên khi phân ngành chị đã chọn Hán Nôm. 

Thời còn ngồi ghế giảng đường đại học, họ chưa để ý đến nhau, chỉ xem nhau là bạn đồng môn. Sau đó cả hai thường gặp gỡ mỗi năm ngành Hán Nôm tổ chức họp mặt truyền thống, lớp trước đón lớp sau, cùng chia sẻ kinh nghiệm học tập... Khi đó, cả hai mới quyết định tìm hiểu và tiến tới hôn nhân.

Người chồng sau đó học thêm nghề thuốc đông y, vừa bốc thuốc vừa làm một số dự án liên quan đến chữ Hán, còn người vợ làm ở một công ty phần mềm về từ điển. Cả hai đều muốn học lên cao để vững vàng hơn trong ngành, song muốn học thạc sĩ Hán Nôm phải ra Hà Nội nên họ tạm gác lại giấc mơ.

Ba năm trước, khi Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM khai giảng khóa cao học Hán Nôm, vợ chồng anh cùng đăng ký. Học Hán Nôm khó, ngày nào cũng đọc các văn bản cổ nên dễ bị chai sạn cảm xúc. Rất may, họ có những người thầy nhiệt huyết, biết truyền cảm hứng và niềm say mê cho học trò.

Theo anh Minh, cũng như các ngành khác, Hán Nôm có cả khó khăn lẫn thuận lợi, muốn hiểu phải tự học, tự đọc nhiều bởi thời gian ở trường không thể giải quyết hết được. "Ngày xưa các cụ chỉ đọc sách kinh nghĩa thôi mà đã mất cả chục năm chưa xong, nay mình chỉ học 4-5 học kỳ ở trường đại học nên chẳng thể nào đủ để hiểu đúng được, chứ đừng nói là hiểu sâu sắc", anh chia sẻ.

Học cùng từ đại học đến cao học, cùng chung một nhà suốt 10 năm nay, phần nhiều thời gian của hai vợ chồng dành cho môn Hán Nôm. Họ quan niệm, tất cả các môn học về văn hóa, văn minh phương Đông, trong đó có Việt Nam ít nhiều đều liên quan đến Hán Nôm. Ngành học cho những kiến thức nền tảng, cơ bản nhất để đào sâu các lĩnh vực khác như văn học, lịch sử, văn hóa của người Việt.

Nhớ lại những ngày khó khăn khi vợ chồng phải phân bổ thời gian cho việc học, mưu sinh và chăm lo con gái lớp 3, chị Phượng kể: "Có nhiều buổi học hay hội thảo chuyên đề trùng với ngày nghỉ của con, chúng tôi phải dắt bé theo dự. Thầy cô, bạn bè quen mặt bé nên hay trêu đây là nhà khoa học trẻ tuổi nhất".

Theo chị Phượng, nhiều bạn trẻ thường ngán ngẩm khi nghĩ về ngành Hán Nôm bởi vừa khó, vừa khô khan, cơ hội xin việc ít. Song, bạn bè đồng lứa anh chị ra trường vẫn nhanh chóng có việc làm ổn định. Dĩ nhiên, lương bổng không cao như người làm kinh doanh, nhưng đủ để "sống ổn" nếu chịu khó làm việc.

Hai tân thạc sĩ cho rằng, học Hán Nôm cho tới, biết vận dụng linh hoạt thì người học sẽ làm không hết việc. Nhu cầu xã hội ở ngành này vẫn có trong khi nguồn nhân lực đang khan hiếm, cơ hội du học để phát triển chuyên sâu cũng rộng mở.

Từ năm học này, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM miễn học phí cho học viên cao học chuyên ngành Hán Nôm, nhằm duy trì, phát triển lực lượng nghiên cứu sâu về văn hóa dân tộc.

Hán Nôm là một trong những ngành học lâu đời nhất của trường, có từ thời Đại học Văn khoa Sài Gòn với những học giả lớn như Bửu Cầm, Nghiêm Toản, Trần Trọng San, Lưu Khôn, Nguyễn Khuê, Huỳnh Minh Đức.

Nguồn: VnExpress, ngày 19.10.2017

20180404 An Nam chi luocẢnh: 1 trang của An Nam chí lược

Nối tiếp triều đại nhà Lý, triều đại nhà Trần là bước tiến mới trong lịch sử dân tộc: lập nên kì tích ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông xâm lược, giữ vững chủ quyền dân tộc, đưa đất nước phát triển phồn thịnh. Trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, song song với cuộc đối đầu về quân sự, cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao(1) cũng diễn ra không kém phần cam go, có đóng góp quan trọng cho thắng lợi sau cùng. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, học giả Phan Huy Chú đã đánh giá một cách xác đáng rằng: “Cuối cùng đánh được giặc mạnh, khiến chúng phải nguội lạnh cái lòng nhòm ngó phương Nam, đó há phải chỉ vì binh lực mà thôi đâu”(2). Văn thư ngoại giao thời Trần chính là sản phẩm trực tiếp của cuộc đấu tranh ấy, cho chúng ta thêm cứ liệu để có cái nhìn đầy đủ hơn về ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược, về đường lối ngoại giao sắc sảo và “từ hàn khôn khéo”(3) của nhà Trần trước kẻ địch hung bạo.

Văn thư ngoại giao thời Trần hiện còn bao gồm các bức thư, các bản tấu, biểu, tiên, trạng... của các vua Trần gửi nhà Tống và nhà Nguyên (chủ yếu là nhà Nguyên), hiện chép rải rác trong các tư liệu khác nhau, có thể khảo sát qua mấy khía cạnh sau:

I. Các nguồn tư liệu và số lượng văn thư

Văn thư ngoại giao của các vua Trần hiện có 4 nguồn tư liệu, bao gồm: 1. An Nam chí lược, 2. Nguyên sử, 3. Thiên Nam hành ký, 4. Trần Cương Trung thi tập.

1. An Nam chí lược 安南志略(ANCL). Sách do Lê Trắc 黎崱viết tại Trung Quốc, gồm 20 quyển, hiện chỉ còn 19 quyển, văn bản do nhà sách Lạc Thiện đường in tại Thượng Hải năm 1884 (ký hiệu A.16 - Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Bài tựa sớm nhất trong ANCL ghi năm Đại Đức thứ 11 (1307). Trong phần Biểu chương 表章của ANCL có 9 văn thư. Phần Tiền đại thư biểu 前代書表(Thư biểu của các đời trước) có thêm 1 văn thư do vua Trần Thái Tông gửi nhà Tống vào năm Bảo Hựu thứ 6 (1258). 9 văn thư của phần Biểu chương thực tế chỉ có 7. Văn thư mà ANCL ghi là An Nam quốc tấu hạ Vạn thọ biểu 安南奏賀萬壽表; Chí Nguyên tam thập niên tam nguyệt sơ tứ nhật An Nam Trần thượng biểu 至元三十年三月初四日安南陳上表và Chí Nguyên tam thập niên tam nguyệt An Nam Trần bách bái 至元三十年三月安南陳百拜thực chất đều thuộc một văn thư thống nhất do vua Trần Nhân Tông viết vào ngày 4 tháng ba năm Chí Nguyên thứ 30 (1293), được Trần Cương Trung thi tập 陳剛中詩集giữ lại nguyên vẹn với tên gọi chung là An Nam quốc tiến Vạn thọ tụng tịnh biểu tấu 安南國進萬壽訟并奏. Như vậy, văn thư này gồm 3 bộ phận: Bài Vạn thọ tụng 萬壽訟, bài biểu 表và bài tấu 奏. Trong ANCL, văn thư trên mang tên An Nam quốc tấu hạ Vạn thọ biểu 安南國奏賀萬壽表thực chất là bài Vạn thọ tụng và bài biểu. Văn thư Chí Nguyên tam thập niên tam nguyệt sơ tứ nhật An Nam Trần thượng biểu là phần đầu của bài tấu. Văn thư mang tên Chí Nguyên tam thập niên tam nguyệt An Nam Trần bách bái là phần còn lại của bài tấu trên(4). Các đoạn trong ANCL so với Trần Cương Trung thi tập có sự chênh lệch, trong đó bản Trần Cương Trung thi tập đầy đủ và thống nhất hơn. Như vậy trong ANCL, cộng cả 1 văn thư ở phần Tiền đại thư biểu có 7 văn thư.

2. Nguyên sử 元史 (NS)

Sách gồm 210 quyển, do nhóm Tống Liêm 宋濂, Vương Vĩ 王禕 biên soạn đầu đời Minh, và được hoàn tất vào năm Hồng Vũ thứ 3 (1370). Văn bản do Trung Hoa thư cục xuất bản dựa trên bản ảnh ấn của Thương vụ ấn thư quán năm 1935. Trong phần An Nam truyện 安南傳của NScòn giữ lại 14 đoạn trích từ các văn thư bang giao giữa nhà Trần và nhà Nguyên, trong này có 1 đoạn được trích ra từ văn thư năm Chí Nguyên thứ 15 (1278) vốn đã được ghi trong phần Biểu chương sách ANCL. So sánh các đoạn trích trong NStừng xuất hiện trong ANCL câu chữ có chênh lệch nhất định song không lớn. Nếu các đoạn trích còn lại cũng trong tình trạng tương tự, thì sự sai lệch ấy cũng không làm mất đi diện mạo vốn có của chúng. Do vậy, tuy NSchỉ giữ lại được những đoạn trích song vẫn là những tư liệu đáng quý để tìm hiểu về quan hệ bang giao giữa nhà Trần và nhà Nguyên.

Trong 14 đoạn trích thuộc NS, ngoài đoạn trích trên, có 5 đoạn trích khác, đều rất ngắn. Dưới đời Nguyên Hiến Tông 元憲宗năm thứ 8 (1258), Trần Thái Tông sai con rể (tức Lê Phụ Trần, người anh hùng trong trận chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất), mang phương vật vào cống; Ngột Lương Hợp Thai 兀良合台sai Nột Lạt Đinh 訥刺丁sang dụ, nhắc chuyện đã qua, đòi vua Trần vào chầu và tỏ ý hăm dọa. Trước thái độ đó, Thái Tông trả lời: “Tiểu quốc thành tâm phụng sự bề trên, thế thì nước lớn đối đãi thế nào” (小國誠心事上, 则大國何以待之: Tiểu quốc thành tâm sự thượng, tắc đại quốc hà dĩ đãi chi). Ít lâu sau, nhà Nguyên lại sai Nột Lạt Đinh đến dụ, vua Trần trả lời: “Đợi giáng ân chiếu sẽ lập tức sai tử đệ sang làm con tin” (俟降德音, 即遣子弟為質: Sĩ giáng đức âm, tức khiển tử đệ vi chí). Năm Chí Nguyên thứ 22 (1285), khi trả lời Thoát Hoan 脫懽(theo ANCLĐVSKTT viết 脫驩) về việc nhà Nguyên hỏi mượn đường sang đánh Chiêm Thành, Thánh Tông viết: “Từ bản quốc đến Chiêm Thành thủy bộ đều không tiện, xin tùy sức cung ứng quân lương” (其國至占城水陸非便, 願隨力獻軍糧: Kỳ quốc chí Chiêm Thành thủy lục phi tiện, nguyện tùy lực phụng hiến quân lương). Và một đoạn khác nói việc dâng cống lễ vật: “Kỳ cống sẽ vào tháng mười, xin chuẩn bị trước lực lượng đinh tráng, ngày nào Trấn Nam vương xuống xe, mong có thư báo” (貢期擬取十月, 請前塗預備丁力,若鎮南王下車之日, 希文

垂報: Cống kỳ nghĩ thủ thập nguyệt, thỉnh tiền đồ dự bị đinh lực, nhược Trấn Nam vương hạ xa chi nhật, hi văn thùy báo). Tháng Sáu năm Hoàng Khánh thứ 2 (1313), nhân có người Giao Chỉ đánh cướp ở vùng biên, nhà Nguyên gửi công văn chiêu dụ An Nam, phía An Nam gửi thư đáp rằng: “Lũ chuột lũ chó lén lút vụng trộm ở vùng biên, tự tác không yên, bản quốc làm sao biết được!” (邊鄙鼠竊狗偷輩, 自作不竫, 本國安得而知: Biên bỉ thử thiết cẩu thâu bối, tự tác bất tĩnh, bản quốc an đắc nhi tri).

Như vậy, ngoài 5 đoạn trích quá ngắn trên cùng 1 đoạn trích thuộc văn thư năm Chí Nguyên thứ 15 đã có trong ANCLNS còn lại 8 văn thư (đoạn trích).

3. Thiên Nam hành ký 天南行記(TNHK)

Sách do Từ Minh Thiện 徐明善(sứ Nguyên từng đến Đại Việt năm 1289) viết. Văn bản nằm trong bộ Thuyết phu 說郛do Đào Tông Nghi 陶宗儀cuối đời Nguyên biên soạn, Hàm Phần lâu in lại (trong Thuyết phu, tên tác phẩm được khắc là An Nam hành ký 安南行記). TNHK có 6 văn thư. Trong số này có 2 văn thư chỉ là những tờ trạng dâng lễ vật (vào năm Chí Nguyên 23 (1286) và 26 (1289). Tờ trạng dâng phương vật năm Chí Nguyên 26 thực chất là một bảng liệt kê danh sách lễ vật đi kèm theo văn thư ngày tháng ba năm Chí Nguyên thứ 26 trước đó. Ở đây vẫn giữ nguyên dạng như TNHK đã ghi. Vậy TNHK có 6 văn thư. Riêng bản tấu ngày tháng Tư năm Chí Nguyên 26 (TNHK ghi nhầm là năm Chí Nguyên 25)(5).

4. Trần Cương Trung thi tập 陳剛中詩集(TCTTT)

Sách do Trần Cương Trung 陳剛中(sứ Nguyên từng đến Đại Việt năm 1292) viết, cuối tập có phần Phụ lục mang tên Nguyên phụng sứ dữ An Nam quốc vãng phục thư 元奉使與安南國往復書(Văn thư qua lại giữa sứ giả nhà Nguyên với nước An Nam). Phần Phụ lục trên có 7 văn thư, trong đó 4 văn thư gửi Lương Tăng 梁曾(có thể phiên là Lương Tằng), 3 văn thư gửi Hốt Tất Liệt 忽必烈. 3 văn thư gửi Hốt Tất Liệt được gộp chung thành An Nam tiến Vạn thọ tụng tịnh biểu tấu (xem thêm phần giới thiệu các văn thư trong ANCL ở trên). Vậy, TCTTT có 5 văn thư.

Qua 4 nguồn tư liệu trên ta có 26 văn thư (trong đó có văn thư chỉ là những đoạn trích).

II. Danh nghĩa tác giả của các văn thư

Trong tổng số 26 văn thư đã đề cập có văn thư ghi rõ tên tác giả (hay đúng hơn là vị vua đại diện cho vương triều nhà Trần gửi các vua nhà Nguyên), song có văn thư chỉ ghi một cách chung chung, như “An Nam Trần” (họ Trần nước An Nam). Vậy có thể xác định tác giả (danh nghĩa) bằng cách nào? Trước hết là xác định theo tên tác giả đã ghi trong các văn thư.

Trong quan hệ ngoại giao với nhà Nguyên, các vua Trần thường đều xưng tên riêng. Đầu phần An Nam truyện 安南傳trong NS ghi: “Tháng hai năm Mậu Ngọ niên hiệu Nguyên Hiến Tông thứ 8 (1258), Nhật Cảnh 日煚 truyền ngôi nước cho con trưởng là Quang Bính 光昺, đổi niên hiệu là Thiệu Long 紹隆” (八年戊午二月, 日煚傳國于長子光昺, 改元紹隆: Bát niên Mậu Ngọ nhị nguyệt, Nhật Cảnh truyền quốc vu trưởng tử Quang Bính, cải nguyên Thiệu Long). Nhật Cảnh 日煚 tức Trần Thái Tông, Thiệu Long (1258-1272) là niên hiệu của Trần Thánh Tông. Vậy phải chăng Quang Bính là Thánh Tông ?

Thực ra ở điểm này NS có sự nhầm lẫn. Sở dĩ ta có thể biết chắc chắn như vậy vì ngay trong phần An Nam truyện, ở đoạn khác ghi rõ: “Năm Chí Nguyên thứ 14 (1277), Quang Bính chết, người trong nước lập Thế tử là Nhật Huyên 日烜lên thay” ([至元 ]十四年, 光昺卒, 國人立其世子日烜: [Chí Nguyên] thập tứ niên, Quang Bính tốt, quốc nhân lập kỳ thế tử Nhật Huyên). 1277 là năm Thái Tông mất. Vậy Quang Bính chính là Trần Thái Tông. Một đoạn khác lại ghi: “Năm Chí Nguyên thứ 27 (1290), Nhật Huyên chết, con là Nhật Tôn sai sứ tới cống” ([至元] 二十七年, 日烜卒, 子日燇遣使來貢: [Chí Nguyên] nhị thập thất niên, Nhật Huyên tốt, tử Nhật Tôn khiển sứ lai cống). Vậy Nhật Huyên chính là Trần Thánh Tông, còn Nhật Tôn chính là Trần Nhân Tông(6).

Dựa vào các tên gọi này, cùng lời dẫn trong Nguyên sử, ta dễ dàng xác định được tác giả các đoạn văn thư trong NS, trong 8 đoạn trích, 3 đoạn thuộc văn thư của Trần Thái Tông, 5 đoạn thuộc văn thư của Trần Thánh Tông, 6 văn thư trong TNHK đều ghi rõ tác giả là Nhật Huyên. Vậy cả 6 văn thư này đều của Trần Thánh Tông. Trong số 5 văn thư thuộc TCTTT chỉ có văn thư mang tên An Nam quốc tiến Vạn thọ tụng tịnh biểu tấu có ghi tác giả là Nhật Tôn, vậy văn thư này là của Trần Nhân Tông.

Theo cách trên ta đã xác định được tác giả của 15/26 văn thư, còn lại 11 văn thư (7 văn thư thuộc ANCL, 4 văn thư thuộc TCTTT). Số còn lại này có thể xác định được tác giả thông qua niên đại, nội dung và các sự kiện lịch sử được nhắc tới trong văn thư. Ngoài ra, theo sự ghi chép trong phần An Nam truyện của NS ta có thể thấy rằng các vua Trần mặc dù đã truyền ngôi cho con để lên làm Thái Thượng hoàng nhưng vẫn lấy danh nghĩa là ông vua đương quyền trong quan hệ bang giao. Đối với nhà Nguyên, chỉ khi một vua An Nam nào đó chết thì người kế vị mới bắt đầu có danh nghĩa chính thức. Có thể thấy thêm điều này qua các văn thư được ghi trong TNHK. Cả 6 văn thư trong TNHK đều mang tên Trần Thánh Tông: Văn thư mở đầu vào năm Chí Nguyên thứ 23 (1286), văn thư thứ hai vào năm Chí Nguyên thứ 25 (1288), 4 văn thư còn lại đều vào năm Chí Nguyên thứ 26 (1289), trong khi đó năm Chí Nguyên thứ 24 (1287) Trần Thánh Tông đã nhường ngôi cho con là Thái tử Khâm (tức Trần Nhân Tông) để lên làm Thái Thượng hoàng.

Theo các tiêu chí này chúng ta tiếp tục xác định được thêm tác giả của 10 văn thư nữa: 4 văn thư còn lại trong TCTTT thuộc tác giả Trần Nhân Tông. 7 văn thư trong ANCL: 1 văn thư của Thái Tông, 1 văn thư của Thánh Tông, 2 văn thư của Nhân Tông, 1 văn thư của Anh Tông, 1 văn thư của Minh Tông. Riêng trường hợp văn thư mang tên Họ Trần nước An Nam dâng biểu xin kinh Đại tạngkhông ghi tên tác giả cụ thể, không có niên đại. Theo Đại Việt sử kí toàn thư (ĐVSKTT), năm Hưng Long thứ 3 (1295) tức năm Nguyên Trinh thứ nhất nhà Nguyên, “Mùa xuân tháng hai, ngày mồng 1, sứ Nguyên là Tiêu Thái Đăng 蕭泰登sang, vua sai Nội viên lang Trần Khắc Dụng và Phạm Thảo cùng đi với, thu được bộ kinh Đại tạng đem về, để ở phủ Thiên Trường, in bản để lưu hành”. Trong văn thư này cũng có ghi: “Thần ở cõi viêm bang hoang vu, sớm đã quy y Phật pháp, chuộng kinh lá bối truyền tự Trung Hoa. Thời Đường-Tống trước đây, chở kinh sang bằng đàn ngựa trắng. Ngày đại binh kéo đến, lửa thiêu hóa đống tro tàn”. “Ngày đại binh kéo đến” chỉ việc quân Nguyên sang xâm lược nước ta, kết hợp với ghi chép trong ĐVSKTT đây có lẽ chỉ đợt xâm lược của quân Nguyên lần thứ ba vào năm 1288. Từ những thông tin trên cho phép đoán định đây chính là văn thư của Trần Anh Tông gửi vua Thành Tông 成宗 nhà Nguyên vào năm Nguyên Trinh thứ nhất (1295), cùng năm với tờ biểu mừng Thành Tông mới lên ngôi. Vậy trong 7 văn thư ghi trong ANCL có 2 văn thư của Trần Anh Tông.

Như vậy, 26 văn thư đã kể trên thuộc về các tác giả: Trần Thái Tông 4 văn thư, Trần Thánh Tông 12 văn thư, Trần Nhân Tông 7 văn thư(7), Trần Anh Tông 2 văn thư và Trần Minh Tông 1 văn thư. Có thể tóm tắt qua bảng sau:

STT Nguồn sách Thể loại

Gửi đến

Tác giả danh nghĩa

Niên đại

1 ANCL Biểu Vua Tống Trần Thái Tông 1258
2 NS Thư Hốt Lung Hải Nha // 1269
3 NS Thư Trung thư sảnh nhà Nguyên // 1271
4 NS Biểu Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) // 1275
5 NS Thư Sứ Nguyên Sài Thung Trần Thánh Tông 1278
6 ANCL Biểu Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) // 1278
7 NS Thư A Lý Hải Nha // 1283
8 NS Thư A Lý Hải Nha // 1284
9 NS Thư Thoát Hoan // 1284
10 NS Thư Thoát Hoan // 1284
11 TNHK Trạng Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) // 1286
12 TNHK Biểu Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) // 1288
13 TNHK Trạng Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) // 1289
14 TNHK Trạng Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) // 1289
15 TNHK Tiên Hoàng hậu nhà Nguyên // 1289
16 TNHK Tấu Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) // 1289
17 ANCL Biểu Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) Trần Nhân Tông 1292
18 TCTTT Thư Lương Tăng // 1293
19 TCTTT Thư Lương Tăng // 1293
20 TCTTT Thư Lương Tăng // 1293
21 TCTTT Thư Lương Tăng // 1293
22 TCTTT Tụng -Tấu -Biểu Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) // 1293
23 ANCL Biểu Thành Tông // 1295
24 ANCL Biểu Thành Tông Trần Anh Tông 1295
25 ANCL Biểu Vũ Tông // 1309
26 ANCL Biểu Văn Tông Trần Minh Tông 1330

 

 

3. Tính chất thể loại của các văn thư

Trung Quốc là quốc gia rộng lớn, hùng cường, có lịch sử phát triển lâu đời. Trong tâm thức người Hán, dưới gầm trời (thiên hạ), Hoàng đế của họ là duy nhất và có quyền uy tuyệt đối, thay trời thi hành sự cai trị, không nơi đâu không là đất của vua, không ai không phải bề tôi của vua(8). Hoàng đế Trung Hoa đem ý chí của mình áp đặt cho tất cả các nước khác. Mặc dù trong kinh điển nhà Nho - học thuyết của giới thống trị, có nói phải “mềm mỏng với kẻ ở nơi xa”(9), song ngay từ rất sớm, người Trung nguyên coi các nước bốn phương đều là man di(10), nếu không thần phục và tuân thủ nghiêm ngặt các yêu sách, họ sẵn sàng đe dọa bằng sức mạnh quân sự. Vì vậy, quan hệ bang giao giữa các nước trong thiên hạ (trong đó có nước ta) với Trung Hoa thực chất là quan hệ bất bình đẳng.

Để được yên ổn các nước nhỏ thường phải chịu thua thiệt: phải xưng thần và cống nạp theo định kỳ; nhà Trần cũng không phải ngoại lệ, nhất là khi phải đối diện với kẻ địch mạnh, hung bạo như nhà Nguyên, dẫu đôi khi việc xưng thần và cống nạp chỉ được thực hiện một cách hình thức. Điều kiện lịch sử chi phối tính thể loại cũng như giọng điệu của các văn thư bang giao thời này. Ngoài 12 thư gửi cho Đạt lỗ hoa xích Hốt Lung Hải Nha, Kinh Hồ - Chiêm Thành hành sảnh A Lý Hải Nha, các sứ giả là Sài Thung và Lương Tăng, những văn thư còn lại được viết theo các thể tấu, biểu, tiên... Về hình thức, đó là các thể văn do bề tôi viết gửi lên hoàng đế. Các thể văn do bề tôi gửi lên hoàng đế tùy từng thời đại và nội dung mà có những thể thức khác nhau, như: chương, tấu, biểu, nghị, sớ, khải, tiên, tiên ký, sớ, tấu trạng... gọi chung là “tấu nghị”. Sách Hậu Hán thư dẫn theo sách Hán tạp sự cho biết: “Phàm là thư của quần thần gửi lên thiên tử chia làm 4 loại: chương, tấu, biểu, bác nghị”.

Về thời gian, tấu nghị xuất hiện rất sớm, có mặt từ trong sách Thượng thư (như các thiên Y huấnVô dật), đến thời Chiến quốc bắt đầu thông dụng cách gọi là “thư” (như Nhạc Nghị báo Yên Huệ vương thư trong Chiến quốc sách, hay tác phẩm Gián trục khách thư của Lý Tư...).

Đầu thời Tần, sau khi thống nhất thiên hạ, các văn thư do bề tôi dâng lên vua thường được gọi là “tấu”, với nghĩa “dùng lời để tâu bày” (Phu tấu dĩ ngôn)(11). Các đời sau cách gọi này trở nên thông dụng, vì thế “dâng thư gọi là tấu (Luận hành - Đối tác)(12). Trong Văn tâm điêu long Lưu Hiệp cũng viết: “Tỏ bày chính sự, dâng hiến các điển lễ triều nghi, tâu việc cấp bách, vạch tội lỗi, gọi chung là “tấu”. Tấu nghĩa là dâng hiến lên [nhà vua] vậy”(13). Dần dần về sau, người viết thường thêm chữ “tấu” vào các văn thư loại này, như: tấu biểu, tấu chương, tấu nghị, tấu sớ, tấu khải, tấu trạng...

Từ đời Hán, cách gọi “sớ” được sử dụng rộng rãi; xuất hiện hàng loạt các bản sớ nổi tiếng gắn với tên tuổi các tác giả như Giả Nghị, Triều Thố, Ngụy Trưng... Lưu Hiệp viết: “Từ thời Hán trở đi, tâu bày sự việc có khi gọi là “sớ”, các bậc nho nhã nối bước nhau, văn vẻ đáng xem”. Các bản sớ giai đoạn này đến nay vẫn được các học giả Trung Quốc hiện đại đánh giá rất cao cả về nội dung và nghệ thuật(14).

Về nội dung và mục đích sử dụng của các bản tấu nghị cũng có những khác biệt nhất định. Lưu Hiệp từng chỉ ra rằng: “Chương dùng để tạ ơn, tấu dùng để đàn hặc, biểu để trần tình, nghị để biểu thị ý kiến bất đồng”(15). Tuy vậy, trên thực tế điều này không luôn được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Chẳng hạn “biểu” có thể dùng để tạ ơn, cũng có thể để chúc mừng, để dâng hiến cống vật, để xin xuất quân (chẳng hạn như các bài biểu xin xuất quân của Gia Cát Lượng thời Tam quốc)... Bên cạnh tính chất là các công văn trao đổi công việc, sự vụ, biện bác các vấn đề thời cuộc... một số loại tấu nghị, còn mang tính chất bày tỏ tình cảm, vì vậy tuy cũng là văn thư gửi về triều đình nhưng đôi khi chúng lại rất giàu sắc thái văn học (chẳng hạn như biểu).

Với tính chất đặc thù là các văn thư dâng lên nhà vua nên về mặt hình thức “tấu nghị” thường có những câu có tính nghi thức để tỏ rõ sự khiêm cung, nhún nhường, kiểu: “thần là mỗ xin cúi đầu dâng thư (hoặc biểu, tấu...)”, “thần là mỗ thực hốt hoảng sợ sệt...”, v.v... Thể thức lại cần phải chuẩn tắc, ngôn từ cần sáng rõ. Lưu Hiệp giải thích: “Chương là rõ ràng vậy”. Là vì: “Chương là để dâng vào nơi cửa khuyết, văn phong và thể thức cần rõ ràng”. Tương tự như vậy: “Biểu để dâng vào nơi cung cấm, cốt cách văn vẻ cần sáng sủa”(16).

Theo cách nhìn hiện đại, đặc biệt từ góc độ văn học, các “tấu nghị” nói chung cũng như tấu nghị của các vua Trần nói riêng có thể không được đánh giá cao vì chúng là các văn bản hành chính, hoặc mang tính chất là các văn kiện ngoại giao hơn là tác phẩm văn học! Nhưng thời cổ vấn đề không hẳn như vậy. Các tấu biểu do bề tôi gửi lên cũng như các chiếu lệnh do vua ban xuống được coi trọng đặc biệt vì đây còn là thời đại văn chương còn nặng về tính chức năng, thời đại của quan niệm văn sử triết bất phân. Trong việc học tập và khoa cử, chế chiếu biểu là những thể loại quan trọng bên cạnh thơ phú. Chương biểu tấu nghị không những quan trọng ở chỗ là mấu chốt của việc trị quốc, mà còn được dùng để đối đáp ở chốn vương đình, bày tỏ nỗi uẩn khúc trong lòng; không chỉ thể hiện sự hàm dưỡng văn chương của bản thân mà còn thể hiện cái tinh hoa của một nước(17).

Văn thư ngoại giao do các vua thời Trần gửi nhà Nguyên, bao gồm các thư từ, “tấu nghị”, là những thể văn cổ, nội dung của chúng có khi trình bày sự việc, phát biểu ý kiến, bày tỏ nỗi niềm hoặc chúc tụng; có văn thư mang tính chính luận, có văn thư mang tính trữ tình... nhưng nhìn chung câu chữ sáng gọn; do sự chi phối của thể loại nên có khi giọng điệu rất nhún nhường, song ẩn trong câu chữ là thái độ cứng rắn, kiên quyết khước từ những yêu sách của nhà Nguyên, về thực chất là “cương nhu tịnh dụng”.

Văn thư ngoại giao thời Trần ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, vừa phản ánh những vấn đề cấp bách của lịch sử có liên quan đến sự tồn vong của dân tộc, vừa ghi lại dấu ấn phát triển của một thời đại văn học. Do vậy, tiếp cận bộ phận văn học này có ý nghĩa nhất định trong việc góp phần đánh giá di sản văn học quá khứ nói chung cũng như di sản văn học thời Trần nói riêng một cách đầy đủ và bao quát hơn.

Chú thích:

(1) Thời xưa quan hệ ngoại giao giữa các nước gọi là “bang giao”, ít khi dùng từ ngoại giao như ngày nay. Sách Lễ ký - Thu quan viết: “Phàm việc bang giao giữa các nước chư hầu chỉ là việc hàng năm thăm hỏi lẫn nhau vậy” (Phàm chư hầu chi bang giao, tuế tương vấn dã). Các sách ghi chép về quan hệ ngoại giao giữa nước ta với Trung Quốc thời xưa thường dùng từ này. Kho sách Hán Nôm hiện còn các tác phẩm như: Bang giao lục (Ghi chép về việc bang giao, A.614), Bang giao văn tập (Tập văn bang giao, A.407), Bang giao đối liên (Câu đối bang giao, A.2261)...

(2) Xem Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, tập III: Bang giao chí, Nxb. KHXH, H. 1992, tr.254.

(3) Trong phần Thiên chương (Quyển VI) sách Kiến văn tiểu lục khi nói về văn thư bang giao thời Trần chép trong tập Thiên Nam hành ký (cũng gọi là An nam hành ký) của Từ Minh Thiện thời Minh, Lê Quý Đôn viết: “Xem tập Tục Thuyết phu Thiên Nam hành ký có thể biết được thời đại nhà Trần từ hàn khôn khéo và số lễ vật nạp cống hàng năm (Xem Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Nxb. Sử học, 1-1963, tr.199-200).

(4) Xem thêm: Lê Mạnh Thát: Toàn tập Trần Nhân Tông, Nxb. Tp. HCM, 2000, tr.375.

(5) Bản tấu này Trần Cương Trung thi tập ghi niên đại là năm Chí Nguyên thứ 25 (1288). Điều này không hợp lý vì:

Thứ nhất: đoạn sau của tờ biểu có ghi “Vi thần vào tháng ba năm Chí Nguyên thứ 26 (1289) thấy Lưu thiên sứ, Lý Thị lang, Lang trung Đồng Đường Ngột Đãi, Kháp Tán... phụng đem thiên chiếu cùng bọn tiểu sứ thần là Nguyễn Nghĩa Toàn gồm mấy người về nước”. Đây chính là nói chuyến đi sứ của Lưu Đình Trực và Lý Tư Diễn mà ANCL còn ghi.

Thứ hai: trong tờ biểu có nói: “Năm ngoái dân chúng trăm họ ở tiểu quốc có đưa quý quan quân đến”. Trong đám “quý quan quân” này có Ô Mã Nhi, Tích Lộ Cơ, Phàn Tiếp. Những người này theo ĐVSKTT bị bắt năm Trùng Hưng thứ 4 (1288). Như vậy “năm ngoái” đã là năm Chí Nguyên thứ 25. Ngoài ra tờ biểu còn nhắc đến việc Ô Mã Nhi được cho về nước. ĐVSKTT ghi việc này xảy ra vào mùa xuân, tháng Hai năm Trùng Hưng thứ 5 (1289).

Thứ ba: theo ANCL - Trần thị khiển sứ: năm Chí Nguyên Kỷ Sửu (1289) thế tử An Nam có sai đại phu Đàm Chúng sang cống. Tờ biểu này có thể do vua Trần sai Đàm Chúng mang sang nhà Nguyên để biện bạch việc vào chầu và cái chết của bọn Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp.

(6) Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm trong sách Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII cũng tán đồng kết quả nhận định của nhà sử học Nhật Bản Ymamoto về tên thường dùng của các vua Trần trong các sử liệu Việt Nam và Trung Quốc: “Trần Thái Tông tên là Cảnh, tức Nhật Cảnh và Quang Bính trong sử liệu Trung Quốc. Trần Thánh Tông tên là Hoảng, tức Nhật Huyên trong sử liệu Trung Quốc. Trần Nhân Tông tên là Khâm, tức Nhật Tôn trong sử liệu Trung Quốc” (Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII, Nxb. Quân đội nhân dân, 2003, tr.24-25).

(7) Lê Mạnh Thát, Sđd, tr.448-485 có dịch giới thiệu 22 văn thư ngoại giao thời Trần. Các văn thư này được rút ra từ các nguồn: 1. Phần An Nam truyện của Nguyên sử, 2. Phần Biểu chương của An Nam chí lược, 3. Thiên Nam hành ký, 4. Phần Phụ lục trong Trần Cương Trung thi tập. Văn thư sớm nhất trong số này có niên đại năm Chí Nguyên thứ 15 (1278), muộn nhất là văn thư năm Chí Nguyên thứ 30 (1293), và tác giả coi toàn bộ 22 văn thư này đều thuộc tác giả Trần Nhân Tông. Nhân Tông (1258-1308), tại vị từ năm 1278 đến năm 1293. Như vậy Lê Mạnh Thát xác định tác giả các văn thư trên là Trần Nhân Tông vì chúng ra đời trong thời gian Trần Nhân Tông đương vị.

8) Kinh Thi (Bài Bắc Sơn trong phần Đại nhã), một cuốn kinh điển của nhà Nho có câu: “Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ. Suất thổ chi tân, mạc phi vương thần” (nghĩa là: Khắp dưới gầm trời, không đâu không là đất của vua. Noi theo những vùng đất ven bờ, không đâu không là dân của vua).

(9) Bài Dân lao trong phần Đại nhã của Kinh Thi có viết: “Nhu viễn năng nhĩ, dĩ định ngã vương” (nghĩa là: Làm cho người ở xa được yên ổn, người gần thuận hòa theo; để vua ta được vững vàng yên định). Sách Trung dung nói đến 9 nguyên tắc trị nước thì nguyên tắc thứ 8 trong đó là “nhu viễn phương” (mềm mỏng với người ở xa).

(10) Quan niệm của người Trung Hoa xưa coi Trung Hoa là trung tâm, phía đông gọi là di, tây gọi là nhung, bắc gọi là địch, nam gọi là man. Họ luôn có quan niệm phân biệt Hoa, Di, những nước thuộc khu vực man di địch nhung đều là dân man di mọi rợ cả.

(11) Vương Vận Hi, Chu Phong: Văn tâm điêu long dịch chú, Thượng Hải Cổ tịch xuất bản xã, 2000, tr.207.

(12) Dẫn theo Chử Bân Kiệt: Trung Quốc cổ đại văn thể khái luận, Bắc Kinh Đại học xuất bản xã, BK, 1990, tr.439.

(13) Văn tâm điêu long dịch chú, Sđd, tr.207.

(14) Trong sách Trung Quốc văn học sử (Viên Hành Bái chủ biên, Cao đẳng Giáo dục xuất bản xã, 2001, T.I) đánh giá về Luận tích trữ sớ (sớ bàn về việc tích trữ) của Giả Nghị như sau: “Cốt tủy của Luận tích trữ sớ là kiến nghị Hán Văn đế coi trọng việc sản xuất nông nghiệp. Bản sớ lớp lang mạch lạc, ngôn ngữ sáng gọn, luận thuật tinh tế, thái độ chân thành mộc mạc mà lại chứa chan tình cảm, rất đặc thù cho văn chương thời Hán” (tr.174).

Lại đánh giá về Luận quý túc sớ (sớ bàn về việc coi trọng lúa gạo) của Triều Thố là: “Danh tác Luận quý túc sớ của ông phát huy từ Luận tích trữ sớ của Giả Nghị, tiến thêm một bước, đề xuất chủ trương chuộng nông nghiệp, coi trọng lúa gạo. Bản sớ từ việc tiến hành phân tích nguy cơ tiềm ẩn trên một số phương diện, như trong phép trị nước của các bậc đế vương thời cổ, thực trạng cuộc sống của nông dân đương thời, việc dân chúng thì nghèo khổ, thương nhân thì giàu có; lập luận sâu sắc, lôgich chặt chẽ, giàu sức thuyết phục. Văn phong thuần hậu, không hoa mỹ nhưng tha thiết chân thành, do đó phần lớn các bài đều được người đời sau xưng tụng” (tr.176).

(15) Văn tâm điêu long dịch chú, Sđd, tr.199.

(16) Văn tâm điêu long dịch chú, Sđd, tr.199, 204.

(17) Văn tâm điêu long dịch chú, Sđd, tr.204./.

 

Phạm Văn Ánh (Viện Văn học)

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (86) 2008, tr.19-28.

Bản điện tử tại Viện nghiên cứu Hán Nôm.

20171016 LHP HNM

Ảnh: Cả gia đình (góc trái) chụp hình lưu niệm với ông Dương Trung Quốc -  Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam và các thầy cô Khoa Văn học trong Hội thảo Hà Đình Nguyễn Thuật - Danh nhân văn hóa tổ chức tại Quảng Nam, tháng 9/2015. Ảnh: NVCC

 

Đó là đôi vợ chồng anh Hồ Ngọc Minh và chị Lý Hồng Phượng vừa bảo vệ thành công luận văn cao học ngành Hán Nôm tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM với điểm loại xuất sắc. Điều ấn tượng ở đôi uyên ương này là họ đã phải chật vật vượt qua khó khăn trong cuộc sống và của ngành học để có kết quả học thuật rất đáng trân trọng.

“Thật ra, chuyện mình và vợ cùng tốt nghiệp cao học Hán Nôm là một sự trùng hợp. Nhiều nhà nghiên cứu Hán Nôm trẻ đầy tài năng gần đây đóng góp nhiều công trình dịch thuật, nghiên cứu đặc sắc, họ xứng đáng để được viết hơn mình. Tụi mình cũng như bao học viên của các ngành học khác, cũng vừa học, vừa làm, tất bật với gia đình nên không có gì đáng để viết đâu”, cuộc trò chuyện đầu tiên với anh qua điện thoại cứ trôi đi như thế.

Phải thuyết phục anh rằng, câu chuyện về anh và chị trong bài viết này sẽ góp thêm, dù thật dung dị và nhỏ bé, niềm cảm hứng và sự sẻ chia của người đi trước cho những sinh viên vốn vô cùng ít ỏi đang theo học ngành Hán Nôm, anh mới chần chừ rồi gật đầu. Phía sau lời đồng ý ngại ngùng ấy là 10 năm vợ chồng anh chờ đợi để được theo học cao học Hán Nôm.

Nhất nhật phu thê

Một ngày của anh chị bắt đầu bằng việc dậy thật sớm để cùng nhau đưa con gái đến trường. Lo xong việc đưa đón, anh về nhà kê đơn bốc thuốc, chị lụi cụi sau bếp nấu nướng quét dọn rồi phụ anh. “Từ ngày cưới nhau, hai vợ chồng mình hầu như cùng nhau làm mọi việc. Cùng làm chung công ty, cùng chọn trường và đưa con đi học. Đối với chuyện cao học, vốn hai vợ chồng cùng niềm đam mê nên khi có lớp cả hai cùng tiếp tục song hành”.

Có những buổi học, ngày thi, hay đợt hội thảo khoa học mà anh chị cùng tham gia lại trùng vào ngày con nghỉ nên phải dắt con theo vì không có ai để gửi. “Việc con đến lớp cùng ‘học’ với cha mẹ trở thành chuyện bình thường, các thầy cô cũng thông cảm hay gọi đùa bé là ‘nhà khoa học trẻ tuổi nhất’”. Với anh chị, dù việc lớn nhỏ nào cũng không thể thiếu người còn lại, bởi lẽ nhất nhật bất kiến như tam thu hề.

Quê anh tận Khánh Hòa còn chị ở Tây Ninh. Vào Sài Gòn trọ học, Hán Nôm học với anh chỉ là chút kỷ niệm của cậu bé năm 6 tuổi khi về quê thăm người ông họ. “Lúc đó còn quá nhỏ, mình không biết những chữ ngoằn ngoèo này là gì, chỉ biết ông viết gia phả dòng họ bằng văn tự này. Mỗi dịp mình về thăm quê đều được ông đem ra cho xem và đọc mình nghe từng chữ một”. Nhưng đó chỉ là cuộc gặp tình cờ với Hán Nôm cho đến khi anh - một sinh viên chưa từng bị rớt môn lại không thể vượt qua môn học này.

Năm II đại học, anh được học môn Chữ Nôm cơ sở do thầy Nguyễn Ngọc Quận giảng dạy. “Nói chung mình học các môn khác không tệ lắm, vì vẫn được nhận học bổng của trường. Nhưng khi thi kết thúc môn này, mình lại không vượt qua được. Điều đó vừa khiến mình rất buồn lại vừa kích thích mình để ý nhiều hơn đến những gì liên quan Hán Nôm” - anh bộc bạch.

Ngành học Hán Nôm còn hé mở cho những sinh viên tỉnh lẻ như anh thêm nghị lực khi không phải trả học phí cho trường và được nhận học bổng nếu học tốt. “Một tháng gia đình chu cấp 200 - 300 ngàn cho mình chi tiêu mọi thứ từ ăn, ở, học hành. Sinh viên nào đạt học bổng loại giỏi sẽ được 180 ngàn, loại khá là 120 ngàn, còn loại xuất sắc tới 250 ngàn. Những năm 2000, số tiền này đối với sinh viên tụi mình là những ưu đãi thật sự hấp dẫn”.

Vào đại học sau anh một khóa, chị nói chỉ biết mình chọn Hán Nôm vì rất thích Việt sử thời phong kiến. Cái thời đoạn mà nếu chỉ đọc bằng quốc ngữ, với chị đã vơi đi phần nào những trầm hùng, hào hoa trong muôn vàn trang sách mà cổ nhân nhọc công biên soạn. Đi qua tháng năm giảng đường miệt mài dò dẫm từng con chữ cổ, những niệm ý thuở đầu của chị giờ đây đã dành trọn cho chữ Nôm. Để rồi trong luận văn cao học của mình, hơn 300 chữ Nôm mới được chị cùng người thầy hướng dẫn tìm thấy từ tác phẩm Kim cổ kỳ quan - một tác phẩm viết bằng chữ Nôm về tôn giáo nổi tiếng của Nam bộ. Nhưng đó là câu chuyện của hơn 10 năm sau.

Tốt nghiệp đại học, chị làm việc cho một công ty chuyên về từ điển, anh bươn chải với đủ ngành nghề như viết báo, dịch sách, làm công ty cùng chị rồi lại nghỉ đi học ngành y. Hỏi anh theo Hán Nôm khó tìm việc như vậy sao còn kiên trì học? Anh nói: “Thời chiến cha ông mình còn học được, huống chi thời bình, có khó mấy cũng phải học. Tuy khó tìm việc đúng chuyên ngành và cũng không thể có lương như người học kinh tế, nhưng vẫn có thể mưu sinh được. Nếu thực sự học đến nơi đến chốn thì chỉ sợ người học Hán Nôm không có sức mà làm hết việc”.

Tất bật mưu sinh là vậy nhưng anh chị vẫn muốn bước tiếp con đường mà thuở đại học hai người chỉ vừa mới dạo quanh. “Khi đó Sài Gòn chưa có nơi nào đào tạo, muốn học cao học Hán Nôm phải ra Hà Nội. Điều kiện cá nhân không cho phép, nên mình tạm dừng để lo mưu sinh và chờ đợi”. Nhưng anh chị đâu biết rằng lần chờ đợi này đã phải mất hẳn 10 năm.

Cuộc chạy tiếp sức của nhiều thế hệ

Ngày biết tin trường chiêu sinh học viên, anh cùng chị chạy vội đến trường tìm hiểu thông tin rồi đăng ký. “Bỏ dở cả 10 năm, phần lớn kiến thức ngày trước đã mai một rất nhiều. Học Hán Nôm là phải tiếp xúc mặt chữ liên tục, nếu không luyện mỗi ngày sẽ quên sạch trơn. Lúc ôn thi, cả hai vợ chồng khá lo vì không biết có thi đậu nổi không. Có nhiều chữ mình nhớ nghĩa nhưng không biết cách ghi, lại có chữ nhìn rất quen nhưng quên mất thuộc nghĩa. Nhưng cũng may, cả hai vợ chồng đều vượt qua kỳ tuyển sinh đó”.

Hán Nôm thật sự là một ngành học thách thức, thách thức sự kiên trì nhẫn nại, thách thức mức độ “lãng mạn” của người học. “Ngày nào cũng đối mặt với văn bản cổ, nên cái gì nhìn mãi có lúc cảm xúc chợt chai sạn. Học đó rồi cũng quên đó. Nhưng may mắn cho tụi mình là có những người thầy luôn biết truyền cảm hứng và lòng nhiệt huyết cho học trò. Suốt quá trình nghiên cứu và viết luận văn, mình thấy đó không chỉ là những người thầy, mà còn là cộng sự, đối tác và là bạn bè của người học. Tụi mình cùng các thầy trao đổi rất thoải mái nhiều vấn đề, không chỉ về học thuật mà còn về cuộc sống. Là người dẫn dắt nhưng các thầy hết sức khiêm tốn và bao dung, tất cả vì sự tiến bộ của học trò”.

Anh kể khi làm đề tài về thơ đi sứ của Hà Đình Nguyễn Thuật với thầy Lê Quang Trường, những tài liệu mà trong Nam hai thầy trò dốc công tìm hoài nhưng vẫn chưa đủ, thầy đã nhiệt tình hỏi thăm bạn bè, tìm được nhiều văn bản cổ khắp các thư viện miền Bắc. “Ngoài sự giúp đỡ của thầy, mình còn được anh Nguyễn Thanh Hoài, Trường Đại học Đà Lạt giúp sức, bằng cách nhiều lần vào Cục Lưu trữ quốc gia IV để lục tìm, đọc duyệt cẩn thận rồi gửi bản chụp cho mình, dù những lúc ấy anh đang rất bận việc gia đình. Nhờ đó, mình đã có được tư liệu quý để hoàn thành luận văn. Có lẽ đây là truyền thống của người học Hán Nôm, luôn tương trợ nhau hết lòng”.

Còn vợ anh, vì phải chăm sóc con gái nhỏ, lại thêm quán xuyến chuyện gia đình, nên “uỷ quyền” cho anh đồng hành cùng thầy Nguyễn Ngọc Quận, thực hiện cuộc hành trình theo dấu người xưa, nơi ông Ba Thới đã cho ra đời tác phẩm Nôm dài gấp nhiều lần truyện Kiều. Anh kể “Mình cùng thầy cỡi xe gắn máy hết gần một tuần, nhưng thật sự vẫn chưa thoả mãn. Hành trình bắt đầu từ Sài Gòn qua Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp rồi đến An Giang, vòng về Cần Thơ. Có khi phải băng đường lầy lội tới những chỗ xa, có lúc phải luỵ đò để đi tiếp. Vất vả nhưng khi được chạm tay vào những tấm văn bia, bản sách gốc bằng chữ Hán Nôm của tiền nhân để lại, thì bao mệt nhọc như tan biến”.

Dường như không chỉ riêng anh mà bất cứ ai học Hám Nôm đều hiểu rằng cái thú nhất của sự học là được điền dã. Có tới tận nơi để được thấy, được chạm vào những hàng chữ dọc câu đối, câu liễn, các văn từ, sách cổ hay các văn bia tại miếu mạo, đình chùa mới có thể cảm hết khí thái, hồn cốt của từng chữ Hán, Nôm. Bởi mỗi con chữ ấy đều mang lấy những thể phách riêng biệt. Chúng ẩn chứa trong mình là tâm thế và tư thế của người viết, từ thế bút, dáng bút, lực viết đến xúc cảm và cả tâm tưởng đều ngồn ngộn, chợt chực trào nhưng lại ẩn kín sâu xa. “Rất dễ nhận thấy, những sinh viên Hán Nôm sau khi điền dã xong, dẫu có chạy ngoài đường, ngang qua một ngôi chùa nào đó nằm xa xa trong hẻm, chắc chắn họ sẽ dừng lại để nhìn xem những chữ Hán, chữ Nôm được đề trên đó là gì”.

Lớp cao học Hán Nôm có ba thành viên, ngày bảo vệ luận văn chỉ anh chị kịp hoàn thành. Đó cũng là ngày anh chị vừa tròn 10 năm kết tóc. Chị nói, đây là một sự ngẫu nhiên, một kỷ niệm thú vị trong đời. “Lúc giáo vụ khoa liên hệ các thầy cô để lập hội đồng bảo vệ luận văn cho hai vợ chồng, thầy cô ai cũng báo bận hết, chỉ còn rảnh vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9. Rồi không biết tình cờ thế nào, ngày bảo vệ lại trùng khớp như vậy”.

Cùng tốt nghiệp loại xuất sắc, nhưng với anh chị những hiểu biết của bản thân “thật không đáng để kể đến”. Bởi “cái khó của Hán Nôm là phải tự học, thời gian ở trường không thể giải quyết hết được. Ngày xưa các cụ chỉ đọc sách kinh nghĩa thôi mà đã mất cả chục năm chưa xong, nay mình chỉ học bốn, năm học kỳ ở trường, cho nên vẫn chưa đủ để hiểu đúng được, chứ đừng nói là hiểu sâu sắc. Các cụ bước vào trường rồi còn học trò như tụi mình mới đứng trước cổng mà ngắm nghía thôi”.

Anh chị cùng tâm sự chỉ ước ao trường có thể mở bậc tiến sĩ Hán Nôm để cả hai được học tiếp. “Học ở Hà Nội thì không thể được rồi, vì phải lo cho con cái nữa”. Con đường nghiên cứu Hán Nôm vẫn còn mênh mông lắm. “Chúng mình chỉ tiếc khối tư liệu Hán Nôm đồ sộ của đất nước tồn tại qua tháng năm, số ở trong dân, số ở trong các viện lưu trữ, vẫn chưa được khai thác hết, chưa kể việc chúng hư hỏng là điều khó tránh khỏi. Mà để giải mã hết kho tư liệu ấy, chúng ta cần một cuộc hành trình chạy tiếp sức của nhiều thế hệ. Nhiều nhà Hán Nôm học tiền bối đã tiên phong, các thế hệ thầy cô mình đã miệt mài, chúng mình cũng muốn tham gia vào hành trình ấy, và rất hy vọng các bạn trẻ sau này cũng sẽ hưởng ứng. Không phải ngẫu nhiên mà Nhà nước có những chương trình ưu đãi cho sinh viên Hán Nôm như vậy. Kinh tế và văn hóa là những trụ cột tạo nên một quốc gia cường thịnh, không thể thiên lệch về bên nào”.  

Cuộc trò chuyện của chúng tôi tạm kết trong những dòng chia sẻ của anh chị: “Ai trong cuộc đời cũng chọn cho mình một lối đi với muôn vàn lựa chọn để luôn cảm thấy mình hạnh phúc. Chúng mình hạnh phúc với lựa chọn học là nghiên cứu Hán Nôm, hy vọng tình yêu này sẽ dẫn lối giúp chúng mình hiểu thêm về những giá trị nguồn cội của dân tộc”.

 

Những học viên dấn thân

Với đề tài “Nghiên cứu và phiên dịch tác phẩm Mỗi hoài ngâm thảo của Hà Đình Nguyễn Thuật” do TS Lê Quang Trường hướng dẫn, anh Hồ Ngọc Minh đã phân tích những sai lầm trong dịch thuật của một số công trình đi trước, đồng thời phiên dịch, chú thích hơn 300 bài trong tác phẩm này. Còn chị Lý Hồng Phượng với đề tài “Chữ Nôm Nam bộ qua khảo sát tác phẩm Kim cổ kỳ quan của Nguyễn Văn Thới” do TS Nguyễn Ngọc Quận hướng dẫn đã đưa ra hơn 300 chữ Nôm chưa hề có trong các từ điển chữ Nôm trước nay. Ngày 21/8, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức lễ bảo vệ luận văn cho hai anh chị. Cả hai đều được hội đồng bảo vệ đánh giá kết quả xuất sắc với điểm số 9,5.

PGS.TS Đoàn Lê Giang - Trưởng Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM cho biết: “Vợ chồng anh Hồ Ngọc Minh và chị Lý Hồng Phượng là những học viên khai khóa với tinh thần cầu tiến, cần mẫn và đầy nhiệt huyết với ngành Hán Nôm học. Hán Nôm vốn là một ngành vừa khó học lại vừa khó về mặt mưu sinh cho người theo học. Khoa chúng tôi có được những học viên quyết dấn thân trên con đường khoa học chông gai như vậy thật đáng quý. Do đó, khoa sẽ giữ lại một trong hai anh chị để trở thành nghiên cứu viên của khoa, tiếp tục cống hiến và truyền cảm hứng cho các thế hệ tiếp nối.

Riêng đối với anh Hồ Ngọc Minh, anh không chỉ giỏi trong việc nghiên cứu mà còn biết vận dụng kiến thức về Hán Nôm vào lĩnh vực y học cổ truyền mà anh tích lũy trước đó. Nhờ nghiên cứu về Hán Nôm, anh có thể đọc được các tài liệu nguyên bản và các tài liệu tiếng Hoa, điều chế nhiều phương thuốc cổ truyền hữu hiệu để chữa bệnh cho nhiều người”.

 

Miễn học phí cao học ngành Hán Nôm

Hán Nôm học từng là một trong những lĩnh vực học thuật phát triển mạnh của Đại học Văn Khoa Sài Gòn với những tên tuổi học giả thời danh như: Nghiêm Toản, Bửu Cầm, Trần Trọng San, Lưu Khôn, Nguyễn Khuê… Tiếp nối truyền thống học thuật này, PGS.TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM cho biết: “Hiện nay, chiến lược phát triển Hán Nôm của nhà trường tập trung vào hai nhiệm vụ: sưu tầm tư liệu và đào tạo nhân lực”.

Ông Sen cho biết, năm 2011, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM thành lập Phòng Tư liệu Hán Nôm và giao Khoa Văn học phụ trách thu thập các văn bản, tài liệu ở các tỉnh Tây Nam bộ. “Dự án ‘Sưu tầm tư liệu Hán Nôm ở Nam bộ’ là một trong nhiều dự án nghiên cứu về Hán Nôm học do ĐHQG-HCM hỗ trợ. Thông qua dự án này, hàng ngàn đầu tư liệu Hán Nôm được các giảng viên của trường đến gõ cửa hàng trăm đình chùa, miếu mạo hay các nhà sưu tập tư liệu Hán Nôm để thu thập và bảo quản tại Phòng Tư liệu Hán Nôm. Công việc thu thập và bảo quản các tư liệu Hán Nôm tuy tốn nhiều công sức nhưng đây là những di sản văn hóa của cha ông, không thể nào chậm trễ được. Hiện nay, nhà trường đã mở rộng khu vực thu thập đến các tỉnh Trung phần Việt Nam. Có thể nói rằng, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM là một trong những nơi hiếm hoi lưu giữ và bảo quản tư liệu Hán Nôm đầy đủ nhất miền Nam”.

Ông Sen còn cho biết, hằng năm, nhà trường tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo khoa học về Hán Nôm học, thu hút sự quan tâm của đông đảo học giả quốc tế. Gần đây nhất là tọa đàm về thơ đi sứ của các sứ giả Việt Nam ở Trung Quốc do GS Trần Ích Nguyên - Đại học Quốc lập Thành Công, Đài Loan là diễn giả chính.

Theo Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, song song với hoạt động sưu tầm tư liệu Hán Nôm, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực này “là hết sức cấp bách”. Ngày 24/8, PGS.TS Võ Văn Sen ký quyết định miễn học phí cho học viên cao học chuyên ngành Hán Nôm từ năm học 2017-2018.

“Nhà trường luôn chú trọng đào tạo đội ngũ chuyên gia dịch thuật, nghiên cứu các tư liệu Hán Nôm. Nhiều chuyên gia nổi tiếng tầm quốc tế, tiêu biểu như TS Nguyễn Nam - hiện là chuyên gia của Viện Harvard Yenching, ĐH Harvard. Nếu không có đội ngũ chuyên gia này, thế hệ trẻ hôm nay sẽ không thể tiếp cận được di sản tinh thần mà cha ông tích lũy hơn một ngàn năm qua. Và đó sẽ là nhát cắt đoạn tuyệt với ý thức của dân tộc” - ông Sen nhấn mạnh.

 

(Bản tin ĐHQG-HCM, số 182 tháng 10/2017)

Tạp chí Hán Nôm số 2 (117) - 2013 có đăng tải bài Ai đưa ra thi luật Đề, Thực, Luận, Kết trong thơ Đường Việt Nam? của Nguyễn Đăng Na, trong đó tác giả đưa ra một số cứ liệu và kết luận rằng Phan Kế Bính, tác giả Việt Hán văn khảo (Études sur littérature Sino - Annamite, Éditions du Trung Bắc Tân văn, Hà Nội, 1930) là người Việt Nam đầu tiên đặt ra/ đưa ra năm “thuật ngữ luật thi cận” ở Việt Nam tức Phá đề, Thừa đề, Thực, Luận và Kết. Sự thật không phải như thế.

Ai cũng biết thơ Đường luật (còn gọi là thơ cận thể) đã lưu hành ở Việt Nam từ thời Bắc thuộc, rồi trong hơn mười thế kỷ sau đó vẫn tiếp tục phát triển nên được dân tộc hóa cao độ về mặt thuật ngữ như bảng so sánh ở cuối bài viết của tác giả Nguyễn Đăng Na ít nhiều cho thấy, nhưng đồng thời còn là một hạng mục văn chương khoa cử nên được chuẩn hóa cao độ về mặt thi luật, không thể nào đến thế kỷ XX và với Phan Kế Bính thì những khái niệm - thuật ngữ loại Phá đề, Thừa đề, Thực, Luận và Kết mới được “đặt ra”. Mà cho dù chỉ là “đưa ra” thì chỉ nói trong phạm vi các tài liệu xuất bản bằng chữ Quốc ngữ Latin cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các khái niệm - thuật ngữ nói trên cũng đã được không ít người nhắc tới. Vài tài liệu sau đây là bằng chứng.

Từ 1919, trong Việt âm văn uyển, Lê Sum đã viết trong phần Thi luận, mục Thi pháp sơ giai:

“Lại còn sao mà gọi rằng: phá, thừa, trạng, luận, chuyển, kết?

Phá: Nghĩa là mình bố cuộc ra đặng nói cái chuyện tâm sự của mình muốn bày tỏ việc chi, hoặc là cái vật mình làm thi đó.

Thừa: là nương theo ý câu phá mà nói rõ cái đề thi ra.

Trạng: là tả hình trạng (bóng dáng) cái đề mục mình làm thi đó hoặc là cái vật chi mình làm thi đó.

Luận: là luận cái tánh chất cùng việc dùng của vật mình làm thi đó, cùng là cái điều mình tự thuật đó.

Chuyển: là gom hết ý sáu câu trên mà tóm lại.

Kết: là thâu góp cái tứ mình đã nói trên đó lại cho vuông tròn mà nói dứt.

Bởi vậy muốn làm thi trước phải cho biết cái bổn lãnh của câu thi vì sao mà gọi là phá-thừa-trạng-luận-chuyển-kết cho phân minh đã, thì làm mới có bài thi hay, mà dẫu không hay cũng trúng Thi gia cách luật”(1).

Trước đó nữa, trong loạt bài Thi pháp nhập môn - Thi phú qui thức dưới dạng hỏi đáp đăng tải trên Nam Kỳ địa phận thời gian 1913 - 1916, Hồ Ngọc Cẩn đã viết:

“… H. Bốn cặp ấy đặt ý tứ khác nhau làm sao?

T. Ý tứ khác nhau lắm, nên mỗi cặp có tên riêng mà chỉ ý tứ phải đặt nó.

1. Cặp thứ 1 gọi là cặp Phá, câu thứ nhứt gọi là câu Khai đề, câu thứ hai gọi là câu Nhập đề. Vậy câu đầu phải nói rộng mở đàng, hoặc than thở, hoặc lấy làm lạ, hoặc chỉ ngày giờ, vân vân, tùy theo chuyện, phải nói cho có hơi ngụ ý đến thơ ít nhiều, song nói cách bông lông vậy mà thôi.

Qua câu Nhập đề phải nói cho gắt chuyện, cho kể nghe câu ấy liền hiểu trong bài thơ nói gì.

2. Cặp thứ 2 gọi là cặp Trạng: Câu Trạng thượng phải nói tự tích việc ấy xảy ra làm sao, hoặc nói cớ sự nó xảy ra cách nọ thế kia, hoặc nói quả quyết, hoặc chối hẳn tùy nghi. Đoạn câu Trạng hạ phải hiệp một ý mà nói cùng đối cho cân xứng.

3. Cặp thứ 3 là cặp Luận. Cặp này bàn việc ra cho trọn ý, nên phải lấy lẽ bởi việc ấy mà bàn, hay là lấy tích nọ truyện kia, hay là trưng câu sách nọ, lời tục ngữ kia mà làm chứng ý mình bàn. Bởi đó Trạng và Luận giúp nhau mà giải ý thơ cho minh bạch.

4. Cặp thứ 4 gọi là cặp Kết. Cặp này tóm lại cả bài thơ, câu thứ nhứt gọi là Chuyển kết vì nó dựa ý theo Trạng Luận mà kết trổng vậy. Đến câu Hoàn kết thì kết thật, hoặc khuyên, hoặc trách, hoặc xin, hoặc mầng, vân vân, tùy thơ”(2).

Trước đó nữa, trong Thi phú văn từ xuất bản năm 1912, Đinh Thái Sơn cũng từng viết ở phần Thi luật:

“Thơ bát cú (tám câu) kể ngôi thứ như sau này:

Câu thứ nhứt kêu là câu phá.

Câu thứ nhì kêu là câu thừa.

Câu thứ 3 và câu thứ 4 kêu chung là cặp trạng.

Câu thứ 5 và câu thứ 6 kêu chung là cặp luận.

Câu thứ bảy kêu là câu thúc (chuyển).

Câu thứ tám kêu là câu kết.

Phép làm phải có căn đề, niêm luật và bình trắc.

Giả như muốn làm thơ mặt trăng, thì câu phá đầu, mở hơi vọng động, chỉ cái ý mình, dợm muốn nói chuyện cái mặt trăng.

Qua câu thừa là câu nhập đề, thì phải buộc ý nói cho rõ ràng cái mặt trăng, là hình dạng y nguyên của nó.

Cặp trạng: là nói hình trạng cái mặt trăng; trong hai câu này, mỗi chữ phải đối với nhau cho xứng đáng.

Giả như:

Rạng đất, rạng trời, thêm rạng tiết,

Cùng non, cùng nước, chẳng cùng lòng.

Cặp luận là câu 5° và câu 6°, phải luận nó, tánh khí tương trợ thế nào, cử động nó giống cái gì, giống ai!

Câu thúc, câu chuyển là câu 7° thì gom ý tứ thể thức trong bài thơ lại, như là thúc lại, gói lại, tém vén lại cho sắc sảo, dợm dồn ý tứ cho trọn vào.

Tới câu kết là câu chót, thì đem trọn căn đề cái mặt trăng mà chiếu đối ra tỏ rõ cạn cùng”(3).

Trước đó nữa, trong Quốc âm thi hiệp tuyển xuất bản năm 1903, Lê Quang Chiểu đã viết trong phần Phép dạy làm thơ:

“… Giả tỷ như bài thơ của ông Phò mã Trị đời giặc Tây Sơn, bị sa cơ mà làm thơ Miểng sành như vầy:

Câu phá, Sa cơ một phút hóa tan tành,

Câu thừa, Thiên hạ đều kêu cái miểng sành.

Cặp trạng, Sắc lẻm như gươm người gớm mặt, Rán sao ra mỡ chúng hay danh.

Cặp luận, Ghe phen sấp cật nằm trên cát, Có thuở làm chông đứng vách thành.

Câu chuyển, Chuông khánh dầu ai không dám sánh,

Câu kết, Gõ nghe cũng có tiếng canh canh.

Câu phá, câu thừa, câu chuyển, câu kết, tuy là không đối, mà cũng cho rõ ràng bình trắc, hễ câu trên chữ thứ hai bình, thì câu dưới chữ thứ hai trắc, còn cặp trạng cặp luận, thì phải kiếm cho xứng đối luôn luôn”(4).

Trước đó nữa, trên Nông cổ mín đàm số ra ngày 4.9.1902, Lương Dũ Thúc tức Lương Khắc Ninh đã viết trong bài Quốc âm thí thức:

“Phép làm thơ thất ngôn bát cú, nghĩa là: một câu 7 chữ 8 câu thì trọn bài thơ, trong một bài có năm vận, xem coi như bài thơ Từ Thứ, 5 chữ vận là: Voi mòi còi roi thoi, câu đầu kêu rằng câu phá, thì lấy một chữ vận đầu, là chữ Voi.

Câu thứ hai kêu bằng câu thừa, lấy một chữ vận thứ hai là Mòi.

Hai câu kế đó, là câu thứ ba với thứ tư, trong hai câu này, kêu là cặp trạng, câu trước chữ chót phải để chữ trắc không có vận, còn câu sau lấy vận Còi, là chữ vận thứ ba.

Hai câu kế theo đây nữa, là câu thứ năm với thứ sáu, trong hai câu này tên là cặp luận, câu trước cũng là chữ chót vận trắc, câu sau lấy chữ vận Roi, là chữ vận thứ tư.

Câu thứ bảy kêu là câu thúc, chữ chót cũng trắc không vận.

Còn câu chót là câu thứ tám là câu kiết, để chữ chót là Thoi.

Xem coi tám câu mà có năm vận”(5).

Nói thêm là trên Nông cổ mín đàm từ số ra ngày 3.11.1904 trở đi người ta đã được thấy cuộc bút chiến giữa Nguyễn Viên Kiều với nhiều người khác về loạt thơ thất ngôn bát cú Quan Công, Trống chầu, Trông chồng, Du hồ, trong đó những người tham gia cũng nhiều lần nhắc tới các khái niệm - thuật ngữ như Phá đề, Thừa đề, Cặp trạng, Cặp luận(6).

Trước đó nữa, trong Thi pháp nhập môn xuất bản năm 1898, Trương Minh Ký cũng từng viết “Thơ tám câu thì phân làm tám vế là: Một câu khai, một câu thừa, một cặp trạng, một cặp luận, một câu chuyển, một câu kết”(7) và dẫn ra bài thơ Con muỗi làm ví dụ.

Rõ ràng trước Việt Hán văn khảo 1930 của Phan Kế Bính hơn 30 năm, học giới và văn giới Việt Nam ở Nam kỳ và Trung kỳ đã nói tới kết cấu chức năng Phá gồm Phá đề, Thừa đề (hay Khai đề, Nhập đề), Thực (hay Trạng), Luận, Kết gồm Chuyển (hay Thúc, Chuyển kết) và Kết (hay Hoàn kết) của một bài thơ Đường luật bát cú. Những tài liệu nêu trên đều chẳng có gì là quý hiếm, nhưng ít nhất thì bất kỳ tài liệu nào cũng bác bỏ được kết luận của tác giả Nguyễn Đăng Na. Thật ra nói cho cùng thì các khái niệm - thuật ngữ ấy cũng chỉ là chuyện lặt vặt, cho dù là người đầu tiên đề cập tới trên sách báo chữ quốc ngữ Latin cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cũng chẳng phải là sự gì tài giỏi hay vinh dự. Cho nên điều đáng nói hơn là bài viết nói trên của tác giả Nguyễn Đăng Na còn có vài điểm không minh bạch mặc dù xuất phát từ thiện chí đề cao Phan Kế Bính, và bất kể là vô tình hay cố ý, sự không minh bạch ấy cũng đều có thể dẫn tới những ngộ nhận về văn hóa sử, văn học sử Việt Nam.

Trong phần kết luận bài viết nói trên, tác giả viết “Cụ Cử nhân Phan Kế Bính, tác giả Việt Hán văn khảo 1918, người Việt Nam đầu tiên đưa ra 5 thuật ngữ luật thi cận ở Việt Nam…”. Việt Hán văn khảo của Phan Kế Bính được hoàn thành năm 1918, xuất bản năm 1930, tác giả cũng từng viết rõ như thế ở phần đầu bài viết, vậy tại sao ở đây lại viết là “Việt Hán văn khảo 1918”? Đó là năm bản thảo được hoàn thành, không phải là năm quyển sách được xuất bản để đông đảo người đọc có thể biết năm 1918 Phan Kế Bính đã nói tới những khái niệm - thuật ngữ nói trên. Còn nếu nói năm 1918 Phan Kế Bính đã biết tới những khái niệm - thuật ngữ ấy thì càng không chính xác, vì chắc chắn trước khi thi đỗ Tú tài rồi sau đó là Cử nhân khoa Bính Ngọ 1906 ông đã quá biết những điều sơ đẳng ấy về kết cấu chức năng của một bài thơ Đường luật bát cú. Tóm lại cụm từ “Việt Hán văn khảo 1918” ở đây chỉ nhằm mục đích lập ra một tờ giấy khai sinh sớm hơn cho các thuật ngữ mà tác giả muốn Phan Kế Bính là “người đầu tiên ở Việt Nam đưa ra”.

Tương tự, nhằm đề cao Phan Kế Bính trong một chuyện vốn không có gì đáng phải đề cao, tác giả còn viết “Nghĩa là ngay năm Mậu Ngọ 1918 khi Quốc ngữ hiện đại bắt đầu dùng và cũng là năm thi Hương cuối cùng ở nước ta, cụ Phan đưa ra năm thuật ngữ thơ Đường Việt Nam là 1. Phá đề, 2. Thừa đề, 3. Thích thực hoặc cập trạng, 4. Luận nghĩa, 5. Thúc kết”. Ngoài từ “cập trạng” vốn là “cặp trạng” (hai câu trạng) sai chính tả, đoạn viết này còn có một điểm rất mơ hồ về lịch sử là “năm Mậu Ngọ 1918 khi Quốc ngữ hiện đại bắt đầu dùng”. Trên cả hai khía cạnh thực tế lẫn pháp lý, từ “bắt đầu” ở đây đều không chính xác. Ai cũng biết từ ngày 15.4.1865 chính quyền thuộc địa Pháp ở Nam kỳ đã cho xuất bản tờ Gia Định báo viết bằng chữ Quốc ngữ Latin phát không cho các làng xã, và ngày 6.4.1878 Thống đốc Nam kỳ Duperré đã ra Nghị định lấy chữ Quốc ngữ Latin làm chữ viết chính thức (écriture officielle) trong phạm vi Nam kỳ. Ở Trung, Bắc kỳ thì chưa nói tới hoạt động của nhiều cá nhân, ngay triều đình nhà Nguyễn từ đời Thành Thái trở đi cũng đã quan tâm tới việc dạy và học chữ Quốc ngữ, ví dụ đặt trường Tôn học dạy cả chữ Hán và chữ quốc ngữ cho con em tôn thất hoàng phái năm 1904, đặt thêm chức Quảng giáo dạy chữ Quốc ngữ và chữ Pháp cho sinh viên Quốc tử giám năm 1908 rồi ra đề thi bằng chữ Quốc ngữ trong khoa thi Hương 1909(8). Sau Huỳnh Tịnh Của ở Sài Gòn cho xuất bản quyển tự điển song ngữ Hán Nôm - Latin Đại Nam quấc âm tự vị năm 1895 - 1896, đến 1921 Vũ Trân ở Hà Nội cho xuất bản quyển Quốc ngữ viết tắt mô phỏng lối chữ Sténographie của Pháp đặt ra lối viết tốc ký có dấu thanh điệu cho chữ quốc ngữ(9) - việc vươn lên làm chủ hệ thống công cụ văn tự mới với những thành tựu như thế không thể nào là kết quả của việc bắt đầu dùng chữ Quốc ngữ từ 1918 như cách hiểu của tác giả Nguyễn Đăng Na.

***

Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Nhưng trong thời gian 1954 - 1975 do hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, các công trình nghiên cứu, giáo trình giảng dạy về văn học sử Việt Nam ra đời ở phía bắc cơ bản chỉ là những công trình, giáo trình văn học sử miền Bắc mở rộng, vô hình trung dẫn tới tập quán tư duy “dĩ Bắc vi trung” nơi nhiều nhà nghiên cứu và giảng viên đại học phía Bắc các thế hệ trước. Đó là một điều đáng tiếc không nên kéo dài thêm nữa, nhất là trong việc tìm hiểu các vấn đề văn học sử, văn hóa sử Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, vì như người ta đã thấy, trong vụ “Phá, Thực, Luận, Kết” này tác giả Nguyễn Đăng Na chỉ mới đọc Việt Hán văn khảocủa Phan Kế Bính chứ hoàn toàn chưa tìm tới các tài liệu chữ Quốc ngữ Latin được xuất bản ở Nam kỳ và Trung kỳ trước 1930.

Chú thích:

(1) Việt âm văn uyển (Các thứ văn từ thi phú quốc âm), Tuyển giả: Lê Sum, Rédacteur du Công luận báo, Imprimerie J. Viết, Sài Gòn, 1919, tr.14. Đoạn trích nguyên văn trên đây cũng như một số đoạn bên dưới có nhiều chỗ sai lạc do chữ quốc ngữ Latin đầu thế kỷ XX đưa tới, trong bài này chúng tôi có điều chỉnh về chính tả - CTT.

(2) Nam Kỳ địa phận, ngày 30.4.1914.

(3) Thi phú văn từ, par Đinh Thái Sơn, Phát Toán, Libraire Imprimeur, Sài Gòn, 1912.

(4) Quốc âm thi hiệp tuyển, Lê Quang Chiểu, Sài Gòn, Claude & Cie, Imprimeurs - Éditeurs, 1903, tr.4-5.

(5) Nông cổ mín đàm, ngày 4.9.1902.

(6) Xem thêm Nông cổ mín đàm từ ngày 3.11.1904 trở đi.

(7) Thi pháp nhập môn, Traité de versification Annamite, par Thế Tải Trương Minh Ký, Officier d’Académie, Chevalier de l’Annam et du Cambodge, Ancien professeur au collège Chasseloup - Laubat, Interprète au titre européen au secrétariat du Gouvernement de la Cochinchine. Édition Illustrée. Imprimerie Commerciale Rey, Sài Gòn, 1898, tr.21.

(8) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, 2012, các điều 1234, 1469, 1551.

(9) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2013, điều 0748./.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 4 (119) 2013; tr. 79-82

Tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm số 5. 2004 có đăng tải bài viết của tác giả Nguyễn Minh Tường góp ý văn bản phục hồi và bản dịch bài thơ gởi vợ thứ ba của Trần Thiện Chánh của tôi được đăng trên Tạp chí Xưa và Nay số 210, tháng 4. 2004. Trước hết, tôi cảm ơn tác giả Nguyễn Minh Tường đã quan tâm tới bài viết của tôi, và còn tạo điều kiện cho tôi được nói thêm lần nữa về bài thơ này, vì trong bài trên Tạp chí Xưa và Nay, tôi chỉ có thể bước đầu phục hồi văn bản chủ yếu trên cơ sở ngôn ngữ và chữ Hán chứ chưa thể đi sâu vào nội dung, trong khi đây cũng là một dữ kiện quan trọng để phục hồi văn bản tác phẩm.

Do sơ suất của tôi lúc đánh máy chữ Hán, hai chữ “ - mai” ở câu 7 và 8 trong văn bản in trên Tạp chí Xưa và Nay đã bị lầm thành “ - mai”. Tôi cảm ơn tác giả Nguyễn Minh Tường và xin nhận lỗi với người đọc về điểm này.

Dễ nhận ra tuy chưa yên tâm về văn bản phục hồi của tôi (mà điều này cũng hợp lý thôi vì cả tôi cũng chưa yên tâm), tác giả Nguyễn Minh Tường vẫn sử dụng văn bản ấy để đưa ra một bản dịch khác. Nói khác đi, tác giả Nguyễn Minh Tường chủ yếu góp ý về bản dịch chứ không phải về văn bản được phục hồi. Tuy nhiên, văn bản phục hồi bước đầu ấy vẫn chưa hoàn chỉnh. Ít nhất, nó còn phải được sửa chữ “hữu” ở câu 7 thành chữ “nữ”. Sau đây là những lập luận của tôi, theo thứ tự từng câu và từ chữ tới nghĩa.

1. Về câu “Khách lý sơ cuồng hoàn tiếu ngã”. Dịch sát từng chữ, từ “khách lý” có nghĩa là “Ở nơi đất khách (hay “Trong cảnh làm khách” như tác giả Nguyễn Minh Tường hiểu cũng được)”, đều chỉ việc đang ở xa quê hương, chứ tôi chưa từng thấy ai dịch thành “trong số khách” như tác giả Nguyễn Minh Tường. Còn từ “sơ cuồng” trong văn chương cổ thường được tác giả dùng để nói về bản thân, có khi mang ý than thở, có khi mang ý tự đắc pha lẫn màu sắc tự trào. Điều này hoàn toàn phù hợp với con người Trần Thiện Chánh, một nhà nho lúc thiếu thời thì “Tuổi trẻ hùng tâm bốc tận trời, Làm quan chẳng thích, thích chơi bời” (Thư hoài) còn sau này lúc ra Bắc làm Tán tương rồi Tán lý quân thứ Sơn Tây cũng có lần bị giáng cấp vì tội “Cấp phát tiền lương trái qui định, hút thuốc phiện, giả ốm để cưới vợ lẽ” (xem thêm Cao Tự Thanh, Thơ Trần Thiện Chánh, Nxb. Khoa học xã hội, 1995). Và “sơ cuồng” không phải là “cuồng nhẹ, cuồng ít” như cách hiểu của tác giả Nguyễn Minh Tường. “Sơ” là sơ suất, không tinh tế cẩn thận (đây ý nói không quan tâm tới các qui định lễ giáo lễ nghi lặt vặt), “cuồng” là ngông nghênh (đây ý nói ngang tàng, cao ngạo), và ở trường hợp Trần Thiện Chánh thì từ này còn gói ghém sự đắc ý chua chát về bản thân. Ngay trong bài thơ gởi vợ thứ hai mà tôi có giới thiệu trong quyển Thơ Trần Thiện Chánh, ông cũng từng viết “Tối nan tác phụ vị phu cuồng” (Thật khôn làm vợ bởi chồng cuồng), tức tự nhận mình là “cuồng”. Cho nên phải hiểu từ “sơ cuồng” ở bài thơ gởi vợ thứ ba này là Trần Thiện Chánh tự nói về mình, còn dịch ra “ngông cuồng” cũng không có gì sai, sở dĩ tác giả Nguyễn Minh Tường cảm thấy “nặng quá” chỉ vì từ “ngông cuồng” hiện nay chủ yếu được dùng với nghĩa xấu, mất đi nét nghĩa trung tính và lối dùng kiểu phản nghĩa như trước kia mà thôi. Cần nói thêm rằng chữ “cuồng” của Trần Thiện Chánh là chữ “cuồng” trong văn chương, không đơn giản như chữ “cuồng” trong từ điển, không phải cứ tra đủ từ điển là có thể hiểu đúng văn chương.

2. Về câu “Hoa biên liễm nhiễm cánh bằng thùy”. Câu này cách dịch “Bên hoa khép nép biết cậy vào ai” của tôi trên Tạp chí Xưa và Nay chưa thật rõ nghĩa. Hai câu thực bài thơ lập ý rất xuất sáo, chữ “bằng” (dựa, cậy) ở câu này lại càng tinh vi, thâu tóm và hóa giải hết câu “Đất khách ngông cuồng vẫn tự cười mình” giống như lạc đề rất lạc lõng ở trên. Trần Thiện Chánh muốn nói không có người vợ hiền hậu nhu mì (khép nép bên hoa) bên cạnh để có một “cái phanh” trong cuộc sống và ứng xử, một chỗ dựa về tình cảm và tâm lý, nên “biết cậy vào ai” đây tức “biết có ai”.

Nhưng trên câu chữ mà nói, cũng có thể đưa ra một cách hiểu khác hẳn về hai câu 3 – 4 là “Đất khách ngông cuồng còn đang cười ta, Bên hoa khép nép biết dựa vào ai”, tức Trần Thiện Chánh tưởng tượng người vợ nơi xa vẫn chế nhạo mình ngông cuồng song đang lẻ loi không có chồng bên cạnh. Lúc đầu tôi đã cân nhắc về ý nghĩa này, song bài của tác giả Nguyên Hùng trên Tạp chí Xưa và Nay số 208, 2004 giới thiệu đây là thơ gởi vợ của Trần Thiện Chánh, nên tôi đã hướng tới cách dịch “Ký nội”. Chứ nếu nhan đề bài thơ là “Hoài nội” (nhớ vợ) thì chắc chắn phải dịch theo cách này. Trong trường hợp này thì tác giả Nguyễn Minh Tường đã đúng một nửa khi hiểu chữ “tiếu” (cười) là người khác cười Trần Thiện Chánh chứ không phải ông tự cười mình, có điều kẻ ấy chỉ có thể là người bạn đời đã quá rõ tính nết của ông mà thôi.

3. Về từ “tiên nữ”. Trong Hán tự, chữ “nữ” và chữ “hữu” có tự hình gần nhau, rất dễ lầm. “Tiên nữ sơn trung tín tức kỳ” (Tiên nữ trong non tin tức không đều) là lấy tích Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai, ý Trần Thiện Chánh muốn ví vợ như tiên nữ trong núi sâu, sau khi chia tay không thể gởi thư cho mình thường xuyên. Tương tự, câu “Mỹ nhân nguyệt hạ tinh thần viễn” phía trên cũng có điển cố, là lấy ý từ câu “Hội hướng Dao đài nguyệt hạ phùng” (Dưới trăng sẽ gặp ở Dao đài) trong ba bài Thanh bình điệu của Lý Bạch, ý Trần Thiện Chánh muốn nói cuộc gặp gỡ dưới ánh trăng mà mình mong mỏi ấy cũng xa xôi như sao trời. Ngoài ra hai câu “Mỹ nhân... tín tức kỳ” là hai câu luận, phải tập trung vào việc bày tỏ tình cảm với vợ mà cụ thể ở đây là than thở chuyện “người thì xa xôi, thư thì thưa thớt” mới đúng thể cách Đường thi, chứ hiểu câu 5 là “Trần Thiện Chánh tự nói về mình” như tác giả Nguyễn Minh Tường thì tôi e lạc đề, vả lại làm thơ gởi vợ mà tự xưng là “Tiên hữu” (bạn tiên) thì không phải ngông nghênh mà là lố lăng. Hơn thế nữa, tôi không rõ tác giả Nguyễn Minh Tường dựa vào chứng cứ nào để khẳng định lúc làm bài thơ gởi vợ này thì “Trần Thiện Chánh đang làm quan tại vùng núi non Ninh Bình”, có điều giả sử đúng như thế thì một người được điều về giữ chức Tuần phủ Ninh Bình sau khi quân Pháp trả lại tỉnh thành đầu năm 1874 như Trần Thiện Chánh cũng phải làm việc ở tỉnh lỵ, có phố xá chợ búa, chứ không lẽ nào lại dời nha môn vào trong núi sâu.

4. Về hai chữ “mai” trong hai câu 7 – 8. Hai chữ này bị lặp, nói chung là điều mà những người làm thơ Đường luật ngày trước rất tránh, nhưng ngoại trừ khả năng văn bản không chính xác, thì với một nhà thơ tài hoa như Trần Thiện Chánh đây là cố ý chứ không phải bí chữ. Tôi còn nghĩ có thể người vợ này của Trần Thiện Chánh tên Mai, nhưng như đã nói trong bài trên Tạp chí Xưa và Nay, tôi chưa có dịp được tiếp xúc với hậu duệ của ông để tìm hiểu, nên đành tạm gác lại không dám đoán bậy sửa bừa, bản dịch vì vậy cũng chưa rõ nghĩa. Nhưng tác giả Nguyễn Minh Tường dịch câu 7 không đúng ngữ pháp Hán ngữ, lại giải thích sai tích “tầm mai” nên hiểu chưa đúng câu này. “Tìm mai” đây không phải lấy ý từ bài Tạp thi của Vương Duy mà là từ bài Tuyết hậu tầm mai của Lục Du “Thanh đế cung trung đệ nhất phi, Bảo hương huân triệt tố tiêu y. Định tri trích tùy bất dung cửu, Vạn hộc ngọc trần lai sính qui (Trong điện vua xuân bậc ái phi, Áo tơ trắng toát nức hương bay. Vốn hay bị trích không lâu nữa, Bụi ngọc muôn thưng sẽ đón về). “Tìm mai” đây ý nói muốn trở về chỗ cũ của mình, như câu “Tìm mai đạp nguyệt tuyết xâm khăn” của Nguyễn Trãi lúc về Côn Sơn tỏ ý muốn trở lại làm quan trong triều đình, câu “Trong sương chịu lạnh bởi tìm mai” trong 20 bài thơ Nôm của Trịnh Hoài Đức làm lúc đi sứ Trung Hoa tỏ ý nhớ nước nhớ quê... đều rút từ điển này, nên “những khách tìm mai” đây là Trần Thiện Chánh muốn nói tới những người yêu nước Nam Kỳ ra tỵ địa ở vùng Nam Trung Bộ cùng chỗ với vợ ông. Tóm lại trên cơ sở cấu tứ bài thơ và văn bản hiện có phải hiểu hai câu cuối là “Nhờ nhắn lời với những khách nhớ quê chỗ bà, Rằng ta vẫn buồn cho cành mai cũng đang gầy guộc ở phương nam”.

Tháng 4. 2005

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 3, 2005

Thông tin truy cập

60781515
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
1016
24669
60781515

Thành viên trực tuyến

Đang có 623 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website