Tuệ Trung Thượng Sĩ (慧 中 上 士, 1230 - 1291), tên là Trần Tung (陳 嵩), tước hiệu Hưng Ninh Vương (興 寧 王) là Thiền sư nổi tiếng của Việt Nam. Ông là người hướng Trần Nhân Tông vào cửa Thiền và có nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng của vị Tổ sư sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trước tác của Trần Tung chủ yếu được tập hợp trong cuốn Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục. Trong bài Tựa viết về việc trùng san năm Chính Hòa, Tì kheo Tuệ Nguyên viết: “Những ghi chép này là do Đại đức Tiêu Dao nói với Tuệ Trung Thượng sĩ, Thượng sĩ nói với Trúc Lâm đệ nhất tổ Điều ngự Giác hoàng. Điều ngự Giác hoàng nói với Trúc Lâm đệ nhị tổ Pháp Loa đại sư. Pháp Loa đại sư nói với Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang Tôn giả.Huyền Quang Tôn giả nói cho tông phái Trúc Lâm và Thiền tông khắp Thiên hạ. Xưa nay việc truyền thụ vẫn như vậy. Quyển sách này là phương thuốc hay đối với các chứng bệnh, nhanh chóng đốn ngộ thành Phật, thẳng suốt nguồn tâm, vượt qua bể giác, giết chết vọng thức, phá sạch danh tướng. Là nguồn cội của đạo Không. Vượt Tam thừa, vượt Phật thừa, là yếu chỉ thượng thượng”(1). Khi giảng giải Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, Thích Thanh Từ đã nhận định: “Quyển Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục là một tác phẩm trác tuyệt, triết lý uyên thâm, văn chương thanh thoát”(2). Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục đã được nghiên cứu từ nhiều góc độ và cấp độ như vấn đề tư tưởng Phật giáo, giá trị văn học, tác phẩm cụ thể, toàn bộ phần thơ… Tuy nhiên, vấn đề văn bản học của Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục chưa được đề cập đến một cách thấu đáo. Trong bài viết này, chúng tôi cố gắng khảo sát những văn bản hiện còn và đưa ra những nhận định về bố cục văn bản, quá trình lưu truyền của văn bản, văn bản cơ sở của tác phẩm này.

20200610 2

1. Tình hình văn bản

Hiện tại, tác phẩm Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục còn 2 văn bản là Trúc Lâm Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục (竹 林 慧 忠 上 士 語 籙)kí hiệu A.1932 tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (TVVNCHN) và Tam tổ thực lục (三 祖 寔 籙)kí hiệu A.2048 tại TVVNCHN. Sau đây là phần giới thiệu về từng cuốn sách.

1.1. Văn bản Trúc Lâm Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục

Trúc Lâm Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, kí hiệu A.1932, giấy dó, bốn trang đầu bị rách góc mép phải dưới, bìa màu nâu cũ. Khổ sách 16cm x 28cm, khung chữ 14cm x 21 cm. Rốn sách có phần trên ghi上 士 語 籙 còn phần dưới là số trang. Sách gồm 44 trang, mỗi trang 8 cột, mỗi cột 15 chữ (có khi là 14 chữ, có khi là 16 chữ), nếu viết đài là 16 chữ (có khi là 17, 18 chữ). Sách này gồm các phần sau:

a) Lời Tựa của Tì kheo Tuệ Nguyên về việc Trùng san Thượng sĩ ngữ lục vào thời Lê niên hiệu Chính Hòa thứ 4 (1683).

Phần mở đầu của bài tựa ghi: Trúc Lâm hội thượng Yên Tử sơn Long Động tự Đồng tử Tì kheo Tuệ Nguyên trùng san Trúc Lâm tổ sư Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, phần hương cẩn tự (竹 林 會 上 安 子 龍 峒 寺童 子 比 丘 慧 源 重 刊 竹 林 祖 師 慧 忠 上 士 語 籙 焚 香 謹序 - Trên hội Trúc Lâm, núi Yên Tử, chùa Long Động, đồng tử Tì kheo Tuệ Nguyên khắc bản lại ngữ lục của Trúc Lâm tổ sư Tuệ Trung Thượng sĩ, thắp hương và kính cẩn viết tựa). Trong lời đề tựa, Tì kheo Tuệ Nguyên có viết: tôi khắc bản để lại, truyền lâu ức kiếp gương xưa sáng mãi, tiếp nối sáng không cùng, khiến chúng sinh khắp thế giới đại thiên, cùng rõ thấu pháp môn bất nhị, truyền bá trong nước được muôn đời, đồng chứng Phật quả nhất thừa. Phần cuối bài tựa cho biết thời gian khắc in lại : Lê Triều Chính Hòa tứ niên tuế thứ Quý Hợi đông tiết cốc nhật trùng san (黎 朝 正 和 四 年 歲 次 癸亥 冬 節 穀 日 重 刊 - Triều Lê, niên hiệu Chính Hòa thứ 4 năm Quý Hợi, tiết đông, ngày tốt khắc bản in lại - 1683)

b) Lược dẫn Thiền phái đồ (略 引 禪 派 圖) do Tì kheo Tuệ Nguyên viết.

c) Trần Triều Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục do Trần Nhân Tông khảo đính và Pháp Loa biên soạn. Chính văn ghi: Trúc Lâm Đại đầu đà đệ nhất tổ Tịnh tuệ Điều ngự Giác hoàng khảo đính, Trúc Lâm Hương đàn Tự pháp đệ tử Tiểu đầu đà Pháp Loa phổ huệ biên (竹林 大 頭 陀 第一祖 淨 慧 調 御 覺 皇 考 訂, 竹 林 香 壇 嗣 法 弟 子 小頭 陀 法 螺 普 慧 編 - Trúc Lâm Đại đầu đà đệ nhất Tổ tịnh tuệ Điều ngự giác hoàng khảo đính, Trúc Lâm Hương đàn tự pháp đệ tử Tiểu đầu đà Pháp Loa phổ huệ biên soạn thành sách). Nội dung gồm các phần sau:

Đối cơ (對機)(3).

Tụng cổ (頌 古)(4).

Thơ gồm các bài : 1. Phật tâm ca (佛 心 歌 ). 2. Phóng cuồng ngâm (放 狂 吟 ). 3. Sinh tử nhàn nhi dĩ (生 死 閑 而 已 ). 4. Phàm thánh bất dị (凡 聖 不 異 ). 5. Mê ngộ bất dị (迷悟 不 異 ). 6. Trừu thần ngâm (抽 脣 吟 ). 7. Trữ từ tự cảnh văn (抒 辭 自 警 文 ). 8. An định thời tiết (安 定時 節 ). 9. Dưỡng chân (養 真 ). 10. Nhập trần (入塵 ). 11. Vạn sự quy như (萬 事 歸 如 ). 12. Thế thái hư huyễn (世 態 虛 幻 ). 13. Họa huyện lệnh (和 縣 令). 14. (thiếu nhan đề) Tịnh bang cảnh vật (淨 邦境 物 ). 15. Họa Hưng Trí thượng vị hầu (和 興 智 上 位 侯 ). 16. Tụng Thánh Tông đạo học (頌 聖 宗 道 學 ). 17. Thủ nê ngưu (守 泥 牛). 18. Giang hồ tự thích (江湖 自 適 ). 19. Vật bất năng dung (物 不 能 容 ). 20. Phỏng Tăng Điền đại sư (訪 僧 田 大 師 ). 21. Vấn Phúc Đường đại sư tật (問 福 堂 大 師 疾). 22. Thượng Phúc Đường Tiêu Dao Thiền sư (上 福 堂 逍遙 禪 師 ). 23. Phúc Đường cảnh vật (福 堂 境 物). 24. Tặng Thuần Nhất pháp sư (贈 純一 法 師). 25. Hí Trí Viễn Thiền sư khan kinh tả nghĩa (戲 智 遠 禪 師 看 經 寫 義). 26. Điệu Tiên sư (悼先 師 ). 27. Khuyến thế tiến đạo (勸 世 進 道 ). 28. Thị chúng (示 眾 ). 29. Thị chúng (示眾). 30. Thị học (示 學 ). 31. Ngẫu tác (偶作 ). 32. Giản để tùng (澗底 松 ). 33. Xuất trần (出 塵 ). 34. Chí đạo vô nan (至 道 無 難 ). 35. Tâm vương (心王 ). 36. Phóng ngưu (放 牛 ). 37. Đề tinh xá (題 精 舍 ). 38. Ngẫu tác (偶 作 ). 39. Tứ sơn khả hại (四山 可 害 ). 40. Trụ trượng tử (柱 杖子). 41. Chiếu thân (照身 ). 42. Tự đề (自題 ). 43. Đốn tỉnh (頓 惺 ). 44. Tự tại (自 在 ). 45. Thoái cư (退 居 ). 46. Thị đồ (示 徒 ). 47. Thị tu Tây phương bối (示 修 西 方 輩). 48. Thoát thế (脫世 ). 49. Giang hồ tự thích (江湖 自 適).

Thượng sĩ hành trạng (上 士 行 狀- Hành trạng của Thượng sĩ).

Chư nhân Tán tụng (諸人贊訟 – Mọi người ca tụng).

Thượng sĩ (hậu bạt) (上 士 (後 跋)).

Câu Trần triều Thượng sĩ ngữ lục chung (陳 朝 慧 忠 上 士 語 錄 終- Thượng sĩ ngữ lục triều Trần kết thúc) có chữ Trần kiêng húy, gồm bộ xuyên bên trên, bộ phụ bên phải, chữ đông bên trái. Việc kiêng húy này cũng phù hợp với đặc điểm chung của văn bản thời Lê. “Văn bản thời Lê Trung hưng không bắt buộc kiêng húy. (…) Do tính chất tự nguyện không bắt buộc, các văn bản thời Lê Trung hưng thể hiện những cách lựa chọn khác nhau trong việc kiêng húy. Sự lựa chọn đó trong nhiều trường hợp là do thói quen, người này chịu ảnh hưởng của người khác”(5). “Chữ Trần nguyên là một chữ húy quan trọng thời Lê sơ, được ban bố từ thời Lê Thái Tổ. Theo danh nghĩa chính thức. Trần là tên húy của Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần, bà vợ cả của Lê Lợi, đi theo chồng trong cuộc hành quân của nghĩa quân Lam Sơn vào Nghệ An tháng Chạp năm Ất Tị (tháng 1 năm 1425). Gương hi sinh cao cả của bà có nhiều người biết, nhất là việc bà tự nguyện hi sinh để làm vật tế thần Phổ Hộ mang màu sắc huyền thoại càng làm cho sự tích của bà được truyền tụng lâu dài. Do đó, mặc dù triều Lê Trung hưng không quy định về việc viết húy nhưng vẫn có một bộ phận nhân dân chọn cách viết kiêng húy chữ Trần để thể hiện lòng kính mộ công lao đức nghiệp thiên triều”(6).

Cuối văn bản ghi: Bản lưu tại Yên Tử sơn động Long Động tự dĩ hiểu hậu lai ấn học thức kì xứ (板 留 在 安 子 山 龍 峒 寺 以 曉 後 來 印學 識 其 處 - Ván khắc lưu tại chùa Long Động trên núi Yên Tử để đời sau có thể in để học và biết được chỗ này).

1.2. Văn bản Tam tổ thực lục

Tam tổ thực lục, kí hiệu A.2048 có 47 trang đầu (trong tổng số 64 trang) là Thượng sĩ ngữ lục. Mỗi trang 8 cột, mỗi cột 14 chữ, viết đài là 15 chữ. Sách gồm các phần sau:

a) Lời tiểu dẫn về việc Trùng san Thượng sĩ ngữ lục (Trùng san Thượng sĩ ngữ lục tiểu dẫn) vào thời Nguyễn niên hiệu Thành Thái thứ 15 do Bồ tát Tì kheo Thanh Hanh viết. Toàn bộ phần Tiểu dẫn như sau:

我 越 於 陳 朝, 屢 有 王 公士庶 神 留 內 典. 道 悟 禪 機, 而 得 見 於 方 冊. 其 來 尚 矣. 蓋 觀, 上 祖 逍 遙及 至 玄 光 尊 者, 出 處 躬 行, 為 他 作 則. 考 斯 二 錄 而 概 知 一 二 焉. 上 年 丁 酉 季 秋, 住 持 法 雨 妙 湛 覺 靈, 重 刊 竹 林 三 祖 錄 流 通竣工. 今 癸 卯, 繼 住 持 法 雨 比 丘 清 渠 得 上 士 語 錄 古 版於 清 磷 長 老 以 為 遺 寶, 願 續 刊 之. 夾 在竹 林 錄上, 合 成 一 帙. 蓋 因 睹 此, 則 知 禪 譜 承 繩. 世 次 有 自 乃 徵 予 言. 略 記, 是 引. 時皇 朝 成 泰 十五 年 歲 次 癸 卯 十 月 吉 日. 後 學 菩 薩 比 丘 清 亨 檢 校 敬 引(Ngã Việt ư Trần triều, lũ hữu Vương công sĩ thứ. Thần lưu nội điển, đạo ngộ Thiền cơ nhi đắc kiến ư phương sách. Kì lai thượng hĩ. Cái quan Thượng tổ Tiêu Dao cập chí Huyền Quang tôn giả xuất xử cung hành vi tha tác tắc. Khảo tư nhị lục nhi khái tri kì nhất nhị yên. Thượng niên Đinh Đậu quý thu Trụ trì Pháp Vũ diệu trạm giác linh. Trùng san Trúc Lâm Tam Tổ lục lưu thông thuyên công. Kim Quý Mão kế trụ trì Pháp Vũ Tì kheo Thanh Cừ đắc Thượng sĩ ngữ lục cổ bản ư Thanh Lân Trưởng lão. Dĩ vi di bảo nguyện tục san chi, giáp tại Trúc Lâm lục thượng, hợp thành nhất trật. Cái nhân đổ thử tắc tri thiền phả thừa thằng. Thế thứ hữu tự, nãi trưng dư ngôn, lược kí thị dẫn. Thời Hoàng Triều Thành Thái thập ngũ niên tuế thứ Quý Mão thập nguyệt cát nhật. Hậu học Bồ tát Tì kheo Thanh Hanh kiểm hiệu kính dẫn - Nước Việt ta vào thời Trần thường có vương công sĩ thứ lưu dấu ấn trong điển tịch. Về tư tưởng họ giác ngộ tinh thần Thiền tông mà có thể thấy được trong cách sách vở. Những việc đó đến nay vẫn rất đáng ngưỡng mộ. Xem xét chung, từ Thượng tổ Tiêu Dao đến Huyền Quang Tôn giả thì việc xuất xử cung hành đều vì người khác mà tạo phép tắc. Đọc hết phần ghi chép về hai con người này có thể lĩnh hội được một hai điều. Ngày trước, vào mùa thu năm Đinh Dậu, Trụ tì chùa Pháp Vũ đã thấu hiểu giá trị của những điển tịch như vậy. Ngài tiến hành trùng san Trúc Lâm tam tổ và công việc được hoàn tất. Năm nay, năm Quý Mão, người kế tục trụ trì Pháp Vũ là Tì kheo Thanh Cừ may mắn được một cuốn Thượng sĩ ngữ lục bản cổ tại nhà Trưởng lão Thanh Lân. Tì kheo nhận thấy đây là sách quý nên có ý nguyện khắc in nó. Rồi gộp vào trước cuốn Trúc Lâm lục thành một quyển. Vì thế mà xem quyển sách này cũng là biết được về sợi dây của Thiền phả. Thế thứ các đời có nguồn gốc của nó đã chứng rõ lời của tôi. Tôi lược ghi để làm lời dẫn vậy. Thời Nguyễn, niên hiệu Thành Thái thứ 15 năm Quý Mão, tháng mười, ngày tốt (1903). Kẻ hậu học là Bồ tát Tì kheo Thanh Hanh kiểm hiệu và kính cẩn dẫn lời.

Như vậy, Lời dẫn cho biết năm Quý Mão (1902) quyển Trần triều Thượng sĩ ngữ lục được khắc in rồi đính kèm trước Trúc Lâm lục. Quyển để khắc in lại này là một văn bản cổ mà Tì kheo Thanh Cừ có được từ Trưởng lão Thanh Lân. Tác giả Thanh Hanh không nói gì cụ thể về bản cổ này. Tuy nhiên, sau phần lời tựa của Tì kheo Tuệ Nguyên trong cuốn sách này có ghi năm khắc in: Cảnh Hưng nhị thập tứ niên tuế thứ Quý Mùi đông tiết cốc nhật trùng san. (景 興 二 十 四 年 歲 次 癸 未 冬 節 穀 日重 刊 - Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24 năm Quý Mùi, tiết đông, ngày tốt khắc bản in lại). Có lẽ, cổ bản nói đến trong lời dẫn chính là bản được khắc in thời Cảnh Hưng thứ 24 (1763). Bản khắc in năm 1902 và bản khắc in năm 1683 không có sự khác biệt lớn, chỉ khác biệt ở cấp độ một vài văn tự. Cuốn in năm 1902 khắc lại cuốn in năm 1768, nên có thể nhận định cuốn khắc in năm 1768 không khác nhiều so với cuốn khắc in năm 1683.

b) Lời tựa của Tì kheo Tuệ Nguyên và ghi năm trùng san vào thời Cảnh Hưng (1763). Phần lời dẫn này có nội dung cơ bản trùng khớp với Lời dẫn của bản trùng san năm Chính Hòa 1683, chỉ thêm khảo dị(7) 1 trường hợp, hiệu chính(8) 1 trường hợp.

c) Lược dẫn Thiền phái đồ của Tì kheo Tuệ Nguyên, giống như bản A.1932.

d) Trần triều Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục. Phần này cũng được ghi do Trần Nhân Tông khảo đính và Pháp Loa biên soạn. Nội dung cơ bản như bản khắc in năm 1683 và có một số trường hợp khảo dị và hiệu chính. Cụ thể gồm các phần:

Đối cơ (對機), hiệu chính 1 trường hợp.

Tụng cổ (訟古), khảo dị 3 trường hợp, hiệu chính 2 trường hợp.

Thơ gồm 49 bài như bản khắc in năm 1683. Tuy nhiên, văn bản này không bị khuyết nhan đề bài Tịnh bang cảnh vật. Phần khảo dị gồm: Phật tâm ca (1 trường hợp), Phóng cuồng ca (1 trường hợp), Sinh tử nhàn nhi dĩ (1 trường hợp), Tụng Thánh Tông đạo học (1 trường hợp), Vấn Phúc Đường Đại sư tật (1 trường hợp), Thướng Phúc Đường Tiêu Dao Đại sư (1 trường hợp). Phần hiệu chính gồm: Vật bất năng dung (2 trường hợp), Xuất trần (1 trường hợp), Thị tu Tây phương bối (1 trường hợp).

Thượng sĩ hành trạng (上 士 行 狀- Hành trạng của Thượng sĩ), hiệu chính 1 trường hợp.

Chư nhân Tán tụng (諸 人 贊 訟- Mọi người tán tụng), khảo dị 2 trường hợp, hiệu chính 1 trường hợp.

Thượng sĩ (hậu bạt) (後 跋), khảo dị 1 trường hợp, hiệu chính 3 trường hợp.

Cuối sách ghi : Cựu bản lưu tại Đông Triều huyện, An Lâm xã, Đoan Nghiêm tự (舊 板 留 在 東 潮 縣 安 林社 端 嚴 寺 - Ván khắc cũ lưu tại chùa Đoan Nghiêm, xã An Lâm, huyện Đông Triều).

2. Một vài nhận định về văn bản tác phẩm Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục

2.1. Quá trình truyền bản của Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục

Từ việc khảo sát hai văn bản hiện còn, chúng tôi nhận định về quá trình truyền bản của Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục như sau:

Bản gốc Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục do Trần Nhân Tông khảo đính và Pháp Loa biên soạn hiện đang bị thất lạc.

Năm 1683 (thời Lê, niên hiệu Chính Hòa thứ 4), văn bản Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục được trùng san. Việc trùng san này do Tì kheo Tuệ Nguyên thực hiện. Tì kheo Tuệ Nguyên có bổ sung thêm Lời Tựa và Lược dẫn Thiền phái đồ. Văn bản hiện mang kí hiệu A. 1932 tại TVVNCHN, được chụp lại với kí hiệu VHc2584, VHc2585.

Năm 1763 (Thời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24) văn bản Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục được trùng san. Văn bản này đã mất. Việc xác định năm 1763 trùng san dựa vào phần khắc in thời gian sau lời tựa Tì kheo Tuệ Nguyên trong bản Tam tổ thực lục khắc in năm 1902.

Năm 1902 (thời Nguyễn, niên hiệu Thành Thái thứ 15) văn bản Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục được trùng san. Việc trùng san này do Tì kheo Thanh Hanh thực hiện. Nguyên do bởi Tì kheo Thanh Cừ may mắn tìm được một cuốn Thượng sĩ ngữ lục bản cổ tại nhà trưởng lão Thanh Lâm và nhận thấy đây là cuốn sách quý nên có ý nguyện được khắc ván in. Vì vậy, Tì kheo Thanh Hanh đã khắc in lại cuốn Thượng sĩ ngữ lục mà Tì kheo Thanh Cừ tìm thấy và gộp nó vào trước Trúc Lâm lục thành một quyển.

2.2. Bố cục văn bản: bao gồm trước tác của Trần Tung và những trước tác có liên quan

Trước tác của Tuệ Trung Thượng sĩ gồm:

Đối cơ

Tụng cổ

- 49 bài thơ

Những trước tác có liên quan (phụ thuộc vào năm khắc in)

Tiểu dẫn về việc trùng san Thượng sĩ ngữ lục năm 1683 do Tì kheo Tuệ Nguyên viết.

Lược dẫn Thiền phái đồ do Tì kheo Tuệ Nguyên viết.

Tiểu dẫn về việc trùng san Thượng sĩ ngữ lục năm 1902 do Tì kheo Thanh Hanh viết.

Thượng sĩ hành trạng (Hành trạng của Thượng sĩ), do Trần Nhân Tông viết.

Chư nhân tán tụng (Chư nhân ca tụng), do 8 người viết gồm: Tự Pháp đệ tử Trúc Lâm Đại đầu đà, Trúc Lâm thị hạ tự pháp đệ tử Pháp Loa, Trúc Lâm thị hạ đệ tử Bão Phác, Môn đệ tử Tông Kính, Môn đệ tử Thiên Nhiên cư sĩ Vương Như Pháp, Trúc Lâm thị giả đệ tử Pháp Cổ, Trúc Lâm thị giả Tuệ Nghiêm, Trúc Lâm thị giả tiểu đệ tử Pháp Đăng.

Thượng sĩ (hậu bạt) (Bài bạt của Thượng sĩ ngữ lục), do Trần Khắc Chung viết.

2.3. Kết luận về văn bản cơ sở của Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục

Văn bản đầu tiên của Thượng sĩ ngữ lục hiện đang thất lạc. Cuốn sách này được trùng san ít nhất ba lần. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi mới chỉ tìm được hai cuốn sách còn lưu trữ tại TVVNCHN. Theo nhận định của chúng tôi, văn bản được khắc in năm 1902 hoàn thiện hơn vì những lý do sau:

Về mặt hình thức văn bản, bản khắc in năm 1683 có bố cục chữ không đều. Nét chữ của các trang chưa thống nhất, ví dụ trang 41 nét chữ mảnh hơn toàn văn bản, trang 43 kiểu chữ nghiêng, xô lệch. Văn bản này cũng có hiện tượng viết chèn chữ để bổ sung chữ thiếu hoặc sửa chữ sai, ví dụ các trang 10, 12, 17, 32, 37, 42. Văn bản này cũng dùng chữ viết tắt, chữ giản thể. Chữ trong văn bản 1902 thể hiện tính ưu việt so với bản 1683. Số chữ trong 1 cột luôn là 14 chữ, nếu viết đài là 15 chữ. Văn bản này không có hiện tượng viết chèn chữ để bổ sung chữ thiếu hoặc sửa chữ sai, cũng không viết tắt và không dùng giản thể.

Mặt khác, bản khắc in năm 1902 có nội dung phong phú hơn. Về cơ bản, bản khắc in năm 1902 và bản khắc in năm 1683 tương đối giống nhau, chỉ khác nhau ở một vài chữ, không ảnh hưởng đến tổng thể văn bản. Tuy nhiên, bản khắc in năm Thành Thái có thêm lời tiểu dẫn của Tì kheo Thanh Hanh. Lời tiểu dẫn này cho người đọc hiểu hơn về lịch sử văn bản.

Bản khắc in năm 1902 có cả phần khảo dị và phần hiệu chính, cụ thể là 13 trường hợp khảo dị và 13 trường hợp hiệu chính. Phần khảo dị và hiệu chính này giúp cho người đọc có cái nhìn thấu đáo, chính xác hơn khi tiếp cận văn bản. Ở đây, chúng tôi xin dẫn chứng một trường hợp khảo dị và một trường hợp hiệu chính của bản khắc in năm 1902. Trong bản khắc in năm 1683, tại phần Tụng Cổ, trang 13a cột 2 là: 若 也 不 因 迷 萩 岸, 胡 為 得 到 武陵 溪 (Nhược dã bất nhân mê thu ngạn, hồ vi đắc đáo Vũ Lăng khê -Nếu không có chuyện lầm đường ở bờ cỏ thì làm sao đến được suối Vũ Lăng ). Tại bản khắc in năm 1902, câu này ở trang 15a dòng 2, dưới chữ thu có ghi 2 chữ: 恐荻 (khủng địch - e là chữ địch). Nguồn suối Vũ Lăng là tích được nhắc đến trong Đào hoa nguyên kí của Đào Uyên Minh. Suối ở Vũ Lăng có hoa đào, có rừng đào và dẫn đến một thế giới “người già con trẻ đều vui vẻ, thư thái, mãn nguyện” (黃 髮 垂 髫 並 怡 然 自 樂 - hoàng phát thùy thiều tịnh di nhiên tự lạc). Nguyên tác Đào hoa nguyên kí không nhắc gì đến bờ lau hay bờ cỏ mà chỉ tả cảnh rừng hoa đào “hai bên rộng vài trăm bước, trong không có loài cây nào khác, cỏ thơm tươi tốt, hoa rơi rực rỡ” (夾 岸 數 百 步, 中 無 雜 樹, 芳 草 鮮 美, 落 英 賓 紛 - giáp ngạn sổ bách bộ, trung vô tạp thụ, phương thảo tiên mĩ, lạc anh tân phân). Trong câu này, Vũ Lăng khê là thế giới lý tưởng mà con người đặt chân đến khi vượt qua được bến mê. Bởi vậy, từ được hiệu chính trong bản 1902 sẽ khiến người đọc đi tìm câu trả lời: thu ngạn (bờ cỏ) hay địch ngạn (bờ lau) là từ chính xác để đối lập với hình tượng suối Vũ Lăng?. Tóm lại, phần khảo dị sẽ cho chúng ta xác định được một văn bản hiện đang thất lạc, phần hiệu chính sẽ giúp người đọc hiểu văn bản một cách thấu đáo hơn.

Như vậy, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục là một tác phẩm có giá trị về tư tưởng Phật giáo, lịch sử, văn học… Bố cục nội dung của văn bản gồm trước tác của Trần Tung (Đối cơ, Tụng cổ, thơ) và những trước tác có liên quan khác (Lời tựa, lời dẫn, Lược dẫn Thiền phái đồ, Thượng sĩ hành trạng, Chư nhân tán tụng, bạt). Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục do Trần Nhân Tông khảo đính và Pháp Loa biên soạn đã bị thất lạc. Tác phẩm trùng san ít nhất ba lần vào các năm 1683, 1768, 1902 và hiện còn 2 đầu sách được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Khảo sát 2 văn bản hiện còn cho thấy bản khắc in thời Nguyễn niên hiệu Thành Thái thứ 15 là văn bản cơ sở của tác phẩm này.

 

Nguyễn Thị Thanh Chung

Đại học Sư phạm Hà Nội

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2012, tr.141-155, phiên bản trực tuyến ngày 23.02.2015.

-------

Chú thích:

(1). Nguyên văn chữ Hán: 此 錄, 逍 遙 大 德 說 與 慧 中 上 士, 上 士 說 與 竹 林 第 一 祖 調 御 覺 皇, 調 御 覺 皇 說 與 竹 林 第二 祖 法 螺 大 師, 法 螺 大 師 說 與 玄 光 尊 者, 玄 光 尊 者 說 與 竹 林 宗 派, 天 下 禪 宗. 古 往 今 來 相 傳 授 受. 這 此 錄 的 巧 對 證 之 良 樂, 太 速 成 佛 之 頓 悟, 直 徹 心 源, 騰 超 覺 海, 殺 死 識, 破 名 相, 空 空 之 心 宗, 超 三 乘, 越 佛 乘, 上 上 之 旨 (Thử lục Tiêu Dao đại đức thuyết dữ Tuệ Trung thượng sĩ. Thượng sĩ thuyết dữ Trúc Lâm đệ nhất tổ Điều ngự Giác hoàng. Điều ngự Giác hoàng thuyết dữ Trúc Lâm đệ nhị tổ Pháp Loa đại sư. Pháp Loa đại sư thuyết dữ Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang Tôn giả. Huyền Quang Tôn giả thuyết dữ Trúc Lâm tông phái. Cổ vãng kim lai tương truyền thụ thụ. Giá thử lục đích xảo đối chứng chi lương lạc, thái tốc thành Phật chi đốn ngộ. Trực triệt tâm nguyên, đằng siêu giác hải, sát tử thức, phá danh tướng, không không chi tông, siêu Tam thừa, việt Phật thừa, thượng thượng chi chỉ).

(2). Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục giảng giải, Thích Thanh Từ, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, TpHCM, 1996, tr. 6.

(3). Đối cơ: thuật ngữ nhà Phật, Phật Đà đối với căn cội của chúng sinh có cách thức thực thi giúp đỡ phù hợp. Thuật ngữ này cũng là chỉ những người tài giỏi trong Thiền gia trả lời câu hỏi của người học. (Theo Phật học đại từ điển, Đinh Phúc Bảo biên, Thượng Hải thư điếm, Thượng Hải, 1991, tr.2528).

(4). Tụng cổ: thuật ngữ nhà Phật chỉ việc làm sáng rõ nghĩa việc cổ. Nêu lên việc cổ thì gọi là Ngữ vận. (Theo Từ điển Phật học, tập 2, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hà Nội, 1994, tr. 1710).

(5). Nghiên cứu chữ húy trên các văn bản Hán Nôm, Ngô Đức Thọ, LATSNV, Trung tâm KHXH và NVQG, Hà Nội, 1995, tr.170.

(6). Nghiên cứu chữ húy trên các văn bản Hán Nôm, Ngô Đức Thọ, LATSNV, Trung tâm KHXH và NVQG, Hà Nội, 1995, tr.174.

(7). Các trường hợp khảo dị trong văn bản này được viết chữ nhỏ bên cạnh: 舊cựu … - Chữ này trong bản cũ là…

(8). Các trường hợp hiệu chính được viết chữ nhỏ bên cạnh: 恐khủng… - Chữ này e là chữ…

Tài liệu tham khảo:

1.竹林 慧 忠 上 士 語 籙kí hiệu A.1932 tại TVVNCHN.

2.三祖 寔 籙kí hiệu A.2048 tại TVVNCHN.

3.Nguyễn Duy Hinh, Trần Tung Thượng sĩ Nhân sĩ Thi sĩ, Nxb. KHXH, H, 1997.

4.Phật học đại từ điển, Đinh Phúc Bảo biên, Thượng Hải thư điếm, Thượng Hải, 1991.

5.Thích Thanh Từ, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục giảng giải, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, TPHCM, 1996.

6.Ngô Đức Thọ, Nghiên cứu chữ húy trên các văn bản Hán Nôm, Trung tâm KHXH và NVQG, H. 1995.

7.Thơ văn Lý Trần, tập II, Nxb. KHXH, H. 1989.

8.Tổng tập Văn học Việt Nam, Nxb. Văn học, H. 1998.

9.Tuệ Trung Thượng sĩ với Thiền tông Việt Nam, Viện KHXH TPHCM, Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm, Tp Hồ Chí Minh, 1993.

10.Từ điển Phật học, tập 2, Kim Cương Tử (Chủ biên), Giáo hội Phật giáo Việt Nam, H. 1994.

20200518 3

Bản in Cổ duệ từ (Nguyễn Quang Duy dịch), Nxb Hội nhà văn năm 2020

Trong số các từ tập ít ỏi hiện còn có một từ tập khá đặc biệt bởi nó toàn vẹn nhất, dung lượng lớn nhất, lại có một quá trình lưu lạc khá lâu tại nước ngoài, đó là Cổ duệ từ của Tùng Thiện vương Miên Thẩm (從善王綿審, 1819-1870).

Liên quan đến sáng tác từ của Miên Thẩm, nhà Thư mục học Trần Văn Giáp trong Lược truyện các tác gia Việt Nam và Tìm hiểu kho sách Hán Nôm cho biết Miên Thẩm có Thương Sơn từ tập. Tuy nhiên, không rõ Trần Văn Giáp dựa vào đâu để đưa ra những thông tin này bởi ở trong nước hiện nay không hề có Thương Sơn từ tập. Phan Văn Các trong phần đầu sách Cổ duệ từ - Khúc hát gõ mái chèo thì cho rằng ngoài Thương Sơn thi tập gồm 54 quyển, Miên Thẩm “còn có những tập từ”(1). Trên thực tế, sáng tác từ của Miên Thẩm hiện còn chỉ có một từ tập duy nhất mang tên Cổ duệ từCổ duệ từ sở dĩ còn lại đến hôm nay là vì vào năm Giáp Dần niên hiệu Hàm Phong nhà Thanh [1854], một sứ đoàn nước ta khi đi sứ Trung Quốc đã mang theo từ tập này để giới thiệu với các sĩ phu ở Trung Quốc. Nhân đó nó được một nhà nho Trung Quốc là Lương Sằn Dư (梁莘畬)(2) chép lại. Rồi từ đó, qua những con đường khác nhau lan truyền khá rộng ở Trung Quốc.

Ở trong nước, người đầu tiên nhắc đến từ tập này là Phan Văn Các. Trên Tạp chí văn học số 3 năm 1998, trong bài “Về một chùm từ của Miên Thẩm”, Phan Văn Các dịch giới thiệu một chùm từ gồm 3 bài trong Cổ duệ từ. Đến năm 1999, trong sách Cổ duệ từ - Khúc hát gõ mái chèo, Phan Văn Các dịch công bố 14 bài trong Cổ duệ từ, đồng thời ông cũng cho biết một số thông tin về các bài từ mà ông đã dịch(3). Theo đó, có thể biết rằng Phan Văn Các thực ra không nắm được diện mạo toàn vẹn của Cổ duệ từ, phần mà ông tiếp xúc, phiên dịch chỉ là 14 bài được nhà nghiên cứu từ học Trung Quốc là Hạ Thừa Đảo (夏承燾, 1900-1986) trích tuyển từ Cổ duệ từ, in trong sách Vực ngoại từ tuyển (域外詞選), xuất bản năm 1934(4).

Hạ Thừa Đảo cùng Du Bình Bá (俞平伯, 1900-1990), Đường Khuê Chương (唐圭璋, 1901-1990), Long Du Sinh (龍榆生, 1902-1966)… đều là các nhà từ học nổi tiếng đương thời. Vực ngoại từ tuyển là tuyển tập từ ngoài cõi Trung Hoa do Hạ Thừa Đảo tuyển chọn, gồm tác phẩm của: 8 tác giả Nhật Bản (74 bài), 1 tác giả Triều Tiên (Lí Tề Hiền 李齊賢, 1287-1367, 53 bài)(5), 1 tác giả Việt Nam (Miên Thẩm, 14 bài). Phần cuối phụ lục 54 bài từ của Lí Tuân (李珣, sinh mất vào khoảng năm 855-0930), người gốc Ba Tư, sống tại Trung Quốc. Tổng cộng tuyển tập này gồm 11 tác giả với 195 bài từ.

Tuy nhiên, bản Phan Văn Các tiếp xúc cũng không phải bản in năm 1934, mà là bản do nhà xuất bản Thư mục văn hiến in lại vào năm 1981(6).

Để độc giả trong nước có cái nhìn đầy đủ hơn về Cổ duệ từ, trong Thông báo Hán Nôm năm 2001, Trần Nghĩa có bài “Cổ duệ từ của Miên Thẩm dưới dạng toàn vẹn của nó”. Về văn bản Cổ duệ từ Phan Văn Các đã giới thiệu, Trần Nghĩa cho biết thêm: “Tập từ chép tay sau đó được Lương Tụy Xa(7) đem tặng lại cho học trò yêu của mình là Kính Duy công, rồi người con trai của Kính Duy công lại đem tập từ chép tay nhân bản lần nữa, và viết thêm lời Bạt để gửi cho tòa soạn Từ học quý san ở Thượng Hải. Kết quả là Cổ duệ từ được tòa soạn Từ học quý san chọn ra 14 bài, ghép với một số bài từ của các tác giả Triều Tiên, Nhật Bản để in chung dưới tiêu đề Vực ngoại từ tuyển công bố năm 1934. Khúc hát gõ mái chèo do Phan Văn Các dịch và giới thiệu chính là dựa vào phần Cổ duệ từ "tuyển" in trong Vực ngoại từ tuyển, được Nxb. Thư mục văn hiến Bắc Kinh in lại vào năm 1981”. Sau đó Trần Nghĩa thông tin một số nét về bản Cổ duệ từ do Lương Tụy Xa sao lục mà ông đã chép lại được toàn bộ. “Bìa sách, bên trên có dòng chữ "Thuý thuỷ thảo xá từ độc 翠水艸舍詞讀" viết theo hàng ngang từ phải sang trái. Giữa bìa sách có 3 chữ "Cổ duệ từ 鼓枻詞" viết theo hàng dọc từ trên xuống. Bên phải, có 5 chữ "Việt Nam Bạch Hào Tử trứ 越南白豪子著” viết theo hàng dọc từ trên xuống. Bên trái có 8 chữ "Tương Thủy Hồ Nhai Thuý Thủy thủ sao 湘水胡街翠水手抄" cũng viết theo hàng dọc từ trên xuống”. Ông cho biết thêm: bên trong sách, tờ đầu dành cho lời Bạt của Dư Đức Nguyên soạn năm Trung Hoa dân quốc 23 [1934]. Lời Bạt này, trong bản in năm 1981 của Nxb. Thư mục văn hiến Bắc Kinh đã bị lược đoạn cuối. “Tiếp sau lời Bạt là phần chính văn, gồm cả thảy 104 bài từ”. Cuối bài viết, Trần Nghĩa có bảng liệt kê 104 bài từ trong Cổ duệ từ(8).

Thực ra muốn biết Cổ duệ từ đã truyền sang Trung Quốc, lưu truyền ra sao, chỉ cần đọc lời Bạt của Dư Đức Nguyên thì sáng tỏ về cơ bản. Toàn văn lời bạt như sau:

“Trên đây là một quyển Cổ duệ từ, do Bạch Hào Tử người Việt Nam sáng tác. Bạch Hào Tử là người trong tông thất ở Việt Nam, được tập phong là Tùng Quốc công, tên là Miên Thẩm, tự Trọng Uyên, hiệu Thúc Viên, ở khoảng lông mày có lông trắng nên lấy hiệu như vậy. Ông lại trước tác 4 quyển Thương Sơn thi sao. Thương Sơn là tên phủ đệ của ông vậy.

Tháng Ba năm thứ 4 niên hiệu Hàm Phong nhà Thanh [1854], đoàn cống sứ Việt Nam đến kinh, trên đường qua đất Việt [粵-Quảng Đông], có mang theo Thương Sơn thi sao và tập từ này. Bấy giờ ông cậu tôi là Tiên sinh Lương Sằn Dư người ở Thiện Hóa đang ở mạc phủ của quan Đốc trấn Quảng Đông, thấy vậy thì rất thích thú, liền chép lại toàn bộ cất vào trong tráp, đem về liền tặng cho tiên phụ tôi là Kính Dung công (敬鏞公) vì coi tiên phụ tôi như học trò đắc ý của mình vậy. Tôi từ lâu đã muốn san khắc lưu hành mà chưa làm được. Nay may thay tòa soạn Từ học quý san ở Hỗ Thượng [滬上-Thượng Hải] đang sưu tập trước tác của các danh gia để công bố với đời bèn chép ra một bản gửi đến, đặng có thể in thành sách để khiến tác phẩm từ lâu u ẩn sẽ được rạng tỏ.

Ôi! Việt Nam chỉ là một nước nhỏ ở đất phương Nam xa xôi, cũng có người tinh thông từ học, nghiễm nhiên trở thành một nhà, vốn là do linh tú của núi sông, tuy là ở nơi tuyệt vực vẫn không sao hết được. Vậy đủ thấy đương thời thanh giáo Trung Hoa lan truyền đến các nước đồng văn rất mạnh mẽ. Gần đây bản đồ Việt Nam đổi thuộc vào Pháp đã ba mươi năm, học thuật từ lâu đắm chìm vào Âu hóa, chẳng hay có còn ai nghiên cứu văn học Hoa ta như Bạch Hào Tử nữa không? Nghĩ đến đây, tôi khôn ngăn sùi sụt nhìn về phương Nam mà cảm khái vô cùng vậy.

Trung Hoa dân quốc năm thứ 23 [1934], ngày Kinh chập [ngày 6 tháng Ba], Lục Đình - Dư Đức Nguyên (陸亭-余德沅(9)) ở huyện Du viết lời bạt khi 70 tuổi”(10).

Trong Vực ngoại từ tuyển, cuối phần tuyển từ của Miên Thẩm có chép lời Bạt này, song đã lược bỏ đi đoạn “Ôi! Việt Nam chỉ là một nước nhỏ ở đất phương Nam xa xôi… Nghĩ đến đây, tôi khôn ngăn sùi sụt nhìn về phương Nam mà cảm khái vô cùng vậy”(11).

Theo lời Bạt nói trên, Cổ duệ từ được sứ giả nước ta mang sang Trung Quốc năm 1854, đến Quảng Đông, được Lương Sằn Dư sao chép, sau đó Lương Sằn Dư giao lại cho Kính Dung công, rồi Kính Dung công truyền lại cho con trai là Dư Đức Nguyên. Năm 1934, khi đó Dư Đức Nguyên đã 70 tuổi, ông chép lại một bản Cổ duệ từ, viết lời Bạt gửi cho Từ học quý san ở Thượng Hải. Từ học quý san là tạp chí chuyên về từ học do Long Du Sinh Chủ biên, hoạt động từ tháng 4 năm 1933 đến tháng 9 năm 1936. Bản do Trần Nghĩa chép lại cũng có lời Bạt nói trên, theo đó, có nhiều khả năng chỉ là bản sao lại từ bản mà Dư Đức Nguyên đã sao lục để gửi cho Từ học quý san.

Vực ngoại từ tuyển in lần đầu năm 1934, cùng năm Dư Đức Nguyên viết lời Bạt trên nhưng trong Lời nói đầu sách này không thấy Hạ Thừa Đảo ghi rõ ông tuyển từ bản nào, tuy vậy sách có in lời Bạt của Dư Đức Nguyên (tuy đã lược bỏ một đoạn), rất có thể ông đã tuyển 14 bài từ của Miên Thẩm từ bản Cổ duệ từ do Dư Đức Nguyên sao chép gửi cho Từ học quý san. Không chỉ vậy, hai năm sau, vào 30 tháng Sáu năm Dân quốc thứ 25 [1936], Cổ duệ từ đã được in toàn văn trên tạp chí Từ học quý san, bao gồm trọn vẹn cả lời Bạt của Dư Đức Nguyên (Từ học quý san, số 2, quyển 3, tr.102-123). Như vậy, từ năm 1936, thông qua Từ học quý sanCổ duệ từ của Miên Thẩm đã được lưu hành rộng rãi ở Trung Quốc.

Theo ghi chép trong các thư tịch, từ năm 1854, khi Cổ duệ từ truyền sang Trung Quốc, nó không phải chỉ nằm trong tráp của Lương Sằn Dư, Kính Dung công hay Dư Đức Nguyên, vì năm 1890, nhà từ học Huống Chu Di (況周頤, 1859-1926), một trong bốn danh gia từ học cuối triều Thanh, cũng từng tiếp xúc với từ tập này. Trong cuốn Huệ Phong từ thoại (蕙風詞話) nổi tiếng, Huống Chu Di từng viết: “Năm Canh Dần [1890], tôi làm khách ở Hộ Giang [Thượng Hải], mượn được một quyển Cổ duệ từ của Nguyễn Miên Thẩm, người Việt Nam, các bài từ ngắn (đoản điệu) trong trẻo đẹp đẽ, đáng để đọc, các bài từ dài (trường điệu) cũng có khí cách”(12).

Từ tập này ở Việt Nam hiện không thấy trong các kho tư liệu Hán Nôm, có phần chắc là đã mất. Tuy nhiên, bài tựa Cổ duệ từ hiện vẫn còn được lưu trong sách Thương Sơn ngoại tập (kí hiệu A.781/1, quyển IV, tờ 40-42), chúng tôi đã công bố toàn văn trên Tạp chí Hán Nôm(13). Trong Cổ duệ từ và lời Tựa đều không ghi niên đại, do đó không rõ đích xác thời gian hoàn thành của Cổ duệ từ, chỉ biết rằng tập từ này được các sứ giả Việt Nam mang sang Trung Quốc năm 1854. Như vậy, nó được hoàn thành trước, hoặc muộn nhất là năm 1854.

Về số lượng tác phẩm trong Cổ duệ từ, Huống Chu Di chỉ cho biết Cổ duệ từ gồm một quyển nhưng không nói rõ cụ thể số bài. Vực ngoại từ tuyển cho biết “Bạch Hào Tử tên là Miên Thẩm, hiệu là Tiêu Viên, người trong tông thất nước Việt Nam, có một quyển Cổ duệ từ, cả thảy 104 bài”(14). Trần Nghĩa cho là 104 bài(15). Hà Thiên Niên cũng cho biết tương tự(16).

Xét kĩ, Cổ duệ từ gồm 104 đề mục, mỗi đề mục thông thường tương ứng với một bài từ; nhan đề của mỗi đề mục có khi chỉ có tên từ điệu, có khi có cả từ điệu và từ đề, thảng hoặc còn có lời dẫn ngắn. Ở đề mục thứ 50 là điệu Vọng Giang Nam - Điệu vong (望江南-悼亡) thực chất là một chùm từ theo điệu Vọng Giang Nam gồm tất cả 10 bài. Huống Chu Di trong Huệ Phong từ thoại cũng từng ghi rằng điệu Giang Nam Hảo có 10 bài, ông chỉ trích hai bài trong số đó (Huệ Phong từ thoại, quyển V). Đề mục thứ 89 là điệu Giảm tự mộc lan hoa - Đại nhân đáp nữ bạn họa vận (減字木蘭花-代人答女伴和韻) thực chất gồm 02 bài cùng điệu. Như vậy, tổng số tác phẩm trong Cổ duệ từ của Miên Thẩm không phải 104 mà là 114 bài. Các bài này viết theo 82 điệu, các điệu được sử dụng nhiều nhất gồm: Vọng Giang Nam (11 lần), Hành hương tửCán khê sa (4 lần), Giảm tự mộc lan hoaLâm giang tiênTây giang nguyệt (3 lần), Xú nô nhi lệnhSơ liêm đạm nguyệtBồ tát manLãng đào saLiễu sao thanhMô ngư nhiThâu thanh mộc lan hoaDương châu mạnNgu mĩ nhânGiá cô thiênTúy xuân phong (2 lần), các điệu khác đều chỉ được sử dụng một lần duy nhất.

Xét các điệu thức được sử dụng, về phân phiến gồm 2 loại đơn phiến và song phiến, không có loại tam điệp và tứ điệp. Về dung lượng có tiểu lệnh, trung điệu và trường điệu, tuy nhiên loại tiểu lệnh vẫn chiếm một tỉ lệ khá lớn.

Cổ duệ từ là một trong hai từ tập hiếm hoi hiện còn(17). Đây cũng là từ tập có số lượng tác phẩm lớn nhất trong từ sử Việt Nam. Số lượng tác phẩm cũng như các từ điệu được sử dụng trong từ tập này lớn số lượng tác phẩm, số lượng các từ điệu đã được các tác giả Việt Nam sử dụng từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XVIII(18). Đây cũng là tác phẩm tiêu biểu đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của thể loại từ ở Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỉ XIX.

Về phong cách từ học và nguồn ảnh hưởng của Cổ duệ từ, trong phần mở đầu sách Vực ngoại từ tuyển, Hạ Thừa Đảo có các bài thơ luận về tác phẩm từ của các tác giả Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Về Miên Thẩm ông viết:

Nguyên văn:

前身鐵腳吟紅萼,

垂老蛾眉伴綠缸.

喚起玉田商夢境,

深燈寫泪欲枯江.

Phiên âm:

Tiền thân Thiết Cước” ngâm hồng ngạc,

Thùy lão nga mi bạn lục cang.

Hoán khởi Ngọc Điền thương mộng cảnh,

Thâm đăng tả lệ dục khô giang.

Tạm dịch:

“Tiền thân Chân Sắt”(19) ngâm mai thắm(20),

Già rủ mi cùng ang nước xanh.

Cõi mộng Ngọc Điền khơi dậy bán,

Trước đèn nhỏ lệ viết thâu canh.

Lại cho rằng Cổ duệ từ của Miên Thẩm “phong cách rơi vào khoảng Bạch Thạch, Ngọc Điền, tả diễm tình mà không tổn hại đến nét lả lướt kiều mị” (…風格在白石玉田間, 寫艷情不傷軟媚). Hạ Thừa Đảo có trích dẫn một số câu trong bài từ điệu Sơ liêm đạm nguyệt (疏簾淡月) và bài Chúc lệ điệu Tiểu đào hồng của Miên Thẩm, cho rằng các câu đó “đều rất ý vị” (皆堪玩味)(21).

Bạch Thạch tức Bạch Thạch Đạo Nhân Khương Quỳ (姜夔, 1155-1221?). Khương Quỳ tự Nghiêu Chương, sau lại lấy hiệu là Bạch Thạch Đạo Nhân, là một trong những từ gia lớn nhất thời Nam Tống, được các từ nhân đương thời xưng tụng, gây ảnh hưởng quan trọng đến các từ nhân từ thời Nam Tống đến tận thời Thanh.

Ngọc Điền là tên hiệu của từ gia Trương Viêm (張炎, 1248-1320?). Trương Viêm tự là Thúc Hạ, hiệu là Ngọc Điền và Lạc Tiếu Ông, là một từ gia lớn thời Tống - Nguyên. Ngoài ra ông còn có sách Từ nguyên, là một bộ sách lí luận từ học hết sức quan trọng. Trương Viêm đặc biệt hâm mộ tác phẩm từ của Khương Quỳ, do đó Từ nguyên chuyên luận về từ của Khương Quỳ, suy tôn từ của Khương Quỳ “Như mây nội lẻ bay, qua lại không dấu” (如野鶴孤飛, 去留無跡), “chẳng những thanh không mà còn tao nhã, đọc lên khiến người ta tinh thần bay xa” (不惟清空, 又且騷雅, 讀之使人神觀飛越), vì thế được hậu nhân gọi chung là “Khương - Trương”. Một số từ nhân đời Thanh hâm mộ tác phẩm của Khương Quỳ và Trương Viêm, coi tông chỉ làm từ của mình là “Lấy Khương Quỳ làm nhà, lấy Trương Viêm làm cửa” (家白石而户玉田). Các khái niệm như “thanh không”, “tao nhã”, “ý thú”, “chất thực”… do Trương Viêm đưa ra trong Từ nguyên dần trở thành các khái niệm công cụ trong nghiên cứu và phê bình tác phẩm từ.

Như vậy, theo cách nói của Hạ Thừa Đảo, Miên Thẩm chịu ảnh hưởng của các từ gia Khương Quỳ, Trương Viêm thời Nam Tống, hoặc chí ít phong cánh từ học của ông gần gũi với hai từ gia trên. Còn Huống Chu Di chỉ khen “các bài từ ngắn (đoản điệu) trong trẻo đẹp đẽ đáng để đọc, các bài từ dài (trường điệu) cũng có khí cách”, sau đó dẫn các bài Quy tự dao (歸自遙), 2 bài trong chùm mười bài từ điệu Vọng Giang Nam (望江南), điệu Tấm viên xuân (沁園春), bài từ điệu Ngọc lậu trì - Trở vũ dạ bạc (玉漏遲-阻雨夜泊) làm lệ chứng; cuối cùng ghi: “Miên Thẩm tự là Trọng Uyên, tước Công”, ngoài ra không bình luận gì thêm.

Trong các tác gia cung đình triều Nguyễn, Tự Đức, Miên Trinh, Miên Khoan, Mai Am… đều quan tâm đến thể loại từ ở những mức độ khác nhau, song có lẽ chỉ có Miên Thẩm và người dụng công sâu sắc nhất vào thể loại văn học này. Trong lời tựa Cổ duệ từ, ông nhắc đến hàng loạt các từ gia nổi tiếng từ thời Ngũ đại đến thời Thanh và một số tác phẩm của họ, đồng thời cũng cho biết sự quan tâm sưu tập sách về từ của mình:

“Khách có kẻ nói: Nga Hoàng xét nhạc phổ, còn tìm về được dư thanh của thời Thiên Bảo(22); Tống Duyện nghe tiếng chuông, vẫn tìm được nhạc khí cổ của Thái thường tự(23). Huống nữa sách Âm vận của Chu Đức Thanh(24), gốc ở sách Từ nguyên của Trương Thúc Hạ(25). Chú từ phổ cậy ở Khương Quỳ(26), sáng yếu chỉ nhờ vào Lục Phụ(27). Trước do Thảo Đường biên tập(28), sau thì Trúc Tra chép sao(29). Ngoài ra còn, mấy trăm nhà ngữ nghiệp(30) thời Tống - Nguyên; vài chục pho Túy biên(31) thời Minh - Thanh, không năm nào tôi không sưu tập, ngày ngày ngâm nga, tuy kĩ nữ Hà Gian cũng chưa đủ để thổi sáo đánh đàn(32), như rương nhỏ của Hành Dương, chứa đầy sách vở”(33) (Thương Sơn ngoại tập: A.781/1, quyển IV, tờ 40-42).

Về động cơ sáng tác và nguồn ảnh hưởng trực tiếp đến việc tác từ, Miên Thẩm cho biết:

“Nay thiên tử: sửa sang lại lễ nhạc, giáo hóa bằng nền văn trị rực rỡ, há chỉ có cương vực mở rộng(34), mà riêng từ học(35) chẳng nhiều như như cây vực sum suê(36), còn âm nhạc cổ không nối lại được nữa chăng? Bởi thế thần đây tuy vốn biết tài năng chẳng theo kịp [người xưa], xét lời Cố quân nói cũng có chỗ phải lẽ(37). Thủy nhạc thuyết của Nguyên Thứ Sơn, không có Cung có Chủy thì cũng có hại gì đâu(38); tập Khuê Đường của Hứa Hữu Phu, đặt tên là “Khoản nãi” rất hợp(39). Cảm tạ Chân Trường hiểu lòng ta(40), tin rằng Tử Hạ phát khởi được ý ta(41). Vội phạt một chén lớn(42), đưa chân gõ mạn thuyền(43), khách gọi Tiểu Hồng(44), đáp lời khua chèo. Liền án theo 28 điệu(45) nhạc chương(46) thời Tống - Nguyên, điệu đều là bài hát của Ngư phủ(47); đọc lớn mấy ngàn lời tiểu thuyết mua vui(48), chẳng đoái đến mắt nhìn của người trời vậy” (Thương Sơn ngoại tập: A.781/1, quyển IV, tờ 40-42).

Theo cách nói đó, Miên Thẩm là người có ý hướng phát huy thể loại từ. Riêng về Tiểu Hồng (小紅), vốn là ca kĩ tài sắc của Phạm Thành Đại (范成大, 1126-1193). Phạm Thành Đại rất yêu quý tài năng của Khương Quỳ, từng khen Khương Quỳ “văn chương nhân phẩm đều giống như các kẻ sĩ tao nhã thời Tấn-Tống” (翰墨人品皆似晉宋之雅士), do đó trở thành bạn vong niên. Mùa đông năm Thiệu Hi nguyên niên [1190], Khương Quỳ đội tuyết đến Thạch Hồ trao cho Phạm Thành Đại hai bài từ vịnh hoa mai là Ám hương (暗香) và Sơ ảnh (疏影) mới làm, Phạm Thành Đại rất yêu thích, liền tặng Tiểu Hồng cho Khương Quỳ. Trong bài thơ tứ tuyệt Quá Thùy Hồng (過垂虹, Qua cầu Thùy Hồng) của Khương Quỳ viết trong đêm trừ tịch trên đường trở về Hồ Châu có câu: “Tự trác tân từ vận tối kiều / Tiểu Hồng đê xướng ngã xuy tiêu” (自琢新詞韻最嬌 / 小紅低唱我吹簫 - Mới chuốt bài từ vần tuyệt đẹp/ Tiểu Hồng ca khẽ, ta thổi tiêu).

Trong lời tựa Cổ duệ từ, Miên Thẩm có nhắc đến sách Từ nguyên của Trương Thúc Hạ (tức Trương Viêm) cùng việc chú giải từ phổ của Khương Quỳ, cũng từng đề cập đến khái niệm “thanh không”: “Bởi bắc nam vốn xa cách, mà giọng hát bổng trầm, vốn chẳng khác đường; nhã tục năng phân, mà bút ý thanh không(49), tự nhiên cao giá”. Thêm vào đó cuối bài lại nhắc đến Tiểu Hồng, ý hướng mong muốn như Khương Quỳ thuở nào. Hạ Thừa Chú vốn là nhà từ học, khảo cứu rất sâu về Khương Quỳ và Trương Viêm, do đó khi cho rằng Cổ duệ từ của Miên Thẩm phong cách gần gũi với Khương Quỳ và Trương Viêm hiển nhiên là một nhận định đầy quyền uy. Lại như, trong lời tựa Cổ duệ từ, Miên Thẩm cũng tự nhận Cổ duệ từ của ông “án theo 28 điệu nhạc chương thời Tống - Nguyên”. Thêm nữa trong tác phẩm, ở bài từ điệu Quế chi hương để “Cảm tạ Chuyết Viên huynh nhân tặng một cành mai” (桂枝香-謝拙園兄惠梅花一枝) Miên Thẩm cũng nhắc đến hai bài từ Sơ ảnh và Ám hương của Khương Quỳ, đủ thấy sáng tác của ông chịu ảnh hưởng của Khương Quỳ và Trương Viêm là điều hết sức rõ ràng.

Phạm Văn Ánh

Viện Văn học

Chú thích:

(1). Phan Văn Các: Cổ duệ từ - khúc hát gõ mái chèo, Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản, H. 1999, tr.3.

(2). Lương Sằn Dư (梁莘畬): chữ “畬” có hai âm là “Dư” và “Xa”, khi đi với chữ “Sằn莘” thì phiên là “Dư” hợp lí hơn. Tuy nhiên, cũng tên nhân vật này trong Vực ngoại từ tuyển in là “梁萃畬”, theo đó có thể phiên là “Lương Tụy Dư” và “Lương Tụy Xa” (Xem các bộ vận thư: Đường vậnTập vận).

(3). Bản dịch này công phu, nhưng tiếc là chưa được toàn mĩ vì một số bài từ ngắt câu chưa thực chuẩn.

(4). Phan Văn Các, sđd, tr.17-19.

(5). Lí Tề Hiền là người Triều Tiên, có thể coi là danh gia từ học Triều Tiên, sáng tác dưới ảnh hưởng từ phong của Tô Đông Pha và Nguyên Hiếu Vấn. Tuy nhiên do ông ta sống nhiều năm ở Trung Quốc nên trong một số sách của Trung Quốc, nhất là các sách về thể loại từ thường coi ông là tác giả từ Trung Quốc.

(6). Phan Văn Các, sđd, tr.19.

(7). Xem chú thích 2 ở trên.

(8). Trần Nghĩa: “Cổ duệ từ của Miên Thẩm dưới dạng toàn vẹn của nó”, in trong Thông báo Hán Nôm năm 2001, Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản, H. 2002, tr.385-392.

(9). Tên nhân vật này ở bản Vực ngoại từ tuyển in là Dư Đức Nguyên (余德源)

(10). Dịch từ Từ học quý san, số 2, quyển 3, tr.102-123.

(11). Hạ Thừa Đảo: Vực ngoại từ tuyển, Thư mục văn hiến xuất bản xã, 1981, tr.155.

(12). Huống Chu Di: Huệ Phong từ thoại (quyển 5), Nhân dân văn học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1960, tr.124.

(13). Phạm Văn Ánh: “Bài tựa Cổ duệ từ của Miên Thẩm”, Tạp chí Hán Nôm, số 3, năm 2010.

(14). Hạ Thừa Đảo, sđd, tr.1.

(15). Trần Nghĩa: Bđd, tr.385-392.

(16). Hà Thiên Niên (何仟年, Trung Quốc): “Điền từ  từ học ở Việt Nam - Một [nghiên cứu] trường hợp về thể loại văn học trong bối cảnh di thực của văn hóa Hán (越南的填詞及詞學- 漢文學移植背景下的文体案例), đăng trên Học báo Đại học Quảng Tây (廣西大學學報), số tháng 6 năm 2008, tr.109.

(17). Từ tập còn lại là Mộng Mai từ lục của Đào Tấn. Từ tập này chép lẫn nhiều tác phẩm từ của Trung Quốc, theo giám định, nhiều nhất chỉ có 17/60 tác phẩm trong từ tập này là của Đào Tấn (Xem: Phạm Văn Ánh: “Sự thực nào cho Mộng Mai từ lục”Tạp chí Văn học, số 9 năm 2009 và “Thêm một số lưu ý về Mộng Mai từ lục của Đào Tấn”, Tạp chí Hán Nôm, số 3 (106) - 2011).

(18). Theo khảo sát của chúng tôi đến thời điểm hiện nay, các tác giả từ Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XVIII hiện còn khoảng 91 tác phẩm từ, viết theo 58 điệu.

(19). Mấy chữ “Tiền thân có bàn chân sắt” trong bài thơ của Hạ Thừa Đảo, vốn lấy ý từ bài Sơ liêm đạm nguyệt vịnh hoa mai của Miên Thẩm: “…Bản lai diện mục / Quân ưng tri ngã / Tiền thân thiết cước” (Bản lai diện mục / Người nên biết tớ / Tiền thân chân sắt). “Chân sắt” (Thiết cước) tức Thiết Cước đạo nhân, tương truyền là một vị đạo sĩ thời cổ, thích ăn hoa mai với tuyết, có người hỏi lí do, ông nói: “Ta thích cái lạnh của tuyết và hương thơm của hoa mai ngấm vào tận phế phổi”.

(20). Mai thắm: dịch từ chữ “hồng ngạc”. Theo logic bài thơ, trước nó đến Thiết Cước đạo nhân là người thích ăn hoa mai, nên “Hồng ngạc” ở đây chỉ hoa mai. Bài từ điệu Nhất ngạc hồng của Khương Quỳ có câu: “Cổ thành âm / Hữu quan mai kỉ hứa / Hồng ngạc vị nghi trâm” (Dưới bóng thành cổ, có mấy cây mai trong phủ quan / Nụ thắm chưa thích hợp để cài lên mái tóc).

(21). Hạ Thừa Đảo, sđd, tr.4.

(22). Thiên Bảo: niên hiệu của Đường Huyền Tông (từ 742 đến 756). Nga Hoàng là vợ của Nam Đường hậu chủ Lí Dực (từ gia kiệt xuất thời Ngũ đại). Trước đó, Đường Huyền Tông từng chế ra khúc Nghê Thường vũ y, song trải thời gian, đến thời Ngũ đại thì mai một. Nhạc phổ tàn khuyết của bản Nghê Thường vũ y rơi vào tay Lí Dực, sau được Nga Hoàng bổ sung, chỉnh lí và cho diễn tấu.

(23). Tống Duyện: người thời Đường. Theo Thái Bình quảng kí: Thái thường lệnh Tống Duyện những người rành âm nhạc, đời gần đây không ai sánh bằng. Thái thường tự bị mất điệu “Chủy”, Thẩm Duyện tra cứu âm luật của chuông mà tìm lại được.

(24). Chu Đức Thanh (1277- 1365): người thời Nguyên, tác giả của sách Trung nguyên âm vận.

(25). Trương Thúc Hạ: tức Trương Viêm (1248-1319?), từ gia thời Tống - Nguyên, tác giả sách Từ nguyên (gồm 2 quyển, 29 mục, khảo về lã luật, từ nhạc; bàn về phong cách, đặc trưng thể loại…).

(26). Khương Quỳ (1155-1221): từ gia nổi tiếng thời Nam Tống. Nhà từ luận Vương Quốc Duy trong Nhân gian từ thoại đánh giá rất cao về Khương Quỳ, cho là: từ nhân xưa nay giỏi về cách điệu không ai bằng Bạch Thạch đạo nhân - Khương Quỳ.

(27). Lục Phụ: từ nhân thời Nguyên, tác giả sách Từ chỉ, tương tự như thầy mình là Trương Viêm, ông cũng đánh giá rất cao về tác phẩm từ của Khương Quỳ. Từ chỉ là sách chịu ảnh hưởng rất sâu sắc bởi bộ Từ nguyên của Trương Viêm.

(28). Thảo Đường: tên hiệu của từ gia Chu Mật (1232-1298) thời Nam Tống, tác giả sách Thảo Đường vận ngữ, 6 quyển.

(29). Trúc Tra: tên hiệu của Chu Di Tôn (1629-1709), từ gia nổi tiếng thời Thanh.

(30). Nhà ngữ nghiệp: tức các từ gia. Ngữ nghiệp là một tên gọi khác của thể loại từ. Theo Vương Chước trong Bích kê mạn chí (quyển II), “Trần Vô Kỉ (tức từ gia Trần Sư Đạo) sáng tác mấy chục bài [từ], gọi là ngữ nghiệp”.

(31). Túy biên: tức Hoa Đường túy biên, là một tuyển tập từ do Trần Diệu Văn thời Minh tuyển chọn và biên tập, gồm 12 quyển, chủ yếu tuyển tác phẩm từ thời Đường - Tống, thảng hoặc có chọn thêm một số ít tác phẩm từ thời Nguyên.

(32). Theo Lạc Dương thành tây Già lam kí của Dương Huyễn Chi, Hà Gian vương là Sâm có đến 3 trăm kĩ nữ, thảy đều là hạng sắc nước hương trời.

(33). Hành Dương vương tên là Quân ở nước Tề thường tự tay viết bộ Ngũ kinh nhỏ, cho vào rương nhỏ, để tiện cho việc đọc sách.

(34). Cương vực: nguyên văn là “Bức viên 幅隕”. Chữ “viên 隕”, nguyên bản khắc nhầm bộ “phụ 阜” thành bộ “cân 巾”. Hai chữ “Bức viên” lấy chữ từ thơ Trường phát trong phần Thương tụng của Kinh Thi: “Ngoại đại quốc thị cương / Bức viên kí trường 外大國是疆 / 幅隕既長”, nghĩa là: Lấy các nước chư hầu bên ngoài làm biên giới / Cương vực đã rộng lớn.

(35). Từ học: ban đầu chỉ sự học về từ chương nói chung, đến thời Minh - Thanh mới chuyên chỉ việc điền từ. Điền Đồng Chi thời Thanh trong tác phẩm Tây phố từ thuyết cho rằng cái đạo ỷ thanh (điền từ), nhân “cung điệu thất truyền, từ học cũng dần rối loạn vậy”. Các học giả Trung Quốc từ thời cận đại trở đi còn coi từ học là một lĩnh vực học thuật chuyên biệt, lấy từ và các vấn đề hữu quan của nó làm đối tượng nghiên cứu.

(36). Cây vực sum suê: nguyên là “Vực bốc”, nghĩa là cây vực mọc thành bụi đan xen vào nhau, cũng là tên một bài trong phần Đại nhã của Kinh Thi, ca ngợi thịnh đức của vua Văn Vương nhà Chu; cũng có khi dùng chỉ hiền tài đông đúc.

(37). Cố quân: chỉ Cố Ung, người thời Tam quốc. Mục Cố Ung truyện, trong phần Ngô chí sách Tam quốc chí ghi: “Cố quân không nói [thì thôi], đã nói ắt là trúng”. Bùi Tùng Chi chú dẫn Giang Biểu truyện của Ngu Phổ thời Tấn rằng: “Tôn Quyền nói: Cố công vui mừng, việc này hợp lẽ vậy; như ông ta không nói thì việc này chưa ổn thỏa, quả nhân cần xem xét lại đã.

(38). Nguyên Thứ Sơn: tức Nguyên Kết (919-772), người thời Đường, tự là Thứ Sơn, hiệu là Mạn Tẩu. Tác phẩm có Thủy nhạc thuyết. Nhận xét về tác phẩm này, từ gia Nguyên Hiếu Vấn thời Kim cho là: “Thử xem Thủy nhạc thuyết của Nguyên Kết thời Đường: vốn chẳng có âm hưởng của Cung, Chủy, nhưng cũng tự thành thứ nhã nhạc tự nhiên giữa khoảng mây núi”.

(39). Hứa Hữu Phu: từ gia thời Nguyên, cùng Hứa Hữu Nhâm soạn sách Khuê Đường Khoản nãi tập (2 quyển).

(40). Chân Trường: tức Lưu Chân Trường. Thế thuyết Tân ngữ dẫn lời của Vương Trọng Tổ nói: “Chân trường hiểu ta, còn hơn ta tự hiểu về mình”.

(41). Thiên Bát dật sách Luận ngữ ghi: Tử Hạ hỏi [Khổng Tử]: “Nét cười tươi quyến rũ, cặp mắt đẹp rạng ngời, trên nền trắng vẽ nên bức họa nhiều màu sặc sỡ, là nghĩa thế nào? Khổng Tử đáp: phải có nền trắng rồi sau mới vẽ nên bức tranh. Thưa: [Ý nói] lễ là cái có sau chăng? Khổng Tử khen: Phát khởi được ý ta chính là trò Thương vậy. Thương có thể bắt đầu cùng ta nói về Thi rồi đó”.

(42). Nguyên văn là “phù đại bạch”. Theo Thuyết uyển của Lưu Hướng, Nguỵ Văn hầu cùng các đại thần uống rượu, có đưa ra quy định, ai không cạn chén thì bị phạt một chén lớn. “Phạt một chén lớn”, nguyên phải nói là “phạt nhất đại bôi 罰一大杯”, nhưng vì rượu đã ngà ngà nên nói nhịu thành “phù nhất đại bạch 浮一大白”.

(43). Lấy ý từ Li tao của Khuất Nguyên, ngư phủ gõ mạn thuyền hát: Sông Thương Lang trong xanh chừ, ta giặt dải mũ; sông Thương Lang ngầu đục chừ, ta rửa chân.

(44). Tiểu Hồng: ca kĩ của Phạm Thành Đại, sau Phạm Thành Đại tặng lại cho Khương Quỳ.

(45). 28 điệu: Các cung điệu âm nhạc, như: chính cung, cao cung, trung lã cung, đạo điệu cung, nam lã cung, tiên lã cung, hoàng chung cung… Nguyên chú ghi: “phàm cái gọi là ‘tục nhạc’ gồm 28 điệu”.

(46). Nhạc chương: đây dùng với nghĩa là thể loại từ.

(47). Bài hát của Ngư phủ: từ tập này của Miên Thẩm mang tên là “Cổ duệ từ”, nghĩa là tập từ của người gõ mái chèo, lấy ý từ Li tao của Khuất Nguyên. Trong từ cũng có điệu Ngư phủ, là điệu từ rất nổi tiếng, được sáng tác từ thời Đường (như chùm từ điệu Ngư phủ của Trương Chí Hòa thời Đường ảnh hưởng lan tỏa sang cả Nhật Bản), thường dùng viết về cuộc sống ẩn dật.

(48). Tiểu thuyết mua vui: nguyên văn là “bài ưu tiểu thuyết”, một thể loại văn học có tính chất hài hước. Qua cách nói này, có thể thấy cho dù rất dụng công trong việc điền từ song Miên Thẩm vẫn coi từ là thể loại văn học giải trí, không có vị trí trang trọng như thơ ca nói chung.

(49). “Bút ý thanh không” được thể hiện trong Cổ duệ từ như thế nào đòi hỏi những phân tích sâu, chúng tôi sẽ trình bày trong một bài viết khác.

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.62-79, phiên bản trực tuyến, ngày 24.2.2015.

20190304 Chau ban

1- Chữ Nôm là một loại hình văn tự do người Việt sáng tạo ra để ghi âm tiếng Việt. Chữ Nôm từ khi xuất hiện chỉ là các mã chữ ghi tên người, tên đất xuất hiện trên các tấm bia từ thế kỷ thứ XI(1) đến khi chữ Nôm xuất hiện thời Hồ(2) (1400-1407), thời Tây Sơn (1778-1801), và thời Gia Long (1802-1819) cho thấy vai trò và giá trị của chữ Nôm trong đời sống xã hội của người Việt. Tuy nhiên, các mã chữ Nôm xuất hiện thời Hồ, thời Tây Sơn đã được biết qua sử sách. Mã chữ Nôm xuất hiện thời Gia Long (1802-1819) lần đầu tiên được nhắc đến trong lời giới thiệu về châu bản triều Nguyễn của ông Trần Kinh Hòa(3), sau đó thì mảng văn tự này dường như bị bỏ quên, chưa một công trình nghiên cứu về chữ Nôm, chưa một cuốn tự điển chữ Nôm nào nhắc tới. Bài viết này, chúng tôi giới thiệu các mã chữ Nôm xuất hiện trong châu bản thời Gia Long (1802-1819).

2- Châu bản thời Gia Long (1802-1819) đã được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I công bố một danh mục tóm tắt gồm 822 văn bản(4) gồm các loại chiếu, dụ, công đồng truyền, công đồng phó, công đồng sai, trát, thân, tấu, khải, quốc thư… Đây là nguồn tư liệu quí giá giúp người nghiên cứu đi sâu tìm hiểu các khía cạnh của đời sống xã hội thời Gia Long, trong đó có chữ viết. Chữ viết trên châu bản thời Gia Long có 2 loại: chữ Hán và chữ Nôm.

3- Các mã chữ Nôm xuất hiện trong châu bản thời Gia Long (1802-1819) gồm 2 loại: mã chữ Nôm tự tạo và mã chữ Nôm mượn chữ Hán. Các mã chữ Nôm xuất hiện trong các văn cảnh như sau:

Về văn bản chiếu, dụ, chỉ: đây là loại văn bản chuyên giành cho nhà vua. Theo Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập I, loại này có 164 đơn vị văn bản. Một tờ chiếu đề ngày 15 tháng 12 năm Gia Long thứ 1 (1802), nhà vua đã lệnh cho Nguyễn Phúc Thí, một chi phái con cháu nhà chúa trước đây kê khai phổ hệ(5), trong tờ chiếu này có đoạn: 德先聖王生下公子纙買?, 埃羅?嫡, 埃羅?庶, 継生子孫世次鄧包饒, 忍典列朝拱丕. 係公姓各支派現存羅包饒, 埃㐌預固官職, 埃渚預受官職調沛備開, 從前世系詳究的實具修譜牒進覽. (đức Tiên thánh vương sinh hạ công tử là mấy ngôi, ai là dòng đích, ai là dòng thứ, kế sinh tử tôn thế thứ đặng bao nhiêu, nhận đến liệt triều cũng vậy. Hễ Công tính(6) các chi phái hiện tồn là bao nhiêu, ai đã dự có quan chức, ai chưa dự thụ quan chức đều phải bị khai (kê khai đầy đủ). Trong đoạn văn này có 3 mã chữ Nôm tự tạo là ? (ngôi), ?(dòng), 饒 (nhiêu). Các mã chữ còn lại là các mã chữ Hán được nhà vua mượn để diễn đạt theo lối tư duy của người Việt. Trong tờ dụ ghi ngày 3 tháng 1 năm Gia Long thứ 2 (1803) có các mã chữ ?固差欽差屬內該奇玖?嘉定 (nay có sai Khâm sai thuộc nội Cai cơ Cửu vào Gia Định…). Các mã chữ Nôm tự tạo là: ? (nay), ?(vào). Các mã chữ Nôm còn lại là các mã chữ Nôm mượn chữ Hán.

Về loại công đồng truyền, công đồng sai, công đồng phó. Riêng loại công đồng truyền thì hiện có 309 đơn vị văn bản. Về loại này, sau các mã chữ công đồng truyền cho (quan địa phương)… có mã chữ Nôm tự tạo ? (nay) và các mã chữ Nôm mượn chữ Hán xuất hiện trong dạng công thức như: ??固攽下… [nay vâng có ban hạ… Châu bản ngày 6 tháng giêng năm Gia Long thứ 4 (1805)], hoặc cụm từ ??固傳 [ngày trước có truyền. Văn bản đề ngày 20 tháng giêng năm Gia Long thứ 2 (1803)], ??旨 [nay vâng chỉ. Văn bản đề ngày 6 tháng giêng năm Gia Long thứ 4 (1805)]…

Về loại Quốc thư. Đây là những văn bản bang giao của một số nước trong khu vực như Thái Lan, Miến Điện… với Việt Nam được dịch ra tiếng Việt, phần Việt văn ghi bằng chữ Nôm. Một bức thư của một người thủy thủ Pháp gửi cho nhà đương cục Việt Nam đề ngày 9 tháng 7 năm Gia Long thứ 16 (1817), mở đầu bức thư ghi 眾碎於在渃葩朗沙城浦都盧?… (Chúng tôi ở tại nước Ba Lãng Sa thành phố Đô Lô tên là…). Trong đoạn văn này có mã chữ Nôm tự tạo 渃 (nước); ? (tên)... Các mã chữ còn lại là các mã chữ Hán được mượn để diễn đạt theo lối tư duy của người Việt

Về loại tấu, trong mỗi bản tấu, các mã chữ Nôm tự tạo và các mã chữ Nôm mượn chữ Hán xuất hiện trong các cụm từ công thức 奏德皇上閍閍?高明御覽 (tấu vái đức hoàng thượng muôn muôn năm cao minh ngự lãm). Trong công thức này có 4 mã chữ Nôm tự tạo là (vái) 閍閍? (muôn muôn năm) hoặc cụm từ ?具表奏浪 [nay cụ biểu tấu rằng. Văn bản đề ngày 20 tháng 1 năm Gia Long thứ 4 (1805)]. ? (nay) là mã chữ Nôm tự tạo, các mã chữ còn lại trong cụm từ này là mã chữ Nôm mượn chữ Hán.

Các mã chữ Nôm tự tạo và các mã chữ Nôm mượn chữ Hán xuất hiện trong châu bản thời Gia Long phần lớn đều ở dạng viết tay. Một tờ tâu gửi lên nhà vua của bề tôi Khâm sai Bắc thành Chưởng hậu quân Lê Tông Chất đề ngày 10 tháng 12 năm Gia Long thứ 16 (1817) trình bày sự việc binh lính đóng đồn ở vùng biển thuộc thành Gia Định được thay phiên, trên đường trở về gặp bão, trôi dạt đến vùng biển của Nhật Bản, người Nhật Bản đã cứu những nạn binh và nhờ tầu buôn của Trung Quốc giúp họ trở về Việt Nam.

Trong văn bản này, mã chữ Nôm tự tạo được thể hiện trong các văn cảnh như sau:

TT Các chữ Nôm tự tạo Văn cảnh xuất hiện
2

Mã chữ Nôm tự tạoxuất hiện trong các cụm từ công thức:

閍閍?

奏德 皇 上 閍 閍 ? 高 明 御 覽 (tấu vái đức hoàng thượng
muôn muôn năm cao minh ngự lãm) (tr.1 d1; tr.8 d4)
2 Mã chữ Nôm tự tạo biểu thị số đếm từ số 2 đến số 10: ? (hai), ?(ba), ? (bốn), ?(năm), ? (sáu), (bảy), 糝 (tám), ?(chín), ? (mười)

- ?: 出港鄧??? (xuất cảng đặng hai đêm ngày) (tr.2 d5)

- ?: 戈?糝??? (qua tháng tám ngày mười ba) (tr.4 d1)

- ?: ?道文差 (bốn đạo văn sai) (tr.4 d5)

- ?: 眾奴乘轎陸行?? (chúng nó thừa kiệu lục hành năm 
ngày) (tr.5 d2)

- ?: 戈???? (qua ngày rằm tháng sáu) (tr.3 d4)

- : 共?呈貝該隊 (cùng bảy người trình với cai đội) (tr.3 d5)

- 戈 ? 仲 夏 ? 夢  ? 意 拔 ? ?葛 ? 㴜 (qua tháng trọng hạ, 
ngày mồng bảy bè ấy dạt vào cồn cát giữa biển) (tr.2 d7)

-糝: 戈?糝??? (qua tháng tám ngày mười ba) (tr.4 d1)

- ?: 戈????? (qua tháng chín ngày hai mươi) (tr.7 d2)

- ?: 戈????? (qua tháng chín ngày hai mươi) (tr.7 d2)

3

Mã chữ Nôm tự tạo biểu thị thời gian

? (đêm) ? (ngày), ?(tháng), ?(năm)

- ?, ?: 戈 ? 仲 夏 ? 夢  (qua tháng trọng hạ ngày mồng 
bảy) (tr.2 d7)

- ?: 自 ? ? 蔑 ? 乙亥 (từ tháng mười một năm Ất Hợi) 
(tr.5 d7)

4

Mã chữ Nôm tự tạo biểu thị vật dụng

?(bè), ? (ghe), ?(dây), 鐮 (liềm),

- ?: 群片?意 (còn phiến bè ấy) (tr.2 d6)

- ?: 共 肆 拾 柒 員 人 調 共 ? 筏 團 出 港 (cùng tứ thập thất 
viên nhân đều cùng ghe phiệt đoàn xuất cảng) (tr.2 d5)

- ?: 藤 雲 候 坐 意 坦 ? 漂 拔 ? 兜 庄 ?(Đằng Vân hầu tọa 
ấy đứt dây phiêu bạt đi đâu chẳng thấy) (tr.2 d6)

- 鐮: 貝 ? 錠 鉑 蔑 貫 錢 蔑 丐 鐮 (với bốn đĩnh bạc một 
quan tiền một cái liềm) (tr.6 d6)

+原 銀 錠 錢 壹貫, 鐮 壹 件 (nguyên ngân tứ đĩnh, tiền nhất 
quan, liềm nhất kiện) (tr.4 d5)

5 Mã chữ Nôm tự tạo ghi tên các loài thực vật 椥(tre) - 椥: 眾 奴 嗔 ?仍 椥 ? 㵢 ? ? (chúng nó xin lấy những tre 
bè trôi vào cồn) (tr.3 d5)
6

Mã chữ Nôm tự tạo ghi tên các loài hải sản

?(chim), ?(cá), 䗔(hầu), ? (ốc)

- ? , 䗔 , ?: 伊 等 於 在 ? 扒 ? 䗔 ? 麻 咹 拖 ? (y đẳng ở 
tại cồn bắt chim hầu ốc mà ăn đỡ đói) (tr.3 d4)

- ?: 渃 㵢 沚 ?仍 ?預  ?意 (nước trôi chảy thấy những 
cá dự theo bè ấy) (tr.3 d8)

7

Mã chữ Nôm tự tạo ghi người và hoạt động của con người

?(người), 咹(ăn), 㕵(uống), 粓(cơm), ?(cháo), ? (vải), 袄 (áo) 裙(quần) ?(đai); 渃(nước), 焒 (lửa); 茦(thuốc)…

- ?: 自???意眾奴? (từ bữa rằm tháng ấy chúng nó 
bảy người) (tr.2 d7)

- 粓, ?: ??於妬救冘眾奴?廚朱於貝朱??咹(thấy 
người ở đó cứu, đem chúng nó lên chùa cho ở với cho cơm 
cháo ăn) (tr.4 d2)

- 官日本國吏發?共?… (quan nhật bản lại phát vải cùng gạo) 
(tr.6 d5)

- ?, 袄裙?:

給朱粓咹茦㕵貝發朱每?蔑丐袄錦芃 (cấp cho cơm ăn 
thuốc uống với phát cho mỗi người một cái áo bông) (tr.4 d7)

給朱咹㕵如?吏發袄巾褲??錦, 幪?… (cấp cho ăn uống 
như trước lại phát áo khăn khố đai nệm gấm

8

Mã chữ Nôm tự tạo ghi phương hướng

 (xuống), ? (vào), ?(ra), …

- ?: 伊等員軍援取拋苗??? (y đẳng viên quân vin thủ phao 
miêu nha bơi vào cồn) (tr.2 d7)

- :眾奴調冘??塊?(chúng nó đều đem theo xuống 
mảng chống ra khỏi cồn) (tr.2 d7)

Trong văn bản này, mã chữ Nôm mượn chữ Hán được chia thành các tiểu loại, xuất hiện trong các văn cảnh như sau:

TT Mã chữ Nôm mượn Văn cảnh xuất hiện
1 - Mã chữ Nôm mượn hình, âm, nghĩa chữ Hán: 從 (tòng= theo) 答 (đáp= trả lời)

從: 群 伊 等 從 左 勝 奇(còn y đăng tòng Tả thắng cơ) (tr.2 d4)

答: 曰?答吏 (viết chữ đáp lại)(tr.4 d3)

2

- Mã chữ Nôm mượn hình, âm, không mượn nghĩa chữ Hán

戈 (qua= mác) 吏 (lại= 1- viết chữ; 2- chức quan nhỏ)

戈: 戈?仲夏?蒙(qua tháng trọng hạ ngày mồng bảy) (tr.2 d7)

吏: ?曰答吏(thấy viết đáp lại) (tr.4 d3)

3

- Mã chữ Nôm mượn hình, âm chữ Hán nhưng đọc chệch

朱 (chu = màu đỏ) 奴 (nô = nô lệ)

- 朱: 朱眾奴於在廚 (cho chúng nó ở tại chùa)(tr.4 d6)
4

- Mã chữ Nôm mượn hình, nghĩa chữ Hán

外 (ngoại = ngoài)

外: 吏被海程漂流外國(lại bị hải trình phiêu lưu ngoài nước) (tr.7 d7)

 

Từ các biểu bảng nêu trên, chúng ta nhận thấy:

- Nhiều mã chữ Nôm tự tạo như mã chữ Nôm chỉ số đếm - ? (hai), ? (ba), ? (bốn), ? (năm), ? (sáu),  (bảy), 糝 (tám), ? (chín), ? (mười) hoặc mã chữ Nôm tự tạo chỉ thời gian ? (đêm), ? (ngày), ? (tháng), ? (năm)… đã xuất hiện nhiều lần trong văn bản.

- Các mã chữ Nôm tự tạo (vái), 閍閍? (muôn muôn năm) và các mã chữ Nôm mượn chữ Hán 德皇上 (đức hoàng thượng) 高明御覽 (cao minh ngự lãm) cùng xuất hiện tạo nên một công thức cho loại tấu như: - 奏 德皇上閍閍?高明御覽 (tấu vái đức hoàng thượng muôn muôn năm cao minh ngự lãm).

- Các mã chữ Nôm như: 朱眾奴於在廚 = cho chúng nó ở tại chùa (tr.4 d6) hoặc 伊國無有陸路通往越南 = y quốc không có lục lộ thông vãng Việt Nam (tr.5 d8). Đây là các mã chữ Nôm mượn chữ Hán được người Việt sử dụng để diễn tả lối tư duy của người Việt.

4- Chữ Nôm đã trải qua một quá trình phát triển. Theo sử sách ghi chép, Nguyễn Thuyên người đời Trần đã làm bài văn tế đuổi cá sấu trên sông Lô, phần Việt văn viết bằng chữ Nôm. Sau đó có Hồ Quí Ly (1400-1407)(7) dịch Kinh Thi, sai nữ sư dạy hậu phi và cung nhân. Từ thời Lê đến thời Tây Sơn (1778-1801), chữ Nôm được dùng để:

- Dịch các bộ kinh Phật, các tác phẩm văn học, lịch sử ghi bằng chữ Hán sang Việt văn. Phần Việt văn ghi bằng chữ Nôm như: Phật thuyết đại báo ân trọng kinhTruyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, biên soạn Tứ thư Ngũ kinh theo quan niệm của nhà Nho Việt Nam bằng chữ Nôm để phục vụ cho thi cử.

- Dùng chữ Nôm để sáng tác thơ ca như Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Hồng Đức quốc âm thi tậpThơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Quốc sử diễn ca

- Dùng chữ Nôm để biên soạn Hương ước, thần phả…

Từ các thành tựu nêu trên cho thấy chữ Nôm đã có một bước phát triển dài trong lịch sử. Tuy nhiên, các mã chữ Nôm được sử dụng trong giai đoạn này chưa được coi là văn tự chính thống của nhà nước, chưa được qua chuẩn hóa và điển chế hóa. Chỉ đến thời Gia Long (1802-1819), các mã chữ Nôm xuất hiện trong các văn bản hành chính nhất là trong các văn bản Châu bản thời Gia Long (1802-1819) cho thấy chữ Nôm đã được nhà nước thừa nhận và được sử dụng vào trong các văn bản hành chính nhà nước. Điều này cho thấy vị trí của chữ Nôm đã đạt tới đỉnh cao của sự phát triển và là một nguồn tài liệu quí cần được nhà nước Việt Nam bảo vệ và tôn vinh.

 

Chú thích:

(1) Trên tấm bia Phụng thánh phu nhân Lê thị mộ chí dựng năm 1173 tại chùa Diên Linh thuộc huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ có 8 mã chữ Nôm. Tấm bia Báo Ân tự bi ký dựng năm 1210 tại chùa Báo Ân huyện Yên Lãng tỉnh Vĩnh Phúc có 24 mã chữ Nôm.

(2)(7)Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Hồ Quí Ly dịch thiên Vô dật của Kinh Thi để dạy cho quan gia (nhà vua), T.II, Nxb. KHXH, H. 1993, tr.188.

(3) Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập I, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2010, tr.XXXIII.

(4) Xem thêm: Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập I, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2010, tr.IX.

(5) Xem thêm: Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập I, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2010, tr.3.

(6) Công: một thuật ngữ chỉ nhà chúa tự xưng. Từ chúa Ninh Vương (1725-1738) trở về trước, nhà chúa xưng là 公 = Công. Từ chúa Thế tông Võ vương (1738-1765) trở về sau, nhà chúa xưng là 王 = vương (Đại Nam thực lục tiền biên VHv.1320). Theo Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán (người Trung Quốc), thì chúa Nguyễn xưng vương từ trước năm 1695.

Tài liệu tham khảo

1- Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. KHXH, H. 1993.

2- Nguyễn Tài Cẩn. Một số vấn đề về chữ Nôm, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H. 1985.

3- Nghiên cứu chữ Nôm. Kỷ yếu Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm, Nxb. KHXH, H. 2006.

4- Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long Hà Nội. Trần Nghĩa chủ biên, Nxb. Hà Nội, H. 2010.

5- Đại tự điển chữ Nôm. Vũ Văn Kính chủ biên, Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh. Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 1999.

6- Tự điển chữ Nôm. Nguyễn Quang Hồng chủ biên. Nxb. Giáo dục. H. 2006.

7- Đại tự điển chữ Nôm. Trương Đình Tín - Lê Quí Ngưu chủ biên, Nxb. Thuận Hóa, 2007.

Phụ lục

Tấu vái đức Hoàng thượng muôn muôn năm cao minh ngự lãm.

[1] Nay ngày mồng 6 tháng này chúng tôi cứ vào tờ trình của viên trấn trấn Lạng Sơn trả lời về tờ trát của quan Lương chính đường phủ Thái Bình thuộc nội địa (chỉ Trung Quốc), trong đó có đoạn: Vâng theo tờ chuẩn của quan đại hiến... có bọn nạn binh Phạm Duy Nạp gồm 5 tên gặp bão, theo lời khai binh lính của bản quốc thay ban trực trên đường trở về gặp bão phiêu dạt tới nước Nhật Bản. Họ được cứu sống đưa lên bờ rồi nhờ tầu buôn của Nội địa đem về đến cửa khẩu, theo lệ được chuyển giao về nước. Nhưng những binh lính này vào tháng năm nào được sai đi làm những công việc gì, ở đâu, vì sao lại bị phiêu bạt thì không được rõ. Viên trấn ấy ngay lập tức có tờ trát hỏi rõ lai lịch, đến sau ngày 15 tháng này viên trấn ấy có tờ trình phúc đáp quan phủ Thái Bình và sao lại gửi đính kèm với bản tâu gửi tỉnh Quảng Đông và sai người đi theo dẫn binh lính gặp nạn về thành.

[2] Chúng tôi đã sức lấy lời khai của những viên ấy. Chiếu theo lời khai thì viên Đội trưởng cơ Tả Thắng thuộc Hậu quân là Đặng Hữu Bôi, viên Đội trưởng Tiên nghi Phạm Văn Kính, Nguyễn Tài Lương viên Ngũ trưởng Nguyễn Duy Bảo, viên Đội trưởng Tiên nghi cơ Trung Thắng Ngô Văn Bình, vào năm Nhâm Thân vâng mệnh được sai phái đến lưu thú (đóng đồn) ở thành Gia Định. Ngày tháng 4 năm Ất Hợi được sai đi theo viên Trưởng hiệu thuộc nội quân Đằng Vân hầu cùng đi bè về kinh. Viên Đằng Vân hầu cùng quân lính ngồi trên một chiếc suồng kéo chiếc bè ấy, còn bọn (Bôi) theo viên Cai đội đội 3 Tiền hiệu cơ Tả Thắng tên Đống ngồi trên bè cùng với 47 người, đều cùng quây tròn trên chiếc ghe rời cảng. Chừng 2 đêm ngày thì gặp bão, chiếc suồng của Đằng Vân hầu ngồi ấy đứt dây, phiêu bạt đi đâu chẳng thấy, còn phiến bè theo gió trôi ra ngoài biển. Qua tháng trọng hạ (tháng 5) ngày mồng bẩy, bè ấy dạt vào chốn cồn cát giữa biển, chẳng biết xứ gì. Các viên quân ấy [ tr.3] lấy tre gai trên bè làm phao bơi vào cồn...... sau ngày mồng 8, thấy 6 người khách chống 2 chiếc thuyền ván đến đó nghe hỏi, chúng nó mà chẳng rõ tiếng,. lũ khách ấy lại chống thuyền ván đi. Đến ngày mồng 9, lại thấy lũ khách ấy chống thuyền ván đến đem cho viên quân ấy mỗi hai người một vắt cơm, một bát gạo, rồi khách ấy lại chống thuyền ván đi như trước. Những viên quân ấy ở lại cồn ấy bắt chim cùng hầu, ốc mà ăn đỡ đói. Qua ngày rằm tháng 6, các ông Đặng Hữu Bôi 5 người với Phạm Duy Nạp cùng Yên Hùng cộng 7 người trình với Cai đội Đống rằng ở đó lâu ngày thế cũng đói chết, chúng nó xin lấy những tre bè nổi trôi vào cồn ấy, kết làm một cái mảng đặng (để) chúng nó chống đi hoặc nhờ trôi dạt vào bờ tìm người ra cứu. Từ bữa rằm tháng ấy, chúng nó 7 người đem nước lửa cùng củi với tiền bạc, cùng 4 đạo văn sai khâm sai do Tả quân quan cấp cho chúng nó đều đem theo xuống mảng, chống ra khỏi cồn ấy. Theo mảng nước trôi chảy, thấy những cá nhẩy vào bè ấy, chúng nó... [tr.4] ăn đỡ đói, khi đó Phạm Duy Nạp cùng Yên Hùng bị đói ốm chết chỉ còn chúng nó 5 người. Qua tháng 8 ngày 13, mảng ấy dạt vào một chốn cù lao, thấy người ở đó cứu đem chúng nó lên chùa cho ở với cho cơm cháo ăn. Tỉnh lại, trong chúng nó có Nguyễn Duy Bảo biết chữ mới viết chữ hỏi người ở đó là xứ nào, thấy viết chữ đáp lại Nhật Bản quốc. Lại viết chữ hỏi chúng nó là người nước nào ? chúng nó viết chữ đáp lại Việt Nam quốc binh lưu thú hoán phiên phản hồi hải trình bị phiêu (Lính Việt Nam đi lưu thú, khi đổi phiên trên đường biển trở về bị phiêu bạt) rồi chúng nó viết chữ cậy người đó tìm đồ vật để dưới mảng ấy gồm 4 đạo văn sai với 4 đĩnh bạc, một quan tiền, một cái liềm. Ở đó được 3 ngày, người đó lại chở chúng nó đi, cách một ngày đêm đến chốn cù lao khác. Chúng nó viết chữ hỏi, thấy viết báo rằng xứ ấy hiệu là Trung quân, đêm cho chúng nó ở tại chùa chốn ấy, sai người coi giữ. cấp cho cơm ăn thuốc uống với phát cho mỗi người một cái áo gấm bông. Ở đó cách một tháng, lại thấy (... mất một dòng chữ) [tr.5] cho chúng ở chùa chốn ấy, có người coi giữ cấp cho ăn uống với phát cho áo cùng khố, dây lưng cho chúng nó mặc. Ở được 20 ngày, thấy quan quân chốn ấy phỏng 45 người khí giới hộ tống chúng nó ngồi kiệu đi bộ 5 ngày, kế đó đi thuyền, quan quân chia nhau ngồi trên 7 chiếc tầu, hộ tống chúng nó đi cách 11 ngày lại đến một chốn có thành quách, quan quân đô hội. Chúng viết chữ hỏi, đáp rằng Đại quan thành, bèn đem chúng nó vào vái. Đại quan thành ấy cấp cho một bữa yến thịnh soạn, rồi đem ra ở chốn ngoài thành theo cùng người sắc phục nội địa và cấp cho ăn uống như trước. Lại phát cho áo khăn, khố, quần, nệm gấm, mùng muỗi cho chúng nó, thường cấp cho than củi, nước sôi, trà, thuốc, vật dụng ăn uống đầy đủ, có quan quân coi giữ, chẳng cho đi đâu. Ở đó từ tháng 11 năm Ất Hợi, đến năm ngoái, chúng nó thường kêu khóc, xin cho về nước.Nhưng quan ở đó thay viết đáp rằng nước đó không có đường bộ thông với Việt Nam. Qua năm nay, thấy có tầu nội địa qua buôn bán, quan chốn ấy nói cùng các tầu trưởng nội địa [tr.6] làm sao thì chúng nó chẳng biết. Thấy tầu trưởng nội địa viết chữ báo danh Trầm Dung Đường bảo chúng nó khai tính danh rồi lĩnh chở về nội địa, báo quan tấu rõ chuyển đưa về nước nên chúng nó mới theo tên trong bốn đạo văn sai ấy. Đặng Hữu Bôi thì nhận khai lấy tên văn sai, Đặng Đình Hợp năm trước đổi cho tên ấy mang tên Nguyễn Duy Bảo khai nhận lấy tên văn sai. Trước đây Phạm Duy Nạp, Phạm Văn Kính, Nguyễn Tài Lương, mỗi người nhận theo tên của mình ghi trong văn sai. Còn Ngô Văn Bình thì không có văn sai nên khai thực tính danh. Trầm Dung Đường nhận lấy rồi sắm áo quần cho chúng nó đổi theo sắc phục nội địa, mà quan nước Nhật Bản lại phát vải cùng gạo, đồ ăn với giao văn sai cho mỗi người một đạo, cùng bạc nguyên chất 4 đĩnh, tiền một quan, liềm một chiếc để Trầm Dung Đường nhận về. Từ 28 tháng tư khởi hành ở nước Nhật Bảnđến 28 tháng trọng hạ mới đến huyện Bình Hồ tỉnh Triết Giang thuộc nội địa. Trầm Dung Đường cho chúng nó ở tại nhà chủ hàng, cấp dưỡng mà [tr.7]... (mất 1 dòng chữ). Chúng nó qua Hàng Châu, cho ở tại chùa, chu cấp, đến mồng tám tháng tám, nghe quan phủ ấy báo rằng việc đã tâu rõ, phát cấp hộ tống chúng nó về nước. Có tuần đi bộ có tuần đi thuyền, qua tháng 9 ngày 20 đến tỉnh thành Quảng Đông, tỉnh ấy cũng cho chúng nó ở tại chùa, gần thành ấy, cho ăn uống. Đến tháng 10 ngày 14, quan tỉnh thành ấy phát cấp thuyền hộ tống chúng nó theo đường thủy qua tỉnh thành Quảng Tây. Ở đó đặng 8 ngày, lại phát cho một chiếc thuyền hộ tống chúng nó. Ngày mồng 2 tháng này, đến trước phủ Thái Bình, rồi chuyển, hộ tống chúng nó đi đường bộ. Qua ngày mồng 6, về đến Nam Quan, giao cho viên Thủ ải nhận trình quan trấn Lạng Sơn. Quan trấn Lạng Sơn sai người dẫn về thành. Như từ huyện Bình Hồ đến phủ Thái Bình, đến Nam quan, trên đường đi, quan nội địa phát cấp cho chúng nó mỗi người mỗi ngày tiền một trăm văn để chi tiêu theo lệ. Điều mà chúng nó khai đại lược là như vậy. Vả lại chúng nó là binh lính của nước nhà từng đi làm lính thú nơi xa xôi, lại bị bão phiêu bạt ở nước ngoài, mấy năm việc chu cấp, nhờ nội địa chuyển đưa về nước. Chúng tôi chẳng giám [tr.8] cúi dâng tờ biểu và kính trình quan phủ Thái Bình 2 đạo trát văn, trong đó sau một đạo có đính kèm một bản tấu, và bốn đạo văn sai của bọn ấy đem theo cùng một bản ghi lời khai và sai người dẫn viên đội trưởng Đặng Hữu Bôi theo đường trạm về kinh chờ lệnh. Còn bọn Nguyễn Tài Lương 4 người đã sức cho quan viên địa phận ấy đưa về bản quán nghỉ ngơi. Chúng tôi thật lo thật sợ cúi vái.

Đức Hoàng thượng muôn muôn năm.

Ngày 10 tháng 12 năm Gia Long thứ 16 (1817).

Bề tôi Lê Tông Chất cẩn tấu./.

 

TS. PHẠM VĂN THẮM

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 6 (121) năm 2013, tr.58-65, phiên bản trực tuyến

 

20200426 3

Cuốn từ điển song ngữ Hán Việt cổ nhất hiện còn là Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa 指南玉音解義 (CNNAGN)lâu nay vẫn được coi là một nguồn tài liệu quý hiếm để khai thác tư liệu cho các lĩnh vực nghiên cứu về khoa học xã hội. Mặc dù đã được nhiều người quan tâm khai thác, nghiên cứu nhưng đến nay thấy vẫn còn những vấn đề về văn bản và giá trị của cuốn từ điển cần phải làm sáng tỏ thêm. Những vấn đề chúng tôi muốn trình bày trong bài viết này là về niên đại và thể thơ lục bát trong cuốn từ điển CNNAGN.

1. Về văn bản của CNNAGN

Chúng tôi muốn trình bày thêm về văn bản của CNNAGN vì nó liên quan đến sự xuất hiện của thể thơ lục bát cuối thế kỷ XIV - đầu thế kỷ XV.

Cho đến nay, số lượng dị bản CNNAGN hiện còn vẫn là 7 văn bản trong đó có 5 bản khắc in và 2 bản chép tay. Các bản in gồm:

- Bản lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AB.372.

- Bản tại tư gia PGS.TS Ngô Đức Thọ

- Bản tại tư gia GS. Nguyễn Tài Cẩn

- Bản tại tư gia ông Phùng Uông

- Bản tại Thư viện Société Asiatique (Hội Á châu, Paris), ký hiệu HM.2225.

Hai bản chép tay là: bản ký hiệu AB.163 do Viện Viễn đông Bác cổ thuê chép; bản ký hiệu VNv.201 tiếp thu từ thư viện Long Cương của Cao Xuân Dục. Đã có nhiều nhà nghiên cứu xưa, nay đề cập đến văn bản CNNAGN như: Nguyễn Văn San (1880), Sở Cuồng Lê Dư (1932), Trần Văn Giáp (năm 1968), Đào Duy Anh (1985), Trần Xuân Ngọc Lan (1985), Lê Văn Quán, Ngô Đức Thọ (2006),... Mỗi người đề cập đến CNNAGN ở một góc độ khác nhau và ai cũng có đề cập đến vấn đề niên đại văn bản. Điều mà mọi người cùng quan tâm là vấn đề năm "năm Tân Tỵ" ở dòng cuối cùng của bài tựa chữ Hán. Ý kiến gần đây nhất, năm 2006, cho rằng CNNAGNcó niên đại năm Tân Tỵ 1401. Chúng tôi cũng có một số bài tạp chí và tham luận Hội nghị Thông báo Hán Nôm học có nội dung xung quanh vấn đề văn bản của CNNAGN(1). Gần đây, trong bản tham luận Một chứng tích về sự xuất hiện của thể thơ lục bát thời kỳ đầu, kỷ yếu Hội nghị Thông báo Hán Nôm học năm 2011 (tr.796-804), chúng tôi mới chỉ trình bày thông báo một cách tóm lược ý kiến của mình về văn bản CNNAGNliên quan đến thể thơ lục bát.

2. Tên sách Chỉ nam phẩm vựng 指南品彙 (CNPV) và CNNAGNlà tên của một bộ sách qua các lần truyền bản khác nhau. Ở bộ sách từ điển này cần có sự phân biệt rạch ròi về mặt niên đại và tính chất văn bản khi nó mang tên gì. Có như vậy mới thấy hết được những giá trị tiềm ẩn trong văn bản tác phẩm.

Trong các bài tham luận đăng tải trên Kỷ yếu Thông báo Hán Nôm học chúng tôi đã trình bày khá rõ ý kiến của mình về mối quan hệ giữa tên sách ngoài bìa CNNAGNvà tên sách ghi trong 2 bài tựa đầu sách Chỉ nam 指南, CNPV. Bài tựa Nôm gọi quyển Chỉ nam 指南(Bèn dọn quyển Chỉ nam này) là nói tắt tên sách CNPV, tên này được ghi rõ trong bài tựa chữ Hán. Tên sách CNNAGNlà tên gọi sau khi nhà sư nào đó đã từ sách CNPV "lựa lọc từng chữ, chua âm đọc, giải nghĩa đen từng chữ, tay viết thành quyển sách". Bởi vậy niên đại của sách CNPV và CNNAGNlà ở hai thời điểm khác nhau. Hơn nữa nếu đọc qua 2 bài tựa sẽ thấy tiếp theo là phần mục lục đề CNNAGNvà hết phần mục lục đến phần nội dung từ điển thì thấy ngay dòng chữ Trùng thuyên Chỉ nam phẩm vựng dã đàm tịnh bổ di đại toàn 重鐫指南品彙野談并補遺大全. Thiết tưởng dòng chữ này đã nói rõ sự trùng thuyên và bổ di của CNNAGN.

3. CNPV có phải có từ thời Sĩ Vương ?

Trong bài tựa chữ Hán có đoạn nói về quyển CNPV: "... Chí ư Sĩ Vương chi thời, di xa tựu quốc, tứ thập dư niên, đại hành giáo hóa, giải nghĩa Nam tục, dĩ thông chương cú, tập thành quốc ngữ thi ca, dĩ chí hiệu danh, vận tác Chỉ nam phẩm vựng, thượng hạ hai quyển, học giả nan tường... 至於士王之時移車就國四十餘年大行教化解義南俗以通章句 tập 成國語詩歌以成號名韻作指南品彙上下二卷學者難詳 ..." (Đến mãi thời Sĩ Vương sang đóng ở nước ta, trong khoảng hơn 40 năm, đem giáo hóa phổ biến khắp nơi, giải nghĩa bằng tiếng Nôm để thông hiểu từng đoạn, từng câu, họp lại thành thơ ca quốc ngữ, để ghi tên gọi, ghép vần làm thành sách CNPV, chia ra thượng hạ hai quyển, nhưng người học khó hiểu rõ được... - Trần Văn Giáp dịch)(2). Ở đoạn này, bài tựa chữ Hán cho thông tin: sách Chỉ nam phẩm vựng được làm từ thời Sĩ Vương. Mà ta biết Sĩ Vương là tên gọi tôn xưng của Sĩ Nhiếp, người thời Đông Hán sang làm Thái thú quận Giao Chỉ từ năm 187. Vì có công khai hóa, mở mang, mở trường dạy chữ Hán cho dân nên được dân yêu quý tôn gọi là Sĩ Vương, là "Nam Giao học tổ". Cũng chính từ thông tin này, một số người cho rằng chữ Nôm có từ thời Sĩ Nhiếp. Đó là Nguyễn Văn San (1880), Sở cuồng Lê Dư (1932) rồi sau này là Nguyễn Đổng Chi, Trần Văn Giáp, Hoàng Trọng Miên, Nghiêm Toản... Hiện nay với nhiều thành tựu nghiên cứu về chữ Nôm và tiếng Việt cổ đã cho phép phủ nhận điều đó. Chữ Nôm có thể được hình thành sớm hơn nhưng chỉ có thể thành một hệ thống văn tự ở thế kỷ XII. Bởi vậy theo chúng tôi, nếu CNPV có từ thời Sĩ Nhiếp thì đó cũng chỉ là một công trình giống như sách An Nam dịch ngữ 安南譯語và phải đến thế kỷ XIII-XIV, CNPV mới có khả năng có phần giải nghĩa bằng chữ Nôm. Chữ Nôm lúc này sẽ có tự dạng của chữ Nôm thời sơ kỳ, ghi tiếng Việt cổ khi còn rất đậm yếu tố tiền âm tiết và thành tố thứ nhất của tổ hợp phụ âm đầu, đó là dạng chữ Nôm dùng 2 mã chữ Hán riêng biệt để ghi một tiếng Việt, loại chữ này xuất hiện ở giai đoạn đầu của lịch sử phát triển chữ Nôm(3). Bản CNNAGNđã được một nhà sư "dọn", "lựa lọc" từng chữ và hoàn thành vào khoảng cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII. Chúng tôi cho đó là một cuộc "cách mạng" về văn tự, tức là có sự loại bỏ những yếu tố rườm rà không còn chức năng văn tự trong chữ Nôm (ở đây là quá trình loại bỏ mã chữ thứ nhất trong loại chữ Nôm cổ dùng 2 mã chữ tách rời để ghi một tiếng Việt). Cứ theo như trong bài tựa chữ Hán thì CNPV có từ thời Sĩ Vương, điều có cũng có thể bởi vì dấu vết của chữ Hán cổ còn lại rất đậm trong văn bản. Có lẽ chưa thấy một văn bản nào có hiện tượng này. Chúng tôi cho rằng vì mãi đến giữa thế kỷ XVIII người ta mới "dọn" quyển CNPVthời đó nhìn vào thứ chữ lạ cách hàng 4, 5 thế kỷ sẽ không khỏi cảm nhận là sách có từ thời rất xa xưa, từ thời Sĩ Nhiếp. Nhưng những dấu vết còn lại của chữ Nôm và tiếng Việt cổ trong bản CNNAGNlà những chứng tích của truyền bản CNPV ở thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV như chúng tôi đã trình bày trước đây. Cho đến nay, đã có thêm cứ liệu do Ngô Đức Thọ cung cấp để có thể đi đến nhận định rằng CNNAGNlà kết quả của việc "dọn", "lựa lọc"... từng chữ từ một truyền bản CNPV ở thời nhà Hồ, đời Hồ Hán Thương. Chúng tôi sẽ trình bày rõ điều này ở phần sau.

4. Về dòng niên đại ghi ở cuối bài tựa chữ Hán và vấn đề "năm Tân Tỵ"

Ở đầu sách CNNAGNcó 2 bài tựa: bài đầu tiên viết bằng chữ Nôm theo thể thơ song thất lục bát và lục bát. Bài thứ 2 tiếp sau bài thứ nhất là bài tựa viết bằng chữ Hán. Cuối bài tựa chữ Hán là dòng ghi niên đại. Dòng ghi niên đại này không có sự nhất quán trong các bản in. Các bản chỉ ghi Niên thứ Tân Tỵ mạnh xuân cốc nhật 年次辛巳孟春穀日(Ngày tốt, tháng Giêng, năm Tân Tỵ) là: bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm, bản của Ngô Đức Thọ, bản của Nguyễn Tài Cẩn. Các bản có ghi rõ Hoàng triều Cảnh Hưng nhị thập nhị niên tuế thứ Tân Tỵ mạnh xuân cốc nhật 皇朝景興二十二年歲次辛巳孟春穀日(Hoàng triều niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22, năm Tân Tỵ, tháng Giêng, ngày tốt) là bản của Hội Á châu và bản của ông Phùng Uông. Năm Tân Tỵ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22 là năm 1761. Từ 2 dòng ghi niên đại trên đã có những ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề năm Tân Tỵ. Nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp cho năm 1761 là năm hoàn thành việc sửa chữa CNPV thành CNNAGN. Trần Xuân Ngọc Lan thống kê một loạt các năm Tân Tỵ và cho một cái mốc giới hạn về năm Tân Tỵ sớm nhất là năm Tân Tỵ 1461 và muộn nhất là năm Tân Tỵ 1761(4). Lê Văn Quán cho CNNAGN xuất hiện "phải sau thế kỷ XVI"... Gần đây nhất, năm 2006, Ngô Đức Thọ cho rằng năm Tân Tỵ là năm 1401, "năm khắc in Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa"(5). Về vấn đề năm Tân Tỵ chúng tôi thấy như sau:

Trong CNNAGN, Trần Xuân Ngọc Lan đã khảo sát, mô tả rất rõ tình hình đặc điểm của tất cả các truyền bản CNNAGNhiện còn. Sau khi thống kê sự khác nhau giữa các tờ trong các bản, tác giả đã căn cứ vào sự giống nhau và tính kế thừa thể hiện rõ trong các trang không có sự khác nhau (tr.15 Sđd) để cho rằng: bản Thư viện AB.372 được khắc in trước, sau đó bộ ván bị hỏng 3 tấm, người ta khắc 3 tấm mới thay vào rồi in bản Nguyễn Tài Cẩn. Sau lượt này lại có 43 tấm ván nữa bị hỏng, người ta lại khắc 43 tấm mới thay vào rồi in bản Hội Á Châu. Chúng tôi đã rà soát lại và thấy nhận định đó là thuyết phục. Theo thiển ý của chúng tôi thì năm Tân Tỵ ở tất cả các truyền bản đều vẫn chỉ là năm Tân Tỵ niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22 mà thôi. Bởi vì các lý do sau:

+ Chỉ có một bộ ván khắc in, bộ ván đó được in lại nhiều lần, mỗi lần lại có sự loại bỏ những tấm hỏng, bổ sung những tấm mới.

+ Ngay sau khi hoàn thành việc sửa chữa dạng chữ, soạn giả đã cho khắc in bản CNNAGNđầu tiên, bản này có bài tựa được viết theo thể song thất lục bát và lục bát theo phong khí thơ lục bát của cuốn từ điển. Trong bài tựa bằng thơ này, soạn giả nói rõ lý do làm sách vì:

Trời sinh thánh chúa vạn niên

Cắp tay xem trị bốn bên thuận hòa

Vương phi Thái tử hoàng gia

Nam Sơn chúc tuổi chúa Bà nghìn xuân...

Sau đó, soạn giả tự giới thiệu về mình và công việc làm sách:

Trẻ từng vả đấng khoa danh

Già lên cõi thọ tìm doành bụt tiên

Tụng kinh đọc sách thánh hiền

Tải thông ba giáo dự trên sánh bày

Bèn dọn quyển Chỉ nam này...

Hồng Phúc danh Hương Chân pháp tính

Bút hoa bèn mới đính nên thiên

Soạn làm chữ cái chữ con

San bản lưu truyền ai được thì thông

Sau đó, soạn giả nói rõ lý do làm sách và kết quả công việc là:

Vốn xưa làm Nôm xa chữ kép

Người thiểu học khôn biết khôn xem

Bây giờ Nôm dạy chữ đơn

Cho người mới học nghỉ xem nghỉ nhuần...

Cuối cùng, soạn giả nói rõ ích lợi của việc đọc quyển sách "xem bằng ngọc vàng" này. Bài tựa bằng thơ giống như lời tự sự, tâm sự của soạn giả sau khi hoàn thành một công việc đầy khó khăn nhưng có ý nghĩa lớn lao. Sau bài tựa Nôm bằng thơ, soạn giả lại viết tiếp một bài tựa nữa bằng chữ Hán. Bài này được viết với nội dung như thông lệ của một bài tựa khi khắc in một quyển sách. Nội dung bài tựa chủ yếu nói về việc làm sách, nói rõ những điều mà bài tựa chữ Nôm chưa nói hết ý. Cuối cùng là dòng ghi niên đại của cả hai bài tựa Niên thứ Tân Tỵ mạnh xuân cốc nhật 年次辛巳孟春穀日(Ngày tốt tháng Giêng năm Tân Tỵ). Vì sách được làm để cho người đương thời học nên không cần ghi cụ thể, chỉ cần ghi như thế ai cũng biết là năm Tân Tỵ nào, thuộc thời nào rồi. Hiện tượng gọi là "thánh, chúa", "chúa Bà" trong bài tựa Nôm là cách gọi suy tôn những người đang còn sống ở thời vua Lê chúa Trịnh. Ví dụ như trong Thiên Nam minh giám天南明鑑, Yên Tử sơn Trúc Lâm Trần triều Thiền tông bản hạnh安子山竹林陳朝禪宗本行, Đông Tác Nguyễn Đại vương bản truyện diễn âm 東作阮大王本傳演音...

Ta biết trong vòng 60 năm mới có một năm Tân Tỵ. Do nhu cầu sách cho người học nên cần phải in lại sách nhiều lần. Ván in lại được chứa ở một nơi, mỗi lần đem in thấy tấm ván nào hỏng thì chỉ việc khắc lại tấm mới thay vào bởi vậy mới có hiện tượng các bản in có số tờ khác nhau. Phần không hỏng, trong đó có tờ in dòng niên đại cứ thế tồn tại. Cho đến khi bộ ván hỏng quá nhiều, tới 43 rồi 45 tấm trong đó có cả tấm ghi niên đại, lúc này thì năm Tân Tỵ cũng đã xa dần và có thể sắp hết vòng 60 năm nên cần phải ghi rõ để truyền bản cho đời sau khỏi nhầm. Có lẽ vậy nên đến khi khắc in bản Hội Á Châu và bản của ông Phùng Uông, người ta đã cho khắc thêm cho rõ thành Hoàng triều Cảnh Hưng nhị thập nhị niên tuế thứ Tân Tỵ mạnh xuân cốc nhật 皇朝景興二十二年歲次辛巳孟春穀日.

Trong bài Thông tin mới nhất về CNNAGN(Sđd), Ngô Đức Thọ đã đưa ra chữ húy Hỏa là húy tên cũ của Hồ Hán Thương để chứng minh CNNAGNcó niên đại vào năm Tân Tỵ (1401). Điều đó rất có giá trị ở chỗ đã chỉ ra dấu vết của một văn bản tồn tại ở đầu thế kỷ XV, đời Hồ Hán Thương. Chữ huý Hỏa lại nằm trong phần chữ Hán của mục từ nên chỉ có mục từ chữ Hán là còn bảo lưu dấu vết của văn bản Chỉ nam phẩm vựng ở thế kỷ XV. Vì Hồ Hán Thương ở ngôi 6 năm nên truyền bản CNPV mà soạn giả dùng để sửa chữa dạng chữ thành CNNAGNcó niên đại vào khoảng những năm từ 1401 đến 1406, đời Hồ Hán Thương. Như vậy năm Tân Tỵ được ghi một cách "tắt" là Niên thứ Tân Tỵ mạnh xuân cốc nhật cũng chính là năm 1761, niên đại của "Minh giám bản" CNNAGN.

5. Cấu trúc của cuốn từ điển

Về cơ cấu và nội dung cuốn từ điển, Trần Xuân Ngọc Lan đã trình bày khá rõ trong công trình CNNAGN (tr.17-33 Sđd), chúng tôi xin phép không nhắc lại. Ở đây chỉ xin lưu ý trong nội dung của từ điển gồm có 2 phần: phần chính văn và phần Bổ di. Theo thống kê của Trần Xuân Ngọc Lan, tất cả có 3394 mục từ.

Phần chính văn: phần chính văn của từ điển là phần vốn có từ CNPV, gồm 41 chương, bộ. Trong đó có 38 chương bộ giải nghĩa từ theo lối văn vần lục bát.

Ngoài phần chính văn có phần Bổ di. Tổng số có 35 Bổ di. Hầu như các chương, bộ đều có phần Bổ di để bổ sung cho các mục từ còn thiếu sót trong CNPV. Các Bổ di là do người sau bổ sung thêm vào nên được trình bày bằng văn xuôi Nôm.

Như vậy phần chính văn bằng lục bát trong CNNAGNgiữ lại nguyên diện mạo thơ lục bát của CNPV đầu thế kỷ XV. Người biên soạn chỉ sửa dạng chữ Nôm để người đương thời đọc hiểu còn lời thơ, vần thơ, nhịp điệu và nội dung của các câu thơ vẫn được bảo lưu một cách trung thực. Điều này, dòng chữ dọc, phía bên phải của trang bìa Thuật thánh hiền chi thược vận 述聖賢之龠韻đã nói rõ, chính là thuật lại sách CNPV bằng thơ ca gồm 2 quyển thượng hạ.

Như vậy, có thể thấy thể thơ lục bát đã xuất hiện trong CNPV từ đầu thế kỷ XV, đời Hồ Hán Thương (1401-1406), sớm hơn bài Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn của Lê Đức Mao (1462-1529) khoảng 1 thế kỷ. Đó cũng là một giá trị đáng kể của văn bản từ điển CNNAGN.

6. Sơ bộ về diện mạo thể thơ lục bát đầu thế kỷ XV qua văn bản CNNAGN

Các mục từ trong phần chính của từ điển CNNAGNbao gồm cả mục từ Hán và phần giải nghĩa Nôm đều được trình bày dưới hình thức thơ lục bát. Ví dụ:

Thiên văn trước nói cho hay

Hồng quân trời cả cao thay trùng trùng

Kim ô mặt trời sáng hồng

Thiềm luân nguyệt sáng trên không làu làu (Thiên văn chương đệ nhất)

Đại địa đất cả rộng dầy

Đại Lỗ rét rày phèn nổi đất chua

Thổ khối hòn đất rắn khô

Đại phụ là đống tô mô giữa đồng

(Địa lý bộ đệ nhị)

Để rõ hơn về diện mạo của thơ lục bát cổ cuối thế kỷ XIV - đầu thế kỷ XV qua dấu tích còn lại trong CNNAGN, chúng tôi đã sơ bộ khảo sát và thấy như sau:

Trong phần giải nghĩa có rất nhiều câu thơ lủng củng, cách gieo vần và phối điệu lỏng lẻo, gượng ép, chưa nhuần nhuyễn. Hiện tượng phổ biến là câu thơ được gieo vần lưng, tiếng thứ 6 của câu lục được gieo vần với tiếng thứ 4 câu bát. Câu lục có khi 7 tiếng; câu bát có khi 9, 10 tiếng. Có thể thấy những điều đó qua một số đoạn thơ sau :

- Hoàng già là hột cà vàng,

Lang đãng danh rằng cà độc dược độc song.

- Thác lô câu kỷ hột ngâu

Hột cải lú bú hiệu là hồ lô ba thuở này...

Thạch liên nhục hiệu là hột sen

Gương khô lại có rằng cựu liên

(Nam dược loại đệ tứ thập)

- Ô cẩm gấm đen bằng mây

Trầm hương gấm này là mùi khói hương

Đâu la gấm tốt dịu dàng

Kẻ xưa truyền rằng là gấm trần đâu

- Thiên nga nhung khéo dệt nên

Là thúc trắng sánh liên da trời

(Cẩm tú bộ đệ thập)

Trong CNNAGN có thể tìm thấy rất nhiều đoạn dài chỉ thấy hơi hướng âm điệu của thơ lục bát còn vần và nhịp điệu thì có sự sai lạc rất nhiều. Ví dụ:

Bảo giám gương sáng làu làu

Cổ kính gương cũ để lâu chăng nhìn

Thố quang gương có hiệu là bạch chiêu

Lại là huyền tích hoà phen thuỷ ngân

Thao quang chùi sáng thập phân

Cổ kính mai trần kính đài sa gương

Luân sơ lược chải đầu tiên

Phòng khi xởn tóc gỡ liền lại xong

Cơ sơ lược sừng nhỏ răng

Trúc sơ lược bí có bằng cái go

Tiểu hạp tử lục sáp thơm tho

Tiếp tử díp sắt để hoà nhổ râu...

(Khí dụng loại nhị thập nhất)

Ngôn ngữ trong thơ lục bát CNNAGN thuộc loại nhiều từ cổ nhất, đặc biệt có nhiều từ rất hiếm thấy ở thế kỷ XVII về sau(5). Theo thống kê của chúng tôi, ít nhất trong văn bản có 218 từ cổ. Ví dụ từ cổ xuất hiện trong các câu sau:

- Đến đâu lớp lớp no đôi

Ăn mày lộc vợ hổ ngươi thay là

- Cái dạm hiệu óc kỳ bành

Chấp hỏa, ủng kiếm cũng danh cái còng

(Lân trùng loại đệ tam thập tam)

-Côn đang là xống đàn bà

Quấn ngang bẩy bức giao gia phủ tràn

Gian quần sặc sỡ quần gian

Du cù là bức lót giường nằm.

(Y quan bộ đệ cửu)

Tỵ lương dọc mũi giữa nơi trung đình

Có hiệu niên thọ cực lành

Dài hơn chốn ấy thì mình yêu đang

Khoáy trán hiệu óc thái dương

Dưới cằm ấn đường hai mày giáp nhau

Mâu tử là đôi con sâu

Coi sáng làu làu trong nữa ngọc thu

(Thân thể bộ đệ tứ)

Lời thơ trong từ điển cũng rất mộc mạc, giản dị, đặc biệt còn giữ lại cách đọc cổ (đọc thành 2 âm tiết một từ), ví dụ:

Hải tảo rong bể rập rềnh

La đá dưới nước mọc quanh xanh rì. (Nam dược loại đệ tứ thập)

Bàn thạch la đá cả thay

Chỉ trụ la núi mọc bầy giữa sông

Thạch khối hòn la đá chồng

(Địa lý bộ đệ nhị)

Có khi việc sửa lại dạng chữ chưa nhất quán thể hiện ở chỗ một số từ song âm tiết khi thì loại bỏ, khi thì giữ lại yếu tố tiền âm tiết như trong câu:

Thư thiều la núi đất cực thung

Thôi ngôi núi đá sánh cùng cao xây

(Địa lý bộ đệ nhị)

Nhìn chung, thơ lục bát trong CNNAGN khá cổ kính. Nếu so về sự mượt mà, chau chuốt trong lời thơ và sự nhịp nhàng uyển chuyển trong vần điệu của thơ lục bát trong Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa với các tác phẩm lục bát Nôm gần thời điểm như Yên Tử sơn Trúc Lâm Trần triều Thiền tông bản hạnh (cuối thế kỷ XVII - Đầu thế kỷ XVIII), Thiên Nam ngữ lục (cuối thế kỷ XVII), Cổ Châu Phật bản hạnh (1752), Quốc âm sự dẫn của Nguyễn Hy Quang (cuối XVII).... ngay cả so với Đào Nguyên hành của Phùng Khắc Khoan và Việt sử diễn âm, (thế kỷ XVI) thì quả là có một khoảng cách khá xa.

Thể thơ lục bát là một trong hai thể thơ dân tộc được sử dụng có lẽ nhiều nhất trong thơ Nôm Việt Nam. Nó đắc dụng trong các diễn ca lịch sử, truyện Nôm và diễn ca các loại kinh sách, thơ giáng bút... Cùng với sự phát triển ngày càng phong phú của ngôn ngữ tiếng Việt, thể thơ lục bát ngày càng hoàn thiện và có những thành tựu là đỉnh cao của văn học trung đại Việt Nam như Truyện Kiều của Nguyễn Du, có những tác phẩm đồ sộ trên 8000 câu thơ như diễn ca lịch sử Thiên Nam ngữ lục. Nhưng ở ngọn nguồn của thể loại thơ lục bát, mới biết đến CNPV ở đầu thế kỷ XV thì diện mạo của thể thơ là như chúng tôi sơ bộ giới thiệu. Nếu đến đầu thế kỷ XV, đã có một tác giả có cảm hứng sử dụng thể thơ lục bát như trong CNPV để lại dấu vết trong CNNAGN thì ta có quyền nghĩ thể thơ này có lẽ còn xuất hiện sớm hơn nữa, hy vọng có tư liệu để chứng minh cho điều đó.

PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 6 (115) 2012; tr.12-19.

 

-----------

Chú thích:

(1) Xin xem: Hoàng Thị Ngọ: Một cách hiểu về khái niệm "chữ đơn", "chữ kép" trong bài tựa cuốn Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa - Kỷ yếu Thông báo Hán Nôm học năm 1997, Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản năm 1998. Hoàng Thị Ngọ: Suy nghĩ thêm về tác giả và thời điểm xuất hiện của tác phẩm Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa - Kỷ yếu Thông báo Hán Nôm học năm 2000, tr.325-340, Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản năm 2001.

(2) Xin xem Trần Văn Giáp: Lược sử vấn đề chữ Nôm, Bản thảo, Phòng tư liệu Viện Sử học.

(3) Xin tham khảo thêm Hoàng Thị Ngọ: Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Nxb. KHXH, H. 1999.

(4) Xin xem Trần Xuân Ngọc Lan: Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Nxb. KHXH, H. 1985, tr.16.

(5) Xin xem Ngô Đức Thọ: Thông tin mới nhất về Chỉ nam ngọc âm, Kỷ yếu Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm, Nxb. KHXH, H. 2006, tr.299.

Tài liệu tham khảo chính

1. Trần Văn Giáp: Lược khảo vấn đề chữ Nôm từ khởi thủy đến thế kỷ XIX - Bản thảo, 1968, Phòng tư liệu Viện Sử học.

2. Đào Duy Anh: Chữ Nôm - Nguồn gốc Cấu tạo Diễn biến, Nxb. KHXH, H. 1975.

3. Trần Xuân Ngọc Lan: Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Nxb. KHXH, H. 1985.

4. Nguyễn Xuân Diện: Những phát hiện về Lê Đức Mao và bài "Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn". Trong sách Ca trù nhìn từ nhiều phía, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2003, tr.504-527.

5. Ngô Đức Thọ: Thông tin mới nhất về Chỉ nam ngọc âm. Trong sách Nghiên cứu Chữ Nôm, Kỷ yếu Hội nghị Quốc tế về Chữ Nôm, Nxb. KHXH, H. 2006, tr.299-313.

6. Các bản Nôm Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa./.

 

Quảng Trị thường được nhắc nhớ nhiều bởi đây là mảnh đất khô cằn, nắng gió khắc nghiệt. Trong quá khứ, Quảng Trị là địa bàn quần tụ đông đảo các lớp cư dân bản địa, là nơi đứng chân lập nghiệp của rất nhiều thế hệ lưu dân Việt trên bước đường khẩn hoang lập làng.

20190204 Trao Trao

Miếu “Trảo Trảo phu nhân” nằm trên một bãi cát ven sông Thạch Hãn về phía Tây, thuộc địa phận của làng Ái Tử, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong - Ảnh: thegioidisan.vn

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, hơn 700 năm hình thành phát triển, Quảng Trị là chứng nhân của biết bao sự đổi dời của thế cuộc, nhưng đồng thời là vùng đất lưu giữ đậm nét nhiều giá trị văn hóa truyền thống rất đặc trưng.

Phải chăng những kiến tạo về điều kiện địa lý tự nhiên vốn đã sắp đặt và ấn định cho vùng đất nơi đây nắm giữ vai trò và vị thế hết sức to lớn trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Từng được xem là vùng biên viễn của Đại Việt dưới thời Trần - Hồ, đến thời chúa Nguyễn, Quảng Trị là nơi dừng chân dựng nghiệp của Tiên chúa Nguyễn Hoàng, mở đầu cho công cuộc mở đất về phương Nam.

1. Thần tích về Nữ thần Trảo Trảo

Sau năm 1306, Quảng Trị, một phần của hai châu Ô - Lý được sáp nhập vào bản đồ Đại Việt, kể từ đây lớp lớp thế hệ người Việt vì nhiều lý do khác nhau lần lượt chọn miền “non Mai sông Hãn” làm điểm tụ cư, khai thiết xã hiệu. Dải đất Quảng Trị trước đó là Ô châu ác địa, sau hơn hai trăm năm khai hoang trở nên trù phú. Năm 1558, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Cùng đi với ông đợt này là những người “bộ khúc đồng hương ở Tống Sơn và những nghĩa dũng xứ Thanh Hoa1 . Trong suốt 55 năm trấn trị ở Thuận Hóa dưới thời chúa Nguyễn Hoàng, Quảng Trị 3 lần được chọn làm dinh phủ của cả xứ Đàng Trong: Ái Tử [1558 - 1570], Trà Bát [1570 - 1600], Dinh Cát [1600 - 1626].

Qua các thư tịch, chúng ta biết rằng, Trảo Trảo phu nhân được chính thức thờ tự dưới thời chúa Nguyễn Hoàng, gắn liền với công lao của vị nữ thần trong trận chiến giữa đoàn quân của chúa Tiên với vị tướng Lập Bạo.

Sách Đại Nam thực lục tiền biên 大南寔錄前編 cho biết: Vào tháng 07 năm Nhâm Thân [1572], tướng Mạc lúc bấy giờ là Lập Bạo chiêu mộ binh dân ở châu bắc Bố Chính dẫn theo 60 binh thuyền vượt biển vào đánh cướp, đóng trại từ con đường xã Hồ Xá đến đền Thanh Tương, xã Lãng Uyển. Nhận được tin báo, chúa tôi mới hội bàn. Biết thế giặc đang mạnh, chúa cho cắt cử quân lính bố phòng, ra sức trấn giữ, đóng trại ở bờ sông Ái Tử. Đêm nghe từ lòng sông có tiếng kêu “trao trao”, bèn lấy làm lạ, kinh ngạc vô cùng. Nghĩ ngợi một lúc, chúa mới khấn rằng: Thần sông có thiêng thì giúp ta đánh giặc.

Đêm hôm đó, chúa ngủ mộng thấy một người đàn bà mặc áo xanh, tay cầm quạt the, đến trước mà nói rằng “minh công muốn trừ giặc thì nên dùng mỹ kế dụ đến bãi cát, thiếp xin giúp sức”. Tỉnh dậy, chúa ngẫm nghĩ rằng ta nên dùng kế mỹ nhân. Trong số thị nữ có nàng Ngô thị, tên là Ngọc Lâm, người làng Thế Lại có sắc đẹp và mưu cơ biện bác. Chúa sai nàng đem vàng lụa đi dụ Lập Bạo, nhân đó mà bày bố phục binh, đào hầm ẩn nấp quân sĩ. Đúng như dự kiến, Lập Bạo vì mải mê sắc đẹp mà quên mất cả chuyện đề phòng. Sau trận thắng ấy, để tưởng nhớ ơn đức của thần, chúa mới phong thần sông làm “Trảo Trảo Linh Tưu Phổ Trạch Tương Hựu phu nhân 封江神為爪爪靈湫普澤相佑夫人立祠祀之”2 và cho lập đền thờ3 .

Nam triều công nghiệp diễn chí 南朝功業演志, một trong những bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng, được biên soạn dưới thời chúa Nguyễn do công thần Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm 榜中侯阮科占 chấp bút, mô tả rất kỹ trận chiến đánh bại tướng Lập Bạo. Theo Nguyễn Khoa Chiêm, sau khi thắng trận trở về, chúa cho mở tiệc khoản đãi binh sĩ, để tưởng nhớ công lao của thần Trảo Trảo, chúa “sai người tu sửa miếu Trảo Trảo, phong hiệu cho vị thần ấy là Linh Thu Phổ Trạch Tướng Hựu phu nhân, bốn mùa thờ phụng. Chúa nghĩ đến công lao của nàng hầu Ngô thị muốn đền đáp trọng hậu4 .

Thần tích về tín tục thờ Trảo Trảo phu nhân về sau dưới thời nhà Nguyễn được khá nhiều tư liệu đề cập, như: Đại Nam nhất thống chí, Viêm giao trưng cổ ký của Cao Xuân Dục. Trong sách Đại Nam nhất thống chí 大南一統志 [tỉnh Quảng Trị, mục Đền miếu] còn cho biết thêm, sau khi dẹp giặc, sắc phong cho thần làm Phu nhân, lập đền thờ tại chỗ, đến “Năm Gia Long thần được thờ vào miếu Hội đồng. Năm Minh Mạng thứ 5 [1824] gia tặng Nhu Hòa Đoan Ý Chiêu Linh Trợ Thuận Trai Thục trung đẳng thần. Gặp đại hạn cầu mưa rất linh ứng. Năm Thiệu Trị thứ 2 [1842] ngự giá ra bắc, vua có làm bài thơ khắc lên bia để ghi sự tích 嘉隆年間列祀會同廟, 明 命 五年加贈柔和端懿昭 靈助順齋淑中等神旱 禱 輒應,紹治二年北巡聖製 詩祀其事勣碑誌 之5 .

20190204 Trao Trao 2

Trích xuất trang ghi chép thần tích Trảo Trảo phu nhân trong “Đại Nam nhất thống chí”

Sách Viêm Giao trưng cổ ký 炎郊徵古 記 của Tổng tài Quốc sử quán, Hiệp biện Đại học sĩ, An Xuân nam Cao Xuân Dục soạn vào năm Thành Thái thứ 12 [1900] 國 史館 總裁協辨大學士安春男高春育 ý trong phần chép về cổ tích tỉnh Quảng Trị, có đoạn “Đền Trảo Trảo phu nhân tại xã Ái Tử, huyện Đăng Xương, thờ thần là Trảo Trảo Linh Thứu Phổ Trạch Tương Hựu phu nhân […] đánh thắng trận ấy, phong cho nàng làm phu nhân, dựng ngôi đền ở bên tả ngạn để thờ. Đời Minh Mệnh có gia ban sắc phong6 .

Dẫn giải từ những nguồn tư liệu trên, có thể nói rằng tục thờ Trảo Trảo được khởi lập dưới thời Nguyễn Hoàng nhằm tôn vinh vị nữ thần có công tích hết sức to lớn. Qua đó cho thấy hình ảnh bà Trảo Trảo có mối quan hệ mật thiết với sự nghiệp khai thiết xứ Đàng Trong trong buổi đầu đầy gian nan thử thách. Xung quanh câu chuyện Trảo Trảo phu nhân với ít nhiều yếu tố huyền thoại, phải chăng đó là dụng ý nhằm cố kết và thu phục nhân tâm, đồng thời truyền tải thông điệp chính thần linh đã “ủy quyền”, chỉ định cho chúa Nguyễn Hoàng là vị chân chúa thực sự.

Đền thờ Trảo Trảo phu nhân là “công trình tâm linh” đầu tiên sau ngày vào Nam lập nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng. Từ việc huyền thoại hóa 7 vò nước trong của Nguyễn Ư Dĩ, đến năm 1601 cho thiết lập chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê gắn liền với huyền tích Bà Trời Áo Đỏ là chuỗi sự kiện phảng phất màu sắc chính trị, nhằm khẳng định sự chính danh của chúa Nguyễn Hoàng trong công cuộc cai trị cõi Nam Hà.

2. Dấu ấn nữ thần Trảo Trảo phu nhân qua khảo sát một số đạo sắc phong

Tất cả 4 đạo sắc vẫn đang được trân giữ trang trọng tại chùa Giác Minh (nay thuộc làng Ái Tử, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị)7 . Sắc tứ Giác Minh là cổ tự thờ tiền Phật, hậu Thần, đây là ngôi chùa có mặt từ rất sớm, song hành với quá trình tụ cư lập làng của những lưu dân Việt. Bên cạnh 4 đạo sắc phong cho bà Trảo Trảo thì hiện tại chùa bảo lưu rất tốt 11 đạo sắc cho một số thần hiệu khác nhau và đặc biệt là quả đại hồng chung do Năng Tín hầu Châu Phước Năng (能信侯朱福能) chú tạo và tiến cúng chùa vào năm Minh Mạng thứ 9 [1828].

Về tình trạng văn bản, ngoại trừ sắc phong năm Thiệu Trị 3 [1843] hiện còn khá tốt, thì cả 3 đạo sắc còn lại bị mối mọt xâm hại, hệ thống viền bao quanh tờ sắc đã rách, nhưng thật may mắn nội dung sắc phong vẫn được đảm bảo. Về phương diện văn bản học, qua quá trình tiếp cận, đo đạc và bước đầu khảo sát, chúng tôi nhận thấy 4 đạo sắc phong đều có chung một đặc điểm với hệ thống sắc phong dưới thời nhà Nguyễn. Sự thống nhất này được thể hiện rất rõ ràng cả về hình thức lẫn nội dung trình bày.

Dưới đây, chúng tôi xin được trích dẫn nguyên văn và bước đầu lược dịch 4 đạo sắc phong ân ban cho Trảo Trảo phu nhân:

20190204 Trao Trao 3

Sắc phong cho Trảo Trảo phu nhân năm Thiệu Trị thứ 3 [1843]. Ảnh Nguyễn Văn Thịnh

[SP1]

Nguyên văn:

敕柔和端懿爪爪夫人中等神護國庇民稔 著靈應節蒙頒給贈敕準許奉事。明命貳拾 壹年值我聖祖仁皇帝五旬 大慶節欽奉寶詔覃恩禮隆登秩。肆今丕膺耿命緬念神庥可加贈 柔和端懿昭靈中等神。仍準許登昌縣愛子社 依舊奉事神其相佑保我黎民。欽哉

紹治參年貳月初拾日

[硃印: 敕 命 之寶]

Tạm dịch: Sắc cho Nhu Hòa Đoan Ý Trảo Trảo phu nhân Trung đẳng thần, bảo vệ cho nước che chở cho dân, linh ứng lâu năm, đã được ban cấp phong tặng, sắc chuẩn cho phụng thờ. Năm Minh Mệnh thứ 21 [1840], gặp dịp Ngũ tuần Đại khánh của Thánh Tổ Nhân Hoàng đế, kính ban bảo chiếu ân rộng rãi, lễ lớn nên gia tăng cấp bậc. Nay Trẫm vâng mệnh lớn, nghĩ đến công đức của thần gia tặng thêm mỹ tự Nhu Hòa Đoan Ý Chiêu Linh trung đẳng thần. Chuẩn cho xã Ái Tử, huyện Đăng Xương được phụng thờ như cũ. Ngõ hầu, thần hãy che chở trợ giúp dân ta. Khâm tai!

Ngày mồng 10 tháng 02 năm Thiệu Trị thứ 3 [1843]

[Đóng ấn son: Sắc mệnh chi bảo]

[SP2]

Nguyên văn:

敕爪爪夫人原贈柔和端懿昭靈助順中等神護國庇民稔

著靈應節蒙頒給贈敕準許奉事。肆今丕膺耿命緬念神庥可加贈柔和端懿昭靈助順齋 淑中等神仍準登昌縣愛 子社依舊奉事神其相佑保我黎民。欽哉

嗣德參年玖月參拾日

[硃印: 敕 命 之寶]

Tạm dịch: Sắc cho Trảo Trảo phu nhân vốn được phong tặng Nhu Hòa Đoan Ý Chiêu Linh Trợ Thuận Trung đẳng thần, bảo vệ cho nước che chở muôn dân, linh ứng lâu năm, đã được ban cấp tặng sắc chuẩn cho phụng thờ. Nay Trẫm vâng mệnh nối nghiệp lớn, nghĩ đến công đức của thần, tặng thêm mỹ tự Nhu Hòa Đoan Ý Chiêu Linh Trợ Thuận Trai Thục trung đẳng thần. Chuẩn cho xã Ái Tử, huyện Đăng Xương được phụng thờ như cũ. Ngõ hầu thần hãy che chở trợ giúp dân ta. Khâm tai!

Ngày 30 tháng 09 năm Tự Đức thứ 3 [1850]

[Đóng ấn son: Sắc mệnh chi bảo]

[SP3]

Nguyên văn:

敕旨廣治省登昌縣愛子社從前奉事含弘光大至德溥博顯化莊徽大乾國家南海四位上 等神,

弘惠普濟靈感妙通默相莊徽天依阿那演玉妃上等神,柔和端懿昭應助順齋淑爪爪夫 人中等神,節經頒給敕封準 其奉事。嗣德三十一年正值朕五旬大慶節經頒寶詔覃恩禮隆登 秩。特準許依舊奉事用誌國慶而伸祀典。欽 哉

嗣德參拾參年拾壹月貳拾肆日

[硃印: 敕 命 之寶]

Tạm dịch: Sắc chỉ cho xã Ái Tử, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị phụng thờ: Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang Huy Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị thượng đẳng thần; Hoằng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tướng Trang Huy Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi thượng đẳng thần; Nhu Hòa Đoan Ý Chiêu Ứng Trợ Thuận Trai Thục Trảo Trảo phu nhân trung đẳng thần, đã được ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng thờ. Năm Tự Đức thứ 31, gặp dịp Ngũ tuần Đại khánh của Trẫm, đã ban bố ân chiếu rộng rãi, lễ lớn nên gia tăng cấp bậc. Đặc chuẩn cho phụng thờ như cũ, để ghi nhớ ngày mừng của nước nhà mà tỏ phép tắc thờ tự. Khâm tai!

Ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức 33 [1880]

[Đóng ấn son: Sắc mệnh chi bảo]

[SP4]

Nguyên văn:

敕廣治省肇豊府愛子社從前奉事原贈柔和端懿沼應助順齋淑翊保中興爪爪夫人中等 神護國庇民稔著靈應節 蒙頒給敕封準許奉事。肆今正直朕四旬 大慶節經頒寶詔覃恩禮隆 登秩著加贈莊徽上等神準其奉事用誌國慶 而申祀典。欽哉

啟 定玖年 柒 月貳拾五日

[硃印: 敕 命 之寶]

Tạm dịch: Sắc cho xã Ái Tử, Triệu Phong phủ, Quảng Trị tỉnh trước đây đã phụng thờ thần, vốn được phong tặng Nhu Hòa Đoan Ý Chiêu Ứng Trợ Thuận Trai Thục Dực Bảo Trung Hưng Trảo Trảo phu nhân trung đẳng thần, bảo vệ cho nước che chở muôn dân, linh ứng lâu năm, đã được ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng thờ. Nay gặp dịp Tứ tuần Đại Khánh của Trẫm, đã ban bố chiếu ân rộng rãi, lễ lớn nên gia tăng cấp bậc, tặng thêm mỹ tự Trang Huy thượng đẳng thần. Đặc chuẩn cho phụng thờ như cũ, dùng để ghi nhớ ngày mừng của nước mà tỏ rõ phép tắc thờ tự. Khâm tai!

Ngày 25 tháng 07 năm Khải Định thứ 09 [1924]

[Đóng ấn son: Sắc mệnh chi bảo]

Thay cho lời kết:

Thông qua các đạo sắc phong và những tư liệu liên quan, dễ dàng nhận thấy bắt đầu từ thời vua Minh Mạng, triều đình đã ân chuẩn ban tặng sắc phong cho Trảo Trảo phu nhân. Theo quy định của nhà Nguyễn, cứ mỗi lần ban cấp, đồng nghĩa gia tặng mỹ tự tương ứng đi kèm. Theo đó, thời Thiệu Trị mỹ tự của Trảo Trảo phu nhân: 柔和端懿昭靈 Nhu Hòa Đoan Ý Chiêu Linh. Sang đời vua Tự Đức mỹ tự: 柔和端 懿昭靈助順齋淑 Nhu Hòa Đoan Ý Chiêu Linh Trợ Thuận Trai Thục. Đến triều vua Khải Định [1924] thì thần hiệu, phẩm trật và mỹ tự của thần đầy đủ như sau: 和端懿沼應助順齋淑莊徽翊保中興 爪爪夫人上等 神 Nhu Hòa Đoan Ý Chiêu Ứng Trợ Thuận Trai Thục Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Trảo Trảo Trảo phu nhân thượng đẳng thần. Song hành với định lệ gia tặng mỹ tự, đến triều vua Khải Định, việc nâng cấp phẩm trật từ Trung đẳng thần lên Thượng đẳng thần cho thấy sự linh ứng, chủ ý tôn xưng, xiển dương công đức “hộ quốc tý dân” của triều đình nhà Nguyễn đối với nữ thần Trảo Trảo.

Sắc phong thần, với tư cách là loại hình văn bản hành chính, thể hiện tính chính thống quan phương của một chính thể. Ân ban sắc phong thần là phương cách biểu thị quyền uy thống quản của bậc đế vương đối với thế giới thần linh. Việc phụng thờ Trảo Trảo phu nhân vốn được khởi lập từ thời chúa Nguyễn và ngay từ rất sớm đã được liệt vào hàng điển chế. Có thể nói rằng, 4 đạo sắc phong hiện tồn là minh chứng rõ nét tiến trình tiếp nối và kế thừa hoạt động tế tự trước đó nhằm thừa nhận ơn đức và công lao của Trảo Trảo phu nhân.

Những đạo sắc phong cho Trảo Trảo phu nhân là nguồn tư liệu gốc, có giá trị trên nhiều phương diện, đây là cứ liệu quan trọng khẳng định quá trình tôn phong của triều đình và thể hiện vai trò, dấu ấn của vị nữ thần trong đời sống tín ngưỡng của mỗi người dân vùng quê Ái Tử.

Phủ Cam, lập đông 2018

Đ.M.Đ

(TCSH359/01-2019)

---------------

1. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002) “Đại Nam thực lục”, [Tiền biên, Quyển 1 - Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế], bản dịch Nguyễn Ngọc Tĩnh, Nxb. Giáo Dục, tr 28.

2. Trong các bản dịch như Nam triều công nghiệp diễn chí, Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Viêm giao trưng cổ ký… đều cho biết thần hiệu của Trảo Trảo phu nhân là: Trảo Trảo Linh Thu Phổ Trạch Tương Hựu phu nhân. Tuy nhiên, đối chiếu với bản gốc của những tư liệu nói trên thì chúng tôi cho rằng Linh Tưu 靈湫 (爪爪夫人祠在愛子社祀爪爪靈湫普澤相佑 夫人之神) chứ không phải là Linh Thu hoặc Linh Thứu. Xin xem thêm: Đại Nam nhất thống chí 大南一統志, tỉnh Quảng Trị 廣 治 省, quyển 07 卷之七, mục Đền miếu 祠廟. Đại Nam thực lục tiền biên 大南寔錄前編, Quyển 1卷一, Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế 太祖嘉裕皇帝.

3. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002) “Đại Nam thực lục”, Sđd, tr: 30 - 31.

4. Nguyễn Khoa Chiêm (2003) “Nam triều công nghiệp diễn chí”, bản dịch Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nxb. Hội Nhà Văn, tr: 31.

5. Quốc sử quán triều Nguyễn (2012) “Đại Nam nhất thống chí”, tập 1, bản dịch Hoàng Văn Lâu, Nxb. Lao Động, tr: 463.

6. Cao Xuân Dục (2010) “Viêm giao trưng cổ ký”, bản dịch Nguyễn Văn Nguyên, Nxb. Thời Đại, tr 35 - 36.

7. Đây là thành quả của đợt khảo sát do Nhóm nghiên cứu Liễu Quán tổ chức vào 11/2017 tại Quảng Trị. Nhân đây, chúng tôi xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến quý thầy, quý anh, chị đã hoan hỷ đồng ý cho tôi toàn quyền sử dụng nguồn tư liệu. Đặc biệt là sự giúp đỡ nhiệt thành của Đại đức Thích Không Nhiên, nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thịnh và TS. Võ Vinh Quang. Mọi sai sót trong bài viết hoàn toàn thuộc về tác giả.

Nguồn: Tạp chí Sông Hương, ngày 02.02.2019

20170814. Co Loa

Thần tích hay còn gọi là thần phả, ngọc phả, phả lục... là loại hình văn bản ghi chép sự tích các thần được thờ ở đình, đền, miếu. Trước khi chữ Quốc ngữ ra đời, thần tích được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, sang thời kỳ thực dân, trong các bản kê khai thần tích ở các làng xã, bên cạnh thần tích, thần phả viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, còn có cả thần tích viết bằng chữ quốc ngữ. Các thần tích viết bằng chữ Hán, chữ Nôm được lưu trữ chủ yếu ở Viện nghiên cứu Hán Nôm. Các bản thần tích bằng chữ Quốc ngữ được lưu trữ ở Thư viện Viện Thông tin KHXH. Ngoài ra, còn một số bản thần tích hiện còn nằm rải rác ở một số đình, đền ở các địa phương.

Thần tích Hán Nôm của Hà Nội, trước hết chúng ta phải kể đến 57 cuốn sách, ký hiệu AE a7/12, AE a2/14-38, AE a2/59-86, AE a2/103 và AE a11/1-4 ghi về thần tích của các huyện Gia Lâm, Hoàn Long, Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh. Tiếp đó là một số thần tích của Hà Nội mang ký hiệu A, như An Lãng hậu thổ sự tích (Láng), ký hiệu A.2879; Định Công Trang thần tích (Thanh Trì), ký hiệu A.711; Thượng Thụy xã ngũ vị thần tích (A.2510) (Từ Liêm)... Ngoài ra, còn có các sách ghi chép về sự tích các thần ở Hà Nội khác như Hà Thành linh tích cổ lục (A.497); Đại Nam thần lục (A.1213); An Lãng Chiêu Thiền Từ Đạo Hạnh sự tích thực lục (A.587); Cổ Loa thành sự tích điền thổ sắc phong hợp biên (A.92)...

Do khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi xin đi sâu giới thiệu mảng thần tích viết bằng chữ Hán, chữ Nôm của 143 phường, thôn, xã các huyện Hoàn Long, Thọ Xương (nay hầu hết thuộc nội thành Hà Nội) và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Từ Liêm, Thanh Trì, với các ký hiệu AE a7/12, AE a2/14-38, AE a2/59-86, AE a2/103 và AE a11/1-4. Các thần tích trên hầu hết được các quan chức địa phương sao chép lại từ thần tích do các quan phụ trách việc lễ nghi của triều đình biên soạn, được đặt thờ ở các đình, đền Hà Nội.

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM, SỐ LƯỢNG

1. Về nguồn gốc sao chép

Thần tích Hà Nội cũng như thần tích các địa phương khác hiện lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm có nguồn gốc từ Thư viện của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO). Năm 1901, EFEO chính thức được thành lập tại Hà Nội với nhiệm vụ nghiên cứu khảo cổ học, lịch sử, văn hóa... và nhiệm vụ trọng tâm là sưu tầm các văn bản thư tịch cổ. Thần tích cũng như các văn bản thư tịch cổ khác được nhà trường cho sao chép từ nhiều nguồn, nhưng chủ yếu vẫn là nguồn từ các bản thần tích hiện đang thờ cúng ở các địa phương, còn đầy đủ chứng thực "sao y bản chính" của chính quyền địa phương. Cũng có một số bản được sao chép ở Kinh đô Phú Xuân, ví dụ thần tích chùa Thủ Lệ thờ Linh Lang, đóng chung với thần tích phường Kim Mã, huyện Hoàn Long được chú thích "sao ở Kinh đô Phú Xuân" (nay là thành phố Huế); hoặc sao lại từ một số sách vở, như thần tích xã Tranh Khúc, huyện Thanh Trì, ký hiệu AEa2/82, thờ thần Quý Minh đại vương được ghi chép theo sách Địa dư; hoặc sao chép từ văn bia, như thần tích phường Kim Hoa thờ Cao Sơn đại vương (tức thần tích phường Thịnh Hào, huyện Hoàn Long, ký hiệu AEa2/30, do Lê Doãn Địch sao năm 1840 từ văn bia soạn năm 1742.

Về hình thức, các văn bản thần tích có chung đặc điểm: đều là bản chép tay (không có bản in), được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm. Cho đến nay, mảng thần tích ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm vẫn giữ nguyên ký hiệu AE do EFEO đặt ra.

2. Về tên gọi

Thần tích Hà Nội cũng như thần tích các địa phương khác hiện lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có nhiều tên gọi khác nhau: "Ngọc phả" 玉譜, "Thần phả" 神 譜; "Phả lục" 譜 錄 ... tên gọi "Thần tích" 神 跡 là do EFEO đặt tên theo sự phân loại thư mục học và từ đó được giới khoa học sử dụng rộng rãi. Tên gọi "thần tích" thường gắn với địa danh làng xã và được EFEO thống nhất ghi ở trang đầu của các bản sao thần tích. Ví dụ: thần tích xã Mai Động, ký hiệu AE.a2/23 ghi: Hoàn Long Mai Động xã thần tích 環 龍 梅 洞 社 神 跡(Thần tích xã Mai Động, huyện Hoàn Long); hay thần tích xã Ngọc Xuyên, ký hiệu AEa2/38, tờ đầu ghi là "Hoàn Long Ngọc Xuyên xã thần tích"環 龍 玉 川 社 神 跡.

Tuy nhiên, ngoài tên gọi "thần tích", EFEO vẫn giữ lại tên gọi vốn có gắn với các từ như "Ngọc phả", hay "phả lục", “thần phả”... được ghi chép ở tờ 2a của thần tích. Ví dụ, Thần tích xã Mai Động, ký hiệu AE.a2/23 ghi: Hoàn Long Mai Động xã thần tích 環 龍 梅 洞 社 神 跡(Thần tích xã Mai Động, huyện Hoàn Long), nhưng ở tờ 2a ghi như sau: Trưng Nữ Vương triều nhất vị đại vương phả lục 徵 女 王 朝 一 位 大 王 譜 錄(Ghi chép về phả một vị đại vương triều Trưng Nữ Vương); Thần tích xã Vĩnh Tuy, ký hiệu AE a2/35, tờ đầu ghi: Hoàn Long, Vĩnh Tuy xã thần tích 環 龍 永 綏 社 神 跡, ở tờ 2a ghi: Vĩnh Tuy xã ngọc phả lục 永 綏 社玉 譜 錄(Ngọc phả xã Vĩnh Tuy); Thần tích xã Ngọc Xuyên, ký hiệu AEa2/38, tờ đầu ghi là Hoàn Long Ngọc Xuyên xã thần tích 環龍玉川社神跡, nhưng tờ trong ghi cụ thể hơn: Việt Thường thị Lý triều công thần khai quốc đại hữu huân lao khả gia thần tước linh ứng khả phong nhị vị đại vương ngọc phả cổ lục 粵 裳 氏 李 朝 功 臣 開 國 大 有 勳 勞 可 加 神 爵 靈 應 可 封 二 位 大 王 玉 譜 古 錄(Ngọc phả ghi chép về hai vị đại vương triều Lý, họ Việt Thường là công thần khai quốc có công lao, được gia phong tước hiệu linh ứng).

Đi sâu tìm hiểu hình thức sao chép thần tích, chúng tôi thấy những thần tích có ghi hai chữ "Ngọc phả", "Thần phả" cho đến nay vẫn được gọi chung là "thần tích", song thực tế chúng chỉ là bản sao chép các thần tích đang được thờ cúng ở các địa phương (lẽ đương nhiên, không có bản gốc của thần tích, tức bản được Bộ Lễ ở triều đình lưu giữ hoặc đang được người dân các địa phương thờ cúng, mà chỉ có bản sao chép thần tích có chữ ký hoặc chứng thực của các chức sắc địa phương). Các bản thần tích Hà Nội nói riêng, cũng như thần tích các địa phương khác nói chung đều được gọi là "thần tích" song chúng lại có sự khác nhau về hình thức kết cấu thần tích. Xem xét cụ thể thần tích của 143 phường, thôn, xã của Hà Nội chúng tôi nhận thấy thần tích có thể chia làm hai loại:

- Một loại là bản sao chép lại các thần tích mang tính quan phương đã được các quan trông coi việc lễ nghi của triều đình biên soạn thành văn bản, có ghi rõ tên người năm tháng biên soạn và sao chép. Phía dưới có chứng thực của các chức sắc địa phương (thường là Lý trưởng).

- Một loại là bản ghi chép ngắn gọn (hay có thể gọi là bản kê khai sự tích ) của các quan lại, chức sắc địa phương về lai lịch các vị thần làng xã mình hiện thờ cúng nhưng chưa được các quan chức phụ trách việc lễ nghi của triều đình biên soạn thành văn bản, không ghi năm tháng, tên người biên soạn và sao chép.

Để dễ dàng phân biệt hai loại thần tích trên, chúng tôi xếp mảng tư liệu thần tích Hà Nội thành hai loại và tạm đưa ra tên gọi như sau:

Thứ nhất: các thần tích sao lại theo chính bản của bộ Lễ do Nguyễn Bính, giữ chức Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ biên soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572); Nguyễn Hiền, Quản giám bách thần tri điện, Hùng lĩnh thiếu khanh sao chép chủ yếu vào các năm niên hiệu Vĩnh Hựu (1735-1740) và một số thần tích do các tác giả khác biên soạn, sao chép được xếp vào loại một, tạm gọi là "bản sao thần tích ".

Thứ hai: các bản ghi chép lai lịch các thần khác được địa phương thờ cúng, viết theo lối ngắn gọn, không có niên đại, tên người biên soạn và năm tháng sao chép, tạm gọi là "bản kê khai thần tích ".

3. Về kết cấu thần tích

Để phân biệt rõ hơn sự khác nhau giữa "bản sao thần tích " và bản "bản kê khai thần tích " chúng ta có thể tìm hiểu thêm kết cấu của hai loại trên.

Thứ nhất, các bản sao thần tích do Nguyễn Bính biên soạn, Nguyễn Hiền sao chép thường biên soạn theo một công thức nhất định, gồm ba phần:

- Phần thứ nhất là lai lịch và công trạng. Phần này, ngoài mào đầu (thường kể về sự ra đời của nước Văn Lang và thời vua Hùng Vương thứ 18; hoặc nói về cương vực và các triều vua của nước ta), còn có các mục: lai lịch (cha mẹ, quê quán); sinh nở thần kỳ (hoặc hình dáng dị thường); tài đức; công tích; hóa thân thần kỳ; hiển linh âm phù.

- Phần thứ hai gồm: sự phong tặng của triều đình phong kiến và các nghi thức thờ cúng. Phần này có các mục như: sắc phong mỹ tự; ngày sinh, ngày hóa; các nghi thức trong ngay lễ chính; các điều cấm kỵ.

- Phần thứ ba là lạc khoản. Phần này gồm các mục như: ngày tháng năm, tên người biên soạn và sao chép; chứng thực của chức sắc địa phương.

Ví dụ thần tích làng Đông Xã, ký hiệu AEa2/18 (nay là phường Bưởi, quận Tây Hồ) ghi chép về hai vị thần Bảo Hựu đại vương và Quý Minh đại vương. Hai ông là các danh tướng công thần của Hùng Duệ Vương thời Hùng Vương. Cả hai vị danh thần này đều có gia đình, quê quán, nhưng lại được mô tả theo motip sinh nở thần kỳ, bà mẹ của hai ông nằm mơ thấy rồng vàng bay lên trời nuốt hai ngôi sao vào bụng rồi nhập vào người bà, từ đó bà có thai và sinh ra hai ông. Đến khi quân Thục sang xâm chiếm, hai ông cùng với Tản Viên sơn thánh đã tham gia đánh giặc, lập được chiến công, sau đó cả hai ông đều hóa. Việc hóa của hai ông cũng được mô tả theo motip hóa thân thần kỳ, người mất ở sông được thuồng luồng, ba ba rắn rết đến chầu, người mất trên núi có long ly quy phượng từ trên trời bay xuống. Kết thúc bản thần tích là mỹ tự của thần do triều đình phong tặng; các ngày sinh, ngày hóa, các lễ tiết khánh hạ, các điều cấm kỵ và dòng lạc khoản ghi tên thần Nguyễn Bính soạn thần tích vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và Quản giám bách thần là Nguyễn Hiền phụng sao vào năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737).

Thứ hai là các "bản kê khai thần tích”. Các bản thần tích này thường chỉ có phần thứ nhất, thiếu hẳn phần thứ hai và ba. Ví dụ Thần tích phường Trích Sài, huyện Hoàn Long (AEa2/34) ghi chép về nhân vật lịch sử Mục Thận, người đã cứu vua Lý Nhân Tông (1072-1075) khỏi sự ám hại của đại thần Lê Văn Thịnh, tuy có ghi chép cả ngày sinh, ngày hóa của thần, song không theo kết cấu của bản thần tích thường thấy do Nguyễn Bính biên soạn. Bản thần tích này ngoài việc ghi chép những truyện lạ về gia đình họ Mục, còn bổ sung lai lịch, công trạng của các vị thần, đều là anh em, con cháu của dòng họ Mục với tư cách như một phả hệ thần. Hoặc Thần tích xã Yên Quyết, tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc nội thành Hà Nội), ký hiệu AE.a2/60 ghi chép sự tích đền thiêng Diêm La Đại vương, nhưng cũng chỉ là bản kê khai sự tích. Thần tích này được ghi chép ngắn gọn, xin nêu làm ví dụ về loại thứ hai này như sau:

“Đại vương vốn là Nguyên Hy Diêm La thiên tử, là Thiên lão thần quân. Lão phu nhân sinh ra Đại vương vào ngày mồng 8 tháng 2, thác giáng xuống nhập vào 5 bức tranh tượng ở Thập điện Minh vương ở chùa Ngọc Quan là nơi cổ tích danh lam chùa xã ta. Đại vương phụng mệnh Thiên tào nắm giữ Địa phủ, chức chưởng ty tội phúc, phán việc sống chết, thường ở âm giới, răn bảo những kẻ tối tăm. Vào năm Ứng Thiên (nguyên văn là Thiên Ứng) (994-1005), thời Tiền Lê Đại Hành bỗng gặp dịch bệnh, dân bị tai ương, người dân trong thôn trẻ giả lão ấu bèn tới chùa thắp hương làm lễ âm cầu mật đảo, đều được ứng nghiệm, trừ được tai họa, dân yên vật thịnh, từ đó người dân trong thôn bèn lập ngôi miếu để thờ phụng, tôn Đại vương làm Phúc thần, tứ thời được hưởng tế lễ. Trải đến thời Lý, Trần, đều được nhà nước phong tặng. Cho đến trước thời Tiền Lê mở nước, Thái tổ từ đạo Sơn Tây mang binh tiến thẳng ra thành Thăng Long, tiễu trừ giặc nhà Minh. Tướng sĩ đóng đồn ở mé tây bên sông Tô Lịch, nghe nói miếu vũ thần thánh linh thiêng bèn cung kính làm lễ cầu đảo, quả ứng nghiệm thắng trận. Sau khi đại định vua bèn gia phong mỹ tự tôn làm Phúc thần, nêu trong tự điển. Hàng năm vào tiết xuân, cho phát tiền công, sai quan làm lễ tế ở miếu hiệu Diêm La Đại vương”.

Việc phân chia thần tích làm hai loại như trên cũng khá trùng hợp với sự phân chia của các nhà nghiên cứu đi trước khi phân loại và nghiên cứu thần tích. Tác giả Kiều Thu Hoạch khi phân tích văn bản thần tích cũng cho rằng, ngay trong thần tích cũng có hai loại, một loại “trong triều” (kiểu Việt điện u linh) (tức được ghi ở tự điển nhà nước-tác giả bài viết chú thích thêm) và một loại “ngoài nội” (thần tích để ở đền miếu địa phương)(1). Nguyễn Duy Hinh khi tìm hiểu mối quan hệ giữa thành hoàng và bách thần cũng cho rằng: “Nhà Lê đề cao Nho giáo tất nhiên phải cải tạo thần linh dân gian tự phong đó. Nhưng triều đình cũng không thể nào áp đặt thần linh cho dân làng”(2). Thực tế khi khảo sát thần tích Hà Nội, chúng tôi cũng thấy bên cạnh những thần tích của các thần làng được triều đình phong tặng, do bộ Lễ “đặt ra tiểu sử chính thức” từ thời Lê(3), còn có những thần tích do các cụ địa phương và thân hào lí trưởng khai báo theo mệnh lệnh của chính quyền đầu thế kỷ XX(4). Nguyễn Văn Huyên cho biết cụ thể hơn: “Đầu năm 1938 ông Georges Coedès, Giám đốc Trường Viễn đông Bác cổ Pháp đã có sáng kiến mở một cuộc điều tra về việc thờ cúng thành hoàng trong các làng xã Việt Nam. Để làm được việc đó, thông qua các quan chức hành chính địa phương, ông ta đã gửi một bản câu hỏi điều tra đến tất cả các làng có thờ một vị thần bảo hộ tại đình làng. Bản câu hỏi đó, bắt nguồn từ một bài báo quan trọng của ông Nguyễn Văn Khoan, phụ tá Trường Viễn đông Bác cổ được công bố vào năm 1930, gồm nhiều phần: sự tích của thần, những nơi thờ thần; ngày tháng các nghi lễ cúng tế, các tế vật, chủ lễ, y phục và đồ cúng, những điều cấm ký khi tiến hành cúng tế trong đời sống hàng ngày, sự tiến triển của việc thờ cúng...”(5)

4. Về các mục khác trong thần tích

Xem xét thần tích của 143 làng xã nội ngoại thành Hà Nội, chúng tôi thấy thần tích của nhiều địa phương không chỉ có “bản sao thần tích” và “ bản kê khai thần tích” mà còn bao gồm một số tư liệu văn hiến khác. Có thể chia làm 2 loại:

- Loại thứ nhất: chỉ có “bản sao thần tích”, như: Thần tích Hoàn Long, Hà Nội, ký hiệu AEa2/1; Thần tích xã Mai Động, huyện Hoàn Long, ký hiệu AEa2/23...

- Loại thứ hai: tập hợp cả “bản sao thần tích” và “bản kê khai thần tích”. Thông thường các “bản kê khai thần tích” thường được xếp sau “bản sao thần tích”, như: Thần tích Trại Ngọc Hà, huyện Hoàn Long, ký hiệu AEa2/26. Ở bản thần tích này sau “bản sao thần tích” ghi chép về nữ thần Ngọc Nương còn có các “bản kê khai thần tích” của các thần như: ghi chép về 3 thủy thần Minh Khiết, Triều Đình, Bảo Trung (thời Lý); ghi chép về Sĩ Nhiếp (thời Hán); nữ thần Quỳnh Hoa (thời Trần) và Đỗ Thiện (thời An Dương Vương).

Trong loại thứ hai còn tập hợp thêm cả tư liệu ghi chép khác như văn tế, câu đối. Văn tế, câu đối... thường được đặt phía sau các “bản sao thần tích” và “bản kê khai thần tích”. Ví dụ: Thần tích xã Nhật Tảo, ký hiệu AEa2/67; Thần tích xã Phú Gia, ký hiệu AEa2/66 (thuộc huyện Từ Liêm) đều ghi chép thêm nhiều văn tế, như văn tế an vị, văn tế nhập tịch, văn tế mật nghênh, văn tế giao thừa... ; Thần tích xã Yên Ngưu, tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì, ký hiệu AEa2/76 còn ghi thêm cả câu đối thờ ở đền.

5. Về số lượng thần tích

Theo thống kê thần tích của 143 phường, thôn, xã của Hà Nội có:

- 75 “bản sao thần tích “(tức thần tích do Nguyễn Bính biên soạn, Nguyễn Hiền sao chép); 21 bản thần sao thần tích do các tác giả khác biên soạn hoặc sao chép.

- 64 “bản kê khai thần tích”. Các bản kê khai thần tích đều ngắn gọn, hầu như không ghi một thông tin nào về niên đại biên soạn và người sao chép.

Có lẽ do sự tách nhập các làng xã sau này mà có sự khác nhau về mật độ xuất hiện “bản sao thần tích” giữa từng khu vực. Ví dụ, trong các xã của tổng Phương Canh huyện Từ Liêm chỉ có 1 thần tích của thôn Thị Cấm xã Hòe Thị ghi tên Nguyễn Bính và Nguyễn Hiền, các thôn xã khác không thấy xuất hiện. Trong khi đó thần tích ở các xã thuộc tổng Xuân Nộn, huyện Đông Anh có tới 8 trên 9 thần tích là do Nguyễn Bính, Nguyễn Hiền biên soạn và sao chép. Đó là các xã Nhạn Tái, Thư Lâm, các thôn Biểu Khê, Cổ Miếu, Hương Trầm (xã Thư Lâm), Kim Tiên, Cán Khê.

Theo thống kê, trong 143 làng xã ở Hà Nội, số lượng thần tích của Nguyễn Bính, Nguyễn Hiền chiếm hơn nửa, điều đó cho thấy việc cố định hóa văn bản thần tích, hay nói cách khác là “cố định hóa tiểu sử các thần” ở các địa phương và công việc khảo hạch bách thần luôn được chính quyền phong kiến đương thời coi trọng.

6. Về niên đại

Thần tích cũng như sắc phong thần thường được các làng, xã trân trọng đặt trong hòm sắc hoặc trong ống quyển, đặt thờ trong khám thờ ở đình hoặc đền. Vào ngày làm lễ khai sắc, nghênh thần, các làng lấy sắc ra làm lễ, việc xong lại cất sắc vào trong hòm sắc gọi là lễ nạp sắc. Thần tích cũng như vậy, do được viết chủ yếu bằng chữ Hán, người dân hầu như không được tiếp xúc với thần tích nên chỉ biết lai lịch của thần qua lời kể lại. Điều đó cho thấy thần tích là loại văn bản để thờ, người dân bình thường không dễ được tiếp cận, nó cũng chứng tỏ phần nào sự tin cậy về niên đại của thần tích (không thể dễ dàng tự ý sửa chữa nếu không được triều đình, hoặc chức dịch trong làng xã đó chấp nhận), nhưng ngược lại việc giả tạo niên đại cũng dễ xảy ra. Ví dụ, do trình độ của người kê khai sự tích có hạn nên hay nhầm lẫn về cả sự kiện, nhân vật và niên đại; hoặc do sự thiên lệch của các quan biên soạn thần tích từ chính Bộ Lễ... Ví dụ niên hiệu Hồng Phúc là niên hiệu vua Lê Anh Tông (tức Duy Bang) (1557-1573) chỉ tồn tại trong 1 năm, từ tháng Giêng, mùa xuân đến hết tháng 12 năm Nhâm Thân (1572). Năm 1573, vua Lê Thế Tông (tức Duy Đàm) lên ngôi, đổi niên hiệu Gia Thái. Nhưng có thần tích ghi niên đại năm Hồng Phúc thứ 2 (Thần tích xã Nha môn, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, ký hiệu AEa9/23), hoặc năm Hồng Phúc thứ 3 (Thần tích xã Thường An, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên, AEa11/1), hoặc Hồng Phúc thứ 6 (Thần tích xã Vinh Quan, huyện Thanh Quan, tỉnh Thái Bình, AEa5/36) (tr.31).

Về trường hợp làm giả mạo thần tích có thể nêu một trường hợp được nhiều người biết tới. Chúng ta đã biết, ngoài Nguyễn Bính được cho là tác giả của nhiều thần tích hiện được thờ ở các địa phương còn có một số tác giả khác. Ví dụ, thần tích phường Thịnh Hào, huyện Hoàn Long, ký hiệu AEa2/30, do Chư Cát, giữ chức Chủ bạ Bộ Lễ biên soạn viết Tựa vào năm Cảnh Hưng Giáp Ngọ (1744). Tìm hiểu nhân vật này trong các bộ sử của triều Nguyễn như Đại Nam thực lục và Quốc s di biên được biết, Chư Cát tên thật là Nguyễn Gia Cát (1760-?), người xã Hoa Cầu, huyện Văn Giang tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Nguyễn Gia Cát thi đỗ Đồng chế khoa xuất thân năm Đinh Mùi, niên hiệu Chiêu Thống thứ 1 (1787). Thời Tây Sơn ông làm Đốc học Bắc Thành. Thời Nguyễn làm quan đến chức Tả Tham tri Bộ Lễ, tước Quỳ Giang hầu được cử đi sứ nhà Thanh. Theo Đại Nam thực lục, ông còn giữ chức Cần chính điện học kiêm Chế cáo lệnh, cùng với Phạm Quý Thích hợp làm công việc từ chương ở Bắc Thành. Đến năm 1805 được thăng chức Tả Tham tri Bộ Lễ. Theo Đại Nam thực lục và Quốc sử di biên, năm Gia Long thứ 9 (1811) nhân việc nhà nước cho các xã dân nhận sắc phong đem về thờ nên triều đình mới phái hai quan ở bộ Lễ là Nguyễn Cát và Vũ Dĩnh xem xét ấn định rõ ràng đẳng cấp các vị thần linh để gia tặng. Trong khi phong sắc văn cho các thần linh, Nguyễn Cát đã tự ý thêm bớt sự tích và công đức các vị thần, liệt Việp Quận công (Hoàng Ngũ Phúc) bề tôi trung thành của họ Trịnh vào hàng thượng đẳng thần... Còn tên Dĩnh viết tổ phụ mình vào làm vị phúc thần làng Mộ Trạch, bị dân kiện tố cáo nên Dĩnh mắc tội "khi quân mạn thần" nên bị xử tử hình, bêu đầu tại quê ba ngày(6).

Khảo sát niên đại thần tích Hà Nội, chúng tôi thấy được phần nào tình hình sao chép thần tích qua các đời, đặc biệt dưới triều Nguyễn. Tuy nhiên, trước khi bàn về niên đại của các thần tích cũng cần tìm hiểu việc gia phong bách thần qua các thời đại; cần tìm hiểu tình hình sao chép thần tích qua các thần tích cụ thể; cần tìm hiểu, đối chiếu việc gia phong phúc thần đối với một số nhân vật lịch sử của triều đình phong kiến với thần tích hiện được thờ ở các địa phương... từ đó mới có thể đưa ra kết luận khoa học về niên đại của thần tích. Trước mắt, chúng tôi tạm thống kê và đưa ra một vài thông tin về niên đại thần tích Hà Nội như sau:

Trong số các thần tích ghi chép năm biên soạn, ngoài thần tích do Nguyễn Bính biên soạn vào năm 1572 thì bản thần tích của 3 xã Cổ Điển, Cương Ngô, Đồng Trì, tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì (AEa2/77) có niên đại ghi chép vào năm Thái Bình thứ 7 (976), và đây được coi là bản sao thần tích có niên đại biên soạn sớm nhất.

Niên đại 1572 và tác giả Nguyễn Bính cũng còn nhiều điểm nghi ngờ khi khá nhiều thần tích mang tên tác giả này, song nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả Nguyễn Bính với cái mốc 1572 và Nguyễn Hiền với cái mốc từ 1735-1740 quả có ý nghĩa quan trọng trong việc biên soạn và sao lục thần tích. Vì thế chúng tôi tạm chấp nhận niên đại ghi trên văn bản, chưa bàn đến tính xác thực hay không của các niên đại này.

Về năm sao chép. Trong số các thần tích, ngoài niên đại do Nguyễn Hiền sao chép vào các năm Vĩnh Hựu (từ 1735 đến 1740) thường thấy trong các bản thần tích, thì bản sao thần tích sớm nhất vào năm 1476 là bản sao thần tích của xã Ngọc Du tổng Đại Mỗ huyện Từ Liêm (AEa2/62). Trang cuối của thần tích có nhận thực của Lý trưởng Nguyễn Huy Trinh.

7. Về tác giả biên soạn và người sao chép

- Về tác giả Nguyễn Bính

Các nhà nghiên cứu trước đây có một số ý kiến khác nhau khi đề cập đến tác giả Nguyễn Bính.

Thứ nhất: một số nhà nghiên cứu dựa vào một số sách như Trưng Vương công thần phả lục để suy đoán ông sống vào khoảng năm 1572, niên hiệu Hồng Phúc năm đầu(7). Một số nhà nghiên cứu khác dựa vào Nguyễn Trí tộc gia phả để đi đến suy đoán Nguyễn Bính là tổ thứ sáu, người xã Sơn Đồng huyện Đan Phượng (nay là Hà Nội). Ông sống vào khoảng nửa sau thế kỷ XVI, giữ chức Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ, làm việc ở Bộ Lễ(8). Thứ hai, năm 1988, tác giả Nguyễn Hữu Mùi, trong luận văn Thạc sĩ: Tác giả Nguyễn Bính, Nguyễn Hiền và quá trình tàng trữ, sao lục thần tích ở thời Nguyễn đã đi sâu phân tích nội dung 6 đạo sắc phong thời Lê được ghi chép trong cuốn Nguyễn Trí tộc trưởng chi phả ký do dòng họ Nguyễn Trí ở Sơn Đồng lưu giữ; đối chiếu với Nguyễn Trí tộc gia phả ký hiệu A.669 lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, để đi đến nhận định: "tổ thứ 6 họ Nguyễn Trí ở làng Sơn Đồng không liên quan gì đến Nguyễn Bính"(9) như các nhà nghiên cứu đi trước suy đoán. Tuy nhiên, theo khảo sát bước đầu, chúng tôi cho rằng cần phải sưu tầm thêm tư liệu và xem xét thật kỹ mối liên hệ giữa tư liệu và “tổ thứ 6 họ Nguyễn Trí ở làng Sơn Đồng” để đưa ra nhận định khoa học về tác giả Nguyễn Bính. Do khuôn khổ của bài viết có hạn, chúng tôi xin tạm dừng ở đây, hy vọng ở bài viết sắp tới có thể công bố kết quả nghiên cứu tiếp theo của chúng tôi về tác giả này.

Ngoài Nguyễn Bính, còn có một số tác giả khác tham gia biên soạn và sao chép. Có thể nêu một số vị như: Thần tích xã Hoàng Mai, huyện Hoàn Long (AEa2/15) do hai vị, một là Vũ Toản soạn năm Khai Đại (1403-1407) đời nhà Hồ và Lê Hựu biên soạn vào năm Thuận Thiên thứ 3 (1430); Thần tích xã Nội Am, huyện Hoàn Long (AEa2/81) do Phạm Thuần phu soạn năm 1738; Thần tích phường Thịnh Hào huyện Hoàn Long do Chư Cát giữ chức Chủ bạ ở Bộ Lễ biên soạn; Thần tích thôn Hậu Ái xã Vân Canh tổng Phương Canh huyện Từ Liêm (AEa2/69) do Nguyễn Bá Đôn ghi chép vào năm Tự Đức thứ 12 (1859). Thần tích được sao chép muộn nhất là thần tích xã Vĩnh Tuy huyện Hoàn Long (AEa2/35) được sao lại năm 1904.

- Về người sao chép.

Sao chép lại các bản thần tích của tác giả Nguyễn Bính là Nguyễn Hiền. Theo tác giả Nguyễn Hữu Mùi: "Nguyễn Hiền chính là nhà khoa bảng Tô Thế Huy, người xã Bằng Đắng, huyện Bạch Hạc, tỉnh Sơn Tây (nay là thôn Cao Bình, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Ông từng đi sứ, giữ nhiều chức quan, khoảng niên hiệu Vĩnh Hựu, khi giữ chức Quản giám bách thần, ông lấy bút danh Nguyễn Hiền, chuyên sao lục và hoàn thiện tiếp các bản ngọc phả của Nguyễn Bính"(10).

Ngoài Nguyễn Hiền, còn có nhiều người tham gia sao chép thần tích. Có thể liệt kê một số vị như: Thần tích xã Dư Dụ, tổng Hà Liễu, huyện Thanh Trì, ký hiệu AEa2/78 do Nguyễn Nhu, Thư lại Bộ Lễ sao chép. Có bài Tựa của Định An Tổng đốc Nguyễn Trọng Hợp viết năm Tự Đức thứ 30 (1877); Thần tích Cao Sơn đại vương ở phường Thịnh Hào, huyện Hoàn Long (AEa2/30) do Lê Doãn Địch sao năm 1840 từ văn bia dựng năm 1742; Thần tích xã Tam Lạc, huyện Hoàn Long (AEa2/28) do Ngô Vĩnh Thuận sao năm 1827 từ bản thần tích soạn năm 1735. Các chức sắc địa phương là lực lượng tham gia sao chép thần tích đông đảo nhất. Có thể nêu một số trường hợp: Thần tích xã Ngọc Kiều, tổng Tây Tựu, huyện Từ Liêm (AEa2/70) do Lý trưởng Nguyễn Văn Tri sao; Thần tích xã Phù Trung, tổng Tây Tựu, huyện Từ Liêm do Lý trưởng Đỗ Văn Phả sao; Thần tích thôn Tổ Thượng xã Thượng Trì, tổng Thượng Trì huyện Từ Liêm (AEa2/73) do Lý trưởng Nguyễn Văn Nhuệ sao...

8. Về hình thức văn tự

Các bản thần tích Hà Nội chủ yếu được viết bằng chữ Hán, duy nhất 1 bản thần tích viết bằng chữ Nôm, đó là bản Thần tích xã La Dương, tổng Yên Lãng, huyện Từ Liêm (AEa2/64). Ở thần tích này, ngoài bản sao thần tích viết bằng chữ Hán về ba vị Việt công, Minh công, Tuất công dưới thời Hùng Vương do Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và Nguyễn Hiền sao chép vào năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740), còn phụ thêm Tam thánh sự tích viết bằng chữ Nôm, được soạn năm 1822, do Tổng trưởng Nguyễn Bá Dụ phụng sao.

II. GIÁ TRỊ CỦA THẦN TÍCH HÀ NỘI

1. Giá trị về mặt lịch sử

Thần tích được sáng tác xuất phát từ sự tôn vinh lịch sử và là việc làm được các triều đại phong kiến nước ta coi trọng nhằm mục đích lấy thần quyền phục vụ cho vương quyền. Trước khi được đưa vào thờ tự ở đình đền, miếu mạo thì các sự tích về thần đã được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, trong cộng đồng làng xã. Có thể nói gốc gác của các thần tích đa phần đều bắt đầu từ câu chuyện dân gian. Hồ Tông Thốc đã cho biết nguồn gốc của dĩ vãng chính là từ việc nghe người xưa kể lại: "Nước Nam ta ở vào dải nóng nực, trong cõi mênh mông, vua sáng đời nào cũng có. Dẫu ràng núi sông rộng lớn, chia biệt mỗi lúc một khác, nhưng từ xưa đến nay, chỉ căn cứ vào tục truyền và dấu vết, hỏi về việc dĩ vãng thì nhờ các cụ già kể lại, xét nghiệm ở tương lai thì đã có các đền miếu cúng thờ"(11) .

Vũ Quỳnh trong lời Tựa sách Lĩnh Nam chích quái cũng cho rằng: "Những truyện chép ở đây là sử trong truyện cổ chăng"(12)Như vậy, lịch sử trong thần tích không phải là "lịch sử ở bề mặt, mà là lịch sử ở chiều sâu". Những nhân vật lịch sử trong thần tích hay truyền thuyết dân gian (được nhà nước ghi lại và cố định ở thời điểm lịch sử nào đó, hoặc do dân gian truyền đi) đều trở thành "biểu tượng của tiến trình lịch sử mà ký ức cộng đồng còn lưu giữ được"(13).

Có lẽ thần tích cũng như các bản kê khai thần tích về người anh hùng rất khó có thể cung cấp những chi tiết chính xác của lịch sử, song trong đó vẫn tồn tại đơn vị lịch sử chất liệu, "hay ký sự về một sự thật lịch sử". Có thể đơn cử một thí dụ về nhân vật lịch sử Phùng Hưng. Về nhân vật này, Đại Việt sử ký toàn thư chép:

"Tân Mùi [791] (Đường Trinh Nguyên năm thứ 7). Mùa xuân, An Nam đô hộ phủ là Cao Chính Bình làm việc quan bắt dân đóng góp nặng. Mùa hạ, tháng 4, người ở Đường Lâm thuộc Giao Châu (Đường Lâm thuộc huyện Phúc Lộc) là Phùng Hưng dấy binh vây phủ. Chính Bình lo sợ mà chết. Trước đây Phùng Hưng vốn là nhà hào phú, có sức khỏe, có thể vật trâu, đánh hổ. Khoảng niên hiệu Đại Lịch [766-780] đời Đường Đại Tông, nhân Giao Châu có loạn, cùng với em là Hãi hàng phục được các ấp bên cạnh, Hưng xưng là Đô Quân, Hãi xưng là Đô Bảo, đánh nhau với Chính Bình, lâu ngày không thắng được. Đến đây dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân vây phủ. Chính Bình lo sợ phẫn uất thành bệnh ở lưng mà chết. Con là An Tôn xưng làm Bố Cái Đại Vương. Vương thường hiển linh, dân cho là thần, mới làm đền thờ ở phía tây phủ đô hộ, tuế thời cúng tế (tức là Phu hựu chương tín sùng nghĩa Bố Cái Đại Vương. Đền thờ nay ở phường Thịnh Quang, phía đông nam ruộng tịch điển"(14).

Trong khi đó, hầu hết các thần tích thôn, phường ở Hà Nội thờ Phùng Hưng như thần tích thôn Kim Mã, huyện Hoàn Long, thần tích phường Thịnh Hào, thần tích phường Quảng Bá... đều ghi chi tiết về tổ tiên, dòng họ Phùng Đại vương, tuy được thêu dệt thêm bằng rất nhiều câu chuyện kỳ lạ về khả năng phi thường của cha mẹ, anh em nhà Vương (có tài chế ngự bóng ma đen thường tác yêu tác quái làm hại mọi người, hiển linh âm phù sau khi mất...), song dường như vẫn nhìn thấy sợi dây liên hệ giữa nhân vật lịch sử mang tính biểu tượng với quan niệm thẩm mỹ của dân gian. Qua nhân vật Phùng Hưng, có thể thấy hình tượng nhân vật trong thần tích được dân gian thêu dệt thường có tầm vóc cao hơn lịch sử mà nó phản ánh. Nó cho thấy những giá trị trường tồn của nhân vật và sự kiện. Có nhiều sự kiện và tình tiết được thần tích ghi lại, nhưng lại không được các nhà chép sử đề cập tới. Những ghi chép đó không có trong một bộ sử biên niên nào mà chỉ sống trong ký ức của người dân và không bị lụi tàn theo thời gian. Họ kể với niềm tin, không quan tâm nhiều đến tính xác thực miễn sao tôn vinh được những giá trị vĩnh cửu của nhân vật. Vì thế, truy tìm tính xác thực về các sự kiện và nhân vật mà thần tích đăng tải là việc làm ít có ý nghĩa.

Tuy nhiên, việc thờ cúng thần linh ở nước ta xưa kia nhiều vốn là hành động có ý nghĩa tích cực, bởi từ sự tích các anh hùng thần linh ít hoặc nhiều dấu vết cụ thể của những thời kỳ lịch sử nhất định. Ở họ là những kinh nghiệm làm ăn, chiến đấu, những đức tính yêu nước thương dân, trung thực, ngoan cường. Cho nên cũng như tục thờ cúng tổ tiên với ý nghĩa là tổ tiên vẫn tồn tại, tuy ở một thế giới khác, và vẫn theo dõi con cháu, khi cần thì phù họ cho con cháu vượt qua khó khăn, nhân dân ta từ xưa tới nay thờ cúng các vị thần linh vì đều tin rằng các vị đó vẫn sống mãi, bất tử và luôn phù hộ cho dân cho nước. Những anh hùng có công với dân với nước đều được nhân dân lập đền miếu thờ cúng, tôn làm thần linh và đã là thần linh thì có thể hiển ứng mỗi khi cần thiết.

Việc thờ cúng thần linh một mặt còn mang màu sắc tôn giáo nhưng một mặt thì lại gắn với ý thức vững bền của dân tộc về những kỳ tích của cha ông trong quá khứ. Việc thờ cúng như vậy rõ ràng là bao hàm những hy vọng và niềm tin chân thành của nhân dân. Xét đến cùng thì đây cũng là một hình thức bảo vệ truyền thống khá đặc biệt.

Như vậy, các vị thần linh đã thể hiện sức mạnh tinh thần bất diệt, và được miêu tả như những lực lượng viện trợ cho các thế hệ đời sau trong lúc nguy biến bằng con đường âm phù. Nhiều thần tích kể lại với một niềm tin chân thành, và dù có tin hay không tin vào sự việc hoang đường, khi kể lại sự âm phù của anh hùng đời trước đối với anh hùng đời sau, nhân dân lại muốn biểu hiện sự đồng tâm hiệp lực giữa các thế hệ trong việc xây dựng đất nước, bảo vệ đất nước, qua đó phản ánh sức sống mãnh liệt của những truyền thống dân tộc. Thăng Long là nơi còn lưu giữ được hàng trăm thần tích và các ngôi đình đền vẫn bền bỉ song hành với cuộc sống hiện đại. Người Hà Nội ngày nay dường như vẫn còn tìm một mối hòa đồng với thế giới tâm linh, thấy ở đó tiềm ẩn một năng lượng vô hình nhưng hữu hiệu.

2. Giá trị về mặt văn học

Trong các thần tích, motip của truyền thuyết dân gian được sử dụng đậm đặc. Đó là các motip sinh đẻ thần kỳ, chiến công phi thường và hóa thân thần kỳ. Ba motip nay được sử dụng như ba chặng chủ yếu của cốt truyện mà từ đó những chi tiết phụ được xâu chuỗi xung quanh.

Về motip sinh đẻ thần kỳ, thần tích có thể sử dụng nhiều dạng như: nuốt sao, giao long phủ, rắn quấn, mộng thấy thần nhân trao cho bông sen trắng...

Về motip chiến công phi thường, thì thần tích cũng kể ra vô số loại giặc có thật và không có thật, cùng với sự mô tả tính phi thường của nhân vật từ sức khỏe đến quyền phép. Khác với truyền thuyết thường chỉ kể vắn tắt, trong khi đó thần tích lại miêu tả tỉ mỉ cuộc chiến phi thường với nhiều tình tiết ly kỳ. Có lẽ đây là điểm khác nhau cơ bản giữa phương thức truyền miệng với phương thức ghi chép bằng văn tự.

Motip thứ ba mà ta thường gặp là motip hóa thân thần kỳ, trong dân gian gọi là ngài hóa. Theo các nhà nghiên cứu, trong khi miêu tả cái chết của các nhân vật phi thường, tác giả dân gian thường dùng motip hóa thân để chỉ sự bất tử của họ. Trong tiềm thức dân gian, người anh hùng luôn sống mãi, cái chết của họ chỉ là sự "trở về với tự nhiên, với hồn thiêng sông núi" và cho dù ở thế giới khác, họ vẫn hiện hữu, hiển linh âm phù và được người đời thờ phụng.

Cũng giống với hầu hết truyền thuyết về người anh hùng của Việt Nam, hiển linh âm phù cũng là chi tiết xuất hiện trong hầu hết các thần tích. Ví dụ thần tích phường Nhược Công, huyện Hoàn Long (AE.a2/27) kể về cái chết thần kỳ của Thưởng công: "Bấy giờ Thưởng công đang chiêu mộ binh sĩ ở châu Hoan, châu Ái, bỗng thấy Đông Hải Vương sứ thần tới triệu. Hôm đó, ông bèn hội binh tại huyện Yên Ninh được gần một ngàn người, lập tức truyền bắt lấy hơn 300 chiếc thuyền, đi theo đường biển, nhưng than ôi đạo trời khiến ra thành bại, việc hưng suy chỉ định một ngày (ngày mồng 10 tháng 9), ông tiến về mới đến con sông nhỏ Mãn Giang (bến Thanh Lũng huyện Thanh Lâm), bỗng cuồng phong nổi lên, trời đất tối sầm, sóng dâng cuồn cuộn, đáy sông cuồng dâng, ầm ầm sấm dậy, trên trời có dải mây xanh, rơi thẳng xuống thuyền của ông, làm thuyền ông tan ra, biến thành muôn màu lấp lánh. Bỗng có 3 tiếng sấm sét, đường thủy tan tành, thuyền của ông đột nhiên chìm mất. Gia thần ở các thuyền phía trước phía sau thấy ông đã hóa. Được một lúc, trời quang mây tạnh, thuyền của ông đã chìm từ lúc nào. Mọi người thấy thế ai cũng kinh ngạc, bàng hoàng cho là việc kỳ lạ, bèn tự giải tán trở về, chỉ còn vài trăm gia thần, chia làm hai đạo, một đạo trở về phường dinh báo cho phu nhân, một đạo theo sứ thần trở về báo với Đông Hải Vương".

Có thể thấy, các yếu tố truyền thuyết dân gian được sử dụng đậm đặc trong thần tích. Có hiện tượng này là bởi vì truyền thuyết dân gian luôn có xu hướng thiêng hóa thực tại để thể hiện sự tôn vinh của tác giả dân gian đối với nhân vật thông qua vai trò kỳ ảo. Thần tích đã dùng những yếu tố kỳ ảo để biểu hiện niềm tin của người dân vào tính thiêngcủa các vị thần trong tín ngưỡng thành hoàng mà họ phụng thờ.

Nhiều bản thần tích đã kể lại việc các vị thần báo mộng cho vua chúa để chỉ rõ điềm lành, điều dữ, hoặc là hiển linh âm phù để giúp triều đình dẹp giặc, trừ họa. Có khi các vị đó không giấu giếm mục đích của mình là lập công để mong được hưởng sự tế tự lâu dài, để được sửa sang hoặc xây dựng đền miếu. Không chỉ lúc chiến tranh, loạn lạc hay tai ương, ngay cả khi đất nước đã thái bình, thì việc mong muốn đất nước phồn thịnh, vận nước dài lâu, ngai vua bền vững cũng vẫn phải nhờ cậy thần linh giúp đỡ. Truyện Bảo quốc trấn linh định bang, quốc đô thành hoàng đại vương, sách Việt điện u linh kể về giấc mơ gặp thần nhân của vua Lý Thái Tổ khi dời đô ra Thăng Long. Truyện kể rằng: Khi Lý Thái Tổ thiên đô về, thường nằm mộng thấy có ông già đầu bạc thấp thoáng ở trước sân rộng, lạy hai lạy, cúi đầu mừng hô: "Vạn tuế". Vua lấy lạ liền hỏi họ tên. Ông già tâu hết nguyên ủy. Vua cười nói: "Vị tôn thần muốn hưởng giữ hương lửa tới trăm năm hay sao ? Đáp: "Cốt mong cho cơ đồ của Hoàng đế bền lâu như Thái Sơn, bàn thạch, thánh thọ vô cương, trong triều ngoài quận đều được thái hòa, thì lũ chúng tôi chẳng phải giữ được trăm năm hưởng lửa mà thôi đâu". Nhà vua tỉnh dậy, sai quan đền tế lễ phong thần làm quốc đô thăng Long Thành hoàng đại vương. Dân cư cầu đảo và làm lễ thề, thì họa hay phúc hiển ứng rõ ràng”.

Câu chuyện trên phản ánh mối quan hệ qua lại giữa “thần quyền” và “vương quyền”. Ở đây ta thấy có sự bắt gặp giữa một việc làm đáp ứng được hai nhu cầu. Một bên là nhu cầu muốn hệ thống hóa thần linh của triều đình phong kiến, một bên là nhu cầu muốn quan phương hóa thần linh sở tại. Không chỉ dân làng có thần được thờ mong muốn thần làng mình được công nhận thờ ở tầm quốc gia mà ngay cả thần linh cũng muốn được giữ hương lửa thờ cúng mãi mãi. Cho nên ở các bản thần tích, công tích của các thần thường được thêu dệt, tô vẽ quá mức, khiến cho văn phong các bản thần tích không còn gọn gàng súc tích mà trở lên dài dòng, nhàm chán. Đó cũng là một trong những hạn chế của các thần tích. Sự hạn chế đó là do điều kiện lịch sử quy định, khó có thể đòi hỏi người xưa phải vượt ra khỏi tư tưởng thần linh chủ nghĩa và ý thức hệ phong kiến.

Tóm lại, mặc dù còn có những hạn chế, nhưng những giá trị về mặt lịch sử, văn học, hay tâm linh... mà thần tích đem lại luôn được đánh giá cao. Hy vọng những vấn đề trong bài viết này sẽ được tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nhằm làm sáng tỏ những giá trị mà thần tích Hà Nội đem lại, đồng thời để hiểu sâu hơn về mảnh đất Thăng Long "linh thiêng mà hào hoa".

Bài viết được sự tài trợ của Quĩ NAFOSTED, chúng tôi xin chân thành cảm ơn.

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 5 (120).2013; tr. 48-61.

 

Chú thích:

(1) Kiều Thu Hoạch: Truyền thuyết anh hùng trong thời kì phong kiến, in trong sách Truyền thống anh hùng dân tộc trong loại hình tự sự dân gian Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.290.

(2) Nguyễn Duy Hinh: Tín ngưỡng thành hoàng Việt Nam. Nxb. KHXH, H. 1996, tr.383.

(3) Nguyễn Văn Huyên: Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Nxb. KHXH, H. 1995, tr.290.

(4) Bách thần lục. Nguyễn Tá Nhí dịch, Tài liệu chép tay, Thư viện Viện Văn học, Ký hiệu DHL/146, tr.2.

(5) Nguyễn Văn Huyên: Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Sđd, tr.450.

(6) Đại Nam thực lục. T.1, Nxb. Giáo dục, tr.484, 527, 644, 815 và 866; Quốc sử di biên, Nxb. KHXH, H. 2010, tr.184-185).

(7) Trần Văn Giáp: Lược truyện các tác giả Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.259.

(8) Xem thêm: Từ điển văn họcTừ điển văn hóa Việt Nam; Luận án Tiến sĩ: Nghiên cứu và đánh giá văn bản thần tích địa phương Thái Bình của Mai Ngọc Hồng...).

(9)(10)Nguyễn Hữu Mùi: Tác giả Nguyễn Bính, Nguyễn Hiền và quá trình tàng trữ, sao lục thần tích ở thời Nguyễn. Luận văn Thạc sĩ. Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(11) Thơ văn Lý - Trần. Nxb. KHXH, 1978, Tập 3, tr.77.

(12) Lĩnh Nam chích quái, sách chữ Hán, ký hiệu A.2914, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(13) Trần Thị An: Đặc trưng thể loại và việc văn bản hóa truyền thuyết dân gian Việt Nam. Luận án Tiến sĩ Ngữ văn. Hà Nội. 2000, tr.47.

(14) Đại Việt sử ký toàn thư. Tập I, Nxb. KHXH. H. 1998, tr.191-192./.

 

Hành trình thiên di của khối tài liệu lưu trữ Hán Nôm

Cũng như các quốc gia độc lập có chủ quyền khác trên thế giới, nước ta cũng đang sở hữu một khối văn thư lưu trữ khổng lồ, được tích lũy qua nhiều triều đại, thể chế chính trị; Mặc dù không còn đầy đủ như vốn có, nhưng đây là khối di sản vô cùng quý báu của tiền nhân, là bảo vật quốc gia, chứa đựng những gì mà bao thế hệ tiền nhân muốn để lại cho hậu thế.

Hiện nay, cơ quan vinh dự được giao cho nhiệm vụ quản bảo khối bảo vật này là Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và quản lý ở bốn Trung tâm Lưu trữ quốc gia. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và III ở Hà Nôi, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II ở TP.Hồ chí Minh, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV ở Đà Lạt, theo nội dung và đặc điểm của tài liệu[1].

Về tư liệu Hán Nôm, hiện nay được lưu trữ, bảo quản ở ba Trung tâm:

Trung tâm I đang  quản lý một khối lương lớn tài liệu, khoảng hơn 4.000m kệ chứa tư liệu, bao gồm: Khối tư liệu Hán Nôm: gồm Châu bản, Địa bạ triều Nguyễn, các sách do Quốc sử quán biên soạn in ấn, các sách ngự lãm của các hoàng đế trong thư viện hoàng gia trước đây cùng các phông sưu tập khác, như Nha Kinh lược Bắc kỳ, Nha huyện Thọ Xương, sưu tập thời Hồng Đức, Tây Sơn… Trung tâm II hiện đang lưu trữ khối tài liệu Sổ bộ Hán Nôm (Các loại văn bản liên quan đến tình hình nạp thuế ở các địa phương từ 1819-1918). Trung tâm IV lưu trữ khối tài liệu Mộc bản (bản khắc chữ trên gỗ cây thị và gỗ cây mít của Quốc sử quán triều Nguyễn).

Các khối tài liệu đều có vị trí quan trọng trong công tác nghiên cứu. Hai khối tư liệu Châu bản triều Nguyễn và Địa bạ Nam kỳ là những tài liệu vô cùng quan trọng cho công tác nghiên cứu lịch sử văn hóa và cả kinh tế Nam bộ trong hai thế kỷ  XVIII, XIX.

Châu bản là các văn bản thuộc thẩm quyền hoàng đế ban hành và các loại tấu sớ của các cơ quan trung ương (Nội các, Cơ mật viện, Quốc sử quán, Tôn nhân phủ, lục bộ…) hoặc của các tỉnh thần địa phương tâu lên được hoàng đế phê chuẩn băng mực son (châu phê). Đó là cơ sở chính thống để Quốc sử quán biên soạn các bộ lịch sử. Còn Địa bạ là sổ mô tả ghi chép về quyền sở hữu từng mảnh ruộng đất, với diện tích, tứ cận cụ thể của từng, chủ sở hữu, khác với điền bạ là sổ tính thuế ruộng đất. Địa bạ làm một lần khi đo đạc, còn điền bạ mỗi năm làm một lần. Trước cách mạng tháng Tám 1945, hai khối tài liệu này lưu trữ ở Tàng Thư Lâu (Huế)

Ở Việt Nam công tác lưu trữ được hình thành và phát triển rất sớm cùng với các giai đoạn lịch sử của dân tộc. Kế thừa thành quả và kinh nghiệm của các triều đại trước, đến thời nhà Nguyễn mọi văn bản hình thành trong hoạt động của bộ máy nhà nước đều được lưu giữ bảo quản chu đáo. Tàng Thư Lâu và các cơ quan chuyên trách về lưu trữ được thành lập. Dưới thời Pháp thuộc, công tác lưu trữ ở nước ta đặt dưới sự quản lý tập trung quản lý theo kỹ thuật phương tây. Năm 1917, Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương được thành lập, trực thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương, tổ chức lại các kho lưu trữ cùng với việc chỉ đạo và thanh tra công tác đặc biệt này.

Năm1938, ông Ngô Đình Nhu[2] về nước làm việc ở Văn khố Phủ Toàn quyền Đông Dương (Hà Nội). Năm 1943, ông được chuyển sang làm Giám đốc Văn khố Tòa khâm sứ Huế. Về sau được Văn phòng Nam triều mời giữ chức Chủ tịch Hội đồng chỉnh đốn Châu bản và Văn khố nhà Nguyễn. Trong thời gian 3 năm, từ 1942 đến 1944, với vai trò Chủ tịch Hội đồng cứu nguy Châu bản và Cố vấn kỹ thuật, ông Ngô Đình Nhu đã đóng góp một phần quan trọng vào việc tập trung tài liệu của 5 nguồn (Quốc Sử quán, Tàng Thơ lâu, Nội các, Viện Cơ mật trước đó và Thư viện Bảo Đại) vào cơ quan Lưu trữ và Thư viện của Chính phủ Nam triều.

thiendi1

          Sắc lệnh số 21 (8-9-1945) do ông Võ Nguyên Giáp ký

 cử ông Ngô Đình Nhu làm Giám đốc Nha Lưu trữ và Thư viện toàn quốc.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, nên ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh cử Ngô Đình Nhu làm Giám đốc Nha Lưu trữ công văn và Thư viện Quốc gia tại Hà Nội. Ông phục vụ cho ngành lưu trữ đến năm 1946.

Trước khi cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) kết thúc, người Pháp có đưa một khối lớn văn thư lưu trữ của Việt Nam về Pháp hiện đang lưu trữ tại nhiều nơi trên đất Pháp.

Trong thời gian sau khi Nhật đảo chính (9/3/1945) đến khi ký kết Hiệp định Genève (7/1954), các văn khố ở kinh đô Huế hầu như không người quản lý, không biết bao nhiêu văn bản hư mục, mất mát, đem bày bán làm giấy vấn thuốc rê đầy rẫy ở nhiều chợ trên đất kinh đô Huế[3].

Năm 1959, chính quyền VNCH thành lập Nha Giám đốc Văn khố và Thư viện toàn quốc trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục, cho chuyển tất cả châu bản, mộc bản, sách cổ và sách ngự lãm về Đà Lạt để bảo quản trong điều kiện khí hậu tốt hơn Huế.

Ngày 28-1-1973, Thủ tướng VNCH đã ban hành Sắc lệnh số 18-SL/QVK/VH cải danh Nha Văn khố và Thư viện quốc gia thành Nha Văn khố quốc gia.[4] Đến tháng 3/1975, để bảo đảm an toàn cho các tài liệu lưu trữ trước sức tiến quân ào ạt của Quân Giải phóng, các tài liệu châu bản, địa bạ, sách cổ, sách ngự lãm…  được gấp rút chuyển về Sài Gòn.

Sau năm 1975, đáp ứng yêu cầu thống nhất xây dựng và phát triển công tác văn thư lưu trữ, năm 1976, Nha Văn khố quốc gia thuộc Chính phủ VNCH bàn giao cho Sở Lưu trữ miền Nam (thuộc Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng) và ngay sau đó, Bộ Trưởng Phủ Thủ tướng thành lập kho Lưu trữ Trung ương II (thuộc Cục Lưu trữ) đặt tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đến năm 1991, để thống nhất quản lý các kho tư liệu trong phạm vi cả nước, các kho châu bản, địa bạ, sách cổ và sách ngự lãm ở Trung tâm Lưu trữ II đã chuyển ra Hà Nội giao cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia I để bảo quản và xử lý kỹ thuật.

Đối với hoạt động học tập, phổ biến kiến thức, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và cả kinh tế về Nam bộ, khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn và Địa bạ Nam kỳ có vai trò đặc biệt quan trọng, có thể nói nó mang tính quyết định chất lượng của công trình, nếu khối tài liệu này được khai thác đúng mức. Tuy nhiên, trong thời qua, do nhiều yếu tố khách quan tác động, khối tài liệu này chưa phát huy được tối đa giá trị của nó:

– Trước đây khối tài liệu này được lưu trữ bảo quản ở kinh đô Huế, từ 1959 đến 1991, chỉ trong 36 năm, phải trải qua 4 lần di chuyển.

– Sự thay đổi liên tục nơi tàng trữ, quản lý ảnh hưởng đến tuổi thọ số lượng và quá trình xử lý kỹ thuật chuyên môn lưu trữ đối với tài liệu lưu trữ.

– Ở mỗi nơi quản lý có cách xử lý kỹ thuật chuyên môn khác nhau, từ phân loại, ghi trích yếu, đánh mã số, xây dựng mục lục; việc này ảnh hưởng lớn đối với công tác sưu tầm nghiên cứu.

– Cách tiếp cận với khối tài liệu này còn quá nhiều hạn chế: trước hết là trong nước quá ít người biết chữ Hán, kế đến là nơi tàng trữ tài liệu quá xa với đối tượng nghiên cứu đi lại nhiều tốn kém, cuối cùng là thủ tục hành chính.

Chính vì vậy mà có một số công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, xã hội và con người Nam bộ có cái  nhìn lệch lạc méo mó, không thật như đối tượng vốn có.

Công trình nghiên cứu Địa bạ Nam kỳ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chỉ mang tính khái quát, nhưng cố giáo sư Phan Huy Lê đã đánh giá: “ Anh Nguyễn Đình Đầu đi đầu trong việc khai thác kho tư liệu (Địa bạ) cực kỳ phong phú này…Kết quả nghiên cứu của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu đặt lại một số vấn đề buộc các nhà khoa học phải kiểm tra lại nhận thức cũ của mình[5]. Giáo sư Trần Văn Giàu cũng nhận định: Thật vậy, công trình này sẽ khỏa lấp một phần, một phần đặc biệt quan trọng trong sự tìm hiểu đất nước và dân tộc Việt Nam[6].

Châu bản triều Nguyễn về cuộc kháng chiến chống Pháp tại Nam kỳ

Đối với khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn, đặc biệt là châu bản thời Tự Đức có nhiều châu bản liên quan đến công cuộc chống Pháp ở Nam kỳ; trước đây có rất ít nhà nghiên cứu, luận án sau đại học trong nước có điều kiện tiếp cận. Gần đây được sự tạo điều kiện thuận tiện của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, chúng tôi tiếp cận được kho tư liệu này và sơ bộ trích chọn ra được gần 200 châu bản thuộc loại này; qua đó giúp chúng ta có cái nhìn khác với trước đây về thái độ của nhà Nguyễn trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Ở đây chúng tôi xin giới thiệu ba trong số châu bản nói trên:

1. Châu bản liên quan đến Nguyễn Trung Trực – Hồ Huân Nghiệp:

Dịch nghĩa:

Chúng thần viện Cơ mật tâu: Ngày tháng 12 năm ngoái, nhận được phiến tấu của quan Điền Nông sứ Phan Trung, căn cứ thám báo gửi về sự trạng tử tiết của Hồ Huân Nghiệp và Nguyễn Trung Trực, đã tâu trình đầy đủ lên, vâng được châu phê: Xem xét lại cho rõ đầu đuôi sự trạng của 2 người đó, xuất thân từ đâu, từng làm quan chưa, theo người nào, làm việc gì, chết ngày nào mới có thể biết xứng đáng hay không, rồi tâu hết lên. Chúng thần đã lục giao thực hiện. Nay nhận được phúc của viên đó nói rằng, Hồ Huân Nghiệp, Nguyễn Trung Trực làm gì, chết ngày nào, thì hỏi các người Trung Nam đến nói không biết rõ. Xin chờ viên đó phái người do thám cho rõ xin sẽ phúc đáp.

thiendi2

Châu bản Tự Đức về truy lục sự trạng tử tiết của Nguyễn Trung Trực, Hồ Huân Nghiệp.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

2. Châu bản liên quan đến Võ Duy Dương:

thiendi3

Châu bản Tự Đức về truy xét công trạng và thưởng cho thân nhân Thiên hộ Võ Duy Dương

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Dịch nghĩa:

Viện Cơ Mật tấu: Ngày mùng 4 tháng trước, tiếp nhận 1 bản mật phúc của Thự Tổng đốc Bình Phú là Thân Văn Nhiếp đã kính cẩn dâng lên. Vâng xét: Ngày tháng 5 năm nay, viện thần vâng làm tờ phiến liệt kê công trạng người miền Nam xin cho thưởng, có ghi kèm: Võ Duy Dương quê huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định, xin mật tư về tỉnh ấy dò hỏi viên này có con cháu hay không, phúc trình đầy đủ để xét thưởng. Theo tờ tư của viên Đốc thần tỉnh ấy ghi: Người anh ruột của Dương là Võ Hữu Biểu, Võ Duy Tân khai rõ rằng em ruột của y là Võ Duy Dương cũng lần lượt theo làm việc quân. Lại tỉnh ấy đã cấp cho mẹ già (hiện nay 71 tuổi) mỗi tháng 1 phương gạo và 5 quan tiền. Vợ cả của Dương sinh 1 con trai là Võ Duy Cung (hiện nay 11 tuổi), vợ lẽ sinh 1 con trai là Võ Duy Phụng (hiện nay 13 tuổi). Viên Đốc thần ấy lại đem những người chết vì việc nghĩa đã dò hỏi được từ Nguyễn Quang đến Nguyễn Thị Diệu gồm 38 người, liệt kê phía sau. Trong bản sách này Võ Duy Dương được đề nghị xét công đầu truy thọ Quản cơ chánh tứ phẩm. Hai con còn nhỏ của ông ta xin được ghi tên đợi sau này trưởng thành sẽ do quan địa phương sở tại tâu xin được tập ấm. Lại từ Võ Duy Dương và Nguyễn Quang gồm 39 người, xin được theo phê bảo cho lập 1 đàn tế tự để an ủi vong linh người đã mất. Khoản này nếu được chuẩn y, xin để tỉnh thần Khánh Hòa chi xuất tiền công, mua sắm lễ, cùng với Phan Trung chọn ngày soạn bài văn lập đàn tế tự.

 Châu phê: “Nay nhân tế tặng quan viên, truyền chọn ngày sắm đủ lễ phẩm, dùng lễ nghi trọng hậu tế những người tuẫn nghĩa ở Nam Kỳ.”…

3. Châu bản liên quan đến Lê Chất:

thiendi4

Tờ kê khai hành trạng của Lê Chất-Châu bản Tự Đức

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Dịch nghĩa:

Nguyên coi toán lính chiến tâm, tỉnh Định Tường được thưởng thụ Chánh đội trưởng suất đội, quyền sung quản toán là Lê Văn Chất bẩm rằng: viên ấy trước đây ở phủ Tân An, tỉnh Gia Định. Năm tự Đức thứ 13 (1860), Gia Định hữu sự, y được quan lãnh tỉnh Định Tường cấp bằng ra sức chiêu mộ được 50 người khỏe mạnh lập thành một đội theo tỉnh sai phái đánh dẹp giặc, được theo lệ thưởng thụ Chánh lục phẩm suất đội, lãnh một đạo sắc văn. Khi tỉnh ấy không giữ được, y lưu lạc trong dân, ngầm về chiêu tập đội cũ chứ không nản chí. Viên ấy đổi tên là Lê Văn Xán theo tỉnh Hà Tiên sai phái. Nay thừa lịnh kê khai.

Ngày mùng 4 tháng 2 năm Tự Đức thứ 19 (1866)

Lê Văn Chất ký                                            

Viên chép tờ khai ký

Trên đây là mấy nét về hành trình thiên di của khối tư liệu lưu trữ Châu bản triều Nguyễn và Địa bạ triều Nguyễn từ năm 1959 đến nay cùng vài nhận định sơ bộ về giá trị của khối tư liệu lưu trữ được xem là di sản dân tộc và nhân loại.

Với chủ trương đưa tư liệu lưu trữ ra công chúng, để phát huy các giá trị tài liệu của Cục Văn thư và Lưu trữ hiện nay, các sinh viên sau đại học, các nhà nghiên cứu sẽ có điều kiện tiếp cận các khối tài liệu đồ sộ trong các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, nhất là khối tư liệu Châu bản và Địa bạ triều Nguyễn; hy vọng trong tương lai gần, trong nước sẽ xuất hiện các công trình luận án tiến sĩ ngang tầm với các tác phẩm của Li Tiana, Yoshihara Tsuboi, Choi Byung Wook…

Văn hóa Việt Nam là văn hóa chữ Hán, với di sản Hán Nôm đồ sộ trong các kho lưu trữ, bị gãy khúc bởi cuộc xâm lăng và thống trị của thực dân Pháp cùng với sự xuất hiện chữ Pháp và chữ “quốc ngữ Latin”. Sự gãy khúc này có nguy cơ đứt đoạn, nếu chúng ta không kịp thời đưa chữ Hán vào chương trình giáo dục phổ thông, như ở Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nay. Thậm chí ngay cả khi người Pháp còn thống trị nước ta, họ cũng không quên đào tạo đội ngũ chuyên viên am tường chữ Hán ở bậc Đại học hay trên nữa. Như vậy, chúng ta mới có chìa khóa mở được kho tàng di sản văn hóa do tiền nhân lưu lại.

 

Nguyễn Hữu Hiếu

Nguyễn Thanh Thuận

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp

[1]Bộ Nội Vụ (2017), Giới thiệu Cục Văn thư & Lưu trữ Nhà nước, Hà Nội

[2]Ông sinh năm 1910 tại xa Phước Qua, tổng Cự Chánh, (nay thuộc huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế). Là con trai của Ngô Đình Khả, Thượng thư Bộ Lễ dưới triều vua Thành Thái. Sang Paris theo học tại trường Cổ tự học Quốc gia (Ecole Nationale des Chartes), năm 1938 ông về nước, ông được bổ nhiệm Lưu trữ viên – Cổ tự tại Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương ở Hà Nội.

[3]Nguyễn Đình Đầu (1994) Tổng kết nghiên cứu Địa bạ Nam kỳ, Nxb Tp.HCM, tr.39.

[4]Nghiêm Ky Hồng Khái quát về Lưu trữ Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975)

http://luutru.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=77df671b-b67c-404a-bc75-e7fa1867def8

[5]Nguyễn Đình Đầu (1994), Sđd, 12.

[6]nt

Nguồn, Trung tâm lưu trữ quốc gia I, ngày 16.8.2018.

Năm 1998, Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Viễn đông Bác cổ Pháp đã xuất bản tập sách Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 1: Từ Bắc thuộc đến triều Lý. Đây là tập sách đầu tiên tập hợp, hệ thống toàn bộ 27 bài minh văn được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, mở đầu là văn bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn niên đại Tùy Đại Nghiệp thứ 14 (618) và cuối cùng là bia Trăn Tân từ tích với niên đại đoán định trong khoảng thời gian cuối đời Lý (1175-1225). Trong 27 bài minh văn này, có 18 minh văn mang niên đại thời Lý. Từ khi sách xuất bản đến nay, đã phát hiện thêm một số văn khắc có niên đại nhà Lý và sớm hơn tại các địa phương như: Bắc Ninh với bia niên đại nhà Tùy, bia Lý được phát hiện thêm tại Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa và gần đây nhất là tại Nghệ An do đoàn sưu tầm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm mới in dập về. Điểm qua như vậy để thấy rằng, các tư liệu văn khắc Hán Nôm trên chất liệu đá hoặc đồng có niên đại sớm từ thời Lý - Trần ngược trở lên đến thời kỳ Bắc thuộc có thể vẫn còn tồn tại nhưng chưa được phát lộ và chúng sẽ được cập nhật bổ sung trong quá trình khảo cứu, sưu tầm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng như các nhà nghiên cứu tại địa phương. Trở lại với các văn khắc Hán Nôm thời Lý hiện được công bố trong tập sách nói trên cũng như mới phát hiện thời kỳ gần đây, chúng tôi có một số nhận xét sau.

A. Về văn bản văn khắc Hán Nôm thời Lý

Theo sách Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 1: Từ Bắc thuộc đến triều Lý có 18 văn bản thời Lý. Chúng tôi lấy bộ sách này làm bản chuẩn để khảo cứu về văn khắc Hán Nôm thời Lý vì lần đầu tiên các bài minh văn từ thời Lý được công bố ảnh chụp bia đá, thác bản và chế bản vi tính kèm theo những chú thích rất cẩn thận. Ngoài ra chúng tôi có cập nhật thêm một số thông tin mới phát hiện hoặc công bố sau khi tập sách trên được xuất bản. Dưới đây là tóm lược các văn bản.

1. A Di Đà Phật tụng 阿彌陀佛頌, đây là văn bản khắc trên bệ tượng Phật chùa Hoàng Kim hay còn gọi là chùa Một Mái xã Hoàng Ngô huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây cũ. Văn bản được khắc ngay sau khi tạc pho tượng A Di Đà vào năm Hội Phong thứ 8 (1099).

2. An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký 安穫山報恩寺碑記,văn bản được khắc trên bia chùa Báo Ân núi An Hoạch huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa. Văn bia do Chu Văn Thường giữ chức Thự hiệu Thư lang quản câu Ngự phủ, Đồng trung thư viện biên tu kiêm chức Thái thú quận Cửu Chân soạn. Văn bản không ghi niên đại nhưng được đoán định khắc sau năm 1110 tức là sau năm dựng chùa không lâu.

20200403 4

Bia chùa Báo Ân tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia - Nguồn: http://baotanglichsu.vn/

3. Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi 保寧崇 福寺碑,văn bản được khắc trên bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc ở xã An Nguyên huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang. Văn bia do Lý Thừa Ân, chức Triều liệt đại phu Đông thượng cáp môn sứ, Thượng thư Viên ngoại lang, tứ Tử Ngư đại soạn. Văn bản không ghi niên đại nhưng cũng được đoán định là được khắc sau khi xây chùa năm 1107.

4. Thiên Phúc tự hồng chung minh văn 天福寺洪鍾銘文,là văn bản khắc trên chuông chùa Thiên Phúc núi Phật Tích xã Thụy Khuê huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây cũ. Minh văn do Sa môn Thích Huệ Hưng soạn vào ngày mồng 9 tháng 8 năm Long Phù Nguyên Hóa thứ 9 (5/9/1109). Minh văn nay không còn, không có thác bản mà chỉ dựa trên sách Kim văn loại tụ hiện lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

5. Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh 崇嚴延聖寺碑銘,văn bản được khắc trên bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh tại xã Thọ Hạc tỉnh Thanh Hóa. Văn bia do Đại sư Hải Chiếu tự là Pháp Bảo soạn vào ngày 19 tháng 10 năm Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (3/12/1118).

6. Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp 大越國李 家弟四帝崇善延靈塔碑,văn bản khắc trên bia chùa Long Đọi thôn Đọi Sơn huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam. Văn bia do Thượng thư Bộ Hình là Nguyễn Công Bật soạn, Lý Bảo Cung vâng sắc viết chữ. Bia được dựng vào ngày 6 tháng 7 năm thứ 2 Thiên Phù Duệ Vũ (20 tháng 8 năm 1121).

7. Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh 乾尼香嚴寺碑銘,văn bản được khắc trên bia chùa Hương Nghiêm thôn Diên Hào huyện Lôi Dương nay là xã Thiệu Trung huyện Thiệu Hóa tỉnh Thanh Hóa. Văn bia không ghi người soạn nhưng theo khảo cứu của Hoàng Xuân Hãn thì tác giả bài văn bia này có lẽ là nhà sư Hải Chiếu. Bia được dựng ngày mồng 4 tháng 12 năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 5 (ngày 10 tháng 1 năm 1125), nhưng văn bia được khắc lại vào mùa đông năm Bảo Thái thứ 7 (1726).

8. Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh 仰山靈稱寺碑銘,văn bản được khắc trên bia chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng ở xã Ngọ Xá phủ Hà Trung tỉnh Thanh Hóa. Văn bia do Đại sư Hải Chiếu soạn, Thông phán Lý Doãn Từ viết chữ, sư Huệ Thống khắc chữ. Bia được dựng ngày mồng 3 tháng 3 năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 7 (28/3/1205).

9. Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh 古越村延福寺碑銘,văn bản khắc trên bia chùa Diên Phúc thôn Cảnh Lâm xã Tân Việt huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên. Văn bia do Công Diếm soạn. Bia không ghi năm dựng nhưng được đoán định được dựng sau năm Đại Định thứ 18 (1157) là năm dựng chùa.

10. Cự Việt quốc Thái úy Lý công thạch bi tịnh tự 鉅越國太尉李公石碑 銘序, văn bia được tìm thấy ở thôn An Lạc xã Trưng Trắc huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên. Bia được dựng cho Thái úy Lý công Đỗ Anh Vũ sau khi ông mất. Văn bia không ghi người soạn và năm dựng bia nhưng được đoán định là được soạn sau khi Đỗ Anh Vũ mất (ngày 20 tháng Thái thốc năm Mậu Dần niên hiệu Đại Định tức 9/2/1159). Hiện nay bia và thác bản văn bia đều không còn, bài văn bia dựa trên bản sao chép của Hoàng Xuân Hãn.

11. Hoàng Việt Thái phó Lưu quân mộ chí 皇越太傅劉君墓誌, đây là bia mộ chí của Thái phó Lưu Khánh Đàm tại xã Lưu Xá huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình. Văn bia không ghi người soạn và niên đại nhưng căn cứ theo nội dung thì niên đại đoán định là được dựng vào năm 1161, tức là năm Thái phó Lưu Khánh Đàm mất. Theo Văn khắc Hán Nôm Việt Nam từ Bắc thuộc đến thời Lý thì hiện nay văn bia không còn, thác bản cũng không có. Văn bản tuyển chọn trong bộ sách trên được sao chép lại từ văn bản do Lý trưởng Trần Văn Chuyển và hào mục xã Lưu Xá sao chép lại, bản sao chép ấy hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Tuy nhiên chỉ sau khi bộ sách Văn khắc Hán Nôm Việt Nam từ Bắc thuộc đến thời Lý được xuất bản vài năm thì văn bia này được phát hiện tại chính quê hương của Lưu Khánh Đàm. Theo Lâm Giang, trên Tạp chí Hán Nôm số 4/2000, bia mộ của Thái phó Lưu Khánh Đàm được phát hiện tại giữa lăng mộ của Lưu Khánh Đàm ở thôn Lưu Xá, xã Canh Tân huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình. Đây là bia cổ còn được giữ nguyên chưa bị khắc lại(1).

12. Đại Chu Ma sơn áng Đại Quang Thánh nham bi 大朱摩山盎大光聖岩碑, đây là bia ma nhai ở cửa động Am Tiên xã Trường Yên huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Văn bia do Đại sư Bồ Đề soạn vào năm Chính Long Bảo Ứng thứ 4 (1166).

13. Phụng Thánh phu nhân Lê thị chi mộ chí 奉聖夫人黎氏之墓誌,bia tìm thấy tại chùa Diên Linh Phúc Thánh gần xã Hương Nộn huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Phúc, do một vị Quốc sử không ghi tên soạn. Bia không ghi năm tạo dựng nhưng căn cứ theo nội dung văn bia thì niên đại đoán định là sau năm Chính Long Bảo Ứng thứ 11 (1174). Tuy nhiên đây không phải là bia gốc mà đã bị khắc lại, có thể vào giai đoạn Lê Trung hưng hoặc Nguyễn.

14. Bảo Chưởng Thái bà mộ chí 寶掌太婆墓誌,đây là bia mộ được tìm thấy ở xã Hòa Chúng huyện Quảng Xương (nay thuộc huyện Tĩnh Gia) tỉnh Thanh Hóa. Bia không ghi tên người soạn và năm soạn nhưng căn cứ vào niên đại ghi năm mất của chủ nhân mộ chí là năm Đinh Mão Trị Bình Long Ứng thứ 3 (1207) có thể đoán định bia được khắc và dựng vào tháng 8 hoặc tháng 9 năm 1207. Bia còn giữ nguyên văn bản gốc.

15. Viên Quang tự bi minh, 圓光寺 碑銘,văn bản được khắc trên bia chùa Viên Quang thôn Hộ Xá xã Xuân Nghĩa huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định. Văn bia do Dĩnh Đạt soạn, không ghi năm soạn. Nhưng căn cứ theo các sự kiện được phản ánh trong văn bia thì có thể đoán định văn bia được soạn vào thời Lý Cao Tông (1175-1210). Văn bia được đời sau khắc lại.

16. Báo Ân thiền tự bi ký 報恩禪寺 碑記,văn bản được khắc trên bia chùa Báo Ân xã Tháp Miếu tổng Bạch Trữ huyện Yên Lãng nay thuộc huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc cũ. Văn bia do Trấn ty Viên Ngoại lang Ngụy Tự Hiền soạn. Bia dựng vào tháng 12 năm Trị Bình Long Ứng thứ 5 (1210). Bia được khắc lại sau này.

17. Chúc Thánh Báo Ân tự bi 祝聖 報恩寺碑, văn bản khắc trên bia chùa Chúc Thánh Báo Ân, hiên nay bia dựng tại sân nhà thờ Đỗ Thế Diên thôn Thanh Xá xã Nghĩa Hiệp huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên. Bia do Triều liệt đại phu triều Lý là Đỗ Thế Diên dựng nhưng không ghi năm tạo dựng. Dựa vào những sự kiện nêu trong văn bia để đoán định niên đại tương đối của văn bản trong khoảng thời gian từ 1185-1214. Văn bia còn giữ nguyên bản gốc.

18. Trăn Tân từ tích 溱津祠跡,bia đặt tại đền Trăn Tân xã Phú Thọ huyện Lang Tài tỉnh Bắc Ninh. Văn bia không ghi tên người soạn và năm soạn. Niên đại tương đối của văn bia được đoán định dựng vào cuối thời Lý (1175-1225), nhưng bia này được khắc lại trong khoảng thời gian từ 1427-1527.

Ngoài 18 đơn vị văn khắc thời Lý vừa nêu trên được đưa vào bộ sách Văn khắc Hán Nôm Việt Nam tập 1 (sdd), hiện nay tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ 3 văn bản thời Lý mới được phát hiện. Văn bản thứ nhất là tấm bia Hoàng Việt Thái phó Lưu quân mộ chí viết về Thái phó Lưu Khánh Đàm mà chúng tôi vừa nêu ở trên. Văn bia này được phát hiện do Lâm Giang, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đi sưu tầm tư liệu tại huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình. Bia đá vẫn còn nguyên vẹn tại khu mộ của Lưu Khánh Đàm. Thác bản văn bia này đã bổ sung cho bài văn bia được ghi lại trong Văn khắc Hán Nôm Việt Nam tập 1. Văn bản thứ hai là bia Minh Tịnh tự bi văn 明凈寺碑文,được phát hiện tại nghè thôn Tế Độ xã Hoằng Phúc huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa. Bia dựng ngày 15 tháng 2 năm Canh Ngọ niên hiệu Quảng Hựu thứ 6 (1090). Văn bia do Sa di Bạch Liên hiệu Thiện Giác soạn, Thiền sư Thích Nghĩa Thường viết chữ, thợ đá Tô Diên Thái tạc bia, Hoàng Bí, Hoàng Thiều dựng bia, Đồng tri trại Thanh Hóa, Nội điện Sùng ban là Hoàng Thừa Nhĩ phụ giúp dựng bia. Bia do Phạm Văn Thắm phát hiện và giới thiệu trên Thông báo Hán Nôm học năm 2000 và Tạp chí Hán Nôm số 5/2003(2).

Văn bản thứ ba được phát hiện tại chùa trong động thôn Phong Phú xã Ninh Giang huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Đây là bia ma nhai không có tiêu đề được khắc vào vách hang. Văn bia được khắc vào năm Bính Ngọ niên hiệu Kiến Gia (1211-1224). Tuy nhiên khi đối chiếu với niên biểu Việt Nam thì chúng tôi không thấy có năm Bính Ngọ trong niên hiệu Kiến Gia. Theo tác giả Trần Thị Tiệp trong Thông báo Hán Nôm học năm 2003, thì có lẽ là niên đại bị khắc nhầm từ Nhâm Ngọ thành Bính Ngọ(3) và niên đại của văn bản được suy đoán là năm Kiến Gia Nhâm Ngọ (1222). Văn bia này hiện cũng đã có thác bản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Văn bản thứ tư chúng tôi muốn đề cập ở đây là văn bia Cự Việt An Thái tự bi 鉅越安泰寺碑không ghi niên đại nhưng ngay dòng đầu tiên của văn bia đã ghi là Anh Tông năm thứ 4 như là cách vào đề của một câu chuyện. Vì bia mới được nhập kho chưa có điều kiện khảo cứu nhưng với tên bia là Cự Việt An Thái tự bi thì chúng tôi nghiêng về đây là niên đại Anh Tông nhà Lý hơn là Anh Tông nhà Trần. Bởi tên Cự Việt đã xuất hiện trên bia thời Lý với phong cách kiểu chữ Triện và điều này cũng lặp lại trên bia mới được sưu tầm về từ chùa Yên Thái xã Sơn Hải huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Văn bia này do nhóm sưu tầm của Vũ Việt Bằng, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đi in dập. Về kiểu dáng và hình thức trên bia gồm chữ viết, trang trí hoa văn đã cho người đọc cảm nhận rất rõ đây là bia có niên đại sớm. Theo quan sát ban đầu thì bia bị mờ chữ nhiều nhưng nếu cố gắng để khôi phục văn bản thì vẫn có thể đọc được nội dung, đặc biệt chữ trên trán bia, hoa văn trang trí xung quanh mang đậm dấu ấn văn bia thời Lý. Hy vọng khi có điều kiện khảo cứu kỹ sẽ cho biết những thông tin cụ thể được phản ánh trên bia. Với văn bia này, theo chúng tôi, bản đồ phân bố văn khắc Hán Nôm thời Lý đã kéo dài đến Nghệ An một vùng biên viễn phía nam của Đại Việt bấy giờ.

B. Một số đặc điểm của văn khắc Hán Nôm thời Lý

-Hầu hết các bài minh văn thời Lý đều khắc trên đá, chỉ có một văn bản khắc trên chuông đồng. Tuy vậy vẫn cho thấy có thể đã từng có nhiều văn bản khắc trên đồng nhưng do chất liệu đồng quý hơn đá gấp nhiều lần,lại có thể sử dụng đồng trong nhiều lĩnh vực khác nên chuông, khánh đồng dần dần bị mất mát hoặc bị sung để đúc tiền. Chính bài minh văn niên đại Cảnh Thịnh trên chuông chùa Thày ở Quốc Oai, Hà Tây cũ đã cho biết quả chuông đúc năm Long Phù Nguyên Hóa thứ 9 (1109) đã tồn tại đến năm 1789 mới bị phá đi để đúc tiền(4).

-Có 19/21 văn bia hiện vẫn còn trên bia đá dù có những văn bia đã được khắc lại sau này, 13/21 văn bản là bản gốc, số còn lại được khắc lại về sau, riêng văn bản khắc trên chuông và văn bia về Đỗ Anh Vũ chỉ dựa vào tài liệu chép tay.

-Các văn bản này chủ yếu được tạo dựng và lưu giữ tại các ngôi chùa, có đến 13/21 văn bản thuộc loại này. Tiếp đến là số văn bản được tạo dựng tại lăng mộ, có 5/21 văn bản. Bia ma nhai có 2 văn bản, tại đền có 1 văn bản.

- Niên đại của văn khắc thời Lý có một vài điều đáng lưu ý. Có tới 10/21 văn bản không ghi niên đại và niên đại được đoán định thông qua những sự kiện được nêu trong văn bản. Do vậy đây chỉ là niên đại tương đối. Số văn bản có ghi niên đại chính xác chỉ chiếm ½ trong tổng số văn khắc Hán Nôm thời Lý.

-Về các tác giả soạn các bài minh văn hoặc những người tham gia tạo dựng văn bản văn khắc Hán Nôm thời Lý có mấy điểm lưu ý. Đó là chỉ có 12/20 văn bản ghi người soạn, trong đó các nhà sư soạn 6 văn bản, riêng Đại sư Hải Chiếu đã soạn 3 văn bia ở Thanh Hóa, chứng tỏ các nhà sư bấy giờ có vai trò rất lớn trong xã hội, có một trình độ Hán học uyên thâm nên họ được mời soạn các bài minh văn truyền hậu thế. Bên cạnh đó có một đặc điểm mà văn bia thời sau ít đề cập, đó là ghi tên những người dựng bia bên cạnh tên người soạn, người viết chữ, thợ khắc đá. Bia trên chùa Minh Tĩnh còn ghi cả tên hai người dựng bia và người phụ giúp dựng bia, có thể hiểu đây là những người đã đóng góp đá để tạc bia chăng?

-Trong số 21 đơn vị văn khắc thời Lý được phân bố ở các địa phương sau: Thanh Hóa 6 văn bản, Nghệ An 1 văn bản, Hưng Yên 3 văn bản, Hà Tây cũ 2 văn bản, Ninh Bình 2 văn bản, Hà Nam 1 văn bản, Nam Định 1 văn bản, Bắc Ninh 1 văn bản, Phú Thọ 1 văn bản, Vĩnh Phúc cũ 1 văn bản, Tuyên Quang 1 văn bản. Như vậy văn khắc thời Lý có mặt tại 11 tỉnh. Nếu tính theo địa danh Hà Nội mới thì chỉ còn 10 tỉnh. Thanh Hóa là một trong hai địa danh xa nhất nhưng lại có nhiều văn bản nhất. Có thể nguyên nhân chính để số văn khắc tại Thanh Hóa còn lại do ý thức gìn giữ của nhân dân địa phương, nhưng cũng không loại trừ do chính Thanh Hóa là vùng đất phên dậu ở phương Nam của Đại Việt nên việc dựng bia cũng được chú trọng nhiều hơn chăng? Và khi chiến tranh nổ ra, Thanh Hóa ở xa Thăng Long nên cũng tránh được nhiều sự phá hoại. Kinh thành Thăng Long là chốn định đô của nhà Lý nhưng lại không lưu giữ được bài minh văn nào. Có thể trong các cuộc nội chiến cũng như ngoại xâm, Thăng Long đã phải gánh chịu nhiều hơn cả nên những di văn quý hiếm đã bị tàn phá hoặc cướp bóc mang đi. Vùng tứ trấn của Thăng Long đều có sự hiện diện của văn khắc thời Lý. Đặc biệt riêng huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên có đến 2 văn bản và 2 văn bản ấy hiện vẫn đang được lưu giữ nguyên vẹn trên bia đá. Có thể do chủ nhân của những tấm bia ở đây là những nhân vật có công lao với triều đình nhà Lý, là những người có quyền lực nên văn bia viết về họ được gia tộc và địa phương gìn giữ.

-Tất cả số văn bia thời Lý còn lại đến nay đều là những văn bản ghi về những con người có lai lịch, đóng góp cụ thể, chỉ duy nhất một văn bản ghi về thần tích. Không có những văn bia thời Lý phản ánh các sinh hoạt của cộng đồng làng xã như văn bia từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX. Do vậy có thể nói văn bia thời Lý chỉ ghi lại những sự kiện liên quan đến một cá nhân hoặc rộng hơn là dòng họ nhưng là những cá nhân có những vị trí cao trong xã hội hoặc là dòng họ có quyền thế.

- Nội dung văn khắc thời Lý tập trung chủ yếu vào những sự việc, sự kiện liên quan đến Phật giáo. Trong đó nổi bật lên là ca tụng những người đã đứng ra hưng công xây dựng chùa. Có thể kể đến vai trò của Thái úy Lý Thường Kiệt trong việc xây dựng chùa Báo Ân và chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng ở Thanh Hóa, vua Lý Nhân Tông trong quá trình xây dựng chùa Sùng Thiện Diên Linh ở Hà Nam, vua Lý Thánh Tông xây dựng chùa Viên Minh ở Nam Định hoặc ca ngợi Hà Dĩ Khánh là người đã đứng ra xây dựng chùa Bảo Ninh Sùng Phúc ở Tuyên Quang, ca tụng công đức của những người tu bổ chùa Hương Nghiêm núi Càn Ny, ca ngợi những vị Hòa thượng đã xây dựng chùa trong các hang động ở Hoa Lư Ninh Bình như vị Hòa thượng đến mở chùa Phật tại Chu Ma Sơn Áng, Trường Yên, ca ngợi những tín chủ xây dựng chùa Báo Ân ở Vĩnh Phúc... Văn bia còn cho biết chi tiết về sư Trì Bát là nhà sư thuộc hệ thứ 12 dòng thiền Tì ni đa lưu chi trên bệ tượng Phật A Di Đà chùa Hoàng Kim.

Những triết lý tông chỉ từ bi độ thế của Phật giáo được đề cập trong văn bia chùa Chúc Thánh Báo Ân hay ca ngợi sự huyền diệu của đạo Phật trong bia chùa Báo Ân núi An Hoạch cho thấy Phật giáo thời Lý rất hưng thịnh và thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, trong đó nổi rõ vai trò của những người có thế lực đối với Phật giáo. Bài văn bia khắc trên bia chùa Minh Tịnh ở Thanh Hóa cho biết người đứng ra khởi xướng việc xây chùa là vị Quyền Tri trại Thanh Hóa, Sùng Nghi sứ Hoàng Khánh Văn, thế nhưng khi chùa xây xong thì ông lại không còn. Một trợ thủ đắc lực khác đã giúp ông hoàn thành sứ mệnh là Đồng Tri trại Thanh Hóa, Nội điện Sùng ban Hoàng Thừa Nhĩ. Như vậy, cho thấy việc đứng ra khởi dựng chùa là người có quyền thế lúc bấy giờ. Văn bia cũng cho biết khi xây dựng chùa Minh Tịnh trên nền chùa cũ thì “cỏ tốt ngập trời, nền chùa đổ nát, ông (tức Hoàng Khánh Văn) đã cho người phát chặt cỏ cây, thu dọn gai góc, kẻ tìm cây, kẻ đẵn gỗ, gỗ quý được chuyển về. Rồi tập hợp thợ nề, thợ mộc dựng lại chùa, công việc chẳng mấy chốc hoàn thành. Ngôi chùa như tòa long cung nguy nga sừng sững trên mặt đất, các đấu trụ tựa sao trời, vì kèo như vầng trăng treo. Bậc thánh sắc vẻ tôn nghiêm hiện trên đài sen, tượng A Di Đà sơn son rực rỡ, lại đặt thêm đài nghê tòa sư tử...”(5).

Văn bia thời Lý cũng cung cấp những thông tin chính xác về những nhân vật có vai trò quan trọng trong sự phát triển của vương triều Lý như vua Lý Nhân Tông, Thái úy Lý Thường Kiệt, Thái úy Đỗ Anh Vũ, Thái phó Lưu Khánh Đàm, dòng họ Hà ở châu Vị Long nay là huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang. Văn bia mộ của Phụng Thánh phu nhân cho biết về đời sống của phụ nữ tầng lớp quý tộc thời Lý. Minh văn trên chuông chùa Thiên Phúc, chùa Thày lại ca ngợi Phật pháp cao siêu và công đức vô lường của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Bia Sùng Nghiêm Diên Thánh ca ngợi Thông phán quận Cửu Chân họ Chu là người đã động viên nhân dân xây dựng nên chùa này.

Bia Hoàng Việt Thái phó Lưu quân mộ chí cho biết Thái phó Lưu Khánh Đàm có quê gốc ở quận Cửu Chân, sau mới dời đến xã Lưu Xá phủ Long Hưng. Ông đã theo hầu ba vua là Nhân Tông, Thần Tông và Anh Tông. Ông là người nhận di chiếu phò tá Thần Tông Dương Hoán lên ngôi Hoàng đế. Ông làm quan với các chức: Quang lộc đại phu, Suy thành tá lý công thần, Nhập Nội thị sảnh đô Đô tri Tiết độ sứ, Đồng tam ty bình chương sự, Thượng trụ quốc Khai Quốc công.

Liên quan đến những sự kiện lịch sử về việc nhà Lý có chủ trương gả con gái cho các hào mục ở các miền biên giới xa xôi để thắt chặt các mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và các địa phương, văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi đã phản ánh dòng họ Hà ở châu Vị Long trải 13 đời đều giữ chức Thái thú châu Vị Long. Người thuộc đời thứ 10 của dòng họ này đã được vua Lý Thái Tổ gả công chúa thứ 3 cho, nhân sự kiện này ông được ban chức Hữu Đại liêu ban. Nhân vật chính của văn bia này là Hà Di Khánh đã được cưới công chúa Khâm Thánh lúc mới 9 tuổi. Ông được vua mời về kinh để gả em gái cho và sau đó được lãnh chức Tả Đại liêu ban. Văn bia còn cho biết thêm một sự kiện là thân phụ của Hà Di Khánh đã cầm quân sang đáng Ung Châu kết hợp với Lý Thường Kiệt cùng tiến đánh Ung Châu. Vì chiến công ấy, thân phụ của ông được ban chức Hữu Đại liêu ban, Đoàn luyện sứ. Hoặc văn bia chùa Báo Ân núi An Hoạch Thanh Hóa đã kể lại rõ ràng về sự nghiệp của Lý Thường Kiệt: ông từng đem quân dẹp loạn Chiêm Thành ở phía tây, đánh lui quân Tống ở phía bắc, cai quản trấn Thanh Hóa 19 năm... Ông đứng ra chọn đất dựng chùa Báo Ân núi An Hoạch v.v…

Như vậy, với số lượng văn khắc còn lại quá ít so với sự tồn tại của vương triều Lý, nhưng những giá trị của nó thật sự rất quan trọng trong việc tìm hiểu và đánh giá về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của nhà Lý trong suốt 215 năm trị vì. Đây là những văn bản gốc duy nhất của thời Lý còn lại với chúng ta ngày nay, vì thế nó sẽ cung cấp những thông tin xác thực về thời đại đó mà không có bất cứ loại hình văn bản nào có thể so sánh được.

PGS.TS. Phạm Thị Thùy Vinh

Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Chú thích:

(1) Xem Lâm Giang: Tấm bia thời Lý viết về Lưu Khánh Đàm, trong Tạp chí Hán Nôm số 4/2000.

(2) (5) Xem Phạm Văn Thắm Tấm bia thời Lý tại huyện Hoằng Hóa, trong Tạp chí Hán Nôm số 5/2003.

(3) Xem Trần Thị Tiệp: Về tấm bia Kiến Gia thời Lý ở Ninh Bình, trong Thông báo Hán Nôm học 2003.

(4) Xem Thùy Vinh: Về hai quả chuông Tây Sơn tại chùa Thày Hà Sơn Bình, trong Tạp chí Hán Nôm số 2/1987./.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 6 (121), 2013, tr.43-50, phiên bản trực tuyến ngày 28.12.2014.

Hà Thị Tuệ Thành

Khoa Ngôn ngữ học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN

Báo cáo trình bày một số tư liệu xung quanh bài thơ “Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường...”, một bài thơ không có đề mục, thường được in đầu các bản Truyện Kiều Nôm cổ. Trong các tư liệu được trình bày, bài báo chủ yếu tập trung phân tích một tư liệu mới liên quan đến bài thơ này: bản Lập Trai Phạm tiên sinh thi tập, kí hiệu A-400, thư viện Viện Hán Nôm. Cùng với tư liệu A-2140 (Lập trai tiên sinh di thi tục tập) đã được nghiên cứu Vũ Thế Khôi phát hiện, bản A-400 sẽ góp thêm những cứ liệu cho phép xác định tên gọi và xuất xứ của bài thơ, qua đó cung cấp thêm một bằng chứng ủng hộ giả thuyết: Truyện Kiều được sáng tác trước khi Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc (1813-1814) trở về.

            Trong đa số các bản Kiều Nôm cổ, phần mở đầu thường có một bài thơ bắt đầu bằng câu: “Giai nhân  bất thị đáo Tiền Đường”. Bài thơ không được ghi rõ đề mục nên cho tới nay, xung quanh bài thơ, chúng tôi thấy nổi lên một số vấn đề như:

  • Tên gọi của bài thơ vốn là thế nào?
  • Hoàn cảnh sáng tác của bài thơ và ý nghĩa của bài thơ đối với vấn đề xác định thời điểm sáng tác Truyện Kiều.

Dưới đây chúng tôi xin trình bày ngắn gọn một số tư liệu mà chúng tôi có được về các vấn đề này.

1. Về tên gọi của bài thơ:

               

                1.1. Như đã giới thiệu ở trên, các văn bản Truyện Kiều cổ thường không ghi rõ đề mục của bài thơ “ Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường …” :

- Bản Duy Minh Thị/1872 chỉ ghi Hoa Đường Phạm tiên sinh soạn rồi sau đó khắc bài thơ.

- Bốn bản: Liễu Văn Đường/1866,1871, Quan Văn Đường/1879, Thịnh Mĩ Đường/1879 thì ghi hai chữ Thi vân rồi khắc bài thơ; cuối bài thơ mới đến dòng Lương Đường Phạm tiên sinh soạn.

- Bản Abel des Michels/1884 thì có hai nét đặc biệt là: a) ở bản Nôm có ghi Thi vân như các bản miền Bắc nhưng để hai chữ Hoa Đường như ở bản Duy Minh Thị/1872 ; b) ở bản Pháp văn thì giới thiệu đây là Bài tựa bằng thơ chữ Hán của giáo sư Hoa Đàng Phàm (Préface en vers Chinois du professeur Hoa Đàng Phàm) [1]

- Bản Nọa Phu/1870 không dùng Thi vân như các bản miền Bắc nhưng cuối bài thơ ghi một dòng dài hơn bình thường: Lê triều tiến sĩ Lương Đường Phạm Lập Trai đề.

- Đến bản Kiều Oánh Mậu/1902 thì thay Thi vân bằng hai chữ Đề từ và ở cuối bài cũng ghi một dòng không giống đa số các bản khác: Hoa Đường Lập Trai Phạm Quí Thích đề.

            Từ thực tế trên, nhất là từ ảnh hưởng của bản Kiều Oánh Mậu, dần dần hai chữ Đề từ  được một số người coi như là cái tên mà tác giả đặt ra cho bài thơ.

           

            1.2 Nhưng rồi giới nghiên cứu bắt đầu nghi ngờ cái “tên”: “Đề Từ” và cố gắng đi tìm tên thật của bài thơ.

                Năm 1998, trong bài báo Không có “bản Phường” với nghĩa là bản Truyện Kiều do Phạm Quí Thích đưa in đăng trên tạp chí Văn học số 1 và tạp chí Sông Hương số 1 và sau này được tập hợp lại trong các cuốn Văn bản Truyện Kiều, Nghiên cứu và thảo luận (năm 2001, 2003); Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều- bản Liễu Văn Đường 1871 (2006), PGS.TS Đào Thái Tôn đã cung cấp  một thông tin quan trọng. Đó là việc nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi đã phát hiện trong cuốn Lập trai tiên sinh di thi tục tập kí hiệu A.2140, bài thơ “Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường…” với tiêu đề là Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm [2].

               

                1.3. Tuy nhiên chúng tôi vẫn đang còn một chút băn khoăn vì theo Di sản Hán Nôm Việt Nam- Thư mục đề yếu (sau đây gọi tắt là Thư mục đề yếu) thì cuốn A-2140 chỉ là một cuốn do “học trò của Nguyễn Văn Siêu sưu tầm, Nguyễn Văn Siêu viết bài chí” [3] mà Nguyễn Văn Siêu thì chỉ là một người học trò của Phạm Quí Thích, mất sau Phạm Quí Thích khoảng gần 50 năm. Khoảng thời gian gần 1/2 thế kỉ đó và việc sao đi chép lại có còn bảo đảm được tính chân xác 100% của cái tên đang tìm không?

            Do vậy, trong thời gian qua, chúng tôi đã vào thư viện Viện Hán Nôm rà soát lại tất cả các tác phẩm của Phạm Quí Thích. Và may mắn sao, ngoài bản kí hiệu A-2140 nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi đã phát hiện, chúng tôi còn tìm được bài thơ Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm trong một bản nữa, bản Lập trai Phạm Tiên sinh thi tập, kí hiệu A-400. Bản này được Thư mục đề yếu giới thiệu là “Phạm Lập Trai soạn. Ngô Duy Viên sơ duyệt. Bùi Tồn Am phủ chính (biên tập)” [4]. Cả ba vị họ Phạm, họ Ngô, họ Bùi đều là những bậc đại khoa cuối triều Lê. Phạm Quí Thích (1759-1825) và Bùi Tồn Am (1744-1818) lại là hai danh sĩ đồng thời, đều nổi tiếng về văn học. Vậy rõ ràng bản A-400 là một bản được biên soạn ngay khi tác giả còn sống.

            Chuyện cái tên của bài thơ đến nay có thể nói là không còn gì để nghi ngờ nữa. Còn hai chữ Đề từ, theo chúng tôi, có thể tạm giải thích lai lịch như sau: về mặt ngôn ngữ, từ động từ soạn chuyển sang động từ đề và chuyển sang nghĩa tựa. Rồi từ động từ đề đẻ ra danh từ Đề từ, đó là chuyện có thể hiểu được. Còn về mặt tâm lí đối với người mua sách thì hai chữ đề từ có phần oai hơn hai chữ thi vân (thơ rằng). Về tâm lí những người buôn sách, PGS.TS Đào Thái Tôn đã phân tích, chúng tôi tự thấy không có gì phải bàn thêm [5].

             2. Về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm và ý nghĩa của bài thơ đối với vấn đề xác định thời điểm sáng tác Truyện Kiều:

           

            2.1. Trong bài trả lời phỏng vấn nhà báo Thuỵ Khuê về vấn đề nghiên cứu Kiều của cố học giả Hoàng Xuân Hãn, có đoạn Cụ nhắc tới một tập thơ của Phạm Quí Thích trong đó có bài  “Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường..”: “ Cụ Phạm Quí Thích, người đề thơ đầu tiên về Kiều, còn để lại nhiều tập thơ. Có một tập cụ kể chuyện đi từ Bắc và Huế, vì vua Gia Long mời cụ ra làm quan. Lần đầu vào Huế, cụ làm thơ vịnh những xứ sở đã đi qua.

            Khi cụ tới Quảng Trị, chỗ gọi là Liên Hồ (Hồ Sen), cách độ một ngày thì tới Huế, cụ làm một bài thơ gọi là Đề từ Quyển Kiều, Đoạn trường tân thanh đấy. “ Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường!” . Do đấy thì biết rằng cụ có bản Nôm Kiều ở trong tay năm ấy, tôi nhớ đầu đời Gia Long, năm 1805-1806 quãng ấy. Rồi cụ  mang đi đường để đọc, từ ngoài Bắc vào Huế (…) . Cụ nằm trong cáng đọc quyển Kiều, chắc đến Quảng Trị đọc xong, cụ làm bài thơ Đề từ quyển Kiều ấy. Cho nên mình biết rằng quyển Kiều có trước đời ấy khá lâu, trước khi cụ Nguyễn Du đi sứ về. Những cớ ấy là chứng chắc chắn quyển Kiều làm từ trước.”[6]

            Tuy học giả Hoàng Xuân Hãn không nói rõ tập thơ của Phạm Quí Thích mà Cụ nhắc tới là tập nào, và do trả lời phỏng vấn theo trí nhớ nên theo chúng tôi, có thể Cụ có đôi chút nhầm lẫn [7] nhưng đoạn nói chuyện kể trên đã gợi ra một hướng đi quan trọng. Đó là cần tìm hiểu xuất xứ bài thơ “Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường …”(Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm) vì dựa vào hoàn cảnh cũng như thời điểm sáng tác của bài thơ có khả năng sẽ chứng minh được Nguyễn Du đã sáng tác Truyện Kiều trước khi đi sứ Trung Quốc về.

           

            2.2.  Dựa vào việc học giả Vũ Thế Khôi phát hiện bài thơ  Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm trong Lập Trai Tiên sinh di thi tục tập ( kí hiệu A.2140) và đặc biệt là việc tái phát hiện bài thơ này trong  Lập Trai Phạm tiên sinh thi tập  (kí hiệu A.400 , thư viện Viện Hán Nôm), một tập thơ đã được biên soạn ngay khi Phạm Quí Thích còn sống, theo chúng tôi,  có thể cho rằng, bài thơ được sáng tác trong dịp Phạm Quí Thích vào Nam năm 1811 vì:

a) Bộ Thư mục để yếu đã nói rõ bản A.400 gồm “66 bài thơ cuả Phạm Quí Thích làm trong dịp vào Nam: đề vịnh, cảm tác, tặng đáp bạn bè”[8].  Đọc nội dung các bài thơ, chúng tôi cũng thấy, toàn bộ tập thơ là những bài được sắp xếp theo trình tự  một cuộc hành trình từ Bắc vào Huế, từ bài 1 (Sơn giao) tả cảnh “xuất đô thành” đến các bài:

  Bài 4: Quá Tam Điệp sơn        Bài 5: Quá Sùng sơn từ            Bài 8: An Dương Vương miếu

  Bài 10: Quá Hoành sơn            Bài 11: Linh Giang (sông Gianh)  Bài 12: Quá Linh giang

                                               Bài 14: Quá Lí Hoà

…[9]

            Bài Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm là bài thứ 25 trong tập, sau bài Quá Linh Giang (bài 12) và hai bài nhắc tới địa danh Lí Hoà ở Quảng Bình (bài 13, 14) nhưng trước bài tả cảnh đi qua Văn Miếu, chúng tôi ngờ là Văn Miếu ở Huế (số 32), và các bài nói đến chuyện tác giả làm thơ xướng hoạ với các quan trong triều (số 38, 39,40). Vậy nếu căn cứ vào trình tự các bài trong tập thơ thì bài Thính đoạn Trường tân thanh hữu cảm phải được sáng tác trên đường Phạm Quí Thích vào Huế.

b) Theo Đại Nam thực lục chính biên, Phạm Quí Thích chỉ vào Huế một lần vào năm 1811. Năm 1812 thì vua cho phép ông giải chức vì ông bị ốm [10].

                       2.3. Nếu bài thơ Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm đã được sáng tác vào năm 1811 thì rõ ràng Truyện Kiều phải được sáng tác trước đó. Cùng với những nguồn tư liệu được công bố gần đây về việc Nguyễn Lượng, một người đã có những dòng bình Kiều, mất vào năm 1807[11]; Mai đình mộng kí hoàn thành vào năm 1809, dưới ít nhiều ảnh hưởng của Truyện Kiều [12] …chúng tôi cho rằng, đã đến lúc cần gạt bỏ giả thuyết Truyện Kiều được sáng tác sau khi Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc về (1813-1814) để nghĩ tới một thời điểm sáng tác sớm hơn.

 

/1/ Abel Des Michels là người Pháp nên có lẽ ông đọc không chuẩn: Hoa Đàng tức là Hoa Đường, Phàm tức là Phạm.

/2/ Đào Thái Tôn, Văn bản Truyện Kiều- Nghiên cứu và thảo luận, sở Văn hoá Thông tin Hà Tĩnh, 2003, tr 35.  

                          Nghiên cứu Văn bản Truyện Kiều, bản Liễu Văn Đường 1871, nxb Khoa học Xã hội, 2006, tr 633.

/3/ Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu (Trần Nghĩa và Francois Gros đồng chủ biên, nxb KHXH, 1993, tập II, trang 124.

/4/ / Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, sđd, tr 122.

/5/ Văn bản Truyện Kiều- Nghiên cứu và thảo luận, sđd, tr 31.

/6/ La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, nxb Giáo dục, 1998, tập I, tr 444-445.

/7/ Có một số chỗ, chúng tôi cho rằng có thể Cụ nhớ nhầm như: năm Phạm Quí Thích vào Huế là năm 1811-1812 chứ không phải 1805-1806 ; tên bài thơ không phải là Đề từ Quyển Kiều, Đoạn trường tân thanh.

/8/ Di sản Hán Nôm Việt Nam- Thư mục đề yếu, sđd, tập II, tr 122.

/9/ Để tiện cho việc miêu tả, chúng tôi tự đánh số các bài thơ theo thứ tự trình bày trong tập Lập Trai Phạm tiên sinh thi tập  (kí hiệu A.400, thư viện Viện Hán Nôm).

Tam Điệp, Sùng Sơn là các địa danh ở Thanh Hoá, miếu An Dương Vương là  một địa danh có ở Nghệ An,  Hoành Sơn là ngọn núi phân giới Hà Tĩnh và Quảng Bình ngày nay, Linh Giang và Lí Hoà là các địa danh ở Quảng Bình. Địa danh Liên Hồ (hồ sen) mà học giả Hoàng Xuân Hãn nhắc tới, chúng tôi hiện chưa tìm được trong tập thơ. Nhưng trong hai bài thơ liền ngay sau bài Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm, bài 26 và 28 (hai bài này trong tập A.2140 được chép liền nhau) có nhắc tới cảnh hồ nước với các hình ảnh: “xuân thuỷ lục”, “ngư ông” (bài 26) và cảnh ngắm hoa sen (bài 28: quan hà hữu cảm). Có thể đây chính là những cảnh có liên quan đến địa danh Liên Hồ mà học giả Hoàng Xuân Hãn nhắc tới?

/10/ Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhị kỷ, Quyển XLV.Bản dịch Viện Sử học, H, 1963, Tập IV, trang 165 (dẫn theo Văn bản Truyện Kiều- Nghiên cứu và thảo luận, sđd, tr 33).

/11/ Xin xem bài Sự đóng góp của bản Liễu Văn Đường trong việc tìm ra niên đại Truyện Kiều, Nguyễn Tài Cẩn, Đào Thái Tôn, Tạp chí Hán Nôm số 3/2005, tr 17.

/12/ Xin xem bài Hành trỡnh đi sứ của Nguyễn Du và thời điểm sáng tác Truyện Kiều,  Nguyễn Hoàng Sơn, Tạp chí Nhà văn số 3-2002, tr 67-76.

Nguồn: http://chunom.net/Mot-so-tu-lieu-xung-quanh-bai-tho-%E2%80%9CGiai-nhan-bat-thi-dao-tien-duong%E2%80%A6%E2%80%9D-7.html

20200309

Về lai lịch và các truyền bản của Đại Nam quốc sử diễn ca đã được Đại Nam thực lục chính biên, đệ tứ kỷ các quyển 16, quyển 18 và quyển 23 ghi rõ, qua đó ta có thể biết được:  Tác giảSử ký quốc ngữ ca không được truyền lại, có thể dựa vào nội dung sách chỉ chép đến Mạc Đăng Dung cướp ngôi và việc sách được nộp dưới thời Nguyễn để đoán định ông sống vào khoảng cuối đời Lê. ‚ Tháng 4 năm 1858, hai ông Lê Ngô Cát và Trương Phúc Hào được giao cho công việc sửa chữa Sử ký quốc ngữ ca và nối thêm phần sử Lê Trịnh đến đời Lê Chiêu Thống, lấy tên là Quốc sử diễn ca, sau đó lại được Phạm Xuân Quế nhuận sắc. Khoảng 1860 - 1870, Phạm Đình Toái đã lấy bản của Lê Ngô Cát (bản đã được Phạm Xuân Quế nhuận sắc) sửa chữa lại một phần quan trọng và đặt tên là Đại Nam quốc sử diễn ca (ĐNQSDC). Như vậy những tên tuổi gắn liền với sự ra đời của sách là Lê Ngô Cát, Trương Phúc Hào, Phạm Xuân Quế và Phạm Đình Toái.

Trong bài tựa sách ĐNQSDC viết vào mùa thu năm Canh Ngọ đời Tự Đức thứ 23 (1870), Phạm Đình Toái đã ghi: “Quốc sử diễn ca do quan Án sát tỉnh Cao Bằng là Lê công Ngô Cát vâng lệnh soạn, quan Hình bộ Thị lang là Phạm công Xuân Quế đã nhuận sắc”. Phạm Đình Toái trong bài tựa sách Quốc âm từ điệu của mình cũng ghi: “Sách diễn bằng thể lục bát đã xong thì có một quyển Quốc sử ca. Đó là lấy bản cũ mà bớt và chữa, lấy một phần mà thêm vào ba phần”. Căn cứ vào hai tài liệu này có thể thấy rõ Phạm Đình Toái đã có đóng góp lớn vào việc sửa chữa ĐNQSDC.

Trên thực tế thì tình hình lai lịch của tác phẩm còn phức tạp hơn nhiều. Hoàng Xuân Hãn trong công trình nghiên cứu về ĐNQSDC (Nxb. Sông Nhị, H. 1952) đã khẳng định: “Sách này không phải do một tác giả làm ra, mà cũng không phải do nhiều tác giả cùng nhau làm trong một lúc. Chính là do một bản cũ mà nhiều người sửa chữa nhiều lần. Cho đến tên sách mỗi lúc sách chữa thì tên cũng đổi”. Trong công trình của mình, Hoàng Xuân Hãn cũng đã đưa ra một loạt tên các cuốn sách mà ông cho rằng có khả năng là truyền bản của ĐNQSDC. Sau khi khảo sát kỹ về số câu của các tác phẩm, ông đã đưa ra kết luận về quá trình truyền bản của ĐNQSDC, dưới đây chúng tôi xin trích dẫn toàn bộ phần kết luận trong sách Hoàng Xuân Hãn để bạn đọc tham khảo:

- Chúa Trịnh (có lẽ Trịnh Căn 1682-1709) giao cho một sử quan soạn sách Thiên Nam ngữ lục chép sử nước ta từ Hồng Bàng đến cuối đời thuộc Minh.

- Năm Tự Đức thứ 8 (1855), vua sai sử thần soạn sách Việt sử và sai tìm sách cũ để tra cứu. Một học trò tỉnh Bắc Ninh dâng quyển Sử ký quốc ngữ ca, có lẽ tức là quyển Thiên Nam ngữ lục (1857).

- Năm Tự Đức thứ 11 (1858), vua sai sử thần chữa sách ấy và thêm đoạn Lê Trịnh. Các ông Lê Ngô Cát và Trương Phúc Hào được sung vào việc ấy và soạn ra sách Việt sử quốc ngữ (1860).

- Ông Phạm Xuân Quế có nhuận sắc, bỏ bớt 29 câu và chữa nhiều câu, nhiều chữ, thành một quyển mà ta đặt tên là Việt sử quốc ngữ nhuận chính.

- Có người lại sửa chữa quyển nhuận chính này, bớt ba câu và đổi nhiều chữ làm thành ra sách Lịch đại Nam sử quốc âm ca.

- Vào khoảng năm 1865, ông Phạm Đình Toái tự ý đem bản nhuận chính trên mà chữa rất kỹ càng, rút từ 1887 câu xuống 1027 câu, ông lại đưa cho một vài ông như Phan Đình Thực sửa chữa, thành ra sách Đại Nam quốc sử diễn ca (1870).

Theo Hoàng Xuân Hãn, cuốn sử Quốc ngữ do học trò người Bắc Ninh nộp vào Tập hiền viện là Thiên Nam ngữ lục, sách qua nhiều lần nhuận sắc với các tên như Sử ký quốc ngữ ca, Việt sử quốc ngữ, Việt sử quốc ngữ nhuận chính, Lịch đại Nam sử quốc âm ca và cuối cùng là Đại Nam quốc sử diễn ca. Tra tìm trong kho sách Hán Nôm tại các thư viện ở Hà Nội có thể dễ dàng tìm thấy các văn bản của Thiên Nam ngữ lục, còn như các tên như: Sử ký quốc ngữ caViệt sử quốc ngữ, Việt sử quốc ngữ nhuận chính, Lịch đại Nam sử quốc âm ca thì chỉ nghe tên mà không thấy sách; cũng chưa tìm ra một văn bản Thiên Nam ngữ lục có tên khác là Sử ký quốc ngữ ca như Hoàng Xuân Hãn đã nêu. Điều đó đã gây không ít khó khăn cho chúng tôi khi tìm hiểu lai lịch của tác phẩm ĐNQSDC.

1. Cứ liệu

Lần khảo cứu này, chúng tôi muốn tập trung tìm hiểu việc nhuận sắc tác phẩm ĐNQSDC. Để có thể làm được việc này, chúng tôi đã giành sự chú ý nhiều hơn đến các văn bản chép tay, những mong qua đó có thể tìm thấy lưu bút của các tác giả nhuận sắc. Bốn văn bản chép tay được đưa ra khảo sát lần này là:

- Bản 1: ĐNQSDC, ký hiệu R.267, Thư viện Quốc gia

- Bản 2: ĐNQSDC, ký hiệu R.540, Thư viện Quốc gia

- Bản 3: ĐNQSDC, ký hiệu Hv.328, Viện Sử học

- Bản 4: Nam sử diễn ca, ký hiệu Hv.329, Viện Sử học.

Chúng tôi sẽ lần lượt tiến hành khảo sát sự sai khác về văn tự cũng như cách dùng từ đặt câu của bốn văn bản nói trên với bản Phạm Đình Toái đưa đi xuất bản lần đầu tiên vào năm Tự Đức thứ 23, cụ thể là bản AB.1 (ký hiệu Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Sự khác nhau giữa bản 1 và bản 2 với bản AB.1 chủ yếu ở việc dùng chữ dị thể, một số ít thuộc về trường hợp có những sai biệt trong cách dùng từ đặt câu. Ngược lại, những sai biệt giữa AB.1 với bản 4 lại có chiều thiên về các trường hợp chỉnh sửa từ ngữ, về cách dùng từ đặt câu. Kết quả khảo sát cụ thể như sau:

1.1. So sánh bản 1 với bản AB.1

1.1a. Bản 1 có 85 mã chữ (311 lượt) dùng chữ có tự dạng khác với tự dạng ở văn bản AB.1 (dùng chữ dị thể), ví dụ:

- Ghi âm kịp ở bản 1: 﨤 và ở bản AB.1: 趿 như thấy trong câu: “Sính nghi ước kịp ngày mai” (4a, 7).

- Ghi âm biên ở bản 1: 边 và ở bản AB.1: 邊 như thấy trong câu “Lửa binh đâu đã động ngoài biên cương” (8b, 3).

- Ghi âm đem ở bản 1: (扌+冘) và ở bản AB.1: 冘 như thấy trong câu “Đem cờ sứ tiết để gần ải quan” (10a, 7).

1.1b. Chiếm phần thiểu số là những sai khác trong việc dùng từ đặt câu, tổng cộng có 28 trường hợp, ví dụ:

- Thay từ phẳng / vẳng ở bản 1 bằng từ biển ở AB.1, trong câu:

“Vừa đời ngang với Chu Thành

Bốn phương biển lặng trời thanh một mầu”

(AB.1, 3a,7).

- Thay từ gọi ở bản 1 bằng từ  ở bản AB.1, như thấy trong “Tuần tuyên mới  Tích Quang” (AB.1,11a,1).

- Thay từ đeo ở bản 1 bằng từ đao ở bản AB.1, như trong câu “Trồng cây trúc mộc tập bài cung đao” (AB.1, 20b,5). Chữ đao 刀 và đeo 刁 có tự dạng gần giống nhau nên cũng có thể nghĩ đến khả năng đây là sự sai khác do viết nhầm.

- Ở câu 2004, sự khác nhau của hai văn bản này không chỉ dừng lại ở những sai khác trong dùng từ mà đã tiến đến cấp độ ngữ (đó là sự đổi khác cả một ngữ), như có thể thấy trong chính văn:

“Phù kiều chém giết quan quân mấy người (bản 1) và

“Phù kiều chém giết quân mình thác oan” (AB.1, 63b,8)

Sự khác nhau giữa hai văn bản này có lúc lại thể hiện ở việc đảo trật tự của một ngữ, như trong câu: “Dặm trường nào có ngăn ai” (bản 1) và “Dặm trường nào có ai ngăn” (AB.1, 63b, 5)

1.2. So sánh bản 2 với bản AB. 1

1.2a. Bản 2 có 112 mã chữ (239 lượt) dùng chữ có tự dạng khác với tự dạng ở AB.1 (dùng chữ dị thể), ví dụ:

- Ghi âm đến ở bản 2: (至+旦) và ở AB.1: (至+典), trong câu “Quân lương đâu đã đến ngoài” (15b, 8).

- Ghi âm đổi ở bản 2: (扌+對) và ở AB.1: (扌+对), trong câu “Bể dâu biến đổi cơ trời” (5a, 8).

- Ghi âm gian ở bản 2: 奸 và ở AB.1: 姦, trong câu “Khắc Chung thêm dệt lời gian” (35a, 7).

- Ghi âm hay ở bản 2: (台+二) và ở bản AB.1: (口+台), trong câu “Mới hay giặc ở bên mình không xa” (7b, 2).

- Ghi âm  ở bản 2: 麻 và ở bản AB.1: ?, trong câu “ trong cương giới sơn xuyên chưa tường” (2b, 4).

1.2b. Sự sai khác trong việc dùng từ đặt câu ở bản AB.1 so với bản 2 cũng không ít, và có phần nào nổi trội hơn so với bản 1. Trong bản AB.1 có tổng số có 38 trường hợp thay từ đặt câu khác so với bản 2, ngoài ra còn có 2 trường hợp bản AB.1 bổ sung chữ chép thiếu của bản 2:

- Thay từ hoa (bản 2) bằng từ bông (AB.1):

“Khác thường tự thuở còn thơ

Rủ đoàn mục thụ mở cờ bông lau”

(AB.1, 24b, 2)

- Thay từ chiếm (bản 2) bằng từ cố (AB.1) “Quân Minh cố giữ thành bền” (AB.1, 39a, 4).

- Thay từ  (bản 2) bằng từ học (AB.1) “Mở khoa bác học cầu hiền” (AB.1, 28a, 6).

- Thay từ mặt (bản 2) bằng từ kẻ (AB.1) “Từ khi vắng kẻ chiết xung (AB.1, 15a, 3).

- Thay từ về (bản 2) bằng từ sang (AB.1) “Vạc Đinh đã trở sang Lê (AB.1, 25b, 8).

- Thay từ tham (bản 2) bằng từ hung (AB.1) “Rồi ra lại gặp người Minh hung tàn” (AB.1, 25b,8).

1.3. So sánh bản 3 với bản AB. 1

Giữa bản 3 và bản AB.1 thấy có mấy trường hợp sai khác như sau:

1.3a. Bản 3 có 28 mã chữ (80 lượt) dùng chữ có tự dạng khác với mã chữ ở bản AB.1 (dùng chữ dị thể), ngoài ra còn có 6 trường hợp (6 mã chữ) có sự sai khác giữa hai văn bản do chúng có tự dạng gần giống nhau, nâng tổng số chữ dị thể lên 34 chữ. Xin nêu một số ví dụ về việc dùng chữ dị thể:

- Ghi từ ấm ở AB.1: 蔭 và ở bản 3: , trong câu:

“Dõi truyền một mối xa thư

Nước non đầm ấm mây mưa thái bình”

(3a, 6)

- Ghi từ  ở AB.1: 機 và ở bản 3: , trong câu:

“Bể dâu biến đổi  trời

Mà so Hồng lạc lâu dài ai hơn”

(5a, 8)

- Ghi từ đêm ở AB.1: (日+店) và ở bản 3: , trong câu:

“Vảy nước chậu vắt khăn tay

Khi đêm đạp bóng khi ngày ngồi trông”

(32a, 1).

- Ghi từ đổi ở AB.1: (扌+對) và ở bản 3: (口+对), trong câu “Định Yên Hà Nội đổi thay” (2a, 7).

- Ghi từ gian ở AB.1: 姦 và ở bản 3: , trong câu “Quyền gian kế thống quen rày” (54b, 4).

- Ghi từ quên ở AB.1: (亡/悁) và ở bản 3: , trong câu “Quên ơn thuở trước không lòng mai sau” (10a, 3).

Ngoài ra còn có 6 trường hợp có sự nhầm lẫn khi viết chữ do chúng có tự dạng gần giống nhau:

- Chữ tường 詳 với nghĩa “tỏ rõ” và chữ còn 群 có nửa bên trái giống nhau, có lẽ vì thế mà dẫn đến sự nhầm lẫn khi viết chữ. Chữ này xuất hiện trong đoạn kể về việc vua Thục xây thành, thành xây rồi lại lở, vua cầu khấn và có rùa vàng hiện lên nói cho vua biết rõ nguyên cớ. Bản AB.1 dùng chữ tường với nghĩa “nói cho biết rõ”, thế nhưng bản 3 lại viết nhầm thành chữ còn:

“Hóa ra thưa nói cũng kỳ

Lại tường căn cớ bởi vì yêu tinh”

(AB.1, 5b, 6)

và bản 3:

“Hóa ra thưa nói cũng kỳ

Lại còn căn cớ bởi vì yêu tinh”

(bản 3)

- Chữ kinh 經 trong kinh lý với nghĩa “sửa sang sắp đặt”, đã bị viết nhầm thành chữ hồng ở bản 3:

“Bảo thành kinh lý đã an

Ngôi cao phó lại cháu hiền thừa gia”

(AB.1, 59b, 2)

và bản 3:

“Bảo thành hồng lý đã an

Ngôi cao phó lại cháu hiền thừa gia”

- Chữ thay 台 bị viết nhầm thành chữ hợp 合 ở bản 3:

“Binh quyền lại để Trịnh Tùng thay anh” (AB.1, 46a, 7) và bản 3:

“Binh quyền lại để Trịnh Tùng hợp anh”.

1.3b. Sự sai khác trong cách dùng từ đặt câu giữa hai văn bản AB.1 và bản 3 chỉ có 7 trường hợp.

- Thay từ  (bản 3) bằng từ nơi (AB.1)

“Ấy là Bạch Hạc hợp dòng Thao Giang” (bản 3);

“Ấy nơi Bạch Hạc hợp dòng Thao Giang” (AB.1, 2a, 4)

- Thay từ (đua) nối (bản 3) bằng từ (đua) dành (AB.1)trong câu:

“Anh em lại rắp đua nối ngôi cao” (bản 3);

“Anh em lại rắp đua dành ngôi cao” (AB.1, 27a, 7)

- Thay từ ngàn (pha) (bản 3) bằng từ xông (pha) (AB.1) trong câu

“Tuyết sương trăm trận ngàn pha” (bản 3);

“Tuyết sương trăm trận xông pha” (AB.1, 46a, 5).

1.3c. Bản 3 đã chép thiếu khá nhiều chữ: 14 chữ, những chữ này đều có ghi trong bản AB.1:

- Câu 1042 “Đào sông đục núi cũng là nhọc thay”, bản 3 chép thiếu chữ nhọc thay (33b, 2)

- Câu 1119 “Uy thanh xa động biên ngung”, bản 3 chép thiếu chữ xa (36a,1)

- Câu 1403 “Độc sao hàng tướng tiến dưa”, bản 3 chép thiếu chữ dưa (44b, 8)

- Câu 1615 “Lấy năm điều khảo trấn ty”, bản 3 đã chép thiếu chữ năm (51b, 5).

1.4. So sánh bản 4 với bản AB. 1

Sự sai khác giữa bản 4 và bản AB.1 khá lớn. Nếu như ở bản 1, bản 2 và bản 3 những sai biệt với bản AB.1 chủ yếu tập trung ở việc dùng chữ dị thể thì ở bản 4, sai khác lại tập trung vào những khác biệt trong việc dùng từ đặt chữ. So sánh hai văn bản này có thể thấy rõ được công việc của người nhuận chính: chỉnh sửa chữ, từ, ngữ đoạn, câu; thay từ để hiệp vần thơ; gọt dũa, thêm bớt câu. Công việc chỉnh sửa cụ thể như sau:

- Dùng chữ dị thể: Theo thống kê, bản AB.1 có 42 trường hợp dùng mã chữ có tự dạng khác với tự dạng ở bản 4; thêm 9 trường hợp viết nhầm do chúng có tự dạng gần giống nhau, nâng tổng số chữ dị thể lên 51 trường hợp.

- Chỉnh sửa, gồm:

+ Chỉnh sửa từ đơn: 275 trường hợp; dùng từ khác hoặc từ tương đương: 43 trường hợp; đổi từ khác do phải hiệp vần thơ: 7 trường hợp; đảo trật tự từ: 4 trường hợp, tổng cộng 329 trường hợp chỉnh sửa ở cấp độ từ

+ Chỉnh sửa ngữ đoạn: 21 trường hợp

+ Chỉnh sửa câu: 47 trường hợp

- Thêm bớt câu, chữ (gọt dũa): kết quả khảo sát cho biết bản AB.1 có 21 câu và 5 chữ không thấy có trong bản 4. Mặt khác, bản 4 cũng thêm 11 câu so với AB.1; có 4 câu của bản 4 đã được cấu trúc lại diễn thành 6 câu ở AB.1 (từ câu 804-809).Xin đưa ra một vài ví dụ cụ thể.

1.4a. Ở tiểu mục này, chúng tôi sẽ giới thiệu một vài trường hợp mã chữ ở bản 4 có tự dạng khác với ở bản AB.1:

- Ghi từ cùng ở AB.1: 共 và ở bản 4: “Ấy là Vũ Định tiếp cùng biên manh” (2b, 1).

- Ghi từ đến ở AB.1: (至+典) và ở bản 4: (至+旦) “Thị phi chép để đến giờ làm gương” (1a, 5).

- Ghi từ gặp ở AB.1: 﨤 và ở bản 4: 趿“Biết đâu gặp gỡ lại là túc duyên” (5a, 2)

- Ghi từ kẻ ở AB.1: 仉 và ở bản 4: 几“Người thục nữ kẻ tiên đồng” (5a, 4).

- Ghi từ kịp ở AB.1: 趿 và ở bản 4: “Sính nghi ước kịp ngày mai” (4a, 7).

- Ghi từ lở ở AB.1: (土+呂) và ở bản 4: (扌+呂) “Xây thôi lại lở công trình biết bao”(5b, 4).

- Ghi từ mau ở AB.1: (足+毛) và ở bản 4: “Ai mau chân trước định lời hứa anh” (4a, 7).

So sánh với AB.1 thì thấy ở bản 4 có một số chữ viết nhầm, có lẽ do tự dạng gần giống nhau đã dẫn đến tình trạng sai sót đó:

- Chữ đem 冘 (AB.1) bị viết nhầm thành cứu 究 (bản 4), trong câu:

“Hán sai Thái tử Hoằng Thao

Đem quân ứng viện toan vào tập công”

(AB.1, 22b, 2).

- Chữ hoan 歡 (AB.1) bị viết nhầm thành quyền 權 (bản 4), trong câu:

“Đương khi hoan yến nửa chừng

Lữ Gia biết ý ngập ngừng bước ra”(AB.1, 9b, 5).

1.4b. Chỉnh sửa: Như đã nêu ở trên, những sai khác trong cách dùng từ đặt câu giữa hai văn bản này khá phong phú, gồm có:

* Chỉnh sửa từ

- Từ chiếu ở bản 4 được sửa thành từ ấn ở AB.1 “Đền rồng ban ấn tử nê” (AB.1, 62b, 6).

- Từ ngôi ở bản 4 được sửa thành từ báu ở AB.1, trong câu:

“Quý Ly cho dự xu tào

Báu thiêng lại để gian hào ký du”

(AB.1, 36b, 7).

- Từ hay ở bản 4 được sửa thành từ biết ở AB.1, trong câu:

“Chử Đồng ẩn chốn bình sa

Biết đâu gặp gỡ lại là túc duyên”

(AB.1, 5a,2).

- Từ đem  bản 4 được sửa thành từ buông ở AB.1, trong câu:

“Quý Ly quyền lấn trong ngoài

Buông lời sàm gián quên bài tôn thân”

(AB.1, 37a, 3).

- Từ người  bản 4 được sửa thành từ chuyện ở AB.1, trong câu:

“Vắn dài là số tự nhiên

Tụng kinh cầu thọ khéo nên chuyện cười” (AB.1, 27b, 5).

* Đổi dùng từ khác hoặc đổi dùng từ tương đương

- Từ thủy chung (bản 4) đã được đổi thành đinh ninh ở AB.1, trong câu “Vấn an lại kể gót đầu đinh ninh” (AB.1, 59a,1)

- Từ phảng phất (bản 4) đã được đổi thành phấp phới ở AB.1, trong câu “Thúy hoa phấp phới qua đèo Hải Vân” (AB.1, 56a, 2). Dùng phảng phất như bản 4 không đúng, vì phảng phất dùng để nói về mùi hương tỏa ra.

- Dùng sơn xuyên (AB.1) thay cho giang sơn (bản 4), trong câu

“Tuần du đã tỏ dân tình

Sơn xuyên trải khắp địa hình gần xa”

(AB.1, 30a, 3).

Đổi dùng từ tương đương có khi lại xảy ra trong trường hợp muốn thay từ thuần Việt bằng một từ Hán Việt với nghĩa tương ứng:

- Dùng thái tử (AB.1) thay cho con cả (bản 4), trong câu

“Hán sai Thái tử Hoằng Thao

Đem quân ứng viện toan vào tập công”

(AB.1, 22b, 2).

- Dùng thành môn (AB.1) thay cho cửa thành (bản 4), trong câu

Thành môn nghiêm bị trong ngoài

Trồng cây trúc mộc tập bài cung đao”

(AB.1, 20b,5).

* Có một số trường hợp, ở bản AB.1 đã thấy sửa đổi đôi chút về từ ngữ để đảm bảo vần điệu của câu thơ

- Từ ngô  bản 4 đã sửa thành  ở bản AB.1 để hiệp vần với bề ở câu 8 tiếp sau:

“Cán vong Khải lại tiếm 

Phủ binh từ ấy nhiều bề tuyên kiêu”

(AB.1, 57b,1).

- Từ binh ở bản 4 đã sửa thành từ quân ở AB.1 để hiệp vần với gần ở câu 8 tiếp sau:

“Quảng Nam đồn trú lục quân

Trong Tây ngoài Trịnh xa gần với ai”

(AB.1, 56a, 3).

- Để hiệp vần thơ, từ tranh đấu ở bản 4 đã sửa thành tranh đua ở AB.1:

“Bá Tiên đã trở về Lương

Dương Sàn còn ở chiến trường tranh đua

Một cơn gió bẻ chồi ngô”

(AB.1, 16a, 8).

* Công việc sửa chữa đó không chỉ dừng ở cấp độ từ như vừa miêu tả, rất nhiều ngữ đoạn của bản 4 đã thấy sửa lại ở AB.1. Tổng cộng gồm 21 trường hợp như thế, ví dụ:

- Sửa cổ pháp sinh người ở bản 4 thành trời mở thánh minh ở bản AB.1, hãy xem chính văn:

“Bắc Giang cổ pháp sinh người” (bản 4)

“Bắc Giang trời mở thánh minh” (AB.1, 26a, 8).

- Sửa ngữ cốt nhục nên cừu ở bản 4 thành ngữ thích thứ tranh nhau ở bản AB.1, xem chính văn:

“ Đoàn con cốt nhục nên cừu” (bản 4)

“Đoàn con thích thứ tranh nhau” (AB.1, 26a, 3).

* Đối chiếu với AB.1 thì thấy ở 3 văn bản: bản 1, bản 2 và bản 3 không hề có sự sửa đổi ở cấp độ câu, thế nhưng ở bản 4 thì số câu được sửa lại khá nhiều, tổng số có 47 câu đã được sửa lại.

- Câu 607 và 608, bản 4 ghi:

“Đại La bốn cửa mở thông

Đài châu Hoan Ái nên công đắp thành”

thì ở bản AB.1 sửa lại là:

“Đại La mới đắp lũy vòng

Ái châu thành cũ đều cùng tái tu”

(AB.1, 20a, 1).

- Câu 891 đến câu 894, bản 4 ghi

“Thiệt hơn nào có biết đường

Tham voi Giao Chỉ mất vàng Quảng Nguyên

Binh uy dấy dức Nam thiên

Chiêm Thành nối đứt xưng phiên về mình”

thì ở bản AB.1 sửa lại là:

“Lại còn hối hận một chương

Tham voi Giao Chỉ mất vàng Quảng Nguyên

Năm mươi năm lẻ lâu bền

Vũ công văn đức rạng truyền sử xanh”

(AB.1, 28b, 7).

- Từ câu 679 đến câu 689, bản 4 ghi

“Con là Thừa Mỹ tài hèn

Gây thù cho Hán bắt liền bởi ai

Dương Công Đình Nghệ cũng tài

Đem quân phù nghĩa đuổi người Hán quan

Báo thù rồi mới vỗ yên

Giao Châu thống lĩnh phiên hàn vừa xong

Dưỡng Nhi sao vậy Kiều Công

Đem mưu thí nghịch an lòng cho nên”

thì ở bản AB.1 sửa lại là:

“Thừa gia vừa được tái truyền

Bởi cầu lương tiết hoá nên Hán tù

Dương Đình Nghệ lại báo thù

Đuổi người Hán lĩnh châu phù vừa xong

Nghĩa nhi gặp đứa gian hùng

Kiều Công Tiện lại nỡ lòng sao nên”

(AB.1, 22a, 5).

Đoạn nói về vua Ngọa Triều, bản 4 chỉ có 4 câu nhưng ở bản AB.1 đã cấu trúc lại, diễn thành 6 câu:

“Trung Tông vừa lập Ngọa Triều lại lên

Đêm ngày tửu sắc mê tình

Chính quyền đã lỗi pháp hình lại hơn

Những là kiếm thụ đao sơn”(Bản 4)

còn ở AB.1 sửa lại là:

“Để cho cốt nhục nên cừu bởi ai

Trung Tông vừa mới nối đời

Cấm đình thoắt đã có người sính hung

Ngọa Triều thí nghịch hôn dung

Trong mê tửu sắc ngoài nồng hình danh

Đao sơn kiếm thụ đầy thành”

(AB.1, 26a, 3).

1.4c. Thêm bớt câu

* Khi nhuận chính, tác giả đã cho thêm vào một số câu, những câu này chúng tôi không tìm thấy ở bản 4, ví dụ ở trang 34a:

“Giặc Nguyên còn muốn báo đền

Mượn đường hộ tống binh thuyền lại sang”

(AB.1, 34a, 7).

Đây là câu được tác giả cho thêm vào bản AB.1 khi nhuận chính tác phẩm.

Cũng vậy, đoạn vua Lý Nhân Tông thân chinh đi đánh Ma Sa động đã được cho thêm vào AB.1 khi nhuận chính:

“Thân chinh xe ngựa trì khu

Phá Sa động bắt Man tù Ngụy Bàng

Chiêm Thành nộp đất xin hàng

Ba châu quy phụ một đường thanh di”

(AB.1, 28b,1).

* Trong khi sửa chữa, tác giả nhuận chính đã bỏ bớt đi một số câu của bản 4, ví dụ sau câu 1478 (47a, 6) của bản AB.1 không thấy có mấy câu sau:

“Lưới trời sao lọt muông khôn

Làm gương cho kẻ tôi con sau này”

Sau câu 366 (12a, 8) của AB.1 không thấy có câu:

“Nam phiên dành một chức ngoài

Lại mong suy tiến hiền tài nước ta

Rằng sao Nam Bắc một nhà

Kẻ gần quý hiển người xa oán sầu”

Kết quả đối chiếu 4 văn bản chép tay nói trên với AB.1 được khái quát hóa ở bảng sau:

Bảng đối chiếu 4 văn bản chép tay với AB.1

 

Sai khác

Văn bản

Dị thể

Sửa chữa

Chép thiếu

Bổ sung

sửa từ sửa ngữ sửa câu
bản 1 85 (311)(1) 25 3
bản 2 112 (239) 36 2 2
bản 3 28 (80) + 6 = 34 7 14 chữ
bản 4 38 + 9 = 47 329 21 47 21 câu + 5 chữ 11

 

2. Nhận xét

Qua đối chiếu AB.1 với 4 văn bản chép tay nêu trên có thể đưa ra một vài nhận xét sau:

2.1. Trước hết xin nói về bản 3, ở trang 1b của bản 3 có ghi dòng niên đại Tự Đức tam thập tứ niên Tân Tị thu, chí trung đường tàng bản (mùa thu năm Tân Tị niên hiệu Tự Đức thứ 34, bản lưu tại nhà in Chí Trung đường). Như ta đã biết, ĐNQSDC đã được nhà in Chí Trung đường cho xuất bản 2 lần vào các năm Tự Đức thứ 23 và Tự Đức thứ 34. Như vậy, bản chép tay này là bản được ghi lại trước khi Chí Trung đường cho tái bản lần thứ 2 tại nhà in của mình.

Tính đến năm Tự Đức thứ 34, ĐNQSDC đã được in 4 lần vào các năm Tự Đức thứ 23, Tự Đức thứ 26, Tự Đức thứ 27 và Tự Đức thứ 34. Số lượng bản in của ba lần xuất bản đầu không phải là ít, ấy vậy mà trước khi xuất bản lần thứ tư vẫn còn lưu truyền một văn bản chép tay như bản 3 cho thấy tính phổ cập rộng rãi của tác phẩm.

Khi so sánh bản Tự Đức thứ 23 (AB.1) với bản in Tự Đức thứ 34 (VNv.165) và với bản chép tay Tự Đức thứ 34 (bản 3) cho thấy:  có sự sai khác giữa Tự Đức thứ 23 với bản chép tay Tự Đức thứ 34 (bản 3) như đã khảo cứu ở trên‚ Bản in Tự Đức thứ 34 về cơ bản vẫn giữ nguyên như bản in lần đầu năm Tự Đức thứ 23, tuy vậy ở đây cũng không phải là không có sai lệch. Đó là những sai khác trong việc dùng chữ dị thể như chữ kết 結 (Tự Đức thứ 23) và 糸台(Tự Đức thứ 34, 31a, 6); chữ con (子+昆) (Tự Đức thứ 23) và (子+昆)(Tự Đức thứ 34, 17b, 3); chữ đền (田+殿) (Tự Đức thứ 23) và chữ đền (月+殿) (Tự Đức thứ 34, 36a, 4) ƒ Khi đem so sánh cả ba văn bản này với nhau thì thấy bản in Tự Đức thứ 34 có lúc chép giống như ở bản AB.1, như đã thấy trong:

- Bản AB.1 và bản in Tự Đức thứ 34 đều ghi dọc ngang thì ở bản 3 lại thay bằng thiên nhan (50a, 1)

- Bản AB.1 và bản in Tự Đức thứ 34 đều ghi là nơithì ở bản 3 lại thay bằng (2a, 4)

Trái lại cũng có lúc bản in Tự Đức thứ 34 lại ghi giống với bản chép tay Tự Đức thứ 34 (bản 3), ví dụ:

- Bản AB.1 ghi dẹp còn ở bản in Tự Đức thứ 34 và bản 3 đều ghi là hoại (33a, 1)

- Bản AB.1 ghi dành còn ở bản in Tự Đức thứ 34 và bản 3 đều ghi là nối (27a, 7)

Rõ ràng là khi in lại lần thứ hai, nhà in Chí Trung đường đã dựa vào cả hai văn bản, đó là bản in lần thứ nhất Tự Đức thứ 23 (AB.1) và bản chép tay Tự Đức thứ 34 (bản 3). Như vậy, để có thể tìm hiểu việc nhuận sắc ĐNQSDC thì chúng ta chỉ có thể dựa vào các văn bản chép tay có trước khi tác phẩm được in lần đầu. Đó chính là bản 1, bản 2 và bản 4.

2.2. So sánh kết quả điều tra việc chỉnh sửa, gọt dũa nội dung văn bản cho thấy ở bản 1 và bản 2, công việc tập trung vào việc chỉnh sửa từ (dùng phép tu từ) và hơn nữa số lượng cũng không nhiều: 28 trường hợp ở bản 1 và 38 trường hợp ở bản 2. Thế nhưng, đối chiếu bản 4 với AB.1 ta thấy rõ những công việc của người nhuận sắc gồm: chỉnh sửa từ, đổi dùng từ khác (dùng từ Hán Việt thay cho từ thuần Việt hoặc ngược lại), đổi từ để hiệp vần thơ, đảo trật tự từ; chỉnh sửa ngữ đoạn, câu; thêm bớt câu, ngữ đoạn; cấu trúc lại ngữ đoạn. Trong số đó, phần chỉnh sửa (từ, ngữ đoạn, câu) là 397 trường hợp, thêm vào 21 câu và 5 chữ, bớt đi 11 câu. Như đã biết, trong bài tựa sách Quốc âm từ điệu, Phạm Đình Toái đã nói rõ công việc chỉnh sửa gồm “.... lấy 1 phần và thêm vào 3 phần”. Điều đó cho phép ta khẳng định bản 4 không phải là lưu bút đầu tiên khi Phạm Đình Toái bắt tay vào công việc nhuận chính. Rất tiếc, chúng tôi không có trong tay những văn bản lưu lại bút tích của ông nên chưa thể đưa ra một kết luận chắc chắn. Thế nhưng, với những gì đã làm được cho văn bản (chỉnh sửa bản 4 để cho ra bản AB.1) cho phép chúng tôi tạm kết luận đây là bản nháp cuối cùng trước khi Phạm Đình Toái cho in sách.

Bản nháp này (bản 4) có tên là Nam sử diễn ca. Đây thật sự là một tên gọi khác của ĐNQSDC mà các khảo cứu trước đây chưa thấy nhắc tới.

2.3. Công việc nhuận chính xong xuôi, Phạm Đình Toái còn đưa cho một số nhà phê bình như Hộ bộ Tham tri Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lập, Bình Phú Tổng đốc Tiến sĩ Hoàng Văn Tuyển và Hàn lâm Thị độc Tiến sĩ Lê Đình Duyên xem lại. Vậy các nhà phê bình này đã làm những công việc gì? Xem xét sự khác nhau của bản 1 và bản 2 với bản AB.1 thì thấy những sai khác chủ yếu tập trung ở việc thay đổi tự dạng (gồm 85 mã chữ ở bản 1 và 112 mã chữ ở bản 2 được viết dưới dạng dị thể so với AB.1), một số ít thuộc về công việc của tu từ học. Phải chăng đây là công việc của những nhà phê bình? bản 1 và bản 2 chính là bản lưu lại bút tích của những nhà phê bình?

*

**

Có thể nói, từ khi cuốn sử ký được nộp vào Tập hiền viện cho đến khi sách được in ra lần đầu tiên với tên gọi ĐNQSDC, cuốn sử này đã được rất nhiều người nhuận sắc và phê bình. Mỗi lần sửa chữa như thế thì lại gắn cho sách một tên gọi mới, bởi vậy số dị bản của tác phẩm khá nhiều.

Cùng chịu chung số phận với các tư liệu Hán Nôm khác, ĐNQSDC cũng không tránh khỏi sự thất tán vì binh hỏa chiến tranh và thiên tai, do đó các dị bản còn lại đến nay không đầy đủ. Điều này gây không ít khó khăn cho chúng tôi khi tìm hiểu quá trình truyền bản của tác phẩm ĐNQSDC.

Gắng tìm trong các thư viện ở Hà Nội, chúng tôi chỉ tìm thấy 29 bản ĐNQSDC, trong số đó có 4 bản chép tay được chúng tôi chọn ra để tìm hiểu quá trình truyền bản của tác phẩm. Với số văn bản chép tay hiện có, chúng tôi tiến hành khảo cứu và tạm đưa ra một vài nhận xét sơ bộ như trên. Hy vọng rằng sẽ có những nhận định chắc chắn hơn nếu như tiếp tục mở rộng địa bàn khảo sát ra các tỉnh khác ngoài Hà Nội.

Chú thích:

(1) Chữ số ở ngoài ngoặc là số mã chữ được viết dị thể, chữ số trong ngoặc là chỉ số lần xuất hiện của chữ dị thể, chữ số viết sau dấu + là số những chữ dị thể do tự dạng gần giống nhau dẫn đến nhầm lẫn.

Tài liệu tham khảo chính

A. Tài liệu tiếng Việt:

1. Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái: Đại Nam quốc sử diễn ca, Hoàng Xuân Hãn tựa và dẫn, Nxb. Sông Nhị, H. 1952.

2. Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái: Đại Nam quốc sử diễn ca, Đinh Xuân Lâm - Chu Thiên phiên âm, khảo dị, hiệu đính, chú thích, giới thiệu, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1999.

3. Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái: Đại Nam quốc sử diễn ca - Lịch sử Việt Nam, Đinh Xuân Lâm - Chu Thiên phiên âm, khảo dị, hiệu đính, chú thích, giới thiệu, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2004.

4. Lã Minh Hằng: Văn bản Đại Nam quốc sử diễn ca hiện lưu giữ tại các Thư viện ở Hà NộiTạp chí Hán Nôm số 4 năm 2004.

B. Tài liệu Hán Nôm (bản Nôm):

1. Đại Nam quốc sử diễn ca, AB.1, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

2. Đại Nam quốc sử diễn ca, VNv.165, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

3. Đại Nam quốc sử diễn ca, R.267, Thư viện Quốc gia.

4. Đại Nam quốc sử diễn ca, R.540, Thư viện Quốc gia.

5. Đại Nam quốc sử diễn ca, Hv.328, Thư viện Viện Sử học.

6. Nam sử diễn ca, Hv.329, Thư viện Viện Sử học./.

*(Trong ngoặc đơn là một chữ Nôm được tạo bởi 2 bộ thủ)

TS. Lã Minh Hằng

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 6 (79). 2006, trang 33-43

20181119 Sach hoc tan tuyen

Ảnh: Bìa sách Sách học tân tuyển in năm Duy Tân, Kỷ Dậu (1909)

Văn học Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX dần dần bước vào quỹ đạo hiện đại hóa để chuyển từ phạm trù văn học truyền thống sang văn học hiện đại. Văn học truyền thống được đặc trưng bằng một loạt những nét chuyên biệt cả từ phương diện lý tưởng thẩm mỹ đến các thủ pháp nghệ thuật, trong đó có các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ văn tự. Văn học truyền thống do được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, nên có người gọi đó là văn học Hán – Nôm. Văn học Hán – Nôm truyền thống mang trong mình bộ phận văn học viết bằng chữ Hán trên cơ sở một hình thái ngôn ngữ viết vốn được phổ biến rất rộng khắp ở một loạt nước Đông – Á các thế kỷ trung đại – văn ngôn. Là ngôn ngữ - văn tự vay mượn, do vậy, nó xa rời với thực tế đời sống ngôn ngữ nói của quảng đại quần chúng, nó không trực tiếp dựa trên cơ sở của ngôn ngữ nói dân tộc.

Bộ phận văn học dân tộc viết bằng ngôn ngữ văn học dân tộc - chữ Nôm, trên đại thể là bộ phận văn học trực tiếp dựa vào ngôn ngữ nói, có liên quan trực tiếp đến đời sống ngôn ngữ dân tộc… Song, trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, cho đến những năm đầu thế kỷ XX, do nhiều nhân tố xã hội - lịch sử, ngôn ngữ của nó chủ yếu là vận văn… Văn xuôi, văn chính luận rất thưa thớt, hiếm vắng. Theo đà đi lên của lịch sử, quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam ắt hẳn sẽ phải chịu sự ảnh hưởng của một loạt những nhân tố xã hội - lịch sử, trong đó có những nhân tố liên quan đến ngôn ngữ truyền thống.

Các nhà nghiên cứu bây giờ có hồ đều thống nhất cho rằng văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX dần bước vào phạm trù văn học hiện đại. Văn học hiện đại có một đặc trưng cơ bản xét về góc độ ngôn ngữ - văn học, đó là văn học có ngôn ngữ viết trực tiếp dựa trên cơ sở ngôn ngữ nói. Giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết có sự thống nhất. Bởi thế, cho nên, quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam tự mang trong mình cả nhiệm vụ “văn - ngữ nhất thể) (phải làm sao cho ngôn ngữ viết thống nhất với ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết phải trực tiếp dựa trên cơ sở của ngôn ngữ nói…). Chỉ có khi nào văn học viết trực tiếp viết bằng khẩu ngữ thì mới có thể coi rằng quá trình hiện đại hóa đã đạt được những cơ sở vững vàng về ngôn ngữ…

Những điều nêu trên cho phép chúng ta hình dung quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam xét từ phương diện ngôn ngữ sẽ không giản đơn chỉ gồm những bước nhảy vọt mà ngược lại, nó sẽ phải trải qua những bước quá độ, chuyển tiếp… Ở những bước quá độ này, chúng ta vừa nhìn thấy những đặc trưng của truyền thống, vừa nhìn thấy những mầm mống cho những bước chuyển tương lai… Vả lại, quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc không phải bắt nguồn từ mảnh đất hoang, chưa có người cày xới… mà ngược lại, như trên đã nói, hiện đại chỉ là sự tiếp tục đi lên của truyền thống ở những giá trị và tầm cao mới theo yêu cầu và tình hình của thời đại… Điều đó có nghĩa là nhân tố văn học Hán – Nôm sẽ đóng vai trò của mình cho tiến trình hiện đại hóa. Tiến trình hiện đại hóa ít nhiều sẽ bị nhân tố xuất phát này quy định. Từ cách nhìn như thế, để tìm hiểu được quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, cần phải nghiên cứu kỹ văn học viết bằng chữ Hán, chữ Nôm những năm đầu thế kỷ XX, bởi nó, một mặt vừa là hậu duệ, vừa là những sản phẩm gần như cuối cùng của văn học truyền thống. Mặt khác, nó là nhân tố kề bên của văn học hiện đại. Có lẽ vì thế, văn học Hán – Nôm những năm đầu thế kỷ XX sẽ có quan hệ nào đó với văn học Việt Nam hiện đại những thập niên sau đó.

Tình hình phát triển của văn học chữ Hán chữ Nôm đầu thế kỷ cho thấy văn học viết bằng chữ Hán, chữ Nôm trong những năm đầu thế kỷ XX về cơ bản vẫn là bộ phận văn học chủ đạo trong đời sống văn học dân tộc. Các bộ Hợp tuyển, các công trình nghiên cứu về văn học Việt Nam giai đoạn này chủ yếu sưu tầm các tác phẩm viết bằng chữ Hán, chữ Nôm. Chẳng hạn như công trình Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX của cố giáo sư Đặng Thai Mai một công trình khá lớn về văn học giai đoạn này được viết bằng con mắt, cái nhìn, tâm tưởng của một người chứng kiến lịch sử, của một người rất gần gũi với thời đại bấy giờ về mọi phương diện… đã chủ yếu dành cho văn học Hán – Nôm của các sĩ phu yêu nước. Trong sô 66 đơn vị văn bản được đưa vào phần hai của tập sách với tư cách như là phần Hợp tuyển thì có tới 32 văn bản mà nguyên tác được viết bằng chữ Hán, 34 văn bản bằng quốc âm, quốc ngữ nhưng quốc âm, quốc ngữ ở đây chủ yếu được ghi bằng chữ Nôm… Trong số 32 văn bản Hán văn ấy thì chủ yếu là các văn bản chính luận… Điều ấy nói lên quang cảnh và vai trò của văn học Hán – Nôm giai đoạn này trong tiến trình tiến hóa của văn học dân tộc.

Nghiên cứu văn học chữ Hán, chữ Nôm Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX là những vấn đề rất lớn và đã có nhiều công trình. Chúng tôi, trong bài viết này chủ yếu đề cập đến một số vấn đề có liên quan đến phương diện ngôn ngữ của loại ngôn ngữ văn học này, để qua đó, ở những mức độ rất hạn chế góp phần làm sáng tỏ tiến trình vận động của ngôn ngữ văn học Hán – Nôm, cũng như vai trò của nó ở giai đoạn này cho tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam… Và cũng trong chừng mực nhất định, cũng đặt vấn đề xem xét văn học chữ Hán, chữ Nôm của các sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ như là văn học của giai đoạn quá độ, văn học đóng vai trò bước chuyển từ truyền thống sang hiện đại về phương diện ngôn ngữ…

Do yêu cầu của bài viết được đặt ra là như vậy, cho nên, cấu trúc các vấn đề ở đây sẽ là:

1. Trạng huống ngôn ngữ ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.

2. Nhân tố chữ Hán (Hán văn) và chữ Nôm trong đời sống ngôn ngữ văn học những năm đầu thế kỷ XX.

3. Những đặc điểm về chức năng và cấu trúc của ngôn ngữ văn học Hán – Nôm giai đoạn này.

4. Vai trò chiếc cầu nối giữa truyền thống và hiện đại của ngôn ngữ văn học Hán – Nôm.

1. Trạng huống ngôn ngữ ở Việt Nam đầu thế kỷ XX

Với hiệp ước Patơ nốt (1884), thực dân Pháp đã cơ bản đặt được nền thống trị của chúng trên toàn cõi Việt Nam. Lực lượng yêu nước (phái chủ chiến) trong triều đình đã phát động phong trào Cần Vương khắp trong cả nước, song phong trào này cơ bản bị thực dân Pháp tiêu diệt sau cái chết của Phan Đình Phùng – lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê vào năm 1897. Cũng trong thời gian đó, thực dân Pháp dần chú ý đến việc đặt cơ sở, xây dựng bộ máy cho các mục đích khai thác thuộc địa.

Rút kinh nghiệm ở Nam Kỳ nơi chúng sớm dùng loại chữ Hán trong thi cử (1867), do muốn nhanh chóng Pháp hóa… song lại gặp phải sự kháng cự dữ dội của nhân dân - nhất là tầng lớp sĩ phu… cho nên các tên cáo già của chủ nghĩa thực dân Pháp với những kinh nghiệm đầy người đã nghĩ ra rất nhiều âm mưu trong việc cố sử dụng những gì đã có để phục vụ cho âm mưu của chúng như: vua quan nhà Nguyễn và hệ thông thi cử cũ… để tạo ra lớp người phục vụ cho quyền lợi của người Pháp… Bởi vậy, từ khi ký hiệp ước Patơnốt, chúng tiến hành một loạt các biện pháp nhằm cải đổi cơ cấu xã hội, trong đó, chúng đặc biệt chú ý đến giáo dục, vì sau khi nhiệm vụ của những tên lính xâm lược kết thúc thì bắt đầu nhiệm vụ của người giáo viên… Lối học hành, thi cử theo kiểu truyền thống không thể đào tạo ra bộ máy thư lại mà xã hội thực dân yêu cầu. Kinh điển thánh hiền với những sáo ngữ về thời Tam hoàng, Ngũ đế… không dạy kỹ thuật làm thư ký, lập bảng biểu thống kê… Cải biến giáo dục - chuyển từ nền giáo dục phong kiến sang thực dân được coi là nhiệm vụ quan trọng của giai đoạn mới. Trong cuộc cải biến này, có một vấn đề trung tâm, đó là vấn đề ngôn ngữ - văn tự vì không thể có một nền giáo dục nào lại không thông qua ngôn ngữ văn tự.

Trong suốt mười thế kỷ tồn tại của nền giáo dục dưới thời phong kiến, giáo dục Việt Nam chủ yếu được thực hiện trên cơ sở của ngôn ngữ - văn tự vay mượn – Văn ngôn và chữ Hán với sự tham gia của tiếng Việt ở những mức độ nhất định. Hán văn tuy là ngôn ngữ chính thống, quan phương trong giáo dục, song việc giáo dục không thể diễn ra tốt đẹp và ổn thỏa được nếu không xác định đến vai trò của tiếng mẹ đẻ. Tiếng mẹ đẻ (quốc âm, quốc ngữ) được ghi bằng chữ Nôm luôn đóng vai trò là cái cầu chuyển ngữ… Thực tế dạy chữ Hán cho những người mới bắt đầu yêu cầu phải dùng chuyển ngữ, và cả khi dạy kinh điển (Thi, Thư…) cũng có khi đã dùng chuyển ngữ - quốc ngữ, quốc âm (Phạm Văn Khoái. H, 1996).

Mục tiêu trong cải biến giáo dục về phương diện ngôn ngữ của thực dân Pháp là phổ biến tiếng Pháp. Chúng đã mở trường Thông ngôn (ở Nam Kỳ từ năm 1961), trường Thông ngôn ở Bắc Kỳ vào đầu những năm 90 thế kỷ thứ XIX, trường Hậu bổ… ) song, trước thực tế ngôn ngữ ở Việt Nam buộc chúng phải điều chỉnh, chọn những yếu tố cần thiết cho ý đồ thực dân của mình.

Nếu trước đây trong lịch sử, Hán học cần phải có sự giúp đỡ của quốc âm, quốc ngữ… thì bây giờ bọn thực dân cũng thấy rằng Pháp học (tiếng Pháp) cũng cần phải có sự giúp đỡ của tiếng người bản ngữ - Đó là quốc ngữ, quốc âm.

Quốc âm, quốc ngữ vốn là cái thuật ngữ chỉ tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ dân tộc. Trong các điều kiện của thời phong kiến, tiếng mẹ đẻ đã sớm được các bậc thức giả coi là một trong những nhân tố cho sự độc lập dân tộc, cho sự đối lập Bắc Nam… Cái tiếng mẹ đẻ ấy khi được ghi lại bằng chữ Nôm, thì loại văn bản naà (cả tiếng mẹ đẻ, cả chữ Nôm) được gọi là quốc âm, quốc ngữ. Với nghĩa là ngôn ngữ của người trong nước, dù chưa phải là “ngôn ngữ nhà nước”.

Tiếng mẹ đẻ được gọi là quốc âm, quốc ngữ trong nhiều thế kỷ trung đại… đã lớn mạnh rất nhanh, để tự mình có một nội lực. Nó là ngôn ngữ của văn học dân tộc mà một trong những đỉnh cao là ở nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX… Quá trình vươn lên của tiếng mẹ đẻ về mặt cấu trúc và chức năng trong suốt thời phong kiến là một thực tế lịch sử hiển nhiên. Có thể coi sự vương lên đó là quá trình xây dựng và làm phong phú ngôn ngữ viết (ngôn ngữ văn học). Tiếng mẹ đẻ cho đến những năm đầu thế kỷ XX có hai hệ thống văn tự phổ biến hơn cả ghi lại - chữ Nôm và văn tự chữ cái âm – cũng được gọi là chữ quốc ngữ (Phạm Văn Khoái. 1997).

Thực tế phát triển vững vàng của tiếng Việt đã làm cho bọn thực dân phải tính đến nhân tố tiếng Việt trong chính sách phổ biến tiếng Pháp của chúng. Đương nhiên, người Pháp sẽ chú ý đến tiếng Việt được ghi ở dạng văn tự chữ cái La tinh. Cáo già thực dân Pôn Be từng nói: “Việc người bản xứ có thể đọc, viết bằng chữ quốc ngữ đối với chúng ta là hết sức có lợi. Các công chức của chúng ta, các nhà buôn của chúng ta có thể học rất dễ dàng các ký hiệu đó, và sự liên hệ của chúng ta với người bản xứ sẽ dễ dàng hơn nhiều” (NCLS.96. 3/1967. tr.15).

“Học rất dễ dàng cách ký hiệu đó” đúng như Pôn Be nói, nhưng nắm được tiếng Việt thì lại là một vấn đề khác. Việc đó khó khăn vô cùng chứ không phải giản đơn nắm được các chữ cái là đủ… thực dân Pháp đã sử dụng tiếng Việt ở dạng ghi bằng chữ cái làm chuyển ngữ… Từ năm 1897 chúng mở một số trường Pháp - Việt ở các thành phố và các tỉnh lớn, trong đó học tiếng Pháp là chính nhưng có học chữ Quốc ngữ và chữ Hán. Năm 1898, thực dân Pháp ra nghị định sử dụng Quốc ngữ và Pháp văn vào chương trình thi Hương (chưa bắt buộc). Năm 1906, chính quyền thực dân tiến hành cải cách giáo dục làm ba cấp… Ở kỳ thi chọn Cử nhân thì thi luận chữ Nho, thi luận chữ Việt (Quốc ngữ) và có một bài dịch chữ Pháp ra chữ Nho.

Thi cử là nhân tố có ảnh hưởng lớn đến tiến trình học tập và sử dụng ngôn ngữ. Thi cử sẽ kéo theo mọi vấn đề liên quan đến việc định hướng học tập… Lối thi cử truyền thống ở Việt Nam khiến cho người đi học không học và viết bằng ngôn ngữ đương thời mà bằng ngôn ngữ cổ, ngoại lai. Ở những khoa thi đầu thế kỷ, dần dần ngôn ngữ nói được sử dụng - nhất là trong dạng bài luận. Điều đó buộc người đi học phải học tiếng mẹ đẻ, tìm hiểu cách viết luận của nó, mà luận (hay văn xuôi nói chung) vốn là hầu nhưu hoàn toàn trống vắng trong văn Nôm quá khứ…

Những bước dạo đầu cho cuộc thay đổi chế độ thi cử đã được gióng lên từ những thập niên cuối thế kỷ XIX và sau đó gần 20 năm, đến năm 1919, chế độ học hành cũ chấm dứt trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam chuyển sang chế độ giáo dục Pháp - Việt.

Như vậy, nếu kể từ 1898 – năm thực dân Pháp ra Nghị định sử dụng chữ Quốc ngữ và chữ Pháp vào kỳ thi Hương cho đến khi nền giáo dục sử dụng chữ Hán bị loại bỏ hoàn toàn, ta thấy ở nước ta đồng thời 3 ngôn ngữ (cả ở dạng viết lẫn dạng nói) và 4 loại hình văn tự. Có thể kể ra là:

a, Ba ngôn ngữ:

- Hán văn (Văn ngôn)

- Tiếng Việt.

- Tiếng Pháp.

b, Bốn loại văn tự cho 3 ngôn ngữ trên là:

- Chữ Hán

- Chữ Nôm

- Chữ Quốc ngữ

- Chữ Pháp

Có thể thể hiện các yếu tố đó ở bảng sau:

NGÔN NGỮ VĂN TỰ (CHỮ VIẾT)
1 Văn ngôn (Hán văn) Chữ Hán 1
Tiếng Việt Chữ Nôm 2
2 Chữ Quốc ngữ 3
3 Tiếng Pháp Chữ Pháp 4

Qua bảng đó ta thấy vai trò của chữ Hán (Văn ngôn) được xếp vào hạng thứ nhất. Nhưng tình hình đã thay đổi dần vào các năm 1903, 1906… và có thể nói thay đổi theo từng kì thi đến mức độ chóng mặt… Sự thay đổi đó dẫn đến những biến động tâm lý trong đám sĩ tử nói riêng và cả xã hội nói chung. Người ta lắng nghe từng tin đồn…

“Mong gì nhà nước còn thi nữa.

Biết rõ anh em chẳng chắc rồi”

“Nghe nói khoa này sắp đổi thi.

Các thầy đồ cổ đỗ mau đi…”

(Tú Xương)

Những thay đổi dữ dội khiến cho học trò như lũ gà phải cáo, sợ hãi trước những biến động trong thi cử… và dẫn đến biến động trong thế phân phối của các ngôn ngữ - chữ viết. Với việc chấm dứt thi cử bằng chữ Hán vào năm 1919, về cơ bản chữ Hán đã giải thể về chức năng (cho dù chữ Hán vẫn được dạy một hai giờ trong tuần..). Vị thế của các ngôn ngữ - văn tự đã có sự đảo lộn ghê gớm. Sự đảo lộn đó được thể hiện bằng bảng sau:

NGÔN NGỮ VĂN TỰ (CHỮ VIẾT)
1 Tiếng Pháp Chữ Pháp 1
2 Tiếng Việt Chữ Quốc ngữ 2
Chữ Nôm 3
3 Văn ngôn (Hán văn) Chữ Hán 4

Qua hai bảng trên chúng ta thấy sự đảo lộn vị trí ghê gớm trong bức tranh về trạng huống ngôn ngữ - văn tự ở Việt Nam từ những năm cuối thế kỷ XIX đến năm 1919. Dường như sự đảo lộn vị trí của các yếu tố cấu thành trạng huống (hoàn cảnh) ngôn ngữ có tính chất dây chuyền và kéo theo nhưng mang đầy nghịch lý về chức năng.

Sự sa sút vủa chữ Hán đến mức loại bỏ văn ngôn ra khỏi phạm vi giáo dục, hầu như gây ra phản ứng dây chuyền lan đến dẫn đến sự sa sút của chữ Nôm. Nhưng dường như lại có sự trớ trêu, sự vượt trội thăng hoa của chữ Pháp không kéo theo sự thăng hoa về chức năng xã hội, chức năng nhà nước của chữ Quốc ngữ.

2. Nhân tố chữ Hán - chữ Nôm trong đời sống ngôn ngữ Việt Nam đầu thế kỷ

Trên đây chúng tôi đã mô tả trạng huống ngôn ngữ (chủ yếu là ngôn ngữ viết) ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Hai bảng lược đồ trên đây đã cho ta hình dung sự sa sút của chữ Hán đến mức nào. Loại bỏ vị trí độc tôn của chữ Hán đã kéo theo ngay lập tức sự sa sút của hệ thống văn tự ghi tiếng Việt dựa trên cơ sở chữ Nôm.

Nói đến sự sa sút của hệ thống văn tự chữ Hán, nhưng mặt khác, chúng ta phải nhận thấy rằng gần như suốt 20 năm đầu thế kỷ XX chữ Hán vẫn còn được sử dụng, vẫn còn có uy lực nào đó (thậm chí còn có sức ỳ rất mạnh). Điều ấy thể hiện ở chỗ nó vẫn là ngôn ngữ của thi cử (mặc dù đã thu hẹp phạm vi và không còn giữ vị trí độc tôn nữa và đang dần đi đến loại bỏ).

Gần như tất cả các văn kiện của nhà nước thực dân và vua quan nhà Nguyễn đều có dạng viết chữ Hán hay chuyển sang chữ Nôm. Tình hình trên vẫn tiếp tục cho đến tận những năm 30 của thế kỷ này. Theo thống kê của chúng tôi qua bộ sách Di sản Hán – Nôm, Thư mục đề yếu, viết bằng chữ Hán vẫn là những văn bản cơ bản của lối quản lý đời sống truyền thống như sử ký, địa dư chí, hình luật, như các bộ:

1. Bắc Kỳ địa dư lược sao (A 2669) soạn thời Đồng Khánh – Duy Tân.

2. Bắc Kỳ quan chế Nghị định (VHv.2b) in năm Khải Định năm thứ 3 (1918).

3. Quốc triều luật lệ toát yếu (VHv.1706). Tóm tắt luật thời Duy Tân.

4. Quốc triều sử toát yếu. Cao Xuân Dục chủ biên. Viết tựa năm Duy Tân thứ 2 (1908)…

Danh sách các văn bản thuộc vào loại căn bản cho các hoạt động và các thiết chế nhà nước được viết bằng chữ Hán có thể còn được kéo dài nữa. Ấy là chúng tôi không kể đến các tác phẩm viết về chủ đề trên của các cá nhân trong xã hội…

Địa vị của chữ Hán còn thể hiện ở chỗ thời gian này đã xuất hiện một trào lưu tóm tắt biên soạn lại các sách vở xưa. Nhiều bộ sách tiết yếu các kinh điển của Nho gia phục vụ cho chương trình cải cách giáo dục ở giai đoạn những năm đầu thế kỷ XX (Trung học Ngũ kinh toát yếu, Trung học Việt sử toát yếu…). Sách chữ Hán không chỉ giới hạn ở những vấn đề có liên quan đến học thuật truyền thống mà còn được sử dụng cả ở lĩnh vực sách giáo kho đề cập đến các tri thức mới như sách Cách trí của Trần Văn Khánh…

Vẫn còn tồn tại thi cử bằng chữ Hán nhưng có đổi mới về thể văn, cho nên số sách luyện thi chữ Hán theo kiểu mới cùng với các chủ trương mới của nhà nước thực dân và Nam triều xuất bản nhiều tựa hồ như nấm mọc sau trận mưa rào. Nhưng sách có tên như: Cử nghiệp luận tuyển, Hội đình văn tuyển, Luận thể tân tuyển, Sách học tân tuyển, Sách văn tân thức, Tân thức luận thể hợp tuyển… phục vụ thi cử vẫn chiếm số lượng lớn nhất trong số các sách chữ Hán trong thời kỳ này, đủ thấy thi cử theo kiểu cũ đã lụi tàn vì lối học vô dụng, nhưng vẫn còn tồn tại nên người ta vẫn chạy theo các loại văn chương trường ốc đó.

Càng về sau, tiếng Việt càng phát triển, càng có khả năng hơn trong chức năng thông báo các chính sách của chính quyền đến với dân cả ở dạng chữ Nôm và Quốc ngữ. Trên cơ sở của nền Hán học vẫn còn, nên chữ Nôm vẫn lại được dùng như một chuyển ngữ… Rất nhiều nghị định của chính quyền thực dân được dịch từ tiếng Pháp ra chữ Nôm như: Bản dịch Nôm nghị định 1911 của Thống sứ Bắc Kỳ (NHv 119). Bắc Kỳ bảo hộ - Quốc ngữ công báo in năm Khải Định 1923; (VNv 15); Bắc Kỳ dân luật quốc âm dịch bản (VNv 18); Bắc Kỳ dân luật tân san (VNv12)…

Chữ Nôm đặc biệt được sử dụng trong các lĩnh vực có liên quan đến luật pháp, dân sự, thương mại, tố tụng, thuế khoá… thậm hcí ghi cả những tiết lễ ở Bắc Kỳ…

Hán văn được sử dụng trong báo chí… Có tiếng nhất là Đại Nam Đồng Văn nhật báo, Đăng Cổ tùng báo…, các công báo khác chủ yếu bằng chữ Hán… Báo chí bằng chữ Nôm thì cơ hồ như vắng bóng.

Giáo dục truyền thóng đã sản sinh ra một lớp đông đảo những người biết chữ Hán. Không ít người trong số họ đã tham gia con đường cử nghiệp, họ từng đỗ đạt, từng giành các vị trí đứng đầu trong các kỳ thi Hương, thi Hội ngay ở giai đoạn giao thời này. Với học vấn của họ (mà con đường cơ bản biết được qua sách vở viết bằng chữ Hán), họ nhận thấy rằng cứu nươc theo con đường cũ (con đường Cần Vương) đã không hợp với tình hình nữa, kinh điển của thánh hiền, lối văn bát cổ không còn thích hợp “Hiền thánh còn đâu học cũng thừa” – mà cần phải tiến hành một cách khác, khi mà đại bộ phận giai cấp phong kiến đã đầu hàng, câu kết làm tay sai cho chủ nghĩa thực dân Pháp… Họ có nhận thức mới về thời cuộc, họ muốn duy tây để tự cường, họ xuất dương hay gửi con em xuất dương… Tiêu biểu nhất trong số các trí thức ấy là; Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp… Sự hiểu biết của họ về tinh thần thời đại, khu vực lúc đầu chủ yếu qua con đường sách vở bằng chữ Hán. Các áng thơ văn, các cương lĩnh hoạt động chính trị của họ cũng chủ yếu viết bằng chữ Hán và sau đó lại được diễn Nôm (một lối diễn rất truyền thống…). Việc tài liệu của họ Viết chữ Hán và diễn Nôm là chủ yếu đã thấy nhân tố chữ Hán và chữ Nôm trong khoảng hơn 20 năm đầu thế kỷ này vẫn có một bộ phận độc giả đông đảo. Họ sáng tác văn thơ không phải để làm văn làm thơ mà làm nhiệm vụ giác ngộ, tổ chức, tuyên truyền cách mạng. Các bộ Hợp tuyển văn học giai đoạn này chủ yếu sưu tập các tác phẩm viết bằng chữ Hán, chữ Nôm đủ mọi thể loại và phong cách.

Sự phân tích trên đây về nhân tố chữ Hán (Hán văn) và nhân tố chữ Nôm trong đời sống ngôn ngữ của đất nước đầu thế kỷ XX đã phần nào cho chúng ta thấy ở thời gian ba thập niên đầu thế kỷ XX, nhân tố chữ Hán, chữ Nôm vẫn còn vị trí của mình trong trạng huống ngôn ngữ - xã hội đặc biệt trong lịch sử nước nhà, thường được gọi là trạng huống giao thời Âu – Á. Nhân tố chữ Hán vốn là vay mượn, song, do đó là sự vay mượn tự giác (Hán học Việt Nam phát triển chủ yếu vào giai đoạn nước nhà độc lập sau thế kỷ X), cho nên vẫn có những sức mạnh nào đó có tính chất bề dày… Cái sức mạnh ấy có được chính là ở chỗ: qua Hán học, cha ông chúng ta đã xây dựng được một nền học thuật dân tộc, là cái để cho chúng ta tự hào có truyền thống văn hiến, chẳng kém gì Trung Hoa… Chính bọn thực dân cũng đã nhìn thấy điều này qua lời của Pôn Be: “Việc dạy chữ Pháp sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho việc học quốc ngữ. Cũng cần có một khoá trình chữ Nho, nếu trẻ em An Nam rời bỏ nhà trường của chúng ta mà không biết đọc và viết chữ Nho thông dụng… họ sẽ trở thành những kẻ ngoại quốc trong xứ sở củ họ. Và sau hết, các trường của chúng ta sẽ không chiêu tập được ai vào học” (NCLS.5.1967. Tr.44).

Nhiều người khi giải thích sự luyến tiếc của các tầng lớp nhân dân khi chữ Hán bị đẩy ra khỏi phạm vi giáo dục, mới chỉ nghiêng về một phía cho rằng các tầng lớp nhân dân luyến tiếc một nền học vấn Trung Hoa, hay đi học chữ Nho dùi mài nghiên bút theo con đường cử nghiệp, bổng lộc cũng ở trong đó… nay bỗng dưng con đường đó bị đóng cửa… mà không thấy rằng: chính Hán học Việt Nam trong truyền thống (chủ yếu là sau khi nước nhà độc lập) đã tạo dựng nên những nét đặc thù, những giá trị trong truyền thống học thuật, văn hóa Việt Nam. Cha ông chúng ta trong truyền thống rất trân trọng những trước tác của người Việt Nam. Họ từng than dài trước các nguy cơ, lý do văn thơ Lý - Trần bị hủy hoại trong các điều kiện nhà Minh xâm lược. Họ than phiền về một nước có tiếng là văn hiến mà làm thơ, làm văn phải lấy các nhà thơ đời Đường ra làm khuôn mẫu. Điều này đã được các tác giả của Văn minh tân học sách một lần nhắc lại: “Nước ta từ xưa tới giờ, các nhà viết văn kể cũng khá nhiều như Khâm Định Việt sử cương mục, Thực lục, Liệt truyện, Nhất tống chí, Lịch triều chí, Vân đài loại ngữ, Công hạ kiến văn, đều đủ để cung cấp tài liệu về sơn xuyên, phong tục, văn vật, điển chương và để cho người sau mượn đó làm gương nữa…” (Chương Thâu 1982, Tr.112 – 113).

Cho nên, điều thứ hai trong cương lĩnh canh tân của Văn minh tân học sách là hiệu đính sách vở chữ Hán của nước nhà. Họ đã nhận thấy giá trị của văn hóa truyền thống tích tụ trong các văn bản chữ Hán. Và cũng do yêu cầu của thời đại, họ cho rằng việc số một là phải dùng văn tự nước nhà - chữ Quốc ngữ, nhưng họ thấy việc xóa bỏ chữ Hán là gây nên sự đứt đoạn giữa truyền thống và hiện đại. Lý do họ đề xuất phải cấp bách hiệu đính sách vở là như vậy.

Nhân tố chữ Hán – và kèm theo đó là chữ Nôm ghi tiếng Việt đã được các nhà yêu nước sử dụng một cách rộng khắp để làm lợi khi tuyên truyền, tổ chức cách mạng. Những người ấy đã dùng ngọn bút và cái mình sáng tác ra bằng ngòi bút (chủ yếu là bút lông) để làm cách mạng. Khi thực dân Pháp đàn áp, bắt bớ thì nhà tù đầy những Tiến sĩ, Phó bảng, Cử nhân… Việc họ chủ yếu viết bằng chữ Hán và chữ Nôm cần phải được nhận thấy vẫn còn đông đảo số người đọc chữ Hán. Viết chữ Hán… chữ Nôm chứ không phải đơn thuần cho rằng đó là sự dị ứng với lại bút chì, bút sắt với chữ Quốc ngữ… Nếu dị ứng, các cụ đã không nêu lên việc cấp bách đầu tiên là phải dùng chữ Quốc ngữ… Chữ Quốc ngữ được các cụ cho là “hồn trong nước” nhưng cũng phải thừa nhận rằng viết chữ Quốc ngữ ở giai đoạn này còn phôi thai lắm, nó chưa có bề dày truyền thống, xã hội dường như chưa kịp chuẩn bị… Ngay cả công báo, công văn, dân luật của nhà nước thực dân vẫn phải dùng chữ Hán, chữ Nôm kia mà. Sự chưa chuẩn bị của xã hội về Quốc ngữ đã là chỗ cho chữ Hán, chữ Nôm vẫn còn chỗ đứng của mình trong những năm đầu thế kỷ.

3. Những đặc điểm về chức năng và cấu trúc của ngôn ngữ văn học Hán – Nôm trong giai đoạn này

Hán văn (văn ngôn) một mặt vẫn được sử dụng trong 20 năm đầu thế kỷ với tư cách là ngôn ngữ của giáo dục, của sáng tác nhưng càng tàn dần. Mặt khác cũng phải thấy rằng Hán văn thời gian này đã thay đổi rất nhiều về chức năng xã hội cũng như về mặt cấu trúc.

Về mặt chức năng xã hội, như trên đây chúng tôi đã trình bày, văn ngôn trong chức năng là ngôn ngữ độc quyền trong giáo dục trong thời điểm này tuy cứ dần dần lụi tàn… song nó lại mở rộng trong chức năng là công cụ nhận thức cuộc sống (trong báo chí… trong biên soạn sách giáo khoa mới…). Văn ngôn trong giai đoạn này khác hoàn toàn, khác với bất kỳ giai đoạn nào trước đó. Chúng ta thấy Hán văn giai đoạn này là một trong những công cụ nhận thức các vấn đề do cuộc sống của đất nước. Nếu không kể việc chủ nghĩa thực dân và triều đình nhà Nguyễn sử dụng Hán văn và chữ Nôm vào việc phổ biến các chính sách thực dân, phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa của chúng, thì văn chương yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ này chủ yếu viết bằng chữ Hán, chữ Nôm. Đó là loại văn chương giác ngộ tập hợp động viên quần chúng với một bầu nhiệt huyết chứa chan. Có thể gọi đó là văn chương giác thế - một lối viết chịu ảnh hưởng của Tân văn thể của Lương Khải Siêu và Hán văn Trung Quốc thời cận đại. Văn chương chủ yếu có nhiệm vụ giác ngộ đồng bào, tổ chức động viên họ vào con đường cứu nước… Chức năng giác thế của Hán văn giai đoạn này là chức năng nổi bật nhất.

Cùng với những biến đổi của xã hội Việt Nam trong hai chục năm đầu của thế kỷ này, Hán văn đã có thay đổi về thể loại và phong cách. Nếu như trước đây lối học cử tử đã làm cho người ta chỉ học theo các kinh truyện, làm văn không phải bằng các ngôn từ của mình mà bằng ngôn từ của thánh kinh hiền truyện, khiến cho văn chương cử tử trở nên khuôn sáo và trống rỗng, những người đi học chỉ biết “nhai lại bã mía của tiền Nho” không có sáng tạo trong cách diễn đạt, trong các chủ đề đề cập (nếu có chỉ có thể viết sách thuốc, viết truyện ký…)… thì giờ đây lối văn bát cổ bị lên án và lại bị chính những đại diện có uy quyền nhất của văn chương cử tử phê phán - những Tiến sĩ… những Phó bảng… những tay cự phách về văn chương khoa cử… Hán văn thời này không chỉ giới hạn mình trong kinh truyện mà còn là ngôn ngữ viết các loại sách giáo khoa khác như luân lý, cách trí… Do vậy chức năng nhận thức của Hán văn lại mở rộng hơn.

Sự thay đổi về chức năng trên đây đã dẫn đến những thay đổi to lớn về phương diện cấu trúc của Hán văn đầu thế kỷ. Do chức năng phổ biến của mình, Hán văn Việt Nam đã bước vào thể nghiệm ở một số thể loại và phong cách mà trước đó chưa hề có. Đó là Hán văn trong công báo, thông tư, (phong cách báo chí), tức là các phong cách chính luận, tuyên truyền. Đã xuất hiện rất nhiều tờ báo viết bằng chữ Hán như Đồng văn nhật báo, chẳng hạn.

Đồng văn nhật báo vốn là tờ báo của chính quyền thực dân, nó chỉ là tờ công báo. Trên báo chúng ta chủ yếu thấy công bố việc bổ nhiệm, thuyên chuyển quan lại, các nghị định, thông tư… Mục tuyển văn thì nói chung là nghèo nàn. Mục tin tức thì chủ yếu là đưa lại (tin trong đó không ít tin báo đưa lại trên cơ sở tin của các báo chí Thượng Hải… Xét về giá trị văn học và báo chí thực, Đại Nam Đồng văn nhật báo rất bị hạn chế. Song điều quan trọng đây là tờ báo xuất hiện vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX, có nó số lượng độc giả rộng rãi hơn nhiều so với độc giả của những thi phẩm bình thường vốn có của truyền thống. Phong cách ngôn ngữ của Đại Nam Đông văn nhật báo là phong cách công văn… một phong cách chủ yếu chỉ có câu đơn, lối diễn đạt tránh hiểu hai nghĩa… Ở Việt Nam chúng ta không có những báo chữ Hán trong giai đoạn này đã đóng vai trò nào đó trong việc làm đổi mới phong cách của ngôn ngữ viết - chữ Hán.

Do chức năng nhận thức quy định, Hán văn thời này định về cơ bản viết theo lối văn ngôn mà lối văn ngôn này khác với văn ngôn của các giai đoạn trước đó. Sự khác biệt của văn ngôn giai đoạn này so với các giai đoạn trước đó, có thể được nhìn thấy trong các loại văn thể khác nhau. Trước hết, chúng ta hãy kể đến văn chương cử tử. Tuy lối văn chương này, nói chung, là kiểu trả bài thi, lời nói trống rỗng, khuôn mẫu, song, trước những biến đổi của thời cuộc và do ảnh hưởng của các cuộc cải cách chế độ học hành, dư luận nhìn chung đã thấy rằng văn chương khoa cử những khoa thi đầu thế kỷ XX đã khác nhiều so với văn chương trước đó… Môn thi chữ Nho chủ yếu là hai môn Luận và Sách. Đề tài của hai môn này chủ yếu lấy từ các vấn đề thời vụ… Do đó kéo theo cách trình bày vấn đề thời vụ liên quan đến cuộc khai thác thuộc địa phải khác các vấn đề theo kinh truyện… Thế là có dịp người ta tung ra thị trường một loạt sách làm bài mẫu (tựa như sách luyện thi). Những từ tân thức, tân tuyển, tân thức, luận thể, tân văn,… luôn luôn được dùng làm định ngữ cho các bộ sách luyện thi mới này. Có thể kể ra ở đây một số quyển như sau:

Luận thể tân truyện (A.1489) do nhà Tụ Văn đường in năm Duy Tân thứ 5 (1911).

Luận thể tân truyện (VHv.1489) do nhà văn Mỹ Văn đường in năm Duy Tân thứ 5 (1911).

Sách văn tân thức (VHv 965/1) in năm Duy Tân, Tân Hợi (1911).

Sách học tân tuyển (VHv 712/1-2/ in năm Duy Tân, Kỷ Dậu (1909).

Tân thức ở đây được hiểu là những bài làm theo lối mới mà đề tài chủ yếu đề cập đến các vấn đề thời sự như về kỹ nghệ, canh nông, du học, lý tài… Ngôn từ do vậy phải mới, ít dùng những lời “Tử viết, Thi vân…”. Tất nhiên do lối văn cử tử quy định, khi vắng những từ “Tử viết, Thi vân thì lại xuất hiện những lối nói mới làm đẹp lòng các quan Công sứ, Thống sứ, Toàn quyền…

Cấu trúc các nhóm văn bản Hán văn cũng thay đổi khác hoàn toàn trước đó. Nếu như trước đây sách giáo khoa chỉ giới hạn ở Tứ thư, Ngũ kinh với các lời chữ số của Tống Nho thì bây giờ Hán văn được sử dụng làm ngôn ngữ viết sách giáo khoa các lĩnh vuẹc đời sống xã hội như luân lý, cách trí, sử…

Hán văn giai đoạn này không có những bộ loại thư loại lớn (ngoại trừ các bộ sử và các bộ địa dư chí…). Có thể được giải thích bằng tình hình đầy biến động và sự thay đổi của tinh thần học thuật đầu thế kỷ. Nếu trước tác theo học thuật truyền thống thì không hợp với tinh thần của thời cuộc. Dễ hiểu, Hán văn thời kỳ này thiếu vắng những loại bộ thư lớn, những bộ khảo cứu trường thiên…

Hán văn thời kỳ này bị thời đại chi phối, do vậy được viết ra trong tinh thần đả đảo văn khoa cử, đả đảo lối viết văn tối tăm không đề cập đến những vấn đề thời cuộc… Trong số các tác giả lớn của văn học cách mạng đầu thế kỷ XX ta thấy dường như đa số họ là những người đã qua vòng khoa cử nhưng ai cũng ghét khoa cử. Khoa cử tựa như ách cường quyền thực dân:

Vạn dân nô lệ cường quyền hạ.

Bát cổ văn chương tuý mộng trung.

(Phan Châu Trinh)

Họ thấy mình có nhiệm vụ phải thức tỉnh mọi người… Trong điều kiện con số người biết chữ Hán những năm đầu thế kỷ XX không phải là lớn so với toàn bộ nhân dân, do vậy, họ chủ yếu sử dụng chữ Hán, tập trung vào khơi gợi những người có học. Còn những người không biết chữ họ quay sang sáng tác bằng Nôm cho dễ truyền miệng, một con đường truyền thống của văn học viết bằng chữ Nôm khi xưa…

4. Vai trò chiếc cầu nối giữa truyền thống và hiện đại của ngôn ngữ văn học Hán – Nôm

Một trong những điều dễ thấy của Hán văn giai đoạn này là sự xuất hiện của các từ biểu thị các khái niệm mới theo kiểu quá độ. Các vấn đề được tập trung nói đến lại là các vấn đề mà trước đây trong kinh truyện không thể có được như về đường sắt, điện, về thực nghiệp, về công thương… và phần lớn các vấn đề đó vào lúc ấy không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà là vấn đề của các nước Châu Á.. Họ học tập cách diễn đạt của các đại diện Trung Quốc thời cận đại như Lương Khải Siêu, Nghiêm Phục… Những vấn đề có tính chất khu vực và thời đại như vậy đã tạo nên tinh thần Đông học của cả khu vực. Do thế họ có cách nói của các nhà Tân thư, ngôn ngữ của họ đã được đổi mới, khác xa ngôn ngữ của nhà Nho cử tử khi xưa… Tác phẩm của họ viết ra không đòi hỏi phải có trình độ Hán học quá cao vì ít tầm chương trích cú… Họ viết tự nhiên, ít dùng điển cố (nếu buộc phải dùng thì có mức độ và được dùng rất đắt)…

Cần phải nói rằng mức độ ảnh hướng Tân thư và phong cách viết mới (Tân văn thể) ở Hán văn Việt Nam là rất rõ. Có thể dẫn ra trường hợp ở các văn bản Văn minh tân học sách và Quốc dân độc bản có một loạt trường hợp các tác giả đã dùng cách dịch thuật ngữ theo Lương Khải Siêu. Chẳng hạn như chữ “chủ nghĩa” ở cả hai văn bản trên dùng với nghĩa là “nghĩa chính”. Khái niệm kinh tế hiện nay lại được dùng theo thuật ngữ của Lương Khải Siêu là kế học (khoa học tính toán). Bởi thế, có cở sở để nói rằng ngôn ngữ các nhà Nho đã đổi mới nhưng sự đổi mới ấy chịu ảnh hưởng của Tân văn thể - phong cách viết của Lương Khải Siêu và báo chương khu vực viết bằng chữ Hán.

Số lượng văn bản Hán văn Việt Nam của giai đoạn những năm đầu thế kỷ XX không phải là quá nhiều, nhưng xét về mặt chức năng và cấu trúc ngôn ngữ ta thấy đó là một loại các văn bản được viết theo một ngôn ngữ mới, khác hẳn với ngôn ngữ được dùng ở các giai đoạn trước đó. Đó là lối viết của thời cận đại.

Nếu ta thấy vốn từ và thuật ngữ hiện đại đi vào tiếng Hán và các ngôn ngữ khác như tiếng Nhật ở những năm cuối thê kỷ XIX đầu thế kỷ XX phải dựa vào các bối cảnh lịch sử cụ thể lúc bấy giờ, phải vào qua con đuờng “bình cũ rượu mới”… để cho những người sử dụng chấp nhận và quen dần (chẳng hạn một loạt các thuật ngữ chính trị, khoa học… đều được xây dựng trên cơ sở các căn tố, các từ có trong các kinh điển cổ…), và bản thân hệ thống thuật ngữ này cũng đang ở giai đoạn vận động để đi đến định hình, thì tình hình này cũng thể hiện trong các văn bản Hán văn Việt Nam. Như trên đây chúng tôi đã đề cập đến một số thuật ngữ tương đương với các thuật ngữ của các nước Châu Âu được sử dụng trong tiếng Hán giai đoạn cận đại và các văn bản Hán văn Việt Nam đầu thế kỷ XX mang tính chất chuyển tiếp… ít nhiều có gắn với lịch sử, chưa ổn định, có nhiều nét khác với hệ thống thuật ngữ hiện đại. Chẳng hạn như để diễn đạt khái niệm economy người ta đã phải dùng nhiều thuật ngữ khác nhau và sau đó người ta đã dùng thuật ngữ do người Nhật đặt là kinh tế và vỏ ngôn ngữ (và cả nội dung) của thuật ngữ này được dùng cho đến tận ngày nay. Song, ngay khi đã dùng thuật ngữ kinh tế rồi, nhiều nhà Nho vẫn hiểu nó theo cách hiểu truyền thống mà trong đó kinh tế có nghĩa là “kinh thế tế dân”, “kinh bang tế thế”… chữ không hiểu ngang với nội dung hiện đại. Phải mất một giai đoạn các thuật ngữ có nội dung hiện đại mới được những người biết chữ Nho hiểu đúng. Tuy có tình hình trên, song qua đó, ta cũng thấy rằng: Hán văn thời kỳ cận đại, trong những chừng mực nhất định – qua hệ thống vốn từ, thuật ngữ của mình đã góp phần rất đắc lực để làm cái cầu trung chuyển cho học thuật từ truyền thống đến hiện đại. Không có nó, chắc hẳn việc xây dựng hệ thống thuật ngữ hiện đại (viết bằng chữ Quốc ngữ sau này) sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn…

Khi nhận xét về ngôn ngữ văn học của văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, cố giáo sư Đặng Thai Mai có viết: “Văn học chữ Hán không phải là văn học của đại chúng nhân dân nước ta” (Đặng Thai Mai, Tr.198). Ngay cả văn Nôm cũng có nét thiếu tính đại chúng “Một ấn tượng không được thoải mái cho lắm trong khi ta đọc một số văn Nôm của thời đại này là: với các nội dung mới của nó, thơ ca các nhà chiến sĩ cách mạng vẫn chưa thể nói là hợp với khẩu vị của đại chúng được. Phần lớn các bài văn thơ viết theo thể loại nhà trường… vẫn quá nhiều những ám thị, tượng trưng, những biểu tượng quá uyên bác và mới. Tư liệu văn học lại đã quá xa lạ với thời đại rồi. Tư liệu mới lẽ ra gần với bạn đọc hơn. Khốn một nỗi là trên trình độ học thức phổ thông thời này, bao nhiêu danh từ “tân thư” từ tên đất, tên người cho đến các khái niệm khoa học – khoa học tự nhiên và nhất là khoa học xã hội đều phải vay mượn từ chữ Hán để đưa về vận dụng vào tiếng Việt. Thành ra nội dung của bấy nhiêu thực tế đối với con người thông thường lắm lúc có phần lạ tai, lạ mắt quá! Tình trạng này có phần trách nhiệm của thời đại: trí thức của người bạn đọc Việt Nam về các phạm trù khoa học đang đình đốn lại trên một trình độ quá lạc hậu” (Đặng Thai Mai, tr.199).

Nhận xét của cố giáo sư Đặng Thai Mai thật là đúng với tình hình ngôn ngữ Hán và Nôm giai đoạn này. Ngôn ngữ học viết bằng chữ Hán và chữ Nôm đã tự bộc lộ những hạn chế của mình trong điều kiện những năm đầu thế kỷ. Những hạn chế, nhược điểm của ngôn ngữ văn học chữ Hán và chữ Nôm trên đây cũng là hạn chế của ngôn ngữ văn học chữ Hán nói chung. Hán văn, tự nó là ngôn ngữ vay mượn, ngoại lai thì rõ ràng không bao giờ có thể là ngôn ngữ đại chúng được. Ngôn ngữ văn học dân tộc viết bằng chữ Nôm cũng không thể tránh khỏi tình hình phát triển thấp kém của đời sống của dân trí nói chung. Tuy có những nhược điểm như vậy, song ngôn ngữ văn học Hán – Nôm giai đoạn những năm đầu thế kỷ XX quả là một bộ phận trong phức thể của các ngôn ngữ văn học của buổi giao thời. Do vậy, trong những chừng mực nhất định, chúng mang những đặc điểm của buổi giao thời.

Văn học truyền thống cũng viết bằng chữ Hán nhưng ngôn ngữ văn học này về căn bản dựa vào ngôn ngữ truyền thống. Ngôn ngữ văn học này dựa vào tiếng Hán, và sau đó, dựa vào những thành tựu cải tiến ngôn ngữ viết – văn ngôn thời Đường - Tống.

Đến những năm cuối thế kỷ XIX (và nhất là những năm đầu thế kỷ XX) tình hình cuộc sống khác hẳn đã khiến cho ngôn ngữ văn học – văn xuôi ở ngay Trung Quốc cũng phải biến đổi để chuyển thành Tân văn thể. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đều thống nhất cho rằng giai đoạn Tân văn thể là giai đoạn quá độ - là bước chuyển của văn học Trung Quốc từ truyền thống sang hiện đại (Lương Quang Khánh, 1996). Văn học Trung Quốc và ngôn ngữ văn học giai đoạn những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã làm nhiệm vụ của giai đoạn quá độ, để rồi với Ngũ Tứ vận động, một ngữ văn học mới - bạch thoại được xác lập thay thế văn ngôn. Như vậy, sự cải biến trong cách viết do Tân văn thể đã đặt tiền đề, là bước quá độ cho cuộc tiến hóa về ngôn ngữ viết ở Trung Quốc.

Còn ở Việt Nam, như trên đây đã trình bày, tình hình có phần phức tạp hơn nhiều, bởi văn ngôn là ngôn ngữ ngoại lại. Văn Nôm ở những cuối thế kỷ XVIII – cho đến đầu thế kỷ XX chủ yếu vẫn là ngôn ngữ của vận văn. Văn xuôi bằng ngôn ngữ dân tộc viết bằng chữ Nôm quả là ít ỏi. Những thay đổi trong chính sách thi cử đầu thế kỷ XX đã làm cho người ta chú ý đến viết luận trong thi cử bằng chữ Quốc ngữ. Cách viết luận này tuy xuất hiện một cách muộn mằn, nhưng dù sao, cũng đã góp phần tạo cho cả xã hội (trước hết là tầng lớp sĩ tử) chú ý đến việc rèn dũa tiếng mẹ đẻ… ở dạng rất cao cấp, nghiêm túc: viết luận. Tiếng Việt, do thế không chỉ là ngôn ngữ của sự “mua vui, giải trí, viết chơi” như trước nữa, mà nó được tập dượt trong phong cách chính luận, một vị trí mà không phải dễ dàng giành được.

Ngôn ngữ văn học chữ Hán thời này đã góp phần của mình để thúc đẩy cho thể luận của văn tiếng Việt tiến lên. Điều này thể hiện ở nhiều phương diện, chẳng hạn như Hán văn thời kỳ này là nguồn cung cấp từ vựng cho tiếng Việt. Những từ ngữ, thuật ngữ mới lấy từ Hán văn sẽ là nguồn cung cấp từ vựng chủ yếu cho tiếng Việt, nhất là ở phong cách chính luận. Không ít những người viết bằng chữ Hán lại là những người tích cực hô hào sử dụng tiếng Việt trong giáo dục, tỏng sáng tác, hô hào mọi người sử dụng chữ Quốc ngữ. Thực tế vận động sử dụng Hán văn giai đoạn này sẽ là nguồn cổ động cho công cuộc xây dựng ngôn ngữ văn học dân tộc viết bằng chữ Quốc ngữ… Khỏi phải nhắc lại vai trò của tác giả lớn trong giai đoạn này trong việc hạ bệ văn chương khoa cử… cổ vũ tân học… ta cũng thấy vai trò chuẩn bị, quá độ của ngôn ngữ ngữ văn học viết bằng chữ Hán, chữ Nôm.

Sự tăng tiến quá nhanh của các thuật ngữ khoa học cũng như nhân danh, địa danh từ các ngôn ngữ Châu Âu (nhất là của các ngành khoa học xã hội) ở giai đoạn này quả là gánh nặng quá tải cho một ngôn ngữ văn học viết bằng chữ Nôm. Thật khó bằng chữ Nôm mà dịch và phiên đúng âm đọc của một loạt nhân danh, địa danh, thuật ngữ khoa học… có nguồn gốc Âu Châu. Nếu cứ dùng chữ Nôm thì những yêu cầu trên không thể hiện thực một cách thỏa đáng được. Nhưng, phải thừa nhận rằng sáng tác bằng chữ Nôm ở giai đoạn này vẫn còn có sức sống của mình, song nếu cứ dùng nó trong khi đã có phương án lựa chọn khác - chữ Quốc ngữ thì thật là không hợp thời và hợp lôgic của lịch sử nữa… Xét về một phương diện nào đó - chữ Nôm trong điều kiện mới đã đóng vai trò làm cái nền, cái phồng mà qua đó xã hội nhận thấy sự tiện lợi của việc sử dụng Quốc ngữ. Do vậy, nó đã đóng vai trò bước chuẩn bị cho việc chiến thắng của Quốc ngữ vào các năm 20 của thế kỷ này.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi một lần nữa khẳng định vai trò của ngôn ngữ văn học viết bằng chữ Hán và ngôn ngữ văn học viết bằng chữ Nôm giai đoạn đầu thế kỷ XX đối với quá trình tiến hóa của ngôn ngữ văn học Việt Nam và văn học Việt Nam. Xét theo nhiều khía cạnh và ở những mức độ nhất định, hai ngôn ngữ văn học có tính chất truyền thống này, trong những năm đầu thế kỷ XX đã biến đổi về cấu trúc và chức năng, chuẩn bị những tiền đề quan trọng (và tự chúng là bước quá độ) cho sự tiến hóa của ngôn ngữ văn học Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại.

Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu tuy không giống các sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ XX (ông có sáng tác đầu tay in vào những năm đầu của thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX) được mọi người của phong trào Thơ Mới coi như là người của sự giao thời, là dấu nối của hai thế hệ. Tản Đà như ông đã từng tự nhận mình:

Chữ nghĩa Tây Tàu trót dở dang

Nôm na phú nghiệp kiếm ăn xoàng…

Nếu xét trong tiến trình hiện đại của văn học Việt Nam, Tản Đà như một gạch nối giữa truyền thống và hiện đại. Điều đó đã được cả thời đại, cả thế hệ những người tiếp theo ông thừa nhận và tôn vinh, cùng chiêu anh hồn ông về để chứng tỏ rằng họ (thế hệ các nhà thơ mới) không phải là đứa con không có quan hệ gì với dân tộc, giống nòi. Nhưng Tản Đà lại là một người có quan hệ rất chặt chẽ với văn học truyền thống. Tản Đà chịu ảnh hưởng nặng của giáo dục truyền thống. Ông cũng là một trong những người tích cực nhất trong việc chuyển những giá trị của truyền thống sang hiện đại (chẳng hạn ở phương diện dịch thuật…). Vai trò ấy của Tản Đà ắt hẳn có quan hệ với văn học Hán – Nôm đầu thế kỷ và được dựa trên cơ sở của ngôn ngữ văn học Hán Nôm giai đoạn này.

Chúng ta không phải chờ đợi lâu đến vài thế kỷ mới có những thành tựu của nền văn học hiện đại. Chưa đến hai mươi năm sau khi chữ Hán bị loại khỏi phạm vi là ngôn ngữ trong giáo dục chúng ta đã chứng kiến những thành công lớn lao trong văn học Việt Nam như Thơ Mới, Tự Lực Văn Đoàn… Sự thành công ấy không thể nảy sinh trên cánh đồng hoang mà đó là sự nảy mầm, ra hoa, kết trái trên một vùng đất có sự chuẩn bị trước. Nền văn học dân tộc phát triển nhờ chính vào nội lực của mình từ nhiều phương diện. Về phần này cần phải nhận ra rằng ngôn ngữ của văn học Hán – Nôm đầu thế kỷ đã phần nào đóng vai trò làm cái cầu cho bước chuyển từ truyền thống sang hiện đại.

Nền văn học Việt Nam hiện đại xét về mặt ngôn ngữ là một nền văn học có ngôn ngữ viết trực tiếp dựa trên cơ sở của ngôn ngữ nói, của ngôn ngữ thông dụng… Cái ngôn ngữ thông dụng này được sử dụng trong mọi thể loại và phong cách viết. Nó đã khắc phục được các nhược điểm căn bản của văn học trung đại khi sử dụng ngôn ngữ - văn tự nước ngoài (Hán văn) và sử dụng Quốc ngữ (chữ Nôm) nhưng ở dạng không đầy đủ… Ngôn ngữ văn học Việt Nam hiện đại không thể có những bước nhảy vọt nếu như không có sự đóng góp của ngôn ngữ văn học truyền thống, trong đó trước hết phải kể đến ngôn ngữ văn học Hán – Nôm trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

1. Trần Đình Hượu – Lê Chí Dũng

Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930

NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp. H.1988.

2. Chu Quang Khánh

Hán ngữ dữ Trung Quốc tân văn hóa khải mông.

Đông Thổ đồ thư công ty. Đài Bắc.1996

3. Phạm Văn Khoái

Hai cuộc cải cách văn ngôn lớn trong lịch sử Trung Quốc.

Tạp chí Hán – Nôm số 4.1996.

4. Phạm Văn Khoái

Tân văn thể và sự ảnh hưởng của nó với ngôn ngữ văn học Việt Nam. Trong tập. Tân thư và xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. NXB Chính trị Quốc gia. H.199.

5. Phạm Văn Khoái

Nét truyền thống và hiện qua tên gọi CHỮ QUỐC NGỮ

Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống. Số 2. 1977.

6. Phạm Văn Khoái

Một vài vấn đề về sách giáo khoa dạy chữ Hán trong kho sách Hán – Nôm. Trong tập Thông báo Hán – Nôm 1995.

NXB BKHXH.1996.

7. Nguyễn Hiến Lê

Đại cương văn học sử Trung Quốc.

NXB. Trẻ.1997.

8. Trần Nghĩa (chủ biên)

Di sản Hán – Nôm thư mục đề yếu.

NXB. Khoa học xã hội. H.1993.

9. Đặng Thai Mai

Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX.

NXB Văn học. H.1971.

10. Trần Văn Giàu. Đinh Xuân Lâm. Nguyễn Văn Sự.

Lịch sử cận đại Việt Nam. Tập 3.

NXB Giáo dục. Hà Nội. 1961.

11. Trần Văn Giàu

Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ 19 đến cách mạng tháng 8 – 1945. Tập II.

NXB. BKHXH.H.1975.

12. Chương Thâu

Đông Kinh nghĩa thục và phong trào cải cách văn hóa đầu thế kỷ XX. NXB Hà Nội. 1982.

13. Chương Thâu. Triêu Dương. Nguyễn Đình Chú

Hợp tuyển thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX (1900-1930). NXB Văn học. H.1997.

14. Nguyễn Đăng Tiến (chủ biên)

Lịch sử giáo dục Việt Nam (trước cách mạng tháng 8 – 1945).

NXB Giáo dục. 1996.

15. Tú Xương thơ và đời (Lữ Huy Nguyên tuyển chọn và biên soạn).

NXB Văn học. H.1997.

16. M.V. Sophronov

Tiếng Trung Quốc và xã hội Trung Quốc (tiếng Nga).

NXB Khoa học. M.1979.

17. Nghiên cứu lịch sử. 5 – 1967.

 

Phạm Văn Khoái

Đại học KHXH và Nhân văn Hà Nội

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 1997, tr.259-291, phiên bản trực tuyến ngày 03.10.2007.

20191018 Ngo mon

Học môn Thơ Đường, tôi nghĩ ngoài việc biết sơ bộ thành tựu nền thơ ca đồ sộ nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc, cũng phải thuộc vài bài thơ Đường luật, yêu thích vài tác giả, hiểu về thi pháp, bố cục niêm luật của một bài thơ Đường luật ra sao, rồi tập tành dịch vài đoạn thơ của các nhà thơ nổi tiếng thời Đường.

Song việc học Hán Nôm, dù là học môn Thơ Đường cũng cần vận dụng để tập dịch thơ của tiền nhân nước mình, giới thiệu với bạn đọc. Vì vậy, trong khi thầy trò Hán Nôm vừa học vừa dạy, lần giở những bản sách cũ, thấy có quyển Hiếu cổ đường thi tập 孝古堂詩集của Miên Ký 綿寄, hoàng tử thứ 75 của vua Minh Mạng, một nhà thơ thuộc hoàng tộc ít người biết đến, mới đem đưa cho sinh viên tập đọc và tập dịch. Trước thì tạo thêm cơ hội cho các bạn sinh viên trau dồi khả năng đọc chữ Hán viết tay với dịch thơ Đường luật, sau thì có thêm chút niềm vui trong học tập, nhưng những kết quả đầu tiên của các bạn khiến tôi vui mừng, bèn không ngại khó khăn, cùng các bạn Hán Nôm khoá 2016-2020 của Khoa Văn học chia nhau phiên dịch, đồng thời hiệu chỉnh giúp các bạn những chỗ còn vụng.

Trước khi bản dịch Hiếu cổ đường thi tập được tập hơp thành sách, chúng tôi xin trích giới thiệu và đăng trên trang web của Khoa Văn học như một lời động viên chân thành nhất đối với các bạn sinh viên Hán Nôm của Khoa. Độc giả có thể chưa hài lòng chỗ này chỗ nọ trong bản dịch thơ, nhưng tôi cùng các bạn Hán Nôm làm công việc này cũng là theo tinh thần “hiếu cổ” của người xưa, chứ không có ý gì khác.

Xin trân trọng giới thiệu.

-----*-----

Phần trích dịch Hiếu cổ đường thi tập 孝古堂詩集của Miên Ký 綿寄

(Lê Quang Trường chủ biên, hiệu chỉnh

Nguyễn Tường Vi, Ngô Thị Thanh Phương dịch)

讀弔義民陣死文

國語遺編手自開,

勤王敵愾最憐才。

揭竿斬木千夫聚,

飛炮橫舟萬里來。

青海煩冤多鬼哭,

沙埸征戰幾人回。

李華吊古无窮悢,

風颯邊聲浙浙哀。

Độc Điếu nghĩa dân trận tử văn

Quốc ngữ di biên thủ tự khai,

Cần Vương địch khái tối liên tài.

Yết can trảm mộc thiên phu tụ,

Phi pháo hoành chu vạn lí lai.

Thanh hải phiền oan đa quỷ khốc,

Sa trường chinh chiến kỉ nhân hồi.

Lý Hoa điếu cổ vô cùng hận,

Phong táp biên thanh chiết chiết ai.

Đọc bài Văn điếu nghĩa dân chết trận

Tự tay mở đọc bài văn quốc ngữ còn lại,

Tấm lòng giúp vua chống giặc, thật đáng mến tài.

Dựng cờ khởi nghĩa, nghìn người quy tụ,

Đạn pháo đánh thuyền từ muôn dặm kéo đến.

Bao nhiều hồn oan than khóc nơi Thanh Hải,[1]

Mấy ai được trở về sau chiến chinh ở sa trường.[2]

Nỗi oán hận vô cùng khác nào bài Điếu cổ của Lý Hoa,[3]

Nghe gió thổi nơi biên địa còn vang tiếng buồn thảm thiết.

Lần đọc bài văn quốc ngữ đây,

Cn Vương chống giặc, nghĩ thương tài.

Dng c khởi nghĩa muôn người đến,

Pháo n phi thuyn vạn dặm mây.

Chiến địa oan hồn vang tiếng khóc,

Sa trường chinh chiến luống còn ai?

Áng văn điếu c vô cùng hận,

Gió thổi điệu buồn thảm thiết thay!

(Tường Vi – Thanh Phương dịch)

夜泛五絕

其一

小雨連江送晚凉,

閒来獨往自徜徉。

青簾白舫知何處,

水遶蘆花月滿塘。

Dạ phiếm ngũ tuyệt

Kỳ nhất

Tiu vũ liên giang tng vãn lương,

Nhàn lai độc vãng t thang dương.

Thanh liêm bch phng tri hà x,

Thu nhiu lô hoa nguyt mãn đường.

 

Mưa phùn khắp dòng sông đưa hơi mát trong chiều,

Lúc rảnh một mình tự tại thong dong.

Chiếc thuyền trắng thả rèm xanh biết đi về đâu,

Con sông chảy quanh bờ hoa lau, trăng sáng khắp đê.

 

Mưa nh lin sông đưa gió mát,

Mt mình t ti thong dong bước.

Rèm xanh thuyn trng biết v đâu?

Trăng sáng trên đê hương c ngát.

(Ngô Thị Thanh Phương dịch)

其二

鶴渚鳧汀不覺窮,

白沙翠竹水連空。

一江風月无人管,

半属吟翁半醉翁。

Kỳ nhị

Hc ch cưu đinh bt giác cùng,

Bch sa thúy trúc thy liên không.

Nht giang phong nguyt vô nhân qun,

Bán thuc ngâm ông bán túy ông.

 

Bãi hạc bến le không thấy được điểm cuối cùng,

Cát trắng, trúc xanh, sông tiếp nối chảy đến chân trời.

Cảnh trăng gió trên sông không ai thèm quản,

Một nửa thuộc về nhà thơ, một nửa của khách say.

Bến hc bãi le trải chẳng cùng,

Trúc xanh cát trng ln bu không.

Đầy sông trăng gió không người quản,

Na để thi ông, na túy ông.

(Nguyễn Tường Vi dịch)

  

其三

何人箫鼓泛中流,

莫是追凉共夜遊。

隔水棹歌聲未歇,

輕舟已到鳳凰樓。

Kỳ tam

Hà nhân tiêu c phiếm trung lưu,

Mc th truy lương cng d du.

Cách thy tro ca thanh v yết,

Khinh chu dĩ đáo Phng Hoàng lâu.

 

Giữa dòng sông ai người đánh trống thổi tiêu?

Có lẽ là người đi hóng mát cùng chơi trong đêm.

Tiếng hò khoan bên dòng sông vẫn còn vang chưa dứt,

Con thuyền nhỏ đã lướt đến lầu Phụng Hoàng.

Sáo trống ngân vang lướt giữa dòng,

Ai người hóng mát suốt đêm trong.

Bên sông văng vẳng hò chưa dứt,

Lầu Phụng thuyền lan cập bến xong.

(Nguyễn Tường Vi dịch)

其四

相逢一笑共招邀,

沁水園中景最饒。

江上朱樓樓上月,

䌓絃急管可憐宵。

Kỳ tứ

Tương phùng nht tiếu cng chiêu yêu,

Thm Thu viên trung cnh ti nhiêu.

Giang thượng chu lâu lâu thượng nguyt,

Phn huyn cp qun kh liên tiêu.

 

Gặp nhau cùng cười cùng mời nhau,

Giữa vườn Thấm Thuỷ cảnh đẹp rất nhiều.

Lầu tía trên sông, trăng trên lầu,

Tiếng đàn tiếng sáo rộn ràng vui suốt đêm.

Gp nhau cười nói chắp tay chào,

Thm Thuỷ trong vườn đẹp biết bao.

Gác tía trên sông, trăng ngập gác,

Sáo đàn rộn rã vọng đêm thâu.

(Ngô Thị Thanh Phương dịch)

 

Tay nm ming cười lúc gp nhau,

Trong vườn Thm Thu cnh tươi màu.

Lu son trên bến trăng soi bóng,

Đàn sáo thâu đêm vng khp lu.

(Lê Quang Trường dịch)

其五

小宴追凉酒數杯,

芰荷十萬送香來。

莫令白露沾人袂,

泛泛輕舟載月回。

Kỳ ngũ

Tiểu yến truy lương tửu sổ bôi,

Kị hà thập vạn tống hương lai.

Mạc linh bạch lộ triêm nhân duệ,

Phiếm phiếm khinh chu tải nguyệt hồi.

 

Bày tiệc nhỏ cùng hóng mát, uống vài chén rượu,

Sen nõn thoang thoảng đưa hương đến.

Đừng cho sương trắng làm ướt tay áo người,

Thuyền nhỏ bồng bềnh chở ánh trăng về.

Tiệc bày hóng mát rượu vài li,

Sen nõn đưa hương ngát tối hè.

Sương trắng thôi làm tay áo ướt,

Thuyền về, chở cả ánh trăng đi.

(Lê Quang Trường - Nguyễn Tường Vi dịch)


[1] Lấy ý thơ Binh xa hành của Đỗ Phủ, trong đó có câu:  君不見青海頭,古來白骨無人收。新鬼煩冤舊鬼哭,天陰雨濕聲啾啾。

[2] Lấy ý từ câu “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” trong bài thơ Lương Châu từ của Vương Hàn.

[3] Bài Điếu cổ của Lý Hoa:

1. TỔNG QUAN

Để nghiên cứu về con người và sự nghiệp thơ văn của Cao Bá Quát, việc sưu tầm và xử lý văn bản tác phẩm của ông phải là công việc đầu tiên.

Tác phẩm Cao Bá Quát được lưu truyền đến nay chỉ bằng con đường chép tay. Điều này dễ dẫn đến, mà thực tế cho thấy, sự nhầm lẫn tác phẩm của Cao Bá Quát với tác phẩm của tác gia khác, và ngược lại. Việc xác định tác phẩm nào đích thực của Cao Bá Quát do vậy là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đây là việc vô cùng khó khăn vì hiện trạng lưu truyền thơ văn Cao Bá Quát. Thêm vào đó, việc xác định một tác phẩm văn học theo phong cách học cũng không là điều dễ dàng, nhất là đối với các tác gia văn học trung đại. Chúng tôi trong công việc này cũng chỉ dám xem là công việc có tính bước đầu.

Tác phẩm Cao Bá Quát bao gồm nhiều thể loại, cả bằng chữ Hán và chữ Nôm. Việc sưu tầm và xử lý văn bản tác phẩm Cao Bá Quát của những người đi trước đã đạt được những thành quả nhất định. Trên cơ sở kiểm tra, rà soát lại kết quả nghiên cứu của những người đi trước, chúng tôi tiếp tục sưu tầm xử lý đối với những gì mới thu thập được.

Để tiện khảo sát, thống kê, chúng tôi xét văn bản tác phẩm Cao Bá Quát theo hai mảng: mảng sáng tác bằng chữ Nôm và mảng sáng tác bằng chữ Hán. Trong đó, về mảng sáng tác của Cao Bá Quát bằng chữ Nôm, chúng tôi chủ yếu kế thừa kết quả nghiên cứu của những người đi trước, có chú ý đến việc so sánh, thẩm định văn bản và thống kê - điều mà các nhà làm công tác văn bản thơ Nôm Cao Bá Quát đến nay vẫn chưa chú ý đúng mức. Còn lại, chúng tôi tập trung vào mảng sáng tác bằng chữ Hán, đặc biệt là thơ chữ Hán của ông.

(Xin xem toàn văn ở đây)

Ngôn ngữ** gồm tiếng nói và chữ viết. Từ điển Tiếng Việt định nghĩa “chữ viết là hệ thống ký hiệu bằng đường nét đặt ra để ghi tiếng nói”. Chúng tôi thiển nghĩ Chữ viết là hệ thống ký hiệu thị giác dưới dạng văn bản dùng để ghi tiếng nói và ý nghĩ của loài người. Ở đây thêm “ghi ý nghĩ” vì người ta nghĩ nhiều hơn nói, không nói được vẫn có thể dùng chữ để biểu thị ý nghĩ. Thêm “dưới dạng văn bản” để phân biệt với loại ngôn ngữ bằng tay mà người câm điếc dùng, cũng là hệ ký hiệu thị giác ghi tiếng nói và ý nghĩ nhưng không phải là chữ viết. Chữ viết gắn bó chặt chẽ với tiếng nói, khi nghiên cứu chữ viết phải xem xét mối quan hệ cực kỳ quan trọng này.

Do nguyên nhân lịch sử, người Việt Nam luôn quan tâm tới chữ Hán. Vả lại đây là loại chữ viết độc đáo và có nhiều người dùng; nghiên cứu chữ Hán có thể giúp làm rõ các vấn đề về ngôn ngữ học (NNH), một lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn cực kỳ phức tạp.

Tính chất chủ yếu của chữ Hán

Khác với các loại chữ viết còn lại, chữ Hán được cấu tạo chủ yếu dựa vào ý nghĩa mà chữ thể hiện chứ không dựa vào ngữ âm; mỗi chữ biểu thị một ý nghĩa, nhìn chữ không đọc được âm; thông tin chủ yếu mà tự hình đem lại là ý nghĩa của chữ, không phải âm đọc; nghĩa là chữ không có quan hệ trực tiếp với ngôn ngữ nói. Đặc tính này làm cho chữ Hán có một số phận đặc biệt.

Căn cứ vào phương thức chữ viết dùng để biểu đạt ngôn ngữ, tổ sư NNH thế giới Ferdinand de Saussure (1857-1913) chia chữ viết của loài người làm hai hệ thống lớn là chữ biểu ý (chữ ghi ý, ideogram) và chữ biểu âm (chữ ghi âm, phonogram), và xác định chữ Hán là loại chữ biểu ý. Quan điểm đúng đắn này được nhiều nhà NNH Trung Quốc (TQ) tán thành. Nhưng có người cho rằng từ “chữ biểu ý” dễ gây nhầm lẫn [xem Tô Bồi Thành – từ đây ký hiệu là SĐD, trang14].

Tính biểu ý làm cho chữ Hán có những ưu điểm độc đáo cùng các nhược điểm nghiêm trọng: khó hiểu, khó học, khó viết, khó nhớ, khó dùng.

Năm 1957, Châu Hữu Quang (1906-2017) nêu quan điểm: Chữ viết trải qua ba giai đoạn phát triển là chữ hình ý, chữ ý âm và chữ biểu âm. Các loại chữ nguyên thủy đều dùng phương pháp biểu hình và biểu ý để biểu đạt ngôn ngữ, gọi là chữ hình ý (ví dụ chữ tượng hình), chưa biểu âm; về sau phát triển thành chữ ý âm (ideo-phonogram), vận dụng tổng hợp hai phương thức biểu ý và biểu âm để biểu đạt ngôn ngữ. Chữ Hán, chữ Ai Cập cổ, chữ hình nêm, chữ Maya thuộc loại chữ ý âm. Chữ biểu âm là giai đoạn phát triển cuối cùng. Chữ Ai Cập cổ và chữ hình nêm trải qua 2000 năm thai nghén sinh ra chữ cái, hình thành chữ biểu âm.[SĐD tr. 20].     

Triệu Nguyên Nhiệm (1892-1982) coi chữ Hán là chữ ngữ tố (logogram); ở đây ngữ tố (morpheme) là đơn vị nhỏ nhất kết hợp ngữ âm với ngữ nghĩa; đơn vị của chữ ngữ tố là chữ (tự, không phải là chữ cái), mỗi chữ đều có ý nghĩa; mỗi chữ Hán thể hiện một ngữ tố đơn âm của Hán ngữ, ghi một âm tiết, là một từ. Chữ biểu âm không thể hiện ngữ tố, nó là chữ âm tố, nói chung mỗi chữ cái chỉ thể hiện một âm tố, không thể hiện nghĩa; âm tố còn gọi âm vị; có thể ghép các âm tố (chữ cái) thành một âm tiết. Lã Thúc Tương (1904-1998) tán thành Triệu, và nói Chữ Hán là sự kết hợp hình, âm, nghĩa; tất cả các loại chữ khác đều chỉ là sự kết hợp hình và âm. Như vậy thực ra chẳng khác gì nói chữ Hán là chữ biểu ý. [SĐD tr.9]

Tóm lại, dù xếp vào loại nào thì chữ Hán chủ yếu vẫn chỉ là ký hiệu ghi ý của ngôn ngữ. Ngay cả chữ hình thanh (chiếm hơn 80% tổng số chữ Hán) tuy có thành phần biểu âm gọi là “thanh bàng” nhưng không thể dựa vào thanh bàng để đọc âm của chữ. Như vậy, biểu ý là đặc tính chủ yếu của chữ Hán. Vì thế chữ Hán thích hợp với tình trạng Hán ngữ có quá ít âm tiết và quá nhiều phương ngữ. Nhờ dùng chữ Hán, người TQ khác vùng nghe không hiểu tiếng của nhau nhưng vẫn có thể giao tiếp với nhau bằng chữ viết. Tính biểu ý làm cho chữ Hán có những ưu điểm độc đáo cùng các nhược điểm nghiêm trọng: khó hiểu, khó học, khó viết, khó nhớ, khó dùng1. Cho tới nay vẫn có các đánh giá khác nhau về chữ Hán. Việc chấp nhận quan điểm “Chữ Hán là báu vật của văn minh cổ đại, lại là gánh nặng của văn minh hiện đại” được coi là một bước tiến của giới NNH TQ [SĐD tr.626].    

Vì sao chữ Hán thời cổ không biến đổi, tiến hóa?

Theo định nghĩa, chữ viết là một loại công cụ của tư duy; mà đã là công cụ thì phải luôn cải tiến nhằm nâng cao tính tiện dụng. Tất cả các loại chữ viết đều sớm cải tiến theo hướng ngày càng tiện sử dụng. Chữ Quốc ngữ do các giáo sĩ châu Âu sáng tạo vốn là công cụ để họ truyền bá đạo Ki-tô cho dân ta, qua nhiều cải tiến đã đạt yêu cầu ghi được 100% âm tiếng Việt và sau mấy trăm năm đã trở thành công cụ kỳ diệu giải phóng trí tuệ người Việt (lời học giả Phạm Quỳnh).

20190703 chu Han1

Chữ Hán thích hợp với tình trạng Hán ngữ có quá ít âm tiết và quá nhiều phương ngữ. Nhờ dùng chữ Hán, người TQ khác vùng nghe không hiểu tiếng của nhau nhưng vẫn có thể giao tiếp bằng chữ viết. Nguồn bản đồ: chinahighlights.com

Riêng chữ Hán mới ra đời đã bị thần thánh hóa, bị sùng bái, coi là kết tinh của văn minh Trung Hoa, trở thành thứ vật thiêng chẳng ai dám động chạm2. Là sở hữu riêng của tầng lớp trên, chữ Hán thời xưa chủ yếu ghi thứ “văn ngôn” cực khó hiểu, khác xa ngôn ngữ nói và không có những chữ ghi tiếng nói của dân, gây ra tình trạng “hữu âm vô tự”. Chế độ phong kiến lợi dụng sự thần bí, khó hiểu của chữ Hán để thực thi chính sách ngu dân nhằm bảo vệ ách độc tài chuyên chế. Những điều đó đã cản trở sự phát triển chữ Hán và đóng góp của nó cho tiến bộ xã hội.

Do thiếu động lực biến đổi, chữ Hán cổ không đi lên con đường tiến hóa chung như các loại chữ viết khác. Châu Hữu Quang nhận xét: Từ chữ Giáp Cốt cho tới chữ Hán hiện đại, nguyên tắc tổ chức chữ là như nhau [SĐD tr.35]. Người TQ nói việc ngày nay họ vẫn đọc hiểu loại chữ Hán viết ở đời Tần đã chứng tỏ văn minh Trung Hoa là nền văn minh cổ duy nhất tồn tại tới nay, và điều đó làm họ vô cùng tự hào. Đúng là các loại chữ cổ khác hiện rất ít người đọc được, vì chúng đều đã biến mất trong quá trình tiến hóa thành loại chữ tiên tiến hơn.

Phong trào cải cách chữ Hán

Tình trạng chữ viết ít biến đổi, ít tiến hóa thực ra là điều đáng chê trách. Nó làm cho các nhược điểm nghiêm trọng của chữ Hán tồn tại quá lâu dài, kìm hãm sự phát triển văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật... Hậu quả là cuối thế kỷ XIX, sau khi tiếp xúc với văn minh Âu Mỹ, giới tinh hoa TQ đã lôi chữ Hán ra khỏi điện thờ, phê phán, lên án nó là loại chữ lạc hậu và đòi sửa đổi, thay bằng chữ biểu âm. Từ đó trở đi các đời chính quyền TQ đều ra sức tiến hành cải cách chữ Hán.

Tháng 12/1954 Nhà nước TQ thành lập Ủy ban Cải cách chữ viết trực thuộc Chính phủ. Ủy ban này đã triển khai cải cách chữ Hán với quy mô lớn nhất trong lịch sử NNH thế giới và đã thu được một số kết quả khả quan.

Luật ngôn ngữ văn tự thông dụng Nhà nước TQ thi hành từ 1/1/2001 đã luật hóa việc sử dụng ba thành tựu cải cách: - Thay hơn 2200 chữ phồn thể bằng chữ giản thể; - Phương án ghép âm (Pinyin) Hán ngữ dùng chữ Latin (Scheme for Chinese phonetic alphabet); - Chuẩn hóa cấu hình và âm đọc chữ, sàng lọc bỏ một số chữ.

Các cải cách trên đã giảm bớt khó khăn khi học và dùng chữ Hán, nhờ thế nâng cao được trình độ biết chữ của dân, phổ cập tiếng Phổ thông, thống nhất tiếng nói trong cả nước, đưa được chữ Hán vào bàn phím máy tính. Phương án Pinyin Hán ngữ trở thành công cụ ghi âm chữ Hán thuận tiện, năm 1982 được công nhận là Tiêu chuẩn quốc tế ghi âm Hán ngữ (ISO 7098), góp công đầu cho việc quốc tế hóa Hán ngữ. TQ hiện áp dụng chế độ gọi là “Song văn”, tức đồng thời sử dụng chữ Hán và chữ Pinyin Hán ngữ; chữ Pinyin không phải là loại chữ mới, chỉ là công cụ biểu âm có tính hỗ trợ nhằm bù đắp khiếm khuyết của chữ Hán là nhìn chữ mà không đọc được âm. Học sinh tiểu học phải học chữ Pinyin Hán ngữ trước khi học chữ Hán. Hầu hết dân TQ hiện đã nắm vững “Song văn”, sử dụng thành thạo chữ Pinyin Latin trên máy tính và smartphone.

Do thiếu động lực biến đổi, chữ Hán cổ không đi lên con đường tiến hóa chung như các loại chữ viết khác.

Tuy vậy các cải tiến trên vẫn chưa khắc phục được những nhược điểm lớn của chữ Hán như số lượng chữ quá nhiều không ai có thể nhớ hết; chữ đồng âm, chữ đa âm quá nhiều gây nhầm lẫn khi sử dụng; khó có thể tạo ra chữ mới... Ngoài ra một số người TQ chưa tán thành chữ giản thể. Người Đài Loan chưa chấp nhận các cải cách chữ Hán do đại lục TQ thực hiện. Chữ Hán vẫn khó quốc tế hóa, cản trở nâng cao sức mạnh mềm của TQ. Ví dụ chữ Hán được 20% nhân loại sử dụng nhưng tỷ lệ dùng để soạn văn bản ở Liên Hợp Quốc lại dưới 1%, kém xa Anh ngữ (80%). 15 năm qua TQ mở cả nghìn viện và lớp Khổng Tử dạy Hán ngữ miễn phí trên toàn cầu nhưng hiệu quả thu được còn là dấu hỏi.

Các cải cách chưa đạt yêu cầu của Chủ tịch Mao: Phải đi theo phương hướng chung của chữ viết thế giới là pinyin hóa. Lý do: các nghiên cứu cho thấy đi theo hướng đó sẽ thất bại. Rốt cuộc dự án “Latin hóa chữ Hán” đã bị gác lại, tức không còn đặt vấn đề thay chữ Hán nữa  – đây được coi là một tiến bộ [SĐD tr.626]. Từ 16/12/1985 Ủy ban Cải cách chữ viết đổi tên thành Ủy ban Công tác ngôn ngữ chữ viết, từ 1998 đưa về Bộ Giáo dục, quyền lực thu hẹp.

20190703 chu Han

Chữ Hán từ khi mới ra đời đã bị thần thánh hóa, sùng bái, được coi là kết tinh của văn minh Trung Hoa. Tranh lụa về Phục Hy, người được cho là phát minh ra chữ viết ở TQ. Nguồn: wikipedia.

Tóm lại, chữ Hán sau nhiều thăng trầm về cơ bản vẫn giữ nguyên vai trò cũ. Cải cách chữ Hán đành dừng lại ở mức chấp nhận chế độ “song văn” chắp vá; từ nay trở đi người TQ tiếp tục dùng chữ Hán với các cải tiến đã được luật hóa.

Có lẽ hiện nay TQ đã không còn cơ hội thay chữ Hán. Họ bắt đầu cải cách chữ viết quá muộn, giả thử có tạo ra một loại chữ mới thì cũng khó làm cho 1,5 tỷ người chấp nhận sử dụng, bởi lẽ họ đã quen dùng thứ chữ tổ tiên để lại từ mấy nghìn năm trước.

Nhưng các nước thuộc vành đai Hán ngữ lại sớm mạnh dạn cải cách chữ Hán. Thế kỷ XII, Việt Nam phát triển chữ Hán thành chữ Nôm ghi được tiếng mẹ đẻ, làm nên nền văn học tiếng Việt rực rỡ một thời. Thế kỷ XV người Triều Tiên sáng tạo hệ chữ Hangul có tính biểu âm thay cho chữ Hán. Thế kỷ VIII người Nhật làm ra hệ chữ Kana biểu âm, nhờ thế giảm được 5/6 số chữ Hán cần dùng (còn 1850 chữ). Cuối thế kỷ XIX họ lại đi đầu hiện đại hóa Hán ngữ3. Thiết nghĩ hiện nay do người TQ đã quen dùng chữ Pinyin Latin, nên họ có thể áp dụng kinh nghiệm của Nhật là dùng thật nhiều từ ngoại đã quốc tế hóa thay cho chữ vuông, ví dụ computer, internet, fan, v.v… như vậy có thể giảm lượng chữ Hán và lượng chữ/từ đồng âm, đa âm.

Chữ biểu ý thích hợp với Hán ngữ

Kết quả cải cách chữ viết ở TQ cho thấy Chữ biểu ý là loại chữ viết thích hợp với Hán ngữ; mọi loại chữ biểu âm đều không thích hợp.

Tuy vậy giới NNH TQ chưa ngừng tranh cãi. Phái theo “Thuyết chữ Hán ưu việt” vẫn đòi “sửa sai” các cải cách chữ Hán... Đúng là còn quá nhiều vấn đề cần bàn. Từ góc nhìn của người sống trong môi trường chữ viết Việt Nam giàu tính biểu âm, chúng tôi thiết nghĩ chính là do có tính biểu ý mà chữ Hán thích hợp với Hán ngữ - vấn đề này xem ra cần nhấn mạnh. Thậm chí có nhà NNH TQ nói chữ Hán là chữ biểu âm! Phải chăng họ ngại chữ Hán bị gọi là “chữ biểu ý”, loại chữ bị coi là lạc hậu? Ví dụ Tằng Tính Sơ nói“Xưa nay chưa từng có loại chữ viết nào thực hiện được chức năng nhìn chữ mà biết âm đọc của chữ” [SĐD tr.597]Nhận xét này vơ đũa cả nắm hạ thấp năng lực biểu âm của chữ biểu âm, như thế là không đúng. Chữ Quốc ngữ Việt Nam nói thế nào viết thế ấy, bất cứ âm tiếng Việt nào cũng viết được thành chữ, nhìn chữ là đọc được âm.         

Có nhiều trở ngại lớn về mặt tâm lý, xã hội, lịch sử cũng như về NNH khiến cho hiện nay không thể nào sửa chữ Hán thành chữ biểu âm. Dưới đây chỉ bàn về mặt NNH.

Trở ngại không thể vượt qua là chữ Hán có quá nhiều chữ đồng âm. Đây là hậu quả của tình trạng Hán ngữ có quá ít âm tiết – vấn đề này chưa được bàn nhiều. Âm tiết (syllable) là đơn vị kết cấu tự nhiên nhất trong ngữ âm, là đơn vị phát âm ngắn nhất. Hán ngữ, Việt ngữ là ngôn ngữ đơn âm tiết, mỗi từ chỉ có một âm tiết, tức mỗi âm tiết là một từ. Anh, Pháp, Nga ngữ… là ngôn ngữ đa âm tiết cho nên hầu như không có vấn đề từ đồng âm.

Thống kê chữ đồng âm khác nghĩa trong Tự điển Tân Hoa bản thứ 10, chúng tôi thấy 10.000 đơn tự trong sách chỉ có cả thảy 415 âm tiết (không xét thanh điệu), trong đó 22 âm tiết có 1 chữ4; còn lại 393 âm tiết có nhiều chữ khác tự hình, khác nghĩa. Tổng số chữ Hán khoảng 80-100 nghìn; đem chia cho 393, suy ra mỗi âm tiết có hàng chục chữ đồng âm. Như [yi] có 135 chữ, [xi] – 123, [ji] – 122, [yu] – 118, [fu] – 98… Nếu dùng “Từ Hải” để thống kê, do sách có gần 20 nghìn đơn tự nên riêng âm [yì] (thanh điệu huyền) đã có 195 chữ đồng âm [SĐD tr.442]. Thật bất tiện khi nghe hoặc khi đánh máy một âm [yì], phải từ 195 chữ chọn ra một chữ cần thiết.   

Nhiều chữ đồng âm dẫn đến nhiều từ đồng âm. Như các từ chính thị, chính thức, chính sự, chính thất,… đều cùng một âm [zhèng shì]; từ công kích và công kê (gà trống) cùng âm [gong ji]; âm [mủ ji] có thể hiểu là gà mái hoặc gà trống; tên các loài vật tê giác, đỉa, dế, đều cùng âm [xi]… Chữ/từ đồng âm quá nhiều làm cho khi nghe thì dễ hiểu nhầm, khi viết thì dễ viết sai. Có khi người nói buộc phải viết ra chữ cho người nghe xem thì mới hiểu; như khi nói tên người tên đất.         

Giả thử sửa chữ Hán thành chữ biểu âm thì khi đọc chữ sẽ lẫn lộn các khái niệm cần diễn tả. Triệu Nguyên Nhiệm từng viết một đoạn “kỳ văn” gồm 95 chữ Hán5, tất cả đều đọc cùng một âm [shi]; nhìn chữ Hán thì có thể hiểu nhưng nếu nghe đọc thì sẽ chẳng thể hiểu gì; khi nhìn chữ Pinyin Latin cũng vậy, vì tất cả đều viết bằng một từ shi.

Ngoài ra chữ Hán còn có nhiều chữ đa âm đa nghĩa, nhìn chữ không biết đọc theo âm nào, hiểu theo nghĩa nào. Có chữ đọc theo 5 âm! Chữ đa âm chiếm khoảng 10% tổng số chữ Hán, chiếm 17% trong 2000 chữ thường dùng. Chữ biểu âm không có vấn đề rắc rối này.

Thực ra ngôn ngữ nào cũng có từ đồng âm, bởi lẽ số lượng ngữ âm mà thanh quản con người phát ra được là có giới hạn, trong khi số lượng từ cần dùng lại nhiều hơn; nếu từ đồng âm ít thì có thể phân biệt theo ngữ cảnh; nếu quá nhiều thì khó phân biệt.

Nói cho đến cùng, chữ/từ đồng âm quá nhiều hoặc âm tiết quá ít cũng chẳng phải là lỗi của Hán ngữ. Thiển nghĩ vấn đề này liên quan tới cấu tạo thanh quản của người Hán: Không rõ vì sao họ không phát âm được một số âm và âm tiết, như âm “b”, “đ”, “v”, “r” rung, “ng”, “nh” v.v… cùng nhiều âm tiết có trong ngôn ngữ khác. So sánh lượng âm tiết trong hai ngôn ngữ đơn âm tiết là Việt ngữ và Hán ngữ cho thấy, ở các âm tiết bắt đầu bằng âm a, Hán ngữ có 5 (a, ai, an, ang, ao), Việt ngữ có 29 (kể cả âm tiết bắt đầu bằng âm ă, â); âm tiết bắt đầu bằng âm o: Hán ngữ có 2, Việt ngữ có 32 (kể cả ô, ơ)…

Việc chấp nhận quan điểm “Chữ Hán là báu vật của văn minh cổ đại, lại là gánh nặng của văn minh hiện đại” được coi là một bước tiến của giới NNH TQ.

Hiện chưa có số liệu chính thức về tổng số âm tiết của tiếng Việt. Theo Luong Hieu Thi’s blog, tiếng Việt có 17.974 âm tiết6. Do giàu âm tiết nên tiếng Việt hầu như không có vấn đề từ đồng âm. Hán ngữ vì quá nghèo âm tiết nên có nhiều chữ/từ đồng âm; chỉ chữ biểu ý mới phân biệt được ý nghĩa của các chữ/từ đó. Ít âm tiết có thể do người Hán thời xưa ít đi lại, ít giao tiếp; chính quyền lại chủ trương đóng cửa đất nước. Nhật là đảo quốc giữa biển, thời xưa ít giao tiếp với các nước khác nên tiếng Nhật cũng rất ít âm tiết; cho tới nay họ chưa bỏ được chữ Hán biểu ý. Tiếng Hàn cũng ít âm tiết do đó tuy đã dùng chữ Hangul biểu âm nhưng vẫn phải dùng thêm chữ Hán để ghi chú khi viết các từ ngữ cần độ chính xác cao, như khi viết văn bản pháp lý, viết danh từ riêng, ví dụ tên họ trong thẻ căn cước.

Phải chăng có thể tạm kết luận: Ngôn ngữ có nhiều âm tiết thì thích hợp dùng chữ biểu âm; ngôn ngữ có quá ít âm tiết không thích hợp dùng loại chữ này. Cải cách chữ viết phải làm rất sớm, từ khi nó chưa chín muồi và cần hàng trăm, hàng nghìn năm.

Dựa vào lý lẽ trên có thể giải thích vì sao tổ tiên người TQ tạo ra loại chữ viết biểu ý để ghi Hán ngữ; vì sao chữ Hán không tiến hóa thành chữ biểu âm như các chữ viết khác; do đâu không thể thay chữ Hán bằng loại chữ biểu âm. Cũng vậy, có thể hiểu vì sao chữ Hán tuy từng là chữ viết chính thức của nước ta suốt 2000 năm song không thể nào ghi được tiếng Việt giàu âm tiết.

Lời kết

– Chữ Hán có tính biểu ý, vì thế thích hợp với Hán ngữ ít âm tiết và nhiều phương ngữ.

– Do xa rời nhân dân, chữ Hán thời cổ không tiến hóa thành chữ biểu âm; ngày nay chữ Hán không còn cơ hội biến đổi căn bản. Nếu muốn biến đổi thì phải cải cách Hán ngữ.

– Các cải cách chữ Hán TQ đã thực hiện và việc sử dụng chế độ Song văn là hợp lý.

– Các nhược điểm về mặt NNH chứng tỏ Thuyết chữ Hán ưu việt không có cơ sở tồn tại.

– Nhận định “Chữ Hán là báu vật của văn minh cổ đại lại là gánh nặng của văn minh hiện đại” là hợp lý; người TQ có đủ ý chí và sức mạnh để giảm tác động tiêu cực của gánh nặng ấy. 

Ghi chú:

* 坑텬냥廖 “랗枷各셩돨君덜볶俚桔씩”。蝎베놔경2001.8. Tác giả  Tô Bồi Thành. Nxb Thư Hải, 8.2001, sau đây ký hiệu là SĐD (Sách đã dẫn).

** Từ tiếng Việt “ngôn ngữ” ứng với từ chữ Hán “刀‮(‬٪‭ ‬‭ ‬(ngữ ngôn)”, khác nghĩa với “喇刀 (ngôn ngữ)”;  từ “chữ viết” ứng với “匡俚 văn tự”.

http://tiasang.com.vn/-van-hoa/Tan-man-doi-dieu-ve-chu-Han-10194

http://nghiencuuquocte.org/2017/08/16/ve-nan-say-dam-chu-tau

http://nghiencuuquocte.org/2017/02/07/nguoi-nhat-phat-trien-han-ngu-hien-dai

4 Đó là 22 âm tiết: [chua], [dei], [den], [dia], [ei], [eng], [fo], [gei], [hm], [hng], [kei], [lia], [lo], [neng], [nin], [nou], [nuan], [ri], [sen], [seng], [shei], [zhei].

5 “嘉幹稼哥袈, Chuyện ông Thi ăn sư tử”, tên gốc “柯杆嘉却稼哥袈” (Story of Stone Grotto Poet: Eating Lions”) công bố tại Mỹ năm 1930, có ghi trong Encyclopedia Britannica.   柯杆家却嘉幹,閣哥,珏稼枷哥。嘉幹珂珂刊懇柬哥。枷珂,刊枷哥刊懇。角珂,刊嘉幹刊懇。嘉幹柬角枷哥,揀訶覺,賈角枷哥脚各。幹歌角枷哥暇,刊柯杆。柯杆嫁,幹賈奸殼柯杆。柯杆殼,幹迦桿稼角枷哥暇。稼珂,迦街角枷哥暇,茄枷柯哥暇。桿姦角慤。

6 All syllables in Vietnamese language.  (http://www.hieuthi.com/blog/2017/03/21/all-vietnamese-syllables.html). Mạng hoctiengnhatcungakira.wordpress.com  cho biết Anh ngữ có 15.831 âm tiết, Nhật ngữ có 112 âm tiết.

 

Nguyễn Hải Hoành

Nguồn: Tia sáng, ngày 26.9.2019.

TÓM TẮT

Chữ Nôm là hệ thống chữ viết ghi âm tiếng Việt, được sử dụng rộng khắp từ thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XX; tuy nhiên, chữ Nôm chưa từng được Nhà nước điển chế hoá. Do vậy, trong quá trình phát triển, chữ Nôm để lại nhiều cách viết, nhìn chung là thường mang màu sắc địa phương, phản ánh đặc điểm ngữ âm vùng miền. Chữ Nôm Nam Bộ rất tiêu biểu ở đặc điểm này. Bài viết này nhằm đưa ra một hướng lý giải mới ở một số phương diện chữ Nôm phản ánh ngữ âm địa phương (ngữ âm Nam Bộ), trên cơ sở khảo sát văn bản Nôm Kim cổ kỳ quan của Nguyễn Văn Thới.

Từ khoá: Chữ Nôm, chữ Nôm Nam Bộ, Kim cổ kỳ quan, Nguyễn Văn Thới.

-----------------------

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Chữ Nôm từ khi ra đời (khoảng thế kỷ X), được sử dụng rộng khắp cho đến lúc suy tàn vào đầu thế kỷ XX(1), chưa từng được điển chế hoá thành một hệ thống chữ viết chính thức để mọi người theo đó mà dùng (Nguyễn Khuê, 2009: 22, 26), tức chưa được nhà nước thực hiện chuẩn hoá thành chữ viết cho người Việt. Do vậy, hiện tượng một từ tiếng Việt có thể viết thành dăm ba chữ Nôm, hoặc một chữ Nôm có thể ghi âm dăm ba từ tiếng Việt là khá phổ biến. Hơn nữa là chữ viết chủ yếu ghi âm tiếng Việt, nên chữ Nôm thường mang màu sắc địa phương: phản ánh đặc điểm ngữ âm vùng miền. Trong vài thập niên qua, một số nhà nghiên cứu chữ Nôm quan tâm đến mảng chữ Nôm ghi âm Nam Bộ, cố gắng lý giải và khái quát những điểm cơ bản, nhằm giúp người đọc tránh được những sai lầm trong việc phiên âm. Tuy nhiên, các nghiên cứu nhìn chung chưa có những lý giải toàn diện và thực sự thuyết phục trong việc chỉ ra bản chất của vấn đề: chữ Nôm Nam Bộ phản ánh ngữ âm địa phương, hay ngữ âm địa phương Nam Bộ phản ánh vào chữ Nôm như thế nào. Góp phần nhìn nhận vấn đề này, bài viết của chúng tôi cố gắng đưa ra một hướng lý giải mới ở một số trường hợp chữ Nôm ghi âm Nam Bộ trong tương quan với ngữ âm vùng miền, trên cơ sở khảo sát văn bản Nôm Kim cổ kỳ quan của Nguyễn Văn Thới.

2. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ NGUYỄN VĂN THỚI VÀ BỘ SÁCH NÔM KIM CỔ KỲ QUAN

Nguyễn Văn Thới (1866-1926) vốn người làng Mỹ Trà, huyện Cao Lãnh, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp, mất tại xã Kiến An, huyện Chợ Mới, nay thuộc tỉnh An Giang. Ông là một nhân sĩ có tinh thần yêu nước, chống Pháp, là tín đồ của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Bộ sách Nôm Kim cổ kỳ quan được ông sáng tác trong khoảng thời gian từ 1900 đến 1926, có dung lượng khá đồ sộ (khoảng 24.000 câu, số chữ nhiều hơn bảy lần Truyện Kiều). Kim cổ kỳ quan là tên gọi chung cho cả bộ sách gồm 9 quyển được gọi tên riêng: Kim cổ, Giác mê, Cáo thị, Vân Tiên, Ngồi buồn, Bổn tuồng, Thừa nhàn, Tiền Giang, Kiểng Tiên. Nội dung chủ yếu của Kim cổ kỳ quan là khuyến thiện trừng ác, yêu nước thương dân, chống ngoại xâm, hợp với tinh thần đạo lý của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, nên được xem như một bộ "Thánh kinh" đối với một bộ phận tín đồ tại miền Tây Nam Bộ trên 80 năm nay. "Về văn thể, chỉ riêng quyển Bổn tuồng có ngôn từ là lời thoại của kịch bản tuồng, có chen nhiều bài thơ ngắn; tám quyển còn lại đều là thơ, được viết bằng các thể lục bát, lục bát biến thể (thất-bát), thất ngôn, bát ngôn, song thất lục bát" (Nguyễn Ngọc Quận, 2018). Cũng như các sách chữ Nôm ra đời ở Nam Bộ như Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu của Nguyễn Đình Chiểu, tuồng Nôm Kim Thạch kỳ duyên của Bùi Hữu Nghĩa…, Kim cổ kỳ quan được viết bằng chữ Nôm mang đậm dấu ấn Nam Bộ, mà phản ánh lối phát âm Nam Bộ là một nét nổi bật.

20190617 Tho mai gia le

Ảnh: Bìa sách Thọ Mai gia lễ

Bài viết Confucian Family Ritual and Popular Culture in Vietnam (Gia lễ Nho giáo và Văn hóa Dân gian Việt Nam - VVB) của Giáo sư Shimao Minoru 嶋尾稔được in trong Memoirs of the Research Department of the Toyo Bunko (Kỉ yếu của Phòng nghiên cứu thuộc Đông Dương văn khố - VVB) số 69 xuất bản năm 2011, trang 57 - 96.

Shimao Minoru 嶋尾稔là Giáo sư Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa thuộc Đại học Keio(慶應義塾大学), chuyên gia nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á, dành nhiều tâm huyết nghiên cứu lịch sử, văn hóa, phong tục Việt Nam. Trong chương trình nghiên cứu văn hóa Việt Nam,Giáo sư Shimao Minoru dành khá nhiều trang viết khảo cứu tư liệu gia lễ.Liên tục từ năm 2006 đến 2009, trên Tạp chí của Viện nghiên cứu Ngôn ngữ Văn hóa của Trường Đại học Keio các số 37 năm 2006(2), số 38 năm 2007(3), số 39 năm 2008(4), số 40 năm 2009(5), Shimao Minoru công bố nhiều kết quả nghiên cứu về Thọ Mai gia lễ chủ yếu ở phương diện cơ sở tư liệu hình thành tác phẩm. Tháng 10 năm 2009, Shimao Minoru có bài viết Sự dung nạp và phát triển của gia lễ ở Việt Nam trong Hội nghị thường niên của hội nghiên cứu sử học Hiroshima của trường Đại học Hiroshima công bố kết quả nghiên cứu về tiếp nhận gia lễ ở Việt Nam. Trên cơ sở kế thừa và tổng hợp thành quả nghiên cứu trước đó, tháng ba năm 2010, Shimao Minoru nghiên cứu gia lễ Việt Nam trong mối quan hệ với văn hóa dân gian Việt Nam, kết quả được công bố trong bài viết Gia lễ và Văn hóa dân gian Việt Nam(6). Năm 2011, bài viết được được chính tác giả chuyển thể Anh ngữ in trong Memoirs of the Research Department of the Toyo Bunko (the Oriental Library) số 69 với nhan đề Confucian Family Ritual and Popular Culture in Vietnam. Với độ dài 40 trang, ngoài phần giới thiệu (Introduction), kết luận, thư mục tài liệu tham khảo, bài viết gồm bốn phần:

1. Tư liệu gia lễ Việt Nam: giới thiệu thư mục (The Various Vietnamese Versions: A Bibliographical Introduction)

2. Sự ảnh hưởng của gia lễ Trung Quốc đối với Việt Nam (The Adoption of Chinese Family Ritual in Vietnam)

3. Việc truyền bá gia lễ của các triều đại Việt Nam (Family Ritual in Relation to Indoctrination Efforts)

4. Gia lễ và văn hóa dân gian (Family Ritual and Popular Culture)

Bài viết tập trung vào đối tượng là bốn tác phẩm gia lễ Việt Nam lịch đại: Tiệp Kính gia lễ, Hồ Thượng thư gia lễ, Thọ Mai gia lễ, Văn Công gia lễ tồn chân; nghiên cứu ở các phương diện văn bản học, quá trình hình thành tư liệu gia lễ Việt Nam (động cơ, cơ sở hình thành); thông qua tư liệu, Shimao Minoru nhìn nhận gia lễ trong mối quan hệ với văn hóa dân gian. Kết quả nghiên cứu về tư liệu gia lễ Việt Nam ở góc độ văn bản học được trình bày trong phần “1.The Various Vietnamese Versions: A Bibliographical Introduction”. Kết quả nghiên cứu trong đó rất có giá trị đối với nghiên cứu hệ thống tư liệu gia lễ Việt Nam.

Shimao Minoru có cái nhìn khá toàn diện về tư liệu gia lễ Việt Nam lịch đại, ông nhận định ngoài Tiệp Kính gia lễ, Hồ Thượng thư gia lễ, Thọ Mai gia lễ, không có tác phẩm gia lễ khác được khắc in. Với đối tượng chính là bốn tác phẩm nói trên, ngoài khái quát về tác giả, hoàn cảnh ra đời, kết cấu hình thức các tác phẩm, Shimao Minoru đi sâu tìm hiểu những vấn đề còn đang tranh cãi, hoặc chưa được giải đáp, hoặc chưa được ai đề cập, đồng thời đề xuất một số phát hiện mới liên quan đến tư liệu gia lễ Việt Nam, như vấn đề văn bản và tác giả Tiệp Kính gia lễ, vấn đề tác giả Thọ Mai gia lễ. Trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu từ năm 2006 đến năm 2009, bài viết dành khá nhiều trang viết về Thọ Mai gia lễđặc biệt là tổng hợp thông tin nghiên cứu về vấn đề tác giả. Chúng tôi nhận định, trong một số phát hiện mới của Shimao Minoru, bài viết của Trần Thị Kim Anh: Ai soạn “Thọ Mai gia lễ” đăng trên Nguồn sáng dân gian năm 2003 đóng vai trò quan trọng. Nhờ bài viết của Trần Thị Kim Anh, Shimao Minoru có thêm tư liệu chứa đựng thông tin về Tiệp Kính gia lễ, Hồ Thượng thư gia lễ, Thọ Mai gia lễ, đó là tác phẩm Vũ trung tùy bút. Từ Vũ trung tùy bút (bản R.1069 lưu trữ tại Thư viện Quốc gia), mục “Quán tẩy chi thiết”Shimao Minoru không những tìm được thông tin về tác giả Thọ Mai gia lễ (Trần Thị Kim Anh đã đề cập trước đó) mà còn có thể tìm hiểu kĩ hơn về tác giả Tiệp Kính gia lễ.

Ngoài nghiên cứu về tư liệu gia lễ hiện còn, thông qua một số tư liệu Hán Nôm, Shimao Minoru còn thu thập nhan đề một vài tác phẩm gia lễ hiện đã thất lạc, như Gia lễ của Trần Tú Dĩnh, Chu Văn Công gia lễ tứ đại bổ chính diễn nghĩa quốc âm.

Đầu năm 2012, chúng tôi công bố một số kết quả nghiên cứu về tư liệu gia lễ Việt Nam trong báo cáo tập sự tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Nhờ thông tin do thầy giáo chúng tôi cung cấp, và thông qua một số webside, chúng tôi có được một số bài nghiên cứu viết bằng tiếng Nhật và tiếng Anh của Shimao Minoru về tư liệu gia lễ Việt Nam. Đọc bài viết của Shimao Minoru, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì những gì chúng tôi vừa công bố đã được Giáo sư đề cập và công bố từ trước, như vấn đề văn bản Tiệp Kính gia lễ, vấn đề tác giả Thọ Mai gia lễ. Với nguồn tài liệu phong phú kể cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nhật, bài nghiên cứu của Giáo sư đã cung cấp cho chúng tôi một số nguồn tư liệu có thông tin liên quan đến tư liệu gia lễ Việt Nam. Tuy vậy, nghiên cứu của Giáo sư Shimao Minoru mang tính tổng hợp về văn hóa Việt Nam và tư liệu gia lễ được nghiên cứu với tư cách là một thành phần trong đó, vì thế tư liệu gia lễ mới được đề cập ở góc độ thư mục học, đồng thời phạm vi tư liệu mới chỉ xoay quanh những tác phẩm nhan đề “Gia lễ”, hoặc những tác phẩm có uy tín, chưa thống kê một cách hoàn chỉnh hệ thống tư liệu gia lễ Việt Nam, trong khi đó tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện còn lưu trữ ít nhất 12 tác phẩm thuộc môn loại này(7) như Thanh Thận gia lễ, Tam lễ tập yếu, Tứ lễ lược tập, Tang lễ bị kí… Tuy vấn đề tác giả Tiệp Kính gia lễ, Thọ Mai gia lễ đã được Giáo sư đề cập và phân tích với nhiều luận cứ khoa học nhưng chưa đưa ra kết luận cụ thể, hơn nữa vấn đề văn bản tác phẩm cũng chỉ dừng lại ở mức độ thống kê, chưa mô tả kết cấu, khảo dị văn bản, đặc biệt với Thọ Mai gia lễ tác phẩm khá phức tạp về mặt văn bảntuy được dành nhiều trang viết nhất nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ thống kê và mô tả sơ bộ hình thức dị bản. Ngoài đó ra, bài viết còn một vài khiếm khuyết nhỏ, như ở mục “3.1. Các điều giáo hóa trong nửa cuối thế kỉ 17”, Shimao Minoru đã trích thông tin ở điều 41 trong Lê triều giáo hóa điều lệ: “Tang gia, trung nguyên tiết đương tuân gia lễ” 喪家中元節當循家 禮, nhưng nguyên văn chính xác phải là “Tang gia, trung nguyên tiết đương tuân gia thể” 喪家中元節當循家体.

 

Chú thích:

(1). Bài này in trong “Memoirs of the Research Department of the Toyo Bunko” số 69 xuất bản năm 2011).

(2). Shimao Minoru: Khảo sát cơ sở căn bản của Thọ Mai gia lễ, Tạp chí của Viện nghiên cứu Ngôn ngữ Văn hóa của Trường Đại học Keio, số 37, 2006, tr.141-158 嶋尾稔: “『寿梅家礼』に関する基礎的考察” 慶應義塾大学言語文化研究所紀要37 号. 141-158 (2006).

(3). Shimao Minoru: Khảo sát cơ sở căn bản của “Thọ Mai gia lễ”, (phần 2), Sđd. số 38, 2007, tr.123-143.

(4). Shimao Minoru: Khảo sát cơ sở căn bản của Thọ Mai gia lễ, (phần 3), Sđd. số 39, 2008, tr.215-231.

(5). Shimao Minoru: Khảo sát cơ sở căn bản của Thọ Mai gia lễ, (phần 4), Sđd. số 40, 2009, tr.247-257.

(6). Shimao Minoru: Gia lễ văn văn hóa dân gian Việt Nam,「ベトナムの家礼と民間文化」in trong sách do Eiji Yamamoto山本英史(Chủ biên)『アジアの文人が見た民衆とその文化』, 應 慶 義 塾 大學 出 版 会, 東 京, 2010.

(7). Qua khảo sát, nghiên cứu tình hình văn bản, chúng tôi xác lập hệ thống tư liệu gia lễ lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm gồm những tác phẩm sau:


S

t

t

Tên

tác

phẩm

Tác

giả

Niên

đại

Số lượng (kí hiệu)

Chủ

đ

Loại

văn

tự

In Viết tay
1.  Tiệp kính gia lễ 捷徑家禮

Ngô

Bình

Lê,

1707

in khắc

1[1]

Tang lễ Quyển một: Nôm; quyển hai: Hán
2. 

Hồ Thượng thư gia lễ

胡尚書家禮

Hồ

Dương

Hậu Lê:

1739, 1767

in khắc

2[1] 1[1] Tang lễ Quyển một: Nôm; Quyển hai: Hán
3.  1 tuyển tập
4.  Thọ Mai gia lễ 壽梅家禮

Hồ

Gia

Tân

Hậu Lê

25[1]

3[1]

Hôn lễ, Tang lễ,

Tế lễ

Nôm

xen Hán

5.  Thanh Thận gia lễ đại toàn 清慎家禮大全

Thanh

Thận tập thành

Hậu Lê

2[1]

Tang lễ,

Tế lễ

Nôm

xen Hán

6.  1 tuyển tập
7.  Tam lễ tập yếu 三禮集要

Phạm

Phủ

1782

4[1]

Hôn lễ, Tang lễ,

Tế lễ

Hán

8.  1 tuyển tập
9. 

Tứ lễ lược tập

四禮略集

Bùi

Lĩnh

1839

2[1]

Quan lễ, Hôn lễ, Tang lễ,

Tế lễ

Hán

10.  Văn Công gia lễ tồn chân 文公家禮存真

Đỗ

Huy

Uyển

1870

1[1]

Tang lễ,

Tế lễ

Hán

11. 

Nguyễn Thị gia huấn

阮氏家訓

Phượng Đình Nguyễn Mai Hiên cẩn chí

1849

1[1]

Quan lễ, Hôn lễ, Tang lễ,

Tế lễ

Hán

12.  Tang tế khảo nghi 喪祭考疑 ? 1894 1[1]

Tang lễ,

Tế lễ

Hán
13.  Tang lễ bị kí 喪禮備記 ? 1911 1[1] Tang lễ Hán
14.  Gia lễ lược biên 家禮略編 Sách do họ Trần giữ Nguyễn 1[1] Tế lễ Hán
15.  Gia lễ tạp nghi家禮雜儀 Trúc Đình chủ nhân Nguyễn Tuấn Ông

Nguyễn

1[1]

Luận Gia lễ nói chung

Hán

TỔNG SỐ 28 18
  46

 

VŨ VIỆT BẰNG

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.88-93, phiên bản trực tuyến ngày 23.02.2015.

20180815 tvLT

Ngữ lục Thiền tông là một trong những kinh điển của Thiền tông, vốn xuất phát từ Trung Hoa và truyền sang nước ta từ thời Đường. Chính vì vậy, Thiền tông Việt Nam không những mô phỏng cơ sở triết học Thiền tông Trung Hoa mà còn chịu sự ảnh hưởng sâu sắc cả về mặt kinh điển, cụ thể là thể tài Ngữ lục Thiền tông.

Bài viết này bước đầu tìm hiểu sự ảnh hưởng của Ngữ lục Thiền tông Trung Hoa (đặc biệt là Ngữ lục Thiền tông thời Tống) đến Ngữ lục Thiền tông Việt Nam thời Lý - Trần về phương diện ngôn ngữ, cụ thể là ở hệ thống ngôn từ.

1. Sử dụng từ ngữ ẩn dụ: sử dụng những từ ngữ ẩn dụ với xu hướng ước lệ tượng trưng cũng là một trong những ảnh hưởng của Ngữ lục Thiền tông Trung Hoa đến Ngữ lục Thiền tông Việt Nam thời Lý - Trần. Đó là trường hợp ẩn dụ được công nhận là cách diễn đạt thích đáng nhất trong những trường hợp nào đó, trở thành mẫu mực, được nhiều người dùng và trở thành ước lệ.

Đó là từ nê ngưu (con trâu đất) để diễn tả chân tâm của đạo Phật. Trong Tổ Đường Tập từ nê ngưu được sử dụng 1 lần, còn trong Cảnh Đức truyền đăng lục, từ này được sử dụng 6 lần:

(1) 我見兩箇泥牛斗入海直至如今無消息- Ngã kiến lưỡng cá nê ngưu đấu nhập hải trực chí như kim vô tiêu tức - Ta thấy hai con trâu đất húc nhau phóng xuống biển, như nay không thấy tăm hơi gì cả (Cảnh Đức truyền đăng lục, Quyển 8, Hòa thượng Đàm Châu Long Sơn)

Tiếp thu từ nê ngưu, Tuệ Trung Thượng sĩ có bài thơ Thủ nê ngưu:

(2)一身獨守一泥牛,騰鼻牽來未肯休。將到曹溪都放下,茫茫水急打圓球。Nhất thân độc thủ nhất nê ngưuĐằng tỵ khiên lai vị khẳng hưu.Tương đáo Tào Khê đô phóng hạMang mang thủy cấp đả viên cầu- Một mình riêng giữ con trâu đất, Xỏ mũi dắt về chưa từng nghỉ. Đem đến Tào Khê để buông xuống, Dòng nước mênh mông cuốn cầu tròn.(Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục - Thi ca - Thủ nê ngưu).

Hình ảnh nê ngưu hống, mộc mã tê để nói về việc thầy dạy trò nhận.

(3) 更欲會他泥牛吼,審細須聽木馬嘶。Cánh dục hội tha nê ngưu hống, Thẩm tế tu thính mộc mã tê - Lại muốn biết ngài trâu đất rống, Cẩn thận nên nghe ngựa gỗ hí (Tổ Đường tập, Quyển 11, Thiền sư Duy Kính).

(4)問: 如何是雪嶺泥牛吼。師曰。天地黑。曰: 如何是雲門木馬嘶。師曰。山河走 - Vấn: Như hà thị Tuyết Lĩnh nê ngưu hống?. Sư viết: Thiên địa hắc. Viết: Như hà thị Tuyết môn mộc mã tê?. Sư viết: Sơn hà tẩu - Hỏi: “Thế nào là trâu đất Tuyết Lĩnh rống?”. Sư đáp: “Trời đất tối đen”. Lại hỏi: “Thế nào là ngựa gỗ Vân Môn hí?”. Sư đáp: “Sông núi đi” (Cảnh Đức truyền đăng lục, Quyển 19, Thiền sư Văn Yển).

Thiền sư Tông Cảnh, một đệ tử của Tuệ Trung Thượng sĩ đã tiếp thu và sử dụng hình ảnh này trong bài kệ tán tụng đạo đức thầy mình. Bài kệ này được giữ lại trong phần Chư môn tán tụng thuộc Thượng sĩ ngữ lục:

(5)昔年贈我泥牛吼,今日還他木馬嘶。Tích niên tặng ngã nê ngưu hống, Kim nhật hoàn tha mộc mã tê- Năm trước tặng ta trâu đất rống, Ngày nay trả Ngài ngựa gỗ hí(Thượng sĩ ngữ lục - Thượng sĩ hành trạng - Chư môn tán tụng).

Thầy truyền đạo là con trâu đất rống, trò thụ đạo là con ngựa gỗ hí; thầy rống thì trò hí, đối đáp rõ ràng. Trâu đất và ngựa gỗ đều là vật vô tri, vô phân biệt, vậy mà đối đáp nhau, như vậy là ngầm ý nói thầy dạy trò nhận với tâm không loạn tưởng, không phân biệt, như tự tại, qua đó trò lĩnh hội được tông chỉ của thầy.

Những từ manh quy, bì miết được Cảnh Đức truyền đăng lục sử dụng 3 lần, theo đó, Thiền uyển tập anh ngữ lục cũng sử dụng một lần để chỉ những người tu hành nhưng chưa ngộ đạo, còn loay hoay vướng mắc ở những khái niệm, cách suy luận thông thường.

Cụm từ ngữ ẩn dụ quen dùng của nhà Phật để chỉ việc người học đạo thỉnh vấn thiền sư, chỉ sự phối hợp thầy truyền trò nhận rất đồng thời tử thối mẫu trác (子啐母啄con kêu mẹ mổ) mà Thiền uyển tập anh sử dụng(trong Ngữ lục về Thiền sư Tín Học) trước đó cũng đã được Thiền sư Đạo Nguyên sử dụng trong Cảnh Đức truyền đăng lục - Quyển 29 (Ngữ lục về Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn). Gà mẹ ấp trứng, khi đủ ngày đủ tháng, trứng gà nở thành gà con, trong trứng gà con liền kêu (thối) chiếp chiếp. Gà mẹ nghe tiếng kêu liền mổ (trác) vỏ trứng cho gà con chui ra. Cũng giống như vậy, học trò theo học, công phu đã lâu, chỉ còn một chút nghi vấn, bèn đem hỏi thầy (thối), thầy nhân đó chỉ điểm (trác) để học nhân bùng vỡ khối nghi vấn đó mà kiến đạo.

Những từ ngữ ẩn dụ như mộc nhân, thạch nhân, thạch nữ, thiết nữ được Ngữ lục Thiền tông sử dụng để chỉ Đạo vận động sinh ra muôn hình muôn vẻ nhưng rất vô tâm. Từ 木人mộc nhân xuất hiện trong Tổ Đường tập 1 lần, trong Cảnh Đức truyền đăng lục 9 lần, trong Thiền uyển tập anh ngữ lục 1 lần, trong Thượng sĩ ngữ lục 2 lần ; 石女thạch nữ xuất hiện trong Cảnh Đức truyền đăng lục 6 lần, trong Thánh đăng ngữ lục 1 lần. 石人thạch nhân xuất hiện trong Tổ Đường tập 1 lầntrong Cảnh Đức truyền đăng lục 11 lần. Từ này không xuất hiện trong Ngữ lục Thiền tông Việt Nam, nhưng thay vào đó là từ 鐵女thiết nữ được Thiền uyển tập anh ngữ lục sử dụng 1 lần trong ngữ lục về Thiền sư Trường Nguyên:

(6) 作舞鐵女打鼓木人。Tác vũ thiết nữ, Đả cổ mộc nhân - Gái sắt đứng múa, Người gỗ đánh trống (Thiền uyển tập anh ngữ lục - Thiền sư Trường Nguyên)

Điều này cho thấy, không những Ngữ lục Thiền tông Việt Nam tiếp thu những từ ngữ ước lệ tượng trưng từ Ngữ lục Thiền tông Trung Hoa mà còn thay đổi, biến hóa cho phù hợp với hoàn cảnh ngôn ngữ Hán văn Việt Nam.

Những từ nương sinh diện, nương sinh khố (khuôn mặt mẹ sinh, cái khố mẹ sinh) là hai cụm từ cùng nghĩa với thuật ngữ bản lai diện mục để chỉ bản tâm của mọi người, để chỉ tự tính. Hai hình ảnh này cùng xuất hiện trong Thượng sĩ ngữ lục (phần Thượng sĩ hành trạng và phần Thi ca (bài Dưỡng chân) và trong Thánh đăng ngữ lục (trong phần ngữ lục về vua Trần Thánh Tông)Trong Ngữ lục Thiền tông Trung Hoa, tuy không thấy xuất hiện trong Cảnh Đức truyền đăng lục nhưng hai hình ảnh này trước đó đã cùng xuất hiện ở bài Lạc đạo ca của Hòa thượng Nam Nhạc Lãn Toản trong Tổ Đường tập:

(7) 身披衲,脚娘生褲。… 心是無事心,面是娘生面。Thân phi nhất phá nạp, cước trứ nương sinh khố… Tâm thị vô sự tâm, diện thị nương sinh diện - Thân khoác một chiếc áo rách, chân xỏ vào chiếc khố mẹ sinh… Tâm là tâm vô sự, mặt là mặt mẹ sinh (Tổ Đường tập - Quyển 3).

Những từ tùng phong, thủy nguyệt (gió ngọn thông, trăng đáy nước) là những hình ảnh ẩn dụ cho sắc thân con người. Đặc biệt, hình ảnh thủy nguyệt được Cảnh Đức truyền đăng lục sử dụng đến 10 lầnHình ảnh này được Thiền uyển tập anh ngữ lục sử dụng trong ngữ lục về thiền sư Minh Trí:

(8) 松風水月明,無影亦無形。色身這個是,空空尋響聲。Tùng phong thủy nguyệt minh, Vô ảnh diệc vô hình. Sắc thân giá cá thị, Không không tầm hưởng thanh - Gió ngọn thông trăng đáy nước sáng, Không ảnh cũng không hình. Sắc thân này cũng thế vậy, Hư không tìm tiếng vang!

Gió ngọn thông, trăng đáy nước tưởng như là hiện hữu nhưng kỳ thực không thể nắm bắt, sắc thân của con người cũng vậy, chẳng phải thực, chỉ là giả, là cái biểu kiến. Qua đó, Thiền sư Minh Trí muốn nói đến cách truyền đạo rất chuyên biệt của Thiền Tông. Đó là cách truyền giáo với chủ trương ngoài giáo điển, bất lập ngôn, bất lập văn tự. Vậy nên, truyền đạo thì tuỳ cơ, ngộ đạo, đắc đạo thì tùy người, còn giải thích cặn kẽ, cụ thể thì chẳng khác nào đi tìm tiếng vang, tiếng vọng trong hư không.

Từ bàn tinh (bóng sao trong chậu nước) là hình ảnh ẩn dụ để chỉ sự vật trên đời tất thảy đều hư ảo được nhắc đến trong lời giáo huấn học trò của Thiền sư Huyền Lượng:

(9) 汝莫錯認定盤星Nh mạc thố nhận định bàn tinh - Ngươi chớ nhận lầm bóng sao trong chậu nước (Cảnh Đức truyền đăng lụcQuyển 24 - Thiền sư Huyền Lượng).

Tiếp thu từ ngữ ẩn dụ này, Thiền uyển tập anh ngữ lục dùng trong lời kệ của thiền sư Giới Không dạy bảo học trò:

(10) 汝等後學門人, 莫認盤星軌則Nhữ đẳng hậu học môn nhânMạc nhận bàn tinh quỹ tắc - Những môn nhân hậu học các ngươi, Chớ xác nhận những con đường của bóng sao trong chậu.(Thiền uyển tập anh ngữ lục - Thiền sư Giới Không)

2. Sử dụng công án, thoại đầu, nghịch ngữ

Việc sử dụng những công án, thoại đầu, nghịch ngữ cũng là đặc điểm đặc hữu của thể tài Ngữ lục Thiền tông, đặc biệt là các nghịch ngữ. “Nghịch ngữ là phép tu từ kết hợp các khái niệm hoặc mệnh đề mâu thuẫn nhau về logic hình thức, biểu đạt một nghịch lí của cuộc sống hoặc của nhận thức, nhằm gây ấn tượng, tạo sắc thái biểu cảm và khêu gợi những suy nghĩ có tính chất trí tuệ lí thú về vấn đề trình bày từ những phương diện khác với quan niệm thông thường.”(Nguyễn Thế Truyền, 2005, tr.23). Như vậy, về bản chất, đó là những ngữ cú có cách thể hiện trước sau không thống nhất, mới đầu đọc lên thấy phi lý, nhưng ngẫm nghĩ kỹ lại thấy ý vị sâu xa. Chính vì thế mà các thiền sư coi nghịch ngữ là một phương tiện hữu hiệu để họ khai ngộ cho các đệ tử. Chính những nghịch ngữ đã tạo thành những đòn giáng mạnh vào tâm thức người học đạo, để họ lúc đầu bàng hoàng ngơ ngác, bắt buộc họ phải vận dụng mọi tiềm năng tâm và trí của mình vượt qua cái cửa ải bí hiểm và trắc trở của nhị nguyên đối lập, rồi sau đó bừng tỉnh giác ngộ và nhanh chóng đạt đạo.

Câu hỏi 如何是佛法大意Như hà thị Phật pháp đại ý ? - Thế nào là đại ý của Phật pháp? là câu hỏi rất thường gặp trong các cuộc vấn đáp Thiền học giữa các Thiền sư và học trò. Câu hỏi này xuất hiện 9 lần trong Tổ Đường Tập, 38 lần trong Cảnh Đức truyền đăng lục, 2 lần trong Thượng sĩ ngữ lục, 1 lần trong Thánh đăng ngữ lục. Để trả lời câu hỏi này, các Thiền sư thường không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà dùng nhiều cách khác nhau như quát, hét, đánh, im lặng, hỏi vặn và dùng cả nghịch ngữ để bắt buộc học trò suy nghĩ, bừng tỉnh, thậm chí với mỗi thiền sinh, các Thiền sư lại dùng một nghịch ngữ khác nhau. Hòa thượng Nham Đầu trả lời bằng nghịch ngữ:

(11) 小魚吞大魚 - Tiểu ngư thốn đại ngư - Cá bé nuốt cá lớn (Tổ Đường tập - Quyển 12 - Hòa thượng Nham Đầu).

Thiền sư Trí Viễn ở Viện Tư Phúc, Phúc Châu trả lời bằng nghịch ngữ:

(12) 兩口無一舌Lưỡng khẩu vô thiệt - Hai cái miệng không có cái lưỡi nào (Cảnh Đức truyền đăng lục - Quyển 21 - Thiền sư Trí Viễn).

Thiền sư Thần Đỉnh thì trả lời học trò bằng nghịch ngữ:

(13) 虛空駕鐵船。岳頂浪滔天- Hư không giá thiết thuyền, nhạc đỉnh lãng thao thiên - Cưỡi thuyền sắt trên hư không, sóng vỗ dậy trời trên đỉnh núi (Cảnh Đức truyền đăng lục - Quyển 17 - Thiền sư Đạo Nhàn).

Còn Tuệ Trung Thượng sĩ thì trả lời bằng nghịch ngữ:

(14) 鰲頭打浪蛸螟眼,鵬翼摶風螻蟻腸Ngao đầu đả lãng tiêu minh nhãn, Bằng dực đoàn phong lũ nghị trường - Đầu trạnh vỗ sóng mắt sâu bọ, Cánh bằng nhốt gió ruột kiến trùng. (Thượng sĩ ngữ lục - Đối cơ).

Ở đây Thượng Sĩ diễn tả con rùa biển to mà mắt nhỏ giống như con sâu, con chim đại bàng lớn mà ruột nó nhỏ như con kiến con trùng. Nói ngược như vậy chính là để không cho người học đạo khởi tâm chấp trước mà lập tức bừng tỉnh giác ngộ.

Trong Cảnh Đức truyền đăng lục, quyển 3, bài thơ của Thiền sư Tào Sơn Bản Tịch, mỗi câu là một nghịch ngữ:

(15) 焰裏寒冰结,楊花九月飛.泥牛吼水面,木馬逐風嘶- Diệm lý hàn băng kết, Dương hoa cửu nguyệt phi. Nê ngưu hống thủy diện, Mộc mã trục phong tê - Trong lò, băng giá lạnh kết, Tháng chín hoa dương liễu bay. Trâu đất rống trên mặt nước, Ngựa gỗ hí phi đuổi theo gió.

Để ngụ ý, ẩn ý về những điều có tính chất huyền bí trong triết học Phật giáo, các Thiền sư lại dùng loại nghịch ngữ nêu lên sự phi lí về đặc điểm của sự vật, hiện tượng. Đó là trường hợp bài kệ của Đại sĩ Thiện Tuệ:

(16) 空手把鋤頭, 步行騎水牛, 人從橋上過,橋流水不流- Không thủ bả sừ đầu, Bộ hành kỵ thủy ngưu, Nhân tòng kiều thượng quá, Kiều lưu thủy bất lưu - Trống không nắn cán bừa, Đi bộ cưỡi lưng trâu, Người trên cầu qua lại, Cầu trôi nước chẳng trôi. (Cảnh Đức truyền đăng lục-Quyển 27-Đại sĩ Thiện Tuệ)

Tiếp thu ý tứ của nghịch ngữ này, Thiền sư Đại Xả có bài kệ:

(17)石馬齒狂獰,食苗日月鳴。途中人共過,馬上人不行 - Thạch mã xỉ cuồng ninhThực miêu nhật nguyệt minhĐồ trung nhân cộng quáMã thượng nhân bất hành - Ngựa đá có hàm răng hung dữ, Gặm cỏ non hý suốt đêm ngày. Trên đường, người qua kẻ lại tấp nập, Người ngồi trên ngựa vẫn không cất bước. (Thiền uyển tập anh ngữ lục - Thiền sư Đại Xả).

Có thể vì dụng ý nhấn mạnh vào cái khác thường nên chúng ta cũng thường gặp tên gọi của những sự vật, sự việc, những hiện tượng theo kiểu nghịch ngữ. Đó là “cây sáo không lỗ” (vô khổng địch), “cây đàn không dây” (một huyền cầm), đó là “rùa mù đào vách núi, Ba ba què trèo núi cao” (Manh quy xuyên thạch bích, Bì miết thướng cao sơn), là “cô gái sắt nhảy múa, anh chàng người gỗ đánh trống” (tác vũ thiết nữ, đả cổ mộc nhân)là “hoa nở trong lò” hay “hoa sen nở trong lò lửa” (Lô trung hoa, liên phát lô trung),…

3. Ảnh hưởng ngôn từ

Sự ảnh hưởng của ngôn từ Ngữ lục Thiền tông Trung Hoa đến ngôn từ Ngữ lục Thiền tông Việt Nam thời Lý - Trần còn thể hiện ở phương diện sử dụng những từ ngữ của Bạch thoại trung đại thời kỳ đầu - một hình thái ngôn ngữ viết của tiếng Hán.

Dễ nhận thấy nhất là sự tiếp thu những từ ngữ đa âm tiết như 以來dĩ lai, 原來nguyên lai, 一切nhất thiết, 到處đáo xứ, 本來bản lai, 從來tòng lai, 向來hướng lai, 一樣nhất dạng, 不必bất tất, 多少đa thiểu, 追尋truy tầm,… Những từ ngữ này hầu như không thấy xuất hiện trong những văn bản Văn ngôn.

Các từ到處đáo xứ, 本來bản lai, 從來tòng lai, 以來dĩ lai, 追尋truy tầm không xuất hiện trong Tổ Đường tập, thì đến Cảnh Đức truyền đăng lục cũng đã được sử dụng nhiều lần , cụ thể 到處đáo xứ được sử dụng 29 lần, 本來bản lai được sử dụng 121 lần, 從來tòng lai được sử dụng 24 lần, 以來dĩ lai được sử dụng 10 lần, 追尋truy tầm được sử dụng 7 lần. Những từ này đã được Ngữ lục Thiền tông thời Lý - Trần tiếp thu. Cụ thể là từ本來bản lai được Thượng sĩ ngữ lục sử dụng 7 lần, Thiền uyển tập anh sử dụng 6 lần và Thánh đăng ngữ lục sử dụng 4 lần. Từ 到處đáo xứ, 以來dĩ lai được sử dụng trong Thiền uyển tập anh ngữ lục, từ追尋truy tầm được sử dụng trong Thượng sĩ ngữ lục:

(18) 可憐刻舟客,到處意匆匆。Khả lân khắc chu khách, đáo xứ ý thông thông - Đáng thương thay kẻ khắc thuyền, khắp nơi ý hoang mang. (Thiền uyển tập anh ngữ lục - Thiền sư Viên Chiếu).

(19) 座主出家以來經愈幾夏? Toạ chủ xuất gia dĩ lai kinh du kỉ hạ ? - Tọa chủ đã xuất gia được mấy hạ? (Thiền uyển tập anh ngữ lục - Thiền sư Vô Ngôn Thông).

(20) 心道原虛寂,何處更追尋Tâm đạo nguyên hư tịch, Hà xứ cánh truy tầm - Tâm đạo vốn rỗng lặng, Chỗ nào lại đuổi tìm? (Thượng sĩ ngữ lục - Đối cơ).

Đặc biệt, các từ一切nhất thiết, 多少đa thiểu được các tác phẩm sử dụng với tần suất cao. Từ 一切nhất thiết được Tổ Đường tập sử dụng 168 lần và được Cảnh Đức truyền đăng lục sử dụng 284 lần, được Thượng sĩ ngữ lục sử dụng 6 lần, được Thiền uyển tập anh ngữ lục sử dụng 47 lần, được Thánh đăng ngữ lục sử dụng 4 lần. Từ 多少đa thiểu xuất hiện trong Tổ Đường tập 52 lần, trong Cảnh Đức truyền đăng lục 91 lần và cũng được Thiền uyển tập anh sử dụng:

(21) 持來多少時? Trì lai đa thiểu thời? - Trì kinh được bao lâu rồi. (Thiền uyển tập anh ngữ lục - Thiền sư Thanh Biện).

Qua các con số thống kê và các ví dụ phân tích có thể thấy việc sử dụng những từ đa âm tiết mới xuất hiện trong bạch thoại trung đại là hiện tượng chung diễn ra trong cả thể tài Ngữ lục Thiền tông ở cả thời Đường Tống (Trung Quốc) và thời Lý - Trần (Việt Nam).

Tiếp thu những từ đa âm tiết, đồng thời Ngữ lục Thiền tông Việt Nam thời Lý - Trần còn tiếp thu từ Ngữ lục Thiền tông Trung Hoa cả những nét nghĩa mới ở một số từ ngữ. Tiêu biểu nhất là từ道đạo. Trong văn ngôn, đạo thường được sử dụng với các nét nghĩa con đườnglí lẽ nhất định mà mọi người phải tuân theo và tôn giáo mà một nhóm người, một tập thể tin theo, thì ở trong các tác phẩm Ngữ lục Thiền tông, đạo còn được sử dụng với nét nghĩa mới là nói, nói rằng. Trong Tổ Đường tập, đạo với nét nghĩa mới này được sử dụng 257 lần và được sử dụng trong Cảnh Đức truyền đăng lục 483 lần. Vào Ngữ lục Thiền tông Việt Nam thời Lý - Trần, nó lại được sử dụng 10 lần trong Thiền uyển tập anh ngữ lục, được sử dụng 13 lần trong Thượng sĩ ngữ lục và được sử dụng 7 lần trong Thánh đăng ngữ lục.

(22) 師曰: “愿道什摩?” Sư viết: “Nguyện đạo thập ma ?” - Sư hỏi: “Muốn nói cái gì?” (Tổ Đường tập - Quyển 9 - Hòa thượng Dược Sơn).

(23) 有人云:“學人道不得,却請師道。”師曰:“我不辞向你道,已後欺我兒孫” Hữu nhân vân: “Học nhân đạo bất đắc, khước thỉnh sư đạo”. Sư viết: “Ngã bất từ hướng nhĩ đạo, dĩ hậu khi ngã nhi tôn”- Có người nói: “Học nhân nói không được, xin mời nhà sư nói”. Sư nói: “Ta không từ chối nói với nhà ngươi, sau này dối con cháu ta” (Tổ Đường tập - Quyển 19 - Hòa thượng Bách Trượng).

(24) 師謂仰山曰。寂子速道莫入陰界。Sư vị Ngưỡng Sơn viết: Tịch tử, tốc đạo mạc nhập âm giới - Sư nói với Ngưỡng Sơn: “Tịch con, nói mau, chớ vào giới âm”. (Cảnh Đức truyền đăng lục - Quyển 14 - Thiền sư Linh Hựu).

(25) 且古德道:尋文取證者益滯。Thả cổ đức đạo: "Tầm văn thủ chứng giả ích trệ..." - Vả lại bậc cổ đức nói rằng: "Kẻ tìm bằng chứng ở văn tự thì càng bế tắc". (Thiển uyển tập anh ngữ lục - Thiền sư Thiện Hội).

(26) 又問: 歸山道老僧百年後,向山下作一頭水牯牛,意旨如何? Hựu vấn: “Quy Sơn đạo: Lão tăng bách niên hậu, hướng sơn hạ tác nhất đầu thủy cổ ngưu”, ý chỉ như hà? - Lại hỏi: “Quy Sơn nói: Lão tăng trăm năm sau xuống núi làm một con trâu, ý chỉ thế nào? (Thượng sĩ ngữ lục - Đối cơ).

(27) 諸人,句作麼生道Chư nhân, cú tác ma sinh đạo? - Các người! Câu làm sao nói ? (Thánh đăng ngữ lục - Vua Trần Thái Tông).

hội trong văn ngôn thường có các nét nghĩa là "họp, gặp nhau, thời, nơi đông đúc,…". Ở trong tác phẩm Ngữ lục Thiền tông, 會hội còn có thêm nét nghĩa mới là hiểu, biết (thông qua quá trình học hỏi, tu dưỡng). Trong Tổ Đường tập, 會hội với nét nghĩa này được sử dụng 274 lần, trong Cảnh Đức truyền đăng lục được sử dụng 761 lần.

(28) 問如何是西來意?師曰會即不會,疑即不疑。Vấn: Như hà thị tây lai ý?. Sư viết: Hội tức bất hội, nghi tức bất nghi - Hỏi: “Thế nào là ý nghĩa của tây lai?”. Sư trả lời: “Biết tức là không biết, nghi ngờ tức là không nghi ngờ”. (Tổ Đường tập- Quyển 4- Hòa thượng Hạc Lâm).

(29)某甲不會乞師指示。Mỗ giáp bất hội, khất sư chỉ thị - Con không hiểu, xin sư chỉ thị (Cảnh Đức truyền đăng lục - Quyển 4 - Thiền sư SùngTuệ).

Nét nghĩa mới này của từ會hội cũng được Ngữ lục Thiền tông Việt Nam thời Lý - Trần tiếp thu từ Ngữ lục Thiền tông Trung Hoa,được Thượng sĩ ngữ lục sử dụng 7 lầnđược Thánh đăng ngữ lục sử dụng 4 lần, được Thiền uyển tập anh ngữ lục sử dụng 22 lần.

(30) 秖這話頭,汝還會麼? Chỉ giá thoại đầu, nhữ hoàn hội ma ? - Chỉ một câu thoại đầu, ngươi vẫn hiểu chứ? (Thiển uyển tập anh ngữ lục - Thiền sư Thiện Hội).

(31)師良久云會麼。進云不會。Sư lương cửu vân: “Hội ma?”. Tiến vân: “bất hội” - Lát sau sư hỏi: “Hiểu không”. Trả lời: “Không hiểu”. (Thượng sĩ ngữ lục - Đối cơ).

(32)調御良久曰會麼. 云不會。調御便打。Điều Ngự lương cửu viết: Hội ma? Vân: Bất hội. Điều Ngự tiện đả - Điều Ngự im lặng giây lâu, hỏi:Biết chăng? Tăng thưa: Chẳng biết. Điều Ngự liền đánh (Thượng sĩ ngữ lục - Vua Trần Nhân Tông).

Với những nét nghĩa mới mang đậm tính chất Bạch thoại trung đại giai đoạn đầu, đạo và hội đã góp phần làm cho ngôn ngữ các tác phẩm Ngữ lục Thiền tông Việt Nam thời Lý - Trần trở nên tươi tắn, sống động, khiến cho các cuộc vấn đáp Thiền học trở nên vui vẻ, khiến các thiền sinh nhanh chóng ngộ đạo.

Qua khảo sát, thống kê và phân tích, chúng tôi thấy Ngữ lục Thiền tông Việt Nam thời Lý - Trần đã chịu sự ảnh hưởng nhất định từ Ngữ lục Thiền tông Trung Hoa về mặt ngôn từ. Đó là sự tiếp thu hệ thống từ ngữ chuyên dùng trong nhà Phật (lớp từ thuật ngữ nhà Phật và từ chuyển ngữ phiên âm tiếng Phạn), những từ ngữ ẩn dụ mang tính ước lệ tượng trưng, những thoại đầu, nghịch ngữ, những từ ngữ mang đặc trưng của Bạch thoại trung đại giai đoạn đầu. Sự tiếp thu này là một điều tất yếu. Thiền tông Việt Nam chịu sự ảnh hưởng của Thiền tông Trung Hoa, và vì thế Ngữ lục Thiền tông Việt Nam cũng chịu sự ảnh hưởng của Ngữ lục Thiền tông Trung Hoa cả về thể tài, kết cấu văn bản, cách thức sử dụng ngôn từ và hệ thống ngôn từ. Chính hệ thống ngôn từ được tiếp thu và sử dụng trong các tác phẩm là phương tiện hữu hiệu để chuyển tải nội dung Phật học, phục vụ mục đích ca ngợi các vị sư tổ, các vị thiền sư và mục đích hoằng dương Phật pháp của Ngữ lục Thiền tông Việt Nam thời Lý - Trần.

 

 

Tài liệu tham khảo

1.Đạo Nguyên soạn 道原撰:《景德傳燈錄》,海南出版社.2011.

2.Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Phân viện nghiên cứu Phật học, Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. KHXH, H. 2004.

3.Hồ Thích 胡適:白話文學史, 百花文藝出本社. 2002

4.Jerry Norman:【美】罗杰瑞著- 张惠英译Trương Huệ Anh dịch,汉语概说,语文出版社. 1995

5.Lê Mạnh Thát: Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2000.

6.Lê Mạnh Thát: Lịch sử Phật Giáo Việt Nam, 3 tập,Nxb. Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh, 2006.

7.Lê Mạnh Thát: Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam, 3 tập,Nxb. Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh, 2006.

8.Lý Việt Dũng: Tuệ Trung Thượng sỹ ngữ lục dịch giải, Nxb. Mũi Cà Mau, 2003.

9.Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga: Thiền uyển tập anh dịch, chú, giới thiệu, Phân viện Nghiên cứu Phật học và Nxb. Văn học, H. 1990.

10.Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 1, Nxb. Văn học, H. 1992.

11.Nguyễn Thế Truyền: Nghịch ngữ - phép tu từ của những mâu thuẫn thống nhất, Tạp chí Ngôn ngữ, số 8, tr.23-36.

12.Phạm Văn Khoái: Một số suy nghĩ cơ sở làm tiêu chí cho sự phân kì Hán văn Việt NamTạp chí Hán Nôm, số 2/1998, tr.14-20.

13.Phạm Văn Khoái - Tạ Doãn Quyết: Hán văn Lý - Trần và Hán văn thời Nguyễn trong cái nhìn vận động của cấu trúc văn hóa Việt Nam thời trung đạiTạp chí Hán Nôm, số 1/2003, tr.36-42.

14.Phòng nghiên cứu và giảng dạy Tiếng Hán hiện đại, Khoa Trung văn Đại học Bắc Kinh 北京大學中文系, 現代漢語教研室 (1995),現代漢語, 商務印書館.

15.Thích Thanh Từ: Thánh Đăng Lục giảng giải, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.

16.Trương Bân chủ biên张斌主编《现代汉语》,语文出版社. 2003.

17.Viện Văn học: Thơ văn Lý - Trần, Tập 1, Nxb. KHXH, H. 1977.

18.Viện Văn học: Thơ văn Lý - Trần, Tập 3, Nxb. KHXH, H. 1978.

19.Viện Văn học: Thơ văn Lý - Trần, Tập 2, Q. Thượng, Nxb. KHXH, H. 1989.

20.Thiền uyển tập anh ngữ lục 禪苑集英語錄. Ký hiệu: A.3144, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

21.Thượng sĩ ngữ lục上士語錄. Ký hiệu: A.1932, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

22.Thánh đăng ngữ lục聖燈語錄. Ký hiệu: A.2569, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

23.Tĩnh, Quân (hai vị thiền sư thời Nam Đường) soạn 静筠二禅师 著《祖堂集》上海古籍出版社2011./.

ThS. Trịnh Ngọc Ánh (Trường CĐSP Hà Nội)

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 3 (118) 2013; tr. 65-73, phiên bản trực tuyến ngày 28.12.2014.

20190503 Lopol Cadire

Ảnh: Phonétique Annamite của Léopol Cadière

Trong giai đoạn bản lề giữa hai thế kỷ này, tiếng nói và chữ viết thực sự đã có sự giao lưu giữa hai dân tộc Việt Nam và Pháp, mặc dù có thể, mức độ giao lưu giữa hai bên là không ngang bằng nhau. Vậy thực tế, quá trình này đã diễn ra như thế nào?

Hoạt động của người Pháp

Người Pháp đã dụng công tìm nhiều cách để truyền bá và phổ cập tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ alphabetique, trong đó, đầu tư vào giáo dục là một hướng đi đáng kể, mở đầu là sự ra đời trường Thông ngôn ở Việt Nam. Tại Nam kỳ, một trường như vậy được khai giảng ngày 8 tháng 5 năm 1862, chính nơi đây, nhà Bác học Trương Vĩnh Ký đã có thời gian giảng dạy. Tại Hà Nội, một trường nữa cũng đi vào hoạt động năm 1866. Cùng thời kỳ này, tờ Gia Định báo do người Pháp lập ra được phát hành với mục đích cổ động sử dụng chữ Quốc ngữ. Năm 1897, trường Hậu bổ ra đời, chính thức khởi động một cuộc cải cách giảng dạy trong nhà trường Việt Nam đương thời, cụ thể là, lần đầu tiên, học sinh Việt Nam được nghe các bài giảng và dự các kỳ thi bằng chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp(1).

Bắt đầu "từ giữa những năm 1890, việc tiếp xúc giữa viên chức Pháp và Việt trở nên dễ dàng hơn, bởi vì các Tú tài và Cử nhân ngày càng nhiều người làm chủ được chữ Quốc ngữ cũng như tiếng Pháp.

Thành quả đôi khi còn xuất sắc hơn thế nữa, người Việt Nam khi ấy không những sử dụng được tiếng Pháp trong đời sống và trong công việc, có những người còn có thể chơi chữ với ngoại ngữ này. Marco Polo, người châu Âu nổi tiếng với phát hiện Ấn Độ, vào thế kỷ XIII, đã viết đôi dòng liên quan tới Việt Nam trong nhật ký du hành của mình:

"Và khi chúng tôi từ hòn đảo Java này ra đi, được 700 dặm giữa Midi và Garbin, chúng tôi thấy hai hòn đảo, một lớn và một nhỏ hơn, một có tên là Sondur và hòn kia là Condur"(2).

Sondur trong tiếng Pháp nếu đọc tách ra thành hai từ son dur có thể mang nghĩa là âm thanh chát chúa, nặng nề. Người Việt nào đó đã nói vui rằng, chắc vì ông Polo thấy tiếng sóng biển xô bờ ì oạp thế nào đó, nên liên tưởng đặt luôn tên ấy cho hòn đảo. Xin nói thêm, theo bản in Description du monde về chuyến đi của Marco Polo, chú thích cho biết:

Hai hòn đảo được Polo gọi tên ấy nằm trong một quần đảo đối diện với đồng bằng sông Mê kông, được biết đến với cái tên Poulo-Condor. Những hòn đảo này đã được các nhà địa lý học Ả rập miêu tả vào thế kỷ IX, họ đặt tên cho những hòn đảo này là Sundar Fulat, cách gọi Fulat này chắc chắn tương đồng với Poulo ; có lẽ những hòn đảo này đã được những người Trung Quốc biết tới với cái tên là K’ouen-louen. Những đảo này đã từng thuộc về đế chế Khmer, trải qua bước chân chinh phục của nhà nước An Nam - những người chiến thắng vương quốc Cham pa năm 1471 và vào thế kỷ XVII thuộc về lãnh thổ Nam kỳ hiện nay(3).

Việc sử dụng tiếng Pháp còn thâm nhập vào sinh hoạt thường ngày của người Việt, đương thời, người Việt Nam học tiếng Pháp đôi khi thấy buồn cười khi thấy ai đó được đặt tên là Chiến, bởi khi phát âm, từ này có thể giống với chien(chó, động vật rất được người Pháp yêu chuộng). Nhuần nhuyễn hơn, tiếng Pháp được kết hợp với tiếng Việt trong thơ song thất nhịp nhàng:

"J’écris tình thư une lettre

Gửi cho người six, sept années." 

đọc là:

Giê cờ ri tình thư uyn lét

Gửi cho người sít sét an nê.

nghĩa là:

Bức tình thư này đây tôi viết,

Gửi cho người sáu, bảy tuổi xuân.

Tiếng Pháp cũng có thể được tận dụng thanh điệu để đưa vào nhịp thơ song thất của Việt Nam:

"Couché donc mon cher petit

Maintenant fini papa." 

đọc là:

Cú sê đồng mông se pơ tí

Manh tơ năng phi ní pa pa.

nghĩa là:

Nào ngủ đi con yêu bé nhỏ

Cha con giờ xong việc rồi đây.

Những nỗ lực của người Pháp đưa tiếng nói và chữ viết mới vào xã hội Việt Nam đã đạt được những kết quả như trên và nhiều hơn thế nữa:

"Từ những trường Pháp - Việt được mở ra từ sớm tại thủ phủ của các tỉnh, rồi xuất hiện ở những trung tâm khác. Từ 42 trường sơ cấp với 4.874 học sinh vào năm 1910, đã tăng lên đến 66 trường với hơn 9.000 học sinh năm 1917(4)".

Trên nền móng của việc học bằng chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp, các môn học có tính thực dụng cho hoàn cảnh đất nước Việt Nam đương thời được đề cao, nhất là học về kinh tế, thương mại, công nghiệp, thủy nông, luật pháp...

Một điểm nhấn của người Pháp trong nỗ lực đẩy mạnh giao lưu Việt - Pháp là quyết định của Toàn quyền Đông Dương lúc đó là Paul Beau, cho phép: "... một số quan chức, viên chức hoặc một số trí thức gốc Bắc bộ và Trung bộ..., hàng năm được thực hiện chuyến du học sang Pháp(5).

Nếu đánh giá "mỗi du học sinh là một đại sứ" (6) thì quyết định nói trên đã tạo điều kiện tăng lên không ít các phái đoàn và nhân viên ngoại giao Việt Nam sang Pháp. Những chuyến du học này cùng với những tác động nhiều mặt khác có được do thời cuộc mang lại, đã thúc giục người Việt Nam thấy cần phải vận động để đổi mới mình nhanh mạnh và thấu triệt hơn nữa.

Cùng với giáo dục, người Pháp để tâm thực hiện nhiều nghiên cứu về Việt Nam, đặc biệt là đề tài ngôn ngữ. Silvestre từng nhận định trong nghiên cứu của mình về tiếng nói của người Việt:

“Rất dễ áp dụng chữ viết châu Âu của chúng ta để ghi lại ngôn ngữ này bằng cách sử dụng một số ký hiệu miêu tả âm dài, âm ngắn và thanh điệu. Duy có điều đáng buồn, bắt đầu từ người Bồ Đào Nha, là chúng ta đã biết tới những chữ cái không có cách phát âm chung, đó là ch, l và d không có gạch ngang(7)".

Một người Pháp khác là Edmond Nordemann (được phiên âm sang tiếng Việt là Ngô Đê Mân), Giám đốc Nha Học chính Trung kỳ, đã thể hiện rõ nét sự hào hứng của mình về mối giao lưu đa dạng giữa hai nền văn hóa. Trong Vài lời với độc giả Pháp khi giới thiệu và khảo cứu Cung oán ngâm khúc trong bản in bằng tiếng Pháp(7), Nordemann nhấn mạnh:

"Cuốn sách này là một phần trong chuỗi tác phẩm mà chúng tôi xuất bản với mục đích kép:

1. Phổ cập chữ Quốc ngữ cho người An Nam và từng bước, qua sự trung gian của chữ Quốc ngữ, (truyền bá) ngôn ngữ và kiến thức của dân tộc chúng ta.

2. Giúp cho đồng bào ta làm quen với những tác phẩm văn học bản địa nói chung. Những tác phẩm này nhằm để bổ sung cho những công trình về ngôn ngữ học An Nam và dân tộc học An Nam mà chúng tôi sẽ cho cùng xuất bản. Những tác phẩm này hoặc khác giúp cho bạn đọc của chúng ta tận dụng được kinh nghiệm cần thiết sau 27 năm cư trú trên xứ sở này, và về phần chúng tôi, cũng là để đóng góp cho mối hợp tác ngày càng thân thiết của hai dân tộc chúng ta, những ưu điểm để hiểu biết nhau thêm".

Bên cạnh những tác phẩm, những kiến thức về văn hóa Việt Nam được Nordemann dụng công truyền bá, không thể không nhắc tới những chuyên khảo về ngôn ngữ Việt Nam của Léopol Cadière. Đó là Phonétique Annamite(8) (Ngữ âm An Nam), Monographie de la semi-voyelle labiale en sino - annamite et en annamite(9) (Chuyên khảo về bán nguyên âm môi Hán - Nôm và An Nam), Le dialecte du bas-Annam(10) (Phương ngữ miệt hạ An Nam), Syntaxe de la langue vietnamienne(11) (Cú pháp của ngôn ngữ Việt Nam). Sự am hiểu sâu sắc về tiếng nói của người Việt giúp Cadière đưa ra những nhận định chính xác và có tính hệ thống về ngôn ngữ Việt Nam, tiêu biểu như:

“Tồn tại một phương ngữ của miệt hạ An Nam, cũng như tồn tại một phương ngữ của miệt thượng An Nam, và tồn tại cả một phương ngữ Bắc bộ cũng như chắc chắn tồn tại một phương ngữ vùng Nam bộ”.

Có thể nói, cho đến đầu thế kỷ XX, những công trình nghiên cứu này đã góp phần giúp cho đại bộ phận người Việt Nam có được cái nhìn tổng quan về cấu tạo ngôn ngữ của chính dân tộc mình.

   Người Pháp, không chỉ truyền bá ngôn ngữ văn tự mới và nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam, họ còn thực hiện phiên dịch nhiều tư liệu Hán - Nôm của Việt Nam ra tiếng Pháp, như G. Aubaret đã dịch Gia Định thành thông chí嘉定城通誌với nhan đề Description de Gia Dinh, Philastre dịch Hoàng Việt luật lệ 皇越律例 với tên gọi Code Annamite. Tại Thư viện Hiệp hội Á châu ở Paris (Pháp), hiện còn lưu trữ bản Hoàng Việt luật lệ 皇越律例 ký hiệu 401466, được ban hành vào niên hiệu Gia Long thứ 12 (1813), do chính quyền Pháp ấn hành và ban cấp cho các địa phương (大富浪沙印行頒給衙奉守).

Thêm nữa, để thâm nhập vào cuộc sống địa phương, nhiều người Pháp đã sử dụng tên gọi được Việt hóa hoàn toàn như Đức cha Vạn (Mgr Vandaele), Nguyễn Văn Chấn (G. Forçant), Nguyễn Văn Trí (Dayot), Nguyễn Văn Thắng (Vannier), Mặt Giời (Albert de Pouvourville), Ngô Đê Mân (Edmond Nordemann), Mặt Giăng (René Crayssac)... Đến nay, nhiều người còn nhớ câu chuyện về Mặt Giăng - dịch giả Truyện Kiều ra tiếng Pháp, người sở hữu kiến thức sâu sắc về tiếng Việt và có khả năng phiên dịch mẫn tiệp. Trong một buổi giao tiếp, những người lão luyện về tiếng Pháp còn chưa thể diễn đạt được câu đồng dao Việt Nam: Ông giẳng ông giăng... ra tiếng Pháp thì Mặt Giăng đã dịch ngay, đảm bảo nhịp điệu của nguyên bản: La luỷn la luyn...

Trong tiếng Pháp, la lune (phát âm là la luyn) có nghĩa mặt trăng (giăng), Crayssac đã tận dụng thành công sự gần như đơn âm của từ tiếng Pháp này, kết hợp sự đa dạng về thanh điệu của tiếng Việt, để dịch không chỉ câu đồng dao Việt Nam, mà còn chính là tên gọi bằng tiếng Việt của mình.

Việc tận dụng sự tương đồng về phát âm giữa các ngôn ngữ đã đưa vào ngôn ngữ tiếng Pháp một số từ mới, diễn đạt khái niệm mới mà trước đó chưa có ở Pháp, như longane (phiên âm từ long nhãn 龍眼, quả nhãn)typhon (phiên âm từ đại phong 大風, cơn bão), litchi (phiên âm từ lệ chi 荔枝, quả vải)... Đặc điểm của những từ mới này trong tiếng Pháp là sự mô phỏng âm đọc Hán - Việt của người Việt. Sự du nhập ngôn ngữ theo hướng từ Việt sang Pháp này chứng minh hiệu quả của sự giao lưu văn hóa có đi có lại giữa hai đất nước, dù có thể ảnh hưởng giữa hai bên là không cân bằng với nhau.

Nỗ lực của người Việt

Từ thế kỷ XIX, mặc dù triều đình Huế có những động thái chính trị bế quan tỏa cảng thì nỗ lực của nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam để xúc tiến giao lưu văn hóa với nước Pháp và nhiều quốc gia khác vẫn tự nhiên diễn ra. Họ, những người có cơ hội đặt chân đến Pháp, có thể là nhà nho học kỳ cựu như Phan Thanh Giản (1796-1887), Phạm Phú Thứ (1820-1881), Ngụy Khắc Đản (1817- 1878), Nguyễn Trọng Hợp ; có thể là người trẻ nhiều học thức như Đặng Văn Nhã, Nguyễn Văn Đào ; hoặc là người nơi cửa Phật như hòa thượng Thanh Cao; hay là bậc trí thức-người tiên phong của nền văn hóa mới như Trương Vĩnh Ký. Dầu rằng có thể có những nhìn nhận khác nhau sau mỗi chuyến sang Pháp, những vị sứ giả này đều để lại đến ngày nay, trong ghi chép của họ, bằng chứng về sự giao lưu văn hóa Việt-Pháp, Pháp-Việt. Ngụy Khắc Đản trong Như Tây ký 如西记(1863) đã nhận xét về ngôn ngữ của người Pháp:

"Người Tây không có sự phân biệt hai thanh bình và khứ, khi nói ra lại rất nhanh, thường có nhiều âm tiết gộp lại để phiên âm một từ, có khi có nối âm và đột ngột dừng lại, nghe như là thanh nhập"(13).

Năm 1912, trong Âu học hành trình ký 歐學行程記(VHv.1437), Nguyễn Văn Đào đã bày tỏ mục đích khi ghi chép tư liệu về chuyến du học sang Pháp của mình:

"Huống chi năm châu gần gũi, bốn biển láng giềng, không trở lại cái thời khóa cảng cài then nữa... Nếu không sưu tập biên chép để cung hiến cho đồng bào ta biết thì hiện tượng văn minh của nước lớn tuy đẹp đẽ mà chẳng được truyền, còn công phu du lịch nửa đời (ta) rốt cuộc cũng hóa ra uổng phí"(14).

Những tư liệu ghi chép với tâm nguyện như thế phải chăng có rất ít? Câu trả lời là không, bởi riêng tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hiện lưu trữ ít nhất trên hai chục văn bản về chín phái đoàn Việt Nam sang Pháp hồi thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Khảo sát bước đầu của chúng tôi về phông tư liệu này cho thấy, có 27 văn bản tác phẩm chứa đựng từ ngữ tiếng Pháp, 08 văn bản được dịch từ tiếng Pháp ra chữ Nôm và chữ Hán, 49 chuyên khảo Hán - Nôm về nước Pháp và 7 văn bản tác phẩm có sự góp công biên soạn của người Pháp. Có thể dẫn ra một vài ví dụ tiêu biểu: Legrand de la Liraye (tên phiên âm Hán-Việt là Lư Gia Lăng), với tư cách là viên chức dân sự ở Gia Định(14) đã viết tựa cho sách Đại Nam thực lục chính biên大南實錄正编, ông cũng là người dịch Đại Nam Gia Long thực lục大南嘉隆實錄 ra tiếng Pháp. Edmond Nordemann biên soạn văn bản và viết Vài lời với độc giả cho sách Hoa văn tự vựng toản yếu tập đồ華文字匯纂要習圖, Quảng tập hoa văn廣集華文, Tập Hán tự thức 習漢字識. Năm 1921, René Robin với tư cách là Công sứ Bắc kỳ đã ban hành Nghị định chỉnh đốn lại hương hội các xã An Nam ở Bắc Kỳ, phụ chép Bưu chính Từ hàn Dân luật議定整顿吏鄉會各社安南於北圻附劄郵政詞翰民律.

Bên cạnh đó, nằm rải rác trên nhiều địa phương là những tấm bia mà trong đó, chứa đựng một số lượng nào đó từ ngữ tiếng Pháp. Cụ thể, giữa nhiều chữ Hán là một số từ ngữ tiếng Pháp được khắc bằng chữ Quốc ngữ như MgrVandaele (Đức cha Vạn), Paris, nhà cimentsœur Gabrielcha MassardMr Hamilton, cha Cornille, cha Leury, cha Guidonvicaire trong bia Ồ thôn thánh đường 塢村聖堂(15) ở huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay là tỉnh Hà Tây) cũng như trong Thúc đê kỷ niệm bi束堤紀念碑(16) ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, Thanh Hóa bi ký 清化碑記(17) ở thành phố Thanh Hóa, Thanh châu Mật sơn kỷ niệm bi清州密山紀念碑(18) ở huyện Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa... Đó là chưa kể tới những tư liệu Hán Nôm hiện được lưu trữ ở nhiều nơi khác. Một ví dụ tiêu biểu, trong số hơn trăm văn bản ký hiệu B thuộc phông sách Việt Nam ở thư viện Quốc gia Pháp tại Paris, có 18 văn bản Nôm với rất nhiều từ ngữ tiếng Pháp và các ngôn ngữ alphabetique khác được thể hiện bằng chữ Nôm và chữ Hán để phiên âm các khái niệm Thiên chúa giáo.

Tuy vậy, nếu chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp chưa thể có được vị thế vững chãi của ít nhất hàng trăm năm lịch sử như chữ Hán và chữ Nôm, thì người Việt sẽ không thể sở hữu và vận dụng được triệt để những ngôn ngữ và văn tự mới. Chính vì thế, Trương Vĩnh Ký (1818 - 1898), vào năm 1865, ở cương vị phụ trách bài vở của tờ Gia Định báo, đã nêu lên rõ ràng ba mục đích để phát hành tờ báo này. Thứ nhất, phổ cập chữ Quốc ngữ tới toàn thể nhân dân Việt Nam; thứ hai, cổ động cho sự truyền bá nền tân văn trên lãnh thổ nước Nam; thứ ba, giục giã người Việt Nam học chữ Quốc ngữ. Trong báo cáo về sứ mệnh năm 1863 mà Trương Vĩnh Ký đóng vai trò phiên dịch chính cho các vị đứng đầu phái đoàn sang Pháp và Tây Ban Nha, ông bày tỏ:

"Trước được Đại nhân sức xuống cho bỉ chức, dùng chữ Quốc ngữ dịch thuật những sách khoa học kỹ thuật của phương Tây, bỉ chức đã nhận mệnh, chỉ có điều trong ý nghĩ của bỉ chức, có sở nguyện gì với Triều đình thì dám đâu không bẩm báo đầy đủ. Trộm thấy, dân phương Tây và Tân Thế giới sở dĩ được hưng thịnh phát triển như ngày nay, phần lớn là do ham học tập các sách khoa học đến thông hiểu mà thôi. Vậy nên, bỉ chức cho rằng, cần lệnh cho học sinh nhỏ tuổi ở các xã, tổng học chữ Quốc ngữ và chữ Tây để thông thạo được Quốc âm thì có khả năng đọc được những sách khoa học mà bỉ chức khái quát, dịch thuật. Vả lại, chữ Quốc ngữ rất dễ học, trong vòng không đầy năm, sáu tháng thì học sinh nhỏ tuổi sẽ biết được hết các chữ, cho nên không vướng ngại gián đoạn việc học chữ Hán. Về sau này, khiến các học sinh này tìm hiểu những sách mà bỉ chức dịch thuật thì có thể nắm bắt được khoa học kỹ thuật"(20).

Ý nguyện của Trương Vĩnh Ký không chỉ thể hiện khao khát đổi mới học thuật nước nhà, đó còn là dự báo về mô hình giáo dục mới ở Việt Nam. Cùng với các trường học do người Pháp mở ra, nhiều nhà cải cách Việt Nam cũng thành lập cở sở giáo dục. Đông kinh Nghĩa thục là một ngọn cờ nổi bật. Một nhóm các nhà trí thức, xuất thân nho học cổ điển, vào tháng 3 năm 1907, đã mở ngôi trường này trên phố Hàng Đào, Hà Nội. Ở đó, học sinh ở nhiều trình độ khác nhau, có người am hiểu chữ Hán, có em vừa kịp tuổi đến trường, đều sử dụng sách giáo khoa bằng chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp. Mặc dù tồn tại chỉ trong 9 tháng, Đông kinh Nghĩa thục cho đến nay vẫn được đánh giá là nét son về nỗ lực tự thân của người Việt Nam cho nền giáo dục nước nhà.

Chữ Hán Nôm trong buổi giao thời với chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp

Từ hai vị thế khác nhau của người Việt Nam và người Pháp, mỗi bên đương nhiên có mục đích và cách thức khác nhau trong việc làm mới tiếng nói và chữ viết của Việt Nam. Tuy vậy, chữ Hán và chữ Nôm vào giai đoạn thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX vẫn không bị quên bỏ. Đến tận năm 1917, học sinh của trường Pháp-Việt còn phải học thêm giờ về chữ Hán-Nôm do trình độ quá kém của họ về chữ viết tượng hình có truyền thống ở Việt Nam. Một trường hợp khác thể hiện điều này là Nguyễn Văn Đào - người trẻ tuổi trong số ít nhân tài trên toàn Đông Dương, được chọn để sang Pháp du học vào năm 1912. Ông đánh giá rất cao ích lợi của việc du học cũng như tầm vóc của văn hóa phương tây, tuy nhiên, ông vẫn dùng chữ Hán để miêu tả những điều đó:

"Riêng việc học thuật trước tiên ắt phải du học... Hết thảy các nước văn minh sở dĩ có thể đạt được giàu mạnh thịnh vượng, tuy được học thuật sẵn có làm cơ sở mà thực ra là nhờ du học từng trải... Đương lúc này đây, văn minh tiến hóa, giao thông các nước, thủy bộ đều rất tiện lợi, nên cử cả nước xuất dương du học... nhất thiết nên chọn nhiều người trẻ thông minh mẫn tiệp, phái sang nước lớn du học..."(21).

Có thể thấy, chữ Quốc ngữ - thành quả sáng tạo của nhiều thế hệ người Việt và người nước ngoài - vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, là phương tiện đúng lúc và hiệu quả giúp dân tộc Việt Nam có thể vượt cũ đổi mới. Sự thâm nhập tích cực của chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp trong nhiều lĩnh vực đời sống là một trong nhiều nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Phương pháp sử dụng cùng một hệ ngôn ngữ với các nước lớn ở phương tây đã tạo điều kiện để người Việt Nam lĩnh hội và tận dụng ưu điểm từ những quốc gia này. Nhưng dù sao, đương thời, cả hai ngôn ngữ mới này vẫn chưa thể bắt rễ sâu bền như Hán-Nôm, mô hình văn hóa và chữ viết đã tồn tại trong đời sống người Việt ít nhất từ hàng trăm năm. Để du nhập những khái niệm mới, những từ mới của bên ngoài, vốn chưa có trong tiếng Việt, sự phiên âm bằng chữ Nôm và chữ Hán đã được thực hiện, với phương pháp chủ yếu là mô phỏng âm đọc của từ ngữ gốc. Thao tác phiên âm này được diễn ra trên nền tảng của chữ Hán và sự phong phú của chữ Nôm. Trong giai đoạn chuyển giao từ thế kỷ XIX sang thế kỷ XX, phiên âm từ ngữ của phương Tây (nhất là tiếng Pháp, tiếng Anh) trở thành một hiện tượng đáng chú ý trong tư liệu Hán - Nôm.

Chú thích:

(1) Emmanuel Poisson: Mandarins et subalternes au Nord du Vietnam, une bureaucratie à épreuve 1820-1918 (Quan và lại miền Bắc Việt Nam, một bộ máy hành chính trước thử thách 1820-1918), Paris, Nxb. Maisonneuve et Larose, 2004, tr.209.

(2) La description du monde (Miêu tả thế giới), Toàn tập bằng tiếng Pháp, Mở đầu và Chú thích bởi Louis Hambis, Paris, Nxb. C. Klincksieck, 1995, tr.241.

(3) "il s’agit du groupe d’îles situées en face du delta du Mékong, qui sont connues sous le nom de Poulo-Condor. Ces îles furent déjà décrites par les géographes arabes au IXe siècle; ils les nomment Sundar Fulat, ce dernier terme correspondant sans doute à Poulo; il semble que ces îles furent connues des Chinois sous le nom de K’ouen-louen. Elles devaient dépendre de l’Empire Khmer, et passèrent sous la domination de l’Annam quand celui-ci eut vaincu le Champa en 1471 et occupa au XVIIe siècle le territoire de l’actuel Cochinchine." (tr.241)

(4) “Le Tonkin scolaire, un pays d’adaptation pédagogiques originales" (Đông Kinh học vụ, xứ sở của sự thích nghi giáo dục kỳ lạ), Triển lãm thuộc địa quốc tế, Paris, 1913. Hà Nội, Nhà in Viễn Đông, 1931, tr.12.

(5) Emmanuel Poisson, đã dẫn, tr.184.

(6) Theo Việt Phương, bài cùng tên, dantri.com.vn.

(7) Silvestre, L’empire d’Annam et Le peuple annamite (Aperçcu sur la géographie, les productions, l’industrie, les mœurs et les coutumes de l’Annam) [Đế chế An Nam và nhân dân An Nam, Khái lược về địa lý, sản vật, công nghiệp, phong tục và tập quán của An Nam]Paris, Nhà sách cổ Germer Baillière và Cfe, Félix Alcan, 108 đại lộ Saint Germain, 1889 (380 tr.), p.117.

(8) Nguyên văn là L’Odalisque mécontenteAvis au lecteur français, 1905.

(9) Paris, Nhà in Quốc gia, E. Leroux, (BEFEO, tập 3), 1902.

(10) BEFEO 8 (1908), tr.93-148, 381-485; 9 (1909) tr.51-89, 315-345, 533-547, 681-706; 10 (1910) tr.61-93, 287-337.

(11) BEFEO 11 (1911) tr.67-110.

(12) Paris, EFEO, 1958.

(13) Như Tây ký如西记, A.764, tr.1.

(14) Âu học hành trình ký欧学行程记, VHv.1437, tr.3.

(15) Nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

(16) N.18187

(17) N.19362-63.

(18) N.17530-33.

(19) N.16622-23.

(20) Kỷ Tỵ niên chính nguyệt nhật phúc tư công văn nhật ký 己巳年正月日覆咨公文日記, A.1083, tr.3-4.

(21) Âu học hành trình ký 歐學行程記, VHv.1437, tr.110-112.

ThS. VIỆT ANH (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (86) 2008; Tr.55-62, phiên bản trực tuyến, ngày 24.01.2010.

20180126 Dai Viet su ky

Địa danh Thăng Long với các đời Hoàng đế nhà Lê được Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) ghi chép sau đây:

1. Lê Lợi và những ngày đầu tiến vào kinh thành…

Năm Bính Ngọ (1426) Mùa thu, tháng 8, vua cho là quân tinh nhuệ của giặc (Minh) đều ở Nghệ An, quân ở các xứ Đông Đô của chúng nhất định sẽ suy yếu bèn tăng thêm binh tượng…. [Bản kỉ, q10, 19b]*

Mùa đông, tháng 10, ngày 22, vua tiến quân tới Tây Phù Liệt (thuộc huyện Thanh Trì ngày nay) [23a]. Ngày 23, vua đích thân dẫn tượng quân đến cửa Nam ngoài thành Đại La để đánh thành Đông Quan. Canh ba vua rời đến đóng dinh ở Đông Phù Liệt.

Năm Mậu Thân, Thuận Thiên nguyên niên (1428), mùa hạ, tháng 4, vua từ điện tranh ở Bồ Đề(1)vào đóng ở thành Đông Kinh. Ngày 15, vua lên ngôi ở Đông Kinh, đại xá, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, dựng quốc hiệu là Đại Việt [58a] đóng đô ở Đông Kinh(2)

Ngày 22 tháng 12 năm Mậu Thân (1428) vua làm điện Vạn Thọ, lại làm Tả điện, Hữu điện, điện Kính Thiên, điện Cần Chính [63b].

Năm Canh Tuất, (Thuận Thiên thứ 3 - 1430), vua ban luật lệ, đổi Đông Đô thành Đông Kinh, Tây Đô thành Tây Kinh [72b]

2. Thái Tông Văn hoàng đế:

Lên ngôi ngày mồng 8 tháng 9 năm Thuận Thiên thứ 2 (1433), lấy niên hiệu là Thiệu Bình.

… Ngày mùng 1 tháng 4 năm Giáp Dần (1434), vua sai rước Phật chùa Pháp Vân(3)ở Cát Châu về Đông Kinh để cầu mưa [7a]

Ngày 22 đặt đàn chay ở điện Cần Chính

Tháng 5, ngày 11, kinh thành bị cháy, lửa lan ra thiêu mất hơn vài trăm nhà, nhiều người chết cháy [8b]

Ngày 24 chém Cao Sư Đăng vì có hành vi cằn nhằn trong khi xây dựng chùa Báo Thiên(4)[10a]

Ngày 18 tháng 10 năm Ất Mão, Thiệu Bình thứ 2 (1835), vua ngự ra bến Đông(5) xem 5 quân thi vượt sông [31a]

Tháng 12, hạ lệnh cho vệ quân các đạo và năm quân Thiết Đột nạo vét sông Đông Ngàn(6) [33a]

Năm Đinh Tỵ (Thiệu Bình thứ 4-1437), tháng 3, vua ngự ra Hồ Tây xem cá [37b].

Năm Nhâm Tuất (Đại Bảo thứ 3-1442) mùa xuân tháng Giêng làm cung điện mới. Tháng 3, tổ chức thi Hội…lại sai soạn văn bia, dựng bia ghi tên tiến sĩ. Bia tiến sĩ bắt đầu có từ đây [55a]

Ngày 27, tháng 7, vua đi tuần du về miền Đông…, đi thuyền từ bến Đông vào sông Thiên Đức(7)… [55a]

3. Nhân Tông Tuyên Hoàng đế:

Ngày 12 tháng 8 năm Tân Dậu, (Đại Bảo thứ 3 - 1442) lên ngôi, lấy niên hiệu là Thái Hòa.

… tháng 6, năm Mậu Thìn (Thái Hòa thứ 6 - 1448) sai Thái úy Lê Khả đến xã Cổ Châu rước tượng Phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên ở kinh thành [68b].

Năm Kỉ Tỵ (Thái Hòa thứ 7 - 1449), tháng 2, sai Tư khấu Lê Khắc Phục đem người ở cục Bách tác, quân vệ thiên quan, tứ sương và quân dân trấn Thái Nguyên đào lại sông Bình Lỗ từ Lãnh Canh đến cầu Phù Lỗ(8) [77a].

Năm Bính Tý (Diên Ninh thứ 3 - 1456), tháng 11, có hổ vào chùa Diên Hựu trong thành, sai quân ngự tiền cầm đao bắt giết đi [94b].

4. Thánh Tông Thuần Hoàng đế: lên ngôi ngày mồng 8 tháng 6 năm Canh Thìn) ở điện Tường Quang, đổi niên hiệu là Quang Thuận thứ 1 (1460).

Tháng 8, năm Ất Dậu, Quang Thuận thứ 6 - 1465 cho dựng điện Cẩn Đức [19b]. Tháng 11, đại xá, vì hai điện Kính Thiên và Cẩn Đức làm xong [20b].

Ngày 12, tháng 3 năm Quang Thuận 7 - 1466, vua thân ra ngự điện Kính Thiên, thân hành ra đề bài văn sách hỏi các đế vương trị thiên hạ [22b]. Ngày 26, yết bảng vàng ở cửa Đông Hoa.

Năm Đinh Hợi, Quang Thuận thứ 8 - 1467, tháng 3, sai ty Tam tang đào hồ ở đình Giảng Võ [29b].

Ngày 15 tháng 8, dựng lan can bằng đá ở điện Kính Thiên và xây điện nhỏ ở sân Giảng Võ [40b].

Tháng 3, năm Nhâm Thìn (Hồng Đức thứ 3 -1472) gác cửa Tây bị cháy [72a].

Mùa đông tháng 10, định triều nghi hộ vệ. Các tướng sĩ hàng ngày vào chầu, phải đứng xắp hàng phía trước ở hai bên đông tây ngoài cửa Đoan Môn, những ngày sóc vọng phải đến đợi ở ngoài cửa Văn Minh Sùng Vũ, sau ba hồi trống thì tiến vào Đan Trì [73b].

Năm Giáp Ngọ (Hồng Đức thứ 5 - 1474),tháng 9, sửa đắp bức tường phía tây kinh thành [5b].

Năm Ất Mùi, (Hồng Đức thứ 6 - 1475), mùa hạ tháng 5 vua thân ra ngự ở tại điện Kính Thiên ra đề văn sách hỏi về đạo vua tôi ngày xưa [6b].

Mùa thu tháng 7 nước lũ, vỡ đê sông Tô Lịch ở phường Kim Cổ [7a]

Năm Đinh Dậu (Hồng Đức thứ 8 - 1477), tháng 2, cho xây thành Đại La [10b].

Năm Mậu Tuất (Hồng Đức thứ 9 - 1478), ngày 16 tháng 12 hạ lệnh cho quân tượng tập trận ở sân điện Giảng Võ [16b]

Năm Kỉ Hợi (Hồng Đức thứ 10 (1479 ngày 20 tháng 2 vua ngự giá ra xem bắt cá ở Hồ Tây [17a].

Năm Canh Tý (Hồng Đức thứ 11 - 1480), tháng 6 ra sắc rằng các cơ quan vào chầu khi đến cửa Đoan Môn, nếu gặp ngày mưa thì tránh tạm vào hai bên hành lang phía đông và phía tây [26b].

Năm Tân Sửu (Hồng Đức thứ 12 (1481), ngày 27 tháng 4 vua ngự điện Kính Thiên, thân ra đầu bài văn sách hỏi về lí số [30a]. Tháng 10 cho đào hồ Hải Trì. Hồ này quanh co đến 100 dặm, giữa hồ có điện Thúy Ngọc, hai bên xây điện Giảng Võ để luyện binh tượng [32a].

Năm Quí Mão (Hồng Đức thứ 14 - 1483), tháng giêng cho làm điện Đại Thành, đông vu, tây vu ở văn miếu cùng điện Canh Phục, kho chứa ván in, kho chứa đồ tế lễ, đông tây đường nhà Minh Luân [34a].

Năm Giáp Thìn (Hồng Đức thứ 15 - 1484), mùa đông tháng 10, qui định việc xây dựng hành điện: Hành điện gồm 5 gian 2 chái, nhà bếp mỗi dãy 3 gian, một đài Quan canh ở giữa cao 5 thước rộng 40 thước, làm một khu đàn Tiên nông cao 7 thước, rộng 36 thước, 4 mặt đắp tướng đất, cùng là cửa ngựa vào, đều nằm trên địa phận xã Hồng Mai, huyện Thanh Đàm(9). Làm điện Đại Thành ở Văn Miếu cùng nhà đông vu tây vu, điện Canh phục, kho chứa ván in và đồ tế lễ; làm nhà Minh luân, giảng đường đông tây, nhà bia đông tây, phòng học của sinh viên ba xá, và các cửa, xung quanh xây tường bao [43b, 44a].

Năm Canh Tuất (Hồng Đức thứ 21 -1490), ngày 18 tháng 5 vua ra ngự điện Kính Thiên, truyền loa xướng danh các tiến sĩ…., treo bảng vàng ở cửa Đông Hoa…. Tháng 11 đắp rộng thêm Phụng thành dựa theo qui mô nhà Lí Trần [65a].

Năm Tân Hợi (Hồng Đức thứ 22 - 1491), mùa thu tháng 8, ngày 28, 29 mưa to suốt cả ngày lẫn đêm không ngớt, đổ cả tường điện Kính Thiên, nước ngập sâu đến 4 thước [66a]. Tháng 10, ngày 18 vua sai thợ làm đình ở ngoài cửa Đại Hưng(10)để làm nơi treo các pháp lệnh trị dân. Làm xong ban tên là Quảng Văn đình (có nghĩa là truyền bá rộng). Đình này nằm phía trong Long thành, phía trước Phụng lâu, có ngòi Ngân Câu chảy quanh hai bên tả hữu [67b].

Năm Nhâm Tý (Hồng Đức thứ 23 -1492), tháng 12 đặt kho tiền ở hồ Hải Trì, bên trong có Thượng Lâm tự [68b].

Năm Bính Thìn (Hồng Đức thứ 27 - 1496), ngày 19 tháng 3 vua thân hành khảo thi ở Đan Trì điện Kính Thiên hỏi về đạo trị nước [73a]. Ngày 26 dẫn các sĩ nhân vào điện Kim Loan vua tự xem dung mạo từng người.

Năm Đinh Tỵ (Hồng Đức thứ 28 - 1497), ngày 30 tháng giêng vua băng ở điện Bảo Quang [77a]. Ngày mùng 3 tháng 5 xây Đãi Lậu viện. Trước đây Thái Tổ làm Đãi Lậu viện ở ngoài cửa tây. Thái Tông, Nhân Tông đều nhân theo đó. Thánh Tông cho làm thêm hai dãy nhà ở ngoài cửa Đại Hưng [85a].

5. Hiến Tông Duệ Hoàng đế. Lên ngôi năm Đinh Tỵ (Hồng Đức thứ 28 - 1497), Mậu Ngọ (1498) đổi niên hiệu là Cảnh Thống thứ 1.

Năm Kỉ Mùi (Cảnh Thống thứ 2- 1499) ngày 16 tháng 7 vua thân ngự điện Kính Thiên dự lễ xướng danh, Lễ bộ đem bảng vàng treo ở cửa Đông Hoa. [12b].

Năm Tân Dậu (Cảnh Thống thứ 4 - 1501) tháng 12 phủ Phụng Thiên bị cháy. [27b].

Năm Quí Hợi (Cảnh Thống thứ 6 - 1503), mùng 10 tháng 9, cháy lớn ở chợ Đông, phố xá bị thiêu trụi [34a].

Năm Giáp Tý (Cảnh Thống thứ 7 - 1504) ngày 24 tháng 5 vua băng ở điền Đồ Trị [34b].

6. Túc Tông Khâm Hoàng đế lên ngôi năm 1504, đổi niên hiệu là Thái Trinh. Ngày 8 tháng 12 vua băng ở điện Hoàng Cực [38a].

7. Uy Mục đế sau khi Túc Tông mất, lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Đoan Khánh.

Năm Ất Sửu (Đoan Khánh 1 - 1505) ngày 27 tháng 3 rước thần chủ của mẹ là Chiêu Nhân Hoằng Ý thái hậu thờ vào cung Minh Đức nhà Thái Miếu ở Đông Kinh [40b]. Tháng 4 vua dựng điện Chân Nguyên làm Bảo Thụy Đường ở hương Phù Chẩn huyện Đông Ngàn(11)…, làm điện Quang Mỹ ở phường Lệ Viên huyện Quảng Đức(12)để thờ tiên tổ của Hoàng Thái hậu. [40a].

Năm Kỉ Tỵ (Đoan Khánh thứ 5 - 1509), tháng 2, quai chuông lớn Càn Nguyên ở điện Kính Thiên bị gãy, chuông rơi [46a].

Tháng 11, ngày mùng 8 Giản Tu công Dinh từ Tây Đô đem các dinh thủy bộ cùng tiến, vua bắt được 20 sĩ tốt đem về cửa Đông Hoa [52a]. Ngày 28 vua chạy tới phường Nhật Chiêu(13)[53a].

8. Tương Dực đế, là cháu của Thánh Tông, con thứ 2 của Kiến Vương Tân. Tháng 10 năm Đoan Khánh thứ 5 - 1509 đem quân đến Đông Kinh để giết Uy Mục đế, tự lập làm vua [1b].

Năm Canh Ngọ, Hồng Thuận thứ 2 -1510, tháng 4 ngày 25 hoạn quan Nguyễn Khắc Hài làm loạn, ép vua tới cung Trùng Hoa, lại đến các điện Vạn Thọ, Cẩn Đức, Kính Thiên … Vua sai bọn Thọ Quận công Trịnh Hựu đi đánh, đuổi đến phường Đông Hà(14) bọn phản nghịch bị giết quá nửa, số còn lại vượt sông qua Bồ Đề(15)trốn vào núi Tam Đảo [2b]. Tháng 10 làm điện Thiên Quang [6b].

Năm Quí Dậu (Hồng Thuận thứ 5-1513), ngày 28 tháng 2 vua ngự điện Quang Trị xem voi đấu nhau với hổ; sông Cơ Xá(16) có rắn hiện 20 ngày [21b]. Mùa hạ tháng 6, ngày mùng 7 nước lũ, vỡ đê phường Yên Hoa(17) thông vào Hồ Tây [22a].

Năm Giáp Tuất, (Hồng Thuận thứ 6- 1514), tháng 5 đắp thành bao sông Tô Lịch, làm điện Tường Quang. [24a].

Năm Ất Hợi (Hồng Thuận thứ 7 - 1515), tháng 2 vua thân hành đi xem tập trận ở xã Định Công(18) [BK,25a] .

9. Cung Hoàng đế: cháu bốn đời của Thánh Tông, lên ngôi năm 1522. Năm Quí Mùi Thống Nguyên 2 - 1523 ngày 29 tháng 3 vua ở hành dinh Bồ Đề [61a]…, xuống chiếu cho học trò bốn xứ Sơn Nam, Sơn Tây, Hải Dương, Kinh Bắc cùng tới bãi Xuân Đỗ huyện Gia Lâm để thi [BK,61b].

Năm Bính Tuất (Thống Nguyên thứ 5-1526), ngày 12 tháng 2 vua ngự về Tây Kinh, giao cho Đoan Lễ hầu Dương Kim Ao lưu giữ Đông Kinh [BK,65a].

Năm Định Hợi (Thống Nguyên thứ 6 - 1527), tháng 6 Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai vào Kinh, bắt vua phải nhường ngôi [BK,67b].

10. Trang Tông Dụ Hoàng đế lên ngôi tháng giêng năm Quí Ty ở Ai Lao đặt niên hiệu là Nguyên Hòa.

Năm Đinh Mùi (Nguyên Hòa thứ 15 - 1547) tháp Báo Thiên bị đổ [BK,8b]

11. Trung Tông Hoàng đế, là con trưởng của Trang Tông. Năm Kỉ Dậu (Thuận Bình thứ 1 - 1549), Mạc Phúc Nguyên bỏ chính điện ở kinh thành Thăng Long, dời ra ở ngoại thành, trong cõi rỗi loạn.

12. Anh Tông Tuấn Hoàng đế, là dòng dõi Lê Trừ (anh Lê Lợi). Năm Kỉ Mùi (Chính Trị thứ 2-1559), quân Mạc bị thua trận, Mạc Phúc Nguyên hoang mang lo sợ, bỏ kinh Thăng Long dời ra ở Cửa Nam [BK,16b].

Năm Canh Thân (Chính Trị thứ 3-1560), tháng 2, Mạc Phúc Nguyên đem quân tướng về giữ kinh thành Thăng Long [BK,18a].

13. Thế Tông Nghị Hoàng đế, con thứ 5 của Anh Tông. Năm Quí Dậu (Gia Thái 1-1573), tháng 10, Mạc Kính Điển đem Mạc Mậu Hợp trở về Thăng Long [BK,3b].

Năm Đinh Hợi (Quang Hưng thứ 10-1587), tháng giêng, họ Mạc sai sửa chữa tầng ngoài thành Thăng Long và sửa sang các đường. [BK,16b].

Năm Mậu Tý (Quang Hưng thứ 11 - 1588), tháng 2, họ Mạc cho quân dân các huyện trong bốn trấn đắp thêm ba lớp lũy ngoài thành Đại La ở Thăng Long bắt đầu từ phường Nhật Chiều(19)vượt qua Hồ Tây, qua cầu Dừa (20) đến Cầu Dền (21) suốt Thanh Trì giáp phía tây bắc sông Nhị Hà, cao hơn thành Thăng Long đến vài trượng, rộng 25 trượng, đào 3 lớp hào, đều trồng tre, dài tới mười mấy dặm để bọc lấy phía ngoài thành [BK,18b].

Năm Nhâm Thìn (Quang Hưng thứ 15 - 1592), tháng giêng, ngày mùng 5, Tiết chế Trịnh Tùng đốc quân vượt sông, tiến đến chùa Thiên Xuân(22), gần đến cầu Nhân Mục(23) Mạc Mậu Hợp sợ quá, bỏ thành Thăng Long vượt sông Nhị Hà đến bến Bồ Đề, ở tại Thổ Khối(24)để lại các đại tướng chia nhau giữ thành. Ngày mùng 6, Tiết chế Trịnh Tùng đốc quan qua sông Tô Lịch đến cầu Nhân Mục đóng quân ở núi Xạ Đôi(25)… hẹn hôm sau đánh phá thành Thăng Long [BK,27b, 28a].

Năm Quí Tỵ (Quang Hưng thứ 16 - 1593), tháng giêng, mùng 9, Tiết chế Trịnh Tùng đốc suất đại quân quan sông Nhị sang phía phía đông [BK,37b].

Năm Ất Mùi (Quang Hưng thứ 18 - 1595), ngày 23 tháng 7, đại hội các quan văn võ tuyên thệ ở bên tả cửa Nam thành Thăng Long [52a].

Năm Mậu Tuất (Quang Hưng thứ 21 - 1598), tháng 10 ngày 28 hạ lệnh thắt cổ Mạc Kính Dung ở chợ Cửa Đông [BK,68a].

Kỷ Hợi (Quang Hưng thứ 22 - 1599), tháng 4 ngày 7… một góc điện Kính Thiên bị sập. [BK,72b].

14. Kính Tông Huệ Hoàng đế, là con thứ của Thế Tông. Canh Tý (Thận Đức thứ 1 - 1600, tháng 8 bắt được mẹ của Mạc Mậu Hợp ở Trung Đô(26), thuyền ra sông Hát, tiến thẳng vào Kinh, quân mạc thua to… từ đấy thu phục đất Kinh thành. [BK,4a].

Tháng 11 (đổi niên hiệu là Hoằng Định 1), bắc cầu phao qua sông Cái(27) ở bến Ông Mạc(28). Tháng 12 giết Vạn Quận công ở Thảo Tân(29) [BK,5a]. Năm Ất Mão (Hoằng Định thứ 16- 1615) tháng 3 ngày 28 nước đầm các xã Hoằng Liệt, Thịnh Liệt (30) bỗng dưng khô cạn, sau 5 khắc lại đầy lại như cũ [BK,10b].

Bổ sung Đại Việt sử kí bản kỉ tục biên của Phạm Công Trứ: Năm Canh Tý (Thận Đức 1- 1600), ngày rằm tháng 8, chúa báo tin thắng trận cho xe rước vua về, sửa đường đê từ Chương Đức đến Mĩ Lương [BK,6b]. Tháng 10, xe vua trở về kinh sư. Vua ngự ở chính điện để nhận chầu mừng, có rồng vàng xuất hiện ở trước điện Kính Thiên, đổi niên hiệu là Hoằng Định,…, bắc cầu phao ở bến Ông Mạc(31) [BK,7a].

Năm Kỉ Mùi (Hoằng Định 20 - 1619), màu xuân tháng giêng ngày 16, kinh thành cháy to, bắt đầu từ cửa sau sang vương phủ, lan ra phố phường, đến lầu cửa Đoan Môn của triều đường và các nhà trực hai bên tả hữu [BK,21a].

15. Thần Tông Uyên Hoàng đế, là con trưởng của Kính Tông. Năm Quí Hợi (Vĩnh Tộ thứ 5- 1623), tháng 5, giếng đá ở chùa Báo Thiên bỗng dưng bị lấp hỏng [BK,20].

Năm Canh Ngọ (Đức Long thứ 2 - 1630), tháng 6, nước to đổ về, sông Nhị đầy nước, ngập vào đường phố. Cửa Nam nước chảy như thác, phố phường nhiều người bị chết đuối. Lại thêm đê điều các xã Yên Duyên, Khuyến Lương huyện Thanh Trì vị vỡ, thóc lúa hao tổn nhân dân đói kém [BK,27a,b].

Năm Tân Mùi (Đức Long 3 - 1631) tháng 4 giếng đá ở xã Hoàng Mai(32) huyện Thanh Trì kêu vang như sấm. Tháng 6, … có lửa cháy lan đến cả cửa tả của vương phủ, phố phường hai bên và các nhà Triều Nguyên, Triều Đường trong thành nội. Tháng 9, mưa to, nước sông Nhị dâng cao, điện đình trong ngoài thành đều ngập sâu đến 1 thước [BK,29b].

Bổ sung Đại Việt sử kí bản kỉ tục biên của Phạm Công Trứ: Năm Nhâm Tuất (Vĩnh Tộ thứ 4-1622) tháng 8 mưa to hoàng thành bị lở đổ hơn 30 trượng [BK,3a]. Năm Mậu Thìn (Vĩnh Tộ thứ 10 - 1628), tháng 9, sửa chùa Long Ân ở phường Quảng Bá [13a].

16. Chân Tông Thuận Hoàng đế, là con trưởng của Thuần Tông.

Năm Bính Tuất (Phúc Thái thứ 4-1646), tháng 2, kinh sư mưa đá [BK,38b].

17. Huyền Tông Mục Hoàng đế, con thứ của Thần Tông, em Chân Tông.

Năm Quí Mão (Cảnh Trị thứ 1 - 1663), tháng 9, sửa điện Chiêu Sự ở đàn Nam Giao. Trước đây đàn Nam Giao đã có điện nhưng qui mô còn nhỏ hẹp, đến đây sai làm thêm. Nhà chính điện thì cột vuông, lát nền bằng đá, trong sàn ngoài sàn đều xây đá, cột, rường, hoành, rui đều sơn son thếp vàng, qui mô chế độ mới mẻ rực rỡ [BK,4a].

Năm Giáp Thìn (Cảnh Trị thứ 2 - 1664), tháng 12, điện Nam Giao làm xong [BK,38b].

18. 19. Gia Tông Mĩ Hoàng đế: con thứ của Thần Tông, lấy niên hiệu là Đức Nguyên. Tháng 12 năm Đức Nguyên 2 thì Hoàng đệ Duy Cáp lên ngôi, lấy niên hiệu là Vĩnh Trị. Ở 2 đời vua này không thấy nhắc đến địa danh nào của Thăng Long xưa.

Một số nhận xét:

1. Ngay từ ngày đầu tiến vào Thăng Long - Đông Đô, triều đình nhà Lê do Lê Lợi đứng đầu đã được “những hào kiệt ở kinh lộ và nhân dân các phủ huyện cùng các tù trưởng ở biên trấn” chào đón nồng nhiệt. Đây là tiền đề để nhà Lê sơ “đi đến đâu là thành công đến đấy”.

2. Ngay từ những ngày đầu, kinh đô Thăng Long đã được cực kỳ coi trọng. Ngày vẻ vang nhất trong cuộc đời của Lê Lợi sau bao ngày “nếm mật nằm gai” chính là ngày người lên ngôi đã diễn ra tại kinh đô Thăng Long. Ngày 15, tháng 4 năm 1428, Lê Lợi chính thức lên ngôi ở điện Kính Thiên thành Đông Đô.

3. Nhiều công trình được xây mới, các công trình cũ hỏng, dột nát được trùng tu tôn tạo. Qua đó chúng ta biết được tên gọi, thời điểm xây dựng trùng tu và cả qui mô của các công trình đó. Như năm Thuận Thiên thứ 3 - 1430, vua đổi Đông Đô thành Đông Kinh. Ngày 22 tháng 12 năm Mậu Thân (1428) vua làm điện Vạn Thọ, lại làm Tả điện, hữu điện, điện Kính Thiên, điện Cần Chính. Tháng 8, năm Quang Thuận thứ 6 - 1465 cho dựng điện Cẩn Đức. Tháng 11, hai điện Kính Thiên và Cẩn Đức làm xong. Năm Quang Thuận thứ 8 - 1467, tháng 3, đào hồ ở đình Giảng Võ. Ngày 15 tháng 8, dựng lan can bằng đá ở điện Kính Thiên và xây điện nhỏ ở sân Giảng Võ…

 

Chú thích:

*. Cuốn sử này có 2 phần là Ngoại kỉ và Bản kỉ. Các đời Hoàng đế nhà Lê đều nằm ở phần Bản kỉ và sách cũng chia các quyển theo từng đời vua vì thế từ đây trở đi chúng tôi sẽ không ghi trích dẫn là Bản kỉ và số quyển nữa mà chỉ ghi số trang (theo bản chữ Hán). Ví dụ [Bản kỉ, q10, 19b] thì chúng tôi sẽ chỉ ghi là [19b] và sẽ được hiểu là sự kiện vừa được dẫn nằm ở phần Bản kỉ, quyển số 10, đời Lê Thái Tổ, tờ 19b.

1. Đất thuộc Gia Lâm ngày nay

2. Tức thành Thăng Long, vì Tây Đô là Thanh Hóa nên gọi Thăng Long là Đông Đô.

3. Chùa thuộc thôn Văn Giáp, huyện Thường Tín ngày nay

4. Chùa vốn có thời Lí, đến thời này mở rộng qui mô.

5. Bến Đông chỉ bến sông Hồng, nằm ở phía đông kinh thành Thăng Long.

6. Sông Đông Ngàn: sông chảy qua huyện Đông Ngàn.

7. Bến Đông (xem chú thích 5), sông Thiên Đức cũng tức là sông Đuống.

8. Sông Bình Lỗ, đoạn sông chảy qua huyện Sóc Sơn, cầu Phù Lỗ, tức cầu qua sông Cà Lồ ở xã Phù Lỗ huyện Sóc Sơn ngày nay.

9. Nay là phố Hồng Mai, phường Bạch Mai, Hai Bà Trưng. ĐVSKTT Hoàng Văn Lâu chú là xã Hoàng Mai huyện Thanh Trì, Hà Nội. Nhưng theo khảo sát thực tế của chúng tôi thì hiện vẫn còn một con mang tên là Hồng Mai nằm trên đường Bạch Mai gần đường Đại La và Trương Định.

10. Nay là khu vực Cửa Nam, Hà Nội.

11. Nay thuộc xã Phù Chẩn, tỉnh Bắc Ninh.

12. Huyện Quảng Đức sau là huyện Vĩnh Thuận, thuộc phủ Phụng Thiên, nay thuộc Hà Nội.

13. Phường Nhật Chiêu nay là phường Nhật Tân, Hà Nội.

14. Phường Đông Hà: nay là Ô Quan Chưởng, phố Hàng Chiếu, Hà Nội.

15. Bồ Bề: nay vẫn còn chùa Bồ Đề, đất thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.

16. Đoạn sông Hồng chảy qua phường Cơ Xá, phía bắc cầu Long Biên ngày nay.

17. Phường Yên Hoa: sau đổi là phường Yên Tĩnh, nay là phường Yên Phụ, Hà Nội.

18. Định Công nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội.

19. Nay là Nhật Tân, Hà Nội.

20. Cầu Dừa thuộc phường Thịnh Quang, Hà Nội.

21. Cầu Dền là ô Cầu Dền gần Bạch Mai, Hà Nội.

22. Chùa Thiên Xuân ở xã Thanh Xuân huyện Thanh Oai.

23. Cầu Nhân Mục tức Cống Mọc, phía tây Hà Nội.

24. Thổ Khối: nay thuộc xã Thổ Khối, huyện Gia Lâm.

25. Xạ Đôi: nghĩa là Gò Rắn, ở khu Giảng Võ, Hà Nội.

26. Trung Đô: cũng tức là thành Thăng Long.

27. Sông Cái: tức sông Hồng.

28. Ông Mạc: tức là Ô Đông Mác ngày nay.

29. Bến Thảo Tân: ngờ rằng là tên chữ của ga Hàng Cỏ ngày nay.

30. Nay thuộc phường Thịnh Liệt - quận Đông Đa.

31. Xem chú thích số 28.

32. Nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội./.

 

Vương Thị HườngViện Nghiên cứu Hán Nôm

 

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2011, tr.686-698, phiên bản trực tuyến ngày 05.12.2013.

Giáo sư Bửu Cầm giảng dạy ở Đại học Văn khoa Sài Gòn từ năm 1958. Đến năm 1976, trường Đại học Văn khoa Sài Gòn đổi tên thành Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ chí Minh, Giáo sư vẫn tiếp tục giảng dạy ở đây đến năm 1980, khi ông tự xin về hưu. Trước năm 1975, ngoài việc giảng dạy chuyên môn, bảo trợ nhiều tiểu luận Cao học và luận án Tiến sĩ, ông còn viết nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, văn học, mà nhất là về văn hoá, phần lớn công bố trên tạp chí Văn hoá nguyệt san, một tạp chí có uy tín lớn về học thuật bấy giờ. Tập san Sử Địa, Tập san Khảo cổ, Đồng Nai văn tập cũng là những tạp chí thường đăng tải bài viết của ông. Theo bước đầu tìm hiểu của chúng tôi, số bài ông viết và gửi đăng từ năm 1957 đến 1973, hầu hết là khảo cứu, khoảng 50 bài. Về sách, ông biên soạn hoặc tham gia biên soạn, dịch thuật, hiệu đính, khoảng 20 đầu sách, và hầu hết cũng là khảo cứu, xuất bản rải rác từ 1949 đến 1969.

Những công trình khảo cứu của GS. Bửu Cầm, dù lớn hay nhỏ, đều có phát hiện mới mẻ. Tài liệu ông sử dụng luôn có độ tin cậy cao, và thường được ông dẫn ra đầy đủ từng chi tiết một. Ông phân tích, đánh giá tài liệu, rồi cẩn thận đưa ra ý kiến nhận định cá nhân một cách thoả đáng. Chính vì vậy mà những vấn đề ông đưa ra bàn luôn có sức hấp dẫn và thuyết phục cao, tránh thiên kiến, mà cũng không bị lôi cuốn vào lập luận có sẵn nào.

GS. Bửu Cầm bắt đầu đi vào con đường nghiên cứu từ rất sớm. Quyển Tống Nho triết học khảo luận được Hội đồng Kiểm duyệt Trung Việt cấp giấy phép ngày 30-5-1951, nhưng bản thảo thì đã hoàn thành từ 1945, khi ông 25 tuổi, có lẽ là một trong những công trình đầu tay của ông. Trong lời Tựa quyển sách đề ngày 28 tháng tám năm Ất dậu (1945), nhà nghiên cứu Trần Trọng Kim có viết: “…ông BỬU CẦM đem cái học của Tống nho biên-soạn ra Quốc-âm, thật là một việc rất có lợi cho sự học của ta. Ông là người thanh-niên hiếu học, lại đang ở trong cái bầu không-khí sôi nổi về sự bài-xích cựu-học, mà ông khảng-khái, không câu-nệ mới cũ, chỉ dốc lòng tìm cái hay cái phải, làm một việc rất bổ-ích cho nền học-vấn tương-lai, thật là đáng khen, đáng mừng”[1]. Viết về một vấn đề khó, mà lại được một học giả có uy tín thuộc hàng đầu cùng lĩnh vực viết trong lời Tựa khen ngợi như thế đủ thấy giá trị học thuật của cuốn sách rất cao vậy.

GS. Bửu Cầm quan tâm nghiên cứu những vấn đề về triết học Trung Quốc, triết học Phương Tây, lịch sử và văn hoá của Việt Nam, của Trung Quốc.

Từ nhiều tháng nay, tôi có ý định viết bài để giới thiệu một số công trình nghiên cứu của GS. Bửu Cầm về lịch sử và văn hoá Việt Nam mà theo tôi là tiêu biểu. Đó là các sách: Quốc hiệu nước ta từ An Nam đến Đại Nam, Thư mục về Nguyễn Du (soạn chung với Lê Ngọc Trụ), Tìm hiểu Kinh Dịch, và một số bài viết đăng trên tạp chí. Tuy nhiên, do công việc bận rộn và thời gian quá gấp, nên tôi chỉ mạo muội giới thiệu với các đồng nghiệp và các bạn sinh viên thuộc các thế hệ học trò của GS. Bửu Cầm một quyển sách và một bài báo trong số những công trình nói trên của ông.

1. Sách QUỐC HIỆU NƯỚC TA TỪ AN NAM ĐẾN ĐẠI NAM được Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá thuộc Bộ Giáo dục ở Miền Nam xuất bản năm 1969, được liệt vào Tủ sách Sử học. Để viết sách này, tác giả đã kê cứu 83 tài liệu quan trọng, gồm sách, tạp chí, bài báo bằng tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh và 1 bài báo tiếng Việt (theo liệt kê của chúng tôi) của các học giả trong và ngoài nước. Sách gồm 144 trang khổ thường, kể cả Tựa, Mục lục, và 21 trang Sách dẫn. Chính văn chia làm 5 chương, theo trình tự xuất hiện các danh xưng Quốc hiệu nước ta trong lịch sử, như sau:

I.- An Nam và Trấn Nam (tr.9).

II.- Tĩnh Hải (tr.35).

III.- Đại Cồ Việt (tr.65).

IV.- Đại Việt và Đại Ngu (tr.97).

V.- Việt Nam và Đại Nam (tr.109).

Mở đầu lời Tựa tự đề, tác giả viết:

“Vấn đề quốc hiệu nước ta đã được nhiều người bàn tới.

Bởi vậy, đối với một vấn đề quen thuộc như thế, nếu không tìm được điều gì mới lạ thì không nên viết.

Chúng tôi soạn thiên khảo cứu này cũng chỉ nhắm mục đích kiểm điểm lại một vài niên đại và sự kiện lịch sử còn ngờ từ khi nước ta có danh xưng An Nam cho đến Quốc hiệu Đại Nam” (tr.7).

Và cuối lời Tựa nói trên, ông viết: “Chúng tôi cũng biết rằng những giả thuyết hôm nay, ngày mai sẽ bị lỗi thời. Đó là sự tiến bộ của khoa học. Mong rằng các sử gia sẽ khám phá được nhiều điều mới mẻ để giải quyết thoả đáng những nghi vấn trong Việt sử” (tr.8).

Vào chương 1 - An Nam và Trấn Nam, tác giả truy tìm nguồn gốc của danh xưng An Nam qua 16 bộ sách viết bằng chữ Hán: Khâm định Việt sử thông giám cương mục 欽定越史通鑑綱目, Cựu Đường thư 舊唐書, Tân Đường thư 新唐書, Thái Bình hoàn vũ ký 太平寰宇記, Đại Việt sử ký toàn thư 大越史記全書, Đại Việt sử ký tiền biên 大越史記前編, Hoàng Việt Giáp tý niên biểu 皇越甲子年表, Đường hội yếu 唐會要, Hoằng giản lục 弘簡錄, Thanh nhất thống chí 清一統志, Lịch triều hiến chương loại chí 歷朝憲章類志, Đại Nam nhất thống chí 大南一統志, Tam Quốc chí 三國志, Bắc thuộc thời kỳ đích Việt Nam 北屬時期的越南, An Nam chí nguyên 安南志原, An Nam chí lược 安南志略, và 1 bài báo bằng tiếng Pháp của H. Maspéro nhan đề “Le Protectorat général d’Annam sous les T’ang” (BEFEO). Theo dẫn chứng của ông từ các sách Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Thái Bình hoàn vũ ký, ta thấy nhà Đường đặt An Nam đô hộ phủ 安南都護府vào tháng 8 năm Kỷ mão (679), đời Đường Cao tông 唐高宗. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của ta cũng chép như vậy. Nhưng hai chữ An Nam theo khảo cứu của tác giả là đã có từ đời Tam Quốc, cụ thể là năm 220 (Diên Khang 延康thứ 1) Lữ Đại 呂岱giữ chức Thứ sử Giao Châu do lập nhiều công trạng nên được Tôn Quyền thiên cho chức An Nam tướng quân, năm 248 (Xích Ô 赤烏thứ 11) Lục Dận 陸胤 (còn có tên Lục Duệ 陸裔) giữ chức Giao Châu Thứ sử, An Nam Hiệu uý, do có công lớn được Ngô chúa gia cho chức An Nam tướng quân. Sử Trung Hoa Tam Quốc chí (Ngô chí), An Nam chí nguyên, An Nam chí lược, Bắc thuộc thời kỳ đích Việt Nam đều chép như thế. Nhân đó, tác giả cải chính kết luận của Nguyễn Văn Tố khi dựa vào quốc sử của ta là Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký tiền biên Đại Việt sử ký toàn thư để cho rằng hai chữ An Nam có từ năm 264. Bằng nhiều dẫn chứng phong phú từ các tài liệu, đồng thời phân tích, đánh giá tư liệu một cách thuyết phục, tác giả cho thấy nên tin theo sử Trung Hoa về các chi tiết này. Như vậy, gốc gác của danh xưng An Nam là chức quan, nghĩa của cụm từ này là “dẹp yên phía nam”, ban cho vị quan cai trị đất Giao Châu bấy giờ. Vì thế, đúng như tác giả nhận xét, “danh xưng An Nam không tốt đẹp gì đối với nước ta, vì nó đã ghi lại những sự kiện lịch sử nhục nhã trong thời dân tộc ta ở dưới ách đô hộ của Trung Quốc” (tr.18).

Tiếp đến danh xưng Trấn Nam 鎮南, bằng những cứ liệu lịch sử phong phú như trên, tác giả cho thấy danh xưng Trấn Nam có từ năm 226 (nhà Ngô, Hoàng Vũ 黃武thứ 5). Năm đó, Ngô chủ tấn phong cho Lữ Đại từ chức An Nam tướng quân thành Trấn Nam tướng quân[2].

Đến đời nhà Đường, Giao Châu đô đốc phủ được đổi thành An Nam đô hộ phủ năm 679 (như trên đã nói), rồi đổi làm Trấn Nam đô hộ phủ năm 757, rồi lại đổi Trấn Nam làm An Nam đô hộ phủ năm 768. Như vậy, An Nam và Trấn Nam vốn được dùng để phong cho các Thái thú, Thứ sử có công đánh dẹp ở Giao Châu, nhưng sau thì dùng đặt tên cho phủ đô hộ.

Ở chương 2 - Tĩnh Hải, tác giả dẫn chứng cho thấy năm 866 (Hàm Thông 咸通 thứ 7) nhà Đường đổi An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh Hải quân[3] 靜海軍 (chức quan đứng đầu là Tiết độ sứ 節度使, lần lượt có Cao Biền 高駢, Cao Tầm 高潯, Tăng Cổn 曾袞. Năm 880, quân phủ đô hộ làm loạn, thổ hào Khúc Thừa Dụ 曲承裕chiếm giữ phủ thành và cũng xưng là Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ). Từ đó, danh xưng Tĩnh Hải tiếp tục tồn tại qua thời kỳ Ngô Quyền 吳權thắng quân Nam Hán, mở kỷ nguyên độc lập cho dân tộc, chức Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ vẫn được các vua Trung Quốc dùng để phong cho những vị nguyên thủ nước ta đến năm 1010 (Thuận Thiên 順天thứ nhất đời Lý Thái tổ) mới chấm dứt.

Ở chương này, tác giả có dẫn một chi tiết rất đáng chú ý trong chính sử của ta. Vốn là nhiều sách chép nhầm tên nhân vật lịch sử Dương Diên Nghệ 楊延藝thành Dương Đình Nghệ 楊廷藝, do chữ Diên 延 và chữ Đình 廷 có tự dạng giống nhau. Bởi vậy, khi viết Dương Diên Nghệ, tác giả có chú thích bằng trích dẫn câu chép trong Khâm định Việt sử, tiền biên, quyển 5, tờ 17a như sau: “延藝愛州人安南紀要作廷藝今從綱目改= Diên Nghệ, Ái châu nhân. An Nam kỷ yếu tác Đình Nghệ. Kim tùng Cương mục cải”, nghĩa là: Diên Nghệ, người châu Ái. Sách An Nam kỷ yếu chép là Đình Nghệ. Nay theo sách Cương mục mà sửa lại (chú thích 18, tr.51).

Sang chương 3 - Đại Cồ Việt, tác giả miêu tả vắn tắt diễn tiến lịch sử nước ta và cho thấy: trong thời gian từ Ngô Quyền đến mười hai Sứ quân (939-967), nước ta vẫn chưa có quốc hiệu. Đến năm 968, Đinh Bộ Lĩnh 丁部領lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt 大瞿越. Quốc hiệu này vẫn tiếp tục giữ đến thời Lê Đại Hành 黎大行, qua hai đời vua Lý Thái tổ (1009-1028) và Lý Thái tông (1028-1054). Nhưng nhà Tống vẫn gọi nước ta là Giao Châu hoặc Tĩnh Hải.

Ở chương 4 - Đại Việt và Đại Ngu, người đọc có thể thấy nguyên lai các danh xưng này ở nước ta qua diễn tiến lịch sử bằng 3 đoạn trích sau:

- “Ngày mồng một tháng mười năm Sùng Hưng Đại Bảo 崇興大寶thứ 6 (Giáp ngọ, 1054), Lý Thái tông thăng hà. Thái tử Nhật Tôn 日尊lên ngôi, tức là Lý Thánh tông, cải nguyên là Long Thuỵ Thái Bình 龍瑞太平ngay trong năm ấy và đổi quốc hiệu là Đại Việt 大越” (tr.97).

 - “Từ năm 1054 đời Lý Thánh tông cho đến cuối đời Trần, người trong nước ta vẫn gọi tên nước là Đại Việt, nhưng các triều đại Trung Quốc (Tống, Nguyên) gọi nước ta là An Nam quốc và phong cho các vua ta làm An Nam quốc vương.

Năm 1400, cha con Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, mới đổi quốc hiệu là Đại Ngu 大虞”.

Năm 1407 người Minh bắt được cha con Hồ Quý Ly đem sang Kim Lăng, lại đổi An Nam làm Giao Chỉ và đặt tam ty.

Năm 1418, Lê Lợi 黎利khởi nghĩa, (…) năm 1427, quân Minh hoàn toàn thất bại, phải xin hoà và rút về. Năm sau (1428) Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Đông Đô, lại gọi tên nước là Đại Việt” (tr.101-105).

- “Nhà Minh đã bãi bỏ tam ty ở Giao Chỉ từ năm 1427, gọi nước ta là An Nam quốc, và phong cho nguyên thủ nước ta là An Nam quốc vương” (tr.106-107).

Ở chương 5 - Việt Nam và Đại Nam, tác giả dẫn cứ liệu từ các bộ chính sử của ta được biên soạn vào triều Nguyễn và sử nhà Thanh, cho thấy:

- Sau khi thống nhất sơn hà, lên ngôi Hoàng đế năm 1802, Gia Long đã phái 2 sứ bộ sang tận kinh đô nhà Thanh xin đổi tên nước. Quốc thư của Gia Long đại lược viết: “Đời trước chúng tôi mở cõi đất ở Viêm giao, mỗi ngày mỗi rộng, gồm cả các nước Việt Thường và Chân Lạp, đặt tên là Nam Việt, truyền nối đã hơn 200 năm, nay vừa quét sạch cõi Nam, lại có cả toàn Việt, nên dùng lại quốc hiệu cũ, để tên tốt được chính đáng…” (tr.110). Lúc đầu, vua nhà Thanh không chấp nhận, vì cho rằng tên “Việt” trong danh xưng Nam Việt cùng với Đông Việt và Tây Việt (tức Quảng Đông, Quảng Tây) trùng nhau. Vua Gia Long hai ba lần gửi thư, biện bạch khúc chiết, và nói thêm rằng: “Nếu không cho đổi tên nước thì không thụ phong”. Vua nhà Thanh sợ mất lòng vua ta, mới lấy hai chữ Việt Nam đặt tên nước, rồi sai Tề Bố Sâm 齊布森mang cáo sắc quốc ấn sang phong cho vua Gia Long.

- Theo đoạn trích quốc thư của vua Gia Long nói trên, và nội dung tờ dụ (bản dịch) của vua nhà Thanh sắc phong cho Gia Long làm Việt Nam Quốc vương, ta thấy vua Gia Long xin công nhận quốc hiệu mới nước ta là Nam Việt, nhưng vua nhà Thanh lại thuận cho dùng hai chữ Việt Nam. Lý do có ghi rõ trong tờ dụ, rằng “danh hiệu Nam Việt trùng với tên đất ngoài biên, như vậy chưa được thoả hiệp. Nhưng trẫm nghĩ rằng đã tới cửa dãi tấm lòng thành, nên mới cho dùng hai chữ Việt Nam. Đặt chữ Việt lên trên, tỏ ý vẫn theo cương thổ đời trước; đặt chữ Nam ở dưới, để biểu dương phiên quốc mới được sắc phong” (tr.111).

- Năm 1838, vua Minh Mệnh ban chiếu đổi tên nước là Đại Nam, nhưng đến năm sau (1839) tên nước Đại Nam mới chính thức dùng trong các công văn. Chi tiết này được ghi trong sách Đỉnh tập quốc sử di biên 鼎輯國史遺編của Tiến sĩ Phan Thúc Trực 潘叔直, một quan chức dưới triều Tự Đức, từng giữ chức Thị giảng ở Viện Tập hiền[4]. Đây là phát hiện mới mẻ của tác giả đến thời điểm này, bổ khuyết điều mơ hồ, chung chung rằng quốc hiệu Đại Nam bắt đầu có từ triều Minh Mệnh, như các sử gia Nguyễn Văn Tố[5], M. Durand[6] đã từng nói đến.

Trên đây những gì tâm đắc nhất mà tôi ghi nhận được khi đọc tập sách Quốc hiệu nước ta từ An Nam đến Đại Nam của GS. Bửu Cầm. Đây là tập chuyên khảo, dung lượng của chính văn chỉ chiếm ¼ số trang viết, còn lại là chú thích, chủ yếu là trích dẫn chữ Hán kèm theo phiên âm, dịch nghĩa từ các tài liệu kê cứu. Tập sách đã được xuất bản 40 năm qua, nhưng nay là lần đầu tiên tôi đọc đến, đọc từ đầu đến hết, kể cả toàn bộ chú thích. Tôi cảm thấy bị hấp dẫn bởi thông tin tư liệu, văn phong và tác phong khảo cứu khoa học của tác giả, tiếp thụ nhiều điều bổ ích từ đó.

2. Bài viết “Học chế ở Việt Nam qua các triều đại” đăng trên tạp chí Văn hoá nguyệt san năm 1958, liên tiếp trên ba số 33, 34, 35, nhằm giới thiệu những nét cơ bản về học chế ở nước ta từ triều nhà Lý đến nay (tức thời điểm 1958), với tổng số trang viết là 16 trang. Bài viết không ghi chương mục, gồm các phần với các tiểu đề mục tuần tự như sau: Phát đoan, Đời Lý, Đời Trần, Đời Lê, Đời Nguyễn, Từ 1945 đến nay. Tác giả lần lượt giới thiệu những nét chính về việc học hành thi cử ở nước ta qua các triều đại, cho thấy học chế ở nước ta không ngừng được cải tiến.

Ở phần Kết luận, tác giả viết: “Chế độ khoa cử ở nước ta phôi thai từ đời Lý, qua đời Trần, đến đời Lê và Nguyễn là là thời kỳ toàn thịnh. Việc học hành trong dân chúng hoàn toàn tự do, đạo thầy trò hết sức thân mật. Theo trạng huống ấy, đáng lẽ kết quả giáo dục phải tốt đẹp lắm, nhưng cớ sao số người biết chữ thì nhiều mà trình độ học vấn lại thấp kém?”. Tác giả nêu các nguyên nhân sau:

Một là, “Phương pháp giáo dục rất cẩu thả và thô sơ. - Khi mới vỡ lòng, trẻ con chỉ được lặp đi lặp lại như vẹt những câu sáo trong mấy quyển Tam tự kinh, Sơ học vấn tân, Ấu học ngũ ngôn thi, Minh tâm bảo giám. Người ta không cần chúng hiểu nghĩa lý sâu xa của những sách ấy, mà chỉ cần nhớ thuộc lòng một số câu; cái học ấy sau chỉ còn lại trong tiềm thức chứ không đi sâu vào ý thức. Xong mấy quyển sách sơ học đó, thầy đem ngay Bắc sử và Ngũ kinh Tứ thư đại toàn, do Trình Chu chú giải, ra dạy. Thầy nhắm mắt nhai lại những cặn bã của Trình Chu, trò cũng cắm đầu cắm cổ học cho thuộc lòng để đến khi hành văn nhớ lại mà chắp vá” (tr.1105).

Hai là, “Giai cấp thống trị dùng chế độ khoa cử để lung lạc sĩ phu. - Bắt chước chế độ của nhà Minh và nhà Thanh ở Trung Hoa, cốt xô đẩy sĩ tử vào đường cử nghiệp hư văn để lợi cho chính trị, nhà Lê trở về sau định khoa cử là con đường xuất thân duy nhất. Chỉ có sách Chu Trình thể chú là khoá bản chính thức, sĩ tử không được lập luận trái với hai vị Tống nho ấy, nếu trong khoa trường có ai bàn khác đi thì gán cho cái tiếng bá đạo tà thuyết mà đánh hỏng ngay. Thể lệ khoa cử lại còn có những quy luật rất khắt khe, sĩ tử chỉ vì vô ý một chút cũng có thể bị đánh hỏng hoặc mang tội” (tr.1105-1106).

Vẫn trong nhận xét của tác giả, chế độ giáo dục thời phong kiến đẻ ra một hạng người chuộng từ chương, ưa hư văn, “nô lệ tư tưởng cổ nhân, xem nhẹ nội dung mà thiên trọng hình thức”. Đó là một “lối học chỉ có phỏng hiệu chứ không có sáng kiến”. Nhận xét về nền giáo dục Pháp-Việt, theo ông, “Chế độ giáo dục của thực dân, trước hết, nhắm mục đích đào tạo một hạng người làm tay sai đắc lực của họ. (…) Chương trình Tiểu học và Trung học của thực dân áp dụng ở Việt Nam rất là phiền phức, đã hạn chế sức tiến triển mạnh mẽ của một dân tộc hiếu học và thông minh. Từ lớp Năm[7] bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp bậc Trung học, học sinh phải vượt qua không biết bao nhiêu đợt thi cử. Sự hiểu biết có bề rộng chứ không có bề sâu. Phương pháp giáo dục chuộng lý thuyết hơn thực hành” (tr.1106).

Cuối cùng, tác giả viết:

“Tóm lại, chế độ giáo dục của phong kiến cốt đào tạo những con vẹt, chỉ biết bắt chước - bắt chước cổ nhân, bắt chước thượng cấp - chứ không dám sáng kiến; chế độ giáo dục của thực dân cốt đào tạo những người “trí thức nô lệ” học để hợp tác với các quan thầy ngoại quốc trong công cuộc thống trị đồng bào. Hai thứ giáo dục nhồi sọ ấy đã hạ thấp phẩm cách con người và ảnh hưởng của nó còn di hại đến ngày nay.

Từ năm 1945, nền giáo dục nước ta tuy có sửa đổi, nhưng đó chẳng qua là một sự tiến bộ về hình thức chứ chưa phải là một cuộc cách mệnh về nội dung” (tr.1106).

Tác giả cho hay, theo một nhà nghiên cứu Trung Quốc là Khâu Xuân, trong quyển Học chế (Thương Vụ ấn thư quán, Thượng Hải, 1934, tr.68-80), một nền giáo dục chân chính phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau: 1) Phải thích ứng với nhu yếu đặc thù của một xã hội, 2) Phải chú trọng cá tính cùng dạng thức sinh hoạt của những người thụ giáo, 3) Phải điều hoà biến dị tính và thống nhất tính, 4) Phải bình đẳng, 5) Phải căn cứ trên nguyên tắc khoa học, 6) Phải hợp với dân tộc tính. Nguyên tắc cuối cùng[8] là cần dung hoà văn hoá và thực dụng. Nên lấy cấp Trung học làm trọng yếu, vì đại đa số dân chúng có thể học đến cấp này, và nên áp dụng một nền học chế nhắm mục đích làm cho học sinh tốt nghiệp Trung học vừa có cái vốn văn hoá vừa có một nghề thực dụng trong tay.

Bài viết đã được viết đăng cách đây trên 50 năm, nhưng những nhận xét, kết kuận của tác giả về các nền giáo dục đã được áp dụng ở nước ta trong lịch sử cho thấy tác giả có cái nhìn rất sắc bén, xác đáng của một nhà giáo dục có tâm huyết, đáng để cho chúng ta tiếp tục suy ngẫm về một nền giáo dục hiện đại. Tính thời sự của bài viết do đó vẫn còn nóng bỏng, chưa hề lỗi thời vậy.

*

*      *

Mảng bài viết của GS. Bửu Cầm nhằm cung cấp tư liệu về tác giả, tác phẩm Hán Nôm có số lượng lớn, theo tôi là có nhiều đóng góp quý báu. Nhân đây chúng tôi xin giới thiệu tên các bài chúng tôi sưu tầm được thuộc mảng bài viết này:

1/“Nam cầm khúc, một áng văn chương miền Trung”, Văn hoá nguyệt san, 1957, số 20, tr.20-30.

(Giới thiệu bài thơ trường thiên Nam cầm khúc viết bằng chữ Hán trong bộ Vĩ Dạ hợp tập của Tuy Lý Vương, được con trai của Tuy Lý Vương là Di Hiên Hồng Sâm diễn nôm thành Nam cầm khúc phiên dịch quốc âm ca).

2/ “Bài Kê minh thập sách của bà Nguyễn Thị Bích Châu dâng cho chồng là Trần Duệ Tông (1373- 1376)”, Văn hoá nguyệt san, 1958, số 32, tr.659- 662.

(Giới thiệu bài Kê minh thập sách, gồm chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa).

3/ “Một vị thiền sư đã dung hoà được Nghệ thuật và Đạo lý: Thích Viên Thành”, Văn hoá nguyệt san, 1959, số 38, tr.57- 60.

(Giới thiệu cảnh đẹp chùa Mật Sơn, tiểu truyện về nhà sư Viên Thành, một bài thơ chữ Hán và hai bài thơ chữ Nôm của sư Viên Thành).

4/ “Bài Phóng cuồng ca của Trần Quốc Tảng”, Văn hoá nguyệt san, 1959, số 39, tr.208-213.

(Nguyên văn chữ Hán, phiên âm, chú thích, kèm bản dịch nghĩa của N.Đ.C).

5/ “Bài hát Yêu ngủ (Ái miên ca) của Na sơn ẩn sĩ”, Văn hoá nguyệt san, 1959, số 40, tr.422- 426.

(Nguyên văn chữ Hán, phiên âm, chú thích, kèm bản dịch của Trúc Khê).

6/ “Một tài liệu văn học quý giá, sách Tự học giải nghĩa ca của vua Tự Đức”, Văn hoá nguyệt san, 1959, số 43, tr.920- 926.

7/ “Khương Công Phụ”, Văn hoá nguyệt san, 1960, số 54, tr.1117- 1123.

(Tiểu sử của Khương Công Phụ, bài phú Bạch vân chiếu xuân hải (Mây trắng rọi bể xuân) gồm nguyên văn chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa).

8/ “Một bức thư chữ Nôm của Trịnh Cương gửi Nguyễn Quán Nho (Thế kỷ XVII)”, Văn hoá nguyệt san, 1961, số 59,  tr.175-178.

(Thân thế Nguyễn Quán Nho, nguyên văn và phiên âm bức thư chữ Nôm của Trịnh Cương gửi Nguyễn Quán Nho).

9/ “Một truyện ngắn viết bằng chữ Nôm dưới thời Tự Đức”, Văn hoá nguyệt san, 1961, số 61, tr.527- 531.

(Phiên đúng nguyên văn một đoản thiên tiểu thuyết viết bằng chữ Nôm trích trong Thanh Hoá quan phong của Vương Duy Trinh, tả cuộc chiến tranh giữa quân Thục Hán và quân Mạnh Hoạch, viết năm 1863).

10/ “Nữ phạm diễn nghĩa từ, một tác phẩm có giá trị bằng chữ Nôm chưa xuất bản của Tuy Lý Vương”, Văn hoá nguyệt san, 1961, số 63, tr.859/1- 866/8.

(Giới thiệu về tác phẩm Nữ phạm diễn nghĩa từ của Tuy Lý Vương, kèm theo phiên âm hai bài thơ Nôm của Tùng Thiện Vương và Tương An Quận Vương phê bình về sách ấy, theo lệnh vua Tự Đức)

11/ “Thanh Hoá quan phong, một quyển kinh Thi Việt Nam”, Văn hoá nguyệt san, 1962, số 68, tr.1- 8.

          (Giới thiệu sách Thanh Hoá quan phong, là tuyển tập những câu ca dao ở tỉnh Thanh Hoá của Vương Duy Trinh).

12/ “Nam ông mộng lục, một tác phẩm của Hồ Nguyên Trừng, con Hồ Quý Ly”, Văn hoá nguyệt san, 1962, số 70, tr.409- 419.

(Tiểu truyện Hồ Nguyên Trừng, giới thiệu tác phẩm Nam ông mộng lục viết bằng chữ Hán gồm 31 truyện, tóm tắt nội dung 31 truyện ấy).

13/ “Hai bức thư chữ Nôm mở màn cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn”, Văn hoá nguyệt san, 1963, số 85,  tập XII, quyển 9, tr.1387- 1393.

(Giới thiệu hoàn cảnh ra đời, phiên âm, chú giải 2 bức thư chữ Nôm: một của Trịnh Tráng gửi cho Nguyễn Phúc Nguyên, và một của Nguyễn Phúc Nguyên gửi cho Trịnh Tráng).

14/ “Hải môn ca”, Văn hoá nguyệt san, 1964, số 96, tập XIII- quyển 9, tr.1149- 1155.

(Giới thiệu bài thơ Nôm Hải môn ca, phiên âm, chú giải).

15/ “Tác giả bài thơ Bán than không phải là Trần Khánh Dư”, Văn hoá nguyệt san, 1968, số 1, tập XVII- số 1, tr.102- 106.

Toàn bộ chú thích trong các bài viết này đều rất công phu, cẩn thận mà chính xác; các đơn vị trích dẫn luôn có chữ Hán kèm theo phiên âm, dịch nghĩa. Chẳng hạn, đơn cử trường hợp cùng viết về Khương Công Phụ sau đây cho thấy tính chính xác về thông tin tư liệu trong bài viết của ông hơn hẳn so với một số công trình có uy tín hiện nay. Xin so sánh:

GS. Bửu Cầm, trong bài “Khương Công Phụ”[9], viết: “[…] Biết Chu Thử (chúng tôi nhấn mạnh từ ngữ cần đối chiếu-NNQ) 朱泚[10] rắp tâm làm phản, Công Phụ tâu xin trị tội Thử, nhưng Đức tông không nghe theo. […] Nhưng sau cũng vì lời trực gián mà Công Phụ bị giáng chức Tả thứ tử 左庶子rồi bị biếm ra làm chức Biệt giá 別駕ở Tuyền Châu 泉州” (tr.1118-1119)[11]. Nguyễn Q. Thắng, trong Từ điển tác gia Việt Nam, viết: “[…] Ông thường khuyên Đức tông nên giết viên Tiết độ sứ Châu Tỉ để trừ hậu loạn. Đức tông không nghe. Kịp khi Châu Tỉ dấy binh đánh phá. […] Ông bị giáng làm Tả thứ sử, rồi lại đổi ra làm Việt giá ở Truyền Châu (phụ tá Thứ sử ở Truyền Châu)”[12].

Nguyễn Kim Hưng, trong Từ điển Văn học, bộ mới, viết: “[…] Theo truyền thuyết, ông từng khuyên Đường Đức Tông giết viên Tiết độ sứ ở Tỷ Châu để trừ hậu hoạn nhưng không được nghe lời”[13].

Trước hết, trong bài viết của mình, GS. Bửu Cầm trực chú chữ Hán bên cạnh các danh từ riêng Chu Thử (tên người), Tuyền Châu (tên đất), tên chức quan Tả thứ tử, Biệt giá; ông còn chú thích đầy đủ về nhân vật Chu Thử và cho biết nguồn tài liệu này là Từ hảiTừ nguyên, tiểu sử Khương Công Phụ là dựa vào An Nam chí nguyên, Trung Quốc danh nhân đại từ điển. Chúng tôi xem lại trong Từ hải thì thấy có chức quan Biệt giá (Từ hải, Tý tập, ngũ hoạch, 別駕), nguyên chú số 10 là dịch đúng nguyên văn (Từ hải, Thìn tập, nhị hoạch, 朱泚), và trong Trung Quốc danh nhân đại từ điển, mục nói về Khương Công Phụ có nội dung thống nhất những điều đã ghi trên, nhưng không thấy nói chức Tả thứ tử. Do chúng tôi không có sách An Nam chí nguyên nên chưa kiểm chứng được chức quan Tả thứ tử[14], tuy nhiên trong Từ điển chức quan Việt Nam của Đỗ Văn Ninh (Nxb. Thanh niên, in lần II có bổ sung sửa chữa, Hà Nội, 2006, tr.681) có ghi chức quan này mà không có chức Tả thứ sử. Đáng lưu ý là tên người Chu Thử nói trên bị Từ điển Văn học (Sđd) xem là địa danh Tỷ Châu! (viên Tiết độ sứ ở Tỷ Châu). Những thông tin về tên người, tên đất, tên chức quan chúng tôi đánh dấu ở trên rõ ràng là được chú (hoặc trực chú chữ Hán) cẩn thận và đáng tin cậy trong bài viết của GS. Bửu Cầm.

Hầu hết những gì GS. Bửu Cầm viết và công bố đều cách nay đã khá lâu, khoảng 40, 50 năm trước. Nay có dịp đọc lại tôi vẫn học tập rất nhiều điều bổ ích ở đó. Với tư cách là một sinh viên từng được thụ giáo ít nhiều ở Giáo sư về chữ Nôm, xin góp đôi lời thô thiển nhân kỷ niệm Giáo sư tròn 90 tuổi. Nếu có gì không được thoả đáng, kính mong Giáo sư và bạn đọc vui lòng bỏ qua.

Tháng 5/2009

      NNQ

 


[1] Trần Trọng Kim, lời Tựa, trong Bửu Cầm (1954), Tống Nho triết học khảo luận, Nhân Văn thư xã xuất bản, Huế, tr.9-10. Lời trích ở đây chúng tôi giữ nguyên lối chính tả trong ấn loát thời bấy giờ. Tuy nhiên, toàn bộ những trích dẫn còn lại trong bài viết này chúng tôi đều điều chỉnh lại cho phù hợp với lối chính tả phổ biến hiện nay, chủ yếu là chữ viết hoa tên riêng và dấu gạch nối của từ đa âm (NNQ).

[2] Trấn Nam có nghĩa là “trấn giữ phía nam”.

[3] Quân: khu hoạch hành chính, cũng như châu, quận (Xem chữ 軍 trong Từ nguyênTừ hải, tập dậu, bộ xa 車, 2 nét) (nguyên chú của Bửu Cầm, tr.36).

[4] Theo trích dẫn của GS. Bửu Cầm, sách Đỉnh tập quốc sử di biên của Phan Thúc Trực có đoạn chép: “Năm Mậu tuất [Minh Mệnh] thứ 19 (1838), tháng 3, ngày mồng 2, đổi tên nước là Đại Nam. Lời chiếu đại lược nói rằng: Đức Triệu tổ dựng nên cơ nghiệp ở cõi Nam, đức Thế tổ lấy được cả đất Việt Thường, nhân dân thêm đông, lãnh thổ thêm rộng; nay đổi tên nước là Đại Nam, kể từ năm [Minh Mệnh] thứ 20, hoặc gọi là nước Đại Việt Nam cũng được” (tr.119), và kèm theo nguyên văn ở chú thích 27, tr.120, như sau: 戊戌十九年[…]三月二日初改國號大南詔略曰肇祖肇基南服暨世祖奄有越裳戴髮含齒共入版圖海澨山陬皆歸率土其改國號曰大南以二十年為始或稱大越南國亦宜 (Đỉnh tập quốc sử di biên, bản vi ảnh của PQVĐHV,số A.1045, tập trung, tờ 166-167).

[5] Xem Nguyễn Văn Tố, “Sử ta so với sử Tàu” trong tuần báo Thanh nghị, năm thứ 4, số 79, ngày 19-8-1944, tr.20 (lược chú của tác giả, tr.118).

[6] Pierre Huard et Maurice Durand, Connaissance du Việt-nam, Paris, Imprimerie national, 1954, p.37: “Le royaume s’appelle Việt-nam de 1802 à 1820, Đại Nam à patir de 1820.” (nguyên chú của tác giả, tr.119).

[7] Lớp Năm: tương đương lớp Một hiện nay.

[8] Nguyên tắc cuối cùng: không rõ là theo tác giả hay vẫn theo Khâu Xuân, vì không đánh số.

[9] Xin xem Bửu Cầm, “Khương Công Phụ”, Văn hoá nguyệt san, 1960, số 54, tr.1117-1123.

[10] Nguyên chú của GS. Bửu Cầm: “Chu Thử nguyên là Bộ tướng của Bô Long Tiết độ sứ Chu Hy Thái 盧龍節度使朱希彩. Sau khi Hy Thái bị bộ hạ giết, Thử liền thay thế chủ tướng mà nắm giữ binh quyền. Dưới triều Đức tông, Chu Thử vào chầu, được ban chức Thái uý. Kinh Nguyên Tiết độ sứ Diêu Lệnh Ngôn 涇原節度使姚令言dấy loạn tại kinh sư, Đức tông chạy đến Phụng Thiên; Lệnh Ngôn ủng hộ Chu Thử xưng đế, đặt quốc hiệu là Đại Tần 大秦, rồi đổi là Hán 漢. Chu Thử đem quân đến vây Đức tông tại Phụng Thiên. Sau đó, Lý Thạnh 李晟thu phục kinh sư và giải vây cho Phụng Thiên; Chu Thử chạy đến Bành Nguyên 彭原 (ở phía tây nam huyện Khánh Dương 慶陽tỉnh Cam Túc 甘肅ngày nay) thì bị bộ hạ giết (Xem Từ hải 辭海và Từ nguyên 辭源)” (tr.1118).

[11] Nguyên chú của GS. Bửu Cầm: “Tiểu sử Khương Công Phụ viết theo các sách: An Nam chí nguyên 安南志原, bản đính san của PQVĐHV, Hà Nội, Imp. D’Extrême-Orient, 1932, quyển II, tr.137-138; Trung Quốc danh nhân đại từ điển 中國名人大辭典, Thượng Hải, Thương Vụ ấn thư quán, 1921, tr.644 (tr.1119).

[12] Xin xem Nguyễn Q. Thắng, Từ điển tác gia Việt Nam, Nxb. Văn hoá - TT, Hà Nội, 1999, tr.421.

[13] Xin xem Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên, Từ điển Văn học, bộ mới,  Nxb. Thế giới, 2004, tr.738.

[14] Chức quan Tả thứ tử: Nay (2018) chúng tôi có dịp đối chiếu nguyên bản chữ Hán của An Nam chí nguyên, thấy có nói vua Đường giáng Phụ làm chức Thái tử Tả thứ tử 太子左庶子.

20180813 Calcutta Mid 19th

Calcutta giữa thế kỷ XIX - Ảnh: Francis Frith - nguồn Old Indian Photos https://www.oldindianphotos.in

 

Do tình hình quốc tế và trong nước thay đổi, từ thế kỷ XIX, nhà Nguyễn mở rộng quan hệ thông thương và có chính sách ngoại giao với các nước trong khu vực, do đó các phái đoàn Việt Nam cũng thường xuyên đến các quốc gia Đông Nam Á. Một con số thống kê về những chuyến đi của quan chức triều Nguyễn tới khu vực Đông Nam Á những năm từ 1778 đến 1847 là: 11 chuyến đi Batavia, 2 chuyến đi Semarang, 6 chuyến đi Singapore, 2 chuyến đi Penang, 1 chuyến đi Malacca, 1 chuyến đi Johore, 2 chuyến đi Luzon và 2 chuyến đi Tiểu Tây Dương(1). Các địa danh như Tân Gia Ba (Singapore), Ma Lạp Giáp (Malacca), Tân Lang (Penang), Giang Lưu Ba (Batavia / Jakarta), Tam Ba Lăng (Semarang), Lã Tống (Luzon)... là những địa danh Đông Nam Á khá quen thuộc với chúng ta ngày nay. Nhưng Tiểu Tây Dương là đâu? Bài viết này nhằm hai mục tiêu chủ yếu: Một là xác định cụ thể về điểm đến các chuyến đi Tiểu Tây Dương của quan chức triều Nguyễn và hai là, giới thiệu về phong tục tập quán của người dân bản địa qua một số tư liệu Hán Nôm hiện còn như《西行見聞紀略》Tây hành kiến văn kỷ lược (THKVKL),《西行詩紀》Tây hành thi kỷ (THTK), 《西行詩略》Tây hành thi lược (THTL), Đông hành thi thuyết《東行詩說》(ĐHTT), Tây Dương chí lược (TDCL)(2)...

1. Tiểu Tây Dương là đâu ?

Tiểu Tây Dương tức là Ấn Độ Dương, như chú thích về các đảo ở Nam Dương trong sách 《瀛環志略》(Doanh hoàn chí lược) rằng 「印度海中國謂之小西洋」 “Ấn Độ hải, Trung Quốc vị chi Tiểu Tây Dương”(3) (Biển Ấn Độ, Trung Quốc gọi là Tiểu Tây Dương). Nhưng cụ thể Tiểu Tây Dương là địa danh nào? Nguyên chú bài thơ Tàn lạp văn ân mệnh hỷ tác 殘腊聞恩命喜作 trong tập THTLLý Văn Phức viết rằng「小西洋即紅毛國之明歌鎮地方」(4) “Tiểu Tây Dương tức Hồng Mao quốc chi Minh Ca trấn địa phương” (Tiểu Tây Dương tức là trấn Minh Ca của nước Hồng Mao). Trong mục Danh hiệu 名號 sách THKVKL, Lý Văn Phức giới thiệu về tên gọi trấn Minh Ca cũng là Mạnh Nha Lạp hay Vọng Cát Hà như sau: “Minh Ca là tên trấn (tiếng Phiên gọi là Mang Ca La, âm Đường gọi là Mạnh Nha Lạp, cũng gọi là Vọng Cát Hà)”. Lại như tác giả viết về quá trình trấn Minh Ca trở thành thuộc địa của nước Anh Cát Lợi: “Minh Ca là tên trấn. Đất này bằng phẳng rộng rãi, bốn phía xung quanh không có núi. Xưa vốn là đất cũ của nước Mạnh Nha Lý nhưng bị nước Mẫu Lỗ (tục gọi là Mô Đồ) chiếm cứ, sau người Hồng Mao dùng mưu chiếm lấy, trải đến nay đã 84 năm. Xứ này cửa hàng cửa hiệu mọc lên như rừng, tàu thuyền tụ hội đông như kiến... Xứng đáng là nơi đô hội lớn”.

Trong phần phụ lục sách THKVKL, tác giả giải thích rõ hơn về tên địa danh Mạnh Nha Lạp: “Mạnh Nha Lạp xưa là đất của nước Mạnh Nha Lý, nước ấy ở cạnh địa giới của nước Hồng Mao, cách đây 3 tháng đường đi. Đất này là một trấn cũ của nước ấy, từ khi bị nước Mô Đồ chiếm cứ đến nay đã hơn 400 năm, sau lại bị Hồng Mao chiếm nhưng vẫn còn lại cái tên Mạnh Nha Lạp và những phong tục của họ đến nay còn để lại”.

Tác giả sách TDCL cũng giải thích tương tự về quá trình trấn Minh Ca trở thành thuộc địa của nước Hồng Mao, nhưng có phân biệt giữa người Mô Đồ trắng với Mô Đồ đen rằng: “Trấn Minh Ca... xưa vốn là đất của người Mạnh Nha Lý và Mô Đồ đen nhưng bị người Mô Đồ trắng chiếm. Sau người Hồng Mao đến buôn bán thấy đất ấy rộng rãi bèn dùng mưu chiếm lấy, đến nay đã hơn 80 năm”(5). Lại như lời dẫn bài thơ Thực nhân quốc 食人國 trong tập THTK của Lý Văn Phức nói đến một đảo quốc trên đường thuyền đi đến bến Minh Ca: “đi khỏi Tân Lang hơn 10 ngày, phía bên phải đường thuyền có một nước tên là A Lê Mân ở trong hải đảo, không thuộc quản hạt của nước Hồng Mao”(6). Như vậy có thể xác định rằng, địa danh Tiểu Tây Dương hay trấn Minh Ca chính là thành phố Calcutta là thủ phủ bang Tây Bengal(7) của Ấn Độ ngày nay.

2. Người Mạnh Nha Lạp ở trấn Minh Ca

Những di phong chính hóa của người Mạnh Nha Lạp còn được lưu lại khá rõ nét qua những ghi chép của Lý Văn Phức. Như tác giả miêu tả về hình dáng con người: “Người nước ấy thân thể đen đúa, cắt tóc và không để râu, có người vẽ mặt, lại có người săm mình. Phụ nữ đều búi tóc giống như người Hoa vậy”(8). Hoặc như tác giả quan sát cảnh tượng người dân bản địa dốc lòng mộ đạo: “Hàng ngày khi chiều tà, họ cùng nhau ngồi hướng về phía mặt trời lặn mà vái lạy, miệng lầm rầm tụng niệm, dù là lúc đang đi thuyền hay đi trên đường cũng không quên buổi nào” “Khi tắm (ở dưới sông) thì nhất thiết phải uống nước ở nơi ấy, mỗi khi uống thì hơi cúi đầu vái lạy, miệng niệm lên một tiếng, cứ thế 3 lần”. Hoặc như tác giả tìm hiểu về tục lệ ăn kiêng của những tín đồ mộ đạo ấy: “Đồ ăn của họ tối kỵ thịt bò, thịt lợn. Trên đường ngộ nhỡ có người mang xách các loại thịt ấy thì tránh xa như gặp kẻ thù. Ngay trong bếp nhà mình mà có người ăn thịt trâu thịt bò vào nhà, thì dù là cơm canh, thức ăn, thức uống cùng nồi niêu bát đĩa đang nấu nướng dở cũng ném vất đi hết không chút thương tiếc, thậm chí đến bát đĩa gia dụng hàng ngày cũng không cho người khác động môi vào, đại để là sợ cái mùi thịt trâu thịt lợn nhiễm vào. Còn như các loại thịt dê, thịt vịt hay cá thì cũng phải tự tay mình nấu nướng mới dám ăn, nếu thức ăn được chế biến bởi tay người khác thì dù một mẩu nhỏ cũng không cho vào miệng”.(9)

Những tập tục của người Mạnh Nha Lạp như cách ăn uống không dùng đũa, cũng không dùng thìa, mà lại “ăn uống thì dùng tay để bốc”; hay tục nam nữ cùng tắm dưới sông của cư dân xứ nóng “hàng ngày lúc sáng sớm xuống sông tắm thành từng đám, cũng thường có phụ nữ tắm chung ở đó nhưng ai cũng có váy để che đậy mà không lõa lồ”; hay kiểu cách trang phục “quần áo chỉ quấn quanh người chứ không may, đầu thường đội khăn vải trắng mà không dùng mũ nón”... đều rất khác lạ. Nhưng tục lệ ăn trầu, lễ cưới xin, lễ tang ma, hay nghi lễ tiếp đón tân khách của họ có gì đó giống với người Việt ta. Như ghi chép của Lý Văn Phức về cách ăn trầu của người Mạnh Nha Lạp: “ăn trầu thì dùng hạt cau khô, quyệt vôi hòa vào, bên ngoài dùng 2, 3 lá trầu bọc lại(10). Giống như ghi chép của một người Anh về tục ăn trầu của người Việt xưa: “họ bổ cau thành những miếng nhỏ sau khi đã gọt lớp vỏ xanh và cứng bao quanh nó... Sau đó họ quyệt ‘chi nam’ (vôi) đựng trong một cái hộp lên lá trầu (...). Họ cuộn rất gọn gàng vào trong lá trầu đã quyệt sẵn chi nam một miếng cau rồi vê lại...”(11). Lễ cưới của người Mạnh Nha Lạp được Lý Văn Phức cảm nhận như những âm hưởng của niềm vui hạnh phúc ngập tràn: “tuy không được đầy đủ lắm nhưng vào ngày đón dâu thì trống nhạc vang vang tạo nên không khí trang nghiêm long trọng. Người đón rước thường vẫy cành hoa để tỏ sự chúc mừng vui vẻ, trông rất đẹp mắt”. Hoặc như tác giả quan sát cách biểu lộ tình cảm trong giao tiếp của người Mạnh Nha Lạp thể hiện sự lễ độ, chân tình: “mỗi khi gặp khách khứa hay trên đường gặp người quý trọng đều để tay ngang trán mà vái chào, rất là cung kính”. Lễ tang ma của người Mạnh Nha Lạp còn đậm tính bản địa Đông Nam Á “có người hỏa táng, có người thổ táng. Sau khi chôn cất thì hàng năm một lần đến mộ thăm viếng, không hề sơ khoáng trống trải”(12). Lý Văn Phức dường như tận mắt chứng kiến tục lệ hỏa táng của người dân bản địa, ông ghi lại bằng câu thơ buồn của kiếp nhân sinh

煙霧迷茫火骨城Yên vụ mê mang hỏa cốt thành,

蒼蒼未肯喪吾生Thương thương vị khẳng táng ngô sinh.(13)

(Khói mù mê man thành hỏa cốt,

Xanh kia chưa phải đã chôn vùi cuộc đời ta)

Và nguyên chú câu thơ có ghi rằng: “Họ đắp riêng một cái thành, khi người chết thì đưa vào để thiêu, hài cốt chồng chất không nỡ nhìn”.

Cũng như sách TDCL ghi chép một số phong tục trấn Minh Ca, tác giả chú ý quan sát về diện mạo và trang phục của người Mạnh Nha Lạp, như tục cạo tóc của nam giới: “lúc đầu để trọc, đợi khi tóc dài ra khoảng 1, 2 phân mới chỉnh sửa, hoặc cạo một đường ở giữa rộng khoảng 1 tấc từ đằng trước ra đằng sau và để lại tóc hai bên, hoặc cạo bên trái để lại tóc bên phải, hoặc cạo bên phải để lại tóc bên trái, hoặc cạo không đều nhau”; hay như mũ nón của dân xứ dừa: “mũ bằng lụa hoặc vải, màu sắc đủ loại hồng, trắng hay hoa văn, dụng ý làm hình dạng như nửa vỏ trái dừa vậy”(14). Lại như tục bôi đất và vẽ mặt của người dân bản địa: “sáng sớm lấy đất vàng bôi lên mặt, hoặc vẽ một nét từ giữa trán đến giữa sống mũi, hoặc 3, 4 nét hay 5, 6 nét ở hai bên gò má hoặc ở ngực, gọi là Phật pháp”; hay tục cầu nguyện lúc chiều tà của các tín đồ mộ đạo: “hoặc ở hai bên đường, hoặc ở bên sông, hoặc ở trên thuyền, tùy nơi hướng về phía mặt trời mà vái lạy, vẻ mặt họ rất là cung kính”. Cách trang điểm của phụ nữ Mạnh Nha Lạp cũng rất cầu kỳ với những chiếc khuyên tai có đính ngọc châu: “ở vành tai đều xuyên 3 lỗ, hai lỗ trên đeo chiếc khuyên đơn, còn lỗ dưới đeo chiếc khuyên bằng đồng thau đính kép có đeo những viên ngọc châu trang sức”(15)...

3. Người Mô Đồ ở trấn Minh Ca

Vị trí của nước Mô Đồ như Lý Văn Phức giới thiệu trong phần phụ lục sách THKVKL rằng “nước Mô Đồ (âm Đường gọi là Mẫu Lỗ) ở về thượng lưu của địa giới nước Hồng Mao, còn cách xứ Mạnh Nha Lạp 70 ngày đường thủy”. Sách TDCL xác định vị trí của trấn Minh Ca như sau: “Trấn Minh Ca phía đông tiếp với trấn Nhật Khê của nước Miến Điện, phía tây tiếp với trấn Ma Thất(16)(thuộc Hồng Mao), phía bắc tiếp với nước Mô Đồ trắng (từ lị sở Minh Ca đến đô thành nước ấy hành trình 70 ngày), phía nam đến biển”(17). Như vậy có thể xác định là, nước Mô Đồ ở về phía Bắc vùng tiểu lục địa Ấn Độ Bengal. Những ghi chép của Lý Văn Phức tuy không nhiều nhưng cũng phần nào giúp chúng ta hiểu biết về phong tục tập quán của người Mô Đồ xưa, có những tương đồng và khác biệt với người Mạnh Nha Lạp. Như tác giả miêu tả về diện mạo, trang phục, mũ nón của người Mô Đồ: “họ cũng là người da đen, cắt tóc nhưng không cạo râu, không xăm mình. Phụ nữ thì búi tó giống như người Mạnh Nha Lạp” “quần áo thì nửa quấn nửa may, đầu đội mũ làm bằng vải trắng giống như hình cái vung nồi”. Hoặc như về lễ tục, kiêng kỵ, tang ma hay cưới xin của họ “ăn uống chỉ kiêng thịt lợn, không kiêng thịt bò. Ngoài ra giống với người Mạnh Nha Lạp” “chỉ dùng thổ táng, hàng năm một lần đến thăm viếng như thường, hiếm khi dùng hỏa táng” “cưới xin hay tiếp đón tân khách đều giống như người Mạnh Nha Lạp”(18)...

Sách TDCL ghi chép về phong tục trấn Minh Ca trong đó tác giả giới thiệu về diện mạo, trang phục của người Mô Đồ như: “người Mô Đồ đen thì để tóc dài khoảng 1 tấc, rồi dùng một đoạn vải trắng khoảng 5, 6 thước quấn lại” “mặc áo ngắn vải trắng, ống tay hẹp, không mặc quần nhưng dùng một đoạn vải trắng khoảng 3, 4 thước quấn lại mà thôi”. Nhà ở, cách ăn uống hay tục ăn kiêng của người Mô Đồ cũng khác biệt: “nhà mái tranh thấp hẹp, không dùng giường phản mà dùng chiếu cỏ trải xuống đất để nằm ngồi” “không dùng đồ đựng hay đũa bát mà chỉ dùng lá chuối tiêu hoặc vải trắng đặt lên trên đất để nấu nướng, ăn cơm thì dùng tay để bốc” “kiêng không ăn các loại thịt trâu, lợn, dê. Nếu như lúc đang nấu nướng có người khác đạo vào nhà thì ném vất đi không tiếc, vì sợ cái mùi thịt nhiễm vào”. Lại như tác giả miêu tả về con vật linh thiêng của người Mô Đồ: “loài ác điểu như nhạn đen, diều hâu trắng, quạ và kền kền thổ dân gọi là vật thần không dám sát thương. Người Hồng Mao cũng cấm (nếu ai sát thương từ 1 con thì phạt tiền là 50 nguyên. Nay ở các nơi cửa hàng cửa hiệu loại chim này đậu rất nhiều, bên cạnh có người mà không thấy sợ hãi)(19)...

Theo tác giả Lý Văn Phức, người Mạnh Nha Lạp và người Mô Đồ đều là những tín đồ Phật giáo, rằng “lễ tục của họ rất sùng đạo Phật”. Trong bài thơ 抵明歌津次安舶Để Minh Ca tân thứ an bách (Đến bến Minh Ca đậu thuyền lại) tác giả viết:

欲問嬴輸前日事,

梵王天主已成鄰.

(Muốn hỏi việc được thua ngày trước,

Phạn vương và Thiên chúa nay đã thành hàng xóm)

Rồi ở dưới câu thơ ấy tác giả chú thích rằng: “người Mạnh Nha Lý và người Mô Đồ đều theo đạo Thích, không theo Gia Tô. Người Hồng Mao vẫn giữ nguyên phong tục của địa phương mà không cấm đoán, vì thế ở xứ ấy nhà thờ và chùa Phật thường xen kẽ lẫn nhau...”(20)

Tìm hiểu về những nền văn hóa trên thế giới ta thấy có một tôn giáo lớn của nền văn minh Ả Rập, đó là đạo Hồi. Những gì Lý Văn Phức viết về phong tục, tín ngưỡng của người bản địa Mạnh Nha Lạp hay Mô Đồ phải chăng mang những thành tố của đạo Hồi? Bởi theo truyền thuyết của Hồi giáo, thần Habun trong nhiều bộ lạc người Ả Rập được đồng nhất với thần mặt trời. Habun được thờ ở La Mêchca dưới tên gọi là thánh Ala; cầu nguyện của người Hồi giáo theo quy tắc là 5 lần một ngày (sau khi mặt trời mọc, buổi trưa, trước khi mặt trời lặn, sau khi mặt trời lặn và trước buổi đêm, trong đó có thể gộp hai lần đầu và hai lần cuối làm một); điều kiện bắt buộc để cầu nguyện là hướng mặt về La Mêchca; nghi lễ tẩy rửa, cầu nguyện bình thường có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào sạch sẽ, cùng nhau hay một mình... Hoặc như tín đồ Hồi giáo phải né tránh việc vi phạm những cấm đoán, trong đó cấm ăn thịt lợn; người hành hương phải mặc quần áo trắng đặc biệt và không được chải tóc, cạo râu để cầu nguyện cho thánh Ala...(21). Trong bài 呂宋風俗記Lã Tống phong tục ký (Bài ký về phong tục Lã Tống), Lý Văn Phức ghi chép về một số phong tục còn sót lại của người Lã Tống (Luzon là một đảo lớn ở Philippine) có gì đó tương tự như người Mô Đồ hay người Mạnh Nha Lạp vậy: “tục của họ đàn ông cắt tóc, đàn bà vấn tóc cài lược, quần áo chuộng màu trắng có vệt thêu, ăn uống dùng tay, không dùng thìa đũa”(22). Hoặc như nguyên chú bài thơ 端陽Đoan dương, tác giả viết về tục tế lễ ở bến sông của người bản địa Minh Ca: “Người da đen thờ Phật, ngày tết Đoan dương thì đến bến sông làm lễ tế gọi là tiết tắm Phật”. Như vậy phải chăng người Mạnh Nha Lạp và người Mô Đồ ở trấn Minh Ca là những tín đồ Hồi giáo và cả tín đồ Phật giáo?

Trên đây thông qua một số thư tịch Hán Nôm hiện còn, chúng tôi bước đầu xác định cụ thể điểm đến của các chuyến đi Tiểu Tây Dương của quan chức triều Nguyễn chính là thành phố Calcutta là thủ phủ bang Tây Bengal Ấn Độ ngày nay, khi ấy là thuộc địa của nước Anh Cát Lợi cũng gọi là nước Hồng Mao; cũng đồng thời giới thiệu về phong tục của người Mạnh Nha Lạp và người Mô Đồ ở trấn Minh Ca, trong đó phản ánh nhiều mặt quá khứ và hiện tại của đời sống con người bản địa: từ lịch sử, địa lý, diện mạo đến tôn giáo, tín ngưỡng, tập tục, lễ nghi, y phục, ẩm thực, kiêng kỵ, tang ma, cưới xin... Đây là cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo về xu thế giao lưu, hội nhập Việt Nam với Đông Nam Á và thế giới trong suốt thế kỷ XIX - XX.

 

Chú thích:

(1) Phan Huy Lê: Claudine Salmon & Tạ Trọng Hiệp dịch và giới thiệu, Phan Huy Chú, Hải trình chí lược, Cahier d’Archipel 25. 1994, tr.127.

(2) THKVKLTHTKTHTL của tác giả Lý Văn Phức (1785-1849) viết trong chuyến đi Tiểu Tây Dương năm 1830 và ĐHTT viết trong chuyến đi Luzon (Philippine) năm 1832. TDCL (khuyết danh) có niên đại muộn hơn.

(3) 徐繼畬﹕《瀛環志略南洋各島》,臺灣商務印書館。(Từ Kế Dư, Doanh hoàn chí lược. Nam Dương các đảo, Đài Loan Thương vụ Ấn thư quán.

(4)《西行詩略殘腊聞恩命喜作》(Tây hành thi lược. Tàn lạp văn ân mệnh hỷ tác), Viện Nghiên cứu Hán Nôm, VHv.1397.

(5)《西洋誌略明歌鎮》, (Tây dương chí lượcMinh Ca trấn), Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, AB.10.

(6) Andaman là những hòn đảo thuộc Ấn Độ ở vịnh Bengal.

(7) Bengal là một vùng tiểu lục địa Ấn Độ nằm giữa Ấn Độ và Bangladesh.

(8)《西行見聞紀略附錄孟牙啦、謨 、闍 風俗》(Tây hành kiến văn kỷ lược. Phụ lục Mạnh Nha Lạp, Mô Đồ, Xà Bà phong tục), Thư viện Viện Sử học, HV.505.

(9) Như chú thích trên.

(10) Như chú thích trên.

(11) William Dampier: Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, Hoàng Anh Tuấn dịch... Nxb. Thế giới, H. 2006, tr. 73.

(12) Như chú thích 8, tr.3.

(13)《西行詩紀回舵》, (Tây hành thi kỷHồi đà), Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, A.2550.

(14) Như chú thích 5, tr.3.

(15) Như chú thích trên.

(16) Madras là thành phố thủ phủ bang Tamil Nadu của Ấn Độ ở vịnh Bengal.

(17) Như chú thích 5, tr.3.

(18) Như chú thích 8, tr.3.

(19) Như chú thích 5, tr.3.

(20)《西行詩紀抵明歌津次安舶》, (Tây hành thi kỷĐể Minh Ca tân thứ an bách), Thư viện Nghiên cứu Viện Hán Nôm, A.2550.

(21) Nhiều tác giả, Các nền văn hóa thế giới, Tập I, Phương ĐôngArập, Nxb. Từ điển Bách khoa, H.2005.

(22)《東行詩說呂宋風俗記》, (Đông hành thi thuyết. Lã Tống phong tục ký), Thư viện Nghiên cứu Viện Hán Nôm, VHv.184.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tài liệu tiếng Việt

- Phan Huy Lê: Claudine Salmon & Tạ Trọng Hiệp dịch và giới thiệu, (1994), Phan Huy Chú - Hải trình chí lược, Cahier d’Archipel 25.

- Tên các nước, các địa danh trên thế giới, Quang Hùng chủ biên, (1996), Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.

- Nhiều tác giả, (2005), Các nền văn hóa thế giới, Tập I, Phương ĐôngArập, Nxb. Từ điển Bách khoa.

- William Dampier: Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, Hoàng Anh Tuấn dịch, Nxb. Thế giới, H. 2006.

- Thơ văn Lý Văn Phức, Nhiều tác giả, Thư viện Viện Văn học, DH.671.

2. Tài liệu chữ Hán, Nôm

李文馥﹕《西行見聞紀略》, Viện Sử học, HV.505.

李文馥﹕《西行詩紀, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, A.2550.

李文馥 :《西行詩略》, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, VHv.1397.

李文馥﹕《東行詩說》, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, VHv.184.

《西洋誌略》, Viện Nghiên cứu Viện Hán Nôm, AB.10

3. Tài liệu tiếng Trung Quốc

徐繼畬﹕《瀛環志略》,臺灣商務印書館。

Nguyễn Thị Ngân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.720-729, phiên bản trực tuyến ngày 03.11.2011.

Thông tin truy cập

61745429
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4551
20496
61745429

Thành viên trực tuyến

Đang có 473 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website