Ngày 9-12-2016 vừa qua, Khoa Văn học và Ngôn ngữ phối hợp với Phòng Quản lý Khoa học - Dự án, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM đã tổ chức buổi toạ đàm khoa học “Nghiên cứu thơ văn đi sứ vủa Việt Nam” do Giáo sư Trần Ích Nguyên, Đại học Quốc lập Thành Công, Đài Loan là diễn giả chính. Buổi nói chuyện thu hút đông đảo các học viên cao học và sinh viên ngành văn học, Hán Nôm cùng các giảng viên, nhà nghiên cứu trong và ngoài Trường tham gia.
Buổi nói chuyện tập trung vào việc công bố các nghiên cứu mới của GS Trần Ích Nguyên về văn học Việt Nam, đặc biệt là nghiên cứu thơ văn đi sứ Việt Nam, trường hợp của Lý Văn Phức (1785-1849). Trong bài nói chuyện của GS Trần, đã đề cập đến thân thế, sự nghiệp của Lý Văn Phức; những chuyến đi sứ của Lý Văn Phức dưới triều Nguyễn; về tác phẩm của Lý Văn Phức; đồng thời điểm lại các văn bản, thư tịch Hán Nôm Việt Nam tồn tại trong và ngoài nước thể hiện tinh thần độc lập trong bang giao, đối thoại, giao lưu ấn chứng thơ văn của các sứ thần Việt Nam với các nhân sĩ Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Á. Những phát hiện và lý giải của GS Trần qua nghiên cứu thơ đi sứ Việt Nam khơi gợi cho người nghe những vấn đề thú vị. Những ghi chép của Lý Văn Phức nói riêng, các sứ thần Việt Nam nói chung là những tư liệu có giá trị để nghiên cứu thêm về văn hoá, lịch sử, xã hội Trung Hoa và những nơi họ đến dưới nhãn quan của một người ngoại quốc trong vai trò một sứ thần, cùng những vấn đề thú vị khác khi nghiên cứu dưới góc độ văn bản học và liên ngành. Sau khi nghe GS Trần Ích Nguyên trình bày, PGS.TS. Lê Giang, PGS.TS. Nguyễn Công Lý, TS. Lê Quang Trường, các cử toạ tham gia cũng đã có những trao đổi học thuật về những vấn đề như khái niệm thơ đi sứ, thơ sứ trình, thơ xuất dương công cán, thơ làm trong những chuyến đi dương trình hiệu lực, vấn đề sưu tầm tư liệu Hán Nôm, những vấn đề nghiên cứu tư liệu Hán Nôm Việt Nam hiện nay… Nhân đó, GS Trần Ích Nguyên cũng bày tỏ hy vọng năm tới, một hội thảo quốc tế về nghiên cứu thơ văn sứ trình của Việt Nam sẽ được tổ chức với sự tham gia của đông đảo các học giả trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á sẽ khiến cho những nghiên cứu về văn hiến Việt Nam được phát huy mạnh mẽ. Đồng thời GS Trần cũng hứa sẽ chia sẻ bộ phận tư liệu Hán Nôm còn lưu dấu ở các di tích tại Trung Quốc của các sứ thần Việt Nam cho Phòng Nghiên cứu và sưu tầm tư liệu Hán Nôm của Khoa Văn học và Ngôn ngữ vào năm sau.
Từ việc truy nguyên con đường đi sứ của các sứ thần Việt Nam triều Nguyễn và sưu tầm các thư tịch Hán Nôm Việt Nam ở nước ngoài tồn tại dưới hình thức văn khắc tại các nơi sứ đoàn đi qua bằng những chuyến đi thực địa, đến những công bố khoa học liên quan đến văn hiến Việt Nam rất công phu trong suốt gần ba mươi năm của GS Trần Ích Nguyên, cho thấy ngoài việc đáp ứng những đòi hỏi khắt khe trong học thuật nghiên cứu nó còn thể hiện tâm huyết và tình cảm của một học giả nước ngoài đối với văn hiến Việt Nam.