Nữ tiểu học và các sách nữ huấn của Việt Nam - Dưới góc nhìn của thư chí học so sánh

20170924

Ảnh: Sách chép tay Nhị thập tứ nữ tắc diễn âm 二十四女則演音(Ký hiệu AB.307)

Lời nói đầu

Các sách nữ huấn của Việt Nam từ trước thế kỷ XIX cũng giống với các sách nữ huấn của Trung Quốc, Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản đều có mục đích điều tiết cuộc sống sinh hoạt của phụ nữ nên có thể nói nó chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo. Với ý nghĩa đó người ta có thể thấy các điểm chung trong các sách nữ huấn của Trung Quốc, Việt Nam, Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Nói như vậy cũng không có nghĩa các sách nữ huấn của Việt Nam hoàn toàn "bứng trồng" từ sách nữ huấn của Trung Quốc. Do đã có nhiều năm nghiên cứu đề tài nữ huấn của Trung Quốc, Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, đứng trên lập trường truyền thống về sách nữ huấn của các nước Đông Á, chúng tôi cũng nhận ra những mảng mầu sáng tạo trong các sách nữ huấn của Việt Nam, đó là vấn đề Việt ngữ hóa trong việc truyền tải tư tưởng nữ huấn của Trung Quốc. Tuy nhiên ở Việt Nam cũng khó tránh khỏi nẩy sinh các vấn đề về đặc thù ngôn ngữ và giới tính.

1. Về sự truyền bá sách nữ huấn của Trung Quốc

Các sách nữ huấn cổ nhất hiện còn cho đến nay có lẽ là các sách ra đời vào trước thời Tiền Hán của Trung Quốc. Đó là sách Liệt nữ truyện 列女傳và một phần truyện ký về một số phụ nữ đăng trong mục Liệt truyện 列傳, sách Sử ký của Tư Mã Thiên. Các sách đó tuy không phải là sách nữ huấn, nhưng vào thời nhà Minh đã được xuất bản dành cho phụ nữ với tư cách là sách nữ huấn(1). Đến thời Hậu Hán, sách Nữ giới 女誡do quả phụ Ban Chiêu (41-120 TCN), người được coi là "lịch sử gia nữ giới" đầu tiên của Trung Quốc sáng tác. Nữ giới cũng giống như các sách cổ điển khác của Trung Quốc như Lễ ký đề cập đến thái độ ứng xử phải theo lễ nghĩa đối với cha mẹ và người thân của người phụ nữ khi về nhà chồng(2). Đến thế kỷ XVII, người ta đã đem ba sách do nữ giới sáng tác, đó là sách Nữ luận ngữ 女論語được biên soạn dưới thời nhà Đường trên cơ sở của sách Nữ giới cùng với sách Luận ngữ; sách Nội huấn 內訓do Hứa Hoàng hậu vua Hán Tuyên đế được biên soạn vào năm 1405; sách Nữ phạm tiệp tục ra đời vào thời nhà Minh kết hợp thành một cuốn đổi tên là Nữ tứ thư 女四書và cho xuất bản vào năm 1624(3).

Cũng như các sách được biên soạn cho đối tượng là nữ giới, nhan đề các sách nữ huấn đều có chữ "Nữ". Điều đó cho thấy đến thời nhà Minh, nữ giới thực sự đã trở thành tầng lớp độc giả. Tuy nhiên, các sách nữ huấn trong xã hội mà nữ giới phải phục tùng nam giới theo "tam tòng", "tứ đức"... thì hai sách Liệt nữ truyện, Nữ giới không chỉ được truyền đi trong khoảng hai nghìn năm, đến tận cuối thế kỷ XIX ở Trung Quốc, mà còn được truyền tới các nước trong khối đồng văn như Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam với tư cách là các sách giáo dục quy phạm nữ giới. Ở các nước này khi xuất bản các sách nữ huấn người ta đã dùng ngôn ngữ mẹ đẻ để chấp bút. Các sách Hán như Liệt nữ truyện ở Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Namtuy không có độc giả là nữ giới, nhưng để đa phần phụ nữ đọc được các sách nữ huấn trên, người ta đã chuyển Hán văn sang Quốc ngữ và việc xuất bản các nữ huấn bằng tiếng Nhật đã ra đời.

Liệt nữ truyện và Nữ giới được truyền tới các nước cụ thể vào thời kỳ nào? lẽ đương nhiên chưa thể biết được, nhưng ở Nhật bản vào cuối thế kỷ thứ IX, trong sách Nhật Bản quốc kiến tại thư mục lục日本國見在書目錄do Obase Keiichi小長谷惠吉biên soạn người ta đã thấy tên các sách nữ huấn ở thời nhà Đường như Liệt nữ truyệnNữ giới và Nữ hiếu kinh, từ đó có thể suy đoán các sách trên đã được du nhập vào Nhật Bản vào thế kỷ thứ IX(4). Điều đáng tiếc là ở Triều Tiên và Việt Nam đều không có tư liệu tương tự như vậy, song vẫn có thể suy đoán, nếu các sách trên được truyền tới Nhật Bản vào thế kỷ thứ IX, thì có lẽ nó cũng được truyền tới Triều Tiên và Việt Nam. Nhưng cũng như Triều Tiên và Việt Nam, ở Nhật Bản trải qua nhiều thế kỷ, người ta cũng không tìm thấy tư liệu ghi chép về việc sách Liệt nữ truyện và Nữ giới đã được đọc và sao chép thế nào.

Thời gian trôi đi và cho đến cuối thời nhà Minh, ở Trung Quốc đã xuất bản khá nhiều sách nữ huấn, trong sách còn có cả tranh vẽ minh họa. Theo dòng chảy của sách nữ huấn, tác giả Lã Khôn 呂坤đã viết ra các sách nữ huấn mới. Trong lời Tựa sách Khuê phạm 閨範(bản in năm 1591) ông đã nêu rõ ý đồ biên soạn sách: "Các sách nữ huấn ngày xưa, văn chương nhàm chàn, không thú vị, vì thế để tiện cho các độc giả là nữ giới, tôi đã tập hợp thêm những truyện ghi chép về phụ nữ ở thời đại mới và kèm theo đó là ảnh minh họa và các chú thích". Vì thế có thể nói(5), vào cuối đời Minh, sách Liệt nữ truyện đã có bản in mang tên khác là sách Khuê phạm. Các sách nữ huấn ở thời nhà Minh, đầu tiên là các sách Nữ tứ thư, Khuê phạm... cũng được truyền tới Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam và được các nước tiếp nhận, biên soạn lại thành các sách nữ huấn của nước mình. Do tình hình chính trị của mỗi nước, việc xuất bản sách nữ huấn sớm muộn có khác nhau, song trong các nước đồng văn, Triều tiên và Nhật Bản được coi là nước xuất bản sách nữ huấn sớm nhất, vì thế trong mục tiếp theo, chúng tôi sẽ trình bày sự ra đời sách nữ huấn ở Triều Tiên và Nhật Bản.

2. Triều Tiên

Từ những tư liệu còn hạn hẹp, chúng tôi đã tìm ra các chứng cứ cho thấy sách Liệt nữ truyện và Nữ giới đã được du nhập vào Triều Tiên vào đầu thế kỷ XV qua ghi chép tương đối tỉ mỉ từ sách Triều Tiên vương triều thực lục 朝鮮王朝實錄. Theo ghi chép của sách này, vào năm 1404, các sứ giả Triều Tiên từ Trung Quốc trở về đã dâng tặng cho Hoàng đế Triều Tiên bản in sách Liệt nữ truyện. Trải qua 5 năm, từ năm 1404 đến năm 1409, vua Triều Tiên đã lệnh cho các đại thần biên soạn sách nữ huấn cho giới quý tộc nữ Triều Tiên(6). Điều đó cho thấy khả năng đọc Hán văn của tầng lớp nữ giới thượng lưu quý tộc Triều Tiên, bởi lúc đó chữ Hanguru của Triều Tiên vẫn chưa được coi là văn tự ghi chép. Năm 1470, nhà vua lệnh cho các học giả dùng "khẩu quyết" (Huấn độc Hán văn Triều Tiên) để chua các kí hiệu huấn điểm độc đáo vào văn bản Hán văn Liệt nữ truyện. Vào thời điểm năm 1443, khi văn tự Hanguru đã chính thức trở thành văn tự của Triều Tiên, người ta đã dùng "khẩu quyết" Hán văn - một thao tác không phải là phiên dịch, mà dùng các ký hiệu huấn điểm để người đọc dễ hiểu và được coi là một phương pháp thuận lợi cho những phụ nữ có khả năng đọc chữ Hán(7).

Năm 1517, cũng có ý kiến cho rằng các sách Liệt nữ truyện, Nữ giới và Nữ tắc... đều là những sách cần cho phụ nữ, nhưng chúng rất khó đọc, vì thế cần dịch các sách đó ra tiếng Triều Tiên bằng văn tự Haguru(8). Từ đó có thể suy đoán không có nhiều phụ nữ Triều Tiên đọc được chữ Hán và nếu không có bản in bằng tiếng Triều Tiên thì người phụ nữ không thể đọc được. Chúng tôi không có điều kiện đi sâu vào vấn đề này, song trên thực tế những sách nữ huấn như Nội tắc 內則(tuy cùng tên nhưng thực ra là sách khác so với sách Nội tắc 內則do Hứa Hoàng hậu vua Huán Tuyên đế biên soạn đã nói ở trên) đều do mẹ của vua Thành Tông (Triều Tiên) biên soạn vào năm 1475, trên cơ sở của cuốn Liệt nữ truyện, Tiểu học của Chu Tử được dịch và bình luận bằng tiếng Triều Tiên. Tác giả với tư cách là một thành viên trong xã hội và là người đã có chồng nên bà nhấn mạnh chủ trương phụ nữ không thể không giáo dục. Đây là cuốn nữ huấn đầu tiên dành cho phụ nữ người Triều Tiên được viết bằng tiếng Triều Tiên, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1522(9).

Vào giai đoạn này, sách Liệt nữ truyện, bản in chữ Hán chưa được Triều Tiên cho in. Năm 1543, người ta đã bàn đến chuyện đem sách Liệt nữ truyện viết bằng tiếng Triều Tiên ra in, nhưng rút cục việc đó không thực hiện được. Điều này cho thấy phần nào sự thay đổi về cách nhìn đối với các sách nữ huấn viết bằng tiếng Triều Tiên dành cho đối tượng là nữ giới Triều Tiên(10). Vào thời kỳ đó, các nhà Nho thượng lưu của Triều Tiên như là Lý Thoái Khê 李退溪đã đưa ra vấn đề đọc sách của phụ nữ và ông đã giới thiệu các sử thư và kinh điển về nữ giới trong các sách cổ điển của Trung Quốc. Các nhà Nho nam giới là những tri thức đã bắt đầu cảm thấy không hài lòng về việc đọc sách của phụ nữ, đặc biệt là vào thế kỷ XVIII, khi thấy phụ nữ tìm đọc các sách chịu ảnh hưởng xấu của các loại tiểu thuyết thông tục của Trung Quốc, họ đã vội vàng dâng các sách như Hiếu kinh, Nữ tứ thư... lên triều đình(11). Để đối phó với tình hình đó, nhà vua đã ra lệnh cho Lý Đức Thọ 李德壽đem sách Nữ tứ thư dịch ra tiếng Triều Tiên và 2 năm sau, vào năm 1736, trong lời Tựa cho lần xuất bản bằng tiếng Triều Tiên, dịch giả đã bày tỏ sự lo lắng của mình về ý thức giáo dục, tu thân thấp kém của người phụ nữ. Qua đó có thể thấy vào thế kỷ thứ 18 những tập quán, luân lý đạo đức của Trung Quốc ở thời nhà Minh đã phần nào bị xa rời ở Triều Tiên. Từ các hoạt động như của Lý Đức Thọ, người ta đã thấy rõ ý đồ của các nhà Nho Triều Tiên trong việc dựa vào Nho giáo của Trung Quốc để củng cố trật tự xã hội(12).

Từ sau thế kỷ XV, người Triều Tiên đã coi trọng hơn việc giáo dục tu thân cho phụ nữ và để làm điều đó, người ta đã cho rằng nếu biên soạn các sách nữ huấn hay các sách tu thân bằng tiếng Triều Tiên sẽ thích hợp hơn so với việc in nguyên văn các sách cổ điển Trung Quốc, bởi việc ấn loát đương thời không phải chỉ do các nhà xuất bản mà phần lớn vẫn do nhà nước quản lý. Nhà nước khuyến khích in các sách hữu ích bằng tiếng Triều tiên, còn cách loại tiểu thuyết thông tục thời nhà Minh chủ yếu cho đối tượng là những người có năng lực Hán văn đọc.Lúc bấy giờ ở Triều Tiên cũng chưa có cái gọi là "thị trường sách", các sách xuất bản số lượng không có nhiều, cho nên các sách cho độc giả là nữ, chỉ hạn chế ở tầng lớp nữ giới trung thượng lưu mà thôi(13).

3. Nhật Bản

Khác với Triều Tiên, ở Nhật Bản có rất nhiều tư liệu chứng minh từ thế kỷ thứ IX các sách nữ huấn của Trung Quốc đã được truyền đến Nhật Bản và từ thế kỷ thứ XVII các sách nữ huấn của Trung Quốc đã được in và phổ cập ở Nhật Bản. Thực ra ở Nhật Bản đã có lịch sử xuất bản khá lâu đời bắt đầu từ việc in ấn các loại Phật điển, song ngoài các sách viết bằng tiếng Nhật Katakana, các loại ngoại điển bao gồm sách nữ huấn và kinh điển cho đến trước thế kỷ XVII cũng được in rất ít. Sách Liệt nữ truyện viết bằng Hán văn lần đầu tiên được in ở Nhật Bản là vào năm 1653. Sau đó 2 năm, đến năm 1655, người ta cũng cho xuất bản bằng tiếng Nhật sách Giả danh liệt nữ truyện 假名列女傳. Tiếp đó, người ta cho in các tập truyện ký của các tác giả nữ Nhật Bản như Bản triều nữ giám 本朝女鑑 (in năm 1661), Bản triều liệt nữ truyện 本朝列女傳(in năm 1668), và tiếp đó là sách Hiền nữ vật ngữ 賢女物語(in năm 1669) bao gồm các các truyện ký về phụ nữ ở Trung Quốc và Nhật Bản. Sách Nữ giới của Trung Quốc không chỉ có bản bằng Hán văn, vào năm 1651 lần đầu tiên sách Nữ giới đã được dịch ra tiếng Nhật, và tiếp đó, đến năm 1656, sách Nữ tứ thư với một bộ phận bằng tiếng Nhật cũng đã được xuất bản(14).

Vào khoảng nửa thế kỷ XVII cũng giống Triều Tiên, ở Nhật Bản các nhà Nho Nhật Bản cũng thấy lo lắng về các sách đọc cho phụ nữ. Họ cho rằng một số tác phẩm văn học cổ điển của Nhật Bản như Nguyên thị vật ngữ 源氏物語(Genjimonogatari) và một số các tác phẩm văn học khác sau khi được xuất bản bằng truyện tranh và phổ cập trong xã hội đã có ảnh hưởng xấu đến phụ nữ. Người đầu tiên đưa vấn đề này ra là Yamaga Soko 山鹿素行, ông cho rằng sách cho phụ nữ không chỉ có Nguyên thị vật ngữ, mà cần coi trọng cả các sách Luận Ngữ, Hiếu kinh, Liệt nữ truyện do Chu Tử viết(15).

Năm 1670 trong danh mục sách xuất bản đã xuất hiện bộ Nữ thư 女書, đó là bộ sách được phát hành cho đối tượng là phụ nữ Nhật Bản. Trong bộ Nữ thư ngoài sách nữ huấn như đã nói ở trên còn có khoảng 19 cuốn là các sách về lễ nghi, sổ tay học chữ và sách hướng dẫn viết đơn thư(16). Điều đó chứng tỏ nhu cầu xuất bản sách vở dành cho nữ giớingày càng cao. Lúc này, tác phẩm Nữ đại học 女大學là một trong sách nữ huấn nổi tiếng nhất của Nhật Bản được biên soạn khoảng đầu thế kỷ XVIII chưa xuất hiện. Tuy nhiên, kể từ saukhi sách Nữ đại học nói trên ra đời, cho đến cuối thế kỷ XIX, người ta lại cho tái bản nhiều lần sách này(17). Các sách nữ huấn đều được viết bằng tiếng Nhật, lại do các thương nhân cho xuất bản nên phụ nữ Nhật có thể dễ dàng mua nó ở trên phố. Tuy nói là sách nữ huấn, nhưng hầu như đều là sách tranh, nội dung của nó không chỉ là "nữ huấn" mà còn bao gồm cả các mục khá thú vị như các nghi lễ, khi mang thai, khi nuôi con... Điều đó chứng tỏ ở Nhật Bản, từ thế kỷ thứ XVIII, nhu cầu đọc các sách nữ huấn viết bằng Hán văn của Trung Quốc gần như không còn nữa.

Có thể thấy sự khác nhau giữa Nhật Bản và Triều Tiên trong việc xuất bản sách vở dành cho phụ nữ. Đầu tiên là việc xuất bản sách dành cho nữ giới xuất hiện ở Nhật Bản sớm hơn Triều Tiên tới vài thế kỷ. Khác với Triều Tiên, ở Nhật Bản, việc xuất bản không phải do nhà nước quản lý mà do các nhà xuất bản tự đứng ra tổ chức nên so với việc xuất bản các sách nữ huấn bằng chữ Hán không bán được, thì việc xuất bản sách nữ huấn bằng tiếng Nhật đã có ưu thế hơn hẳn. Để tăng số lượng sách bán ra, các nhà kinh doanh Nhật Bản chủ trươngít đề cập đến nội dung tu thân, cho thêm nội dung liên quan đến dạy dỗ trẻ em... để làm cho sách nữ huấn dần trở nên thú vị. Trong bối cảnh giáo dục nữ giới ngày càng được coi trọng, các trường học nhà chùa là cơ sở giáo dục bình dân ngày càng được phổ cập, năng lực đọc sách của phụ nữ ngày càng cao, thì việc xuất bản sách nữ giới ngoài việc đem lại lợi nhuận cho các thương gia, nó còn giúp phụ nữ tiện lợi hơn trong việc giáo dục và nuôi dạy con trẻ(18).

4. Các sách nữ huấn ở Việt Nam

Ở Việt Nam, do khí hậu và chiến tranh nên rất đáng tiếc đến nay chỉ còn sót lại một số sách chép tay và sách in. Các sách vở hiện còn chỉ có niên đại vào khoảng thế kỷ XVII, nhưng chúng tôi không thể chờ được những chứng cứ chứng minh luận điểm cho rằng có thể việc in ấn sách vở của Việt Nam bắt đầu sớm hơn nhiều so với thời điểm thế kỷ thứ XVII(19). Khi chúng tôi điều tra về việc du nhập các sách nữ huấn của Trung Quốc vào Việt Nam, có một điều không thể phủ nhận đó là có rất ít tài liệu. Do các sách nữ huấn từ xưa không còn nên hoàn toàn không thể suy đoán hay kiểm tra được. Vào thế kỷ XIX, khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, việc bảo quản các thư tịch cổ có lẽ đã ít nhiều chịu ảnh hưởng(20).

Với các lý do trên, hiện trong các sách in của Việt Nam hầu như không tìm thấy sách Liệt nữ truyện, nhưng cũng không vì thế mà cho rằng sách Liệt nữ truyện đã không được phổ cập ở Việt Nam. Có thể nêu một số sách có liên quan như: bản chép tay sách Liệt nữ tiệp lục giải âm 列女捷錄解音(ký hiệu AB.127). Sách này có kèm lời Tựa được viết vào năm 1856. Đây là bản dịch bằng chữ Nôm các truyện ký về phụ nữ Trung Quốc(21). Sách chép tay Nhị thập tứ nữ tắc diễn âm 二十四女則演音(AB.307) có hình thức đoạn trên bằng Hán văn, đoạn dưới bằng chữ Nôm, được biên soạn dựa trên truyện ký về 24 nhân vật phụ nữ, trong số đó có 6 nhân vật nữ có xuất xứ từ sách Liệt nữ truyện. Ngoài ra sách chép tay Liệt nữ truyện thi (R.1614, Thư viện Quốc gia) cũng có một số truyện lấy từ sách Liệt nữ truyện. Về sách in, chỉ có cuốn Quỳnh Lưu tiết phụ truyện 瓊王留節婦傳(VHv.1734). Sách này viết bằng chữ Hán, được in năm 1900. Tác giả là Phạm Đình Toái 范廷撮người Quỳnh Lưu [Nghệ An]. Trong lời Tựa, ông cũng xác nhận, khi biên soạn ông đã chịu ảnh hưởng của sách Liệt nữ truyện. Như nhan đề tác phẩm, sách này là tập hợp truyện ký về phụ nữ ở vùng Quỳnh Lưu, cũng giống như tác giả của sách Bản triều liệt nữ truyện 本朝列女傳của Nhật Bản đây là cuốn truyện ký về người phụ nữ(22).

Sách Nữ giới 女誡cũng đã thấy xuất hiện trong sách Tào đại gia nữ giới 曹大家女誡(AB.557) xuất bản vào năm 1908. Tào đại gia chính là tên khác của tác giả Ban Chiêu. Trong phần đầu của sách có vẽ ảnh Ban Chiêu tay cầm cuốn sách, có lẽ là bức ảnh vốn có trong sách xuất bản tại Trung Quốc(23). Nhưng từ thông tin có liên quan đến việc xuất bản đăng ở trang đầu, chúng ta có thể biết sách này thực ra là sách phóng tác của tác giả Phạm Đình Hổ (1768-1839). Sách [Tào đại gia mà Phạm Đình Hổ dựa vào để diễn nghĩa]hiện có lẽ không còn, nhưng xem sách Tào đại gia nữ giới có thể biết tác giả đã diễn nghĩa bằng chữ Nôm từ nguyên văn câu văn Hán.

Cũng giống như sách Liệt nữ truyện và Nữ giới, sách Giáo nữ di quy 教女遺規của tác giả Trần Hoằng Mưu 陳宏謀cũng được du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam(24). Tác phẩm này được biên soạn vào năm 1742, là một trong sách nữ huấn cuối thời nhà Minh, nhưng chỉ thấy bản in bằng chữ Hán Giáo nữ di quy 教女遺規của Việt Nam được xuất bản ở Hưng Yên vào năm 1878. Sách này hiện còn 5 bản, 4 bản in và 1 bản chép tay(25). Liên quan đến giáo dục nữ giới còn có sách Tam tự kinh 三字經của Trung Quốc. Sách Nữ huấn tam tự thư 女訓三字書(AB.22) được in ở Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ XIX, nhưng cũng chịu ảnh hưởng từ sách Phụ nhũ tam tự thư 婦乳三字書của Trần Tử Bao 陳子褒(1862-1922) cuối thời nhà Thanh Trung Quốc. Trong Nữ huấn tam tự thư có thấy những câu như phụ nữ đọc sách có ích cho nước nhà, cho thấy ở giai đoạn này cũng giống như ở Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên, ở Việt Nam cũng có chủ trương cho phụ nữ đọc sách sẽ có ích cho xã hội.

Ngoài ra, vẫn còn một số sách chép tay Hán, hoặc sách chép tay vừa Hán vừa Nôm dành cho đối tượng là phụ nữ. Như sách Lan phòng pháp ngữ 蘭房法語(AB.162) được biên soạn vào năm 1860. Theo lời Tựa, sách được biên soạn dành cho phụ nữ ở nông thôn. Nội dung của sách được trích dẫn từ các mục có liên quan đến phụ nữ được lấy ra từ trong các sách kinh điển của Nho gia như là Đại học, Thư kinh, Tiểu học và được dịch ra bằng chữ Nôm. Sách Trinh ác phụ nữ tục biên貞惡婦女續編(A.2567) là tập truyện ký về 28 phụ nữ Trung Quốc với mục đích khuyến thiện trừng ác.

Cũng có tác phẩm hoàn toàn viết bằng chữ Nôm, nhưng nhan đề sách viết bằng chữ Hán. Sách Nữ tắc diễn âm 女則演音của tác giả Trần Vạn An được xuất bản vào năm 1845, được tái bản vào năm 1868 (R.52; AB.47). Nữ tắc cũng là sách của Trung Quốc, nhưng ở Việt Nam chỉ thấy bản phiên Nôm. Bản in Huấn nữ tử ca 訓女子歌(AB.85) được in năm 1875 cũng hoàn toàn viết bằng chữ Nôm. Như vậy sang thế kỷ XX, các sách nữ huấn liên tục được xuất bản. Nếu sách Phượng Sơn nữ kinh bảo lục 鳳山女經寶錄(AB.501) được in vào năm 1912 là tập truyện ký tập hợp gồm các truyện lấy trong Liệt nữ truyện của Trung Quốc và truyện về phụ nữ Việt Nam, thì sách Nữ học diễn ca 女學演歌(VNv.59) in năm 1914 cũng là tác phẩm có dẫn các truyện của Trung Quốc.

Ngoài sách Nữ tiểu học 女小學(xem ảnh tr.36) mà chúng tôi sẽ trình bày kỹ trong mục dưới đây, các sách nữ huấn ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Thư viện Quốc gia hầu như đã được chúng tôi xem xét tới. Số lượng các sách nữ huấn còn ít nhưng cũng có khả năng hiện vẫn còn một số sách sót lại trong các tàng thư cá nhân. Sách Gia huấn ca 家訓歌hiện không còn nhưng có thể nó vẫn được lưu truyền khá rộng rãi trong xã hội(26).

Tóm lại, trong các sách nữ huấn của Việt Nam rất ít sách nữ huấn viết bằng chữ Hán, chủ yếu được viết bằng chữ Nôm với hình thức "diễn ca"(27). Khác với Nhật Bản, không có tranh minh họa, cũng chẳng có thông tin mang tính thực dụng hoặc có các câu chuyện kèm theo mang tính giải trí vui vẻ. Nhưng phụ nữ Việt Nam với tư cách là độc giả sẽ cảm nhận thế nào khi đọc các sách nữ huấn đó? Có phải họ thật sự muốn trang bị cho mình những kiến thức của nữ huấn, hay là giống như Tadano Makuzu của Nhật Bản suy đoán, họ muốn trút bỏ nữ huấn? đến nay chúng ta vẫn chưa có thể biết rõ điều này(28).

Trong các sách được xuất bản vào thế kỷ XX, chúng ta hầu như không tìm thấy các sự kiện phản ánh thế giới cận đại. Nhưng có một ngoại lệ, đó là sách chép tay Tân nữ huấn 新女訓(AB.423). Trong lời Tựa tác giả Phạm Văn Thụ (1858-1930) đã nói đến các từ như "tự do", "bình đẳng" là những từ Hán do Nhật Bản sáng tạo, nhưng ý nghĩa cốt lõi của sách vẫn là phải giữ quốc hồn, quốc túy của Việt Nam theo tập quán truyền thống. Phần chính văn của sách bằng chữ Nôm vẫn cổ súy nghĩa vụ của người phụ nữ xưa. Tuy nhiên, khác với cách sách nữ huấn trước đây, trong sách này có một mục nói với về sự "giải trí", khuyên người phụ nữ khi có thời gian phải tranh thủ đến thư viện đọc sách, phải tham gia các hoạt động thể thao, đến nhà hát kịch, trò chuyện với bạn bè, tham gia các buổi dạ tiệc... Rất đáng tiếc, đó là sách chép tay nên rất khó có khả năng được lưu hành rộng rãi.

5. Nữ tiểu học

Hiện còn 2 sách Nữ tiểu học 女小學(AC.552 và R.1022) nên khó có thể dùng thư chí học để nói về sách này, bởi 2 sách có hai bộ phận hoàn toàn riêng biệt. Bộ phận đầu được viết bằng Hán văn với nhan đề là Nữ tiểu học. Nếu từ tên sách mà phán đoán thì có lẽ sách có liên quan ít nhiều đến sách Chu Tử là sách được du nhập từ Trung Quốc. Do điều kiện còn hạn hẹp, chúng tôi mới chỉ tìm thấy 1 sách Nữ tiểu học ở phân kho Trung Quốc trong kho sách Đông Dương văn khố ở Tokyo(29). Sách Nữ tiểu học này do tác giả Hồ Văn Hoán 胡文煥biên tập và phát hành ở thời nhà Minh. Cuối sách có dòng lạc khoản "Hoằng Trị Giáp Tý" 弘治甲子(1504) nên suy đoán sách Nữ tiểu học được biên soạn vào khoảng thời gian này, nhưng trong sách Liệt nữ truyện được tái bản cũng xuất hiện tên người biên tập là Hồ Văn Hoán, một nhân vật hoạt động rất tích cực ở cuối thế kỷ XVI, từ đó suy đoán, sách Nữ tiểu học được Hồ Văn Hoán làm vào khoảng thời gian này (tức cuối thế kỷ XVI)(30). Quả thật, có rất nhiều sách nữ huấn thời Minh được lưu hành thời bấy giờ, như ở Tứ xuyên có cuốn Huấn ấu nữ ca 訓幼女歌. Do được lưu hành rộng rãi nên những loại sách nữ huấn rất dễ bị mất đi. Nữ tiểu học cũng như vậy, hầu như không còn thấy ở Trung Quốc nữa(31).

Tiếp theo, chúng tôi sẽ tìm hiểu xem sách Nữ tiểu học bản in của nhà Minh có quan hệ thế nào với Nữ tiểu học được xuất bản ở Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.

Nữ tiểu học, tiếng Nhật gọi là Ona shogaku đã được tìm thấy trong danh mục sách xuất bản tại Nhật từ sau năm 1729. Sách này hoàn toàn không có quan hệ gì với sách Nữ tiểu học bản in thời nhà Minh, được Nhật Bản biên soạn và xuất bản vào năm 1725(32). Sách được viết bằng tiếng Nhật, trong sách còn kèm theo tranh minh họa, nội dung nói về việc tu thân, song kèm theo các câu chuyện có tính chất giải trí vui vẻ. Sách được được tái bản vào các năm 1875 và 1901, nhưng nội dung các sách tái bản cũng không liên quan gì đến sách Nữ tiểu học in thời Minh. Trường hợp Nữ tiểu học của Triều Tiên lại khác với Nhật Bản. Sách Nữ tiểu học của Triều Tiên có tên là Yŏsohaklà tác phẩm được Triều Tiên biên soạn với tư cách gồm sách nữ huấn của Triều Tiên và các sách Tiểu học, Liệt Nữ truyện, Nữ giới của Chu Tử (Trung Quốc). Sách được in vào năm 1882 nên cũng có thể coi đây là một tác phẩm khác(33).

Triều Tiên và Nhật Bản chỉ có tên sách giống với bản in thời Minh, nhưng nội dung của chúng lại hoàn toàn khác nhau. Trái lại, ở Việt Nam sách Nữ tiểu học hầu như không khác gì với bản in thời nhà Minh. Phần chính văn hoàn toàn không khác gì so với bản in thời Minh, thậm chí những bộ phận đã mất đi ở thời nhà Minh vẫn thấy đầy đủ. Chúng tôi chưa rõ, không biết có phải bản của Việt Nam là một dị bản thời nhà Minh? hoặc những chỗ bổ sung đó là do người biên tập tự tiện thêm vào.

Chúng tôi còn thấy, phần cuối của bản Nữ tiểu học thời Minh còn dẫn dụng cả sách Liệt nữ truyện, có cả đoạn viết bằng Hán văn nói về đạo đức và vai trò của người phụ nữ sau khi kết hôn. Như vậy bộ phận nửa trước của sách Nữ tiểu học là phần trọng tâm của sách (cũng gọi là phần trụ cột, chính yếu của sách. Tức từ trang đầu đến hơn số hơn 100 ở phần giữa sách) vẫn được coi là sách Nữ tiểu học, nhưng phần nửa sau của sách thì chỉ là phần ghép phụ thêm vào. Vì thế sách này vốn là hai sách khác nhau được người ta cho đóng kèm vào thành 1 cuốn. Trang đầu tiên ở sách trước có ghi năm can chi "Nhâm Dần", đó có lẽ là năm 1842, hoặc cũng có thể là năm 1902. Nơi in là tổ chức "Thiện đàn" có tên là Khuyến thiện đàn của tỉnh Nam Định, và được Thiện đàn có tên là Tu thiện đàn 修善壇cho tái bản ["Tu thiện hiệu nam phụ đẳng trùng san" 修善號男婦等重刊(do nam nữ hiệu Tu thiện cho in lại)]. Phần nửa sau là sách Huấn nữ diễn âm ca tân đính 訓女演音歌新訂, có ghi dòng chữ "Canh Tý niên xuân nguyệt phụng san vu An Khánh Phùng Hải hiếu thiện chi tư thục đường" 庚子年春月奉刊于安慶逢海孝善之私塾堂(Tư thục đường Hiếu thiện Phùng Hải, An Khánh in lại vào tháng xuân năm Canh Tý), cho thấy đây là bản được in tại Trung Quốc. Tuy nhiên, phía cuối của bài Tựa bằng chữ Hán có ghi dòng chữ "Thành Thái thập nhất niên" 成泰十一年(Năm thứ 11 niên hiệu Thành Thái), tức năm 1899. Vì thế năm Nhâm Dần ở trên không phải là năm 1842 mà là năm 1902.

Phía nửa sau của sách là cuốn Huấn nữ diễn âm ca tân đính, được viết bằng hình thức nửa trên là tóm tắt bằng Hán văn, nửa dưới là thơ lục bát bằng chữ Nôm. Nội dung của sách chủ yếu nói về "tam tòng", "tứ đức" theo truyền thống. Tuy nhiên, trong mục 34 của sách này có mục "Động vật sát thương phản đối luận" cùng đề tài với sách Giới sát phóng sinh diễn âm 戒殺放生演音(AB.489) được in năm 1848. Có thể thấy tác phẩm này (tức Huấn nữ diễn âm ca tân đính) mang sắc thái Phật giáo khá nồng đậm khác hẳn với của Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên..

Nói chung sách Nữ tiểu học của Việt Nam được tồn tại khá độc đáo trong sách nữ huấn ở các nước Đông Á. Không chỉ mang đậm tư tưởng Phật giáo mà còn được trình bày bằng lối văn hỗn nhập chữ Hán và chữ Nôm. Tức là nếu đọc cả sách thì cần phải có năng lực đọc chữ Hán và chữ Nôm, với ý nghĩa đó người ta có thế thấy sự khác nhau giữa các sách nữ huấn Việt Nam với các nước khác, đó là chúng được viết bằng chữ Hán và cả chữ Nôm. Nếu xem chương đầu tiên của sách Nữ tiểu học khuyên phụ nữ đọc sách thì có thể suy đoán số đông phụ nữ đã có thể đọc được, viết được cả chữ Hán và chữ Nôm.

Kết luận

Về mặt luật pháp và thực tế xã hội đã cho thấy vai trò của nữ giới Việt Nam ở thời cận đại cao hơn so với Trung Quốc. Người ta cho rằng, ở xã hội Việt Nam thời Lê, các luật lệ cho dù nghiêm khắc cũng không được thực hiện nghiêm túc(34). Trong khi đó ở thời nhà Minh giai tầng tri thức nam giới được suy tôn, đến mức nào đó còn được coi là lý tưởng(35). Bước sang thế kỷ XIX, vào thời nhà Nguyễn, lý tưởng đó đã dần dần được thực hiện và ở Việt Nam người ta cũng theo quỹ đạo của Nho giáo, suy tôn nam giới(36).

Với tình hình xã hội như vậy, lẽ đương nhiên việc giáo dục nữ giới ở Việt Nam không thể phát triển rộng khắp, nhưng cho dù nam giới được ra ngoài, được đi học, việc giáo dục nữ giới trong gia đình cũng vẫn trở nên phổ biến, song chưa thể có nền giáo dục nữ giới bao hàm trong đó cả việc rèn luyện năng lực đọc và viết(37), song theo ghi chép vào thời thực dân Pháp, vào năm 1930 ở bậc tiểu học đã có trường Nữ tử(38).

Về vấn đề này Việt Nam khá giống với Triều Tiên, nhưng ở Triều Tiên, cho dù việc giáo dục phụ nữ hoàn toàn không phát triển, nhưng người ta lại muốn Nho giáo hóa tầng lớp phụ nữ, vì thế chính phủ cũng vẫn cho xuất bản các sách đạo đức dành cho phụ nữ(39). Mặc dù ở Triều Tiên và Việt Nam đều có nhu cầu sách giáo khoa dành cho phụ nữ, nhưng các loại sách này lại không có tính thị trường. Ngược lại ở Nhật Bản, từ khoảng nửa thế kỷ thứ XVII, cùng với năng lực đọc viết của phụ nữ trong xã hội ngày một nâng cao thì cũng xuất hiện thị trường nhằm sách nhằm đáp ứng nhu cầu sách giáo khoa cho của phụ nữ. Tức là, ở Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản đều có điểm giống nhau là cùng coi trọng việc sử dụng kinh điển, đầu tiên là các sách Tứ thưNgũ kinh cho việc giáo dục nam giới, nhưng đối với phương diện giáo dục phụ nữ vẫn còn có khoảng cách.

Tác giả Phan Kế Bính, trong bài luận đăng trên Đông Dương tạp chí ấn hành vào năm 1915, ông có đề cập đến tư tưởng thâm căn cố đế của cái gọi là "tam tòng", "tứ đức", nhưng lại không phê phán mạnh mẽ nó(40). Về điểm này có thể thấy sự bảo thủ của tác giả đồng thời cũng có thể hiểu được phần nào thái độ của Nho gia. Thực ra vào thời thực dân Pháp, ở Sài Gòn và Hà Nội đều có các trường tiếng Pháp dành cho phụ nữ, năm 1907 còn thành lập trường Đông kinh Nghĩa thục cũng là trường có giờ dành cho phụ nữ, nhưng năm sau đã bị phá bỏ(41). Vì thế bài viết của Phan Kế Bính được viết ở giai đoạn giáo dục nữ giới được Pháp ngữ hóa, nên có thể hiểu được động cơ cơ phản đối của ông. Ở Nhật Bản vào cuối thế kỷ XIX, người Nhật cũng cho phát hành tạp chí dành cho phụ nữ với tư tưởng cận đại mang tính tiến bộ, tây hóa như Nữ học tạp chí 女學雜誌(ra đời vào năm 1885), song thực tế, Nhật Bản cũng như các nước Triều Tiên và Việt Nam vẫn có nhu cầu cổ xúy cho đạo đức phụ nữ truyền thống, cho nên ở Nhật vào các năm 1883, 1893, 1911, người ta vẫn cho in các sách như Nữ tứ thư và ở Triều Tiên vào năm 1907 người Triều Tiên cũng cho tái bản các sách nữ huấn.

Khác với Nhật Bản và Triều Tiên cho xuất bản các ấn phẩm dành cho phụ nữ bằng tiếng Triều Tiên và tiếng Nhật, ở Việt Nam các sách thời "cậ đại" dần dần đòi hỏi phải biết chữ quốc ngữ hoặc tiếng Pháp. Đầu tiên người ta cho xuất bản các sách nữ huấn xưa bằng chữ Quốc ngữ, ví dụ cuốn Nữ tắc 女則được xuất bản bằng chữ Nôm vào năm 1845 và 1868, sau đó vào năm 1911 lại được xuất bản tại Sài Gòn(42). Trong các sách nữ huấn mới, người ta đề cao chủ nghĩa yêu nước, coi trọng việc giáo dục phụ nữ nhưng đồng thời vẫn không bỏ tư tưởng "tam tòng".

Năm 1918, lần đầu tiên tạp chí Nữ giới chung dành cho phụ nữ được ấn hành. Không chỉ viết bằng quốc ngữ, tổng biên tập Sương Nguyệt Ánh cũng là một phụ nữ. Tuy cổ súy việc đọc các sách thời cận đại nhưng việc biết đọc chữ Hán chữ Nôm chẳng có nghĩa lý gì nếu không biết đọc chữ Quốc ngữ. Đây có thể gọi là giai đoạn cận đại hóa sách nữ huấn của Việt Nam.

* Bài viết này do Peter Kornicki và Nguyễn Thị Oanh cùng chấp bút đăng trong Tạp chí International journal of Asian sudies số 6 năm 2009, tr.147-169, Đại học Cambridge, với nhan đề The Lesser learning for women and other texts for Vietnamese women: a bibliographical and comparative study. Nhân đây, chúng tôi xin cảm ơn Đại học Cambridge đã cho phép dịch và đăng lại bằng tiếng Việt.

 

Chú thích:

(1) Dorothy Ko, Teachers of the Inner Chambers: Women and Culture in Seventeenth - Century China (Stanford: Stanford University Press, 1994), tr.54-55, Thomas H. C. Lee, Education in Traditional China: a History (Leiden: Brill, 2000), tr.468-477, và tham khảo thêm: Sherry J. Mou, Gentlemen’s Prescriptions for Women’s Lives: a Thousand Years of Biographies of Chinese Women (Armonk, NY: M. E. Sharpe, 2004), tr.79-86 .

(2) Tham khảo: Nancy Lee Swann, Pan Chao: Foremost Woman Scholar of China, first century A.D.: Background, Ancestry, Life, and Writings of the Most Celebrated Chinese Woman of Letters (New York: Century, 1932).

(3) Yamazaki Junichi: 山崎純一: Nghiên cứu tư liệu lịch sử phụ nữ Trung Quốc - nhìn từ góc độ giáo dục『(教育から見た)中国女性史資料の研究』. Nxb. Meiji shoin, Tokyo. 1986, tr.4. (東京、明治書院、1986, Tựa, tr.4.

(4) 小長谷惠吉: Nhật Bản quốc kiến tại thư mục lục giải thuyết cảo『日本國見在書目録解説稿』. Nxb. Tiểu Kiến Sơn, Tokyo, 1976. Mục lục, tr.4-10. Tham khảo thêm cuốn Nghiên cứu Liệt nữ truyện của Lưu Hướng do Hạ Kiến Long Hùng 下見隆雄biên soạn. Nxb. Đại học Đông Hải, Tokyo, 1989, tr.38-39.

(5) Katherine Carlitz, “The Social Uses of Female Virtue in Late Ming Editions of Lienü zhuan,” Late Imperial China 12.2 (1991), tr.117. Dorothy Ko, Sđd, tr.55 và Thomas H. C. Lee, Sđd, tr.468-477.

(6) Triều Tiên vương triều thực lục『朝鮮王朝實録』, Thái Tông thực lục, ngày mồng Một tháng 11 năm thứ 4 (Q8, tờ 26b). Ch’oe Yŏnmi biên soạn: “Chosŏn sidae yŏsŏng p’yŏnjŏja, ch’ulp’an hyŏmnyŏkja, tokja ŭi yŏk’hal e kwan han yŏn’gu” (Nghiên cứu về các sách do phụ nữ các thời đại của Triều Tiên biên soạn, sự hợp tác của Nhà xuất bản và vai trò của độc giả), đăng trong sách Nghiên cứu thư chí học書誌學研究, số 23. 2002, tr.136.

(7) Triều Tiên vương triều thực lục『朝鮮王朝實録』, Thành Tông thực lục, ngày mồng 8 tháng 2 năm thứ nhất. Q3, tờ 2b.

(8) Triều Tiên vương triều thực lục『朝鮮王朝實録』, Trung Tông thực lục, ngày Tân Mùi, tháng 12 năm thứ 12. Q28, tờ 22a.

(9) Lý Cơ Văn 李基文: “Naehun e taehayŏ” (Về sách Nội tắc), đăng trong sách Khuê chương các, số 10. 1987, tr.1-15; John Duncan: “The Naehun and the Politics of Gender in Fifteenth - Century Korea”, do Young - Key Kim - Renaud biên tập, đăng trong: Creative Women of Korea: the Fifteenth through the Twentieth Centuries, ed. (Armonk, NY: M. E. Sharpe, 2004) tr.26-57.

(10) Ch’oe. Sđd, tr.137. Theo Triều Tiên vương triều thực lục『朝鮮王朝實録』, Trung Tông thực lục, ngày 16 tháng 11 năm thứ 38, Q101, tờ 41b thì vào năm Trung Tông thứ 38 (1543) đã có sách Liệt nữ truyện do nhà nước in, hiện không tìm thấy.

(11) Ch’oe . Sđd, tr.137-138.

(12) Martina Deuchler, The Confucian Transformation of Korea: a Study of Society and Ideology. Cambridge, Mass.: Council on East Asian Studies, HarvardUniversity, 1992, tr.257-264.

(13) Kim Đẩu Trung 金斗鍾: Han’guk koinswae kisulsa (Lịch sử kỹ thuật in ấn thời cổ của Hán Quốc 韓国古印刷技術史). Seoul: T’amgudang, 1974, tr.218.

(14) Kanazōshi shūsei 仮名草子集成, Quyển 40. Tokyo: Tōkyōdō shuppan, 2006, tr. 287-294.

(15) Peter Kornicki: “Unsuitable Books for Women? Genji monogatari and Ise monogatari in late Seventeenth-Century Japan.” Monumenta Nipponica 60.2. 2005, tr.147-193.

(16) Shidō Bunko 斯道文庫biên soạn (Edo jidai) Shorin shuppan shojaku mokuroku shūsei (Thời đại Edo. Thư lâm xuất bản thư tịch mục lục tập thành. Số 4, Tokyo, Shidō Bunko, 1962-1964, số 1. tr.100.

(17) Sugano Noriko 菅野則子. “Onna daigaku kō” (Khảo về Nữ đại học) 女大学考, in Onna daigaku shiryō shūsei 女大学資料集成, bekkan. Tokyo: Ōzorasha, 2006.

(18) Kornicki. Sđd.

(19) Lưu Ngọc Quần 劉玉珺: “Yuenan guji kanke shulun” (Bàn luận về việc san khắc thư tịch cổ ở Việt Nam) 越南古籍刊刻述論, do Zhang Bowei 張伯偉編、Yuwai hanji yanjiu jikan域外漢籍研究集刊第一卷所收. Beijing: Chunghua shuju, 2005, tr.269-292.

(20) David Marr, Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945 (Berkeley: University of California Press, 1981), ch. 4, và John De Francis, Colonialism and Language Policy in Viet-Nam (The Hague: Mouton, 1977) .

(21) Các chữ số trong ngoặc đơn là ký hiệu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Thư viện Quốc gia. Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu. Trần Nghĩa và François Gros đồng chủ biên. 3 tập, Nxb. KHXH, H. 1993; Lưu Xuân Ngân 劉春銀, Vương Tiểu Thuẫn 王小盾 và Trần Nghĩa 陳義, đồng chủ biên cuốn Việt Nam Hán Nôm văn hiến mục lục đề yếu越南漢喃文獻目録提要 (Taipei: Zhongyang yanjiuyuan zhongguo wenzhe yanjiusuo, 2002); Ngô Đức Thọ, Thư mục sách Hán Nôm ở Thư viện Quốc gia (Hanoi: Thư viện Quốc gia, 2004).

(22) Marr. Sđd, tr.211.

(23) Ko. Sđd, tr.127. Bức tranh này rất giống với bức tranh do Trung Quốc xuất bản vào thế kỷ thứ XVII.

(24) Susan Mann, Precious Records: Women in China’s Long Eighteenth Century (Stanford: Stanford University Press, 1997), tr.28-29, và William T. Rowe, Saving the World: Chen Hongmou and Elite Consciousness in Eighteenth - Century China (Stanford: Stanford University Press, 2001), tr.426-429.

(25) AC.200, AC.570, AC.698, VHv.1529 và 1 cuốn do một người ở Tp. Hồ Chí Minh lưu giữ. Xem thêm Viet Nam News, ngày 16 tháng 4 năm 2006, tr.14. (http://vietnamnews. vnagency.com.vn/ showarticle.

(26) Marr. Sđd, tr.194. Xem thêm chú 7 sách của Marr. Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu. Sđd, Tập 2, tr.639 số 2828. Tập 3, tr.176, số 3414.

(27) Hiện tượng này rất giống với Triều Tiên. Sonja Häußler: “Kyubang Kasa: Women’s Writings from the late Chosŏn,” Young - Key Kim - Renaud biên soạn. Creative Women of Korea: the Fifteenth through the Twentieth Centuries(Armonk, NY: M. E. Sharpe, 2004), tr.148-149.

(28) Janet R. Goodwin, Bettina Gramlich -Oka, Elizabeth A. Leicester, Yuki Terazawa và Anne Walthall, “Solitary Thoughts: a Translation of Tadano Makuzu’s Hitori kangae.” Monumenta Nipponica 56 (2001), tr.174.

(29) Nội các văn khố, Tử 9-21. Trong đề là Tân khắc nữ tiểu học 新刻女小學.

(30) Về Hồ Văn Hoán xem thêm: Benjamin Elman, “Collecting and Classifying: Ming Dynasty Compendia and Encyclopedias (Leishu).” Extrême - Orient, Extrême-Occident, 2007.

(31) Cynthia J. Brokaw, Commerce in Culture: the Sibao Book Trade in the Qing and Republican Periods (Cambridge, Mass.: HarvardUniversityAsiaCenter, 2007), tr.544. Tôn Thuận Hóa孙顺华: Phân tích nguyên nhân sự phổ cập hóa các sách nữ huấn sau thời Đường Tống 唐宋以后女教读物的普及化及原因探析, Nxb. Tề Lỗ học 齐鲁学 (2005.2), tr.53. Ở trang này có đề cập đến bản Nữ tiểu học in ở nhà Thanh, nhưng Tào Đại Vi 曹大为trong Trung Quốc cổ đại nữ tử giáo dục中国古代女子教育(Beijing: Beijing shifan daxue chubanshe, 1996), tr.277-278, lại cho rằng sách in năm 1890 có lẽ là một tác phẩm khác.

(32) Shidō Bunko. Sđd, Q3, tr.140.

(33) Bản in Nữ tiểu học của Triều Tiên đăng trong Hồ Sơn toàn thư 壺山全書 (Seoul: Asia Munhwasa, 1987), Q3, tr.545-709; Lý Thụ Phượng 李樹鳳, “Hosan ŭi Yŏsohak yŏn’gu” 壺山의『女小學』研究, Hosŏ munhwa yŏn’gu Hồ Tây văn hóa nghiên cứu, số 7 (1988), tr.5-47, và số 8 (1989), tr.5-34.

(34) Yu Insun: Law and Society in Seventeenth and Eighteenth Century Vietnam (Seoul: Asiatic Research Center, Korea University, 1990), tr.55-73; Yu Insun: “Bilateral Social Pattern and the Status of Women in Traditional Vietnam,” South East Asia Research, số 7 (1999), tr.215-231; Tạ Văn Tài: “Status of Women in Traditional Vietnam: a Comparison of the Code of the Le Dynasty (1428-1788) with the Chinese codes,” Journal of Asian History, số 15 (1981), tr.97-145; Nguyễn Ngọc Huy và Tạ Văn Tài: The Lê Code - Law in Traditional Vietnam: a comparative Sino - Vietnamese Legal Study with Historical - juridical Analysis and Annotation (Athens, Ohio: Ohio University Press, 1987), Q1, tr.177-190, Q2, tr.165-88.

(35) John K. Whitmore: “Gender, State, and History: the Literati Voice in Vietnam,” Barbara Watson Andaya biên soạn. Other Pasts: Women, Gender and History in Early Modern Southeast Asia (Honolulu: Centre for Southeast Asian Studies, University of Hawai‘i at Mânoa, 2000), tr.215.

(36) Whitmore. Sđd; Shawn Frederick McHale, “Printing and power: Vietnamese debates over women's place in society, 1918 - 1934,” K.W. Taylor và John K. Whitmore: Essays into Vietnamese Pasts (Ithaca, N.Y.: Southeast Asia Program, Cornell University, 1995), tr.173-194.

(37) Đỗ Thị Hảo: Sách gia huấn và vấn đề giáo dục gia đình theo quan niệm của các nhà Nho Việt Nam; Trịnh Khắc Mạnh và Phan Văn Các: Nho giáo ở Việt Nam (Nxb. KHXH, H. 2006), tr.225-234; Nguyễn Hữu Mùi: Vài nét về tình hình giáo dục nho học ở cấp làng xã qua tư liệu văn bia, Trịnh Khắc Mạnh và Phan Văn Các, tr.345-360; Phan Kế Bính -tác giả; Nicole Louis-Hénard biên tập: Việt Nam phong tục (Moeurs et coutumes du Vietnam), số 1 (Paris: École française d’Extrême - Orient, 1975), tr.9.

(38) Marr. Sđd, tr.206.

(39) Deuchler. Sđd, tr.257-259.

(40) Phan Kế Bính. Sdd.

(41) Tran My-van: A Vietnamese Scholar in Anguish: Nguyễn Khuyến and the Decline of the Confucian Order, 1884-1909, (Journal of Southeast Asian Studies Special Publications Series No.2; National University of Singapore, 1992), tr.43-44; Marr. Sđd, tr.200. Susan Bayly, Asian Voices in a Postcolonial Age: Vietnam, India and Beyond (Cambridge: Cambridge University Press, 2007), tr.40-41.

(42) Le Thi Ngoc Anh: Catalogue du fonds vietnamien 1890-1921 (Paris: Bibliothèque Nationale, 1987), tr.73-74. Bản Nữ tắc in năm 1911 hiện lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Paris.

(43) Marr. Sđd, tr.206-207.

 

Peter Kornicki, GS.Đại học Cambridge, Anh quốc

Nguyễn Thị Oanh, PGS.TS. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 6(103) 2010; Tr.23-36

Thông tin truy cập

63670575
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14293
17595
63670575

Thành viên trực tuyến

Đang có 618 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website