Đào Trí Phú và hai bài văn bia được phát hiện tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai

20180514 Dao Tri Phu

Văn bia khắc dựng ở mộ của thân phụ Đào Trí Phú

Đào Trí Phú (?-1854), hiệu là Giới Tử, sinh tại làng Phước Kiển, thuộc Long Thành, dinh Trấn Biên (nay thuộc xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), xuất thân trong gia đình quan lại. Ông nội ông từng giữ chức Thị giảng Học sĩ. Cha ông tên thụy là Hiến Tĩnh (không rõ tên thật), làm quan trải đến chức Trung nghị đại phu Thái bộc tự khanh, tòng Tam phẩm dưới thời chúa Nguyễn. Mẹ ông họ Lê, sau khi bà mất được phong Thục nhân(1).

Đào Trí Phú là một trong các nhân vật lịch sử có số phận thăng trầm của đất Đồng Nai. Ông là người trong số ít người đỗ kỳ thi Hương tại Gia Định năm 1825 cùng khoá với Phan Thanh Giản, người sau này cũng có một kết thúc bi hùng. Đào Trí Phú là nhân vật lịch sử vừa có công vừa có tội đối với chính quyền triều Nguyễn. Trên phương diện chính trị, kinh tế xã hội, Đào Trí Phú có công trong việc tham mưu, xếp đặt, mở ra nhiều vấn đề cho một triều Nguyễn, nhưng với xu thế đang đi vào con đường lạc hậu so với các nước khác, nhà Nguyễn vẫn chưa nhìn thấy được hết những tiến bộ của thế giới bên ngoài. Đào Trí Phú là người mua tàu thuỷ chạy bằng hơi nước về cho triều đình, người đặt mối quan hệ buôn bán hàng hoá với người Tây dương, là người đi công cán nước ngoài bằng đường biển khá nhiều; tham gia việc đón tiếp các phái đoàn bang giao Trung Quốc, Hoa Kỳ..; tham gia công tác nông nghiệp; từng giữ chức Thuỷ sư và tham gia phòng vệ chống quân thuyền Pháp… Trên phương diện văn hoá văn nghệ, Đào Trí Phú tuy không có đóng góp lớn cho văn hoá văn nghệ của triều Nguyễn, nhưng cũng được dự một chân trong hàng các văn thần của vua Thiệu Trị(2), tham gia làm chủ khảo thi Hương, làm Tổng tài biên soạn gia phả triều đình…

Đào Trí Phú giữ nhiều chức vụ quan trọng trải ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, cuối cùng phải chịu kết cục khá bi thảm. Trong chốn quan trường, Đào Trí Phú không dưới hai lần bị vua cho là người có học thức nông cạn, quê kệch và thuyên chuyển công tác(3). Nhưng cũng không ít lần nhà vua hỏi ý kiến và làm theo lời ông, đồng thời nhiều lần sai ông đi công cán khắp nơi, có đóng góp cho triều đình.

Ông được đề cử vào nhiều cương vị khác nhau, tuy không thể nói ở cương vị nào cũng có những đóng góp tích cực, song điều đó cho thấy tính chất năng động của con người vùng Nam bộ luôn ứng biến và xử lý các tình huống khác nhau như những tiền nhân của vùng đất này.

1. Tiểu sử Đào Trí Phú qua sử liệu triều Nguyễn

1.1. Dưới thời vua Minh Mạng

Sử liệu triều Nguyễn chủ yếu từ bộ Đại Nam thực lục ghi chép sự kiện liên quan đến Đào Trí Phú. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), ông thi đỗ Cử nhân tại trường thi Hương Gia Định(4). Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), Đào Trí Phú đang giữ chức Tu soạn Nội các được sai đi thuyền đến đất Lữ Tống làm việc công, nhưng vì ngược gió đi không được phải đưa thuyền đi xuống phía nam đến Giang Lưu Ba(5). Hai năm sau (1832) được thăng làm Lang trung Bộ Lại và giữ quyền làm công việc Bộ Lễ. Tháng 5 năm 1834, trong đợt thăng chức cho các quan lại, Đào Trí Phú cũng được thăng từ Lang trung Bộ Lại lên Thự Thái bộc tự khanh, biện lý công việc Bộ Hộ. Năm sau (1835), Đào Trí Phú chuyển làm Hữu Thị lang Bộ Hộ, sau đó quyền kiêm Ấn triện ty Thông chính sứ, lại kiêm cả công việc Phủ doãn phủ Thừa Thiên. Năm 1836, Đào Trí Phú được vua Minh Mạng sai đi đón tiếp đoàn thuyền đầu tiên của Hoa Kỳ. Bấy giờ binh thuyền Ma Li Căn (Hoa Kỳ) đậu ở vũng Trà Sơn thuộc Đà Nẵng, Quảng Nam, mang quốc thư xin vào chầu. Quan tỉnh đó đem việc tâu lên, sau khi dò hỏi ý Đào Trí Phú và Hoàng Quýnh về tình hình, vua Minh Mạng sai Đào Trí Phú cùng với Thị lang Bộ Lại Lê Bá Tú, làm thuộc viên Thương bạc, đến tận nơi uý lạo thăm hỏi, nhưng viên thuyền trưởng do bị bệnh nên họ không gặp được.

Về chuyện viên thuyền trưởng binh thuyền Ma Li Căn có thật do bệnh để không tiếp phái đoàn của Đào Trí Phú hay vì lý do “tình ý giả dối” “không có lễ nghĩa” như quan lại triều Nguyễn nghi ngờ? Theo tài liệu của Thái Văn Kiểm, sử sách phương Tây có ghi lại việc này như sau:

Edmund Robert đã thọ bịnh từ lúc hãy còn ở bên Xiêm và chết ngày 12-6-1836 tại Mã Cao, một hải phố Trung Hoa thuộc Bồ Đào Nha.

Viên chỉ huy trưởng Kennedy của thuyền “Peacock” gửi về bộ Hải quân Hoa Kỳ bản cáo trình, trong đó có câu: “Chúng tôi phải ở lại 8 ngày tại vịnh Đà Nẵng; nhưng vì chứng bịnh quá nặng của ông Robert, không làm gì được ở đây cả, chúng tôi phải rời hải cảng này vào ngày 21 tháng 5(6).

Năm 1837, Thị lang Bộ Hộ là Đào Trí Phú quyền làm công việc Bộ Lễ thay cho Biện lý Bộ Lễ là Nguyễn Viễn Du bị ốm được vua cho nghỉ phép về quê dưỡng bệnh. Nhưng không lâu Đào Trí Phú lại được chuyển về Bộ Hộ.

Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), Đào Trí Phú được giao chức Phó Tổng tài tham gia biên chép Ngọc điệp (gia phả nhà vua). Cũng trong năm này ông được bổ nhậm chức Hữu Tham tri Bộ Hộ, còn Phan Thanh Giản, thự Hữu Thị lang Bộ Hộ sung Cơ mật viện đại thần. Năm 1838, triều đình nhà Nguyễn đặt chức Hiệp lý Kinh kỳ thuỷ sư, Đào Trí Phú được đổi bổ Hữu Tham tri Bộ Hộ sang làm Tả Tham tri Bộ Binh, đồng thời làm công việc thuỷ sư ở kinh kỳ. Sau đó ông lại được làm chánh biện thuyền Thuỵ Long phái đi Giang Lưu Ba làm việc công.

Ít lâu sau đó, vua lại cho Tả Thị lang Bộ Hộ Lê Văn Đức đổi sang Tả Thị lang Bộ Binh thay Đào Trí Phú coi việc thuỷ sư ở Kinh kỳ.

Nhưng khi có việc sai đi công cán ở nước ngoài thì Đào Trí Phú cũng được sai phái đi, và trong những chuyến đi đó, Đào Trí Phú đã mua thuyền chạy bằng máy hơi nước của Tây dương dâng lên cho vua.

1.2. Dưới thời vua Thiệu Trị

Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), sứ giả Thanh triều là Bảo Thanh đến ải Nam Quan. Đào Trí Phú được phong làm hậu mệnh sứ đi đón sứ Thanh triều. Sau khi làm lễ sách phong xong, vua lại sai Đào Trí Phú đưa tiễn Bảo Thanh ra cửa ải.

Cũng trong năm này, Đào Trí Phú được sung làm Chủ khảo kỳ thi Hương ở trường thi Thừa Thiên, trong kỳ thi này lấy đỗ 56 Cử nhân (trường Thừa Thiên lấy đỗ 38 người và trường Nghệ An lấy đỗ 18 người), Phạm Phú Thứ đỗ đầu trong kỳ thi này tại trường thi Thừa Thiên.

Năm sau (1843), vua sai nguyên Tả Tham tri Bộ Hộ Đào Trí Phú sung chức Chánh biện thuyền Phấn Bằng cùng một số viên quan khác đưa những người hiệu lực là Hà Văn Trung, Cao Bá Quát đi Giang Lưu Ba, rồi sau đó ông còn đi Tân Gia Ba(7).

Sau lần đi công cán này, Đào Trí Phú lại mua về một chiếc thuyền hơi nước lớn hơn, chạy nhanh hơn cả ngựa nên được vua ban cho hiệu là Điện phi, trị giá hơn 280.000 quan tiền. Sau đó, Đào Trí Phú lại bị dính vào việc làm thâm lạm công quỹ, bị phạt giáng ba cấp vì trong những chuyến đi đó, theo lời của những kẻ tố cáo, thì gia tài của Đào Trí Phú có đến hàng vạn bởi Đào Trí Phú có tâm kế, thông hiểu tiếng nước ngoài, trước sau nhiều lần được phái sang Tây.

Mặc dù vậy, những lần phái đi công cán nước ngoài vẫn phải cho Đào Trí Phú tham gia với cương vị phó. Năm 1844, cho Tham tri Bộ Hộ là Đào Trí Phú sung Phó biện thuyền Phấn Bằng đi Giang Lưu Ba… để thao diễn đường thủy và nhân tiện tìm mua các vật hạng.

Đến năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), nhân việc hai thuyền của Pháp do Đại tá Lapierre giữ quyền tư lệnh quân đội viễn chinh neo đậu ở cửa biển Đà Nẵng, dâng quốc thư lên vua Thiệu Trị để phản kháng việc cấm đạo Gia Tô, các quan ở tỉnh Quảng Nam tấu lên, triều đình sai Lý Văn Phức đến để xử lý nhưng không giải quyết được gì, bèn về kinh chịu tội. Sau khi Lý Văn Phức đi khỏi, người Pháp còn đi lên bờ, thường lại qua các xóm làng. Đồng thời có những biểu hiện khiêu khích: “những thuyền quân đi tuần biển bị chúng bắt giữ lại ở cửa biển. Có 5 chiếc thuyền bọc đồng ở Kinh phái đi Nam (Kim Ưng, Phấn Bằng, Linh Phượng, Thọ Hạc, Vân Bằng) chưa ra biển, còn đậu lại ở vụng Trà Sơn cùng đối diện với thuyền Tây dương, cũng bị chúng sấn đến cướp lấy buồm thuyền và dây buộc thuyền. Những người trông coi các hiệu thuyền là thự Phó vệ uý Lê Văn Pháp, Suất đội Nguyễn Tri, Nguyễn Quyến, Nguyễn Hy, Lê Tần, đều bỏ neo giữ chặt, báo đến Kinh.” Vua Thiệu Trị “sai ngay Đô thống Hữu quân Mai Công Ngôn, Tham tri Bộ Hộ Đào Trí Phú đem biền binh 3 vệ Vũ lâm, Hổ oai, Hùng nhuệ đều đến ngay chỗ cửa biển, từ tuần phủ trở xuống đều phải nghe lệnh điều khiển của Mai Công Ngôn.” Đồng thời vua còn cho người đến tỉnh Quảng Nam để phòng thủ, phái thêm bốn chiếc thuyền đồng chạy đến bể phận Sơn Trà để tiếp ứng, và còn truyền chỉ cho Mai Công Ngôn và Đào Trí Phú rằng: “Người Tây dương nếu đã sợ uy, thu hình, thì ta không nên tự động thủ trước; nếu chúng sinh chuyện trước, thì đốc sức thành đài cùng biền binh các hiệu thuyền và thuyền đồng do Kinh phái đi, ngoài hợp, trong ứng, lập tức đánh giết không để sót mống nào. Những nơi ven vụng thuyền, phải nghiêm gia phòng thủ, không cho tự tiện vào các thôn xã; lại nghiêm cấm những người theo đạo Gia Tô ở hạt sở tại, không được đi lại dòm ngó để tuyệt tăm hơi”. Dù thế, vua Thiệu Trị cũng lo lắng hỏi các quan đại thần trong Viện cơ mật: “Thuyền Tây dương đến đây có ý gì? Bọn Mai Công Ngôn đi chuyến này, các ngươi liệu xem ra thế nào?”. Trương Đăng Quế thưa rằng: “Người Tây dương sở cầu, chẳng qua chỉ được thông thương mà bỏ điều cấm mà thôi, không có lẽ chỉ có 2 cái thuyền mà dám từ xa đến gây việc, Đào Trí Phú quen biết Man tình, cùng chúng đối đáp, tưởng cũng không phải dùng đến quân. Nếu chúng sinh chuyện ra trước, thì chúng trái, ta phải tiêu diệt cũng không khó gì”. Hà Duy Phiên thưa rằng: “Thuyền của Tây di không đáng lo, duy có thuyền đồng của ta đóng chặt ở nơi vụng thuyền, chỗ ấy là phải để tâm lo nghĩ!” Vua nói rằng: “Nguyễn Đình Tân không nắm vững được tình hình, trong bụng vẫn run sợ, tuy lời tâu không khỏi hoang mang, nhưng không thể không phòng bị được”.

Ngoài mặt Mai Công Ngôn vờ thân thiện với người Tây dương, nhưng bên trong thì hẹn ngầm ngày đánh úp chúng. Không may, chuyện bị lộ, người Pháp liền giả vờ đến xin hoà chỗ thuyền của Đào Trí Phú. Đào Trí Phú tưởng thật, không có hành động nào. Ngày hôm sau thì bị quân Pháp tấn công, đánh chìm 5 tàu đồng và rất nhiều quan quân triều Nguyễn bị chết, sau trận đó, thuyền quân Pháp nhổ neo đi. Cũng bởi việc này, nhiều quan phải bị tội chém đầu, trảm giam hậu, cách chức, giáng phạt. Lý Văn Phức bị cách chức, Mai Công Ngôn bị giáng xuống làm Chưởng vệ, Đào Trí Phú bị giáng xuống làm Lang trung.

Thất bại trong trận phòng thủ ở vũng Sơn Trà, Quảng Nam lần trước, vua Thiệu Trị chú ý đến việc lập phòng tuyến bảo vệ tại đây. Cùng năm đó, đặt chức Tổng đốc Nam - Ngãi và Bố chính Quảng Nam. Cho Chưởng vệ Tân Lộc Tử Mai Công Ngôn làm Tổng đốc Nam - Ngãi, Lang trung Đào Trí Phú được phong thự Bố chính Quảng Nam.

1.3. Dưới thời Tự Đức

Năm Tự Đức thứ nhất (1848), Quang lộc tự khanh Đào Trí Phú bấy giờ đang Lãnh chức Bố chính tỉnh Quảng Nam bị dân tỉnh Quảng Nam gửi đơn kiện, trong đơn phần nhiều có liên can đến ông. Vua giận, cách chức Đào Trí Phú, giao cho Bộ Hộ nghiêm bàn tội và sai Hồng lô tự khanh biện lý Bộ Hộ là Mai Đức Thưởng đến nơi tra xét. Sau đó, Đào Trí Phú bị tội nhận của đút phải xử mãn trượng đồ.

An Phong công là Hồng Bảo mưu khởi nghịch vào năm Tự Đức thứ 7 (1854), bị bắt giam, rồi tự thắt cổ ở nơi giam; con trai, con gái Hồng Bảo và người dự mưu cho Hồng Bảo trước đây là Tôn Thất Bật (đã chết), đều bị tước bỏ tên trong sổ Tôn nhân; Đào Trí Phú bấy giờ cũng đang bị cách chức nhưng cũng có liên can, phải bị tội lăng trì xử tử; các phạm nhân đều bị tịch thu gia sản và bắt cả thân thuộc.(8)

Con của Đào Trí Phú là Đào Trí Mỹ sau đó cũng bị khép vào tội xử lăng trì trong cuộc điều tra của Bùi Quỹ về việc tôn giặc ở Sơn Tây là Lê Duy Hòa làm minh chủ, nhưng dường như đã bỏ trốn được, bởi trong Đại Nam thực lục có ghi chép, bất kể là quan hay dân, ai “bắt sống được Cao Bá Phùng, Cao Bá Nhạ, Đào Trí Mỹ, Hồ Đình Thành đều thưởng 30 lạng, chém được đều 20 lạng”(9). Trong đó, Cao Bá Phùng là con của Cao Bá Quát, Cao Bá Nhạ là con của Cao Bá Đạt.

2. Hai bài văn bia của Đào Trí Phú vừa được phát hiện

Thơ văn của Đào Trí Phú đến nay vẫn chưa có điều kiện để sưu tập lại. Đó là điều đáng tiếc để tìm hiểu và đánh giá tài năng văn chương của ông.

Trong đợt sưu tầm tư liệu Hán Nôm tại Đồng Nai, chúng tôi được giới thiệu đến khu mộ song thân của Đào Trí Phú, hiện toạ lạc ở xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Hai ngôi mộ qua năm tháng đã bị cát vùi lấp, hiện chỉ còn thấy bức tường bao quanh ngôi mộ bị đổ nát. Tại đây vẫn còn hai tấm bia bằng đá cẩm thạch, trên mỗi bia đều có khắc bài văn. Tấm bia cụ ông bên trái, ẩn trong cỏ; bia cụ bà nằm bên phải, lấp trong cỏ dại và lùm cây gai. Cả hai tấm bia trán đều chạm trổ hoa văn trang trí đẹp mắt. Chữ khắc khá sâu, vẫn còn rõ ràng mặc dù rêu phong qua nhiều năm tháng.

Đào Trí Phú viết hai văn bia này vào năm Thiệu Trị thứ nhất (1841). Có thể thấy, từ năm 1838 đến 1847 là quãng thời gian khá đắc chí của Đào Trí Phú, được vua Minh Mạng ban phong thuỵ hiệu cho cha mẹ ông (năm Minh Mạng thứ 19, 1839), hai năm sau (1841) thì ông làm bài minh khắc để ở mộ song thân.

Nội dung hai bài văn bia trên bia mộ song thân phần nào cho thấy cuộc sống của gia đình ông thời bấy giờ, đồng thời ca ngợi công lao và phẩm đức của cha mẹ, thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ bằng lối viết khá nhuần nhuyễn và linh hoạt.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu nội dung hai bài văn bia viết cho song thân ông coi như một bằng chứng về văn chương trong khi chờ đợi sưu tầm thêm những tác phẩm khác của Đào Trí Phú.

2.1. Bài văn bia khắc dựng ở mộ của thân phụ Đào Trí Phú

先考憲靜府君乃先祖考侍講學士端諒府君之第二子

也.少有從學,中興初,投筆從軍,親領一隊隸為軍鋒,大定之後,以親老得請休,養眾子不許作業,只教讀書.本處人多非之.迨三子並預科場,六男皆有成立兒處人皆智之,又皆效之.嗚呼罔極之恩於何云補.七十一歲壽終于家.明命十九年八月日,欽奉誥贈中議大夫太僕寺卿,謚憲靜.妣三品淑人,富不才何能得此.此皆我先考之德力所致也.謹因重孫調告仍述其事而銘之曰:其根深者其葉茂,其積厚者其流光,忠於君者可以孝於親,而成於家者可以風於鄉.噫吾父之德始雖掩而終必彰,所謂吉人者天相,而積善者餘慶.我後人其佩服家訓而不可忘.

紹治元年歲次辛丑十月吉日

介子富稽首銘

Dịch nghĩa:

Cha tôi Hiến Tĩnh là con trai thứ hai của ông nội tôi [từng giữ chức] Thị giảng Học sĩ hiệu Đoan Lượng. Thuở nhỏ cha theo việc học hành, đầu năm Trung hưng, xếp bút nghiên theo việc quân, từng lãnh một đội quân tiên phong, sau khi thiên hạ được bình định, vì tuổi già nên được cho về nghỉ. [Cha] nuôi dạy các con mà không cho [các con] theo làm nghề, chỉ bảo con cái học hành. Người trong làng phần nhiều cho việc đó là sai. Đến khi ba đứa con trai đều được dự khoa trường, sáu con thành tựu, thì người trong làng mới đều cho là đúng đắn, rồi cùng bắt chước theo. Than ôi, ơn cha sâu rộng biết làm sao báo đáp! Năm 71 tuổi cha mất tại nhà. Ngày… tháng 8 năm Minh Mạng thứ 19 (1839), khâm phụng cáo sắc ban tặng hiệu Trung Nghị đại phu Thái bộc tự khanh, tên thuỵ là Hiến Tĩnh. Mẹ tôi cũng được ban làm Tam phẩm Thục nhân. Phú tôi bất tài, đâu làm gì để có thể được như thế. Đó đều do đức độ của cha đưa đến thôi vậy. Cẩn nghĩ vì để khuyên bảo con cháu sau này, nên bèn thuật lại chuyện của cha mà làm bài minh, rằng: cội rễ sâu thì lá tốt, tích đức dày thì rạng rỡ đời đời, trung với vua thì có thể hiếu với mẹ cha, mà thành đạt trong nhà mới có thể làm thơm làng xóm. Ôi, công đức của cha tôi lúc đầu tuy bị che lấp nhưng sau cùng lại được rỡ ràng, đó gọi là người tốt thì trời giúp, làm thiện thì an vui. Kẻ sinh sau như tôi luôn bội phục lời cha dạy mà chẳng thể quên được.

Ngày lành tháng 10 năm Tân Sửu, Thiệu Trị thứ nhất (1841).

Giới Tử là Phú cúi đầu lạy viết bài minh.

2.2. Bài văn bia khắc dựng ở mộ thân mẫu Đào Trí Phú

先妣淑人黎氏,先考中議大夫太僕寺卿憲靜府君正配也.妙歲于歸,琴瑟甚諧.先大夫從軍日,先淑人甫生三兒,井臼躳操膝下代養,不幸不得歡于先後,擕兒寄于野店,群牧為之小築,以蔽風寒,又為之闢囿栽芙作度活計,翹室飄揺,辛勤備至,積分守寸幸不至于阽危.迨粟薪征還而居然素封矣.先淑人壽終四十五歲.先大夫感其誼為之,不忍再娶.明命十九年八月日,欽奉誥贈三品淑人.富幼年失恃,每聆先大夫道之,心腸欲絕.今憑託慈靈,國恩逮及,風木之感,愴戚無常.謹因重孫調告仍述其事,而為之銘曰:野店凄凄,小屋無扉,群牧鬧,諸兒啼,芙葉爰長,荒徑成蹊,手執懿筐,寘彼周行,嗟我征夫,道悠且長,鳴鳩在桑,其子三兮,淑人塞淵,其儀暗兮,式如金兮.

紹治元年歲次辛丑十月吉日

介子富稽首銘

Dịch nghĩa:

Mẹ tôi Thục nhân họ Lê, là vợ của cha tôi Trung Nghị đại phu Thái bộc tự khanh thuỵ hiệu Hiến Tĩnh. [Mẹ] lúc tuổi trẻ về nhà chồng, vợ chồng chung sống rất hoà hợp. Ngày cha tòng quân, mẹ nuôi dạy ba đứa con, tự mình vất vả coi sóc việc nhà, thay chồng nuôi nấng, chẳng may không được cùng chồng vui vầy sau trước, rồi mẹ dẫn con cái gửi thân nơi nhà hoang, là căn nhà nhỏ mà những người chăn trâu dựng nên, để che gió mưa giá lạnh, lại tạo một khu vườn trồng sen làm kế sinh nhai qua ngày, căn nhà liêu xiêu, khó nhọc cần lao hết mực, tích góp từng li từng tí may mà không đến nỗi nguy khốn. Đến lúc chồng đi xa trở về mới được ban phong hiệu vậy. Mẹ mất năm 45 tuổi. Cha tôi cảm khái trước tình cảm của vợ nên không nỡ đi bước nữa. Ngày… tháng 8 năm Minh Mạng thứ 19 (1838), khâm phụng cáo tặng Tam phẩm Thục nhân. Phú tôi tuổi còn nhỏ đã mất đi chỗ nương cậy, mỗi lần nghe cha nói đến, lòng đau như muốn đứt từng khúc ruột. Nay nhờ hồn mẹ, ơn nước soi đến, con muốn dưỡng nuôi thì mẹ đã không còn, đớn đau thay cõi vô thường. Cẩn nghĩ vì để khuyên bảo con cháu sau này, bèn thuật lại chuyện của mẹ mà làm bài minh, rằng: nhà hoang lạnh lẽo, phòng không cửa cài, kẻ chăn trâu ồn ã, các con thơ khóc la, lá sen mọc đầy, đường hoang nên lối, tay ôm chiếc giỏ, để ở đường kia, than chồng đi xa, đường dài thăm thẳm, thi cưu kêu ở nhành dâu, mà con của nó chỉ vừa ba con, thục nhân tâm ý sâu xa, dung nghi trầm lặng như là vàng mươi.

Ngày lành tháng 10 năm Tân Sửu, Thiệu Trị thứ nhất (1841)

Giới Tử là Phú cúi đầu lạy viết bài minh.*


Chú thích:

Bài viết có sử dụng tư liệu bản rập văn bia sưu tầm tại Đồng Nai từ Dự án Xây dựng Phòng nghiên cứu và sưu tầm di sản Hán Nôm của Trường ĐH KHXH&NV-TPHCM.

(1). Xem nội dung bài văn bia ở dưới.

(2). 18 từ thần của vua Thiệu Trị là: Đại Học sĩ Trương Đăng Quế, Đặng Văn Thiêm, Thượng thư Lâm Duy Thiếp, Tả Phó Đô ngự sử Phan Thanh Giản, Tham tri Nguyễn Đức Hoạt, Đào Trí Phú, Lý Văn Phức, Bùi Quỹ, Nguyễn Văn Điển, Phạm Thế Hiển, Hoàng Tế Mỹ, Thị lang Nguyễn Trạch, Phạm Khôi, Trương Quốc Dụng, Nội các Nguyễn Đức Chính, Vũ Phạm Khải, Nguyễn Cửu Trường, Lê Chân. (Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 6, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, 2004, tr.825).

(3). Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 4, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, 2004, tr.34 và tập 5, tr.525.

(4). Trường Gia Định lấy đỗ 15 người: Trương Phúc Cương, Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Hy, Nguyễn Công Nghị, Nguyễn Hậu Tiến, Nguyễn Tòng Chính, Lê Văn Trung, Vương Hữu Quang, Trần Quang Tiến, Đinh Hưng Thiệu, Đặng Văn Chính, Phạm Quang, Nguyễn Nguyên, Đào Trí Phú, Phạm Duy Trinh. (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, 2004, tr.438).

(5). Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 3, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, 2004, tr.94-95. Lữ Tống: tức Luzon, hải đảo lớn nhất nằm ở miền Bắc của Philippines. Giang Lưu Ba: có nơi cho là Kelapa / Batavia thuộc Indonesia, có nơi cho là Jakarta, Indonesia.

(6). Theo Lương Văn Lựu, Biên Hoà sử lược toàn biên, quyển 2, 1973, tr.160.

(7). Tân Gia Ba: tức Singapore. Đại Nam thực lục, tập 6, sđd., tr.552-553,

(8). Đại Nam thực lục, tập 7, sđd., tr. 303. Theo Lương Văn Lựu, thì Đào Trí Phú bị thủ tiêu tại Diên Khánh, Nha Trang… Con trai ông tự đổi họ Đào sang họ khác để tránh sự liên luỵ, đến đời cháu mới xin đổi lại họ Đào… Xin xem thêm Biên Hoà sử lược toàn biên, sđd., tr.163-164.

(9). Đại Nam thực lục, tập 7, sđd., tr.613.

Thư mục tham khảo:

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1-7, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, 2004.

2. Lương Văn Lựu, Biên Hoà sử lược toàn biên, quyển 2, Tác giả tự xuất bản, 1973.

3. Khổng Tử, Kinh Thi, Tạ Quang Phát dịch, Nxb. Văn học, 2004.

 

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2012tr.779-792.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60515964
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7475
12997
60515964

Thành viên trực tuyến

Đang có 274 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website