So sánh nghĩa biểu trưng của các cặp biểu tượng sóng đôi trong ca dao và trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

20201213 11

Tranh: “... Trăng tà về Tây. Mịt mù dặm cát, đồi cây. Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giày cầu sương”,

tác giả: họa sĩ Lương Xuân Nhị

Đặt vấn đề

Nghiên cứu biểu tượng (symbol) là một công việc đã được thực hiện từ rất lâu trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu của các nước trên thế giới ở nhiều ngành nghề khác nhau, nhằm tìm hiểu quá trình biểu tượng hóa các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan và đồng thời giải mã ngược lại ý nghĩa ẩn dụ của những sự vật hiện tượng đã hóa thành biểu tượng. Theo Từ điển biểu tượng thì “những gì được gọi là biểu tượng khi nó được một nhóm người đồng ý rằng nó có nhiều hơn một ý nghĩa là đại diện cho chính bản thân nó”[1]. Và Từ điển Tiếng Việt cũng cho rằng biểu tượng có hai nghĩa, theo nghĩa thứ nhất thì biểu tượng là những “hình ảnh tượng trưng”, còn nghĩa thứ hai thì biểu tượng là “hình thức của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt”[2]

 Có thể nói thơ ca là một loại hình nghệ thuật được sáng tạo nên bởi một hệ thống các biểu tượng, cả thơ ca dân gian truyền thống lẫn thơ ca thành văn, càng lùi dần về quá khứ, hệ thống biểu tượng được sử dụng trong thơ ca càng dày đặc, vì thế luôn cần sự giải mã, định nghĩa, chú thích biểu tượng trong thơ ca của một nhà thơ hay của cả một thời đại. Ca dao Việt Nam cũng là nền thơ ca chứa đầy biểu tượng, có tính truyền thống và quen thuộc đến nỗi mà mỗi người Việt Nam khi đọc đến các biểu tượng trong ca dao đều hiểu ý nghĩa ẩn dụ của nó là dùng để tượng trưng cho một sự vật và hiện tượng nào khác không phải là chính nó. Chẳng hạn như nhắc đến biểu tượng con cò, cánh cò, người đọc sẽ hiểu ngay đó là hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn, chịu thương chịu khó, cần cù chăm chỉ lao động hay người mẹ với tình yêu thương con và lòng hy sinh vô bờ bến… Biểu tượng trong ca dao truyền thống được xây nên bởi một hệ thống ngôn từ nghệ thuật, dựa vào những quy ước chung của cả cộng đồng về các ý niệm mà những ngôn từ đó tượng trưng, không chỉ tượng trưng cho sự vật hiện tượng có thể nhìn thấy được mà còn tượng trưng cho cả những ý niệm trừu tượng trong tư duy thẩm mỹ, hay tư tưởng, cảm xúc của con người ở nhiều thế hệ thuộc cộng đồng dân tộc. Các biểu tượng trong ca dao là những hình tượng nghệ thuật ẩn dụ đã được hình thành từ rất lâu đời, được sử dụng trở đi trở lại trong kho tàng ca dao của cả ba miền đất nước, được cả cộng đồng chấp nhận và đều chứa đựng những ý nghĩa biểu trưng bền vững, có thể nhiều hơn một ý nghĩa nhưng tồn tại độc lập và không gây cách hiểu nhầm lẫn, không gây tranh luận dù xuất hiện trong bất kỳ vùng miền nào. Nguyễn Xuân Kính trong Thi pháp ca dao đã định nghĩa: “Biểu tượng là nhóm hình ảnh cảm xúc tinh tế về hiện thực khách quan, thể hiện quan niệm thẩm mĩ, tư tưởng của từng nhóm tác giả, từng thời đại, từng dân tộc và từng khu vực cư trú”. Đồng thời những biểu tượng này đã  “hình thành trong một quá trình lâu dài, có tính ước lệ và bền vững. Biểu tượng là cái nhìn thấy được mang một ký hiệu dẫn ta tới cái không nhìn thấy được. Biểu tượng là vật môi giới giúp ta tri giác cái bất khả tri giác”[3].

Từ những khái niệm và định nghĩa về biểu tượng nêu trên, chúng tôi chọn ra một vài cặp biểu tượng truyền thống thường xuyên xuất hiện trong ca dao Việt Nam với nghĩa biểu trưng ổn định, quen thuộc với cách hiểu của đại đa số quần chúng nhân dân nhằm so sánh nghĩa biểu trưng của chúng có tương đồng hay không tương đồng với cũng cùng những biểu tượng đó đã được Nguyễn Du vận dụng trong quá trình sáng tạo nên kiệt tác truyện Kiều của ông. Đây là các hình tượng nghệ thuật được nhà thơ sử dụng một cách ước lệ, phiếm chỉ, nhằm để biểu đạt cho một hình ảnh khác với hình ảnh ẩn dụ được chọn làm biểu tượng. Phần lớn các biểu tượng nghệ thuật xuất hiện trong truyện Kiều là những biểu tượng truyền thống mà chúng ta đã bắt gặp từ rất lâu đời trong kho tàng diễn xướng dân gian của dân tộc, là những hình ảnh tượng trưng cho các hình tượng và chứa đựng các ý nghĩa truyền thống được cả dân tộc chấp nhận và sử dụng rộng rãi. Các biểu tượng này, ngoài kho tàng ca dao ta còn thấy xuất hiện nhiều trong thơ ca bác học, đặc biệt là văn thơ của các nhà nho thời trung đại. Nhóm các biểu tượng mà chúng tôi nhận thấy xuất hiện liên tục trong truyện Kiều là nhóm biểu tượng thuộc hình ảnh của thế giới tự nhiên như trời, trăng, mây, gió, núi, sương... nhóm các biểu tượng thuộc thế giới động vật như ong, bướm, phượng, loan, uyên, thúy, yến, anh, quyên, nhạn, én... và cuối cùng đông đảo nhất là nhóm các biểu tượng thuộc thế giới của các loài thực vật như tùng, cúc, trúc, mai, sen, bèo, nhài, trà mi..

Tất nhiên trong ca dao cũng như trong Kiều của Nguyễn Du, ý nghĩa tiềm tàng mà các biểu tượng nghệ thuật này được chọn làm biểu trưng không phải là để đại diện cho chính bản thân nó hay thế giới khách quan mà nó đang tồn tại. Mà các hình tượng nghệ thuật thuộc thế giới tự nhiên và thiên nhiên ấy lại được các tác giả dân gian và đại thi hào Nguyễn Du dùng để phiếm chỉ đến thế giới con người, đến các hoạt động và trạng thái tình cảm cảm xúc của con người. Chẳng hạn như để chỉ lứa đôi hay khách phong tình… thì cả ca dao lẫn Kiều đều dùng trúc mai, loan phượng, yến anh, bướm ong; còn để chỉ thân phận nhỏ bé, yếu đuối, thiệt thòi của người phụ nữ thì có các biểu tượng hoa như trà mi, sen, bèo; để chỉ thời gian hay lời nguyện ước có núi sông,  vầng trăng; để chỉ quan hệ tính giao của con người thì có mây gió, mây mưa, trăng hoa, trăng gió…

 Trong bài viết này, chúng tôi chọn ra một số biểu tượng kép hay còn gọi là cặp biểu tượng sóng đôi xuất hiện tương đối nhiều lần trong truyện Kiều và so sánh hình thức xuất hiện cũng như nghĩa của nó với cùng những biểu tượng đó trong ca dao Việt Nam là trúc mai, yến anh, phượng loan, ong bướm, bướm hoa, bèo mây, bèo bọt. Đây là những cặp biểu tượng sóng đôi đã được hình thành và sử dụng từ rất lâu đời trong ca dao, được chắt lọc từ hình ảnh thực tại của sự vật trong thế giới tự nhiên và thiên nhiên xung quanh con người, thường là hai hình ảnh được gắn kết lại với nhau thành một cặp biểu tượng bền vững dựa vào những tương đồng về hình thức hay đặc tính của chúng. Do vậy mà đa số các cặp biểu tượng thiên nhiên hay tự nhiên trong ca dao thường được sử dụng với nghĩa biểu trưng cho sự hòa hợp, gần gũi, gắn kết giữa người nam và người nữ. Tuy nhiên khi được vận dụng trong truyện Kiều, đôi khi những cặp biểu tượng sóng đôi đó không còn có nghĩa biểu trưng như thế nữa mà đã được phát sinh thêm nhiều nghĩa mới.

1. Cặp biểu tượng trúc – mai

Trúc – mai là những loại cây từ lâu đã trở thành các hình tượng nghệ thuật phổ biến trong thơ ca dân gian và văn thơ bác học, về mặt này có thể thấy hệ thống biểu tượng nghệ thuật trong ca dao không phải chỉ được tiếp nhận và biến đổi nghĩa từ hiện thực khách quan của đời sống con người mà còn chịu sự ảnh hưởng sâu sắc từ phía ngược lại trong văn học thành văn, đặc biệt là văn học giai đoạn trung đại. Tuy nhiên có thể nhận ra rằng, dù tên gọi các biểu tượng có thể là kết quả của sự ảnh hưởng từ văn học thành văn nhưng khi được vận dụng trong ca dao thì lại không còn giữ nguyên nghĩa biểu trưng của nó nữa mà đã được biến đổi ý nghĩa cho phù hợp với tâm lý tư duy của người dân lao động Việt Nam. Vì vậy dù trong ca dao có sử dụng những biểu tượng quen thuộc của văn học trung đại Việt Nam từng chịu ảnh hưởng từ nền văn học của các nước khác thì nghĩa biểu trưng của nó khi đi vào ca dao cũng đã hoàn toàn được Việt hóa,  bất kỳ người bình dân Việt Nam nào khi đọc đến cũng hiểu và chấp nhận nghĩa biểu trưng đã trở thành quen thuộc với sự tiếp nhận của mình.

Trong phần viết về các biểu tượng hình ảnh trong ca dao, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Xuân Kính đã so sánh ý nghĩa của biểu tượng cây trúc, cây mai trong văn học viết với ý nghĩa của nó trong ca dao. Nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng “theo quan niệm của nhà nho, tùng, trúc, mai là những thứ cây tượng trưng cho khí tiết, đức tính cao thượng, phẩm chất trong sạch của người quân tử”[4], và ông cũng đồng thời phát hiện ra rằng: “Trong truyện Kiều của Nguyễn Du, trúc mai tuy được dùng sóng đôi phổ biến với nghĩa biểu cảm nhưng không chỉ phẩm giá khí tiết của nhà nho mà lại tượng trưng cho đôi bạn tình”. Cuối cùng ông cũng đã đặt một nghi vấn: “Trong dòng văn học viết, dùng sóng đôi hai từ trúc mai với ý nghĩa là cặp đôi nam nữ yêu nhau phải chăng là một sáng tạo riêng của Nguyễn Du? Cách dùng này rất gần gũi với cách sử dụng hai từ mai trúc trong ca dao”[5].

Theo khảo sát của chúng tôi thì cặp biểu tượng kép trúc mai xuất hiện 6 lần trong truyện Kiều, chưa kể biểu tượng trúc còn được nhắc đến riêng lẻ thêm 8 lần nữa. Cặp biểu tượng trúc mai xuất hiện lần đầu trong truyện Kiều ở lời than khóc của nàng Kiều sau khi đã bán mình để chuộc cha. Đêm trước ngày sẽ theo Mã Giám Sinh về Lâm Tri, Kiều đã nghĩ về chàng Kim và những thệ nguyện được coi như là hứa hẹn hôn ước giữa hai người. Nàng tự nhủ với lòng mình sẽ đền bồi cho người tình chung nếu còn kiếp khác:“Tái sinh chưa dứt hương thề/ Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai”. Cũng trong đêm hôm đó, khi cậy nhờ trao duyên cho Thúy Vân, Kiều cũng đã buông lời, nói với Vân mà như nói với hình bóng của chàng Kim hay như lời khấn nguyện cho riêng mình:“Hồn còn mang nặng lời thề/ Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai”. Rồi cho đến khi Kiều gặp Thúc Sinh, sau một thời gian “trước còn trăng gió sau ra đá vàng”, Thúc Sinh lên kế hoạch đưa Kiều ra khỏi chốn thanh lâu và đã có lời hẹn ước:“Một nhà sum họp trúc mai/ Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông”. Nhưng cả Kiều và Thúc đều đâu có ngờ rằng, ước mơ sum họp trúc mai của họ đang chực chờ sóng gió và cái kết của lời hứa hẹn đó là: “Chắc rằng mai trúc lại vầy, ai hay vĩnh quyết là ngày đưa nhau”...

Chúng tôi nhận thấy biểu tượng sóng đôi trúc mai trong 4 câu lục bát vừa dẫn ra ở trên là những hình tượng nghệ thuật dùng để chỉ sự gắn bó trong mối quan hệ vợ chồng. Hai câu đầu, dù Thúy Kiều và Kim Trọng chỉ mới thề ước nhưng đôi bên đã xem nhau như tình phu phụ, cho nên khi không thể “gìn vàng giữ ngọc” được cho người tình chung, Kiều đã mong có kiếp sau để “đền nghì trúc mai” và cụm từ này được nàng nhắc đến 2 lần như lời nguyện vàng đá tri tri là phải trả cho được mối nợ ân tình với chàng Kim dù là ở kiếp sau. Theo Nguyễn Tử Quang trong Điển tích truyện Kiều thì đền nghì trúc mai ở đây là đền đáp nghĩa vợ chồng và trúc mai ở đây là cặp biểu tượng sánh đôi chỉ tình chồng vợ. “Vì gia biến, Kiều đành lỗi hẹn quên thề với Kim Trọng ở kiếp này, vậy thôi thì dầu tấm thân này có tan nát đi nữa (nát thân bồ liễu), xin kiếp khác nguyện (làm thân trâu ngựa) để đền đáp lại vì cái tội không làm tròn tình nghĩa vợ chồng đã thề nguyền”[6]. Bên cạnh đó, lời hứa hẹn sum vầy của Thúc Sinh dành cho Kiều ở hai câu lục bát bên dưới trước khi hai người chia tay cho Thúc Sinh về lại quê cũ cũng là lời hứa hẹn vui vầy trong cảnh hôn nhân chồng chồng vợ vợ, “mai trúc lại vầy” hay “sum họp trúc mai” là về ở bên nhau với danh nghĩa vợ chồng.

Cặp biểu tượng kép trúc mai dùng phiếm chỉ quan hệ vợ chồng cũng được gặp rất nhiều trong ca dao truyền thống, tác giả dân gian dùng hình ảnh trúc mai để chỉ đôi nam nữ đã thành thân hay hứa hẹn thành thân: “Mong cho bướm ở gần hoa/ Muốn cho sum họp một nhà trúc mai” hay “Trúc mai mong họp một nhà/ Đôi bên đạo nghĩa đã già đồng cân”; “Trúc mai trồng lộn một bồn/ Đôi ta chồng vợ ai đồn mặc ai”. Một nhà trúc mai hay trúc mai họp một nhà cũng như ước mơ trúc mai trồng chung một bồn là hình ảnh biểu trưng của ước mơ được thành thân, được về ở chung một nhà của đôi nam nữ yêu nhau. Tuy nhiên ngoài nghĩa biểu trưng là vợ chồng, biểu tượng trúc mai còn dùng để chỉ cặp đôi nam nữ yêu nhau nhưng chưa thành gia thất, nghĩa này chúng tôi không thấy xuất hiện trong truyện Kiều mà chỉ thấy trong ca dao: “Trúc nhớ mai trúc buồn ngao ngán? Mai trở về mai nhớ trúc chăng?”, “Trúc mai có đó có đây/ Có tay Nguyệt Lão buộc dây tơ hồng”.

Ngoài nghĩa biểu trưng là tình chồng vợ, trong truyện Kiều, còn xuất hiện 2 lần biểu tượng trúc mai với nghĩa biểu trưng dùng để chỉ khách làng chơi tìm đến lầu xanh. Lần đầu là khi Mã Giám Sinh đưa Kiều về ra mắt Tú Bà, Tú Bà bảo Kiều lạy tạ bàn thờ Bạch Mi và mụ lầm rầm khấn vái: “Cửa hàng buôn bán cho may/ Đêm đêm Hàn thực, ngày ngày Nguyên tiêu/ Muôn nghìn người thấy cũng yêu/ Xôn xao anh yến dập dìu trúc mai”. Lời khấn vái của Tú Bà là nhằm mục đích cầu xin tổ nghề phù hộ cho thanh lâu của mình được buôn may bán đắt, mà cụ thể ở đây là đắt duyên, đắt sắc nàng Kiều, mụ xin tổ nghề phù hộ cho nàng, khiến cho muôn nghìn khách làng chơi (anh yến, trúc mai) thấy Kiều là yêu mến và muốn gần gũi nàng. Mong cho khách làng chơi sẽ tấp nập, đông  đúc tìm đến với Thúy Kiều.  Hình ảnh trúc mai lại xuất hiện một lần nữa khi Thúy Kiều đã ở thanh lâu và tiếp khách được một thời gian, Nguyễn Du dùng hai câu lục bát“Thờ ơ gió trúc mưa mai, Ngẩn ngơ trăm nỗi, giùi mài một thân” để miêu tả nỗi ngao ngán chán chường của Kiều khi làm cái nghề mua vui thân xác. Theo hiệu khảo của Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ thì biểu tượng trúc mai trong hai câu này có nguồn gốc từ thành ngữ “trúc mai phong vũ”, nghĩa là “trúc gặp gió, hoa mai gặp mưa”. Theo hai ông, trong câu này Nguyễn Du có ý nói rằng dù xung quanh nàng Kiều tràn ngập cảnh thiên nhiên tươi đẹp như trúc mai phong vũ nhưng lòng nàng đầy ắp chán ngán nên thờ ơ không bận tâm gì đến cảnh vật xinh đẹp quanh mình… Còn Lê Văn Hòe trong Truyện Kiều chú giải thì cho rằng biểu tượng “trúc mai” ở đây có ý chỉ tấm lòng của nàng Kiều, vây quanh dập dìu “gió mưa” là những lời ngọt ngào của khách làng chơi tỉ tê mua chuộc người kỵ nữ tài sắc nhất thanh lâu lúc bấy giờ. Gió mưa không làm nghiêng ngả được trúc mai cũng như những lời ngọt ngào dụ dỗ của khách làng chơi cũng chẳng thể làm Kiều xao động mà thôi thờ ơ, mà thôi chán ngán cho thân phận làm gái mua vui của mình[7].

Tuy nhiên theo ý của chúng tôi “trúc mai” trong câu này có thể không có nghĩa để chỉ cảnh thiên nhiên tươi đẹp như chú thích của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, cũng không có nghĩa để chỉ lòng dạ khó xao động của nàng Kiều như cách giải thích của Lê Văn Hòe, mà có lẽ, hình ảnh “gió trúc mưa mai” trong câu này có nghĩa tương đồng với “dập dìu trúc mai” như trong câu lục bát ở trên trong lời khấn của Tú Bà. Nghĩa là trúc mai cũng đồng thời chỉ khách làng chơi, gió trúc mưa mai là những lời dập dìu, yêu chiều, khen ngợi, mơn trớn của khách làng chơi dành cho nàng Kiều, nhưng trước những điều đó, nàng vẫn không xao động, vẫn một lòng thờ ơ vì cho dù được chiều chuộng ca tụng thế nào thì nàng cũng ý thức được thân phận gái thanh lâu mua vui của mình. Từ đó có thể kết luận nghĩa biểu trưng của biểu tượng trúc mai dùng để chỉ khách làng chơi là một nghĩa phát sinh trong chỉ riêng văn bản truyện Kiều, trước đây chưa thấy dùng trong ca dao hay trong thơ ca bác học. Đồng thời khi ra khỏi văn bản truyện Kiều thì biểu tượng này cũng không còn giữ ý nghĩa biểu trưng đó nữa.

Trong ca dao, chúng tôi thấy biểu tượng trúc mai còn có thêm một nghĩa không thuộc những nghĩa trên, không để chỉ cặp đôi nam nữ yêu nhau hay chỉ sự gắn bó của tình chồng vợ, cũng như không tồn tại nghĩa biểu trưng cho khách làng chơi... mà là dùng để chỉ các đối tượng có tính chất, đặc điểm tương đồng nhau trong một sự lựa chọn, như ở câu dưới đây trúc hay mai là đều dùng để chỉ đến các cô gái: “Bần thần không biết thương ai/ Thương đào, liễu giận, thương mai, trúc hờn”. Hoặc trong câu “Ai làm trúc võ mai sầu/ Đào tơ liễu yếu bên cầu vì ai?” thì các biểu tượng trúc mai, đào, liễu trong những câu ca dao này đều có nghĩa tương đồng, dùng để chỉ chung một đối tượng là phái yếu, các cô gái, trong đối sánh với người đàn ông (quân tử).

2. Cặp biểu tượng yến anh, phượng loan

Cặp biểu tượng sóng đôi về hai đôi chim yến anh và phượng loan là những biểu tượng quen thuộc trong ca dao và có số lần xuất hiện tương đối nhiều trong truyện Kiều, nghĩa của hai cặp biểu tượng này trong các lần xuất hiện ngoài những nghĩa khác nhau cũng còn chứa nghĩa tương đồng nhau nên chúng tôi xếp vào chung một mục. Trong số các biểu tượng kép như trúc mai, ong bướm, bướm hoa, phượng loan, bèo mây, trăng gió… thì yến anh là cặp biểu tượng có số lần xuất hiện nhiều nhất trong truyện Kiều, Nguyễn Du vận dụng biểu tượng này 7 lần và biểu trưng cho nhiều nghĩa khác nhau, cặp biểu tượng phượng loan thì chỉ xuất hiện 2 lần. Từ một nghĩa quen thuộc trong ca dao, khi vào truyện Kiều, yến anh và phượng loan đã phát sinh thêm những nghĩa mới.

Trong thơ ca cổ, cặp biểu tượng loan phượng, yến anh thường dùng để chỉ mối tình đẹp đẽ, những cuộc tình lý tưởng giữa tài tử văn nhân và mỹ nữ, còn trong ca dao cặp biểu tượng loan phượng và yến anh là những hình tượng nghệ thuật đặc sắc biểu trưng cho mối quan hệ khắng khít bền chặt trong tình yêu đôi lứa, được dùng để miêu tả vẻ đẹp của đôi bạn tình, khát vọng tình yêu, hạnh phúc, sum vầy của chàng trai và cô gái người bình dân. Hình ảnh đôi chim trống mái phượng loan luôn luôn tượng trưng cho điều lành, điều tốt đẹp, sự khắng khít của đôi chim cũng là ước mơ về một cuộc hôn nhân hạnh phúc bền vững. Do vậy trong dân gian Việt Nam vẫn còn tục lệ khi chúc mừng cho các đôi uyên ương được nên duyên tốt đẹp, ông bà ta vẫn dùng cụm từ “loan phượng hòa minh” để chúc cho đôi vợ chồng trẻ được ở bên nhau trăm năm thuận hòa. Biểu tượng phượng loan đôi khi tượng trưng cho khao khát được gắn bó với nhau thân thuộc và mãnh liệt: “Đôi duyên ta như loan với phượng/ Nỡ lòng nào để phượng lìa loan”, hay táo bạo hơn: “Ước gì anh được vô phòng/ Loan ôm lấy phượng phượng bồng lấy loan”. Với nghĩa biểu trưng dùng để chỉ cặp đôi nam nữ thì trong ca dao hai cặp biểu tượng sóng đôi loan phượng và anh yến đều được sử dụng để phiếm chỉ cho cùng một hình ảnh ẩn dụ như nhau, tương đồng nhau trong mọi trường hợp:“Ngày nay loan phượng lẻ bầy/ Nam Vang kia xa xứ khó gầy yến anh”. Và sự chia ly đôi chim loan phượng hay anh yến cũng được dùng để tượng trưng cho những nỗi đau tan vỡ trong tình yêu trai gái vì những lý do khách quan: “Ai làm loan phượng rẽ bầy/ cho em đau khổ lắm vầy trời ơi”, Phượng với loan hai đàng phân rẽ/ Qua với nàng chẳng lẽ phân nhau”, Ông tơ bà nguyệt xe nhầm/ yến anh không đặng, đặng nhầm quạ công”. Sự xứng đôi vừa lứa trong hình ảnh đẹp đẽ như nhau của đôi chim yến anh trong trường hợp này được dùng để đối sánh với sự lệch đôi khập khễnh giữa nét đẹp chim công và hình thức xấu xí của con quạ.

Trong truyện Kiều, cặp biểu tượng phượng loan xuất hiện lần đầu trong lời thương cảm của Thúy Kiều dành cho Đạm Tiên khi Kiều đứng trước nấm mồ vô chủ của nàng ca nhi xấu số:“Nào người phượng chạ loan chung/ Nào người tích lục tham hồng là ai?”. Theo chú thích của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim thì ở đây Kiều có ý nhắc đến “những người có vợ chồng sum họp sung sướng” và “than thân cho Đạm Tiên chồng con không có”[8]. Tuy nhiên Lê Văn Hòe lại bác bỏ lời nhận định đó và cho rằng “phượng chạ loan chung” không phải để chỉ những cặp vợ chồng sum họp, no đủ mà là phượng loan chung chạ, ý nói chuyện trai gái đi lại ân ái với nhau, nghĩa là Thúy Kiều đang hỏi thầm đến những ai đã từng gần gũi chung chạ với Đạm tiên trước đây[9], bây giờ đi đâu vắng để cho nấm mồ của nàng “mặc dầu cỏ hoa” như vậy? Nếu chú thích theo bản của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim thì biểu tượng phượng loan ở đây tương đồng với nghĩa của nó được dùng trong ca dao, còn nếu dùng theo nghĩa là những khách làng chơi đã từng qua lại với Đạm Tiên thì đây là nghĩa biểu trưng mới xuất hiện trong văn bản Truyện Kiều. Theo ý chúng tôi, chú thích theo nhận định của Lê Văn Hòe thì hợp lý hơn, bởi tiếp theo đó còn có câu lục bát “Nào người tích lục tham hồng là ai?”. Lê Văn Hòe chú thích: “tích lục là tiếc màu lục, tham hồng là ham màu hồng, lục là màu xanh biếc của tóc, hồng là màu má hồng của Đạm Tiên, câu này nhằm chỉ những người đã từng yêu quý Đạm Tiên thuở trước[10]. Do vậy hiểu phượng loan là khách đến thanh lâu tìm Đạm Tiên thì thích hợp hơn là hiểu theo nghĩa chỉ cảnh vợ chồng sum họp no đủ.

Hình ảnh đôi chim phượng loan xuất hiện lần thứ hai trong Kiều ở đoạn Từ Hải cho quân đến rước Kiều về làm vợ: “Sẵn sàng phượng liễn loan nghi/ Hoa quan phấp phới hà y rỡ ràng”. Tuy nhiên trong trường hợp này phượng loan không có nghĩa là một cặp biểu tượng mà chỉ là một hình ảnh thực tế từ thế giới khách quan được phản ánh lại trong thi ca, không mang nghĩa ẩn dụ cho đối tượng dấu mặt mà là tượng trưng cho chính nó. Phượng liễn loan nghi là kiệu chạm hình chim phượng, rèm thêu hình chim loan, ý chỉ một phương tiện di chuyển đẹp đẽ sang trọng, một loại “kiệu phu quân” mà chỉ có những người đàn bà quyền quý mới được dùng.

Về cặp biểu tượng sóng đôi yến anh trong truyện Kiều, chúng tôi thấy có 7 lần xuất hiện với 4 tầng nghĩa khác nhau. Yến anh được nhắc đến lần đầu trong tiết thanh minh, khi nàng Kiều còn ấm êm trong cảnh trướng rũ màn che:“Gần xa nô nức yến anh/ Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân”. Theo Đào Duy thì “yến anh” là dùng để chỉ chim anh và chim yến[11], Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim cũng chú thích “nô nức yến anh” là “đi từng đàn, từng lũ như là đàn chim yến chim anh”[12] và theo Lê Văn Hòe thì “nô nức yến anh” là  “nơi gần nơi xa người ta kéo nhau đi từng đoàn từng toán như chim yến chim anh (loài chim này hay đi từng đoàn)[13]. Như vậy biểu tượng yến anh trong câu Kiều này để chỉ “nhiều người” đang dập dìu đi chơi xuân, cũng có thể hiểu yến anh ở đây là trai gái dập dìu đi trẩy hội. Trong đêm hẹn đầu tiên giữa Kim Trọng và Thúy Kiều, biểu tượng yến anh được nhắc đến một lần nữa trong câu: “Mây mưa đánh đổ đá vàng/ Quá chiều nên đã chán chường yến anh”. Lê Văn Hòe chú thích yến anh ở đây ý chỉ đôi trai gái, câu này Kiều có ý trách cả mình lẫn Kim Trọng vì “xem trong âu yếm có chiều lả lơi”, vì quá yêu chiều, yêu nhau quá đỗi, mê mệt nhau cho nên có những hành vi quá trớn khiến cho nhau chán chường[14]. Chúng tôi nhận thấy nghĩa của 2 từ yến anh trong hai câu Kiều bên trên cũng là nghĩa dùng để chỉ đôi nam nữ trong ca dao như phượng loan hay mai trúc.

Tuy nhiên biểu tượng yến anh lại xuất hiện thêm 4 lần nữa trong truyện Kiều và lúc này nghĩa của nó đã khác, không còn dùng để chỉ đôi trai gái nữa mà là chỉ khách làng chơi. Một lần dùng để chỉ khách làng chơi vì mến mộ tài sắc của Đạm Tiên mà đến thanh lâu tìm nàng trong câu:“Nổi danh tài sắc một thì/ Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến anh”. Lần tiếp theo, yến anh được dùng song song với cặp biểu tượng trúc mai trong câu “Muôn nghìn người thấy cũng yêu/ xôn xao anh yến dập dìu trúc mai”, đây là lời khấn vái của Tú Bà khi bắt Kiều quỳ lạy trước bàn thờ tổ Bạch Mi, biểu tượng anh yến và trúc mai xôn xao dập dìu trong câu này là dùng để chỉ chung một nghĩa là những khách làng chơi tiềm năng sẽ tìm đến thanh lâu khi nghe danh tiếng của một nàng ca nhi tài sắc Thúy Kiều.

Cặp biểu tượng yến anh lại được dùng để biểu trưng cho một nghĩa thứ ba, không phải chỉ đôi trai gái hay khách làng chơi nữa mà là để chỉ gái thanh lâu, tức là chỉ thân phận Kiều khi đã lọt vào lầu xanh của mụ Tú Bà. Để thể hiện lòng cảm kích của mình khi trong đêm khuya, Sở Khanh lẻn đến lầu xanh để đón nàng chạy trốn theo như lời hẹn, Thúy Kiều đã nói với Sở Khanh: “Rằng tôi bèo bọt chút thân/ Lạc đàn mang lấy nợ nần yến anh”. Sau đó khi bị Tú Bà bắt tại trận lúc đang bỏ trốn, nàng bị Sở Khanh trở mặt đổ vấy cho tội dụ dỗ hắn, Kiều đã tuyệt vọng than trời “Nàng rằng:“trời nhé có hay, quyến anh rủ yến sự này tại ai?””. Biểu tượng yến anh trong hai câu này được Nguyễn Du sử dụng để chỉ đến gái lầu xanh, tức nàng Kiều hay những người làm nghề như Kiều. “Nợ nần yến anh” có thể hiểu là nợ nần làm gái lầu xanh (trở thành gái lầu xanh, kiểu mang lấy cái nghiệp làm gái) hay có thể hiểu là có nợ nần với khách làng chơi nên mang lấy nghiệp làm gái thanh lâu. Câu “quyến anh rủ yến” có thể là Kiều muốn lặp lại lời đổ tội của Sở Khanh rằng chính nàng đã quyến rũ khách làng chơi (tức Sở Khanh) để hắn tìm cách đưa nàng bỏ trốn, cũng có thể hiểu, nàng tự nhận mình là phận yến anh (tức gái lầu xanh) bị Sở Khanh dụ dỗ.

Cặp biểu tượng yến anh còn xuất hiện một lần nữa trong truyện Kiều với nghĩa biểu trưng không giống 3 nghĩa đã nói ở trên, đó là lúc Kiều được Mã Giám Sinh đưa về thanh lâu, Tú Bà bảo nàng “Dạy rằng:“con lạy mẹ đây/ Lạy rồi sang lạy cậu mày bên kia”” thì Kiều mới thốt lên ngỡ ngàng: “Điều đâu lấy yến làm anh/ Ngây thơ chẳng biết là danh phận gì?”. Trước tình cảnh bất ngờ, không rõ thân phận mình là ai như vậy, Kiều đã kể cho Tú Bà nghe chuyện nàng đã chung chạ như vợ chồng với họ Mã và cứ đinh ninh là được hắn bỏ tiền ra để mua về làm vợ. Giờ lại nghe Tú Bà bảo lạy Mã Giám Sinh là cậu (tức cha) thì Thúy Kiều hết sức bàng hoàng, không hiểu danh phận của mình là gì. Lúc này cặp biểu tượng yến anh không còn được Nguyễn Du dùng với nghĩa để chỉ cặp đôi nam nữ như nghĩa biểu trưng truyền thống của nó trong ca dao nữa, yến anh cũng không còn để chỉ khách làng chơi, và cũng chẳng còn dùng để chỉ gái thanh lâu nữa. Yến anh bây giờ có ý nghĩa như để chỉ một thân phận, không hàm ý phân biệt cao thấp hay chứa đựng đặc điểm quy chiếu gì trong ấy, mà chỉ để nói sự khác nhau của hai danh phận, yến là yến, anh là anh, yến và anh không thể là một. Giống như Thúy Kiều hoặc là mang thân phận vợ lẽ, hoặc là phận con nuôi, nàng vừa mới chung chạ với Mã Giám Sinh như một nàng thiếp mới đây bây giờ lại “lấy yến làm anh”, lấy phận vợ lẽ thay bằng phận con, gọi chồng là cha thì không thể được. Yến và anh ở đây được dùng để chỉ thân phận, danh phận, địa vị của Kiều trong nhà Tú Bà, rốt cuộc thì Kiều là yến hay anh? Là con nuôi hay vợ lẽ?

3. Ong bướm, bướm hoa

Trong ca dao, cặp biểu tượng kép bướm-ong, bướm-hoa hay ong bướm và hoa cũng xuất hiện liên tục với mật độ dày đặc, nghĩa tượng trưng của cặp biểu tượng này cũng nhằm chỉ chuyện gái trai dập dìu thoáng chốc, trai ham gái đẹp như ong bướm thích hoa thơm, cũng chỉ là chuyện trăng hoa chứ không phải chuyện trai gái chân thành tử tế: “Lạ chi nữ tú nam thanh/ Nhiều lời ong bướm dỗ dành trăng hoa”. Bướm ong thích hút nhị hoa thơm, cũng như đàn ông thích gần gũi gái đẹp:“Hoa thơm ong bướm đang mê, Thương chưa phỉ dạ mình về bỏ đây”. Cặp biểu tượng ong bướm trong ca dao luôn được dùng để phiếm chỉ những người đàn ông hiếu sắc, thích buông lời ngọt ngào, mớn trớn để được gần gũi những cô gái đẹp, như hành động bản năng của ong bướm là châm nhụy hoa, hoa càng thơm bướm ong càng năng lui tới:“Bướm châm mà bướm lại nhầm, Có bông hoa nở, ong châm mất rồi”... Vì thế trong nhiều câu ca dao, khi nói đến chuyện một cánh hoa biết giữ mình không cho ong bướm đến gần hút nhụy là để tượng trưng cho hình ảnh một cô gái đẹp biết giữ gìn danh tiết của mình trước những kẻ phong tình:“Bấy lâu cách lựu xa lê/ Nhộn nhàng ong bướm có hề chi không?” hay lời dặn dò: “Bạn về giữ trọn niềm hoa/ Đừng cho ong bướm vô ra nhộn nhàng”. Đôi khi hình ảnh bướm ong cũng được dùng để gán cho hình ảnh của kẻ tiểu nhân,  miêu tả trong thế đối lập với người quân tử: “Vườn hồng ong bướm xôn xao/ Thấy người quân tử mừng sao hỡi mừng”. 

Cặp biểu tượng bướm ong, bướm hoa cũng là những biểu tượng sóng đôi được dùng nhiều trong truyện Kiều. Nguyễn Du dùng đến 7 lần biểu tượng ong bướm và đặc biệt là trong cặp biểu tượng này, nghĩa biểu trưng của nó chỉ là một nghĩa thống nhất trong cả 7 lần xuất hiện, đồng thời cũng là nghĩa truyền thống của chính biểu tượng này đã hình thành lâu đời trong ca dao. Trong Kiều, biểu tượng ong bướm xuất hiện lần đầu tiên trong câu lục bát: “Êm đềm trướng rủ màn che, tường đông ong bướm đi về mặc ai” là để chỉ cảnh chị em Thúy Kiều đang sống yên vui trong vòng tay gia đình, dù hai nàng đã đến tuổi trưởng thành và đủ tuổi kết hôn nhưng chưa bận tâm đến chuyện yêu đương trai gái, vẫn mặc lòng “ong bướm đi về” đang quẩn quanh bên ngoài vườn Thúy. Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim cho rằng câu này ý nói “Kiều chưa vướng víu gì với ai”[15], Đào Duy Anh thì “nói chung, ong và bướm là những loài côn trùng hút nhị hoa, tỷ dụ bọn khách phong tình”[16], Lê Văn Hòe chú giải: “ong bướm là chỉ những kẻ chơi bời như ong bướm bay lượn, cả câu này ý nói chị em Kiều ăn ở nền nếp, không bắt chước những kẻ chơi bời, không chú ý đến những kẻ đi lại trêu ghẹo”[17].

Những ong bướm ấy sau này là những khách làng chơi đến lầu xanh tìm Kiều khi nàng đã rơi vào thanh lâu lấy thân xác làm nghề mua vui cho đàn ông thiên hạ. Bọn khách phong lưu ấy là những kẻ cùng vui vầy, chung chạ với Kiều, là bọn “bướm lả ong lơi”, “ong bướm đãi đằng”, là những người đàn ông cùng “ong qua bướm lại” với gái lầu xanh. Cặp biểu tượng bướm ong xuất hiện lần thứ hai trong lời khấn vái tổ nghề của Tú Bà khi bà bảo Kiều quỳ lạy trước bàn thờ Bạch Mi, và bướm ong trong câu này cũng nhằm để chỉ khách làng chơi đi tìm gái thanh lâu. Tú Bà giải thích cho Kiều hiểu rằng đây là vị thánh phù hộ độ trì cho gái lầu xanh buôn phấn bán hương được đắt hàng. Nếu chẳng may ế ẩm vắng khách, chỉ cần làm những động tác đuổi vía  thì lại đắt khách như xưa: “Đổi hoa lót xuống chiếu nằm/ Bướm ong bay lại ầm ầm tứ vi”. Khi hiểu rõ ngọn ngành thân phận mình là gái lầu xanh, Kiều rút dao tự vẫn trước mặt Tú Bà, Tú Bà vì sợ vốn liếng đi đời nhà ma nên đã ngọt nhạt khuyên nhủ Thúy Kiều và hứa gả nàng vào nơi tử tế, Kiều nghe đã xuôi lòng nhưng vẫn còn lo lắng: “Sợ khi ong bướm đãi đằng, đến điều sống đục sao bằng thác trong”. Ở đây ý nói rằng dù không phải tiếp khách, chỉ ở thanh lâu để chờ gả vào nơi tử tế nhưng Kiều vẫn lo sợ “ong bướm đãi đằng”, như lo sợ lời qua tiếng lại lôi thôi của khách làng chơi về Kiều khi thấy nàng ở chốn lầu xanh. Vì nỗi lo đó của Kiều mà Tú Bà cho nàng được ở riêng tại lầu Ngưng Bích để “tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà”. Nhưng sau cú lừa của Sở Khanh nàng đã chính thức trở thành gái lầu xanh mua vui cho khách, sau những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, Kiều đã đau xót than khóc cho phận mình: “Biết bao bướm lả ong lơi/ Cuộc say đầy tháng trận cười thâu đêm” cùng nỗi niềm chán ngán não nề và ghê sợ chính bản thân mình: “Mặt sao dày dạn gió sương/ Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?”. Cặp biểu tượng ong bướm có nghĩa biểu trưng là những người đàn ông, là khách làng chơi đã từng chung chạ với Kiều còn xuất hiện thêm một lần nữa trong lời của Kiều nói với Kim Trọng khi hai người đối diện nhau trong đêm đoàn viên sau 15 năm lưu lạc: “Thiếp từ ngộ biến đến giờ/ Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa”.

Tuy nhiên, theo như chú giải của Lê Văn Hòe thì cũng có một lần biểu tượng ong bướm được Nguyễn Du sử dụng không nhằm phiếm chỉ khách làng chơi như nghĩa trong các câu lục bát đã dẫn ra ở trên mà còn nghĩa như câu thành ngữ dân gian “lời ong tiếng  ve”. Đó là khi Hoạn Thư tỉ tê với Thúc Sinh khi chàng về thăm gia đình và định tìm cơ hội nói với Hoạn Thư về Thúy Kiều để xin cưới Kiều về làm thiếp. Hoạn Thư kể cho Thúc nghe về những điều tiếng mà nàng nghe được trong thời gian chồng vắng nhà và tỏ thái độ của nàng với những chuyện nghe được đó là: “Khen thay nhưng chuyện dông dài, bướm ong lại đặt những lời nọ kia”. Lê Văn Hòe cho rằng “lạ thay những kẻ nói dông dài đặt điều ong bướm nọ kia (ý nói chuyện Thúc Sinh lấy vợ lẽ hoặc chơi bời trai gái), Hoạn Thư gạt đi cho là lời bịa đặt của những kẻ dông dài nên nàng không tin”[18]. Nhưng theo cách hiểu của chúng tôi, bướm ong ở đây cũng có thể hiểu theo nghĩa là chuyện trai gái chơi bời như nghĩa của nó ở 7 câu lục bát trên kia, và toàn bộ ý của câu Kiều này có nghĩa là Hoạn Thư đã nghe đồn đại đến tai mình việc Thúc Sinh có chơi bời với gái thanh lâu.

4. Bèo mây, bèo bọt

Bèo mây, bèo bọt trôi nổi, ly tan cũng là những biểu tượng được dùng nhiều trong ca dao truyền thống với nghĩa tượng trưng cho sự không ổn định, trôi lênh đênh trên mặt nước, bay lênh đênh trên bầu trời, không biết đâu là bờ là bến. Văn học dân gian còn có một bộ phận lớn những câu thành ngữ dùng hình ảnh bèo mây nhằm ẩn dụ cho thân phận, số phận hay cuộc đời lưu lạc của con người như bèo dạt mây trôi, bèo nổi mây chìm, bèo hợp mây tan, linh đinh bèo nước, thân phận bọt bèo... Hình ảnh bèo mây trong văn học dân gian đều mang tính ước lệ, tượng trưng, và cũng là một hình tượng nghệ thuật khá quen thuộc trong văn chương bác học, đặc biệt là trong thi ca cổ. Trong ca dao, biểu tượng bọt bèo thường dùng để chỉ số phận hèn mọn, yếu đuối, mong manh, thường là không làm chủ được cuộc đời của mình:“Trách cho căn số em nghèo/ Hoa trôi nước chảy, bọt bèo cũng trôi”. Cặp từ láy bèo bọt, bọt bèo kết hợp với nhau càng gợi lên sự rẻ rúng hẩm hiu và đáng thương như thành ngữ “rẻ như bèo” mà dân gian vẫn hay dùng: “Chàng ơi chớ giận thiếp cùng, chút thân bèo bọt anh hùng giận chi”. Biểu tượng cánh bèo thường được ví von với thân phận của các cô gái trong một xã hội phong kiến nam quyền, nơi mà cuộc đời của người phụ nữ luôn được đặt trong tình cảnh lênh đênh 12 bến nước, trong nhờ đục chịu: “Thân em như thể bèo trôi, gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”. Hình ảnh cánh bèo trôi giạt lênh đênh trên mặt nước, gió thổi đến đâu thì trôi đến đấy gợi lên một cái gì đó hẩm hiu, lạc loài, cô đơn, nhỏ bé đến tội nghiệp: “Nỡ lòng trêu ghẹo chi tôi/ Lênh đênh bèo nổi mây trôi một thì”, “Thiếp than cha mẹ thiếp nghèo/ Thiếp than phận thiếp như bèo trôi sông”.

Hình ảnh cánh bèo, bèo bọt, bèo mây được nhắc đến 9 lần trong truyện Kiều, đa số để chỉ thân phận của nàng Kiều, trong đó có một lần duy nhất là do Kim Trọng tự nhận mình là “dấu bèo”. Tám lần nhắc đến biểu tượng bèo là để chỉ Kiều, ngoài một lần do Thúc Sinh nói với quan trên, còn lại đều là những câu nói do Kiều tự thốt ra, lúc thì thở than cho thân phận trôi giạt của mình như cánh bèo trôi, lúc thì nói với những khách làng chơi đang vui vầy đãi đằng với nàng, tự nhận lấy thân phận làm gái mua vui nhỏ bé, hèn mọn của mình. Các biểu tượng bèo liên tục lặp lại trong truyện Kiều như phận bèo mây, thân bèo bọt, bèo nổi, dấu bèo, bèo trôi, bèo hợp mây tan, hoa trôi bèo giạt, mây trôi bèo nổi… Đào Duy Anh cắt nghĩa trong Từ điển Truyện Kiều rằng: “bèo là cây bèo trôi nổi trên mặt nước, thường dùng để tỉ dụ cảnh huống tan tác, lưu lạc” hay bèo bọt là “cái bọt phập phồng trên mặt nước, sóng gió có thể làm tan tác ngay, tỷ dụ cái thân phận yếu đuối lưu lạc”, còn “bèo hợp mây tan là bèo mây khi tan khi hợp, bây giờ hợp rồi sẽ tan ngay”. Hình ảnh “bèo nổi mây chìm lại là để hình dung cảnh lưu lạc”, “bèo trôi sóng vỗ nói cảnh lưu lạc và bị khổ sở, như cánh bèo trôi nổi bị sóng giồi khiến khi nổi khi chìm”[19]. Như vậy, dù xuất hiện rất nhiều lần và được thể hiện dưới nhiều hình ảnh như bèo, bèo bọt, bèo mây, bèo nổi mây trôi… nhưng biểu tượng bèo mây trong truyện Kiều chung quy đều được dùng để phiếm chỉ thân phận lưu lạc, trôi giạt, hèn mọn của người phụ nữ không được quyền làm chủ số phận của mình, mà cụ thể ở đây là nàng Kiều, sau khi thân nàng được gả bán vào chốn thanh lâu.

Từ “bèo bọt” được dùng 4 lần trong truyện Kiều, đều là để chỉ Kiều trong thế đối sánh với người đàn ông, khách làng chơi, người quân tử. Đó là những lần nàng nhún mình tự nhận thân phận bèo bọt trước Sở Khanh, Thúc Sinh và Từ Hải. Biểu tượng bèo bọt xuất hiện lần đầu trong lời của Kiều trước kế hoạch tẩu thoát mà Sở Khanh vạch ra cho nàng, nàng tự nhận thân phận lưu lạc của mình là:“Rằng tôi bèo bọt chút thân/ Lạc đàn mang lấy nợ nần yến anh”. Lần thứ hai từ bèo bọt được Kiều dùng để nói với Từ Hải, khi Từ dành cho những lời khen ngợi trang trọng về tài sắc và có ý muốn ăn ở lâu dài với nàng, Kiều đã nhún mình: “Rộng thương cỏ nội hoa hèn/ Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau”. Trong thế đối sánh với người anh hùng đầu đội trời chân đạp đất, vẫy vùng một cõi, Kiều cho rằng mình chỉ là thân bèo bọt, là cỏ nội hoa hèn. Khi chú giải, ông Lê Văn Hòe cho rằng Kiều thốt ra câu này là muốn thử ý Từ có thật lòng trân trọng nàng và muốn có nàng hay không. Kiều cho rằng Từ Hải đoái thương đến thân Kiều được phần nào nhờ phần đó chứ chút thân lưu lạc của nàng đâu có dám phiền đến Từ sau này[20].

Biểu tượng bèo mây được Nguyễn Du sử dụng trong câu nói của Kiều với Thúc Sinh, lúc đôi bên đang nồng đượm ân ái, nghe chàng quyết chuộc mình ra khỏi chốn thanh lâu, Kiều đã xót xa tự nhận: “Vẻ chi chút phận bèo mây/ Làm cho bể ái khi đầy khi vơi”, ý nói phận mình là gái lầu xanh không đáng cho Thúc Sinh phải dành ưu ái như vậy. Biểu tượng bèo bọt lại xuất hiện một lần nữa khi Thúc Sinh đưa Kiều về gặp Thúc Ông và nhìn Kiều phải oằn mình chịu phép gia hình, chàng đã đau đớn xót xa và van xin quan trên lượng tha cho Kiều: “Sinh rằng: chút phận bọt bèo/ Theo đòi vả cũng ít nhiều bút nghiêng”. Nhằm chứng tỏ tình cảm của mình với Kiều không chỉ đơn thuần là mối quan hệ giữa gái thanh lâu và khách làng chơi mà còn xuất phát từ sự đồng điệu của hai tâm hồn “trước còn trăng gió sau ra đá vàng”. Đồng thời Kiều cũng không phải là hạng gái thanh lâu tầm thường như bao người khác mà là con nhà gia giáo được ăn học tử tế, thời đó có người con gái biết cầm kỳ thi họa như Kiều cũng là hiếm gặp, vì thế Thúc Sinh đem ưu điểm này của Kiều ra để xin quan trên nể tình mà ngưng phép gia hình với nàng.

Biểu tượng phận bèo tiếp tục xuất hiện trong suy tư của Kiều khi nàng đang ở Quan Âm các viết kinh, nhận ra lòng dạ đối đãi của Hoạn Thư “rào cây lâu cũng có ngày bẻ hoa” nên Kiều đã nghĩ đến việc phải tìm cách bỏ trốn, thoát ra khỏi vòng kiểm soát của Hoạn Thư. Nghĩ đến chặng đường lưu lạc không biết đi đâu về đâu trước mặt, Kiều cũng có phần hoảng sợ nhưng nàng cũng đã nhủ lòng: “Phận bèo bao quản nước sa/ Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh”. Kiều cho rằng thân phận của mình cũng như cánh bèo trên mặt nước, ở đâu thì cũng là lênh đênh cả, không còn quản gì, lo âu gì nữa. Biểu tượng phận bèo trôi giạt trên mặt nước không biết đi đâu về đâu này cũng xuất hiện nhiều trong ca dao với nghĩa biểu trưng tương tự:  “Phận bèo nhiều nỗi lênh đênh/ Kể sao cho hết phận mình khúc nhôi”, “Lênh đênh duyên nổi phận bèo/ Đã đành khi nước thủy triều đầy vơi”.

Biểu tượng bèo có duy nhất một lần xuất hiện trong truyện Kiều lại không nhằm để chỉ đến thân phận trôi nổi của nàng Kiều mà là lời của Kim Trọng khiêm nhường tự nhận mình tầm thường và mong được người con gái đài các kiêu sa như Kiều đoái hoài đến khi hai người gặp gỡ nhau tại vườn Thúy: “Tiện đây xin một hai điều/ Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?”. Nghĩa này của biểu tượng bèo cũng thấy xuất hiện trong ca dao, nhưng lại là lời của người con gái tự cao nhận mình đáng giá và chê người con trai bèo bọt tầm thường: “Thân em như thể đóa sen/ Anh như bèo bọt chẳng chen được vào”. Thực ra đây chỉ là một vế đối trong các cặp lục bát đối đáp dí dỏm trêu ghẹo nhau của trai gái bình dân, vế tiếp theo của câu ca dao là lời đáp của chàng trai đã lật ngược thế cờ vừa thông minh vừa hóm hỉnh: “Lạy trời cho gió thổi lên/ Cho sen chìm xuống, bèo trèo lên trên”.

Ngoài biểu tượng bèo, bèo bọt thì cặp biểu tượng sóng đôi bèo mây, bèo hoa cũng được Nguyễn Du nhắc đến nhiều lần trong truyện Kiều. Từ sau buổi tảo mộ và sau cơn mộng trò chuyện với Đạm Tiên, nghe những cảnh đoạn trường ứng với cuộc đời mình, Kiều đã sụt sùi khóc thương cho phần số lưu lạc được báo trước của mình: “Hoa trôi bèo giạt đã đành/ Biết duyên mình biết phận mình thế thôi”. Còn trên con đường thiên lý đi tìm Kiều, Kim Trọng đã được nghe người ta kể cho tỏ tường những khúc nôi đoạn trường của nàng Kiều với lời cảm thán về những biến cố trong cuộc đời nàng: “Thoắt buôn về, thoắt bán đi/ Mây trôi bèo nỗi thiếu gì là nơi”. Hay khi Kiều gặp lại sư Giác Duyên và khi sư tạ từ nàng ra về sau màn báo ân báo oán, Kiều đã thốt lên rằng: “Rồi đây bèo hợp mây tan/ Biết đâu hạc nội mây ngàn là đâu?”. Cụm từ bèo nổi mây chìm được Nguyễn Du dùng trong đêm Thúy Kiều chia tay gia đình theo Mã Giám Sinh về Lâm Tri. Vương ông đã xót thương cho thân phận sắp lưu lạc của con gái mình mà than rằng: “Vì ai rụng cải rơi kim/ Để con bèo nổi mây chìm vì ai?”. Lê Văn Hòe cho rằng câu này thể hiện lòng xót xa của Vương Ông khi ông hỏi vì ai mà con gái ông trở nên như “cánh bèo nổi trôi lênh đênh vô định, như mây chìm tan đi không thấy hình bóng ở đâu, vì ai mà con gái ông phải chịu đời lênh đênh chìm nổi ở phương xa”, Lê Văn Hòe còn cho rằng “hai chữ vì ai nhắc đi nhắc lại cho ta biết Vương Ông căm giận đay nghiến thằng bán tơ. Ai ở đây chỉ thằng bán tơ đã vu oan giá họa cho gia đình ông, để Kiều phải bán mình lấy tiền chuộc cha khỏi vòng lao lý tù tội[21].

Tạm kết

Trong khuôn khổ của một bài viết ngắn, chúng tôi chỉ có thể chọn ra một vài cặp biểu tượng nghệ thuật sóng đôi mà Nguyễn Du đã vận dụng trong quá trình sáng tác truyện Kiều là các cặp biểu tượng trúc mai, yến anh, phượng loan, bướm ong, bướm hoa, bèo mây, bèo bọt. Chúng tôi nhận thấy các cặp biểu tượng được Nguyễn Du vận dụng trong truyện Kiều đều là những biểu tượng truyền thống xuất hiện từ lâu trong ca dao, đồng thời nghĩa của các biểu tượng đó trong truyện Kiều và trong ca dao đều tương đồng với nhau ở một nghĩa biểu trưng quen thuộc trong tâm lý và tư duy của dân tộc, những biểu tượng và nghĩa của các biểu tượng đó đều đã được hình thành và sử dụng ổn định từ rất lâu đời trong văn chương dân gian lẫn văn học thành văn. Bên cạnh những nghĩa biểu trưng sẵn có, khi Nguyễn Du vận dụng vào truyện Kiều, các biểu tượng đó cũng xuất hiện thêm những nghĩa mới, chúng tôi gọi đó là sự biến đổi nghĩa của biểu tượng. Sự biến đổi này phụ thuộc vào ngữ cảnh văn bản nghệ thuật mà nó xuất hiện, cùng một biểu tượng Nguyễn Du dùng lần lượt theo nghĩa truyền thống và theo nghĩa mới được phát sinh ra trong tác phẩm của ông, và có khi nó không còn giữ ý nghĩa đó nữa nếu nó xuất hiện ở một văn bản khác không phải là Truyện Kiều. Tuy nhiên việc sản sinh các nghĩa biểu trưng mới của các biểu tượng đó cũng phải dựa trên cơ sở là những mẫu số chung có sẵn trong tư duy văn hóa truyền thống và không xa lạ với cách tiếp nhận của dân tộc. Ngoài các cặp biểu tượng sóng đôi ở trên, trong truyện Kiều còn cả một hệ thống biểu tượng đơn rất phong phú và chiếm số lượng đáng kể, có thể giải mã các biểu tượng này theo hướng so sánh với nghĩa biểu trưng truyền thống của nó đã bắt rễ sâu trong văn hóa dân gian và được biểu hiện qua hệ thống biểu tượng nghệ thuật truyền thống trong ca dao.

La Mai Thi Gia

Đã in trong sách: Khoa Văn học và Ngôn ngữ (2015), Đại thi hào dân tộc Danh nhân văn hóa Nguyễn Du - Kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, trang 599-615.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim ,Nguyễn Du – Truyện Kiều, NXB Thanh Niên,1999.
  2. Lê Văn Hòe, Truyện Kiều chú giải, NXB Quốc học thư xã; HN, 1953.
  3. Đào Duy Anh, Từ điển truyện Kiều, NXB Khoa học xã hội, HN, 1974.
  4. Nguyễn Tử Quang ,Điển tích truyện Kiều, NXB Tổng hợp Đồng Tháp, 1997.
  5. Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao, NXB Đại học Quốc gia, HN, 2004.
  6. Đinh Hồng Hải, Nghiên cứu biểu tượng, một số hướng tiếp cận lý thuyết, NXB. Thế giới, Hà Nội, 2014.
  7. Phạm Đan Quế, Những điển tích hay trong Truyện Kiều, NXB Giáo dục, 2007.
  8. Phạm Thu Yến, Những thế giới nghệ thuật của ca dao, NXB Giáo dục, HN, 1998.
  9. Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Biểu tượng nghệ thuật trong ca dao truyền thống người Việt, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, 2002.
  10. Bùi Mạnh Nhị, “Công thức truyền thống, đặc trưng cấu trúc của ca dao dân ca trữ tình”, Tạp chí Văn học, số 1, HN, 1997. 

[1]  Đinh Hồng Hải, Nghiên cứu biểu tượng, một số hướng tiếp cận lý thuyết, NXB Thế giới, Hà Nội, 2014, tr.12

 

[3]  Nguyễn Xuân Kính,  Thi pháp ca dao, NXB Đại học Quốc gia, HN, 2004, tr.309.

[4] Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao, NXB Đại học Quốc gia, HN, 2004, tr.311.

[5] Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao, NXB Đại học Quốc gia, HN, 2004, tr.317.

[6] Nguyễn Tử Quang, Điển tích truyện Kiều, NXB Tổng hợp Đồng Tháp, 1997.

[7] Lê Văn Hòe, Truyện Kiều chú giải, NXB Quốc học thư xã, HN, 1953, tr. 329.

[8] Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim , Nguyễn Du – Truyện Kiều, NXB Thanh Niên, 1999, tr.25.

[9] Lê Văn Hòe, Truyện Kiều chú giải, NXB  Quốc học thư xã, HN, 1953, tr.31

[10] Lê Văn Hòe, Truyện Kiều chú giải, NXB  Quốc học thư xã, HN, 1953), tr.32

[11] Đào Duy Anh, Từ điển truyện Kiều, NXB  Khoa học xã hội, HN, 1974,  tr.17.

[12] Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Nguyễn Du – Truyện Kiều, NXB  Thanh Niên, 1999,  tr.22.

[13] Lê Văn Hòe, Truyện Kiều chú giải, NXB Quốc học thư xã, HN, 1953, tr.25.

[14] Lê Văn Hòe, Truyện Kiều chú giải, NXB Quốc học thư xã, HN, (1953),  tr.108.

[15] Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim (hiệu khảo; 1999); Nguyễn Du – Truyện Kiều, NXB Thanh Niên, tr.21

[16] Đào Duy Anh, Từ điển truyện Kiều, NXB Khoa học xã hội, HN, 1974,  tr.302.

[17] Lê Văn Hòe, Truyện Kiều chú giải, NXB Quốc học thư xã, HN, 1953,  tr.23.

[18] Lê Văn Hòe, Truyện Kiều chú giải, NXB Quốc học thư xã, HN, 1953, tr.406.

[19] Đào Duy Anh Từ điển truyện Kiều, NXB Khoa học xã hội, HN, 1974, tr.33.

[20] Lê Văn Hòe, Truyện Kiều chú giải, NXB Quốc học thư xã, HN, 1953, tr.519

[21] Lê Văn Hòe, Truyện Kiều chú giải, NXB Quốc học thư xã, HN, 1953, tr.173.

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website