Người lính mang thông điệp đoàn viên

Phải có một động cơ cao cả thúc đẩy người lính. Động cơ này là tình cảm bẽn lẽn, ít biểu lộ của người Nga. Nhưng nằm sâu trong đáy bản tính mỗi người. Đó là lòng yêu nước

N. LEV TOLSTOY

Một ngày nọ, khi thời gian đã rong rêu trên muôn dặm nẻo đường chiến tranh của thế kỷ 20. Bỗng đâu tôi đọc được những đoạn văn trang nghiêm mà trầm mặc phủ lên sự ngầu tươi máu lửa và dồn nén nghẹn ngào cảm xúc của người lính trận.

Năm 1972. Một trung đoàn đánh vào thị trấn Kontum nhưng bắt buộc phải rút lui ... dưới trời mưa tháng 7 tầm tã. B52 dội liên tục xuống vị trí đứng chân. Trung đoàn trưởng bị thương. Hao hụt mất già nửa quân số... Hầu hết vũ khí phải chôn giấu lại. Thương binh khiêng lẫn trong đội hình hành quân. Cứ 3 người đảm nhiệm một cáng. 222.

Những năm tháng cơ cực, khắc nghiệt nhất của chiến trường Quảng Đà. Nhiều lần hành quân trong rừng, gặp những chiếc võng mắc im lìm trên đường. Lại gần mở bọc võng ra nhìn, người nằm trong võng đã chết khô, đen sạm lại. Dưới đất là những chiếc ba lô lép xẹp, ghi rõ địa chỉ những thôn xã miền Bắc. Những người chiến sỹ này phần đông chết vì đói, vì đi lạc hoặc gặp một cơn sốt rét ác tính bất chợt. 77.

Một trận đánh vùng Bình Định, Phú Yên, Phan Rang tháng 3-1975.

Ở đường hào, mấy chiến sỹ đang đỡ một thương binh lên cáng. Anh bị vào sọ não. Máu chảy ra ướt đẫm lưng áo đông đặc lại. Anh thở khò khè. Một chiếc bong bóng đỏ ngầu cứ phồng lên xẹp xuống theo nhịp thở trên mũi... Đường hào chật chội xác ngụy. Một thằng trở mình rên lên khe khẽ. Máu vẫn đổ ra chầm chậm trên mặt nó. 185.

Một đoạn hồi ức. Cuộc gặp mặt giữa hai anh em trong ngôi nhà xưa vốn là nơi đã sinh ra họ. Người anh. Sỹ quan pháo binh. Theo cha ra Bắc tập kết trở về. Người em ở lại miền Nam với mẹ. Sỹ quan pháo binh của Việt Nam Cộng hòa.

Nhớ lại ngày xưa vườn nhà mọc chen chúc những thân dừa cao và thẳng. Đêm đêm những trái dừa khô thỉnh thoảng lại rơi xuống mặt vườn làm hai anh em choàng tỉnh dậy trong ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn dầu đặt trên bàn thờ.... Mùa hè 1972 người anh trở về gặp lại người em trong đêm ở chính căn nhà ấy. Nó xô ghế đứng dậy, rút súng với một vẻ hăm dọa. Mũi súng không rời ngực anh. “Ông có con đường của ông. Tôi có đường của tôi. Ông đi ngay khỏi đây, nếu không tôi sẽ kêu dân vệ tới”. 82-83.

Một nữ du kích giải phóng bị bắt.

Cai ngục ra lệnh hai thằng lính xông tới túm lấy cẳng chân chị dốc ngược. Chị nghẹt thở giẫy đạp quằn quại... Trên đầu chị là tấm lưới sắt... Lính gác đi lại trên đó. Thỉnh thoảng lấy chân tạt đống vôi bột xuống, chị ho sùng sục. Nước mắt, nước mũi và bọt mép sùi ra. 213-214.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân

Người viết những đoạn văn trên đây đã nghiền ngẫm vào ngay năm 1975, khi chiến cuộc lâu dài và ác liệt vừa kết thúc, ngay trước cửa của ngôi nhà hòa bình bị tàn phá hoang tàn. Người ấy là một người lính - Đại tá, nhà văn quân đội Nguyễn Trí Huân, người đi khắp nẻo đường 10 năm chiến tranh ở Bắc, Trung, Nam và trên bán đảo Đông Dương cũng như trên bao nhiêu nhọc nhằn của trường văn trận bút. Bây giờ ông nghỉ hưu làm một người thường lặng lẽ. Có thời giờ trông đứa cháu nội bé bỏng tập lật trên giường khi chưa ngóc đầu dậy được cho đến lúc bấu vào thành giường đi những bước đầu tiên. Trong một con ngõ hẹp đường Lý Nam Đế. Hà Nội. Giữa mùa dịch giã bao vây. Con ngõ dài chừng 200m muốn đi trở ra phải quay trở lại ấy nắng mưa có tới 3 người lính làm nên văn nghiệp. Tất cả họ đã đi hàng vạn km trường chinh để về được đến đây. Mặt tiền của ngõ gia binh chen chúc này nhìn ra đường tàu hỏa năm 1926 đã từ Nam ra đất cố đô đến bây giờ ngày đêm vật vã nhắc nhở rằng cuộc đời này vẫn còn xuôi ngược biết mấy gian nan. Tiếng súng của những cuộc chiến tranh tưởng lùi vào dĩ vãng mà vẫn khoét vào vách nhớ của ký ức con người. Mỗi một số phận người lính trên đất nước nhỏ bé này để về được cái ngõ gia binh xoàng xĩnh ấy phải trải qua bao nhiêu thử thách. Cuốn sách viết bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Việt có tiêu đề The War 1858 - 1975 in Vietnam nhìn toàn cảnh về cuộc chiến giành và giữ nền độc lập của dân tộc ta trong thế kỷ hiện đại ác liệt và đau thương như thế nào để đến ngày chiến thắng. Thông điệp của dân tộc ấy khảng khái nói với nhân loại điều gì về phẩm giá của người Việt Nam sau những năm dài chiến trận? Hồi kỳ Nhìn lại quá khứ của R. MacNamara kể về trận giao chiến giáp lá cà đầu tiên ngày 14 đến 19/11/1965 ở thung lũng Iđrăng B3. giữa 2 trung đoàn chủ lực với những sư đoàn thiện chiến nhất của Mỹ. Một trận đánh dữ dội giữa vùng cỏ voi và những ụ kiến cao bằng đầu người... 300 lính Mỹ đã bị giết... Quân Bắc Việt Nam đã lựa chọn địa điểm, thời gian và thời lượng tham chiến… suốt cuộc chiến tranh. Có một cái nhìn khác viên Bộ trưởng chiến tranh Mỹ. Tiểu thuyết của một nhà văn Việt Nam mô tả trận đánh ở B3. Các đại đội của ta tan tác. Không lính không quan gì nữa rùng rùng lao chạy... Trên đầu trực thăng Mỹ rà rạp các ngọn cây và gần như thúc họng đại liên vào gáy những người lính Việt Nam mà bắn... Máu tung xối, chảy tóe, ồng ộc, nhoe nhoét... Tiểu đoàn trưởng (Việt Nam) gào to, như điên, mặt tái dại: thà chết, không hàng... rồi rút súng lục tự đọp vào đầu... Mưa ập xuống. Bãi chiến trường ngập nước lềnh bềnh xác người sấp ngửa .v.v...

Cùng một cuộc chiến tranh, có hai cách nhìn thật khác nhau. Cho dù trận đánh ấy của nhà văn là 100% sự thật, thậm chí còn cay đắng hơn nữa, nhưng tôi băn khoăn liệu có phải là tiêu biểu cho người lính Việt Nam ở cuộc chiến mà họ là chính nghĩa hay không? Lương tri người Mỹ nghĩ gì? Liệu họ có hả hê chăng khi binh lính của họ như bầy thú săn người man rợ? Phải chăng nhà văn muốn gửi thông điệp đó tới Bộ trưởng chiến tranh Hoa Kỳ và vạch trần tính man rợ của cuộc chiến?

Bởi thế, khi đọc những dòng trích dẫn trong Năm 1975 họ đã sống như thế Chim én bay, tôi nóng lòng muốn biết người lính nằm lại trên võng im lìm giữa núi rừng Trường Sơn năm ấy. Những người chôn súng lại rút lui khi già nửa quân số vùi trong bom đạn giặc. Những người lính trào máu trên chiến hào bề bộn xác giặc. Những người lính anh em ruột thịt đứng ở hai trận tuyến chia đôi ngay trên mái nhà của họ. Những người du kích bị giặc tra tấn hành hạ khủng khiếp, Họ sẽ kết thúc cuộc chiến tranh ấy như thế nào? Họ nghĩ gì? Ước vọng của họ ra sao? Khi đất nước rải thảm cỏ hòa bình trở lại trên mảnh đất đầy máu và nước mắt?

Có người nói: Thể loại tiểu thuyết như là xương sống của nền văn học. Kể từ năm 1960 trở đi trên văn đàn Việt Nam đã xuất hiện những bộ tiểu thuyết tầm vóc, tỏ rõ sự trưởng thành vượt bậc của văn xuôi kể từ đầu thế kỷ 20. Chưa bao giờ nguôi ngoai chủ đề chiến tranh và hình tượng người lính Việt Nam, nền tiểu thuyết hiện đại không bao giờ ca ngợi chiến tranh mà kiêu hãnh làm sáng tỏ những phẩm giá tuyệt vời của người lính thông qua thân phận và tâm trạng của số phận con người. Có hai khuynh hướng của tiến trình ấy. Tiểu thuyết như là khúc ca bi tráng và tình yêu tuyệt vời của họ. Dấu chân người lính, Mẫn và tôi v.v... là sách gối đầu giường cho nhiều thế hệ ra tiền tuyến. Một khuynh hướng khác xuất hiện muộn hơn, tái hiện những đau thương mất mát, sự tàn độc và man rợ của chiến tranh, những hậu quả đau lòng kéo dài sau khi chiến tranh kết thúc. Nỗi buồn chiến tranh. Bến không chồng.v.v.

Năm 1975 họ đã sống như thế (viết từ 1975 đến 1978, in năm 1979). Chim én bay (viết xong tháng 10-1987 in năm 1988), là hai bộ tiểu thuyết đáng kể hơn cả trong gia tài văn chương Nguyễn Trí Huân. Bằng hai tác phẩm này, ông đã được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Năm 2007. Chim én bay được Nhật Bản dịch ra tiếng Nhật. Điều đáng lưu ý cả hai tiểu thuyết thống nhất cách tiếp cận cuộc chiến tranh và chung một thông điệp rất nhân bản về số phận con người sau khi cuộc chiến kết thúc. Năm 1975 họ đã sống như thế được viết ngay năm 1975 khi cuộc chiến đã dừng mà tưởng như chưa nguội lửa, kịp thời lý giải suy tư và ước vọng của người lính vừa bước ra khỏi chiến trường. Tính hấp dẫn của tiểu thuyết và bản lĩnh của nhà văn trong tư tưởng và nghệ thuật  văn chương là ở đó.

Năm 1975 họ đã sống như thế kể về cuộc chiến đấu của một sư đoàn quân giải phóng ở hướng thứ yếu của chiến dịch từ chiến trường Bắc Bình Định qua Phú Yên, Phan Rang rồi đến Vũng Tàu, Côn Đảo. Tuyến phát triển của truyện chủ yếu theo chiều thời gian với diễn biến tâm trạng và số phận những nhân vật của tiểu đoàn bộ binh và tiểu đoàn pháo binh trong một trung đoàn. Nhìn vào tiêu đề tiểu  thuyết, có thể có ý nghĩ rằng thể tài phóng sự dễ bị các sự kiện lôi cuốn sẽ đưa chất tiểu thuyết lùi xuống hàng thứ 2. Nhưng Nguyễn Trí Huân đã tỏ ra một cây bút có bản lĩnh, làm chủ được tư duy nghệ thuật của ông khiến cho tiểu thuyết phóng sự này đã mở ra một không gian tiểu thuyết hấp dẫn mà chân thực qua tâm trạng và số phận của người lính trận ở cả hai phía. Họ ở đây bao gồm cả người lính giải phóng (đương nhiên là ở hướng chính diện và chủ yếu) cũng như người lính Việt Nam Cộng hòa. Bởi thế cho nên Năm 1975 họ đã sống như thế mở đầu bằng nhật ký của viên thiếu úy ngụy chết trận để lại với một sự trân trọng của những người hiệp sỹ với nhau. Nhật ký đó là của một người có học bị bắt đi lính, anh bộc lộ tâm trạng về sự phi lý và phi nghĩa của chiến tranh. Căm ghét sự giả dối, thối nát và tham nhũng... của các sỹ quan cao cấp. Thái độ của nhà văn trân trọng với người của phía bên kia đã ngã xuống. Cách mở đầu này cho thấy hướng tiếp cận cuộc chiến tranh với dụng ý của tư tưởng nghệ thuật. Vào thời điểm 1975, chưa xuất hiện những nhật ký chiến trường của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc và nhiều người khác... là cách nhìn mới mẻ của Nguyễn Trí Huân đáng được ghi nhận.

Năm 1975 họ đã sống như thế trong một sư đoàn có tới 8, 9 cặp đôi của một gia đình. Người ở bên này; Người ở bên kia. Tiêu biểu cho cặp đôi nhân vật đó là hai anh em Phác và Phán mà chúng ta đã gặp ở phía trước. Họ gặp nhau tại căn nhà của mình trước khi bước vào những trận đánh sinh tử. Khi sư đoàn của Phác đuổi giặc từ Bình Định đến Vũng Tàu, bắt sống cả tướng hoàng tộc Nguyễn Vĩnh Nghi. Nhưng cứ sau mỗi trận đánh ác liệt, Phác vẫn thấp thỏm đi tìm liệu có xác người em của mình hay không? nó đang ở đâu trong khói lửa chiến tranh này? Nguyễn Trí Huân đã lý giải mong muốn sự đoàn viên xuất phát từ phía viên trung tá pháo binh khi đã leo lên tàu Mỹ trốn chạy, anh tự nguyện nhảy xuống biển bơi vào bờ. Cuộc gặp giữa hai người thật cảm động. Người em khô héo cúi xuống nói: Tôi không thích đi Mỹ. Tôi đã chán hết trơn trọi. Còn người anh thấy nhói lên một niềm thương không sao cắt nghĩa được. Rằng đất nước, nhà cửa, anh em sẽ vẫn là của nó. Sự đoàn viên của gia đình Việt Nam là không thể khác được. Ở một khía cạnh, khi người lính giải phóng trở về nhà. Mạc chính trị viên tiểu đoàn bộ binh. Người vợ trẻ đẹp của anh ở hậu phương ngoại tình có con với người khác; lý do mà Mạc từ đi B ngắn xin đi B dài. Ở đây, khi gần kết thúc tiểu thuyết, chúng ta lại có một nhật ký khác. Nhật ký của Mạc sau trận đánh cuối cùng khoảng ngày 26, 27/4/1975 đã hy sinh. Mạc bộc trực. Chưa hết lòng tin ở vợ. Rằng khi hòa bình sẽ đưa vợ về nông thôn hay một công trường xây dựng. Mạc viết. Mình là người lính, phải có trách nhiệm với lỗi lầm của người khác. Nhưng anh không kịp làm được nữa rồi. Một cuộc đoàn viên dang dở nhưng sáng ngời phẩm chất của người lính Việt Nam. Quả cảm, giàu lòng yêu thương và tha thứ. Hai người lính ở hai phía. Hai cuốn nhật ký để lại đều rất đáng được trân trọng. Năm 1975 họ đã sống như thế còn dự báo hoặc cho thấy sự đoàn viên của tình yêu lứa đôi giữa Thức chính ủy trung đoàn với Thư y tế trạm phẫu; giữa Thoại tham mưu trưởng tiểu đoàn pháo và Phúc, vốn là du kích bị cụt cả 2 chân vì tra tấn của địch, giữa Thiết, chiến sỹ giải phóng với người con gái lưu lạc bởi 20 năm chiến tranh của sư đoàn trưởng v.v... Bất chấp chiến tranh, người Việt Nam vẫn yêu thương tha thiết và tìm về sự đoàn viên hạnh phúc theo cách của mỗi người.

Năm 1988. Tiểu thuyết Chim én bay được xuất bản. Chim én bay kể về sự tích người nữ du kích anh hùng tên Quy ở Bình Định. Anh và chị ruột Quy bị tên giám Tuân hạ sát bằng cách đánh bộc phá làm sập hầm trên lưng chừng bờ giếng khơi và dùng xe GMC kéo lê xác rách nát trên đường. Cha bị giám Tuân đe dọa khủng bố cho đến chết. Nợ nước thù nhà, Quy tham gia đội chim én 3 lần đi xử tội tên Tuân. Lần thứ nhất Quy không nỡ bắn vì hắn ẵm đứa con trai nhỏ trên tay. Lần thứ 2 bắn bị thương. Lần thứ 3, một mình Quy vào thẳng căn cứ địch xử tử hắn. Chị bị bắt và bị đày đi nhiều nhà tù. Rồi chị được Mặt trận đưa ra Bắc chữa trị. Được đi nước ngoài học tập. Được bầu vào quốc hội. Được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang. Người phụ nữ ấy nghĩ gì sau chiến tranh? Ngay ở 5 dòng đầu tiên của Chim én bay, Nguyễn Trí Huân đã bộc lộ một tư tưởng về không gian nghệ thuật rất nhân bản của ông là trao cho người du kích ấy cái ý định tìm lại nhà của những tên ác ôn xem vợ con họ sống ra sao để mà giúp đỡ họ. Người nữ du kích ấy không phải là kẻ tu hành đi ra từ mái chùa của Phật hay thánh đường của chúa Jesu. Chị đi ra từ cuộc chiến tranh ác liệt mà chị gánh nhiều hậu quả nhất. Quy đã mất chức năng làm mẹ và nhiều bệnh tật giày vò hành hạ. Tình yêu của Quy với người đội trưởng du kích tên Cường đã không thành vì chị tự nguyện không muốn Cường gánh chịu hậu quả không sinh nở. Cả mối tình qua thư với anh trung đoàn trưởng sư đoàn Sao Vàng cũng không kịp thực hiện khi Quy chết vật vã trên giường bệnh. Không chờ kịp đến tháng giêng mùa xuân người yêu hẹn trở về cho cuộc đoàn viên chồng vợ. Nhưng chủ nghĩa nhân văn và tính nhân bản của tiểu thuyết bắt đầu khi hòa bình trở lại, người nữ du kích không may mắn ấy đã trở lại con đường xưa ngập bóng râm của những vườn dừa đang chỗ lứa quả đầu tiên để đến những gia đình vợ con người có nợ máu với cách mạng tìm cách cưu mang - Một thông điệp đoàn viên khác cho xứ sở đau thương và giàu lòng nhân ái này. Con đường đoàn viên ấy thật khó khăn khi phải vượt qua sự kỳ thị của cả xã hội và của ngay những người ở phía bên kia... Điều an ủi cho tất cả những người trải qua thù hận, khổ đau và cay đắng đến cùng cực đã tìm về được mái nhà chung của yêu thương, tha thứ và đùm bọc. Số tiền ít ỏi của một nữ chiến sỹ du kích như Quy đã được chuyển đến cho đứa con của kẻ ác, đứa con được chính hắn bế trên tay 10 năm trước đã kìm lại phát súng của lòng căm thù.

Thông điệp của một đời người lính - nhà văn Nguyễn Trí Huân qua những dòng giản dị, chân thực và xúc động thật rõ ràng. Tôi nghĩ đó cũng là một trong những thông điệp mà dân tộc ta muốn nói với nhân loại rằng chúng ta là những người hiểu hơn ai hết cái giá của chiến tranh, cái giá của hòa bình. Sau những gì đau thương mất mát là đoàn viên, hòa hợp dân tộc. Đó là tiếng nói khẽ khàng về lòng cao thượng, đức hy sinh và sự khiêm nhường vô bờ bến của người lính Việt Nam - Một giá trị sống rất nhân bản của lịch sử hiện đại.

Năm 2000 trở đi. Sự đoàn tụ gia đình, sự hòa hợp dân tộc sau chiến tranh dường như đã trở thành lẽ đương nhiên của cuộc sống. Năm 2004, Nguyễn Cao Kỳ về quê Sơn Tây ăn tết. Ông ấy cũng nói chuyện đoàn viên. Nhưng lịch sử đi đến được điều đó đâu phải dễ dàng. Vì vậy trân trọng những tư tưởng nghệ thuật trong tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân. Bởi vì ông đã sớm suy ngẫm và khẳng định điều này. Không phải bằng những quyền trượng giáo lý khô khan mà bằng cả một thế giới nghệ thuật do ông xây dựng nên. Ngay từ giữa năm 1975 khi các mặt trận vừa im tiếng súng và những người lính hối hả lên những chuyến tàu trở về với hòa bình. Rất nhiều trong số triệu người lính ấy vội về nhà để đi lấy vợ và cày nốt thửa ruộng còn bỏ giở 20 mươi năm trước. Nguyễn Trí Huân đã ở lại với chiến trường trên những trang văn còn nóng hổi sự kiện và giao thoa với muôn ngàn ký ức của người lính trận, kịp thời lý giải suy tư và ước vọng cho hàng triệu con người thông điệp về sự đoàn viên và hòa hợp giữa những người anh em ly tán trong niềm vui của độc lập, thống nhất, tự do, hòa bình và hạnh phúc.

Giữa mùa dịch giã đầy lo âu của đất nước, như một cách để bình tâm, tôi mang Nguyễn Trí Huân ra đọc lại. Đọc cái thế giới tinh thần của ông - Cái không gian nghệ thuật do ông tưởng tượng ra và tìm thấy sự đồng điệu của bản thân mình và của bao người bạn khác. Làm bạn một nhà văn, nếu không đọc tác phẩm của họ, sao có thể hiểu được bản thân họ. Bởi vì ở đấy nhiều khi họ sống nhiều hơn cuộc sống đời thường của họ. Tự dưng tôi nghĩ: Nguyễn Trí Huân không thể không là một nhà văn có trách nhiệm thì sao có thể viết chân thực mà mê hoặc được người ta đến thế? Đôi khi tôi tự hỏi, với dáng vẻ khiêm nhường và hiền lành kia, sao ông lại có thể viết nên những đoạn văn tình nóng bỏng yêu thương của những con người khắc khổ một thời xa đằng đẵng đằng sau cánh cửa mơ hồ của thế kỷ 20 đã khép lại rồi? Những đoạn tình chắt chiu lửa ấm mà đôi khi lặng lẽ trong đời văn gian khổ của một người trận mạc? Có lẽ cái nghề tư pháp khô khan đã nhuốm tư duy của tôi vào những hòn gạch lục ngăn nắp nhưng mà cứng nhắc đã không thể viết được những đoạn văn tình sâu bốc lửa trong Năm 1975 họ đã sống như thếChim én bay?

Ông có thể nghe hàng giờ và khuyến khích tôi kể chuyện những lần du thuyết ở Nhật, Đức, Mý, Úc, Trung Quốc v.v... về cải cách tư pháp và khuyên tôi nên viết chân dung các nhà văn. Nguyễn Huy Thiệp. Hữu Thỉnh. Nguyễn Đức Mậu. Ngô Thế Oanh. Nguyễn Hoa. Nguyễn Quang Thiều. Trần Đăng Khoa v.v... như là tìm về sự đoàn viên của những người cầm bút dưới mái nhà chung số 9 Nguyễn Đình Chiểu. Nơi tụ nghĩa của những con người suốt cả đời chỉ mong muốn bằng ngọn bút của mình làm nên những thông điệp đầy tự hào về bản tính Việt Nam.

Chỉ có điều đáng tiếc tôi chưa học được ở ông kỹ nghệ zít điếu cày thuốc lào dòn dã, thỏa thuê và lịch lãm - một đặc sản tĩnh tâm của người đàn ông xứ Đoài xưa, sau những gì quyết liệt và ít nhiều phiêu lãng. Vậy mà khi nói về núi Tản sông Đà, tất cả họ đều bẽn lẽn và trở nên ít nói đến lạ thường.

Hà Nội mùa đông 2021

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63733323
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
31417
22198
63733323

Thành viên trực tuyến

Đang có 352 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website