Tiểu thuyết Nam Bộ đầu thế kỷ xx viết về lịch sử Thăng Long – Hà Nội

Phan Mạnh Hùng

(ĐH KHXH & NV TP. HCM)

1. Tiểu thuyết Nam Bộ đầu thế kỷ XX viết về con người và lịch sử gắn với vùng đất Thăng Long – Hà Nội có các bộ Lê triều Lý thị - 1931, Tiền Lê vận mạt - 1932, Việt Nam Lý trung hưng - 1929, Trần Hưng ĐạoViệt Nam Lê Thái Tổ -1933 của Phạm Minh Kiên (? - ?), - của Nguyễn Chánh Sắt (1869-1947), Nặng gánh cang thường - 1930 của Hồ Biểu Chánh (1885-1958)(1). Đây là những bộ tiểu thuyết lấy cảm hứng từ lịch sử dân tộc và được viết bằng chữ Quốc ngữ La tinh, thể hiện tinh thần “trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” của các nhà văn xuất hiện vào giai đoạn tương đối sớm ở Nam Bộ. Nội dung các bộ tiểu thuyết này tập trung vào hai vấn đề chính là xây dựng đất nước và chống ngoại xâm của dân tộc ta từ thế kỷ X đến thế kỷ XV, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, với các danh nhân lịch sử Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Ngô Sĩ Liên… Thiết nghĩ, lịch sử ngàn năm của dân tộc không phải là lịch sử của riêng Thăng Long – Hà Nội, nhưng trong bao lớp thăng trầm hưng phế của các thời đại, triều đại, Thăng Long – Hà Nội luôn là tâm điểm của lịch sử, là biểu tượng của sức mạnh và sự thống nhất đất nước. Đầu thế kỷ XX, trong điều kiện đất nước bị thực dân xâm lược, các nhà văn Nam Bộ đã làm sống lại những chặng đường, sự kiện lịch sử hào hùng và cũng là một cách thể hiện tinh thần dân tộc, qua đó góp phần khơi gợi, cổ vũ các phong trào đấu tranh yêu nước đang ngày càng sục sôi của đồng bào cả nước. Lần giở lại các trang viết này, chúng ta sẽ thấy được ý thức và tình cảm của các nhà văn Nam Bộ đầu thế kỷ XX đối với lịch sử ngàn năm của dân tộc.

2. Đánh giá các bộ tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử xuất bản ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX, tác giả Nguyễn Huệ Chi và Vũ Thanh trong bài viết Những đóng góp của tác giả Nguyễn Tử Siêu cho loại hình tiểu thuyết lịch sử giai đoạn đầu thế kỷ đã lưu ý: “Cần nhớ rằng trước sau cùng thời với Nguyễn Tử Siêu, các nhà văn trong Nam đã cho ra đời không ít tiểu thuyết lịch sử như Phan Yên ngoại sử (1910), Giọt máu chung tình (1923?), Lê triều Lý thị, Tiền Lê vận mạt… Văn chương của những cuốn sách này vào thời đó cũng không phải là không hấp dẫn, nhưng tiểu thuyết lịch sử của họ đã không có tiếng vang trong phạm vi cả nước trừ Giọt máu chung tình. Vì sao? Chúng tôi nghĩ những cuốn tiểu thuyết đó mới chỉ đáp ứng nhu cầu của người Nam Bộ muốn ‘ghiền’ tiểu thuyết Tàu”(2). Tầm Vu, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Y trong sách Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh cho rằng “những người Việt Nam viết truyện, viết tiểu thuyết lịch sử khi ấy thường bắt chước theo cách viết truyện Tàu, chỉ thay đổi cốt truyện là chính: nhân vật là người Việt Nam, lịch sử là lịch sử Việt Nam, khung cảnh là đất nước Việt Nam. Cũng kể chuyện theo thời gian, có lớp lang, trước sau, chia thành chương hồi để dễ nhớ. Lời văn biền ngẫu. Trung hiếu, tiết nghĩa, trí dũng vẫn là đạo lý cơ bản, có điều là truyện cố ý khơi gợi ý thức dân tộc, lòng yêu nước, tính anh hùng”(3). Qua nhận xét vừa dẫn, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những thế mạnh và hạn chế của các tiểu thuyết ở Nam Bộ viết về đề tài lịch sử. Ngoài ra, một điểm thống nhất có thể rút ra từ những ý kiến này: Truyện Tàu đã có một sự ảnh hưởng to lớn đối với nhà văn và độc giả Nam Bộ. Một điều quan trọng khác làm nên giá trị lâu dài cho các bộ tiểu thuyết này là ý thức khơi gợi tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, tính anh hùng.

Sự ảnh hưởng của truyện Tàu đối với tiểu thuyết Nam Bộ nói chung và nhóm tiểu thuyết lấy cảm hứng từ lịch sử nói riêng là có thật. Trong quá trình hiện đại hóa văn học, nền văn học Nam Bộ đã diễn ra chu trình dịch thuật, phóng tác rồi đến sáng tác. Xu thế dịch thuật tác phẩm văn học nước ngoài là xu thế không thể cưỡng lại khi nền văn học Nam Bộ đang ở vào thời điểm chuyển giao và có sự “khủng hoảng” trong đời sống văn học theo lối truyền thống. Nhà nghiên cứu Bằng Giang có lý khi cho rằng truyện Tàu đứng được “một phần cũng vì mảnh đất sáng tác của ta hãy còn là một bãi đất trống… Truyện Tàu tung hoành được cũng do vào thời đó những phương tiện giải trí của người dân còn hiếm hoi”(4). Đã có những thống kê công phu về số lượng tiểu thuyết Tàu được dịch sang chữ Quốc ngữ La tinh lưu hành ở Nam Bộ(5). Thống kê cũng cho thấy phong trào dịch truyện Tàu rộ nhất vào thập niên 20 của thế kỷ trước. Truyện Tàu sau khi làm dịu “cơn khát” của độc giả bắt đầu tạo ra phản ứng ngược. Đến một lúc nào đó, sự “tung hoành” của truyện Tàu đã tạo nên sự “phản ứng” của làng văn, nhưng là phản ứng tích cực. Các trí thức đương thời có trách nhiệm với văn hóa dân tộc là những người sớm nhận ra những hạn chế của truyện Tàu, như nhận xét của Tầm Vu, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Y: “một số người Việt Nam, thường nhất là những người đang vận động ‘minh tân’, ‘duy tân’ hồi đầu thế kỷ XX, thấy rằng phải hướng đồng bào mình trong lúc đọc truyện lịch sử Trung Quốc thì càng phải đọc truyện lịch sử Việt Nam”(6). Qua lời giới thiệu ở các bộ tiểu thuyết lấy cảm hứng từ lịch sử dân tộc của các nhà văn Nam Bộ cũng cho thấy những nhận xét vừa dẫn là hoàn toàn có căn cứ.

Từ khá sớm, trong lời tựa Giọt máu chung tình (1924), Tân Dân Tử(7) đã chỉ ra tình trạng người dân thông thuộc sử Tàu hơn sử ta. Nhà văn đã nhận ra một thực trạng trong “văn hóa đọc” của một bộ phận lớn độc giả: “Thử hỏi Trương Lương, Hàn Tín, Hạng Võ, Tiêu Hà thì sự tích làu thông, còn hỏi ai là anh hùng hào kiệt trong nước thì ngẩn ngơ chẳng biết… như vậy thì người xứ ta chỉ biết khen ngợi sùng bái người anh hùng liệt nữ khác, mà chôn lấp cái danh giá của người anh hùng liệt nữ trong xứ mình, chỉ biết xưng tụng cái oai phong của người ngoại bang, mà vùi lấp cho lu mờ cái tinh thần của người bổn quốc” (Lời tựa Giọt máu chung tình). Nhà văn Hồ Biểu Chánh cho rằng: “Trung Hoa có sử rồi có truyện nữa. Việt Nam cũng có sử, há lại không có truyện hay sao? Ấy vậy, viết một bộ truyện An nam ví dầu không giúp vui cho độc giả được đi nữa, thì cũng biên chép được một đoạn sự tích của nước mình, làm như thế tưởng có lẽ không phải là một việc vô ích” (Nặng gánh cang thường).

Điểm gặp gỡ trong ý thức của các nhà văn là sự thể hiện niềm tự hào về truyền thống lịch sử và danh nhân anh hùng nước Việt không hề thua kém Trung Hoa; rằng những sự việc và con người họ trình bày trong tác phẩm là hết sức nghiêm túc, được rút trong “quốc sử” với ước muốn là “quốc sử được phổ thông”, được phổ biến trong quần chúng. Phạm Minh Kiên khi phát biểu về ý hướng xây dựng nhân vật Lý Công Uẩn - vị vua mở đầu vương triều Lý và lịch sử Thăng Long, đã bộc bạch: “Tôi viết bộ truyện Lê triều Lý thị này cốt chỉ rút ở trong mấy thứ sử, như là Việt Nam lược sử, Đại Nam thực lục tiền biên, Nam Hải dị nhân lược biên dã sử. Trong các sử ấy, thấy sự tích ly kỳ của ông Lý Công Uẩn chẳng khác nào như ông Triệu Khuông Dẫn bên Tàu. Mà Triệu Khuông Dẫn người ta đã có đem ra thêu thùa bày vẽ, sắp đặt nên truyện, nên tuồng rất dài, để bia danh nêu giá, còn Lý Công Uẩn nhà ta thì chôn chặt ở hòm quốc sử” (Lời tựa Lê triều Lý thị). Trong lời đề tựa cho Việt Nam Lý trung hưng của Phạm Minh Kiên, tiểu thuyết viết về cuộc đời danh tướng Lý Thường Kiệt và cuộc chống Tống bình Chiêm thời Lý, nhà tiểu thuyết lịch sử số một của Nam Bộ là Tân Dân Tử cũng chia sẻ: “Nay tôi xem bộ tiểu thuyết của ông Phạm Minh Kiên nhan hiệu là Việt Nam Lý trung hưng, thấy Lý Thường Kiệt là một danh tướng của nước ta trong đời nhà Lý, khi đánh Trung Quốc, lúc đuổi Chiêm Thành, thật là chinh nam phạt bắc, chống vững san hà, dẹp loạn phò nguy, vun bồi tổ quốc. Cái công nghiệp Lý Thường Kiệt nào có kém gì Địch Thanh đời Tống, Nhơn Quý đời Đường, Quan Công đời Hán bên Trung Quốc” (Lời tựa Việt Nam Lý trung hưng). Còn Nguyễn Chánh Sắt khi viết Việt Nam Lê Thái Tổ - tiểu thuyết viết về người anh hùng Lê Lợi và công cuộc chống Minh của dân tộc ta đã bộc bạch: “Nay ký giả viết bộ tiểu thuyết này đây là rút trong quốc sử mà phô diễn ra gồm đủ văn chương và luân lý, có ý biểu dương những công lao sự nghiệp của một đấng vĩ nhân Nam Việt là Lê Thái Tổ, cùng những trang hào kiệt danh tướng đương thời, cho đồng bào chư tôn rõ biết mà truy niệm cái công mở mang bờ cõi và cái lòng ưu dân ưu quốc của các đấng tiền bối ta xưa, và cũng có làm cho quốc sử ngày nay được phổ thông (PMH nhấn mạnh), ấy là một điều cần nhất mà ký giả vẫn ước mong hơn hết vậy” (Lời tựa Việt Nam Lê Thái Tổ). Ý hướng viết tiểu thuyết với mục đích làm cho quốc sử được phổ thông (làm cho lịch sử nước nhà phổ biến rộng rãi trong quần chúng) cũng được Tân Dân Tử chia sẻ: “Tiểu thuyết thì có nhiều thứ khác nhau, nhưng tiểu thuyết lịch sử thì cần nhứt cho quốc dân ta lúc này… Muốn cho lịch sử nước nhà phổ thông thì chẳng chi bằng tiểu thuyết làm mai nhơn để dẫn dắt quốc dân đi vào đường lịch sử. Đó là một phương pháp rất anh minh và công hiệu” (Lời tựa Gia Long tẩu quốc).

Thực tế cho thấy, các bài khảo cứu về lịch sử dân tộc đăng trên Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Tri tân,… và các sách biên khảo lịch sử của trí thức đương thời ở Bắc lẫn Nam đầu thế kỷ XX chắc chắn có tác động đến ý thức cầm bút cùng cảm quan lịch sử của nhà văn Nam Bộ.

Cũng cần lưu ý đến một khía cạnh hết sức quan trọng thuộc về không khí lịch sử thời đại như Nguyễn Huệ Chi và Vũ Thanh đã chỉ ra khi xét những điều kiện ảnh hưởng đến sự lựa chọn theo hướng viết tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Tử Siêu, và theo chúng tôi nó cũng đúng với tâm thế của nhà văn Nam Bộ thời điểm ấy: “Đó là mong muốn được nói lên khát vọng của cả một dân tộc muốn tìm lại hồn nước, muốn tiếp nối tiếng gọi ‘hồn nước’ từng một thời cất lên sôi nổi với Phan Bội Châu, Đông Kinh nghĩa thục, Phan Châu Trinh… Sau mấy chục năm bị đàn áp, chém giết, tù đày, tiếng gọi ấy đã trở thành một nỗi đau uất nghẹn, một tiếng nói bị lấp trong ‘bể thảm’, nhưng giờ đây nó lại đột ngột bùng lên như một luồng sinh khí mới làm tỉnh táo hẳn bộ mặt Việt Nam, khi mà hình ảnh của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh lại đột ngột hiện trở về sau bao nhiêu năm”(8). Không khí cuộc vận động học tập nâng cao dân trí, chấn dân khí của phong trào Duy tân (Nam Bộ gọi là “Minh tân”), khí thế của các cuộc đấu tranh, phong trào biểu tình đòi thả Phan Bội Châu và đám tang Phan Châu Trinh của quần chúng cả nước và Sài Gòn – Nam Bộ đã có tác động quan trọng đến sự lựa chọn đề tài và cảm hứng sáng tạo của các nhà văn. Nhà văn tái hiện quá khứ với tâm thức và tình cảm của con người thời đại mới cùng mục đích ấp ủ tinh thần yêu nước, khích lệ tinh thần dân tộc là một đóng góp hết sức quan trọng đối với công cuộc giải phóng đất nước.

Tắm mình trong văn cảnh và điều kiện lịch sử xã hội đặc biệt như vậy, những cây bút ở Nam Bộ có cơ sở để tìm về cội nguồn lịch sử dân tộc làm điểm tựa cho sáng tạo. Tinh thần dân tộc trở thành một yếu tố quan trọng và là cảm hứng chủ đạo trong các tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử ở Nam Bộ. Trong rất nhiều tác phẩm được nhắc cho tới hôm nay, có cái là chuyện của một thời mau chóng bị vượt qua nhưng cũng không phải không có cái thuộc về chuyện của muôn đời. Ấy là những giá trị thuộc về ý thức dân tộc, niềm tự hào về truyền thống lịch sử đất nước và những bài học sâu sắc về tình cảm, luân thường đạo lý của con người trước những lựa chọn, biến cố lịch sử có tính chất tồn vong của dân tộc.

3. Cảm hứng chủ đạo bao trùm các bộ tiểu thuyết này là cảm hứng dân tộc, cảm hứng yêu nước thể hiện qua hứng thú của các tác giả trong việc ngợi ca những vị anh hùng dân tộc và các cuộc chiến tranh vệ quốc hào hùng của nhân dân ta. Trong Lê triều Lý thị, Tiền Lê vận mạt, Phạm Minh Kiên đã tập trung khắc họa nhân vật tâm điểm là Lý Công Uẩn cùng với vai trò của ông trong việc cầm quân đánh dẹp sự cát cứ của các tù trưởng vùng núi Cẩm Sơn, Hà Man và sự xâm lấn của Chiêm Thành, để cuối cùng bước lên ngai vàng điều hành đất nước, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử chế độ phong kiến nước ta. Trong Việt Nam Lý trung hưng là hình ảnh người anh hùng Lý Thường Kiệt với cuộc kháng chiến chống Chiêm Thành và quân nhà Tống. Nếu Lê triều Lý thị, Tiền Lê vận mạt Việt Nam Lý trung hưng là những cuốn tiểu thuyết viết về lịch sử thời nhà Lý thì Trần Hưng Đạo lại là cuốn tiểu thuyết lấy đề tài lịch sử thời đại nhà Trần với nhân vật chính là Trần Hưng Đạo, người lãnh đạo chủ chốt cuộc kháng chiến toàn dân ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược. Trong khi đó bối cảnh Việt Nam Lê Thái Tổ của Nguyễn Chánh Sắt và Nặng gánh cang thường của Hồ Biểu Chánh lại viết về thời nhà Lê.

Cùng với cảm hứng ngợi ca những người anh hùng xả thân vì sự nghiệp cứu nước là tiếng nói phê phán những cá nhân phản bội lại dân tộc như Lý Giác, Trương Hầu Mô cấu kết với vua Chiêm nhằm thôn tính Đại Việt trong Việt Nam Lý trung hưng; Trần Di Ái, Lê Mục, Lê Tung ôm gót quân Tàu tiến đánh nước ta trong Trần Hưng Đạo; là sự phê phán những kẻ xâm lược đến từ Trung Hoa: Mã Kỳ, Phương Chính, Lữ Cáng, Nhâm Năng, Vương Thông, Liễu Thăng, Thôi Tụ, Lý Khánh, Mộc Thạnh trong Việt Nam Lê Thái Tổ; Ô Mã Nhi, Thoát Hoan, Toa Đô trong Trần Hưng Đạo.

Cảm hứng ngợi ca vừa là điểm mạnh đồng thời là những hạn chế của một vài bộ tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử ở Nam Bộ. Chính vì tập trung ca ngợi, thường là những đức tính tốt đẹp của người anh hùng, những chiến công hiển hách của nhân dân qua ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông và quân Minh đã khiến Trần Hưng ĐạoViệt Nam Lê Thái Tổ mang đậm chất sử thi, anh hùng ca. Điều đó cũng có nghĩa là tính chất “đời tư” vốn rất quan trọng trong việc tạo nên “chất tiểu thuyết” đã bị giảm bớt. Các nhân vật trung tâm của những tiểu thuyết này như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi ít được nhà văn nhìn dưới góc độ “đời tư”, có chăng là những dòng tiểu sử về quê quán và thân nhân, khiến cho các nhân vật này ít “mềm mại”, dù rất sống động qua những hành động quả cảm và quyết đoán nhưng ít sâu sắc về tình cảm, trừ tình yêu nước. Điều này đã tạo ra không ít ngộ nhận nơi một số nhà nghiên cứu khi đánh giá tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX chỉ là “những chuyện đánh nhau, chuyện thay bậc đổi ngôi, chuyện Nam Bắc phân tranh, chuyện bắt cướp, nghĩa hiệp… và chỉ có thế nên những cuốn tiểu thuyết lịch sử này làm sao tranh khách được với tiểu thuyết dịch của Tàu buổi ấy”(9). Thế nhưng nếu nhìn rộng ra, tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử ở Nam Bộ không chỉ có vậy. Người đọc sẽ rất thích thú và cảm động khi tiếp xúc với Lý Thường Kiệt trong Việt Nam Lý trung hưng, Lý Công Uẩn trong Lê triều Lý thịTiền Lê vận mạt. Là một thanh niên “học rộng tài cao, có chí thương dân, có dạ lo đời, nhiều người biết tiếng”, Lý Thường Kiệt là linh hồn của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, trước kẻ thù không hề khuất phục nhưng lại là con người rất “đời thường”, đau khổ dằn vặt trước cảnh mất người thân. Và hình ảnh hai cha con Lý Thường Kiệt và Hoàng Anh nhận nhau trên chiến trường khốc liệt, đẫm máu là một chi tiết nghệ thuật rất nhân văn. Và cũng chính tình cảm cá nhân, đời thường, Lý Thường Kiệt đã tha cho Chế Đạt Du Na, không phải vì kẻ thù đã nuôi con của mình mà chính vì kẻ thù cũng là một “con người”, và ông hiểu con người đó bị đặt vào bổn phận công dân của một quốc gia, với chiến tranh thì không có trường hợp ngoại lệ. Là người can dự vào những thời khắc quan trọng của lịch sử, Lý Công Uẩn hiện lên trong Lê triều Lý thịTiền Lê vận mạt với phong thái hành động, suy nghĩ của bậc quân vương chính đạo, nhưng bên cạnh đó là chân dung của một con người “lãng tử”, chung tình. Chàng cũng hồi hộp, bồn chồn trước ánh nhìn của nàng Xuân Kiều, nét mảnh mai thanh tú của nàng Bạch Lan. Hình ảnh của những người con gái thuở “hàn vi” này sẽ theo mãi trong tâm trí chàng trên bước đường thu phục thiên hạ để đến lúc chính thức lên ngôi, việc đầu tiên là tìm lại chốn cũ và rước họ về hoàng cung. Chất “đời tư” lại càng đậm đặc nơi nhân vật Thanh Tòng (nhân vật hư cấu, không có thật trong lịch sử) trong Nặng gánh cang thường. Tiểu thuyết gia Hồ Biểu Chánh hẳn đã có rất nhiều kinh nghiệm nơi địa hạt tiểu thuyết thế sự đã xây dựng nên mối tình tuyệt đẹp nhưng oan trái giữa Thanh Tòng và Lệ Bích. Từ lòng đố kị của hai người cha cùng là quan đồng triều, dẫn đến việc Thanh Tòng lỡ tay giết chết cha vợ tương lai làm cho Lệ Bích đau khổ và tìm cách xa lánh chàng. Mối tình của họ được thử thách qua quốc sự. Nhân có quân Chiêm Thành xâm chiếm, Thanh Tòng nhận lệnh vua Lê Thánh Tông ra trận lập công chuộc tội và toàn thắng trở về, thêm một thời gian thử thách, cuối cùng Lệ Bích và Thanh Tòng cùng sánh duyên. Câu chuyện chỉ có vậy nhưng giữa những biến cố là hàng loạt những trường đoạn miêu tả sự dằn vặt nội tâm của hai người trẻ tuổi giữa bên hiếu bên tình. Trong tác phẩm này, số phận cá nhân gắn chặt với những biến chuyển của lịch sử, can dự vào thời cuộc khiến cho Nặng gánh cang thường gần với tiểu thuyết lịch sử thời hiện đại dù nó thuộc tiểu thuyết “dã sử”.

Có thể nhận thấy, cảm hứng lịch sử và cảm hứng dân tộc đã ít nhiều chi phối nhà văn trong việc chọn lựa các phương thức nghệ thuật thể hiện trong tác phẩm: quan niệm nghệ thuật về con người lịch sử, cách thức kết cấu, cách thức thể hiện không – thời gian, điểm nhìn nghệ thuật, ngôn ngữ nghệ thuật… Các phương thức này nhìn chung cho thấy một sự “thỏa hiệp” giữa tư duy nghệ thuật truyền thống (ảnh hưởng tiểu thuyết Trung Hoa) và ý thức tìm tòi đổi mới của phần đông người cầm bút ở Nam Bộ thuở ấy.

4. Khi bàn đến tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử, người ta thường đề cập đến những vấn đề như “tính chân thực lịch sử”, “mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật”,... thế nhưng không ai phủ nhận hư cấu là quyền năng của tiểu thuyết. Bàn về vấn đề hư cấu nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử, G. Lucacs cho rằng: “Các nhân vật của tiểu thuyết lịch sử phải sinh động hơn các nhân vật lịch sử, vì các nhân vật của tiểu thuyết lịch sử được trao cho sự sống, còn các nhân vật lịch sử thì đã sống”(10). Ngay từ đầu thế kỷ XX, khi mà lý luận về thể loại tiểu thuyết chưa phát triển ở nước ta, các nhà văn Nam Bộ cũng đã nhận ra những yêu cầu và nguyên tắc cơ bản khi viết tiểu thuyết lấy đề tài từ lịch sử. Tân Dân Tử cho rằng: “Lịch sử đại lược chỉ tóm tắt những sự lớn lao mà không nói cặn kẽ những sự mảy múng. Còn lịch sử tiểu thuyết thì nói đủ cả, vừa chuyện lớn lao vừa chuyện mảy múng đều trải ra như một cảnh tự nhiên, biểu hiện trước mắt. Lịch sử đại lược có nói nhơn vật sơn xuyên, quốc gia hưng phế, mà không tả trạng mão ngữ ngôn, không tả tính tình phong cảnh, còn lịch sử tiểu thuyết thì tả đủ nhơn vật sơn xuyên, tính tình ngôn ngữ, tả tới hỉ nộ ái ố, trí não tinh thần, tả tới phong cảnh cỏ hoa, cửa nhà đài các, nhành chim lá gió, nhạc suối kèn ve, làm cho độc giả xem quyển sách miệng đọc câu văn mà dường như mình đã hóa thân đi du lịch. Xem thấy một phong cảnh, một nhơn vật nào đó, khiến cho kẻ ấy dễ cảm xúc vào lòng dễ quan niệm vào trí” (Lời tựa Gia Long tẩu quốc). Nguyễn Chánh Sắt viết Việt Nam Lê Thái Tổ với nguyên tắc “rút trong quốc sử mà phô diễn ra, gồm đủ văn chương và luân lý”, còn Phạm Minh Kiên khi viết cũng tựa trên cơ sở của sự “thêu thùa bày vẽ, sắp đặt nên truyện, nên tuồng rất dài”…

Nhà văn dựa vào một ít tư liệu lịch sử để sáng tạo nên tác phẩm. Cuộc đời, “sự tích ly kỳ” và sự nghiệp của Lý Công Uẩn được các bộ sử, dã sử ghi những dòng vắn tắt nhưng đã được Phạm Minh Kiên triển khai thành hai quyển tiểu thuyết gần tám trăm trang trong Lê triều Lý thịTiền Lê vận mạt. Tiểu thuyết Lê triều Lý thị tập trung xây dựng hình tượng nhân vật Lý Công Uẩn, người sáng lập nhà Lý. Lý Công Uẩn có tư chất thông minh hơn người, mồ côi từ nhỏ, được nhà chùa nuôi và học với hòa thượng Chánh Tâm chùa Từ Phong rồi sư Vạn Hạnh chùa Tiêu Sơn, sư Khánh Vân (sử ghi Khánh Văn) chùa Cổ Pháp. Lớn lên, Lý Công Uẩn chu du thiên hạ, kết bạn với hào kiệt khắp nơi. Nhân cứu thượng quan triều đình là Đào Cam Mộc thoát nạn thú dữ tấn công, Lý Công Uẩn được Đào Cam Mộc tiến cử với vua Đại Hành. Lý Công Uẩn ra giúp nhà vua cầm quân đánh dẹp sự nổi dậy của các tù trưởng miền núi và lập được chiến công, lại có lần cứu nhà vua thoát chết. Lý Công Uẩn được vua Đại Hành phong Bình Nam nguyên soái và gả em gái là Liên Hoa. Sau khi vua Đại Hành băng hà, thái tử Trung Việt lên nối ngôi nhưng bị Long Đĩnh cướp ngôi. Long Đĩnh hoang dâm, ăn chơi sa đọa, trị vì được hai năm thì chết. Lý Công Uẩn được quần thần tôn lên làm vua, lập nên nhà Lý, xưng là Lý Thái Tổ. Dù Lê triều Lý thị kết thúc ở việc Lý Công Uẩn lên ngôi, lập ra nhà Lý nhưng về cơ bản cuốn tiểu thuyết này tập trung chủ yếu vào giai đoạn đầu cuộc đời Lý Công Uẩn. Đó có lẽ là lý do Phạm Minh Kiên viết Tiền Lê vận mạt như là sự hoàn thiện về hình tượng nhân vật Lý Công Uẩn và lý giải sự suy vong của nhà tiền Lê. Khởi đầu với việc vua Long Đĩnh từ ngày giết anh cướp ngôi báu chỉ lo ăn chơi hưởng thụ, tin dùng nịnh thần Triệu Di và Trịnh Tấn, hắt hủi trung thần Hoàng Gia Thịnh, Trần Quảng. Long Đĩnh đi hết sai lầm này đến sai lầm khác, từ chỗ mê đắm Trịnh Vương phi là cháu ruột Trịnh Tấn, rồi tống ngục hoàng hậu Như Hoa để rồi đi đến kết cục bị Trịnh Di và Trịnh Tấn khống chế bắt viết chiếu nhường ngôi cho Trịnh Tấn. Trong tình cảnh rối ren đó, Lý Công Uẩn xuất hiện như một ngôi sao sáng, bằng tài năng và đức độ, nhờ sự giúp sức của những người tâm phúc như Lê Phụng Hiểu, Đào Cam Mộc, Vạn Hạnh đã thiết lập lại trật tự và lên ngôi năm 1010, lấy niên hiệu Thuận Thiên, xưng là Lý Thái Tổ.

Lý Thường Kiệt được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Thường Kiệt người Thái Hòa, thành Thăng Long, nối đời làm quan, nhiều mưu lược, có tài làm tướng. Khi còn ít tuổi, vì vẻ mặt tươi đẹp được sung làm Hoàng môn chi hậu theo hầu Thái Tông, thăng dần đến chức Nội thị sảnh đô tri. Thánh Tông thăng chức Thái bảo, trao cho tiết việt để đi kinh lý thăm hỏi lại dân ở Thanh Hóa, Nghệ An. Đến khi vua thân đi đánh Chiêm Thành, lấy làm tướng tiên phong, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Vì có công, được phong làm Phụ quốc thái phó, Dao thụ chư trấn tiết độ, đồng Trung thư môn hạ, Thượng trụ quốc, thiên tử nghĩa đệ, phụ quốc thượng tướng quân, tước Khai quốc công, sau lại có công nữa, được phong làm Thái úy, rồi chết”(11). Từ những chi tiết hết sức cô đọng về cuộc đời Lý Thường Kiệt, nhà văn Phạm Minh Kiên đã xây dựng thành bộ tiểu thuyết Việt Nam Lý trung hưng gồm bốn trăm lẻ năm trang. Trong tác phẩm này, nhà văn đã thể hiện quyền năng hư cấu đối với nhân vật lịch sử. Những chi tiết được nhà văn thêm thắt vào làm cho nhân vật lịch sử trở nên sống động và “đời hơn” như việc Lý Thường Kiệt cưới vợ ở quê nhà là Tố Loan, sinh con gái Hoàng Anh trước khi lên đường về kinh ứng thí, rồi chiến tranh với Chiêm Thành khiến mẹ rồi vợ phải chết, con gái thì lưu lạc, trở thành con nuôi quan trấn ải Sa Bang nước Chiêm là Chế Đạt Du Na, hai cha con Lý Thường Kiệt và Hoàng Anh nhận ra nhau trên chiến trường. Đó là những chi tiết không được chép trong lịch sử mà do trí tưởng tượng của nhà văn tạo nên. Với lịch sử, Lý Thường Kiệt chưa bao giờ có vợ là Tố Loan, càng không thể có con là Hoàng Anh được.

Nhà văn xây dựng nhân vật cũng mạnh dạn đưa vào (hoặc có sẵn trong huyền tích lịch sử) những chi tiết huyền bí về sự ra đời hoặc những chi tiết liên quan đến hành động của nhân vật. Lý Công Uẩn được hạ sinh nhờ một cơ duyên đặc biệt: “Nguyên do sự tích nhằm vào đời nhà Lê vua Đại Hành năm Tân Tỵ (981). Người thiếu nữ đây là Phạm Cúc Hoa mồ côi cha mẹ, vô làm công quả nơi chùa Tiêu Sơn, đêm khuya nằm ngủ chiêm bao thấy ông thầy tu núi đem cho một trái đào tiên bảo nàng ăn đi, nàng vâng lời ăn trái đào ấy thì giật mình dậy, từ đây đã kết tử thọ thai, đó là một điều thế gian hi hữu” (Lê triều Lý thị). Hay nhân vật Nguyễn Thị Lộ là do con rắn biến hình mà báo thù Nguyễn Trãi trong Việt Nam Lê Thái Tổ.

5. Trong tâm thế chống lại sự “lấn lướt” của truyện Tàu, nhà văn Nam Bộ đã sáng tạo các tác phẩm mang nội dung lịch sử Việt Nam, còn về kỹ thuật trên một số phương diện vẫn in đậm dấu ấn tiểu thuyết Tàu. Các tiểu thuyết có sự giống nhau trong cách thức tổ chức hệ thống sự kiện và hệ thống nhân vật tạo nên kiểu kết cấu tác phẩm theo hình thức chương hồi nhưng có những cải biên đáng kể theo cách thức của tiểu thuyết hiện đại. Cốt truyện của các bộ tiểu thuyết Lê triều Lý thị, Tiền Lê vận mạt, Trần Hưng ĐạoViệt Nam Lê Thái Tổ được tổ chức theo nhiều hướng khác nhau nhằm đạt đến mục đích đặc tả phẩm chất người anh hùng Lý Công Uẩn, Trần Hưng Đạo và Lê Lợi, đồng thời ca ngợi chiến công của quân và dân ta trong công cuộc chống giặc cứu nước. Nhìn chung, cốt truyện của các bộ tiểu thuyết này không mấy phức tạp bởi các hành động của nhân vật diễn ra liên tục, thống nhất, theo hướng cốt truyện biên niên. Điều này dễ chấp nhận ở tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử với việc mô tả các cuộc chiến tranh kéo dài. Điểm độc đáo trong cách tổ chức trình bày các sự kiện là nhà văn thường tìm cách tạo ra kịch tính cho sự kiện, qua đó nhân vật bộc lộ phẩm chất, tư tưởng. Lẽ thường, cốt truyện phải được triển khai trên nền của những xung đột căng thẳng, hay nói cách khác, chức năng quan trọng nhất của cốt truyện là bộc lộ các mâu thuẫn của đời sống. Cốt truyện Việt Nam Lý trung hưng kết cấu thành hai tuyến nhân vật đối nghịch cùng can dự vào những công việc triều đình: một bên là Lý Thường Kiệt, Thừa tướng Lý Đạo Thành, Hồ Quỳ, Trịnh Hoài Bảo, phía khác là quan Ngự sử Trương Hầu Mô, Trương Bất Nhã, Trịnh Thiết Hùng. Câu chuyện được triển khai theo thế giằng co giữa hai nhóm nhân vật này. Nhóm do Trương Hầu Mô cầm đầu tìm mọi cách ám hại Lý Thường Kiệt nhưng cuối cùng đều thất bại. Theo một hướng khác, Nặng gánh cang thường kết cấu theo kiểu truyện lồng trong truyện.

Bên cạnh những ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Hoa, tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử ở Nam Bộ cũng chịu ảnh hưởng của truyện thơ Nôm bình dân ở phương diện kết cấu truyện và cách thức xây dựng nhân vật. Hình ảnh Lý Thường Kiệt, Lý Công Uẩn khiến ta nhớ đến những nhân vật nam trong truyện Nôm bình dân: xuất thân bình thường, nhờ tài năng phẩm hạnh, học hành đỗ đạt hoặc có công với nước và hưởng một kết thúc có hậu.

Cách thức tổ chức không – thời gian trong các tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử ở Nam Bộ cũng có nhiều điểm đáng chú ý. Việc tổ chức cốt truyện theo hướng biên niên phù hợp với cách thức tổ chức thời gian theo hướng tuyến tính. Trong các tác phẩm, thời gian thường được ghi chính xác theo năm gắn với các sự kiện lịch sử. Không gian nghệ thuật trong các tác phẩm chính là không gian lịch sử gắn với vùng đất Thăng Long. Đó là cảnh rêu phong cổ kính của những ngôi chùa Từ Phong, Tiêu Sơn, Cổ Pháp nơi danh nhân Lý Công Uẩn ẩn mình, minh chứng cho một thời kỳ cực thịnh của Phật giáo Việt Nam trong Lê triều Lý thị. Là cảnh kinh thành, phủ đệ nguy nga tráng lệ, nơi diễn ra những tấn kịch chính trường và tình cảm thời vua Lê Thánh Tông trong Nặng gánh cang thường; nơi chứng kiến những bi kịch của người trí thức như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo trước thời cuộc trong Việt Nam Lê Thái Tổ. Là không gian và không khí chốn trường thi của kỳ thi tuyển chọn người hiền tài vào thời Lý trong Việt Nam Lý trung hưng. Là không gian của chiến trường ác liệt, ghi dấu những chiến công hiển hách và cũng không ít tổn thất của nhân dân ta gắn với các địa danh Vạn Kiếp, thành Thăng Long, thành Nghệ An… trong Trần Hưng Đạo; Ba Lâm, Lam Sơn, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa, Đông Đô, Tốt Động, Chúc Động, Túy Động, Chi Lăng, Xương Giang… trong Việt Nam Lê Thái Tổ. Viết về quá khứ xa, nhà văn hẳn ít có kinh nghiệm hay điều kiện để khảo cứu một cách tỉ mỉ những chi tiết đặc trưng mang tính lịch sử gắn với đền đài kiến trúc, không gian thiên nhiên nhằm tạo nên bầu “khí quyển” cho nhân vật lịch sử. Việc lưu giữ tư liệu, hình ảnh thuộc về lịch sử ở ta không phải là tốt lắm đã hạn chế các nhà văn khi muốn tìm tư liệu phục dựng quá khứ. Do vậy, trong lúc miêu tả đời sống lịch sử, nhà văn chủ yếu học tập từ tiểu thuyết lịch sử của Trung Hoa. Kĩ thuật miêu tả các trận đánh, thế trận phòng thủ tấn công trong Trần Hưng Đạo hay Việt Nam Lê Thái Tổ khiến ta nhớ đến không khí của những trận đánh nổi tiếng trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Không gian các sơn trại của các anh hùng hào kiệt Trần Mạnh Duy, Lê Phụng Hiểu trong Lê triều Lý thị hay Mã Đảo Sơn của nhóm Lê Chánh Bình, Lưu Kiến, Nguyễn Phụng Tường, Trần Tuấn Khanh khiến không thể không nghĩ đến bóng dáng sơn trại của các anh hùng Lương Sơn Bạc trong Thủy hử của Thi Nại Am. Có lẽ thói quen thưởng thức của độc giả Sài Gòn - Nam Bộ cũng giúp nhà văn tự tin khi sử dụng các thủ pháp nghệ thuật này.

Tinh thần dân tộc được thể hiện qua chủ trương về phong cách “viết tiếng An Nam ròng” khởi đầu từ Trương Vĩnh Ký và thế hệ ông. Tinh thần ấy tiếp tục được thể hiện trong tác phẩm của các nhà văn Nam Bộ thế hệ Phạm Minh Kiên, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, Tân Dân Tử... Dù viết về đề tài lịch sử, về những nhân vật sống trên đất Bắc thời quá khứ nhưng hành động và ngôn ngữ là của con người Nam Kỳ lục tỉnh, đó chẳng phải là một sự khẳng định tinh thần dân tộc hay sao?

*

Tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử Thăng Long – Hà Nội là một trong những đóng góp quan trọng của nhà văn Nam Bộ cho tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX. Dẫu cho những bộ tiểu thuyết này còn có những hạn chế ở một số mặt nhưng thực tế cho thấy đó là “một sáng tạo ít nhiều có ý thức dân tộc của những nhà cầm bút đó”(12). Nó thể hiện một khát khao giải phóng đất nước, tự cường dân tộc. Cái đáng trân trọng là ở tinh thần trách nhiệm của người trí thức, người cầm bút trước lịch sử dân tộc. Việc tái công bố những bộ tiểu thuyết lừng danh một thời này là rất cần thiết trong thời đại của chúng ta.

Chú thích:

(1) Xem thêm Phan Mạnh Hùng: Tiểu thuyết lịch sử Nam Bộ - một khuynh hướng nổi bật trong văn xuôi quôc ngữ Nam Bộ đầu thế kỷ XX, trong Những vấn đề Khoa học Xã hội & Nhân văn. Nxb. Đại học Quốc gia, TP. Hồ Chí Minh, 2008, tr.489-495.

(2), (8), (9) Nguyễn Huệ Chi, Vũ Thanh: Những đóng góp của Nguyễn Tử Siêu cho loại hình tiểu thuyết lịch sử giai đoạn đầu thế kỷ, Tạp chí Văn học, số 5-1996, tr.18, 17-18, 18.

(3), (6), (12) Tầm Vu, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Y: Văn học Quốc ngữ ở Sài Gòn – Gia Định cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, (tập II: Văn học-Báo chí-Giáo dục), Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (Chủ biên), Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1998, tr. 319, 317, 320.

(4) Bằng Giang: Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930, Nxb. Trẻ, 1992, tr.244-245.

(5) Xin xem:

- Bùi Đức Tịnh: Thư mục văn học (Sài Gòn Nam Bộ từ 1866 đến 1930)III. Truyện Tàu, trong Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, (tập II: Văn học-Báo chí-Giáo dục), Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (Chủ biên), Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1998, tr.348-352.

- Nhan Bảo: Thư mục tạm thời các dịch phẩm tiểu thuyết bình dân Trung Quốc sang chữ quốc ngữ, trong sách Tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc ở Châu Á (từ thế kỷ XVII – thế kỷ XX), Claudine Salmon (Biên soạn), Trần Hải Yến dịch. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004, tr.242-268.

(7) Tân Dân Tử (1875-1955), tác giả Giọt máu chung tình - 1924, Gia Long tẩu quốc - 1930, Gia Long phục quốc - 1932, Hoàng tử Cảnh như tây - 1931, Tham ắt phải thâm - 1940.

(10) Chuyển dẫn theo Trương Đăng Dung: Tiểu thuyết lịch sử trong quan niệm mỹ học của G. Lucacs. Tạp chí Văn học, số 5-1994, tr.41.

(11) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Bản dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.285.

 

 

Thông tin người viết bài:

Phan Mạnh Hùng, Thạc sĩ

Giảng viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH & NV TP.HCM

Địa chỉ: 12 Đinh Tiên Hoàng, Q 1, TP. HCM

Điện thoại: 08. 22160215, 0919500066

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. hoặc This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63677455
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
21173
17595
63677455

Thành viên trực tuyến

Đang có 206 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website